Có Bụt trong ta

 

Andrea Miller

(Đăng trên tờ Lion’s Roar – trước đây là tờ Shambhala Sun – ngày 13.11.2013)

Trong suốt thời gian tham dự khóa tu tại tu viện Bích Nham, tôi hay thắc mắc về một ngôi nhà nhỏ đơn sơ mà các thầy, các sư cô gọi là “cốc” của Thầy. Mãi rồi vào ngày cuối cùng, tôi đã được mời vào bên trong ngôi nhà ấy. Tôi thấy một căn phòng ấm cúng sáng hẳn lên nhờ các cành hoa phong lan, một bức hình Bụt đang bắt ấn địa xúc, một chân nến với những ngọn nến trắng thuôn dài và được trang trí bằng họa tiết chim muông.

Thầy đang ngồi nơi một cái bàn thấp, thô sơ. Tôi được hướng dẫn đến ngồi trên một bồ đoàn cạnh Thầy. Trong suốt cuộc phỏng vấn, Thầy đã tiết lộ những chi tiết riêng tư về gia đình, về cuộc đời của một vị thiền sư rất lỗi lạc mà không phải ai cũng biết. Thầy cũng giải thích tại sao Bụt luôn luôn thuyết pháp – nếu ta có một đôi tai và một cặp mắt chánh niệm thì ta sẽ nghe thấy. Ngồi với Thầy được một lúc thì Jo Confino, ký giả của tờ báo The Guardian, Anh quốc đến tham gia. Và câu chuyện chuyển qua đề tài làm thế nào để thiền tập có thể đem lại ích lợi cho các doanh nhân, các công ty và cho xã hội.

Khi các bạn đọc những dòng ghi lại buổi phỏng vấn này, xin lưu ý rằng có một điều mà tôi không thể ghi lại trên mặt giấy, đó là nụ cười tươi vui thường xuyên nở trên gương mặt của Thầy.

Thưa Thầy, vai trò của một người thầy trên con đường thực tập tâm linh là gì?

Một người bạn, một người đồng đạo và ngay chính bạn cũng có thể là một người thầy. Người thầy là người có thể giúp bạn tu tập và có nhiều tự do hơn – thậm chí bạn có đủ tự do để không còn bám víu vào vị thầy đó nữa.

Bạn phải thông minh và không nên phụ thuộc vào vị thầy của mình. Nếu bạn theo vị thầy ấy một cách mù quáng thì không tốt chút nào. Không có người thầy nào là hoàn hảo. Bạn có thể học những điều hay từ thầy, và bạn cũng có thể giúp cho thầy mình tốt hơn. Chẳng bao lâu, bạn sẽ tìm thấy người thầy trong chính tự thân và bạn có thể theo người thầy đó.

Vì thế một người thầy giỏi là một người giúp bạn không phụ thuộc vào vị ấy suốt đời. Đó là lý do tại sao Bụt nói trước khi nhập diệt: “Quý vị phải thực tập làm hải đảo tự thân, biết nương tựa nơi chính mình mà đừng nương tựa vào một ai khác”.

Có như vậy bạn sẽ không bị bơ vơ khi thầy của bạn không còn trong hình tướng này nữa, bởi vì bạn sẽ thấy rằng thầy luôn có trong bạn và trong tất cả các đệ tử của thầy. Khi tôi viết thư pháp, có khi tôi mời thầy của tôi lên viết cùng tôi, và thầy trò cùng viết rất là vui. Thở vào, vẽ nửa vòng tròn. Thở ra, vẽ nửa vòng còn lại. Khi tôi mỉm cười, thầy của tôi cũng mỉm cười.

Tôi cũng mời tất cả những vị thầy trong quá khứ cùng vẽ vòng tròn thư pháp với tôi, và tôi biết rằng bàn tay này không chỉ là bàn tay của tôi. Bàn tay này đồng thời cũng là bàn tay của cha, của mẹ tôi. Đôi khi tôi mời tất cả bạn bè của tôi cùng viết với tôi, bởi vì họ cũng là tôi.

Thầy có thể kể một chút về cha của Thầy?

Cha của tôi từng là một viên quan trong quân đội của triều đình nhà Nguyễn. Khi ấy ở Việt Nam, nhà vua và triều đình bị người Pháp khống chế, vì vậy nhiệm vụ chính của cha là đi tìm kiếm những vùng đất thích hợp cho người dân nghèo có thể tái định cư. Cha thích công việc ấy. Lâu lâu tôi được theo mẹ đi thăm cha ở những vùng rất xa trên núi.

Cha tôi mang theo một cái chuông và một số kinh để tụng. Cha muốn thực tập đạo Bụt, nhưng vì luôn bận rộn nên cha không thực hiện được. Tôi thấy rất vui vì giờ đây tôi có thể làm việc đó cho cha.

Sở dĩ tôi có thể làm như thế bởi tôi cũng như tất cả các bạn đều là sự tiếp nối của cha mẹ và ông bà tổ tiên. Đó là sự thật. Khi bạn đi thiền hành, tất cả những vị ấy cùng đi với bạn. Khi bạn bước những bước chân bình an, hạnh phúc, họ cũng vậy. Bạn không phải là một cái ngã riêng biệt, vì vậy bạn có thể thực tập cho tất cả tổ tiên của bạn. Nếu bạn đã gặp được pháp môn tu tập và có chuyển hóa, trị liệu thì tất cả tổ tiên của bạn cũng được lợi lạc. Vì vậy tôi thấy cha mẹ trong tôi đang rất hạnh phúc.

Thầy có nói trong pháp thoại là mẹ của Thầy bị sẩy thai một lần trước khi có Thầy. Khi còn nhỏ Thầy nghĩ là em bé bị mất đó chính là Thầy, và mẹ bị sẩy thai bởi vì Thầy chưa sẵn sàng để ra đời. Con tự hỏi không biết bây giờ Thầy nghĩ sao về em bé bị mất đó. Một em bé mất trước khi chào đời vẫn tiếp tục được tái sinh có phải vậy không?

Em bé đó không phải là một thực thể riêng biệt. Em bé được làm nên bởi cha, mẹ và nhiều yếu tố khác. Vì vậy những yếu tố này sẽ hội tụ lại và em bé biểu hiện sau này không hẳn là em bé đã mất khi xưa, mà cũng không hẳn là một em bé hoàn toàn mới.

Nếu bạn buồn đau khi mất em bé, đó là vì bạn bị kẹt vào ý niệm về ngã. Chính tuệ giác vô ngã sẽ giải phóng cho bạn khỏi buồn đau. Bạn không có một cái ngã riêng biệt và em bé nhỏ xíu đó cũng không có ngã. Cũng giống như khi bạn cố gắng xây một lâu đài bằng cát, nếu điều kiện không đủ thì lâu đài cát đó sẽ sụp đổ. Bạn có thể xây một lâu đài khác, nhưng bạn không thể nói đây là một lâu đài khác, bởi vì nó cũng được làm từ cùng vật liệu. Không có cái gì mất đi cả.

Xin Thầy chia sẻ một chút về thiền ở Việt Nam. Thiền Việt Nam có những đặc điểm nào để phân biệt với các dòng thiền đang được thực tập ở các nước khác?

Vào nửa đầu thế kỷ thứ III, có một tu sĩ Phật giáo – sinh ra tại Việt Nam – đã trở thành một thiền sư, đó là thiền sư Tăng Hội. Đây là một người có thật trong lịch sử, không phải như đức Bồ Đề Đạt Ma – người được các truyền thống cho rằng đã đem dòng thiền tới Trung Hoa vào thế kỷ thứ VI. Rất nhiều sự kiện đã được tưởng tượng hoặc sáng tác ra về cuộc đời của đức Bồ Đề Đạt Ma. Trong khi đó thiền sư Tăng Hội đã để lại các bài viết hiện vẫn còn được lưu giữ.

Thiền ở Việt Nam là sự tiếp nối của những điều mà thiền sư Tăng Hội đã dạy. Ở Việt Nam có khuynh hướng là lúc nào cũng dựa trên các kinh nguyên thủy. Khi thiền sư Tăng Hội dạy thiền, phần lớn ngài sử dụng các kinh nguyên thủy nhưng giảng dạy theo tinh thần của đạo Bụt đại thừa. Vì vậy ở Việt Nam chúng tôi được thừa hưởng điều đó. Không bao giờ quá bay bổng mà mất đi gốc rễ.

Thiền tập ở Việt Nam đồng thời cũng có tính cách nhập thế. Chúng tôi đã có những vị vua tu thiền và thường cung thỉnh những thiền sư cao đức đến hoàng cung để tham vấn. Các vị vua này lúc nào cũng có một thiền đường trong cung điện và áp dụng rất rốt ráo giáo lý cũng như sự thực tập đạo Bụt vào trong chính sự. Vua Trần Nhân Tông vào thế kỷ thứ XIII đã nhường ngôi lại cho con trai để trở thành một ông thầy tu Phật giáo. Ngài chăm lo phần tâm linh cho dân tộc và để con trai chăm sóc đất nước về phương diện chính trị. Ngài đã du hành đến vương quốc Champa để giao hòa. Vương quốc này nằm trên phần đất nay thuộc miền Trung Việt Nam và theo Ấn Độ giáo. Ngài đi bộ khắp cả nước để dạy dân chúng thực hành Năm giới và bỏ bớt những hủ tục mê tín.

Vì vậy tinh thần đạo Bụt ở Việt Nam là chính trị và tâm linh yểm trợ lẫn nhau. Tâm linh không hề tách rời thế giới thực tại. Thiền tập không phải là để trốn tránh thực tại.

Tại sao cần phải làm mới đạo Bụt?

Xã hội luôn thay đổi. Người trẻ có rất nhiều khổ đau và hoang mang. Nếu ta muốn họ ngồi đó chiêm nghiệm về những công án thiền như tiếng vỗ của một bàn tay, hoặc hỏi họ con chó có tính Bụt hay không thì làm sao họ chịu nổi. Nếu cứ tiếp tục giảng dạy như vậy thì họ sẽ bỏ đi. Đạo Bụt ở Hàn Quốc và Nhật Bản không còn thu hút được nhiều người là vì vậy.

Trong lịch sử đạo Bụt, các vị thầy đã cống hiến giáo pháp một cách khế lý, khế cơ để đáp ứng lại nhu cầu của thời đại mà các vị đang sống. Sở dĩ các vị tổ sáng chế ra thiền công án, thiền mặc chiếu là vì những pháp môn này thích ứng với thời đại đó. Thế nhưng khi những pháp môn ấy không còn hiệu quả nữa thì tại sao phải giữ chúng lại?

Sự thực tập đạo Bụt của chúng ta phải đáp ứng được, giải quyết được những khổ đau của con người trong xã hội hiện đại. Đó là lý do tại sao những phương pháp thực tập về truyền thông và hòa giải rất quan trọng. Những phương pháp này rất dễ hiểu, thậm chí trẻ con cũng có thể hiểu được. Nhưng điều đó không có nghĩa là những phương pháp này không dựa trên nền tảng giáo lý đạo Bụt vững chắc. Nền tảng của chúng là vô ngã, vô thường và tương tức.

Chúng ta phải là những đệ tử thông minh của Bụt. Ta phải biết sử dụng giáo pháp một cách hữu hiệu, phải biết trình bày giáo lý và sự thực tập như thế nào để người ta có thể áp dụng và đem lại sự chuyển hóa.

Như tôi đã nói, đạo Bụt Việt Nam rất gần với đạo Bụt Nguyên thủy, nhưng chúng tôi biết kết hợp với tinh thần của đạo Bụt Đại thừa. Có rất nhiều châu báu trong đạo Bụt Đại thừa. Thí dụ như trong đạo Bụt Nguyên thủy, thân Bụt chính là báo thân, là thân của một con người. Nhưng trong đạo Bụt Đại thừa, thân Bụt đích thực chính là pháp thân, là nền tảng bản thể cho tất cả mầu nhiệm của vũ trụ và thân đó không bao giờ hoại diệt.

Nếu ta biết cách lắng nghe trong chánh niệm, ta sẽ thấy rằng Bụt chưa bao giờ ngừng thuyết pháp. Trái đất này chính là một bài pháp tuyệt vời của Người. Gió, hoa, cỏ cây đang không ngừng thuyết pháp về vô thường và vô ngã. Đó chính là thân của Bụt, thân này không bao giờ hoại diệt. Vì vậy nếu ta có đôi mắt và đôi tai chánh niệm, ta sẽ tiếp tục thấy Bụt. Điều này cũng gần với quan niệm Thiên quốc đang có mặt ngay bây giờ và ở đây trong Cơ Đốc giáo. Ta thậm chí có thể giúp cho các đạo hữu Cơ Đốc giáo thay đổi quan niệm về Thiên quốc. Thượng đế có thể là pháp thân, thân đích thực của Bụt.

Có người nói rằng một khi ai đó đã được giải thoát thì họ không còn tạo nghiệp nữa. Thầy nghĩ sao thưa Thầy?

Trong đạo Bụt, nghiệp gồm có ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp. Khi ta khởi lên một ý nghĩ thì đó là ta đang tạo nghiệp, có thể nghiệp thiện hoặc bất thiện. Khi ta nói một điều gì, làm một điều gì, đó cũng là tạo nghiệp.

Khi một người đã giải thoát thì nghiệp của người đó chỉ có thể là nghiệp tốt. Khi ấy, người đó không còn kỳ thị, giận dữ hay sợ hãi nữa. Vì vậy suy nghĩ, lời nói, hành động của người ấy chỉ đem lại kết quả tốt đẹp mà thôi. Sự chấm dứt luân hồi chính là sự chấm dứt những điều tiêu cực. Tại sao ta lại muốn những điều tốt đẹp phải dừng lại? Ta muốn chúng nên tiếp tục. Vì vậy sự thực tập của chúng ta là làm sao cho những điều tốt đẹp được duy trì càng lâu càng tốt. Đó chính là nghiệp lành.

Nếu nhìn Bụt, chúng ta sẽ thấy Bụt vẫn đang tiếp tục có mặt với chúng ta. Ngài đang thuyết pháp, đang làm việc, bởi vì các đệ tử của Ngài đang tiếp nối Ngài. Vậy nên Bụt vẫn đang tiếp tục tạo ra nghiệp – những nghiệp lành! Vì vậy ta không thể nói rằng vì Bụt đã giải thoát nên Ngài đã dứt nghiệp. Đó không phải là sự thật.

Trong đạo Bụt, Bụt, Pháp và Tăng được gọi là Tam Bảo. Tam Bảo liên hệ như thế nào đến sự thực tập của chúng ta?

Tam Bảo có trong ta. Bụt có trong ta. Đó chính là khả năng tỉnh thức, thương yêu, hiểu biết của mỗi người trong chúng ta. Nếu ai đó có những phẩm chất này thì người đó chính là một vị Bụt, và ta muốn có thật nhiều những vị Bụt như thế.

Ta cũng có Pháp trong ta. Những phương pháp để chế tác từ bi, hiểu biết và tự do, đó chính là Pháp. Pháp trong mỗi người có thể yếu hay mạnh, tùy thuộc vào sự thực tập của người đó.

Và để chế tác được năng lượng giải thoát, từ bi, hiểu biết một cách hùng hậu, ta cần một tăng thân, một đoàn thể. Ta xây dựng một tăng thân để cùng yểm trợ nhau nuôi lớn Bụt và Pháp trong mỗi người.

Tam Bảo rất là cụ thể, mà không phải là đối tượng của sự tín ngưỡng. Ta không thể chối bỏ sự hiện diện của Tam Bảo. Đó không phải là một cái gì ở bên ngoài ta. Bụt không phải ở trên mây. Bụt chính là sự tỉnh thức, hiểu biết và từ bi trong ta, đó chính là tính Bụt trong ta. Ta tu tập để làm tính Bụt đó lớn lên và bảo hộ ta. Đó chính là cái mà chúng ta có thể nương tựa. Điều đó rất khoa học.

Trong đạo Bụt có đạo Bụt tín mộ và đạo Bụt tuệ giác. Đối với đạo Bụt tín mộ, người ta nghĩ rằng Tam bảo ở bên ngoài họ. Sự tín ngưỡng đó mang lại lợi ích cho họ. Tuy nhiên, có một đạo Bụt sâu sắc hơn – một đạo Bụt tuệ giác – đó là khi ta có thể chế tác ra được năng lượng của Bụt cho chính mình và cho cộng đồng của mình. Đạo Bụt tuệ giác này có khuynh hướng bị mất đi, nhường chỗ cho đạo Bụt tín mộ, vì vậy ta phải cố gắng giúp cho đạo Bụt tuệ giác được tiếp tục. Nếu không thì đạo Bụt sẽ trở thành một tôn giáo như bất kỳ tôn giáo nào khác, chỉ dựa trên sự cứu độ của một đấng quyền năng tối thượng.

Trong chuyến hoằng pháp tại Bắc Mỹ, Thầy có gặp gỡ với một số Giám đốc Điều hành (CEO) của các công ty hàng đầu về công nghệ. Thầy nghĩ sao khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên của họ học hỏi về thiền?

Chúng ta không cần phải lo lắng về vấn đề liệu thiền có bị lợi dụng để làm tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp. Sự thực là thiền chỉ có thể đem lại lợi ích mà thôi. Thiền không chỉ giúp làm lắng dịu cảm xúc mà còn đem lại cho ta một cái thấy chân thực về chính bản thân và về thế giới. Nếu doanh nghiệp của bạn gây ra những vấn đề về môi sinh mà bạn lại là một thiền giả, thì bạn sẽ biết vận hành doanh nghiệp như thế nào để giảm thiểu tác hại đến môi trường thiên nhiên. Khi bạn có được những cái thấy (hay tuệ giác) nhờ thiền tập thì tự nhiên bạn sẽ muốn vận hành doanh nghiệp làm sao để cho thế giới này bớt khổ đau.

Vì vậy không cần lo là thiền tập sẽ phục vụ cho sự bất thiện. Thiền tập có thể giúp thay đổi từ bất thiện sang hảo ý.

Xin Thầy chia sẻ cái thấy của Thầy về sự cạnh tranh trong doanh nghiệp, trong chính trị và trong đời sống cá nhân?

Rất nhiều người trong chúng ta tin rằng hạnh phúc chỉ có được khi mình giành được vị trí số một, mình vượt thắng tất cả những người khác. Nhưng mình đâu cần phải là số một mới có hạnh phúc. Thầy không muốn mình là số một (cười).

Ta cần phải xem lại ý niệm của ta về hạnh phúc. Thậm chí ngay khi ta thành công và kiếm được nhiều tiền, ta vẫn khổ đau như thường. Trong khi đó có thể đối thủ cạnh tranh của ta không làm ra nhiều tiền bằng ta nhưng họ lại hạnh phúc hơn. Vậy thì ta chọn hạnh phúc hay thành công theo kiểu đó?

Có hạnh phúc chính là một thành công đích thực. Khi có hạnh phúc, bạn không cần phải cạnh tranh nữa. Bạn cạnh tranh là vì bạn không có hạnh phúc. Thiền tập có thể giúp bạn bớt khổ đau và sống hạnh phúc hơn.

Trong xã hội của chúng ta, có vẻ như tất cả mọi thứ đều tăng tốc, và mọi người cảm thấy bị quá tải. Vấn đề là ở chỗ người ta tin rằng hạnh phúc nằm ở tương lai. Nhưng nếu bạn dừng lại đừng chạy nữa, đừng tăng tốc nữa, thì bạn sẽ tìm được hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Hạnh phúc chân thực không thể có được nếu thiếu sự bình an. Nếu bạn cứ tiếp tục chạy, làm sao bạn có được bình an? Chúng ta thường chạy trốn bản thân, gia đình và xa rời thiên nhiên. Xã hội bây giờ là như vậy. Chúng ta sợ phải quay về với chính mình để chăm sóc tự thân. Chúng ta không có thì giờ để chăm sóc những người thương của chúng ta. Và ta cũng không cho phép đất Mẹ giúp ta chữa lành thương tích.

Chúng ta đắm chìm trong các thiết bị điện tử. Nhưng các công ty có thể sử dụng sự thông minh và thiện chí của họ để sáng chế ra các công cụ có thể giúp mọi người quay về với chính mình để trị liệu. Thí dụ như một thiết bị có thể nhận ra lượng adrenaline trong máu đang lên quá cao, và báo động qua một tiếng chuông, giúp ta dừng lại để thở vào, thở ra. Thiết bị đó rất là ích lợi. Nó nhắc ta rằng: Bạn đang có một cảm xúc mạnh. Hãy ngưng những gì bạn đang làm lại, ôm ấp cảm xúc của bạn và nhìn xem tại sao bạn lại có cảm xúc đó. Loại thiết bị điện tử đó sẽ giúp ta trở về với mình chứ không phải là đánh mất mình. Vì vậy ta không cần xa lánh hay vứt bỏ các thiết bị điện tử, mà trái lại có thể sử dụng chúng một cách hữu ích.

Chính tôi cũng có một cái đồng hồ “Now” (Bây giờ). Khi tôi xem giờ, bất cứ lúc nào đồng hồ cũng chỉ thời gian là “bây giờ”. Tôi có thể để đồng hồ lên tai rồi thở vào thở ra theo tiếng tíc tắc của đồng hồ. Thường thường hơi thở vào của tôi là bốn giây còn thở ra là sáu giây. Tôi ngưng lại mọi suy tư và chỉ thưởng thức hơi thở mà thôi. Vì vậy tôi đã sử dụng hữu hiệu một thiết bị điện tử rất đơn giản. Nhưng người ta cũng có thể làm ra những thiết bị hiện đại hơn nhiều để giúp cho ta thực tập.

Làm thế nào để có được một mục đích sống tích cực?

Ai cũng muốn làm việc tốt bởi vì ai cũng có tính Bụt trong tự thân. Khi tìm ra được một con đường giúp ta làm những việc tốt, ta sẽ thấy lòng mình bình an và hạnh phúc. Nhưng ta phải dùng trí thông minh của mình để tìm ra con đường đó. Con đường đúng đắn, con đường lành thì đối lập với con đường bất thiện. Con đường bất thiện luôn đem lại cho ta khổ đau. Vì vậy thay vì có cái nhìn lệch lạc, sai lầm, ta muốn có một cái nhìn đúng đắn. Thay vì suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực, ta muốn phát khởi tư duy đúng đắn – nghĩa là tư duy với tâm từ bi và hiểu biết.

Khi nhìn một con đường không đúng đắn, ta có thể thấy được những con đường khác. Vì vậy nhìn vào khổ đau, ta có thể thấy được con đường của hạnh phúc. Đó là giáo lý của Tứ diệu đế. Bạn không cần phải là Phật tử mới có thể hiểu được điều này. Cái mà bạn cần làm là dành thời gian để nhìn sâu vào khổ đau và hạnh phúc của chính bạn.

Theo Thầy thì chìa khóa của hạnh phúc là gì?

Một sinh viên có thể nghĩ rằng mình sẽ không thỏa mãn cho đến khi có bằng đại học. Nhưng khi có tấm bằng rồi, em chỉ hạnh phúc được vài ngày trước khi nói: “Mình cần phải tìm việc làm và mua một cái nhà”. Vậy nên, không có gì thỏa mãn được một người nếu người đó lúc nào cũng chạy về tương lai.

Dừng lại và học cách sống hạnh phúc trong hiện tại chính là chìa khóa. Ta gọi đó là vô nguyện hay vô tác. Đó chính là giải thoát. Vì vậy một sinh viên có thể rất hạnh phúc ngay cả khi chưa lấy được bằng đại học. Những điều kiện của hạnh phúc luôn có sẵn trong hiện tại, nhưng có thể bạn không biết làm sao để tận hưởng chúng. Bạn không nhận diện được chúng và vì vậy bạn đi tìm hạnh phúc ở tương lai.

Giáo lý của đạo Bụt là giáo lý tỉnh thức. Xã hội của chúng ta đang rất cần một sự tỉnh thức tập thể để có thể ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay. Vì vậy sự thực tập tỉnh thức cần phải xảy ra trong mỗi bước chân, ở khắp mọi nơi. Một khi có sự tỉnh thức, bạn biết rằng bạn đang đi trên con đường của hạnh phúc. Bạn không còn khổ đau nữa, và bạn có thể giúp rất nhiều người làm được như vậy.

Nguồn: https://www.lionsroar.com/you-have-the-buddha-in-you-an-interview-with-thich-nhat-hanh-january-2014/