Truyền thông tại sở làm

Muốn cho truyền thông tại sở làm được thành công thì phải bắt đầu ngay trước khi đến sở, trước khi bắt tay vào việc. Trên đường đi đến sở, hoặc lái xe, hoặc đi xe buýt hay đi bộ, ta thường lo nghĩ tới những việc cần phải làm hay những việc dở dang.

Trái lại, nếu ta tỉnh thức theo dõi hơi thở, ý thức hiện hữu chung quanh, ta có thể tạo nên nhiều niềm vui trên đường đến sở làm. Khi đi đến thiền đường để bắt đầu một ngày giảng dạy, tôi không để mất thì giờ lo lắng về những thắc mắc, câu hỏi của các thiền sinh cũng như những câu trả lời của tôi. Thay vào đó, tôi đi từ cốc tôi ở đến thiền đường, thưởng thức từng bước chân, hơi thở trong mỗi giây phút. Nhờ đó mà khi đến thiền đường, tôi cảm thấy thư thái nhẹ nhàng, sẵn sàng cho bài pháp thoại hay giải đáp thắc mắc của các thiền sinh với tất cả khả năng của mình.

Nếu bạn thực tập chánh niệm ở nhà trước khi đi làm, hoặc trên đường tới sở thì bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi tới sở và sự truyền thông có thể thành công dễ dàng.

Những suy tư về công việc, về những vấn đề liên quan tới việc làm sẽ ảnh hưởng tới sự truyền thông trong sở làm. Chúng ta có thể nghĩ rằng mục đích của công việc chỉ là để phục vụ cho một ai đó hay chế tạo nên một vật dụng gì đó. Nhưng khi làm việc chúng ta sử dụng cả ý nghĩ, lời nói và hành động. Truyền thông là sản phẩm của công việc ta làm, nó không khác gì sản phẩm do ta chế tạo. Nếu truyền thông tốt đẹp thì không những ta sẽ vui thích hơn khi làm mà còn tạo được môi trường hòa điệu, thuận lợi có ảnh hưởng đến công việc. Ta làm việc với tâm thương yêu hơn và giúp ích được cho nhiều người hơn.

Nêu gương khi lãnh đạo

Mấy năm trước đây, khi tôi tới Ấn Độ, tôi có gặp ông K. R. Narayanan khi ông còn là Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ. Chúng tôi bàn việc sử dụng thực tập lắng nghe và ái ngữ tại các cuộc bàn thảo trong Quốc hội. Tôi nói rằng mọi môi trường làm việc, kể cả môi trường chính trị, đều có thể trở thành một môi trường xây dựng trên hiểu biết và yêu thương. Xây dựng được một môi trường lành mạnh và nuôi dưỡng cho một tập thể làm việc là tạo nên một môi trường khuôn mẫu xây dựng cho thế giới.

Sử dụng chánh niệm và ái ngữ trong môi trường làm việc là cống hiến tinh hoa của chúng ta. Phối hợp với tuệ giác và kinh nghiệm, chúng ta có thể đi đến những quyết định sáng suốt nhất. Nếu không có khả năng lắng nghe đồng nghiệp bằng tấm lòng rộng mở mà chỉ chấp nhận và hỗ trợ những ý kiến quen thuộc mà ta đồng ý thì ta sẽ gây hại cho môi trường làm việc. Dù ở vào địa vị nào trong khi làm việc, ta cũng có thể nêu gương bằng cách học hạnh lắng nghe tất cả mọi người bằng chú ý và ưu tư một cách bình đẳng.

Nhiều môi trường làm việc thường tạo ra lắm bức xúc. Chúng ta phải tổ chức thế nào để có cơ hội thực tập hơi thở chánh niệm. Hơi thở chánh niệm là bước khởi đầu của truyền thông trong chánh niệm bởi vì hơi thở chánh niệm giúp cho thân và tâm thư giãn. Phải thư giãn để được thoải mái và có những quyết định sáng suốt. Khi chúng ta tạo được một môi trường thư giãn, thoải mái nơi sở làm là chúng ta đã bắt đầu truyền thông có hiệu lực.

Ông Narayanan và tôi đã thảo luận về phương thức đưa thực tập chánh niệm vào trong Quốc hội Ấn để giảm thiểu bức xúc. Nếu Quốc hội Ấn đã làm được như vậy thì ta cũng có thể làm được trong sở làm của ta. Bạn có thể tổ chức để các đồng nghiệp cùng thực tập hơi thở chánh niệm trước các buổi họp để cho sự truyền thông trong khi họp có hiệu quả hơn và ít bức xúc hơn hay không? Cho dù bạn không thể tổ chức để đồng nghiệp cùng thực tập nhưng chỉ với hơi thở của chính bạn cũng đủ để cải thiện sự truyền thông khi làm việc. Đôi khi sự truyền thông trong sở làm có thể là rất mực khó khăn, nhưng chỉ một hơi thở chánh niệm cũng đã làm cho tình hình khả quan hơn rồi.

Chào hỏi đồng nghiệp

Khi đến sở làm, việc đầu tiên của bạn là làm gì? Bạn có mỉm cười với các đồng nghiệp không? Bạn có chào hỏi đồng nghiệp không? Những giây phút đầu khi đến sở làm rất quan trọng cho không khí làm việc suốt cả ngày. Có thể là bạn đang lo lắng nhiều chuyện, có thể là bạn đang bận tâm vì một sự tranh cãi, một tình huống khó xử nào đó trước khi bạn đến sở làm. Nhưng nếu bạn bắt đầu ngày làm việc bằng vài phút để thở hơi thở chánh niệm, trở về với giây phút hiện tại thì tâm trí bạn sẽ sáng suốt hơn và bạn có thể chào hỏi đồng nghiệp một cách thân mật và với nụ cười cởi mở. Đây là một phần nhiệm vụ của bạn, không cứ là bạn hành nghề gì.

Trả lời điện thoại

Trong sở làm, ta không chỉ trò chuyện với đồng nghiệp mà còn sử dụng email, điện thoại, hội thảo trên màn hình (video conference). Nhiều người đã làm việc với các đồng nghiệp không có mặt trong sở làm, có khi ở tiểu bang khác hay xứ khác. Mặc dù vậy, ta cũng có thể biến các cuộc nói chuyện trên điện thoại hay email thành một cơ hội để thực tập truyền thông với tâm yêu thương. Mỗi khi điện thoại reo, chúng ta coi đó như là một tiếng chuông chánh niệm và ngưng lại việc đang làm. Thay vì hấp tấp trả lời ngay bạn theo dõi ba hơi thở vào, ra để thực sự có mặt khi trả lời điện thoại. Ghi nhận cảm xúc bức xúc hay bực mình hay gì khác khi bị ngưng công việc để trả lời điện thoại. Bạn có thể nhấc điện thoại lên trong khi thở để cho các đồng nghiệp biết rằng bạn sắp sửa trả lời. Tuy nhiên, bạn không vội vã. Làm như thế là để các đồng nghiệp không cảm thấy là bị tiếng điện thoại quấy rầy.

Bạn cũng có thể áp dụng phương pháp ấy khi đọc email. Chúng ta thường có thói quen đọc hết email này sang email khác mà không thở hơi thở chánh niệm và tỉnh thức để đọc email. Có thể rằng nếu chúng ta thở vào ra trong chánh niệm và dừng lại trong tỉnh thức như thế trước khi mở và đọc email có mất chút ít thì giờ và làm cho công việc của ta chậm lại đôi chút nhưng sự truyền thông, qua nội dung email sẽ có hiệu quả hơn, sáng suốt hơn và có nhiều hiểu biết hơn.

Trước khi gửi đi email hay gọi điện thoại cho ai, bạn có thể đọc thầm câu kệ sau đây:

Tiếng đi ngoài ngàn dặm

Xây dựng lòng yêu thương

Mỗi lời là châu ngọc

Mỗi lời là gấm thêu.

Hội thảo trong chánh niệm

Trong các buổi họp bàn, sự truyền thông có thể gây nên căng thẳng, gây bức xúc và xung đột. Nhiều khi chúng ta rời phòng họp này để tới phòng họp khác mà trong lòng đầy lo âu và phân tâm.

Tốt nhất là trước khi họp, hãy cùng ngồi với nhau vài phút trong tĩnh lặng. Nếu mọi người đều đồng ý thì chúng ta có thể sử dụng chuông trong khi họp. Tiếng chuông sẽ nhắc mọi người trở về với hơi thở và tìm lại bình tĩnh. Nếu không ai muốn ngồi với nhau trong tĩnh lặng vài phút trước khi họp thì bạn vẫn có thể một mình tới phòng họp sớm hơn vài phút để thư giãn thân tâm và thở hơi thở chánh niệm. Có thể những người khác sẽ theo gương và đến cùng ngồi. Bạn không cần nói gì hay chứng tỏ cho người khác biết chủ ý của mình. Chỉ ngồi yên, thở như thế và cảm nhận ích lợi của phép thực tập.

Để góp phần vào việc tạo dựng không khí của buổi họp cũng nên có vài lời nhắc nhở các thành viên trong buổi họp là nên tôn trọng ý kiến và lời phát biểu của người khác khi họp. Nếu ta chỉ muốn áp đặt ý muốn của mình lên người khác thì ta sẽ tạo căng thẳng và đau khổ trong sở làm. Vậy thì trong các buổi họp, ta nên mở rộng lòng và lắng nghe trải nghiệm cũng như tuệ giác của những người khác.

Nếu bạn có một ý kiến tuyệt vời và muốn chia sẻ ngay thì cũng không nên gạt bỏ ý kiến của người khác. Hãy mời mọi người trình bày ý kiến của mình. Hãy tin tưởng rằng ý kiến tốt đẹp nhất sẽ phát xuất từ tuệ giác của tập thể.

Khi họp nên sử dụng lắng nghe và ái ngữ. Theo dõi hơi thở khi nghe. Mỗi người thay nhau nói và không nên ngắt lời người khác. Tránh tranh cãi. Phát biểu trải nghiệm của mình cho toàn thể nghe. Nếu có một câu hỏi hay một ưu tư thì trình bày ra với toàn thể. Có thể đây là một điều khó vì phương thức họp bàn mới mẻ này khác với lề lối họp bàn của quá khứ. Ta không cần thay đổi phương thức một cách đột ngột. Nếu tất cả mọi người đều cùng lắng nghe nhau mà không ngắt lời người khác thì rất tốt. Nhưng nếu chỉ có một mình bạn theo phương thức ấy và quyết tâm nói năng, lắng nghe với tâm yêu thương thì cũng đủ để tạo hậu quả tích cực.

Thiết lập cộng đồng trong sở làm

Nếu bạn nêu gương thực tập truyền thông trong thương yêu thì sẽ có nhiều đồng nghiệp theo bạn cùng thực tập, cùng với bạn thiền hành, thiền tọa và thở chánh niệm. Nếu chung quanh mọi người đều thực tập chánh niệm thì ai cũng sẽ được năng lượng chánh niệm tập thể hỗ trợ và lắng nghe, ái ngữ sẽ trở nên càng dễ dàng.

Càng thực tập chánh niệm, bạn càng tìm ra những phương cách để cải tiến môi trường trong sở làm. Mỗi khi ta sử dụng ái ngữ và lắng nghe sâu thì mọi hành động của ta sẽ là tiếng chuông chánh niệm cho tất cả mọi người. Khi ta đi từng bước chậm rãi thảnh thơi là ta đang khuyến khích những người khác cũng đi như ta mặc dù họ không biết rằng ta đang thực tập chánh niệm. Khi ta mỉm cười thì nụ cười của ta sẽ hỗ trợ ta và nhắc nhở mọi người chung quanh. Khi ta thực tập thì sự hiện diện của ta sẽ có ảnh hưởng tích cực cho ta và cho những người chung quanh.

Tảng đá dưới sông

Tất cả chúng ta đôi khi có thể gặp khó khăn trong sở làm. Ai cũng có niềm đau, buồn bực, sợ hãi. Nhiều khi trong sở làm chúng ta không có thì giờ và không gian để nhận diện và ôm ấp những cảm xúc mạnh khiến cho bức xúc trỗi dậy bất ngờ và gây khó khăn cho việc truyền thông.

Nhưng không ai trong chúng ta phải chịu đau khổ, buồn tủi một mình. Khi liệng một viên đá xuống sông, dù cho viên đá nhỏ bao nhiêu đi nữa, viên đá cũng sẽ chìm. Nhưng nếu ta có một chiếc thuyền thì ta có thể chở cả tấn đá. Đau khổ của chúng ta cũng vậy. Chiếc thuyền chánh niệm có thể chuyên chở đau khổ, buồn tủi, sợ hãi để ta có thì giờ, không gian ghi nhận và ôm ấp khổ đau mà không bị chìm vào biển cả của giận hờn, lo âu, buồn tủi. Ta sẽ được nhẹ nhàng hơn.

Ta có thể thực tập chánh niệm một mình. Nhưng nếu ta đưa thực tập chánh niệm vào sở làm và được các đồng nghiệp cùng thực tập, hỗ trợ thì sự thực tập của ta sẽ dễ dàng và vui thích hơn. Đừng mong rằng sẽ có sự thay đổi nhanh chóng. Nếu ta thực tập tinh tấn, thiết lập truyền thông với tâm thương yêu thì ta đã đi đúng hướng và như thế cũng là đủ rồi.