Dòng sông tâm thức

Bạn trẻ thân mến;

Chánh niệm là cái thấy, cái biết, ý thức sáng tỏ. Nói như thế cũng đủ cho bạn hiểu, nhưng làm sao bạn có thể chế tác được ý thức sáng tỏ ấy. Đó là nghệ thuật, kỹ năng, mà bạn phải nắm cho vững để áp dụng vào đời sống hàng ngày.

Là người mới thực tập, bạn có thể hiểu chánh niệm là gì, nhưng thói quen thất niệm, lo lắng, suy nghĩ quá mạnh, nên bạn cần nương tựa nơi tu viện có tăng thân đang thực tập mỗi ngày. Bạn không thể nào ngồi yên một mình ở nhà. Nhưng nếu chung quanh ai cũng ngồi yên, thì nó tạo ra nguồn năng lượng tập thể giúp bạn ngồi yên.

Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là kỹ năng thiền tập. Thiền tập chú trọng tới hai tư thế là ngồi thiền và đi thiền. Hẳn nhiên ở tư thế nào, hơi thở vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Khi thở, bạn chú ý ở huyệt đan điền, khoảng 3 cm phía dưới rốn. Huyệt đan điền là nơi xa lìa trung khu thần kinh, vốn kích thích nhiều suy nghĩ, cảm xúc, lo âu. Chú ý tới huyệt đan điền, thế nào tâm bạn cũng yên lại. Bạn thở tự nhiên, thở thoải mái, không cố gắng, không gồng gượng, không kéo dài, không ép ngắn. Bạn chú ý nhè nhẹ vào hơi thở và sự phồng xẹp của bụng. Nếu tâm đi lang thang, vọng động, thì bạn trở lại với hơi thở và sự phồng xẹp. Bạn đừng vật lộn với sự suy nghĩ, mà mỉm cười với nó, buông nó ra, rồi trở về với hơi thở.

Bạn hãy xem suy nghĩ mông lung là con chó con. Chó con ưa chạy đi, chạy lại, chồm nhảy lung tung. Bạn chỉ cần nhìn sự vọng động của nó, mà đừng để tâm xao lãng. Không nên bực mình với nó, bản chất chó con là phải chạy tới, chạy lui.  Con chó chạy một hồi, rồi nó cũng mệt. Lúc ấy, bạn có thể thở một cách nhẹ nhàng, thanh thản.

Tâm thức là dòng sông đang trôi chảy. Bạn không nên chận đứng dòng sông ấy, mà tập ngồi trên bờ dòng sông. Bờ ấy chính là hơi thở ý thức. Hơi thở ý thức là bến đỗ cho tâm hồn. Nếu không chú ý tới hơi thở, thì bạn không có bờ, do đó bạn phải bơi lội mãi trong dòng sông. Nó đưa bạn đi theo. Nó chảy tới đâu, thì bạn phải trôi theo nó. Có lúc dòng sông tâm ý chảy siết quá, nó làm cho bạn chìm ngập trong dòng lo lắng, suy tư, buồn phiền. Vậy nên bạn phải giữ vững bến bờ, đừng để bờ tan vỡ.

Nếu bạn muốn khám phá ngõ ngách của dòng sông tâm ý, thì bạn cần có một chiếc thuyền. Chiếc thuyền ấy cũng là hơi thở ý thức. Nắm lấy hơi thở ý thức, bạn giữ vững tay chèo mà lèo lái chiếc thuyền. Nếu không có thuyền chánh niệm, thì bạn bơi mãi trong dòng sông tâm ý. Có lúc dòng sông chảy siết quá, khiến cho bạn có nguy cơ chết chìm trong ấy.

Đó là hai ví dụ dễ hiểu để bạn thấy tầm quan trọng của hơi thở ý thức. Cố nhiên, có nhiều phương pháp thực tập khác như niệm Bụt, trì chú, công án… nhưng hơi thở là dễ nhất, thông dụng nhất. Bạn không nên có thái độ đứng núi này trông núi nọ, hay so sánh cao thấp giữa các pháp môn. Pháp môn nào cũng đều do Bụt trao truyền, bạn chọn lấy một pháp môn thích hợp và thực tập cho hết lòng.

Tôi may mắn học pháp môn An ban thủ ý, nghĩa là hơi thở giữ gìn tâm ý và đi thiền của đức Thế Tôn qua Bổn sư tôi. Bổn sư tôi không phải dạy lý thuyết về hơi thở ý thức và bước chân thiền hành, mà Người thực hành mỗi ngày. Tôi thấy tôi là con voi con đi theo dấu chân của voi mẹ. Voi mẹ chính là bổn sư tôi. Thiền hành có thể ví như những bước chân của loài voi.

Ở Phi châu, loài voi phải di cư cả mấy ngàn dặm mỗi năm để tìm nước uống và thức ăn. Con voi đi rất thoải mái, từng bước vững chãi, không hấp tấp, nhìn rất oai hùng. Thế mà năm nào, loài voi cũng di cư tới mấy ngàn dặm. Căn bản của thực tập là thanh thản. Bạn không cần gấp gáp để mong đạt tới đích. Bạn chỉ cần thực tập mỗi hơi thở, từng bước chân. Một bước chân có sự chú ý, có sự sống là có niệm, có định. Cho dù tập khí lo lắng còn mạnh, suy nghĩ còn mông lung, bạn cũng không nên nản lòng!

Kỹ năng thiền đi là bạn chú ý nơi điểm xúc chạm giữa lòng bàn chân với mặt đất. Bàn chân cảm giác được sự mát mẻ của đất mẹ. Bàn chân hôn lên lòng đất. Bạn đi sao cho tâm hồn bất an, phóng đãng có dịp được nghỉ ngơi, giúp bàn chân chạm vào lòng đất. Mới tập đi thiền, bạn nên đi bằng chân không, vì bàn chân có nhiều dây thần kinh ngoại biên, có thể cảm được sự mát mẻ của lòng đất. Có cảm giác là có xúc chạm. Có xúc chạm là có chú tâm. Có chú tâm là có định, có niệm.