Kinh Buông bỏ ý muốn hơn thua
Kinh Buông Bỏ Ý Muốn Hơn Thua
(Dũng Từ Phạm Chí Kinh)
Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ tám, Đại Tạng Tân Tu 198
tương đương với Pasùra Sutta, Sutta-Nipàta 824-834
Bối cảnh
Đây là kinh Dũng Từ Phạm Chí. Phạm Chí là một đạo sĩ Bà La Môn. Khung cảnh dựng lên: Sau khi an cư ba tháng mùa mưa ở tu viện Cấp Cô Độc, Bụt đi sang nước Đọa Sa (Tỳ Xá Li, Vaisali) để hành đạo. Ở đây có những ông nhà giàu và con cháu của họ thuê một vị Phạm Chí tên là Dũng Từ đứng ra tranh luận với Bụt, đặt những câu hỏi để Bụt không thể trả lời được. Vị Phạm Chí đã chuẩn bị trong ba tháng. Năm trăm người đã tới Cao Quán Điện (Kutagarasala), một phòng hội nghị trên bờ hồ Vườn Khỉ (Markatahrada-tire) để dự cuộc tranh luận. Phạm Chí Dũng Từ thấy Bụt với dáng vẻ uy nghi thì sinh ra sợ hãi, không có can đảm chất vấn Bụt nữa dù đã nghĩ trước sẵn năm trăm câu hỏi hóc búa. Bụt thấy vậy liền nói kinh này.
1. Tự mình cho là mình đã có pháp thanh tịnh cao nhất, kẻ khác không ai có tuệ giác lớn bằng mình. Kẹt vào cái sở tri của mình và thích thú với cái ý nghĩ là mình đã nắm được chân lý, thái độ ấy đưa người ta đến sự hành trì sai lạc.
2. Trong những buổi hội họp thường muốn tỏ ra rằng mình hơn người. Ai cũng cứ nói rằng kẻ kia còn là những người u tối. Lòng cứ đinh ninh là mình có chân lý, nhưng mình không thực sự biết là mình đang nói gì. Cứ thế mọi người đặt cho nhau những câu hỏi về chân lý và hy vọng là phía bên kia người ta sẽ không thể trả lời những cật vấn của mình được.
3. Trong đám đông, họ cật vấn nhau, họ đặt lại những câu hỏi gây khó khăn trong các buổi tranh luận. Khi bị dồn vào thế không trả lời được, người ta nổi cơn giận dữ tại vì đối với những vấn đề gọi là nan giải, ai cũng cho là mình hay nhất.
4. Lúc bấy giờ, trong sự thực tập của mình, mình bắt đầu có sự nghi ngờ tự cho mình là đã đi sai lạc và bắt đầu có tâm hành hối hận. Trong giọng nói của mình, bắt đầu có sự mất tự tin và không còn tin tưởng vào cái biết của mình nữa. Cuối cùng, cái thao thức muốn đặt những câu vấn nạn kia chẳng giúp ích được gì cho chính mình.
5. Buồn rầu, lo lắng và khổ đau khi thấy mình thua cuộc. Mình ngồi không vui mà nằm xuống cũng còn ấm ức hoặc hối hận. Cái công phu học hỏi của mình xưa nay vốn là sai lạc cho nên mới đưa tới những lời nói và những ý định như thế. Một khi thấy mình bị lép vế trong cuộc tranh luận rồi thì mình lại rơi vào mặc cảm thua kém.
6. Thấy điều ấy rồi thì mình ngậm miệng lại, không dám nói nữa bởi vì mình biết nếu gấp gáp nói ra một điều gì nữa thì vấn nạn lại do đó mà phát sinh. Vì có chủ ý vấn nạn cho nên mới phát sinh ra những cuộc tranh chấp, nguyên do cũng chỉ vì mình muốn được khen ngợi, được nổi bật giữa đám đông.
7. Những lời ngợi khen đẹp đẽ kia làm phát sinh sự thích thú cho nên ai cũng bị kẹt vào. Chính thái độ tự cao tự đại của mình làm cho mình rơi xuống thấp. Không chịu lắng nghe học hỏi thì làm sao ta có thể đi lên?
8. Nếu quả thực có tâm tu học thì ta sẽ không có nhu yếu tranh luận như thế. Không đi theo con đường (tranh luận) kia thì ta sẽ có cơ hội đi tới giải thoát tốt đẹp. Nếu cứ ỷ vào (cái hay, cái giỏi của mình) thì sẽ có nhu yếu năng nổ đi tìm một đối tượng mà mình muốn nạn vấn hơn thua.
9. Tới và đi với thái độ hùng hổ, kẻ ấy không cảm thấy hổ thẹn, kẻ này bảo rằng: “ai có đủ sức nghị luận được với anh, ngoài tôi? Ôm lấy cái khối si mê của mình, rất muốn la lên rằng: “Chủ trương của quý vị toàn là sai lạc”. Mình đang tự cố thủ lấy cái sai lầm của chính mình.
10. Thật sự là mình chỉ mới đi loanh quanh với cái hoa mà chưa bao giờ đi tới được cái quả. Những lời do chính mình nói ra mình cũng chưa hiểu được cái ý nghĩa của chúng nữa là. Phải (có can đảm) vượt khỏi những sai lầm của mình để tìm cầu sự khai minh. Giáo và nghĩa phải đi đôi với nhau, đừng để chúng chống đối và làm tổn thương nhau.
11. Người đại diện được cái Thiện không còn nhu yếu nói năng gì nữa. Kẻ kia dù đúng hay sai, (tốt hay xấu) ta cũng không cần quan tâm lo lắng. Chủ đích của sự hành trì là tìm được cánh cửa (đi vào giải thoát). Đối tượng nào của tâm ý cũng đều phải để tâm quán chiếu cho tường tận.
12. Cùng với vị chỉ huy trưởng tập họp và đàm luận chiến thuật với ba quân của mình, từ đốm sáng mờ mờ của con đom đóm, ta phát hiện lên ánh hào quang tỏa chiếu khắp nơi rạng rỡ.
Đại ý
Con đường tu đạo là con đường tịnh hóa. Nếu mình cho con đường của mình là cao nhất, nếu cho rằng mình đang đứng trên đỉnh cao trí tuệ thì chính mình đang bị kẹt, và sự hành trì của mình có thể là đang sai lạc. Mình có khuynh hướng muốn tranh luận và chứng tỏ là mình đúng, tất cả những kẻ khác đều sai lầm. Tranh luận mà thắng thì cảm thấy hả hê, nhưng chính cái hả hê đó sẽ làm cho mình rơi xuống hố sâu của mặc cảm. Phần lớn người ta chỉ ham chuộng lời hay ý đẹp và họ nghĩ cái ấy là đã đủ với họ. Họ không biết đó chỉ là đồ trang sức. Đó chỉ là cái thứ hoa không bao giờ kết trái. Đây là hình ảnh rất thiết thực được đưa ra trong bài thi kệ thứ chín. Nếu mình có nhu yếu tu học, nếu mình có khả năng lắng nghe và học hỏi thì mình sẽ không có nhu yếu tranh luận hơn thua.
Trong kinh này Bụt chỉ dẫn những điều ta cần làm. Thứ nhất là phải phát tâm tìm cầu cánh cửa giải thoát. Thứ hai là những gì mình nói ra phải đi theo với pháp môn mình thực tập. Thứ ba là phải tìm cầu ánh sáng: chỉ có ánh sáng mới xua đuổi được bóng tối u minh, xua đuổi được tri giác sai lầm. Mà cách thức tìm cầu ánh sáng hay nhất là quán chiếu tất cả những đối tượng của tâm ý. Điều này được nói tới trong bài thi kệ thứ mười hai. Ánh sáng của con đom đóm không phá tan được màn vô minh, phải có ánh sáng của trí tuệ Ba La Mật.
Bài kệ 1
Tự thuyết tịnh pháp vô thượng 自 說 淨 法 無 上
Dư vô pháp minh cập ngã 餘 無 法 明 及 我
Trước sở tri cực khoái lạc 著 所 知 極 快 樂
Nhân duyên đế trú tà học 因 緣 諦 住 邪 學
Bài kệ 2
Thường tại chúng dục nguyện thắng 常 在 眾 欲 願 勝
Ngu phóng ngôn chuyển tướng thiêu 愚 放 言 轉 相 燒
Ý niệm nghĩa vong bổn ngữ 意 念 義 忘 本 語
Chuyển thuyết nan tuệ sở ngôn 轉 說 難 慧 所 言
Bài kệ 3
Ư chúng trung nan hợp nghĩa 於 眾 中 難 合 義
Dục nan nghĩa đương cánh cú 欲 難 義 當 竟 句
Tại chúng cùng tiện sân nhuế 在 眾 窮 便 瞋 恚
Sở nan giải chúng tất thiện 所 難 解 眾 悉 善
Bài kệ 4
Tự sở hành tiện sanh nghi 自 所 行 便 生 疑
Tự kế phi hậu ý hối 自 計 非 後 意 悔
Ngữ sảo nghi vong ý tưởng 語 稍 疑 忘 意 想
Dục tà nạn chánh bất trợ 欲 邪 難 正 不 助
Bài kệ 5
Bi ưu thống sở ngôn đoản 悲 憂 痛 所 言 短
Tọa bất lạc ngọa âm trách 坐 不 樂 臥 喑 咋
Bổn tà học trí từ ý 本 邪 學 致 辭 意
Ngữ bất thắng chuyển hạ ý 語 不 勝 轉 下 意
Bài kệ 6
Dĩ kiến thị thượng thủ khẩu 已 見 是 尚 守 口
Cấp khai bế nan tùng sanh 急 開 閉 難 從 生
Ý tại nạn kiến đối sanh 意 在 難 見 對 生
Xuất thiện thanh vi chúng quang 出 善 聲 為 眾 光
Bài kệ 7
Từ duyệt hảo sanh ý hỉ 辭 悅 好 生 意 喜
Trước hoan hỉ bỉ tự bỉ 著 歡 喜 彼 自 彼
Tự đại khả đọa lậu hành 自 大 可 墮 漏 行
Bỉ bất học tùng hà tăng 彼 不 學 從 何 增
Bài kệ 8
Dĩ học thị mạc không tranh 已 學 是 莫 空 諍
Bất tùng thị thiện giải thoát 不 從 是 善 解 脫
Đa ỷ sanh thống hành ti 多 倚 生 痛 行 司
Hành cầu bối dục dữ nạn 行 求 輩 欲 與 難
Bài kệ 9
Dũng tùng lai khứ mạc tàm 勇 從 來 去 莫 慚
Lệnh đương thùy dữ nhữ nghị 令 當 誰 與 汝 議
Bão minh trụ dục nan viết 抱 冥 柱 欲 難 曰
Nhữ tà đế tự thủ si 汝 邪 諦 自 守 癡
Bài kệ 10
Nhữ hành hoa bất kiến quả 汝 行 花 不 見 果
Sở xuất ngữ đương cầu nghĩa 所 出 語 當 求 義
Việt tà độ chuyển cầu minh 越 邪 度 轉 求 明
Pháp nghĩa đồng tùng tướng thương 法 義 同 從 相 傷
Bài kệ 11
Ư thiện pháp dũng hà ngôn 於 善 法 勇 何 言
Bỉ thiện ác thọ mạc ưu 彼 善 惡 受 莫 憂
Hạnh ức đáo cầu đáo môn 行 億 到 求 到 門
Ý sở tưởng khứ đế tư 意 所 想 去 諦 思
Bài kệ 12
Dữ đại tướng câu nghị quân 與 大 將 俱 議 軍
Bỉ huỳnh hỏa thượng biến minh 比 螢 火 上 遍 明