Kinh Đạo Lý Duyên Khởi

Kinh Đạo Lý Duyên Khởi
(Dị Học Giác Phi Kinh)
Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ mười, Đại Tạng Tân Tu 198
tương đương với Kalahavivàda Sutta,

Sutta-Nipàta 862-877

 

Bối Cảnh

Đây là kinh Dị Học Giác Phi. Dị Học Giác Phi là các giáo phái ngoại đạo muốn thi đua về pháp thuật với Bụt. Khung cảnh dựng lên: Bụt còn trẻ mà được vua Tần Bà Xa La mến mộ, trong khi ấy các vị lãnh đạo trưởng thượng của sáu giáo phái nổi tiếng kia thì bị thất sủng. Họ đề nghị với Vua Tần Bà Xa La tổ chức thi đua pháp thuật xem bên nào đạo lực cao cường hơn. Vua không chấp nhận. Họ sang nước Xá Vệ đề nghị với vua Ba Tư Nặc. Vua Ba Tư Nặc tuy cũng rất sùng mến Bụt, nhưng chấp nhận cho tổ chức cuộc thi tài này. Cuối cùng pháp thuật của Bụt cao cường hơn. Và trong khung cảnh ấy Bụt nói kinh này. Khung cảnh này thật sự không ăn khớp gì nhiều với nội dung.

 

1. Vì đâu mà có tranh cãi đấu tụng? Vì đâu mà người ta làm khổ nhau, gây sầu thương cho nhau và ganh ghét nhau? Vì lý do gì mà người đời thường sử dụng ác ngữ để hủy báng nhau? Xin Bụt giảng cho chúng con về gốc rễ của vấn đề này.

2. Cái khả ái là nguồn gốc của mọi tranh tụng. Nó gây ra ganh tỵ, tật đố, ưu sầu, khổ não. Vì muốn hủy báng nhau cho nên người ta mới sử dụng vọng ngữ. Chính nó là gốc rễ đưa tới mọi hủy báng chống đối nhau.

3. Nhưng cái khả ái ấy ở đời do đâu mà có? Từ đâu mà ái phát sinh trong cuộc đời? Bỏ cái gì đi thì ái mới không còn và lúc ấy thì con người mới không đau khổ?

4. Chính ham muốn của mình làm cho mình vướng vào cái khả ái của thế gian. Và khi cái ham muốn lớn mạnh sẽ tạo ra nhiều khổ đau. Không buông bỏ được cái hữu cũng là do nó. Và vì có cái hữu này cho nên mới có những cái hữu tới sau.

5. Cái gì làm phát sinh ra cái ham muốn bắt ta chạy theo dục lạc trong cuộc đời? Do đâu mà phân biệt được cái lành, dữ, xấu, tốt? Do đâu mà có cái bắt đầu và cái chung cuộc? Xin bậc đại sa môn chỉ dạy: chúng con phải tuân thủ theo các pháp môn hành trì nào?

6. Cái ham muốn ấy phát sinh từ chuyện mình thích ý hay không thích ý. Dục cũng từ nhân duyên mà sinh khởi. Chỉ khi nào thấy được lý do sắc thân vì sao từ hưng thịnh lại đi đến tàn hoại thì người đời mới bắt đầu biết phân biệt quán chiếu.

7. Khi biết rằng mình đang bị dối gạt (bởi cái vỏ bên ngoài của các pháp) thì con người mới biết hoài nghi. Lúc bấy giờ ta mới nhận diện được hai mặt đối nghịch của các pháp. Thực tập quán niệm như thế nào để khám phá ra được con đường dẫn về tuệ giác. Phải có tâm mong cầu hiểu được giáo pháp ta mới thấy rõ được phép hành trì.

8. Cái có và cái không từ đâu tới? Tại sao người thân và người không thân một ngày kia cũng đều phải chết? Còn vấn đề cái thêm và cái bớt nữa. Xin đức Thế Tôn thuyết giảng cho chúng con về gốc rễ của hiện pháp?

9. Cái ái và cái không ái là do sự xúc chạm mà sinh khởi. Chúng tới rồi chúng đi, chúng sinh rồi chúng diệt, chúng không thể có mặt (nếu không có xúc chạm). Cái có và cái không, cái thịnh và cái suy cũng cùng trong một ý nghĩa đó. Bậc hiền giả giải thích về gốc rễ của hiện pháp một cách tường tận như thế.

10. Nhưng sự xúc chạm kia từ đâu mà đến? Vì nguyên do nào mà người ta lại bị vướng vào sắc dục của thế gian? Phải thực tập quán niệm như thế nào để không còn phân biệt chấp trước? Tại sao lại có sự vướng mắc vào sắc dục?

11. Do có tâm và vật (danh sắc) mà có xúc chạm. Vì có cái có nên danh và sắc mới khởi dậy. Phải vượt qua vô minh mới đạt được giải thoát. Phải thấy được rằng danh và sắc là nền tảng của xúc chạm.

12. Làm thế nào để buông bỏ được sự ham muốn về danh và sắc? Vì lý do gì mà phát sinh các loại tham ái? Làm sao cho tâm đắm trước tham ái được tiêu diệt tận cùng? Phải biết và hành trì theo giáo lý (bốn) sự thật như thế nào mới có thể đạt tới giải thoát?

13. Phải lìa bỏ ý niệm về tưởng, về sắc, về cái vô tưởng và về cái bất hành tưởng. Phải đoạn trừ tất cả và không vướng mắc vào ý niệm nào. Bởi tưởng là gốc rễ của mọi hý luận đem tới nhiều đau khổ.

14. Những điều con thưa hỏi đều đã được giải đáp. Nay xin đức Thế Tôn thuyết giải thêm cho chúng con: hành trì như thế nào để có thể trở nên một bậc toàn thiện? Còn có con đường nào khác hơn con đường mà bậc tôn đức đã chỉ bày hay không?

15. Đã biết là mình đang đi trên con đường (bát) chánh thì còn sợ gì bị sai lạc? Đó là con đường dẫn tới quả vị tuệ giác. Vị mâu ni thiền định dưới một gốc cây trong rừng. Không có con đường nào đẹp hơn thế.

16. Hiểu như thế rồi thì các vị phải một lòng hướng về (sự thực tập). Một bậc tôn đức được giải thoát thì không còn bị ràng buộc vào nghi lễ và giới cấm nữa. Một người như thế có thể vượt qua mọi phiền não một cách mau chóng trong cuộc đời. Vị ấy vượt thoát được thời gian và không còn trở về luân hồi nữa.

Đại Ý

Kinh này là dấu hiệu của sự bắt đầu hình thành giáo lý mười hai nhân duyên. Kinh nói tới tám nhân duyên: thức, danh sắc, xúc, thọ, dục, ái, thủ, hữu. Lúc này dục và ái còn là hai cái khác nhau. Chưa nói tới vô minh, thì đã bắt đầu đề cập tới hành. Khi nói về thức, chưa có sinh và lão tử, nhưng sinh và lão tử đã nằm sẵn trong hữu. “Vì có cái hữu này nên có những cái hữu tới sau.” Câu này nằm trong bài thi kệ thứ tư.

Trong bài thi kệ thứ nhất, thủ là nắm chặt ý kiến của mình. Trong bài kệ thứ ba, sở dĩ mình nắm chặt nó, tại vì nó là đối tượng của sự yêu thích của mình. Nó là cái khả ái. Trong bài thứ tư, dục (ham muốn) là nguyên do của ái, và ái cũng là nguồn gốc của cái hữu bây giờ và những cái hữu tới sau.

Bài thứ sáu đề cập tới thọ, cảm thọ dễ chịu (thích ý) hay khó chịu (không thích ý). Chưa nói đến xả thọ. Cái thích ý làm phát sinh cái dục. Bài thứ chín nói về xúc. Bài thứ mười một nói về danh sắc. Và bài thứ mười ba nói tới tưởng. Tưởng là tri giác, là thức, là chủ thể và đối tượng nhận thức. Vọng tưởng là tri giác sai lầm của thức. Vọng tưởng là vô minh, vọng tưởng làm cho thức là thức, nếu không thì nó đã là trí. Vọng tưởng là gốc rễ của mọi suy tư và ngôn ngữ có công năng đem tới khổ đau. Đây chính là bản chất của hành.

Kinh này không những trình bày được sự liên hệ giữa tâm vật và nguyên do của luân hồi sinh tử mà còn cung cấp được những chỉ dẫn thực tập.

Bài thi kệ thứ bảy và thứ tám đề nghị quán chiếu về hai mặt đối nghịch của các hiện tượng: có và không, tới và đi, thêm và bớt. Tư tưởng này đi tiên phong cho tư tưởng Trung Đạo và Bát Nhã Ba La Mật. Bài thứ 13 cho biết rằng nếu tinh cần quán chiếu về đối tượng tâm ý để đừng bị vướng mắc vào bất cứ ý niệm nào, dù là ý niệm vô tưởng và bất hành tưởng, thì ta có thể đạt tới giải thoát thật sự, chấm dứt mọi vọng tưởng. Bài thứ 15 khuyến khích ta nắm cho được con đường Bát Chánh Đạo mà đi.

Hình ảnh một người ngồi thiền định dưới một gốc cây trong rừng là hình ảnh đẹp nhất. Đó là hình ảnh của một vị mâu ni.

Kinh này là kinh thứ mười trong Nghĩa Túc Kinh, nhưng lại là kinh thứ mười một trong Atthaka Vagga, kinh tương đương trong tạng Pali.

 

Bài kệ 1
Đấu tụng biến hà tùng khởi                          鬪  訟  變  何  從  起
Trí ưu  thống chuyển tướng tật                    致  憂  痛  轉  相  疾
Khởi vọng ngữ chuyển tướng hủy               起  妄  語  轉  相  毀
Bổn tùng khởi nguyện thuyết Phật              本  從  起  願  說  佛


Bài kệ 2
Tọa ưu khả khởi biến tụng                           坐  憂  可  起  變  訟
Chuyển tướng tật trí ưu thống                     轉  相  嫉  致  憂  痛
Dục tướng hủy khởi vọng ngữ                     欲  相  毀  起  妄  語
Dĩ tướng hủy đấu tụng bổn                          以  相  毀  鬪  訟  本

Bài kệ 3
Thế khả ái hà tùng khởi                                 世  可  愛  何 從 起
Chuyển thế gian hà sở tham                         轉  世  間  何  所 貪
Tùng trí hữu bất phục dục                             從  置  有  不  復 欲
Tùng bất phục chuyển hành thọ                      從 不 復  轉 行 受

Bài kệ 4
Bổn sở dục trước thế ái                               本  所  欲  著  世  愛
Dĩ lợi thị chuyển hành khổ                            以  利  是  轉  行  苦
Bất xả hữu tùng thị khởi                               不  捨  有  從  是  起
Dĩ cố chuyển hậu phục hữu                          以  故  轉  後  復  有

Bài kệ 5
Tùy thế dục bổn hà khởi                                隨  世  欲  本  何  起
Tùng hà đắc biệt thiện ác                               從  何  得  別  善  惡
Tùng hà hữu khởi bản mạt                            從  何  有  起  本  末
Sở chế Pháp Sa Môn thuyết                         所  制  法  沙  門  說

Bài kệ 6
Diệc thị thế sở hữu vô                                    亦  是  世  所  有  無
Thị nhân duyên tiện dục sanh                          是  因  緣  便  欲  生
Kiến thịnh sắc tùng hà tận                              見  盛  色  從  何  盡
Thế nhân tất phân biệt tác                              世  人  悉  分  別  作

Bài kệ 7
Sở tùng khi hữu nghi ý                                  所  從  欺  有  疑  意
Diệc thị pháp vũ diện thọ                               亦  是  法  雨  面  受
Niệm tùng hà học tuệ tích                             念  從  何  學  慧  跡
Nguyện giải pháp minh học thuyết                  願  解  法  明  學  說


Bài kệ 8
Sở hữu vô bổn tùng hà                                   所  有  無  本  從  何
Vô sở thân tùng hà diệt                                  無  所  親  從  何  滅
Thịnh diệc giảm tất nhất nghĩa                         盛  亦  減  悉  一  義
Nguyện thuyết thị giải hiện bổn                       願  說  是  解  現  本

Bài kệ 9
Hữu diệc vô trước tế nhu                               有  亦  無  著  細  濡
Khứ lai diệt vô sở hữu                                   去  來  滅  無  所  有
Thịnh diệc diệt nghĩa tùng thị                          盛  亦  滅  義  從  是
Giải hiện hiền bổn tận thị                               解  現  賢  本  盡  是

Bài kệ 10
Thế tế nhu bổn tùng hà                                  世  細  濡  本  從 何
Trước thế sắc tùng hà  khởi                           著  世  色  從  何  起
Tùng hà niệm bất kế trước                            從  何  念  不  計  著
Hà nhân duyên trước khả sắc                        何  因  緣  著  可  色


Bài kệ 11
Danh sắc thọ trước tế nhu                            名  色  授  著  細  濡
Bản hữu hữu sắc tiện khởi                            本  有  有  色  便  起
Ninh độ si đắc giải thoát                                寧  度  癡  得  解  脫
Nhân duyên sắc trước tế nhu                        因  緣  色  著  細  濡

Bài kệ 12
Tùng hà đắc xả hảo sắc                                  從  何  得  捨  好  色
Tùng chúng ái tùng hà khởi                             從  眾  愛  從  何  起
Sở  trước tâm ninh tất tận                              所  著  心  寧  悉  盡
Đế hành tri như giải thoát                                諦  行  知  如  解  脫

Bài kệ 13
Bất tưởng tưởng bất sắc tưởng                     不  想  想  不  色  想
Phi vô tưởng bất hành tưởng                        非  無  想  不  行  想
Nhất thiết đoạn bất trước giả                        一  切  斷  不  著  者
Nhân tưởng bổn hí  tùy khổ                         因 想 本 戲 隨 苦


Bài kệ 14
Ngã sở vấn tất dĩ giải                                       我 所 問 悉 已 解
Kim cánh vấn nguyện phục thuyết                    今 更 問 願 復 說
Hành địch tất thành cụ túc                               行 糴 悉 成 具 足
Thiết vô bất thắng tôn  đức                               設 無 不 勝 尊 德

Bài kệ 15
Thị cực chánh hữu hà tà                             是  極  正  有  何  邪
Hướng kính thần đắc quả tuệ                       向  徑  神  得  果  慧
Tôn  hành định thụ lâm gian                         尊  行  定  樹  林  間
Vô hữu dư tối thiện thuyết                           無  有  餘  最  善  說

Bài k 16
Tri như thị nhất tâm hướng                            知  如  是  一  心  向
Tôn dĩ trước bất giới hạnh                             尊  已  著  不  戒  行
Tật hành vấn độ thế gian                               疾  行  問  度  世  間
Đoạn thế xả thị bỉ thân                                   斷  世 捨  是  彼  身

 

_________________________

Mục Lục

Lời tựa

Phần 1

  1. Kinh Nhiếp Phục Tham Dục (Kiệt Tham Vương Kinh)
  2. Kinh Hang Động Ái Dục (Ưu Điền Vương Kinh)
  3. Kinh Buông Bỏ Sở Tri Và Ngôn Từ (Tu Đà Lợi Kinh)
  4. Kinh Buông Bỏ Khổ Lạc Và Nhiễm Tịnh (Ma Kiệt Phạm Chí Kinh)
  5. Kinh Sự Thật Đích Thực (Kính Diện Vương Kinh)
  6. Kinh Buông Bỏ Ân Ái (Lão Thiểu Câu Tử Kinh)
  7. Kinh Xa Lìa Ái Dục (Di Lặc Nạn Kinh)
  8. Kinh Buông Bỏ Ý Muốn Hơn Thua (Dũng Từ Phạm Chí Kinh)
  9. Kinh Nhân Cách Của Một Vị Mâu Ni (Ma Nhân Đề Nữ Kinh)
  10. Kinh Đạo Lý Duyên Khởi (Dị Học Giác Phi Kinh)
  11. Kinh Chấm Dứt Tranh Cãi (Mãnh Quán Phạm Chí Kinh)
  12. Kinh Buông Bỏ Nắm Bắt (Pháp Quán Phạm Chí Kinh)
  13. Kinh Công Phu Thực Tập Căn Bản (Đâu Lặc Phạm Chí Kinh)
  14. Kinh Phòng Hộ (Liên Hoa Sắc Tỳ Khưu Ni Kinh)
  15. Kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt (Phụ Tử Cọng Hội Kinh)
  16. Kinh Chuyển Hóa Bạo Động Và Sợ Hãi (Duy Lâu Lặc Vương Kinh)
Phần 2 (Giảng giải kinh)

Kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt
Kinh Xa Lìa Ái Dục
Kinh Chuyển Hóa Bạo Động Và Sợ Hãi