Truyền thông với chính mình

Cô đơn là khổ đau của thời đại. Ngay khi ở trong một đám đông chúng ta vẫn cảm thấy cô đơn. Cùng nhau chúng ta cô đơn. Trong ta như có một sự trống vắng khiến ta không mấy thoải mái. Rồi ta tìm liên kết với người khác để che lấp trống vắng trong ta, nghĩ rằng nếu liên kết được với người khác thì ta không còn cảm giác cô đơn.

Công nghệ kỹ thuật cung cấp cho chúng ta nhiều phương tiện để liên kết. Nhưng ngay khi đang liên kết với người khác, ta vẫn cảm thấy cô đơn. Chúng ta theo dõi email, gửi tin nhắn, và cập nhật thông tin nhiều lần trong ngày. Chúng ta muốn chia sẻ, muốn nhận tin. Chúng ta có thể bỏ ra cả ngày để liên kết nhưng ta đâu có thể giảm bớt cô đơn.

Chúng ta đều đói thương yêu nhưng không biết chế tác thương yêu để được nuôi dưỡng. Khi cảm thấy trống trải, ta dùng kỹ thuật để che lấp sự trống trải. Nhưng chúng ta thất bại. Chúng ta có nào là “mạng xã hội”, nào là email, nào là hội thảo trên màn hình (video conferencing). Chúng ta đánh tin nhắn (texting), mạn đàm bằng máy vi tính (posting). Chúng ta có điện thoại cầm tay. Chúng ta có đủ thứ. Nhưng rõ ràng là truyền thông của chúng ta không khá thêm chút nào. Nhiều người có điện thoại cầm tay vì muốn liên kết với người khác. Nhưng không nên tin tưởng quá nhiều vào chiếc điện thoại ấy. Tôi không có điện thoại nhưng tôi không xa cách với thế giới bên ngoài. Trái lại tôi có nhiều thì giờ cho tôi và cho người khác. Chúng ta nghĩ rằng điện thoại cầm tay giúp ta liên kết. Nhưng nếu lời nói không phải là lời nói chân thật thì sử dụng điện thoại hay gửi tin nhắn (texting) không có nghĩa là ta đang truyền thông.

Chúng ta tin tưởng quá nhiều vào kỹ thuật truyền thông. Nhưng đằng sau các dụng cụ ấy ta có trí óc. Trí óc là dụng cụ truyền thông căn bản. Nếu trí óc ta tê liệt thì không một dụng cụ nào có thể thay thế giúp ta truyền thông với chính ta hay với người khác.

Truyền thông vào bên trong

Nhiều người trong chúng ta dành rất nhiều thì giờ để họp bàn, để gửi email nhưng ít khi có thì giờ để nhìn lại chính mình. Kết quả là ta không biết những gì đang xảy ra trong ta. Có thể là trong ta đang rối beng và như vậy thì làm sao ta có thể truyền thông với người khác?

Ta nghĩ rằng nhờ công cụ kỹ thuật mà ta có thể truyền thông. Nhưng đó là ảo tưởng. Trong cuộc sống hằng ngày ta đã bị tách rời khỏi ta. Chúng ta đi mà không biết là mình đang đi, không biết mình đang ở đâu, không ý thức là mình đang sống. Suốt cả ngày chúng ta đánh mất mình.

Dừng lại để trở về truyền thông với mình là một hành động cách mạng. Hãy ngồi xuống để chấm dứt tình trạng lạc lõng, xa cách với chính mình. Chỉ cần ngừng lại, ngồi xuống và thiết lập mối liên hệ với chính mình. Ta gọi đây là chánh niệm tỉnh thức. Chánh niệm là ý thức giây phút hiện tại. Không cần phải có iPhone hay máy vi tính. Chỉ cần ngồi xuống và theo dõi hơi thở. Chỉ trong vài giây là ta có thể thiết lập liên hệ lại với ta. Ta biết những gì đang xảy ra trong ta, trong thân thể ta, trong cảm thọ ta cũng như trong ý tưởng ta.

Vai trò của máy vi tính

Khi cảm thấy truyền thông khó khăn hay ngại người kia nghe không biết rõ thì cách tốt nhất là biên thư hay gửi email. Nếu ta viết một bức thư đầy hiểu biết và thương yêu thì ngay khi đang viết ta đã nuôi dưỡng ta. Lời lẽ trong thư sẽ nuôi dưỡng người nhận thư nhưng trước hết sẽ nuôi dưỡng ta. Thư hay email chưa gửi đi nhưng khi đang viết, lời lẽ trong thư sẽ nuôi dưỡng ta vì nó chứa đầy hiểu biết, thương yêu.

Nhất là khi mới bắt đầu tu tập, viết thư là một phương pháp khá dễ để thực tập truyền thông trong chánh niệm. Viết thư như thế có lợi cho sức khỏe. Áp dụng chánh niệm bằng việc viết thư, đánh tin nhắn, gửi email với lòng hiểu biết thương yêu thì những điều đó sẽ giúp xóa bỏ sợ hãi, hờn giận nơi người nhận.

Vậy cho nên khi sử dụng điện thoại hay máy vi tính thì phải nhớ rằng mục đích của điện thoại hay máy vi tính là để truyền thông với tâm thương yêu. Thường thường chúng ta hay hấp tấp gửi đi tin nhắn hay email. Viết xong là ta bấm ngay nút “gửi” (“send”) và thư đi trong nháy mắt. Nhưng không cần phải hấp tấp. Chúng ta dư thì giờ để thở vào, thở ra một hơi trước khi bấm nút “gửi” hay nhấc điện thoại. Làm như vậy ta có nhiều cơ hội để gửi đi nhiều truyền thông thương yêu hơn cho đời.

Về nhà

Bắt đầu thực tập chánh niệm là lên đường về nhà. Nhà là nơi ta không còn cô đơn, là nơi ấm cúng, dễ chịu, là nơi an toàn, thỏa thích. Chúng ta đã bỏ nhà đi xa khá lâu, nhà ta không ai chăm sóc.

Nhưng thật ra con đường về nhà đâu có xa. Nó ở ngay trong ta. Chỉ cần ngồi xuống, ta với ta, và chấp nhận tình trạng trước mắt. Có thể là nhà ta thật đang ngổn ngang, nhưng ta đành chấp nhận thôi vì ta đã bỏ nhà mà đi quá lâu. Và bây giờ ta đã về đến nhà. Với hơi thở vào ra, hơi thở chánh niệm, ta bắt đầu sắp xếp dọn dẹp lại căn nhà của ta.

Truyền thông với hơi thở

Đường về nhà bắt đầu với hơi thở. Nếu ta biết cách thở thì ta có thể học cách đi, cách ngồi, cách ăn, cách làm việc trong chánh niệm để nhờ đó mà ta bắt đầu biết rõ mình. Khi thở vào ta trở về với ta. Khi thở ra ta thư giãn. Khi ta đã có thể truyền thông với chính ta thì ta cũng có thể truyền thông với bên ngoài một cách sáng tỏ. “Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm”.[1]

Hơi thở chánh niệm là một phương tiện truyền thông như đường dây điện thoại. Hơi thở chánh niệm nối kết tâm và thân, giúp ta ý thức cảm thọ trong ta. Chúng ta thở không ngưng nhưng ít khi chúng ta để ý đến hơi thở trừ khi ta bị nghẹt thở.

Với hơi thở chánh niệm, khi thở vào ta biết là ta đang thở vào. Ta chú ý vào hơi thở vào. Khi thở ra ta biết là ta đang thở ra. Ta chú ý vào hơi thở ra.

Để tự nhắc nhở ta có thể nói thầm:

“Thở vào tôi biết là tôi thở vào, Thở ra tôi biết là tôi thở ra.” 

“Hơi thở đang đi vào thân tôi, Hơi thở đang đi ra khỏi thân tôi.”

Hãy theo dõi suốt chiều dài của hơi thở vào, hơi thở ra. Lấy ví dụ hơi thở của anh dài bốn giây thì trong khi thở vào anh sẽ chú tâm hoàn toàn vào hơi thở, không gián đoạn. Trong khi thở ra anh cũng chú tâm vào hơi thở ra. Anh an trú nơi hơi thở vào, hơi thở ra. Anh không là gì khác. Anh là hơi thở vào của anh. Anh là hơi thở ra của anh.

Thở vào, thở ra như thế là thực tập để được tự do. Mỗi khi chú tâm vào hơi thở, ta buông bỏ tất cả, buông bỏ lo lắng tương lai, buông bỏ tiếc nuối quá khứ, ý thức được những cảm thọ của ta trong giây phút hiện tại. Cứ như thế suốt hai mươi bốn giờ một ngày ta theo hơi thở vào, ra. Luôn có mặt chăm sóc tự thân. Chỉ cần vài giây để thở là ta tự giải thoát.

Nhìn một người ta có thể nhận ra là người ấy đang thở trong chánh niệm. Người ấy bộc lộ phong thái tự do. Nếu tâm ta đầy sợ hãi, lo âu, tiếc nuối thì ta không có tự do, dầu cho ta ở địa vị nào trong xã hội, dầu cho ta giàu có đến đâu đi chăng nữa. Tự do thực sự chỉ có được khi ta không còn đau khổ và trở về với tự thân, khi ta “trở về nhà”. Tự do quý hóa không gì bằng. Tự do là nền tảng của hạnh phúc và có sẵn đó cho ta với từng hơi thở.

Không suy nghĩ và không nói năng

Hạnh phúc có được khi ta truyền thông với ta. Muốn vậy ta phải cất đi chiếc điện thoại. Khi đang trong buổi họp hay tham dự lễ ta hãy tắt điện thoại. Vì sao? Vì ta muốn truyền thông và tiếp nhận truyền thông.

Truyền thông với chính mình cũng vậy. Không thể nào truyền thông với mình bằng chiếc điện thoại. Chúng ta quen suy nghĩ, quen nói năng không ngừng nghỉ. Nếu muốn truyền thông với chính mình thì phải thực tập ngưng suy nghĩ, ngưng nói năng.

Không suy nghĩ là một thực tập rất quan trọng. Lẽ tất nhiên suy nghĩ hay nói năng có thể đem lại kết quả. Nhưng phần đông chúng ta bị mắc kẹt vì tâm trí bận về quá khứ, tương lai, vọng tưởng điên đảo, thị phi thắc mắc.

Vọng tưởng đến chớp nhoáng và ta bị kẹt vào vọng tưởng. Lời nói hay hành động của ta vì vọng tưởng mà trở nên nguy hiểm. Trong trường hợp này, tốt hơn là không nên nói gì hay làm gì cả. Vì vậy cho nên truyền thống thiền tập khuyên ta nên “cắt đứt con đường của lời nói và chữ nghĩa”. Phải cắt đứt lời nói và chữ nghĩa vì nếu tiếp tục sử dụng thì ta sẽ bị kẹt vào lời nói và chữ nghĩa của chính ta.

Thở hơi thở chánh niệm là thực tập ngưng suy nghĩ, ngưng nói năng. Không suy nghĩ, không nói năng thì không còn chướng ngại cho việc vui hưởng phút giây hiện tại. Ta có thể cảm thấy hạnh phúc khi ta thở hơi thở vào, ra, khi ngồi, khi đi, khi ăn sáng, khi tắm gội, khi chùi cầu, khi làm vườn. Khi ngưng nói năng, suy nghĩ và lắng nghe ta trong chánh niệm ta sẽ nhận ra rằng ta có thêm khả năng và cơ hội để được hạnh phúc.

Mặt khác, khi ngưng nói năng suy nghĩ và bắt đầu lắng nghe chính mình thì ta sẽ nhận ra những khổ đau của đời mình. Có thể thân ta đang bị đau nhức, căng thẳng. Có thể trong ta có những đau nhức, những lo sợ bị che lấp vì ta đang bận nói năng, suy nghĩ hay nhắn tin (texting).

Chánh niệm giúp ta lắng nghe niềm đau, nỗi khổ, lo sợ trong ta. Khi niềm đau, nỗi khổ trỗi dậy ta không nên trốn chạy; trái lại ta phải trở về để chăm sóc khổ đau trong ta. Ta không sợ bị tràn ngập bởi vì ta biết cách sử dụng hơi thở, bước đi để chế tác năng lượng chánh niệm để nhận diện và chăm sóc khổ đau. Nếu năng lượng chánh niệm trong ta khá mạnh nhờ thực tập bước đi, hơi thở thì ta sẽ không lo sợ khi đối diện với chính mình.

Tôi không cảm thấy chiếc điện thoại cầm tay là cần thiết bởi vì tôi đã mang theo trong tôi năng lượng chánh niệm như là thiên thần hộ mạng, luôn luôn có đó trong tôi, giúp tôi không còn lo sợ trước những niềm đau, nỗi khổ. Mang theo chánh niệm trong người quan trọng hơn mang theo chiếc điện thoại cầm tay. Anh có thể nghĩ rằng có chiếc điện thoại cầm tay trong người là an toàn. Nhưng sự thật là chánh niệm sẽ bảo hộ anh, giúp anh giảm bớt đau khổ, và hoàn thiện truyền thông hơn hẳn điện thoại cầm tay.

Hãy trở về

Giây phút tĩnh lặng khi ngừng suy nghĩ và nói năng tạo không gian để ta thực sự lắng nghe ta. Ta không phải xa lánh khổ đau. Ta không cần khỏa lấp những gì làm ta khó chịu. Trái lại ta phải có mặt cho ta, để hiểu, nhờ đó mà ta có thể chuyển hóa.

Hãy trở về nhà và lắng nghe. Nếu anh không truyền thông được với anh thì anh không thể truyền thông với ai khác. Hãy trở về, tiếp tục trở về, đem thương yêu mà truyền thông với chính mình. Đó là phép thực tập. Anh phải trở về và lắng nghe niềm hạnh phúc đang có lúc này. Anh phải trở về và lắng nghe khổ đau trong tâm và trong thân anh, và học cách ôm ấp, thoa dịu khổ đau.

Truyền thông với thân

Nếu luôn giữ tâm chánh niệm thì ta có thể tiếp tục thở trong chánh niệm trong khi hoạt động suốt ngày. Nhưng năng lượng chánh niệm sẽ mạnh hơn, có thêm năng lực chữa trị và giúp cho truyền thông được thành công hơn nếu ta tạm ngừng công việc và ngồi yên vài phút. Sau khi thủ tướng Nelson Mandela được phóng thích và đến thăm nước Pháp, một ký giả đã hỏi về điều mà ông muốn nhất. Thủ tướng Nelson Mandela trả lời: “Ngồi yên và chẳng làm gì cả”. Bởi vì kể từ ngày ra khỏi tù và chính thức tham gia chính trị, ông không có thì giờ rảnh để ngồi xuống trong thảnh thơi. Chúng ta nên dành thì giờ để ngồi yên, dầu chỉ vài phút, bởi vì ngồi yên là một niềm vui.

Lúc ta bứt rứt, loay hoay không biết phải làm gì là lúc mà ta nên ngồi xuống. Ngay cả khi ta cảm thấy bình an thì ngồi yên cũng là tốt, ngồi để nuôi dưỡng thói quen thực tập ngồi yên. Khi ngừng lại và ngồi xuống, ta theo dõi hơi thở vào ra trong niềm vui và mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn bởi vì giờ phút hiện tại đang có đó cho ta.

Phải thở thế nào để có được niềm vui. Khi ngồi xuống và thở trong chánh niệm thì thân và tâm sẽ truyền thông và gặp nhau. Đây là một phép lạ bởi vì thường thường thì tâm một nơi và thân một ngả. Tâm ta mãi lo toan tính cho dự án. Tâm ta mãi tiếc nuối quá khứ, lo lắng tương lai. Tâm ta xa cách thể xác.

Khi thở hơi thở chánh niệm thì thân và tâm hội ngộ. Không cần phải sử dụng kỹ thuật cao siêu, chỉ cần ngồi yên và thở trong chánh niệm là ta có thể đem tâm về với thân, thành phần chủ yếu của ngôi nhà của ta. Khi ngồi trước máy vi tính nhiều giờ ta có thể quên đi là ta đang có một thân người cho đến lúc rã rời mệt mỏi. Không nên đợi đến lúc đó mới dừng lại và trở về với thân mình.

Để tăng cường ý thức về sự liên kết giữa thân và tâm ta có thể đọc thầm câu kệ:

“Thở vào tôi ý thức thân tôi

Thở ra tôi thư giãn căng thẳng trong thân tôi.”

Thiền hành

Bước chân chánh niệm là một cách mầu nhiệm đem tâm về với thân. Bước chân chánh niệm còn cho ta cơ hội tiếp xúc với nguồn nuôi dưỡng và trị liệu bên ngoài ta: địa cầu. Bước một bước với ý thức trọn vẹn là ta đang tiếp xúc với mặt đất, với địa cầu thì không còn cách biệt giữa thân và tâm. Thân là hơi thở. Thân là bàn chân. Thân là buồng phổi. Và khi ta liên kết với bước chân, với hơi thở là ta đã về nhà.

Mỗi bước chân đem ta về nhà, về với bây giờ và ở đây, để ta có thể liên kết với ta, với thân, với cảm thọ của ta. Đây là một liên kết thật sự. Ta không cần có một thiết bị (device) nào để cho ta biết ta có bao nhiêu bạn (như Facebook), ta đã bước bao nhiêu bước, đốt bao nhiêu ca-lo-ri (calories).

Khi bước đi trong chánh niệm ta phối hợp mỗi bước chân với hơi thở, chú tâm vào bước chân đang in dấu trên mặt đất. Bước một bước ta ý thức ta đang bước đi một bước và chấm dứt hoàn toàn suy nghĩ. Khi suy nghĩ ta đánh mất ta. Ta không còn biết những gì đang xảy ra trong thân, trong cảm thọ, hay những gì đang xảy ra ngoài ta. Suy nghĩ khi đang đi không thực sự là đi.

Thay vào đó ta phải chú tâm vào hơi thở và bước chân. Ý thức rõ rệt bàn chân, cử động của bàn chân, và mặt đất mà ta đang dẫm lên. Khi chú tâm vào mỗi bước đi ta sẽ có tự do bởi vì đó là lúc tâm ta gắn liền với bước đi, không còn bị cuốn hút bởi chuyện quá khứ hay chuyện tương lai. Bước một bước ta được tự do một bước.

Trong khi bước ta có thể nói thầm “Đã về, đã tới”. Câu nói ấy không phải là một lời tuyên bố hay là để xác nhận ta đang thực tập. Câu nói ấy là thực chứng. Không cần chạy đi đâu hết, ta đã rong ruổi suốt đời. Bây giờ thì ta phải sống cho đàng hoàng.

Bây giờ và ở đây là ngôi nhà mà ta phải trở về, là nơi mà biết bao nhiêu mầu nhiệm của sự sống sẵn có, là nơi mà tấm thân mầu nhiệm của ta sẵn có. Ta không thể trở về với bây giờ và ở đây nếu ta không đầu tư toàn thân và tâm ta vào hiện tại. Nếu không về được một trăm phần trăm thì phải dừng lại, không bước thêm một bước nào nữa. Dừng lại và theo dõi hơi thở cho đến khi ta chắc một trăm phần trăm là ta đã về. Khi đó ta có thể mỉm cười đắc thắng. Nên đi như thế chỉ khi nào ta đi thiền hành một mình. Đi thiền hành với nhiều người mà dừng lại như thế e sẽ gây ứ đọng.

Anh không cần một ứng dụng (app) hay một người khác nhắc cho anh biết là anh đã về. Anh biết là anh đã về vì anh nhận ra rằng anh cảm thấy thoải mái. Khi đi từ bãi đậu xe tới văn phòng hãy đi như thế nào để mỗi bước chân đưa ta trở về. Thức tỉnh và liên kết với mình trong từng bước chân. Bất cứ là đi đâu chúng ta cũng có thể đi như một người tự do trên địa cầu này, thưởng thức từng bước chân đi.

Mỗi bước chân chánh niệm đem ta về tiếp xúc với thân ta và thân của địa cầu. Những bước chân ấy có thể cứu chúng ta ra khỏi tình trạng cô độc, cách biệt.

Đi trên mặt đất chữa trị tâm trạng lạc loài

Nhiều người trong chúng ta sống một cuộc sống tách rời khỏi địa cầu và khỏi tấm thân mình. Chúng ta sống riêng rẽ, cách biệt. Chúng ta, những con người, có khi rất mực cô đơn. Chúng ta không chỉ sống cách biệt với địa cầu, cách biệt người này với người kia mà còn cách biệt với cả chính mình. Cả ngày có khi ta quên đi là ta có một tấm thân. Nhưng khi ta bắt đầu thực tập hơi thở chánh niệm và lắng nghe thân mình là ta cũng bắt đầu nhìn sâu và thấy rằng chung quanh ta có địa cầu. Ta tiếp xúc với mặt đất và không còn cảm thấy cách biệt, lạc loài khỏi thân ta và khỏi địa cầu.

Chúng ta thường nghĩ rằng quả địa cầu là “môi trường” quanh ta. Nhưng nếu nhìn cho sâu ta sẽ thấy rằng địa cầu là một thực thể sống động, đầy mầu nhiệm. Nhiều khi, trong cô đơn, ta quên đi rằng ta có thể liên kết trực tiếp với đất mẹ.

Tiếp xúc khổ đau

Khi thở hơi thở chánh niệm và lắng nghe thân thể, ta bắt đầu ý thức cảm thọ khổ đau mà ta đã từng bỏ quên. Ta ôm giữ những cảm thọ ấy trong thân cũng như trong tâm ta. Khổ đau trong ta từng kêu gọi sự chú ý của ta nhưng ta đã phí biết bao thì giờ và sức lực, nhắm mắt làm lơ.

Khi thở hơi thở chánh niệm, những cảm thọ cô đơn, buồn bã, sợ hãi, lo âu trong ta sẽ có cơ hội trỗi dậy. Trong trường hợp ấy ta không cần phải hành động gì ngay mà chỉ cần tiếp tục hơi thở chánh niệm vào, ra. Ta không xua đuổi lo sợ, ta không xua đuổi hờn giận. Ta chỉ nhận diện và chấp nhận. Những cảm thọ ấy chẳng khác gì em bé đang níu chéo áo ta. Hãy bồng em bé lên một cách dịu dàng. Ghi nhận cảm thọ mà không phán xét, không xua đuổi, ôm ấp cảm thọ trong chánh niệm là hành động trở về nhà.

Khổ đau của tổ tiên

Trong khổ đau của ta có khổ đau của cha mẹ, tổ tiên ta. Cha mẹ, tổ tiên ta đã không có cơ may thực tập chánh niệm, vì thế mà không chuyển hóa được khổ đau của mình và đã trao truyền khổ đau đó cho ta. Nếu ta hiểu biết và chuyển hóa những khổ đau của cha mẹ, tổ tiên thì chúng ta chữa trị cho cha mẹ, tổ tiên và đồng thời cũng chữa trị cho chính ta.

Khổ đau của ta phản ảnh khổ đau của thế giới. Kỳ thị, bóc lột, nghèo đói, và sợ hãi gây nên khổ đau chung quanh ta. Khổ đau của ta cũng phản ảnh khổ đau của những người khác. Ta có ý muốn tìm cách làm vơi bớt khổ đau trên thế giới. Nhưng nếu không hiểu rõ thực chất của khổ đau thì ta không thể thực hiện ý nguyện ấy được. Nếu hiểu rõ khổ đau của chính ta thì ta có thể hiểu rõ dễ dàng khổ đau của những người khác và của thế giới. Chúng ta có thể có thiện chí muốn làm một việc hay đóng một vai trò để giúp cho thế giới bớt khổ đau. Tuy nhiên, nếu chúng ta không trở về với khổ đau của chính mình, ghi nhận đau khổ của chính mình thì chúng ta không thể giúp gì được.

Lắng nghe sâu

Khổ đau trong ta và chung quanh ta có thể làm ta choáng ngợp. Thường thường ta không muốn đối diện khổ đau vì ta không mấy thoải mái khi đối diện chúng. Thị trường đầy rẫy những phương tiện giúp ta trốn tránh khổ đau. Chúng ta tiêu thụ để lãng quên và che lấp khổ đau trong ta. Dù không đói, chúng ta vẫn ăn. Dù cho chương trình tivi không mấy hấp dẫn, chúng ta không có can đảm tắt máy bởi vì nếu chúng ta tắt tivi thì chúng ta phải trở về đối diện với khổ đau trong ta. Ta tiêu thụ không phải vì nhu cầu mà vì sợ phải đối diện khổ đau trong mình.

Nhưng có một cách giúp ta đối diện khổ đau mà không bị choáng ngợp. Chúng ta tránh né khổ đau bởi vì chúng ta không ý thức rằng khổ đau cũng có ích. Chúng ta cần tới khổ đau. Trở về để lắng nghe và thấu hiểu khổ đau, ta phát khởi từ bi và thương yêu. Nếu để thì giờ lắng nghe khổ đau thì có thể hiểu được khổ đau. Khổ đau sẽ triền miên nếu không được giải tỏa và chấp nhận. Nếu không thấu hiểu và chuyển hóa khổ đau thì ta mang hoài khổ đau, không chỉ khổ đau của riêng ta mà cả khổ đau của tổ tiên. Tiếp xúc với những khổ đau do tổ tiên trao truyền giúp ta thấu hiểu khổ đau của chính chúng ta. Hiểu thấu khổ đau đưa đến từ bi. Thương yêu sẽ phát hiện và lập tức ta bớt khổ. Nếu biết rõ tính chất và gốc rễ của khổ đau, con đường giải thoát khổ đau sẽ hiện rõ trước mắt. Biết rằng có con đường thoát, ta nhẹ nhõm và không còn sợ hãi.

Khổ đau đem lại hạnh phúc

Hiểu được khổ đau luôn luôn đưa tới từ bi. Nếu không hiểu được khổ đau thì không hiểu được hạnh phúc. Nếu biết cách chăm sóc khổ đau thì sẽ biết cách chăm sóc hạnh phúc. Cần có khổ đau để nuôi lớn hạnh phúc. Vì sự thật là khổ đau đi liền với hạnh phúc. Khi hiểu rõ khổ đau ta sẽ hiểu rõ thế nào là hạnh phúc. Nếu ta biết cách xử lý khổ đau thì ta sẽ biết cách xử lý hạnh phúc và chế tác hạnh phúc.

Sen phải cắm rễ xuống bùn mới mọc. Từ bi phát khởi từ hiểu biết khổ đau. Tất cả chúng ta phải học cách ôm ấp khổ đau, lắng nghe khổ đau và quán chiếu tính chất của nỗi khổ niềm đau trong mình. Nhờ đó ta chế tác được năng lượng thương yêu và từ bi. Một khi năng lượng thương yêu phát khởi trong ta thì tức khắc ta sẽ bớt đau khổ. Khi đã bớt đau khổ, thì ta có thể hiểu rõ đau khổ của người khác và của thế gian. Từ đó sự truyền thông của chúng ta với người khác là do ý muốn hiểu biết khổ đau của người khác chứ không phải do ý muốn chứng minh hành động của ta hay ý muốn tìm được một chút thỏa mãn trong lòng. Ý nguyện giúp đỡ là ý nguyện duy nhất.

Hiểu rõ khổ đau của mình giúp hiểu rõ người khác

Tôi có biết một bà ở Washington D.C. có ý định tự tử vì bà ta không biết làm thế nào để thoát khỏi khổ đau. Bà không còn hy vọng vì gặp khó khăn khi sống với chồng và ba người con. Có một người bạn muốn cho bà ta nghe một bài pháp thoại của tôi. Bà từ chối vì bà là người theo Công giáo và bà nghĩ rằng nghe một bài pháp thoại Phật giáo là trái với Đức tin.

Vào đêm dự định tự tử, bà ta gọi điện thoại cho cô bạn để giã từ. Cô bạn bèn nói, “Trước khi chị tự kết liễu đời mình, mời chị đến đây với tôi để chia tay. Kêu taxi và đến đây”. Khi bà ta tới, cô bạn yêu cầu bà ta, như làm ơn, ngồi nghe bài pháp thoại ghi âm “Trước khi quyết định tự tử”. Bà ta miễn cưỡng nhận lời để vừa lòng bạn mình.

Sau khi nghe xong bài pháp thoại, bà tò mò và quyết định ghi tên tham dự một khóa tu về chánh niệm. Sau khóa tu, bà bắt đầu lắng nghe khổ đau của mình. Trước kia, bà đã nghĩ rằng cách duy nhất để chấm dứt khổ đau là tự tử. Khó mà lắng nghe khổ đau của chính mình. Nhưng bà đã học được phép trở về với hơi thở, với khổ đau của mình. Bà khám phá ra rằng mình đã tạo ra rất nhiều nhận thức sai lầm và ôm ấp rất nhiều hờn giận. Bà nghĩ rằng chồng bà và cả nhà đã làm cho bà đau khổ. Nhưng bây giờ bà đã thấy rằng bà cũng có trách nhiệm về khổ đau của bà. Bà nghĩ rằng chồng bà không đau khổ, chồng bà chỉ làm cho bà đau khổ. Nhưng bây giờ hiểu biết của bà đã thay đổi và bà đã có thể nhận ra rằng chồng bà cũng đau khổ. Đây là một thành tựu đáng kể. Mỗi khi thấy được khổ đau của mình thì có thể thấy được khổ đau của người khác, có thể thấy trách nhiệm của mình, là mình đã gây nên đau khổ cho mình và cho người khác.

Vào cái đêm hôm bà về nhà, bà đã đến ngồi gần chồng và nói với ông: “Em biết anh đã đau khổ rất nhiều trong những năm qua. Em đã không giúp được anh. Vì vậy tình trạng càng trở nên tồi tệ. Em không cố ý làm cho anh đau khổ. Chỉ vì em không hiểu rõ anh. Em đã không thấy khổ đau trong anh. Anh hãy nói những khổ đau của anh cho em nghe đi. Hãy giúp em hiểu anh”. Bà ta đã có thể sử dụng ái ngữ để nói chuyện với chồng bà. Và ông ta đã khóc như một đứa bé vì trước đây bà chưa bao giờ nói với ông những lời thương yêu như vậy. Mối tình giữa hai người rất đẹp lúc ban đầu nhưng dần dần nó đã đầy những giận hờn tranh cãi và thiếu truyền thông chân thật. Đêm hôm đó là đêm bắt đầu cho sự hòa giải giữa hai người. Hai tuần lễ sau, hai vợ chồng và mấy người con đã đến kể cho tôi nghe câu chuyện này.

Thương yêu chính mình là nền tảng của từ bi

Ta thường nghĩ rằng ta biết rất rõ, hiểu rất rõ người ta thương, nhưng không hẳn là như thế. Nếu ta không biết rõ khổ đau của ta thì làm sao ta có thể hiểu rõ khổ đau của một người khác? Không nên tin chắc là ta đã hiểu hết những gì liên quan đến người kia. Ta phải tự hỏi, “Tôi đã hiểu rõ tôi chưa? Tôi đã hiểu rõ khổ đau và nguồn gốc khổ đau của tôi chưa?”

Một khi ta đã có ít nhiều hiểu biết và tuệ giác về khổ đau của chính ta thì ta mới có thể hiểu biết và truyền thông với người khác. Nếu anh không chấp nhận được anh – nếu anh ghét bỏ anh, oán giận anh – thì làm sao anh có thể thương yêu một người khác và truyền đạt thương yêu đến người ấy?

Hiểu mình là tối thiết để hiểu người khác. Thương mình là tối thiết để thương người khác. Khi đã hiểu rõ khổ đau của mình thì ta sẽ bớt khổ và có thể hiểu rõ hơn khổ đau của người khác. Khi đã biết một người đang đau khổ và thấy rõ nguồn gốc của đau khổ nơi người ấy thì ta khởi tâm từ bi. Ta không còn ý muốn trừng phạt hay trách móc. Ta có thể lắng nghe và nói lời ái ngữ với tâm hiểu và thương. Và người nghe ta sẽ cảm thấy thoải mái vì những lời đầy hiểu và thương của ta.

Trở về quán chiếu tự thân để hiểu rõ khổ đau và gốc rễ của khổ đau là bước khởi đầu. Chỉ khi ta đã hiểu rõ khổ đau và gốc rễ khổ đau của ta thì ta mới có thể truyền thông với người khác và giúp họ bớt khổ. Liên hệ giữa ta và những người khác tùy thuộc khả năng hiểu rõ khổ đau và ước vọng nơi ta và nơi những người ấy. Khi ta thực sự trở về nhà, với chính ta và lắng nghe mình là ta có thể vui sống từng giây phút còn lại của cuộc đời. Ta có thể vui sống từng giây phút. Ta có thể truyền thông một cách tốt đẹp nhờ hơi thở chánh niệm, ta bắt đầu hiểu rõ mình, hiểu rõ khổ đau của ta, và hiểu rõ hạnh phúc của ta. Ta biết cách xử lý khổ đau và từ đó biết cách chế tác hạnh phúc. Và nếu bạn thực sự hạnh phúc thì ai ai cũng được lợi lạc từ hạnh phúc của bạn. Thế giới này đang cần những người hạnh phúc.

[1] Nguyên văn: “The way out is in”.