Văn hóa và đạo đức trong đời sống tâm linh


Pháp thoại của thiền sư Nhất Hạnh ngày 22.03.2005 tại Ủy Ban Về Người Việt ở Nước Ngoài, Hà Nội

Lời giới thiệu của Ban tổ chức

Kính thưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh,
Kính thưa ông thứ trưởng bộ ngoại giao chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở Nước Ngoài,
Thưa các vị tăng ni và cư sĩ Làng Mai,
Thưa các vị khách quý và các bạn.

Ủy ban về Người Việt Nam ở Nước Ngoài nhiệt liệt chào mừng Thiền sư Thích Nhất Hạnh, các vị tăng ni và cư sĩ Làng Mai đã đến thăm Ủy Ban. Ban tổ chức xin chân thành cảm ơn Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thiền sư không những là một nhà văn, một nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa mà còn là một vị cao tăng am hiểu về Phật pháp và thiền học, đã vui vẻ nhận lời mời tới thăm Ủy Ban và nói chuyện về đề tài: Văn hóa và đạo đức trong đời sống tâm linh.

Thay mặt cho ban tổ chức, tôi xin trân trọng giới thiệu, tham dự buổi nói chuyện hôm nay gồm có quí ông: Ông Nguyễn Phú Bình, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, chủ nhiệm Ủy Ban Liên Lạc Người Việt Nam ở Nước Ngoài. Ông Trần Quang Hoan, trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, phó chủ nhiệm Ủy Ban Người Việt Nam ở Nước Ngoài. Ông Phạm Khắc Lãng, nguyên phó chủ nhiệm Ủy Ban Liên Lạc Người Việt Nam ở Nước Ngoài kiêm tổng thư ký Ủy ban Liên Lạc Người Việt Nam ở Nước Ngoài. Thượng toạ Thích Gia Quang, phó ban Đối Ngoại Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Tham dự buổi nói chuyện hôm nay còn có lãnh đạo các Cục, các Vụ, cán bộ Nghiên Cứu của Bộ Ngoại Giao, Uỷ Ban Người Việt Nam ở Nước Ngoài, ban Tôn Giáo Chính Phủ, văn phòng Quốc Hội Uỷ Ban Đối Ngoại, văn phòng Chính Phủ Bộ Văn Hoá, Bộ Công An, Ban Đối Ngoại, Ban Tư Tưởng Văn Hóa, Ban Dân Vận, Ban Kết Sự Đảng và Nhà nước, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và Hội Liên Lạc Người Việt Nam ở Nước Ngoài.

Ban tổ chức cũng rất hân hạnh được đón tiếp các vị nhân sĩ trí thức, các nhà hoạt động văn hóa văn nghệ, các vị giáo sư tiến sĩ cán bộ khoa học của các viện nghiên cứu, các hội khoa học kỹ thuật cùng đông đảo các phóng viên tham dự buổi nói chuyện hôm nay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Chương trình buổi nói chuyện gồm hai phần: Sau phần trình bày của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sẽ là phần trao đổi và trả lời câu hỏi. Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ vui lòng trả lời tất cả những câu hỏi của quý vị về đề tài mà Thiền sư nói chuyện hôm nay, cũng như những vấn đề liên quan đến Phật học và Thiền học. Ban tổ chức xin trân trọng giới thiệu và kính mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh bắt đầu buổi nói chuyện.

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh thuyết giảng

Các thầy, các sư cô Làng Mai sẽ xướng tụng danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm cho không khí trang nghiêm, lắng dịu. Các thầy, các sư cô sẽ trì tụng Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm bằng tiếng Phạn.

Sự thực tập của chúng ta là dùng trái tim để tiếp xúc với khả năng hiểu và thương sẵn có trong mỗi người và mỗi loài. Đó là khả năng có thể hiểu, chấp nhận và thương yêu được. Khả năng đó có mặt trong từng tế bào cơ thể của chúng ta. Ðức Quan Thế Âm không phải là một thực tại ở ngoài. Khi xướng danh hiệu Quan Thế Âm thì ta tiếp xúc được với năng lượng của yêu thương đó trong ta và trong những người khác. Năng lượng đó trở thành năng lượng tập thể và nó có thể đi vào trong tất cả mọi người chúng ta.

Xướng tụng không chỉ bằng lời mà xướng tụng bằng trái tim của niệm, định, tuệ và chúng ta có thể tham dự bằng cách có mặt đích thực trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta có những căng thẳng, đau nhức, chúng ta có thể ngồi buông thư để năng lượng tập thể đó đi vào trong người chúng ta, làm lắng dịu và lấy ra khỏi cơ thể những căng thẳng, đau nhức. Rất là hiệu nghiệm.

Nếu chúng ta biết thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại, có mặt một trăm phần trăm ở tại đây, bây giờ và buông thư thì chuyện này sẽ xảy ra chắc chắn. Nếu chúng ta có những nỗi khổ niềm đau, có những đau buồn trong tim, chúng ta có thể mở trái tim ra để cho năng lượng tập thể của thương yêu đó đi vào, ôm ấp, chuyển hóa và chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn sau mười phút thực tập. Nếu chúng ta có một người thân bệnh nặng, đang ở nhà hoặc ở nhà thương không đến đây được và chúng ta muốn truyền năng lượng tập thể của thương yêu này đến họ, chúng ta chỉ nghĩ đến người đó, hình dung đến người đó, gọi tên người đó trong im lặng thì năng lượng này sẽ được truyền về ngay. Rất là mau chóng.

Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm
Ðầu cành dương liễu vương cam lộ
Một giọt mười phương rưới cũng đầy
Bao nhiêu trần lụy tiêu tan hết
Ðàn tràng thanh tịnh ở ngay đây
Nam mô Bồ Tát Thanh Lương Địa. (3 lần)
Trí tuệ bừng lên đóa biện tài
Ðứng yên trên sóng sạch trần ai
Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh
Hào quang quét sạch buổi nguy tai
Liễu biếc phất bày muôn thế giới
Sen hồng nở hé vạn lâu đài
Cúi đầu ca ngợi dâng hương thỉnh
Xin nguyện từ bi ứng hiện ngay
Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm. (3 lần)

Theo truyền thống của Làng Mai trong buổi nói chuyện thỉnh thoảng chúng ta sẽ nghe một tiếng chuông. Khi nghe chuông chúng ta đừng nói, đừng suy nghĩ và chúng ta trở về với hơi thở. Chúng ta thở vào, thở ra có ý thức.

Thở vào tôi biết rằng sự sống đang có trong tôi, chung quanh tôi.
Thở ra tôi mỉm cười với sự sống đang có trong tôi, chung quanh tôi.

Thỉnh thoảng ngưng lại và thở như vậy thì mình có thể ngồi chơi với nhau lâu hơn, đó là sự dừng nghỉ.

Sư cô Ðẳng Nghiêm là tri chung (bell master) hôm nay. Sư cô đã tốt nghiệp bác sĩ y khoa và đã ra làm việc mấy năm rồi nhưng sau đó đi tham dự khóa tu thấy thích quá cho nên sư cô đã đi xuất gia. Sư cô nghĩ rằng đi xuất gia thì mình sẽ giúp được nhiều người hơn là làm nghề bác sĩ.

Thiền là sự sống

Tôi nhớ một hôm tôi tiếp phóng viên của tờ báo San Francisco ở tu viện Kim Sơn. Tu viện có những cây red wood (đan mộc) rất lớn. Tôi tiếp ông ta dưới một khóm đan mộc chừng mười cây. Ông phóng viên này đã lái xe từ San Francisco tới. Ông muốn viết một bài về thiền tập mà chúng tôi đang quảng bá tại Hoa Kỳ và ở các nước Âu Châu. Lúc có một sư chú đem trà ra để đãi khách, tôi mới đề nghị với ông là ông nên quên cái bài sắp viết của ông đi, để ra ba phút uống trà và hoàn toàn tập trung vào sự uống trà. Tôi nói cho ông nghe về thiền trà. Thiền trà là mình có mặt đích thực với thân và tâm trong giây phút hiện tại để có thể nhận diện được chén trà và mình uống trà hoàn toàn trong giây phút hiện tại đó. Phương pháp thực tập mà chúng tôi chia sẻ với người Tây phương là làm thế nào để có thể sống những giây phút trong đời sống hằng ngày của mình một cách thật sâu sắc để ngày mai đừng có hối tiếc. Ông phóng viên này đã thực tập rất giỏi. Trong khi uống trà với chúng tôi ông hoàn toàn quên bài sắp viết của ông và nhờ quên được cho nên ông đã viết được một bài rất hay, đó là bí quyết. Thường những phóng viên của tờ New York Time hay Washington Post khi muốn viết bài về thiền tập thì chúng tôi yêu cầu các vị phải ở lại tu với chúng tôi bảy ngày, trước khi chúng tôi đồng ý để cho các vị phỏng vấn. Nếu quý vị tới và phỏng vấn liền thì quý vị không có kinh nghiệm tối thiểu nào hết về sự thực tập. Và lạ thay có rất nhiều phóng viên chấp nhận điều kiện đó. Ở Paris, tờ báo Elle của các bà, các cô đã gởi phóng viên về chùa của chúng tôi ở Làng Mai. Các sư cô đưa ra điều kiện nếu bà muốn phỏng vấn chúng tôi thì phải tu với chúng tôi bảy ngày và bà phóng viên đó đã đồng ý ở lại bảy ngày để tu trước khi được phép phỏng vấn. Nếu không có kinh nghiệm trực tiếp thì bài viết của mình không có giá trị. Thiền tập là như vậy, thiền tập là sự sống chứ không phải là lý thuyết suông.

 

Sống tỉnh thức trong từng phút giây

Sau khi phỏng vấn rồi, tôi đưa vị phóng viên báo San Fransico ra ngoài bãi đậu xe và chỉ cho ông phương pháp thiền hành, nghĩa là đi trong chánh niệm. Thiền hành tức là đi như thế nào để mỗi bước chân giúp cho mình trở về với giây phút hiện tại. Mình có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút đó. Khuynh hướng của chúng ta là chạy về tương lai, tại vì chúng ta tin rằng hạnh phúc khó có được trong giây phút hiện tại. Do đó chúng ta hy sinh giây phút hiện tại để đi tìm hạnh phúc ở tương lai. Thái độ đó đã trở thành một tập khí, một thói quen cho nên chúng ta luôn luôn có khuynh hướng muốn xông xáo đi về tương lai và rất ít người trong chúng ta có khả năng an trú trong hiện tại để có thể tiếp xúc được với sự sống một cách sâu sắc.

Thiền hành tức là mỗi bước chân phải đưa lại cho mình sự vững chãi, thảnh thơi và giúp cho mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại. Mỗi bước chân như vậy có thể nuôi dưỡng, trị liệu được cho mình. Chúng ta có áp lực trong cơ thể cũng như trong tâm hồn và sự căng thẳng làm cho chúng ta không có hạnh phúc.

Ông phóng viên này thật giỏi, sau khi tiếp nhận năm phút những chỉ dẫn về thiền hành thì ông ta đã đi được những bước vững chãi, thảnh thơi. Tới nửa đường tôi đề nghị ông ngừng lại, rồi tôi nói: Này ông bạn, ông nhìn lên trời đi và ông thực tập nhìn trời cho thật sâu sắc. Thở vào tôi thấy trời xanh, thở ra tôi mỉm cười với trời xanh. Làm thế nào để mình đầu tư một trăm phần trăm tâm và thân của mình trong việc tiếp xúc với màu trời xanh. Mình phải tiếp xúc thật sâu sắc với màu trời xanh đó. Ông ta vui lòng đứng lại để thực tập, sau đó ông nói rằng: Thầy ơi, cả cuộc đời tôi chưa bao giờ tôi nhìn trời xanh như thế. Tôi chưa bao giờ nhận diện được sự có của mặt trời xanh một cách sâu sắc như thế.

Tôi còn nhớ một tác phẩm trong đó có câu chuyện về một anh chàng tử tù sắp bị tử hình. Vào ngày chót, anh chàng có một sự may mắn nào đó, một giây phút ý thức xảy ra cho anh. Anh nằm ngửa trong phòng giam, ngửng lên thấy có cái cửa tò vò thì anh ta đột nhiên tiếp xúc được với khung trời xanh nhỏ bé đó. Từ lúc đó, anh sống trong ý thức là cuộc đời hết sức mầu nhiệm và những giây phút còn lại của cuộc đời anh ta sống rất có ý thức. Đến khi có một ông cha gõ cửa vào để làm lễ rửa tội trước khi anh chịu án tử hình thì anh ta không muốn tiếp ông cha. Anh ta nghĩ thời gian còn sống của mình rất ít mà tiếp ông cha này thì mất thời giờ lắm và chưa chắc ông cha có được cái tuệ giác, cái ý thức mà mình đang có: Ý thức rằng mình đang có mặt và màu trời xanh đang có mặt cho mình.

Anh ta tự nói rằng: Ông cha đó không có ý thức về sự sống như mình đang có, ý thức đó đang ở trong mình. Ông cha này sống như một người chết. Khi sống mà không ý thức rằng mình đang có mặt để có thể  tiếp xúc sâu sắc được với sự sống thì mình sống như là những xác chết. Nhìn chung quanh, mình thấy bao nhiêu người đang mang cái tử thi của họ đi vòng quanh, họ không thực sự sống, tại vì họ không có khả năng có mặt thực sự trong giây phút hiện tại cho nên họ không thực sự sống. Thực tập là làm thế nào mình tỉnh dậy để thực sự sống và tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm. Đạo Phật nói đến sự tỉnh thức, tại vì chữ Bud có nghĩa là tỉnh thức. Buddha là người tỉnh thức, người ý thức được rằng mình đang có mặt cho nên mình có khả năng tiếp xúc với tất cả những mầu nhiệm của sự sống cũng đang có mặt.

Thở vào tôi ý thức sự sống trong tôi và chung quanh tôi,
Thở ra tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi.

Tiếng chuông là phương tiện giúp mình trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm. Con đường tâm linh giúp cho mình sống tỉnh thức trong từng phút từng giây. Nếu quý vị hỏi thầy Nhất Hạnh dạy cái gì bên Mỹ, bên Âu châu mà người ta theo nhiều như vậy thì tôi xin trả lời rất đơn giản: Tôi chỉ bày cho người ta phương pháp sống như thế nào để có thể sống sâu sắc được trong từng giây phút của đời sống hiện tại, để sau này họ sẽ không hối tiếc.

Chắc quý vị còn nhớ hôm Thúy Kiều bẻ rào sang thăm Kim Trọng, nhân dịp gia đình đi ăn giổ ở quê ngoại, Thúy Kiều lấy cớ nhức đầu hay đau bụng gì đó ở nhà. Chủ đích của cô ta là để có dịp sang thăm người yêu. Sang đó ở gần một ngày, chiều xuống rồi, thấy nếu mình ở thêm thì bất tiện cho nên nàng   mới về. Đến nhà, thấy gia đình vẫn chưa về, cô mới tiếc nên lại đi qua một lần nữa. Khi Thúy Kiều trở lại thì Kim Trọng đang ngồi ngủ gục trên án thư:

Sinh vừa tựa án thiu thiu.
Dở chiều như tỉnh, dở chiều như mê.

Tiếng chân của Thúy Kiều trên sỏi làm cho anh chàng thức dậy, trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê đó, Kim Trọng mới hỏi: Này em, em có thật là em đó không hay đây là hình ảnh trong giấc mơ?

Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần,
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.

Anh chàng không biết đó là sự thực hay là giấc mơ. Kiều mới trả lời như thế này:

Nàng rằng quảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.

Câu đó thật xuất thần. Anh có mặt đây, em có mặt đây, nếu mình không nhận rõ mặt nhau, biết được sự có mặt đích thực của nhau trong giờ phút này thì sau này tất cả đều trở thành một giấc chiêm bao.

Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.

Sống với người đó mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm nhưng có khi nào mình có những giây phút ngồi xuống để nhìn người đó cho thật rõ hay không? Hay là mình sống vội vàng, nói với nhau những câu vội vàng để rồi mình đi theo những dự án, những lo lắng, những sở thích của mình mà chưa thật sự sống với người đó một giây phút nào gọi là sâu sắc hết.

Đôi ta ở đây có thể là mình với bạn bè của mình hay là mình với cha của mình. Có thể mình bận rộn quá, mình chưa bao giờ nhìn ngắm cha của mình để có thể thấy được, có thể cảm nhận sự có mặt đích thực của ông trong đời sống của mình. Cho đến khi ông mất rồi thì mình mới cảm thấy hối tiếc và mình khóc. Chúng ta khóc không phải chỉ vì đau thương mà chúng ta khóc vì chúng ta giận chúng ta: Trong khi thân phụ, thân mẫu hay người yêu còn sống mà chúng ta đã quá bận rộn, chúng ta không có thì giờ để sống một cách sâu sắc với người đó. Bây giờ đây thì quá muộn rồi! Cái khóc có thể để biểu lộ sự hối hận của chúng ta, chứ không phải chỉ là đau thương thôi.

Nhận diện những điều kiện hạnh phúc

Có một lần tôi đi thiền hành một mình từ thất Ngồi Yên của tôi lên thiền đường. Đêm đó trăng sao rất đẹp. Tôi nhìn lên mặt trăng, mỉm cười với trăng và nói: Trăng ơi ta biết là ngươi có đó và ta cám ơn ngươi, ta rất hạnh phúc. Tôi nói chuyện với mặt trăng. Đôi ta có thể là mình với mặt trăng, đôi ta có thể là mình với sự sống. Nếu không có ý thức trong giờ phút hiện tại, mình không thể tiếp xúc sâu sắc được và cuộc đời của mình rốt cuộc chỉ là một giấc chiêm bao.

Bud có nghĩa là thức dậy. Người thức dậy được gọi là Buddha. Người nào có khả năng thức dậy được, có mặt được một cách đích thực trong giây phút hiện tại thì người đó có khả năng tiếp xúc sâu sắc được với sự sống. Sự sống có biết bao nhiêu là mầu nhiệm ở trong ta cũng như là quanh ta. Ðức Thích Ca nói rằng :

Đừng luyến tiếc quá khứ
Đừng lo tưởng tương lai
Quá khứ thì không còn
Tương lai thì chưa tới.
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi thảnh thơi
Trong giây phút hiện tại.

Theo giáo lý này quá khứ không còn mà tương lai thì chưa tới. Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta bỏ mất giây phút hiện tại tức là chúng ta bỏ mất sự sống. Chúng ta có ước hẹn với sự sống đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta chỉ bươn chải về tương lai, chỉ lo lắng về tương lai và giẫm lên hiện tại mà đi thì chúng ta đánh mất tất cả. Cho nên phương pháp thực tập căn bản là sử dụng hơi thở và bước chân. Mình trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc một cách sâu sắc với những mầu nhiệm của sự sống.

Thở vào tôi ý thức về hai mắt của tôi,
Thở ra tôi mỉm cười với hai mắt.

Thực tập như vậy thì mình ý thức được rằng mình có đôi mắt và đôi mắt này sáng. Hai mắt sáng là điều kiện để có một Thiên Đường của màu sắc, của hình ảnh. Chỉ cần mở mắt ra là mình có thể tiếp xúc được với Thiên Đường đó. Những người đã mù rồi thì không thể nào hưởng được Thiên Đường của màu sắc, của hình dáng. Nhờ có đôi mắt sáng mà Thiên Đường đó là của chúng ta. Chúng ta có thể tiếp xúc với Thiên Đường đó bất cứ lúc nào, bất cứ giây phút nào. Chúng ta có những điều kiện hạnh phúc như vậy trong nội thân và chúng ta cũng có những điều kiện hạnh phúc như vậy ở ngoài. Nếu chúng ta biết trở về với giây phút hiện tại và nhận diện được những điều kiện hạnh phúc đã và đang có mặt thì chúng ta có hạnh phúc liền lập tức.

Bài tập tôi thường đưa cho thiền sinh: Lấy một tờ giấy và một cây bút, ngồi xuống gốc cây để ghi lại những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có. Ban đầu mình nghĩ ghi một trang thì nhiều quá, một trang thì lớn quá. Nhưng nếu có một chút kiên nhẫn mình sẽ thấy hai trang giấy đầy không đủ để ghi những điều kiện hạnh phúc mình đang có.

Trở về với giây phút hiện tại và nhận diện được những điều kiện hạnh phúc đang có thì tự nhiên hạnh phúc đó tới liền ngay lập tức. Chúng ta không còn cần thêm tiền bạc, giàu sang, không cần thêm danh vọng, quyền hành. Người Pháp có bài hát: Chúng ta đợi cái gì nữa mà không có hạnh phúc liền bây giờ đi. Bài hát đó cũng căn cứ trên tuệ giác đạo Phật, tức là những điều kiện hạnh phúc, chúng ta đã có dư giả ngay trong giây phút hiện tại. Khi trở về với giây phút hiện tại, không những mình tiếp xúc được với sự sống nhiệm mầu có tính nuôi dưỡng, trị liệu mà còn trở thành ngọt ngào, tươi mát và chia sẻ được hạnh phúc đó cho những người thương của mình.

Thương yêu có nghĩa là có mặt cho người mình thương. Mình không có mặt làm sao mình thương yêu được. Nếu mình bận rộn quá, bị cuốn theo những dự án và không có thì giờ để nhìn người yêu, để ngồi với người yêu thì mình không có khả năng thương yêu. Cho nên thương yêu có nghĩa là phải có mặt cho người mình yêu nhưng sự có mặt đó phải có phẩm chất, phải có sự tươi mát, ngọt ngào thì mới là một tặng phẩm đáng để dâng tặng.

Có mặt cho người thương

Có một thương gia rất giàu có. Ông được nhắc rằng ngày mai là sinh nhật của đứa con trai. Ông mới nhìn đứa con trai và hỏi rằng: Này con, con muốn cái gì thì ngày mai bố sẽ mua cho con? Đứa con trai không biết trả lời làm sao? Bố nó rất giàu, nó muốn cái gì là bố mua cho hết nhưng nó cần một cái, mà cái đó khó quá: Đó là sự có mặt của bố. Bố quá giàu, bố phải để hết thì giờ để theo đuổi sự nghiệp, doanh nghiệp và bố không có thì giờ cho mẹ, không có thì giờ cho con.

Doanh nghiệp là tên độc tài, nó lấy hết thì giờ, năng lượng của bố. Bố không có thì giờ để sống, không có thì giờ cho mẹ, không hiến tặng được sự tươi mát ngọt ngào cho mẹ. Bố có rất nhiều lo lắng, khắc khoải, nhiều tính toán và quá bận rộn. Bố không có thì giờ để tiếp xúc với trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở thì làm gì bố có những cái tươi mát để cống hiến cho mẹ. Sau khi suy nghĩ một lúc, đứa con nói: Con đâu cần gì, con chỉ cần bố thôi! Ðúng là như vậy, đúng là câu trả lời đích thực. Nó có một người cha nhưng kỳ thực giống như không có cha, tại vì người cha đã bị cuốn theo sự nghiệp, cuốn theo doanh nghiệp.

Cho nên phẩm chất sự sống tùy theo thì giờ mình có. Mình phải có thì giờ, phải có sự tươi mát ngọt ngào thì mình mới có gì để hiến tặng cho người mình thuơng. Nếu người bố đó biết thực tập thì ông sẽ ngồi xuống để dành ra vài ba phút để thở.

Thở vào tôi biết rằng có sự sống trong tôi và chung quanh tôi,
Thở ra tôi mỉm cười với những mầu nhiệm sự sống trong tôi và chung quanh tôi.

Thực tập một hay hai phút như vậy thì người bố trở thành tươi mát và có mặt đích thực. Bố sẽ nhìn thẳng vào mắt con nói rằng: Con ơi, con có biết là bố đang có mặt thực sự cho con! Ðó là món quà quí nhất. Món quà quí nhất một người hiến tặng cho người yêu là sự có mặt của mình, sự có mặt tươi mát và ngọt ngào. Nếu ông lái xe mà ông cứ tiếp tục nghĩ đến những vấn đề của ông, những dự án của ông và quên bà đang ngồi cạnh ông, có nghĩ là bà bị loại ra khỏi vùng chú ý của ông. Nếu sống mà không được sự chú ý của người yêu thì mình không có cảm tưởng là mình được thương yêu. Thương yêu tức là được công nhận sự có mặt. Mình sẽ nói rằng: Này em, em có biết là anh đang có mặt đây cho em không? Có mặt rồi thì mình mới có tư cách công nhận sự có mặt của người kia.

Hôm đi thiền hành tôi công nhận sự có mặt của mặt trăng, tôi nói rằng: Trăng ơi, ta biết em có đó và ta rất hạnh phúc khi em đang sáng ở trên trời! Mặt trăng là người yêu. Mình có biết bao nhiêu điều để mình yêu trong đời sống. Một dòng nước trong, một cây liễu rũ, tất cả những cái đó đều đem lại cho mình hạnh phúc, chứ đâu phải chỉ có danh vọng, quyền hành, sắc dục và tiền bạc mới đem lại hạnh phúc. Nếu nhìn xung quanh chúng ta sẽ thấy có những người rất giàu có, rất quyền uy nhưng mà họ đau khổ vô cùng. Tôi đã từng gặp những người đó, như ông Rockefeller hay ông Ford.

Rockefeller là một độc giả của tôi. Hôm đó, một thiền sinh ở Boston thấy một ông già mặt áo rất cũ kỹ, ngồi bên bờ sông và đọc một cuốn sách của thầy Nhất Hạnh, cuốn Peace is every step (An Lạc Từng Bước Chân). Người thiền sinh tới gần và hỏi: Này bác, bác có biết gần đây chỉ mấy cây số thôi có một trung tâm của thầy Nhất Hạnh, một trung tâm thực tập chánh niệm? Nếu bác muốn, tôi mời bác đến đó để thực tập với chúng tôi vì tôi thấy bác đang đọc một cuốn sách của thầy chúng tôi, thầy Nhất Hạnh. Cuốn sách mà ông đọc đã sờn hết, rất là cũ. Ông ta cám ơn và tiếp tục ngồi đọc bên bờ sông. Cuối cùng người thiền sinh từ giã và nói rằng: Bác cho chúng tôi biết tên, họ và địa chỉ để có gì chúng tôi đem xe đến chở bác đi tới trung tâm của chúng tôi thực tập. Anh nghĩ rằng ông già kia không có xe. Nhưng khi ông già đưa  tên ra, người thiền sinh đọc là Lawrence Rockefeller, nhà tỉ phú bậc nhất ở tiểu bang New York.

Còn ông Bill Ford, vua xe hơi, đã tới thiền viện của chúng tôi ở tiểu bang Boston tu học một ngày một đêm. Ông ta cho biết rằng cuốn Miracle of mindfulness (Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức) đã được ông đọc ba mươi hai lần. Mỗi khi có những khó khăn trong doanh nghiệp, có những buồn khổ, sợ hãi là ông phải tìm tới cuốn sách đó để đọc.

Việc ông Lawrence Rockefeller đọc cuốn An Lạc Từng Bước Chân cho chúng tôi biết những người giàu có quyền uy lớn như vậy nhưng đời sống rất cô đơn, rất khổ đau cho nên họ mới tìm sự an ủi trong những cuốn sách của thầy Nhất Hạnh. Tôi rất lấy làm lạ, họ là những người có gốc Thiên chúa giáo thì tại sao họ không đi tìm sự an ủi đó trong truyền thống Thiên chúa giáo mà phải tìm ở sách thầy Nhất Hạnh?

Thời gian bốn chục năm chúng tôi ở Tây phương trong khi giảng dạy ở Làng Mai mỗi khi chúng tôi nghe tiếng điện thoại là chúng tôi ngưng nói, ngưng nghe, trở về với hơi thở và thực tập ba hơi thở rất là nghiêm túc. Khi nghe đồng hồ điểm nhạc mỗi mười lăm phút, chúng tôi cũng ngưng lại để trở về với hơi thở, để tiếp xúc với những mầu nhiệm trong giây phút hiện tại. Trong bốn mươi năm ở hải ngoại chúng tôi chia sẻ với người Tây phương sự thực tập của chúng tôi. Tây phương đã có tôn giáo của họ rồi và nền văn minh căn bản của Tây phương là Cơ đốc giáo thì tại sao mình phải đem tới một tôn giáo khác cho họ? Chúng tôi không có ý định truyền giáo nhưng chúng tôi biết rằng đạo Phật không chỉ là một tôn giáo. Trong tôn giáo mình có thể tìm thấy đức tin, niềm hy vọng, sự cầu nguyện. Trong đạo Phật cũng có đức tin, cũng có hy vọng, cũng có cầu nguyện nhưng đạo Phật không phải chỉ có cái đó mà đạo Phật còn là nguồn tuệ giác sâu sắc, đạo Phật còn có những phương pháp thực tập rất hữu hiệu giúp cho mình tháo gỡ được những khó khăn, những khổ đau ở trong con người của mình, thiết lập được sự an lạc, hòa bình trong tâm của mình, tái lập được truyền thông với người khác, đem lại cái hiểu, cái thương và hạnh phúc.

Phần tôn giáo trong đạo Phật tuy nhiều người theo nhưng nó không phải là phần sâu sắc nhất. Phần sâu sắc nhất trong đạo Phật là tuệ giác. Tuệ giác đó giúp chúng ta thấy được mặt mũi của thực tại. Tuệ giác đó có khả năng tháo gỡ, chuyển hóa và giải phóng chúng ta ra khỏi những nỗi khổ niềm đau. Sự giải thoát này, sự cứu độ này không phải do ân huệ của một đấng thượng đế mà do trí tuệ. Trong đạo Phật mình giải thoát được là nhờ tuệ giác, chứ không phải là nhờ ân huệ của một đấng thần linh nào.

Khi chia sẻ đạo Phật cho người Tây phương thì chúng tôi không đưa phần tín ngưỡng mà chúng tôi chỉ đưa ra phần thực tập và phần tuệ giác. Chúng tôi biết rằng họ đã có tôn giáo của họ rồi cho nên mình không cần phải đưa phần tôn giáo vào thêm nữa? Trong phái đoàn của chúng tôi hôm nay, có một vị xuất gia ngày xưa đã làm linh mục công giáo. Vị nầy rất còn thương, còn yêu mến đạo Cơ đốc và thấy mình rất tin tưởng vào giáo lý của đức Ky Tô. Ông nói những giáo lý trong thánh kinh như là thương yêu, tha thứ đã rất rõ ràng nhưng các phương pháp thực tập để chế tác sự hiểu biết, sự tha thứ, sự thương yêu trong đạo Phật còn rõ ràng hơn nhiều lắm. Vì vậy ông xuất gia.

Năm giới của đạo Phật và Manifesto 2000

Đạo Phật, có những phương pháp rất cụ thể giúp mình có được sự nhẹ nhàng trong cơ thể, trong cảm xúc, giúp mình quán chiếu thấy được những gốc rễ xa gần của những cảm thọ khổ đau. Nhờ thế mình chuyển hóa được những khổ đau đó và đem lại an lạc, hạnh phúc. Chính những phương pháp thực tiển đó trong đạo Phật đã được chúng tôi đem ra cống hiến cho người Tây phương. Chúng tôi không dùng những phương tiện truyền thông trên báo chí nhưng rồi một đồn ra mười, mười đồn ra trăm và vì vậy số thiền sinh tới những trung tâm của chúng tôi càng ngày càng đông. Chúng tôi không muốn người ta bỏ gốc rễ Cơ đốc giáo hay Do thái của họ để đi theo đạo Phật nhưng có nhiều người rất muốn quy y và tiếp nhận năm giới của đạo Phật.

Tôi còn nhớ một khóa tu ở miền bắc tiểu bang New York, đó là khóa tu bảy ngày và có một ngàn hai trăm thiền sinh người Mỹ tham dự. Trong khóa tu đó đã có tới bảy trăm người Mỹ quỳ xuống để tiếp nhận tam quy và năm giới. Ðối với người Việt, quy y tam bảo và thọ năm giới 1* là chuyện văn hóa, truyền thống thôi, rất là tự nhiên. Nhưng đối với một người Tây phương quỳ xuống tiếp nhận tam quy và giữ năm giới là một điều chỉ có thể xảy ra khi có sự giác ngộ lớn, một chuyển hướng lớn.

Chúng tôi đã trình bày Năm giới như thế nào để cho tất cả mọi người đều có thể thấy được năm giới là sự thực tập có khả năng bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và xã hội của mình, để tránh những tệ nạn, khổ đau, những hệ lụy xảy ra trong đời sống của mình, của gia đình và của xã hội. Quý vị còn nhớ UNESCO đã phổ biến Manifesto 2000 2*. Sáu điểm của Manifesto 2000 gần như là năm giới của Phật giáo. Có bảy mươi lăm triệu người trên thế giới ký vào văn bản, trong đó có thủ tướng Phan Văn Khải. Chúng tôi có cơ hội ngồi với mười lăm, mười sáu vị được giải Nobel hòa bình để soạn thảo ra Manifesto 2000. Tuyên ngôn 2000 là để đi tới một thập niên, một thế kỷ bất bạo động trong đó người ta tôn trọng nhau, tôn trọng thiên nhiên và không sử dụng những biện pháp bạo động làm hại sự sống trên trái đất. Nếu nghiên cứu quý vị sẽ thấy rằng sáu điều của tuyên ngôn 2000 với năm giới rất giống nhau, nhưng đã được trình bày như thế nào để tất cả mọi truyền thống đều có thể tiếp nhận được.

Năng lượng của chánh niệm

Phương pháp thực tập đề nghị trong tuyên ngôn đơn giản lắm, người nào cũng có thể làm được và từ truyền thống nào mình cũng có thể thực tập được. Đó là sử dụng hơi thở, bước chân để chế tác ra một năng lượng gọi là chánh niệm. Chánh niệm là năng lượng giúp cho mình có mặt đích thực trong giờ phút hiện tại. Khi thở vào, mình thở vào có ý thức, tức là đem tâm trở về với thân. Khi thân và tâm hợp nhất thì mình thực sự có mặt trong giây phút hiện tại. Khi mà mình có mặt trong giây phút hiện tại là mình đang thực sự sống, đang thực sự có mặt. Mình đang thực sự có mặt thì mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Đơn giản như thế đó.

Một hơi thở vào, một hơi thở ra có ý thức hay là bước chân có ý thức là đã chế tác được nguồn năng lượng gọi là chánh niệm. Khi uống trà, nếu mình biết mình đang uống trà tức là uống trà trong chánh niệm. Khi bước một bước chân, mình biết mình đang bước một bước chân tức là bước trong chánh niệm. Khi ăn cơm mình có thể ăn cơm trong chánh niệm. Người thực tập có ý thức về tất cả những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại cho nên có thể định nghĩa chánh niệm là năng lượng giúp cho mình nhận diện được những gì đang xảy ra ngay bây giờ và ở đây. Việc đó ai cũng làm được, ai cũng có thể rửa bát trong chánh niệm, súc miệng trong chánh niệm, đánh răng trong chánh niệm và tưới hoa trong chánh niệm. Như vậy có nghĩa là mình có mặt đích thực và sống sâu sắc trong từng giây phút của đời sống hằng ngày của mình.

Đơn giản như thế nhưng mình cần phải tập luyện một chút mới có thể làm được. Nhất là khi mình sống trong một tập thể và người nào cũng làm như thế thì mình làm rất dễ. Nếu quý vị đến thăm Làng Mai ở Pháp thì quý vị sẽ thấy các thầy, các sư cô, các thiền sinh người nào cũng đi từng bước thảnh thơi, an lạc. Chỉ trong vài giờ tham dự thì quý vị cũng có thể đi được những bước chân thảnh thơi, an lạc. Bước chân nào cũng vững chãi, cũng thảnh thơi và bước chân nào cũng giúp cho quý vị có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Một ngày sống ở Làng Mai là nhiều lắm, tại vì mình sử dụng hai mươi bốn giờ đồng hồ rất là đầy đặn.

Thức dậy miệng mỉm cười.
Hai mươi bốn giờ tinh khôi.
Xin nguyện sống trọn vẹn.
Mắt thương nhìn cuộc đời.

Ðó là một trong rất nhiều bài kệ thiền sinh học thuộc lòng. Khi thức dậy mình thấy một tặng phẩm lớn mà đất trời đã đem đến cho mình, đó là hai mươi bốn giờ tinh khôi của một ngày. Ðó là món quà lớn lắm. Khi chết rồi, thành một thây ma thì mình không còn tư cách tiếp nhận món quà đó nữa nhưng mình đang còn sống và vì vậy mỗi buổi sáng mình đều có món quà đó, rất là mầu nhiệm:

Hai mươi bốn giờ tinh khôi.

Thức dậy miệng mỉm cười liền vì đó là món quà rất lớn và mình không muốn làm hư món quà đó. Đó là tờ giấy trắng tinhthì mình có thể tha hồ viết hoặc là vẽ lên đó cái gì mình muốn. Có chánh niệm thì mình có thể làm cho hai mươi bốn giờ đồng hồ đó đầy đặn, tròn đầy, đẹp đẽ, hạnh phúc, đầy tình thương. Đó là một nghệ thuật!

Mắt thương nhìn cuộc đời.

Người nào thức dậy mà lại không có hai mươi bốn giờ như một tặng phẩm nhưng biết bao nhiêu người đã làm hư hai mươi bốn giờ đó. Có bao nhiêu người trong số chúng ta biết cách xử lý để hai mươi bốn giờ đó trở thành hai mươi bốn giờ đẹp đẽ đầy tình thương và hạnh phúc. Chìa khóa ở chỗ là mình phải có chánh niệm, phải có ý thức và mình phải trân quý từng giây từng phút của đời sống hằng ngày.

Thức dậy miệng mỉm cười.

Rất có lý do để mình mỉm miệng cười, tại vì mình có món quà quá quý là hai mươi bốn giờ đồng hồ. Hai mươi bốn giờ tinh khôi cho nên xin nguyện sống trọn vẹn. Tôi nguyện rằng tôi sẽ sống một cách thật đầy đủ, thật sâu sắc hai mươi bốn giờ đồng hồ đó. Trong suốt thời gian đó tôi sẽ sử dụng con mắt từ bi, con mắt thương yêu để nhìn mọi người.

Mắt thương nhìn cuộc đời.

Mắt thương nhìn cuộc đời là dịch trực tiếp từ kinh Pháp Hoa trong phẩm Phổ môn: Từ nhãn thị chúng sanh là lấy con mắt từ bi để nhìn các loài chúng sanh. Khi lấy mắt thương để nhìn thì không bao giờ mình đau khổ, không bao giờ giận hờn, trách móc, bởi vì mình hiểu và thương được. Khi có cái hiểu, cái thương trong trái tim rồi thì mình không đau khổ, không giận hờn, trách móc, bực bội nữa. Chính người sử dụng mắt thương là người có hạnh phúc trước, rồi tới những người được nhìn bằng con mắt thương cũng nhận được hạnh phúc. Ánh mắt của ông này dễ chịu quá! Ông nhìn mình không bằng sự trách móc, hờn giận mà ông nhìn mình bằng con mắt thương yêu. Chúng ta là thầy giáo, là một người cha, là một bà mẹ, một viên chức hay cán bộ, nếu chúng ta biết sử dụng phương pháp nhìn mọi người bằng con mắt thương yêu thì chúng ta có hạnh phúc trước rồi tất cả những người chúng ta tiếp xúc được trong ngày cũng có hạnh phúc.

Mắt thương nhìn cuộc đời tuy chỉ có năm chữ nhưng đó là sự thực tập rất sâu sắc của Bồ Tát Quan Thế Âm. Nếu muốn, chúng ta cũng có thể thực tập như vậy. Chúng ta nhìn cha, mẹ, nhìn anh, chị, em, nhìn con cái, nhìn người bạn hôn phối bằng con mắt thương thì ta sẽ không còn trách móc, hờn giận, ta khỏe trong lòng và người được nhìn cũng thấy hạnh phúc.

Khi xuất gia làm chú tiểu năm mười sáu tuổi, cuốn sách đầu tiên các thầy bắt tôi học là một cuốn sách gồm khoảng năm mươi bài kệ, mỗi bài kệ áp dụng vào một trường hợp. Khi múc nước rửa tay thì mình phải dùng bài kệ rửa tay để mình có hạnh phúc trong khi rửa tay. Khi mặc áo vào và cài khuy thì mình phải có bài kệ để cài khuy. Trong khi cài khuy, mình có ý thức sống sâu sắc trong giây phút cài khuy, một giây phút kỳ diệu và hạnh phúc. Đời sống của một chú tiểu, một người tu đầy thi ca, tại vì bất cứ giờ phút nào trong đời sống hằng ngày cũng có một bài thơ đi theo hết. Bài đầu tôi nhớ là bài Thức Dậy. Ngày xưa bài kệ bằng chữ nho nhưng bây giờ mình đã có tiếng Việt:

Thức dậy miệng mỉm cười.
Hai mươi bốn giờ tinh khôi.
Xin nguyện sống trọn vẹn.
Mắt thương nhìn cuộc đời.

Khi mình sống được như vậy, tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống và có hạnh phúc rồi thì mình có dư khả năng để ban phát hạnh phúc cho những người chung quanh. Sự có mặt đích thực trong giây phút hiện tại có thể giúp mình xử lý được những nỗi khổ, niềm đau dâng lên từ tàng thức.

Chúng ta đã tiếp nhận được gì từ tổ tiên và cha mẹ chúng ta? Chúng ta tiếp nhận niềm vui, hạnh phúc, trí tuệ, kinh nghiệm của tổ tiên. Nhưng chúng ta cũng tiếp nhận từ các ngài những nỗi khổ niềm đau, những khó khăn mà các ngài chưa chuyển hóa được và các ngài đã truyền lại cho chúng ta. Chúng ta đã có những cái gen đó trong từng tế bào của cơ thể. Khi những nỗi khổ niềm đau đó phát hiện thì mình phải có mặt đích thực để chăm sóc nó. Sự có mặt đích thực của mình trong giây phút hiện tại có thể làm được hai công việc: thứ nhất là tiếp xúc được những gì mầu nhiệm, tươi mát để mình được nuôi dưỡng và thứ hai là để mình có cơ hội quản lý, chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau của mình.

Đây là một phương pháp hoàn toàn bất bạo động. Khi một cơn giận trào lên thì mình biết rằng nó có nền tảng trong chiều sâu của tâm thức. Chúng ta ai cũng có hạt giống của sự giận hờn nhưng nếu không biết thực tập thì chúng ta sẽ để cho hạt giống của sự giận hờn tưới tẩm mỗi ngày và nó trở thành ra một hạt giống rất lớn. Còn nếu chúng ta biết thực tập thì chúng ta không để cho hạt giống giận hờn đó được tưới tẩm bởi chính chúng ta và bởi những người chung quanh. Khi năng lượng của cơn giận trào lên, người biết thực tập lập tức nắm lấy hơi thở, nắm lấy bước chân để chế tác năng lượng gọi là chánh niệm. Năng lượng này nhận diện và ôm lấy năng lượng đầu tức là sự giận hờn. Cho nên chánh niệm là năng lượng có khả năng nhận diện và ôm ấp được những năng lượng của khổ đau trào lên từ tâm thức.

Cũng như khi đứa con đang giẫy dụa khóc mà được bà mẹ ôm vào trong vòng tay một cách nhẹ nhàng, ưu ái thì năng lượng dịu dàng của bà mẹ thấm vào trong người của đứa bé và đứa bé bớt khổ liền lập tức. Người mẹ chưa biết nguyên do gì đã làm cho con mình khóc nhưng việc bà ôm lấy con một cách dịu dàng đã có thể đem lại cho đứa bé một sự thuyên giảm nào đó. Cũng như thế, ban đầu năng lượng của giận hờn, của bực tức dâng lên nhưng mình không thể đàn áp nó được. Đàn áp nó tức là bạo động, đàn áp nó tức là mình đàn áp chính mình, tại vì nó thuộc về mình, nó phát xuất từ đáy lòng mình, từ tiềm thức, từ vô thức của chính mình.

Khi cơn giận dâng lên thì mình phải có cái năng lượng thứ hai tức là chánh niệm. Năng lượng này mình chế tác bằng hơi thở có ý thức hoặc bước chân có ý thức. Nếu thực tập hơi thở và bước chân có ý thức mỗi ngày thì mỗi khi mình trở về với hơi thở, với bước chân tự nhiên năng lượng đó được chế tác một cách rất mau chóng, dễ dàng. Với năng lượng chánh niệm mình nhận diện được năng lượng của sự giận hờn, sự bực tức và có thể ôm lấy nó môt cách dịu dàng thì tự nhiên nó thay đổi.

Chúng ta cũng làm như vậy. Mỗi khi có một sự bực tức hay sợ hãi, một hận thù, một giận hờn trào lên và nếu là người có thực tập thì mình chế tác liền năng lượng của chánh niệm. Năng lượng này giúp mình nhận diện, ôm lấy những nỗi khổ niềm đau của mình. Khi những hạt giống của chánh niệm đi vào trong vùng năng lượng của giận hờn, khổ đau, của tuyệt vọng thì mình có sự thuyên giảm. Cũng như khi bà mẹ ôm lấy đứa con thì đứa con cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Nếu bà mẹ cứ tiếp tục ôm đứa con với chánh niệm thì trong vài ba phút bà có thể tìm ra được nguyên do đã làm cho đứa con đau khổ. Ðứa con có thể đang sốt, đang đói hay có thể cái tả của nó chật quá. Khi thấy được nguyên do rồi thì bà mẹ có giải pháp rất mau. Nếu nó đói thì cho nó bình sữa, nếu nó bệnh thì cho nó uống thuốc v.v…

Khi đã có cảnh giác, đã có mặt đích thực rồi thì mình nhận diện ra được những gốc rễ của khổ đau. Mình có thể chặt đứt những gốc rễ đó và khổ đau không còn nữa. Cho nên khi có nỗi khổ niềm đau trào lên, là người tu, biết thực tập thì mình chế tác liền năng lượng chánh niệm để nhận diện, ôm ấp là mình bớt khổ liền lập tức. Tuy rằng nỗi khổ niềm đau còn đó nhưng nó đã nhẹ hơn. Nếu mình tiếp tục dùng năng lượng đó để nhìn sâu vào bản chất của nỗi khổ niềm đau thì mình sẽ tìm ra nguyên nhân, mình sẽ đạt tới tuệ giác. Chính tuệ giác đó giải phóng mình ra khỏi nỗi khổ niềm đau.

Tháo gỡ tri giác sai lầm

Chúng ta biết rằng phần lớn những nỗi khổ niềm đau của mình phát sinh từ những tri giác sai lầm. Đạo Phật gọi đó  là vọng tưởng. Nếu chúng ta đọc truyện chàng Trương với thiếu phụ Nam Xương, chúng ta biết rằng sở dĩ thiếu phụ Nam Xương phải nhảy xuống sông tự tử, đứa bé trở thành mồ côi và chàng Trương mất vợ là tại vì chàng Trương có cái tri giác sai lầm.

Đứa bé nói với chàng Trương rằng bố nó đêm nào cũng tới. Mẹ nó nói chuyện hằng giờ với bố, khóc với bố. Mỗi khi mẹ nó ngồi xuống thì bố cũng ngồi xuống. Mỗi khi mẹ nó nằm xuống thì bố nó cũng nằm xuống. Nghe đứa bé kể như thế thì dĩ nhiên chàng Trương, bố thật của nó, nghi ngay là có một người nào đó ban đêm đã tới với mẹ nó. Nhưng kỳ thật có ai đâu! Hôm đó đứa bé đi vào làng chơi, về nói với mẹ: Mẹ ơi tại sao đứa nào cũng có bố, mà sao con không có? Cha của đứa bé là chàng Trương, đang ở ngoài mặt trận. Giải thích đi đánh giặc như thế nào thì khó quá cho đứa bé. Bà mẹ đã chỉ vào cái bóng của mình trên vách và nói: Bố con đó! Đứa bé tin như vậy và nó kể lại bố nó đêm nào cũng tới. Chàng Trương nghe đứa bé nói như vậy thì bao nhiêu hạnh phúc không còn nữa. Và khi người vợ đi chợ về, chàng Trương không nhìn vợ và vợ hỏi câu gì thì chàng không trả lời. Chàng Trương có tri giác sai lầm, tin rằng vợ mình ngoại tình. Sau khi thắp hương để cúng rồi, chàng Trương không cho phép vợ tới lạy bàn thờ tổ tiên. Thay vì ngồi ăn một bữa cơm đoàn tụ thì chàng Trương bỏ vào trong làng và uống rượu say mèm để quên đi cái nỗi khổ niềm đau của mình.

Biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu thảm kịch đã xảy ra cho đời sống đôi lứa hay cho đời sống cha con là vì tri giác sai lầm. Khi chúng ta có năng lượng của niệm, của định và chiếu năng lượng đó vào trong sự thực để nhìn thì chúng ta sẽ khám phá ra rằng những nỗi khổ niềm đau đa số phát sinh từ những tri giác sai lầm, những hiểu lầm. Khi phát kiến ra như vậy thì mình được giải thoát. Nỗi khổ niềm đau đó tan biến đi lập tức. Quá trình thực tập là niệm, định và tuệ.

Năng lượng đầu tiên là niệm. Năng lượng niệm là năng lượng mình phải chế tác trong đời sống hàng ngày. Khi ăn cơm phải chế tác niệm. Khi uống trà phải chế tác niệm. Khi thở, khi bước đi, khi tưới rau, rữa bát cũng phải chế tác niệm. Trong trung tâm tu học không giây phút nào là không có chế tác năng lượng chánh niệm. Năng lượng đó chuyên chở trong nó năng lượng thứ hai là định. Khi niệm và định hùng hậu, mình chiếu rọi năng lượng này vào trong sự thực và mình khám phá ra sự thực đó, cái đó gọi là tuệ. Chính cái tuệ đó giải phóng mình. Sự giải phóng ở trong đạo Phật là do tuệ giác chứ không phải là do ân huệ của một đấng thần linh.

Phần lớn những thiền sinh tới với các trung tâm của chúng tôi đều là người có gốc Thiên chúa giáo, Tin lành hay là Do thái giáo. Người Hồi giáo cũng có tới nhưng rất ít. Bốn mươi năm giảng dạy đạo Phật ở Tây phương cũng là một quá trình đối thoại. Nếu mình không biết được truyền thống của người ta thì làm sao mình có thể chia sẻ được với họ truyền thống của mình. Mình phải biết cái ngôn ngữ của họ. Ngôn ngữ ở đây không phải là sinh ngữ đâu! Mình phải biết cách suy tư, cách nhận thức của người Tây phương thì mình mới có thể sử dụng thứ ngôn ngữ để có thể chuyên chở được tuệ giác của đạo Phật. Tìm ra được thứ ngôn ngữ thích hợp thì mình mới có thể thành công trong cuộc đối thoại đó. Vì vậy chúng tôi đã nói rằng bốn mươi năm ở tại Tây phương cũng là một quá trình của sự đối thoại. Các nhà thần học trong Cơ đốc giáo như là những nhà thần học Ðức, Anh, Pháp nói thượng đế là nền tảng của hiện hữu. Đạo Phật thì nói đến Niết Bàn. Từ tuệ giác đạo Phật tôi mới đặt một câu hỏi: Nếu quý vị nói Thượng đế là nền tảng của hiện hữu, của hữu thể thì ai là nền tảng của vô thể? Vô thể là cái ngược lại của hữu thể. Câu trả lời không đến với mình được, nếu có đến thì cũng phải chờ rất là lâu.

Em không phải tạo sinh mà chỉ là biểu hiện

Trong đạo Phật quan niệm về hữu và vô chỉ là hai quan điểm, tại vì không có cái nào có thể diễn tả được thực tại. Theo tuệ giác đạo Phật thì thực tại siêu việt hữu và vô. Thực tại không phải là hữu và cũng không phải là vô. Hữu và vô đều chỉ là ý niệm của con người và những ý niệm đó không áp dụng được vào thực tại. Nhìn vào một đám mây, vì nó có hình tướng nên quý vị có một tri giác về đám mây, quý vị nói đám mây có mặt, quý vị tin chắc vào sự có mặt của đám mây nhưng khi đám mây trở thành mưa thì mình không thấy được hình dáng của đám mây nữa và mình nói không có đám mây. Điều đó không đúng. Đám mây vẫn còn nhưng bây giờ nó đang ở dưới hình thức mới, một hình dáng mới, đó là cơn mưa. Chúng ta ai cũng công nhận rằng mưa tức là sự tiếp nối của mây. Người có trí thông minh khi nhìn vào trong cơn mưa thì thấy được đám mây, tại vì mưa là sự tiếp nối của mây.

Khi nhìn vào người con mà quý vị chỉ thấy người con thì quý vị chưa thấy được sự thật. Quý vị phải nhìn người con như thế nào để thấy người con là sự tiếp nối của người cha. Thấy được người cha trong người con lúc đó quý vị mới thấy được người con rõ ràng. Ví dụ quý vị gieo một hạt bắp xuống đất và năm ngày sau, nó nẩy mầm, thành ra cây bắp non. Khi nhìn vào cây bắp con đó, chúng ta không thấy hạt bắp nữa và chúng ta nói hạt bắp chết rồi nhưng kỳ thực hạt bắp đâu có chết, hạt bắp đang tiếp tục dưới hình thái mới là cây bắp. Mình phải nhìn bằng con mắt gọi con mắt vô tướng, tức là con mắt không bị những hình tướng đánh lừa.

Trong kinh Kim cương có câu: Chỗ nào có hình tướng là chỗ đó có sự đánh lừa (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng). Người có tuệ giác không bị đánh lừa bởi hình tướng. Khi không thấy hình tướng của đám mây mà mình nói đám mây không còn là không đúng. Ðám mây đang còn dưới hình dáng mới của nó là một cơn mưa. Thấy được điều đó rồi thì mình tiếp xúc được với tự tính của đám mây. Tự tính của đám mây là không sinh không diệt. Tiếp xúc được với tự tính không sinh không diệt, tức là mình tiếp xúc được với Niết Bàn. Niết Bàn tức là sự vắng mặt của sinh và của diệt, sự vắng mặt của hữu và vô. Sinh và diệt cũng như hữu và vô là những ý niệm mà mình có trong đầu về thực tại.

Bây giờ mình nói sinh là cái gì? Trong đầu mình định nghĩa như thế này: Sinh tức là từ không trở thành có. Ðó là cái định nghĩa của chúng ta. Tử là gì, chết là gì? Chúng ta định nghĩa: Chết là từ có trở thành không có. Đó là suy nghĩ của chúng ta, định nghĩa của chúng ta về sinh và về diệt. Khi quán chiếu trong đất trời chúng ta không thấy có một vật nào như vậy, không có cái gì từ không trở thành có và cũng không có cái gì từ có trở thành không.

Ví dụ như là đám mây. Đám mây không thể nào từ có trở thành không được. Ðám mây chỉ có thể trở thành mưa, thành tuyết hay thành nước đá. Trước khi hiện hình ra đám mây nó đã là cái gì khác rồi, nó là nước hồ, nước ao, nước sông, nước biển và sức nóng của mặt trời, đám mây chỉ là hậu thân của những cái đó thôi. Đám mây không phải từ không trở thành có và đám mây không bao giờ từ có trở thành không được. Tự tính của đám mây là vô sinh bất diệt. Những điều kiện tụ hội với nhau giúp cho một hiện tượng biểu hiện ra, mình gọi đó là sinh nhưng kỳ thực đó không phải là sinh, đó là sự tiếp nối, đó là sự biểu hiện.

Bên Thiên chúa nói đến sáng tạo. Tạo sinh tức là từ không trở thành có. Quan sát cho kỹ, mình thấy trên đời này không có cái gì từ không trở thành có. Bông hoa này không phải từ không mà trở thành có. Nó có từ hạt hoa, từ đất màu, từ cơn mưa, từ người làm vườn. Tất cả những điều kiện đó tụ hội lại để làm cho bông hoa phát hiện vì vậy chữ biểu hiện nó đúng hơn chữ tạo sinh. Trong thiền viện tôi có viết một câu: Em không phải tạo sinh mà chỉ là biểu hiện, nó gần với sự thật hơn.

Vậy thì tự tính của vạn hữu là không sinh cũng không diệt, không có cũng không không. Khi đám mây biểu hiện ra và có hình tướng thì mình cho là có. Mình nghĩ rằng trước đó nó là không thì sai rồi. Khi đám mây trở thành mưa, mình không thấy đám mây nữa, mình nói đám mây là không, cũng sai luôn.
Cho nên quan niệm về có và không là hai quan niệm có ở trong đầu mà thôi. Không có thể áp dụng vào sự thực được. Trong truyền thống trung đạo có bốn khái niệm căn bản là: Sinh  diệt, có không, tới đi, một hay khác. Nếu không bị kẹt vào bốn cặp khái niệm đó thì chúng ta có thể thấy được mặt mũi của thực tại. Khi nhà thần học Paul Tillich nói thượng đế là nền tảng của hữu thể thì tôi mới hỏi ai là nền tảng của vô thể, ngoài thượng đế còn có một người khác làm nền tảng cho vô thể nữa sao?

Trong tuệ giác của đạo Phật, hữu và vô, sinh và diệt đều là những khái niệm. Có đủ niệm, đủ định và đủ tuệ thì mình có thể tiếp xúc được với bản chất vô sinh bất diệt, không có không không của thực hữu. Đó gọi là Niết Bàn và Niết Bàn không phải là cõi mình phải đi tới, Niết Bàn là bản chất của thực hữu. Tiếp xúc được với Niết Bàn rồi thì mình không còn sợ hãi, lo lắng, buồn khổ nữa. Có người thương vừa mới qua đời, quý vị đừng có than khóc và nghĩ rằng người đó ngày hôm qua còn có mà hôm nay không còn nữa.

Một đám mây không bao giờ có thể chết được. Đám mây chỉ có thể thành mưa, thành tuyết hay là thành sương mà thôi. Người thương của quý vị cũng không thể nào từ có trở thành không được. Nếu quý vị có tuệ giác và nhìn sâu quý vị sẽ thấy sự có mặt của người đó dưới những hình thức mới trong quý vị và xung quanh quý vị. Không có cái gì có mà có thể trở thành không được. Nhà khoa học Pháp Lavoisier cũng nói như vậy. Ông không phải là một nhà Phật học nhưng ông tuyên bố đúng hệt như vậy: Không có cái gì sinh, không có cái gì diệt. Nói đúng như trong đạo Phật. Bất sinh bất diệt đó là Tâm kinh Bát Nhã.

Tuệ giác đó giúp cho mình vuợt thoát những tuyệt vọng, u buồn, sợ hãi và làm cho mình thành một con người tự do thật sự. Hạnh phúc chân thật chỉ có thể có mặt khi nào mình có cái tự do đó. Đạt tới được chính tự do đó thì mình tiếp xúc với tự tánh Niết Bàn của vạn hữu. Tự tánh của bông hoa là Niết Bàn. Tự tánh của mình là Niết Bàn. Nhìn cho sâu, tiếp xúc cho kỹ thì mình có thể tiếp xúc được với tự tánh Niết Bàn đó. Mình không còn là nạn nhân của sợ hãi, hận thù, buồn khổ hay tuyệt vọng nữa. Đó là sự thực tập. Khi mình thực tập quán chiếu như vậy rồi thì một giờ đồng hồ sau những tuyệt vọng, những thao thức, những khổ đau của mình nhẹ đi nhiều lắm.

Nối lại truyền thông

Thiền sinh Tây phương họ rất trân quý phần tuệ giác của đạo Phật, nó là những phương pháp thực tập cụ thể giúp cho mình tháo gỡ những đau buồn, sợ hãi, những tuyệt vọng, khổ đau. Đạo Phật có những phương pháp thực tập giúp cho mình ôm ấp được những nỗi khổ niềm đau để chuyển hóa, giúp tái lập được truyền thông với những người khác, giữa cha và con, giữa vợ và chồng.

Phương pháp lắng nghe với tâm từ bi của Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát giúp cho người kia có cơ hội nói ra được những nỗi khổ niềm đau của họ và người đó cảm thấy nhẹ nhàng rất nhiều. Chỉ cần ngồi lắng nghe thôi và lắng nghe bằng tâm từ bi (gọi là Bi Thính) một giờ đồng hồ đã khiến cho người kia bớt khổ đi nhiều lắm rồi. Dù người kia có nói bằng giọng trách móc, hờn oán, lên án, buộc tội mà nếu có tâm từ bi thì khi nghe mình không có bực tức gì hết. Mình được che chở bằng tâm từ bi.

Từ nhãn thị chúng sanh! Mình nhìn mọi người bằng con mắt thương thì mình có thể nghe được một giờ, hai giờ. Còn người không có lòng từ bi thì nghe được năm phút là đùng đùng nổi giận, cắt lời và khẩu chiến với người kia lập tức. Phương pháp lắng nghe bằng tâm từ bi là một phương pháp rất hay. Nếu con biết lắng nghe cha bằng tâm từ bi thì người cha sẽ bớt khổ và người con sẽ có thể  tái lập được truyền thông với người cha. Bao nhiêu cặp cha con đánh mất truyền thông, tại vì cha không lắng nghe được con và con không lắng nghe được cha. Cùng đi với phương pháp lắng nghe có phương pháp ái ngữ. Ái ngữ tức là mình dùng thứ ngôn ngữ nào để có thể giúp người kia thấy được sự thật. Mình có quyền nói sự thật, mình có thể nói được những gì có trong trái tim mình. Nhưng cách mình nói, ngôn ngữ mình sử dụng không đánh động tới sự buồn giận của người kia, đó gọi là ái ngữ. Mình có quyền nói hết những gì trong tâm mình. Nhưng nếu mình sử dụng ái ngữ thì lời nói của mình không có tính trách móc, buộc tội, lên án hoặc phàn nàn. Người kia vì thế có thể nghe được và tiếp nhận được những thông tin, những dữ kiện giúp cho người kia điều chỉnh những tri giác sai lầm của mình.

Trong bao nhiêu năm giảng dạy Phật Pháp và hướng dẫn thực tập ở Tây phương, chúng tôi đã giúp cho vô số những cặp cha con, vợ chồng hòa giải được với nhau, là nhờ họ thực tập lắng nghe và ái ngữ. Thấy họ hòa giải được với nhau, đem lại hạnh phúc cho lứa đôi, cho cha con, đó là phần thưởng rất lớn của chúng tôi. Chính chúng tôi người nào cũng học những phương pháp đó và làm cho được trong cộng đồng tu học thì khi ra ngoài hướng dẫn cho những người thiền sinh chúng tôi mới có thể thành công được.

Đạo Phật đã trở thành chất liệu văn hóa của con người Việt Nam

Sự thực tập của chúng tôi có tính khoa học, hoàn toàn không chút mê tín. Khi một người tiếp nhận Tam quy và Ngũ giới họ cũng làm với một tinh thần khoa học. Họ thấy được tính khoa học của sự thực tập chánh niệm và năm giới là sự thực tập chánh niệm một cách rất cụ thể. Cách đây ba năm, ở thành phố Berlin bên Ðức, tôi có thuyết pháp và nói chuyện cho khoảng hai trăm người Việt Nam. Hồi đó Phật tử Việt Nam ở Berlin chưa có một trung tâm riêng, bây giờ thì chúng tôi có một trung tâm ở bên đó, gọi là trung tâm Suối Thương. Năm đó, vì chưa có cơ sở riêng chúng tôi đã mượn chùa của Phật tử Ðại Hàn để tới đó nói chuyện với đồng bào Việt Nam. Hôm đó có độ khoảng mười người Ðức tham dự. Họ đã được nghe giảng bằng tiếng Anh dịch ra tiếng Ðức và đã được tham dự những khóa tu năm ngày, sáu ngày rồi. Nhưng nghe nói có một buổi hội họp của người Việt, cũng có một số người trong họ cũng muốn tới tham dự. Mười người đó tới, ngồi nghe và không có ai dịch cho họ. Chúng tôi không tổ chức phiên dịch cho mười người đó. Họ nói họ không cần phiên dịch, họ chỉ muốn ngồi trong cái không khí của người Việt thôi.

Sau khi ngồi với chúng tôi một giờ, một giờ rưỡi thì họ phát biểu thế này: Chúng tôi đã được ngồi với Thầy, đã được ăn cơm, được đi thiền hành với Thầy, đã nghe pháp thoại, đã uống trà với Thầy. Có khi chúng tôi ngồi năm trăm, bảy trăm, một ngàn người với Thầy. Nó có tính thân mật và tình thầy trò trong đó. Nhưng ở đây khi mà thầy ngồi với người Việt nó thì có một cái gì mà chúng tôi thấy thiếu trong những buổi Thầy ngồi với người Ðức. Họ nói như vậy, họ cảm thấy trong khi đồng bào Phật tử Việt Nam ngồi với thầy Nhất Hạnh có một cái gì rất là đặc biệt.

Tôi trả lời họ: Sự thực tập ở đây nó trở thành ra văn hóa mất rồi. Nó không còn là tôn giáo, không còn là một sự tu tập nữa. Ðối với người Việt nó là văn hóa. Chúng tôi ngồi đây là vì chúng tôi đói cái văn hóa đó. Người Việt Nam theo đạo Phật không phải là theo một tôn giáo mà người Việt Nam sống theo một nếp văn hóa. Ở Việt Nam đạo Phật đã trở thành văn hóa rồi. Dù có nghĩ rằng mình không phải là Phật tử đi nữa, quý vị cũng mang chất văn hóa đó ở trong con người quý vị rồi. Dù quý vị đã trở thành người Công giáo hay nghĩ rằng mình là một người Mác xít, trong dòng máu của quý vị cũng luân lưu chất liệu văn hóa đó. Đạo Phật đã hiện diện hai ngàn năm và đã trở thành chất liệu văn hóa của con người Việt Nam. Chúng ta ai cũng đã tiếp nhận cái gia tài đó từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta.

Xây dựng tình huynh đệ

Tại chùa Linh Mụ chúng tôi đã nói về tuệ giác Phật giáo trong truyện Kiều. Hôm đó có khoảng mười ngàn người tới nghe. Tôi không nói triết lý Phật học trong truyện Kiều, tại vì triết lý Phật học trong truyện Kiều không có gì hết. Cụ Nguyễn Du có để ra một số câu để thuyết pháp: Cho hay muôn sự tại trời… Mỗi khi thuyết pháp thì cụ thuyết pháp rất là dở. Nhưng mỗi khi cụ làm thơ thì tuệ giác của đạo Phật nó bàng bạc, nó sâu sắc ở trong những câu thơ của cụ như là hai câu:

Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.

Nó như điện giật! Nếu như trong giây phút hiện tại chúng ta không nhận rõ mặt nhau, không sống sâu sắc giờ phút này thì sau này nó cũng chỉ là giấc mơ mà thôi. Tôi đề nghị chiều nay ông về nhìn bà cho kỹ, bà nhìn ông cho kỹ, ông nhìn con trai cho kỹ, ông nhìn con gái cho kỹ để sau này không có luyến tiếc. Và Kim Trọng, anh chàng đó cũng được cụ Nguyễn Du dành cho một câu nói rất hay:

Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

Quý vị có nhớ nỗi khổ niềm đau chúng ta chịu đựng trong chiến tranh hay không? Bây giờ đất nước độc lập rồi, thanh bình rồi tại sao chúng ta không hạnh phúc? Tại sao chúng ta không thương nhau, tại sao chúng ta phải tranh giành với nhau và muốn loại trừ nhau? Nền độc lập, sự thống nhất mà chúng ta đã có, chủ quyền chúng ta đã có, không đủ để chúng ta có hạnh phúc hay sao mà chúng ta phải tranh giành với nhau, phải  loại trừ nhau nữa?

Trời còn để có hôm nay

Mình còn sống đó và người thương của mình cũng còn sống đó. Nội chuyện đó đã là nền tảng của hạnh phúc rồi. Chúng ta không thấy hạnh phúc là lỗi tại ai? Trở về với giây phút hiện tại, nhận diện rằng chúng ta đang có rất nhiều điều kiện của hạnh phúc thì chúng ta sẽ không đi tìm thêm quyền hành, danh vọng, thêm địa vị, uy quyền và sắc dục nữa. Chúng ta có thể có hạnh phúc liền lập tức.

Tôi nghĩ rằng cái mà chúng ta gọi là thiên đường của xã hội chủ nghĩa chúng ta không cần đi tìm ở tương lai, tại vì theo tuệ giác đạo Phật nó có ngay bây giờ và ở đây. Nếu chúng ta biết nhìn nhau và nhận nhau như những người anh em, nếu chúng ta sống và được nuôi dưỡng bởi tình huynh đệ thì thiên đường của xã hội chủ nghĩa là hôm nay, là ở đây.

Chúng tôi là một cộng đồng gồm có hai trăm năm mươi người xuất gia và một số những người tại gia. Trong chúng tôi đã có những người tốt nghiệp đại học, đã có những người đã đi làm, đã có lương tiền lớn. Tuy nhiên chúng tôi tiếp xúc được với giáo lý đạo Phật và chúng tôi trở thành anh em trong một nhà. Chúng tôi không ai có xe hơi riêng, có trương mục ngân hàng riêng, không ai có điện thoại di động riêng. Tất cả chúng tôi đều sử dụng những tiện nghi đó của tu viện thôi. Không có ai có cái gì riêng, vậy mà chúng tôi rất hạnh phúc, tại vì chúng tôi mỗi ngày, mỗi giây phút đều xây dựng tình huynh đệ. Chúng tôi được nuôi dưỡng bởi tình huynh đệ, bởi tình thầy trò. Nhờ sự nuôi dưỡng đó chúng tôi có hạnh phúc và chúng tôi làm hạnh phúc cho những người đến với chúng tôi từ các nước. Chúng tôi thật sự là những người cộng sản thứ thiệt, tại vì chúng tôi không có cái gì riêng cho chúng tôi.

Nhờ có tình huynh đệ, tình thầy trò và nhờ mình giúp được nhiều người mỗi ngày nên chúng tôi có rất nhiều hạnh phúc. Chúng tôi không đi tìm hạnh phúc trong uy quyền, trong sắc dục, trong danh vọng và tiền tài. Tịnh Độ hay Niết Bàn, chúng tôi đâu cần tìm ở đâu xa, chúng tôi sống ngay trong giây phút hiện tại. Cái mà mình gọi là thiên đường của xã hội chủ nghĩa nó có mặt bây giờ và ở đây. Nếu chúng ta biết nhìn nhau như những người anh em, biết xây dựng tình huynh đệ trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày thì chúng ta không cần chờ đợi tương lai. Thiên Đường đó đang có mặt.

Trời còn để có hôm nay

Tại sao chúng ta không hạnh phúc liền mà chúng ta phải chờ tương lai? Tại sao chúng ta phải tìm cách tranh giành nhau, loại trừ nhau? Cho nên tôi thấy tình huynh đệ là cao quý nhất. Nếu trong chúng ta mỗi người đều biết xây dựng tình huynh đệ trong đời sống hằng ngày thì hạnh phúc có thể có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Hạnh phúc mà có mặt thì tất cả những tệ nạn xã hội bây giờ như tham nhũng, ma túy, xì ke, tội phạm, đĩ điếm, tất cả những thứ đó không sẽ xảy ra được, tại vì có hạnh phúc rồi thì chúng ta không cần đi tìm hạnh phúc về phía những cái thèm khát kia. Có truyền thông giữa cha con, giữa vợ chồng, có hạnh phúc trong gia đình rồi, người trẻ đâu cần phải đi tìm quên lãng ở ngoài để phải sa vào vòng ma túy, tội ác và băng đảng. Vì vậy cho nên xây dựng tình thương, xây dựng tình huynh đệ đó là bổn phận của chúng ta.

Nhà nước hiện bây giờ có chính sách xây dựng những tổ văn hóa, những khu phố văn hóa, những thôn văn hóa mà trong đó không có những tệ nạn xã hội như là tội phạm, đĩ điếm, xì ke ma túy, băng đảng. Chúng ta xây dựng bằng cách nào? Không có lý nào chúng ta chỉ kiểm soát và trừng phạt mà thôi? Chúng ta phải có những phương tiện khác. Chúng tôi nghĩ rằng để xây dựng đời sống văn hóa như vậy chúng ta cần phải biết phương pháp xây dựng tình huynh đệ, phải thiết lập được truyền thông giữa ta và những người ta thương yêu.

Chiều hướng đạo đức, tâm linh

Một người lãnh đạo chính trị phải chứng tỏ rằng mình có khả năng đó. Trong gia đình mình có hạnh phúc, mình truyền thông được với người bạn hôn phối, truyền thông được với các con của mình. Mình phải có một chiều hướng đạo đức, tâm linh. Nếu mình muốn người khác có niềm tin nơi mình, nơi một nhà lãnh đạo, mình phải thực tập đạo đức và tâm linh. Ngày xưa tổ tiên của chúng ta không có một vị lãnh đạo nào mà không có một đời sống tâm linh.

Quý vị có nhớ vua Trần Thái Tông không? Vua Trần Thái Tông mới hai mươi tuổi thôi mà đã có những nỗi khổ niềm đau rất là lớn, hoàng hậu Chiêu hoàng hồi đó mới có mười chín tuổi và chưa có con cho nên Trần Thủ Ðộ bắt buộc vua Trần Thái Tông phải bỏ hoàng hậu để cưới người chị là Thuận Thiên công chúa, người đã có mang sẵn, lúc bấy giờ là vợ của An Sinh Vương Trần Liễu. Trần Liễu rất đau khổ và đã tổ chức hải quân để chống lại triều đình. Trần Liễu với Trần Thái Tông là hai anh em ruột. Vua Thái Tông cũng rất đau khổ vì phải bỏ người yêu và vua đã trốn lên núi Yên tử để xuất gia. Ngày hôm sau Trần Thủ Ðộ tìm ra được và ép vua phải về. Trần Thủ Ðộ dọa Viên Chứng quốc sư: Nếu thầy không khuyên vua trở về thì tôi sẽ ra lịnh xây kinh đô ở trên núi này. Viên Chứng quốc sư sợ quá mới năn nỉ Thái Tông: Bệ hạ về đi không thì họ sẽ làm hư núi rừng của bần tăng. Nhưng Viên Chứng quốc sư cũng có dặn một điều: Không phải chỉ ở trên núi mới tu được, xuống phố làm vua mình vẫn tu được như thường. Lời căn dặn của tôi đối với hoàng thượng là dù chính sự có bề bộn cách mấy đi nữa thì hoàng thượng để thì giờ ra để nghiên cứu kinh điển và thực tập thiền. Chiều hướng tâm linh đó rất quan trọng cho một nhà chính trị và vua Trần Thái Tông đã nghe lời đó. Từ năm hai mươi tuổi, vua đã nghiên cứu Phật học, thực tập thiền học và đã sáng tác tác phẩm Thiền Tông Chỉ Nam, Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi. Mỗi ngày dù công việc chính sự bề bộn như vậy, vua đã vẫn thực tập bái sám và ngồi thiền sáu lần trong một ngày, mỗi lần mười lăm phút. Nhờ sự thực tập đời sống tâm linh và đạo đức đó cho nên vua đã tìm được an ủi và có đủ sức mạnh tâm linh vượt thắng nỗi khổ niềm đau mà vua phải gánh chịu như là một người trẻ.

An Sinh Vương Trần Liễu tuy đã được tha thứ rồi nhưng vẫn dặn ba đứa con của mình sau này tìm cách báo thù cho cha. Nhưng cả ba người con, hai người con trai là Tuệ Trung Thượng Sĩ và Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng Nguyên Thánh Thiên Cảm, sau này là hoàng hậu của vua Trần Thánh Tông đều được cảm hóa bởi vua Trần Thái Tông. Họ đã không báo thù cho cha mà còn yểm trợ triều đình với tất cả trái tim của họ. Cho nên đạo đức đóng một vai trò rất là lớn về mặt cũng cố chế độ nhà Trần và do sự tu tập vững chãi của Trần Thái Tông mà đất nước có hòa bình và độc lập trong một thời gian lâu dài.

Tôi nhớ tới vua A Dục, sinh sau đức Thích Ca độ chừng hai trăm năm mươi năm và trước Thiên Chúa ba trăm năm. Vua A Dục đã thống nhất được Ấn Độ, điều vĩ đại hơn nữa là sau khi thống nhất đất nước Ấn Độ, vua thống nhất được lòng người Ấn Độ và thống nhất bằng cái gì? Bằng sự tu tập của vua. Tuy đã tiếp nhận ba quy và năm giới của đạo Phật nhưng vua yểm trợ tất cả những truyền thống tâm linh có mặt ở Ấn Độ thời đó. Trong hai mươi sáu năm đầu của vương triều, vua đã ra lệnh ân xá hai mươi lăm lần liên tiếp cho các tội phạm. Vua đã phát nguyện không giết hại sinh vật ở trong nhà bếp của hoàng gia, đã từ bỏ những thú săn bắn và thay vào đó tổ chức những cuộc hành hương đi thăm và vấn đạo các bậc tôn túc trong các truyền thống tâm linh. Vua thực tập như vậy một cách rất nghiêm chỉnh. Thấy vua sống một cuộc đời đạo hạnh như vậy, dân chúng có niềm tin rất lớn. Ðó là nguyên do khiến cho vua sau khi đã thống nhất được lãnh thổ đã thống nhất luôn được lòng người. Chúng ta phải học được những bài học đó, chúng ta có những vị tổ tiên có thể làm gương cho chúng ta. Các vua Lý và các vua Trần đều có tu học, đều có một đời sống tâm linh.

Vì vậy là những học giả, những nhà nghiên cứu, những nhà doanh thương, những nhà chính trị, chúng ta phải biết rằng một chiều hướng tâm linh trong đời sống hàng ngày của mình rất quan trọng, giúp chúng ta có hạnh phúc trong đời sống gia đình, trong cộng đồng, giúp cho chúng ta cảm hóa được những người chung quanh để chúng ta thực hiện được những gì mà chúng ta mong ước thực hiện.

Tôi biết tướng Võ Nguyên Giáp mỗi ngày có thực tập ngồi thiền và cũng biết cựu thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã quy y tại chùa Ðậu, tôi không lấy làm ngạc nhiên. Tổ tiên của chúng ta cũng đã làm như vậy, có điều họ làm từ khi còn nhỏ tuổi như Trần Thái Tông nếu không thực tập ngay từ lúc hai mươi tuổi, làm sao có khả năng giải quyết những khó khăn trong nội tình và chinh phục được ba người con của An Sinh Vương Trần Liễu để họ không trả thù. Không những không trả thù mà những vị đó còn đem hết sức mình để phụ tá cho triều đình cho nên chúng tôi nghĩ rằng là nhà kinh tế, nhà chính trị, chúng ta phải có một nếp sống tâm linh và chúng ta phải cho dân chúng thấy nếp sống tâm linh của chúng ta để họ có niềm tin ở nơi người lãnh đạo.

 

Vấn Đáp

 

Hỏi: Xin cảm ơn thiền sư đã cho bài nói chuyện bổ ích. Vua Trần Nhân Tông là người đã bỏ cả ngai vàng để lên Yên Tử tu và sáng lập ra phái thiền Trúc Lâm của Việt Nam. Người có viết như thế này, xin thiền sư giải thích cho:

Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện
Muôn dặm không mây muôn dặm trời.

Giáo lý của Phật giáo nói tới sắc sắc không không. Ví dụ khi ta biết rằng trên trời chỉ có một mặt trăng thôi. Do ảo giác của cái nhìn chúng ta xuống dưới sông, dưới suối, dưới nước mà có ngàn trăng. Ở đâu có nước, ở đó có trăng. Mây cũng thế, ta biết chỉ có một bầu trời thôi nhưng lại bị cách trở bởi mây, bởi gió, bởi khoảng không thành ra có khoảng cách. Thực chất chỉ có một vật thể duy nhất thôi là trời. Vậy câu thơ của đức Trần Nhân Tông: ngàn sông có nước ngàn trăng hiện, muôn dặm không mây muôn dặm trời có liên hệ với giáo lý của Phật giáo là sắc sắc không không hoặc là vô thường, vô ngã thì như thế nào. Xin thiền sư giảng cho, xin cảm ơn.

Thiền sư Nhất Hạnh: Điều này cũng đơn giản thôi. Nếu để cho tâm chúng ta lắng đọng lại, an tĩnh lại thì tính giác ngộ, Phật tính trong ta hiện ra thôi, chúng ta không có cần phải đi đâu hết. Chỗ nào có sông là chỗ đó có thể phản chiếu được mặt trăng, chỗ nào có sự thanh tịnh, lắng lòng, có sự tu tập là chỗ đó có sự có mặt của Phật, của giác ngộ, của Phật tính mà chúng ta không phải đi tìm. Nó chỉ có nghĩa như vậy thôi.

Hỏi: Tôi xin hỏi là có kiếp luân hồi không? Người ta nói tới nhân quả. Không biết trong đạo Phật có sự nhân quả này không: Kiếp trước ăn ở như thế nào đấy, kiếp sau đến đời con cháu phải nhận. Liệu người chết ở kiếp trước rồi sau này đầu thai vào những kiếp sau không?

Thiền sư Nhất Hạnh: Luân hồi có nghĩa là sự tiếp nối. Chúng ta đã nghe trong bài nói chuyện là không có cái gì từ có trở thành không hết. Tất cả đều được tiếp nối dưới một hình thức này hay một hình thức khác. Đám mây luân hồi ra thành cơn mưa và cơn mưa luân hồi ra thành ra nước trà. Khi uống trà trong chánh niệm, tôi thấy tôi đang uống mây. Không cần phải là thi sĩ mới thấy mình đang uống mây, mình chỉ cần là một thiền giả thôi. Khi nhìn vào nước trà mình thấy đây là cơn mưa, đây là đám mây và mình đang uống mây. Nước trà là sự tiếp nối của cơn mưa, cơn mưa là sự tiếp nối của đám mây và đám mây là sự tiếp nối của sức nóng mặt trời cùng nước ao, hồ, sông, biển. Luôn luôn có sự tiếp nối như vậy, gọi là luân hồi.

Nhưng mình đừng đi tìm cái tướng, mình đừng kẹt vào tướng. Nếu kẹt vào tướng, mình không nhận diện được sự tiếp nối, nhìn vào cơn mưa, mình phải thấy đám mây, đó là nhìn với con mắt vô tướng. Và tôi trích dẫn nhà khoa học Lavoisier, ông ta nói: Không có cái gì mất đi hết. Ðúng như vậy. Có ba cái sẽ còn mãi, ít nhất có ba cái. Thứ nhất là tư duy, thứ hai là ngôn ngữ và thứ ba là hành động của chúng ta. Tư duy, ngôn ngữ, hành động trong đạo Phật gọi là thân, khẩu, ý. Ý là tư duy, khẩu là ngôn ngữ và thân tức là hành động.

Mỗi tư duy của chúng ta mang chữ ký của chúng ta. Tư duy của chúng ta có thể đi theo với sự độc ác, với sự kỳ thị, với sự thèm khát, với sự giận dữ. Nếu chúng ta phát ra một tư duy như vậy, tư duy đó mang chữ ký của chúng ta. Chúng ta không thể nói rằng tư duy đó không phải là của tôi. Khi mình phát ra một tư duy như vậy, tư duy đó lập tức đi luân hồi. Thấm vào mình, nó có ảnh hưởng trên mình. Thấm vào người kia, nó ảnh hưởng tới người kia. Tư duy làm cho mình đau khổ và làm cho những người khác đau khổ không phải là chánh tư duy mà là tà tư duy.

Còn lời nói cũng như vậy. Nói ra một câu không có tình, không có nghĩa, một câu gieo sự bất hòa, nghi kỵ, hận thù, câu nói đó cũng mang chữ ký của mình, mình chịu trách nhiệm hoàn toàn. Một câu như vậy nói ra gây đổ vỡ trong lòng, gây những đổ vỡ chung quanh. Ðó là sự tiếp nối của chính mình. Nói một câu nói ân tình giúp người ta hòa giải với nhau, giúp người ta có niềm tin vào tương lai, câu nói đó cũng mang chữ ký của mình. Đó là chánh ngữ chứ không phải là tà ngữ, đó là sự tiếp nối của mình. Đó là sự luân hồi của mình.

Khi có một hành động nhân ái, biết bảo vệ sự sống và hòa giải người khác, hành động đó mang chữ ký của mình. Ðó là sự tiếp nối đẹp đẽ của mình, còn nếu hành động của mình là chia rẽ là giết chóc là tàn phá, nó cũng mang chữ ký của mình và mình sẽ tiếp nối, sẽ luân hồi dưới một cái dạng rất là xấu.

Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp được mình tạo ra thì nó sẽ đi luân hồi mãi mãi, đó là sự tiếp nối của mình, nó không có thể nào mất đi được và nó sẽ ảnh hưởng dài dài sau này cho nên mình chỉ muốn luân hồi đẹp thôi.

Muốn có tiếp nối đẹp mình phải làm sao cho tư duy của mình là chánh tư duy, tư duy với tình thương, với sự hiểu biết. Mình phải làm sao cho lời nói của mình là chánh ngữ, đi theo sự hiểu biết và tình thương. Hành động của mình phải là chánh nghiệp. Ba nghiệp đó mang chữ ký của mình và ba nghiệp đó tiếp nối mình trong tương lai, dưới dạng này hay dạng kia, dưới hình thức này hay là hình thức kia. Nghiệp đã được gây rồi, không bao giờ mất hết. Nghiệp tốt sẽ đưa đến kết quả tốt. Nghiệp xấu đưa đến kết quả xấu. Chữ nghiệp nó chỉ có nghĩa là hành động thôi. Tư duy là một hành động vì có kết quả. Ngôn ngữ là một hành động vì nó có kết quả. Và động tác của cơ thể là một hành động vì nó có kết quả. Không có nhân nào mà không có quả cho nên mình phải rất cẩn thận khi chế tác những tư duy, những lời nói hay những hành động của mình, đó là sự tiếp nối của mình. Quán chiếu cho kỹ thì mình thấy mình đã đi luân hồi rồi, đã được tiếp nối rồi chứ không chờ đến khi thân xác này hoàn toàn tiêu diệt, mình mới đi luân hồi.

Trong truyền thống Tây Tạng có một niềm tin bình dân là sau khi một vị đại sư chết rồi thì ba năm sau người ta đi tìm một em bé và cho đó là hậu thân của vị đạo sư nhưng đạo Phật Việt Nam khác. Khi tôi phát ra những tư duy, những ngôn ngữ và hành động thì những tư duy, ngôn ngữ và hành động đó đã đi vào trong các bạn của tôi vào trong các đệ tử của tôi và tôi đã được tiếp nối. Tôi đã bắt đầu luân hồi rồi và tôi đi luân hồi rất xa. Có những người ở trong tù đang đọc sách tôi viết và đang ngồi thiền ở trong nhà tù bên Mỹ, bên Anh hay bên Pháp, họ cũng tiếp nối của tôi. Tôi đi vào trong họ để giúp cho họ nhẹ nhàng hơn, cho họ bớt khổ hơn và tôi muốn luân hồi một cách tốt đẹp.

Tôi luân hồi ra nhiều hình thái chứ không phải một hình thái. Khi mình gieo một hạt bắp, hạt đó có thể thành ra một cây bắp. Cây bắp đó có thể cho hai trái bắp. Từ một hạt bắp có thể thành ra mấy trăm hạt bắp. Luân hồi cũng như vậy, có thể từ một trở thành nhiều. Thầy Nhất Hạnh luân hồi thành biết bao nhiêu đệ tử xuất gia và tại gia. Thầy Nhất Hạnh đang có mặt ở bên Pháp dưới dạng của những người học trò của thầy. Thầy đang có mặt bên Hòa Lan. Nếu quý vị nói thầy Nhất Hạnh chỉ đang ngồi ở đây thôi, quý vị chưa thấy thầy Nhất Hạnh, quý vị mới thấy một phần nhỏ của thầy Nhất Hạnh thôi. Luân hồi là như vậy, mình đã luân hồi rồi, đã bắt đầu luân hồi rồi. Nếu nhìn cho kỹ thì mình thấy rằng mình đang có mặt nhiều nơi chứ không phải chỉ có mặt ở đây mà thôi.

Hỏi: Tôi là một nhà khoa học ở trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người và ở trong hội thiên văn vũ trụ Việt Nam. Chúng tôi đã được nghe thiền sư nói về một quan niệm rất là tuyệt vời: Việc ứng dụng đạo Phật vào các hành động sống của mình để tìm hạnh phúc trong hiện tại. Những người nghiên cứu thiên văn vũ trụ thấy chúng ta đang sống trong một khung thời gian. Quá khứ, hiện tại và tương lai là một chuỗi liên tục. Nhưng hôm nay thiền sư đã khiến chúng tôi suy ngẫm nhiều hơn về hiện tại và thấy rằng chúng ta có thể tìm tới hạnh phúc hiện tại cho quan niệm sống của mình. Chúng tôi cũng muốn xin được thiền sư nói thêm quan niệm của mình về một con số mà chúng tôi thấy được đạo Phật coi là linh thiêng bởi vì tất cả đạo Phật đều được tượng trưng bằng một chuỗi tràng hạt có 108  hạt, không biết trong quá trình nghiên cứu chúng ta đã có tài liệu nào nói về sự xuất xứ của con số đó. Chúng tôi cũng có một nhận xét là hình như thiền sư và các thiền tăng ngày hôm nay đều đã không đeo chuỗi tràng hạt đó trên ngực nếu không phải là bên ngoài. Như vậy quan điểm là của thiền sư như thế nào? Chúng tôi muốn hiểu đạo Phật quan niệm thế nào khi chọn con số 108 cho chuỗi tràng hạt của mình.

Thiền sư Nhất Hạnh: Theo cái thấy của chúng tôi, con số nào cũng linh thiêng hết. Con số một cũng linh thiêng, con số hai cũng linh thiêng. Con số một là nhất như. Con số hai là âm dương hay là thân tâm. Con số ba cũng linh thiêng là tam bảo. Con số bốn là tứ diệu đế. Con số năm là ngũ căn, ngũ lực. Con số thứ sáu là lục độ. Con thứ bảy là thất Bồ Đề phần. Con thứ tám là bát chánh đạo. Con số nào cũng linh thiêng hết nhưng vì thực dụng mình chọn một con số mà thôi. Ví dụ như tràng hạt có mười tám hạt vừa với cổ tay của mình. Tràng hạt mười tám đeo vào cổ thì nó hơi nhỏ vì vậy mới có tràng hạt một trăm lẻ tám. Nhưng các thầy ở đây họ có đeo tràng hạt mà quý vị không thấy, đó là hơi thở của họ. Họ không cần phải bấm hạt mới trở về với giây phút hiện tại, chỉ cần theo dõi hơi thở vào thở ra là họ có thể trở về với giây phút hiện tại. Họ có tràng hạt nhưng là tràng hạt vô tướng cho nên quý vị không thấy được mà thôi. Tôi nghĩ rằng con số nào cũng linh thiêng hết và tôi nghĩ ngày nào cũng là ngày tốt hết. Ngày xấu là vì trái tim của mình không được trong sạch.

Hỏi: Thưa thiền sư được nghe thiền sư thuyết giảng hôm nay tôi rất thích thú, thiền sư kết luận bài nói chuyện bằng câu: Các nhà lãnh đạo làm chính trị, làm doanh nghiệp cần có một đời sống tâm linh. Tôi xin hỏi thiền sư hai câu:

Câu thứ nhất: Bản thân tôi hiện nay là ủy viên Hội Đồng Tư Vấn Khoa Học Giáo Dục của mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Chính tôi đang nghiên cứu về vấn đề tâm linh và tôi đã tuyên bố ở một hội nghị rằng tôi tin một trăm phần trăm rằng có đời sống tâm linh. Có người bảo tôi rằng: anh dại, anh đã cao tuổi già rồi, bây giờ lẩm cẩm. Hôm nay lúc hai giờ mười phút, tôi đang đọc quyển sách của thầy là cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức tôi vừa mua hôm qua ở chùa Quán Sứ, tôi thích lắm! Lúc đang đọc, tôi nhủ thầm làm thế nào gặp được thầy Thích Nhất Hạnh. Năm 1975, lúc vào miền Nam tôi đi tìm mua sách cũ. Quyển sách đầu tiên tôi mua ở đường Calmette, của thầy viết mang tựa Ðạo Phật áp dụng trong đời sống hằng ngày. Tôi rất thích! Hai giờ mười phút tôi đang đọc sách, đang nghĩ rằng làm sao gặp được thầy Nhất Hạnh. Một người thân quen của tôi trên này bảo thầy Nhất Hạnh sắp nói chuyện vào lúc ba giờ mời tôi lên ngay. Tôi bảo như thế thì tôi lên ngay. Như vậy có phải là có tâm linh không?

Câu hỏi thứ hai: Thầy nói rằng các nhà chính trị, doanh nghiệp v.v… cần có đời sống tâm linh nhưng đặc biệt ở Việt Nam những người làm chính trị, những người làm lãnh đạo đều là đảng viên đảng cộng sản, những doanh nghiệp doanh nhân hiện nay là doanh nghiệp quốc doanh, giám đốc cũng đều là đảng viên cả. Thầy nói cần có đời sống tâm linh, những người đó họ bảo: Tôi theo chủ nghĩa cộng sản duy vật bảo tôi như thế này là tôi lại theo duy tâm à? Như vậy phải trả lời làm sao ạ? Tôi muốn hỏi thêm: Như vậy thì hiểu cái vấn đề tâm linh như thế nào?

Thiền sư Nhất Hạnh: Nhà trí thức của chúng ta sau khi mua cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức và có duyên gặp tác giả ngay nửa giờ đồng hồ sau, tâm linh hay không tâm linh mình chưa nói nhưng ít nhất là có duyên. Có duyên tức là có những điều kiện thuận lợi và khi có duyên thì cái gì cũng được hết. Tôi xin nói tới chuyện tâm và vật, tôi thấy Karl Marx có một đời sống tâm linh rất sâu sắc và không lý do gì những người Mác-xít lại không có đời sống tâm linh sâu sắc của mình.

Chúng tôi từ hồi còn ấu thơ đã học hỏi quan niệm về sắc và về tâm. Trong đạo Phật có danh từ Namarupa. Nama là về tâm, Rupa là về sắc, tương đương với tâm và vật nhưng Namarupa được kết chung lại thành một danh từ. Theo kinh nghiệm của chúng tôi tâm và vật không phải là hai thực thể riêng biệt. Tâm và vật có cùng một thực thể. Có khi nó biểu hiện ra như là tâm và có khi nó biểu hiện ra như là vật. Nếu như quý vị nghiên cứu về vật lý nguyên tử thì quý vị cũng biết vấn đề người ta đặt ra về chất điểm. Căn bản nó là một hạt hay là một đợt sóng? Các nhà nghiên cứu nghiên cứu chất điểm, họ rất lấy làm ngạc nhiên vì cùng một chất điểm đó nhưng có khi nó biểu hiện ra như là một hạt nhưng có khi nó biểu hiện ra như một làn sóng.

Thông thường nếu đã là hạt, chỉ là hạt thôi chứ tại sao là sóng được. Sóng là một cái khác. Hạt là một cái khác. Anh chỉ có thể là hạt hay là sóng thôi. Nhưng khi người ta nghiên cứu chất điểm họ thấy rất rõ ràng rằng cùng một thực tại mà có khi nó biểu hiện ra như là hạt, có khi nó biểu hiện ra như là sóng. Vì vậy các nhà khoa học đã đồng tình đặt cho nó một cái tên chung là hạt sóng. Nó vừa là hạt, nó vừa là sóng. Cũng như chữ Namarupa trong đạo Phật.

Quán chiếu cho kỹ thì chúng ta sẽ vượt thắng được quan niệm lưỡng nguyên giữa tâm và vật. Chúng ta sẽ thấy vật là sự tiếp nối của tâm và tâm là sự tiếp nối của vật. Trong y khoa hiện đại cũng vậy, chúng ta biết rằng những gì xảy ra cho thân thể cũng xảy ra cho tâm hồn và những gì xảy ra cho tâm hồn cũng có ảnh hưởng cho thân thể. Quan niệm thân tâm liên kết với nhau. Cái thực thể của chúng ta trong đạo Phật gọi là ngũ uẩn. Đó là thân tâm, là một hợp thể. Nói nó là thân, là vật cũng không đúng mà nói nó là tâm cũng không đúng. Những gen chúng ta mang ở trong từng tế bào của cơ thể quý vị nói nó là thân hay là tâm?

Tất cả những tập quán, kinh nghiệm, hạnh phúc, tất cả những tuệ giác của ông cha chúng ta nằm ở trong những gen đó. Vậy những gen đó, quý vị nói là vật hay là tâm? Chỉ có một cách nói thôi: Nó không phải là vật cũng không phải là tâm. Nó là thực tại, có khi chúng ta gọi nó là vật, có khi chúng ta gọi nó là tâm. Thành ra tôi thấy trong ánh sáng của khoa học hiện đại quan niệm lưỡng nguyên giữa tâm và vật đã lỗi thời rồi. Chúng ta phải chấm dứt cuộc đàm luận về vật và tâm, nếu không chúng ta sẽ còn mất thì giờ và sẽ còn tốn nhiều nước bọt lắm. Nói tôi là duy vật, anh là duy tâm, không có nghĩa nữa. Nó làm mất thì giờ vì tâm và vật là cùng một thực tại. Có khi nhìn mình thấy nó như là tâm, có khi nhìn thì mình thấy nó tựa như là vật cho nên quan niệm lưỡng nguyên về tâm và vật chúng ta phải vượt thắng thì chúng ta mới có thể đi xa được.

Đời sống tâm linh, đời sống đạo đức là gì? Khi biết sử dụng ái ngữ, biết sử dụng lắng nghe thì mình cho người hôn phối của mình có cơ hội nói ra được những nỗi khổ niềm đau của họ. Dùng phương pháp lắng nghe ái ngữ thì mình thiết lập được truyền thông với người bạn hôn phối của mình, đem lại sự tha thứ, hòa giải và hạnh phúc. Đó đâu phải là duy tâm hay là duy vật mà đó là sự thực tập thường thôi.

Nếu là một nhà chính trị, một nhà doanh thương mà không biết sử dụng ái ngữ, lắng nghe thì đâu có thành công được trong sự nghiệp chính trị hay thương mãi của mình. Nếu không có truyền thông được với con trai, con gái thì trong gia đình mình có những sự đổ nát, lộn xộn, có những đau khổ. Đau khổ đó đè nặng trong lòng của mình thì làm sao mình làm tròn trách vụ của nhà lãnh đạo một cách dễ dàng được? Cho nên nhà lãnh đạo chính trị bắt buộc phải là một người có tu tập, có đạo đức. Nếu không có đạo đức, không có tu tập thì khổ đau trong gia đình, trong nội tâm sẽ làm cho người đó không thành công được trong sự nghiệp, trong sứ mạng của mình.

Đây không phải vấn đề tâm và vật mà vấn đề là mỗi người trong chúng ta đều phải có một chiều hướng tâm linh trong cuộc sống và chắc chắn là như vậy! Hôm đi thăm ông chủ tịch Ủy Ban Tôn Giáo quốc gia ở Bắc Kinh tôi có nói rằng: Trong đời sống dù chúng ta là nhà chính trị, nhà văn hóa hay là nhà doanh thương, chúng ta phải có một chiều hướng tâm linh nếu chúng ta không muốn chìm đắm trong đau khổ. Có một chiều hướng tâm linh và đạo đức thì chúng ta có hạnh phúc nhiều hơn và chúng ta tạo dựng hạnh phúc cho những người cùng sống trong gia đình. Đó là bàn đạp cho chúng ta thành công trong sự nghiệp chính trị, văn hóa hay doanh nghiệp. Vì vậy mỗi người trong chúng ta đều phải có một nếp sống đạo đức, một nếp sống văn hóa.

Tôi có nói rõ rằng chính ngay trong tôn giáo cũng phải có đạo đức, tại vì có thể có những người lợi dụng tôn giáo cho quyền hành, cho địa vị của họ mà như vậy là thiếu đạo đức. Có những tổ chức tôn giáo sử dụng những biện pháp không có vương đạo để phát triển cơ sở của họ, như vậy là tôn giáo không có đạo đức. Tôn giáo không có đạo đức thì tôn giáo phá sản. Chính trị cũng vậy nếu chính trị không có đạo đức thì chính trị phá sản, điều này quý vị biết rõ hơn ai hết. Đời sống của những nhà chính trị không thể nào không có chiều hướng đạo đức. Chúng ta đã từng dùng danh từ đạo đức cách mạng rồi phải không? Vậy thì tại sao chúng ta không có dùng danh từ đạo đức trong đời sống hằng ngày của chúng ta? Khi ăn, khi mặc, khi tiêu thụ, khi đối xử với vợ con với bạn bè ta cũng phải có đạo đức mới được. Ðó đâu phải là duy tâm hay duy vật mà đó là sự sống bình thường thôi.

Một vị trong ban tổ chức: Chúng tôi biết là còn có nhiều vị muốn phát biểu nhưng thời gian có hạn.
Tôi đề nghị xin một ý kiến nữa thôi.

Hỏi: Thưa thầy đúng ra chúng tôi còn muốn hỏi nhiều nhưng đã hết giờ. Vậy bây giờ tôi không phải đặt câu hỏi. Sau khi đã xin phép ông chủ nhà tức là chủ nhiệm Ủy ban người Việt ở Nước Ngoài, tôi có một đề nghị. Trước hết là phải đề nghị với thầy sau đó mới bàn với các cơ quan sắp xếp. Hôm nay có một bài giảng về đạo rất là đời mà đối với tôi cái hay nhất của nó là không phải nó thấm ngay mà nó buộc người nghe phải tiếp tục suy nghĩ. Do đó tôi muốn đề nghị với thầy dành ít thì giờ sắp tới gặp hội viên của chúng tôi, hội viên của Hội Liên Lạc Người Việt Nam ở Nước Ngoài. Họ phần đông là những nhà trí thức, những nhà văn hóa. Đầu câu chuyện sẽ không phải là vấn đề tu hành. Chúng tôi muốn đặt hàng với thầy là với tư cách một nhà thơ, một người viết văn, cho nên đề tài có thể là về truyện Kiều, cụ thể khía cạnh nào thì tùy thầy. Nhưng lời xin một buổi nói chuyện về truyện Kiều này cho Hội Liên Lạc Người Việt Nam ở Nước Ngoài mong thầy đáp ứng. Xin cám ơn.

Thiền sư Nhất Hạnh: Nhờ thầy Pháp Ấn trả lời dùm câu đó. Thầy Pháp Ấn phụ trách về chuyến đi thành ra thầy biết về thời biểu.

Thầy Pháp Ấn: Nam mô Ðức bổn sư Bụt Thích Ca Mâu Ni. Con kính bạch Sư ông, con kính thưa quý thầy, con kính thưa quý vị quan khách có mặt ngày hôm nay trong cử tọa. Nhã ý của bác rất là quý, Sư ông và phái đoàn cũng rất là mong trong tương lai có cơ hội tiếp xúc và chia sẻ. Thứ năm này vào lúc sáu giờ rưỡi chiều tại hội trường Thăng Long của khách sạn Melia có một buổi nói chuyện do các hội đoàn người Tây phương tổ chức. Sáu giờ rưỡi chiều ngày thứ sáu ngày 25 tháng 3 thì tại Câu Lạc Bộ Giao Lưu Kinh Tế Văn Hóa Quốc Tế, số 9 đường Ðào Duy Anh sẽ có buổi nói chuyện do câu lạc bộ tổ chức. Hiện nay đang có khóa tu của những người xuất gia tại chùa Bồ Ðề. Sáng nào Sư ông cũng cho pháp thoại thành ra trong ngày thứ năm và thứ sáu, tới một ngày có hai bài pháp thoại. Ngày thứ bảy hiện nay trong lịch thì Sư ông có buổi trao đổi với ông đại sứ Mỹ tại chùa Bồ Ðề. Ngoài ra đại sứ Hòa Lan cũng đang xin để được gặp sư ông. Do đó chương trình Sư ông khá dày và chiều thứ bảy đã lên đường đi thăm Yên tử, rồi đi thăm vịnh Hạ long. Rất là tiếc và mong có một dịp khác trong tương lai. Sau Yên tử và Hạ long thì ngày thứ ba, tòa Đại sứ Pháp đã có nhã ý mời Sư ông và phái đoàn tới có buổi trao đổi. Sư ông cũng đã chấp nhận buổi đó với tòa Đại sứ Pháp.

Thiền sư Nhất Hạnh: Sau đó chúng tôi phải đi Bình Ðịnh. Sau khi đi Bình Ðịnh thì chúng tôi đi Pháp, sau khi đi Pháp thì đi Ý, sau Ý thì đi Ðức… Hy vọng chuyến viếng thăm kỳ sau thì chúng tôi sẽ có cơ hội hầu chuyện với quý vị lâu hơn và nhiều lần hơn.

Thầy Pháp Ấn: Nhân đây Pháp Ấn xin được thay mặt cho phái đoàn xin mời tất cả các vị quan khách ở đây nếu có thời gian rảnh rỗi thì vào chiều thứ năm và thứ sáu vào sáu giờ rưỡi chiều tại khách sạn Melia, cũng như tại Câu Lạc Bộ Giao Lưu Kinh Tế Văn Hóa. Xin mời quý vị đến để ngồi chơi chung với nhau.

Ban Tổ Chức: Ban tổ chức chúng tôi biết là có nhiều quý vị muốn có câu hỏi và muốn được Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời nhưng vì thời gian còn rất ít chúng tôi xin cáo lỗi cùng quý vị và cuối cùng tôi xin trân trọng giới thiệu và kính mời ông Nguyễn Phú Bình, thứ trưởng Bộ ngoại giao, chủ nhiệm Ủy Ban Người Việt Nam ở Nước Ngoài lên  phát biểu.

Ông Nguyễn Phú Bình (thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, chủ nhiệm Ủy Ban Nguời Việt ở Nước Ngoài ):

Kính thưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh, kính thưa các vị tăng thân Làng Mai, kính thưa các quý vị, quý khách, các quý vị thính giả.

Có thể nói hôm nay những người tổ chức chúng tôi đã dự tính trước là có thể sẽ rất đông người đến. Thế mà chúng tôi cũng không ngờ là số người đến tham dự lại đông đến như thế. Điều này chứng tỏ rằng rất nhiều người mong muốn được tiếp xúc, được nghe Thiền sư giảng bài. Những điều mà nhiều người đã mong từ lâu nhưng hôm nay mới được. Chúng tôi đã phòng xa và sự phòng xa này rất may mắn là đúng. Chúng tôi không muốn từ chối bất cứ ai muốn nghe Thiền sư giảng. Cho nên chúng tôi cũng có đặt sẵn một màn hình ở sảnh tầng một để nếu ai không có giấy mời nhưng muốn vào thì cũng có thể vào nghe được. Không lên đây được cũng có thể thông qua màn hình dưới kia để được thấy. Chu đáo này cũng xuất phát từ niềm cảm thông được tấm lòng của rất nhiều người muốn được tận mắt được gặp gỡ, được trò chuyện và được nghe Thiền sư giảng. Có thể nói buổi chiều hôm nay là buổi chiều chúng tôi thấy rất lý thú. Bởi vì cũng như là Thiền sư đã nói, trong lòng mỗi người Việt đều có cái gì, đấy là liên quan đến đạo Phật. Không phải chỉ là những người Phật tử mà cả những người theo tôn giáo này, tôn giáo khác cũng đều thấy rằng mình là người của Phật. Thế cho nên ai cũng thấy những đề tài của Thiền sư rất thú vị.

Nhưng điều mà chúng tôi không ngờ là thường thường người ta nghĩ đến đạo Phật là nghĩ đến khổ hạnh, nghĩ đến những điều gì mà chúng ta phải chịu đựng. Thế mà hôm nay nghe Thiền sư giảng, chúng tôi cảm thấy rất thích thú. Chúng ta hãy đi tìm hạnh phúc mà hiện nay chúng ta đang có. Như thế lúc nào chúng ta cũng cảm thấy rất vui. Nếu chúng ta có một cái tâm, một cái thiện chí, lúc nào chúng ta cũng thấy chung quanh ta đầy những điều tốt đẹp và cái thế giới, cái xã hội này là tốt đẹp. Tôi chắc rằng nhiều vị ở đây cũng giống như tôi nhận thức được điều ấy.

Tôi thấy có một nhận thức rất sâu sắc ở những lời nói của Thiền sư về tình huynh đệ. Tình huynh đệ Thiền sư nói ở đây, trong nước chúng ta hay nói đến như tình đại đoàn kết dân tộc. Chúng ta là một nhà không phân biệt ai cả, đều là con em một nhà. Mà ngay cả bà con ta ở ngoài đi chăng nữa, dù cuộc sống có khác, dù trước đây có như thế nào đi chăng nữa thì vẫn là anh em của chúng ta, cũng là người trong một nhà. Những điều mà thiền sư nói cũng rất phù hợp với những gì chúng tôi hiện nay đang ra sức làm để thu hút sự đoàn kết, làm cho xã hội chúng ta tốt đẹp một, rồi sau này mới tốt đẹp nhiều lần lên.

Hôm nay ở đây chúng tôi biết là không có đủ điều kiện để giới thiệu hết. Nhưng chúng tôi biết ở đây có đại biểu Quốc hội cũng có các giáo sư, rồi có các vị nguyên là đại sứ của ta tại nước này, nước khác. Các nhà ngoại giao rồi các nhà nghiên cứu, chúng tôi không điểm hết được. Sự có mặt của tất cả những người ngồi đây mà không phân biệt cương vị hay nghề nghiệp đều có một mẫu số chung là muốn nghe những điều tốt đẹp từ đạo Phật. Chúng tôi cũng có một cảm nhận nữa: Rõ ràng là chúng tôi đã nghe nhiều rồi nhưng hôm nay thấy rằng là Thiền sư không chỉ là một vị cao tăng mà còn là một nhà văn hóa, một triết gia và cũng là một nhà lịch sử nữa. Thành ra những câu chuyện của Thiền sư trong đó thể hiện ra rất nhiều khía cạnh mà chúng tôi rất tâm đắc. Ai cũng muốn được nghe nữa và mặc dù Thiền sư rất nhiệt tình nhưng thời gian thì chỉ có chừng ấy thôi.

Tôi cho rằng lần về thăm đất nước sau bốn mươi năm sẽ không phải là lần cuối mà sẽ mở đầu. Tôi nghĩ rằng chắc chắn Thiền sư sẽ còn trở về nữa nhiều lần và chúng ta ở đây có nhiều dịp để nghe nữa. Ví dụ như anh Lãng hôm nay muốn có một buổi nói chuyện, chắc là đây đó cũng có rất nhiều người cũng muốn sẽ có nhiều buổi khác nữa. Tôi hy vọng vào dịp sau, lần sau chúng ta sẽ tổ chức và khi đó chúng tôi cho rằng chắc chắn là chúng ta sẽ tổ chức tốt hơn, chu đáo hơn. Chúng tôi cũng muốn khi trở về nơi có đồng bào của ta sinh sống, Thiền sư cũng chuyển lời của chúng tôi bằng cách nói của Thiền sư để họ thấy rằng ở trong nước cũng luôn luôn mở rộng, muốn có được tình anh em, tình huynh đệ, tình dân tộc với bà con ở ngoài và lúc nào cũng muốn như vậy. Còn những chuyện đã qua, những cái gì gọi là lịch sử, chúng ta hãy để cho lịch sử chứ còn bây giờ tất cả chúng ta là một nhà. Ở đây có nhiều vị ở nhiều nước khác nhau cũng có mặt, chúng tôi rất vui. Chúng tôi cho rằng chính Thiền sư là cầu nối để cho người ta hiểu về văn hóa Việt Nam, để cho mọi người hiểu tâm linh người Việt. Cũng chính nhờ đó, tình hữu nghị giữa người Việt Nam với người các dân tộc khác sẽ được nối lại, sẽ được bền vững.

Chúng tôi nghĩ rằng như vậy Thiền sư không phải chỉ là nhà tu hành, nhà văn hóa, không phải là một triết gia, nhà lịch sử nữa mà sẽ đóng vai trò của một nhà ngoại giao. Chữ ngoại giao ở đây không phải là chính trị mà nó là cho tất cả các dân tộc, làm cho tất cả mọi người đều yêu hòa bình, đều yêu thương nhau cùng sống trong tình hữu ái.

Với tinh thần đó chúng tôi hết sức là hoan nghênh chuyến thăm đất nước của Thiền sư cũng như các vị tăng thân Làng Mai, người Việt cũng như những người không phải dòng máu chúng ta nhưng cùng có những tâm linh và ý chí như chúng ta. Chúng tôi kính mong, kính chúc Thiền sư sức khỏe dồi dào, các vị tăng thân Làng Mai và quý vị ở đây chúng ta sống trong tình hữu ái. Chúng ta luôn luôn vui, chúng ta luôn luôn tận hưởng những gì chúng ta có, hướng tới một cái gì đấy tốt đẹp hơn và mong có ngày sớm được đón Thiền sư và các vị tăng thân Làng Mai trở lại. Xin hết.


Ban Tổ Chức: Chúng tôi xin thay mặt cho Ủy Ban Người Việt Nam ở Nước Ngoài là cơ quan tổ chức buổi nói chuyện ngày hôm nay có một kỷ vật nhỏ gồm hai cuốn sách xin kính tặng Thiền sư để Thiền sư nhớ mãi những ngày rất vui và rất hữu ích trong thời gian ở Việt Nam.

Thiền sư Nhất Hạnh: Xin kính tặng trung tâm Hội Người Việt ở Nước Ngoài thư pháp của chúng tôi và một số bài nói chuyện ở chùa Linh Mụ Huế: Tuệ giác đạo Bụt trong truyện Kiều.

Ban Tổ Chức: Xin thay mặt cho tất cả những người tham dự ngày hôm nay, xin hết sức cám ơn tấm lòng, tình cảm của Thiền sư cũng như tăng thân Làng Mai đối với chúng tôi.