Tương lai đạo Bụt ở Âu, Úc và Mỹ châu
Tương lai đạo Bụt ở Âu, Úc và Mỹ châu
ngày 04.02.2005 tại Trung tâm Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh
Lời chào mừng của vị đại diện trung tâm
Kính thưa quý vị đại biểu,
Được sự chấp thuận của chánh phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có thư mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng phái đoàn tăng thân Làng Mai với gần hai trăm vị đã đến Việt Nam ngày 12.01.2005. Sau gần bốn mươi năm xa cách, đây là chuyến về thăm quê hương đầu tiên của Thiền sư. Theo chương trình Thiền sư sẽ thăm Tăng Ni Phật tử Hà Nội, Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế và Bình Định. Ngày 23.01.2005 vừa qua Thiền sư đã từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, đã thăm viếng các vị chư tôn giáo phẩm giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã thuyết giảng và mở các khóa tu cho Tăng Ni ở một số tu viện ở thành phố.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Thiền sư Thích Nhất Hạnh pháp danh là Trừng Quang, năm nay đã hơn tám mươi tuổi và đã trên sáu mươi tuổi hạ. Trong cuộc đời tu hành của ngài, thiền sư đã đào tạo nhiều thế hệ xuất gia và tại gia ở trong nước cũng như nhiều nước trên thế giới. Thiền sư đã có trên một trăm tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm được lưu hành bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới. Riêng tại Việt Nam nhiều tác phẩm của Thiền sư cũng đã được xuất bản. Ví dụ như: Mẹ Biểu Hiện Của Tình Thương, Thiết Lập Tịnh Độ, Nhật Tụng Thiền Môn Năm 2000, Bước Tới Thảnh Thơi. Sắp tới Thiền sư cũng sẽ cho xuất bản một số tác phẩm như Thả Một Bè Lau, Từng Bước Chân An Lạc, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, Trái Tim Của Bụt.
Không chỉ là một nhà tu, Thiền sư còn là một trong những nhà nghiên cứu Phật giáo, một nhà văn, một nhà thơ, đồng thời cũng là một vị giáo sư đã từng giảng dạy ở một số trường đại học như Colombia, New York, Boston (Hoa Kỳ), đại học Amsterdam (Hà Lan), đại học Sorbonne (Pháp)… Với một quá trình hoạt động tôn giáo, xã hội rộng khắp như vậy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có vai trò lớn trong việc phát triển đạo Phật. Nhiều công trình nghiên cứu, nhiều tác phẩm thơ văn của ngài đã đi vào lòng người, không những ở Việt Nam mà còn ở một số nước trên thế giới.
Hôm nay trung tâm Khoa Học Xã Hội Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh và quý vị có mặt ở đây rất vinh hạnh được đón tiếp Thiền sư, giáo sư cùng phái đoàn tăng thân Làng Mai. Đồng thời chúng ta có mặt ở đây cũng để nghe buổi thuyết trình của Thiền sư về đề tài Tương lai của đạo Bụt ở Âu, Úc và Mỹ Châu. Buổi thuyết trình này của Thiền sư sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu rộng hơn, sâu hơn đạo Phật ở nước ngoài cũng như đạo Phật ở nước ta, một đạo lớn đã gắn bó với dân tộc như sữa hòa trong nước.
Kính thưa quý vị, đại biểu đến tham dự buổi thuyết trình của Thiền sư Thích Nhất Hạnh hôm nay có mặt khoảng bảy trăm đại biểu gồm các học giả, nhân sĩ trí thức, các nhà nghiên cứu lý luận, cán bộ công chức nhà nước, các cơ quan ban ngành các cấp ở thành phố, quận huyện. Chúng ta có mặt hôm nay là để hiểu sâu thêm đạo Phật và cũng để chúc mừng Thiền sư và đoàn trong những ngày làm việc ở đất nước Việt Nam, khỏe và đạt được nhiều tiến bộ. Đặc biệt đến nghe buổi thuyết trình hôm nay chúng tôi xin trân trọng giới thiệu sự có mặt của nhiều vị giáo sư, tiến sĩ, học giả, cán bộ lão thành, các nhà nghiên cứu, lý luận có tên tuổi tiêu biểu ở thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời cũng có nhiều hãng thông tấn, báo chí, truyền thanh, truyền hình có mặt để đưa tin và cùng tham dự buổi nghe thuyết trình hôm nay.
Tiếp theo chương trình, tôi xin giới thiệu đại diện của trung tâm Khoa Học Xã Hội Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh lên tặng hoa cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đây là bó hoa của đại đoàn kết dân tộc, bó hoa tốt đời, đẹp đạo và cũng là biểu trưng cho xuân mới năm nay. Tiếp theo chương trình chúng tôi xin mời Thiền sư Nhất Hạnh.
Thiền Sư Nhất Hạnh Thuyết Giảng
Kính thưa liệt vị,
Chúng tôi xin đề nghị chúng ta bắt đầu buổi sinh hoạt hôm nay bằng cách lắng nghe tăng thân Làng Mai trì niệm danh hiệu của đức Bồ Tát Quan Thế Âm bằng tiếng Phạn. Đây là một phương pháp thực tập, rất dễ, nếu chúng ta biết cách tham dự thì trong vòng mười phút chúng ta đã cảm thấy khỏe khoắn ở trong người.
Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh
Chúng ta biết rằng, mỗi chúng ta đều có khả năng lắng nghe, lắng nghe để có thể hiểu được những đau khổ, những khó khăn của người khác. Trong chúng ta, có những người có khả năng lắng nghe rất sâu, trong khi lắng nghe có năng lượng của hiểu và thương. Vì vậy sau một giờ đồng hồ lắng nghe, người kia cảm thấy nhẹ nhàng và bớt khổ nhiều lắm. Dù rằng người kia trong khi nói, có thể nói ra những điều sai với sự thật, có thể nói những điều đầy dẫy tri giác sai lầm, có thể nói bằng giọng chua chát, lên án buộc tội nhưng người này vẫn có đủ từ bi, vẫn có đủ kiên nhẫn để lắng nghe. Trong chúng ta người nào cũng có khả năng đó nhưng có một số trong chúng ta đã đánh mất khả năng đó. Khi nghe người kia nói với giọng trách móc, lên án, buộc tội chúng ta không còn kiên nhẫn để ngồi lắng nghe nữa, cho nên chúng ta không thể giúp người đó tháo gỡ những khổ đau, những khó khăn, những bế tắc trong con người của họ.
Theo giáo lý của đạo Bụt, tất cả chúng ta người nào cũng có hạt giống của sự lắng nghe, nhưng nếu chúng ta có thực tập, hạt giống đó sẽ lớn lên mỗi ngày, khả năng lắng nghe mỗi ngày một thêm sâu. Chỉ cần lắng nghe thôi ta đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác. Chồng lắng nghe vợ, vợ lắng nghe chồng, cha lắng nghe con, một phép thực tập rất là hay.
Trong truyền thống đạo Phật có một người tên là Avalokiteśvara, chúng ta thường gọi là Quan Thế Âm, người có khả năng lắng nghe hết sức sâu sắc. Chúng ta thường niệm danh hiệu của người đó, Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm. Chúng ta biết rằng người đó không hẵn ở ngoài ta vì chính chúng ta người nào cũng có hạt giống, có khả năng lắng nghe đó. Khi chúng ta lắng nghe Nam mô Avalokiteśvara thì chúng ta tiếp xúc được với khả năng hiểu, khả năng chấp nhận, khả năng thương yêu trong mỗi chúng ta.
Khi tụng niệm, chúng ta không phải chỉ tụng niệm bằng miệng mà chúng ta tụng niệm bằng chính trái tim của mình. Đó là gọi tâm niệm chứ không phải khẩu niệm. Cơ đốc giáo gọi là lời nguyện cầu của trái tim. Khi chúng ta là đoàn thể và biết niệm bằng trái tim, chúng ta chế tác ra một năng lượng tập thể rất hùng hậu, rất vĩ đại và năng lượng tập thể đó có thể tiếp xúc được với năng lượng của những con người lớn, những bậc đại nhân trên thế giới, những người có khả năng lắng nghe, hiểu biết và thương yêu. Lúc đó năng lượng sẽ vô cùng vĩ đại.
Trong khi chúng ta ngồi nghe, buông thư cơ thể, mở trái tim ra, năng lượng tập thể đó sẽ đi vào trong chúng ta. Nếu chúng ta có đau nhức, bệnh tật sẽ đạt tới sự trị liệu và chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Quan trọng nhất trong khi thực tập đừng suy nghĩ về quá khứ, về tương lai, về những dự án, những lo lắng của mình. Mình có mặt trong giây phút hiện tại để cho năng lượng tập thể, năng lượng lành của hiểu, của thương đi vào trong cơ thể thì thế nào cũng có sự chuyển hóa, trị liệu, chắc chắn như vậy. Chỉ cần mười phút thôi, nếu trong lòng ta có những mối lo âu, buồn khổ, uất ức, sợ hãi hay tuyệt vọng, chúng ta mở trái tim ra để cho năng lượng tập thể của thương, của hiểu đi vào, năng lượng đó sẽ ôm lấy những nỗi khổ niềm đau của chúng ta, sẽ làm cho nỗi khổ niềm đau dịu xuống. Đây là một điều rất khoa học.
Nếu chúng ta có một người thân đang bị bệnh ở nhà không tới được, chúng ta muốn truyền năng lượng lành cho người đó, chúng ta chỉ cần nghĩ tới người đó hoặc gọi tên người đó một cách im lặng, tự nhiên năng lượng kia sẽ được truyền về hết sức mau chóng, còn hơn tốc độ của ánh sáng. Quý vị cứ thử đi và tối nay về hỏi người đó vào giờ này ngày hôm nay, họ có nhận được năng lượng nào lành và họ có cảm thấy nhẹ nhàng trong cơ thể hay không?
Đầu cành dương liễu vương cam lộ
Một giọt mười phương rưới cũng đầy
Bao nhiêu trần lụy tiêu tan hết
Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây
Nam mô Bồ Tát Thanh lương địa
Trí tuệ bừng lên đóa biện tài
Đứng yên trên sóng sạch trần ai
Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh
Hào quang quét sạch buổi nguy tai
Liễu biếc phất bày muôn thế giới
Sen hồng nở hé vạn lâu đài
Cúi đầu ca ngợi dâng hương thỉnh
Xin nguyện từ bi ứng hiện ngay
Nam mô Bồ Tát lắng nghe Quan Thế Âm
Kính thưa liệt vị, trong khi chúng ta nói và chúng ta nghe, thỉnh thoảng sẽ có một tiếng chuông. Chúng ta sẽ nghỉ, chúng ta sẽ ngưng nói và ngưng nghe. Mỗi khi chúng ta nghe tiếng chuông, chúng ta sẽ ngưng suy nghĩ và chúng ta trở về với hơi thở.
Thở vào, tôi ý thức rằng tôi đang còn sống, tôi đang có mặt
tại đây trong giây phút này
Thở ra, tôi mỉm cười với sự sống chung quanh tôi
Chúng ta thực tập tiếng chuông chánh niệm (CCC)
Liễu biếc phất bày muôn thế giới
Kính thưa liệt vị,
Bên Tây phương, chúng tôi có những trung tâm gọi là Practical Center để cho thiền sinh Âu châu và Mỹ châu tới thực tập. Trung tâm thực tập chứ không phải trung tâm thờ phụng. Gần như một trăm phần trăm những người tới thực tập tại trung tâm của chúng tôi là những người trẻ, những người trí thức còn những người lớn tuổi thì họ bảo thủ hơn, họ ít có khả năng rời bỏ được truyền thống của họ. Tuyệt đại đa số những thiền sinh đến với các trung tâm của chúng tôi đều từ truyền thống Cơ đốc giáo, Do thái giáo. Chúng tôi có nhận thức, lập trường khác với các nhà truyền giáo Cơ đốc ngày xưa ở Việt Nam, nghĩa là chúng tôi không muốn họ bỏ gốc rễ của họ, những người Do thái giáo thì giữ gốc Do thái giáo, những người Ky Tô giáo thì giữ gốc Ky Tô giáo. Chúng tôi nói, thực tập thiền, thực tập đạo Bụt có thể giúp cho quý vị trở về với truyền thống của quý vị, đào sâu và khám phá những châu báu mà quý vị chưa khám phá được. Chúng tôi ý thức rằng khi làm cho một người mất gốc, tức là làm cho người đó đau khổ, tại vì chúng ta người nào cũng có gốc rễ văn hóa và tâm linh, nếu chúng ta bị mất gốc, chúng ta sẽ không hạnh phúc. Trên nhận thức đó chúng tôi đã không bao giờ muốn người Do thái giáo hay người Cơ đốc giáo bỏ gốc Do thái giáo hay Cơ đốc giáo của họ. Thái độ cởi mở bao dung đó có gốc rễ, cội nguồn rất sâu sắc trong đạo Bụt.
Những người Tây phương đến với chúng tôi, có nhiều người ghét cay, ghét đắng nhà thờ, truyền thống của họ nhưng sau một thời gian thực tập, họ có thể yêu mến lại gốc rễ của họ, họ được khuyến khích trở về đạo gốc của họ, giúp làm mới lại truyền thống của họ. Trong truyền thống Do thái giáo cũng như Cơ đốc giáo ở Tây phương, tuổi trẻ đang bỏ nhà thờ, bỏ giáo đường hàng loạt, tại vì người trẻ và người trí thức không tìm thấy trong giáo lý, trong thực tập của nhà thờ những chỉ dẫn, những pháp môn thực tập để có thể giúp họ đối phó với những khổ đau trong đời sống hàng ngày của họ. Giáo hội Cơ đốc, giáo hội Tin lành đang gặp khó khăn, họ cũng muốn làm mới giáo lý và sự thực tập nhưng họ chưa thành công lắm. Vấn đề lớn nhất của giáo hội Cơ đốc giáo, giáo hội Do thái giáo là làm thế nào để đưa người trẻ trở về với giáo hội, đưa người trí thức trở về với giáo hội, họ rất lúng túng. Trong khi đó chúng tôi đã thành công tới một mức nào đó để hiện đại hóa đạo Phật, làm mới đạo Phật, đổi mới đạo Phật, để đạo Phật có thể giúp cho người trẻ tuổi, giúp cho những người trí thức Tây phương có một hướng đi tâm linh mà họ không tìm thấy được trong các truyền thống Cơ đốc giáo hay là Do thái giáo.
Đạo Phật không phải chỉ là một tôn giáo, phần tín ngưỡng, phần sùng bái chỉ là một phần của đạo Phật thôi, trái tim của đạo Phật là tuệ giác, là thực tập. Thực tập gì? Thực tập có mặt trong giây phút hiện tại để quán chiếu, để nhìn sâu vào bản chất của khổ đau, của sự sống, của thực tại để có được tuệ giác và tuệ giác giúp giải phóng con người, giúp chuyển hóa những khổ đau, những nghi ngờ, những sợ hãi, giúp chúng ta đạt an lạc, hạnh phúc, không sợ hãi. Phần đó mới là trái tim của Phật giáo chứ không phải là phần thờ cúng, lễ lạy. Nếu chúng ta muốn truyền đạo Phật sang Tây phương dưới hình thức một tôn giáo, chúng ta sẽ không thành công, tại vì Tây phương đã có tôn giáo của họ, họ không cần thêm một tôn giáo khác, sự thực là như vậy. Nền thần học Cơ đốc giáo có khuynh hướng, có chủ trương, sự cứu rỗi chỉ có được khi người ta có đức tin. Anh có thể thực tập, anh có thể lao tác mệt nhọc, anh có thể cố gắng hết mình nhưng anh không được cứu rỗi, vì bản chất, bí quyết của sự cứu rỗi nằm ở chỗ có đức tin hay là không. Hầu hết các giáo hội Tây phương đều theo con đường chỉ có đức tin mới đem tới sự cứu rỗi.
Trong khi đó bản chất đạo Phật rất khác, đạo Phật nói tới Bát Nhã như là một con thuyền đưa mình từ bến mê mờ sang bờ trí tuệ. Đi từ bến Phiền Não sang an lạc, Niết Bàn và không phải do ân sủng mới có thể làm được chuyện đó. Sự giải thoát trong đạo Phật, sự cứu độ trong đạo Phật, được thực hiện không phải bằng đức tin mà bằng tuệ giác. Chính tuệ giác, chính trí tuệ Bát Nhã giải phóng chúng ta, chuyển hóa những khổ đau và đưa ta tới bờ an lạc, giải thoát, chứ không phải đức tin, không phải ân sủng của một đấng thần linh. Khi tôi nói trong một thính chúng trẻ tuổi, tôi nói rằng đức Thích Ca không phải là một vị thần linh. Tôi nghĩ cần phải nói điều đó trước, đức Phật trước hết là một người như tất cả chúng ta, Ngài cũng có những khó khăn, đau khổ, bế tắc nbhưng nhờ tìm ra con đường nên đã tháo gỡ được khó khăn, bế tắc, chuyển hóa được những khổ đau, đạt tới trình độ hiểu biết, thương yêu rất lớn. Trình độ hiểu biết là đại trí, trình độ thương yêu lớn gọi là đại bi.
Theo giáo lý của Đức Thích Ca, mỗi người đều có khả năng đạt tới trình độ hiểu biết lớn và một thương yêu lớn. Nếu chúng ta giúp họ có những phương pháp thực tập hữu hiệu, những hạt giống của hiểu và thương được tưới tẫm, sau này họ cũng có thể trở thành một đại nhân. Một vị Bồ Tát đại nhân là Bồ Tát Ma Ha Tát, đại nhân Ma Ha Tát là một con người lớn, một bậc vĩ nhân. Dân tộc ta đã sản xuất ra những con người lớn, những bậc đại nhân, những bậc cứu nhân độ thế, cứu người, độ đời. Họ là nhà chính trị, nhà nhân bản, nhà thương gia, là giáo chức, họ có tình thương lớn, có trí tuệ lớn và vì vậy họ giúp cho rất nhiều người, độ được rất nhiều người. Họ là những vị Bồ Tát bằng xương, bằng thịt mà chúng ta có thể gặp trong đời sống hằng ngày. Bồ Tát Ma Ha Tát là những thực tại mà chúng ta có thể tiếp xúc trong đời sống hằng ngày, chứ không phải những vị thần linh ở trên mây.
Tôi đã thưa với quý vị, Tây phương có tôn giáo của họ và cái mà họ thiếu là những phương pháp cụ thể để có thể vượt thắng những khổ đau, sợ hãi, phiền muộn trong con người, trong gia đình và trong xã hội của họ. Đạo Phật có thể cung cấp được những pháp môn, những phương pháp, những phép thực tập đó. Trong bốn mươi năm ở Tây Phương, chúng tôi chỉ làm công việc đó, nghĩa là cung cấp cho thiền sinh những dụng cụ để tu tập, chuyển hóa những khổ đau, lo lắng, sợ hãi, hận thù, bế tắc ở trong tâm để họ có thể tự hòa giải được với bản thân, với những người thương của họ, để họ có thể tìm thấy một hướng đi sáng đẹp cho cuộc đời trong khi vẫn giữ được gốc gác văn hóa và truyền thống tâm linh của mình.
Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây
Tôi nghĩ chúng tôi đã tạo ảnh hưởng lớn trên vùng văn hóa Cơ đốc giáo. Bằng những phương tiện trực tiếp hay gián tiếp, chúng tôi đã giúp những nhà thần học Cơ đốc giáo làm mới, đổi mới được phương pháp giảng dạy giáo lý và thực tập của họ. Tôi xin đem một ví dụ, trong đạo Phật có một giáo lý gọi là Hiện Pháp Lạc Trú. Hiện Pháp Lạc Trú là có thể sống hạnh phúc được ngay trong giây phút hiện tại. Đó là một điều được xác nhận bởi Phật Thích Ca. Nếu đọc kinh Ưu Bà Tắc quý vị sẽ thấy được điều đó.
Ngày xưa Đức Thích Ca có một người đệ tử cư sĩ tên là Sudatta, là một thương gia rất giàu, tánh tình hào phóng, ông đã để rất nhiều thì giờ, tâm lực, tiền bạc chu cấp cho những người nghèo đói, đơn côi. Trong nước Xá Vệ người nào cũng thương ông, tặng cho ông danh hiệu Anàthapindika, có nghĩa là Cấp Cô Độc, cấp dưỡng cho những người cô độc. Ông hiến tặng, bố thí, cung cấp rất nhiều vậy mà ông không bao giờ nghèo. Có một lần ông bị phá sản, lâm vào tình trạng khó khăn nhưng được bạn bè tới giúp và ông mau chóng gầy dựng lại cơ đồ.
Một hôm Anàthapindika và khoảng bốn năm trăm người bạn trong giới thương gia tới thăm đức Thế Tôn, đức Thế Tôn mới thuyết kinh Người áo trắng, tức là kinh dành cho cư sĩ thương gia. Trong kinh, đức Thế Tôn đã lặp đi lặp lại cụm từ Hiện Pháp Lạc Trú tới năm lần: Này quý vị, quý vị có thể sống an lạc hạnh phúc, ngay trong giây phút hiện tại, không cần mơ tưởng tới an lạc hạnh phúc trong tương lai, dù ở Thiên Đường, Cực lạc hay Tịnh Độ. Giáo lý đó hình như ở Việt Nam, chúng ta không giảng dạy và không thực tập nhiều. Rất đông Phật tử Việt Nam cứ nghĩ rằng: An lạc là chuyện không thể nào có thật được trong giây phút hiện tại. Mình phải đợi sau khi mình chết rồi, mình sanh sang cực lạc thế giới hay mình nhập vào Niết Bàn thì mới có an lạc, hạnh phúc. Tư duy như vậy không phù hợp với tư duy của đức Thích Ca.
Trong nhiều kinh, đức Thích Ca đã dạy rằng quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới cho nên nếu để tâm mình bị sự sợ hãi về quá khứ hoặc sự lo lắng về tương lai lôi kéo thì mình không còn cơ duyên sống sâu sắc trong giây phút hiện tại. Có rất nhiều kinh dạy về phương pháp Hiện Pháp Lạc Trú, nghĩa là sống thế nào để có an lạc, hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Ngày hôm đó đức Thế Tôn đã nói về phương pháp Hiện Pháp Lạc Trú căn cứ trên giáo lý Hiện Pháp Lạc Trú và phương pháp thiền tập. Thiền tập luôn luôn đưa tâm trở về với thân để có thể có mặt một cách sâu sắc ngay trong giây phút hiện tại. Chúng tôi đã giảng giải giáo lý Hiện Pháp Tịnh Độ, nghĩa là Tịnh Độ có mặt ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, chứ không phải trong tương lai, không phải ở cõi Tây phương Cực lạc, đó là hiện pháp Tịnh Độ. Tại Làng Mai tuy chúng tôi tu thiền nhưng chúng tôi cũng tu Tịnh Độ, Tịnh Độ chúng tôi tu là Tịnh Độ Hiện Tiền. Nếu tâm trở về với thân, thân tâm nhất như thì mình thật sự có mặt trong giây phút hiện tại, mình có thể tiếp xúc với bao nhiêu mầu nhiệm của sự sống trong hiện tại, những mầu nhiệm trong mình và xung quanh mình.
Thở vào tôi ý thức rằng tôi có hai mắt
Thở ra tôi mỉm cười với hai mắt của tôi
Một bài tập rất dễ. Khi mình thực tập như vậy, mình biết rằng mình có hai mắt đang còn sáng, có khả năng thấy được tất cả những màu sắc và hình ảnh. Thiên Đường của màu sắc, của hình ảnh ta chỉ cần mở mắt ra là có thể tiếp xúc được nhưng khi một người bị mù, Thiên Đường của màu sắc, của hình ảnh đã mất rồi, cái ước ao sâu sắc nhất của người đó là làm thế nào để có được hai mắt sáng. Chúng ta là những người đang có hai mắt sáng, chúng ta chỉ cần có mặt trong giây phút hiện tại, mở mắt ra là thấy được Thiên Đường của màu sắc và của hình ảnh. Hai con mắt là một trong những điều kiện của hạnh phúc.
Chúng ta quán chiếu, chúng ta thấy có biết bao nhiêu điều kiện của hạnh phúc đang có mặt trong ta và xung quanh ta.
Thở vào tôi ý thức về trái tim của tôi
Thở ra tôi mỉm cười với trái tim của tôi.
Phương pháp thực tập rất đơn sơ, trong khi thực tập, mình trân quý sự có mặt trái tim của mình. Trái tim mình hoạt động bình thường là có thể nuôi được tất cả tế bào trong cơ thể. Có những người bị bệnh tim và họ không biết họ bị đứng tim lúc nào, mơ ước sâu sắc nhất của họ là có một trái tim bình thường như tất cả mọi người. Ý thức được rằng mình có một trái tim bình thường thì tự nhiên mình nhận diện thêm một điều kiện hạnh phúc, mình sẽ trân quý điều kiện đó của hạnh phúc, mình sẽ không hút thuốc, không uống rượu, không ăn nhiều chất béo quá làm cho trái tim mình đau khổ, khó khăn trong khi vận hành.
Biết trở về với giây phút hiện tại để có thể nhận diện được tất cả những điều kiện hạnh phúc đang có mặt trong giây phút đó, khi nhận diện được rồi tự nhiên hạnh phúc có mặt liền lập tức. Mình không đi tìm hạnh phúc trong tương lai nữa khi mình thật sự có mặt. Muốn thật sự có mặt thì rất dễ, chỉ cần trở về với hơi thở:
Thở vào tôi biết rằng tôi đang có mặt, thở ra tôi mỉm cười với sự sống.
Tự nhiên mình có khả năng tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống: Trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở, em bé đang cười tươi như bông hoa trước mặt mình. Tất cả thuộc về Tịnh Độ, thuộc về Thiên Đường, thuộc về Thiên Quốc và không phải là mộng ảo. Đó là những gì có thật, là những điều kiện hạnh phúc mà mình có thể tiếp xúc được ngay trong giây phút hiện tại.
Sen hồng nở hé vạn lâu đài
Ở đây thế nào cũng có một số các vị thực tập theo phương pháp Tịnh Độ. Nếu có cơ duyên học hỏi những tác phẩm của chư Tổ Tịnh Độ, quý vị sẽ thấy rằng giáo pháp Tịnh Độ có nhiều tầng lớp. Ngày xưa vua Trần Thái Tông, một học giả Phật giáo uyên thâm đã từng nói về Tịnh Độ, tuy rằng vua là một người tu thiền. Vua thực tập đạo Phật rất sâu sắc, vua cũng là một thiền sư. Ngày xưa Tuệ Trung Thượng Sĩ, tức Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung (con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, anh cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) là một vị thiền sư cư sĩ, là thầy giáo kèm cho vua Trần Nhân Tông, cũng đã nói về Tịnh Độ.
Theo vua Trần Thái Tông với Tuệ Trung Thượng Sĩ: Đức A Di Đà là pháp thân của chúng ta. Pháp thân là nền tảng của hạnh phúc và của giải thoát trong mỗi người. Các ngài đều thấy rõ, Tịnh Độ không hẳn ở trong tương lai hoặc ở phương Tây mà Tịnh Độ có mặt ngay trong giây phút hiện tại bây giờ và ở đây. Đó là Duy tâm Tịnh Độ, Tịnh Độ ngay trong trái tim của mình. Trở về với giây phút hiện tại, chúng ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của Tịnh Độ ngay trong giây phút này, những bông hoa này thuộc về Tịnh Độ. Tôi nói chuyện với những bạn Cơ đốc giáo, Thiên Quốc của quý vị có mặt bây giờ và ở đây, bông hoa này thuộc về Thiên Quốc.
Tại Làng Mai chúng tôi thực tập thiền gọi là thiền đi, nghĩa là mỗi bước chân mình phải đi vào trong Tịnh Độ (không có được đi ra ngoài). Mỗi bước chân, mỗi hơi thở đều giúp cho mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Có mặt trong giây phút hiện tại để mình được nuôi dưỡng, được chuyển hóa bởi những mầu nhiệm của sự sống. Tịnh Độ của Làng Mai là Tịnh Độ của giây phút hiện tại. Tôi nhớ cách đây hai năm tôi có nói chuyện trong một đại hội Ky Tô giáo ở tại thủ đô Berlin của Đức quốc. Đây là lần đầu tiên, hai giáo hội Công giáo và Tin lành tới với nhau trong một đại hội năm ngày, tôi được mời làm một thuyết trình viên. Sau khi tôi thuyết trình xong, năm vị tổng giám mục đại diện cho cả hai truyền thống Cơ đốc giáo và Tin lành lên ngồi bàn tròn để cùng thảo luận.
Tôi nói như thế này: Thanh niên bây giờ họ không có đức tin, rất nhiều người không có đức tin nơi giáo hội. Thanh niên bây giờ đang chạy theo hướng của quyền uy, giàu sang, sắc dục, danh vọng. Khi đi về hướng đó họ vấp váp, họ đụng chạm với quá nhiều khổ đau. Họ tàn phá thân thể và tâm hồn họ trên con đường đi tìm đối tượng của dục vọng. Có biết bao nhiêu người đầy dẫy uy quyền, tiền bạc, nữ sắc vậy mà họ vẫn đau khổ vô cùng, cả thân lẫn tâm đều bị tàn phá. Nếu quý vị (đây là tôi nói với các nhà thần học Cơ đốc giáo đang có mặt trong đại hội), nếu nhà thờ có thể cung cấp cho họ những giáo lý, giúp họ tiếp xúc được với Thiên Quốc ngay trong giây phút hiện tại, giúp họ tìm thấy hạnh phúc, an lạc ngay bây giờ và ở đây thì họ mới có thể ngưng được sự chạy theo những đối tượng của dục vọng, tức tiền bạc, sắc dục, uy quyền và danh vọng. Nếu quý vị làm gương mẫu cho một nếp sống hạnh phúc mà không cần tới những yếu tố ngũ dục như tiền bạc, danh vọng, quyền hành, sắc dục thì lúc đó thanh niên mới có niềm tin, mới có thể trở về với truyền thống tôn giáo đạo đức cổ truyền.
Tôi nói như vậy và tôi chia sẻ với đại hội sự thực tập của chúng tôi ở Làng Mai: Mỗi bước chân đi vào Tịnh Độ, mỗi giây phút của đời sống hàng ngày, mình phải sống như thế nào để có hạnh phúc ngay trong giây phút đó mà không mơ tưởng tới một hạnh phúc nào của tương lai.
Nguyện thấy được Tịnh Độ
Dưới mỗi bước chân mình.
Nguyện tiếp xúc bản môn
Trong mỗi khi hành xử.
Pháp môn của Làng Mai là pháp môn Hiện Pháp Lạc Trú. Các thiền sinh từ các nước tới trong mỗi mùa hè, chúng tôi thường đếm thấy ít nhất là có đại diện của bốn mươi nước về Làng để thực tập. Thiền sinh nào cũng thực tập thiền đi, nghĩa là mỗi bước chân mình phải nắm được chủ quyền của bước chân, bước chân nào cũng phải mang lại vững chãi, thảnh thơi, bước chân nào cũng giúp cho mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở chánh niệm là sự thực tập căn bản của Làng Mai. Tất cả những thực tập khác đều căn cứ trên hai thực tập đó: Bước chân có ý thức, hơi thở có ý thức. Luôn luôn sống trong giây phút hiện tại, không đánh mất mình trong quá khứ, trong những lo lắng về tương lai. Tôi nhớ hôm đó, sau khi đã nói xong bài thuyết trình các vị giám mục Công giáo và Tin lành đã lên để chia sẻ. Một vị nói như thế này: Hay quá đi, chúng tôi thấy giáo lý Thiên Quốc có mặt trong giây phút hiện tại là một ý tưởng rất tuyệt vời mà điều này có thể thấy được trong Phúc Âm. Dù sao tôi cũng thích có một Thiên Quốc trong tương lai nữa. Ông ta nói như vậy. Tôi không ngạc nhiên gì hết vì đó là niềm tin của người ta từ bao nhiêu đời nay rồi. Bây giờ bắt người ta ngưng đi, để nói chỉ có Thiên Quốc trong giây phút hiện tại thôi thì cũng hơi khó. Trong Phúc âm theo thánh Saint Mathieu, chúa Ky Tô có nói rằng: Đừng lo quá cho ngày mai, để cho ngày mai tự lo cho nó. Tại sao mà các con cứ lo quá cho ngày mai? Đó là những điều mà chúng tôi căn cứ vào để có thể truyền tuệ giác đạo Phật sang cho những người bạn Cơ đốc giáo. Họ thấy rằng tuệ giác Phật giáo cũng có thể tìm thấy được ở trong Phúc âm, trong giáo lý Cơ đốc giáo.
Trong tăng đoàn ngày hôm nay có một vị xuất gia người Hoa Kỳ, đó là Chân Pháp Đệ, đã từng là một linh mục Công giáo. Không phải là Chân Pháp Đệ muốn phản lại nền tín ngưỡng, đạo đức cổ truyền của dân tộc ông. Chân Pháp Đệ vẫn còn rất thương Chúa, vẫn còn rất thương Cơ đốc giáo. Chân Pháp Đệ sở dĩ xuất gia theo đạo Phật vì trong đạo Phật có những phương pháp, có những phép thực tập rất là cụ thể để thực hiện những điều đã được dạy trong Phúc âm, những điều còn trừu tượng và khó thực hiện. Trong Phúc âm chúng ta cũng tiếp nhận giáo lý của sự tha thứ bao dung, của tình thương, của sự buông bỏ, nhưng về phương diện thực hành, phải nói là đạo Phật có nhiều phương pháp cụ thể hơn, từ hơi thở có ý thức cho đến những phương pháp thiền hành, thiền tọa.v.v…
Đứng yên trên sóng sạch trần ai
Mỗi mùa hè, mỗi mùa đông, thường các trung tâm của chúng ở Làng Mai ở Pháp, đạo tràng Thanh Sơn ở tiểu bang Vermont, đạo tràng Lộc Uyển ở tiểu bang California được mở cửa cho thiền sinh từ khắp nơi tới tu học. Nhưng chúng tôi cũng đi các nước để mở những khóa tu, nước nào ở Âu châu cũng đòi hỏi ít nhất là có một khóa tu mỗi năm. Mỗi khóa tu như vậy, chúng tôi gởi các vị giáo thọ đi và một số vị phụ tá đi theo. Những khóa tu như vậy có khi có bảy tám trăm người, một ngàn người, một ngàn năm trăm người cùng ở một địa phương, một trú xứ. Thường thường chúng tôi thuê những trường trung học hay những trường đại học để thiền sinh có thể ở liên tiếp sáu bảy ngày cho một khóa tu. Trong thời gian sáu bảy ngày đó tất cả mọi người đều theo phương pháp thực tập căn bản, nghĩa là làm thế nào để có thể trở về giây phút hiện tại để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống với mục đích là chuyển hóa, nuôi dưỡng thân và tâm của mình. Dùng năng lượng chánh niệm mà mình chế tác để nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong người mình.
Chánh niệm là năng lượng giúp cho mình nhận diện được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Ví dụ khi quý vị thở, quý vị chú ý tới hơi thở và quý vị biết rằng quý vị đang thở vào thở ra, gọi là hơi thở chánh niệm. Hàng ngày, chúng ta làm việc, ăn uống, đi chơi, chúng ta thở luôn luôn nhưng không thở trong chánh niệm. Hơi thở chánh niệm là hơi thở được chánh niệm soi sáng:
Thở vào tôi biết rằng tôi đang thở vào
Thở ra tôi biết rằng tôi đang thở ra
Đó gọi là hơi thở chánh niệm. Khi chúng ta bước từng bước, chúng ta ý thức được từng bước chân một, như vậy gọi là đi trong chánh niệm. Khi chúng ta ăn cơm, chúng ta biết rằng chúng ta đang ăn cơm, gọi là ăn cơm trong chánh niệm. Khi nghe tiếng chuông, đem hết tất cả tâm ý của mình để nghe tiếng chuông, đầu tư tất cả thân và tâm vào sự nghe chuông, gọi là nghe chuông trong chánh niệm.
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở muôn nơi
Khi uống trà, mình đem tâm trở về với thân, hoàn toàn có mặt trong khi uống trà. Không phiêu lưu trong quá khứ, không phiêu lưu trong tương lai, không bị kẹt trong những dự án, những lo lắng. Biểu lộ sự sống đích thực và sâu sắc thì mình tự do hoàn toàn.
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây
Chánh niệm là năng lực giúp cho mình có mặt một cách đích thực trong giây phút hiện tại, giúp cho mình sống sâu sắc giây phút mình đang sống, gọi là năng lượng chánh niệm. Thực tập căn bản là chế tác năng lượng chánh niệm. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, chải răng, đi cầu, đi tiểu đều có thể làm chánh niệm được cả. Vì vậy tu không hẳn là phải là ở trong thiền đường mới tu được. Đi vô cầu tiêu, đi vào nhà bếp, trong khi mình rửa bát hay là khi mình chùi nhà vẫn có thể thực tập chánh niệm. Trong một trung tâm tu học, người xuất gia cũng như người tại gia hoàn toàn đầu tư vào công tác thực tập căn bản đó. Khi đã có khả năng chế tác năng lượng chánh niệm thì mình sẽ tiếp xúc với những mầu nhiệm, tươi mát để có thể nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm mình. Đó là chức năng đầu tiên của chánh niệm.
Chức năng thứ hai của chánh niệm là khi nào nỗi khổ niềm đau trào dâng lên, khi đó năng lượng chánh niệm đó sẽ nhận diện, sẽ ôm ấp, sẽ làm nhẹ bớt đi nỗi khổ, niềm đau. Nếu sử dụng năng lượng chánh niệm một cách khéo léo trong thiền quán, có thể giúp cho mình nhìn sâu để thấy được những gốc rễ sâu xa của niềm đau, nỗi khổ, giúp cho mình chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trở thành sự an vui, tình thương và hạnh phúc. Theo phương pháp này thì hạnh phúc và đau khổ có tính cách hữu cơ. Hạnh phúc có thể biến thành đau khổ và đau khổ có thể biến trở lại thành hạnh phúc. Cũng như khi mình làm vườn, mình biết rằng hoa có thể trở thành rác, nếu mình biết xử lý rác, mình sẽ biến rác trở thành phân xanh, rồi biến rác trở thành hoa trở lại.
Những khổ đau trong đạo Phật gọi là Phiền Não, những hạnh phúc trong đạo Phật gọi là Bồ Đề, hai điều đó đều có tính cách hữu cơ. Phiền Não tức Bồ Đề, hoa tức là rác. Trong con người chúng ta có phần rác và phần hoa. Phần hoa là tình thương, niềm vui, sự bao dung, hạnh phúc. Phần rác là sự lo lắng, giận hờn, kỳ thị, sợ hãi. Là người tu, trước hết, mình phải chấp nhận cả hai phần, hai phần đó không nên đánh nhau, chống chỏi nhau, tại vì phần nào cũng là của mình hết.
Mình phải học phương pháp giữ gìn cho hoa đừng trở thành rác mau quá nhưng khi hoa đã trở thành rác rồi cũng không sợ hãi, mình có thể chuyển rác thành hoa. Ví dụ như khi chúng ta yêu nhau và mới cưới nhau, tình yêu chúng ta đẹp như một bông hoa nhưng nếu chúng ta không biết nghệ thuật nuôi dưỡng bông hoa, tình yêu sau một hai năm sẽ trở thành sự hận thù, bông hoa trở thành cọng rác. Ban đầu mình nói: Không có em thì làm sao mà anh sống được, không có anh làm sao mà em sống được trong cuộc đời này? Đẹp như vậy đó. Nhưng sau đó lại thấy: Sống với ông này lâu cả đời chắc là không nổi! Lúc đó hoa đã trở thành rác rồi. Mình làm như thế nào để một đóa hoa đẹp như vậy mà bây giờ nó trở thành rác? Nhưng theo phương pháp của đạo Phật, khi rác xuất hiện đừng có sợ, nếu mình biết phương pháp, rác có thể biến thành hoa trở lại.
Trong trường hợp có sự bế tắc truyền thông, có hận thù giữa cha con, giữa vợ chồng, vẫn có pháp môn khai thông lại truyền thông, chuyển hóa những nỗi buồn, cơn giận để hai người có thể dựng lại tình thâm và phục hồi được hạnh phúc. Trong những khóa tu chúng tôi đã thành công trong việc giúp các thiền sinh làm những công việc đó. Có những trường hợp gần như tuyệt vọng nhưng sau sáu bảy ngày tu chúng tôi đã giúp họ chuyển hóa, làm hòa trở lại với người thân, phục hồi được hạnh phúc. Vì thế số thiền sinh về tham dự các khóa tu do chúng tôi tổ chức càng ngày càng đông.
Thực tập này không phải thực tập về một đức tin, không phải để mơ ước về một Thiên Đường hay Tịnh Độ trong tương lai mà là thực tập đối diện với khổ đau đang có mặt trong giây phút hiện tại. Có những lúc cuối khóa tu, bảy tám trăm người Tây phương, người Anh, người Mỹ quỳ xuống để tiếp nhận tam quy, ngũ giới (ba quy y và năm giới). Họ cảm thấy chỉ qua sáu bảy ngày tu đã có sự chuyển hóa lớn, họ phục hồi được niềm tin, hạnh phúc, tình thương của họ và họ có đức tin. Nhưng quy y hay thọ giới, họ vẫn giữ đạo gốc của họ. Chúng tôi khuyến khích họ giữ đạo gốc của họ.
Có những vị linh mục, những nhà thần học, những vị mục sư đã quy y, đã thọ năm giới nhưng vẫn tiếp tục hành đạo trong nhà thờ của mình. Ví dụ tại Hillton Texas có vị mục sư tên Robert Saiberle, là một mục sư chủ trì một nhà thờ ở Hillton Texas, ông bị bệnh nan y nhưng nhờ đọc một cuốn sách của tôi và đem áp dụng vào đời sống hàng ngày, ông đã trị được chứng bệnh nan y của ông. Sau đó ông ta tìm đến đạo tràng Mai Thôn ở Pháp để tu học. Vị mục sư đó đã quy y, đã thọ giới, tham dự nhiều khóa tu khác, học Phật rất giỏi và trở thành một vị giáo thọ Phật giáo cư sĩ của Làng Mai có pháp danh Chân Giải Thoát. Khi trở về với nhà thờ tại Hillton, mục sư Saiberle có thưa với cấp trên nếu có thể được cho ông ta vừa hoạt động như là một vị mục sư cũng đồng thời là một giáo thọ Phật giáo. Ông muốn sáng chủ nhật giảng dạy về đạo Chúa, về Phúc âm và buổi chiều ông hướng dẫn những buổi tập thiền cho người trong nhà thờ. Rốt cuộc bề trên đã chấp nhận cho Robert Saiberle được thực tập như vậy. Những vị linh mục Cơ đốc giáo, những giáo sư thần học ở trường Đức mẹ Maria đã tiếp nhận ba quy và năm giới mà không cảm thấy một sự mâu thuẫn nào trong sự học hỏi và hành trì của mình đối với Cơ đốc giáo.
Tại Hồng Kông có một vị linh mục tên là Thomas Wang, đã qua Làng Mai tu trong một khóa tu mùa đông ba tháng, đã tiếp nhận năm giới và sau đó đã trở về Hồng Kông tiếp tục giảng dạy cho họ đạo Hồng Kông, ông chỉ diễn giảng về năm giới. Mỗi khi chúng tôi qua Hồng Kông để tổ chức một buổi nói chuyện tại trường đại học Hồng Kông hay mở một khóa tu ở Macao, tất cả bổn đạo của cha Thomas Wang đều tới tham dự.
Có những hiện tượng rất là kỳ lạ, không biết quý vị có thể giúp để giải thích hay không? Là tại những nước như nước Ý hay nước Nga, tỷ số những người quy y và thọ năm giới đông nhất ở trên thế giới. Bên Nga mỗi khi chúng tôi có một khóa tu chánh niệm, có thể nói ít nhất chín mươi chín phần trăm người tham dự đều quy y và thọ năm giới.
Điều này cũng gần giống như ở bên Ý, một nước Công giáo. Chúng tôi thường thuyết pháp ở những nhà thờ lớn thủ đô Rome. Các vị linh mục của giáo xứ thường hay nói: Thầy ơi, ngày Noel người ta tới nhà thờ cũng không đông như là những ngày Thầy thuyết pháp! Có một sự khao khát rất lớn lao tại Ý, tại Nga và nhiều nước Âu châu. Đạo Phật có thể là tôn giáo phát triển nhanh nhất trong tất cả các tôn giáo hiện thời ở Tây phương. Khi chúng tôi đem đạo Phật để chia sẻ với các bạn Tây phương thì chúng tôi không đem phần tôn giáo để cống hiến mà trái lại chúng tôi đem phương pháp thực tập, tuệ giác của đạo Phật ra để cống hiến.
Hào quang quét sạch buổi nguy tai
Một trong những cửa ngõ mở ra để chúng tôi đi vào xã hội Tây phương, văn hóa Tây phương một cách dễ dàng là cửa ngõ Tâm lý học. Trong đạo Phật, phần Tâm học rất là sâu sắc. Nếu quý vị đã từng nghiên cứu Phật giáo, quý vị sẽ thấy kho tàng Abidharma là kho tàng tâm lý học rất giàu có trong đạo Phật.
Chúng tôi đã từng mở ra những khóa tu cho các nhà tâm lý trị liệu ở Tây phương. Xã hội Tây phương có rất nhiều khổ đau, có rất nhiều thác loạn, có rất nhiều người mắc bệnh tâm thần. Trong gia đình, cộng đồng, người ta đã đánh mất khả năng truyền thông với nhau. Vợ không nói chuyện được với chồng, cha không nói chuyện được với con. Có sự bế tắc rất lớn, không ai có khả năng lắng nghe ai cho nên nhiều người có nhu yếu muốn được lắng nghe. Vì vậy sự có mặt của các bác sĩ tâm lý trị liệu trong các xã hội Tây phương rất là đông đảo. Các nhà tâm lý trị liệu trước tiên là phải ngồi lắng nghe bệnh nhân, được lắng nghe như vậy, bệnh nhân phải trả tiền và trả tiền rất đắt.
Mỗi khi chúng tôi mở một khóa tu, một khóa thực tập cho các nhà tâm lý trị liệu, con số các nhà bác sĩ tâm lý trị liệu tới tham dự rất đông đảo. Đạo Phật đã cống hiến rất nhiều tuệ giác, những kinh nghiệm cũng như những phương pháp thực tập hữu hiệu để giúp cho các nhà tâm lý trị liệu tự chữa trị lấy bản thân của mình, đem lại niềm vui sống cho chính bản thân, cho chính gia đình, trước khi họ có thể phục vụ một cách hữu hiệu khách hàng của họ, bệnh nhân của họ.
Cứ mỗi lần có khóa tu cho giới bác sĩ tâm lý trị liệu, số người ghi tên rất đông, đông đến nỗi nhiều khi chúng tôi phải từ chối. Trong tăng đoàn xuất gia hôm nay cũng có những thầy, những sư cô xuất thân từ giới tâm lý trị liệu, họ là những bác sĩ tâm lý, lương của họ rất lớn. Ban đầu họ tới những khóa tu giống như để học thêm về tâm lý học, để giỏi thêm về nghề nhưng khi đã được tiếp xúc với pháp môn rồi, họ thấy rõ ràng những pháp môn trong đạo Phật giúp cho họ tháo gỡ được bế tắc, chuyển hóa được khổ đau, thiết lập lại được truyền thông giữa mình với mình, giữa mình với những người khác. Vì vậy có nhiều người đã sử dụng phương pháp tu chánh niệm để trị liệu.
Tôi nhớ khóa tu tại Boston năm ngoái, có một ông bác sĩ tâm lý trị liệu, trong buổi thiền trà, ông kể chuyện rằng năm trước đó, sau khi đã tu tập, đã chuyển hóa và học được phương pháp của đạo Phật về trị liệu tâm lý, ông về tháo bằng cấp bác sĩ tâm lý trị liệu treo trên tường văn phòng của ông, ông đập bể và liệng vào sọt rác. Ông nói rằng: Những cái mà tôi học được từ trong khóa tu vĩ đại gấp ngàn lần những cái mà tôi học được trong trường đại học về ngành tâm lý trị liệu. Ở đây chúng ta có Chân Pháp Thanh một nhà tâm lý trị liệu bên Đức, qua Làng Mai tham dự một khóa tu thì thấy rõ ràng rằng mình phải đi xuất gia mới được. Vì con đường này nó giúp cho mình chuyển hóa những khổ đau, những bế tắc trong tâm. Mình chỉ có thể trở thành một người cứu nhân độ thế thật sự khi mình đã chuyển hóa được hoàn toàn những khổ đau, những bế tắc trong tâm.
Thưa quý vị, trong xã hội chúng ta, xã hội Việt Nam người thanh niên đang còn hướng nhiều về sự hưởng thụ. Họ nghĩ rằng có nhiều tiền có thể mua sắm, có thể hưởng thụ là có hạnh phúc, nhưng tại Tây phương, thanh niên đã đi qua cái cầu đó rồi. Rất nhiều thanh niên đã đi qua cầu của hưởng thụ, đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm, có rất nhiều tiền, lãnh lương cao nhưng họ không cảm thấy có hạnh phúc. Phần lớn người xuất gia thuộc tăng đoàn Làng Mai thuộc về thành phần đó, đã tốt nghiệp đại học, đã đi làm, có lương cao nhưng họ vẫn có những bế tắc, những khổ đau. Vì vậy khi tiếp xúc được với pháp môn Làng Mai họ thấy tu học với tư cách một người xuất gia thì có hạnh phúc nhiều hơn và họ có thể giúp đời, giúp người nhiều hơn. Tôi xin tạm ngưng ở đây để quý vị đặt câu hỏi, vì nói về đề tài Phật giáo ở Tây phương thì nói mười ngày cũng không hết. Xin cám ơn quý vị.
Xin cám ơn Thiền sư đã cung cấp một số thông tin về tinh hoa của đạo Phật trong thực tế của xã hội phương Tây. Bây giờ xin mời quý vị đại biểu phát biểu cảm tưởng của mình hoặc nêu những câu hỏi, những vấn đề để cho buổi thuyết trình trở nên linh động hơn, cụ thể hơn.
Vấn Đáp
Hỏi:
Rất cảm ơn Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tôi nghĩ rằng trung tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn thành phố và có thể cả nước nên có những buổi thuyết trình mang tính chất trao đổi khoa học như thế này thì rất là lý thú. Hai tiếng đồng hồ vừa rồi, tôi cảm thấy có rất nhiều vấn đề có thể trao đổi với nhau để biết được nhiều cái mới qua buổi thuyết trình. Bây giờ tôi chỉ hỏi một câu hỏi xung quanh câu thơ mà cách đây hơn hai mươi năm tôi đã thuộc, tức là Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện. Trước khi đi vào câu thơ đó, tôi xin hỏi và nêu mấy ý nhỏ như thế này, Thiền sư nếu sợ mất thì giờ thì trả lời có hay không thôi.
Thứ nhất: Ý kiến của Thiền sư về tình hình phát triển dân số thế giới, bùng nổ dân số và chuyện nạo phá thai.
Thứ hai: Từ ý nguyện không sát sinh của đạo Phật với tình hình của các dịch gia cầm, gia súc mà phải giết hàng triệu con vật khi đang con sống. Những người theo thiền phái của Thiền sư phải trả lời với họ như thế nào?
Thứ ba: Ý kiến của Thiền sư và nếu được thì xin nói rõ thêm ý kiến của đông đảo những người theo đạo Phật ở Âu, Úc ở châu Mỹ về Hồi giáo như thế nào, nói chung? Nếu như những tín đồ của đạo Phật chúng ta nằm trong liên quân hiện đang đóng ở Iraq thì ý kiến của Thiền sư như thế nào? Nếu như bây giờ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng “hiện” ở Iraq thì Thiền sư thấy “hiện” trong tư thế nào, hòa bình trong tư thế nào, của Mỹ và của Hồi giáo? Xin hết.
Thiền sư Nhất Hạnh:
Sự thật là nếu trong trái tim của chúng ta có chất liệu của từ bi, chúng mới thật sự là con người có hạnh phúc. Không có tình thương, không có từ bi thì hết sức là cô đơn, vì không có liên hệ được với người khác. Sống như thế nào mà duy trì đươc từ bi trong trái tim, đó là cả một vấn đề.
Vấn đề nhân mãn cũng nằm trong phạm vi của giới thứ nhất. Chúng ta biết rằng nếu chúng ta không kiểm soát sinh nở, chúng ta sẽ không giải quyết được rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề xóa đói giảm nghèo, vấn đề chiến tranh. Hạn chế và kiểm soát sinh nở là chuyện chúng ta phải làm thôi. Thầy tu không cần làm gì hết mà vẫn có thể đóng góp một phần rất quan trọng vào chuyện hạn chế sinh nở.
Vấn đề đặt ra không phải là nên phá thai hay là không nên phá thai. Nếu để cho tình trạng xảy ra rồi mới đặt câu hỏi thì có thể khó khăn gấp trăm lần, gấp ngàn lần. Phương pháp thực tập gọi là phòng ngừa quan trọng hơn phương pháp thực tập đối trị. Chánh niệm có nghĩa là mình biết những gì đang xảy ra, khi mình làm gì, phải đo lường hậu quả.
Ví dụ mình sắp ký một ngân phiếu không tiền bảo chứng thì mình biết rằng hành động đó sẽ đưa tới khó khăn nào? Ý thức có thể giúp mình biết được giá trị và hậu quả của hành động, đó là chánh niệm. Khi chúng ta hành xử không có chánh niệm, chúng ta có thể gây ra khó khăn cho chúng ta trong tương lai. Trong giây phút hiện tại mình phải chịu trách nhiệm một trăm phần trăm cho nên để tránh phá thai, mình đừng để cho cái thai thành hình. Có biết bao nhiêu phương pháp ngăn ngừa cho tình trạng đó không có xảy ra. Sự thực tập giới thứ ba là như vậy đó. Nếu chúng ta có chánh niệm, nếu chúng ta biết xử lý giây phút hiện tại một cách sáng suốt thì làm gì có chuyện phải phá thai và chuyện có thai sẽ không xảy ra. Vì vậy không cần đặt vấn đề phá thai. Trên thế giới, người ta đã vận động cho phụ nữ có quyền phá thai và phá thai được coi như là một trong những quyền của con người. Một ông linh mục rất nổi tiếng, cha Berigan, cũng vận động đi xin chữ ký để người phụ nữ có được quyền đó, giữ thai hay phá thai là quyền của người phụ nữ. Bản kiến nghị đó đã gởi tới cho tôi nhưng tôi không ký. Không phải tại vì tôi không yểm trợ, không thấy được nỗi khổ, niềm đau của người phụ nữ nhưng tôi thấy rằng đó là tìm cách giải quyết trên ngọn mà không giải quyết dưới gốc. Giải quyết ở dưới gốc là phương pháp thực tập chánh niệm, mình làm thế nào để cho người đàn ông có trách nhiệm và người đàn bà cũng có trách nhiệm. Nếu đàn ông và đàn bà đều có thực tập chánh niệm rồi thì chuyện có thai mà mình không muốn, sẽ không xảy ra. Vì vậy vấn đề là tu tập chứ không phải đòi hỏi một quyền. Về vấn đề phá thai thì tôi có cái tuệ giác đó.
Riêng về những thuyền nhân bị hải tặc hãm hiếp trên biển cả, vấn đề của họ cũng là vấn đề rất lớn, hình ảnh ghê rợn của người hải tặc nó in sâu vào lòng, dầu không phá thai. Đến khi sinh, đứa con vẫn mang hình ảnh của người cha mà mình đã từng coi như kẻ thù. Giữa mình với đứa con, hạnh phúc không được hoàn toàn. Một số những người đó đã được các vị bác sĩ tâm lý trị liệu, các vị mục sư hay các vị tu sĩ cho phép để phá thai nhưng chúng tôi nghĩ rằng đó không phải là cách duy nhất. Nếu sử dụng phương pháp quán chiếu của đạo Phật thì mình có thể đi xa hơn, mình có thể phát khởi ra tâm từ bi ngay đối với người hải tặc đã hãm hiếp mình. Tôi đã từng quán niệm như vậy.
Vào một buổi sáng, tôi nhận được thư từ Songkhla báo tin: Một em bé mười hai tuổi bị làm nhục phải nhảy xuống biển sâu, cha đứa bé tới can thiệp cũng bị hải tặc liệng xuống biển chết luôn. Ngày hôm đó, sau khi đọc bản tin như vậy tôi nghe tim mình đau nhức, tôi đi thiền hành rất lâu ở trong rừng. Tối đó tôi ngồi thiền, tôi quán chiếu, tôi thấy nếu hai mươi năm trước, tôi được sinh ra trên bờ biển Thái Lan trong một gia đình ngư dân rất nghèo đói. Cha tôi không có học thức, mẹ tôi chưa bao giờ biết cách nuôi con. Suốt cuộc đời cha tôi nghèo khổ, đói khát, bị áp bức, mẹ tôi cũng không được giáo dục nào hết thì lớn lên tôi sẽ là một đứa bé hoang. Một ngày nào đó một đứa bạn chạy tới, nó nói: Bọn thuyền nhân hay đem vàng theo lắm, mình chỉ cần làm một chuyến thôi là có thể thoát ra khỏi thân phận nghèo đói, áp bức trong bao nhiêu thế hệ vừa qua. Tôi là một người chưa từng được đi học, chưa từng được huấn luyện về từ bi nên tôi nghe theo lời người bạn đó. Khi tôi ra biển làm hải tặc, tôi thấy những người bạn hải tặc khác, hãm hiếp phụ nữ con nít. Ở đây không có cảnh sát và tôi chưa biết tình dục là gì, nhân cơ hội đó tôi mới hãm hiếp một đứa con nít. Nếu anh có súng ở trên tay, anh bắn thì tôi chết nhưng cả cuộc đời, chưa có ai giúp tôi, chưa có ai giáo dục tôi. Những nhà kinh tế, những nhà văn hóa, những nhà xã hội, những nhà chính trị chưa ai giúp tôi, chưa ai giúp cha tôi, mẹ tôi. Tôi, một đứa con lớn lên như một cây hoang trong rừng.
Trong thiền quán, tôi thấy tôi là một em bé sanh ra trong một gia đình nghèo khổ, áp bức ở miền duyên hải Thái Lan, tôi lớn lên và bị thành hải tặc. Quý vị thấy tôi như vậy, giận hờn, ghét bỏ, bắn tôi thì tôi chết thôi, đời tôi chưa có ai giúp hết. Khi thấy được hình ảnh đó, tôi bắt đầu thấy tội nghiệp người hải tặc kia. Giả sử nếu tôi sinh ra trong cái tình trạng đó, có thể hai mươi năm sau, bây giờ tôi đã trở thành hải tặc. Quán chiếu như vậy thì tự nhiên trong trái tim tôi ứa ra một giọt nước từ bi và đêm đó tôi tha thứ được cho người hải tặc. Nếu mình là người thiền quán giỏi, mình quán chiếu người hải tặc đã từng hãm hiếp mình, mình thấy được rằng người đó cũng là nạn nhân của nghèo đói, của bóc lột, của thiếu giáo dục, tự nhiên trái tim mình cũng sẽ ứa ra giọt nước từ bi, mình có thể sẽ tha thứ được cho người hải tặc đã hãm hiếp mình, mình chấp nhận được người đó. Mình phát nguyện sau này, mình gặp những đứa bé, những người con trai ở trong tình trạng đó sẽ tìm cách giúp để cho người đó không trở nên hải tặc trong tương lai. Nếu ngày hôm nay không ai làm gì để giúp những đứa bé sinh ra trong miền duyên hải Thái Lan, hai mươi năm sau, hàng trăm đứa sẽ trở thành hải tặc.
Khi có cái thấy, hiểu và thương đó, tự nhiên hận thù, đau khổ sẽ tan biến như tuyết dưới ánh sáng mặt trời. Mình có thể chấp nhận được người hải tặc đó, mình có khả năng giữ lại cái thai của mình, mình có thể thương yêu với tất cả tấm lòng, thương yêu nó và thương yêu cha nó. Cha nó là một người con trai bất hạnh chưa bao giờ được hiểu, chưa bao giờ được thương, chưa bao giờ được có một cơ hội trong xã hội này. Điều đó tùy thuộc vào trình độ tu tập và quán chiếu của mình chứ không phải chỉ có một đường lối giải quyết thôi.
Quý vị nên biết rằng chúng ta có thể cầu nguyện bằng nhiều cách. Chúng ta có thể cầu nguyện bằng lời nói, bằng trái tim, bằng hành động. Khi trung tâm thương mãi quốc tế ở New York bị tấn công, sự sợ hãi, niềm hận thù trong dân Mỹ trào dâng lên rất lớn, cả nước Mỹ chấn động. Không phải cả nước Mỹ chấn động mà luôn cả Âu châu, thế giới đều chấn động. Những người khủng bố đã nhắm đến biểu tượng lớn nhất của thế giới Tây phương, thế giới tư bản, đó là Ngũ Giác Đài, đại diện cho lực lượng quân sự của Hoa Kỳ, trung tâm thương mãi tượng trương cho quyền uy của nền kinh tế Tây phương.
Lúc đó tôi đang ở California, tại tu viện Lộc Uyển, tôi được tin đó qua một người bạn nghe radio. Theo nguyên tắc là ba ngày sau tôi sẽ diễn thuyết tại nhà hát lớn ở tại thành phố miền bắc California về đề tài: Không sinh không diệt. Nhưng sau khi nghe tin đó, tôi thấy rằng phải đổi đề tài, niềm hận thù trào lên chất ngất, sự hãi cũng rất là lớn. Tôi đổi đề tài: Ôm lấy niềm đau, ôm lấy cơn giận. Đại khái trong buổi diễn thuyết, tôi có nói như thế này: Chúng ta là những người thực tập, biết thực tập, mỗi khi có một cảm xúc trào dâng làm cho chúng ta thất điên bát đảo, điều đầu tiên mà chúng ta phải làm là ôm ấp cảm thọ, cảm xúc và làm cho cảm thọ, cảm xúc đó êm dịu lại. Còn nếu trong cơn buồn, cơn giận, sợ hãi mà chúng ta hành động, có thể sẽ gây ra những lầm lỡ mà chúng ta phải hối tiếc sau này. Tôi đề nghị người Mỹ thực tập phép lắng nghe và ái ngữ.
Ngày hôm đó, bài giảng của tôi được truyền đi tới hàng trăm đài phát thanh trên toàn cõi Hoa Kỳ. Tôi nói như thế này: Chúng ta hãy lắng lòng trở xuống, chúng ta hãy tập thở, hãy ngồi yên để cho tâm tư lắng đọng trong vài ngày rồi chúng ta mới bắt đầu đặt câu hỏi. Tại sao họ đã làm như thế, chúng ta đã làm gì để họ hận thù chúng ta đến mức đó? Chúng ta người nào cũng có tri giác về chính mình và về người khác, những tri giác của chúng ta có thể rất sai lầm. Người kia cũng có tri giác của chính họ, những tri giác về mình và những tri giác đó có thể cũng rất sai lầm. Hành động trên tri giác sai lầm chỉ có thể gây thêm đổ vỡ, gây khổ đau cho nhau thôi.
Tôi yêu cầu quý vị, tôi đề nghị quý vị hãy lắng lòng lại trước, rồi sau đó sử dụng ái ngữ nói như thế này: Này các vị ở bên kia, tại sao quý vị tấn công chúng tôi? Chúng tôi đã làm những lầm lỗi gì? Chúng tôi đã gây khổ đau nào cho quý vị? Chúng tôi đã cố tình tiêu diệt tôn giáo hay là nền văn hóa của quý vị hay không? Thật sự thì chúng tôi không có ý niệm đó. Có thể chúng tôi đã nói điều gì, đã làm điều gì gây cho quý vị có ấn tượng là chúng tôi muốn tiêu diệt quý vị, muốn đàn áp quý vị, muốn quý vị không có quyền sống trên trái đất này? Chúng tôi muốn lắng nghe quý vị. Quý vị nghĩ rằng chúng tôi đã làm gì sai, đã nói gì sai, đã gây ra những khổ đau nào? Quý vị nói cho chúng tôi nghe những lý do đã khiến cho quý vị phải tấn công chúng tôi như quý vị đã làm. Đó là đề nghị của tôi, một đề nghị thực tập.
Buổi diễn thuyết đó hoàn toàn có tính cách tâm linh, đạo đức chứ không có chính trị gì hết. Đó là phương pháp lắng nghe, gọi là Đế Thính, là phương pháp của Bồ Tát Quan Thế Âm. Lắng nghe để hiểu tại sao họ hận thù mình tới mức đó, họ có quan niệm gì về mình, họ có nhận thức gì về mình và về họ, phải lắng nghe và toàn cả nước Mỹ đều phải lắng nghe, chưa có vọng động, chưa có hành động gì hết, phải lắng nghe.
Nếu trong quá trình lắng nghe, chúng ta khám phá ra được những vụng về của chúng ta, chúng ta xin lỗi, nhưng trong quá trình lắng nghe, chúng ta khám phá ra được họ có những tri giác sai lầm về họ và họ có những tri giác sai lầm về mình. Sau đó chúng ta tìm cách để cung cấp những dữ kiện, những tài liệu, từ từ giúp cho họ điều chỉnh lại nhận thức của họ đối với họ và nhận thức của họ đối với mình. Trong quá trình lắng nghe, nếu chúng ta nhận ra được rằng chúng ta cũng đã từng có tri giác sai lầm đối với chúng ta và đối với họ. Chúng ta đã từng có những vụng về trong khi nói, trong khi làm đã khiến cho họ có cảm tưởng là chúng ta coi họ như là kẻ thù thì chúng ta có cơ hội điều chỉnh những tri giác đó hoặc hàn gắn hoặc có những hành động bù đắp để cho sự hiểu lầm kia không còn nữa để có sự truyền thông, để xây dựng được tình huynh đệ, đó là phương pháp mà tôi đề nghị.
Có một điều rất ngộ nghĩnh là cuốn sách Anger của tôi được xuất bản trước đó chỉ có ba ngày. Ngày hôm đó ở tại New York, tôi đã được bốn mươi lăm đài truyền thanh và truyền hình phỏng vấn trong cùng một ngày. Tôi ngồi ở tại một cao ốc ở tại New York và tôi đã trực tiếp trả lời cho bốn mươi lăm đài truyền thanh và truyền hình. Có đài tôi trả lời năm phút, có đài tôi trả lời mười phút, họ hỏi về tác phẩm Anger. Tác phẩm Anger là tác phẩm được phát hành đúng lúc và bán rất chạy ở bên Mỹ, tác phẩm này cũng đã bán được một triệu cuốn trong vòng một năm tại Đại Hàn.
Sau đó chúng tôi diễn thuyết tại một nhà thờ ở New York, nơi đã trực tiếp hứng chịu kết quả đau thương qua cuộc tấn công ở trung tâm thương mãi. Ngày hôm đó, hàng ngàn người tới nhà thờ đã không có chỗ phải đi về. Các thầy, các sư cô đi theo, xin với tôi là không biết có nên nói như vậy hay không? Trong khi người Mỹ sôi sục hận thù mà mình kêu gọi sự trầm tỉnh, sự lắng nghe và tình huynh đệ có thể có những người quá khích đem súng tới bắn mình như họ đã từng bắn Martin Luther King, J.F Kennedy, Gandhi. Những người đã can đảm nói ra sự thật về tình người, về nhân đạo, về sự thương yêu, về sự tha thứ.
Hôm đó các đệ tử xuất gia và tại gia của tôi đã thật sự lo lắng cho tôi, đêm hôm đó tôi có trả lời rằng: Này các con, thầy đã thấy được sự thật, thầy đã thấy rõ ràng, đây là con đường có thể giúp cho chúng ta tránh một cuộc thế chiến vì cuộc xung đột này có thể đưa tới một thế chiến mới và sự tàn sát sẽ kinh khủng vô cùng. Trong cuộc thế chiến này, tôn giáo sẽ tham dự, trong đó có Hồi giáo và Cơ đốc giáo. Bản chất của chính quyền Bush có rất nhiều chất liệu Cơ đốc giáo của phe bảo thủ. Bản chất của cuộc chiến Iraq có rất nhiều chất liệu Hồi giáo quá khích. Cuộc chiến tranh này là chiến tranh tranh giành dầu lửa, tranh giành ảnh hưởng trên thế giới mà cũng sẽ là cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo. Vì vậy nếu mà thầy không lên tiếng, thầy không làm tròn bổn phận của thầy. Nếu thầy muốn sống nhát gan, không dám nói lên tiếng nói của trái tim, thầy không còn xứng đáng là thầy của các con nữa. Thà rằng thầy chết, thầy vẫn còn tiếp tục là thầy của các con, còn hơn là thầy tham sống sợ chết, không dám ra nói sự thật tuy rằng thân xác này của thầy nhưng thầy đã không còn xứng đáng là thầy của các con nữa rồi. Tôi nói như vậy và các đệ tử xuất gia và tại gia của tôi đêm đó đã khóc. Nhờ Long thần hộ pháp, nhờ chư Tổ gia hộ, hôm đó không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra.
Xin quý vị chú ý cho điểm này, tôn giáo và chính trị là hai lĩnh vực khác nhau nhưng chúng ta thấy có sự cần thiết của đạo đức. Nếu tôn giáo mà không có đạo đức thì đó là sự phá sản lớn. Trong chính trị cũng vậy, nếu không có đạo đức, chính trị sẽ phá sản. Vì vậy sự có mặt của đạo đức trong chính trị rất quan trọng. Tôn giáo có thể có đạo đức nhưng đạo đức không hẳn là tôn giáo.
Cho nên khi mình theo một đường hướng cuồng tín, cố chấp, chỉ thấy rằng mình là người nắm được chân lý và tất cả các chủ thuyết khác, các tôn giáo khác đều không nắm được chân lý thì tôi cho đó chính là tôn giáo, chứ không phải là đạo đức, tại vì thái độ cởi mở và bao dung là bản chất của đạo đức. Theo cái nhìn của tôi sau sáu mươi năm tu học thì không có gì quý giá bằng tình huynh đệ, bằng tình người, không có tôn giáo nào, chủ thuyết nào cao hơn tình người, tình huynh đệ. Chúng ta không thể nhân danh tôn giáo hay nhân danh chủ thuyết mà hy sinh tình huynh đệ, tình người, đó là niềm tin của tôi. Tôi biết trong những năm gần đây, tướng Võ Nguyên Giáp ngày nào cũng có ngồi thiền. Ngồi thiền đó không hẳn là tôn giáo, nó là đạo đức, là nhu yếu để đem lại sự bình an, sự vững chãi cho một con người. Tôi cũng biết rằng cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tới quy y tại chùa Đậu. Khi tôi nghe những tin đó, tôi không lấy làm ngạc nhiên vì tôi biết cha ông của chúng ta đã từng làm như vậy.
Vua Lý Thái Tổ từ hồi còn nhỏ đã biết thực tập thiền, vua là con nuôi của thiền sư Vạn Hạnh. Vua Trần Thái Tông năm hai mươi tuổi sức học Phật giáo đã uyên thâm và năm hai mươi hai, hai mươi bốn tuổi đã sáng tác Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi. Tài liệu đó chứng tỏ rằng trong khi vua làm chính trị, có khi phải cầm quân đi đánh giặc, vua vẫn thực tập ngồi thiền sáu lần trong một ngày. Những nhà chính trị của chúng ta trong đời Lý, đời Trần đều là những người thực tập Phật giáo cả, thực tập theo Thiền học cả. Những thời đại Lý, Trần là những thời đại mà trong đó vua, quan và dân rất là đoàn kết, rất là khắng khít với nhau, thái độ cởi mở bao dung đó, chúng ta thấy rất rõ trong nền văn hóa Lý, Trần.
Tôi muốn rằng các nhà chính trị của chúng ta trong hiện tại, đừng có đợi tới lớn tuổi mới đem vào cuộc đời, cuộc sống của mình một chiều hướng tâm linh. Cha ông chúng ta như vua Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, một Thiền sư cư sĩ đã từng có công đánh dẹp quân Nguyên, vua Trần Anh Tông cũng đã từng làm như vậy. Các vua đời nhà Lý, các vua đời nhà Trần, bắt đầu từ vua Lý Thái Tổ cho đến vua Trần Huệ Tông tất cả đều đã thực tập theo con đường tâm linh của tổ tiên.
Chúng ta còn trẻ, khi chúng ta là thương gia, nhà lãnh đạo chính trị nếu chúng ta có một nếp sống tâm linh trong đời sống hằng ngày thì chúng ta sẽ có an lạc nhiều hơn. Chúng ta sẽ biết tháo gỡ những khó khăn, những mâu thuẫn, những xung đột ở trong lòng. Chúng ta có thể thiết lập truyền thông với những người thương của chúng ta trong gia đình, chúng ta có thể phục vụ được cho đất nước, cho quê hương, cho dân tộc hay hơn thay vì đợi cho đến già mới bắt đầu thực tập. Đó là điều tôi muốn nhắn nhủ các vị trong guồng máy kinh tế và chính trị của đất nước chúng ta.
Hỏi:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Vừa qua con nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh đề cập đến các vị vua quan thời đại Lý, Trần đều áp dụng lời Phật dạy trong việc quản lý và mang lại hạnh phúc hòa bình cho nhân dân, đất nước chúng ta thời bấy giờ. Vậy Thiền sư có nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện tại sẽ áp dụng lời Phật dạy trong việc quản lý và phát triển đất nước Việt Nam hôm nay? Nếu có thì bằng cách nào xin Thiền sư cho biết ý kiến. A Di Đà Phật.
Thiền sư Nhất Hạnh:
Trong một chuyến đi hoằng pháp ở Ấn Độ, tôi có gặp Tổng thống Ấn Độ Narayanan 1*. Hồi đó ngài chưa làm Tổng thống, ngài mới làm Phó Tổng thống và đồng thời ngài cũng làm Chủ tịch quốc hội Ấn Độ. Sách của tôi được ấn hành bên Ấn Độ và ông bộ trưởng bộ tư pháp Ấn Độ đã đứng ra mở cuộc họp báo để giới thiệu những sách của tôi bằng tiếng Hindi (Ấn ngữ) và tiếng Anh. Khi tôi gặp ông chủ tịch quốc hội Ấn Độ, tôi có nói đến phương pháp lắng nghe và ái ngữ có thể sử dụng được trong Quốc hội. Vì trước đó tôi có nghe rằng nhiều khi không khí trong quốc hội quá nóng bỏng, người này la hét người kia, có khi có người đứng dậy, cầm chiếc ghế tính phang người khác.
Tôi nghĩ rằng cái đó có tính cách bạo động, tôi mới đề nghị với ông chủ tịch quốc hội một vài phương pháp, trong đó có phương pháp quán niệm trước mỗi buổi họp quốc hội, lời quán niệm chỉ ngắn thôi: Xin các bạn đồng liêu, chúng ta được dân chúng quốc dân bầu lên, ngồi trong tòa nhà này để chúng ta có thể tổng hợp lại tất cả những kinh nghiệm, những trí tuệ của chúng ta, để có thể làm ra những đạo luật đáp ứng được những nhu yếu của toàn dân. Vậy cho nên chúng ta hãy thực tập lắng nghe nhau, đừng thành kiến với nhau.
Lắng nghe để có thể thấy được những tuệ giác, những kinh nghiệm của người khác, đừng để cho thành kiến có sẵn của mình ngăn ngừa. Khi chúng ta có thể lắng nghe được nhau, chúng ta có thể tổng hợp được và đi tới những tuệ giác chung, có thể đưa tới những đạo luật rất hay, rất phù hợp với đất nước. Vậy cho nên trong phiên họp này của quốc hội xin tất cả mọi người thực tập lắng nghe và sử dụng ái ngữ. Chúng ta có thể nói tất cả những kinh nghiệm, những tuệ giác chúng ta ra cho các bạn đồng nghiệp nhưng chúng ta không nên sử dụng ngôn từ lên án, buộc tội, chửi mắng. Như vậy là chúng ta có thể đóng góp được phần tối đa của chúng ta cho đất nước, cho quê hương và cho dân tộc. Ông chủ tịch quốc hội Ấn Độ thấy rằng phương pháp đó rất hay. Mình chỉ cần hai phút đọc lên bản văn, nhắc cho mọi người biết sứ mạng của mỗi dân biểu trong quốc hội.
Tôi có đề nghị thêm một chuông chánh niệm, mỗi khi có một thuyết trình viên nổi nóng lên và sử dụng ngôn từ có thể làm cho không khí hội trường sôi động và không có sự truyền thông nữa thì vị chủ tọa của buổi họp có thể thỉnh lên một tiếng chuông, tất cả mọi người đều phải ngưng nói, phải ngưng nghe và trở về với hơi thở, để làm lắng dịu lại những cảm xúc lớn. Ông chủ tịch quốc hội Ấn Độ đã chấp nhận hết tất cả những điều đó, ông cám ơn tôi đã đóng góp phần đó cho ông. Mười ngày sau trong khi tôi đang hướng dẫn một khóa tu tại Madras, có một thiền sinh đem lên một tờ báo đưa tin là Chủ tịch quốc hội vừa mới thành lập ủy ban đạo đức ở trong quốc hội để lo về vấn đề đạo đức trong sinh hoạt quốc hội. Tôi rất mừng, gặp ông chủ tịch quốc hội có một giờ đồng hồ mà đã có thể đóng góp được rất nhiều.
Tại quốc hội Hoa Kỳ, tôi đã từng diễn thuyết về phương pháp lắng nghe và ái ngữ, tôi đã nói tới chiến tranh Iraq và tôi cũng đã nói: Nếu quý vị không cẩn thận, nếu quý vị hành động bộp chộp, quý vị có thể bị kẹt ở Iraq cũng giống như quý vị đã từng bị kẹt ở Việt Nam. Sau đó tôi cũng có hướng dẫn một khóa tu chánh niệm cho một số các vị dân biểu Hoa Kỳ. Nói như vậy, không có nghĩa là tôi thuyết phục họ đi theo đạo Phật, tại vì phần lớn của họ là đều có gốc rễ Thiên chúa giáo nhưng họ công nhận rằng trong đạo Phật có những phương pháp thực tập giúp cho họ lắng dịu xuống, giúp cho họ thấy cho được rõ ràng hơn. Hiện bây giờ ở trong trụ sở quốc hội Hoa Kỳ có những vị dân biểu quốc hội đi từ văn phòng của mình tới chỗ bỏ phiếu bằng phương pháp thiền hành, từng bước chân thảnh thơi, đã về, đã tới, bây giờ, ở đây. Như vậy không có nghĩa mình phải theo Phật giáo, phải quy y mới có thể thực tập được những pháp môn Phật giáo.
Đời Trần, đời Lý, các vua, các quan, các vị viên chức trong chánh quyền rất nhiều người đã quy y. Hiện giờ, chúng ta không nhất thiết là phải quy y nhưng chúng ta vẫn có thể thực tập theo phương pháp đạo Phật được dù chúng ta là thương gia hoặc là giáo chức hoặc là nhà chính trị. Sự thực tập để làm lắng dịu thân tâm, để đem lại sự vững chãi, thảnh thơi trong đời sống hàng ngày, để nuôi dưỡng được tình thương và sự hiểu biết trong ta. Sự thực tập sẽ giúp cho ta trở nên một nhà thương gia, một nhà chính trị, một nhà giáo dục có tầm vóc lớn hơn và có thể phục vụ được cho đất nước tốt hơn.
Mục đích chúng tôi không phải là kêu gọi quý vị theo đạo Phật. Mục đích của chúng tôi là muốn chứng tỏ rằng trong đạo Phật có phần không tôn giáo mà bất cứ ai trong chúng ta đều có thể học hỏi, tiếp nhận và áp dụng vào đời sống hàng ngày để đem lại nhiều hạnh phúc cho mình, cho gia đình mình và cho đất nước mình. Tổ tiên của chúng ta đã thành công thì tại sao ngày hôm nay chúng ta không thành công? Chúng tôi nghĩ điều này, tại tòa đại sứ Việt Nam ở bên Paris ông đại sứ Nguyễn Đình Bin rất có cảm tình với đạo Phật, ông phó đại sứ và phu nhân của ông rất thèm về Làng Mai, các nhân viên của đại sứ quán Việt Nam ai cũng háo hức về Làng Mai nhưng không có ai dám về, tại sao vậy? Đó là câu hỏi tôi muốn đặt cho quý vị.
Chúng ta là thủ tướng, chúng ta là bộ trưởng, chúng ta là tổng giám đốc, chúng ta có những trách vụ rất quan trọng trong đảng và trong chính quyền nhưng tại sao chúng ta không có quyền đi chùa? Đi chùa chúng ta sẽ có một hình ảnh không đẹp hay sao? Hình ảnh tướng Võ Nguyên Giáp ngồi thiền mỗi ngày rất là đẹp, gây niềm tin cho rất nhiều người, trong đó có những người trẻ.
Các vị nguyên thủ quốc gia các nước, nước Anh, nước Mỹ, nước Pháp đều có sinh hoạt tâm linh và tôn giáo của họ, tại sao chúng ta lại phải sợ hãi? Chúng tôi kính mời quý vị suy tư về vấn đề này. Mỗi người trong chúng ta thế nào cũng có một chiều hướng tâm linh trong đời sống hàng ngày của mình, nếu không có chiều hướng tâm linh, cuộc sống hàng ngày của chúng ta sẽ nghèo nàn. Cho nên khi gặp ông trưởng ban tôn giáo nhà nước ở Trung quốc, tôi đã tặng ông ta một bức bút pháp, bức đó tôi viết: the spiritual dimension (tức là chiều hướng tâm linh).
Chúng ta, bất cứ trong ngành nào của sinh hoạt xã hội hoặc là nhà thương gia hoặc là nhà chính trị đều phải có nếp sống tâm linh, chính nếp sống tâm linh giúp cho chúng ta vững chãi, thảnh thơi, nuôi dưỡng được hạnh phúc và tháo gỡ được những khó khăn trong ta để giúp cho chúng ta truyền thông dễ dàng với những người trong gia đình, với những người trong cùng một cơ quan, với những người trong cùng một chánh quyền hay trong cùng một tổ chức chính trị. Tôi mong rằng chúng ta có tự do đó. Là nhà tôn giáo, nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà quân sự hay thương gia, chúng ta có quyền sống đời sống tôn giáo, tâm linh, đạo đức của chính mình mà không cần phải sợ hãi.
Ban tổ chức:
Xin cảm ơn Thiền sư. Thưa quý vị đại biểu thời gian cũng không còn nhiều nữa. Hai nhà khoa học đã nêu lên một số vấn đề, bây giờ có ý kiến của Phật tử. Có lẽ đây cũng là nguyện vọng của bà con. Tôi muốn nêu một trong số câu hỏi mà Phật tử hay bà con nêu lên, mong Thiền sư có thể cho ý kiến vắn tắt. Có Phật tử bâng khuâng như thế này, sắp đến có thể được Thầy làm lễ quy y nhưng không biết rõ là Phật pháp có cho phép, Phật tử quy y có được quyền, ví dụ như quyền vẫn được yêu nước, kính yêu đảng (đảng đây là đảng đang lãnh đạo sự nghiệp vì dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam), theo ý Thiền sư thì như thế nào? Có được quyền tiếp tục yêu nước, yêu đảng, yêu cụ Hồ hay không? Vì Đảng này là đảng cụ Hồ.
Thiền sư Nhất Hạnh:
Đây là một vấn đề lớn đó, mình là đảng viên của đảng cộng sản, mình có quyền đi chùa hay không? Có phải câu hỏi như vậy không?
Ban tổ chức:
Đây là lời Phật tử sắp tới được Thầy quy y. Khi quy y rồi thì có được quyền yêu nước, yêu đảng hay không? Ý kiến của Phật tử chứ không phải nhà khoa học.
Thiền sư Nhất Hạnh:
Nếu quy y mà không có quyền yêu nước, yêu đảng nữa thì quy y làm gì. Sau khi mình quy y rồi thì mình sẽ yêu nước hay hơn, yêu đảng hay hơn nữa.
Trao đổi tặng phẩm lưu niệm – Thiền sư Nhất Hạnh tặng sách và một bức thư pháp: vững chãi như núi xanh, thảnh thơi dường mây trắng.
Lời cảm tạ của Ban tổ chức
Kính thưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Kính thưa quý vị đại diện tăng thân Làng Mai. Kính thưa quý vị đại biểu. Trong suốt hơn hai tiếng đồng hồ thuyết trình, tuy thời gian rất hạn hẹp để trình bày một đề tài quá lớn nhưng Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giúp tất cả chúng ta có mặt hôm nay hiểu sâu hơn về con đường hoằng dương chánh pháp của đạo Phật trong hiện tại và tương lai ở các nước châu Âu, châu Úc và châu Mỹ. Chính điều này cũng giúp đại biểu chúng ta càng hiểu sâu thêm về đạo Phật trong đất nước Việt Nam.
Thay mặt trung tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh, tôi xin chân thành cảm ơn Thiền sư và phái đoàn tăng thân Làng Mai. Chỉ còn năm ngày nữa nhân dân Việt Nam sẽ đón Tết Ất Dậu. Xin kính chúc Thiền sư và tăng thân Làng Mai được dồi dào sức khỏe. Riêng Thiền sư thân tâm thường an lạc, sống lâu để tiếp tục giúp ích cho đời, cho đạo, cho dân tộc Việt Nam và cho con đường chánh pháp. Kính chúc quý vị đại biểu nhiều sức khỏe, thành đạt trong công tác và trong cuộc sống. Đến đây tôi xin phép nói lời cuối cùng. Chúc Thiền sư và đoàn tiếp tục quá trình công tác và hành đạo của mình thành công. Và chúc tất cả quý vị sức khỏe, sang năm mới nhiều tiến bộ. Xin cảm ơn quý vị và các đài phát thanh đến phục vụ hôm nay.
Xin cảm ơn.