Về trong tăng thân
Thầy Chân Pháp Hải
Thầy Pháp Hải, người Úc, xuất gia năm 1997 tại Làng Mai trong gia đình Cây Tùng. Sau hai mươi ba năm tu học, tháng 2 năm 2020, thầy có cơ duyên trở về quê hương và góp sức thành lập tu viện Sơn Tuyền tại vùng ngoại ô Sydney. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Làng Mai, BBT đã có cơ hội phỏng vấn thầy về những kỷ niệm đáng quý nhất trong thời gian thầy tu học ở Làng cũng như những kinh nghiệm tu học mà thầy muốn trao truyền cho các sư em.
Bài phỏng vấn được chuyển ngữ từ tiếng Anh.
Tinh thần thử nghiệm trong những ngày đầu của Làng
Lần đầu tiên đến Làng vào năm 1996, Pháp Hải rất xúc động trước niềm vui và sự nhiệt tình của tất cả mọi người, mặc dù điều kiện vật chất lúc đó ở Làng rất đơn sơ. Hồi đó Làng không có đủ phương tiện đi lại cho nên khi đi từ xóm Thượng đến xóm Mới, nhiều người thường vui vẻ ngồi bệt trên sàn của thùng xe dành cho tri khố đi chợ, với một tấm trải đơn sơ.
Khi Pháp Hải mới xuất gia, đại chúng còn ít, chỉ khoảng mười lăm quý thầy và sư chú. Phần nhiều các huynh đệ trạc tuổi nhau và có rất nhiều năng lượng. Pháp Hải nhớ lúc trồng cây và đào hồ sen ở xóm Thượng, thầy Pháp Ứng và thầy Pháp Hiền trong bộ đồ vạt hò chạy ào xuống hồ và chơi đùa trong bùn. Có rất nhiều niềm vui đơn giản như thế. Bây giờ xung quanh xóm Thượng có nhiều cây cho bóng mát là nhờ hồi đó đã được quý thầy trồng vào những dịp kỷ niệm gia đình xuất gia. Sống trong chúng ít người, chuyện gì cũng cùng nhau đi qua, nên tình thân trong các anh em ngày càng gắn bó.
Hồi đó mình vẫn chưa có tăng xá (đến năm 2002, tăng xá mới được xây dựng). Quý thầy từng sống trong các cư xá Thạch Lang (Stone Building), Bamboo (nay là quán sách của xóm Thượng), Linh Quy và Thanh Phong, cũng như ở trong các phòng sau nhà bếp. Trong các khóa tu lớn như khóa tu mùa Hè, quý thầy, quý sư chú dọn ra ở lều, hoặc sẽ gom lại ở trong một vài phòng nhường chỗ cho một số quý sư cô và thiền sinh.
Lúc đại chúng ở Làng còn ít người và còn trẻ, việc tổ chức ít hơn bây giờ nhiều lắm, điều này đã tạo điều kiện cho đại chúng thử nghiệm nhiều pháp môn thực tập khác nhau. Ví dụ như pháp môn Soi sáng, những năm đầu tiên khi Pháp Hải đến Làng, đâu đã có pháp môn này. Trước đó, trong buổi lễ Tự tứ kết thúc khóa tu An cư kiết đông, đại chúng sẽ quỳ lên để thỉnh cầu sự soi sáng: “Nếu thầy có thấy, có nghe hoặc nghi ngờ điều gì về sự thực tập của chúng con, xin thầy từ bi soi sáng cho chúng con”. Sau đó, một vị lớn trong chúng, thường là thầy Giác Thanh, sẽ đáp: “Tất cả đại chúng đều thực tập tốt, nhưng quý vị có thể làm hay hơn nữa trong năm tới. Xin quý thầy, quý sư chú lạy xuống ba lạy”.
Vài năm sau, Thầy mới bắt đầu dạy đại chúng nên làm mới sự thực tập này, chứ đừng thực tập theo kiểu hình thức.
Những buổi thực tập Soi sáng đầu tiên có chút căng thẳng, bởi vì đại chúng chưa hiểu sâu phương pháp thực tập này. Tất nhiên, chúng ta vẫn đang học hỏi, thậm chí sau hai mươi năm rồi vẫn tiếp tục học. Vào thời đó, đương sự không cần phải có mặt và chỉ nhận được lá thư soi sáng sau đó. Nhưng rồi đại chúng nhanh chóng nhận ra rằng pháp môn Soi sáng sẽ hiệu quả hơn và giúp cho cá nhân cũng như cho tăng thân vững mạnh hơn nếu mọi người trong tăng thân, kể cả đương sự, được tham dự đầy đủ.
Có một số pháp môn đã không còn, như đi thiền nhanh (fast walking meditation). Một lần nọ, Thầy nói, “Nếu quý vị không đổ mồ hôi mỗi ngày một lần, quý vị không phải là đệ tử của Thầy”. Thầy muốn khuyến khích mọi người tập thể dục và chạy bộ mỗi ngày một lần. Sau một chuyến hoằng pháp tại Trung Quốc, Thầy đề nghị tăng thân đưa pháp môn đi thiền nhanh vào thời khóa. Vì vậy, thầy Pháp Niệm và thầy Pháp Độ đã rải sỏi trắng và làm thành một con đường vòng quanh cây Linden ở xóm Thượng. Thầy đề nghị đại chúng nên đi bộ nhanh trước khi vào ngồi thiền sáng. Vào mùa đông, đại chúng bắt đầu thực tập đi thiền nhanh. Ai cũng biết là mùa đông ở Pháp thường ẩm ướt và lạnh lắm. Thành ra, đi thiền nhanh xong thì vạt sau áo tràng của mọi người vừa ướt, vừa dính bùn và bột trắng từ sỏi.
Có lúc, Thầy đề nghị mỗi xóm nên có một cái cân ở cuối bàn để cân thức ăn. Đại chúng tự khất thực, đặt bát của mình lên cân và ghi lại số lượng thức ăn mình đã lấy. Một lần nọ, Thầy để ý thấy Pháp Hải không làm việc đó. Thầy nói: “Thầy Pháp Hải, con nên thực tập làm dòng sông, mà đừng làm một giọt nước”. Pháp Hải thưa: “Bạch Thầy, con thấy một ký khoai tây khác rất nhiều so với một ký xà lách mà”. Thầy nói: “Thầy suy nghĩ nhiều quá, thầy Pháp Hải!”
Thấy mình chưa sẵn sàng lại là điều may mắn
Hồi đó đại chúng không có các lớp học và cơ cấu tổ chức cũng không được như mình đang có ngày hôm nay. Mọi người trong đại chúng học chủ yếu bằng cách quan sát và học trong khi làm. Có được lớp học đương nhiên là quan trọng, cần thiết và tuyệt vời rồi. Tuy nhiên sự học hỏi tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể có được là học từ cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta không khám phá được tinh yếu của giáo pháp qua sách vở hay lớp học. Đó là những lời dạy về Pháp, nhưng lại không phải là Pháp. Đây là sự khác biệt giữa Pháp như những danh sách, phương pháp, khái niệm với Pháp như một thực tại linh động.
Khi còn sadi, Pháp Hải may mắn được học lớp Uy nghi với thầy Giác Thanh. Những điều thầy dạy đối với Pháp Hải là những lời khuyên quan trọng nhất mà Pháp Hải từng nhận được trong cuộc đời xuất gia của mình, chẳng hạn như: “Điều mà sư anh muốn chia sẻ với các sư em trên hết đó là đừng che phủ đời tu của mình bằng chuông với nhang”. Một lời sách tấn thật tuyệt vời! Thầy khuyến khích chúng ta đừng núp đằng sau bất cứ điều gì, mà hãy dốc hết sức tu tập và hiến tặng những gì mình có, ngay cả khi mình nghĩ rằng bản thân mình không có gì nhiều để hiến tặng.
Trong những năm gần đây, Pháp Hải thường nghe một số sư em trẻ nói: “Con chưa sẵn sàng”. Thực tình mà nói, sau 25 năm, Pháp Hải thực sự vẫn chưa cảm thấy sẵn sàng. Ngay cả bây giờ, khi cho pháp thoại, Pháp Hải luôn cảm thấy mình chưa có nhiều kinh nghiệm quý giá để chia sẻ. Nhưng biết đâu được, cảm giác mình đã sẵn sàng mới là có vấn đề. Chưa cảm thấy sẵn sàng đôi khi lại là một điều may mắn. Mình chỉ cần sống theo cách hay nhất mình có thể và cống hiến hết lòng những gì mình có. Đâu có ai mở lớp dạy cho Pháp Hải cách chia sẻ pháp thoại. Pháp Hải học từ kinh nghiệm của chính mình khi phải đứng ra cho pháp thoại đấy thôi.
Trong những năm Pháp Hải ở Làng, thi thoảng Thầy cũng đưa ra những điểm nhấn khác nhau cho đại chúng thực tập. Có lúc Thầy yêu cầu đại chúng chia sẻ một cách bất chợt, không có sự chuẩn bị. Có khi đang giữa buổi thiền hành hoặc một sinh hoạt nào đó, Thầy có thể hỏi: “Mời sư cô Kính Nghiêm tụng một bài kinh cho đại chúng”. Những lúc như vậy, người nào được Thầy gọi tên sẽ phải chia sẻ về sự thực tập, vậy mới sống động và tự nhiên. Không có thời gian để chuẩn bị, Thầy dạy sao thì đại chúng phải làm liền tại chỗ. Căng thẳng nhưng cũng thật là vui!
Thuốc đắng từ Thầy
Khi còn là sadi, Pháp Hải có nhiều khổ đau lắm. Có lần, Pháp Hải chia sẻ với Thầy một niềm đau rất sâu trong lòng mình. Thầy uống trà, nhìn ra cửa sổ rồi ho. Trong lúc Thầy đang ho, Pháp Hải thầm lo, “Ố ồ”. Khi Thầy ho như vậy, mình biết chắc mình sắp bị “ăn gậy” của Thiền sư rồi. Thầy đặt ly trà xuống, quay sang Pháp Hải và nói: “Sư chú Pháp Hải, tại sao con lại đến gặp thầy và hỏi những câu hỏi mà con đã biết câu trả lời? Hãy đi mà hành động đi!” Đó là tất cả những lời dạy mà Pháp Hải nhận được! Và thế là Pháp Hải đứng dậy, xá Thầy và bước ra ngoài. Pháp Hải hơi giận Thầy, vì lúc đó Pháp Hải mong Thầy sẽ nói điều gì đó tương tự như “Ờ, ờ, thương chưa, tội nghiệp con” v.v. Khi bước ra khỏi phòng Thầy, Pháp Hải nhớ mình vừa đi vừa đá tung mấy hòn sỏi quanh con đường lái xe ở xóm Mới. Lúc đó Pháp Hải mới 22 tuổi.
Sau chuyện đó, trong khoảng hai bài pháp thoại Thầy cho trước chúng, mỗi khi Thầy bắt gặp ánh mắt của Pháp Hải, Thầy đều khẽ mỉm cười. Pháp Hải lấy làm xấu hổ khi nói với các sư em rằng Pháp Hải thực sự mất mấy tuần để nhận ra điều Thầy muốn dạy cho mình. Thầy luôn chỉ ra năng lực trong mình và tưới tẩm cho mình niềm tin vào khả năng tự chuyển hóa của bản thân. Thực tế là Pháp Hải biết chính xác mình cần phải làm gì. Pháp Hải chỉ không muốn làm điều đó thôi. Thầy biết điều này và chỉ ra điều mà Pháp Hải cần nhất vào thời điểm đó cũng như trong suốt đời tu của mình, đó là niềm tin vào khả năng thấu hiểu và tự giải quyết vấn đề của chính bản thân. Đó là lời dạy mạnh mẽ và quý giá nhất mà Pháp Hải từng nhận được từ Thầy. Ngay cả khi Pháp Hải biết rõ rằng năng lực của mình còn kém, qua câu chuyện trên, Pháp Hải thấy gốc rễ thực tập của mình hãy còn cạn lắm. Pháp Hải vô cùng biết ơn Thầy. Lúc đó là lúc Pháp Hải cảm nhận liên hệ thầy trò một cách sâu sắc nhất. Pháp Hải kết nối được với Thầy và cảm nhận sâu sắc đây là vị thầy tâm linh của mình, không phải chỉ là một vị thầy mà mình học pháp trong những giờ pháp thoại.
Trên con đường tu tập, mặc dù người khác có thể giúp đỡ và yểm trợ ta, nhưng suy cho cùng, với tư cách là những hành giả, chúng ta cần luyện khả năng nhìn sâu và hiểu rõ hoàn cảnh của mình để có thể thực sự chuyển hóa nỗi khổ niềm đau của chính mình. Thầy đã cho chúng ta những công cụ đó.
Những thử thách lớn nhất khi bước vào đời sống tăng thân
Một trong những thử thách mà Pháp Hải phải đối diện trong quá trình sống và lớn lên trong tăng thân đó là học nói lời xin giúp đỡ và tiếp nhận sự giúp đỡ. Pháp Hải xuất thân từ một môi trường gia đình mà mình phải gánh nhiều trách nhiệm mới có thể tồn tại. Thế nên Pháp Hải có xu hướng hơi trách nhiệm quá và không muốn nói ra những gì đang thực sự diễn ra trong lòng. Các sư anh, sư chị có mặt đó, nhưng Pháp Hải không biết làm thế nào để xin sự trợ giúp từ các vị. Pháp môn Soi sáng và sự hướng dẫn của tăng thân giúp Pháp Hải nhận ra rằng sự đóng góp thực sự và sự chuyển hóa thực sự của mình không phải ở chỗ mình tình nguyện làm nhiều thứ, mà ở một điều hoàn toàn khác. Mình phải học để trở thành một thành phần của tăng thân hơn là gánh hết trách nhiệm, ngay cả khi mình nghĩ rằng mình đang giúp đại chúng. Cũng giống như một nghệ sĩ hát solo rất khác so với một nghệ sĩ chơi trong ban nhạc. Tất nhiên, đây là hành trình cả đời và vẫn còn có nhiều điều Pháp Hải phải học hỏi trong lĩnh vực này.
Một thử thách nữa đó là phong cách giao tiếp thẳng thắn kiểu Úc rất rõ của Pháp Hải. Người Úc thể hiện sự tôn trọng và gần gũi với những người họ quan tâm bằng bản tính rất bộc trực và hài hước. Điều này xuất phát từ điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt ở Úc, với hạn hán, lũ lụt, hỏa hoạn thường xuyên xảy ra. Thành ra, người Úc thấy cần nhìn những khó khăn một cách nhẹ nhàng, và cần đến với nhau như một tập thể. Ví dụ, năm ngoái, một trận lụt đã cuốn trôi cả hai con đường ra vào ngọn núi này, khiến dân làng ở đây bị cắt nguồn cung cấp trong cả mười ngày. Người dân địa phương bắt đầu bông đùa, nói giảm bớt, kiểu như, “Ô, coi bộ trời ướt át chút chớ mấy, hen?!” (“Oh, it’s a bit bloody wet, hey mate?!”) (cười) Pháp Hải thấy mình có xu hướng này khi đến Làng Mai. Nếu có ai nghiêm túc quá hoặc có nhiều cảm xúc quá về điều gì đó, Pháp Hải sẽ có kiểu đối đáp theo cách như vậy. Đối với nhiều nền văn hóa khác, khi nghe ngôn ngữ tiếng Anh của người Úc nói như thế có thể họ cho đó là thô lỗ. Cho nên Pháp Hải thực tập “Làm mới” nhiều phen lắm. Thành ra Pháp Hải cần học hỏi và thay đổi để thích nghi. Nhưng khi về lại Úc, Pháp Hải phải đi qua kinh nghiệm về hội chứng “sốc văn hóa ngược” (reverse culture shock) của những người con đã xa quê lâu ngày.
Phao cứu sinh
Cứu cánh lớn nhất trong cuộc đời xuất gia của Pháp Hải là cái mà nhiều người không mấy thích thú. Đó là những lá thư soi sáng. Cách đây mấy năm, Pháp Hải đã đi qua một tình huống mà Pháp Hải cảm thấy như cả thế giới trong mình muốn tan vỡ. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, Pháp Hải còn cảm tưởng nếu không có mình, chắc thế giới hoặc tăng thân sẽ là một nơi tốt đẹp hơn. Lúc đó, rất khó để nhận ra bất kỳ một đức tính tốt đẹp nào trong tự thân. Pháp Hải nghĩ tất cả chúng ta đều có những lúc như thế. Trong khoảnh khắc đầy thử thách đó, Pháp Hải đã nương vào những lá thư soi sáng của mình. Pháp Hải đã giữ lại được rất nhiều thư soi sáng cho mình trong 25 năm qua. Rồi Pháp Hải đọc từng lá thư một, thấy được đại chúng nhìn thấy mình rõ ra sao. Tăng thân không chỉ chấp nhận mình mà còn thực sự thương được chính con người của mình. Khi đọc những lá thư đó, Pháp Hải cảm thấy như thể tăng thân đang nói với mình: “Tăng thân nhìn thấy thầy, thấy được giáo pháp mà thầy có khả năng chuyên chở, và thầy có ý nghĩa quan trọng đối với tăng thân”. Được người khác công nhận, và thấy được liên hệ sâu sắc giữa mình với tăng thân là điều vô cùng quý giá và điều đó đã cứu Pháp Hải ra khỏi giây phút khó khăn. Pháp Hải muốn khuyên các sư em nên thực tập để kết nối được với tình tăng thân đó.
Hai mươi năm trước, Pháp Hải có một giấc mơ, trong đó Thầy đến sau lưng, đặt hai tay lên vai Pháp Hải và nói: “Sư em Pháp Hải, Có hay Không?” Trong giấc mơ, Pháp Hải quay về phía Thầy và nói, “Dạ thưa Thầy, Có”. Giấc mơ đó đã luôn gắn liền với Pháp Hải. Bất cứ khi nào đi qua một thời điểm khó khăn, đây chính là chiếc phao cứu sinh khác cho Pháp Hải: thực hành nói “Có” với bất kỳ tình huống nào và thiết lập tâm thế “Có tôi đây, tôi đã sẵn sàng. Tôi sẽ làm những gì tôi có thể”.
Lĩnh hội tuệ giác của Thầy
Có một lần, trong khoá tu xuất sĩ tại tu viện Mộc Lan, tổ chức cách đây vài năm, một số các anh em đang ngồi uống trà và trao đổi với nhau về một câu hỏi: “Sư anh (Sư chị/ Sư em) cảm nhận Thầy mong muốn gì từ mình?” Đó là một buổi trò chuyện rất hay. Khi nhớ lại, Pháp Hải thấy Thầy đã trao truyền cho mỗi anh chị em mình mỗi “sứ mệnh” đặc biệt khác nhau.
Nhờ những lúc chúng ta đến với nhau, cùng chia sẻ cho nhau, những cảm nhận và kinh nghiệm được nở hoa. Thầy có dạy Pháp Hải là “Nếu hai mươi năm nữa mà con còn làm y chang một chuyện, con sẽ thất bại”. Pháp Hải khắc ghi điều đó. Tất nhiên, Thầy không nói về hình thức của sự thực tập. Thầy muốn nói về liên hệ giữa mình với các pháp môn thực tập, chẳng hạn như với hơi thở ý thức, hay liên hệ với các anh chị em có sự thay đổi trong chiều sâu hay không. Đó là một lời mời gọi chúng ta thực tập sâu hơn một chút và không ngần ngại khám phá những châu báu còn ẩn giấu trong gia tài mà Thầy đã hiến tặng cho chúng ta.
Qua những năm tháng được đi hoằng pháp cùng Thầy và tăng thân, Pháp Hải chứng kiến có những người được đánh động bởi những giáo lý mà đối với tăng thân mình thì có vẻ khá bình thường nhưng lại hiếm khi được dạy trong các dòng thiền khác. Thầy chúng ta đã ban tặng cho chúng ta rất nhiều bài pháp. Lời Thầy dạy vô cùng cô đọng súc tích, thể hiện trong các bài pháp thoại và qua cách sống của Thầy. Một lần Pháp Hải hướng dẫn khóa tu cuối tuần về chủ đề “Bốn loại thức ăn”, có một vị học giả và giảng viên nổi tiếng theo hệ phái Theravada đến hỏi Pháp Hải: “Thầy Nhất Hạnh có dạy môn này ở Làng Mai không? Chúng tôi chỉ dạy điều này trong các khóa tu thiền miên mật dành cho các thiền sinh trình độ cao thôi”. Tất nhiên, ở Làng Mai, chúng ta xem đó là một trong những lời dạy cốt yếu nhất của Bụt và Thầy đã nhiều lần giảng dạy về bài kinh này. Pháp Hải thực sự thấy rằng với tư cách là một hành giả và giáo thọ Làng Mai, công việc của chúng ta là mở cửa kho tàng châu báu này của Bụt, của Thầy Tổ, tiếp tục khám phá và phát triển di sản này để hiến tặng cho thế giới.
Vai trò của sư anh, sư chị
Pháp Hải xuất gia năm 21 tuổi và năm nay bước sang tuổi 46. Có nhiều sư em sinh ra đời sau khi Pháp Hải đã đi tu rồi. Tăng thân mình, từ một tăng thân non trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi đạo, giờ đang bắt đầu trải nghiệm làm thế nào để làm một sư anh, sư chị lớn. Pháp Hải tự hỏi mình: “Trở thành một nơi nương tựa cho các sư em, biết cách chăm sóc các sư em, tạo không gian và không lấn át, không bị cuốn quá nhiều vào công việc quản lý, thực sự lắng nghe và quan tâm đến các sư em của mình…, những điều này có nghĩa là như thế nào?”
Thiết nghĩ, vai trò của sư anh, sư chị lớn trong tăng thân cũng giống như đôi bờ, giữ cho dòng chảy của con sông luôn được luân lưu. Trong lúc hỗ trợ dòng chảy của con sông, thì đồng thời mình cũng đang được dòng sông định hình.
Điều Pháp Hải thực sự muốn chia sẻ với các sư em là mặc dù các sư anh, sư chị có những cách thể hiện khác nhau trong vai trò này nhưng tất cả các sư anh, sư chị đều quan tâm sâu sắc đến các sư em và muốn cho các sư em những điều kiện tốt nhất có thể.
Phát triển tình bạn tâm linh
Hồi trước, lúc ở tu viện Lộc Uyển, Pháp Hải có cơ hội làm y chỉ sư cho tập sự và các sư em sadi. Đôi khi các sư em cảm thấy có khoảng cách với các vị lớn và không biết làm sao kết nối được nhiều hơn. Nếu chúng ta xem tăng thân như một khu vườn, như Thầy đã chia sẻ trong sách Sống chung an lạc, thì trong vai trò một người xuất sĩ trẻ, điều tuyệt vời nhất chúng ta có thể làm là đi bộ dưới bóng mát của những cây đại thụ. Quý thầy, sư cô lớn là những cây đại thụ cho mình nương tựa. Chẳng bao lâu nữa, các sư em cũng sẽ có các sư em nhỏ hơn, và rồi cũng sẽ phải chăm sóc, nâng đỡ, hướng dẫn tu học cho các sư em của mình.
Tình bạn tốt trong đạo Bụt không chỉ là kết giao với những người có cùng sở thích hoặc có cùng quan điểm với mình. Tình bạn tốt có nghĩa là tìm ra được những người bạn đồng hành có thể hướng dẫn và dìu dắt ta trên đường tu học.
Một vị y chỉ sư hoặc một sư anh, sư chị giỏi đôi khi chia sẻ những điều mà chúng ta không đồng ý hoặc có một cách nhìn khác ta. Những lúc đó, chúng ta nên biết rằng chúng ta đã thực sự gặp được một người bạn tốt và tử tế, vì họ sẽ giúp chúng ta trưởng thành theo một cách nào đó.
Mối quan hệ giữa sư anh, sư chị lớn với các sư em là mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ. Pháp Hải khuyến khích các sư em tích cực xây dựng tình thâm với các sư anh, sư chị của mình. Nên tận dụng mọi cơ hội để đến với các sư anh, sư chị sao cho tự nhiên, uống trà, kết nối và đặc biệt với những ai khác với mình. Khi đó, các sư em sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị. Sư anh, sư chị sẽ tặng cho các sư em nhiều món quà quý giá. Trên hết, nếu các sư em xây dựng được tình đồng đạo với các sư anh, sư chị của mình, các sư em sẽ khám phá ra rằng các vị ấy cũng là con người. Điều đó sẽ mang lại cho các sư em niềm tin vào giáo pháp bởi vì các sư em sẽ thấy được tính độc đáo của Pháp thân và sự thể hiện Pháp nơi mỗi người. Và quan trọng nhất, các sư em sẽ bắt đầu thấy được nó trong chính tự thân mình.
Vì vậy, xin các sư em đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của mối quan hệ với các sư anh, sư chị của mình. Đừng coi món quà đặc biệt này là điều hiển nhiên. Đó là một trong những sự trao truyền quý giá nhất của nếp văn hóa xuất sĩ. Nếu chúng ta vun bồi đúng cách bằng cách cho phép mình được thử thách và được yểm trợ bởi tăng thân, cho mình được lắng nghe và đôi khi bị thử thách; vui vẻ hoan nghênh những hoang mang, bối rối và nghi ngờ, thấy được niềm vui, tính dễ bị tổn thương trong mình, tưới tẩm tính tự tin và đón nhận sự hướng dẫn. Được như thế, chúng ta sẽ tạo ra trong mình tất cả các công cụ cần thiết để tiến xa trên con đường tu tập.
Nếu thấy mình quá bận rộn với công việc hoặc tổ chức khóa tu, đó là lúc các sư em nên dành thời gian để đi chơi với y chỉ sư hoặc với sư anh, sư chị. Hãy dành thời gian trong ngày và không gian trong tâm của các sư em để làm điều đó nhé.
Mong sao những lời tâm sự giản dị từ trái tim của một sư anh giúp ích được phần nào cho các sư em trên con đường tu học bây giờ và về lâu về dài trong tương lai.
Xin các sư em hãy trân quý từng giây phút sống trong tăng thân và tận hưởng nó như nó đang là. Vài năm nữa, nhìn lại các sư em sẽ yêu thích thời điểm này lắm, và rồi sẽ hiểu về món quà mà nó ban tặng cho mình.