Ước hẹn với sự sống mầu nhiệm

 


Pháp thoại của thiền sư Nhất Hạnh ngày 25.03.2005 Câu Lạc Bộ Giao Lưu Kinh Tế Văn Hóa Quốc Tế – Hà Nội

Lời giới thiệu của một vị trong câu lạc bộ

Chúng ta có vinh dự được đón tiếp Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một trong ba nhà hoạt động tôn giáo kiệt xuất của thế kỷ 20 và đoàn Phật giáo quốc tế đến thăm câu lạc bộ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ nói chuyện với các thành viên câu lạc bộ về vai trò của Phật giáo trong thế giới hiện đại. Đến dự hôm nay, chúng tôi trân trọng giới thiệu có các vị đại sứ, tham tá các sứ quán, tổng giám đốc các công ty và nhà băng nước ngoài. Về phía Việt Nam có các hội viên câu lạc bộ và nhiều nhà khoa học, các giáo sư, phó giáo sư thuộc các ngành nghiên cứu về tôn giáo, xã hội học, văn hóa học, quốc tế học, thuộc các trường đại học và viện nghiên cứu. Về phía chủ nhà chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tổng thư ký phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam. Bây giờ chúng tôi xin trân trọng kính mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói chuyện với câu lạc bộ.


Thiền Sư Nhất Hạnh thuyết giảng


Xin mời quý vị ngồi, các thầy, các sư cô Làng Mai sẽ niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quan Thế Âm bằng tiếng Phạn.

Chúng ta cùng thực tập buông thư có mặt thật sự trong giờ phút hiện tại để cho năng lượng của tăng thân và năng lượng của đức Bồ Tát có thể đi vào cơ thể chúng ta. Nếu chúng ta có những đau nhức, mệt mỏi trong cơ thể, năng lượng đó làm cho những mệt mỏi, đau nhức kia tan biến. Nếu chúng ta có những nỗi khổ niềm đau ở trong lòng, chúng ta mở trái tim ra để cho năng lượng của đức Bồ Tát Quan Thế Âm đi vào, chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau đó. Nếu chúng ta có một người thân đang bị bệnh nặng, không tới đây được, chúng ta muốn chuyển năng lượng trị liệu này về, chúng ta chỉ cần nghĩ tới người đó hoặc gọi tên người đó một cách thầm lặng, năng lượng của đức Bồ Tát do tăng thân trì niệm sẽ được chuyển về rất mau chóng ngay trong giây phút hiện tại.

Tăng thân Làng Mai xướng tụng

Đầu cành dương liễu vương cam lộ
Một giọt mười phương rưới cũng đầy
Bao nhiêu trần lụy tiêu tan hết
Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây
Nam Mô Bồ Tát thanh lương địa
Trí tuệ bừng lên đóa biện tài
Đứng yên trên sóng sạch trần ai
Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh
Hào quang quét sạch buổi nguy tai
Liễu biếc phất bày muôn thế giới
Sen hồng nở hé vạn lâu đài
Cúi đầu ca ngợi dâng hương thỉnh
Xin nguyện từ bi ứng hiện ngay
Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm

Tăng thân Làng Mai hợp xướng: Namo Avalokiteśvara

Xin mời quý liệt vị, xin mời các bạn thực tập với tiếng chuông. Khi chúng ta nghe tiếng chuông, chúng ta theo dõi hơi thở.

Thở vào tôi biết sự sống đang ở trong tôi và chung quanh tôi.
Thở ra tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi.

Chúng ta thở vào, thở ra như vậy ba lần cho khỏe và chúng ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt ngay trong giây phút hiện tại.

Hiện Pháp Lạc Trú

Kính thưa quý liệt vị, kính thưa các bạn.
Cách đây mấy hôm, tôi có nói chuyện tại học viện Chính Trị Hồ Chí Minh về đề tài Phật giáo. Câu chuyện cũng khá dài và sau đó có một thời vấn đáp. Có một nhà trí thức lên phát biểu, ông này là một vị bộ trưởng. Ông nói đến ấn tượng sâu sắc nhất của ông sau buổi giảng. Trước đây ông nghĩ rằng đạo Phật chủ trương một nếp sống khắc khổ. Qua buổi thuyết trình và vấn đáp, ông lại có cảm tưởng rằng chủ đề thuyết trình, giáo lý đạo Phật và phương pháp thực tập lại nhắm đến hạnh phúc. Điều đó làm ông rất ngạc nhiên. Trong suốt thời gian trình bày, người nói chỉ nói về hạnh phúc thôi. Những câu hỏi và những câu trả lời cũng xoay quanh vấn đề làm thế nào để có hạnh phúc. Ngạc nhiên của ông là ở chỗ đó. Trước đây, khi chưa được tiếp xúc với đạo Phật, ông nghĩ rằng đạo Phật là cái gì rất khắc khổ. Đạo Phật đi tìm cái gì đó chứ không phải hạnh phúc. Sau buổi thuyết trình và vấn đáp đó, ông thấy rằng đạo Phật và những người Phật tử cũng đang đi tìm hạnh phúc như tất cả những người khác. Khi một người có hạnh phúc chúng ta nhìn vào biết liền vì hạnh phúc được tỏa rạng nơi đôi mắt, nụ cười, lời nói, nơi bước chân người ấy.

Ngày xưa, trong thời đức Phật còn tại thế có rất nhiều người trẻ đi xuất gia làm tu sĩ. Lần đầu tiên sau khi thành đạo, Phật Thích Ca về thành Vương Xá. Lúc đó, vua Bimbisara (Tần Bà Xa La) còn làm vua. Đức Thế Tôn về với một tăng đoàn gần một ngàn hai trăm năm mươi vị. Sau khi tiếp xúc với tăng đoàn của đức Thế Tôn, rất nhiều người trẻ trong thành phố Rajagaha, tức là Vương Xá, muốn đi tu. Giáo đoàn xuất gia của đức Thế Tôn vì thế lớn lên rất mau. Có một thầy tên là Samiddhi 1*, cũng thuộc về dòng dõi quý phái, thầy tu được gần ba năm. Một buổi sáng sau khi ngồi thiền thầy xuống bờ sông đi tắm. Sau khi bơi lội thỏa thích, thầy lên bờ đứng chờ cho mình mẩy khô rồi mới mặc áo. Lúc đó, có một vị thiên nữ hiện xuống.

Vị thiên nữ hỏi thầy: Này thầy, thầy đang còn trẻ lắm mà. Đáng lý trong lúc này thầy phải vui hưởng những hạnh phúc mà ở tuổi của thầy người ta được hưởng như là ăn ngon, mặc đẹp, giàu sang, uy quyền, tiền bạc và sắc dục. Tại sao thầy không hưởng thụ những vui thú đó lại cạo đầu mặc áo cà sa để đi tu? Tại sao thầy đi tìm hạnh phúc xa vời trong tương lai mà bỏ đi hạnh phúc thiết thực trong hiện tại? Đó là câu hỏi của vị thiên nữ.

Thầy Samiddhi trả lời: Tôi nào đi tìm hạnh phúc xa xôi ở trong tương lai đâu, tôi đang đi tìm hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại đấy chứ. Vì tôi được dạy rằng giáo lý và những phương pháp của đức Thế Tôn là để cho mình có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Tôi không đi tìm hạnh phúc trong tương lai xa vời. Điều này ngược lại với lời cô nói.

Giáo pháp của của đức Thế Tôn có tính cách thiết thực hiện tại (Sanditthika)2*, nghĩa là xử lý những vấn đề của hiện tại, không hứa hẹn một hạnh phúc trong tương lai. Thiết thực hiện tại là như vậy, tiếng Pali là Sanditthika, có nghĩa là đối diện với những vấn đề có thật ngay trong giây phút hiện tại. Giáo lý của đức Thích Ca không hứa hẹn một Thiên Đường, một hạnh phúc trong tương lai. Thực tập theo giáo pháp của đức Thế Tôn có thể có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Giáo pháp đó cũng có tính cách vượt thoát thời gian (Akalika)3*, nghĩa là không phải chờ ba năm, năm năm, bảy năm mới có hạnh phúc. Khi mình áp dụng giáo pháp đó vào đời sống hàng ngày, mình có hạnh phúc, có an lạc ngay trong khi mình thực tập. Akalika nghĩa là bất quản thời nhật (it’s not a matter of time). Giáo pháp đó phải đến để thấy, tức là không có thể kể lại được. Khi mình thấy một người thực tập theo pháp môn đó có hạnh phúc, có an lạc. An lạc, hạnh phúc tỏa chiếu trong đời sống hàng ngày của họ, tự nhiên mình có niềm tin. Mình phải tới để thấy, mình không thể nghe qua một trung gian nào khác. Giáo pháp đó, mỗi người phải tự mình học hỏi, thực tập và tự mình thông đạt chứ không phải nhờ vào người khác. Cho nên hạnh phúc của mình không phải do người khác đem tới. Sự chuyển hóa những khổ đau, những Phiền Não của mình là do tự mình chứ không phải do cầu nguyện mà được.

Đạo của tuệ giác

Thưa quý liệt vị,
Đạo Phật có phần tôn giáo của nó nhưng phần tôn giáo trong đạo Phật không phải là phần quan trọng nhất. Tôn giáo có nghĩa là một đức tin, sự hy vọng và sự cầu nguyện. Những cái đó có ở trong Cơ Đốc giáo, trong Hồi giáo và các tôn giáo khác cũng có. Trong đạo Phật cũng có phần tôn giáo nhưng nếu quý vị đã từng nghiên cứu Phật học, đã từng thực tập Phật pháp, quý vị biết rằng phần tôn giáo chỉ là cái vỏ bọc ngoài của đạo Phật thôi. Cốt tủy của đạo Phật là một tuệ giác rất lớn, tuệ giác này giúp mình tháo gỡ được bao nhiêu là hiểu lầm, khổ đau, bao nhiêu là bức xúc ở trong con người. Đấy là một tuệ giác giúp mình vượt thắng những cặp đối nghịch như có không, ta người, sinh diệt, duy tâm duy vật. Cái thấy đó tháo gỡ những kỳ thị, những cuồng tín, những đàn áp, những khúc mắc đưa người ta lại gần với nhau, giúp cho người ta thiết lập được truyền thông và đem lại hạnh phúc trong đời sống hàng ngày.

Trong thời gian ở Tây phương, chúng tôi có chia sẻ phần đó với những người Tây phương (người Âu châu và người Mỹ châu). Chúng tôi biết rằng Tây phương đã có tôn giáo của họ rồi, họ không cần một tôn giáo khác. Vì thế trong khi chia sẻ về sự thực tập đạo Phật, chúng tôi chỉ chia sẻ phần tuệ giác đó. Chúng tôi không ép người Tây phương phải bỏ tôn giáo của họ để theo đạo Phật. Nhờ thế nên người Tây phương tiếp nhận hết lòng những phương pháp thực tập này.

Tôi nhớ ngày xưa, khi những giáo sĩ Tây phương tới Việt Nam, họ có thái độ rất là khác. Họ muốn người Việt phải bỏ sự thờ cúng ông bà và bỏ đạo Phật để ôm lấy đức tin mới. Trong bốn mươi năm ở Tây phương, chúng tôi làm ngược lại. Chúng tôi khuyên người ta nên giữ gốc đạo Do Thái, đạo Cơ Đốc của họ.

Thực tập đạo Phật là để họ có thể tháo gỡ được những khó khăn, khổ đau, vượt thắng được những hiềm khích, những chống đối trong nội tâm hầu đạt tới được an lạc và giúp người khác làm được những chuyện đó. Với tuệ giác đó, với hạnh phúc đó họ có thể trở về để làm mới, đổi mới lại truyền thống của mình, giúp truyền thống đó cung cấp được những giáo lý, những phương pháp thực tập mà những thế hệ thanh niên bây giờ cần tới. Rất nhiều thanh niên sẽ bỏ truyền thống của mình đi nếu những truyền thống này không được làm mới, không được hiện đại hoá. Điều này đang xảy ra cho Cơ Đốc giáo tại Âu châu và Mỹ châu.

Ở bên Đức, thường thường mỗi năm có đại hội Tin Lành. Mỗi hai năm, đại hội Tin Lành được tổ chức tại một thành phố lớn. Tôi đã được mời tham dự nhiều lần vì tôi đã viết những cuốn sách nói về đối thoại giữa đạo Phật và Cơ Đốc giáo. Những cuốn sách đó bán rất chạy. Ban đầu những người theo Ky Tô giáo chỉ tò mò muốn biết những người khác đạo nghĩ gì về tôn giáo của mình nhưng sau khi đọc những cuốn sách tôi viết họ thấy trong đạo Phật có cái rất đáng để học hỏi và thực tập. Nhờ những cuốn sách đó họ có được những cái thấy sâu sắc hơn về truyền thống tôn giáo  của chính mình cho nên họ đã mời chúng tôi tới để thuyết trình về những vấn đề thuộc về Cơ Đốc giáo.

Ở trong Cơ Đốc giáo có sự thao thức muốn làm mới, muốn đổi mới giáo lý và phương pháp thực tập hầu thích hợp với hơn thời đại nhưng mà phe thủ cựu quá mạnh cho nên những người chủ trương tiến bộ phải làm đủ mọi cách. Trong những cách họ làm là mời những người như đức Đạt Lai Lạt Ma hay thầy Nhất Hạnh tới thuyết trình để giúp cho những người thủ cựu thấy được nhu yếu cần phải làm mới, phải đổi mới truyền thống và phương pháp thực tập sao cho tuổi trẻ đừng bỏ truyền thống mà đi. Những đại hội Cơ Đốc giáo như vậy quy tụ mỗi lần khoảng ba trăm ngàn người và những buổi thuyết trình có tới bảy ngàn người, mười ngàn người, mười lăm ngàn người đến tham dự. Những dịp đó chúng tôi căn cứ trên kinh nghiệm thực tập trong đạo Phật để thuyết trình. Chúng tôi cũng đã có cơ duyên học hỏi về Cơ Đốc giáo, Hồi giáo và các tôn giáo khác. Mình phải hiểu biết về những truyền thống đó thì mới có khả năng chia sẻ kinh nghiệm thực tập của đạo Bụt. Mình phải dùng một thứ ngôn ngữ mà họ hiểu được hầu có thể truyền đạt được những điều mà mình muốn nói.

Tôi đem những thực tập căn bản của đạo Phật ra để chia sẻ với họ. Tôi nói với họ rằng trong Phúc Âm của Cơ Đốc giáo có hạt giống của những giáo lý đó. Nếu quý vị gieo những hạt giống đó xuống, quý vị sẽ có những giáo lý mới. Những giáo lý đó vẫn trung thành với Phúc Âm và có thể đáp ứng lại được nhu cầu của những thế hệ trẻ sau này.

Trước hết tôi nói về Hiện Pháp Lạc Trú là một giáo lý rất là quan trọng trong đạo Phật. Điều này có liên hệ đến câu chuyện mà tôi đã kể về thầy Samiddhi: Làm sao để có an lạc hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại mà không cần phải mơ tưởng và trông cầu một Thiên Đường, một hạnh phúc nào trong tương lai. Chính trong Phúc Âm của Cơ Đốc giáo cũng có hạt giống của giáo lý đó nhưng chưa bao giờ được khai thác.

Bất quản thời nhật (Akalika) có nghĩa không phải là vấn đề thời gian như trong phương pháp thực tập hơi thở có ý thức gọi là An ban thủ ý (Mindfulness of breathing). Khi trở về với hơi thở (thở vào, thở ra có ý thức), tự nhiên trong giờ phút đó, mình cảm thấy an lạc, dễ chịu trong thân và trong tâm lập tức, không phải cần phải thực tập ba năm hay mười năm mới có kết quả. Trong mình có những đau nhức, những căng thẳng. Nếu thực tập theo phương pháp buông thư, sử dụng hơi thở, nội chỉ trong vòng nửa phút hay một phút, mình có thể buông bỏ những căng thẳng ở trong thân thể cũng như ở trong tâm tư. Giáo lý và phương thực tập đạo Phật vì thế có tính cách bất quản thời nhật, tức có hiệu quả ngay trong giây phút hiện tại. Theo giáo lý này, hạnh phúc có thể có được ngay trong giây phút hiện tại.

An trú trong giây phút hiện tại

Trong thời đại hiện nay người ta vội vàng quá. Người ta làm ra nhiều tiền hơn nhưng lại ít hạnh phúc hơn. Nhiều tiền hơn có thể tiêu thụ nhiều hơn nhưng hạnh phúc lại ít hơn ngày xưa. Hầu hết mọi người đều nhắm tới hạnh phúc ở trong tương lai, không có khả năng an trú được trong giây phút hiện tại. Hai chữ an trú rất quan trọng (Dwelling peacefully): Hạnh phúc chân thật chỉ có được khi nào trong thân và trong tâm mình có được sự an ổn (an tức là peace). Theo phương pháp thực tập căn bản đó của đạo Phật, quá khứ đã đi qua rồi, còn tương lai chưa tới. Chỉ trong giây phút hiện tại mới thật sự có sự sống. Mình phải thực tập làm thế nào để an trú được trong giây phút hiện tại, trở về giây phút hiện tại và an trú trong giây phút đó.

Mình có ước hẹn (rendez-vous) với sự sốngước hẹn đó nằm trong giây phút hiện tại. Nếu mình bương chải chỉ nhắm về tương lai và giẫm lên hiện tại mà đi thì mình đánh mất cuộc hẹn đó với sự sống. Cho nên sự thực tập căn bản trong đạo Phật là trở về với giây phút hiện tại, đem tâm trở về với thân: Thân tâm nhất như. Nhờ thế mình có cơ hội tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại. Vậy nên hơi thở có ý thức là sự thực tập căn bản của đạo Phật:

Thở vào tôi biết là tôi đang thở vào,
Thở ra tôi biết là tôi đang thở ra.

Bài tập đó hết sức là dễ và đơn giản, ai cũng làm được. Để ý tới hơi thở vào và hơi thở ra tức là mình đem tâm trở về với thân và tự nhiên mình có mặt đích thực trong giây phút hiện tại.

Trong đời sống hàng ngày, có thể thân của mình đang ở đây nhưng tâm của mình lại đi về một hướng khác: thân và tâm không ở chung với nhau. Thân mình tuy ở đây mà tâm mình lại nghĩ tới quá khứ, tới tương lai, tới những dự án của mình:  Thân tâm không nhất như.

Ở giữa thân và tâm có hơi thở. Nên khi tôi thực tập hơi thở có ý thức (thở vào biết mình thở vào, thở ra mình thở ra) thì thân và  tâm trở về với nhau một cách rất là tự nhiên, đó gọi là thân tâm nhất như (the oneness of body and mind). Khi thân và tâm trở về với nhau, mình thật sự có mặt trong giây phút hiện tại và an trú được trong giây phút hiện tại. Thật sự có mặt trong giây phút hiện tại, tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại là bí quyết thực tập của đạo Phật. Không bị giam hãm bởi ngục tù của quá khứ, không bị lôi kéo về tương lai, mình có thể an trú trong hiện tại. An trú được trong hiện tại, có thể sống sâu sắc được những giây phút của đời sống hàng ngày. Đó là giáo lý căn bản, là sự thực tập căn bản. Hơi thở có ý thức là một trong những phương tiện để mình có thể làm được việc đó.

Bước chân có chánh niệm, bước chân cũng có khả năng đưa mình trở về giây phút hiện tại. Đi không phải với mục đích là để tới đâu hết mà đi nghĩa là bước từng bước vững chãi và thảnh thơi. Những bước chân đó mỗi bước đưa mình trở về với giây phút hiện tại, đó gọi là thiền hành (tiếng Anh gọi là walking meditation). Thiền hành là sự thực tập hàng ngày cũng như thở có ý thức là sự thực tập hàng ngày. Mình phối hợp hơi thở với bước chân. Khi thở vào, mình có thể bước một bước và nói tôi đã về. Khi thở ra, mình bước một bước nữa và nói tôi đã tới. Tôi đã về ở đây có nghĩa là tôi đã về với giây phút hiện tại, địa chỉ đích xác của sự sống. Bây giờ và ở đây (here and now) là địa chỉ đích xác của sự sống. Hành giả phải biết trở về với giây phút hiện tại. Chỉ có giây phút đó mới hàm chứa sự sống mà thôi. Phật Thích Ca dạy rằng quá khứ đã đi qua, tương lai chưa tới, sự sống có chỉ mặt trong giây phút hiện tại. Chúng ta có ước hẹn với sự sống trong giây phút hiện tại.

Sự thực tập căn bản là sử dụng bước chân hoặc hơi thở để đưa mình về với giây phút hiện tại, có mặt thật sự trong giây phút hiện tại và tiếp xúc được với những mầu nhiệm đang có mặt trong giây phút hiện tại. Thường thường chúng ta nghĩ rằng khó có hạnh phúc trong giây phút hiện tại bởi vì chúng ta còn thiếu một số điều kiện nữa để có thể có hạnh phúc thật sự. Điều này giống như một sự mê tín mà hầu hết chúng ta đều tin vào. Cho nên hầu hết chúng ta đều muốn đầu tư vào tương lai, luôn luôn nghĩ tới tương lai, nghĩ tới mình phải làm cái gì cho tương lai. Rất ít người có khả năng an trú trong giây phút hiện tại.

Chúng ta thử lấy một tờ giấy và một cây bút rồi ghi xuống đấy những điều kiện hạnh phúc ta đang có trong giây phút hiện tại. Ta sẽ ngạc nhiên thấy rằng những điều kiện đó nó dư giả để cho chúng ta có thể hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại rồi. Ví dụ con mắt của mình, chúng ta ít khi nghĩ rằng cặp mắt của mình là một điều kiện hạnh phúc.

Thở vào tôi biết rằng tôi có ý thức về hai con mắt của tôi.
Thở ra tôi mỉm cười với hai con mắt của tôi và biết rằng hai con mắt tôi còn sáng.

Hai con mắt có đó và còn sáng là một điều kiện rất quan trọng của hạnh phúc. Mỗi khi mình mở mắt ra, một Thiên Đường của màu sắc, của muôn vật hiện ra trước mình. Mình chỉ cần ngồi trên cỏ hay bên gốc cây, nhìn ngắm, tiếp xúc với Thiên Đường của màu sắc và của muôn hình vạn trạng, mình đã có hạnh phúc rồi.

Nếu quả thật mình có một ít tự do, mình có khả năng an trú trong giây phút hiện tại, mình có thể tiếp xúc được với biết bao nhiêu cái đẹp khi mình có đôi mắt. Tự do ở đây không phải là tự do chính trị, tự do ở đây có nghĩa là không bị quá khứ hoặc tương lai lôi kéo. Con người tự do chỉ cần ngồi đó và mở mắt ra thì tiếp xúc được với bao nhiêu cái đẹp, bao nhiêu hình ảnh. Nhưng mà mấy người trong chúng ta có tự do đó, có khả năng đó. Chúng ta đợi cho khi mắt lòa hay mắt bị mù rồi, chúng ta mới tiếc, ước gì bây giờ ta có một đôi mắt sáng. Những người mù biết rất rõ nếu có một đôi mắt còn sáng để có thể thấy được, có thể tiếp xúc được với thiên đàng của sự sống ở trên mặt đất, là hạnh phúc rất lớn, cái mà bây giờ họ đã mất rồi. Còn chúng ta, những người tuy đang có đôi mắt sáng mà lại không có biết hưởng, nên chúng ta cũng không có hạnh phúc.

Thực tập chánh niệm

Một trong những bài thực tập mà đức Thích Ca đề nghị là mình phải tiếp xúc hết với tất cả những bộ phận của cơ thể để có thể nhận diện và trân quý những bộ phận đó. Ví dụ như:

thở vào tôi có ý thức về trái tim của tôi,
thở ra tôi mỉm cười với trái tim của tôi.

Khi mà mình hướng sự chú ý tới trái tim, mình thấy được điều may mắn là trái tim của mình đang hoạt động bình thường. Trái tim của mình làm việc mỗi ngày hai mươi bốn giờ đồng hồ. Nó không được đi ngủ như mình. Nó gởi máu về các tế bào. Có một trái tim hoạt động bình thường là một hạnh phúc rất lớn. Những người bị bệnh tim không biết rằng họ sẽ bị nghẽn tim lúc nào. Ước vọng sâu xa nhất của họ là có được một trái tim bình thường như những người khác. Trong khi đó đang có được trái tim bình thường, chúng ta lại  không có hạnh phúc vì chúng ta sống trong thất niệm.

Thất niệm tức là không biết rằng mình đang có những điều kiện của hạnh phúc. Những điều kiện đó chúng ta có rất nhiều, dư dả để chúng ta có thể có hạnh phúc liền trong giây phút hiện tại. Khi mình đi thăm cơ thể của mình bằng cái cách đó, nhận diện những bộ phận đang còn tốt trong cơ thể của mình, mình đã có nhiều hạnh phúc rồi. Tia sáng giúp mình nhận diện những điều kiện hạnh phúc đó trong cơ thể là tia chánh niệm.

Chánh niệm là năng lượng người tu có thể chế tác ra. Chánh niệm là năng lượng giúp cho mình thật sự có mặt trong giây phút hiện tại. Khi thở vào có ý thức, biết là mình thở vào, gọi là thở vào có chánh niệm (mindfullness, la pleine conscience). Người nào cũng có khả năng thở vào một hơi và ý thức rằng đây là hơi thở vào của mình. Người nào cũng có thể thở ra một hơi và ý thức được rằng đây là hơi thở ra của mình. Chúng ta, người nào cũng thở vào thở ra suốt ngày nhưng chúng ta không có thở với ý thức. Đó không phải là sự thực tập. Người thực tập khi thở vào biết là mình đang thở vào, khi thở ra, mình biết rằng đang thở ra. Đó gọi là chánh niệm. Thực tập chánh niệm về hơi thở gọi là An ban thủ ý (mindfulness of breathing). Khi đi chúng ta ý thức được từng bước chân (mindfull steps). Mỗi bước chân có ý thức chế tác được năng lượng chánh niệm. Chính năng lượng chánh niệm đó có khả năng giúp mình có mặt thật sự trong giây phút hiện tại. Người tu trước hết là phải có khả năng chế tác năng lượng chánh niệm để có thể có mặt thật sự trong giây phút hiện tại.

Chánh niệm còn có một tác dụng nữa là giúp cho mình biết rõ cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Đó là cái công năng thứ hai của chánh niệm (to be aware of what is happening in the present time). Cái đang xẩy ra trong giây phút hiện tại là mình đang thở vào, mình đang thở ra hay mình đang bước một bước vững chãi và thảnh thơi. Hơi thở như vậy có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. Bước chân như vậy có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu, đem lại sự bình an cho thân và cho tâm của mình.

Khi uống trà, chúng ta uống theo kiểu thiền tức là chúng ta thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại, chúng ta thật sự có mặt trong giây phút hiện tại. Khi ta thật sự có mặt trong giây phút hiện tại, trà cũng có mặt trong giây phút hiện tại. Ta công nhận sự có mặt của chén trà như là cái gì có thật. Còn nếu trong khi uống trà, tâm của chúng ta không có ở đó, chúng ta đang suy nghĩ về những dự án tương lai hay là buồn khổ về những cái kỷ niệm quá khứ, chén trà đó chẳng qua chỉ là một giấc mơ thôi, một bóng ma không có thật. Đối với người sống trong thất niệm (thất niệm tức là ngược lại với chánh niệm), tất cả chỉ mờ ảo như những bóng ma thôi. Còn những người sống trong chánh niệm, tất cả đều hiện rõ ra một cách rất thật. Khi đi mình thật sự là đang đi. Khi thở mình thật sự đang thở. Khi uống trà mình thật sự đang uống trà. Khi ăn cơm mình thật sự đang ăn cơm. Khi mình nhìn người yêu của mình, mình biết rằng người yêu của mình đang có mặt đó.

Chánh niệm giúp ta có mặt thật sự và tiếp xúc được một cách rất sâu sắc với những cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Nhờ vậy ta có khả năng sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày và phẩm chất của đời sống chúng ta rất cao (the quality of life). Nhưng mà người đương đại, người đương thời ít ai làm được như vậy. Người nào cũng xông đi về tương lai và không có khả năng ngồi yên hoặc là đứng yên trong giây phút hiện tại.

Có những người trong chúng ta không có thể ngồi yên được, không có thể nghỉ ngơi được, chúng ta đã quen làm việc rồi. Chúng ta đã quen lo lắng về tương lai rồi, đã trở thành ra thói quen, một tập khí và kéo chúng ta đi. Vì vậy trong cơ thể cũng như trong tâm hồn luôn luôn có một sức ép, một sự căng thẳng. Stress là chứng bịnh của thời đại.

Nếu chúng ta thực tập những điều đức Thích Ca dạy trong buổi ban đầu như hơi thở có ý thức và bước chân có ý thức, chúng ta có thể đối trị được với sự căng thẳng đó, với sức ép đó. Chúng ta buông thư ra. Chúng ta không còn là nạn nhân của ngục tù quá khứ. Chúng ta không còn là nạn nhân của sự lo lắng về tương lai nữa và chúng ta có tự do. Vì có tự do cho nên chúng ta có thể an trú được ở trong giây phút hiện tại và thật sự sống được giây phút đó. Đó là bí quyết.

Tiếp xúc sâu sắc với sự sống trong ta và quanh ta
Tôi nghĩ rằng điều mà đạo Phật có thể đóng góp được nhiều nhất cho xã hội bây giờ là giúp cho con người học lại phương pháp sống. Sống như thế nào để mình có thể tiếp xúc được sâu sắc với sự sống trong giây phút hiện tại, sự sống có ở trong ta và sự sống ở chung quanh ta.

Ở trong truyện Kiều có mấy câu rất hay có thể nói lên được tuệ giác này của Phật giáo. Quý vị có nhớ đến khúc Thúy Kiều đi sang thăm Kim Trọng? Hôm đó gia đình của Kiều đi ăn giỗ ở quê ngoại. Thúy Kiều lấy cớ nhức đầu hay đau bụng gì đó để ở nhà. Thật sự, cô nàng muốn có một cơ hội để đi thăm người yêu ở bên hàng xóm. Sau khi ở với người yêu độ chừng tám chín giờ đồng hồ thấy trời chiều, Kiều nghĩ rằng ở bên này lâu quá bất tiện, phải về xem thử gia đình về chưa. Tới nhà, thấy gia đình đi ăn giỗ chưa về, nàng mới tiếc. Qua lại nhà Kim Trọng một lần nữa, lúc đó trời đã tối rồi và trăng bắt đầu lên. Khi Thúy Kiều xé rào qua nhà Kim Trọng lần thứ hai, Kim Trọng đang ngủ gật trên bàn học của mình. Anh chàng thanh niên này trong thời gian mấy tháng nay không có học hành được gì cả. Tiếng bước chân của Thúy Kiều làm cho Kim Trọng thức dậy nhưng anh chàng vẫn còn ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Khi thấy bóng của Thúy Kiều đi qua, anh không biết rằng đây là một hình ảnh mình đang thấy trong giấc mơ hay là một hình ảnh có thật:

Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần,
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.

Anh chàng hỏi: Này em, có phải em là một hình ảnh trong giấc mơ của anh không? Hay em là sự thật?

Kiều trả lời :

Nàng rằng khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.

Câu đó rất tuyệt vời, câu đó nói lên được tuệ giác của đạo Phật. Nếu trong giây phút này, chúng ta không thấy được mặt nhau một cách rõ ràng, không nhận diện được sự có mặt của nhau, sau này tất cả đều chỉ là một giấc chiêm bao. Sự thật là như vậy. Trong đời sống hàng ngày chúng ta quá bận rộn, chúng ta không có thì giờ để nhìn nhau, không có thì giờ để nhìn mặt trăng, ngôi sao, để nhìn buổi sáng mặt trời mọc, để nhìn gốc cây anh đào. Chúng ta bận rộn quá đi. Nếu cứ tiếp tục bận rộn như vậy, chúng ta sẽ không có thì giờ để tiếp xúc một cách sâu sắc với những mầu nhiệm của sự sống đang xảy ra trong giây phút hiện tại, cuối cùng cuộc đời của chúng ta cũng chỉ là một giấc mơ.

Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.

Chúng ta hãy xét lại, chúng ta sống như thế nào, chúng ta có thì giờ để uống chén trà của chúng ta hay không? Chúng ta có thật sự có mặt trong giây phút hiện tại để có thể thưởng thức được chén trà của chúng ta hay không? Trong truyền thống thiền có cách thực tập gọi là thiền trà.

Thiền trà cạn chén Hồng Mai.

Chúng ta để ra một giờ đồng hồ để ngồi với nhau, chỉ để uống một chén trà thôi hay ăn một cái bánh ngọt. Nhưng trong thời gian một giờ đồng hồ đó, chúng ta được nuôi dưỡng bởi tình huynh đệ, bởi tình bạn. Chén trà cũng như bánh ngọt, đó là phương tiện để chúng ta có thể sống với nhau một giờ đồng hồ mà mỗi giây phút đều sâu sắc.

Bây giờ chúng ta có thể nói rằng: Trời ơi! Uống một chén trà phải tốn một giờ đồng hồ như vậy là tốn thì giờ quá đi thì giờ là để làm kinh tế.

Nhưng các cụ ngày xưa để ra một giờ như vậy để uống trà vì các cụ biết rằng được ngồi với nhau, được nhận rõ mặt nhau, để hưởng được sự có mặt của nhau, đó là hạnh phúc.

Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ 4* .

Có một người bạn từ phương xa tới, đó là một niềm vui rất lớn. Mình có thì giờ để nhìn mặt người bạn, mình có thì giờ để ngồi với người bạn cùng uống một chén trà hay không? Để thưởng thức, để tiếp xúc sâu sắc với sự có mặt của người bạn lâu nay mình không được gặp không? Đó là vấn đề của sự sống. Nói đến phẩm chất của sự sống, bây giờ chúng ta (thường nhất là người trẻ) nghĩ rằng phẩm chất của sự sống cao khi mình có nhiều tiền, để có thể mua bất cứ cái gì có thể mua được. Trong khi đó, theo tuệ giác của đạo Phật, phẩm chất của sự sống là khả năng sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày. Trong giây phút hiện tại có biết bao nhiêu mầu nhiệm v à những mầu nhiệm đó mình không cần phải ra siêu thị để mua.

Nói đến truyện Kiều, tôi cũng có thể trích dẫn một đoạn nói về hạnh phúc của Thúy Kiều và của sư Giác Duyên. Sau khi sư Giác Duyên vớt được Thúy Kiều dưới sông Tiền Đường, Giác Duyên cho Thúy Kiều cạo đầu đi tu trở lại lần thứ hai. Lần thứ nhầt cạo đầu đi tu là để tỵ nạn nhưng mà lần này cho cạo đầu để đi tu đàng hoàng. Hai chị em (nay là hai ni cô) sống rất là hạnh phúc bên bờ sông Tiền Đường. Cụ Nguyễn Du đã viết bốn năm câu rất là hay:

Một nhà sum họp sớm trưa,

Vì trước đó, ni sư Giác Duyên đã lập ra cái am bên bờ sông Tiền Đường

Một gian nước biếc mây vàng chia đôi.

Ni sư Giác Duyên cứu được Kiều đem về, cho xuất gia trở lại và hai chị em sống trong cái am lá. Lần này sống rất hạnh phúc

Một nhà sum họp sớm trưa,
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng.
Bốn bề bát ngát mênh mông,
Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau.
Nạn xưa trút sạch làu làu,

Khi tôi đọc năm câu đó, tôi rất cảm phục cụ Nguyễn Du.

Một nhà sum họp sớm trưa,

Chúng ta đã từng bị xa cách, chúng ta đã khổ đau vì biệt ly xa cách, bây giờ chúng ta được sống chung với nhau. Đó là một điều kiện căn bản của hạnh phúc. Chúng ta tự hỏi rằng bây giờ chúng ta đang có hạnh phúc đó hay không? Chúng ta đang được sống với người thương của chúng ta hay không? Người thương của chúng ta đang sống bên ta, người đó không có đau ốm, người đó không đang nằm bệnh viện, người đó không bị đày đi ở một chỗ xa. Vậy sự có mặt buổi sớm và buổi chiều của người ta thương yêu là một hạnh phúc.

Một nhà sum họp sớm trưa một điều kiện của hạnh phúc. Ai trong chúng ta ngồi đây mà không có điều kiện đó nhưng chúng ta có tiếp xúc được với điều kiện đó không? Chúng ta có hạnh phúc đó hay không? Chúng ta có hưởng được hạnh phúc đó hay không? Hay là buổi sớm nhìn nhau một cái rồi vội vã lo đi làm liền và không nhìn cho rõ ràng. Trong buổi ăn sáng, ăn rất lật đật, chỉ lo nghĩ tới chuyện ở sở, làm này làm kia thôi. Đôi khi trong khi ăn sáng còn lấy tờ báo ra để che mặt người thương của mình nữa. Đến buổi chiều thì mệt nhoài,  nằm ngửa ra coi tivi một chút rồi đi ngủ, không nhìn thấy mặt nhau.

Một nhà sum họp sớm trưa như vậy thì đâu còn là một điều kiện hạnh phúc nữa. Trong trường hợp của ni sư Giác Duyên và sư cô Trạc Tuyền thì họ có hạnh phúc thật. Họ đã bị chia cách trong bao nhiêu năm, bây giờ có nhau và họ thừa hưởng sự có mặt của nhau hai mươi bốn giờ một ngày, đó là hạnh phúc rất lớn. Thành ra chúng ta hãy đặt câu hỏi là chúng ta đang được sống với những người chúng ta thân yêu nhưng chúng ta có hưởng sự có mặt của họ không hay họ đang chỉ là những bóng ma trong cuộc đời của chúng ta? Nếu sống như vậy thì cuối cùng họ chỉ là những bóng ma thôi 5*.

Một nhà sum họp sớm trưa,

Sớm cũng thấy người thương, trưa cũng thấy người thương, chiều cũng thấy người thương và nếu không có hạnh phúc là tại mình chứ không phải là tại người thương không có mặt ở đó.

Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng.

Gió và trăng là những điều kiện lớn của hạnh phúc. Thiên nhiên đẹp như thế. Những mầu nhiệm của sự sống có mặt trong ta và xung quanh ta nhưng ta bận rộn quá, ta làm sao tiếp xúc được với những mầu nhiệm đó của thiên nhiên. Gió thì mát, trăng thì trong nhưng mặc kệ gió, mặc kệ trăng, ta bận quá. Gió trăng là biểu tượng cho tất cả những mầu nhiệm đó của sự sống.

Trong đại hội của những người Cơ Đốc giáo tôi có nói như thế này: Cái quý vị gọi là Thiên Quốc, nó nằm ngay trong giây phút hiện tại. Những mầu nhiệm của sự sống có mặt trong những giây phút hiện tại. Nhưng tại chúng ta không có tự do, chúng ta đang hối hả đi về tương lai, thành ra có Thiên Quốc cũng như không. Vì vậy nên quý vị làm thế nào để cung cấp cho giới trẻ những giáo lý và phương pháp thực tập để giúp cho họ tiếp xúc được với Thiên Quốc ngay bây giờ, chứ đừng có để cho họ chỉ mơ tưởng và ước ao một Thiên Quốc trong tương lai.

Duy Tâm Tịnh Độ

Trong đạo Phật điều này rất là rõ ràng. Chư Tổ đã nói nhiều lần là Tịnh Độ, cõi Tây phương 6*, có mặt trong trái tim của mình, gọi là Duy tâm Tịnh Độ (The pure land is in your heart). Nếu mình là con người tự do thì mỗi bước chân giúp cho mình đi vào trong Tịnh Độ, đi vào trong cõi đầy những mầu nhiệm. Nếu mình có tự do thì mỗi hơi thở đều giúp cho mình tiếp xúc được với mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại. Hạnh phúc có liền mà không cần phải có nhiều tiền và không cần đi mua ở siêu thị.

Vì vậy tôi đề nghị là ở nhà thờ các linh mục, các vị mục sư phải thực tập như thế nào để có hạnh phúc liền trong giây phút hiện tại. Họ phải chứng tỏ cho những thế hệ trẻ biết rằng Thiên Quốc không phải là cái mình đang mơ tưởng mà là cái mình đang sống được từng giây phút của đời sống hàng ngày. Khi quý vị có được giáo lý đó và cung cấp được những phương pháp thực tập để giúp người trẻ có thể có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại thì lúc đó người trẻ sẽ không đi tìm hạnh phúc ở sắc dục, ở danh vọng, ở tiền tài và tàn phá thân tâm của họ.

Tôi có những lời nhắn nhủ như vậy với các vị lãnh đạo bên Cơ Đốc giáo vì tôi có kinh nghiệm thực tập ở trong Phật giáo. Đó là sự thực tập căn bản ở Làng Mai, đạo tràng Mai thôn ở bên Pháp và các tu viện của chúng tôi bên Mỹ. Sống như thế nào để có hạnh phúc trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Không cần tiêu thụ nhiều, không cần có tiền nhiều mà vẫn có hạnh phúc như thường. Quý vị tới nhìn các vị xuất gia và các vị tại gia sống trong cái môi trường đó thì quý vị biết liền rằng chúng tôi có hạnh phúc hay không. Ở bên đó không ai trong chúng tôi có trương mục ngân hàng riêng, xe hơi hay xe mô tô riêng, không ai có điện thoại di động riêng. Tất cả những tiện nghi là của tu viện mà chúng tôi cùng sử dụng. Chúng tôi thật sự là những người vô sản nhưng chúng tôi hạnh phúc lắm.

Ngày nào chúng tôi cũng thực tập có hạnh phúc trong khi thở vào thở ra, khi bước những bước chân, khi tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại. Nhất là khi chúng tôi giúp được cho người trong xã hội cũng tập sống được như vậy. Họ tái lập được truyền thông giữa cha với con, giữa vợ với chồng, đem lại hạnh phúc trong gia đình của họ. Hạnh phúc của chúng tôi là được làm bằng những chất liệu như thế. Thấy được rằng cuộc đời mình có ích lợi, thấy mình giúp được cho nhiều người nên hạnh phúc tỏa chiếu trên hai mắt, nơi nụ cười và những bước chân chúng tôi.

Một nhà sum họp sớm trưa,
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng.

Gió trăng mát mặt là những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại mình phải tiếp xúc được. Những mầu nhiệm đó có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. Chúng ta sẽ bệnh nếu không có cơ hội tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, với thiên nhiên. Cho nên tiếp xúc với trời xanh mây trắng, gió mát trăng trong, với rừng cây, với dòng sông rất quan trọng. Khi khổ đau nhiều, khi có những vết thương rất lớn trong tâm hồn và trong cơ thể, mình trở về với thiên nhiên và tiếp xúc với những cái mầu nhiệm của thiên nhiên giúp cho sự trị liệu và sự nuôi dưỡng mau chóng có kết quả. Tôi nhớ mấy câu thơ tiếng Pháp:

…….
Mais la nature est là qui t´invite et qui t´aime
Plonge-toi dans son sein qu´elle t´ouvre toujours
Quant tout change pour toi, la nature est  la même
Et le même soleil se lève sur tes jours. 12*

Này người đang đau khổ, thiên nhiên nó đang còn đó.
Thiên nhiên đang mời mọc người
Thiên nhiên vẫn yêu thương người
Người hãy đi vào trong lòng thiên nhiên đi

Tại vì thiên nhiên luôn luôn mở cửa cho người đi vào
Tại vì người tuy nghĩ rằng tất cả đều thay đổi
Và người đang đau khổ
Nhưng cái mặt trời hôm qua vẫn còn lên
Và vẫn chiếu xuống hai mươi bốn giờ một ngày
Trên đời sống của người.

Những câu thơ đó nói rằng khi mình đang đau khổ, mình thấy như tất cả đều thay đổi hết. Nhưng thiên nhiên vẫn còn là thiên nhiên. Phương pháp trị liệu là trở về với thiên nhiên như một đứa con trở về với bà mẹ. Gió trăng mát mặt là đại diện cho thiên nhiên, cho bà mẹ có thể ôm mình vào lòng sau khi mình đã bị thương tích rất nhiều trong cuộc sống.

Trong đời sống xuất gia của chúng tôi (có rất nhiều người cư sĩ cũng theo nghệ thuật sống đó), chúng tôi thấy rằng tiêu thụ ít có thể có hạnh phúc rất nhiều. Sống đơn giản thôi (simple living) gọi là muối dưa chay lòng. Nó giúp cho mình không có những tham vọng về vật chất và quyền hành.

An lạc từng bước chân

Chúng tôi có một trung tâm tu học ở tiểu bang Vermont. Ở tiểu bang đó núi rất xanh trời rất đẹp. Cảnh mùa đông mầu nhiệm như là cảnh tiên. Mùa thu cũng vậy với biết bao nhiêu là màu sắc. Chúng tôi có hai tu viện, một cho các thầy và một cho các sư cô. Chúng tôi còn lập ra một trung tâm cho những người không quen thắp hương hay lạy Phật, họ có thể tới tu học. Chúng tôi gọi nơi này là trung tâm Tu học Chánh niệm, hoàn toàn không có màu sắc tôn giáo. Tới đó, mình có thể tập ngồi, tập đi, tập đứng, tập ăn cơm trong chánh niệm để có hạnh phúc. Tập sống như thế nào để mỗi giây phút của đời sống hàng ngày mình sống cho sâu sắc và có hạnh phúc. Những người từ các truyền thống khác đều tới đó để tu tập một cách rất thoải mái vì không có hình thức tôn giáo.

Một hôm bên bờ sông có một ông già mặt áo rất cũ kỹ. Ông ngồi bên bờ sông và đọc một quyển sách  tựa đề là Peace is every step tức là An lạc từng bước chân. Đó là cuốn sách tôi đã viết bằng tiếng Anh và bán rất chạy ở Hoa Kỳ. Tôi nghĩ sách này đã được xuất bản ở Việt Nam. Tôi dịch peace là thảnh thơi. Quyển sách ông đó đọc nó nát bấy hết, rất là cũ, không biết ông đã đọc mấy trăm lần rồi. Có một thiền sinh đi ngang thấy ông già này đọc sách của thầy mình thì ngồi xuống một bên và nói: Này bác ơi (ông già này là người Mỹ), bác có biết cách đây hai cây số có một trung tâm thực tập chánh niệm mà người thành lập là tác giả của cuốn sách này không? Mời bác tới đó để thực tập với chúng tôi. Chúng tôi thực tập rất hạnh phúc. Ông già không trả lời, chỉ nói vâng, vâng, vâng… thôi. Người thiền sinh này ngồi chơi một lát rối anh thấy ông ta không có ý muốn đi. Nghĩ rằng chắc ông này nghèo không có xe hơi, vị thiền sinh mới nói: Bác ơi, nếu bác muốn, cháu có thể lái xe cho bác tới trung tâm thực tập của thầy Nhất Hạnh. Bác đang đọc sách của thầy Nhất Hạnh. Ông già cũng không nói gì, ông tiếp tục ngồi. Anh thiền sinh nghĩ thầm: Thôi, mình cứ để ông ngồi đấy đi. Ông đã không muốn đi thì thôi. Nhưng có thể sau này ông sẽ muốn đi, mình nên hỏi địa chỉ của ông để sau này có thể điện thoại cho ông. Nếu ông cần thì mình tới chở ông đi tại vì thấy ông có vẻ tội nghiệp lắm. Anh thiền sinh hỏi tên và địa chỉ ông già. Ông ta viết xuống giấy, tên ông là Lawrence Rockefeller 7*, một tỉ phú vào bậc nhất của tiểu bang New York.

Những người đó có uy quyền rất lớn, tiền bạc rất nhiều nhưng đau khổ bức xúc cũng rất nhiều. Họ đi tìm cái an bình trong những cuốn sách của thầy Nhất Hạnh. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên tại sao họ không đi tìm sự an ủi đó trong thánh kinh? Có lẽ họ đã sử dụng thánh kinh nhiều rồi mà không tìm được nguồn an lạc (nguồn chữa trị) như ở trong kinh Phật.

Có một người nữa là ông Bill Ford 8* thế hệ thứ tư của vua xe hơi. Ông cũng có tới tu viện của chúng tôi ở Vermont để tu học. Ông cũng đã thực tập hai mươi bốn giờ đồng hồ giống như các thầy, các sư cô. Ăn xong ông tự mình đi rửa bát. Những người cận vệ của ông không được tới tu viện, họ ở ngoài khách sạn. Ông đến một mình thôi. Ông kể cho chúng tôi biết đời sống của những người tỉ phú. Họ giàu có, họ uy quyền nhưng họ rất cô đơn. Họ có những nỗi khổ niềm đau rất lớn.

Trong khi đó thanh niên chúng ta cứ nghĩ có nhiều tiền bạc, nhiều quyền hành thì có hạnh phúc. Kỳ thật hạnh phúc không có nằm ở hướng tiền bạc, quyền hành, danh vọng và sắc dục. Có qua cầu chúng ta mới biết. Làm thế nào để nói cho những người thanh niên Việt Nam biết có những người giàu đến mức đó mà đau khổ tới mức đó. Tiền bạc, quyền hành, danh vọng, sắc dục,… không phải là nền tảng của hạnh phúc đích thực. Cái quá trình giáo dục đó tôi nghĩ rằng phải qua cầu mới hay được.

Kinh Samiddhi nói về cái hạnh phúc. Cái hạnh phúc mà mình có thể có được trong giây phút hiện tại. Hạnh phúc đó không tàn phá thân và tâm không như những đối tượng của thèm khát của dục vọng.

Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng.

Muối dưa chay lòng ở đây có nghĩa là một nếp sống vật chất đơn giản. Con đường thoát của nhân loại là một nếp sống đơn giản mà có hạnh phúc. Nếu chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc là sự tiêu thụ nhiều thì chúng ta sẽ tiếp tục đi trên con đường công nghiệp hóa, con đường khai thác những tài nguyên của trái đất. Chúng ta sẽ làm ô nhiểm sông hồ, biển cả, bầu khí quyển. Chúng ta không cho con cháu chúng ta một cơ hội được sống an lạc và hạnh phúc nữa. Sống một cuộc sống đơn giản hơn, ít tiêu thụ hơn, để bảo vệ cái hành tinh này. Đó là giáo lý của đạo Phật và là con đường thoát của nhân loại. Muối dưa chay lòng vì vậy cũng là một cái nguyên tắc rất quan trọng của hạnh phúc, hạnh phúc bây giờ và hạnh phúc tương lai.

Một nhà sum họp sớm trưa

là điều kiện thứ nhất.

Gió trăng mát mặt

là điều kiện hạnh phúc thứ hai.

Muối dưa chay lòng

là điều kiện hạnh phúc thứ ba.

Nếu quý vị cứ chạy theo tiền bạc không bao giờ biết đủ, quý vị sẽ không có cơ hội để sống sâu sắc và hạnh phúc. Bận rộn như vậy, mình đâu có thì giờ để thương yêu để chăm sóc chính bản thân và những người mình thương. Biết bao nhiêu người trong xã hội đã và đang sống như thế, nếp sống thật sự không có phẩm chất và rốt cuộc nó chỉ là một giấc chiêm bao.

Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng.
Bốn bề bát ngát mênh mông,

Có rất nhiều không gian. Hiện bây giờ nhiều người ở trong những không gian, trong những chung cư rất nhỏ hẹp, không xoay sở được. Ngày xưa ở miền quê nếu có những khó khăn chúng ta chạy sang nhà ông chú hay bà thím hoặc chúng ta ra ao để chơi, bắt bướm hay câu cá. Bây giờ đây người trẻ mà bị những khó khăn, những cơn bão tố trong gia đình thì không biết trốn ở đâu hết. Nhiều khi phải đi vào trong cầu tiêu và khóa cửa lại để cho đỡ khổ. Không gian là một yếu tố của hạnh phúc.

Bốn bề bát ngát mênh mông,
Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau.

Buổi sáng và buổi tối đều có hòa nhạc. Đất trời hòa nhạc đó là thủy triều. Buổi sáng, buổi tối trước am và sau am có những bức tranh được triển lãm, đó là tranh mây. Mây lồng trước sautriều dâng hôm sớm đó là tất cả những vẻ đẹp của đất trời mà hai sư cô được hưởng buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều. Điều kiện chót là:

Nạn xưa trút sạch làu làu

Nạn xưa là những tai nạn mà Thúy Kiều đã trải qua trong mười lăm năm. Tất cả những tai nạn đó đã trở thành quá khứ. Đây là một cơ duyên để làm lại cuộc đời. Khi mình tiếp xúc được với những điều kiện đó của hạnh phúc thì hạnh phúc tới với mình liền lập tức. Khi đọc lại năm câu thơ đó, mình thấy những điều kiện của hạnh phúc mà cụ Nguyễn Du nêu ra rất đơn giản và có thể mình đang có.

Một nhà sum họp sớm trưa,
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng.
Bốn bề bát ngát mênh mông,
Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau.
Nạn  xưa trút sạch làu làu,

Ý thức được những điều kiện hạnh phúc đó mình có thể có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Nếp sống hạnh phúc đó giúp cho chúng ta bảo hộ được sinh môi, không tạo ra những đổ vỡ thì cho con cháu chúng ta sẽ có cơ hội được sống an lạc, hạnh phúc trên trái đất này. Sống được như vậy là chúng ta có cơ hội xây dựng tình huynh đệ, chế tác được hiểu biết và thương yêu trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Chế tác được hiểu biết và thương yêu, chúng ta có khả năng khôi phục, tái lập truyền thông giữa cha con, vợ chồng. Có hạnh phúc trong tình thương, trong sự hiểu biết rồi, người trẻ sẽ không đi tìm hạnh phúc ở hướng dục lạc, tiêu thụ, tàn phá thân tâm nữa.

Lắng nghe để hiểu, nhìn kỹ để thương

Nói về cái vai trò của Phật giáo trong xã hội đương đại tôi nghĩ rằng mình phải nhắc tới những yếu tố đó. Đạo Phật giúp mình phương pháp để có thể ngừng lại sự tìm kiếm hạnh phúc ở tương lai. Mình có khả năng sống an lạc hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Mình có đủ thì giờ để thương yêu. Tình thương đem lại rất nhiều hạnh phúc. Không quá bận rộn, tiêu thụ ít đi, mình có thì giờ để sống và để thương yêu. Đây một giải pháp rất cụ thể. Khi có thương yêu và hiểu biết rồi, mình giúp cho xã hội tái lập được truyền thông, thương yêu được nhau, chấp nhận lẫn nhau.

Tại Làng Mai bên Pháp, mỗi năm chúng tôi cấp học bổng cho những người Palestinian và những người Do Thái tới để thực tập. Chắc quý vị cũng biết ở vùng Trung Đông người ta đau khổ rất nhiều. Họ có quá nhiều hận thù, quá nhiều nghi kỵ. Có nhiều người bạn giúp chúng tôi để cấp những học bổng cho hàng chục người Palestinian và Do Thái sang tu tập ở Làng Mai. Khi mới tới họ không thể nhìn nhau được. Họ đã từng đau khổ quá nhiều và nghĩ rằng bên kia là nguồn gốc của nỗi khổ đau này. Họ không muốn ăn cơm chung với nhau, không muốn ngồi chung với nhau, không muốn nhìn nhau. Họ hận thù, nghi kỵ nhau, sợ hãi nhau.

Ban đầu, chúng tôi để họ ở riêng, giúp họ ôm ấp niềm đau và làm dịu xuống những niềm đau bằng cách sử dụng phương pháp hơi thở có ý thức và bước chân có ý thức.Trước hết họ thực tập làm lắng dịu những sự căng thẳng trong thân. Tiếp đến, chúng tôi giúp thực tập để làm lắng dịu những sự căng thẳng trong tâm. Khi buông thư được rồi họ mới có thể ăn cơm được trong hạnh phúc, họ mới có thể đi bộ được trong hạnh phúc, họ mới có thể uống trà trong hạnh phúc. Chúng tôi để ra rất nhiều ngày hầu giúp những thiền sinh này biết sống những giây phút của đời sống hàng ngày.

Sau đó, chúng tôi mới đưa họ tới với nhau để thực tập phương pháp gọi là lắng nghe với tâm từ bi và ái ngữ. Trước đó, họ đã thực tập không được cắt lời người khác khi mình lắng nghe. Mình lắng nghe vì mình thấy người bên kia có quá nhiều đau khổ mà chưa bao giờ có cơ hội nói ra những nỗi khổ niềm đau đó. Cho nên thực tập lắng nghe với tâm từ bi thì mình giúp cho họ bớt khổ nhiều lắm. Đó là phương pháp của đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Sau khi lắng nghe những người kia rồi thì mình thấy rõ ràng bên kia cũng khổ đau không thua gì mình. Người lớn, trẻ em bên kia cũng có sợ hãi, hận thù, cũng có đủ tất cả những khổ đau mà bên mình đang có. Khi thấy được như vậy thì bên này tự nhiên nhìn bên kia bằng con mắt từ bi hơn. Ánh mắt của họ bắt đầu thay đổi. Trước kia cái nhìn đầy nghi ngờ, không có thiện cảm và có sợ hãi trong đó.

Sau nhiều ngày sống với nhau, tập ăn cơm với nhau và lắng nghe nhau thì tự nhiên ở trong tâm mình có sự thay đổi. Những cái thấy, cái nghe, những thành kiến mất đi và từ từ mình nhận ra những người mà lâu nay mình thù hằn cũng là những con người đã đi qua quá nhiều đau khổ. Lần đầu tiên họ công nhận người kia là những con người cũng đau khổ như mình. Khi biết nhìn những người kia bằng con mắt xót thương thì tự nhiên lòng họ bớt đau khổ liền lập tức.

Khi hận thù và nghi kỵ được lấy ra khỏi trái tim thì mình nhẹ nhàng thanh thản, mình giải thoát được. Rồi đến lượt bên này nói lên những đau khổ của mình cho bên kia nghe. Bên kia cũng thực tập lắng nghe như vậy. Cuối cùng họ hòa giải được với nhau, nắm tay nhau đi thiền hành, ngồi ăn cơm chung với nhau. Họ hứa hẹn rằng khi trở về Do Thái, về Trung Đông, sẽ thiết lập những nhóm thực tập như ở Làng Mai để giúp cho những người Do Thái và những người Palestinian khác cũng được nếm mùi an lạc hạnh phúc và tình thương như họ. Năm nào chúng tôi cũng bảo trợ cho một số người Palestinian và Do Thái tới Làng Mai để thực tập. Trong tăng thân của chúng tôi có một sư cô người Do Thái. Mỗi năm chúng tôi đều gởi các thầy, các sư cô qua bên Trung Đông để mở những khóa tu cho những người Do Thái và những người Palestinian.

Cái học của chúng tôi không có tính cách từ chương, triết học, chúng tôi học tới đâu thì đem ra thực tập tới đó. Nếu những người trong xã hội bây giờ áp dụng được những giáo lý đó, những sự thực tập đó có thể làm cho phẩm chất đời sống của họ cao lên. Họ có thể hòa giải được với những người mà lâu nay họ có khó khăn và đem lại sự an bình trong tâm của họ.

Vấn Đáp

Hỏi: Con bạch Thiền sư, bạch tăng thân Làng Mai. Suốt chuyến đi về Việt Nam của thiền sư và tăng thân Làng Mai, hầu như là con đi nghe hết các buổi pháp thoại của Thiền sư. Con thấy giáo lý nhà Phật rất là hay, thật sự rất là nhiệm mầu và có thể nói là thù thắng. Con nhận thấy rằng: Những người hiểu được đạo lý nhà Phật, biết được giáo lý nhà Phật thường là những người đứng tuổi, chủ yếu là người già. Trong khi đó giới trẻ như chúng con chẳng hạn, tương lai của đất nước, hiểu biết rất ít về Phật giáo, về  giáo lý nhà Phật. Vậy thì theo ý của Thiền sư có những phương thức hoặc là những cách trình bày như thế nào để giáo lý nhà Phật có thể tiếp cận thành công đến với giới trẻ như chúng con. Xin cảm ơn Thiền sư.

Thiền sư Nhất Hạnh: Nếu mà quý vị nhìn các vị xuất gia của Làng Mai, quý vị thấy rằng có nhiều thầy, nhiều sư cô rất trẻ. Chúng tôi có thể nói rằng phần lớn những thiền sinh Âu châu và Mỹ châu tới tu tập với chúng tôi đều là những người trẻ. Họ phần lớn là những người trẻ và những người trí thức. Những người lớn tuổi bên đó họ có nhiều người bảo thủ hơn, không có khả năng buông bỏ được thói quen của họ. Trong chuyến đi này chúng tôi nhận thấy ở các chùa miền Bắc không có nhiều người trẻ tới. Ở các chùa miền Nam và miền Trung thì số lượng những người trẻ, những người thanh niên, thiếu nữ đông hơn. Đây là câu hỏi nên đặt cho các vị lãnh đạo Phật giáo ở Hà Nội, ở miền Bắc. Chúng ta phải tạo ra những cơ hội để cho người trẻ tới tiếp xúc với giáo lý mầu nhiệm này. Chúng tôi thấy trước hết các thầy, các vị giáo thọ, các vị giảng sư phải có một thứ ngôn ngữ. Một thứ ngôn ngữ có thể giúp cho người trẻ hiểu được giáo lý đạo Phật. Nếu chúng ta dùng ngôn ngữ quá cổ điển, quá nhiều danh từ Phật học thì chúng ta không thành công được. Chúng ta phải hiện đại hóa ngôn ngữ của chúng ta. Chúng ta phải biết nói được ngôn ngữ của người trẻ, đó là một điều kiện.

Điều kiện thứ hai là chúng ta phải cung cấp những giáo lý và những phương pháp thực tập hữu hiệu, đáp ứng lại được với những khó khăn, những khổ đau của người trẻ. Được như thế  tự nhiên người trẻ tìm tới những giáo lý và sự thực tập đó. Tại các tu viện của chúng tôi ở Âu châu và Mỹ châu người trẻ Âu châu, Mỹ châu tới rất nhiều. Các thầy, các sư cô ở đây phần lớn đều giảng dạy và hướng dẫn được bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Đức. Số lượng những người trẻ Âu  Mỹ tới các trung tâm tu học của chúng tôi đông lắm. Các thầy và các sư cô tuy là còn trẻ như vậy đó nhưng rất có kinh nghiệm trong sự hướng dẫn những người trẻ học hỏi và tu tập theo tuệ giác của đạo Phật. Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ ở Hà Nội, ở miền Bắc phải tới với nhau và phải đưa vấn đề này ra để đàm luận, rồi sau đó đem vấn đề tới cho các thầy, các sư cô ở các chùa.

Làm thế nào để có một môi trường cho người trẻ tới được và cảm thấy thoải mái. Chứ nếu mà người trẻ tới chùa chỉ thấy sự cúng bái, cầu xin thì không đủ. Xin cảm ơn người bạn đã đặt câu hỏi đó.

Ông Đại Sứ Egypt: First… Executive… Express my thanks and thanks for all of us to the venerable TNH for this great word and great expression about happiness. Really I was impressed but by what we have been listening for, this is it: if this were happened in this world, the whole world´ld  live in peace. Your Excellency, don’t you agree with me, that also the dialog between all religions – you have been talking about this dialog between Christianity and Buddhism in Paris with some leaders of christianity, the Catholic Church. I think also we are in need for more dialogs between Buddhism, the Catholics, the Orthodox, the Jewish and the Muslim.

The moment in which we are living now, we are facing, the whole world is facing a lot of troubles. This is because of misunderstanding between the societies, between the councils, between people. But the reality is completly different. For example, you have mentioned about what was happened in the Middle East. When people get in touch, when people are talking together, when people can understand each other, people will live in peace.

For us, as Muslim, in the Middle East, really what the people are listening, is that they listen to what, they have misinterpreted the Islamic though, because Islam means peace, and (for) the Islamic theory (is) completely far from what has been described for.

What we need also – the differences between the governments ad the societies. The Governments  all must make the control and put peace in orders among societies. But, what we have now, everything is confused in this world. The world is moving in the opposite direction.

Really, we are in needs to explain to each othes, to stay with each other, to listen to the different ideas the other part of the other area are talking about. If they are talking correctly, if what they have, they have the right soul, or the wrong soul. We have to interact together. Thank you very much 9*

Thiền sư Nhất Hạnh: Nói tiếng Anh: I have talked about the practice of listening deeply, listening with compassion and using loving speech as a wonderful mean in order to establish dialog, mutual understanding and restore communication. What we need in this moment is communication, we have many sophisticated means of communication like email, fax,.. But communication, between man and man, human and human have became very difficult. That is why practicing listening deeply, the compassion and using loving speech to restore communication is the basic practice for peace. Thank you.

Tôi có nói về sự thực tập lắng nghe, nghe với lòng từ và dùng ái ngữ như là phương tiện tuyệt vời để chúng ta thiết lập đối thoại, hiểu nhau và tái lập được truyền thông. Điều mà chúng ta cần bây giờ là sự truyền thông. Chúng ta có nhiều phương tiện truyền thông tinh xảo như email, fax… Nhưng truyền thông giữa người và người, giữa loài người với loài người đã trở thành quá khó khăn. Vì vậy thực tập lắng nghe với lòng từ và dùng lời yêu thương để thiết lập lại được truyền thông là thực tập căn bản để đem lại hòa bình trên thế giới. Xin cảm ơn

Hỏi: (Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Sơn) Kính thưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh, kính thưa quý vị đại biểu. Tôi đã được dự một buổi pháp thoại trước tết Âm lịch. Thiền sư nói chuyện ở Viện Tôn Giáo và lúc đó chúng tôi cũng rất muốn đặt một câu hỏi nhưng chưa có điều kiện. Xin tự giới thiệu chúng tôi công tác ở viện Văn Học và cũng có làm một đề tài nghiên cứu. Từ năm 1991 được phép của bộ Giáo Dục và Đào Tạo của Việt Nam đã làm đề tài Khảo sát loại hình truyện thiền sư trong tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh và cũng là nhà nghiên cứu Nguyễn Lang đã dày công nghiên cứu. Trong nỗ lực tìm hiểu về tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh, công trình của chúng tôi đã được nhà xuất bản khoa học xã hội xuất bản và tái bản. Trong công trình nghiên cứu của Thiền sư có phần tìm hiểu về những người đã xây dựng, góp công tạo nên tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh từ Thông Biện rồi là Thường Chiếu Thần Nghi Vạn Thông. Đó là một đóng góp rất quan trọng.

Nhưng ở đây tôi xin hỏi thêm một chút về phát hiện gọi là tìm ra Trần Tung và Trần Quốc Tảng. Đây cũng là một vấn đề rất chuyên sâu mà Thiền sư đã phát hiện. Việt Nam Phật giáo sử luận in phần này, từ năm 1973 đã được tái bản. Sau đó đến năm 73, 74 một  tạp chí nghiên cứu về lịch sử và triết học ở Pháp (tôi nhớ là từ trang 749 tới 751) viết về phát hiện của Thiền sư. Xin Thiền sư với tư cách nhà nghiên cứu cho chúng tôi xin biết là  thời điểm ban đầu, lần đầu tiên mà Thiền sư đã phát hiện ra vấn đề này chứ không phải công bố năm 73, tức là công bố lần đầu tiên ở những văn bản khác và cơ duyên đưa đến phát hiện nầy (phát hiện về Trần Tung và Trần Quốc Tảng).

Câu hỏi thứ hai liên quan đến tình trạng ở Việt Nam hiện nay. Có thể nói đây là giai đoạn phục hưng Phật giáo qua việc xuất hiện nhiều chùa chiền và rất nhiều những tập san, tạp chí nghiên cứu phật học, như báo Giác Ngộ ở Sài Gòn. Qua những điều mà Thiền sư đã thấy được ở Việt Nam trong thời gian qua thì Thiền sư đánh giá bước phát triển hiện nay của ngành nghiên cứu Phật học như thế nào?

Xin Thiền sư cho chúng con, những người nghiên cứu Phật học một lời khuyên khái quát. Xin cảm ơn Thiền sư và tất cả các vị.

Thiền sư Nhất Hạnh: Xin cảm ơn giáo sư. Thật ra tôi viết Việt Nam Phật Giáo Sử Luận nhưng bây giờ trong giây phút hiện tại tôi quên hết những gì tôi đã viết trong đó. Hồi đó thì tôi được giáo sư Demiéville 10* mời giảng ở trường Sorbonne 11*. Chúng tôi giảng dạy trong một phân khoa gọi là science historique et philologique. Tôi nhận giảng dạy về môn lịch sử Phật giáo. Ban đầu tôi không có ý muốn viết cuốn sách đó nhưng  khi giảng dạy thì tự nhiên tôi nghĩ rằng với những tư liệu đang có tại sao mình không ngồi xuống để viết ra cho các tăng sinh và ni sinh sử dụng. Do đó mới có cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, chứ thật ra tôi không hề có ý muốn làm sử gia. Tôi không hề có ý muốn đó nhưng mà thời thế đưa tới như vậy thôi. Trong những tháng vừa qua, khi tiếp xúc với Phật tử Việt Nam với các nhà nghiên cứu Phật học tôi có nhận xét rằng cái học của chúng ta về Phật học còn có tính cách từ chương quá, chưa đủ tính khoa học. Các trường đại học lớn ở Tây phương dạy môn Phật học rất đúng theo tinh thần khoa học. Họ cấp phát những văn bằng tiến sĩ về Phật học. Tuy là theo đúng tinh thần khoa học nhưng lối học đó vẫn từ chương như thường. Sau khi đậu bằng tiến sĩ rồi thì những khó khăn, những khổ đau của mình, mình cũng không biết cách giải quyết.

Trong truyền thống đạo Phật thì cái học phải đi đôi với cái hành, học tới đâu thì hành tới đó. Nghĩa là những khổ đau, khó khăn, những mâu thuẫn trong người của mình, những khó khăn của mình đối với thầy, đối với bạn, mình phải giải quyết cho được. Giải quyết được những cái đó thì mình mới có khả năng đi ra ngoài đời để giúp người đời. Hiện bây giờ tôi thấy rằng học Phật ở Việt Nam dù là ở cấp cơ bản, cấp trung cấp hay là cấp học viện cũng đều đang còn tính lý thuyết rất nhiều.

Tôi nghĩ rằng chúng ta phải cải tổ liền lập tức cái học của chúng ta cho nó được thực tiễn. Bên Làng Mai chúng tôi đã theo con đường đó từ lâu rồi. Chúng tôi học nhiều nhưng những cái học của chúng tôi luôn luôn được đưa ra pháp đàm và đặt câu hỏi là những cái học này được áp dụng như thế nào?

Môn Tâm lý học Phật giáo, tức là Duy thức học, có nhiều vị giáo thọ ở Việt Nam có thể giảng dạy rất lưu loát, rất sâu sắc nhưng khi nói áp dụng Duy Thức Học vào đời sống hàng ngày để giải quyết những khó khăn thì ít người có thể làm được chuyện đó. Trong khi ở Tây phương chúng tôi đã đi khá xa trên con đường đó. Chúng tôi đã áp dụng được giáo lý của Hoa Nghiêm, của Pháp Hoa, của Kim Cương, của Duy thức vào trong việc giải quyết những vấn đề khổ đau của đời sống hàng ngày. Trên phương diện này thì chúng tôi nghĩ rằng mình có thể đóng góp thực tiễn được một phần nào cho nền học Phật Pháp ở trong nước.

Chúng tôi có rất nhiều tư liệu và nhiều kinh nghiệm về chuyện đó. Trên thực tế chúng ta đã giúp cho vô số những cặp cha con, vợ chồng họ hòa giải được với nhau. Nếu không có những phương pháp cụ thể đích thực thì mình đã không làm được công việc đó. Nhà nước hiện bây giờ có những chương trình thiết lập, xây dựng những khu phố văn hóa, những thôn văn hóa. Mình muốn những cộng đồng đó không có những tệ nạn xã hội như ma túy, xì ke, như là bạo động, băng đảng, tội phạm, đĩ điếm nhưng những phương tiện mình có để xây dựng chẳng qua chỉ là pháp trị thôi, nghĩa là kiểm soát và trừng phạt.

Chuyện thực tập căn bản làm thế nào để cha truyền thông được với con, để cho vợ và chồng thiết lập lại được truyền thông với nhau. Làm sao cho người trẻ tin cái gọi là hạnh phúc gia đình là một cái gì có thật, để họ muốn trở về gia đình, đừng đi ra ngoài tìm sự lãng quên mà sa vào hầm hố của băng đảng, của tội phạm, của xì ke ma túy, của đĩ điếm. Đó là những cái mà đạo Phật có thể làm được. Các thầy, các sư cô và các Phật tử lớn tuổi và trẻ tuổi có thể đóng góp hầu có thể giúp cho chương trình thiết lập những khu phố văn hóa, những thôn văn hóa được thành công. Nếu không thì tôi e rằng chương trình sẽ không thành công. Điều này liên hệ tới cái học và hành của chúng ta.

Hỏi: (Giáo sư Nguyễn Huệ Chi) Kính thưa Sư Ông, kính thưa tăng thiền Làng Mai, kính thưa các vị khách quý. Từ khi Sư Ông về Việt Nam đến nay tôi có được mời đến dự ba buổi pháp thoại của Sư Ông, ở Viện Tôn Giáo, ở câu lạc bộ Bộ ngoại giao và buổi hôm nay. Nhưng có lẽ tôi may mắn hơn một số người trong chúng ta là cách đây đúng mười năm bốn tháng tôi đã đến Làng Mai và đã được nghe pháp thoại của  Sư Ông trong hơn mười ngày. Tôi biết hôm nay là buổi nói cuối cùng của Sư Ông ở tại Hà Nội, miền Bắc. Vì buổi trước tôi đã nêu một số câu hỏi lên Sư Ông, cho nên hôm nay tôi xin phép được nói một vài cảm tưởng về những điều tôi tiếp xúc và cảm nhận ở Sư Ông, coi như là một lời giã từ.

Điều cảm nhận đầu tiên của tôi là khi gặp Sư Ông cùng với Thiền sư Thích Thanh Từ. Sư Ông có nói với tôi như thế này: Đối với các trí thức như giáo sư thì để tập thiền điều đầu tiên hãy bỏ hết tất cả mọi kiến thức ở trong đầu ra ngoài đã, lúc đó giáo sư mới có thể thiền tập được. Điều ấy tôi cảm nhận rất thấm thía ở người học trò của tôi, tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn cũng là anh vừa đặt câu hỏi. Tôi nghĩ  anh chưa bỏ những cái gì ở trong đầu ra ngoài. Trong mười ngày ở Làng Mai năm 1994 cũng như qua ba buổi pháp thoại của Sư Ông tôi thấy mình đã lãnh hội được một điều: Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã không ban cho ai một quả hạnh phúc nào mà Thiền sư trao cho người ta cái chìa khóa để ta tự mở cửa kho báu hạnh phúc ở trong mình, tìm lấy hạnh phúc của chính mình. Cái thấy này quan trọng vô cùng. Cách đây chừng vài chục năm thôi, chúng ta cứ ngồi chờ hạnh phúc ở trên ban xuống và dùng tem phiếu để đi mua gạo hàng ngày và cuối cùng thì chúng ta không có hạnh phúc. Hạnh phúc là cái chúng ta tự tìm lấy. Những người kỳ diệu như Sư Ông gợi mở để chúng ta tự đón lấy hạnh phúc ở trong chúng ta. Những điều tôi học được từ Sư Ông mười năm bốn tháng trước là gạt bỏ mọi sân hận khi mình nhìn mình và nhìn đời và tìm thấy niềm vui trong hiện tại. Cái đó chi phối chúng tôi cho đến tận giờ phút này. Trong mười năm tôi đã cùng với các bạn đồng sự như là giáo sư Trần Đình Sừng và nhiều giáo sư ngồi dưới này làm bộ Tự điển văn học bộ mới. Bộ tự điển này nói lên tinh thần không còn sân hận khi nhìn những giá trị văn học là những giá trị vĩnh hằng. Bộ Tự điển mình hôm nay đã thành, coi như là một cái quả của mối duyên giữa tôi với Sư Ông, giữa chúng tôi với Sư Ông. Hôm nay tôi xin đưa tặng Sư Ông để làm kỷ niệm. Tôi cũng đưa thêm một bài phê bình bộ tự điển ấy của một vị phó giáo sư đang ngồi ở dưới này. Bài phê bình có đưa một câu hỏi tại sao trong bộ tự điển này không có tên Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đó cũng chính là một lời tạ lỗi với Sư Ông. Tuy có cơ duyên gặp gỡ 10 năm trước nhưng sau đó tôi chưa có dịp tìm hiểu nhiều về tiểu sử của Sư Ông cho nên chưa thể đưa vào bộ Tự điển này được. Bây giờ tôi xin đưa tặng Sư Ông.

Tôi xin nói thêm một ý thứ hai, có nhiều vị ở đây chưa được đến Làng Mai. Trong thời gian mười ngày ở Làng Mai tôi có cảm tưởng mình sống lại được một không khí ngày xưa. Những ai từng sống vào thời kháng chiến chống Pháp từ năm 1947 cho đến năm 1952 thì có thể cảm nhận được. Ở đó con người thật sự thương yêu nhau, ở đó con người sống rất đẹp với nhau. Cái không khí tưởng không bao giờ có trở lại nữa. Chúng ta được sống lại không khí ấy tại Làng Mai. Và Làng Mai là gì? Làng Mai vốn được kiến tạo trên một gò đồi có suối có rừng. Đó là một cái vignoble tức là một nơi trồng nho. Ở nước Pháp những nơi có vignoble để trồng nho và sản xuất ra rượu nho rất là ít. Việc đầu tiên của Sư Ông là cho chặt ngay cái vignoble và trồng thay bằng cây mai tức là cây mận để nhớ đến Việt Nam, nghĩ đến Việt Nam và để coi mảnh đất ấy là một mảnh đất Việt Nam.

Điều tôi lấy làm lạ là nếu ở Việt Nam, tại các chùa chiền người ta đến cúng bái, thắp hương cầu khẩn phúc lợi cho gia đình, cho con cháu thì ở Làng Mai điều này không thấy có. Nếu tại các chùa chiền Việt Nam người ta được uống bia, ở Làng Mai tuyệt đối không có một giọt bia nào. Đó là điều tôi rất lấy làm lạ lùng. Tôi lại được thấy rằng hồn Việt Nam ở trên mảnh đất Làng Mai hàng ngày, hàng ngày quyện với tôi. Rất là kỳ lạ! Một người Việt Nam sử dụng ngôn ngữ của những người da màu đen vàng, trắng, đỏ và thuyết phục hàng ngàn hàng ngàn con người mang lều bạt đến ở hàng tuần, hàng tháng để rồi sau đó trở về với niềm vui rằng mình được nghe những điều tốt đẹp. Đó là những điều rất hay của Làng Mai. Tôi mong các vị nếu có điều kiện thì xin đến Làng Mai để hưởng không khí đó. Chính vì thế cho nên đã từ giã Làng Mai rồi mà sau đó tôi lại phải quay trở về vào ngày mùng bốn tháng chín để gặp lại Sư Ông và để cùng tăng thân Làng Mai đi hái những quả mận, sau đó về ngào và làm thành những lọ mứt mận để bán ra lấy tiền cùng với số thu hoạch trong quá trình giảng thoại của Sư Ông để cứu giúp tất cả những trẻ em nghèo. Sư Ông là một con người kỳ diệu bằng khẩu và ý của mình khiến cho người ta thay đổi. Nhưng tôi thấy Sư Ông quá khiêm tốn chưa nói về phương diện thân. Nay tôi  phải nói ra: Chính Sư Ông là người đã bỏ rất nhiều tiền để cứu vớt trẻ em nghèo ở trên thế giới này và đặc biệt là ở Việt Nam. Tôi biết điều ấy vì tôi đã theo dõi hàng năm trong mười năm qua. Khi người Việt bỏ nước ra đi, Sư Ông là người đầu tiên thuê một chiếc tàu để đi cứu vớt họ. Ngày nay chúng ta đón tiếp Việt kiều, đô la rủng rẻng về rất dễ dàng và rất vui vẻ. Nhưng việc đi cứu vớt người Việt vào những năm 80 là việc khó. Sư Ông đã làm việc đó. Cho nên về phương diện thân tôi nghĩ Sư Ông nên cho chúng ta biết và biết rõ hơn nữa. Đó là những xúc cảm của tôi, những xúc cảm lớn của tôi. Cho nên đêm mùng bốn tháng chín năm 94  tôi không ngủ, nhìn ra vườn Mai mênh mông như thế tôi đã làm một bài thơ chữ Hán để tặng Sư Ông và tăng thiền Làng Mai. Sáng hôm sau tôi đọc tặng tăng thiền Làng Mai và Sư Ông. Hôm nay cho phép tôi được đọc lại bài thơ này để tặng lại Làng Mai:

Trùng đáo mai hương thiền viện.
Mai hương thượng hạ hữu lâm tuyền
Ốc kết sâm si ấm thụ biên
Hoàng bạch hắc thâm đồng hướng Phật
Việt Anh Pháp Đức nhất ngôn thiền
Sư hành đồ tập như vân vũ
Chung khấu san đình tự liễu duyên
Dạ lãnh mai đôi ba nguyệt lảng
Quỳnh lâm phục hoạt tại Tây thiên.

Tôi cũng xin đọc bài thơ dịch để tặng quý khách và tất nhiên là tặng Sư Ông và tăng thiền Làng Mai một lần thứ hai.

Làng Hồng hai xóm suối rừng vây
Lều bạt nhấp nhô dưới bóng cây
Tu Bụt đen vàng nâu trắng đủ
Lời thiền Việt Pháp Đức Anh đầy
Trò theo thầy bước như mây nổi
Chuông nhắc người ăn lắng phút giây
Đêm lạnh vườn Mai lay sóng nguyệt
Quỳnh lâm sống lại dưới trời Tây.

Kết thúc và trao quà lưu niệm.

Một vị trong ban tổ chức
Thay mặt toàn thể câu lạc bộ, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Thiền sư Thích Nhất Hạnh về bài nói chuyện đầy thật sâu sắc và bổ ích hôm nay.

Chúng tôi hy vọng trong tương lai câu lạc bộ sẽ còn được đón tiếp Thiền sư và đoàn Phật giáo quốc tế.

Thay mặt câu lạc bộ, chúng tôi xin chúc Thiền sư sức khỏe và trường thọ. Xin cảm ơn đoàn Phật giáo quốc tế và các vị khách quý, các vị khách quốc tế đã dành thì giờ tham dự buổi sinh hoạt câu lạc bộ hôm nay.

Xin cảm ơn tất cả.


Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Chúng tôi có một bức thư pháp và một số sách để tặng Câu Lạc Bộ. Từng Bước nở Hoa Sen là bước chân nào cũng đem lại cho mình hạnh phúc và sự tươi mát, đây là sự thực tập của Làng Mai. Đây là một số sách vừa mới được nhà Nhà Xuất bản Tôn Giáo ấn hành. Số sách chúng tôi viết thì tới hơn 100 cuốn nhưng mà ở đây chỉ có được một số nhỏ thôi, 6 đầu sách.

Ban tổ chức
Thiền sư đã viết trên một trăm tác phẩm và được dịch ra trên hai chục thứ tiếng trên thế giới. Hôm nay chúng tôi thay mặt câu lạc bộ xin cảm ơn Thiền sư và kính chúc Thiền sư sức khỏe và trường thọ. Đây là băng nhạc của Thiền sư. Xin thay mặt Câu lạc bộ một lần nữa cảm ơn Thiền sư và cảm ơn đoàn Phật giáo quốc tế và hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ còn đón tiếp Thiền sư tại Câu lạc bộ.

 

____________________________

Chú thích

1* Samiddhi Sutta: Kinh Tam Di Đề (三彌提).
2* Sanditthika: (sam-dittha-ika)-trực nhận, hiện thân thọ chứng (To be directly perceived, direct and immediate effect).
3* Akalika: vượt thoát thời gian, nghĩa là không có thời gian tính (Beyond limits of time – ‘immediate’ -ngược lại là kalika).
4* Câu trong sách Đại Học (Tứ Thư): Có bạn từ phương xa tới, thế chẳng là vui sao!
5* Heaven – thường dịch là thiên đàng – theo các tôn giáo độc thần phương Tây, là cõi vĩnh hằng do Chúa Trời (God) cai quản. Những tín đồ phải giữ lòng tin vào vị chúa Trời này, ngày tận thế, sẽ được phán xét để về sống ở đây.
6* Tịnh Độ – còn gọi là Cực lạc (sukhāvatī), hay Tây phương Tịnh Độ, là quốc độ của đức Phật A Di Đà. Theo các kinh đại thừa, Tịnh Độ này được Ngài tạo dựng lên bằng thiện nghiệp của mình, cũng được gọi là An lạc quốc (安 樂 國). Tịnh Độ ở về phương Tây, nên thường gọi là Tây Phương cực lạc, hay Tây phương Lạc quốc. Ðối với quần chúng Phật tử và cũng theo kinh A-di-đà thì đây là một thế giới có nơi chốn hẳn hoi nhưng trong một nghĩa sâu kín hơn, Tịnh Độ là một dạng ưu việt của tâm thức.
7* Lawrence Rockefeller (1910 – 2004) người Mỹ, là nhà kinh tài lớn và cũng là người bảo trợ các chương trình làm việc thiện và người bảo vệ môi sinh thiên nhiên (financier, philanthropist, and conservationist) – Một trong bốn cháu nội của John D. Rockefeller, người dựng nghiệp nổi tiếng của giòng dõi này (ba người cháu kia là John D. III, Nelson, Winthrop, and David Rockefeller).
8* Bill Ford (William Clay Ford, Jr.) Chủ tịch và tổng giám đốc điều hành (chairman and CEO) công ty Ford Motor Company (Công ty ô tô do Henry Ford sáng lập).
9* Trước hết, … (xin phép quí vị trong ban tổ chức cho tôi…)  tôi cũng như những người hiện diện xin cảm ơn Thiền sư cho  chúng tôi một bài thuyết trình thật hay về ý nghĩa của hạnh phúc. Những điều ngài giảng đã khiến cho tôi rất xúc động. Nếu những điều khuyên của ngài được thực hiện thì thế giới này đã sống trong hoà bình rồi. Những cuộc đối thoại giữa những tôn giáo khác nhau rất là quan trọng, ngài đồng ý với tôi như thế không? Ngài đã đề cập đến cuộc đối thoại với những nhà lãnh đạo tinh thần của thiên chúa giáo, của cơ đốc giáo thí dụ như là ở Paris. Tôi cũng thấy chúng ta cần có nhiều hơn nữa những cuộc đối thoại giữa Phật giáo, Cơ đốc giáo, Chính thống giáo, Do thái giáo và Hồi giáo. Sống trong thời đại hiện nay chúng ta, cả thế giới, đang chạm trán với rất nhiều khủng hoảng. Sở dĩ như thế là do sự thiếu truyền thông giữa các quốc gia, các phái nhóm, các dân tộc. Nhưng sự thật thì khác hẳn. Đề cập đến tình hình Trung đông, ngài cho thấy rằng khi người ta đến được với nhau, nói chuyện được với nhau để có thể thông cảm nhau thì người ta sẽ sống được trong hòa bình. Dưới cái nhìn của chúng tôi là những người hồi giáo ở Trung đông thì tinh thần của Islam đã bị trình bày lệch lạc rất nhiều – bởi vì Islam có nghĩa là hoà bình. Giáo nghĩa của Islam thật khác rất xa với những gì được diễn đạt. Chúng ta cũng cần sự khác biệt giữa nhà cầm quyền và xã hội. Những nhà cầm quyền lý ra phải thiết lập được trật tự và hoà bình trong xã hội. Nhưng trên thực tế thì mọi chuyện đều rất hỗn độn và chiều hướng đi của thế giới hoàn toàn ngược lại điều đó. Thật vậy chúng cần phải giải thích cho nhau nghe, ngồi lại với nhau để nghe những ý tưởng khác biệt từ những phía khác nhau đang được nói lên từ nhiều nơi, họ nói có đúng không? Tâm tư họ như thế nào? Tóm lại, chúng ta cần phải hợp tác được với nhau mới được. Cảm ơn quí vị.
10* Giáo sư Paul Demiéville (1894-1979) – nhà Trung hoa và Đông phương học, người Pháp, trước có thời làm việc tại trường Nghiên Cứu Viễn Đông tại Hà Nội.
11* Sorbonne: trường đại học Sorbonne – trong khu phố Latin Quarter, Paris – đặt tên theo Robert de Sorbon, người đã dựng trường này năm 1253.
12* Một đoạn trong bài thơ Le Vallon trong tập thơ Méditations poétiques của Alphonse de Lamartine ( 1790-1869).