Phước đức lớn nhất
Hỏi: Chúng con không nghe Thầy nhắc đến tầm quan trọng của sự tích lũy phước đức trong đời hiện tại hoặc tránh tạo ra những nghiệp xấu ác; sự thực tập này có liên hệ tốt xấu như thế nào đối với vấn đề tái sinh trong tương lai. Với tuổi của con, con không biết là mình có nên cố gắng tích lũy phước đức bằng cách thực tập “an trú trong hiện tại” thêm gấp đôi hay không, nghĩa là con có nên khẩn trương thực tập tích lũy phước đức càng nhiều càng tốt để được tái sanh về hướng an lành trong tương lai hay không?
Thầy: Khi quý vị thực tập thở vào, thở ra, an tịnh thân tâm và mỉm cười là quý vị đang tích lũy được rất nhiều phước đức. Quý vị trở nên một người có hạnh phúc. Tự thân của quý vị tỏa ra được phong thái của một người tự do, thanh thản, nhẹ nhàng và hạnh phúc. Cho dù quý vị không cố gắng làm cho những người chung quanh mình hạnh phúc, nhưng họ vẫn cảm thấy hạnh phúc được sống gần gũi với quý vị. Quý vị cũng làm cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên và con cháu của quý vị được hạnh phúc. Quý vị có thể tích lũy phước đức như thế ngay trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày.
Tái sinh là quá trình xảy ra trong từng giây từng phút, trong từng sát na của sự sống. Chúng ta chết đi và sinh ra trở lại trong từng phút giây. Có thể quý vị nghĩ rằng mình đã già, kỳ thực quý vị còn trẻ lắm; quý vị vừa mới sinh ra. Khi nhìn vào chính mình, tôi không cần phải hỏi là sau khi chết tôi sẽ như thế nào? Tôi sẽ đi về đâu? Tôi sẽ sinh ra, sẽ tái sinh dưới hình thức nào? Bởi vì bằng sự quán chiếu sâu sắc trong giây phút hiện tại, tôi thấy tôi đã tái sinh dưới muôn ngàn hình thức của sự sống. Nhìn vào đại chúng, quý vị sẽ thấy sự có mặt của tôi trong các thầy, các sư cô, sư chú, các đệ tử cư sĩ, và có mặt luôn trong từng cọng cây ngọn cỏ… Tôi đã tái sinh trong mỗi quý vị. Quý vị là sự tiếp nối của tôi. Tôi đang có mặt trong từng tế bào cơ thể quý vị đứng về phương diện trí tuệ, tình thương và tâm linh. Tôi là quý vị, quý vị là tôi. Tôi không cần phải chết đi mới bắt đầu tái sinh. Trong giây phút này đây, tôi không cần vội vàng, khẩn trương để thực tập tích lũy phước đức.
Có người nói với tôi rằng: “nếu ba năm đầu làm sa di của Thầy thành công, thì Thầy có thể trở thành một người hạnh phúc trong suốt đời tu”. Điều này rất đúng đối với trường hợp của tôi. Phước đức lớn nhất mà mình có thể thực hiện được là đừng bao giờ nghĩ tới chuyện tích lũy nó. Quý vị chỉ cần sống đời sống của mình cho thật chánh niệm, sâu sắc, vun trồng tình thương mỗi ngày, thì hạnh phúc sẽ đến với quý vị liền lập tức ngay trong phút giây của sự thực tập.
Đức Thế Tôn có dạy: ‘‘Giáo lý của ta nói ra mầu nhiệm, đẹp đẽ ở chặng đầu, ở chặng giữa và ở chặng cuối.’’ Điều này có nghĩa là quý vị không cần phải thực tập mười năm, hai mươi năm hay ba, bốn mươi năm sau mới có kết quả. Đức Thế Tôn có nói: ‘‘Giáo pháp của ta có tính cách vượt thoát thời gian (akalika); là giáo pháp hiện pháp lạc trú – nghĩa là những lời dạy nếu đem ra thực tập đúng mức thì quý vị có thể đạt tới an lạc, hạnh phúc và giải thoát ngay trong kiếp sống hiện tại. Giây phút mà quý vị bắt đầu thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười, là quý vị nếm được an lạc, giải thoát và hạnh phúc ngay trong sự thực tập, chứ không phải là vấn đề thời gian, năm tháng.’’
Trong khi thực tập, ta chỉ cần thực tập, sống với pháp lạc, không khởi tâm mong cầu phước đức thì phước đức tự khắc được tích lũy. Sự thật là tôi đã tái sinh trong rất nhiều hình tướng khác nhau mà có thể quý vị chưa nhận ra. Quý vị nghĩ rằng tôi đang ngồi đây với cái thân tướng có chiều cao một thước mấy này, lớn cỡ chừng này là quý vị lầm rồi. Tôi đang biểu hiện khắp mọi nơi và trong nhiều hình thức khác nhau ngay trong giây phút này. Chúng ta phải tập nhìn để thấy sự thật mầu nhiều của thực tại, của thế giới không sinh không diệt, không một không khác, không đến không đi… mà đừng để bị đánh lừa bởi tri giác sai lầm, bởi các tướng trạng bên ngoài. Trong kinh Bụt có nói rằng chỗ nào còn có tướng là chỗ đó còn có sự lường gạt. Chúng ta phải tu tập và quán chiếu để đạt tới cái thấy vô tướng.
(Trích từ tác phẩm “Hơi thở nuôi dưỡng, Hơi thở trị liệu” – Sư Ông Làng Mai)