Kệ vô thường

Ngày nay đã qua

Ðời sống ngắn lại

Hãy nhìn cho kỹ

Ta đã làm gì?

Ðại chúng hãy cùng tinh tiến

Thực tập hết lòng

Sống cho sâu sắc và thảnh thơi

Hãy nhớ vô thường

Ðừng để tháng ngày trôi đi oan uổng.

Giảng kinh

(Phiên tả Pháp thoại ngày 08 tháng 02 năm 1998, tại xóm Thượng, Làng Mai, Pháp) 

Bài tụng Hạnh phúc, có thể dịch sang tiếng Anh là The Chanting About Happiness. Chúng ta có những hạt giống hạnh phúc trong ta, bài tụng này giúp ta tiếp xúc, tưới tẩm những hạt giống đó và nhận diện những điều kiện của hạnh phúc hiện đang có. Khi tụng bài này mà cảm thấy hạnh phúc là ta hành trì đúng, không cảm thấy hạnh phúc là đang hành trì chưa đúng. Đức Thế Tôn thường dạy về hiện pháp lạc trú, phương pháp sống an lạc ngay trong giây phút hiện tại. Giáo pháp này rất rõ ràng trong toàn bộ kinh điển. Nhưng lạ thay, trong nhiều chùa chúng ta rất ít khi được nghe danh từ “hiện pháp lạc trú”. Trong kinh Bát niệm, văn bản tiếng Pāḷi (Tăng chi bộ, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, kinh Tôn giả Anuruddhā, kinh số 10) và tiếng Hán (Trung A hàm, phẩm Trường Thọ Vương, kinh số 74) danh từ “hiện pháp lạc trú” được lặp lại gần mười lần. 

Chúng ta có hạnh phúc là nhờ chuyển hóa được những khổ đau trong ta, dù cho những khổ đau ấy vẫn còn, nhưng nếu ta biết tiếp xúc với những hạt giống hạnh phúc trong ta thì ta cũng có khả năng hạnh phúc. Ta không cần chuyển hóa hết khổ đau thì mới có hạnh phúc. Giáo lý đới nghiệp vãng sinh của Tịnh độ dạy rằng người ta có thể sinh về Tịnh độ dù mang theo nghiệp của mình. Đới nghiệp là mang theo nghiệp của mình. Không hẳn phải chuyển hết tất cả nghiệp thì ta mới được vãng sinh. Hình ảnh được dùng làm ví dụ là một chiếc thuyền. Khi thả một hòn đá xuống sông, nó sẽ chìm. Thả một hòn đá nhỏ hơn, nó cũng chìm xuống sông. Nhưng nếu chúng ta có một chiếc thuyền nhỏ, đặt hòn đá đó lên thuyền thì hòn đá sẽ không chìm xuống sông nữa. Nếu chiếc thuyền lớn hơn, chúng ta có thể chất lên hàng trăm kí lô đá mà chiếc thuyền vẫn không chìm. Đới nghiệp vãng sinh là vậy, nghĩa là dù có khổ đau trong thân tâm, dù vẫn còn mang nghiệp, ta vẫn có thể sống hạnh phúc, không bị chìm vào sông mê, biển khổ. Có nghiệp nhưng vẫn không chìm, đó là hiện pháp lạc trú. Ta không cần chuyển hóa hết tất cả những nội kết mà vẫn có thể sống an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.      

Chúng con được ngồi đây

Trong  phút giây hiện tại

Bao bọc bởi tăng thân

Thấy mình thật may mắn.

Trong khi đọc bốn câu này, ta thấy được rằng ta đang thực sự ngồi đây, đang an trú trong giờ phút hiện tại, không bị quá khứ, tương lai lôi kéo. Trong lúc này, ta càng thêm vững chãi bởi vì ta đang được bao bọc bởi tăng thân, và tăng thân cũng đang an trú trong hiện tại. Pháp môn của chúng ta là có mặt đích thực bây giờ và ở đây. Thiền tập trước hết là làm cho ta thực sự có mặt bây giờ và ở đây. Trong bốn câu đầu tiên của bài tụng, ta đã thực tập thiền: không truy tìm quá khứ, không tưởng tới tương lai, biết an trú trong hiện tại. Tăng thân đang giữ gìn cho ta an trú trong hiện tại bởi vì tăng thân cũng đang làm như vậy. Đó là hiện pháp lạc trú. Vì vậy, ta cảm thấy mình thật may mắn. 

Chúng con được ngồi đây: ngồi đây để cho sự sống có mặt. Nhiều lúc thân xác ta đang ở đó, nhưng tâm ta không có mặt và sự sống không có mặt thực sự với ta vào thời điểm đó. Ngồi vững chãi để tiếp xúc với sự sống trong ta và quanh ta, đó đã là sự thực tập đích thực của thiền, gọi là thiền tọa, 座禅, tiếng Nhật là Zazen. Ta ngồi thế hoa sen, hoa cúc, hoa cam hay hoa gì cũng được, miễn là ta thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, đó là thiền ngồi. Tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống thì hạnh phúc tự nhiên có mặt và những lo âu, khắc khoải, khổ đau vắng mặt. 

Năm ngoái, Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đến thăm Tổng thống Pháp. Khi báo chí phỏng vấn, hỏi rằng bây giờ tổng thống muốn cái gì nhất. Ông trả lời rằng, bây giờ điều ông muốn nhất là được ngồi cho yên, không cần phải làm gì cả. Bởi vì từ lúc được thả ra khỏi tù, ông chưa bao giờ có cơ hội ngồi xuống, ngồi một cách thảnh thơi, khỏi phải lo cái này cái kia và có thể an trú trong hiện tại. Rất tội nghiệp! Bao nhiêu năm rồi, Tổng thống Mandela đã được ngồi yên đâu. Trong khi đó, ngày nào chúng ta cũng được ngồi thiền buổi sáng, ngồi dùng điểm tâm, ngồi ăn cơm trưa, ngồi thiền buổi tối,… Điều mà các vị tổng thống cần là thiền tọa. Bây giờ, Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đang ngồi trên đống lửa, bởi vì đất nước đang có quá nhiều vấn đề. Nếu không được ngồi yên thì họ làm sao nuôi dưỡng được năng lượng vững chãi và hạnh phúc. 

Nuôi dưỡng được hạnh phúc, vững chãi, ta mới có thể cống hiến cái hay nhất và đẹp nhất cho nhân loại. Vì vậy, ngồi yên là một hành động rất cách mạng. Người ta thường bảo nhau: “Anh phải làm cái gì đi chứ, cứ ngồi ì ra đó sao được!” (Don’t just sit there, do something!) Trong khi đó, phương pháp của chúng ta là ngược lại. Đừng lúc nào cũng kiếm cái gì đó để làm, ngồi cho yên! Anh đã làm cái này cái nọ suốt cuộc đời rồi, nó chẳng đưa tới đâu cả. Vậy hãy ngồi yên! (Don’t just do something, sit there! You have done something all your life, it has not led anywhere. So, sit there!) Đây là sự thực tập căn bản. Ngồi vững chãi, thảnh thơi, an trú trong hiện tại và có hạnh phúc, đó là sự thực tập hằng ngày. 

Giờ này, ta không ngồi trong quán rượu, không đi mua sắm trong siêu thị mà được ngồi một cách vững chãi, thảnh thơi và xung quanh có một tăng thân vững chãi cũng đang ngồi như ta. Ta thấy mình thực sự may mắn vì đã tiếp xúc được với hạt giống niềm vui trong ta. 

Sinh ra được làm người

Con sớm gặp chánh pháp

Hạt bồ đề tưới tẩm

Lại có duyên được sống

Hòa hợp trong tăng thân.

Đó là những điều may mắn mà ta đã có, đang có, nhưng có thể ta quên. Vì vậy, ta tự nhắc lại và tiếp xúc với những điều kiện đó thì hạnh phúc của ta được tưới tẩm. Sinh ra được làm người là một may mắn lớn. Bởi vì làm người là có cơ hội để thực tập chánh pháp. Con sớm gặp chánh pháp. Có thể có những người không bao giờ được gặp chánh pháp, vậy mà ta đã được gặp chánh pháp. Hạt bồ đề tưới tẩm. Mỗi ngày con có cơ hội để hạt giống hiểu biết, thương yêu trong con được tưới tẩm. Tưới tẩm ở đây là việc hành trì hằng ngày, thiền thở, thiền đi, thiền ngồi, thiền ăn cơm, thiền buông thư,… Lại có duyên được sống hòa hợp trong tăng thân. Chúng ta biết rằng không có tăng thân thì sự thực tập rất khó khăn. Vì vậy, được may mắn sống và thực tập trong dòng sông tăng thân sẽ giúp cho sự thực tập của ta trở nên rất tự nhiên và dễ dàng. Đôi khi, ở trong dòng sông ấy ta cảm thấy mình không thực tập gì cả nhưng thực chất sự chuyển hóa vẫn âm thầm diễn ra.  

Năng lượng của tăng đoàn

Giới luật và uy nghi     

Đang bảo hộ cho con

Không để gây lầm lỗi

Không bị nghiệp xấu đẩy

Đi về nẻo tối tăm.

Tăng đoàn là một tăng thân chuyên chở được năng lượng tu học, năng lượng này rất dễ nhận thấy. Mỗi khi vào tu viện Rừng Phong, tiếp xúc với các sư cô, sư chú, người ta sẽ cảm nhận có một nguồn năng lượng mà ở ngoài phố không có được. Điều này xảy ra rất tự nhiên. Năng lượng này có mặt không phải vì các sư cô, sư chú mặc chiếc áo người tu mà vì người ta cảm thấy có sự thực tập, có an lạc, vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc. Dù chưa nghe thuyết pháp, chưa được thiền hành, thiền tọa, chỉ mới bước vào sân tu viện thôi là đã cảm nhận được năng lượng đó rồi. Năng lượng đó có được là do sự thực tập hằng ngày của mỗi người trong đại chúng. 

Năng lượng của tăng đoàn là yếu tố thứ nhất, giới luật và uy nghi là yếu tố thứ hai. Giới luật và uy nghi là sự che chở, hộ trì, bảo vệ. Nếu thực tập theo giới luật và uy nghi, ta sẽ không rơi vào tai nạn. Phần lớn những tai nạn xảy ra là do chúng ta không thực tập giới và uy nghi (mindfulness trainingsmindful manners). Thành ra, giới luật, uy nghi và năng lượng của tăng đoàn là chiếc thuyền chuyên chở ta, giúp cho ta không chìm xuống sông mê, biển khổ. Buông giới, buông uy nghi, buông tăng đoàn ra là ta dại dột, vì làm như thế ta có thể chìm nghỉm. 

Không để gây lầm lỗi

Không bị nghiệp xấu đẩy

Đi về nẻo tối tăm.

Nghiệp xấu là năng lượng của tập khí trong ta, năng lượng đó thúc đẩy ta đi về nẻo tối tăm. Nhờ có tăng đoàn, có giới luật, có uy nghi, ta không đi về những nẻo đó. Nẻo tối tăm là ác đạo, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Trong chúng ta có hạt giống của địa ngục, ma đói, súc sinh… và năng lượng của tập khí xấu có thể đẩy ta đi tới cuộc sống không lành mạnh. Năng lượng của tăng đoàn, giới luật và uy nghi làm cho những hạt giống xấu không bao giờ phát triển được và ta sẽ không còn bị thúc đẩy đi về ba nẻo đường xấu ác – là tam ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) đó nữa.

Lại được cùng bạn hiền

Đi trên đường chân thiện

Có ánh sáng chiếu soi

Của Bụt và Bồ tát.

Bạn hiền đây là những thiện hữu tri thức. Trong đời sống tu tập mà có bạn tu là hạnh phúc nhất. Người ta nói ăn cơm có canh, tu hành có bạn. Thời tiết ở Việt Nam rất nóng, ăn cơm không có canh thì nuốt không vô, dù chỉ là nước rau muống luộc. Các thầy thường bỏ thêm vào nước luộc rau muống nửa trái cà chua, một chút muối là thành món canh. Những buổi trưa trời nắng chang chang, cơm mau bị khô, nhờ có canh mà “lùa” được cơm vào bao tử. Vì vậy, trên bước đường tu tập, nếu có được một, hai, ba người bạn thì nên biết rằng chúng ta rất may mắn, rất hạnh phúc.

Đi trên đường chân thiện. Chân là đúng, thiện là lành. Có ánh sáng chiếu soi, của Bụt và Bồ tát. Ánh sáng này là ánh sáng của chánh niệm và là sức hộ niệm của Bụt và Bồ tát. Bụt và Bồ tát có mặt khắp nơi trên thế giới và cũng có mặt trong tâm ta. Nếu tiếp xúc được với niệm lực của Bụt và Bồ tát, ta sẽ rất vững vàng. Ánh sáng chiếu soi có thể từ trong ta đi ra và ở ngoài đi vào cùng một lúc. Bụt và Bồ tát không lúc nào không có mặt. Chúng ta có hạt giống của Bụt và Bồ tát trong tự thân, bởi vì ta là con của Bụt, là học trò của Bồ tát. Nếu muốn sử dụng ánh sáng đó, ta chỉ cần lấy ra bấm một cái như khi sử dụng đèn pin, ánh sáng sẽ luôn có mặt. 

Tuy có mặt trong con

Những hạt giống khổ đau

Phiền não và tập khí

Nhưng chánh niệm hiện tiền

Vẫn thường luôn biểu hiện

Giúp cho con tiếp xúc

Với những gì mầu nhiệm

Có mặt trong tự thân

Và có mặt quanh con.

Tuy ta có hạt giống của khổ đau, phiền não (kleśa, affliction) và tập khí (vāsanā) nhưng những chướng ngại đó không ngăn cản chánh niệm hiện tiền vẫn thường luôn biểu hiện. Ta sống trong tăng thân, sống trong khung cảnh tu học, ta có những điều kiện để chánh niệm được hiện tiền. Trong ngày, có biết bao nhiêu điều kiện để giúp cho chánh niệm được thắp lên, đưa ta về có mặt trong hiện tại. Có mặt trong hiện tại được gọi là hiện tiền. Mỗi khi nghe tiếng chuông, thấy sư anh bước đi thảnh thơi, thấy sư em mỉm cười, hay đến thời khóa tụng kinh thì chánh niệm hiện tiền ngay lập tức. Chánh niệm biểu hiện được thì ta có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm trong ta và xung quanh ta. Những mầu nhiệm đó giúp ta nhớ lại rằng cuộc đời không phải chỉ có khổ đau. Trong vườn ta có rất nhiều cây xanh tươi chứ không phải chỉ có một vài cây khô chết. Đây là điều rất quan trọng. Ta sống được là nhờ những điều đó. Ta đau khổ, giận hờn nhưng ta vẫn có những người thương. Ta phải nhớ như vậy. Những điều kiện đó giúp ta tỉnh thức và duy trì chánh niệm, đó cũng là những điều kiện của sự giác ngộ – gọi là giác duyên. Trong một tu viện, ta thiết kế thế nào để những điều kiện đó được đầy đủ, để mỗi giây phút ta được thức tỉnh và chánh niệm được thắp sáng, giúp ta thấy được những mầu nhiệm, những tích cực trong ta và xung quanh ta.

Sáu căn còn đầy đủ

Mắt thấy được trời xanh

Tai nghe tiếng chim hót

Mũi ngửi thấy hương trầm

Lưỡi nếm được pháp vị

Thế ngồi con vững chãi

Ý hợp nhất với thân.

Nếu không có Thế Tôn

Nếu không có diệu Pháp

Nếu không có Tăng đoàn

Làm sao con may mắn

Được pháp lạc hôm nay?

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý không có căn nào bị hư hại. Mắt đang còn sáng, mũi chưa bị nghẹt, tai chưa bị điếc, ý chưa điên loạn,… như vậy là lục căn cụ túc. Có người vì thiếu may mắn mà một trong sáu căn không đầy đủ, gọi là lục căn bất cụ. Đó là một tai nạn. Nếu chúng ta vẫn còn sáu căn đầy đủ, đó là một điều kiện thuận lợi cho sự tu học. 

Làm sao con may mắn, được pháp lạc hôm nay nếu không có Bụt, Pháp và Tăng? Đó là sự biết ơn của ta đối với Tam bảo. Nhờ Bụt, Pháp và Tăng mà ta thực tập được thân tâm nhất như (ý hợp nhất với thân). Ta biết ngồi cho vững chãi, và một khi thân đã vững chãi thì tâm cũng vững vàng. Cho nên tiếp xúc được với sự thật đó chúng ta lại có thêm hạnh phúc.  

Công phu tu tập này

Con cũng xin hành trì

Cho gia đình, dòng họ

Cho thế hệ tương lai

Và cả cho xã hội.

Điều này rất quan trọng. Ta đừng tưởng ta tu như vậy là tu riêng cho bản thân. Tất cả các thế hệ tổ tiên đều đang có mặt trong ta. Ta mỉm cười được thì các thế hệ tổ tiên, con cháu trong ta đều đang mỉm cười. Ta tha thứ được thì cha mẹ ta tha thứ được. Sự có mặt của ta tại tu viện rất quan trọng. Cho nên, ta không có quyền thất bại. Ta tu cho cả gia đình, dòng họ ta. Ta là một yếu tố làm vững chãi lại dòng sống của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Ta tu tập vững chãi thì gia đình ta được ổn định. Điều này chắc chắn có thật. Mỗi bước chân ta đi là đi cho ông bà, cha mẹ, cho con cháu, cho học trò tương lai của ta. Mỗi hơi thở có chánh niệm, ta thở cho tất cả các thế hệ quá khứ và tương lai. Ta không tu cho riêng một cá nhân ta, ta không có một cái ngã riêng biệt. 

Ta không có quyền chịu thua, không có quyền bỏ cuộc. Bỏ cuộc nửa chừng thì sẽ “hư bột hư đường” và tất cả các thế hệ tổ tiên, gia đình, con cháu sẽ lãnh đủ. Ta phải thành công, và phải thành công ngay ngày hôm nay, trong mỗi giây mỗi phút! Ngày hôm nay ta cởi bỏ được một nỗi buồn phiền, đó là một chiến công rất oanh liệt đối với tổ tiên và các thế hệ tương lai. Mỗi ngày ta đều cố gắng đạt được những thành quả tốt đẹp như vậy. Đức Thế Tôn có lấy ví dụ một ông thầy tu với một con báo. Con báo đuổi theo bắt được con này con kia, thì người tu cũng phải có những thắng lợi liên tiếp trong đời sống hằng ngày của mình. Người tu phải nhanh nhẹn, tu tập thông minh, khéo léo, chuyển hóa được tập khí xấu này, nắm được quyền tự chủ đối với tâm hành bất thiện kia,… Đó là những tháo gỡ, những thành công trong sự tu học hằng ngày của ta. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi nụ cười, mỗi sự tha thứ là một sự thành công. Chúng ta phải thành công liên tiếp nhiều lần trong một ngày như vậy. Và mỗi lần thành công, ta hồi hướng cho tất cả.   

Niềm an lạc của con

Là vốn liếng tu tập

Con xin nguyền vun bón

Tưới tẩm và nuôi dưỡng

Bằng chánh niệm hàng ngày.

Tu tập không phải là hướng tới một cái gì trừu tượng, mà là đầu tư cho vốn liếng càng ngày càng lớn. Ta vun bón, tưới tẩm và nuôi dưỡng mình bằng sự thực tập chánh niệm hằng ngày qua cách ta đi đứng, thở, ăn cơm và tiếp xử với mọi người. Tu là làm những điều đơn giản như vậy. Đừng nghĩ rằng tu là phải làm cái gì cao siêu như phải đi vào tứ thiền, tứ vô sắc định. Tu là đặt mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, mỗi ý tưởng của đời sống hằng ngày trong ánh sáng chánh niệm.

Trong xã hội của con

Bao nhiêu người đau khổ

Chìm đắm trong năm dục

Ganh ghét và hận thù.

Thấy được những cảnh ấy

Con quyết tâm hành trì

Điều phục những tâm hành

Tham đắm và giận ghét

Tập khả năng lắng nghe

Và sử dụng ái ngữ

Để thiết lập truyền thông

Tạo nên sự hiểu biết

Chấp nhận và thương yêu.

Nhiều khi chúng ta đang ở trong tháp ngà mà không biết rằng chúng sinh trong cõi đời đang đau khổ cùng cực. Có những người đến tu viện từ những nơi rất xa. Tiếp xúc với họ, ta thấy được những khổ đau lớn lao của con người trong xã hội hiện tại. Chính vì khổ đau đang tràn ngập cho nên ta phải tu tập để có thể độ thoát được cho họ. Ngày nay, trường hợp người trẻ tự tử chiếm con số rất lớn. Theo thống kê, số người tự tử mỗi ngày nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông, trong số đó có rất nhiều người trẻ. Người trẻ không chịu đựng nổi vì không biết con đường thoát khỏi khổ đau và nghĩ rằng chỉ có cái chết mới làm cho mình hết khổ. Theo đài France Info, tại Pháp, một năm có 12.000 người tự tử, phần lớn là người trẻ. Người ta khổ nhưng không biết được bản chất của nỗi khổ, không thấy được con đường thoát khổ, cho nên cách duy nhất để thoát khổ là tự tử. Đau khổ ở đời rất hiện thực, vì vậy ta phải tu tập tinh cần để có được một chiếc thuyền đi cứu người. Chúng ta không thể sử dụng thì giờ của ta một cách dại dột, ta phải biết lợi dụng môi trường tốt, hoàn cảnh tốt để thành công trong sự tu tập.

Chúng ta thấy rất rõ, khả năng lắng nghe và sử dụng ái ngữ là điều chúng ta phải tu tập. Nếu thực tập được khả năng lắng nghe và sử dụng ái ngữ thì có thể thiết lập lại truyền thông, khi ấy hiểu biết và thương yêu bắt đầu có mặt. Chứng bệnh lớn nhất của thời đại là giữa con người và con người không thiết lập được quan hệ truyền thông. Sự truyền thông không còn giữa cha với con, giữa vợ với chồng, giữa anh với em. Cho nên tham đắm, giận ghét trở thành những khổ đau rất lớn. Hầu hết chúng ta đều đã đánh mất khả năng lắng nghe người khác. Nội lực chúng ta yếu nên không lắng nghe được, mỗi khi nghe thì ta khổ và dễ nổi giận. Để lắng nghe người khác, ta cần thực tập rất nhiều. Cũng vậy, hầu hết chúng ta đã đánh mất khả năng sử dụng ái ngữ. Trong lời nói chúng ta có sự trách móc, chua chát, hận thù, phán xét, vì vậy chỉ sau vài phút lắng nghe là người kia sinh tâm bực bội và bỏ đi, không thể nào lắng nghe được nữa. Do đó, truyền thông bị cắt đứt, dẫn tới đau khổ rất nhiều. Không có truyền thông thì không có hiểu biết, thương yêu. Và để giải thoát mọi khổ đau người ta đã chọn con đường tự tử. Cho nên, sự thực tập lắng nghe và ái ngữ rất quan trọng, ta phải thực tập cho được. Đó là hai chìa khóa để mở lại cánh cửa truyền thông. Có truyền thông mới hy vọng có hiểu biết và thương yêu.

Như đức Bồ tát kia

Con nguyện xin tập nhìn

Mọi người chung quanh con

Bằng con mắt từ bi

Bằng tâm tình hiểu biết

Con xin tập lắng nghe

Bằng lỗ tai xót thương

Bằng tấm lòng lân mẫn

Nhìn và nghe như thế

Là hạnh của Bồ tát.

Bồ tát kia là Bồ tát Quan Thế Âm, có thể nghe bằng lỗ tai xót thương, bằng trái tim lân mẫn. Bồ tát kia là Bồ tát Văn Thù, có thể nhìn bằng con mắt từ bi. Chúng ta đã học trong Bốn lời quán nguyện rằng đức Quan Thế Âm cũng như đức Văn Thù Sư Lợi là những nhân vật biết nhìn và biết nghe. Chúng ta cũng có hạt giống biết nhìn và biết nghe trong ta. Nếu mỗi ngày chúng ta thực tập để biết nhìn và biết nghe bằng trái tim thương yêu thì ta có thể hồi phục được khả năng lắng nghe và ái ngữ của ta. Thực tập thế nào để càng ngày chúng ta có thể lắng nghe giỏi hơn, có thể nhìn thấy rõ hơn bằng con mắt từ bi. Mắt thương nhìn cuộc đời là một câu trong kinh Pháp hoa. Tai thương nghe cuộc đời. Đó là sự thực tập của chúng ta. Làm thế nào để mỗi ngày ta tiến bộ được chút ít trên con đường thực tập. Tâm hồn ta rộng mở, có nhiều từ bi, hiểu biết hơn là nhờ chúng ta nhìn và nghe. Tu đâu phải là bịt mắt, bịt tai lại. Tu là phải mở mắt ra, phải căng tai lên để nhìn và để nghe. Năng lượng nghe, nhìn đó là năng lượng của chánh niệm, của từ bi.  

Có thể làm vơi nhẹ

Khổ đau trong lòng người

Đem lại niềm an lạc

Về cho cả hai phía.

Đó là bố thí Ba la mật, bố thí mà không cần phải có tiền bạc, lương thực. Chúng ta chỉ cần lắng nghe và nhìn với đôi mắt thương là người khác bớt khổ rất nhiều rồi. Chúng ta đừng hà tiện yêu thương. Có hai con mắt, hai lỗ tai, tại sao không sử dụng để giúp cho người khác bớt khổ? Ta là ai? Tại sao ta có mặc cảm? Tại sao ta không làm được như Bồ tát Quan Thế Âm? Ta cũng có hai lỗ tai như Bồ tát, tại sao ta không dùng hai lỗ tai từ bi để lắng nghe và giúp cho người kia bớt khổ? Anh có khả năng nghe không? Chị có khả năng nghe không? Em có khả năng nghe không? Tại sao không lắng nghe đi? Tại sao không làm Bồ tát ngay hôm nay đi? Anh có khả năng nhìn không? Chị có khả năng nhìn không? Em có khả năng nhìn không? Tại sao không sử dụng đôi mắt của mình để nhìn với lòng xót thương? Nhìn được như vậy thì thương yêu bao trùm và sẽ làm cho người kia bớt khổ. Nhìn đi, nhìn bằng đôi mắt hiểu biết và thương yêu! Nghe đi, nghe bằng đôi tai của hiểu biết và thương yêu! Làm được như vậy, chúng ta lập tức trở thành một vị Bồ tát ngay trong giây phút hiện tại.

Chúng con ý thức rằng

Chính phiền não si mê

Làm cho thế giới này

Trở thành nơi hỏa ngục.

Chúng ta vừa học kinh Bát đại nhân giác, trong đó có câu: ngu si sinh tử. Câu này có nghĩa là “vô minh chính là nguồn gốc của tất cả sinh tử”. Vô minh ở đây là tri giác sai lầm (wrong perceptions). Như vậy, chính những tri giác sai lầm làm cho thế giới này trở thành nơi hỏa ngục.

Nếu tu tập chuyển hóa

Chế tác được hiểu biết

Cảm thông và thương yêu

Chúng con sẽ tạo được

Tịnh độ ngay nơi này.

Đọc những câu kinh này, trong ta cảm thấy phát sinh năng lượng và sức mạnh. Chúng ta thấy rõ ràng Tịnh độ được làm bằng chất liệu hiểu biết và thương yêu. Tại sao ta không làm Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Phổ Hiền ngay ngày hôm nay mà phải đợi đến ngày mai, ngày mốt? Ta có mắt, có tai, đừng đợi đến khi mắt ta mờ, tai ta lãng rồi mới làm Bồ tát! Tại sao không tập nhìn, tập nghe để hiểu và để thương ngay ngày hôm nay? Tại sao ta có mặc cảm?  

Dù cuộc đời vô thường

Dù sinh lão bệnh tử

Đã có đường đi rồi

Con không còn lo sợ.

Bốn câu này mang đến cho chúng ta sự hân hoan. Người đau khổ là người không biết mình đang đi về đâu, phải đi về đâu. Khi biết rằng ta có một con đường và ta đang đích thực đi trên con đường đó thì ta có sự an tâm, không còn lo sợ nữa. Sự an tâm đó đem lại cho ta một niềm vui lớn. Biết đường đi và biết rằng ta đang đi trên con đường đó là một hạnh phúc rất lớn. Vì vậy, không cần phải tới nơi mới có hạnh phúc, đi từng bước là đã có hạnh phúc rồi. Đây là bản chất của một thánh quả gọi là Nhập lưu, stream entrance. Ta có đức tin và vững chãi bước đi trên con đường của mình, từ đó ta tham dự vào dòng của các bậc thánh.

Hạnh phúc thay được sống

Trong tăng đoàn Thế Tôn

Được hành trì giới định

Sống vững chãi thảnh thơi

Trong từng giây từng phút

Của cuộc sống hằng ngày.

Được tham dự vào tăng đoàn, được hành trì giới định tuệ, được học sống vững chãi, thảnh thơi trong từng giây phút, ta còn đòi hỏi gì nữa? Ta có đòi hỏi một chức tước hay quyền hành gì đâu. Nhiều người cho rằng có chức tước, quyền hành là đạt được hạnh phúc. Đối với người xuất gia, nhận lãnh trách nhiệm làm trụ trì, làm giáo thọ, làm chúng trưởng là cơ hội để mang lại hạnh phúc cho bao người. . Đó không phải là một danh vị để mưu cầu, đó là phương tiện để tạo hạnh phúc chứ không phải là điều kiện để hạnh phúc. Ý thức rằng được sống trong tăng đoàn hơn 2.600 năm của đức Thế Tôn, được hành trì giới, định, được học sống vững chãi, thảnh thơi từng giây phút trong đời sống hằng ngày là hạnh phúc lớn nhất. Chúng ta đã học, đang học và sẽ học về những phương pháp sống vững chãi, thảnh thơi từng giây phút trong cuộc sống hằng ngày để vun bồi những điều kiện đầy đủ và thiết yếu cho hạnh phúc. Những điều kiện ấy đang có mặt quanh ta và ta thực tập thế nào để tiếp xúc được với những hạnh phúc đó.

Và trực tiếp tham gia

Vào sự nghiệp độ sinh

Của Bụt và Bồ tát!

Sự nghiệp này là một doanh nghiệp (enterprise) rất lớn, đáng để cho ta đầu tư cả thân tâm và cả cuộc đời ta vào đó. Được tham dự vào sự nghiệp độ sinh của Bụt và Bồ tát là một hạnh phúc rất lớn mà ta có thể làm được ngay ngày hôm nay. Ta không cần phải đợi đến ngày mai ngày mốt, hay đến khi đã tu sáu năm, tám năm thì mới làm.

Giờ phút này quý báu

Niềm biết ơn tràn dâng

Xin lạy đức Thế Tôn

Chứng minh và nhiếp thọ.

Giờ phút nào cũng quý báu. Được ngồi với nhau và ôn lại những hạnh phúc mà chúng ta đang có, đó là một điều mầu nhiệm. Sự thực tập đó tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc trong ta. Ngay trong thời gian đồng tụng với nhau bài này, chúng ta đang thực sự có hạnh phúc.

Bài tụng hạnh phúc

Chúng con được ngồi đây

Trong phút giây hiện tại

Bao bọc bởi Tăng thân

Thấy mình thật may mắn:

Sinh ra được làm người

Con sớm gặp chánh pháp

Hạt Bồ đề tưới tẩm

Lại có duyên được sống

Hòa hợp trong Tăng thân.

Năng lượng của Tăng đoàn

Giới luật và uy nghi

Ðang bảo hộ cho con

Không để gây lầm lỗi

Không bị nghiệp xấu đẩy

Ði về nẻo tối tăm

Lại được cùng bạn hiền

Ði trên đường chân thiện

Có ánh sáng chiếu soi

Của Bụt và Bồ tát.

Tuy có mặt trong con

Những hạt giống khổ đau

Phiền não và tập khí

Nhưng chánh niệm hiện tiền

Vẫn thường luôn biểu hiện

Giúp cho con tiếp xúc

Với những gì mầu nhiệm

Có mặt trong tự thân

Và có mặt quanh con.

Sáu căn còn đầy đủ

Mắt thấy được trời xanh

Tai nghe tiếng chim hót

Mũi ngửi thấy hương trầm

Lưỡi nếm được pháp vị

Thế ngồi con vững chãi

Ý hợp nhất với thân

Nếu không có Thế Tôn

Nếu không có diệu Pháp

Nếu không có Tăng đoàn

Làm sao con may mắn

Ðược pháp lạc hôm nay?

Công phu tu tập này

Con cũng xin hành trì

Cho gia đình, dòng họ

Cho thế hệ tương lai

Và cả cho xã hội.

Niềm an lạc của con

Là vốn liếng tu tập

Con xin nguyền vun bón

Tưới tẩm và nuôi dưỡng

Bằng chánh niệm hằng ngày.

Trong xã hội của con

Bao nhiêu người đau khổ

Chìm đắm trong năm dục

Ganh ghét và hận thù.

Thấy được những cảnh ấy

Con quyết tâm hành trì

Ðiều phục những tâm hành

Tham đắm và giận ghét

Tập khả năng lắng nghe

Và sử dụng ái ngữ

Ðể thiết lập truyền thông

Tạo nên sự hiểu biết,

Chấp nhận và thương yêu.

Như đức Bồ tát kia

Con nguyện xin tập nhìn

Mọi người chung quanh con

Bằng con mắt từ bi

Bằng tâm tình hiểu biết

Con xin tập lắng nghe

Bằng lỗ tai xót thương

Bằng tấm lòng lân mẫn

Nhìn và nghe như thế

Là hạnh của Bồ tát

Có thể làm vơi nhẹ

Khổ đau trong lòng người

Ðem lại niềm an lạc

Về cho cả hai phía.

Chúng con ý thức rằng

Chính phiền não si mê

Làm cho thế giới này

Trở thành nơi hỏa ngục.

Nếu tu tập chuyển hóa

Chế tác được hiểu biết

Cảm thông và thương yêu

Chúng con sẽ tạo được

Tịnh độ ngay nơi này.

Dù cuộc đời vô thường

Dù sinh lão bệnh tử

Ðã có đường đi rồi

Con không còn lo sợ.

Hạnh phúc thay được sống

Trong Tăng đoàn Thế Tôn

Ðược hành trì giới định

Sống vững chãi thảnh thơi

Trong từng giây từng phút

Của cuộc sống hằng ngày,

Và trực tiếp tham gia

Vào sự nghiệp độ sinh

Của Bụt và Bồ tát.

Giờ phút này quý báu

Niềm biết ơn tràn dâng

Xin lạy đức Thế Tôn

Chứng minh và nhiếp thọ.

Ý nghĩa thực tập lễ lạy

(Phiên tả Pháp thoại ngày 04 tháng 01 năm 1998 tại xóm Thượng, Làng Mai, Pháp)

Nhất tâm kính lễ đức Bụt Thích Ca Mâu Ni.

Cái lạy đầu là lạy đức Bụt Thích Ca Mâu Ni, thầy của chúng ta.

Nhất tâm kính lễ đức Bụt A Di Đà.

Bụt A Di Đà, Amitābha là một vị Bụt được biết tới qua 48 lời nguyện lớn và Bụt A Di Đà là giáo chủ của trung tâm tu học lớn tên là cõi Tịnh độ. Những người nào muốn tham dự vào trung tâm tu học đó chỉ cần gọi tên Ngài với tất cả sự thanh tịnh của thân, miệng và ý. Trong giáo lý sâu sắc của Tịnh độ, Bụt A Di Đà không phải là ai khác ngoài tự tánh sáng chói của mỗi người. Cũng như Tuệ Trung Thượng sĩ đã nói: “Tâm nội Di Đà tử ma khu” (心內彌陀紫磨軀, Di Đà vốn thật pháp thân ta). Đức A Di Đà có thể được nhận thức như tự tánh chói sáng, pháp thân của chính mỗi người. Quay về nương tựa đức A Di Đà tức là quay về nương tựa nơi tự tánh chói sáng của tâm ta, quay về nương tựa nơi pháp thân của ta. Trong Công phu chiều thứ Sáu chúng ta sẽ học về kinh A Di Đà và giáo lý Tịnh độ. 

Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Bi Quan Thế Âm.

Bồ tát Quan Thế Âm, Avalokiteśvara là chất liệu của sự thương yêu trong mỗi vị Bụt. Lạy Bồ tát Quan Thế Âm là lạy bản chất thương yêu trong Bụt Thích Ca, đồng thời cũng lạy bản chất thương yêu trong bản thân của chúng ta. Vì trong ta cũng có Bụt, trong ta cũng có Bồ tát Đại Bi Quan Thế Âm. 

Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Thế Chí.

Bồ tát Đại Thế Chí, Mahāsthāmaprāpta có khi dịch là Đắc Đại Thế, tức là đạt được thế đứng rất hùng dũng. Chúng ta biết rằng đức Bồ tát Đại Thế Chí là vị Bồ tát có thế đi rất hùng dũng, một bước đi của Bồ tát làm chấn động mười phương và làm cho ánh sáng chiếu rọi khắp mười phương. Ngài là một cộng sự rất gần gũi với Bụt A Di Đà nên chúng ta thường thấy tượng đức A Di Đà đứng giữa hai vị Bồ tát lớn là đức Bồ tát Quan Thế Âm và đức Bồ tát Đại Thế Chí. Ba Ngài được gọi là Tây phương Tam Thánh (The Three holy people of the West), tức ba vị thánh nhân của phương Tây. 

Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương.

Lạy đức Bồ tát Địa Tạng, Kṣitigarbha là tiếp xúc với hạnh nguyện lớn trong Bụt Thích Ca. Trong ta cũng có hạnh nguyện đó, nhưng chưa đủ sức mạnh để biểu hiện. Ta lạy đức Bồ tát Địa Tạng để làm cho hạt giống của đại nguyện trong ta lớn mạnh và đưa ta đi tới.

Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ sư qua các thời đại từ Tây Trúc cho đến Việt Nam.

Cái lạy này giúp chúng ta tiếp xúc với tất cả các vị Tổ sư trong suốt 2.600 năm, từ Tổ sư Ca Diếp bên Ấn Độ, đến các Tổ sư ở Việt Nam, qua các Tổ sư ở Trung Quốc. Cố nhiên trong cái lạy này, chúng ta cũng đang lạy thầy Bổn sư của ta, là vị Tổ sư trẻ nhất của ta.

Đảnh lễ chiều thứ Ba

Nhất tâm kính lễ đức Bụt Thích Ca Mâu Ni.

Nhất tâm kính lễ đức Bụt A Di Đà.

Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Bi Quan Thế Âm.

Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Thế Chí.

Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương.

Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ sư qua các thời đại từ Tây Trúc cho đến Việt Nam.

Giảng kinh

(Phiên tả Pháp thoại ngày 08 tháng 01 năm 1998,
tại xóm Mới, Làng Mai, Pháp)

Nguyện ngày an lành, đêm an lành

Ngày đêm sáu thời đều an lành.

Chữ an lành ở đây dịch từ chữ cát tường (吉祥). An lành tức là không có tai nạn, tất cả đều tốt đẹp, có những dấu hiệu của sự may mắn, hạnh phúc. Cát tường cũng có nghĩa là may mắn, phúc đức, hạnh phúc. 

Ngày đêm sáu thời đều an lành. Một ngày một đêm được chia làm sáu thời, mỗi thời cách nhau bốn giờ đồng hồ. Ngày xưa, vua Trần Thái Tông đã sáng tác nghi thức gọi là Lục thời sám hối khoa nghi, tức là cứ bốn giờ đồng hồ thì vua làm lễ sám hối một lần. Vua đã thực tập sám hối, làm mới mỗi ngày sáu lần, mỗi lần khoảng 15 phút.

An lành trong mỗi giây mỗi phút

Cầu ơn Tam bảo luôn che chở

Bốn loài sinh lên đất tịnh

Ba cõi thác hóa tòa sen.

Bốn loài tức là loài sinh ra bằng trứng, bằng thai, sinh ra từ sự ẩm ướt và loài sinh ra bởi sự biến hóa – noãn, thai, thấp, hóa. Về các loài sinh ra từ sự ẩm ướt – thấp sinh, người xưa tưởng rằng chỉ cần có sự ẩm ướt là tự nhiên các loài ấy sinh ra, kỳ thực phải có sẵn hạt giống thì các loài ấy mới sinh ra được chứ không chỉ có sự ẩm ướt. Hóa, tức là hóa sinh, sinh ra từ sự biến hóa (metamorphose). Bươm bướm là loài hóa sinh vì ban đầu là con sâu nhưng sau thành con bướm. Đất tịnh nghĩa là Tịnh độ. Ba cõi tức là cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.

Hằng sa ngạ quỷ chứng tam hiền

Vạn loại hữu tình lên thập địa.

Hằng sa ở đây có nghĩa là nhiều như cát ở sông Hằng. 

Ngạ quỷ tức là loài quỷ đói. 

Tam hiền là thập trú (十住), thập hạnh (十行) và thập hồi hướng (十回向). 

Thập địa là mười địa mà một vị Bồ tát trải qua trước khi thành Bụt.

Thế Tôn dung mạo như vầng nguyệt

Lại như mặt nhật phóng quang minh

Hào quang trí tuệ chiếu muôn phương

Hỷ xả từ bi đều thấm nhuận.

Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni.

Đây là bài ca ngợi đức Thế Tôn. Hình ảnh mặt trăng được sử dụng để nói về dung mạo của Bụt, rất dịu dàng, rất tròn đầy. Hình ảnh mặt trời chiếu sáng rực rỡ khắp thế gian được ví như sự có mặt của đức Thế Tôn. Nơi nào cũng tràn đầy ánh sáng mặt trời, nơi nào cũng thấm nhuần chất liệu của hỷ, xả, từ và bi. Bài này được dịch từ bài: 

Phật diện do như tịnh mãn nguyệt

Diệc như thiên nhật phóng quang minh

Viên quang phổ chiếu ư thập phương

Hỷ xả từ bi giai cụ túc.

Ngày đêm an lành

Nguyện ngày an lành đêm an lành

Ngày đêm sáu thời đều an lành

An lành trong mỗi giây mỗi phút

Cầu ơn Tam bảo luôn che chở.

Bốn loài sinh lên đất tịnh

Ba cõi thác hóa tòa sen

Hằng sa ngạ quỷ chứng tam hiền

Vạn loại hữu tình lên thập địa.

Thế Tôn dung mạo như vầng nguyệt

Lại như mặt nhật phóng quang minh

Hào quang trí tuệ chiếu muôn phương

Hỷ xả từ bi đều thấm nhuận.

Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni.

Giảng kinh

(Phiên tả Pháp thoại ngày 05 tháng 02 năm 1998, tại xóm Mới, Làng Mai, Pháp) 

Kinh Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân, nguyên văn chữ Hán là Bát đại nhân giác kinh (八大人覺經). Đây là kinh thứ hai thầy được học với tư cách một sư chú, kinh thứ nhất là kinh Vô thường. Hồi đó thầy học thuộc lòng bằng chữ Hán chứ không có chữ Việt. 

Kinh Bát đại nhân giác được thầy An Thế Cao dịch vào đầu thế kỷ thứ III tại Lạc Dương. Bản kinh được Đại thừa hóa từ kinh Bát niệm (Tám điều tâm niệm hay là Tám điều quán niệm). Trong văn học Pāḷi và văn học A hàm của Bắc tông cũng có kinh này. Vì vậy, trước khi học kinh Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân ta nên tìm hiểu nguồn gốc của kinh này trong tạng A hàm và Pāḷi. 

Kinh A Na Luật bát niệm thuộc Tăng nhất A hàm, quyển thứ 37, kinh số 6. Chúng ta đọc thấy trong kinh hình ảnh thầy A Na Luật (tức là thầy Anuruddhā) thực tập thiền định ở chỗ vắng và nhận ra sự học hỏi của mình tuy là quan trọng nhưng không quan trọng bằng sự thực tập giới và uy nghi. Thầy A Na Luật nghĩ rằng giới và uy nghi tức là chánh niệm. Chánh niệm chế tác ra định và định chế tác ra tuệ, cho nên giới và uy nghi quan trọng hơn cái học trí thức. Thầy A Na Luật muốn đến gặp đức Thế Tôn để hỏi xem nhận thức của thầy có đúng hay không. 

Trước khi đi, thầy ngồi yên để quán chiếu và tìm ra bảy điều có liên hệ đến đời sống của một người xuất gia. Thầy thấy rằng trong giáo pháp của đức Thế Tôn có một số nguyên tắc mà mình phải theo, phải tâm niệm, nếu không thì mình không phải là một người xuất gia đích thực. 

Trước tiên, thầy nêu ra nguyên tắc thiểu dục (vô dục). Trong pháp và luật của đức Thế Tôn, nếu người nào không thực tập thiểu dục thì người đó không thành công được. Thiểu dục hay vô dục có nghĩa là không ham muốn. Nếu ta có những ham muốn: ham danh, ham lợi, ham tài, ham sắc, ham cái gì đó thì ta không thể thành công trong giáo pháp này. 

Thứ hai là tri túc. Tri túc dịch là biết đủ, là bằng lòng với những điều kiện vật chất hay điều kiện sinh sống đang có và không có nhu cầu đòi hỏi gì thêm. 

Thứ ba là nhàn cư, nghĩa là sống một cách thư thả, thanh thản, ung dung, không bận rộn và không đua đòi theo đám đông, không bị đám đông kéo đi, không bị ai thúc đẩy. Ta sống chánh niệm một mình và trong khi sống một mình, ta không cảm thấy trống vắng, đó là nhàn cư. Nếu sống một mình mà biết thực tập hơi thở, thiền hành, quán chiếu, an trú trong giây phút hiện tại thì ta không cảm thấy trống rỗng trong lòng để phải chạy đi tìm một người khác mà tâm sự hay cố gắng hòa mình vào đám đông. Chúng ta đã học điều này trong kinh Người biết sống một mình. Khi ta sống với một ý tưởng, một nỗi buồn, một sự lo lắng hay mong cầu thì đó không phải là sống một mình mà là “sống hai mình”. Ở giữa đám đông và tự đánh mất mình, điều đó trái với giáo pháp này, không phải là sống một mình, không phải là nhàn cư. 

Thứ tư là trì giới. Người không trì giới thì không thành công được trong nếp sống của giáo pháp. 

Thứ năm là tam muội, tức là sống chú tâm tới những gì đang xảy ra. Tam muội nghĩa là định, là tâm ta không vẩn vơ từ tư tưởng này sang tư tưởng khác, từ quá khứ sang tương lai như một con vượn hoặc con khỉ luôn chuyền từ cành này sang cành khác. Tâm của ta an trú vào định tĩnh và sống sâu sắc trong mỗi giây phút hiện tại. 

Thứ sáu là trí tuệ. Tuệ tức là khả năng nhìn sâu và có thể thấy được bản chất của thực tại (thực tại tự thân và thực tại cuộc đời). 

Thứ bảy là đa văn, tức là siêng năng học hỏi. Chúng ta có thể phân biệt sự khác nhau giữa tuệ và đa văn. Tuệ là cái thấy sâu sắc về thực tại. Đa văn là sự chuyên cần học hỏi và nghe pháp. Tuệ là thấy được đạo. Đa văn có thể giúp cho tuệ nhưng đa văn không phải là tuệ. Learning không phải là insight, nhưng learning cũng rất cần. Chúng ta nhớ đừng nên nhầm lẫn hai cái. 

Trường Đại học Vạn Hạnh ở Việt Nam thường dùng câu Duy tuệ thị nghiệp (唯慧是業) lấy từ kinh Bát đại nhân giác. Duy tuệ thị nghiệp nghĩa là chỉ có trí tuệ mới làm nên sự nghiệp của đời mình. Duy là chỉ có, tuệ là tuệ giác, thị là là, nghiệp là sự nghiệp. Sự nghiệp duy nhất của đời mình là trí tuệ. Khi sử dụng bốn chữ đó cho một Học viện Phật giáo, chúng ta phải rất thận trọng. Chúng ta có thể hiểu lầm rằng sự nghiệp của ta là phải học thật nhiều. Kỳ thực, sự nghiệp của ta không phải là học cho nhiều. Sự nghiệp của ta là đạt tới tuệ giác, bởi vì giúp ta thoát khỏi khổ đau là từ tuệ giác, chứ không phải là từ sự học hỏi nhiều. Nhiều vị, cả giáo sư và sinh viên trong viện đều hiểu lầm rằng tuệ đây tức là sự học hỏi. Học hỏi thuộc về phương diện hiểu biết (intellect – tri thức) không phải là tuệ giác. Tuệ giác (insight) không phải là sự học hỏi (learn). Tuệ giác là hoa trái của niệm, giới và định. Chúng ta đừng hiểu lầm bốn chữ Duy tuệ thị nghiệp là sự nghiệp học hỏi. Sự nghiệp của chúng ta là sự nghiệp tuệ giác.

Sau khi đã tìm ra bảy điều (thiểu dục, tri túc, nhàn cư, trì giới, tam muội, trí tuệ và đa văn), thầy A Na Luật (Anuruddhā) đứng dậy, đi về nơi cư trú của đức Thế Tôn. Khi gặp được đức Thế Tôn, thầy trình bày cái thấy của mình cho đức Thế Tôn nghe. Đức Thế Tôn khen ngợi: “A Na Luật, thầy nói đúng lắm. So sánh giới luật với đa văn thì giới luật quan trọng hơn. Bởi vì giới luật sinh định và tuệ, còn đa văn chưa chắc sinh định và tuệ”. Bụt nói rằng, nếu thực tập theo bảy điều thầy A Na Luật mới nêu ra thì hành giả có thể thành công được trong cuộc sống của một người xuất gia. Khen ngợi học trò của mình xong, Bụt đề nghị thêm điều thứ tám. Đó là không hý luận, tức là không tự đánh mất mình trong những suy luận và đàm thuyết về siêu hình (no metaphysical speculation). là chơi; như hý kịch. Hý luận là nói lý hay lý luận mà chơi với nhau, nói huyên thuyên, đàm thuyết suông, không đi vào thực chất của sự tu học. Các thầy, các sư cô và cả cư sĩ đều mắc phải bệnh này rất nhiều. Rất nhiều người trong chúng ta học để hý luận và đàm thuyết suông với nhau. Hý luận không đưa tới một kết quả nào đáng kể, đứng về phương diện tu học và giải thoát. 

Bài kinh chúng ta vừa đọc có thể gần nhất với nguyên bản, thuộc Tăng nhất A hàm. Chúng ta sẽ thấy kinh này ở những bộ kinh khác nữa, thứ nhất là Trung A hàm. Trung A hàmBát niệm kinh (Tám điều tâm niệm hoặc Tám điều quán niệm). Kinh này đã được phát triển và có những yếu tố mới không còn nguyên chất như trong Tăng nhất A hàm. Trong kinh Bát niệm, ta thấy hình ảnh đức Thế Tôn thiền tọa tại nơi cư trú của mình. Từ nơi ở của đức Thế Tôn tới chỗ của thầy A Na Luật rất xa, nhưng đức Thế Tôn thấy được những suy nghĩ của thầy A Na Luật nên Ngài dùng thần thông biến mất và trong giây lát xuất hiện trước mặt thầy A Na Luật. Đức Thế Tôn mở lời khen ngợi thầy A Na Luật: “Thầy nghĩ rất đúng”. Trong kinh này ta thấy có yếu tố thần thông: “Như một lực sĩ co cánh tay lại và duỗi ra, trong thời gian đó thì đức Thế Tôn biến mất tại chỗ Ngài đang cư trú, xuất hiện trước mặt A Na Luật, và mở lời: “Lành thay, lành thay, A Na Luật, những điều ngươi suy tư và chứng nhận đó rất đúng với sự thật.” Người ta đã thêm vào chuyện thần thông này. Trong nguyên bản của Tăng nhất A hàm ghi lại rằng sau khi thầy A Na Luật quán chiếu và thấy được bảy điều có liên hệ đến đời sống của một người xuất gia thì thầy đi tới gặp đức Thế Tôn để trình bày rõ ràng, không cần đức Thế Tôn dùng phép thần thông để đến với thầy. Vì thế, những chi tiết thêm thắt đó không quan trọng. Người ta điểm tô cho đức Thế Tôn những phép thần thông, điều đó chưa chắc đã có lợi cho Ngài. 

Có một bản khác trong tạng Pāḷi, đó là kinh Tăng chi bộ (Aṅguttara Nikāya), 830. Tăng chi bộ được sắp đặt theo pháp số, những giáo pháp nào có số tám đều nằm trong chương Tám pháp. Ví dụ: Bát chánh đạo, Bát đại nhân giác. Trong kinh này, cũng giống như trong kinh Trung A hàm, đức Thế Tôn cũng hóa phép thần thông: “Rồi Thế Tôn với tâm của mình biết rõ tâm tư của tôn giả Anuruddhā, ví như người lực sĩ duỗi bàn tay đang co lại hay co lại bàn tay đang duỗi ra, cũng vậy đức Thế Tôn biến mất giữa dân chúng Bhagga tại núi Sumsumara, vườn Lộc Uyển và hiện ra giữa dân chúng Sêti trước mặt tôn giả Anuruddhā. Thế Tôn ngồi xuống chỗ đã soạn sẵn rồi Thế Tôn nói với tôn giả Anuruddhā đang ngồi một bên: “Lành thay, lành thay, này Anuruddhā, thầy đã suy nghĩ đến bảy niệm của bậc đại nhân.” Trong kinh này có một chi tiết làm chúng ta hơi buồn cười là đức Thế Tôn tới không báo trước nhưng khi đức Thế Tôn hiện ra tại đó thì ngồi vào chỗ đã soạn sẵn cho Ngài. Những chi tiết này cho chúng ta biết rằng người đời sau thêm vào một cách vụng về. 

Sự khác nhau giữa kinh Pāḷi (Tăng chi bộ, Aṅguttara Nikāya) và kinh Hán tạng (Trung A hàm, Madhyama Āgama) đó là trong kinh Anuruddhā của Pāḷi đề cập tới tứ thiền, còn trong kinh Bát niệm của chữ Hán thì không nói đến tứ thiền. Như vậy, chúng ta biết rằng tứ thiền đã được thêm vào trong kinh Pāḷi. Trong khi đó, cả hai kinh đều nói tới hiện pháp lạc trú, nhưng bản chữ Hán không nói là hiện pháp lạc trú (dṛṣṭa dharma sukha vihāra) mà nói là hiện pháp lạc cư. là ở, giống như trú. Và cụm từ hiện pháp lạc cư được lặp lại gần mười lần trong bản chữ Hán cũng như Pāḷi. Điều này cho chúng ta biết rằng giáo pháp hiện pháp lạc trú là một giáo pháp quan trọng trong đạo Bụt: sống an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. 

Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân đã được các kinh này truyền đạt lại gần giống nhau. Trong kinh A hàm, tám điều giác ngộ là vô dục, tri túc, viễn ly, tinh cần, niệm, định, tuệ và không hý luận (đức Thế Tôn thêm vào). Điều mà chúng ta gọi là nhàn xứ, tức là sống một mình thảnh thơi, thì kinh này gọi là viễn ly, tức là đừng hòa mình vào đám đông và đừng để bị kéo đi bởi tình cảm, sở thích, sự vui nhộn của đám đông. Trong kinh Tăng chi bộ (Aṅguttara Nikāya), tám điều giác ngộ lại là ít dục, biết đủ, sống thanh vắng, tinh tấn, chánh niệm, thiền định, trí tuệ và Bụt cũng thêm vào không ưa hý luận. 

Bây giờ, chúng ta học kinh Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân. Tinh túy của tám điều kia được trình bày rất mới mẻ và văn chương ở đây rất điêu luyện. Ngôn ngữ của kinh đã được trình bày theo hình thức một kinh Đại thừa. Trong kinh này có những danh từ như Bồ tát, Đại thừa. 

Thầy đã dịch và chú giải bản kinh này từ tiếng Hán sang tiếng Việt trong thời gian thầy đang tổ chức cứu trợ thuyền nhân tại vịnh Thái Lan. Vừa làm công việc cứu trợ thuyền nhân vừa dịch kinh để tâm mình được vững chãi và để cầu nguyện cho thuyền nhân có nhiều may mắn.

Đại nhân là những người có tâm hồn lớn, có người dịch là superman. Bát đại nhân giác, tức là tám điều giác ngộ của những con người lớn, những người vĩ đại. Người có tâm hồn lớn ở đây chính là các vị Bồ tát, các vị Tổ sư.

Là đệ tử Bụt thì nên hết lòng, ngày cũng như đêm, đọc tụng và quán niệm về tám điều mà các bậc đại nhân đã giác ngộ.

Vi Phật đệ tử, thường ư trú dạ, chí tâm tụng niệm, Bát đại nhân giác.

為佛弟子。常於晝夜。至心誦念。八大人覺。

Vi Phật đệ tử, tức là là đệ tử của Bụt. 

Thường ư trú dạ, tức là thường ở ngày và đêm. 

Chí tâm tụng niệm, tức là hết lòng tụng và niệm.

Bát đại nhân giác, tức là tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân.

Khi đọc câu: “Là đệ tử Bụt thì nên hết lòng, ngày cũng như đêm, đọc tụng và quán niệm về tám điều mà các bậc đại nhân đã giác ngộ” thì chúng ta nhớ ngay đến thầy Anuruddhā.

Điều thứ nhất là giác ngộ rằng cuộc đời là vô thường, chế độ chính trị nào cũng dễ sụp đổ, những cấu tạo của bốn đại đều trống rỗng và có tác dụng gây đau khổ, con người do tập hợp của năm ấm mà có, lại không có thực ngã, sinh diệt thay đổi không ngừng, hư ngụy và không có chủ quyền. Trong khi đó thì tâm ta lại là một nguồn suối phát sinh điều ác và thân ta thì là một nơi tích tụ của tội lỗi. Quán chiếu như trên thì dần dần thoát được cõi sinh tử.

Trong khi các kinh trình bày về Bát niệm đều dạy về vô dục đầu tiên thì kinh Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân đưa nội dung của sự quán chiếu lên trước. Đây là sự thông minh và tinh tế của người trình bày. Trong đoạn này, chúng ta thấy Bụt khuyên nhủ ta phải quán chiếu về vô thường, khổ, không và vô ngã. Đây là những đề tài quán chiếu, thực tập, là những điểm chính của giáo lý Bụt dạy, và quán chiếu về vô thường, khổ, không, vô ngã sẽ đưa đến tuệ giác. Điều giác ngộ thứ nhất này có liên hệ đến sự thực tập quán chiếu niệm, định tuệ

Đệ nhất giác ngộ: thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sinh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ, tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu. Như thị quán sát, tiệm ly sinh tử.

第一覺悟。世間無常。國土危脆。四大苦空。五陰無我。生滅變異。虛偽無主。心是惡源。形為罪藪。如是觀察。漸離生死。

Đệ nhất giác ngộ: thế gian vô thường. Tức là điều giác ngộ thứ nhất là thế gian vô thường

Quốc độ nguy thúy. Quốc độ tức là đất nước. Đất nước đây cũng có nghĩa là chế độ chính trị. Nguy thúy nghĩa là có thể sụp đổ. 

Tứ đại là đất, nước, lửa và gió. Tứ đại khổ không, nghĩa là bốn đại có tác dụng gây đau khổ và trong bản chất của chúng vốn là trống rỗng, không có một cái ngã. 

Ngũ ấm vô ngã, tức là trong hợp thể của sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì không tìm ra một yếu tố nào thường còn. 

Sinh diệt biến dị, tức là tất cả đều đi ngang qua một quá trình sinh, diệt và thay đổi. Biến dị là đổi khác.

Hư ngụy vô chủ. Hư ngụy là có tính cách đánh lừa. Ta tưởng nó là nó, thật ra nó không phải là nó. Chữ hư ngụy tương đương với chữ vô tướng của kinh Kim cương. Kinh Kim cương nói rằng: “Nơi nào có tướng là nơi đó còn có sự lường gạt”. Vô chủ tức là không có một chủ thể, không có một chủ quyền; chủ quyền đây tức là ngã. Ta “tưởng” là ta có chủ quyền, kỳ thực ta không có chủ quyền. 

Tâm thị ác nguyên: Tâm là một nguồn suối của tội lỗi, của tội ác. Từ tâm ta, những tư tưởng, thèm khát, giận hờn biểu hiện ra. Ác nguyên tức là nguồn ác. Tâm là ác nguyên nhưng tâm cũng là thiện nguyên vì trong tâm luôn có những hạt giống tốt. Ở đây chỉ nói về một nửa sự thật thôi.

Hình vi tội tẩu: Cái thân (hình hài) của ta là một rừng tội, là nguồn gốc của biết bao nhiêu lỗi lầm. Nếu không biết cách chăm sóc hình hài ta thì tham, sân, si sẽ nổi lên. Nhà thơ Huy Cận nói rằng nếu Thượng Đế biết rõ về thân thể này thì Ngài sẽ mắc cỡ vì đã sinh ra thân thể này. Bởi vì từ thân thể này sinh ra nhiều điều rất kỳ cục, rất tội lỗi. Tám chữ tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu là một tiếng chuông chánh niệm. Nếu chúng ta không tu tập, không biết bảo trì thân và tâm thì thân là một rừng tội và tâm là một nguồn ác. Nhưng nếu chúng ta biết chăm sóc thân tâm thì thân và tâm là nguồn gốc của rất nhiều hạnh phúc và giác ngộ. Chúng ta sẽ chỉ thấy được một khía cạnh mà không thấy được tổng thể nếu chúng ta đọc kinh với nhận thức hẹp hòi. 

Như thị quán sát, tiệm ly sinh tử: Nghĩa là nhờ sự quán sát đó mà từ từ xa lìa được thế giới của sinh tử. Câu này rất hay. Quán sát ở đây tức là quán chiếu, không phải là học hỏi về kiến thức. Phải quán chiếu về vô thường, khổ, không và vô ngã. Phải thấy được rõ ràng thân và tâm ta có thể là nguồn gốc của tội lỗi. Nếu mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút đều nuôi dưỡng tuệ giác này, đều quán chiếu như vậy thì từ từ hành giả sẽ vượt thoát khỏi sinh tử. Cho nên điều giác ngộ thứ nhất bao gồm cả niệm, định và tuệ. Trong kinh này, bản chất đạo Bụt được trình bày rõ ràng hơn trong nguyên bản. Bản chất và tinh túy của giáo lý đạo Bụt đã được nói lên trong điều giác ngộ đầu tiên này với văn từ rất mỹ lệ, dễ dàng học thuộc. 

Điều thứ hai là giác ngộ rằng càng lắm ham muốn thì lại càng nhiều khổ đau, rằng bao nhiêu cực nhọc trong cõi sinh tử đều do ham muốn mà có. Trong khi đó người ít ham muốn thì không bị hoàn cảnh sai sử, lại cảm thấy thân mình và tâm mình được thư thái. 

Điều giác ngộ thứ hai là vô dục.

Hạnh phúc chỉ có mặt khi nào ta có tự do. Tự do ở đây là tự do đối với ham muốn. Khi có ham muốn, ta sẽ bị ràng buộc. Tâm niệm ham muốn đó như một sợi dây ràng buộc ta, khiến ta co rúm lại và nhận chịu đủ khổ đau. Khi cởi được sợi dây ham muốn (vô dục), ta sẽ là người hạnh phúc nhất trên đời. Ít ham muốn gọi là thiểu dục.

Càng lắm ham muốn thì lại càng nhiều khổ đau. Đó là lý thuyết hay sự thật? Thực tập quán chiếu, chúng ta sẽ thấy rằng hễ lúc nào có ham muốn là lúc đó chúng ta khổ đau. Lúc nào không còn ham muốn thì lúc đó ta không còn khổ đau nữa. Vô dục là câu trả lời để có hạnh phúc.

Rằng bao nhiêu cực nhọc trong cõi sinh tử đều do ham muốn mà có. Ham muốn, tiếng Anh là craving.

Trong khi đó người ít ham muốn thì không bị hoàn cảnh sai sử, lại cảm thấy thân mình và tâm mình được thư thái. Thư thái ở đây là tự do. 

Đệ nhị giác tri: Đa dục vi khổ, sinh tử bì lao, tùng tham dục khởi; thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại.

第二覺知。多欲為苦。生死疲勞。從貪欲起。少欲無為。身心自在。

Đa dục vi khổ. Ham muốn nhiều là khổ.

Sinh tử bì lao. Bì là mệt mỏi, lao là cực nhọc. Bì lao tức là những mệt mỏi cực nhọc của cõi sinh tử. 

Tùng tham dục khởi, tức là đều từ tham dục mà phát sinh. 

Thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại. Vô vi nghĩa là không chạy chọt, không rượt bắt, không bị hoàn cảnh sai sử, không cực nhọc, không chạy theo, không lăng xăng, không bị nô lệ. Chữ vô vi ở đây không có nghĩa là Niết bàn, không có nghĩa là asaṃskṛta. Đây là văn phong của thế kỷ thứ III.

Điều thứ ba là giác ngộ rằng vì tâm ta rong ruổi chạy theo danh lợi không bao giờ biết chán cho nên tội lỗi ta cũng theo đó mà càng ngày càng lớn. Các bậc Bồ tát thì khác hẳn: họ luôn luôn nhớ nghĩ đến phép tri túc, an vui sống đời đạm bạc để hành đạo và xem sự nghiệp duy nhất của mình là sự thực hiện trí tuệ giác ngộ.

Đệ tam giác tri: tâm vô yếm túc, duy đắc đa cầu, tăng trưởng tội ác. Bồ tát bất nhĩ, thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp.

第三覺知。心無厭足。唯得多求。增長罪惡。菩薩不爾。常念知足。安貧守道。唯慧是業。

Điều giác ngộ thứ ba nói về tri túc

Yếm là nhàm chán, túc là đầy đủ. Tâm vô yếm túc nghĩa là tâm ta không bao giờ thấy chán, không bao giờ thấy đủ, có được chừng đó rồi thì lại ao ước có gấp đôi. Giả dụ nếu may mắn có được gấp đôi thì ta vẫn thấy thiếu như thường. Túi tham không có đáy tức là tâm vô yếm túc. Tâm tham của ta không bao giờ thấy nhàm chán, không bao giờ cho là đủ và luôn chạy theo danh lợi. 

Đắc là đạt được. Đa là nhiều. Duy đắc đa cầu, là chỉ muốn sở hữu thật nhiều, chỉ muốn tóm thâu được nhiều. 

Tăng trưởng tội ác là làm cho tội lỗi của mình càng ngày càng lớn. 

Bồ tát bất nhĩ là các vị Bồ tát thì không như vậy. Bất nhĩ là không phải như vậy. Yếu tố Đại thừa được đưa vào ở đây. 

Thường niệm tri túc: các vị Bồ tát thường nhớ nghĩ, thường tâm tâm niệm niệm về pháp tri túc. Tri túc là biết đủ, biết rằng “chừng này” là đủ rồi. Trong giáo đoàn Nguyên thủy, các thầy chỉ có ba chiếc áo cà sa, một cái bình bát, một cái lọc nước, như thế là đã đủ. 

An bần thủ đạo. An bần là an vui với đời sống đạm bạc. Bần nghĩa là nghèo. Các thầy tu châu Á thường tự xưng là “bần đạo”. Bần đạo nghĩa là “ông đạo nghèo”, đó là một danh từ khiêm nhường. Nhưng cũng có nhiều “ông bần đạo” giàu lắm. 

Có một lần đức Thế Tôn tự xưng bần đạo với vua Tần Bà Sa La. Lúc ấy đức Thế Tôn chưa thành đạo. Vua Tần Bà Sa La muốn mời đức Thế Tôn về làm Quốc sư nhưng Ngài không đồng ý. An bần thủ đạo là an vui với cuộc đời đạm bạc mà giữ gìn sự hành đạo của mình. Thủ là nắm lấy, giữ lấy, đừng để cho mất. Bần, nhưng không khổ vì bần mà hạnh phúc với cái bần nên gọi là an bần – rất an ổn, rất thảnh thơi với cái nghèo của mình. Người xưa dùng chữ rất ít nhưng rất sâu. Thầy dịch sang tiếng Việt là an vui sống với đời đạm bạc để hành đạo

Duy tuệ thị nghiệp (The only career of a monk is insight) nghĩa là xem  việc thực hiện trí tuệ giác ngộ là sự nghiệp duy nhất của mình. Chỉ có tuệ giác là sự nghiệp của mình, đó là phương châm của người tu. Sự nghiệp của ta không phải là dựng chùa lớn, không phải là đúc tượng Phật to, không phải được tấn phong Hòa thượng, Hội chủ, Pháp chủ hay Tăng thống, mà sự nghiệp của ta là thành tựu tuệ giác lớn. Quý thầy ở viện Đại học Vạn Hạnh đã dùng bốn chữ “duy tuệ thị nghiệp”, chúng ta nên nhớ tuệ ở đây là tuệ giác (insight) chứ không phải là kiến thức (learning).

Điều thứ tư là giác ngộ rằng thói quen lười biếng đưa đến chỗ đọa lạc; vì vậy con người phải chuyên cần hành đạo, phá giặc phiền não, hàng phục bốn loài ma và ra khỏi ngục tù của năm ấm và ba giới.

Điều thứ tư nói về tinh tấn.

Thầy có dịch và chú giải kinh Bát đại nhân giác bằng tiếng Việt và đã được xuất bản bằng tiếng Anh, nếu ai muốn đọc thì có thể sử dụng sách đó. 

Phiền não (affliction, tiếng Phạn là kleśa) là tham, sân, si, mạn, nghi, kiến, trạo cử, hôn trầm, phóng dật, thất niệm, phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, xiểm, hại, kiêu. Hàng phục bốn loài ma, trong đó có ma phiền não, ma ngũ ấm. Có thể giải thích bốn loài ma một cách khác nhau, cho nên xin coi lại trong cuốn kinh Bát đại nhân giác chú giải. 

Và ra khỏi ngục tù của năm ấm và ba giới. Năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ba giới là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Ma ở đây là ma phiền não, ma ngũ ấm từ thân và tâm của ta đi ra chứ không phải từ ngoài đi vào. Đó là những phiền não có mặt trong chúng ta dưới hình thức các hạt giống trong thân và tâm. Thân và tâm ta đều có cả hạt giống tốt và hạt giống xấu.

Đệ tứ giác tri: giải đãi đọa lạc, thường hành tinh tấn, phá phiền não ác, tồi phục tứ ma, xuất ấm giới ngục. 

第四覺知。懈怠墜落。常行精進。破煩惱惡。摧伏四魔。出陰界獄。

Giải đãi đọa lạc. Giải đãi là lười biếng, đọa là rơi xuống, lạc là rụng xuống. Sự lười biếng đưa đến tình trạng rơi rụng. 

Thường hành tinh tấn là luôn luôn thực tập tinh tấn. Tinh tấn tức là Tứ chánh cần. Tứ chánh cần: hạt giống xấu chưa phát sinh thì đừng để phát sinh; hạt giống xấu phát sinh rồi thì làm thế nào để nó trở về lại trạng thái hạt giống; hạt giống tốt chưa phát sinh thì làm cho phát sinh; hạt giống tốt phát sinh rồi thì giữ cho nó ở lại càng lâu càng tốt. 

Phá phiền não ác là đánh phá những cái xấu ác của các loại phiền não. 

Tồi phục tứ ma. Tồi là xô ngã. Xô ngã bốn loài ma.

Xuất ấm giới ngục là ra khỏi ngục tù của ấm và giới. Ấm là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Giới là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Những vị không biết danh từ Phật học thì sẽ không hiểu cụm từ “xuất ấm giới ngục”, họ có thể nghĩ là ra khỏi ngục tù tên là ấm giới. Do đó, khi dịch sang tiếng Việt, thầy vừa dịch vừa chú giải. Nếu quý vị có chí nguyện dịch thuật kinh điển thì nên làm theo phương pháp vừa dịch vừa chú giải, làm cho lời kinh sáng ra. 

Điều thứ năm là giác ngộ rằng chính vì vô minh nên mới bị giam hãm trong cõi sinh tử. Các vị Bồ tát thường xuyên nhớ rằng phải học rộng, biết nhiều, phát triển trí tuệ, đạt được biện tài để giáo hóa cho mọi người, để cho tất cả đạt tới niềm vui lớn. 

Đây là điều giác ngộ có liên hệ tới đa văn và cũng phần nào liên hệ tới tuệ. Đa văn chỉ có ích lợi khi việc học hỏi này đóng góp vào sự thành tựu tuệ giác chứ không phải sử dụng đa văn để hý luận.

Vô minh ở đây không phải là người thiếu kiến thức, người thiếu học mà là người đầy dẫy những tri giác sai lầm. Một người có thể rất thông minh nhưng chưa có cơ hội học hỏi thì không thể nói người đó là ngu si. Chỉ cần học hỏi, người đó sẽ biết được. Học là để chuyển hóa những tri giác sai lầm chứ không phải để chất chứa kiến thức. Cho nên, những kiến thức ta tiếp nhận mà không có tác dụng chuyển hóa vô minh thì sự học đó không có ích lợi, dù ta có học mười năm ở Phật học viện đi nữa. Nếu tu học giáo lý đạo Bụt mười năm mà không làm vô minh suy suyển chút nào thì mười năm đó quả là vô ích. Điều quan trọng là phải học như thế nào để giúp chuyển hóa vô minh. Câu trả lời là áp dụng những cái ta học vào sự thực tập thiền quán. Quán chiếu thì mới có thể chuyển hóa vô minh. 

Điều thứ năm là giác ngộ rằng chính vì vô minh nên mới bị giam hãm trong cõi sinh tử. Ở đây cần gọi đúng tên của thủ phạm, nguyên nhân chính làm ta chìm đắm trong cõi sinh tử khổ đau. Hãy gọi đúng tên tôi. Tên tôi là vô minh. Tôi đã làm cho anh chìm đắm, trôi nổi bao nhiêu ngày đêm trong cõi sinh tử.

Các vị Bồ tát thường xuyên nhớ rằng phải học rộng, biết nhiều, phát triển trí tuệ, đạt được biện tài… Học rộng là một chuyện, phát triển trí tuệ là một chuyện khác. Học rộng biết nhiều và sử dụng cái học, cái biết đó để tu tập, gọi là phát triển trí tuệ. Chúng ta có trình tự: văn (learning), tư (reflecting), tu (practicing)

Văn, tư, tu xin quyết hành trì. 

Thân, miệng, ý noi về chánh kiến.

Văn là học hỏi, là quán chiếu, tu là hành trì. Vì vậy, đa văn ở đây tuy là cần nhưng phải đặt đa văn vào trình tự “văn, tư, tu”. Kinh này trình bày những tuệ giác của thầy Anuruddhā và của Bụt rất khéo. 

Biện tài là chinh phục người khác, khiến cho người khác có niềm tin và bắt đầu tu tập. Còn nói tới sùi bọt mép, nói chỉ để cho sướng miệng, cho vui, để mà chơi, chứng tỏ ta giỏi,… chứ không mang lại lợi ích gì, thì đó gọi là hý luận. 

Đức Bồ tát Quan Thế Âm được xưng tụng là người có biện tài và Ngài không cần phải hý luận. Trí tuệ bừng lên đóa biện tài (Trí tuệ hoằng thâm đại biện tài). Biện tài của Ngài phát sinh từ tuệ giác chứ không phải từ sự học hỏi. Cho nên ta phải phân biệt hai trường hợp, một là đàm thuyết suông (mere speculation), đàm thuyết về siêu hình (metaphysical speculation); hai là biện tài (eloquence). Biện tài phát sinh từ tuệ giác. Khi có cái thấy và cái hiểu sâu sắc thì lời nói của ta có khả năng chinh phục, khiến người khác có niềm tin và thực tập theo. Nếu cái thấy của ta còn mù mờ, khi nói ra điều gì, ta sẽ không biểu hiện được sức mạnh biện tài.

Các vị Bồ tát thường xuyên nhớ rằng phải học rộng, biết nhiều, phát triển trí tuệ, đạt được biện tài để giáo hóa cho mọi người, để cho tất cả đạt tới niềm vui lớn. 

Điều giác ngộ thứ năm có yếu tố không hý luận. Không hý luận không có nghĩa là phải ngậm miệng lại. Khi cần mở miệng, chúng ta mở miệng để thực tập biện tài chứ không phải để hý luận. Chữ hý luận rất hay, ngôn ngữ thế gian không có chữ nào hay bằng chữ hý luận.

Chúng ta đọc lại bản chữ Hán: 

Đệ ngũ giác ngộ: ngu si sinh tử, Bồ tát thường niệm, quảng học đa văn, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, giáo hóa nhất thiết, tất dĩ đại lạc.

第五覺悟。愚癡生死。菩薩常念。廣學多聞。增長智慧。成就辯才。教化一切。悉以大樂。

Ngu si sinh tử là ngu si tạo ra sự sinh tử, là nguồn gốc của sinh tử. Người xưa dùng chữ hà tiện vô cùng, chữ càng ít thì càng hay. Thay vì dùng chữ vô minh, ở đây nói: “Anh ngu si thì anh sinh tử, có gì đâu!”

Bồ tát thường niệm, quảng học đa văn. Quảng học là học cho rộng, đa văn là nghe cho nhiều. Bồ tát nên luôn ghi nhớ học rộng, nghe nhiều. Mỗi tuần mà chỉ nghe hai buổi pháp thoại đâu có nhiều lắm!

Tăng trưởng trí tuệ là làm lớn thêm tuệ giác của mình. Tăng là thêm, trưởng là lớn. Ở đây không nói là tăng trưởng kiến thức.

Thành tựu biện tài, giáo hóa nhất thiết. Thành tựu là làm cho viên mãn. Giáo hóa là dạy dỗ, độ người. Nhất thiết là tất cả mọi người. Biện tài viên mãn để độ thoát cho tất cả mọi người.

Tất dĩ đại lạc là khiến cho tất cả đều có niềm vui lớn.

Đó là sự khác nhau giữa đa văn và tuệ giác.

Điều thứ sáu là giác ngộ rằng vì nghèo khổ cho nên người ta sinh ra có nhiều oán hận và căm thù, và vì thế lại tạo thêm nhiều nhân xấu. Các vị Bồ tát biết thế cho nên chuyên tu phép bố thí, coi kẻ ghét người thương như nhau, bỏ qua những điều ác mà người khác đã làm đối với mình và không đem tâm ghét bỏ những ai đã làm ác. 

Đây là một điều giác ngộ mới không có trong nguyên bản của tạng A hàm và của cả tạng Pāḷi, đó là bố thí. Bố thí Ba la mật là một trong sáu phép Ba la mật của Phật giáo Đại thừa. Chúng ta thấy mỗi câu mỗi chữ đều có “hương vị” của Đại thừa. Những ngôn ngữ như biện tài, giáo hóa nhất thiết, niềm vui lớn đều có hương vị của Đại thừa, thế nhưng bản chất giáo lý Bát niệm vẫn y nguyên và còn giàu có hơn nữa. Cho nên gọi thầy An Thế Cao là Bồ tát An Thế Cao quả không sai chút nào. Thầy Tăng Hội cũng là một vị Bồ tát có công Đại thừa hóa các kinh điển và trình bày những kinh điển đó dưới một ánh sáng rất mới, thích hợp với căn cơ của thời đại, đã không mất đi bản chất của giáo lý Nguyên thủy mà còn làm tăng thêm giá trị của giáo lý Nguyên thủy. Đệ tử của Bụt nếu thực hiện được như vậy thì mới có thể tiếp nối và làm cho Bụt vui mừng. Phải tu học và hành đạo bằng sự thông minh của mình chứ không phải chỉ có sự thành kính là đủ. 

Có những người đầy oán hận, căm thù nhưng chúng ta không đem tâm ghét bỏ họ. Những người đó đã khổ vì nghèo đói, vì áp bức cho nên mới gây ra những vụ bạo động: đốt xe, đốt nhà, đặt bom, giết người. Họ là những nạn nhân của bất công xã hội. Điều giác ngộ này cho ta thấy một tuệ giác sâu sắc rằng những người bạo động, căm thù, tạo ra sự chết chóc, khổ đau, tan nát như vậy là tại vì họ nghèo khổ, họ chịu đựng sự bất công trong một thời gian dài. Bùng phát bạo động là kết quả của sự chịu đựng ấy. Thay vì giận họ, ta phải thương họ. Thay vì trừng phạt họ, ta phải giúp đỡ và bố thí cho họ. Đây là một quan niệm rất Đại thừa.

Trong điều giác ngộ này chúng ta cũng học được giáo lý về xả (equanimity), nghĩa là không theo phe. Người hiền mình thương mà người dữ, người ác mình cũng thương, người ở gần cũng thương mà người ở xa cũng thương. Chúng ta không đem tâm trách móc, ghét bỏ những người đã dại dột làm ác. Họ đã quá khổ cho nên mới làm điều bất thiện. Giáo lý này rất quan trọng. Đây là một tuệ giác rất lớn, rất hiện đại, có thể áp dụng vào trường hợp của người Do Thái, người Palestine, Nam Tư, Nam Mỹ, Nam Phi, người da đen và da trắng ở Mỹ Châu,…

Vì nghèo khổ (ta nên thêm vào vì áp bức) cho nên người ta sinh ra có nhiều oán hận và căm thù, và vì thế lại tạo thêm nhiều nhân xấu. Vì oán hận và căm thù cho nên họ mới đặt mìn, đốt xe.

Các vị Bồ tát biết thế cho nên chuyên tu phép bố thí, coi kẻ ghét người thương như nhau, bỏ qua những điều ác mà người khác đã làm đối với mình và không đem tâm ghét bỏ những ai đã làm ác. 

Đọc lại một bản kinh đã được chế tác ra cách đây trên 2.500 năm, chúng ta thấy rõ ràng đây là phương thuốc để chữa trị những khổ đau của xã hội hiện tại. Những người kia đã gây ra tội lỗi, đã làm nên tội ác, nhưng chúng ta không được ghét bỏ họ. Chúng ta cần phải thương và giúp đỡ họ.

Đệ lục giác tri: bần khổ đa oán, hoạnh kết ác duyên. Bồ tát bố thí, đẳng niệm oán thân, bất niệm cựu ác, bất tắng ác nhân. 

第六覺知。貧苦多怨。橫結惡緣。菩薩布施。等念冤親。不念舊惡。不憎惡人。

Bần khổ đa oán: Vì nghèo khổ nhiều nên có oán thù nhiều. 

Hoạnh là ngang. Kết là tạo thành, gây nên. Hoạnh kết ác duyên: Đúc kết thành, dệt nên những ác duyên. Ở đây, thầy dịch là tạo thêm những nhân xấu

Đẳng niệm oán thân: Phải thấy được người thương kẻ ghét như nhau. Đẳng là như nhau, niệm là quan niệm. Đẳng niệm là nhìn như nhau, thấy như nhau. Oán là người mình ghét. Những người đã gây ra những bất công, khổ đau cho mình gọi là oan gia. Thân là những người gần gũi, thân cận. Oán thân bình đẳng là kẻ ghét người thương như nhau. 

Bất niệm cựu ác: Đừng nhớ, đừng khư khư ôm lấy kỷ niệm về ngày xưa, rằng người đó đã từng chơi xấu mình, đã từng làm mình đau khổ. Theo giáo lý oán thân bình đẳng – kẻ oán và người thân như nhau, tuy người đó đã làm cho ta đau khổ nhưng ta có thể buông bỏ được. 

Bất tắng ác nhân: Tắng nghĩa là ghét. Câu này nghĩa là không ghét những người đã làm ác vì những người này rất đau khổ, họ đang bị tù tội, trong lòng họ không có hạnh phúc, ta đừng ghét thêm họ, đừng trừng phạt họ.

Điều thứ bảy là giác ngộ rằng năm thứ dục vọng gây nên tội lỗi và hoạn nạn. Người xuất gia tuy sống trong thế tục nhưng không nhiễm theo cái vui phàm tục, thường quán niệm rằng tài sản của mình chỉ là ba chiếc áo ca sa và một chiếc bình bát, tất cả đều là pháp khí, rằng chí nguyện xuất gia của mình là sống thanh bạch để hành đạo, giữ phạm hạnh cho thanh cao và đem lòng từ bi để tiếp xử với tất cả mọi người. 

Người xuất gia tuy sống trong thế tục nhưng không nhiễm theo cái vui phàm tục. Câu này rất hay. Chúng ta ở trong cuộc đời chứ không cần phải xa lánh cuộc đời. Ở trong cuộc đời nhưng không bị chìm đắm bởi cuộc đời. Tiếng Anh có thể nói là in the world, but not of the world, ở trong cuộc đời nhưng không thuộc về cuộc đời. Người xuất gia cũng vậy, sống trong xã hội mà vẫn giữ được mình, giữ được chất giải thoát, giác ngộ, thương yêu của mình, không bị xã hội kéo theo, như bông sen ở dưới bùn nhưng không hôi mùi bùn (in the mud, but not of the mud).

Thường quán niệm rằng tài sản của mình chỉ là ba chiếc áo ca sa và một chiếc bình bát, tất cả đều là pháp khí. Pháp khí, tiếng Anh là dharma instrument.

Rằng chí nguyện xuất gia của mình là sống thanh bạch để hành đạo (live simply to practice the way)

Giữ phạm hạnh cho thanh cao. Phạm là cao quý; phạm hạnh tức là sống đời sống trinh nguyên của người xuất gia, không bị vẩn đục bởi những hành động tà dục. 

Và đem lòng từ bi để tiếp xử với tất cả mọi người. Ở đây, chúng ta nhớ đến kinh Pháp hoa: Mắt thương nhìn cuộc đời – từ nhãn thị chúng sanh. Kinh Đại thừa hay Tiểu thừa đều là kinh. Tiểu thừa hay Đại thừa chỉ là danh từ. Những lời Bụt dạy sáng tỏ như gương: mắt thương nhìn cuộc đời. Đem lòng thương để tiếp xử với tất cả mọi người, dù người ác hay người hiền, người khó hay người dễ. Người tu chỉ có một câu trả lời duy nhất, đó là tình thương, là từ bi. Chúng ta không thể trả lời bằng cách nào khác. Bất cứ một đáp án nào khác cũng không phải là cách trả lời xứng đáng của một người tu. 

Điều giác ngộ thứ bảy này nói về viễn ly (nhàn xứ). Hình ảnh của đoạn kinh này khiến ta liên tưởng đến một đóa hoa sen không dính bùn. Ở trong cuộc đời nhưng không thuộc về cuộc đời, đó là viễn ly. Không phải chạy trốn vào trong rừng thì mới được gọi là viễn ly. Người biết sống một mình không trốn vào trong rừng để sống một mình. Người đó sống viễn ly, có thể hòa nhập vào xã hội nhưng vẫn giữ được chánh niệm, sống trong giây phút hiện tại mà không bị đám đông kéo theo.

Đệ thất giác ngộ: ngũ dục quá hoạn, tuy vi tục nhân, bất nhiễm thế lạc, thường niệm tam y, ngõa bát pháp khí, chí nguyện xuất gia, thủ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao viễn, từ bi nhất thiết. 

第七覺悟。五欲過患。雖為俗人。不染世樂。常念三衣,瓦鉢法器。志願出家。守道清白。梵行高遠。慈悲一切。

Quá là những lỗi lầm, tội lỗi. Hoạn là những tai ương. Ngũ dục quá hoạn tức là năm đối tượng của sự thèm khát tạo ra những lỗi lầm và tai ương. 

Tuy vi tục nhân: Tuy là người ở trong cõi phàm tục này. Người tu cũng là người ở trong cõi phàm tục này, gọi là tuy vi tục nhân.

Bất nhiễm thế lạc là không bị nhiễm theo những cái vui phàm tục. Thế ở đây tức là phàm tục. 

Thường niệm tam y là nên nhớ nghĩ rằng mình có ba chiếc áo ca sa. 

Ngõa bát pháp khí. Ngõa bát là cái bình bát bằng đất sét. 

Ba y và bình bát đều là pháp khí. Người chiến sĩ ra trận thì có thanh gươm, nhạc sĩ có cây đàn, còn người tu thì chỉ có ba y và một chiếc bình bát. Đó là pháp khí của người tu. Ta tung hoành trong thế gian, độ người, độ đời, chỉ với pháp khí đó của Bụt trao truyền, đi đâu chúng ta cũng có khả năng đem hạnh phúc đến cho mọi người. Bây giờ, chúng ta có thể mang thêm một pháp khí nữa, đó là cái chuông.

Chí nguyện xuất gia, thủ đạo thanh bạch: Chí nguyện rằng ta là người xuất gia thì phải giữ đạo, sống cuộc đời thanh bạch (simple lifestyle). Đây vẫn là con đường thoát của thế giới bây giờ. Ngày hôm qua nghe đọc giới sa di, chúng ta thấy rõ rằng một trong Mười giới Sa di là sống một cuộc đời vật chất không xa hoa. Ngồi, nằm, mặc áo, đi xe,… tất cả đều phải đơn giản, đó là cái đẹp của người xuất gia. Cái đẹp của ta đâu phải là bôi phấn, bôi sáp hay mặc áo lụa là. Cái đẹp của ta là sự giản dị và ta trang điểm tự thân bằng cái đẹp đó. Nếu không biết trang điểm tự thân bằng những cái đẹp đó thì ta đã đánh mất nét đẹp chân thật của người xuất gia.

Phạm hạnh cao viễn. Phạm hạnh là đời sống không vướng dâm dục, rất thanh tịnh, trong sáng và cao quý. Cao viễn tức là cao xa.

Từ bi nhất thiết là đem tâm từ và tâm bi để đối xử với tất cả mọi người. Không chỉ từ bi với những người ta thương mà còn phải từ bi với những người không thương ta, những người làm khổ ta. Đối với mọi người và mọi loài ta đều hành xử với trái tim đầy từ bi. Với người dễ thương hay không dễ thương, kể cả người dễ ghét, ta cũng dùng tâm từ bi giúp đỡ. Đó gọi là từ bi nhất thiết. Nếu vị nào muốn viết thư pháp (calligraphy) thì viết bốn chữ đó: Từ bi nhất thiết (Thương phải thương hết – I don’t exclude anyone from my love)

Điều thứ tám là giác ngộ rằng vì lửa sinh tử cháy bừng cho nên mọi loài đang chịu biết bao niềm thống khổ. Biết vậy cho nên ta phải phát tâm Đại thừa, nguyện cứu tế cho tất cả mọi người, nguyện thay thế cho mọi người mà chịu khổ đau vô lượng, khiến cho tất cả chúng sinh đều đạt tới niềm vui cứu cánh.

Điều tâm niệm thứ tám không có trong nguyên bản vì kinh này được hình thành vào buổi bình minh của Phật giáo Đại thừa. Phật giáo Đại thừa là một sự phản ứng đối với Phật giáo Bộ phái. Phật giáo Bộ phái được xem là chỉ lo tu tập và giải thoát cho bản thân mình mà không để ý tới những người xung quanh. Tu tập cũng phải tu tập cho mọi người chứ không phải chỉ tu riêng cho mình, phải tu cho cha mẹ, cho gia đình, cho xã hội, cho tất cả. 

Vì vậy, tinh thần Đại thừa được biểu lộ ở điều giác ngộ thứ tám này một cách rất rõ ràng. Phải luôn luôn nhớ rằng kinh này được hình thành vào buổi bình minh của Đại thừa cho nên chữ Bồ tát đã được dùng nhiều lần. Phải ý thức rằng xung quanh ta có nhiều người đang đau khổ chứ không phải chỉ một mình ta đau khổ. Vì vậy phải phát tâm Đại thừa cứu giúp cho mọi người, đừng chỉ lo tu và tìm cách thoát khổ cho riêng mình. Điều giác ngộ thứ tám này không có trong tám điều giác ngộ của nguyên bản. 

Đệ bát giác tri: sinh tử xí nhiên, khổ não vô lượng, phát Đại thừa tâm, phổ tế nhất thiết, nguyện đại chúng sinh, thọ vô lượng khổ, linh chư chúng sinh, tất cánh đại lạc.

第八覺知。生死熾然。苦惱無量。發大乘心。普濟一切。願代眾生。受無量苦。令諸眾生。畢竟大樂。

Sinh tử xí nhiên là một quan điểm rất Phật giáo. Tam giới bất an, do như hỏa trạch (kinh Pháp hoa) là ba cõi không yên, giống như một căn nhà đang bốc cháy. Xí nhiên là cháy bừng lên. Khổ não vô lượng là cuộc sống sinh tử có rất nhiều điều khổ đau.

Phát Đại thừa tâm. Cho nên anh phải phát tâm Đại thừa, đừng chỉ tu cho riêng mình, phải tu thêm cho người khác nữa! Đây là tinh thần tăng thân, ta phải chăm sóc cho đệ nhị thân, đệ tam thân, đệ tứ thân. Đệ nhị thân chăm sóc đệ tam thân, đệ tam thân chăm sóc đệ tứ thân… Chúng ta phải chăm sóc cho nhau. Thực tập như vậy là phát Đại thừa tâm. 

Phổ tế nhất thiết. Phổ là khắp nơi (universal), rộng lớn. Tế là giúp đỡ, như tế độ. Tế độ cùng khắp cho tất cả. 

Đại là thay thế. Nguyện đại chúng sinh, thọ vô lượng khổ: là xin thay thế cho chúng sinh mà chịu khổ vô lượng. 

Tất cánh là cuối cùng, đại lạc là sự giải thoát của Niết bàn. Linh chư chúng sinh, tất cánh đại lạc: Mong cho tất cả chúng sinh, cuối cùng đều đạt tới niềm vui lớn. 

Tám điều nói trên là những điều giác ngộ của các bậc đại nhân, Bụt và Bồ tát; những vị này đã tinh tiến hành đạo, tu tập từ bi và trí tuệ, đã cưỡi thuyền pháp thân đến được bến Niết bàn

Trong đoạn này, danh từ Bồ tát được nhắc lại một lần nữa, ngoài ra còn xuất hiện thêm một danh từ Đại thừa, đó là từ pháp thân. Ngày xưa cũng có danh từ pháp thân nhưng nó chỉ có nghĩa là thân thể của giáo lý. Còn chữ pháp thân ở đây bắt đầu mang ý nghĩa là bản thể chân thật của hiện hữu.

Khi trở về lại cõi sinh tử độ thoát cho chúng sinh, các vị đều dùng tám điều giác ngộ ấy để khai mở và chỉ đường cho mọi người, khiến cho chúng sinh ai cũng giác ngộ được cái khổ của sinh tử, lìa bỏ được ngũ dục và hướng tâm vào con đường thánh. 

Nếu đệ tử Bụt mà thường đọc tụng tám điều này thì mỗi khi quán niệm diệt được vô lượng tội, tiến tới giác ngộ, mau lên chính giác, vĩnh viễn đoạn tuyệt với sinh tử, thường trú trong sự an lạc.

Chúng ta thấy rằng kinh Bát đại nhân giác này là một tác phẩm của thầy và trò. Khởi đầu là thầy A Na Luật nói, rồi Bụt mới thêm vào. Sau khi về đến tịnh xá, Bụt dạy tám điều này cho các vị đệ tử khác. Vì vậy, tuệ giác của trò đã phối hợp với tuệ giác của thầy để được trình bày thành một kinh. Thầy trò Bụt làm việc chung với nhau rất hay. Thầy thấy và chấp nhận được những cái hay của đệ tử, và những điều đó trở thành cái hay của thầy. Các đệ tử thấy được cái hay của thầy và những điều đó cũng trở thành cái hay của đệ tử. Cho nên trong dòng sinh mạng của chánh pháp, tuệ giác là tuệ giác chung, tuệ giác không phải là tuệ giác của riêng thầy hay của riêng đệ tử. Tất cả tuệ giác mà các thế hệ đệ tử có được cũng là tuệ giác của thầy. Kinh Bát nhã có dạy rằng những thành tựu mà các thế hệ đệ tử gặt hái được trong đời sống tâm linh cũng là do uy lực của đức Như Lai tối thắng. Điều này có nghĩa là kinh Bát nhã sở dĩ ra đời được cũng là phát xuất từ đức Thế Tôn chứ không phải từ đệ tử. Điểm hay ở đây là ta luôn luôn nhìn nhận cội nguồn của mình. Ngày hôm nay làm được điều gì, ta cũng hồi hướng cho nguồn gốc của ta. Ta tự nhủ: “Mình có tài giỏi gì đâu, tất cả những điều này là do tổ tiên tâm linh của mình làm ra hết, mình chỉ là sự tiếp nối của quý vị mà thôi.”

Như thử bát sự nãi thị chư Phật, Bồ tát đại nhân, chi sở giác ngộ. Tinh tấn hành đạo, từ bi tu tuệ, thừa pháp thân thuyền, chí Niết bàn ngạn, phục hoàn sinh tử, độ thoát chúng sinh. Dĩ tiền bát sự, khai đạo nhất thiết, linh chư chúng sinh, giác sinh tử khổ, xả ly ngũ dục, tu tâm thánh đạo. Nhược Phật đệ tử, tụng thử bát sự, ư niệm niệm trung, diệt vô lượng tội, tiến thú Bồ đề, tốc đăng chánh giác, vĩnh đoạn sinh tử, thường trụ khoái lạc.

如此八事。乃是諸佛菩薩大人之所覺悟。精進行道慈悲修慧。乘法身船至涅槃岸。復還生死度脫眾生。以前八事。開導一切。令諸眾生覺生死苦。捨離五欲修心聖道。若佛弟子。誦此八事。於念念中。滅無量罪。進趣菩提。速登正覺。永斷生死。常住快樂。

Như thử bát sự: Tám điều nói trên.

Nãi thị chư Phật, Bồ tát đại nhân, chi sở giác ngộ: Đều là những điều giác ngộ của các vị đại nhân, Bụt và Bồ tát. Bụt là đại nhân, Bồ tát cũng là đại nhân.

Tinh tấn hành đạo, từ bi tu tuệ: Siêng năng hành đạo, sử dụng từ và bi để tu tập chung với trí tuệ.

Thừa pháp thân thuyền: Cưỡi lên trên chiếc thuyền của pháp thân. Thừa ở đây có nghĩa là cưỡi, leo. Đại thừa là xe lớn.

Chí Niết bàn ngạn: Để tới được bờ của Niết bàn. Đây là một hình ảnh rất thi ca. Ngạn là bờ.

Phục hoàn sinh tử: Sau đó trở về lại cõi sinh tử. Phục là lại, hoàn là trở về.

Độ thoát chúng sinh: Để mà độ thoát cho chúng sinh.

Dĩ tiền bát sự: Sử dụng tám điều nói trên.

Khai đạo nhất thiết: Mở ra và chỉ đường cho tất cả mọi loài. Khai là mở ra, đạo là dẫn đường. Chữ đạo (導) này có chữ thốn (寸) ở dưới, nghĩa là chỉ đường; còn chữ đạo (道) không có chữ thốn ở dưới, nghĩa là con đường.

Linh chư chúng sinh: Khiến cho tất cả mọi loài chúng sinh. Linh là khiến cho.

Giác sinh tử khổ: Tỉnh ra và thấy rằng sinh tử là khổ đau.

Xả ly ngũ dục: Rời xa ngũ dục (năm đối tượng của sự thèm khát). Xả là buông bỏ, ly là tách rời.

Tu tâm thánh đạo: Đem tâm mình trở về để tu tập theo con đường thánh.

Nhược Phật đệ tử, tụng thử bát sự: Nếu những đệ tử của Bụt ôn tụng tám điều này.

Ư niệm niệm trung, diệt vô lượng tội: Trong mỗi giây phút có quán niệm (chánh niệm) theo tám điều này thì có thể tiêu diệt vô lượng lỗi lầm. Niệm niệm tức là giờ giờ phút phút.

Tiến thú Bồ đề. Tiến thú là đi tới được mục đích, tới được địa chỉ cần tới. Nơi cần tới là Bồ đề, là giác ngộ.

Tốc đăng chánh giác: Mau lên được quả vị chánh giác. Tốc là mau chóng, đăng là lên, chánh giác là giác ngộ chân chính cao tột.

Vĩnh đoạn sinh tử: Vĩnh viễn xa lìa sinh tử.

Thường trụ khoái lạc: Luôn luôn an trú ở cõi hạnh phúc.

Có một điều lạ lùng là lâu nay chúng ta dùng chữ hạnh phúc để dịch chữ happiness. Chúng ta đã quen dùng chữ hạnh phúc vì đó là cổ văn. Bây giờ bên Trung Quốc không dịch chữ happiness là hạnh phúc nữa mà là khoái lạc. Trong kinh này cũng dùng chữ khoái lạc để nói về hạnh phúc. Chúng ta không quen dùng như vậy. Mỗi khi nghe chữ khoái lạc ta liên tưởng đến tính chất thể xác nhiều hơn tâm hồn. Nhưng hiện nay chữ khoái lạc đang được dùng khá phổ biến. Cho nên ta đừng thành kiến chữ khoái lạc, cho rằng nó có nghĩa là những thú vui về thể chất. Theo kinh này thì những thú vui thanh cao về tâm hồn cũng có thể được gọi là khoái lạc.

Chúng ta liệt kê lại Tám điều trong kinh Tăng nhất A hàm:

1. Vô dục

2. Tri túc 

3. Viễn ly

4. Tinh cần

5. Niệm

6. Định

7. Tuệ

8. Không hý luận

Ban đầu, trong kinh chỉ có những danh từ đó, những danh từ này có thể có nội dung rất sâu xa, nhưng nếu chúng ta tụng niệm như đọc theo thứ tự trong danh sách thì rốt cuộc ta cũng chỉ đơn thuần thuộc lòng những danh từ: vô dục, tri túc, viễn ly, tinh cần, niệm, định, tuệ,… như những danh từ pháp số mà thôi. Trong khi đó, đọc kinh Bát đại nhân giác của thầy An Thế Cao dịch, chúng ta thấy có nội dung của tám điều trên; đọc tới đâu chúng ta thấy rõ nội dung tới đó chứ không phải chỉ là những danh từ suông. Trong khi đọc kinh này ta thấy những pháp số đó biến thành xương thành thịt, rất sống động. Tuy rằng kinh Bát đại nhân giác mà chúng ta học đây là một văn bản không xưa nhất so với những văn bản khác mà bây giờ ta đang có, nhưng chúng ta đã chọn văn bản này vì khi tụng ta thấy được hình hài, xương thịt của Bát niệm chứ không chỉ nghe tên của Bát niệm. Và đứng về phương diện nội dung, kinh Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân chuyên chở hết tất cả những tinh túy của nguyên bản. Đứng về phương diện hình thức, kinh trình bày Bát niệm bằng thứ ngôn ngữ mà chúng ta có thể tiếp xúc được với những giáo lý ấy như tiếp xúc với những gì rất cụ thể bằng xương bằng thịt. Đây là điều rất hay. Thứ tự của tám điều trong kinh Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân không giống so với văn bản cũ, có một vài điều trong văn bản cũ đã được phối hợp lại và có những điều mới được thêm vào. Tuy cũng là tám điều nhưng không hoàn toàn giống hệt tám điều cũ. Tuy nhiên tất cả tám điều cũ đều được đưa vào trong bản kinh mới.

Trong Nhật tụng Thiền môn năm 2000, chúng ta sẽ đặt tên là:

Điều giác ngộ thứ nhất: Niệm định tuệ hoặc là quán chiếu thực tại 

Điều giác ngộ thứ hai: Vô dục

Điều giác ngộ thứ ba: Tri túc 

Điều giác ngộ thứ tư: Tinh cần

Điều giác ngộ thứ năm: Đa văn, tuệ, biện tài

Điều giác ngộ thứ sáu: Bố thí, không kỳ thị, không trách phạt

Điều giác ngộ thứ bảy: Viễn ly

Điều giác ngộ thứ tám: Đại thừa (mở rộng lòng ra cho mọi người)

Tinh ba của toàn bộ giáo lý đạo Bụt được đưa lên làm điều giác ngộ thứ nhất. Đây là cái hay của bản văn mới. Chỉ một điều giác ngộ này là đã bao trùm được tất cả giáo lý đạo Bụt.

Trong một kinh khác thuộc Tăng nhất A hàm, chúng ta thấy có điều giác ngộ về “đa văn”. Đặc biệt, điều thứ tám, mang sắc thái Đại thừa, là điều mới: tức là đừng chỉ lo tu một mình để giải quyết đau khổ của riêng mình, mà phải thấy được cái khổ của những người xung quanh, phải tu cho tất cả mọi người. 

Ngoài ra, còn một điều giác ngộ mới nữa là Bố thí trong tinh thần không kỳ thị, không trách phạt. Như vậy, trong bản kinh Bát đại nhân giác này ta có hai điều giác ngộ mới, còn những điều giác ngộ cũ đã được đề cập đến trong tất cả những điều giác ngộ khác. Các yếu tố niệm, định, tuệ có trong văn bản cũ đã được trình bày theo lối mới. Cái hay là toàn bộ tinh túy của giáo lý đạo Bụt được đưa vào điều giác ngộ thứ nhất. Đó là chúng ta nghiên cứu theo kiểu khoa học, chúng ta thấy được cái tâm của người đang muốn hiện đại hóa đạo Bụt, muốn Đại thừa hóa sự học hỏi và tu tập để cho đạo Bụt được làm mới, để đạo Bụt trả lời được những vấn đề của những người sinh ra vào khoảng thời gian 500 năm sau khi đức Thế Tôn nhập diệt. Chúng ta một phần nào có thể thấy được sự tài ba, sáng tạo của đạo Bụt Đại thừa, tuy kinh này bản chất là kinh Nguyên thủy. 

Nếu muốn so sánh các kinh, ta sử dụng bộ Tăng nhất A hàm, kinh 125 của tạng kinh Đại chánh, quyển thứ 37, kinh số 6. Tiếp theo là bộ Trung A hàm cũng bằng chữ Hán, kinh Bát niệm, kinh số 74. Bằng chữ Pāḷi, thì ta dùng kinh Anuruddhā trong Tăng chi bộ (Aṅguttara Nikāya), phần Tám pháp, kinh thứ 30.

Kinh Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân

Là đệ tử Bụt thì nên hết lòng, ngày cũng như đêm, đọc tụng và quán niệm về tám điều mà các bậc đại nhân đã giác ngộ.

Ðiều thứ nhất là giác ngộ rằng cuộc đời là vô thường, chế độ chính trị nào cũng dễ sụp đổ, những cấu tạo của bốn đại đều trống rỗng và có tác dụng gây đau khổ, con người do tập hợp của năm ấm mà có, lại không có thực ngã, sinh diệt thay đổi không ngừng, hư ngụy và không có chủ quyền. Trong khi đó thì tâm ta lại là một nguồn suối phát sinh điều ác và thân ta thì là một nơi tích tụ của tội lỗi. Quán chiếu như trên thì dần dần thoát được cõi sinh tử.

Ðiều thứ hai là giác ngộ rằng càng lắm ham muốn thì lại càng nhiều khổ đau, rằng bao nhiêu cực nhọc trong cõi sinh tử đều do ham muốn mà có. Trong khi đó người ít ham muốn thì không bị hoàn cảnh sai sử, lại cảm thấy thân mình và tâm mình được thư thái.

Ðiều thứ ba là giác ngộ rằng vì tâm ta rong ruổi chạy theo danh lợi không bao giờ biết chán, cho nên tội lỗi ta cũng theo đó mà càng ngày càng lớn. Các bậc Bồ tát thì khác hẳn: họ luôn luôn nhớ nghĩ đến phép tri túc, an vui sống đời đạm bạc để hành đạo và xem sự nghiệp duy nhất của mình là sự thực hiện trí tuệ giác ngộ.

Ðiều thứ tư là giác ngộ rằng thói quen lười biếng đưa đến chỗ đọa lạc; vì vậy con người phải chuyên cần hành đạo, phá giặc phiền não, hàng phục bốn loài ma và ra khỏi ngục tù của năm ấm và ba giới.

Ðiều thứ năm là giác ngộ rằng chính vì vô minh nên mới bị giam hãm trong cõi sinh tử. Các vị Bồ tát thường xuyên nhớ rằng phải học rộng, biết nhiều, phát triển trí tuệ, đạt được biện tài để giáo hóa cho mọi người, để cho tất cả đạt tới niềm vui lớn.

Ðiều thứ sáu là giác ngộ rằng vì nghèo khổ cho nên người ta sinh ra có nhiều oán hận và căm thù, và vì thế lại tạo thêm những nhân xấu. Các vị Bồ tát biết thế cho nên chuyên tu phép bố thí, coi kẻ ghét người thương như nhau, bỏ qua những điều ác mà người khác đã làm đối với mình và không đem tâm ghét bỏ những ai đã làm ác.

Ðiều thứ bảy là giác ngộ rằng năm thứ dục vọng gây nên tội lỗi và hoạn nạn. Người xuất gia tuy sống trong thế tục nhưng không nhiễm theo cái vui phàm tục, thường quán niệm rằng tài sản của mình chỉ là ba chiếc áo ca sa và một chiếc bình bát, tất cả đều là pháp khí, rằng chí nguyện xuất gia của mình là sống thanh bạch để hành đạo, giữ phạm hạnh cho thanh cao và đem lòng từ bi để tiếp xử với tất cả mọi người.

Ðiều thứ tám là giác ngộ rằng vì lửa sinh tử cháy bừng cho nên mọi loài đang chịu biết bao niềm thống khổ. Biết vậy cho nên ta phải phát tâm Ðại thừa, nguyện cứu tế cho tất cả mọi người, nguyện thay thế cho mọi người mà chịu khổ đau vô lượng, khiến cho tất cả chúng sinh đều đạt tới niềm vui cứu cánh.

Tám điều nói trên là những điều giác ngộ của các bậc đại nhân, Bụt và Bồ tát; những vị này đã tinh tấn hành đạo, tu tập từ bi và trí tuệ, đã cưỡi thuyền pháp thân đến được bến Niết bàn. Khi trở về lại cõi sinh tử độ thoát cho chúng sanh, các vị đều dùng tám điều giác ngộ ấy để khai mở và chỉ đường cho mọi người, khiến cho chúng sinh ai cũng giác ngộ được cái khổ của sinh tử, lìa bỏ được ngũ dục và hướng tâm vào con đường thánh.

Nếu đệ tử Bụt mà thường đọc tụng tám điều này thì mỗi khi quán niệm diệt được vô lượng tội, tiến tới giác ngộ, mau lên chánh giác, vĩnh viễn đoạn tuyệt với sinh tử, thường trú trong sự an lạc.

Giảng kinh

(Phiên tả Pháp thoại ngày 01 tháng 02 năm 1998, tại xóm Thượng, Làng Mai, Pháp) 

Kinh Phổ môn, trong sách Nhật tụng Thiền môn năm 2000 gọi là kinh Sức mạnh Quan Âm (Quan Âm lực kinh) thuộc phẩm 25 của kinh Pháp hoa, do thầy Cưu Ma La Thập dịch từ tiếng Phạn vào đầu thế kỷ thứ V. 

Chữ Phổ có nghĩa là cùng khắp (universal), môn có nghĩa là cánh cửa. Chữ Phổ môn (普門), Samantamukha, The Universal Dharma Door. Mukha có nghĩa là cái miệng (khẩu), hay cũng có nghĩa là ouverture (một chỗ mở ra cho ta đi). Samantamukha là một lối ra có tính cách phổ biến, chúng ta thường dịch là The universal dharma door, tức là muốn đi tới đâu cũng có thể sử dụng cánh cửa này. Phổ môn là cánh cửa mở ra cho ta có thể đi tới nhiều nơi, đích nào cũng tới. Giống như khi ta lái xe đi vào một thành phố và muốn tìm đường ra, ta thường thấy một cái bảng có dòng chữ “toutes directions” (all directions), tức là muốn đi hướng nào chỉ cần đi theo phía bảng chỉ dẫn này thì có thể tới được. “Toutes directions” đó là phổ môn – cánh cửa mở ra cho chúng ta muốn đi về mọi hướng. Phổ môn có nghĩa như vậy, là cánh cửa mà qua đó ta có thể đi tới bất cứ một nơi nào.

Phổ môn là một phẩm trong kinh Pháp hoa. Trong Phẩm này, chúng ta được nghe về hạnh nguyện của một người, gọi là Quan Thế Âm (觀世音). Trong đạo Bụt Nam tông, chúng ta không nghe nói tới đức Quan Thế Âm vì đức Quan Thế Âm không phải là nhân vật lịch sử được ghi chép lại như một đệ tử của Bụt. Trong Đại thừa, ta thấy đức Quan Thế Âm hóa hiện làm đệ tử của Bụt, nhưng có khi ta cũng nghe nói đức Quan Thế Âm là Bụt từ lâu. Nếu nghiên cứu, chúng ta sẽ thấy dấu tích của đức Quan Thế Âm có trong kinh Vệ đà. Chữ Avalokiteśvara, phiên âm là Á Phược Lô Chỉ Đế Thập Phược La, ngày xưa thầy Cưu Ma La Thập dịch là Quan Thế Âm. Có lẽ ngày xưa viết là Avalokitaśvara nên mới dịch là Quan Thế Âm. Khoảng 1.000 năm trở lại đây thì người ta dịch là Quán Tự Tại. Quán có nghĩa là nhìn kỹ, quán sát, lắng nghe; thế là cuộc đời; âm là âm thanh, tiếng kêu thương. Quán Thế Âm là nhìn kỹ, quán sát, lắng nghe tiếng kêu thương của cuộc đời, đây là bản dịch cũ. Thỉnh thoảng có người dịch là Quang Thế Âm. Quang tức là ánh sáng và gọi tắt là Quang Âm. Trong kinh Pháp hoa thì Quan Thế Âm là nam, nhưng ở Trung Quốc và Việt Nam thì người ta thường nghĩ Quan Thế Âm là nữ. Tuy nhiên, điều này không phải là một chướng ngại, sự thật Quan Thế Âm có khi là nam hoặc nữ, có khi là người trẻ hoặc người già, có khi là người xuất gia hoặc người tại gia. Bởi vì tình thương được hóa hiện ra nhiều hình thức. Chỗ nào có sự hóa hiện của tình thương là chỗ đó có Quan Thế Âm. Vì vậy Quan Thế Âm không phải là đen hay trắng, không phải là Bắc hay Nam, cũng không phải là nam hay nữ. Quan Thế Âm là tình thương. 

Nếu quý vị có dịp đi thăm động Ajanta ở Aurangabad tại Ấn Độ và đi vào động thứ bảy thì sẽ thấy một bức họa Bồ tát Quan Thế Âm ngồi nghiêng nghiêng, tay cầm một bông sen, rất đẹp. Đó là Bồ tát Liên Hoa Thủ, (Padmapāṇi), tên gọi khác của Bồ tát Quan Thế Âm. Bồ tát Padmapāṇi cũng được trình bày như một người nam. Ở Aurangabad, động Ajanta có khoảng hai mươi mấy động đá, mỗi động là một ngôi chùa đục trong đá. Khi đục đá, người ta phải dùng gương để chiếu ánh sáng mặt trời vào trong động. Trong động, tất cả mọi thứ đều bằng đá: bàn Bụt, cột nhà, liêu phòng của các thầy. Vào thế kỷ thứ II, có những tu viện được đục ra từ trong núi. Trong liêu của các thầy, có chỗ để bình bát, có chỗ để y, có giường nằm,… Tất cả đều bằng đá. Người ta chỉ đục núi để lấy đá ra chứ không đem vào một thứ gì cả, chỉ đem vào đó không gian mà thôi. Có một lần thầy đã đi vào trong động của thế kỷ thứ hai đó và nằm thực tập thiền buông thư trong phòng của một thầy, biết rằng vào thế kỷ thứ II đã có một thầy ngủ ở đó. Khi vào trong động thứ bảy, nhìn thấy chân dung của Bồ tát Padmapāṇi rất đẹp, thầy đã cảm hứng làm được bài thơ Padmapāṇi:

Mười bông hoa trên trời

Mười bông hoa dưới đất

Hoa nở trên mi Phật

Hoa nở trong tâm người

Bồ tát cầm đóa sen

Dáng nghiêng trời nghệ thuật

Trên cánh đồng sao mọc

Nụ cười trăng mới lên

Tàu lá dừa màu ngọc

Vắt ngang lưng trời khuya

Tâm đi trong tĩnh mặc 

Bắt gặp chân như về.

Theo kinh Đại A Di Đà, đức Quan Thế Âm đứng bên tay trái của đức Phật A Di Đà, và đứng bên phải đức Phật là đức Bồ tát Đại Thế Chí. Di Đà, Quan Âm, Thế Chí là ba vị đang chờ những người tu Tịnh độ đi sang bên đó. Ba vị đó được gọi là Tây phương Tam thánh, tức là ba vị Thánh ở Tây phương. Do đó, người ta có thể nghĩ rằng đức Quan Thế Âm hiện giờ đang ở Tây phương cực lạc thế giới.

Tuy nhiên, kinh Hoa nghiêm và nhiều kinh khác thì cho rằng Quan Thế Âm là công dân của trái đất, hiện đang ở cõi Ta bà và chỗ ở hiện giờ của đức Quan Âm là núi Phổ Đà. Khi có người đặt câu hỏi: “Hiện giờ đức Quan Thế Âm đang cư trú tại đâu? Cõi Ta bà hay cõi Tịnh độ?”. Chúng ta có thể nói rằng: “Cả hai”. Tình thương có mặt ở đây và cũng có mặt ở bên kia. Tình thương có mặt khắp nơi.

Trong phẩm Phổ môn, chúng ta đọc được rằng nếu cần hóa hiện ra một người đàn ông để độ người thì đức Quan Âm hiện ra người đàn ông; nếu cần hóa hiện ra một người đàn bà để độ người thì đức Quan Âm hiện ra người đàn bà; nếu cần hóa hiện ra một nhà chính trị để độ người thì đức Quan Âm hóa hiện ra nhà chính trị; nếu cần hóa hiện ra một nhà thương mại để độ người thì đức Quan Âm hóa hiện ra nhà thương mại; nếu cần hóa hiện làm thiếu nhi để độ người thì đức Quan Âm hóa hiện ra một em bé trai hay một em bé gái, bởi vì một bé trai hay bé gái cũng có khả năng độ người. Vì vậy, đức Quan Âm có thể là một doanh nhân (businessman), có thể là một nhà chính trị (politician), một người nam hay người nữ, một bé trai hay bé gái... Tóm lại, khi nào có tình thương và tình thương có thể làm vơi bớt nỗi khổ của con người thì khi đó có sự có mặt của Bồ tát Quan Thế Âm. Cần phải có một cặp mắt tinh vi mới có thể nhận diện được sự có mặt của Bồ tát Quan Thế Âm. Chúng ta cũng biết rằng đức Quan Âm có mặt trong mỗi chúng ta, đó là những lúc chúng ta có khả năng thương, có khả năng hiểu. Những lúc ta thiếu đi khả năng hiểu và thương thì những lúc đó đức Quan Âm lãng đãng như gần như xa, có mặt mà như không có mặt. Do vậy, sự thực tập của chúng ta là làm thế nào để đức Quan Âm có mặt một cách rõ rệt trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày dưới năng lượng của bi và của từ.

Chúng ta có một bản dịch kinh từ chữ Hán và một bản dịch từ tiếng Phạn. Kinh có hai hình thức: một là trường hàng (prose), tức là văn xuôi, và thứ hai là trùng tụng (verse), tức là kệ. Thường sau phần trường hàng thì có phần trùng tụng để lặp lại những ý chính trong phần trường hàng. Trong kinh Sức mạnh Quan Âm này chúng ta chỉ học phần trùng tụng. 

Trong kinh Sức mạnh Quan Âm có một vị Bồ tát tên là Vô Tận Ý. Vô Tận Ý hỏi đức Thế Tôn: “Người kia – vị Phật tử kia, tại sao lại có tên là Quan Thế Âm?” 

Thế Tôn muôn vẻ đẹp

Con xin hỏi lại Người

Bồ tát kia vì sao

Tên là Quan Thế Âm?

Thế Tôn muôn vẻ đẹp, tức là lời của Bồ tát Vô Tận Ý sử dụng để ca tụng Bụt. 

Trong bản chữ Hán: 

Thế Tôn diệu tướng cụ 世尊妙相具

Ngã kim trùng vấn bỉ 我今重問彼

Phật tử hà nhân duyên 佛子何因緣

Danh vi Quan Thế Âm? 名為觀世音?

Diệu tướng, tức là những tướng mầu nhiệm; cụ là đầy đủ. Thế Tôn diệu tướng cụ, tức là Thế Tôn có đầy đủ các tướng mầu nhiệm. 

Trùng vấn là hỏi lại một lần nữa. Ngã kim trùng vấn bỉ: tức là bây giờ con xin hỏi lại đức Thế Tôn.

Hà nhân duyên là nhân duyên nào. Danh vi là gọi là. Phật tử hà nhân duyên, danh vi Quan Thế Âm?: Người con của Bụt đó, vì nhân duyên nào mà được gọi là Quan Thế Âm? 

Bậc diệu tướng từ tôn

Trả lời Vô Tận Ý:

“Vì hạnh nguyện Quan Âm

Đáp ứng được muôn nơi.

Bậc diệu tướng từ tôn, tức là đức Thế Tôn.

Cụ túc diệu tướng tôn 具足妙相尊

Kệ đáp Vô Tận Ý 偈答無盡意

Nhữ thính Quan Âm hạnh 汝聽觀音行

Thiện ứng chư phương sở. 善應諸方所.

Cụ túc là đầy đủ; diệu tướng tức là những hình tướng mầu nhiệm; tôn là đức tôn kính. Cụ túc diệu tướng tôn: nghĩa là đức tôn kính có đầy đủ những tướng tốt mầu nhiệm. 

Kệ đáp Vô Tận Ý, tức là dùng những câu kệ để đáp lại câu hỏi của Bồ tát Vô Tận Ý. 

Nhữ tức là ông, là con; thính là nghe; Quan Âm hạnh tức là hành động của đức Quan Thế Âm. Nhữ thính Quán Âm hạnh có nghĩa là nếu quý vị được nghe về hạnh nguyện của đức Quan Thế Âm. 

Ứng là đáp ứng, giống như pháp tự của sư anh Pháp Ứng. Pháp Ứng có nghĩa là đáp ứng lại chánh pháp. Chư phương sở là nhiều nơi chốn. Thiện ứng chư phương sở, tức là khéo léo đáp ứng được mọi địa phương. Nơi này người ta cần cái này, nơi kia thì cần cái kia. Hành động của đức Quan Thế Âm có thể thỏa mãn, đáp ứng được nhu yếu của tất cả các nơi.

Lời thề rộng như biển

Vô lượng kiếp qua rồi

Đã theo ngàn muôn Bụt

Phát nguyện lớn thanh tịnh.

Hoằng thệ thâm như hải 弘誓深如海

Lịch kiếp bất tư nghị 歷劫不思議

Thị đa thiên ức Phật 侍多千億佛

Phát đại thanh tịnh nguyện. 發大清淨願.

Lời thề của đức Quan Thế Âm là một lời thề rộng như biển. Trải qua vô lượng kiếp, đức Quan Thế Âm đã từng đi theo ngàn muôn đức Bụt và đã phát lời nguyện thanh tịnh.

Hoằng thệ thâm như hải. Lịch kiếp bất tư nghị. Hoằng thệ là lời nguyện lớn; thâm như hải là sâu như biển; lịch kiếp là trải qua nhiều kiếp; là suy nghĩ, nghị là đàm luận, nói ra bằng lời; bất tư nghị là không thể suy nghĩ, không thể bàn luận được. Hai câu này có nghĩa là: Lời thề lớn của đức Quan Thế Âm thì sâu như biển cả, trải qua muôn vạn kiếp không thể suy nghĩ và bàn luận được. 

Thị đa thiên ức Phật. Phát đại thanh tịnh nguyện. Thị là đi theo để làm phụ tá, thị giả; đa là nhiều; thiên ức là rất nhiều, ngàn muôn. Hai câu này có nghĩa là: Quan Thế Âm đã đi theo làm thị giả, phụ tá cho rất nhiều ngàn muôn vị Bụt và đã phát lên lời nguyện lớn thanh tịnh. 

Ai nghe danh, thấy hình 

Mà tâm sanh chánh niệm

Thì thoát khổ mọi cõi

Đây nói sơ lược thôi.

Ngã vị nhữ lược thuyết 我為汝略說  

Văn danh cập kiến thân 聞名及見身

Tâm niệm bất không quá 心念不空過

Năng diệt chư hữu khổ. 能滅諸有苦.

Vị nhữ là vì quý vị, lược thuyết là nói sơ lược. Ngã vị nhữ lược thuyết: Đây nói sơ lược thôi – tôi vì quý vị mà nói sơ lược. Bất cứ người nào nghe được danh hiệu Avalokiteśvara, thấy được hình dáng Avalokiteśvara mà tâm có chánh niệm, có để ý, nhận diện được, an trú được trong hiện tại và tiếp nhận được hình ảnh, âm thanh đó thì những người ấy có thể vượt thoát tất cả những khổ đau trong ba cõi. 

Văn danh cập kiến thân. Văn danh là nghe tên, cập là và, kiến thân là thấy hình. 

Không quá là không nắm được. Tâm niệm bất không quá, tức là tâm niệm của mình không đi qua một cách luống uổng. Bởi vì có khi chúng ta nghe được một cái tên, thấy được một cái hình mà tâm ta dửng dưng, không để ý tới. Đó gọi là không quá, tức là đi qua một cách vô tình, vô tâm, không để ý, tức là không có chánh niệm. Bất không quá là không đi qua một cách dửng dưng. Nghe tên đó, thấy hình bóng đó thì liền khởi tâm chánh niệm. Sống chánh niệm trong từng phút giây, biết những gì đang xảy ra, nhận diện được mọi hình ảnh, mọi âm thanh, không để chúng đi qua tuốt luốt, gọi là bất không quá. Ví dụ khi giẫm lên chiếc lá khô mà có chánh niệm, tự nhiên quý vị sẽ thấy chiếc lá khô đó thị hiện có sinh có tử nhưng kỳ thực nó không sinh không tử. Đó chính là tâm niệm bất không quá, nghĩa là khi giẫm lên chiếc lá khô trong chánh niệm thì quý vị có tuệ giác. Nhưng có khi chúng ta giẫm lên lá khô cũng chỉ là giẫm lên lá khô mà thôi chứ tâm niệm của chúng ta thì dửng dưng, tức là ta giẫm lên lá khô mà không biết là đang giẫm lên lá khô. Lá khô thì kệ nó, ta đang có những sầu đau và ta đang ôm những sầu đau đó, thành ra ta không để ý đến cái gì nữa hết. Đó gọi là không quá. Trong đời sống hằng ngày, ta vẫn thường để cho tâm “không quá” – những gì xảy ra trong giây phút hiện tại ta không nhận diện được, không tiếp xúc được một cách sâu sắc. 

Trong bản dịch tiếng Việt: Ai nghe danh thấy hình, mà tâm sanh chánh niệm, chúng ta không dùng chữ trong kinh nhưng nói đúng được ý kinh, trái lại nếu dùng chữ trong kinh có thể lại không nói được đúng ý kinh. Dịch kinh là phải như vậy, phải nắm được ý kinh và phải dùng những chữ nào có thể nói ra được ý đó chứ không hẳn là dùng những chữ đã có sẵn trong kinh. 

Năng diệt chư hữu khổ: Năng là có khả năng, diệt là chấm dứt, chư hữu tức là các cõi. Chữ hữu () ở đây là một danh từ chuyên môn. Trong chữ Hán, chữ hữu chỉ có nghĩa là có (bhava), nhưng trong văn mạch Phật giáo, chữ hữu này có nghĩa là cõi nước. Chữ hữu đi trong danh từ tam hữu (), tức là ba cõi: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Năng diệt chư hữu khổ tức là có khả năng chấm dứt được tất cả những khổ đau trong ba cõi. Nếu không hiểu chữ hữu như vậy thì không hiểu được ý kinh. Khi chúng ta nghe được tên, nhận diện được hình thái của Avalokiteśvara và có chánh niệm thì chúng ta có khả năng vượt thoát được những khổ đau trong mọi cõi, vì có tình thương, tiếp xúc được với tình thương thì tự nhiên mọi đau khổ sẽ tan biến. Người ta chỉ khổ đau khi không tiếp xúc được với tình thương. Khi tiếp xúc được với tình thương thì khổ đau sẽ từ từ tan rã. 

Tình thương đó, ta có thể tiếp xúc được bằng âm thanh hoặc bằng hình ảnh. Âm thanh đó là tên Avalokiteśvara, hình ảnh đó là những hóa hiện của Avalokiteśvara dưới mọi hình thức. Nếu nhìn xung quanh, chúng ta cũng có thể thấy được một vài hình ảnh. Nếu lắng nghe, chúng ta cũng nghe được một vài âm thanh. Những hình ảnh, âm thanh đó cũng là Avalokiteśvara. Có những người mà khi nghĩ tới, ta tiếp xúc được với tình thương, vì những người đó có tình thương thật: Họ có sự kiên nhẫn, bao dung. Tuy họ không có hào quang như ta tưởng tượng, nhưng kỳ thực trong họ có năng lượng của tình thương, tiếp xúc với họ là tiếp xúc với tình thương, nghe tên họ tức là nghe tên của tình thương. Khi ta tiếp xúc với những hình ảnh, âm thanh của tình thương thì trong lòng ta dịu xuống, có chất liệu của từ bi nên ta từ từ bớt khổ. Còn những người nào không có khả năng tiếp xúc được với những hình ảnh, âm thanh biểu trưng cho tình thương thì không thể nào làm cho tình thương trong họ biểu hiện được. Những người đó là những người khổ đau nhất trên đời.

Vì vậy niệm đức Quan Thế Âm là để hình dung về tình thương, để nghe tiếng gọi của tình thương. Mà khi hình dung được tình thương và nghe được tiếng gọi của tình thương rồi thì tự nhiên cam lộ của từ bi ứa ra trong trái tim và người đó bắt đầu bớt khổ. Namo Avalokiteśvaraya. 

Nếu có ai ác ý 

Xô vào hầm lửa lớn

Niệm sức mạnh Quan Âm

Hầm lửa biến hồ sen.

Giả sử hưng hại ý                            假使興害意 

Thôi lạc đại hỏa khanh                   推落大火坑

Niệm bỉ Quan Âm lực                      念彼觀音力

Hỏa khanh biến thành trì.               火坑變成池.

Hầm lửa đây là hầm lửa của khổ đau. Đó là địa ngục của sự thèm khát, thù hận, nghi kỵ. Chúng ta ai cũng đã từng rơi xuống hầm lửa lớn đó. Có thể mỗi ngày chúng ta còn bị xô xuống hầm lửa nhiều lần. Chúng ta biết dưới hầm lửa đó nóng như thế nào. Và bây giờ thì chúng ta đã biết cách: Mỗi khi bị người ta xô xuống hầm lửa hay tự mình nhảy xuống hầm lửa (phần lớn là ta tự nhảy xuống nhiều hơn), nếu ta niệm Namo Avalokiteśvaraya thì tự nhiên hầm lửa đó sẽ biến thành hồ sen. Thầy nhớ ngày xưa thầy có ra bài tập cho các sư cô, sư chú là mỗi người viết cho thầy một bài hát với đề tài hầm lửa biến thành hồ sen. Trong khi các sư cô, sư chú làm bài thì sư cô Chân Đức và sư cô Chân Không cũng làm bài có hình ảnh hầm lửa và hồ sen. Trong đó có câu: Mỗi khi tôi giận cái mặt tôi buồn xo… Hầm lửa ở trong tâm ta và hồ sen cũng ở trong tâm ta, vậy thì khi nào sắp bị xô xuống hầm lửa ta hãy niệm đức Quan Thế Âm, tự nhiên sẽ có một hồ sen nâng đỡ ta. Có gì đâu! 

Giả sử là ví dụ như, hưng là làm cho dấy lên, hưng hại ý là nổi lên một ý tưởng muốn làm hại ta.

Lạc là rớt xuống, thôi là đứng sau lưng đẩy tới, đại hỏa khanh là hầm lửa lớn. Thôi lạc đại hỏa khanh là xô ta rớt xuống hầm lửa lớn. 

Niệm bỉ Quan Âm lực là niệm sức mạnh Quan Âm, tức là sức mạnh của tình thương. 

Hỏa khanh biến thành trì là hầm lửa biến thành một cái hồ. Ở đây không nói là hồ sen, bản dịch của chúng ta nói rõ là hồ sen. Hồ thì mát nhưng hồ sen thì vừa mát, vừa thơm, lại vừa tinh khiết. 

Đang trôi dạt đại dương

Gặp nạn rồng, quỷ, cá

Niệm sức mạnh Quan Âm

Sóng gió không nhận chìm.

Hoặc phiêu lưu cự hải          或漂流巨海

Long ngư chư quỷ nạn          龍魚諸鬼難

Niệm bỉ Quan Âm lực           念彼觀音力

Ba lãng bất năng một.          波浪不能沒.

Chúng ta đang trôi dạt trong đại dương và gặp phải những tai nạn như là gặp loài rồng, loài quỷ, loài cá (cá mập, quỷ dạ xoa, thủy quái,…). Chúng ta đừng tưởng rằng phải ra ngoài biển mới gặp rồng, quỷ, cá; ở trên cạn chúng ta cũng gặp rồng, quỷ, cá. Đức Thế Tôn đã nói rằng, đôi khi đi trên đất liền nhưng ta có cảm tưởng như đang bơi lội trong một đại dương rất nguy hiểm: mắt là đại dương sâu, mũi là đại dương sâu, tai là đại dương sâu, lưỡi là đại dương sâu, thân là đại dương sâu, ý là đại dương sâu. Chúng ta ngụp lặn, chết chìm giữa những đại dương trong con người chúng ta. Chính thân thể chúng ta là một đại dương sâu thẳm, có nhiều đợt sóng ngầm, có những loài thủy quái, có những trận cuồng phong, và nếu ta không có chánh niệm thì ta bị nhận chìm trong lòng đại dương sâu thẳm đó. Con mắt ta cũng vậy, cũng là một đại dương sâu thẳm và trong đó có thủy quái, có rồng, có quỷ, có cá. Nếu ta không có chánh niệm thì những hình ảnh trong đại dương mắt đó sẽ kéo ta xuống, nhận chìm ta. Vì vậy sáu căn là đại dương lớn và sáu trần có thể là những rồng, những quỷ, những cá. Tất cả chúng ta, người nào cũng đã từng bị rồng, quỷ, cá nhận chìm trong quá khứ. Đại dương này nằm ngay trong sáu căn và sáu trần của chúng ta. Chúng ta không có an ninh. Vì vậy, chúng ta phải có một chiếc thuyền chánh niệm, và ngồi trên chiếc thuyền chánh niệm đó, giữ vững tay chèo thì chúng ta mới không bị chìm trong khổ đau của biển âm thanh, biển hương, biển vị, biển xúc. 

Ví dụ, nói về chuyện ăn, dù biết cơ thể ta không chịu được khi ăn món đó, ấy vậy mà khi đứng trước bàn ăn, ta thấy món ăn đó quá hấp dẫn và rất muốn nếm thử nó. Ta như đứng trong đại dương của lưỡi, còn món ăn trên bàn đó chính là con rồng, là con cá mập, là con quỷ, nếu chánh niệm không vững thì con rồng, con cá, con quỷ đó sẽ cuốn ta đi. Cho nên, đại dương không ở đâu xa, đại dương nằm ngay trên bàn ăn của ta, và những hương vị món ăn cũng như những con rồng, con quỷ, con cá. Ở chợ, người ta bán những loại nước hoa gọi là Scorpion, Poison, Samsara,… Đó là họ gọi tên đích thực của những con quỷ. Họ không che giấu. Những con quỷ này không sợ, nó nói: “Tôi là quỷ đây, anh sẽ bị tôi bắt, anh sẽ chết vì tay tôi.” Nó không cần nói tôi là tiên, là thánh, mà nói luôn là bò cạp, chất độc,… Vậy mà, thiên hạ có bao nhiêu tiền là bỏ ra mua những thứ đó. Đó là đại dương mũi. Còn đại dương mắt nữa. Mỗi khi lái xe vào thành phố là chúng ta đi qua một đại dương mắt, có biết bao nhiêu là con quỷ, con rồng, con cá mập sẵn sàng lao vào để rỉa phần xương thịt còn lại trong cơ thể ta. Vì vậy, mỗi chúng ta đều đang trôi dạt trong các đại dương. Vậy thì khi đi chợ, chúng ta nên thực tập đi ba bốn người để bảo hộ cho nhau trong việc mua sắm, tiêu thụ, vì chợ hay siêu thị cũng là một đại dương. Bài hát Hộ trì sáu căn có nội dung rất thấm thía:

Mắt là đại dương sâu

Với những đợt sóng ngầm

Với những loài thủy quái

Với những trận cuồng phong

Thuyền tôi đi trong chánh niệm

Xin nguyện nắm vững tay chèo

Để không đắm chìm trong biển sắc mênh mông.

Cùng hơi thở nhiệm mầu

Tôi hộ trì nhãn căn

Giữ gìn cho tôi và giữ gìn cho anh

Để cho ngày hôm nay còn tươi sáng

Và để ngày mai chúng ta sẽ vẫn còn có nhau.

Tương tự như vậy, lời bài hát tiếp tục với tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Chỉ cần gọi tên tình thương là ta sẽ không bị những con rồng, độc long, ác quỷ, cá mập kia tàn sát.

Hoặc phiêu lưu cự hải          或漂流巨海

Long ngư chư quỷ nạn.         龍魚諸鬼難.

Phiêu lưu là trôi dạt, cự hải là biển lớn, long là rồng, ngư là cá, chư quỷ nạn là nạn do các loài quỷ.

Ba là sóng, lãng cũng là sóng, ba lãng là sóng gió, bất năng là không thể, một là làm cho ta bị tiêu diệt, làm cho chìm, làm cho chết. Ba lãng bất năng một, nghĩa là sóng gió không thể nhận chìm. Chúng ta có danh hiệu Avalokiteśvara, có hình ảnh của người thương, người có từ bi, chỉ cần ta gọi tên đó, hình dung về người đó thì ta sẽ không bị nạn. Nhờ thương mà chúng ta không đánh mất mình, nhờ thương mà chúng ta biết giữ gìn thân tâm ta. Nếu không có tình thương đó thì ta sẽ trở nên liều mạng, bất chấp. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có một câu thơ nói về cuộc đời lênh đênh trên biển như sau: 

Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh

Biển vô tận sá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh.

(Phương xa)

Chết cũng được, đi đâu cũng được, muốn đi thì đi, bởi vì đã bất chấp, bất cần, bởi vì không có tình thương.

Đứng chóp núi Tu Di

Bị người ta xô ngã

Niệm sức mạnh Quan Âm

Như mặt trời trên không.

Hoặc tại Tu Di phong               或在須彌峰

Vi nhân sở thôi đọa                   為人所推墮

Niệm bỉ Quan Âm lực               念彼觀音力

Như nhật hư không trú.            如日虛空住.

Tu Di là Sumeru, một đỉnh núi rất cao. Phong là đỉnh núi; nhân là người; đọa là rơi xuống, rớt xuống; vi nhân sở thôi đọa là bị người đẩy xuống. Trong tình trạng nguy hiểm bị người ta xô ngã xuống, niệm danh hiệu của đức Quan Thế Âm thì ta tự đặt mình vào vòng an toàn.

Như nhật hư không trú là như mặt trời an trú trong hư không. Đây là một câu rất hay. Mặt trời không rơi xuống mà lơ lửng trong hư không. Bản tiếng Việt thiếu ý này. Chúng ta chỉ dịch là: Niệm sức mạnh Quan Âm. Như mặt trời trên không.

Bị người dữ đuổi chạy

Rơi xuống núi Kim Cương 

Niệm sức mạnh Quan Âm

Không hao một mảy lông.

Hoặc bị ác nhân trục                 或被惡人逐

Đọa lạc Kim cang sơn               墮落金剛山

Niệm bỉ Quan Âm lực                念彼觀音力

Bất năng tổn nhất mao.             不能損一毛.

Bị oán tặc vây hãm

Cầm đao thương sát hại

Niệm sức mạnh Quan Âm

Oán tặc thấy thương tình.

Hoặc trị oán tặc nhiễu          或植怨賊繞

Các chấp đao gia hại            各執刀加害

Niệm bỉ Quan Âm lực            念彼觀音力

Hàm tức khởi từ tâm.             咸即起慈心.

Trị là gặp, oán tặc là những người thù oán, nhiễu là bao quanh. 

Các chấp đao gia hại. Các là mỗi người, mỗi đứa; chấp đao là cầm đao; gia hại là sắp sửa hại ta. 

Hàm tức khởi từ tâm, tức là đều phát khởi lòng từ. 

Nếu chúng ta lâm vào trường hợp bị giặc vây hãm, bị những người oán thù sát hại và tất cả những tên giặc đó đều cầm dao, cầm thương, cầm súng (thương là một loại binh khí đầu nhọn), khi ta niệm Quan Âm thì sẽ phát khởi lòng thương trong tâm của những tên giặc, những kẻ oán thù đó.

Bị khổ nạn vua quan

Sắp sửa bị gia hình

Niệm sức mạnh Quan Âm

Ðao kiếm gãy từng khúc. 

Hoặc tao vương nạn khổ              或遭王難苦

Lâm hình dục thọ chung               臨刑欲壽終

Niệm bỉ Quan Âm lực                   念彼觀音力

Đao tầm đoạn đoạn hoại.             刀尋段段壞.

Tao là thình lình gặp mà không chờ đợi. Hoặc tao vương nạn khổ là hoặc thình lình gặp những khổ nạn. 

Lâm hình là lọt vào, đi vào những giờ phút bị hành hình, bị xử, bị chém. Dục là muốn, thọ là mạng sống, chung là kết thúc. Dục thọ chung là mạng sống của ta sắp kết thúc. 

Đoạn đoạn là từng khúc. Đao tầm đoạn đoạn hoại: những binh khí đó liền bị gãy ra thành từng khúc. 

Nơi tù ngục xiềng xích

Chân tay bị gông cùm

Niệm sức mạnh Quan Âm

Được tháo gỡ tự do.

Hoặc tù cấm già tỏa                   或囚禁枷鎖

Thủ túc bị nữu giới                     手足被杻械

Niệm bỉ Quan Âm lực                 念彼觀音力

Thích nhiên đắc giải thoát.         釋然得解脫.

Già tỏa là gông cùm; thủ túc là tay chân; nữu là thắt nút lại, cột lại. Giới là cùm lại, khóa lại – như cùm tay, cùm chân. 

Thích nhiên là tự nhiên được giải thoát tự do.

Gặp thuốc độc trù ếm

Nguy hại đến thân mình

Niệm sức mạnh Quan Âm

Người gây lại gánh chịu.

Chú trớ chư độc dược            咒詛諸毒藥

Sở dục hại thân giả                所欲害身者

Niệm bỉ Quan Âm lực            念彼觀音力

Hoàn trước ư bổn nhân.        還著於本人.

Chú là những câu thần chú, đọc để hại người chứ không phải cứu người; trớ là những lời nói lâm râm để thu hút những năng lượng đen tối, độc hại, những lời khấn với quỷ, thần đến làm hại một người nào đó; độc dược là những loại thuốc độc. Chú, trớ và độc dược, ba thứ này người ta sử dụng để làm hại thân mình (Sở dục hại thân giả). 

Hoàn trước ư bổn nhân, nghĩa là ba thứ trên quay trở lại làm hại tác giả đã tạo ra chúng. 

Đây là câu dở nhất trong kinh Phổ môn. Trong kinh Tứ thập nhị chương có câu đại ý là người ác mà hại người hiền thì cũng giống như ngửa mặt lên trời nhổ nước miếng muốn làm cho dơ trời nhưng trời không dơ mà nước miếng rơi ngược xuống mặt mình. Những người thường, nghe kinh nói như vậy thì thấy “đã” lắm! Nhưng ta có lòng từ bi nên thấy người ác đó cũng thật tội nghiệp. Khi họ làm ra chú, trớ, độc dược để hại người khác nhưng người ta không bị hại mà những thứ đó trở về làm hại họ thì ta thấy họ cũng thật đáng thương. Thành ra, ta cũng không thích câu kinh này. Khi đọc kinh, ta phải có nhận thức độc lập của ta, vì không hẳn tất cả những chữ trong kinh đều do Bụt nói, có thể do những người sau thêm thắt. Có thể họ muốn trừng phạt hay cảnh báo những người làm dữ cho nên họ muốn thêm câu này vào. Đức Thế Tôn không hẹp hòi như vậy. Vì trong kinh Bát đại nhân giác (Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân), đức Thế Tôn nói rằng “Bồ tát thì không đem lòng ghét bỏ những người làm ác”, trong khi ở đây thì hình như ta thấy có cảm giác “đã” khi người làm ác bị trừng phạt. Như vậy, lòng từ bi ở đây chưa đạt được đến mức từ bi của đức Thế Tôn. 

Ta cứ để nguyên văn cả câu này như vậy, tuy nhiên mỗi khi đọc qua, ta thấy nó chưa tới được mức mà mình trông đợi.

Gặp La sát hung dữ

Rồng độc và quỷ ác

Niệm sức mạnh Quan Âm

Hết dám làm hại ta.

Hoặc ngộ ác La sát                    或遇惡羅剎

Độc long chư quỷ đẳng             毒龍諸鬼等

Niệm bỉ Quan Âm lực                念彼觀音力

Thời tất bất cảm hại.                 時悉不敢害.

La sát là một loài quỷ, quỷ La sát. 

Độc long là con rồng độc, chư quỷ là nhiều loại quỷ, đẳng là vân vân. 

Thời là lúc bấy giờ, tất bất cảm hại là không dám làm hại ta nữa. 

Bụt dạy kinh Thương yêu (Metta Sutta) cho các thầy ở một khu rừng nọ. Trong đêm, các thầy thường nghe thấy có tiếng than khóc, tiếng khổ đau vang khắp khu rừng. Hình như chúng sinh, ma quỷ trong khu rừng đó đau khổ quá nhiều, nên giờ đây họ bộc phát, vung vãi nó ra. Khi thấy các thầy tới trú ẩn trong khu rừng đó thì họ không có thiện cảm lắm. Họ phát ra những âm thanh dọa dẫm. Các thầy kể lại cho Bụt rằng vì thấy khu rừng đó có suối, mát mẻ và yên tĩnh, nên các thầy đến đó để cư trú tu học, nhưng có những lực lượng ma quái có vẻ không muốn các thầy ở đó, các thầy phải làm thế nào? Đức Thế Tôn dạy rằng đừng bỏ khu rừng đó mà đi vì ở khu rừng đó có những loài chúng sinh đang đau khổ. Cho nên các thầy trở về và thực tập Từ bi quán. Bụt dạy kinh Thương yêu cho các thầy. Các thầy học thuộc, tụng kinh Thương yêu và hành trì theo Từ bi quán. Sau một thời gian những âm thanh oán hờn kia từ từ lắng xuống. Không còn loài nào muốn làm hại các thầy, trái lại, lòng từ bi của các thầy đã chữa lành thương tích cho những loài trong khu rừng đó. Bụt dạy kinh Thương yêu trong trường hợp này.

Gặp ác thú vây quanh

Nanh vuốt thật hãi hùng

Niệm sức mạnh Quan Âm 

Đều vội vàng bỏ chạy.

Nhược ác thú vi nhiễu            若惡獸圍繞

Lợi nha trảo khả bố                利牙爪可怖

Niệm bỉ Quan Âm lực             念彼觀音力

Tật tẩu vô biên phương.         疾走無邊方.

Vi tức là vây, nhiễu là đi xung quanh. Nhược ác thú vi nhiễu: Nếu có ác thú bao vây xung quanh. 

Lợi là sắc, nha trảo là móng vuốt, khả bố là đáng sợ. Lợi nha trảo khả bố: Móng vuốt rất sắc bén, hãi hùng, đáng sợ. 

Tật tẩu là chạy gấp, vô biên phương là một nơi rất xa.

Rắn độc và bò cạp

Lửa khói un hơi độc

Niệm sức mạnh Quan Âm

Theo tiếng tự lui về.

Ngoan xà cập phúc yết          蚖蛇及蝮蠍

Khí độc yên hỏa nhiên           氣毒煙火然

Niệm bỉ Quan Âm lực            念彼觀音力

Tầm thanh tự hồi khứ.           尋聲自回去.

Tiếng tức là tiếng niệm. Theo tiếng tự lui về, tức là chúng tự lui về chỗ chúng xuất phát. Từ những chỗ chúng ở: cái hang, vỏ cây, hốc đất… khi nghe niệm Namo Avalokiteśvara thì những loài trùng độc không tới làm hại ta nữa mà tự quay về trú xứ của chúng.

là rắn, yên là khói, hỏa là lửa, nhiên là đốt lên. Khói lửa đốt lên những chất độc. 

Tầm thanh tự hồi khứ: khi nghe tiếng niệm Quan Âm thì những thứ đó liền trở về nguồn gốc của chúng. 

Sấm sét, mây, điện, chớp

Mưa đá tuôn xối xả

Niệm sức mạnh Quan Âm

Đều kịp thời tiêu tán.

Vân lôi cổ xiết điện                   雲雷鼓掣電

Giáng bạc chú đại vũ                降雹澍大雨

Niệm bỉ Quan Âm lực               念彼觀音力

Ứng thời đắc tiêu tán.               應時得消散.

Vân là mây, lôi là sấm, cổ là trống. Chữ xiết ở đây có thể đọc là xế, nghĩa là kéo, rút. 

Giáng là tuôn rơi xuống, bạc là mưa đá, chú là mưa kịp thời, đại vũ là mưa lớn. 

Ứng thời tức là kịp thời.

Chúng sanh bị khốn ách

Vô lượng khổ bức thân

Trí lực mầu Quan Âm

Cứu đời muôn vạn cách.

Chúng sanh bị khổn ách           眾生被困厄

Vô lượng khổ bức thân             無量苦逼身

Quan Âm diệu trí lực                觀音妙智力

Năng cứu thế gian khổ.            能救世間苦.

Những khốn đốn, tai ách của chúng sanh nhiều vô lượng. Những nỗi khổ đó bức bách tấm thân của chúng sanh. Trí lực mầu nhiệm của đức Quan Âm có thể cứu được những khổ đau của thế gian bằng muôn vạn cách.

Trí phương tiện quảng đại

Đầy đủ sức thần thông

Mười phương trong các cõi

Không đâu không hiện thân.

Cụ túc thần thông lực                  具足神通力

Quảng tu trí phương tiện             廣修智方便

Thập phương chư quốc độ           十方諸國土

Vô sát bất hiện thân.                    無剎不現身.

Trí phương tiện là một loại trí có khả năng tạo tác những biện pháp để kịp thời cứu độ; nghĩa là trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó vẫn có được sự thông minh, sáng suốt, sử dụng ngay những phương tiện có sẵn tại chỗ để cứu người, cứu đời. Ví dụ, khi cần phải cứu giúp một người thì dù đang không phải ở trong nhà thương, không có được những dụng cụ của nhà thương, bác sĩ vẫn có thể xé tà áo để băng bó, nấu một nồi nước sôi để dùng nước đó rửa vết thương mà không cần có nước sát khuẩn. Một bác sĩ giỏi sẽ không nói rằng: “Ở đây tôi không có ống nghe, tôi không có gì hết, tôi phải về nhà thương lấy dụng cụ rồi mới cứu giúp được”, và khi bác sĩ về nhà thương thì ở đây người ta chết rồi. Thành ra, bác sĩ phải có trí phương tiện, phải dùng những phương tiện tại chỗ để cứu người ngay lập tức. Cũng vậy, khi ra ngoài chợ thấy có một người sắp tự tử thì ta phải dùng các phương tiện, tìm cách nào đó để giúp người kia dừng việc tự tử lại, chứ ta không thể nói rằng: “Anh nên đi về Làng Mai, ở đó có tăng thân có thể giúp anh.” Như vậy không được. Ta phải dùng trí phương tiện của mình. Trong bất kỳ một hoàn cảnh, môi trường nào ta cũng phải có trí phương tiện để có thể tạo tác ra những phương tiện giúp người ngay tại chỗ.

Mười phương trong các cõi. Không đâu không hiện thân. Chỗ nào đức Quan Âm cũng có mặt: ở Tây phương Cực lạc hay ở cõi Ta bà. Ở Trung Quốc có đức Quan Âm mà ở Tây Ban Nha cũng có đức Quan Âm. Đây là một loại thần thông. Đức Quan Thế Âm có mặt ở tất cả mọi nơi, vấn đề là ta phải nhận diện ra sự có mặt của Ngài.

Cụ túc thần thông lực là đầy đủ các thần thông. 

Quảng tu trí phương tiện là đào luyện một cách rộng rãi trí phương tiện.

Thập phương chư quốc độ là mười phương, tất cả các cõi nước. 

Chữ sát ở đây là cõi nước, quốc gia, quốc độ, nơi chốn, địa phương. Cõi Bụt được gọi là Phật sát. Nếu hiểu chữ sát nghĩa là giết, tức là ta không hiểu nghĩa kinh. Vô sát bất hiện thân tức là không có cõi nước nào mà không có mặt. 

Những nẻo về xấu ác

Địa ngục, quỷ, súc sinh

Khổ sinh, lão, bệnh, tử

Cũng từ từ dứt sạch.

Chủng chủng chư ác thú          種種諸惡趣

Địa ngục, quỷ, súc sinh           地獄鬼畜生

Sinh, lão, bệnh, tử khổ             生老病死苦

Dĩ tiệm tất linh diệt.                  以漸悉令滅.

Chữ nẻo về dịch từ chữ thú (destination). Những nẻo về xấu ác, tức là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Những nẻo về kia là thiên, nhân và a tu la thì không xấu ác bằng. 

Khổ sinh, lão, bệnh, tử cũng từ từ dứt sạch. Đó là nhờ sự có mặt của đức Quan Thế Âm, sự có mặt của tình thương.

Chủng chủng là loại này và loại kia, chư ác thú là nhiều nẻo về xấu. Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh là ba nẻo về xấu. Sinh, lão, bệnh, tử khổ là những cái khổ của sinh, già, bệnh, chết. Tiệm là từ từ, linh là khiến cho, diệt là chấm dứt. Nhờ sự có mặt của đức Quan Thế Âm, nhờ phương tiện trí, nhờ tình thương mà những nẻo về đó, cũng như những khổ đau, sinh, lão, bệnh, tử từ từ được tiêu diệt.

Quán Chân, quán Thanh tịnh

Quán Trí tuệ rộng lớn

Quán Bi và quán Từ

Thường nguyện, thường chiêm ngưỡng. 

Chân quán, Thanh tịnh quán                      真觀清淨觀

Quảng đại trí tuệ quán                               廣大智慧觀

Bi quán cập Từ quán                                  悲觀及慈觀

Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.     常願常瞻仰.

Bốn câu này là để định nghĩa chữ Quán. Quán là một trong ba chữ của tên đức Quan Thế Âm. Quán (觀), tiếng Anh là looking deeply, observing

Quán Chân tức là quán sát để thấy được sự thật, thấy được chân lý tuyệt đối. Khi đã tiếp xúc được với cái chân thật, ta không còn bị cái giả dối đánh lừa nữa. Quán Thanh tịnh tức là quán chiếu để tiếp xúc được với sự thanh tịnh, trong sáng. Khi tiếp xúc được với sự thanh tịnh thì đối với những thứ bất tịnh ta không còn bị vướng vào nữa. Chữ Quan trong danh từ Quan Âm có nghĩa là quán Chân và quán Thanh tịnh. 

Quán Trí tuệ rộng lớn. Trí tuệ tức là sự hiểu biết. Sự hiểu biết lớn gọi là đại trí, đại tuệ. Nhờ có sự hiểu biết lớn mà có từ và có bi. Hiểu biết lớn đưa tới thương yêu lớn. Quán Trí tuệ (quán thứ ba), quán Bi (quán thứ tư) và quán Từ (quán thứ năm). Chữ quán trong danh từ Quán Thế Âm có năm nghĩa như vậy: Chân quán, Thanh tịnh quán, Quảng đại trí tuệ quán, Bi quán và Từ quán. 

Thường nguyện thường chiêm ngưỡng (contemplation, appreciation) nghĩa là lúc nào cũng đi theo con đường đó, lúc nào cũng quán chiếu và nhìn sâu để làm lớn lên năm phép quán trên. Bản chất của Quan Thế Âm là có năm quán, nếu không có thì không gọi là Quan Thế Âm được, vì Quan Thế Âm là sự thật, là sự thanh tịnh, là sự hiểu biết, là từ và bi. Chúng ta biết rằng trong ta cũng có hạt giống của năm yếu tố trên, nếu tưới tẩm, làm lớn lên năm bản chất đó thì Quan Thế Âm có mặt ngay trong ta.

Quán Vô cấu, Thanh tịnh

Mặt trời Tuệ phá ám

Điều phục nạn gió, lửa

Chiếu sáng khắp thế gian.

Vô cấu thanh tịnh quang           無垢清淨光

Tuệ nhật phá chư ám                 慧日破諸闇

Năng phục tai phong hỏa          能伏災風火

Phổ minh chiếu thế gian.          普明照世間.

Lại còn phép quán gọi là Vô cấu, Thanh tịnh. Vô cấu, amala, tức là không có một chút dơ bẩn nào. Chúng ta thường gọi đức Quan Thế Âm là Tịnh thánh, tức là bậc thánh nhân hoàn toàn không có một vết nhơ (vô cấu). 

Mặt trời Tuệ phá ám, tức là hành động nhìn sâu và quán chiếu là mặt trời có thể làm tiêu tan những mây mờ của phiền não. Chính năng lượng đó điều phục được những tai nạn gió, lửa, và ánh sáng đó chiếu khắp thế gian để soi đường cho nhân thế.

Vô cấu là không có vết nhơ, thanh tịnh quang là ánh sáng trong sạch. 

Tuệ nhật là mặt trời tuệ, phá chư ám là xua đuổi những bóng tối. 

Năng phục tai phong hỏa là có thể điều phục được những tai nạn gió, lửa. 

Phổ minh là sáng suốt khắp nơi, chiếu là soi, thế gian là cuộc đời.

Tâm Bi như sấm động

Lòng Từ như mây hiền

Pháp cam lộ mưa xuống

Dập trừ lửa phiền não.

Bi thể giới lôi chấn                        悲體戒雷震

Từ ý diệu đại vân                           慈意妙大雲

Chú cam lồ pháp vũ                       澍甘露法雨

Diệt trừ phiền não diệm.                滅除煩惱焰.

Ở đây ta thấy có hình ảnh Từ như một đám mây che mát cho chúng ta và Bi như tiếng sấm động có thể làm ra mưa. Đây là những hình ảnh rất đặc thù. Tình thương phải là những gì có thật và cái thật đó có thể che mát cho ta, giúp ta có thể sống được trong sự nóng bức của cuộc đời, như là khi đang đi dưới bầu trời mùa hạ, sắp chết cháy thì có một đám mây bay ngang qua làm cho ta mát hẳn lại. Đó gọi là lòng Từ như mây hiền. Sấm động làm đám mây đó trở thành mưa rơi xuống khiến cho cõi đời mát mẻ. 

Pháp cam lộ mưa xuống. Dập trừ lửa phiền não. Chúng ta biết rằng giáo pháp của đức Thế Tôn có khả năng dập tắt lửa phiền não và đem lại sự thanh lương, cho nên trong truyền thống đạo Bụt, có sự biểu hiện của Bồ tát Thanh Lương Địa. Diệt trừ sự nóng bức, diệt trừ những cơn sốt, đưa lại sự mát mẻ,… đó là tác dụng từ giáo pháp của đức Thế Tôn. Ở đây, Từ và Bi là những năng lượng có thể dập tắt được phiền não và đưa lại sự tươi mát. Chúng ta đọc đoạn này như đọc một bài thơ vì tất cả được làm toàn bằng hình ảnh.

Bi thể giới lôi chấn là bản chất của bi giống như sấm động. 

Từ ý diệu đại vân là ý niệm về lòng từ giống như một đám mây lớn mầu nhiệm. 

Chú cam lồ pháp vũ là mưa kịp thời, đám mưa pháp rơi xuống rất ngọt, rất dịu. 

Diệm là bốc cháy. Diệt trừ phiền não diệm là diệt trừ những phiền não đang bốc cháy. 

Nơi án tòa kiện tụng

Chốn quân sự hãi hùng

Niệm sức mạnh Quan Âm

Oán thù đều tiêu tán.

Tránh tụng kinh quan xứ          諍訟經官處

Bố úy quân trận trung              怖畏軍陣中

Niệm bỉ Quan Âm lực              念彼觀音力

Chúng oán tất thối tán.            眾怨悉退散.

Tránh tụng là nơi kiện tụng, là tòa án; quan xứ là chỗ của chính quyền. 

Bố úy là khiếp sợ, quân trận trung là bãi chiến trường, chỗ đang đánh giặc. Nếu có mặt ở đó, ta phải niệm Quan Thế Âm, thì Chúng oán tất thối tán, tức là tất cả những oán thù, tai nạn sẽ được rút lui (thối) và tiêu tán (tán).

Chúng ta đã học những câu nói về Quán, bây giờ chúng ta sẽ học những câu nói về Âm, tại vì Quán Âm là tên của đức Bồ tát Quan Thế Âm.

Tiếng Nhiệm, tiếng Quan âm

Tiếng Phạm, tiếng Hải triều

Tiếng vượt thoát tiếng đời

Hãy thường nên quán niệm.

Diệu âm, Quan thế âm 妙音觀世音

Phạm âm, Hải triều âm 梵音海潮音

Thắng bỉ thế gian âm 勝彼世間音

Thị cố tu thường niệm. 是故須常念.

Những câu trên là để đối lại với “Chân quán, Thanh tịnh quán, Quảng đại trí tuệ quán, Bi quán cập Từ quán. Thường nguyện, thường chiêm ngưỡng.”

Tiếng Nhiệm là tiếng mầu nhiệm, dịch từ chữ diệu âm. Chỉ là một cái tên, chỉ là một âm thanh, nhưng khi nghe thấy thì làm mát mẻ bao nhiêu cõi lòng, đó là sự nhiệm mầu rất lớn, gọi là diệu âm – Avalokiteśvara, Quan Thế Âm. Chỉ là một âm thanh vậy mà đọc lên thì thấy trái tim mát lại, đó gọi là tiếng nhiệm (diệu âm).

Quan thế âm (觀世音), tức là lắng nghe những tiếng đời để tìm tới cứu khổ, là tiếng của bậc biết quán sát trần thế. Thành ra chữ Quan thế âm ở đây ta phải hiểu nghĩa khác. Thường thường, chúng ta nói rằng Quan Thế Âm tức là quán chiếu tiếng kêu thương của cuộc đời, nhưng trong câu kệ trên, chữ âm có nghĩa khác. Quan thế âm có nghĩa là tiếng của người biết nhìn sâu vào cuộc đời, không phải là tiếng của chúng sinh đau khổ nữa mà là tiếng của đức Bồ tát. Diệu âm là tiếng của Bồ tát mà Quan thế âm cũng là tiếng của Bồ tát. Diệu âm là tiếng mầu nhiệm của tên Bồ tát và Quan thế âm là tiếng của người biết quán sát cuộc đời. Chữ âm này là của diệu âm trước, rồi của Quan thế âm sau. 

Phạm âm, chữ phạm ở đây có nghĩa là cao cả, quý giá, tinh khiết, không tầm thường, không trần tục. Chữ Phạm có nghĩa là Brahmā, là cõi trời Phạm Thiên, giống như là phạm hạnh, là đời sống trinh bạch, không vướng vào nhục dục. Những người tu sống theo phạm hạnh là sống một cuộc đời băng tuyết của người không dâm dục. Tiếng hải triều tức là tiếng sóng biển – hải triều lên xuống. Trong kinh thường nói rằng giáo pháp của Bụt, tiếng của đức Thế Tôn hùng vĩ như tiếng hải triều, là Hải triều âm, the sound of the rising tide. 

Tiếng của đức Quan Thế Âm là: Tiếng Nhiệm, tiếng Quan âm, tiếng Phạm, tiếng Hải triều. Hùng vĩ vô cùng. Nếu lắng nghe tiếng của đức Quan Thế Âm (tiếng của thương yêu, tiếng mầu nhiệm, tiếng cao quý, tiếng trong sáng), thì ta sẽ thấy tiêu tan những khổ đau trong tâm tư, đó gọi là tiếng hải triều. Cũng như khi ta ngồi yên bên bờ biển, lắng nghe tiếng hải triều và thở, dừng lại mọi suy nghĩ thì chỉ trong mười lăm phút hay nửa giờ là những buồn khổ, lo lắng của ta sẽ được gột sạch. 

Tiếng vượt thoát tiếng đời. Câu này chữ Hán là thắng bỉ thế gian âm (勝彼世間音). Thắng là vượt lên trên, thế gian âm là tiếng của ngoài đời, bỉ là kia. Tiếng vượt thắng được những đàm tiếu, nhỏ mọn, phiền não của thế gian, gọi là tiếng vượt thoát tiếng đời. Rất hay! Ở đời xôn xao lắm. Đời có biết bao nhiêu là tiếng, chỉ toàn là tiếng trách móc, hờn oán, ganh đua, phân bì, tiếng ở ngoài chợ… Còn tiếng của đức Quan Âm giống như tiếng của một con hạc bay trên cao, vượt thoát những tiếng trần tục kia, thanh tao vô cùng. 

Hãy thường nên quán niệm, tức là chúng ta phải quán niệm năm loại tiếng đó. Đoạn trên, chúng ta phải quán niệm năm loại quán của Quan Thế Âm (Chân quán, Thanh tịnh quán, Quảng đại trí tuệ quán, Từ quán và Bi quán) và đoạn dưới là chúng ta phải quán niệm năm loại tiếng của Quan Thế Âm (Diệu âm, Quan thế âm, Phạm âm, Hải triều âm, Thắng bỉ thế gian âm). Đây là những đoạn kinh có ý nghĩa nhất và rất có tính chất thi ca của phẩm Phổ môn. Năm tiếng đối lại với năm quán. Năm tiếng có bốn câu và năm quán cũng có bốn câu. 

Diệu âm, Quan thế âm           妙音觀世音

Phạm âm, Hải triều âm          梵音海潮音

Thắng bỉ thế gian âm              勝彼世間音

Thị cố tu thường niệm.           是故須常念.

Niệm ở đây tức là nuôi dưỡng, đừng để ngưng lại, đừng để bị chấm dứt. Vậy nên chúng ta phải thường tâm niệm về năm thứ tiếng đó. 

Từng niệm không nghi ngờ

Trong ách nạn khổ chết

Quan Âm là tịnh thánh

Là nơi cần nương tựa.

Niệm niệm vật sinh nghi 念念勿生疑

Quan Thế Âm tịnh thánh 觀世音淨聖

Ư khổ não tử ách 於苦惱死厄

Năng vi tác y hộ. 能為作依怙.

Tại sao chúng ta phải nghi ngờ trong khi đối tượng của chúng ta là tình thương? Quan Thế Âm là tình thương. Tình thương là một cái gì đó có thật, phải không? Ta đã sống, đã đau khổ và tìm ra một điều là: Sự độc ác có thật! Tuy nhiên, tình thương cũng có thật! Tại sao ta không đầu tư vào tình thương? Biết rằng tình thương là có thật và tình thương có thể làm vơi đi những nỗi khổ trên thế giới, vậy thì tại sao ta không dùng đời ta đầu tư vào tình thương, đầu tư trong mỗi giây mỗi phút. Phương pháp đầu tư hay nhất là thường niệm, tức là thực tập chánh niệm về tình thương mỗi giây mỗi phút: Thị cố tu thường niệm (Hãy thường nên quán niệm). 

Quán niệm về tình thương là một sự đầu tư lớn. Dùng cả thân và tâm ta đầu tư vào tình thương. Niệm đức Quan Thế Âm không phải là một lời kêu cầu hay là một sự van xin. Niệm Quan Thế Âm là một hành động của sự đầu tư. Biết rằng chất liệu hiểu và thương là có thật và ta đầu tư vào chất liệu hiểu và thương đó. Vậy thì tại sao ta phải nghi ngờ? Đức Quan Thế Âm đâu phải là một ý niệm. Đức Quan Thế Âm là một thực tại. Nếu tiếp xúc trong ta, ta có thể tiếp xúc được với đức Quan Thế Âm. Nếu tiếp xúc với những người xung quanh ta, ta cũng có thể tiếp xúc được với năng lượng đức Quan Thế Âm. Vậy thì tại sao ta lại phải đặt vấn đề là có đức Quan Thế Âm hay không có đức Quan Thế Âm? Trong thâm tâm chúng ta biết rằng Quan Thế Âm có thật, có thể biểu hiện ra hàng muôn hàng vạn hình thức. Có khi Quan Âm là người lớn, có khi là trẻ em, có khi Quan Âm là con trai, có khi là con gái, có khi Quan Âm là một nhà chính trị, có khi là một nhà kinh tế,… Ta có bổn phận phải nhận diện đức Quan Thế Âm. Khi ta có hiểu biết, có khả năng nhận diện Quan Thế Âm thì tại sao còn phải nghi ngờ? Quan Thế Âm là từ, là bi, là hiểu biết. Cho nên niệm niệm vật sinh nghi tức là trong từng niệm, từng niệm một, đừng để trong lòng phát sinh ra sự nghi ngờ. Nếu chúng ta nghi ngờ tình thương thì chúng ta không còn gì để tin tưởng nữa. Cho nên gọi là từng niệm không nghi ngờ. 

Trong ách nạn khổ chết, tức là dù đang ở trong những hoàn cảnh rất khó khăn mà ta vẫn tin vào tình thương, và chính nhờ tin vào tình thương nên trong những nghịch cảnh ấy, ta vẫn có thể sống được, vẫn có thể vượt qua được. Nếu làm được như vậy, tức là mỗi một niệm đều không sinh ra sự chán nản và nghi hoặc thì trong những hoàn cảnh khổ, não, tử, ách, những năng lượng kia vẫn có thể làm chỗ nương tựa cho ta. 

Quan Âm là tịnh thánh: Đức tịnh thánh tên là Quan Thế Âm.

Y hộ là chỗ mà ta có thể bám lấy, nương tựa vào. Khi chúng ta khổ đau cùng cực thì ta cần có một chỗ để bám víu, và năng lượng từ bi của đức Quan Thế Âm là một chỗ mà ta cần bám víu để đừng chết chìm trong khổ đau.

Đầy đủ mọi công đức

Mắt thương nhìn thế gian

Biển phước chứa vô cùng

Nên ta cần đảnh lễ.

Cụ nhất thiết công đức 具一切功德

Từ nhãn thị chúng sanh 慈眼視眾生

Phước tụ hải vô lượng 福聚海無量

Thị cố ưng đảnh lễ. 是故應頂禮.

Đây là bài kệ chót để tán dương đức Quan Thế Âm do chính đức Thích Ca nói ra. Đầy đủ mọi công đức, tức là đức Bồ tát Quan Thế Âm có đầy đủ tất cả mọi công đức trên. Điều đặc biệt của đức Quan Thế Âm là biết dùng con mắt thương yêu để nhìn mọi người. Mắt thương nhìn thế gian là câu kinh có thể gọi là hay nhất trong phẩm Phổ môn này. Từ nhãn thị chúng sanhLooking at living beings with compassionate eyes. Chỉ cần thực tập được năm chữ này của kinh là đủ để chúng ta có hạnh phúc và đem lại hạnh phúc cho biết bao nhiêu người xung quanh. 

Biển phước chứa vô cùng. Có phúc đức rất lớn (the ocean of merit) là vì chúng ta thực tập được điều duy nhất đó: học làm thế nào để nhìn được mọi người chung quanh ta bằng con mắt thương yêu và hiểu biết. Vì biển công đức lớn đó cho nên ta phải chắp tay lại, bạn cũng như tôi, Bụt, chúng sinh cũng như Bồ tát, tất cả chúng ta hãy chắp tay lại, hướng về đức Quan Thế Âm làm lễ với tất cả sự cung kính. Đức Thế Tôn đã nói như vậy: “Tôi cũng phải hướng về đức Quan Thế Âm để làm lễ, và quý vị cũng vậy, tất cả quý vị đều phải hướng về đức Quan Thế Âm mà làm lễ.” Tại vì đức Quan Thế Âm là tình thương, mà tình thương là đối tượng niềm tin của ta. Tình thương tức là sự thực tập hằng ngày của chúng ta.