Chữa lành vết thương chiến tranh
Velcrow Ripper
(Đăng trên tạp chí Lion’s Roar – trước đây là Shambhala Sun – ngày 1.9.2007)
Nhà làm phim Velcrow Ripper tường thuật chuyến đi lịch sử về thăm quê hương của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, chuyến trở về đã thu hút hàng vạn người cùng tới để hồi sinh sự thực tập đạo Bụt và chữa lành vết thương chiến tranh.
Ý về muôn vạn nẻo
Thiền lộ tâm an nhiên
Từng bước gió mát dậy
Từng bước nở hoa sen
– Thích Nhất Hạnh –
Trong tận cùng tăm tối của thời kỳ bom napalm, của bom trải thảm và chất độc màu da cam, một bông hoa đã hé cánh trong hình dạng của một tu sĩ Phật giáo trẻ với cái tên Thích Nhất Hạnh. Thay vì đóng cửa trái tim trước thảm kịch chiến tranh Việt Nam, người tu sĩ đó đã làm ngược lại, Thầy đã mở lòng ra để tiếp xúc với nguồn sức mạnh vô biên. Thầy đã khơi nguồn cho tình thương đích thực, và trong khi làm như vậy, Thầy đã khởi đầu cho một phong trào mà sau này đã lan rộng trên toàn thế giới, đó là phong trào Đạo Bụt Dấn Thân.
Thầy, như mọi người vẫn thường trìu mến gọi, nhận ra rằng tình thương đích thực phải bắt đầu với sự thực tập nhìn sâu, phải biết xóa tan trong tâm mình các tri giác, định kiến để nhường chỗ cho không gian trong tâm thức. Với một tâm hồn rỗng rang, vắng lặng mọi ảo tưởng, thì lòng từ bi, sự dũng cảm, niềm an lạc và tuệ giác sẽ có không gian để biểu hiện. Và tình thương đích thực sẽ xuất hiện.
Với hiểu biết từ kinh nghiệm trực tiếp về tính tương quan, tương duyên giữa mọi hình thái của sự sống – cái mà Thầy gọi là “tương tức” – Thầy vượt khỏi tư tưởng hay sự quán chiếu đơn thuần để tiến tới hành động. Ngay trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Thầy đã sáng lập dòng tu Tiếp Hiện, xuất bản một tờ báo quan trọng vận động cho hòa bình, và thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH) – một đoàn thể gồm những người được giáo lý của đạo Bụt thức tỉnh và thôi thúc họ trở thành “hoa sen trong biển lửa”. Thầy đã khai sinh ra nền Đạo Bụt Dấn Thân, một phong trào bắt nguồn từ đất nước Việt Nam nhỏ bé mà nay đã lan rộng trên toàn thế giới.
Năm 1966, ở tuổi 40, Thầy bị lưu đày khỏi quê hương Việt Nam thân yêu. Tội của Thầy là đã thấy được khổ đau của cả bên này và bên kia, của những người lính và dân thường, nạn nhân và tội phạm đều tương tức với nhau. Thầy đã khơi dậy nhân tính trong lòng mọi người có liên quan tới cuộc chiến tàn khốc này.
Trong bốn thập kỷ bị lưu đày, Thầy không hề ngơi nghỉ. Thầy đi khắp thế giới truyền đi thông điệp về hòa giải và hòa bình. Sau khi chiến tranh kết thúc, Thầy đã đem những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam và những người Việt tị nạn đến với nhau để giúp họ tìm được sự hòa giải và hàn gắn. Thầy đến các nhà tù để giúp đỡ các tù nhân về mặt tâm linh, dẫn đầu các cuộc thiền hành vì hòa bình và giảng pháp, sẵn sàng đi tới tất cả những nơi cần đến tuệ giác của Thầy. Một lần, khi Thầy mới trở về từ chuyến thăm tù nhân đầu tiên ở trại cải huấn thuộc bang Maryland (những bài giảng ở đây đã làm căn bản cho cuốn sách Be Free Where You Are – Tự do ở bất kỳ nơi nào), Thầy đã nói rằng Thầy thà đến nơi tù ngục hơn là ở Tịnh độ, bởi vì chính nơi có nhiều khổ đau nhất là nơi có nhiều cơ hội nhất cho sự thực tập từ bi.
Nhưng trong những năm tháng đằng đẵng xa Việt Nam, Thầy luôn luôn lắng nghe tiếng gọi từ quê hương. Lúc này Thầy đã trở thành bậc thầy lỗi lạc trên thế giới. Sau nhiều lần xin phép, cuối cùng vào năm 2005, Thầy đã được trở về quê hương. Thầy và những thành viên trong tăng thân của Thầy đã đi xuyên đất nước Việt Nam, làm công việc khôi phục lại truyền thống tu tập đạo Bụt đã bị gián đoạn bao nhiêu năm bởi chiến tranh.
Mùa xuân năm 2007, Thầy đem tăng thân về thăm quê hương lần thứ hai. Tôi đã được tháp tùng đoàn với tư cách một nhà làm phim và ghi lại chuyến trở về lịch sử này. Trong thời gian ở đây, tôi may mắn được phỏng vấn Thầy và đã được giải thích khá dài về lý do của chuyến trở về và về những gì Thầy đang làm ở đây.
Thầy kể cho tôi rằng: “Chuyến đi này là một cơ hội trở lại Việt Nam và cùng mọi người tu tập. Trong bốn mươi năm, tôi đã không có cơ hội hiến tặng sự giảng dạy và thực tập cho đồng bào Việt Nam. Vì vậy, mục đích duy nhất của chuyến trở về lần này là được gặp mọi người, được đoàn tụ với mọi người, và được hiến tặng những khóa tu, những ngày Chánh Niệm, những bài pháp thoại và những buổi thiền hành. Phần lớn những người tới tham dự đều được sinh ra trong giai đoạn tôi xa quê hương. Nhưng khi nhìn họ, tôi vẫn có thể nhận ra thế hệ cha mẹ của họ. Họ là sự tiếp nối của cha mẹ và họ tiếp tục thực tập cho cha mẹ của mình. Thế hệ trẻ ngày nay rất có cảm hứng đối với một đạo Bụt có khả năng làm mới, vì vậy họ có thể tiếp nhận được giáo lý, hiểu, hành trì và thấm đạo.”
Nhưng Thầy còn muốn làm một điều khác nữa trong chuyến đi này: Liên hệ với những nạn nhân đã chết trong chiến tranh và giúp hàn gắn vết thương mà người dân đã phải gánh chịu trong chiến tranh. “Chúng tôi sẽ tiến hành các Trai đàn để cầu nguyện cho nạn nhân chiến tranh của cả hai phía. Đây là lần đầu tiên một trai đàn như vậy được phép tổ chức. Đó là nghi lễ truyền thống tôn giáo nhưng ở một khía cạnh khác cũng là một lễ hội.
Những người còn sống đến với nhau và tưởng nhớ tới người chết, cầu nguyện cho người chết và hòa giải. Chiến tranh đã để lại rất nhiều vết thương trong từng cá nhân và các bên lâm chiến đã không có cơ hội để hòa giải. Đây là sự thực tập hàn gắn, chữa lành mang tính cộng đồng. Nếu chúng ta không chuyển hóa những khổ đau và thương tích bây giờ thì những khổ đau và thương tích đó sẽ truyền xuống các thế hệ con cháu. Các thế hệ sau sẽ khổ đau mà không hiểu vì sao. Mình nên làm điều gì đó ngay bây giờ để chuyển hóa khổ đau và bất công mà mình đã trải qua.”
Dưới đây là câu chuyện mà tôi đã chứng kiến trong chuyến về Việt Nam năm 2007 của Thầy.
Thành phố Hồ Chí Minh
Thầy đã có cả một chương trình ba tháng dày đặc với các khóa tu, bài giảng và các Trai đàn, nói chuyện với đông đảo quần chúng đến đông kín sân chùa, hướng dẫn những khóa tu thiền có tới 10.000 người tham dự. Thầy còn đem lại cho chúng tôi niềm vinh hạnh khi được tháp tùng Thầy trong một hành trình đi sâu vào chánh niệm, tập trung vào việc hòa giải, giúp chuyển hóa những đau thương của chiến tranh thành tình thương.
Tôi tới sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày chuyến hoằng pháp bắt đầu và thấy Thầy đang ngồi trên băng ghế, bao bọc bởi các sư thầy, các sư cô cười rất tươi và rạng ngời hạnh phúc. Một thầy đeo kính tên là Pháp Ấn, một trong những đệ tử lớn của Thầy, lại gần và tôi giải thích với thầy rằng tôi là một nhà làm phim Canada đã được mời tham gia chuyến đi để sưu tầm tài liệu cho bộ phim ký sự của tôi mang tên Fierce Light: When Spirit Meets Action (tạm dịch là Sức mạnh Ánh sáng: Khi tâm linh gặp hành động). Bộ phim này ghi lại tiến trình phát triển của chủ nghĩa tâm linh hành động trên toàn cầu. Chuyến đi của tôi đã kéo dài ba tháng, với mục đích tìm kiếm những câu chuyện đang xảy ra trên thế giới mà Ghandi từng gọi là “soul force” – quyền năng tâm linh, cái mà Alice Walker gọi là “human sunrise” – bình minh nhân loại và cái mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh gọi là “love in action” – thương yêu trong hành động.
Chuyến đi của tôi bắt đầu từ New Zealand, viếng thăm một làng thực tập hòa bình của người Maori, ngôi làng mà trước đây phương thức phản kháng dân sự bất bạo động của họ đã truyền cảm hứng cho Gandhi. Ở Kenya, tôi tham dự Diễn đàn Xã hội Thế giới, cuộc họp mặt lớn nhất của những nhân vật lịch sử đã làm thay đổi thế giới. Ở Nam Phi, tôi thăm Phoenix Ashram, nơi phong trào Satyagraha (Chấp trì chân lý) của Gandhi được sinh ra. Ở Ấn Độ, tôi đến thăm những người Dalits (trước đây gọi là giai cấp cùng đinh), những người đang trong giai đoạn thay đổi và tranh đấu cho các quyền dân sự, tương tự như phong trào Dân Quyền ở Hoa Kỳ. Và ở Sri Lanka, tôi ghi hình cộng đồng Sarvadoyan, phong trào lớn nhất theo đường hướng của Gandhi ngày nay. Và giờ đây tôi đang ở Việt Nam với tăng đoàn Làng Mai cùng với một tập thể những thành viên của tăng thân quốc tế, bước vào xứ sở được coi là cái nôi của Đạo Bụt Dấn Thân.
Điểm dừng chân đầu tiên là Thành phố Hồ Chí Minh. Những đường phố của Thành phố Hồ Chí Minh được trang hoàng bởi các biểu ngữ đỏ, tràn ngập xe gắn máy và người qua lại. Ban đầu, băng qua đường tưởng như là một chuyện không thể, nhưng khi theo dõi những người bản xứ, tôi có thể thấy những dòng xe gắn máy rẽ ra như một đàn cá khi có người băng qua đường. Chỉ cần có niềm tin.
Sau bữa sáng trong im lặng với những thành viên khác của tăng thân quốc tế ở nhà hàng của khách sạn, chúng tôi lên xe bus đến chùa Pháp Vân, nơi xuất thân của Đạo Bụt Dấn Thân trong thập niên 60. Cả một rừng máy chụp ảnh đón chào sự trở về của Thầy. Thầy dẫn mọi người đi thiền hành thật chậm rãi và bình yên. Sau đó, chúng tôi đến nhà ăn để nhận áo tràng và bình bát. Tôi luôn bị thu hút bởi sự đơn giản và định tâm của những vị tu sĩ Làng Mai mà tôi được chứng kiến và tôi rất hào hứng trước cơ hội được thực tập gần như là một người tu trong vòng một tháng. Tôi nhìn quanh những người bạn cùng tháp tùng chuyến đi – 70 người nước ngoài từ khắp thế giới – tất cả đều khoác áo tràng lam, hơi ngần ngại nhưng cũng thấy thích thú bởi sự chuyển hóa đột ngột này. Chúng tôi không còn là những người thường nữa.
Đối với người dân Việt Nam, sự có mặt của tăng thân quốc tế này rất quan trọng. Nhiều người Việt đã từ bỏ văn hóa Phật giáo truyền thống, một phần có thể bởi vì họ thiếu sự tự tin. Phương Tây, qua các phương tiện truyền thông, được xem như là thiên đường, thế giới của những chiếc xe ô-tô, những sản phẩm hào nhoáng và sự giàu có dường như vô tận. Hình ảnh của một nhóm đông người Tây phương mặc áo tràng lam và thực tập Phật giáo Việt Nam đem tới cho họ niềm tự hào về văn hóa của dân tộc mình.
Sau một bữa trưa chay tịnh rất ngon miệng, ăn trong những chiếc bình bát mới, chúng tôi cởi giày và gặp nhau dưới một chiếc lều đã được dựng trước chánh điện. Sư cô Chân Không, đệ tử lâu năm và thân cận nhất của Thầy, đón tiếp chúng tôi. Năm 14 tuổi, Sư cô đã bị chấn động bởi khoảng cách bất công giữa người giàu và người nghèo. Sư cô bắt đầu đi gõ cửa từng nhà hàng xóm, nói với họ rằng “Hãy coi con như con chim mổ những hạt cơm sót trong nồi, cho con một nắm gạo, thế thôi, để chia sẻ với những ai không đủ ăn”. Sư cô đã sớm nhận ra vai trò của mình trong cuộc đời này là để thể hiện tình thương qua hành động. Nếu Thầy là thánh Francis thì Sư cô hẳn là thánh Clare.
Sư cô Chân Không là một trong sáu thành viên đầu tiên của dòng tu Tiếp Hiện và trong suốt thời kỳ chiến tranh, cùng với những thanh niên phụng sự xã hội, Sư cô đã hành động không sợ hãi vì hòa bình. Nhóm thanh niên dũng cảm này đã dấn thân vào những nơi xung đột, giúp nạn nhân chiến tranh ổn định lại cuộc sống, giúp tái thiết những xóm làng bị dội bom, xuyên qua làng mạc tan hoang trong tinh thần quả cảm. Có những làng vừa được dựng lại thì đã bị dội bom, rồi dựng lại, rồi bị dội bom, hết lần này đến lần khác. Rất nhiều người trong số những thanh niên đi theo con đường hành động tâm linh này bị giết hoặc bị thương, nhưng họ vẫn khước từ hận thù, nhất định không đứng về một phe nào, và không bỏ cuộc.
Mặc dù Thầy được coi là người đặt ra khái niệm “Đạo Bụt Dấn Thân” nhưng Thầy tin chắc rằng đạo Bụt dù dưới hình thức nào đều phải dấn thân, nếu không thì không phải là đạo Bụt. Thầy giải thích rằng “Khi thực tập ngồi thiền trong chùa mà nghe tiếng bom và tiếng kêu khóc ở ngoài, ta phải đi ra để giúp đỡ, bởi vì thiền là ý thức những gì đang xảy ra trong bản thân cũng như ở xung quanh. Trong tình trạng chiến tranh, ta phải dấn thân thì mới thực sự đúng với truyền thống từ bi và thương yêu. Nhưng nếu quá bận rộn làm công việc cứu trợ, ta sẽ đánh mất sự thực tập và sẽ bị kiệt sức. Đó là lý do tại sao ta phải tìm những phương pháp để duy trì sự thực tập, duy trì sự vững chãi, tự do và bình an trong khi làm việc”.
“Bất bạo động là biểu hiện của tình thương. Xã hội hiện giờ có rất nhiều tệ nạn, đó là hậu quả của quá trình phát triển và toàn cầu hóa. Nếu mình có tình thương đích thực, mình sẽ thấy cần phải làm gì để chuyển hóa những vấn đề như ma túy, bạo lực và sự tan vỡ gia đình. Có rất nhiều, rất nhiều cách để bày tỏ tình thương của mình”.
Mười ngàn trái tim
Sau chuyến về thăm Việt Nam lần đầu tiên, Thầy đã thành lập tu viện Bát Nhã, gần thị xã Bảo Lộc, cách Sài Gòn khoảng sáu tiếng đi xe buýt. Nơi đây thật đẹp với chánh điện, thiền đường, các cư xá nằm trên sườn đồi bao bọc bởi rừng thông và rừng cà phê. Thung lũng phía dưới được trang trí bởi những con đường đất đỏ mịn chạy ngoằn ngoèo rất lý tưởng cho đi thiền hành, đây đó có những thất nhỏ cho ngồi thiền. Cuối thung lũng là một tượng Bụt rất lớn ngồi dưới gốc cây và phía bên kia là tượng Bồ tát Quan Thế Âm – vị Bồ tát đại từ đại bi. Gương mặt Bồ tát thật thanh thản và rạng rỡ. Một ngôi chùa hiền lành với những lớp mái cong và sàn đá mát lạnh để lễ lạy và ngồi thiền, những hàng tượng lân đá được đặt tại các góc chùa, giống như các vị hộ pháp của lòng từ bi. Dưới chân đồi là hàng chữ khắc vào đá “Đã về, đã tới”.
Trước đây, chỉ có một ngôi chùa ở đây. Vị trụ trì là người yểm trợ Thầy hết lòng. Trong suốt thời gian Thầy xa quê hương, Thượng tọa Viện chủ vẫn giữ liên lạc và giúp Làng Mai thực hiện và mở rộng phạm vi các dự án xã hội trong vùng. Khi Thầy trở về Việt Nam lần đầu tiên ba năm về trước, Thầy đã thành lập một tu viện mới trên những khu đất xung quanh. Trong khoảng thời gian ba năm đó, tu viện đã được mở rộng nhanh chóng. Ba trăm vị xuất sĩ đang tu tập tại đây và những đợt xuất gia vẫn diễn ra đều đặn. Điều này chứng tỏ sự hồi sinh của Phật giáo tại Việt Nam.
Sau một ngày “làm biếng”, một ngày không thời khóa, chúng tôi bắt đầu một khóa tu cùng mười ngàn thiền sinh Việt Nam. Không ai ngờ con số lại lớn đến vậy, chứng tỏ một niềm khao khát mạnh mẽ đối với giáo pháp tại đây. Chúng tôi ngồi chung, mười ngàn trái tim, tiếp nhận sự tỏa rạng dịu dàng từ người Thầy đang trở về với quê hương, phục sinh lại một tôn giáo đã bị khô cứng.
Thầy nói rằng tôn giáo cũng giống như vỏ của quả mít, ta phải biết ăn những múi ngọt bên trong. Chúng ta cần trở lại với giáo lý Nguyên thủy. Đức Bụt đã dạy về vô tướng – nghĩa là đừng để bị kẹt vào tướng. Sư cô Chân Không nói với tôi: “Trong thời Bụt không có đạo Bụt. Chúng ta phải tiếp xúc với sự bình an, ánh sáng và sự hiểu biết sâu sắc trong tự thân mình. Đó là Bụt ở trong ta. Chúng ta có thể gọi đó là Thượng Đế hay Thánh Allah. Ta không cần đặt nó vào một khuôn khổ và gọi nó là đạo Bụt hay đạo Cơ Đốc hay đạo Do Thái. Chúng ta phải sử dụng pháp khí vô tướng mà Bụt đã trao truyền. Khi đó ta có thể tiếp xúc với thực tại vĩ đại và đẹp đẽ kia mà không bị kẹt vào danh xưng hay tướng trạng”.
Khi tình thương thấm đẫm trong ta
Đến giữa chuyến đi, tôi cảm thấy được bao trùm bởi tình thương. Tôi đã có thể tạm kìm được những bước chân của mình khi đi thiền hành – thiền hành đối với tôi lúc ấy giống như thiền trượt vậy. May mắn làm sao, tăng thân Làng Mai là nơi an toàn cho một người đang yêu. Không ai nghĩ tôi bị điên nếu tôi có cười hơi rộng miệng một chút. Mọi thứ đều diễn ra rất hài hòa. Đối với tôi bấy giờ, từng tiếng chim líu lo cũng trở thành bản tình ca.
Khi chứng kiến Thầy hướng dẫn thiền hành buổi sáng, tôi cảm nhận được trái tim rộng mở của Thầy. Hình thái thiền của Thầy khác xa với các khuôn mẫu thiền dùng gậy đập hay sử dụng công án rập khuôn của các vị Tổ. Thiền của Thầy là sự thực tập thấm đẫm tình thương, trong mọi chiều hướng. Bạn có thể thấy điều này đang truyền qua những đệ tử của Thầy. Tăng thân này tỏa chiếu tình thương và những nụ cười. Ngay cả khi Thầy không hiện diện, tôi vẫn hấp thụ được giáo pháp của Thầy, giáo pháp trao truyền nguyên vẹn qua những người đệ tử. Đây không phải là một đoàn thể các thầy, các sư cô nghiêm khắc, ép mình, những người sợ hãi, trốn tránh cuộc đời trong nếp sống tu viện. Những con người này thực sự dấn thân, họ sống sâu sắc trong giây phút hiện tại, chia sẻ hết lòng những cái thấy của họ trong quá trình tu tập với những người như chúng tôi.
Đại đức Pháp Ấn, một trong những đệ tử lớn của Thầy, nói rằng trước khi gặp Thầy, đại đức đã thiền quán nhiều năm về công án đơn giản “Tôi là ai?”. Những câu hỏi “Tôi là ai đang nâng cánh tay này? Tôi là ai đang bước đi? Tôi là ai đang di chuyển qua không gian?” trở thành điều ám ảnh. Sau khi được gặp Thầy, đại đức khám phá ra thiền tập trong hành động. Đại đức ngừng triết lý và bắt đầu sống, sống sâu sắc. Làng Mai cũng có những pháp môn thiền tập theo nghi thức truyền thống nhưng không nhiều. Điều quan trọng hơn cả là bạn sống ra sao, thực sự có mặt ra sao. Không phải là vấn đề phân tích bản thân để đưa tới sự giác ngộ, mà là sống. Sống thật sâu. Bây giờ, bây giờ và bây giờ.
Khi tôi hỏi đại đức Pháp Ấn về ý nghĩa của tình thương, đại đức nói “Khi bạn mở mắt là tình thương xuất hiện. Tình thương là một trạng thái của tâm khi mình sáng suốt, tỉnh thức. Giữa bạn và phần còn lại của vũ trụ kết nối mật thiết với nhau. Đó là nguồn năng lượng làm bạn hòa nhập với mọi vật. Quá trình cởi mở bắt đầu dần dần và tâm bạn bắt đầu mở rộng, bạn bắt đầu nhìn mọi việc rõ ràng hơn. Bạn nghe được tiếng chim ríu rít và thấy được màu tre xanh. Bạn cảm nhận được rất nhiều năng lượng để sống. Đó là tình thương. Nó cho bạn năng lượng để phụng sự. Bạn cảm thấy cuộc sống thật mầu nhiệm. Đó là tình thương có tính tâm linh.”
Tôi thích hỏi về tình thương, hiện tại tôi đang được sống trong tình thương. Tôi hỏi Sư cô Chân Không về tình thương, và câu trả lời của Sư cô đẹp đến nỗi làm tôi trào nước mắt. Sư cô nói ra từ chiều sâu của sự hiểu biết, với một giọng ngọt ngào, nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ. Ngọt ngào như một bông hoa và mạnh mẽ như sư tử. Sư cô nói rằng chúng ta cần thương yêu một người như thương yêu một cái cây – không chỉ yêu bề mặt, không chỉ yêu cành lá hay thân cây mà phải yêu cả gốc rễ. Chúng ta cần tập yêu tất cả những gì thuộc về người đó – tổ tiên, gia đình, bạn bè, ước mơ và hoài vọng của họ. Yêu tất cả những phần tạo nên con người ấy. Điều gì thực sự có ý nghĩa đối với người mình yêu? Một người biết yêu thương luôn luôn hiến tặng niềm vui và làm vơi nỗi khổ.
Có rất nhiều nỗi đau khổ ở Việt Nam cần được làm vơi. Như Thầy nói “Chiến tranh tạo ra biết bao nạn nhân. Có biết bao bất công đã xảy ra cho người dân ở cả hai miền Nam – Bắc, hàng trăm nghìn thuyền nhân đã bỏ mạng trên biển, bao nhiêu người chết trong ngục tù và trong các trại cải tạo, bao nhiêu chiến sĩ của cả hai miền Nam – Bắc đã chết trên chiến trường, giữa núi rừng và trên sông, bao nhiêu người mất không tìm ra hài cốt”.
Bữa cơm tối đơn sơ cùng Thầy
Sau vài tuần ở lại tu viện tôi đã chụp được những hình ảnh tôi cần, từ hình ảnh các thầy các sư cô thiền hành chậm rãi, cho đến những dòng suối tung bọt, tượng Bụt thật lớn, tượng Bồ tát Quan Thế Âm và những chú lân hộ pháp, những hàng áo nâu khiêm cung ngồi trên chánh điện với khuôn mặt thanh thản và cặp mắt khép nhẹ đang đi sâu vào thiền định.
Tôi có tất cả, chỉ còn thiếu hình ảnh của buổi phỏng vấn với Thầy. Tôi muốn hỏi Thầy về ý nghĩa đích thực của tình thương. Chúng tôi đã hoãn lại ngày rời tu viện đi Thành phố Hồ Chí Minh để chờ phỏng vấn Thầy. Ngày nào Sư cô Chân Không cũng đưa tin cho chúng tôi và bảo “Có thể ngày mai!”.
Những ngày tháng chờ đợi cứ trôi qua, chúng tôi bắt đầu cảm thấy như trong phim Chờ đợi Fidel, bộ phim kể về một đoàn làm phim tài liệu đến Cuba để phỏng vấn ngài Fidel Castro. Đoàn làm phim luôn được bảo rằng “Chắc chắn ngày mai”. Họ tự quay phim mình và dần dần phát điên, uống say rượu rum Cuba và suốt ngày tranh cãi. Họ không bao giờ có được buổi phỏng vấn, nhưng cũng cho ra một cuốn phim khôi hài làm bài học. Chúng tôi không uống say túy lúy ở đây, mặc dù thỉnh thoảng cũng có lẻn ra khỏi tu viện để ăn kem.
Cái mà chúng tôi nhận thấy là chúng tôi có thêm thời gian yên tĩnh để quán chiếu và có thêm kiên nhẫn. Một cơ hội cho giáo pháp thấm vào. Lúc đó đang có một khóa tu cho người xuất gia, tất cả đều nhẹ nhàng và yên lặng, một đại dương của những nụ cười không tắt. Cả tháng trời tôi chỉ cười và chắp tay vái như người điên. Nếu tôi tiếp tục làm như vậy khi về nhà thì chắc mọi người sẽ nghĩ tôi điên thật.
Một buổi sáng, khi đang theo lối mòn đi lên từ thung lũng nhỏ xinh mà tôi yêu thích, tôi bỗng thấy Thầy, chỉ đi cùng với hai thị giả. Tôi dừng lại xá chào và Thầy nở một nụ cười thật tuyệt vời với tôi. Tôi hơi sợ, bởi vì thông thường mỗi khi thấy Thầy thì hoặc là Thầy đang ngồi trước cả 10.000 người hoặc là đang thiền hành với hàng nghìn người phía sau. Tôi cũng cười thật tươi và định đi tiếp, nhưng Thầy nói “Thầy nghĩ hôm nay anh có thể phỏng vấn. Thầy sẽ cho biết sau.” Tôi vội vàng đáp lại “Con cảm ơn Thầy rất nhiều”.
Chúng tôi xá nhau, cười với nhau và tôi tiếp tục đi. Vài tiếng đồng hồ sau, buổi phỏng vấn được ấn định. Tôi xuống bếp và gặp Sư cô Chân Không.
“Anh đã sẵn sàng chưa? Đã có máy quay phim chưa?”
“Thưa, có ngay đây rồi.” Tôi vỗ vào chiếc túi nâu, chiếc máy ghi hình đã nằm gọn ghẽ bên trong.
“Bây giờ anh đi lấy thức ăn rồi mang xuống luôn.”
Thế là chúng tôi sẽ được ăn tối với Thầy. Người sản xuất phim của tôi, Cher, và tôi lấy đầy thức ăn vào bát, những món ăn chay đơn giản – cơm, mít, một chút đậu hũ, rau muống luộc. Sư cô Chân Không đưa chúng tôi xuống cốc của Thầy, một ngôi nhà nhỏ xinh, giống như một ngôi chùa thu nhỏ. Chúng tôi tháo giày và bước vào. Thầy đang ngồi sau chiếc bàn gỗ thấp có bày một khay thức ăn với những chiếc bát nhỏ đựng cơm gạo lứt và các loại rau xanh. Hai chiếc gối ngồi thiền đã được đặt sẵn cho chúng tôi. Thầy cười, “Mời quí vị vào, xin mời ngồi xuống.”
Chúng tôi ngồi xuống, bên cạnh Sư cô Chân Không.
“Hôm nay Thầy thấy anh đi xuống suối. Anh đang quay phim thác nước à?” Buổi sáng đó, khi đứng ở đầu dốc, tôi đã ghi hình Thầy đang bước đi dọc bờ suối. Thầy nhìn lên phía tôi khi tôi đang quay phim. Tôi sợ Thầy nghĩ rằng tôi đang xâm phạm sự riêng tư của Thầy, nhưng qua nụ cười của Thầy, tôi có thể thấy Thầy rất vui khi tôi ghi hình những cảnh đẹp của tu viện Bát Nhã.
“Thưa vâng, dưới đó thật đẹp, thật yên bình.”
Thầy chỉ vào bát của chúng tôi: “Mời các anh dùng cơm”.
Thể hiện lòng tôn kính, chúng tôi đợi đến khi Thầy gắp đũa đầu tiên mới bắt đầu ăn. Thầy gắp cho tôi một miếng đậu hủ kho sả. “Thử đi. Ngon lắm đấy.” Tôi đưa bát ra và Thầy bỏ vào.
“Thưa, ngon thật.” Tôi công nhận. “Những khu vườn ở đây thật đẹp. Mình có thể trồng rau quanh năm được không ạ?”
“Được chứ, quanh năm.”
Chúng tôi ăn trong im lặng một lát, rồi bàn về khóa tu cho cư sĩ. Tôi kể cho Thầy rằng tôi không thể tưởng tượng được tu viện lại có thể thu xếp ăn ở cho từng đó con người. “Thực tế là chúng tôi không có đủ cơ sở vật chất”, giọng Thầy thật nhẹ, “Mọi người ngủ ở mọi nơi, và không có đủ cả nhà vệ sinh. Chúng tôi sẽ phải xây thêm. Thử cái này đi. Anh có biết nó là gì không? Thầy không biết tiếng Anh gọi nó là gì”. Thầy lại gắp cho tôi một lá rau có mùi thơm.
“Thưa, cái này ăn giống rau ngò”, tôi đáp lời.
Thầy gắp một lá cho chính mình, nhai rất cẩn trọng, tận hưởng cảm giác thích thú. Thật đúng là thú vui của một thầy tu. Thầy gắp tiếp cho tôi một loại lá khác. “Cái này giúp nhuận tràng”, Sư cô Chân Không nói, dường như hơi quá nhiều thông tin. Sư cô lật qua một tạp chí Việt Nam trong đó có bài viết về chuyến đi. Sư cô rất thoải mái. Sư cô đã cùng Thầy đi chung con đường này hơn bốn thập kỷ qua.
Thầy bật cười nhẹ khi đưa cho chúng tôi đĩa nấm chiên và giải thích “Thịt chay đấy.” “Rồi các anh cảm thấy ra sao khi ở đây với chúng tôi?”
Tôi đáp: “Thưa, thật tuyệt vời. Nó cũng giúp chúng con thật sự nâng cao kỹ năng làm phim. Con luôn nói rằng làm phim là phải tỉnh thức, phải thực sự nhìn, nhưng ở đây, được bao bọc bởi sự thực tập chánh niệm của nhiều người, con thấy mình còn chánh niệm hơn nữa. Ngay cả khi con không trực tiếp tham gia thiền hành thì con cũng di chuyển từ chỗ này đến chỗ kia một cách chánh niệm. Từng khoảnh khắc đều là thiền. Cảm ơn Thầy vì điều đó.”
Cher nói thêm: “Nhóm thiền sinh muốn con kể cho Thầy biết họ thật là hạnh phúc khi được đi chuyến này cùng Thầy. Họ nhờ con gửi lời đến Thầy.”
Thầy chắp hai bàn tay và xá. Sư cô Chân Không kể về chuyến thăm của Sư cô tới những ngôi trường không phải đóng học phí và được dạy theo đường hướng tâm linh đạo Bụt do Làng Mai giúp thành lập ở những nơi trẻ em không có điều kiện đi học. Sư cô ngồi giữa các em nhỏ luôn luôn là hình ảnh ngọt ngào – trông Sư cô giống như em bé nhất giữa các em. Sư cô tả lại cho Thầy nghe Sư cô đã ngồi sau xe gắn máy ra sao để đến thăm được những ngôi trường ở vùng sâu vùng xa, nảy lên nảy xuống trên con đường đất đỏ bụi bặm xuyên qua những vườn cà phê và lên dốc xuống đèo. Sư cô cười phá lên khi kể đến đoạn người lái xe gắn máy cố gắng trấn an Sư cô: “Sư cô đừng lo, nếu Sư cô ngã thì con cũng ngã mà”. Niềm vui của Sư cô rộn rã, có phần đối lập với niềm vui bình lặng của Thầy.
Sau bữa tối, Thầy mời chúng tôi bánh quy và chúng tôi đặt máy quay phim cho buổi phỏng vấn. Thầy bảo tôi: “Câu hỏi hay sẽ có câu trả lời hay”.
Thầy nhìn sâu vào mắt tôi, ôm trọn tôi trong cái nhìn dịu dàng nhưng mạnh mẽ, như là câu trả lời đối với câu hỏi của tôi về ý nghĩa của tình thương. “Tình thương trong đạo Bụt có rất nhiều nghĩa. Trước hết, đó là lòng từ, khả năng hiến tặng niềm vui, hiến tặng hạnh phúc. Yếu tố thứ hai của tình thương đích thực trong đạo Bụt là tâm bi. Tâm bi là khả năng tháo gỡ niềm đau nỗi khổ và sự tuyệt vọng của người khác. Yếu tố thứ ba của tình thương đích thực là hỷ; trong tình thương đích thực phải có niềm vui. Và yếu tố cuối cùng của tình thương đích thực trong đạo Bụt là xả, nghĩa là bao dung. Mình không được loại trừ bất kỳ ai, không có sự phân biệt. Đây chính là yếu tố của tình thương đích thực. Nếu mình thương trong tinh thần đó, mình sẽ giữ được tự do. Mình sẽ không khổ đau nữa và không còn làm cho người khác khổ đau. Và khi chúng ta có tình thương đó trong lòng, tất cả những điều chúng ta nói, chúng ta làm đều biểu lộ tình thương.”
Đại Trai Đàn chẩn tế
Biểu hiện lớn nhất cho tình thương của Thầy là ba Đại Trai Đàn chẩn tế cho 3 – 5 triệu người đã chết trong chiến tranh. Ba Đại Trai Đàn đã được tổ chức tại ba thành phố ở ba miền Bắc, Trung, Nam – mỗi Trai Đàn kéo dài ba ngày – để hàn gắn vết thương chiến tranh. Thầy nhấn mạnh rằng nghi thức tế lễ và tán tụng ở các miền khá khác biệt, phản ánh tinh hoa và truyền thống của các vùng khác nhau trên đất nước Việt Nam. Mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều được mời tham dự các buổi lễ, cầu nguyện theo bất kỳ hình thức nào thích hợp với họ, ngay cả những người không theo tôn giáo nào cũng có thể tham dự. Thầy mời những nhà lãnh đạo phát biểu những văn bản mang tính đề cao giá trị nhân văn. Thầy giải thích “Đây là sự thực tập có tác dụng trị liệu, đã có từ lâu đời và ăn sâu vào truyền thống của người Việt. Phần đông chúng tôi đều tin rằng linh hồn của những người đã khuất sẽ đáp ứng lại lời mời của chúng tôi mà đến thọ thực trong thời gian các Đại Trai Đàn diễn ra. Chúng tôi sẽ cúng dường thức ăn, nước uống và đặc biệt là cúng dường pháp để họ có thể nghe kinh và chuyển hóa những đau khổ của họ, và để họ có thể được sinh ra ở những nơi tốt hơn.”
Đại Trai Đàn đầu tiên được tổ chức một tháng sau khi bắt đầu chuyến đi tại một ngôi chùa lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cả khuôn viên chùa trở nên sống động với các biểu ngữ, bàn thờ và những phòng ở tầng dưới đầy những danh sách tên của những người thiệt mạng. Hàng ngàn người đã ở lại trong suốt ba ngày nghi lễ tưng bừng của Đại Trai Đàn. Các vị tu sĩ đã tới thăm những nghĩa trang bị quên lãng trong nhiều thập kỷ qua, ngay cả đối với những thành viên trong gia đình người đã mất. Họ mời linh hồn những người bị bỏ rơi này tới tham dự Trai đàn. Tất cả đều được đón chào. Những chiếc thuyền giấy hình hoa sen nhiều màu sắc đã được thả xuống sông, những lễ dâng hương được tiến hành, những buổi tụng kinh kéo dài đến đêm khuya.
Thầy khai mạc Đại Trai Đàn ở Thành phố Hồ Chí Minh với một bài pháp thoại hùng hồn. Thầy ngồi trước chúng tôi, với đôi mắt bình thản, mở lớn và sáng quắc. Thầy hỏi chúng tôi khi người thương của mình mất đi, họ sẽ về đâu. Thầy nói mỗi người cần nhìn sâu để thấy rằng những người đã khuất đang có mặt trong chúng ta, giống như là đám mây đã trở thành mưa và nước mưa trở thành nước trà. Và như thế thì tổ tiên của chúng ta đang được tiếp nối trong chúng ta. Nếu chúng ta khỏe mạnh, nhẹ nhàng và tự do trong thân và tâm thì tổ tiên của chúng ta cũng sẽ được như vậy. Những người thương của chúng ta chỉ thay đổi về hình thức mà nội dung thì không đến không đi, không sinh không diệt. Tất cả những ai đã chết một cách oan ức trong chiến tranh cần đến năng lượng cộng đồng của toàn đất nước để được chữa lành. Chúng tôi đã ngồi tham dự buổi lễ kéo dài hàng giờ, toàn bộ gánh nặng của những gì đã xảy ra trên mảnh đất đầy thương tích này tràn về. Nước mắt tôi bắt đầu rơi, những giọt mưa của tổ tiên. Tôi đón chào những giọt nước mắt này. Từ khi tôi mở trái tim ra để thương, tôi đã thấy rằng tôi không còn sợ những giọt nước mắt nữa. Sư cô Chân Không nói với tôi rằng khi Hà Nội bị bỏ bom, Thầy đã khóc bởi vì những đồng bào của Thầy đang chết. Và khi Afghanistan bị bỏ bom, hay khi Iraq bị bỏ bom, Thầy cũng đã khóc với cùng một niềm quan tâm sâu sắc. Thầy không phân biệt. Tất cả những người đã khuất đều xứng đáng với những giọt nước mắt của chúng ta. Thầy đã viết một lá thư cho Tổng thống George W. Bush, hy vọng rằng Tổng thống có thể mở rộng trái tim mình để cảm thông cho những người dân đang bị ngài thả bom. Thầy nói rằng “Tôi mong ngài có thể khóc như tôi, ngài có thể đau khổ nhưng sau đó ngài có thể đưa ra những quyết định tốt nhất.”
Thầy không hề yếu đuối, ngay cả khi Thầy mở rộng trái tim mình. Thầy là một bằng chứng sống của lòng từ bi mạnh mẽ. Thời gian được cùng Thầy sắp chấm dứt. Thầy nhìn tôi với ánh mắt thật sâu. “Trong truyền thống đạo Bụt, tình thương bắt nguồn từ sự hiểu biết. Để có thể hiểu, mình phải dành thời giờ để nhìn sâu và lắng nghe sâu. Nếu mình có tình thương đó thì tất cả những lời mình nói, tất cả những điều mình làm đều bất bạo động, không phải đơn thuần là chiến thuật mà là sự biểu hiện của tình thương. Hiểu thấu được khổ đau của người khác sẽ đem lại tình thương đích thực.”