Thương như Thầy thương
BBT phỏng vấn sư cô Đoan Nghiêm.
BBT: Thưa sư cô, hồi mới tới Làng, hình ảnh gì khiến sư cô ấn tượng nhất?
Sư cô Đoan Nghiêm: Nghèo và hoang sơ. Gia đình chị quen biết Làng đã lâu và thường hay kể về Làng khiến chị cũng có những hình dung trong đầu. Mùa đông năm 1989, lần đầu tiên đến Làng, chị chỉ thấy nhà đá và gạch đơn sơ, có khung nhà xây cất còn bỏ dở. Xung quanh nhìn hoang sơ lắm, hoàn toàn không giống như những gì chị nghĩ trước khi tới Làng. Chị hơi bất ngờ khi thấy Làng nghèo đến vậy. Thiền đường Cam Lộ hồi đó chỉ có mái tôn và sườn sắt thôi. Dãy nhà ăn ở xóm Hạ, lúc ấy, chỉ là những mảnh tường đá, vừa làm phòng ăn, phòng Sư Ông cho pháp thoại và nơi chứa củi. Mỗi khi mưa xuống là dột nước, phải lấy nồi, thau ra hứng nước mưa.
BBT: Vậy điều gì đã giữ chân sư cô ở lại cho đến ngày hôm nay?
Sư cô Đoan Nghiêm: Do tâm chị muốn tu. Ban đầu, chị về Làng vì tánh “tò mò” thôi. Các chị và các cháu chị nói nhiều về Làng nên làm cho chị muốn biết nơi này. Về Làng có những thời khoá sinh hoạt, thấy mọi người đi thì mình đi theo, chứ cũng chưa muốn tu học gì. May mắn là năm đó Sư Ông đang viết cuốn Đường xưa mây trắng (ĐXMT), và đem ra giảng dạy luôn trong khoá học mùa Đông đó. Được nghe Sư Ông giảng như đang nghe kể chuyện về cuộc đời và lối sống của đức Phật cùng các vị đệ tử. Thích lắm! Chính những câu chuyện đó cho chị thấy có một lối sống khác với lối sống ngoài đời. Thật sự, lúc đó chị cũng không biết mình muốn gì. Không có gì ở bên ngoài làm cho chị có cảm xúc và ham muốn hết, lúc nào chị cũng trầm tư và không thấy có lối thoát.
Sau đó chị được nghe kinh Con rùa mù. Đây chính là điểm then chốt cho quyết định của chị. Trong kinh Bụt dạy, sinh ra được làm người đã khó, được gặp pháp càng khó hơn, có cơ hội được làm người tu khó hơn nữa và trở thành bậc giác ngộ càng hiếm hoi. Nghe tới đâu, trong đầu chị đánh dấu tới phần khó nào mình đã vượt qua. Rồi chị thấy chỉ có phần đi tu là chị chưa làm, do đó chị quyết định đi tu. Bởi vì chị không muốn làm con rùa mù mất cả trăm năm mới có may mắn chui được vào bọng của khúc gỗ trôi trên biển cả. Chị muốn thử. Vì xa lạ với lối sống của người xuất gia và cũng vì muốn khám phá đời sống tâm linh, nên Sư Ông dạy gì là chị làm y chang theo lời Thầy dạy. Ví dụ kệ quét nhà, chị học thuộc lòng và đọc thành tiếng trong khi quét nhà. Mỗi một câu, cầm chổi quét một lần. Chú tâm lắm! Hồi đó chị rất nghe lời vì chị thực sự muốn tìm hiểu con đường này, vì chị nghĩ mình là ‘tay mơ’ trong đời sống mới này.
BBT: Thưa sư cô, hồi đó sư cô làm thị giả cho Sư Ông có vui không? Sư cô có được Sư Ông dạy cách làm thị giả không?
Sư cô Đoan Nghiêm: Sư Ông không hề dạy chị làm thị giả. Năm 1990, khi chị vừa xuất gia xong thì Sư Ông đi khóa tu bên Mỹ. Trước khi đi, Sư Ông đưa cho chị cuốn Sa di Luật giải của cố Hòa thượng Thích Hành Trụ. Sư Ông rất quý cuốn sách cũ đã ố vàng này. Sư Ông nói đây là cuốn Sư Ông thực tập hồi mới vô tu. Nghe vậy chị cũng rất quý quyển sách, còn mua bọc nhựa loại có keo dính vào bìa sách đã sờn, muốn rách. Tuy vậy, chị đọc quyển luật đó nhưng không để tâm lắm. Cho đến cuối năm 1992, chị mới có dịp hầu Sư Ông lần đầu tiên. Hôm đó, tuyết rất dày, xe không đi được nên, sau khi ăn tất niên, Sư Ông phải ở lại phòng Hoa Cau, xóm Hạ. Quý sư cô dạy chị làm thị giả cho Sư Ông. Chị vội đi lo đốt lò củi sưởi ấm phòng trước. Còn lại, Sư Ông bảo gì thì làm đó. Xong xuôi chị về phòng mình và bắt đầu lật lại cuốn Sa di Luật giải ra coi. Lúc này ráng ngồi học thuộc chương hầu thầy như thế nào! (cười)
Chị đọc đi đọc lại chương đó gần như suốt đêm. Lúc đó, chị có nhiều ‘trăn trở’ lắm. Trong sách dạy ‘không được ngủ trước thầy, phải dậy sớm trước thầy’. Nội chuyện đó không thôi cũng khiến chị thấy hoảng rồi! Chị tự hỏi: “Mấy giờ Thầy ngủ?”, “Mấy giờ Thầy thức?” Đọc đến đoạn nào thì đặt câu hỏi đoạn đó. Cho nên, đêm đó đâu dám đi ngủ trước Thầy. Chị lại phải chạy qua phòng Thầy xem đã tắt đèn chưa mới dám đi ngủ. Tại vì trong luật dạy là không được ngủ trước Thầy! Chị thì ở dãy nhà Nến Hồng, Sư Ông thì ở phòng Hoa Cau (dãy nhà Mây Tím). Hôm đó, tuyết lại phủ dày một lớp khá cao, vậy mà chị cứ chạy qua chạy lại coi phòng Sư Ông tắt đèn chưa chị mới dám đi ngủ. Nói chung là gần như cả đêm chị không ngủ. Nếu có ngủ cũng không yên. Cứ ngồi học thuộc trình tự chăm sóc thầy như thế nào, trong đó dạy cái gì thì mình sẽ làm giống cái đó.
Sáng hôm sau, không biết mấy giờ Sư Ông dậy. Chị nghĩ Sư Ông mình là thiền sư nên buổi sáng chắc cũng dậy sớm giống như mấy vị thiền sư trong các truyện thiền mà chị thường hay đọc, cho nên ba giờ sáng là chị chạy qua phòng Sư Ông rồi. Chị đi rón rén, rồi ‘khẩy móng tay’ thay cho tiếng gõ cửa! Bởi vì trong luật nói là ‘khẩy móng tay’, nên chị cũng làm theo là ‘khẩy móng tay’! Nhưng làm sao mà Sư Ông nghe được thứ âm thanh còn nhỏ hơn tiếng muỗi bay vo ve bên tai. Tiếng móng tay khẩy làm sao mà xuyên qua bức tường đá dày và cánh cửa bằng gỗ chứ! Hồi đó sao ngây thơ quá! Không nghe tiếng Sư Ông trả lời nên chị đành bỏ về.
Thế là chị cứ chạy qua chạy lại giữa hai nhà cho đến tám giờ sáng! Từ 3 giờ sáng tới 8 giờ sáng! Lúc đó, chị hết kiên nhẫn! Chị không thèm dùng móng tay để khẩy ra tiếng nữa, mà dùng đầu ngón tay gõ vào cửa. Ấy vậy mà chị vẫn không nghe tiếng Sư Ông trả lời. Chị bắt đầu gõ mạnh hơn. Không nghe Sư Ông trả lời gì hết. Chị nôn nóng quá, không biết có gì xảy ra cho Sư Ông không? Trong Luật có dạy, mình không được tự động đi vào nếu thầy không kêu vào. Quýnh quá, chị nhìn vào lỗ chìa khóa cánh cửa để coi phòng Sư Ông có bật đèn không. Bật đèn tức là Sư Ông đã dậy rồi. Chị nghĩ như vậy. Nhưng xuyên qua lỗ khoá, chị thấy phòng vẫn còn tối om. May là ngày xưa, học trò của Sư Ông ai cũng mang guốc. Ban đầu chị đi chân không vì sợ làm ồn Sư Ông, nhưng lúc đó chị lấy guốc mang vô, đi ‘cộp cộp’ cho đến trước cửa phòng, chị vừa gõ nhẹ một cái thì Sư Ông lên tiếng “Mời vô”. Trời! Chị mừng gì đâu!
Trong đầu chị đã có sẵn ‘một danh sách’ công việc cần làm mà cuốn Sa di Luật giảidạy. Vừa vô phòng Sư Ông, chị đóng cửa nhẹ nhẹ rồi quét con mắt khắp phòng. Lúc đó, Sư Ông còn đang trên giường nghe tin tức buổi sáng (Sư Ông nói chị mới biết), nên chị không dọn dẹp giường được. Chị đảo con mắt để coi phòng có ‘cái bô’ không. Đó là điều trong sách Luật dạy. Chị làm y chang theo sách chỉ dẫn mà quên mất là phòng Sư Ông có nhà vệ sinh kế bên rồi thì cần bô làm gì. Không thấy ‘cái bô’, chị quay qua lò củi, thêm củi vào lò, nấu nước sôi cho Thầy ngâm chân… Chị loay hoay làm theo ‘danh sách hầu thầy’ trong đầu của chị mà không để ý gì tới Sư Ông. Bỗng nhiên, chị nghe tiếng động sau lưng, quay qua thì thấy Sư Ông đã ngồi dậy. Sư Ông vừa đứng lên, chị nhảy sang giường để xếp mền liền. Sau đó, chị giăng võng ra vì Sư Ông rất thích nằm võng trong phòng. Sư Ông vừa đánh răng xong thì đến nằm võng. Chị quay qua pha trà. Sau đó đem thau nước nóng cho Sư Ông vừa ngồi nhâm nhi trà vừa ngâm chân. Sau khi không còn chuyện gì làm nữa, chị tới ngồi xuống bên cạnh võng và đợi xem Sư Ông dạy mình làm gì. Câu đầu tiên Sư Ông nói với chị là: “Để khi nào thầy rảnh, thầy dạy con làm thị giả! ”
Nhưng, cuối cùng Sư Ông cũng không dạy chị làm thị giả. Chị nghĩ lúc đó Sư Ông nói vậy là vì thấy chị lăng xăng quá!
Hồi đó, chị thật ngô nghê! Mỗi mùa đông, sau an cư, Sư Ông dẫn các sư con đi núi tuyết. Trong Luật Sa di dạy, theo hầu thầy, khi qua sông nước mình phải dò xem chỗ nào sâu chỗ nào cạn để biết chỗ đưa thầy qua cho an toàn. Mình sống ở đây làm gì có sông nước, chỉ có tuyết thôi. Lâu lâu mình đi trên tuyết có thể bị hụt chân. Chị nghĩ Sư Ông cũng có thể bị hụt chân, nên mỗi lần thấy có tuyết là chị đi băng qua trước mặt Sư Ông để dò đường. Chị cứ đi phía trước và cứ đạp chân xuống tuyết xem nông sâu thế nào. Sư Ông nói: “Đoan Nghiêm, thôi được rồi, không sao đâu con, thầy đi được”. Chắc Sư Ông thấy cái tướng chị lăng xăng quá. Chưa hết đâu, còn chuyện cầm dù cho Sư Ông nữa. Luật dạy khi đi mình không được đạp lên bóng của Thầy. Thành ra khi đi chị không nhìn Sư Ông mà chỉ nhìn bóng của Sư Ông để tránh đạp lên. Sư Ông đi chậm, cho nên nhiều lúc bận đi thì hướng mặt trời khiến bóng nằm bên này, lúc về thì hướng mặt trời và bóng của Sư Ông đều đổi sang bên kia, thế là chị cũng đổi vị trí đi sau lưng Sư Ông. Sư Ông thỉnh thoảng muốn dừng lại nói chuyện với đệ tử đi sau. Lúc trước, Sư Ông quay qua hướng này thì chị còn đứng đó, nhưng lúc sau chị đã đổi hướng rồi, Sư Ông quay sang không thấy chị đâu nữa!
Nhìn lại những kỷ niệm ngày mới tu, làm thị giả, chị rất vui khi thấy tâm mình đơn thuần. Mình hoàn toàn buông hết những lối suy nghĩ ngoài đời, cứ được dạy sao là làm y vậy, không hề đặt câu hỏi với Thầy.
BBT: Thưa sư cô, hồi đó Làng mình còn ít người, chúng con nghe kể là sư cô làm hết tất cả mọi chuyện: bửa củi, lái máy cày, sửa điện… Xin sư cô kể cho chúng con nghe cách sinh hoạt của Làng hồi đó.
Sư cô Đoan Nghiêm: Thời chị đã có đội luân phiên rồi, nhưng mỗi đội chỉ có một người! Vui lắm! Năm đầu tiên chị mới xuất gia, cái khó khăn cho chị là nấu ăn trong khóa tu mùa Hè. Trong chúng có vài ba sư cô, ai cũng có việc nấy. Mỗi người mỗi việc. Vào mùa Hè năm 1990, Làng mời cô Tám – chị ruột của sư cô Chân Không – đến nấu giúp và chị là người chạy việc cho cô Tám. Chỉ có hai người (cô Tám và chị) nấu ăn trong suốt ba mươi ngày của khóa tu. Nhiệm vụ của chị là rửa nồi, dọn dẹp, cắt gọt cho cô Tám và còn dọn dẹp, rửa nồi sau buổi ăn của thiền sinh nữa. Lúc đó, chị chỉ biết nấu duy nhất nồi cơm. Xóm Hạ toàn người Việt, ăn một ngày ba bữa đều cơm hết. Nhờ mùa hè đó mà chị biết nấu ăn. Hết khóa tu thì về lại đội luân phiên, mỗi người nấu một ngày mà ngày nào cũng là tiệc cả. Ngày xưa, Làng không có nhiều khóa tu như bây giờ, chỉ có khóa tu mùa hè và mùa đông, tổ chức lúc Sư Ông ở nhà.
Trong thời gian Sư Ông đi khóa tu bên Mỹ và châu Âu, mọi người ở nhà nghe lại băng giảng mùa hè của Sư Ông. Trong khoá tu hè, mọi người đều chấp tác nên không đi tham dự pháp thoại của Sư Ông được. Lúc đó chưa có video, chỉ có băng cassette thôi. Sinh hoạt đơn giản lắm, cũng công phu sáng tối giống như bây giờ. Nhưng sẽ có hai thời ngồi thiền xen kẽ đi thiền hành ở giữa. Thời thiền thứ hai xong mới ngồi xuống tụng kinh. Ngày xưa, kinh nhật tụng của Làng không có nhiều bài kinh như bây giờ. Công việc chấp tác chỉ quanh quẩn ở vườn mận, mình làm từ A tới Z, từ tỉa cây đến bón phân, chăm sóc. Chỉ có mấy thầy cô làm mà không thuê thêm người làm. Hơn một ngàn cây nên mình cứ loay hoay làm vườn mận suốt năm. Nhưng mà vui, vì nhà có bao nhiêu người là ra vườn mận hết, vừa làm vừa nói chuyện rồi chơi với nhau. Ngày xưa chỉ ăn cơm quá đường vào mùa hè. Sinh hoạt hồi đó đơn giản, cũng ít được nghe pháp thoại, trừ ba tháng mùa Đông. Hầu như thấy mình chơi nhiều hơn.
Hồi đó để tiết kiệm chi phí cho Làng, Sư Ông dạy chị phụ giúp thợ hồ sửa nhà. Chị được học lót gạch hay đổ xi măng, lót các loại cách nhiệt lên trần nhà… Chị không biết tiếng Pháp nên họ chỉ đâu thì làm đó. Khi kéo dây điện vào thiền đường Cam Lộ hay cốc Ngồi Yên, chị cùng làm với thầy Pháp Lữ (hồi đó là anh Hoàng). Hầu như cái gì mình cũng tự làm. Mùa đông lạnh, tụi chị tự đi kiếm củi vụn thải ra từ các xưởng cưa và dùng trong phòng cá nhân, củi mua thì dành cho phòng Sư Ông, thiền đường và phòng học vào ngày có pháp thoại. Củi vụn đốt thì nhanh cháy và cháy mạnh nhưng không có than, nên nửa đêm là phòng lạnh ngắt, mền cũng lạnh, phải nói là mình sưởi mền, sáng dậy không nổi. Đó cũng là một trong những lý do khiến chị lười đi ngồi thiền! Không biết có ai đó báo cáo cho Sư Ông, Sư Ông xuống xóm Hạ nói nhỏ với chị: “Này con, con cầm túi ngủ mà đi ngồi thiền, nếu cần thì con có thể ngủ trong thiền đường cũng được”. Lúc đó có ai cầm túi ngủ đi ngồi thiền đâu, vậy mà Sư Ông cho chị cầm túi ngủ vô thiền đường đó.
BBT: Sư cô có thể chia sẻ với chúng con về liên hệ thầy trò và cách Sư Ông chăm sóc, dạy dỗ sư cô không ?
Sư cô Đoan Nghiêm: Sư Ông chăm các con rất kỹ. Sư Ông thương chị còn nhỏ mà có một mình và sợ tâm chị không vững. Trước chị, có một sư chị tên là Chân Tu, sau khi xuất gia được mấy tháng đã bỏ đi, nên Sư Ông cũng sợ chị bỏ tu. Nếu không đi khóa tu, Sư Ông thường xuống xóm Hạ chơi và ăn cơm chung với các sư con. Lúc đó chỉ có năm người thôi: sư cô Chân Không, sư cô Chân Đức, sư cô Chân Vị, một sư cô từ trú xứ khác đến tên là Thanh Lương, và chị. Sư Ông ngồi ăn chung với các con rất vui, có khi Sư Ông dạy hát.
Chị biết hát là nhờ Sư Ông. Hồi đó chị hay nói: “Sư Ông nói con làm gì con cũng làm hết nhưng đừng nói con hát”. Chị không thích hát. Vậy là Sư Ông kêu chị hát riết. Mặc dù chị hát dở nhưng Sư Ông cứ kêu. Bởi vậy, đừng bao giờ nói trước mặt Sư Ông là mình không thích cái gì! Đến khi chị tự động hát và một lần bị Sư Ông bắt gặp. Sư Ông đi khoe khắp nơi. Sau đó, Sư Ông không kêu chị hát nữa, Sư Ông thấy mình đã thành công rồi.
Khi Làng có máy Macintosh đầu tiên, Sư Ông đã giao quyển vở viết tay về kinh Kim Cương để cho chị đánh vào máy. Chị còn nhớ lúc đó dùng font Binh Minh. Trước đó, Sư Ông toàn đánh máy chữ. Khi có máy tính thì Sư Ông mừng lắm và giao cho chị học sử dụng để đánh thành sách. Lúc mới vô tu chị rất ngại nói chuyện, chị ít mở miệng lắm, đến nỗi thầy Pháp Đăng nói: “Hình như sư chị Đoan Nghiêm một câu nói không quá mười chữ”. Khi mở miệng ra, chị nói ngắn ngủn, nên nghe hơi cộc. Cho nên khi đưa cho chị mấy bài viết tay, Sư Ông dạy: “Con học để ý cách thầy viết và cách thầy sửa bài. Con phải đọc luôn những phần thầy gạch và đặt câu hỏi tại sao”. Lúc đó hỏi thì hỏi, chứ không biết tại sao Thầy mình xoá chữ này, lấy chữ kia. Hỏi mà không bao giờ có câu trả lời. Theo thời gian thì từ từ mình hiểu ra và phân biệt được. Chỉ có tự trải nghiệm sẽ hiểu. Cứ mỗi lần sửa là mỗi lần hoàn chỉnh hơn. Đó là điều chị học được và thấy quý nhất trong khi làm sách với Sư Ông.
Sư Ông chưa bao giờ rầy chị, dù chị biết có rất nhiều người phản ảnh về chị lên Sư Ông. Những năm đầu không hiểu tại sao chị dễ khóc lắm. Khi có ai “méc” Sư Ông về chị, chị được Sư Ông gọi lên Sơn Cốc. Tới nơi, mở cửa ra đã thấy Sư Ông mặc áo tràng ngồi ngay giữa phòng nghiêm trang đợi chị vào. Vừa xá Sư Ông xong, ngồi xuống là chị khóc, khiến Sư Ông hết rầy chị được luôn! (cười). Chị cũng không hiểu tại sao mình khóc nữa. Chị nghĩ với tính nóng nảy không biết diễn bày nội tâm mình, lời nói lại cộc cằn, nếu nghe nhiều có thể sẽ dễ suy diễn lung tung, cho nên Sư Ông không nói gì chăng? Chị nghĩ như vậy.
Theo thời gian tu học, chị cảm nhận được cái tình của Thầy đối với mình, nên chị cũng muốn tiếp nối Thầy mình điều này: thương và không rầy các sư em. Chị nghĩ ai cũng cần cơ hội để thay đổi. Chị đã thay đổi thì chị tin là các sư em của chị cũng sẽ thay đổi.
( Sư cô Chân Đoan Nghiêm )