Sáng tạo

Bạn trẻ thân mến!

Tinh thần đạo Bụt là cởi mở, bao dung và sáng tạo. Đạo Bụt luôn có một thái độ cởi mở để học hỏi, thu thập, nhận diện các nhu yếu về văn hóa, ngôn ngữ, con người, xã hội, thời đại để cống hiến những giáo lý và phương pháp thực tập mới, phù hợp với con người và xã hội ấy. Đạo Bụt không thể nào bắt chước hay rập khuôn được. Đạo Bụt Ấn Độ khác với đạo Bụt Trung Hoa, đạo Bụt Nhật Bản khác với đạo Bụt Đại Hàn…

Đạo Bụt luôn nhớ giữ gìn và nuôi dưỡng lòng bao dung, nghĩa là không kỳ thị bất cứ một truyền thống hay tôn giáo nào khác. Đạo Bụt không phải là một tôn giáo hay một nguồn tín ngưỡng. Bụt không phải là một vị thần linh, một đấng thiêng liêng. Bụt là người đã tìm ra con đường hết khổ, đạt tới niềm vui cứu cánh của Niết bàn. Thấy chúng sinh đang chìm ngập mãi trong biển khổ luân hồi nên Bụt muốn chia sẻ, chỉ dẫn lại con đường ấy cho mọi người.

Theo giáo lý vô thường, mọi sự, mọi vật đều không ngừng thay đổi, vì thế đạo Bụt luôn khích lệ và tôn trọng sự sáng tạo (creativity), sự làm mới (innovation). Tuy vậy, đạo Bụt muốn giữ mãi nguyên lý, tinh ba, nền tảng của lời Bụt dạy. Và đạo Bụt phải được trình bày thích hợp với căn cơ, sự hiểu biết của con người và thời đại. Đây là tinh thần Phật Pháp bất ly thế gian pháp.

Phật pháp phải đáp ứng với các vấn đề có thật, những khó khăn và khổ đau của cuộc đời. Bây giờ, trình bày Tứ diệu đế phải rất khác cách trình bày cách đây 20 năm, cho nên tinh thần Xưa bày nay làm chỉ làm đạo Bụt trở nên bất cập, lỗi thời (out of date), rồi chết dần chết mòn mà thôi. Bây giờ, Tứ diệu đế phải đi theo tinh thần y khoa, khoa học mới. Đạo Bụt phải thấy nguyên nhân (tập đế) sâu xa, cụ thể, rõ ràng bằng sự khám phá khoa học mới như các máy móc Catscan, MRI, dùng các hình ảnh như brain image, x-ray… chứ không nói chung chung như là vô minh, ái nhiễm nữa.

Phương pháp hành trì của đạo Bụt cũng phải không ngừng sáng tạo và càng ngày càng giàu có thêm. Bạn đừng làm riết một phương pháp thôi, bởi nó sẽ dễ đưa tới tình trạng lặp đi, lặp lại, nhai đi, nhai lại, rồi đâm ra lờn hoặc chỉ còn lại hình thức mà không có nội dung. Theo nguyên tắc, bất cứ pháp môn nào cũng phải đi theo tinh thần Bát chánh đạo hay Tam vô lậu học, tức là chánh niệm, thiền định và trí tuệ. Có thể nói Bát chánh đạo và Tam vô lậu học là giáo lý nền tảng, nguyên chất của đạo Bụt.

Chánh niệm là gì? Chánh niệm là đưa tâm trở về với thân trong giây phút hiện tại. Trạng thái này gọi là thân tâm nhất như, thân tâm một khối. Nó cũng được gọi là nhất tâm hay thiền định. Như vậy, thiền định là ánh sáng tập trung. Từ đó, bạn mới thấy rõ những gì đang xảy ra trong thân tâmvà chung quanh. Cái thấy này gọi là tuệ giác, và nó không phải là cái thấy bình thường của nhận thức, suy luận, tính toán chủ quan. Tuệ giác là cái thấy rõ ràng, trực tiếp, như thật, cái thấy về bản chất của sự sống bằng ánh sáng chánh niệm và thiền định.

Thời đại khoa học kỹ thuật tối tân này, pháp môn chánh niệm đã trở thành phổ biến và nổi tiếng khắp trời Tây. Nó đi vào các ngõ ngách của xã hội như đời sống, trường học, khoa học, y học, công nghiệp, nông nghiệp, doanh nghiệp, chính trị, quân đội. Người trí thức Tây phương thấy chánh niệm như là một nghệ thuật sống tỉnh thức, chú tâm, sáng suốt, tự chủ hơn là một tín ngưỡng. Ai mà không cần có sự chú tâm trong đời sống giúp công ăn việc làm tốt. Ai mà không cần khả năng tỉnh táo, nhạy bén để nhận diện, ôm lấy nỗi khổ niềm đau mà chuyển đổi thành an vui, hạnh phúc. Ai mà không cần sự sống tỉnh thức, thảnh thơi trong đời sống đầy ắp căng thẳng này. Ai mà không cần nếp sống đưa tâm trở về với thân trong giây phút hiện tại để tiếp xúc sâu sắc sự sống mầu nhiệm của thân tâm và chung quanh…

Các nhà khoa học, nhất là thần kinh não bộ và y khoa lâm sàng đang có nhiều hứng thú học hỏi, nghiên cứu, thử nghiệm về phương pháp chánh niệm để tìm ra những phương cách điều trị cho các chứng bệnh như căng thẳng, tâm lý, thể xác… Họ đang đưa sự thực tập chánh niệm, thiền định cụ thể như từ quán, bi quán, thẩm thấu, xót thương, hơi thở, trì chú, meta awareness… để thay đổi sự hoạt động đến bản chất của của não bộ, nơi được xem là bộ máy trung tâm điều khiển tất cả hoạt động của cơ thể, tình cảm, cảm xúc, sinh hoạt, phẩm chất của con người.

Đây không phải là tin vui cho tất cả chúng ta hay sao! Đạo Bụt đã trở nên một trong những dòng suối chính (main stream) của ngành khoa học kỹ thuật cao nhất, giúp ngăn ngừa căng thẳng, điều trị bệnh tật và làm lành mạnh đời sống của con người.

Vậy, sao bạn không thực tập sống chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Hãy đưa tâm về với thân trong hiện tại, trở về với chính mình, với sự tỉnh thức và tiếp xúc với sự sống linh động như tia nắng sớm lung linh trên chiếc lá, tiếng chim ca, đôi mắt ngây thơ của trẻ thơ… Đồng thời, bạn nhận diện rõ ràng những khó khăn, đau nhức, khổ đau đang hiện thực trong thân tâm và khắp mọi nơi để tự trị liệu cho bản thân và phát khởi lòng thương xót đến mọi người, mọi loài.