Hội ngộ Long Vương

HỘI NGỘ LONG VƯƠNG
Thầy Nhất Hạnh

Đó là ngày 11.05.2001, tôi đang ở tịnh thất Tùng Bút tại tu viện Lộc Uyển, miền Nam tiểu bang California Mỹ Quốc. Buổi sáng, các thầy, các sư chú trên xóm Vững Chãi và các sư cô dưới xóm Trong Sáng đều được mời đến tịnh thất Tùng Bút để ngồi thiền với tôi, thay vì ngồi ở các thiền đường trong xóm. Các vị đến vào lúc năm giờ. Trước đó tôi đã đi đốt lò củi và đun nước sôi pha trà. Thầy Giác Thanh đã có cất chứa những khối củi ép có nhựa thông, thành ra đốt lò sưởi rất dễ và rất mau. Thất Tùng Bút nằm giữa hai xóm. Buổi ngồi thiền này chỉ là một trong những buổi thầy trò ngồi chung để có thêm năng lượng, để cảm thấy sự có mặt của nhau, bên nhau. Sau buổi thiền ngồi, chúng tôi còn ngồi với nhau thêm nửa giờ nữa để cùng góp ý kiến làm sao cho trong tăng thân có thêm hoà điệu và hạnh phúc.

Sáng hôm ấy vị thị giả của tôi là sư cô Kristin (Thường Nghiêm), hồi đó còn là một vị sadi ni. Sư cô là người Hoa Kỳ. (Sư cô mới được thọ giới lớn tại Đại giới đàn Kỷ Nguyên Mới tổ chức từ ngày 16 đến ngày 22 tháng chạp năm 2001). Sư cô cho biết ngày hôm nay sẽ là một ngày mà tôi phải tiếp nhiều khách. Những vị khách đầu tiên là một đội quay phim từ NewYork tới. Mình đã hứa với họ năm ngoái là sẽ để cho họ đến phỏng vấn khi mình đến Hoa Kỳ. Chủ ý của họ là làm một cuốn phim lấy tên là The Living Buddha, nói về lịch sử đức Bụt và lịch sử đạo Bụt. Và họ muốn Thầy đại diện nói lên được tiếng nói của đạo Bụt dấn thân, đạo Bụt hiện đại hoá. Tôi vừa đi thiền hành từ đồi Yên Tử về thì đã thấy họ đến tự bao giờ, đang sắp đặt máy móc, ánh sáng và các trần thiết căn bản. Tôi bảo thị giả mời họ đi thiền hành một vòng trước khi ngồi xuống bắt đầu cuộc phỏng vấn. Ban đầu vị thị giả và tôi nhận thấy rằng họ đã miễn cưỡng mà nhận lời đi thiền hành. Họ sợ mất thì giờ; đường xá xa xôi, họ lại từ vùng Đông Bắc tới. Nhưng sau khi được hướng dẫn và đi thiền hành được một vòng thì họ có được sự bình an. Họ được lây cái bình an của chúng tôi. Họ có được cái bình an trong hơi thở và bước chân họ. Tôi nghĩ cái sẽ làm cho họ nhớ nhất trong chuyến đi này của họ là buổi đi thiền hành chứ không phải là buổi phỏng vấn. Buổi phỏng vấn kéo dài tới hai giờ đồng hồ, đưa lại cho họ nhiều thoả mãn, nhiều hơn là họ từng mong ước.

Tôi được nghỉ ngơi chừng nửa giờ trước khi đi thọ trai. Hôm ấy hai xóm ăn cơm chung trên trai đường của xóm Vững Chãi. Vào khoảng ba giờ chiều, tôi lại phải tiếp đài NBC địa phương. Sau đó, tôi lấy nón lá và bảo thị giả cùng đi thiền hành với tôi lên đồi Yên Tử. Đồi Yên Tử là ngọn đồi đã được tăng thân chọn để xây một tháp chuông, theo mẫu của tháp chuông chùa Thiên Trù trên núi Hương Tích. Thầy Pháp Dung đã vẽ đồ án của ngôi tháp, nhưng đến bây giờ vẫn chưa xin được giấy phép làm tháp chuông. Chúng tôi dự tính trồng cỏ và làm vườn sỏi trên đồi, chung quanh tháp chuông, để sau này mỗi khi đi thiền hành lên trên ấy thì có thể ngồi xuống tĩnh toạ nửa giờ trước khi đi về. Các thầy và các sư cô ở Lộc Uyển đã trồng hàng trăm cây tiêu California (Californian pepper trees) để có bóng mát từ dưới đỉnh đồi đi lên. Các cây tiêu này đang lớn rất nhanh, và cành lá rất xanh tươi dù trong những tháng hè khô và nóng bức.

Lên tới Yên Tử, tôi đi đến chiếc võng giăng giữa hai cây tùng sát vào vách núi đá, ngồi lên võng, bỏ guốc ra và đưa hai chân trọn lên võng. Sư cô Thường Nghiêm ngồi dưới một gốc tùng phía đầu võng. Bỗng sư cô nói, giọng rất trầm tĩnh: “Thưa thầy, có một con rắn nằm ngay dưới võng thầy”. Tôi quay đầu lại phía trái nhìn xuống, và thấy liền con rắn. Con rắn này dài khoảng 1m20, có màu vàng nhạt và đen nhạt. Hai màu này tiệp với màu lá cây và màu đất thành thử tôi đã không trông thấy khi ngồi xuống võng. Sư cô Thường Nghiêm nhặt một cành cây khô đẩy về phía đuôi con rắn, tạo ra tiếng xào xạc để con rắn bò đi. Nhưng con rắn không đi. Sư cô lấy cành cây khô chạm vào đuôi rắn và ẩy nó đi, nó cũng không đi. Rồi sư cô nói bằng tiếng Anh: “Bạch thầy, con rắn này rất thích nằm bên Thầy nên nó không chịu đi” (Thầy, the snack likes your presence, it does not want to go.) Tôi nói: “Vậy thì con cứ để yên cho nó”. Lúc ấy là vào khoảng bốn giờ chiều, trời còn nắng. Chiếc nón lá rộng vành của tôi được đặt gần đôi guốc của tôi chỉ cách con rắn có mươi phân tây. Võng của tôi cũng cách mặt đất, phía trên con rắn chừng hai mươi phân tây. Tôi nằm rất yên, sư cô Thường Nghiêm cũng ngồi rất yên. Gió chiều bắt đầu mát. Bỗng sư cô Thường Nghiêm nói: “Hồi lễ Giáng Sinh năm ngoái, con có làm được một bài hát. Thầy có muốn con hát bài hát đó cho thầy nghe không?. Tôi nói: “Con hát đi, và hát cho con rắn nghe nữa”.

Sư cô Thường Nghiêm hát: Rives flow through me, sunshine is my morning tea. Body – harmony, feelings – clouds in the sky, perceptions – stones on the road, mental formations – birds are singing, singing songs of freedom, freedom, consciousness – deep blue sea wash over me…

Sư cô Thường Nghiêm hát xong bài hát, tôi hỏi: “Con rắn còn nằm dưới lưng thầy không con?” Sư cô trả lời: “Nó còn nằm nguyên trong vị trí cũ, thưa thầy. Nhưng con thấy cái đuôi nó có vẫy lên vẫy xuống, giống như nó đang thích bài hát và đánh nhịp theo bài hát vậy”. Tôi nói: “Vậy thì con hát lại một lần nữa cho nó nghe đi”. Tôi nằm thật yên. Sư cô Thường Nghiêm cũng ngồi thật yên, về phía đầu võng. Con rắn cũng nằm yên. Trời rất dễ chịu. Buổi sáng chúng tôi đã thức dậy cùng đại chúng lúc bốn giờ rưỡi sáng, đã ngồi thiền, pháp đàm, đi ăn sáng, đi thiền hành, trả lời cuộc phỏng vấn dài hơn hai tiếng đồng hồ, đi ăn cơm chánh niệm với đại chúng trên xóm Vững Chãi, và chưa được nghỉ ngơi gì thì đã phải trả lời cuộc phỏng vấn của đài NBC. Đây thật sự là giờ nghỉ ngơi của chúng tôi. Và có một chú rắn khá lớn cũng đang nghỉ ngơi với chúng tôi. Chú rắn này không phải là rắn rung chuông nhưng theo sư cô Thường Nghiêm cũng không phải là rắn hiền. Cô cho biết ngày xưa cô thường sợ rắn, nhưng bây giờ thì cô không còn sợ nữa, và có thể xem rắn như tất cả các loài động vật khác, cũng biết đói và biết sợ như những loài vật khác. Chỉ cần có ý tứ để khi đi đừng đạp lên nó thì không sao.

Khoảng nửa giờ sau, sư cô Thường Nghiêm cho biết là con rắn bắt đầu di động. Nó bò đi rất chậm, mỗi phút nó chỉ di chuyển được một phân tây. Tôi tiếp tục nằm thở và tiếp xúc với cây, với đá, với nắng trên đồi Yên Tử. Tôi tự nhủ: để cho chú rắn leo vào trong núi đá rồi thì thòng chân xuống quơ guốc đi về. Nhưng chỉ độ chừng mười lăm phút sau đã có tiếng chuông báo chúng từ xóm Vững Chãi vọng lên. Các thầy các sư chú dưới ấy đã đến giờ dùng cơm chiều. Tôi nhìn xuống thì thấy chú rắn đã bắt đầu băng ra phía núi. Thân sau của chú còn nằm dưới võng nhưng thân trước của chú đã hướng về tảng đá. Tôi nói: “Mình phải về ăn cơm. Tối nay còn phải gặp tăng thân San Diego nữa”. Hai thầy trò tạm biệt chú rắn, tạm biệt đồi Yên Tử với cái yên lặng nhẹ nhàng và sinh động của đá, của mây, của trời nơi này. Nắng đã hết. Tôi cầm chiếc nón lá trong tay. Hai thầy trò đi xuống núi.

Sau buổi tiểu thực cùng đại chúng hai xóm tại nhà ăn của xóm Vững Chãi, về tới nhà Tùng Bút, chúng tôi đã thấy tăng thân San Diego có mặt đông đủ trong phòng khách. Có khoảng ba mươi vị, hai phần ba là người Hoa Kỳ. Tất cả những vị chủ chốt trong ban nhiếp chúng đều có mặt. Tăng thân này đã được thành lập trong quá trình tổ chức buổi thuyết giảng tại San Diego ngày mai, tức là ngày 12.5.2001. Đề tài buổi giảng là Cultivatin Peace in Ourselves and our Communities. Tôi được báo tin là ngày mai thính giả sẽ đông lắm. Ban điều hành tăng thân làm việc rất siêng năng, luôn luôn tổ chức những buổi họp để kiểm điểm và để lấy thêm sáng kiến mới. Trong quá trình làm việc, các bạn đã mời được nhiều bạn mới, và tất cả đều đồng ý là việc tổ chức buổi giảng có thể được sử dụng như một cơ hội để đến với nhau, làm thân với nhau và tu tập cùng nhau.

Tối nay nói chuyện với tăng thân San Diego, tôi có dịp kể lại chuyện chúng tôi gặp chú rắn trên đồi Yên Tử. Thầy Pháp Dung mấy hôm trước đây có kể cho chúng tôi nghe là một hôm lật một tảng đá lớn ở lưng đồi xóm Vững Chãi, mấy người thợ gốc Mễ Tây Cơ thấy một con rắn khá lớn nằm úp dưới tảng đá. Họ định giết con rắn, nhưng thầy Pháp Dung ngăn lại. Cuối cùng họ giúp con rắn trở về núi rừng. Tôi nói có lẽ con rắn mà tôi đã gặp chiều hôm nay dưới võng chính là con rắn mà thầy Pháp Dung đã cứu. Nó đã tìm tới tôi để tỏ lòng biết ơn tăng thân Lộc Uyển. Từ ngày về tới núi rừng Escondido, chúng tôi đã hết lòng bảo vệ cho các loài sinh vật cư trú tại đây. Trước đó, khi Vườn Nai còn để hoang, người ta thường hay lên đây để săn bắn, giết chóc. Tuy vùng núi này gọi là Deer Park mà chẳng thấy còn bóng dáng của một chú nai nào. Cảnh sát trong quận thường hay lên đây tập bắn. Họ bắn nát hết, kể cả những tấm bảng bằng sắt chỉ đường, kể cả tường vách của những căn nhà trống không còn bỏ lại. Trong những tháng đầu khi tu viện mới thành lập, đêm đêm chó rừng (coyotes) thường hay kéo về từng lũ hàng trăm con, bao quanh cư xá các vị xuất gia và tru lên. Đã lâu quá rồi loài người chỉ lên đây để phá phách và tàn sát. Bây giờ lại có người lên đây để ở. Các loài sinh vật trên núi chưa biết cái gì sẽ xảy ra cho họ và cho sinh môi của họ với sự có mặt của những con người mới này.

Nhưng từ từ, chúng sinh vật ở Lộc Uyển nhận thấy các thầy và các sư cô rất hiền. Họ không đón phá cây cối mà còn trồng thêm rất nhiều cây cối. Họ không tàn sát mà còn tìm cách bảo hộ sinh mạng. Họ rất im lặng. Họ tôn trọng khung cảnh thanh tịnh của núi rừng. Cũng có thể chú rắn mà chúng tôi gặp trên đồi Yên Tử là một Long Vương, đại diện cho tất cả các loài rắn có mặt trong hàng ngàn mẫu núi rừng trùng điệp ở Escondido, đã đến với tôi để mang tới thông điệp sống chung hoà bình. Chú biết tôi ngày nào cũng đi bộ trên đồi Yên Tử, và mỗi khi lên tới đỉnh đồi thì tôi lại tới ngồi trên chiếc võng mắc sẵn để nghỉ ngơi, cho nên chú đã tới nằm đó sẵn để chờ đợi. Chú đã được sư cô Thường Nghiêm hát cho nghe. Chú đã không chịu đi khi sư cô đuổi. Chú đã được tôi mời ở lại. Và cuộc hội ngộ tuy im lặng nhưng đã rất thân tình. Theo sư cô Thường Nghiêm thì chú rắn này không phải là một chú rắn thuộc về loại hiền. Nhưng hiền hay không hiền, điều đó tuỳ thuộc vào cách xử sự. Nếu mình có chánh niệm và có lòng từ bi thì mình sẽ được tiếp đãi một cách hiền hậu. Chúng tôi có chánh niệm, chúng tôi có lòng từ bi. Sau thời gian gần hai năm cư trú, tăng thân ở đây, xuất gia cũng như tại gia, đã chứng tỏ là chúng tôi muốn sống chung an lạc hoà bình với đất đai và dân chúng vùng Lộc Uyển. Các loài chúng sinh ở đây đã cảm nhận được điều đó. Cách đây một tuần lễ, thầy Pháp Dung cho biết chú nai đầu tiên đã xuất hiện trong vùng đất tu viện Lộc Uyển. Chúng tôi rất mừng. Mai mốt nai về đông đảo, sẽ cùng nghe pháp với người.

Tôi viết những dòng này ở xóm Thượng, Làng Mai. Xóm Thượng Làng Mai ở Thenec, ngày xưa, trong thế chiến thứ hai đã là nơi tranh chấp bạo động và đẫm máu. Lính Đức đã cột tay người kháng chiến Pháp và những người bị tình nghi trong vùng là yểm trợ cho kháng chiến và bắn họ bên bức tường đá tọa lạc bên cạnh Ngũ Quán Đường bây giờ. Hồi chúng tôi mới về đây, 1983, oan khí còn đằng đằng. Hai mươi năm đã đi qua từ độ ấy. Ngày nào tăng thân ở đây cũng tập ngồi, tập thở, tập đi thiền hành, lấy năng lượng chánh niệm và từ bi để chuyển hoá tâm thức và môi trường. Thiền sinh đã đến đây tu tập từ ba mươi quốc gia khác nhau. Số người Đức tới tu học rất đông, có khi còn đông hơn người Ý, người Anh và người Thuỵ Sĩ. Họ đã đến đây không với súng đạn và tâm niệm hận thù mà với ý chí tu tập. Họ đã đi những bước chân vững chãi, thảnh thơi, đã thực tập nhìn kỹ và phát khởi lòng từ bi. Dân chúng các thôn làng quanh đây đã cảm thấy sự chuyển đổi lớn lao đó. Họ cảm thấy năng lượng hoà bình bao trùm cả một vùng này. Mỗi năm có hàng bốn, năm ngàn người tới đây tu học. Và ai cũng tới bằng một tâm niệm lành. Cỏ xanh hơn, trời trong hơn, người và vật có thêm rất nhiều từ ái. Đất ở đây đã trở thành đất Bụt. Chúng tôi định đặt tên vùng này là Nam Phương Phật Quốc, dịch tiếng Pháp là Terre Pure du Sud. Các bạn muốn về đất Bụt để rong chơi, ngắm nhìn trăng sao hay mời các vị Bồ Tát đi thiền hành thì cứ về. Lộc Uyển cũng vậy. Lộc Uyển cũng đã trở thành đất Bụt miền tây nam nước Mỹ. Mời quý vị đến Lộc Uyển để làm quen với tăng thân ở đây. Tăng thân ở đây không phải chỉ là người xuất gia và người tại gia. Tăng thân ở đây còn là tất cả các loài cây cỏ, đất đá và chúng sinh. Quý vị sẽ được đón tiếp với lòng ưu ái và kính cẩn. Long Vương vẫn còn ở trên núi. Chúng tôi đã ký một hiệp ước chung sống hoà bình và an lạc trên đồi Yên Tử ngày 11.5.2001.