Lời khấn nguyện đầu năm Nhâm Dần 2022

 

 

Trong phút giây thiêng liêng đầu năm mới Nhâm Dần, 2022, trở về hơi thở chánh niệm, chúng con ý thức là chư vị Tổ tiên và Thầy đang có mặt đó cho chúng con.

Kính lạy chư vị Tổ tiên!

Tổ tiên đã chấp nhận và đưa chúng con biểu hiện trên địa cầu xinh đẹp này. Dù trong số chúng con có người còn vụng dại, còn gây ra những hệ luỵ và làm đau đất Mẹ, nhưng chúng con đã bắt đầu thấy con đường để thực tập, để chuyển hoá. Chúng con đã thấy được tình thương, sự hiểu biết và chí nguyện đi với nhau như một dòng sông sẽ giúp chúng con có khả năng làm đẹp cho cuộc đời và bảo hộ được hành tinh xinh đẹp này.

Kính lạy Thầy, Thầy là một sự tiếp nối rất đẹp từ Tổ tiên tâm linh và huyết thống qua bao thời đại, như một đoá sen tỏa ngát hương giữa mặt hồ nhân loại. Trong suốt cuộc đời hành đạo của Thầy, Thầy đã không ngừng con đường xây dựng hòa bình trong tự thân và cho cả thế giới.  Thầy đã gọi tất cả chúng con cùng nhau trở về, cùng nhìn rõ mặt nhau, để sống chung với nhau như một cơ thể, thở với nhau như một cơ thể, đi với nhau như một dòng sông. Thầy san lấp những dị biệt, luôn tìm thấy cái hay nhất, đẹp nhất trong các nền văn hóa và tâm linh khác để bồi đắp và hướng dẫn cho chúng con một hướng đi, một hướng nhìn, một hướng tác ý, để cống hiến cho nhân loại nguồn tuệ giác tập thể, để đức Bụt Tình Thương (đức Bụt Di Lặc) có thể biểu hiện mỗi ngày dưới hình thức một Tăng thân.

Sắc thân Thầy ẩn tàng trong những ngày cuối năm để lại trong lòng chúng con những khoảng trống rất lớn. Chúng con cho phép mình được buồn, được khóc, được nhớ Thầy. Đồng thời chúng con cũng trở về với hiện pháp để có thể nhìn sâu và thấy Thầy trong từng huynh đệ, trong từng nụ hoa chiếc lá, trong mỗi đám mây, trên con đường thiền hành rất đẹp của mỗi xóm, và nơi bao nhiêu hiện hữu nhiệm mầu khác. Trong số chúng con, có người là học trò của Thầy suốt mấy mươi năm qua, có người chưa từng gặp Thầy, có người từng dự nhiều khóa tu hoặc chưa tham dự lần nào, có người đọc sách của Thầy, có người ngồi yên để thưởng thức một ly trà ấm, hay ngắm nhìn vẻ đẹp của đất trời bằng đôi mắt trong, có người đã gọi tên Thầy trong từng hơi thở, trong từng bước chân chánh niệm và đã thực sự gặp Thầy, đã có khả năng tìm ra Thầy. “Nhìn lại đi, Thầy đang ở trong con, và trong từng nụ hoa, chiếc lá. Nếu gọi tên Thầy, con sẽ tự khắc thấy Thầy ngay.”

Đó là cách Thầy trò mình cùng đi vào vương quốc của xứ sở hiện tại phải không Thầy! Chúng con sẽ thở cùng nhau, sẽ đi cùng nhau trong chánh niệm để Thầy luôn được biểu hiện mỗi phút mỗi giây trong đời sống hằng ngày với chúng con. Chúng con có cùng nỗi đau mất Thầy, nhưng chúng con cũng có cùng niềm tin sẽ luôn gặp được Thầy trong mỗi biểu hiện nhiệm mầu của sự sống, trong trái tim thương yêu và hai cánh tay hành động của chúng con và của mọi người trên thế giới. Ngay cả bây giờ, chúng con đang cùng Thầy đi gặp mùa xuân.

Kính thưa Thầy, kính thưa Đất mẹ, kính thưa chư vị Tổ tiên, trước thềm năm mới, chúng con kính cẩn phát nguyện là bắt đầu từ năm Nhâm Dần, 2022, chúng con sẽ tập sống thật hài hòa và an vui trong phạm vi gia đình và tăng thân của chúng con, như những con ong cùng sống chung trong một tổ ong hay những tế bào của cùng một cơ thể. Chúng con hứa sẽ học hỏi thái độ cởi mở, tập hạnh lắng nghe và ái ngữ để có thể truyền thông được dễ dàng với những thành phần khác trong gia đình và trong tăng thân. Nguyện sẽ nhìn sâu vào tuệ giác tương tức để có thể chung sống với nhau trong tinh thần “kính trên nhường dưới”, “trên hoà dưới thuận”, “trong ấm ngoài êm”, nguyện sẽ tập nhìn hạnh phúc của tăng thân là hạnh phúc của chính mình. Chúng con biết đây là cách thức duy nhất để bảo đảm cho con cháu của chúng con có một tương lai tươi sáng trên trái đất.

Chúng con nguyện thực tập cho chư vị và cho cả con cháu của chúng con để hòa bình, an lạc và thương yêu có thể có mặt trên thế gian này. Xin chư vị chứng giám và luôn hộ trì cho chúng con trong những lời phát nguyện này.

Chúng con kính dâng hương hoa, quả phẩm, lòng hiếu thảo của tất cả chúng con, và xin lạy xuống trước chư vị bốn lạy.

 

 

 

 

 

 

 

Tâm tang ngày cuối: Lễ Thỉnh Xá Lợi (30.01.2022)

Sáng ngày 30 tháng 01 năm 2022, sau lễ Cung thỉnh Xá lợi và Linh vị Giác linh Sư Ông trở về an vị tại Tổ đình Từ Hiếu, trời nổi gió, một cơn mưa lạnh đã ghé ngang qua chùa Tổ. Suốt thời gian tổ chức Tâm Tang, thời tiết rất đẹp. Xứ Huế trong những ngày cuối năm mà trời không mưa và lạnh suốt một tuần cũng là một điều lạ.

Suốt đêm 29.01.2022, chư Tôn Thiền đức Tăng Ni đã có mặt cùng chúng con tại đài Trà Tỳ. Nhìn thấy chư Tôn đức bên cạnh thiền hành, ngồi thiền, tụng kinh, nâng nến cầu nguyện, và chỉ dạy chúng con từng chi tiết nhỏ nhất, chúng con thấy lòng rất ấm áp và biết ơn. Tình thầy trò, tình huynh đệ và nghĩa đồng môn là những gì suốt cuộc đời Thầy chúng con đã xây dựng, chia sẻ và trao truyền mỗi khi có dịp. Quý Phật tử cư sĩ cũng đã ở lại rất đông để cùng chúng con thực tập, có mặt với Sư Ông trong giờ phút huyền thoại. Sư Ông đang được tiếp nối trong mỗi thành phần của tăng thân. Chúng con biết, ai trong đại chúng cũng đang xây cho mình một cái tháp đẹp nhất bằng bước chân và hơi thở chánh niệm để dâng lên cúng dường Sư Ông.

Hôm nay cũng là kỷ niệm tròn mười năm Gia đình Cúc Đại Đoá xuất gia với 26 thành viên. Cúc là loại hoa Sư Ông rất thích. Cứ mỗi dịp mùa thu thì tại Làng sẽ có rất nhiều chậu cúc được chưng khắp nơi. Sư Ông trồng, chăm và thưởng thức cúc. Chúng con nhớ trong thời gian Sư Ông bệnh và an dưỡng ở Sơn Cốc, có một mùa thu, Sư Ông đã cùng đại chúng đến thăm một vườn trồng cúc với rất nhiều loại khác nhau. Sư Ông ở chơi trong vườn cúc rất lâu. Sau đó, đại chúng đã thỉnh những chậu cúc đẹp về chưng tại Sơn Cốc và các xóm. Trong lễ Tâm Tang, đại chúng có thể dễ dàng nhận ra những bông cúc đại đoá màu hoả hoàng được trang trí khắp nơi.

Bảy ngày Khoá tu Im lặng hùng tráng “Quay về nương tựa Hải đảo tự thân” trong Tâm Tang tại Tổ đình Từ Hiếu đã diễn ra ấm cúng và viên mãn. Chư Tôn Thiền đức khắp nơi đã về trực tiếp chứng minh, hộ niệm hoặc tổ chức lễ tưởng niệm từ xa. Nhiều tổ chức, đoàn thể và cá nhân đã đến dâng hương và đảnh lễ thọ Tâm Tang hoặc gởi điện thư và tâm niệm thọ Tâm Tang từ xa. Chúng con thành kính tri ân tình thương quý Tôn đức cùng đại chúng khắp nơi đã dành cho Sư Ông và tăng thân. Chúng con nguyện thực tập tinh chuyên để tiếp nối được sự nghiệp tuệ giác của Sư Ông, mong phần nào báo đáp được ân đức của Bụt, Tổ và chư Tôn Thiền đức Tăng Ni cũng như sự trợ duyên kiên định từ quý vị Phật tử cư sĩ. Chúng con kính mời toàn thể đại chúng cùng nhau nhìn sâu và thực tập câu đối cho năm 2022: “Ngày xuân trên hoà dưới thuận / Bốn mùa trong ấm ngoài êm”

“Ở Làng Mai, chúng ta biết rằng tình huynh đệ là quan trọng nhất. Nếu không có tình huynh đệ thì không có gì nuôi dưỡng để mình có thể thực hiện được ước mơ của mình. Ở Làng Mai, tất cả những gì mình làm, mình nói đều phải có mục đích xây dựng tình huynh đệ. Có tình huynh đệ thì có tất cả, không có tình huynh đệ thì không có gì hết.

Năm 2005 tôi được về Việt Nam lần đầu sau 40 năm lưu đày. Các nhà báo hỏi tôi ngay ở phi trường Charles de Gaulle, Paris, và khi tới Việt Nam họ vẫn tiếp tục hỏi:

– Thầy có muốn nói gì không? Xin thầy cho biết ý kiến về tình trạng ở Việt Nam.

Tôi nói:

– Tôi mới chân ướt chân ráo về tới đây. Tôi đã thấy gì đâu mà nói. Tôi phải ở lâu ngày, phải trải nghiệm rồi mới nói được. Nhưng hình như có một cái tôi nói được, đó là “tình huynh đệ là cái cao quý nhất”. Bác Hồ nói “không có gì quý hơn độc lập tự do”, còn tôi thì nói “không có gì quý hơn tình huynh đệ”.

Đó là kinh nghiệm của đời mình, nếu không có tình huynh đệ thì không làm được gì hết. Nếu ở Làng Mai mà không có tình huynh đệ giữa các thầy, các sư cô và các Phật tử cư sĩ thì thử hỏi chúng ta có làm được gì không? Chúng ta không thể tổ chức được cả khóa tu. Không có tình huynh đệ thì làm sao có độc lập tự do? Có tình huynh đệ mới có đoàn kết, có tình thương yêu để nuôi dưỡng mình. Khóa tu đầu tiên cho người xuất sĩ tại chùa Từ Hiếu ở Huế vào tháng 03 năm 2005 có đề tài là “Xây dựng tình huynh đệ”.

Tình huynh đệ là bản chất của một đoàn thể tu học. Nhìn lại đoàn thể tu học mà Bụt đã xây dựng thì chúng ta thấy có tình huynh đệ trong đó. Các thầy lớn luôn luôn chăm sóc cho các thầy trẻ. Điều này làm cho Bụt rất hạnh phúc.”

 

 

“Tình huynh đệ xây dựng được là do chúng ta nhận ra nhau như người anh em chứ không phải là kẻ thù, hay là những trở ngại cho nhau. Nhận ra nhau là người anh em rồi thì mình sẽ nhìn người kia được bằng con mắt yêu mến, bằng con mắt thương kính. Chúng ta nhất định không lý thuyết suông. Chúng ta nói là chúng ta làm. Khi mãn khóa tu, ra đường gặp bất cứ một người xuất gia nào chúng ta cũng chắp tay vái chào. Chúng ta nhìn người đó bằng con mắt của người huynh đệ. Chúng ta mỉm nụ cười của người huynh đệ. Đó là điều chúng ta làm được chứ tại sao không? Mỗi khi tôi gặp một em bé chắp tay thì tôi cũng chắp tay lại, huống hồ là khi gặp một sư cô hay một sư chú, huống hồ là khi gặp một vị trưởng thượng. Đối với một em bé tôi đã không có thái độ khinh khỉnh nó là con nít, biết gì! Tôi không có thái độ đó, bởi vì em bé đó có Phật tính. Em bé chắp tay với lòng cung kính đối với mình, nếu mình chắp tay lại với lòng cung kính đối với em bé, thì em bé sẽ lớn lên rất mau trên đời sống tâm linh của em. Ước mơ của tôi là sau khóa tu này, khi chúng ta gặp nhau giữa đường, ánh mắt, nụ cười và hai bàn tay chắp thành búp sen của chúng ta sẽ chứng tỏ được rằng chúng ta có khả năng công nhận nhau là người huynh đệ, dù người đó thuộc về môn phái nào, tổ chức nào, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Đoàn, thì cũng đều như vậy. Tất cả những danh xưng đó không có khả năng chia rẽ và làm mờ mắt chúng ta.”

(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 08.11.2012 tại thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ, Làng Mai trong khóa An cư kiết đông 2012-2013 và pháp thoại đầu tiên của Sư Ông trong khóa tu xuất sĩ “Thông điệp tình huynh đệ” diễn ra từ 07-11.03.2005 tại Tổ đình Từ Hiếu, Huế)

Tâm tang ngày thứ 7: Lễ Trà Tỳ (29.01.2022)

Sáng nay, 29.01.2022 (nhằm ngày 27 tháng Chạp năm Tân Sửu), tại thiền đường Trăng Rằm, Tổ đình Từ Hiếu, chư Tôn Thiền đức Tăng Ni đã quang lâm chứng minh, hộ niệm cho Lễ Thiên Quan Giác linh Sư Ông Làng Mai. Hàng ngàn Phật tử cư sĩ và quan khách các giới cũng đã có mặt từ rất sớm trong khuôn viên chùa để lễ lạy, ngồi thiền, kinh hành, cùng thở những hơi thở chánh niệm với Sư Ông trước lúc di quan. Các trung tâm Làng Mai khắp nơi cùng hàng chục ngàn xuất sĩ và cư sĩ cũng đã có mặt suốt buổi lễ Thiên Quan và Trà Tỳ qua truyền thông trực tuyến.

Con đường từ Tổ đình Từ Hiếu lên Đài Trà Tỳ sáng nay thật yên bình. Sư Ông có mặt cùng chúng con, đi qua những cung đường có dãy tùng vươn cao, có những gốc sứ già trăm tuổi và tán bàng xương xẩu sau lần trút lá, có bậc cấp nơi sư chú Phùng Xuân ngồi gọt mít non cho dì Tư nấu canh với lá lốt lá sân, và những cây dừa vươn cao; ẩn hiện mái Tam quan mà hơn ba năm trước, Sư Ông về lại chùa Tổ đã đặt bàn tay đầy tình thương chạm vào bức tường cổ; thấp thoáng dòng sông Hương, hàng chuối xanh, rặng tre nghiêng nghiêng, hay những tán thông xanh mướt. Không gian thật yên tĩnh. Đoàn người đặt từng bước chân chánh niệm đi bên cạnh Thầy. Nếu không có Linh Quan, có lẽ không ai nghĩ đó là một Tang lễ. Ngang qua con đường nhỏ dẫn vào Ni xá Diệu Trạm, bông nhiên Kim quan dừng lại một lúc. Quý sư cô đang trực xóm rất xúc động, cảm như Sư Ông đang có mặt và vào thăm các sư con ở Diệu Trạm. Các sư em chắp tay khóc, nhưng trong lòng nở một nụ cười chào Sư Ông. Khắp các nẻo đường, lực lượng an ninh đã làm việc hết lòng để giúp cho đoàn Tâm Tang được hanh thông.

Chư Tôn Thiền đức cùng đệ tử Sư Ông cùng chú nguyện và rước ngọn lửa tam muội đến đài Trà Tỳ. Khi Kim Quan đưa vào lò thiêu, có vị đã khóc nấc lên vì xúc động khiến cho nhiều vị không cầm được nước mắt. Thầy Chân Pháp Ấn đã hướng dẫn đại chúng theo dõi hơi thở. Năng lượng đại chúng yên xuống. Ai cũng thực tập hết lòng khiến định lực và năng lượng sự bình an tập thể trở nên rất hùng hậu. Đại chúng sẽ ở lại Công viên Vĩnh Hằng trong suốt thời gian trà tỳ để thực tập thiền hành, tụng kinh, niệm Bụt, ngồi thiền, lạy Bụt, ngồi bên nhau nghe Sư Ông đọc thơ, hát thiền ca và nhạc kinh, cùng chia sẻ những kỷ niệm đẹp với Sư Ông, đốt nến cầu nguyện bình an cho thế giới và cúng dường lên Sư Ông. Chúng con như nhìn thấy lại giáo đoàn nguyên thuỷ ngày xưa trong rừng cây Sa La. Nhìn hình ảnh chư Tôn Thiền đức Tăng Ni bi mẫn ở lại với chúng con, chúng con cảm thấy được an ủi rất nhiều trong sự mất mát lớn lao này. Rất nhiều cư sĩ cũng ở lại tại điểm trà Tỳ để cùng nuôi dưỡng tâm bồ đề. Có vị dựng lên chiếc lều nhỏ có ảnh Sư Ông để ở lại qua đêm.

 

 

“Đối với Thầy, những pháp môn tu học có công năng chuyển hóa và trị liệu được cho người đương thời, chính là cái tháp của Thầy. Ở Pháp Vân, ở Tổ đình Từ Hiếu hay ở bất cứ trung tâm tu học nào của Làng Mai trên thế giới đều phải có cái Tháp ấy. Không phải một cái tháp bằng gạch, bằng xi măng mà là một cái tháp của sự thực tập. Tất cả các thầy, các sư cô, các sư chú, các vị Tiếp Hiện, các vị Phật tử cư sĩ và các vị thân hữu của Làng Mai, bất cứ ai tới cũng được mời đi vào cái tháp đó. Nghĩa là phải học đi trong chánh niệm, uống trà trong chánh niệm, biết nói năng cho từ ái và biết lắng nghe nhau.

Thầy vẫn luôn luôn có mặt trong mỗi một biểu hiện của sự sống. Thầy rất mong ước các con những vị xuất sĩ, những vị Tiếp Hiện, những vị Phật tử cư sĩ cùng quý vị thân hữu mỗi người sẽ xây cho Thầy một cái Tháp bằng chính công phu tu học của tự thân trong mỗi giây, mỗi phút của đời sống hằng ngày. Trong khóa tu im lặng hùng tráng này, Thầy trò chúng ta sẽ đi trong chánh niệm, uống trà trong chánh niệm, biết nói năng cho từ ái và biết lắng nghe nhau, v.v… Sau Lễ Trà Tỳ, các con hãy đem tro của Thầy mà rải hết ra ngoài để nuôi cây, nuôi cỏ, cho cỏ, cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy.” (Thầy trò ta cùng nhau leo đồi Thế Kỷ)

 

Đệ tử tưởng niệm ân đức Thầy

Sư Ông kính thương của chúng con!

Sáng nay trời đẹp lắm, mát lắm, nắng rất trong và không khí rất ngọt. Những bông hoa nứt nẻ tím nhạt nở kín cả thảm cỏ trên mé đồi từ ni xá Diệu Trạm dẫn qua chùa Tổ. Cứ mỗi lần bước chân trên con đường đất này, chúng con cảm thấy rất hạnh phúc, hạnh phúc trong từng hơi thở và trong từng bước chân. Đi mà không cần tới, biết rằng Sư Ông đang có đó và mình sắp được gặp Sư Ông rồi. Chúng con đi thật chậm, thật bình an và đang thực tập những gì Sư Ông đã từng dạy. Chúng con có cảm giác Sư Ông đang nắm tay chúng con cùng đi, mặc dù chúng con chưa bao giờ có được diễm phúc này như các sư anh, sư chị chúng con.

Chúng con là những sư bé của Sư Ông. Trước kia chúng con chỉ được biết Sư Ông qua sách vở và băng giảng. Chúng con biết Sư Ông ở xa lắm và chúng con chưa bao giờ dám mơ ước được gặp Sư Ông bằng xương bằng thịt. Nhưng chúng con vẫn phát nguyện đi theo Sư Ông trên con đường sáng đẹp này. Thế rồi ngoài sự tưởng tượng của mình, chị em chúng con lại có phước duyên được sống gần Sư Ông và phụ thị giả Sư Ông suốt hơn ba năm trời. Nhớ ngày nghe tin Sư Ông sắp về chùa Tổ, chúng con cứ hồi hộp, cứ mừng thấp thỏm. Sung sướng biết bao khi được qua chùa Tổ chấp tác dọn dẹp để chuẩn bị mọi thứ đón Sư Ông.

Chúng con nhớ hoài không khí chùa chưa bao giờ đông vui như những ngày Sư Ông trở về. Đến lúc ấy chúng con mới biết rằng mình có nhiều sư anh, sư chị lớn như thế. Các sư anh, sư chị lớn về thăm Sư Ông từ khắp nơi. Có những ngày chúng con cứ nấu cơm miệt mài mà cũng không đủ vì số lượng những người thân quen đến thăm Sư Ông đông quá. Bận nhưng vui lắm, bạch Sư Ông.

Từ khi Sư Ông có mặt nơi đây, không khí ở Diệu Trạm trở nên ấm áp hơn. Sáng tối, chúng con được nghe tiếng hô canh, tụng kinh, niệm Bụt từ thiền đường Trăng Rằm. Có lần chúng con đang đi thiền hành gần đến thất Lắng Nghe thì thấy Sư Ông xuất hiện. Chúng con được đi theo Sư Ông với từng bước chân cẩn trọng, ý thức rằng mình đang đặt từng bàn chân trên đất thiêng, đi theo những dấu chân của chư Tổ, của Sư Cố và của Sư Ông. Nơi đâu mà lại không in dấu chân của quý Ngài và của Sư Ông, phải không thưa Sư Ông. Sư Ông dẫn chúng con đi xem hồ bán nguyệt, nơi điệu Sung ngày xưa hay ngồi gọt mít cho dì Tư, hay là nơi điệu ngồi lắng nghe tiếng tụng kinh trầm hùng vang vọng từ chánh điện. Sư Ông đã từng viết trong Con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời rằng chừng nào chúng con về, Sư Ông sẽ dẫn chúng con đi xem khắp những ngõ ngách, nơi Sư Ông đã từng sống khi còn là một chú điệu, và Sư Ông đã không quên lời hứa. Chúng con đi bên cạnh Sư Ông, và chúng con tin chắc rằng, dù hai mươi năm, ba mươi năm, một trăm năm, và hẳn là nhiều hơn thế nữa, Sư Ông cũng giữ lời hứa đưa các sư em của chúng con dạo chơi khắp mọi ngóc ngách chùa Tổ.

Lại có những ngày đẹp trời, chúng con được dạo chơi với Sư Ông quanh cốc, được đẩy xe cho Sư Ông, được hát cho Sư Ông nghe và ngồi quây quần quanh Sư Ông. Mỗi khi khỏe, Sư Ông đều đi thăm liêu Sư Cố và chúng con lại được tháp tùng theo Sư Ông. Trăm lần như một, với ánh mắt rất sáng và nét mặt rất tươi, Sư Ông luôn chắp tay đảnh lễ Sư Cố với tất cả sự cung kính. Tuy Sư Ông đã lớn nhưng trong thất Sư Cố, chúng con có cảm giác như Sư Ông nhỏ lại thành sư chú Phùng Xuân thuở nào. Sư Ông trở thành sư chú Phùng Xuân hầu cơm Sư Cố, hái những cụm hoa Mộc pha trà dâng lên Sư Cố, thổi lửa nơi cái bếp nhỏ nấu nước cho Sư Cố, hay ra cây khế trăm tuổi hái một trái cho Sư Cố tặng thầy Trọng Ân mỗi khi thầy lên chùa hầu chuyện Sư Cố. Sư Ông ngắm nhìn thích thú bức chân dung đắp bằng lụa nổi mà Sư Ông đã đặt ở Sài Gòn năm xưa để cúng dường Sư Cố. Có phải là hôm ấy cả chùa đã rất vui khi thấy món quà lạ này? Rồi Sư Ông quán sát từng đồ vật trong liêu với tất cả sự chăm chú và kính cẩn, không khác gì lần đầu tiên Sư Ông mới được trở về. Chúng con biết ơn Sư Ông về đây trao truyền trực tiếp đến chúng con, một cách lặng lẽ và tự nhiên, lòng thương kính của Sư Ông đối với Sư Cố và chư Tổ.

Thỉnh thoảng Sư Ông còn ghé thăm ni xá Diệu Trạm nữa. Sự có mặt của Sư Ông làm cho Diệu Trạm vui như hội. Các chị em con thay nhau đẩy xe Sư Ông, thay nhau đi gần để nắm tay Sư Ông, trải chiếu ngồi ăn gần Sư Ông. Sư Ông đi một vòng thong thả thăm chỗ ăn, chỗ ngủ của các sư con. Sự quan tâm của Sư Ông làm cho chúng con cảm thấy ấm áp và được nuôi dưỡng hoài mỗi khi nghĩ đến. Chúng con biết ơn Sư Ông về đây để cho chúng con được nếm lấy sự ngọt ngào của tình thầy trò.

Có những vị xuất gia hay tại gia, lặn lội bay từ trong nước hay từ nước ngoài về. Là người trẻ cũng như người lớn tuổi, họ về với mong ước được gặp Sư Ông dù chỉ một lần trong đời, dù chỉ đứng ngắm từ xa. Họ đi thiền hành chậm rãi quanh chùa và kính cẩn hướng về cốc Sư Ông mà lạy từ xa. Nhằm lúc Sư Ông đi chơi quanh chùa, họ may mắn một cách bất ngờ được gặp Sư Ông và thế là nước mắt cứ chảy hoài vì sung sướng. Trẻ em được Sư Ông nắm tay, xoa đầu, làm cho ba mẹ các em sung sướng và khóc suốt thôi. Sư Ông tiếp xử tất cả mọi người với tình thương và tâm không phân biệt.

Có lần chúng con được chứng kiến thấy Sư Ông nắm tay một người học trò đến thăm Sư Ông. Người học trò 14 tuổi năm xưa nay tóc đã bạc trắng. Cả những người học trò từ Phật học đường Ấn Quang, từ trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, hay những người bạn học từ Phật học đường Báo Quốc năm xưa. Chúng con biết ơn Sư Ông đã về đây dạy chúng con biết trân quý và học cách bồi đắp tình huynh đệ, nghĩa thầy trò một cách bền bỉ.

Có Sư Ông ở đây, mỗi ngày chúng con trông đến lượt mình để được qua thất hầu Sư Ông làm những việc nhỏ nhất như quét tước, dọn dẹp. Chúng con không thể nào diễn tả hết niềm hạnh phúc khi chúng con được gọi vào ngồi ăn cơm cùng Sư Ông. Sư Ông ngồi trên ghế, trước bàn ăn, còn chúng con thì được ngồi dưới đất phía trước Sư Ông. Sư Ông luôn nhìn vào bát cơm chúng con để biết chắc rằng chúng con đã có thức ăn, rồi Sư Ông mới chắp tay quán niệm. Nếu chúng con chưa có gì trong tay, với ánh mắt và cử chỉ, Sư Ông sẽ hỏi: “cơm tụi con đâu?” Thế là tụi con lại như cuống cuồng lên, kiếm đại một trái chuối hay một hộp sữa để vào ăn với Sư Ông kẻo Sư Ông đợi. Sư Ông không bao giờ chịu thời cơm trong khi các sư con không có gì ăn. Tay Sư Ông cầm muỗng rất chắc và gọn, từ tốn múc một muỗng cơm, đưa lên nhìn kỹ hai giây rồi đưa qua hướng chúng con như để nói: “mời các sư con, bon appétit các con!” Rồi Sư Ông đưa muỗng thức ăn vào miệng nhai từ tốn trong chánh niệm, nhai thật lâu và thật đẹp. Mỗi động tác, mỗi muỗng cơm đều tràn đầy ý thức. Thỉnh thoảng Sư Ông nhìn ra cửa sổ ngắm lá xanh hay nhìn chúng con mỉm cười. Nhai và nuốt xong, Sư Ông nhìn xuống mâm cơm, nhìn từng dĩa thức ăn để chọn món rồi múc tiếp. Qua ánh mắt, chúng con có cảm giác rất rõ là Sư Ông đang nói chuyện với chúng con thật nhiều. Dùng cơm xong, Sư Ông uống sữa hạt mác ca. Thấy Sư Ông nhai sữa mười tám lần một hớp, con nhớ đến một pháp thoại mà con đã được nghe trước kia. Sư Ông có kể rằng Sư Ông thực tập nhai nước và nhai sữa mà chúng con không hiểu sao lại có thể làm được như vậy. Bấy giờ chúng con quá hạnh phúc khi tận mắt được thấy Sư Ông nhai sữa một cách hết sức khoan thai và tự nhiên. Có lúc chúng con ăn hết cơm trước Sư Ông. Thế là Sư Ông sớt từng muỗng thức ăn qua bát chúng con. Sư chị thị giả nấu ăn cho Sư Ông ngồi đó, sốt ruột lên tiếng: “Bạch Thầy, các em con ăn nhiều lắm rồi, no rồi Thầy ạ. Chúng con thỉnh Thầy thời thêm.” Nhưng Sư Ông vẫn tiếp tục sớt thức ăn qua cho chúng con. Chúng con chưa bao giờ từng mơ ước được ngồi gần Sư Ông như thế, được ngắm nhìn Sư Ông gần và kỹ như thế, và lại còn được Sư Ông sớt cho thức ăn nữa. Thức ăn Sư Ông món nào cũng ngon và bổ dưỡng. Được ngồi bên Sư Ông, tất cả mọi phiền muộn đều tan theo mây khói khi nào không hay. Những gì còn lại chỉ là sự bình an và niềm vui thôi. Về lại ni xá, chúng con vừa no cơm, vừa no tình thương. Chúng con biết ơn Sư Ông đã về đây để dạy trực tiếp cho chúng con thế nào là thực tập thiền ăn.

Có những ngày Sư Ông mất khẩu vị, Sư Ông nhìn mâm cơm một hồi rồi đưa tay mời chị em chúng con ăn và chuyền hết mâm cơm cho chúng con. Hay có khi nhìn ra cửa sổ, thấy đông các sư con đang cổ vũ: “Sư Ông ơi, Sư Ông ráng lên Sư Ông!” Thế là Sư Ông lại ráng dùng một muỗng cơm hay một hớp sữa. Chúng con biết ơn Sư Ông đã ráng thời cơm và ráng uống sữa vì thương chúng con.

Có lúc chúng con rất cảm động khi nhìn qua cửa sổ, thấy một thầy thị giả ngồi bên trong tâm sự thật lâu với Sư Ông trong khi Sư Ông lắng nghe rất chăm chú với ánh mắt tràn đầy từ bi. Sau này chúng con được nghe thầy ấy thổ lộ rằng Sư Ông đã đưa tay chỉ vào bụng thầy ấy nhiều lần. Thầy thị giả đã hiểu rằng Sư Ông nhắc thầy thực tập thở sâu xuống đến bụng, phải thực tập thở bụng để không bị tư duy kéo đi. Thầy đã làm theo và đã vượt qua được một giai đoạn khó khăn trong đời tu. Chúng con biết ơn Sư Ông về đây cho chúng con thấy thế nào là lắng nghe sâu.

Sư Ông kính thương của chúng con, từ khi đại dịch bùng phát, chúng con không còn được vào liêu hầu Sư Ông nữa. Nhưng chúng con vẫn còn được lên lau dọn bên ngoài thất Sư Ông, được ngắm nhìn Sư Ông qua cửa sổ. Sư Ông nằm nghỉ ngơi thật bình an, thật đẹp. Chúng con vẫn đứng ngoài cửa sổ hát cho Sư Ông nghe. Chúng con vẫn được ngồi ngoài cửa sổ ăn cơm với Sư Ông. Nhiều lần trong bữa ăn, bỗng nhiên Sư Ông ngưng nhai và nhìn thẳng từng đứa, rồi gật đầu với từng đứa một. Chúng con biết ơn Sư Ông về đây dạy trực tiếp chúng con thế nào là có mặt trọn vẹn 100 phần trăm với người mình thương.

Sư Ông kính thương của chúng con, có một lần cô bác sĩ bay từ xa về tập cho Sư Ông. Sư Ông đã nói được những chữ rất rõ ràng làm cho cô bác sĩ vô cùng phấn khởi. Nhưng sau đó Sư Ông mỉm cười với cô, vuốt đầu cảm ơn cô rồi từ chối tập tiếp. Cô bác sĩ và chúng con đã hiểu ngay là Sư Ông biết rõ sức của Sư Ông, và Sư Ông biết rõ Sư Ông muốn đặt điều gì là ưu tiên. Sư Ông muốn bảo tồn năng lượng. Sư Ông muốn dành năng lượng để có mặt thêm với chúng con, các sư bé của Sư Ông, những đứa chưa có nhiều thời gian được gặp và tiếp nhận gia tài trực tiếp từ Sư Ông, cho đến khi chúng con sẵn sàng. Đôi khi chúng con không muốn lớn để Sư Ông đừng đi. Nhưng chúng con biết ba năm và ba tháng là nhiều lắm. Tất cả các bác sĩ của Sư Ông đều ngạc nhiên và vô cùng thán phục Sư Ông. Ba năm và ba tháng vừa qua là những tháng ngày huyền thoại, không những cho chị em chúng con mà còn cho không biết bao nhiêu người gần xa. Sư Ông đã dạy chúng con về thiên thu trong khoảnh khắc. Chúng con nguyện nuôi ánh nhìn, cái nắm tay, giây phút ngồi hầu Sư Ông, giây phút cùng Sư Ông thiền hành quanh chùa Tổ, hay giây phút được ngắm nhìn Sư Ông từ đằng xa, và bao nhiêu cơ hội khác chúng con đã tiếp nhận được từ Sư Ông, để những khoảnh khắc ngắn ấy trở thành thiên thu trong chúng con.

Chúng con biết chúng con sẽ nhớ Sư Ông lắm. Mỗi khi nhớ Sư Ông, chúng con hứa với Sư Ông là sẽ theo dõi hơi thở và bước chân chánh niệm để tức khắc, Sư Ông sẽ có mặt ngay trong chúng con. Theo dõi hơi thở và bước chân chánh niệm, tức khắc chúng con cũng sẽ nhận ra được Sư Ông có mặt trong mỗi sư anh, sư chị, sư em và mỗi người bạn tu cư sĩ của chúng con. Chúng con xin hứa với Sư Ông rằng chúng con sẽ bồi đắp tình huynh đệ để không phụ lòng Sư Ông. Chúng con sẽ đưa Sư Ông đi về tương lai mãi mãi cùng với tất cả chúng con. Chúng con biết Sư Ông có niềm tin nơi các đệ tử của Sư Ông.

Chúng con xin đảnh lễ Sư Ông giữa lòng đất Tổ đình Từ Hiếu với tất cả niềm biết ơn sâu xa của chúng con.

Các sư con bé nhỏ của Sư Ông.

Lễ cảm niệm ân đức

Tối 28 tháng 01 là một buổi tối rất ấm cúng. Chúng con có dịp được ngồi dưới chân Sư Ông trong buổi lễ Tưởng niệm Ân đức Thầy. Chư Tôn Thiền đức Tăng Ni với lòng thương kính Sư Ông và lòng bi mẫn hàng cháu con, đã có mặt bằng năng lượng vững chãi, bằng đức độ vô hành của quý Ngài. Có mặt chư Tôn đức, chúng con cảm thấy được an ủi rất nhiều trong sự mất mát lớn lao này. Quý Phật tử cư sĩ cũng trở về Tổ đình Từ Hiếu rất đông để có mặt cùng chúng con trong buổi lễ. Chúng con cùng nhau đảnh lễ chư Tôn Thiền đức hiện tiền và chư Tôn Thiền đức khắp mười phương, dâng lên quý Ngài sự biết ơn sâu sắc của chúng con. Chúng con tri ân các Tổ chức ban ngành trong nước và quốc tế đã gởi điện thư chia buồn đến Tâm Tang. Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng đã có mặt với chúng con trong buổi lễ Tưởng niệm để nói lên lòng biết ơn Sư Ông đã hiến tặng sự thực tập chánh niệm cho cộng đồng quốc tế.

 

 

Lễ Sái Tịnh Đài Trà Tỳ

Trong buổi chiều cùng ngày, chư Tôn Thiền đức Tăng Ni cũng đã quang lâm cử hành nghi lễ sái tịnh đài Trà Tỳ tại công viên Vườn Địa Đàng, tọa lạc ở phường Thuỷ Bằng, Thành phố Huế, nơi sẽ diễn ra lễ trà-tỳ nhục thân Sư Ông và ngày 29 tháng 01.

 

Lễ tham Phật yết Tổ

Chiều ngày 28 tháng 01 năm 2022, chư Tôn Thiền đức Tăng Ni đã từ bi quang lâm chứng minh và hộ niệm cho buổi lễ cung thỉnh Giác linh Sư Ông tham yết Bụt Tổ tại ngôi bảo điện Tổ đình Từ Hiếu.

 

Tâm tang ngày thứ 6 (28.01.2022)

Chiều ngày 28 tháng 01 năm 2022, chư Tôn Thiền đức Tăng Ni đã từ bi quang lâm chứng minh và hộ niệm cho buổi lễ cung thỉnh Giác linh Sư Ông tham yết Bụt Tổ tại ngôi bảo điện Tổ đình Từ Hiếu. Rất nhiều Phật tử cư sĩ cùng có mặt trong buổi lễ. Đây là một nghi lễ rất đẹp. Chúng con cảm nhận rằng Sư Ông đang nắm tay chúng con đi thiền hành quanh chùa Tổ trước khi dắt chúng con lên chánh điện để Thầy trò cùng đảnh lễ tri ân Tam Bảo. Ngôi Đại hùng bảo điện Tổ đình Từ Hiếu vừa được trùng tu và khánh thành trong thời gian Sư Ông về an dưỡng tại đây. Chính lời kinh tiếng kệ, chính tiếng chuông đại hồng mỗi sáng tối là một trong những nhân duyên nuôi lớn chí nguyện xuất trần của sư chú Phùng Xuân ngày nào. Sư Ông cùng đại chúng thiền hành ra Tổ đường, nơi tôn trí Long vị Lịch đại Tổ Sư qua các thế hệ của Tổ đình Từ Hiếu. Chúng con được cùng Sư Ông lạy xuống trước chư Tổ. Chúng con dâng lên lời tri ân liệt vị Tổ sư đã tiếp nối mạng mạch chánh pháp, xây dựng nơi đây thành một đạo tràng thanh tịnh cho tứ chúng cùng trở về nương tựa. Chúng con tri ân liệt vị Tổ sư, tri ân Sư cố Thanh Quý Chân Thật đã có mặt chỉ dạy, sách tấn và yểm trợ Sư Ông chúng con trên con đường thực tập. Thế hệ con cháu chúng con cảm nhận ân đức thâm sâu ấy luôn được tiếp nối tại thánh địa Từ Hiếu.

Trong buổi chiều cùng ngày, chư Tôn Thiền đức Tăng Ni cũng đã quang lâm cử hành nghi lễ sái tịnh đài Trà Tỳ tại công viên Vườn Địa Đàng, tọa lạc ở phường Thuỷ Bằng, Thành phố Huế, nơi sẽ diễn ra lễ trà-tỳ nhục thân Sư Ông và ngày 29 tháng 01.

Tối 28 tháng 01 là một buổi tối rất ấm cúng. Chúng con có dịp được ngồi dưới chân Sư Ông trong buổi lễ Tưởng niệm Ân đức Thầy. Chư Tôn Thiền đức Tăng Ni với lòng thương kính Sư Ông và lòng bi mẫn hàng cháu con, đã có mặt bằng năng lượng vững chãi, bằng đức độ vô hành của quý Ngài. Có mặt chư Tôn đức, chúng con cảm thấy được an ủi rất nhiều trong sự mất mát lớn lao này. Quý Phật tử cư sĩ cũng trở về Tổ đình Từ Hiếu rất đông để có mặt cùng chúng con trong buổi lễ. Chúng con cùng nhau đảnh lễ chư Tôn Thiền đức hiện tiền và chư Tôn Thiền đức khắp mười phương, dâng lên quý Ngài sự biết ơn sâu sắc của chúng con. Chúng con tri ân các Tổ chức ban ngành trong nước và quốc tế đã gởi điện thư chia buồn đến Tâm Tang. Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng đã có mặt với chúng con trong buổi lễ Tưởng niệm để nói lên lòng biết ơn Sư Ông đã hiến tặng sự thực tập chánh niệm cho cộng đồng quốc tế.

Thầy Chân Pháp Ấn đã thay mặt tăng thân đọc lá thư “Thầy trò ta cùng nhau leo đồi thế kỷ”. Chúng con không thể giấu được niềm xúc động. Chúng con biết ơn Sư Ông đã thương chúng con mà ở lại với chúng con trong nhiều năm qua, cho dù có khi thân thể Sư Ông rất mệt. Sư Ông đã kiên nhẫn có mặt đó để chờ chúng con lớn lên. Sư Ông đã từ bi có mặt đó để trao truyền cho chúng con những bài học sâu sắc từ thân giáo của Người. Sư cô Chân Định Nghiêm đại diện tăng thân dâng lên Sư Ông lá thư Cảm niệm Ân đức Thầy. Chúng con cảm nghe trong lá thư ấy có cùng một tâm nguyện, có cùng một hơi thở chung của tất cả các thành viên trong tăng thân. Ba tiếng chuông kết thúc buổi lễ là lúc chúng con được trở về nuôi lớn tình Thầy trò, tình huynh đệ và nghĩa đồng môn trong mỗi chúng con. Sư Ông đang nắm tay chúng con đi về tương lai.

Tôi hứa là lúc tôi chết

Tôi sẽ trở về ngay với em

Và em không phải đợi chờ lâu

Có phải không

Giờ này tôi đang ngồi bên em

Vậy mà tôi cũng đang chết đấy

Trong từng phút giây

Tôi đi qua bao lần sinh diệt

Em hãy nhìn

Để thấy tôi có mặt

Nếu muốn khóc

Em hãy khóc đi

Biết rằng

Tôi cũng đang khóc cùng em

Nước mắt ấy

Sẽ chữa lành thương tích

Nước mắt em

Cũng là nước mắt tôi

Chúng ta đang đi trên mặt đất này

Nhưng mặt đất này

Cũng có ngoài lịch sử

Đông Xuân cùng một lần có mặt

Lá xanh non cũng là lá đã lìa cành

Bàn chân tôi đang dẫm lên vô sinh

Và bàn chân tôi cũng là bàn chân em

Chúng ta hãy cùng đi chơi

Nơi bản môn

Để thấy giữa trời tuyết Đông

Hoa anh đào nở rộ

Tại sao lại nói tới chia ly

Em thấy không ?

Tôi không cần chết

Mà với em mỗi phút giây vẫn có thể trở về.

(Nhất như, thơ Sư Ông)

 

Hình ảnh của ngày Tâm tang thứ 6 (28.01.2022):