Giấc mơ của Mục sư Martin Luther King Jr. và chuyến trở về miền Nam nước Mỹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
(BBT chuyển ngữ từ bài viết “Beloved Community: Influenced by King’s teachings, Buddhist leader returns to Mid-South” của tác giả David Waters, đăng trên tờ Commercial Appeal – một tờ báo lớn của thành phố Memphis, ngày 28/9/2013)
Giây phút hạnh phúc
Cách đây mười một năm, vào năm 2002, có một cậu bé mười tuổi được nắm tay một vị thầy đi thiền hành trong yên lặng cùng với hàng trăm người khác nữa. Họ đi ngang qua công viên Overton với những bước chân bình an và chậm rãi – một hành động tưởng nhớ đến nhà lãnh đạo phong trào bất bạo động Martin Luther King Jr.
Họ cùng nhau thiền hành qua những hàng cây tỏa bóng mát, nhẹ nhàng như làn gió trong nắng sớm. Nơi đó cách chỗ Mục sư Martin Luther King Jr. bị ám sát khoảng 8 km, cách nhà cậu bé ở Bắc Mississippi khoảng 97 km và cách Việt Nam – quê hương của vị thầy hơn 14000 km. Khi đó, cả cậu bé và vị thầy đều không thể nào tưởng tượng được khung cảnh mà họ sẽ gặp lại nhau hơn một thập kỷ sau.
Vị thầy đó là thiền sư Thích Nhất Hạnh, năm nay đã 87 tuổi, một trong những vị thầy tâm linh được thế giới kính ngưỡng nhất. Thầy cũng là người chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc đời của Mục sư Martin Luther King Jr. và cả sự ra đi của ông. Thầy Nhất Hạnh hiện đang hướng dẫn khóa tu chánh niệm cho một ngàn người tại tu viện Mộc Lan – một tu viện Phật giáo của người Việt tại phía Bắc tiểu bang Mississippi.
Cậu bé ngày xưa tên là Alan Hồ, nay đã trở thành thầy Pháp Triển, 21 tuổi, một vị xuất sĩ trong tăng thân Làng Mai. Cậu cũng đang tham gia hướng dẫn khóa tu tại Mộc Lan, trung tâm tu học mà ông Bình – cha của cậu, một người Việt nhập cư – là một trong những người đồng sáng lập. Cách đây 11 năm, chính ông Bình đã dẫn cậu con trai của mình tham gia cuộc đi bộ vì hòa bình tại công viên Overton và từ đó ông mong ước đem những lời dạy của Thầy Nhất Hạnh đến cho mọi người ở vùng châu thổ sông Mississippi (Mississippi Delta) ở miền Nam nước Mỹ – nơi gia đình ông đang sinh sống.
“Chúng tôi coi việc xây dựng tu viện Mộc Lan là hành động đem Tăng thân yêu quý (Beloved Community) mà mục sư Martin Luther King Jr. hằng mơ ước về với quê hương của nó” – thầy Pháp Triển chia sẻ khi đang ngồi cùng với một người bạn trong khuôn viên của tu viện Mộc Lan, tọa lạc gần thành phố Batesville thuộc tiểu bang Mississippi. Từ năm 2010 đến nay, tu viện Mộc Lan đã trở thành nơi thường trú của hơn 32 thầy và sư cô đến từ nhiều trung tâm tu học của Làng Mai.
Thầy dạy cho các cháu cách bắt ấn
Trong một tuần qua, có hơn 100 vị xuất sĩ và 900 cư sĩ trên khắp nước Mỹ đã về tu viện Mộc Lan để được học hỏi và thực tập nghệ thuật sống chánh niệm từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một trong những vị thầy tâm linh có ảnh hưởng lớn nhất ở phương Tây trong lĩnh vực Phật giáo, chỉ đứng sau Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Thầy Nhất Hạnh đã đi qua ba cuộc chiến tranh khốc liệt trên quê hương Việt Nam. Thầy đã dẫn đầu Phái đoàn Phật giáo Việt Nam trong cuộc đàm phán hòa bình Paris nhằm chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Vì lập trường chống chiến tranh đó mà Thầy Nhất Hạnh đã bị lưu vong hơn ba mươi năm.
Bốn mươi năm sau khi Hiệp định hòa bình Paris được ký kết năm 1973, Thầy Nhất Hạnh giờ đây đang có một chuyến hoằng pháp tại Bắc Mỹ trong ba tháng. Thầy đã hướng dẫn một ngày thực tập chánh niệm tại trụ sở của Ngân hàng thế giới (World Bank) ở Washington và tại trường Đại học Y tế Cộng đồng Harvard (Harvard School of Public Health) ở Boston.
Trong một tuần qua, tại tu viện Mộc Lan – một trong ba trung tâm tu học của Làng Mai tại Mỹ, Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn một khóa tu với chủ đề “Healing Yourself is Healing the World” (Trị liệu cho bản thân ta là trị liệu cho cả thế giới). Khóa tu sẽ kết thúc vào ngày Chủ nhật.
Thiền hành tại tu viện Mộc Lan
Hàng trăm thiền sinh tham dự khóa tu đã cắm lều hoặc ngủ trong các xe “camper” chuyên dùng cho cắm trại trong khuôn viên rộng 120 mẫu tây của tu viện, được bao bọc bởi những rừng cây. Một số thiền sinh thì ở trong các căn phòng tập thể tương đối nhỏ hẹp của tu viện. Hàng trăm thiền sinh khác thì ở những khách sạn hoặc có nhà gần đó.
Trong thời gian khóa tu, các bạn thiền sinh thức dậy từ lúc 5h15 sáng và bắt đầu các thời khóa như thiền tọa, thiền hành, thiền làm việc (chẳng hạn như rửa chén trong chánh niệm), thiền buông thư…và hoàn toàn không sử dụng điện thoại di động.
“Chúng tôi muốn tạo cơ hội cho các bạn thiền sinh được nếm một chút hương vị của nếp sống chánh niệm và bình an. Tôi thường gọi đó là cảm giác của “ngày Chủ nhật tuyệt vời” (Sunday feeling)” – chia sẻ của sư cô Hiến Nghiêm, một sư cô người Anh vốn được sinh ra và lớn lên giữa lòng những ngôi giáo đường của Anh Giáo và Tin lành.
“Trong xã hội ngày nay, mọi người đều có một cuộc sống quá bận rộn. Không phải lúc nào bạn cũng có thể dừng lại những gì mình đang làm. Vì vậy mà chúng tôi có mặt ở đây trong khóa tu này để giúp các bạn sống chậm lại và dừng những rong ruổi, tìm cầu để thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, ít nhất là trong một tuần lễ”, sư cô Hiến Nghiêm chia sẻ thêm.
Sự có mặt của Thiền sư Nhất Hạnh với giọng nói nhẹ nhàng và hóm hỉnh không những mang lại cho các bạn thiền sinh cơ hội được nếm hương vị của giáo lý và pháp môn thực tập của đạo Bụt, mà còn nhiều hơn thế nữa.
Mỗi buổi sáng, hàng trăm thiền sinh có mặt tại thiền đường Thủy Triều Lên (Rising Tide) để ngồi yên lặng trong tư thế thiền tọa, chăm chú lắng nghe những lời dạy của Thiền sư. Bài pháp thoại có thể kéo dài trong 1 giờ hoặc 2 giờ đồng hồ.
“Một bài pháp thoại hay cũng giống như một cơn mưa. Nó tưới tẩm những hạt giống hiểu biết, thương yêu, hạt giống từ bi trong chiều sâu tâm thức của ta”, Thầy chia sẻ.
Thầy còn kể những câu chuyện thú vị như: một ngày nọ, Bụt cùng một số đệ tử của Người đang đi trên đường thì gặp một bác nông dân đang sầu khổ và lo lắng vì chưa tìm được bốn con bò bị lạc. Nếu không tìm được mấy con bò này thì không biết bác phải sống ra sao. Sau khi bác nông dân đi khỏi, Bụt mới quay sang các đệ tử của mình và nói: quý thầy có thấy là mình rất may mắn không? vì quý thầy không có con bò nào để mất cả.
Vui chơi cùng các cháu
Trong buổi vấn đáp, Thầy trả lời những câu hỏi của thiền sinh đôi lúc rất dí dỏm. Có một thiền sinh đặt câu hỏi: “Thưa Thầy, nếu con đứng giữa hai con đường và không biết phải chọn lối nào để đi thì con phải làm gì?”. Thầy tủm tỉm trả lời: “Thì anh phải chọn một trong hai thôi”.
Trong chiếc áo tràng nâu giản dị, Thầy chia sẻ với mọi người về ý nghĩa của những pháp môn như: thực tập buông bỏ; dừng lại và nhìn sâu; thực tập vô tác; thực tập ái ngữ và lắng nghe; thực tập chánh niệm và chế tác bình an trong khi đi đứng, nói năng và suy nghĩ.
Có một thiền sinh hỏi Thầy rằng liệu những người Phật tử có nên tham gia vào những phong trào bất tuân dân sự (civil disobedience) để phản đối chiến tranh hoặc chống lại những hành vi bạo lực hay không. Thầy trả lời rằng: “Cách tốt hơn là xây dựng một tăng thân có bình an, có tình huynh đệ – một “tăng thân yêu quý”- để làm gương cho mọi người noi theo, để mọi người thấy rằng mình có thể sống một nếp sống tốt đẹp hơn”.
Thầy chia sẻ rằng Thầy bắt đầu dùng cụm từ “tăng thân yêu quý” từ khi gặp Mục sư Martin Luther King Jr. vào năm 1965 và năm 1966. “Tôi nhớ lần cuối cùng gặp Mục sư King, chúng tôi chia sẻ với nhau về việc xây dựng tăng thân. Nhưng không may là sau cuộc gặp gỡ đó không lâu thì Mục sư bị ám sát. Kể từ đó, tôi nguyện rằng dù đang bị lưu vong, tôi cũng sẽ nỗ lực gấp đôi và để hết tâm sức vào việc xây dựng Tăng thân yêu quý – điều mà chúng tôi đã chia sẻ cùng nhau”.
Được trao giải Nobel Hòa bình năm 1964, Mục sư Martin Luther King Jr. đã đề cử Thầy Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình năm 1967, trong lúc cuộc chiến tranh Việt Nam đang diễn ra ác liệt. Cuộc gặp gỡ với Thầy Nhất Hạnh đã thúc đẩy Mục sư King đi đến quyết định công khai phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam vào năm đó. “Cá nhân tôi không thấy ai xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình hơn vị thầy tu Phật giáo đến từ Việt Nam này” – Mục sư King đã viết những lời này cho Ủy ban Nobel. Tuy nhiên, giải Nobel Hòa bình của năm đó không được trao cho ai cả.
“Thầy đã nói với Mục sư King rằng ông chính là một vị Bồ tát – một bậc giác ngộ” – đó là chia sẻ của sư cô Chân Không – một đệ tử lớn của Thầy Nhất Hạnh, người luôn đồng hành cùng Thầy từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước.
Tuần vừa qua, một số quý thầy và sư cô Làng Mai đã đến thăm Viện Bảo tàng Dân quyền Quốc gia để tỏ lòng kính ngưỡng đối với những đóng góp vì hòa bình của Mục sư Luther King và vị thầy tâm linh của họ.
“Hôm nay, Thầy không trực tiếp đến đây được, vì vậy mà tôi mang Thầy trong trái tim và trong những bước chân thiền hành của tôi khi đến nơi này, một nơi thật thiêng liêng”, chia sẻ của sư cô An Nghiêm – một người Mỹ gốc Phi, có truyền thống Thiên Chúa Giáo; sư cô đã từ bỏ công việc của mình trong lĩnh vực chính trị ở Washington cách đây một vài năm để trở thành một sư cô của Làng Mai như hiện nay.
“Tôi thực sự xúc động khi nghĩ rằng sau bao nhiêu năm, sự nghiệp vì hòa bình và xây dựng tăng thân mà Mục sư Martin Luther King Jr. và Thầy Nhất Hạnh đã nỗ lực cùng nhau vẫn đang được gìn giữ và tiếp nối trên mảnh đất này”, sư cô An Nghiêm chia sẻ.
Xem bài tiếng Anh tại đây: Nhat Hanh brings Dharma to Delta