Có phân biệt là có khổ đau

Sự khác biệt nhận thức và về tôn giáo luôn có trong tư tưởng con người. Tư tưởng phân biệt làm cho con người hận thù, chia rẽ, đấu tranh nhau. Có phân biệt là có khổ đau. Thầy không khuyên chị có nên trở lại với người yêu mình hay không, thầy chỉ khuyên chị nên tập buông bỏ nhận thức phân biệt giữa Chúa và Bụt. Chính nhận thức đó đang tạo ra sự chia rẽ và xa cách.

Câu hỏi:

Con là một Phật tử, mới thọ 5 giới được một năm. Tuy gia đình con có thờ ảnh Phật nhưng theo đạo thờ Ông Bà. Con thương một người đạo Công giáo. Lúc đầu, bạn con và con thỏa thuận ai giữ đạo người nấy, còn con cái sau này khi đủ 18 tuổi sẽ tự quyết định theo đạo nào. Nhưng rồi, đến khi tính chuyện cưới xin, con mới biết rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Gia đình bạn con cố chấp, muốn con phải theo Đạo Chúa. Con đã cố gắng thuyết phục gia đình bạn ấy, nhưng họ vẫn khăng khăng muốn con theo. Điều làm con xót xa nhất là bạn trai cũ của con, do sự ép buộc và áp lực từ gia đình, nên dù hiểu Phật Pháp là lẽ sống của con vẫn yêu cầu con hy sinh đi theo Đạo Chúa. Con bàng hoàng và đau đớn vô cùng, bởi vì sao con người ta có thể thay đổi nhanh đến thế, và tại sao có thể ích kỷ, và vô minh đến thế. Chúng con đã chia tay được một tháng.

Thời gian chia tay cũng mới, nên lòng con vẫn còn dậy sóng thường lắm. Con cố gắng quay về săn sóc tâm mình nhiều hơn. Con cố gắng sắp xếp thời gian nghe pháp thoại của Sư Ông và nghe sách đọc “Đường Xưa Mây Trắng”. Con hiểu hơn về nỗi đau mà con đang trải qua, nhưng sao lòng con vẫn chưa yên. Con cần một bàn tay, một lời khuyên để tiếp sức cho niềm tin nơi con thêm vững chãi. Con yêu cuộc sống này, yêu thương gia đình con, yêu thương những dự án mà con dự định làm cho những người nghèo khổ nên con cần sống tốt. Con không muốn sống phí phạm thêm một ngày nào trong đau khổ và phiền não nữa.

 

Thầy Pháp Toại trả lời:

Chào chị! Cảm ơn chị đã chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn mà chị đang đối diện. Thật xót xa khi biết bao nhiêu cặp thanh niên thiếu nữ đang đau khổ vì không lấy được nhau do sự khác biệt về tôn giáo; bên này bắt bên kia phải bỏ đạo, phải chọn lựa.

Tuy nhiên, Pháp Toại rất vui vì chị đã nhận ra rằng điều quan trọng nhất trong lúc này là “quay về săn sóc tâm mình nhiều hơn”. Lòng chị vẫn còn hay “dậy sóng”, cho nên mỗi khi cảm xúc trong lòng nổi lên, chị không nên tư duy bởi vì càng tư duy thì cảm xúc càng lên cao, chị sẽ càng khổ đau thêm.

Chị đang có vết thương trong lòng, thân và tâm có những đau nhức. Khi những con thú trong rừng bị thương, chúng thường tìm một nơi yên tĩnh để nằm nghỉ. Chúng nằm tĩnh dưỡng trong yên lặng nhiều ngày, không còn nghĩ đến chuyện đi săn mồi, đi kiếm thức ăn hay chuyện gì khác. Chúng chỉ cần nằm yên nghỉ, và những vết thương của chúng có điều kiện để tự chữa lành. Chị cũng cần thực tập như vậy. Chị cần dành thời gian để trở về chăm sóc thân tâm, để nhận diện và ôm ấp những cảm xúc, những con sóng lao xao trong lòng. Suy nghĩ về đúng sai, tốt xấu chỉ có tác dụng cung cấp thức ăn để nuôi dưỡng khổ đau mà thôi.

Mỗi lần cảm xúc đi lên, chị nên thực tập trở về với hơi thở vào – ra để nhận diện là mình đang có cảm xúc và nó sẽ từ từ lắng xuống. Thực tập kế tiếp là gọi đúng tên của các cảm xúc hay tâm hành mà chị đang có: cảm xúc giận, trách móc, muốn trả đũa,… Chị cần phải thương chính mình trước tiên. Cần ý thức rằng chính những hạt giống và tâm hành đó đang làm cho chị khổ đau. Chị cần thiết lập thân tâm an trú trong hơi thở chánh niệm để buông gánh phiền não kia xuống. Hạnh phúc sẽ có mặt liền lập tức, hạnh phúc có được nhờ phiền não trong tâm lắng xuống.

Chị cũng cần thực tập chánh niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi. Tất cả các sinh hoạt của mình cần có yếu tố chánh niệm. Chánh niệm là năng lượng giúp mình biết những gì đang xảy ra trong thân tâm mình mà không mặc kệ, đè nén và trốn chạy khổ đau bằng cách tìm niềm vui trong phim ảnh, ăn uống, hay tìm một người khác để trò chuyện, kể cả việc lên mạng … để khỏa lấp niềm đau của mình. Chị có thể đọc và thực tập thiền theo cuốn sách Sen Búp Từng Cánh Hé, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, Tuổi Trẻ Tình Yêu Và Lý Tưởng, Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm… Những cuốn sách này sẽ tiếp thêm năng lượng cho chị trong thực tập. Khi nào có thời gian, chị cũng có thể lên trang nhà Làng Mai để nghe pháp thoại của Thầy… Điều quan trọng là chị phải biết thương yêu chính bản thân mình vì không ai thương chị bằng chị hết.

Sự khác biệt nhận thức và về tôn giáo luôn có trong tư tưởng con người. Tư tưởng phân biệt làm cho con người hận thù, chia rẽ, đấu tranh nhau. Có phân biệt là có khổ đau. Thầy không khuyên chị có nên trở lại với người yêu mình hay không, thầy chỉ khuyên chị nên tập buông bỏ nhận thức phân biệt giữa Chúa và Bụt. Chính nhận thức đó đang tạo ra sự chia rẽ và xa cách.

Hiện tại chị không cần cố gắng gì thêm mà cần có thời gian chăm sóc thân tâm, học hỏi và hành trì giáo lý của Bụt. Giáo lý có công năng chữa lành vết thương khi chị biết trở về với chính mình, thực tập hết lòng lời Bụt dạy. Chúc chị dũng cảm đứng dậy sau một lần vấp ngã. Sự vấp ngã nào cũng có giá trị của nó. Theo lời Bụt dạy: “Có bùn mới có sen”. Bùn sẽ làm ra sen nếu như chúng ta biết sử dụng bùn để quán chiếu và chuyển hóa.

Chị hãy nên trân quý giây phút hiện tại là chị vẫn đang còn sống, còn sức khỏe, có tài năng và biết tu tập. Hy vọng khó khăn của chị sẽ qua mau và chị sẽ tìm lại được niềm vui trong cuộc sống.

 

Sư cô Trăng Mai Thôn trả lời:

Em biết không, Làng Mai bây giờ đang vào cuối thu, không khí lạnh và ẩm ướt, lá cây cũng vàng và rụng nhiều. Cũng có nhiều lá đỏ nữa. Sáng nay chị ngồi chơi với một chiếc lá mùa thu. Màu lá đỏ thắm, rất đẹp. Chị lấy màu ra vẽ, cố gắng diễn đạt lại cái đẹp của chiếc lá nhưng sau khi vẽ xong, chị thấy không đủ tài năng để lột tả cái đẹp của đất mẹ, mà đại diện là chiếc lá kia. Chị mỉm cười và tự bằng lòng với những gì mà mình làm được. Mình chỉ làm được tới đó thôi, và mình chấp nhận như thế để hạnh phúc, không đòi hỏi ở mình hơn nữa.

Em ạ, đọc thư em chị thấy rất thông cảm với nỗi đau của em. Mới chia tay một tháng thôi thì vết thương vẫn còn mới lắm nên em có dậy sóng trong lòng thì cũng là một chuyện rất bình thường em ạ.

Chị thấy em rất may mắn và có phước đức vì em đã tìm ra được Bụt, tìm ra được con đường tâm linh cho mình, và khi khổ đau thì biết phải làm gì. Em cũng biết chấp nhận hoàn cảnh mà không trách móc nhiều, dù là em có thất vọng vì người kia. Em có cái nhìn rất sáng tỏ và rất kiên cường.

Sư Cô Chân Không có viết quyển sách tựa đề là “Con đường mở rộng”, không biết em đã đọc chưa, nếu chưa chị nghĩ em nên đọc. Chị đọc quyển sách ấy và thấy lòng mình tự nhiên mở ra rất nhiều vì trong khi đọc. Lòng từ bi và đức hy sinh không bờ bến của Sư cô đã tưới tẩm những hạt giống tốt của chính chị. Chị nhớ sư cô có nói là hồi sư cô biết tin là bao nhiêu công sức sư cô bỏ ra để giúp trẻ em trong chương trình cứu trợ không còn gì nữa vì sau 1975 mọi việc đã đảo lộn hết, sư cô đã không ngủ được, và sư cô cũng không muốn sống nữa. Điều duy nhất sư cô làm lúc ấy là trở lại với hơi thở ý thức. Mỗi lần quên ý thức tới hơi thở, sư cô nhớ lại chuyện ấy là lại không chịu nổi, chỉ muốn chết, vì vậy hơi thở ý thức là cứu cánh của sư cô. Khi lòng em dậy sóng, em quay trở về hơi thở em nhé.

Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào

Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra

Hay là:

Thở vào một hơi ngắn tôi biết đó là một hơi thở ngắn

Thở ra một hơi ngắn, tôi biết đó là một hơi thở ngắn

Thở vào một hơi dài, tôi biết đó là một hơi thở dài

Thở ra một hơi dài, tôi biết đó là một hơi thở dài

Tập thở như vậy thật miên mật, ngay cả lúc em đi, làm việc, ăn cơm, mặc áo…, sau một thời gian em sẽ thấy tâm mình bình lặng lại và không còn dậy sóng thường xuyên nữa. Nếu có thì cơn sóng sẽ ngày càng yếu đi.

Chị biết em rất thất vọng vì sự thay đổi của người bạn ấy, vì mới ban đầu anh ấy đã có thái độ rất cởi mở. Tuy nhiên, có thể vì anh ấy bị sức ép của gia đình. Ngoài ảnh hưởng của xã hội, sống trong gia đình, phần lớn ai trong chúng ta cũng lớn lên trong sự giáo dục của cha mẹ. Sư Ông có dạy là mình được cha mẹ ông bà trao truyền rất nhiều thứ, từ tinh thần đến thể chất. Mình bị ảnh hưởng bởi gia đình, ông bà tổ tiên, cha mẹ, vì vậy mình mới trở thành con người như mình hôm nay. Em cũng vậy, chị cũng vậy, mà anh ấy cũng vậy. Nếu em nhìn thật sâu, thật kỹ, em sẽ thấy anh ấy được tạo thành bởi những yếu tố không phải anh ấy, như chị đã kể trên. Vì vậy có lẽ khi tình yêu mới ban đầu rất sôi nổi và hồn nhiên nên anh ấy đã đồng ý với em, tuy nhiên về sau này có thể những ảnh hưởng của gia đình quá mạnh nên anh ấy không cưỡng nổi. Hiểu như vậy rồi, em sẽ dễ buông bỏ cảm giác xót xa trách móc khi nghĩ đến người ấy. Em có thể thực tập 5 cái lạy mỗi ngày trong một thời gian. Sự thực tập này giúp em tiếp xúc với năng lượng của hai dòng tổ tiên tâm linh và huyết thống, đồng thời giúp em gởi tình thương đến những người làm khổ mình. Mới đầu nghe hơi khó làm nhưng nếu em kiên trì, một thời gian ngắn sau em sẽ thấy kết quả.

Em có thể tiếp tục đọc sách Sư Ông và nghe pháp thoại vì nó tưới tẩm và nuôi lớn chánh kiến trong em, giúp em có một cái thấy đúng về vấn đề và về bản thân mình. Tuy nhiên pháp môn Làng Mai cũng có nhiều pháp môn rất thực tế để em thực hành trong cuộc sống hàng ngày, nhất là khi em đi qua những “giây phút chạnh lòng”. Đó là các pháp môn thiền đi, thiền ăn, thiền làm việc, thiền buông thư… Mỗi ngày em thực tập chánh niệm theo lời hướng dẫn của Sư Ông trong bốn tư thế đi, đứng, nằm, ngồi thì trong một thời gian ngắn thôi em sẽ có được sự bình an, vững chãi. Em có thể in bài thực tập 5 lạy ra rồi tự đọc trước khi lạy xuống, trong khi phủ phục em quán chiếu thêm về những gì mình vừa mới đọc.

Chúc em thực tập vui và có kết quả.

Thương quý và tin cậy