Cùng bạn đọc
Trong chuyến về thăm quê hương mà nay đã thành lịch sử. Từ ngày 12 tháng 1 năm 2005 đến ngày 11 tháng 4 năm 2005, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Đạo Tràng Mai Thôn đã đi thăm các Tổ Đình và Tự Viện trên khắp ba miền đất nước.
Chỉ với chín mươi ngày ngắn ngủi đó, trong những giảng đường dù lớn rộng đến đâu nhưng vẫn không bao giờ đủ chỗ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thuyết giảng trên dưới bảy mươi bài, phần lớn dành cho Tăng Ni và Phật tử cư sĩ trong các khóa tu tổ chức tại chùa, nhưng cũng có những bài nói chuyện với nhân sĩ, trí thức đồng bào mọi giới ở bốn thành phố lớn Hà Nội (hai lần), Sài Gòn, Huế và Bình Định.
Bảy bài được in lại trong tập sách này được tuyển chọn từ bảy mươi bài pháp thoại của cả chuyến đi, xếp theo thứ tự thời gian các buổi nói chuyện của Thiền sư tại trụ sở các tổ chức văn hóa, giáo dục, tôn giáo và chính trị ở ba thành phố lớn Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Người nghe là những cán bộ, nhân sĩ, trí thức hoạt động trong các giới chính trị, văn hóa, xã hội và tôn giáo. Ngoài ra cũng có đông đảo khách mời trong và ngoài nước.
Chủ đề của các bài nói dù khác nhau nhưng tựu trung nhà văn hóa Nhất Hạnh đã khách quan trình bày một Phật giáo qua nhãn quan và nhận thức mới từ những kinh nghiệm thực tiễn qua những năm hành đạo của ngài tại các quốc gia Tây phương. Đó là Phật giáo dấn thân, trị liệu và chuyển hóa, là đạo Bụt đi vào cuộc đời mà hơn 40 năm trước ở quê hương, chính ngài đã khởi xướng. Nhưng chúng ta vẫn nhận ra được Phật giáo muôn đời của trí tuệ và từ bi, của hiểu và thương.
Để có được một tình thương đúng nghĩa ta cần phải có hiểu biết. Hiểu để nhận diện, để công nhận nhau qua bao oan khúc, phân ly để thoát khỏi những sợ hãi, nghị kỵ, hận thù… khi đó mới có thể thương được thực sự. Hiểu càng sâu thương càng lớn, cả hai giúp ta đạt tới tự do, giải phóng chính mình, có cơ hội tiếp xúc sâu sắc với sự sống trong và quanh ta, thực sự sống trọn vẹn trong từng giây phút hiện tại màu nhiệm, đạt an lạc ngay giữa đời này, vượt trên mọi sóng thăng trầm của biển đời tục lụy, để rồi có thể sang bờ kia, thoát vòng sinh tử.
Gia tài của đạo Bụt Việt Nam tổng hợp của đại thừa và nguyên thủy, của Hiện Pháp Lạc Trú và Tịnh Độ hiện tiền sẽ đưa dân tộc bây giờ cùng đi như một giòng sông, sẽ đẩy đất nước ở đây đi lên.
Cho Đất Nước Đi Lên là tựa đề được Thiền Sư chọn và tự tay viết với thư pháp của ngài để làm bìa in cho tập sách này. Chúng tôi trân trọng gửi tới các bạn đọc.
Các bài nói chuyện ghi lại theo bản mp3 thu âm tại chỗ. Lời của ngài giữ nguyên, ý của ngài giữ trọn vẹn nhưng câu cú có lược chuyển đôi chút để những bài đọc được thêm xuôi thuận.
Các chú thích về các những danh từ Phật học, nhân danh, địa danh nước ngoài (nếu có sai lầm) là của ban biên tập. Chúng tôi đã dựa trên Tự Điển Làng Mai (TĐLM), Từ Điển Phật Học – Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách (TĐPH). Trân trọng cảm ơn các tác giả.
>> Xem các bài thuyết giảng này (video)
Nội Dung:
1. Phật giáo Việt Nam ngày nay qua cái nhìn tương tức
– Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Hà Nội, ngày 18-01-2005.
2. Tương lai đạo Bụt ở Âu, Úc và Mỹ châu
– Trung Tâm Khoa Học Xã Hội TP. HCM, ngày 04-02-2005.
3. Những gì trong gia sản văn hóa Việt Nam có thể đóng góp cho nền hòa bình và an vui thế giới
– Trung Tâm Văn Hóa Liễu Quán Huế, ngày 10-03-2005.
4. Sự kết hợp kỳ diệu giữa thờ cúng tổ tiên của người Việt với tuệ giác của đạo Phật.
– Học Viện Quốc Gia Chính Trị Hồ Chí Minh – Hà Nội, ngày 17-03-2005
5. Vai trò của Phật giáo trong xã hội đương đại
– Học Viện Quốc Gia Chính Trị Hồ Chí Minh – Hà Nội, ngày 18-03-2005.
6. Văn hóa và đạo đức trong đời sống tâm linh
– Ủy Ban về Người Việt ở Nước Ngoài – Hà Nội, ngày 22-03-2005.
7. Ước hẹn với sự sống mầu nhiệm
– Câu Lạc Bộ Giao Lưu Kinh Tế, Văn Hóa Quốc Tế – Hà Nội, ngày 25-03-2005.
Ban biên tập (2009)
Cho Đất Nước Đi Lên, tuyển tập 7/70 bài pháp thoại của thiền sư Thích Nhất Hạnh vào mùa Xuân 2005 tại Việt Nam do: Tịnh Ý –Hàn Sơn – Lê Thạch Thất – Minh Niệm – Phúc Quảng – Tâm Thụy – Trang B. – Đức Huy – Hồng Phượng – Lê Nguyên – Chính Bình phiên tả và biên tập.