Cái đẹp riêng

Bạn trẻ thân mến!

Bạn hỏi:

Đạo Bụt có nhiều bộ phái, có nhiều chủ trương, như vậy làm sao biết bộ phái nào, chủ trương nào là chính thống, gần với giáo lý nguyên thủy của Bụt?

Câu trả lời:

Mỗi bộ phái được ví cho một cành cây, và nhiều bộ phái xem như nhiều cành cây của cùng một cây. Cố nhiên mỗi cành cây hướng về một phía, do thế nó hấp thụ ánh sáng, khí trời, năng lượng khác nhau. Mỗi bộ phái có chủ trương riêng, đó là một chuyện bình thường.

Cũng giống như Sư Ông Làng Mai có biết bao nhiêu đệ tử tại gia và xuất gia, nhưng mỗi đệ tử hiểu và thực hành theo pháp môn của Sư Ông khác nhau, không ai giống ai cả, bởi vì sự hiểu biết, cách hành trì chịu ảnh hưởng sâu đậm nơi cách tư duy, khả năng, kiến thức, tính khí của từng người. Cũng cách đi thiền hành đó mà mỗi người hiểu khác nên thực hành cũng rất khác. Điều này không có gì gọi là mâu thuẫn cả, mà nó càng làm cho pháp môn của Sư Ông Làng Mai càng thêm linh động, giàu có.

Trên đời này có biết bao nhiêu bác sĩ y khoa, nhưng đâu phải bác sĩ nào cũng giống bác sĩ nào. Tất cả bác sĩ đều được đào tạo ra từ một chương trình y khoa, nhưng cách suy tư, học hỏi, tiếp nhận, trải nghiệm, khám nghiệm khác nhau, nên khi ra hành nghề, mỗi bác sĩ chữa trị bệnh nhân rất khác nhau.

Trong đạo Bụt, không có một giáo lý, một phương pháp, một chủ trương gọi là đúng hoàn toàn mà cũng không sai hoàn toàn với lời Bụt dạy. Mỗi phương pháp, mỗi tư tưởng, mỗi chủ trương đều là một con đường hướng về cõi giải thoát, một toa thuốc trị bệnh. Giáo pháp của Bụt còn được gọi pháp môn, nghĩa là cánh cửa của giáo pháp, mà đạo Bụt có vô lượng pháp môn. Giáo pháp của Bụt không phải là sự thật tuyệt đối. Sự thật tuyệt đối không thể diễn tả được bằng lời nói, khái niệm và tư tưởng. Giáo pháp là các liều thuốc trị bệnh cho chúng sanh. Chúng sanh có lắm bệnh thì Phật pháp cần có nhiều toa thuốc. Thế thôi! Vì thế chủ trương của các bộ phái đều là các con đường đi, các cánh cửa và không có đường nào sai hay đường nào đúng. Thích đường nào thì bạn chọn con đường ấy mà đi.

Mục đích tối hậu là đỉnh cao nhất của tự do, hiểu biết và thương yêu mà đạo Bụt gọi là Niết bàn. Cố nhiên khi thực tập, bạn không cần nôn nóng hay cầu mong đến đỉnh cao ấy. Bạn thưởng thức từng bước chân trên con đường đang đi. Tu tập là đi chơi thong thả, thư thái như đi xem hội chợ triển lãm hoa hay dạo nơi cảnh núi rừng tú lệ. Quan trọng là thưởng thức trăm hoa đua nở, cảnh đẹp của núi rừng, bởi khi lên tới đỉnh cao thì cũng để bạn thưởng thức không gian bao la, cảnh núi rừng hùng vĩ mà thôi.

Nhìn vào hạt bắp, bạn thấy trái bắp mùa xuân trước và cây bắp con trong tương lai.