Tâm an và nhiệt huyết sống, có mâu thuẫn không?
Trích: “Đối thoại với Thiền sư Nhất Hạnh về hạnh phúc” – 2008
Câu hỏi: Thưa thiền sư, liệu có mâu thuẫn không khi ta đề cao tâm an, nhẹ nhàng, thanh tịnh, nhưng thực tế cuộc sống lại rất sôi động, cạnh tranh, mỗi con người phải vươn lên. Cũng có khi người ta coi stress, căng thẳng như là một thách thức thú vị của cuộc sống (như việc chơi game chẳng hạn). Đạo Phật có mâu thuẫn khi gạt đi những sôi động, những thách thức khiến con người phát triển và có nhiệt huyết sống không?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Một nhà chính trị thì luôn muốn mình đem lại thành công cho đất nước. Một doanh thương cũng muốn thành công cho cả doanh nghiệp chứ không phải chỉ cho mình. Nếu hình hài không có an thì không thành công được. Thực tập đem lại sự an ổn trong thân, trong tâm sẽ giúp họ thành công, dù là nhà chính trị hay doanh nhân, không có gì chống đối hết. Khi sử dụng ái ngữ và lắng nghe thì họ thành công hơn trong lĩnh vực chính trị, kinh doanh của họ. Những niềm vui của họ có thể rất lớn khi họ thực hiện những điều họ mơ ước. Sự thành công của mình không hẳn phải trả giá bằng sự thất bại của người khác. Tại sao người kia phải thất bại thì mình mới thành công? Đó là câu hỏi quan trọng. Làm thế nào để tôi thành công và anh cũng thành công? Có như vậy thì hạnh phúc của ta sẽ lớn hơn, vì không ai đau khổ do sự thành công của chúng ta hết. Hạnh phúc của chúng ta đâu phải chỉ là quyền lực, danh vọng, tiền bạc. Hạnh phúc là khi chúng ta có tình thương và sự hiểu biết.
Trong mỗi chúng ta có hai nhu cầu sâu sắc, đó là nhu cầu hiểu biết và thương yêu. Những nhà khoa học vì nhu cầu hiểu biết mà thức đến 3 – 4 giờ khuya để nghiên cứu thí nghiệm. Những nhà đạo học không dùng phương tiện đo lường mà dùng thiền quán để tìm hiểu. Con đường tâm linh cũng khám phá, làm thỏa mãn nhu yếu hiểu biết của con người.
Nhu yếu thứ hai sâu sắc của con người là thương yêu và được thương yêu. Sở dĩ ngày xưa thái tử Siddharta bỏ nhà đi tu là tại vì Siddharta thấy rằng tình thương dành cho một người không đủ, không làm thỏa mãn ý chí của người con trai đó. Vì vậy Siddharta đã ra đi tìm tình thương có thể ôm lấy mọi người, mọi loài, tình thương không biên giới.
Ta có khao khát rất lớn là được thương yêu, thương yêu có thể phát triển tới vô biên, ôm lấy vũ trụ. Khi ta có hiểu biết lớn, thương yêu lớn thì hạnh phúc sẽ lớn. Vì vậy nhà doanh thương, nhà chính trị mà trong khi hoạt động mở rộng được tình thương, hiểu biết của mình (càng hiểu thì càng thương, hiểu sâu thì thương nhiều) thì hạnh phúc rất lớn, không có gì mâu thuẫn.
Khóa tu dành cho các nhà lập trình và thiết kế mạng tại San Francisco, Mỹ – năm 2015
Đọc thêm: Đối thoại với Thiền sư Nhất Hạnh về hạnh phúc