Tiếng chuông chánh niệm: Chân dung Thiền sư Thích Nhất Hạnh

 

Trevor Carolan

(Đăng trên tờ Lion’s Roar – trước đây là Shambhala Sun – ngày 01.01.1996)

Lời kêu gọi thực tập chánh niệm với cái thấy tương tức của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã gây cảm hứng cho phong trào Đạo Bụt Dấn Thân trên khắp thế giới. “Nơi nào có khổ đau, nơi đó chánh niệm sẽ đáp ứng lại bằng năng lượng từ bi”, vị thiền sư Việt Nam nói.

Đôi khi trong những kinh nghiệm sống của chúng ta lại có một khoảnh khắc đột biến, lúc mà tất cả những gì xảy ra trước và sau thời điểm đó đều in sâu trong tâm trí. Vì lý do nào đó, khoảnh khắc quyết định này phát triển mạnh trong tâm thức và trở thành một cái mốc, để rồi hết lần này đến lần khác ta quay về tìm kiếm xem phép lạ nào đã xảy ra.

Tôi nhớ lại điều này khi dự cuộc họp mặt gần đây tại San Francisco, nơi mà các bộ óc siêu việt trên thế giới được Quỹ Mikhail Gorbachev Hoa Kỳ triệu tập trong Diễn đàn về Tình trạng Thế giới[1].

Có rất nhiều ngôi sao sáng và đa dạng tham dự diễn đàn: Rigoberta Menchu – người được trao giải Nobel Hòa bình, Thabo Mbeki – Phó Tổng thống Nam Phi, Jane Goodall, Ruud Lubbers – Thủ tướng Hà lan, Fritjof Capra, Ted Turner, Sam Keen, Shirley MacLaine, Joan Halifax, Zbigniew Brzezinski, Oscar Arias – Tổng thống của Costa Rica và cả ông Gorbachev nổi tiếng.

Dễ thấy đây là một diễn đàn do những thiên tài cấp tiến chủ động, là một cuộc gặp gỡ đột phá, kết hợp giữa Viện Esalen, Lầu Năm Góc, Fortune 500 – 500 công ty lớn nhất của Mỹ và nhiều nhà tư tưởng lớn. Mục đích của họ là tìm kiếm và đưa ra câu trả lời cho những thử thách căn bản khi loài người chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển lịch sử sắp tới trên hành tinh quý giá này.

Tuy nhiên, vào ngày thứ ba của diễn đàn nặng ký này, một người đàn ông nhỏ bé bỗng xuất hiện, như nhân vật Rumpelstiltskin thần kỳ trong truyện cổ tích Grimm. Ông đến muộn, vào giữa buổi sáng khi đang có một cuộc thảo luận mang chủ đề “Expanding the Boundaries of Humanness” (tạm dịch: “Mở rộng biên giới của nhân tính”). Những khách mời trong buổi thảo luận gồm Rupert Sheldrake, Deepak Chopra, Michael Murphy – người sáng lập Viện Esalen, và Giám mục Alan Jones. Người đến trễ là một thầy tu Phật giáo người Việt Nam tên là Thích Nhất Hạnh.

Đề tài thảo luận khá rộng và trừu tượng: Các khái niệm khoa học máy móc từ 300 năm của Descartes vẫn ảnh hưởng như thế nào đến cái nhìn của thế giới Tây phương về bản thân, về nơi chốn và đời sống tâm linh; những cuộc hành hương bị du lịch hóa như thế nào; tại sao sự kết nối với thế giới của các vì sao qua thần giao cách cảm đáng cho chúng ta thử nghiệm. Michael Murphy nói về đánh gôn và về Sri Aurobindo – nhà hiền triết của Ấn Độ; Deepak Chopra cho rằng lý trí không đủ để hiểu về trí thông minh không theo đường thẳng, phi tuyến tính. Úi chà chà!!!

Đâu đó giữa chủ nghĩa thần bí mang tính khoa học của Tiến sĩ Chopra (hay có thể gọi nó là khoa học thần bí?) và quan niệm về tâm thức ngoại giáo Celtic trước Công nguyên mà một vị nào đó trình bày, tôi bắt đầu thấy thùy trán của mình càng lúc càng ù đặc. Thế rồi Giám mục Alan Jones giới thiệu thuyết trình viên chót.

Trong chiếc áo tràng nâu truyền thống của người xuất gia, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói bằng giọng nhỏ nhẹ, dễ hiểu với một thứ tiếng Anh rất chuẩn, thỉnh thoảng có pha chút âm tiếng Pháp. Ngôn ngữ và cách nói năng của Thầy rất thư thái, như những giọt nước mát dịu rót vào tai và vào tâm thức của người nghe. Hầu như mọi điều về Thầy Nhất Hạnh đều được đánh dấu bằng sự định tĩnh, một sự mát mẻ nhẹ nhàng vượt khỏi sự tĩnh lặng thông thường. Khi nói, Thầy nói với năng lượng chánh niệm hùng hậu – điều mà Thầy đã dày công thực tập.

Thầy Nhất Hạnh bắt đầu bằng một câu chuyện. “Một ngày nọ tôi đang tập các động tác chánh niệm trong rừng với các bạn trong tăng thân, sau khi đi thiền hành chung với nhau”, Thầy nói bằng một giọng nhỏ nhẹ. “Ngày nào chúng tôi cũng thực tập đi chậm, đi trong chánh niệm, thưởng thức từng bước chân; rồi chúng tôi ngồi xuống với nhau.

“Ngày đó tôi bỗng nhận ra là sở dĩ tôi có thể làm những động tác chánh niệm này là nhờ có cái cây đang đứng trước mặt tôi. Tôi ý thức thật rõ ràng là tôi có thể thở vào bởi vì cái cây đang hiện diện trước mặt tôi. Nó đang đứng đó cho tôi, và tôi đang thở vào, thở ra cho nó. Tôi thấy sự liên hệ này vô cùng sâu sắc.

“Trong truyền thống đạo Bụt có nói đến tính chất tương tức. Ta không thể nào tồn tại một cách riêng rẽ, ta phải tồn tại cùng với mọi người, mọi loài”, Thầy nói tiếp. “Vì vậy, có thể nói mình tương tức với cái cây: Nếu cái cây không có đó thì ta cũng không có đây.

“Trong kinh Kim Cương, Bụt khuyên ta nên quán chiếu về bốn ý niệm: ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả. Ngài cũng dạy là sự thực tập để gạt bỏ những ý niệm này không khó, ai cũng có thể làm được.”

Sau khi nghe những tranh luận trước đó, nghe Thầy Nhất Hạnh nói, và cách mà Thầy diễn tả – không chút màu mè, hoặc quan trọng hóa; không tô điểm hay nói tới những gì mầu nhiệm; không ngụy khoa học (pseudo-science) cũng không mang tính hệ thống – giống như uống một ly trà nóng làm dịu đi một ngày mệt mỏi.

“Nếu quán sát một cách chánh niệm và sâu sắc,” Thầy giải thích, “ta sẽ thấy là ta được tạo thành bằng những yếu tố không phải là ta. Nếu ta nhìn sâu vào trong một bông hoa, ta sẽ thấy gì? Ta sẽ thấy ánh nắng mặt trời, đám mây, đất, các chất khoáng, người làm vườn, toàn thể vũ trụ. Tại sao? Bởi vì bông hoa được tạo nên bởi những yếu tố không phải là hoa: Đó là cái mà ta có thể nhận ra. Và cũng giống như bông hoa, thân thể của ta cũng được tạo nên bởi tất cả những cái khác – trừ một cái: Đó là cái ngã, cái ta riêng rẽ. Đây là giáo lý vô ngã trong đạo Bụt.

“Để được là chính mình, ta phải biết chăm sóc những yếu tố không phải là ta. Ai cũng biết là mình không thể tồn tại nếu không có những người khác, những loài khác, nhưng ta thường hay quên rằng vạn vật tương tức, rằng chúng sanh được làm nên bởi những yếu tố không phải chúng sanh.

“Đó là lý do tại sao ta phải thực tập thiền để giữ cho cái thấy này sống động. Trong truyền thống của chúng tôi, sự thực tập dừng lại, hay còn gọi là thiền chỉ (samatha), là để nuôi dưỡng và giữ cho cái thấy sáng tỏ này sống động 24 giờ đồng hồ mỗi ngày.”

Nghe đến đây, một thông tín viên truyền thanh nghiêng người về phía tôi thì thầm “Chính xác là ông thầy này từ truyền thống nào vậy? Điều mà ông ấy nói là từ Thiền hay từ đạo Phật nói chung?”. Nữ phóng viên già dặn của Quốc hội Mỹ đã được báo trước là muốn biết cuộc vận động cho môi trường hiện nay được thúc đẩy bởi những tư tưởng nào, cô phải nghe để biết những gì mà ông thầy tu Phật giáo người Việt này chia sẻ. Tuy nhiên, tôi cũng có những thắc mắc của riêng mình, lấy ý trong câu của Andrei Codrescu – một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng người Mỹ gốc Rumani: Trong vai trò của một vị thầy, Thích Nhất Hạnh làm mọi cách để ẩn danh, trong khi những người khác thì làm mọi cách để nổi tiếng.

Sinh năm 1926, xuất gia đã được 53 năm, Thiền sư Thích Nhất Hạnh dành trọn cuộc đời mình để thực tập và truyền trao Đạo Bụt Dấn Thân – đây là sự kết hợp giữa đạo Bụt truyền thống và thiền, pháp môn hiện pháp lạc trú và hành động trên căn bản từ bi để chăm sóc cho tự thân và cho xã hội. Năm 1967, Thầy được Mục sư Martin Luther King đề cử cho giải Nobel Hòa bình vì những cống hiến của Thầy trong công cuộc vận động hòa bình cho Việt Nam.

Arnie Kotler có vẻ là người có đủ thông tin để trả lời cho những câu hỏi của tôi về Thầy Nhất Hạnh. Ông Kotler đã tham gia ấn hành rất nhiều quyển sách trong số 75 đầu sách của Thầy Nhất Hạnh. Ông cũng là một thành viên ban điều hành Cộng đồng sống chánh niệm (Community of Mindful Living) – một tổ chức phi lợi nhuận, đỡ đầu cho khoảng hơn 100 nhóm sinh viên trên thế giới đem chánh niệm vào mỗi phút giây của cuộc sống hàng ngày, theo truyền thống của Thầy Nhất Hạnh.

“Thầy là một thiền sư”, Kotler nói. “Thầy sống ở Làng Mai, một cộng đồng sống tỉnh thức gần Bordeaux, nước Pháp. Thầy đến từ Việt Nam, một nước Đông Dương, có thể vì vậy mà mọi người cho rằng Thầy theo truyền thống Nam tông. Thầy hay nhắc mọi người rằng Đông Dương chịu ảnh hưởng của cả Ấn Độ lẫn Trung Hoa, và đặc biệt là đạo Bụt Ấn Độ có ý nghĩa rất quan trọng đối với Thầy.”

Kotler nói rằng nhìn Thầy Nhất Hạnh trong bối cảnh đó thì sẽ dễ hiểu hơn “bởi vì ở Tây phương hễ nói tới thiền thì nghĩ ngay tới thiền Nhật; thế nhưng đó chỉ là một hình thái của thiền mà thôi. Thầy thuộc thế hệ thứ 42 của tông Lâm Tế – tông phái này có nguồn gốc từ Trung Quốc, đời nhà Đường. Một thiền phái ở Việt Nam có nguồn gốc từ tông Lâm Tế là phái Liễu Quán.

“Thầy là thế hệ thứ 8 của phái Liễu Quán và Thầy đã thấm nhuần tinh hoa của những truyền thống thiền này. Trong những năm 60, khi hoạt động mạnh nhất cho hòa bình, Thầy đã thành lập dòng tu Tiếp Hiện.”

Điều này giải thích tại sao có một nhóm kiệt xuất gồm các giáo viên, những người cầm bút và các nhà hoạt động có năng lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã và đang đồng hành cùng với sự phát triển của phong trào Đạo Bụt Dấn Thân do Thầy Nhất Hạnh khởi xướng: Joan Halifax, Joanna Macy, Deena Metzger, Bell Hooks, Wendy Johnson, Maxine Hong Kingston và nhiều người khác nữa. Chuyến hoằng hóa tại San Francisco mới đây của Thầy Nhất Hạnh đã làm xuất hiện các vị thầy ưu tú như Jack Kornfield, Sylvia Boorstein và Ram Dass.

Tại Spirit Rock, một trung tâm thực tập ở quận Marin do Jack Kornfield và một số giáo thọ khác thành lập, Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn một ngày quán niệm, thu hút hơn 2.000 người đến tham dự.

Thật may mắn cho tôi, nhờ quá giang chung một chuyến xe mà tôi đã gặp được những người bạn mới, do vậy tôi đỡ cảm thấy cô đơn trong một đám đông quá lớn như thế. Phong cảnh tuyệt đẹp – các dãy núi nối nhau, rừng cây và đồng hoang. Sự kiện này là một thí dụ vượt trội của đạo Bụt Bắc Mỹ. Thời khóa của một ngày sinh hoạt ngoài trời gồm thiền tọa, thiền hành, thiền ca, ăn cơm yên lặng, thiền ăn táo do Ed Brown hướng dẫn; và Thầy Nhất Hạnh cho một bài pháp thoại dài và lôi cuốn mà sau đó đã trở thành một Bài thuyết giáo ở thung lũng Vale (Sermon in the Vale là tên bài hát nổi tiếng của ban nhạc Rock tên Golden Apes xuất phát từ Berlin, Đức).

“Ngày nay, sự truyền thông đã lan rộng khắp nơi trên thế giới,” Thầy Nhất Hạnh nhấn mạnh. “E-mail, fax, máy nhắn tin – người ta có thể liên lạc một cách dễ dàng từ Tokyo đến New York trong vòng nửa phút. Vậy mà trong gia đình, hoặc giữa hàng xóm với nhau, giữa vợ chồng, bạn bè với nhau, sự truyền thông đích thực vẫn rất khó khăn. Người ta tiếp tục càng lúc càng có nhiều khổ đau.

“Thời đại của chúng ta có rất nhiều người trẻ không cảm thấy kết nối với bất cứ thứ gì, vì vậy họ tìm kiếm một cái gì đó để xoa dịu như rượu, thuốc phiện, tiền hoặc quay về hướng chiếc ti-vi để bị xâm chiếm bởi bạo động và bất an. Vậy thì giáo pháp có thể giúp những người bị tổn thương tinh thần hay rối loạn tâm lý như thế nào?”, Thầy hỏi.

“Bồ tát Quán Thế Âm là người giỏi lắng nghe, lắng nghe với tâm từ bi,” Thầy gợi ý. “Chúng ta cần phải khôi phục lại cách nói năng và cách lắng nghe nhau như trong một gia đình thân thương. Nhưng khoa học kỹ thuật có thể giúp gì trong chuyện này? Tôi thấy chúng ta cần thực tập, lắng nghe trong chánh niệm. Một trái tim mở rộng lắng nghe là một bông hoa nở trên cây thực tập.”

Nghe pháp thoại của Thầy Nhất Hạnh, người ta dần dần làm quen với tiếng chuông – một phần không thể tách rời trên con đường thực tập của Thầy. Tiếng chuông chánh niệm là tiếng gọi của tổ tiên tâm linh. Thầy dạy: “Tiếng chuông gọi ta trở về với ngôi nhà đích thực trong phút giây hiện tại – về với sự rỗng rang. Khi thực tập tương tức, ta sẽ có bình an, vững chãi, thảnh thơi – cội nguồn của hạnh phúc. Sự thực tập vô ngã giúp ta phát hiện ra bản chất của không.”

Thầy Nhất Hạnh khuyên ta nên học hỏi và tụng niệm Tâm kinh Bát Nhã như một phương tiện để đạt đến cái thấy là tất cả mọi vật đều trống rỗng, không có tự tánh riêng biệt, nhưng đồng thời lại đầy cả vũ trụ vạn hữu trong đó. Trong pháp giới này, Thầy nói “Sinh, tử, có, không đều không thực sự tồn tại.” Tất cả những cái đó chỉ đơn giản là những ý niệm, và sự thực tập Tâm kinh là sự thực tập lấy đi hết mọi ý niệm.

Càng lúc càng thấy rõ là điều Thầy Nhất Hạnh truyền dạy không phải chỉ là “Phật giáo” mà là chuyên trì thiền tập. “Lắng nghe sâu”, “tiếp xúc sâu sắc”, “nhìn sâu” – sự giảng giải của Thầy về thiền Minh sát (Vipashyana) rất dễ dàng cho người theo Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, Lão giáo hoặc các truyền thống tâm linh khác áp dụng, như cho chính người Phật tử. Nhìn vào những ghi chép của tôi trong chín ngày đi theo, lắng nghe và ngồi trong sự hiện diện của Thầy, tôi nhận ra rất hiếm khi Thầy chia sẻ nhiều về mặt giáo lý – một điểm làm cho những người Phật tử thuần thành phải nhướng đôi mày.

“Đúng vậy, Thầy không nói nhiều về giáo lý Phật giáo”, Arnie Kotler đồng ý. “Thầy nói về phương pháp thực tập. Như Trungpa Rinpoche trong quyển sách đầu tay của ngài, Meditation In Action (Thiền trong hành động), đã cho chúng ta biết rằng thiền tập là sự thực tập cốt lõi của đạo Bụt. Đây cũng chính là nội dung chủ yếu mà Thầy Nhất Hạnh cống hiến: Thiền tập trong đời sống”.

“Thầy có phải là một người có sức thu hút đặc biệt không?”, một người bạn cũ thông tuệ nhưng sức khỏe càng ngày càng kém, hỏi vào một buổi chiều chúng tôi ngồi tại công viên Kim Môn ở San Francisco.

“Không” tôi trả lời, hơi ngạc nhiên vì câu trả lời của chính mình. “Không phải theo cái nghĩa thông thường. Nhưng Thầy ấy là thứ thiệt. Và Thầy là một nhà thơ. Bạn bè người Việt của tôi gọi Thầy là một vị Phật sống.”

Là một người tập võ thuật trong nhiều năm, tôi yêu thích những bậc thầy như Diogenes – triết gia Hy Lạp cổ đại và Trang Tử. Những vị này khi gặp gỡ các quân vương đều trở nên nổi tiếng vì phong cách rất độc đáo của họ. Và điều này cũng đã xảy ra khi Thầy Nhất Hạnh phát biểu tại Diễn đàn Tình hình Thế giới, lần này là trước ngài Gorbachev và những đại biểu nổi tiếng.

“Một mình trí năng thì không đủ để hướng dẫn chúng ta,” thiền sư tuyên bố với các đại biểu một cách khiêm cung. “Để định hình tương lai cho thế kỷ XXI, chúng ta cần thêm một cái khác. Không có bình an và hạnh phúc, ta không thể chăm sóc cho chính mình, không thể chăm sóc cho những loài khác, và không thể chăm sóc cho thế giới.

“Vì vậy ta cần sống như thế nào để có mặt thật sâu sắc trong mỗi khoảnh khắc, luôn sống và nuôi dưỡng tuệ giác tương tức, đây là điều vô cùng quan trọng.”

Rải rác trong bài thuyết trình của Thầy Nhất Hạnh là những tư tưởng mà Thầy đã trình bày trong cuốn sách mới xuất bản Living Buddha, Living Christ (Bụt ngàn đời, Chúa ngàn đời). Trong tác phẩm này, Thầy đã trình bày thật xuất sắc quan niệm của mình về chất thánh – hay năng lượng thánh linh – mà người phương Đông hay phương Tây cũng đều có thể tiếp xúc được. Quyển sách mới này đã thiết lập nền tảng cho “Phật pháp trong một Thế giới mới” (New World Dharma), ý tưởng được đề cập tới trong các bài viết nổi tiếng trong những năm gần đây như Pacific Shift (tạm dịch: Sự chuyển dịch về Thái Bình Dương) của William Irwin Thompson, Practice of the Wild (tạm dịch: Những bài học từ thế giới hoang dã) của Gary Snyder, và Dharma Gaia – tinh yếu của Phật giáo về sinh môi – của Alan Hunt Badiner.

“Theo tôi, chánh niệm cũng tương đương như Chúa Thánh Thần (Holy Spirit) trong Cơ Đốc giáo”, thiền sư giải thích với thính chúng gồm những người có quyền lực. “Tất cả chúng ta ai cũng có hạt giống của Chúa Thánh Thần trong mình; đó là khả năng trị liệu, chuyển hóa và thương yêu. Nơi đâu có khổ đau, nơi đó chánh niệm sẽ đáp ứng bằng năng lượng của từ bi và hiểu biết. Từ bi chính là điểm gặp gỡ giữa hai dòng sông tâm linh – Phật giáo và Cơ Đốc giáo”.

“Trong truyền thống của Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo, ta được học cách sống trong sự hiện diện của Thượng đế,” Thầy xác nhận. “Tương đương trong đạo Bụt là sự thực tập nuôi lớn chánh niệm, sống sâu sắc mỗi giây phút trong năng lượng của thánh linh. Nếu ta thay đổi cách sống hàng ngày – trong cách suy nghĩ, nói năng và hành xử – là ta bắt đầu thay đổi thế giới.

“Đây là điều mà tôi đã thảo luận với Mục sư Martin Luther King nhiều năm về trước; sự thực tập chánh niệm không chỉ là những giờ thiền trong im lặng, mà là từng giây phút của cuộc sống hàng ngày. Những vị thầy khác, như Thánh Basil, từng nói rằng ta có thể cầu nguyện trong khi làm việc, và ở Việt Nam, chúng tôi đã tạo ra một “Đạo Bụt Dấn Thân” để có thể tiếp tục nếp sống thiền quán trong khi giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh. Chúng tôi làm việc để giúp giảm thiểu khổ đau trong khi vẫn cố gắng duy trì chánh niệm của mình.

“Vì vậy, để kết thúc bài chia sẻ này, tôi muốn nói rằng sự thực tập nhìn sâu không có nghĩa là thụ động, không làm gì cả. Bởi vì cái hiểu, cái thấy do sự thực tập nhìn sâu mang lại sẽ khiến ta trở nên rất năng động. Bất bạo động không có nghĩa là không làm gì cả. Nó có nghĩa là ta hành động với tình thương và từ bi, ta sống như thế nào để con cháu chúng ta còn có một tương lai. Xin cảm ơn quý vị.”

Và điều đó đã xảy ra. Ngôn ngữ và quyền lực tạm thời lắng xuống để giây phút tĩnh lặng kéo dài thành một sự im lặng sấm sét. Không còn gì để nói. Vị thầy tu chỉnh đốn lại tư thế, đứng lên và rời khỏi khán phòng, cũng lặng lẽ như khi ông đến. Tôi sẽ nhớ mãi điều này.

Trước đó, trong một buổi viếng thăm, tôi đã hỏi Thầy về bí ẩn của cái chết: Điều gì sẽ xảy ra khi ta chết? Thầy Nhất Hạnh là người biết cách khôi hài. “Không có gì sinh ra. Không có gì mất đi. Đó là một tuyên bố của Lavoisier – một người không phải là Phật tử,” trong câu trả lời của Thầy có thấp thoáng một nụ cười. “Nhưng như ta biết, người Phật tử cũng được tạo thành bởi những yếu tố không phải của Phật giáo…”

Tại diễn đàn, có tiếng hát của các sư cô – đệ tử của Thầy – từ một nơi gần bên vẳng đến. “Thở vào… thở ra,” họ hát, “Thở vào… thở ra.” Rồi tiếng hát vọng lên trên các phòng họp của tòa khách sạn cũ mà sang trọng: “Không gian thênh thang, không gian thênh thang…”

Trong một thoáng, tôi nghĩ đến Thánh Francis của Assisi, rồi nhìn các đại biểu trong khán phòng đang không nói nên lời, tôi có thể thề rằng mình đã thấy cả vũ trụ mỉm cười.

Nguồn: https://www.lionsroar.com/mindfulness-bell-a-profile-of-thich-nhat-hanh/

 

[1] Đây là cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn về Tình trạng Thế giới (State of the World Forum) diễn ra từ ngày 27.9 – 1.10.1995 tại San Francisco, Mỹ .