Kinh Nhiếp phục tham dục

Kinh Nhiếp Phục Tham Dục
(Kiệt Tham Vương Kinh)
Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ nhất, Đại Tạng Tân Tu 198
tương đương với Kàma Sutta, Sutta-Nipàta 766-771

Bối Cảnh
Kinh này tên là Kinh Kiệt Tham Vương. Kiệt Tham Vương là ông vua có nhiều tham dục. Phần trường hàng kể một chuyện tiền thân: hồi ấy Bụt là một người trai trẻ tên là Uất Đa (có thể dịch từ Uttara hay Utto) đã có khả năng giảng giải một bài kệ cho vị vua đã từng khổ đau vì nhiều tham dục. Vua hài lòng và ban cho người trẻ tước hiệu là đại đức (bhadanta). Rồi Bụt dạy kinh này.

1. Tâm còn đeo đuổi ham muốn thì dù có đạt tới cái đối tượng ham muốn rồi, mình vẫn càng ngày càng muốn có thêm nữa, vẫn chưa được hài lòng.
2. Chạy theo dục lạc trong cuộc đời, là kẻ đang bị vướng vào tham đắm và si mê. Còn mang dục ý trong lòng thì cũng như một người đang bị trúng tên độc.
3. Nên tránh tham dục như tránh dẫm lên đầu một con rắn độc. Phải thực tập thiền quán mới buông bỏ được những gì mà người đời thường ham muốn.
4. Vướng vào sự tham cầu châu báu, ruộng đất, hạt giống, trâu bò, tôi tớ và thê thiếp, kẻ ngu si làm tiêu hao cuộc đời và thân thể mình.
5. Đang khỏe mạnh cường tráng, người chạy theo dục lạc trở nên gầy gò hư hao, lại gây thêm nhiều oán hận. Trong u mê, người ấy phải gánh chịu nhiều đau nhức, giống như kẻ đang đi trên biển mà thuyền bị vỡ.
6. Vì vậy ta phải biết nhiếp phục tâm ý, xa lìa tham dục, đừng vướng vào chúng, tinh tiến đi tới, một lòng mong cầu đưa chiếc thuyền của mình đi sang tới bờ bên kia.

Đại Ý
Kinh tuy chỉ có sáu bài kệ, nhưng rất hay và rất đầy đủ. Đối tượng của tham dục là giàu sang, quyền lực, danh vọng và sắc dục. Chạy theo những đối tượng ấy ta có thể làm cho thân và tâm bệ rạc. Có ba hình ảnh tuyệt đẹp trong kinh này: Mang dục ý trong lòng thì cũng như một người đang trúng tên độc, không thể nào có an lạc. Phải tránh tham dục như tránh dẫm lên đầu một con rắn độc, bởi tham dục rất nguy hiểm. U mê vì tham dục phải gánh chịu nhiều đau nhức, như người đi trên biển cả bị vỡ thuyền. Kinh dạy phải thực tập thiền quán mới buông bỏ tham dục được một cách dễ dàng. Kinh cũng đưa ra ý niệm “bờ bên kia” tức là bờ giải thoát, bờ tự do.

Bài kệ 1
Tăng niệm tùy dục                          增  念  隨  欲
Dĩ hữu phục nguyện                       已  有  復  願
Nhật tăng vi hỷ                               日  增  為  喜
Tùng đắc tự tại                               從  得  自  在

Bài kệ 2
Hữu tham thế dục                          有  貪  世  欲
Tọa tham si nhân                           坐  貪  癡  人
Ký vong dục nguyện                       既  亡  欲  願
Độc tiễn trước thân                        毒  箭  著  身

Bài kệ 3
Thị dục đương viễn                        是  欲  當 遠
Như phụ xà đầu                             如  附  蛇  頭
Vi thế sở lạc                                 違  世  所  樂
Đương định hành thiền                   當  定  行  禪

Bài kệ 4
Điền chủng trân bảo                        田  種  珍  寶
Ngưu mã dưỡng giả                        牛  馬  養  者
Tọa nữ hệ dục                                坐  女  繫  欲
Si hành phạm thân                          癡  行  犯  身

Bài kệ 5
Đảo luy vi cường                           倒  羸  為  強
Tọa phục thậm oán                        坐  服  甚  怨
Thứ minh thọ thống                        次  冥  受  痛
Thuyền phá hải trung                      船  破  海  中

Bài kệ 6
Cố thuyết nhiếp ý                            故  說  攝  意
Viễn dục vật phạm                          遠  欲  勿  犯
Tinh tấn cầu độ                             精  進  求  度
Tải thuyền chí ngạn                         載  船  至  岸

 

_________________________

Mục Lục

Lời tựa

Phần 1

  1. Kinh Nhiếp Phục Tham Dục (Kiệt Tham Vương Kinh)
  2. Kinh Hang Động Ái Dục (Ưu Điền Vương Kinh)
  3. Kinh Buông Bỏ Sở Tri Và Ngôn Từ (Tu Đà Lợi Kinh)
  4. Kinh Buông Bỏ Khổ Lạc Và Nhiễm Tịnh (Ma Kiệt Phạm Chí Kinh)
  5. Kinh Sự Thật Đích Thực (Kính Diện Vương Kinh)
  6. Kinh Buông Bỏ Ân Ái (Lão Thiểu Câu Tử Kinh)
  7. Kinh Xa Lìa Ái Dục (Di Lặc Nạn Kinh)
  8. Kinh Buông Bỏ Ý Muốn Hơn Thua (Dũng Từ Phạm Chí Kinh)
  9. Kinh Nhân Cách Của Một Vị Mâu Ni (Ma Nhân Đề Nữ Kinh)
  10. Kinh Đạo Lý Duyên Khởi (Dị Học Giác Phi Kinh)
  11. Kinh Chấm Dứt Tranh Cãi (Mãnh Quán Phạm Chí Kinh)
  12. Kinh Buông Bỏ Nắm Bắt (Pháp Quán Phạm Chí Kinh)
  13. Kinh Công Phu Thực Tập Căn Bản (Đâu Lặc Phạm Chí Kinh)
  14. Kinh Phòng Hộ (Liên Hoa Sắc Tỳ Khưu Ni Kinh)
  15. Kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt (Phụ Tử Cọng Hội Kinh)
  16. Kinh Chuyển Hóa Bạo Động Và Sợ Hãi (Duy Lâu Lặc Vương Kinh)
Phần 2 (Giảng giải kinh)

Kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt
Kinh Xa Lìa Ái Dục
Kinh Chuyển Hóa Bạo Động Và Sợ Hãi