Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời tham vấn

Làm thế nào khi mất người thương?

Trích phần vấn đáp trong pháp thoại ngày 29 tháng 7 năm 2014, tại Xóm Trung trong khóa tu mùa hè.

Câu hỏi: Trường hợp vợ chồng sống với nhau tương đối hạnh phúc, con cái đã trưởng thành và lập gia đình. Nay một trong hai người đã qua đời thì người kia phải làm như thế nào để có đủ năng lượng đi hết đoạn đường còn lại. Thường thì người này sẽ chết vì đau buồn, nhớ thương sau một khoảng thời gian ngắn khi người kia qua đời. Phải làm sao để đi hết đoạn đường còn lại trong an lạc, thong dong, không bị ám ảnh bởi quá khứ?

 

Thầy trả lời:

Trịnh Công Sơn có bài hát Hạ trắng, trong đó có câu: “áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”. Có lần Trịnh Công Sơn nói rằng câu chuyện đó bắt nguồn từ câu chuyện của một cặp vợ chồng ở Huế. Hai ông bà sống với nhau cho tới già và con cái đã lớn, có gia đình riêng. Sống với nhau tới khi đầu bạc răng long là một thành công. Trong suốt sáu mươi, bảy mươi năm sống với nhau, sáng nào bà cũng xuống bếp pha cho ông một bình trà. Không có ngày nào không làm như vậy nên nó là một lễ nghi.

Buổi sáng hôm đó, như thường lệ bà xuống bếp làm cho ông bình trà nhưng chẳng may bị trúng gió, ngã ra và qua đời ngay tại bếp. Trên nhà ông đợi hoài không thấy bình trà đem lên. Trong lúc đó, tình cờ đứa con trai ghé nhà và thấy mẹ đã qua đời dưới bếp liền tìm cách đưa mẹ về nhà làm lễ an táng. Anh sợ báo tin cho cha biết là mẹ đã mất thì cha sẽ buồn và mất theo nên tìm cách giấu tin đó. Sau đó anh đã nói với cha: “mẹ của chúng con đang ở với các cháu nên con qua đây để chăm sóc cha”. Anh đã tìm cách giấu tin đó trong nhiều ngày nhưng giấu lâu không được nên một buổi sáng ông đã hỏi: “có phải mẹ của các con đã mất rồi phải không?” Lúc đó anh đã òa ra khóc và nói: “thưa cha, đúng như vậy”. Từ đó trở đi ông không ăn cơm nữa, không có uống trà nữa cho tới khi ông mất. Vì người đã sống với mình sáu, bảy chục năm giờ không còn nữa thì mình không có lạc thú sống ở trên đời nữa và người đó không muốn sống nữa. Đó là trường hợp của khá nhiều người.

Để trả lời cho câu hỏi này phải dựa trên sự quán chiếu về sống, chết. Khi mình chết rồi thì mình đi về đâu, vì có nhiều người nghĩ rằng chết rồi là hết. Kỳ thực không phải. Ví dụ như đám mây. Khi đám mây  không còn là đám mây thì nó tiếp tục trong một hình thức mới là cơn mưa, hoặc là tuyết. Không có gì là từ có trở thành không. Cái gì cũng tiếp tục. Nó chỉ thay hình đổi dạng. Vậy nên khi người thương của mình chết không có nghĩa là người đó không còn. Người đó vẫn còn dưới những hình thức khác. Không có gì mất đi. Khoa học bây giờ cũng công nhận điều đó. Họ nói rằng vật chất và năng lượng không mất đi. Trên phương diện hình thức thì mình không thấy nó nhưng trên phương diện nội dung thì nó vẫn còn. Vật chất dưới hình thức này có thể trở thành vật chất dưới hình thức kia và vật chất có thể biến thành năng lượng. Năng lượng dưới hình thức này có thể trở thành năng lượng dưới hình thức kia và năng lượng có thể trở lại thành vật chất. Đó là luật thứ nhất của nhiệt động học. Khoa học cũng đồng ý rằng không có gì sinh cũng không có gì diệt, giống như trong Tâm Kinh Bát Nhã có nói bản chất của sự vật là không sinh không diệt.

Trong trường hợp bà mất thì ông phải quán chiếu là bà vẫn còn và đang được tiếp nối trong ông và trong các con. Một ví dụ rất dễ hiểu là ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua một thời gian làm em bé. Khi mình ba tuổi thì cha có chụp cho mình chụp một bức hình. Hình đó còn nằm trong album. Bây giờ lật ra và ta thấy em bé ba tuổi là mình thì mình hỏi em bé ba tuổi này đã chết chưa? Nếu chưa chết thì tại sao mình không còn thấy nữa. Cũng như đám mây. Mình không thấy đám mây ở trên trời thì mình nói đám mây đã chết rồi. Vậy nên mình phải thấy sự tiếp tục của đám mây trong cơn mưa. Bây giờ mình không thấy mẹ của các cháu nữa nhưng không có nghĩa là bà đã chết. Bà còn đang tiếp tục ở trong chính mình và trong các cháu, cả ở những chỗ khác nữa.

Trong đạo Bụt mình được học về nghiệp (nghiệp tức là hành động). Trong đời sống hàng ngày mình chế tác những tư tưởng, lời nói và hành động. Những cái đó là sự tiếp nối của mình, gọi là nghiệp. Mọi tư tưởng của mình đều mang chữ ký của mình. Chính mình đã phát ra những tư tưởng đó. Dù là tư tưởng từ bi hay tư tưởng hận thù đều là tư tưởng. Những tư tưởng phát ra làm cho mình khổ hay hạnh phúc thì mỗi tư tưởng đều mang chữ ký của mình. Mỗi lời nói của mình cũng vậy. Lời nói của mình dễ thương hay khó thương thì mỗi câu nói đó đều mang chữ ký của mình. Mình là tác giả. Những hành động của cơ thể mình có thể là những hành động tàn sát, giết hại thì những hành động đó đều mang chữ ký của mình. Những hành động cứu trợ, giúp đỡ, che chở thì cũng là hành động của mình. Tất cả những hành động đó đều mang chữ ký của mình. Tư tưởng, hành động, lời nói của mình là sự tiếp nối của mình trong tương lai. Khi cơ thể của mình tàn hoại thì mình cũng tiếp tục như thường, vì những hành động kia (tam nghiệp) được tiếp nối dưới những hình thức khác. Vậy nên mình không thể nói người kia không còn nữa. Người kia vẫn còn. Tại vì mình không nhận ra sự tiếp nối của người kia mà thôi.

Cho nên ông cụ cần phải thấy được bà vẫn còn sống, vẫn đang có mặt nơi các con và các cháu của mình. Ông cụ vẫn phải làm công việc nuôi dưỡng các con và cháu của mình. Ví dụ mình có một cây bắp mới lên. Khi nẩy mầm nó cắm rễ xuống đất và cho ra hai chiếc lá. Năm, bảy ngày sau có thêm năm hay sáu, hay bảy chiếc lá. Nếu quán sát thì mình sẽ thấy hai lá đầu từ từ vàng và khô lại. Cây chuối cũng vậy. Những lá chị vàng đi và khô lại trong khi những lá em xanh tươi mơn mởn đi lên. Nếu quan sát cho kỹ thì ta thấy hai lá đầu đã từng sống, đã từng tiếp thu nước và những chất ở dưới đất đi lên. Nó tự nuôi nó và nó nuôi những chiếc lá em. Bây giờ đây, nếu nhìn cho kỹ thì ta thấy hai chiếc lá chị đang có mặt đây, trong tất cả những chiếc lá em. Vậy nên hai chiếc lá chị đó dầu có khô, có vàng đi nhưng không phải là đã chết. Nó vẫn còn tiếp tục sống ở trong những chiếc lá non, lá còn xanh. Điều đó cũng dễ hiểu, cũng dễ thấy.

Cũng vậy, mình không chết được Mình còn đang được tiếp tục ở những thế hệ tương lai. Những gì mình nói, mình làm, mình suy nghĩ  đang tiếp tục trong cuộc đời. Nếu ông cụ thấy được điều đó thì ông sẽ tới và sống với các con, các cháu. Ông sẽ thấy ông vẫn còn tiếp tục nuôi dưỡng được các con, các cháu. Nếu làm được như thế thì sẽ không có sự mất mát. Điều này cũng cần tuệ giác. Tuệ giác đó chỉ có thể do thiền quán đưa lại mà thôi. Tuệ giác đó có thể giúp ông vượt thắng được sự cô đơn của mình. Ông không còn bị kẹt vào cái tướng của bà. Ông có con mắt vô tướng. Ông không còn thấy bà trong hình dáng quen thuộc mà ông thường thấy, mà ông thấy bà trong hình thái mới, rất trẻ, rất đẹp.

Cũng như ngày mai, nếu quý vị nghe tin thầy Nhất Hạnh không còn nữa thì quý vị đừng có khóc, vì quý vị nhìn vào quý thầy, quý sư cô trẻ, quý vị phật tử trẻ đang tiếp nối Thầy. Quý vị thấy cách họ đi, cách họ đứng, cách họ ngồi, cách họ giúp đời thì đó là Thầy. Thầy đang còn tiếp tục. Thầy không chết đi. Mình không cần phải khóc, mình không cần phải buồn. Không có gì chết hết. Cái gì cũng tiếp tục. Cái đó chỉ có tu thiền, quán chiếu thì mới thấy được mà thôi. Mình sẽ vượt thắng được cô đơn, tuyệt vọng.