Thắp lên ngọn nến
BBT phỏng vấn thầy Chân Pháp Ấn.
Đường về Làng
BBT: Thưa thầy, cảm nhận của thầy như thế nào khi thầy đến Làng lần đầu tiên?
Tháng 7 năm 1991, Pháp Ấn có viết một lá thư cho Sư Ông xin được xuất gia. Lúc đó, Pháp Ấn đang làm việc trong Viện nghiên cứu của hãng dầu lửa tên là ARCO Oil and Gas Company. Viết xong lá thư, Pháp Ấn mới báo cho những bạn bè thân thiết. Và hết người này đến người kia thay phiên gọi điện thoại để thuyết phục Pháp Ấn đừng đi xuất gia nữa. Họ nói học gần ba mươi năm trong trường ra, chưa phụng sự gì cho xã hội mà đi tu thì mất hết những kiến thức đó, rất uổng. Nếu môi trường làm việc hiện tại không nuôi dưỡng lắm thì về lại trường đại học để giảng dạy. Pháp Ấn thường nghe lời khuyên của bạn bè cho nên cũng suy nghĩ thêm cho thấu đáo và đã quyết định không gửi lá thư đó cho Sư Ông.
Sau đó, Pháp Ấn được giới thiệu qua trường MIT (Viện nghiên cứu công nghệ Massachusetts) để làm phụ tá giảng dạy, đồng thời tiếp tục công việc nghiên cứu. Làm việc ở đó một thời gian, Pháp Ấn vẫn không thấy có nhiều cảm hứng. Đến Tết ta năm 1992, Pháp Ấn thấy là mình phải đi xuất gia thôi. Lúc đó, Pháp Ấn mới gửi lá thư đã viết vào tháng 7 năm 1991 cho Sư Ông. Sau đó, Sư Ông dạy sư cô Chân Không gọi điện thoại cho Pháp Ấn. Sau khi hỏi han về gia đình và ước nguyện xuất gia của Pháp Ấn, sư cô nói: Làng ở một nơi khỉ ho cò gáy và bùn sình lắm. Đời sống rất khổ cực, anh có chịu được không? Bây giờ anh đang có một sự nghiệp, nếu đi xuất gia thì anh phải từ bỏ hết sự nghiệp của mình. Anh có chấp nhận đi không? Pháp Ấn trả lời: con đi xuất gia là đi xuất gia thôi, dù điều kiện như thế nào con cũng sẽ không thay đổi. Sư cô nói: nếu vậy thì anh nên sắp xếp qua Làng. Tối ngày 26 tháng 3 năm đó, Pháp Ấn rời Mỹ để sang Làng.
Anh Hoàng (sau này là thầy Pháp Lữ) ra đón Pháp Ấn bằng chiếc xe van màu xanh. Làng khi ấy xe cộ không nhiều và rất cũ kỹ. Xe van màu xanh đó vẫn được xài đến cả chục năm sau. Chiều ngày 31 tháng 3, Pháp Ấn đặt chân tới xóm Hạ. Sư Ông đã đợi để thầy trò cùng ăn trưa và sau đó đưa Pháp Ấn lên xóm Thượng. Đó là một hình ảnh rất đẹp.
Khi lên xóm Thượng, Sư Ông hỏi quý thầy đã chuẩn bị phòng cho Pháp Ấn chưa? Quý thầy thưa là đã chuẩn bị rồi. Sư Ông dẫn Pháp Ấn vào tận phòng. Nói là chuẩn bị rồi nhưng thật ra chỉ là một cái giường được làm bằng một tấm ván ép kê trên bốn cục gạch, ngoài ra không có gì hết. Hồi đó, ai đến Làng cũng mang theo túi ngủ. Sư cô Chân Không cũng đã dặn Pháp Ấn mang theo túi ngủ của mình. Phòng mà Pháp Ấn ở là một trong hai phòng của dãy nhà Trúc Lâm, bây giờ là quán sách của xóm Thượng. Vách tường là những viên đá chồng lên nhau, ở giữa những viên đá được đắp bằng đất. Vì cũ quá rồi nên nó hở ra, đêm nằm ngủ thì gió thổi luồn qua mặt và có khi tóc của Pháp Ấn đóng băng luôn vì quá lạnh. Hồi đó Làng là như vậy, cơ sở vật chất còn rất đơn sơ, thiếu thốn.
Tuy hoàn cảnh của những ngày đầu khó khăn là vậy, nhưng Pháp Ấn vẫn giữ gìn tâm nguyện của mình. Pháp Ấn có một lời nguyện là dù hoàn cảnh có khó khăn, phải đi ăn xin, phải sống cù bơ cù bất thì Pháp Ấn vẫn đi và phải hiểu cho bằng được giác ngộ đích thực là gì, giải thoát là gì.
Duyên thầy trò
BBT: Vì sao thầy lại chọn Sư Ông là thầy của mình?
Pháp Ấn biết tới Sư Ông từ hồi còn nhỏ. Năm đó, sinh nhật chị của Pháp Ấn, khoảng 1967 hay 1968, ba của Pháp Ấn đã mua quyển Bông hồng cài áo để tặng chị. Nhưng lúc đó Pháp Ấn còn nhỏ quá, mới sáu, bảy tuổi, Pháp Ấn đọc mà không hiểu gì hết. Những năm đầu khi mới qua Mỹ, Pháp Ấn được tiếp xúc một lần nữa với tác phẩm Bông hồng cài áo. Năm 1983, khi ba Pháp Ấn qua Mỹ, những người bạn của ba gửi cho ba cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức. Pháp Ấn được đọc tác phẩm này và bắt đầu thực tập theo. Pháp Ấn nhớ là mình đã thực tập đi từ tòa nhà này sang tòa nhà khác của trường đại học theo kiểu Sư Ông dạy trong sách là đếm bước chân. Pháp Ấn ráng làm theo công thức mẫu mực đã ghi trong sách và cố ép hơi thở nên rất mệt, thở không nổi luôn. Sau này, mùa Thu năm 1985, trong thời gian Pháp Ấn học ở Cali, Sư Ông có về Austin để mở khóa tu. Cả gia đình Pháp Ấn đều tham dự khóa tu đó. Ba mẹ của Pháp Ấn rất thương và quý trọng Sư Ông. Năm 1988, Pháp Ấn lại tham dự một khóa tu tại miền Nam Cali. Lúc đó, sư cô Chân Không mới xuất gia tại núi Linh Thứu về.
Từ những năm trung học cho đến khi xuất gia, Pháp Ấn đã đọc khá nhiều sách và và nghe các băng giảng của các vị thầy về thiền. Tại MIT, trước khi xuất gia, nhân đọc cuốn Vấn đề nhận thức trong Duy thức học của Sư Ông, Pháp Ấn có một trực giác: đây chính là vị thầy của mình! Càng tu thì càng thấy rằng được gặp Sư Ông là nhân duyên từ nhiều kiếp. Ngày xưa, mình nghĩ là mình chọn thầy này, thầy kia, mình thích chùa này, chùa kia. Nhưng thật ra, tất cả các pháp đều do duyên sanh. Khi về Làng, rất nhiều đêm, Pháp Ấn thường nằm mơ thấy hình ảnh Sư Ông ngồi thiền, rất thẳng và đẹp. Pháp Ấn cảm nhận giữa mình và Sư Ông có duyên thầy trò rất sâu đậm. Nhiều kỷ niệm giữa thầy trò với nhau rất nuôi dưỡng Pháp Ấn. Nhớ những ngày mới về Làng, Pháp Ấn có nhiều câu hỏi lắm. Lúc đầu, Sư Ông rất vui khi nghe các câu hỏi, nhưng sau khi đã biết cái tật của Pháp Ấn thì Sư Ông không trả lời nữa và để cho Pháp Ấn thực tập. Pháp Ấn thấy điều đó rất hay. Mình đến với quá nhiều câu hỏi mà thật ra những câu hỏi đó không ai có thể trả lời cho mình một cách rốt ráo. Điều mình cần là thực tập, qua năm tháng câu trả lời sẽ tự đến.
Công trình xây dựng tăng thân
BBT: Có mặt từ những ngày đầu của Làng, chứng kiến sự thay đổi và lớn lên của tăng thân, có giây phút nào thầy cảm thấy con đường xây dựng tăng thân thật chông gai và thầy thấy mệt mỏi hay không? Điều gì đã giúp thầy bền bỉ tiếp tục công trình giữ gìn và nuôi lớn tăng thân?
Pháp Ấn nhớ trong một bài pháp thoại vào cuối Thu năm 1993 khi gia đình Con Cá mới được xuất gia, Sư Ông nói người tu như bông xoài trứng cá. Hoa xoài ra rất nhiều nhưng có rất ít hoa đậu thành trái. Trứng cá cũng thế, có trăm ngàn cái trứng mà còn lại có bao nhiêu con cá đâu. Đó là một sự thật, là định hướng nhắc cho Pháp Ấn nhớ rằng đời người tu không dễ. Và khi anh chị em mình đi qua những chông gai, trở ngại, những khúc quanh thì mình chỉ thương thôi, không nên trách. Dù người đó có ở trong chúng, hay rời chúng thì mình vẫn thương họ. Đời người tu rất khó, mình tu được là mình vẫn còn có phước. Cái phước này giống như mình đi làm, có tiền, bỏ vào nhà băng, giữ như tiền tiết kiệm. Nhờ tiền tiết kiệm này mà bây giờ khi không đi làm, mình vẫn có tiền đem ra xài. Phước báu đó giúp cho mình đi xa được trên con đường tu. Phước huệ song tu là vậy.
Những ngày đầu ở Viện Phật học ứng dụng Âu châu, Pháp Ấn đã áp dụng cách vận hành tương tự như hệ thống Honour System – Hệ thống tự tôn trọng bản thân. Hệ thống này là những gì Pháp Ấn đã học và trải nghiệm khi còn đi học tại trường CalTech (CIT) tại thành phố Pasadena của tiểu bang California, Hoa Kỳ. Pháp Ấn hiểu được cách đào tạo này dựa trên chính sự yêu thích và tiến bộ của tự thân, học vì mình thích và muốn hiểu chứ không phải bởi một áp lực nào hết. Thành ra ở trường đó, học sinh rất giỏi và có nhiều thần đồng. Cách Pháp Ấn xây dựng tăng thân là đề cao tinh thần tự giác. Tự giác ở đây không có nghĩa là phóng túng, không theo nề nếp, mà tự giác ở đây là tự giác trong nề nếp, tự giác trong tinh thần của giới luật và theo thời khóa sinh hoạt của chúng. Anh chị em ai muốn làm gì thì Pháp Ấn để cho rất nhiều tự do. Giống như một cái cây muốn lớn lên thì xung quanh cần phải có không gian, để nó hấp thụ chất dinh dưỡng và không khí.
Dù mình đi tu, mình là con người của tập thể nhưng mình vẫn có phần riêng tư của mình và Pháp Ấn tôn trọng phần riêng tư đó. Nhưng cái gì chung thì mình phải cùng xây dựng, đóng góp, hoàn thiện để nó trở thành một không gian chung, thuận lợi cho tất cả mọi người sống và tu học. Không gian chung đó rất quan trọng. Xây dựng chúng là xây dựng không gian chung đó.
Mình không nên đặt ra một ý niệm về tăng thân toàn hảo. Từ thời của Bụt, tăng thân đã là như vậy, luôn có vấn đề này vấn đề kia và mãi mãi về sau sẽ là như vậy. Cái đó là chân như, là viên thành thật tánh. Nhìn vào đó mình thấy được khi nhân duyên đầy đủ thì nó biểu hiện, khi nhân duyên thiếu vắng thì các pháp ẩn tàng. Trong việc xây dựng tăng thân, Pháp Ấn cũng dựa trên nguyên tắc đó. Mình làm hết tất cả những gì mình có thể làm rồi sau đó những gì biểu hiện ra là hoa trái của nhiều thế hệ, nhiều nhân duyên hội tụ lại mà thành.
Thời huy hoàng, tăng thân lớn mạnh, Sư Ông tổ chức khóa tu, đi giảng chỗ này chỗ kia. Đó là bông hoa kết tụ từ nhiều đời nhiều kiếp, nhiều nhân duyên và đến lúc biểu hiện. Bao giờ cũng vậy, một bông hoa sau khi nở sẽ lại trở thành bùn. Tăng thân của mình một ngày kia cũng thành bùn, đó là sự thật của vô thường. Không trước thì sau, sẽ thành bùn một phần nào đó rồi ẩn tàng, rồi nhân duyên tiếp tục biến chuyển trong sự vận hành mầu nhiệm để đưa ra một bông hoa kế tiếp. Khi mình nhìn cuộc sống như vậy, mình mở lòng ra để chấp nhận, làm được cái gì thì làm hết lòng, tăng thân làm được gì tăng thân làm, vui được bao nhiêu thì vui, thành công được bao nhiêu thì thành công. Nhưng điều quan trọng là giáo pháp phải được lưu chuyển. Những giáo lý, những phương pháp hành trì phải được lưu chuyển liên tục vì cái đó là cái thay đổi tăng thân, thay đổi sự sống. Chính bản thân mình cũng phải là một pháp sống, cũng cần phải thay đổi. Đi tu là đối diện với chính mình, đối diện với thói quen không lành, không đẹp nơi mình để chuyển hóa, chứ không phải để nhìn thói quen không lành, không đẹp của người khác. Và thấy rằng mình làm được thì mới mong người khác làm được. Ngày nào mình chưa làm được thì đừng mong thay đổi người khác. Đó là con đường dựng tăng hay nhất, theo Pháp Ấn nghĩ.
Phụng sự và tu học là một
BBT: Thưa thầy, xin thầy chia sẻ với chúng con cái nhìn của thầy về mối liên hệ giữa tu học và phụng sự?
Tu là phải mở được trái tim để có được lòng vị tha, bác ái, có một nhận thức sâu sắc hơn về đời sống. Chính cái đó làm nên chất liệu tâm linh của một người tu. Vậy nên tu khó lắm! Khó hơn ngồi đọc một bộ luận, ngồi viết một luận án tiến sĩ. Bởi vì thay đổi một hành động, một thói quen đòi hỏi một sự quyết tâm rất lớn. Thay đổi con người mình đâu phải là một chuyện dễ dàng.
Phụng sự như thế nào để nuôi dưỡng được tình thương, mở được trái tim ra thì đó mới đích thực là phụng sự. Làm việc chính là lúc tập khí của mình biểu hiện và mình có cơ hội tu với nó. Còn khi mình ngồi trong phòng học, có ai động tới mình, làm cho mình giận, mình buồn đâu để mà tu; có ai đau khổ đâu để cho mình phát sinh tình thương. Những khi sinh hoạt thời khóa, tham gia pháp đàm, lắng nghe, tiếp xúc với khổ đau, mở trái tim ra để chia sẻ với những người xung quanh là những lúc tình thương trong mình được phát khởi và lớn lên. Đó là tu. Như vậy phụng sự cũng là tu.
Năm đầu tiên Pháp Ấn làm thị giả cho Sư Ông, không bao giờ Sư Ông để cho Pháp Ấn ngồi lại hầu cơm. Sư Ông nói: thôi con để cơm đó cho thầy rồi đi ra có mặt, chơi với thiền sinh. Thiền sinh rất cần sự có mặt của mình. Đôi khi Pháp Ấn ra trễ giờ ăn, cũng chỉ còn một vài người nhưng Pháp Ấn cũng ngồi ăn để có mặt với họ. Thời khóa pháp đàm Sư Ông cũng để cho Pháp Ấn đi tham dự. Khi hy sinh, tận tụy cho người khác thì tự nhiên mình hiểu về chính mình và giải thoát được cho chính mình, chứ không phải chăm chăm lo cho mình mà giải thoát được. Như khi nhìn cây đèn cầy tỏa ánh sáng, ánh sáng cây đèn tỏa ra nhưng thật sự nơi nóng nhất là tim đèn. Và cái sức nóng ấy quay lại để làm chảy sáp nơi cây đèn cầy, làm cho cây đèn cầy tiếp tục cháy được. Cũng giống như vậy, chính khi mình phục vụ người khác, khi mình đem tất cả năng lực ánh sáng của mình để rọi đến nơi u tối, thì chính năng lực đó quay lại làm chảy chất sáp trong con người của mình. Mình trở thành một con người giải thoát là nhờ phụng sự. Vì thế tu không phải chỉ lo cho chính mình, tu là vì người, là bác ái. Và khi đó chính mình là người được hưởng nhiều nhất.
Nếu cây đèn cầy không được thắp lên thì sẽ không bao giờ thành một cây đèn cầy mà chỉ là một cục sáp thôi. Một cây đèn cầy phải thắp lên thì cái dụng đó mới làm nên cây đèn cầy. Người tu cũng vậy, mình có cái thể, cái dụng và cái hạnh. Cái thể mình đã có rồi, đó là hình tướng của một người tu, nhưng nếu mình không tỏa chiếu được năng lượng bình an, hạnh phúc, năng lượng giúp cho người khác thay đổi cuộc đời thì mình chỉ có hình tướng của người tu, mới chỉ có chất sáp của cây đèn cầy. Mình phải biến chất sáp đó thành ánh sáng. Chính con đường phụng sự mới làm nên chất liệu của người tu. Từ chất sáp mình biến thành ánh sáng chứ không còn là chất sáp nữa. Vì thế pháp môn của Làng Mai là phải tu trong khi làm việc. Nếu trong khi làm mà không tu thì không còn đúng là người tu. Tu hay không tu điều đó phụ thuộc vào mình!
BBT: Thưa thầy, chúng con cảm ơn thầy đã có mặt và chia sẻ với chúng con những kỷ niệm và những hoa trái thực tập quý báu này.