Ý nghĩa của dòng tu Tiếp Hiện

pháp thoại được Thầy Làng Mai  giảng vào ngày 11.6.2010, tại Học Viện Ứng Dụng Châu Âu, Đức quốc, trong khóa tu dành cho giới Tiếp Hiện.

Chiều qua, tôi vừa dịch xong câu cuối của kinh Pháp Cú bằng chữ Hán. Ở đây nhiều vị đã từng đọc kinh Pháp Cú dịch từ tiếng Pali nhưng ít người được đọc kinh Pháp Cú dịch từ chữ Hán. Kinh Pháp Cú bằng chữ Hán trong Hán tạng phong phú hơn kinh Pháp Cú bằng tiếng Pali và nhiều hơn tới mười ba chương. Chương một nói về Vô Thường. Câu cuối cùng của kinh Pháp Cú trong Hán tạng viết như sau: “Hình như trên đầu tôi đã bắt đầu có tóc bạc. Hình như tuổi trẻ của tôi đã bị người ta ăn cắp. Hình như thiên sứ đã tới báo cho tôi biết điều đó và có thể tôi phải xuất gia sớm.” Đó là câu cuối của kinh Pháp Cú trong Hán tạng. Hay không? Ai bắt đầu có tóc bạc rồi giơ tay lên. Nếu chưa xuất gia thì nghĩ đến chuyện xuất gia đi. Nếu xuất gia rồi thì tự hỏi mình đã xuất gia thật hay chưa.

Chúng ta được sinh ra làm người trên trái đất này là một may mắn lớn. Chúng ta có dịp rong chơi trong cõi địa đàng và nếu chúng ta không biết rong chơi thì đó là một điều rất uổng phí. Chúng ta có một câu thư pháp bắt nguồn từ một câu thơ chữ Hán: “Kim sanh bất bả Di Đà niệm. Uổng tại nhân gian tẩu nhất tao.” Tôi đã dịch sang tiếng Việt như thế này: “Chẳng biết rong chơi miền Tịnh Độ. Làm người một kiếp cũng như không.” Mục đích của mình sinh ra trên cõi đời này là để rong chơi. Rong chơi là quan trọng nhất. Và hình như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng thấy được điều đó, ông viết: “Một chiều đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa.” Phải đi chơi mới được. Chúng ta chỉ cần mở mắt và lắng tai là có thể tiếp xúc được với những gì mầu nhiệm của sự sống. Chim hót, thông reo, hoa nở… Thiên đàng của chúng ta đang có đó, nhưng chúng ta đã để cho ai đó đánh cắp mất tuổi trẻ của chúng ta, để cho tóc ta bây giờ đã bạc. Chúng ta đã tiêu phí thời giờ của chúng ta một cách rất oan uổng. Vì vậy chúng ta phải thức dậy, phải tập sống những ngày còn lại của đời mình một cách sâu sắc. Nếu không thì rất là uổng. “Chẳng biết rong chơi miền Tịnh Độ. Làm người một kiếp cũng như không”.

Trong Kinh Pháp Cú chữ Hán cũng bắt đầu bằng một câu rất hay: “Thức dậy, hãy mở lòng hoan hỷ và mỉm miệng cười.” Và mình đã có bài kệ:

Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.

Năm đức Bổn Sư tám mươi tuổi, Ngài để hết thời gian để đi chơi. Ngài đi xuống miền Nam, đi lên miền Bắc, đi khắp nơi. Và đi tới đâu thì Ngài cũng tận hưởng phong cảnh, địa lý vùng đó. Ngài đi chơi nhưng cũng đi hoằng hóa. Đi hoằng hóa nhưng cũng là đi chơi. Ngài không bỏ phí thì giờ của Ngài. Ngài biết rằng thì giờ của Ngài còn ít cho nên Ngài trân quí những giây phút còn lại của đời mình. Và có thể nói, trong những năm cuối của Đức Thế Tôn, Ngài rong chơi rất nhiều.

Vua Ba Tư Nặc cũng sinh cùng năm với Đức Thế Tôn, năm đó vua cũng 80 tuổi. Vua thấy Bụt đi chơi nhiều quá nên Vua cũng nổi hứng đi chơi. Thấy Bụt đi chơi với các thầy, các sư cô, vua cũng đem theo một số tùy tùng đi chơi trong vương quốc của mình. Họ là hai người bạn thân thiết. Một người là pháp vương, một người là quốc vương. Hai người trong khi đi chơi đã có cơ hội gặp nhau và đó là buổi gặp gỡ cuối cùng giữa hai người bạn thân. Kinh điển đã ghi lại buổi gặp gỡ đó trong một kinh rất hay gọi là “Pháp Trang Nghiêm Kinh.” Nếu quý vị chưa đọc kinh đó thì nên đọc. Trong đó vua Ba Tư Nặc ca ngợi Đức Thế Tôn trước mặt thầy A Nan.

Thiền hành là một pháp môn rất quan trọng của Làng Mai. Thiền hành là đi từng bước chân cho có an lạc, cho có thảnh thơi. Thiền hành là một sự thực tập rong chơi. Chúng ta thường đi như bị ma đuổi. Chúng ta vừa đi vừa nói, nên không thưởng thức được những bước chân của mình. Cho nên, thực tập thiền hành là để học cách làm thế nào thưởng thức được từng bước chân.

Khi quý vị uống một ly trà thì quý vị có thể trân quý, nâng niu chén trà và hớp từng ngụm trà với tất cả hạnh phúc của mình. Những người không biết uống trà thì uống ừng ực, uống như uống coca cola. Uống như vậy gọi là “ngưu ẩm”, tức là bò uống. Còn người biết uống trà thì uống từng ngụm nhỏ, ngậm mà nghe chất trà nuốt xuống rất là ngọt. Và cố nhiên là có những chén trá nhỏ, nhưng khi nâng chén trà nhỏ đó uống thì trong đó có tình huynh đệ, có sự tỉnh thức, có sự tự do, có an lạc. Một chén trà như vậy làm tỉnh người, đem lại rất nhiều hạnh phúc. Cho nên, trong truyền thống của Làng Mai mới có thiền trà. Thiền trà tức là tập uống trà trong chánh niệm. Chỉ cần một chén trà thôi là có thể đem lại hạnh phúc và tình huynh đệ rất nhiều rồi. Có khi cả giờ đồng hồ chỉ cần uống một chén trà thôi.

Khi chúng ta uống trà như vậy, mà khi chúng ta ăn cơm cũng như vậy, chúng ta thưởng thức từng miếng cơm. Chúng ta ăn nhẹ nhàng, thong thả, thưởng thức hương vị từng lá rau thơm, từng miếng đậu hũ. Ăn như thế nào để có hạnh phúc, có tự do. Cách chúng ta ăn rất khác với những con lợn ăn trong chuồng của chúng. Chúng ta ý thức từng cọng rau, từng miếng đậu hũ… Ăn như thế nào để có an lạc, thoải mái, thảnh thơi, có tình huynh đệ. Mỗi ngày hai ba lần chúng ta có cơ hội thực tập như vậy. Ngồi và ăn cơm với nhau là một sự thực tập. Chúng ta không ăn hối hả cho mau xong. Chúng ta ăn như một sự thực tập và ăn cơm như thế nào cho có hạnh phúc, đó cũng là rong chơi. Cũng như khi mình có một ly kem thì mình phải ăn như thế nào để từng thìa kem đem lại sự thích thú và an lạc.

Bên Pháp có khi họ quảng cáo yaourt như thế này: “Yaourt này ngon lắm. Hãy ăn chầm chậm thôi để được lâu.” Kiếp người cũng vậy, phải sống cho từ tốn, phải ngậm mà nghe, phải thưởng thức từng giây phút một. Những giây phút mà cuộc đời cho chúng ta để sống, chúng ta phải trân quý, chúng ta phải sống cho sâu sắc, sống cho thảnh thơi. Mà muốn như vậy thì phải học, phải nương vào tăng thân, phải học từ từ mới làm được. Nếu không thì uổng phí một đời. Có ai ăn cắp tuổi trẻ của mình đâu. Tại vì mình không biết sống, không biết trân quý. Chính mình bỏ phí tuổi trẻ của mình đấy chứ. Bây giờ tóc mình đã bạc, sứ giả của thiên đình đã tới báo. Màu trắng trên đầu mình là một tiếng chuông chánh niệm. Nếu mình vẫn tiếp tục sống như vậy thì hình hài này sẽ tan rã rất mau. Cho nên phải tỉnh dậy, phải học sống như thế nào để sau này không tiếc nuối, sống như thế nào để mỗi giây phút của đời sống hàng ngày trở thành một huyền thoại cho con cháu. Tổ tiên mình ngày xưa đã sống được như vậy và bây giờ mình cũng phải sống được như vậy.

Trong khóa tu dành cho những người nói tiếng Đức vừa rồi, thiền sinh rất hạnh phúc. Họ rất trân quý thiền hành. Khi thấy tôi hai tay dắt tay hai em bé mà đi trên cỏ xanh với những bông hoa vàng tím, họ thấy rõ được đây là vườn địa đàng, không cần phải đi đâu nữa và mỗi bước chân là một lạc thú. Mình thưởng thức từng bước chân một, giống như mình đang thưởng thức từng ngụm trà hay thưởng thức từng thìa kem. “Đi đâu mà vội mà vàng. Mà vấp phải đá mà quàng phải dây.” Đi như thế nào để mỗi bước chân là một niềm an lạc, là một hạnh phúc. Vì vậy cho nên, pháp môn Làng Mai là đi không nói chuyện. Đi mà nói chuyện thì đâu còn thưởng thức được những bước chân nữa, cũng như vừa ăn vừa nói chuyện thì đâu thưởng thức được thức ăn.

Trong đại chúng có những người đi được như vậy, những người ấy thưởng thức được từng bước chân của mình. Những người đó không đánh mất tuổi trẻ, không đánh mất thiên đường của mình. Khi tôi thấy những người học trò của mình đi như vậy tôi rất hạnh phúc. Tôi nói: “Những người này có thể tiếp nối được mình, có thể tiếp nối được Bụt.” Bằng cách đi những bước chân như vậy, mình tiếp nối được sự nghiệp của Bụt, tiếp nối được sự nghiệp của chư Tổ, tiếp nối được sự nghiệp của Thầy. Chúng ta có thói quen đánh mất mình. Chúng ta vừa mới nghe hướng dẫn về thiền đi, hướng dẫn về im lặng. Nhưng vừa nghe xong, đi ra ngoài là chúng ta nói chuyện oang oang lên và đánh mất bước chân liền lập tức.

Trong khóa tu tiếng Đức diễn ra tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu tại Đức vào tháng 6.2010, số lượng thiền sinh lên tới hơn sáu trăm người. Các thầy các sư cô đã đem hết tấm lòng của mình ra để tổ chức khóa tu. Các thầy, các sư cô và các vị cư sĩ ở đây làm việc rất cần mẫn để phục vụ cho khóa tu, và đã được đền bù lại xứng đáng. Quý vị đã làm đủ thứ: nấu ăn, dọn dẹp, quét tước, đổ rác … bằng tình thương của mình. Chỉ cần niềm vui, hạnh phúc, nụ cười, sự chuyển hóa của thiền sinh là mình được đền bù rất xứng đáng. Khi thấy những người Đức tu tập có hạnh phúc, có chuyển hóa, các thầy các sư cô hạnh phúc lắm. Mình mong muốn người khác được hạnh phúc, nay ước muốn đó đã thành sự thật. Mình rất mong hạnh phúc cho mình, nhưng khi thấy người khác hạnh phúc thì mình còn hạnh phúc gấp bội. Cái mình nhận được lớn hơn cái mình cho đi rất nhiều.

Một khóa tu mà có nhiều người thực tập giỏi cùng tham dự thì khóa tu đó dễ thành công lắm. Bởi vì đó là cái vốn. Người thiền sinh mới tới nhìn sang bên trái thấy một người đi rất chánh niệm; nhìn sang bên phải thấy một người khác đi cũng rất chánh niệm, thảnh thơi, an lạc, nhìn phía trước thấy một người khác đi rất chánh niệm, thảnh thơi, an lạc, nhìn ra phía sau cũng có người đi từng bước thảnh thơi, an lạc. Trong hoàn cảnh đó thì người thiền sinh mới chỉ có thể đi tới thôi, không thể nào đi lui được, làm sao có thể đi đứng hấp tấp vội vàng trong khi những người khác đang đi rất chánh niệm? Do đó, khi mình tham dự vào một khóa tu thì mình phải đóng góp phần của mình vào cho khóa tu. Ngoài sự thực tập của mình, mình phải thưởng thức từng giây phút của khóa tu, phải thưởng thức từng hơi thở, thưởng thức từng bước chân, thưởng thức từng nụ cười và đó là sự cống hiến của mình cho bản thân và cho tất cả mọi người khác trong khóa tu.

Thầy Pháp Ấn có kể lại chuyện vị linh mục đã tới tham dự khóa tu. Vị đó hết sức ấn tượng tại vì thấy thiền sinh của mình đông như vậy mà rất im lặng, rất chăm chú, khi nghe giảng thì nghe hết lòng, khi pháp đàm thì pháp đàm hết lòng, khi ăn cơm thì ăn trong im lặng. Vị đó cũng ao ước con chiên trong giáo xứ của mình cũng làm được như vậy. Nói thế không có nghĩa là chúng ta đã giỏi. Chúng ta có thể làm hay hơn như thế. Chúng ta có thể đi thiền hành hay hơn. Chúng ta có thể hành trì phương pháp theo dõi hơi thở hay hơn. Chúng ta có thể sử dụng ái ngữ hay hơn. Chúng ta có thể thực tập im lặng hùng tráng hay hơn. Và mình phải công nhận những người Đức trong khóa tu vừa rồi đã thực tập hết lòng. Một phần họ được các thầy, các sư cô, các vị cư sĩ ở đây yểm trợ; một phần vì họ trân quý thì giờ mà họ có được để tu tập với mình trong năm ngày.

Mỗi người Tiếp Hiện, mỗi thành viên của dòng tu Tiếp Hiện phải là một cột trụ, phải là một nguồn cảm hứng. Mầu áo nâu tượng trưng cho sự khiêm cung. Khi chúng ta khoác lên mình chiếc áo màu nâu, chúng ta phải chứng minh được mình là một người khiêm cung. Màu áo nâu ở Việt Nam là màu của nông dân, là màu của khiêm nhường. Màu nâu cũng là màu của sức mạnh đại hùng, đại lực. Sức mạnh thầm lặng. Im lặng nhưng rất hùng tráng. Khi mình mặc lên chiếc áo nâu của người xuất gia, mình phải biểu trưng cho được tinh thần đó – một đức khiêm cung. Mình không cho mình hơn người, không cho mình là có quyền hơn những người khác. Mình có sức mạnh tâm linh và sức mạnh đó không ồn ào mà rất im lặng. Đó là ý nghĩa của màu nâu. Người cư sĩ Tiếp Hiện cũng vậy, khi mặc lên chiếc áo Tiếp Hiện cư sĩ màu nâu là cũng mang theo tinh thần đó. Mang theo tinh thần khiêm cung, mang theo sức mạnh của sự im lặng.

Ý nghĩa của chữ Tiếp Hiện:

Chữ Tiếp Hiện có nhiều nghĩa. Trước hết là chữ Tiếp, chữ tiếp có ba nghĩa:

– Nghĩa đầu tiên của chữ Tiếp là tiếp nhận. Mình tiếp nhận từ ai và tiếp nhận cái gì? Mình tiếp nhận từ tổ tiên những cái hay, cái đẹp, những tuệ giác và đức độ. Mình tiếp nhận từ tổ tiên tâm linh giáo pháp nhiệm mầu, hạt giống tuệ giác đó là vốn liếng. Vì vậy cho nên việc làm đầu tiên của người Tiếp Hiện là phải tiếp nhận cho được những cái hay, cái đẹp của tổ tiên trao lại. Ví dụ khi thầy ngồi thỉnh chuông mình có thể học cách thỉnh chuông của thầy. Ấy vậy mà xuất gia được hai, ba năm rồi mà mình thỉnh chuông vẫn chưa được. Tiếng chuông của mình còn chát hoặc bế tắc. Đó là do mình không chịu quan sát để tiếp nhận.

Người cư sĩ hay xuất sĩ cũng vậy, khi mình thực sự có mặt đó, khi mình được thân cận Thầy hoặc người anh, người chị trong đạo, thì mình có thể học hỏi rất nhiều, có thể tiếp nhận được rất mau chóng. Cách của Thầy đi, đứng, tiếp xử, đó là Thầy đang trao truyền cho mình, mình chỉ cần quán sát là tiếp nhận được. Mình tiếp nhận được từ Bụt, từ Tổ, từ Thầy, từ những người đi trước. Có khi những người tới sau mình nhưng họ đã tiếp nhận được trước mình và mình phải bắt chước những người đó, phải tiếp nhận, học hỏi từ cả những người nhỏ hơn mình.

Tiếp nhận ở đây là tiếp nhận một gia tài, gia tài này không phải là tiền bạc, châu báu, mà là gia tài chánh pháp. Mình hãy thử đặt câu hỏi là mình đã tiếp nhận được bao nhiêu? Thật sự là chư Tổ rất muốn cho, rất muốn trao truyền nhưng tại mình không chịu tiếp nhận hoặc không có khả năng tiếp nhận mà thôi. Cũng như nhà thơ Xuân Diệu đã nói rằng: “Cho rất nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu”, làm phụ lòng người cho. Thành ra sự học hỏi, sự hành trì là một quá trình tiếp nhận. Mình phải có mặt để tiếp nhận và khi đã tiếp nhận rồi thì mình mới tiếp nối được. Vì vậy cho nên nghĩa đầu tiên của Tiếp là tiếp nhận. Mình tiếp nhận rồi thì mình hành trì, sử dụng, nuôi dưỡng.

– Nghĩa thứ hai của chữ Tiếp là Tiếp Nối. Tiếp nối ai? Tiếp nối Bụt, tiếp nối Tổ, tiếp nối Thầy, tiếp nối Tổ Tiên. Một người con có hiếu thảo là một người con tiếp nối được chí hướng của cha ông. Một người học trò có hiếu là một người học trò có thể tiếp nối được sự nghiệp của Thầy. Và nếu mình muốn tiếp nối được thì mình phải tiếp nhận cho được. Tiếp nhận chí nguyện và sự hành trì từ chư Bụt, chư Tổ và từ Thầy.

– Nghĩa thứ ba của chữ Tiếp là tiếp xúc. Tiếp xúc với cái gì? Trước hết là tiếp xúc với hiện tại mầu nhiệm, sự sống mầu nhiệm đang có mặt trong mình và chung quanh mình. Nếu không thì uổng cả một đời người. Nhưng muốn tiếp xúc với sự sống thì mình phải có mặt đó mới tiếp xúc được. Tiếp xúc như vậy để được nuôi dưỡng, để được chuyển hóa, để được lớn dậy. Tiếp xúc đây cũng là tiếp xúc với những nỗi khổ niềm đau trong tự thân và nỗi khổ niềm đau có trong hoàn cảnh, gia đình và xã hội của mình. Một khi đã hiểu được những nỗi khổ, niềm đau của bản thân, của gia đình và xã hội rồi thì mình mới biết mình cần phải làm cái gì và không nên làm cái gì để có thể chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau đó. Một mặt là tiếp xúc với những mầu nhiệm để được nuôi dưỡng, thứ hai là tiếp xúc với những khổ đau để hiểu, để thương và để chuyển hóa. Chữ Tiếp có nghĩa như vậy.

Chữ Hiện có bốn nghĩa:

– Chữ hiện, trước hết có nghĩa là hiện tại. Cái gì đang có mặt là sự sống, cái gì đang có mặt là tịnh độ. Chữ hiện có khi còn dịch là kiến, nghĩa là thấy những gì đang xảy ra xung quanh.

– Nghĩa thứ hai của chữ hiện là hiện pháp, là những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Hiện còn có thể dịch là kiến pháp, là những gì mình đang trông thấy trong giây phút hiện tại. Cái mình đang trông thấy là tăng thân, là cây thông, là những cơn mưa, là mặt trời v.v… Tất cả những cái đó mình phải tiếp xúc được. Những khổ đau hiện thực trong cuộc sống là những cái mình đang thấy và mình phải tiếp xúc. Mình không ở trong tháp ngà của sự tưởng tượng, của sự lý luận, của chủ thuyết. Mình phải thực sự tiếp xúc với sự thật, với những mầu nhiệm của sự thật. Và nhờ mình có khả năng tiếp xúc với những gì đang thực sự xảy ra cho nên mình mới thực tập được cái gọi là Hiện Pháp Lạc Trú. Hiện Pháp Lạc Trú là pháp môn sống an lạc từng phút giây trong hiện tại.

– Nghĩa thứ ba của chữ hiện là thực hiện, là làm cho mong muốn trở thành ra cụ thể. Sự tu chứng của mình cũng là thực hiện. Ước mơ, chí nguyện của mình là đạt tới tự do. Mình không muốn sống một cuộc đời hệ lụy, nô lệ. Mình muốn có tự do, tại vì chỉ có tự do mới đem lại hạnh phúc thực sự. Cho nên mình muốn xé toang những tấm lưới của sự đam mê, thù hận, ghanh tị đang giam hãm mình. Những chiếc lưới ấy nó đang cuốn lấy mình và mình không muốn kẹt vào những chiếc lưới đó, mình muốn thoát ra. Những vị xuất gia thực tập như những con nai vượt thoát những bẫy sập, tung tăng chạy nhảy khắp bốn phương. Đó là lời khen ngợi của một vị thiên giả khi thấy các thầy, các sư cô rong chơi không bị vướng vào lưới này hay lưới khác. “Như nai thoát bẫy sập. Chạy nhảy chơi bốn phương.” Trong kinh Bụt nói như vậy.

  Đây là một kinh rất ngắn trong A Hàm. Một mùa hè nọ, có một số các vị xuất sĩ an cư trong một khu rừng. Các vị ngồi thiền, pháp đàm, ăn cơm im lặng… rất hạnh phúc suốt ba tháng trời. Trong khu rừng đó có một số vị thiên giả cảm thấy rất hạnh phúc vì thừa hưởng được sự có mặt của các vị xuất sĩ. Nhưng sau ba tháng an cư, các vị xuất sĩ bỏ đi đâu hết, khu rừng trở nên vắng tanh, rất buồn. Có một vị thiên giả thấy vậy lấy làm buồn và ngồi khóc.

Một vị thiên giả khác hỏi: “Tại sao anh ngồi buồn khóc vậy?”

Vị thiên giả kia trả lời: “Tại vì ba tháng vừa qua có một số các vị xuất sĩ an cư ở đây, các vị ngồi thiền, pháp đàm, ăn cơm im lặng… rất bình an và vui quá. Vậy mà bây giờ các vị ấy bỏ đi đâu hết rồi. Họ đi đâu vậy?”

Vị thiên giả kia trả lời: “Họ đi Kosala, đi Vaisali, v.v… Họ là những con người tự do, như là những con nai thoát khỏi bẫy sập. Họ chạy nhảy tung tăng khắp bốn phương.Đệ tử của Bụt tự do, hạnh phúc như vậy đó.”

Kinh đó là một kinh rất ngắn, trong đó có các câu là:

“Như nai thoát bẫy sập
Chạy chơi khắp bốn phương
Tỳ kheo đệ tử Bụt
Thảnh thơi là như thế.”

Thực hiện không phải là xây cất một cơ sở. Dù là Viện Phật học ứng dụng Châu Âu cũng chưa phải là sự thực hiện quan trọng nhất. Thực hiện, đó là sự tu chứng. Cái chính của người tu là phải thực hiện sự tự do. Đó là chủ đích, là hướng đi của người xuất gia.

Là học trò của Bụt, dù là xuất sĩ hay cư sĩ, mình không muốn sống một cuộc đời hệ lụy, ràng buộc, mình muốn có tự do thì mình phải dụng công thực tập. Chính công phu thực tập hàng ngày đó là giá trị của vị hành giả. Nó giải phóng cho mình thoát khỏi những chiếc lưới của địa vị, danh lợi, tham ái. Cái mình đi tìm là sự giải thoát, tự do.

– Nghĩa thứ tư của chữ hiện là hiện đại hóa, tiếng Anh dịch là actualization. Nghĩa là những pháp môn phải khế cơ, khế lý, phải thích hợp với thời đại.

Chữ Tiếp Hiện có nghĩa là như vậy thì làm sao dịch ra tiếng Anh cho được. Thành ra khi dịch sang tiếng Anh mình tạm dịch là Order of Inter-being. Nếu ai không biết tiếng Việt thì phải tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ này. Hai chữ này cũng có gốc Hán – Việt, biết được ý nghĩa hai chữ đó thì biết được bản chất của dòng tu Tiếp Hiện và biết được hướng hành trì của dòng tu Tiếp Hiện.

Với những ý niệm đó, mình có thể bắt đầu hiểu được thế nào là đạo Bụt đi vào cuộc đời, đạo Bụt nhập thế, tiếng Anh gọi là “Engaged Buddhism”, chứ không phải là đạo Phật của tu viện. Tu viện không phải là một thực tại bị cắt đứt khỏi cuộc đời. Tu viện phải được coi như là một vườn ươm để trồng những cây con. Và khi những cây con đó sống, nó lớn đủ mạnh thì mình sẽ đem ra trồng ở ngoài xã hội. Đạo Bụt có mặt là vì cuộc đời chứ không phải đạo Bụt có mặt vì đạo Bụt. Nếu không có cuộc đời thì không cần đạo Bụt. Sở dĩ có đạo Bụt là vì cuộc đời cần tới đạo Bụt. Cho nên tu viện, trung tâm tu học của mình phải được coi như một vườn ươm. Trong tu viện mình được che chở, mình có những điều kiện để lớn lên. Và khi những cây con đã lớn thì thế nào cũng phải đem ra trồng ngoài xã hội để phục vụ cho xã hội. Đó gọi là đạo Bụt đi vào cuộc đời. Vì vậy, ngay khi ở trong tu viện nó đã có ý đi vào cuộc đời rồi. Và việc học và tu trong tu viện chỉ là sự chuẩn bị để đi vào cuộc đời mà thôi.

Tiếp Hiện – cánh tay nối dài

Bên Trung Quốc không có chữ “Đạo Bụt nhập thế” nhưng có danh từ “Nhân gian Phật giáo”, nghĩa là Phật giáo trong nhân gian.  “Nhân gian” là cõi người ta. Trong truyện Kiều có câu : “Trăm năm trong cõi người ta.” Đạo Phật ngay trong xã hội. Danh từ “Nhân gian Phật giáo”  cũng là “Phật giáo nhập thế” mà thôi. Ngay từ năm 1930 trở đi, tức là khoảng 80 năm trước, ở Việt Nam đã bắt đầu có phong trào đạo Phật đi vào cuộc đời. Thời ấy, những tạp chí Phật giáo ở Việt Nam đã bắt đầu nói tới “Nhân gian Phật giáo”, “đạo Bụt đi vào cuộc đời”.

Khi Tôi lớn lên, khoảng 10 tuổi thì đã được ảnh hưởng loại Phật giáo đó. Mình đọc báo, đọc sách, biết rằng trong quá khứ đạo Bụt đã từng đóng một vai trò khá quan trọng trong việc đem lại hòa bình và bền vững cho đất nước. Mình học lịch sử thì thấy đời Lý, đời Trần đạo Bụt rất hưng thịnh. Từ trên xuống dưới, từ vua tới quan, cho đến người dân đều hành trì đạo Bụt. Đó là sức sống tinh thần, pháp thân của cả một dân tộc, sự thực tập của cả một dân tộc. Không những các vua quan đời Lý tu tập rất giỏi mà các vua đời Trần tu tập cũng rất giỏi. Vị vua đầu tiên đời Trần là Trần Thái Tông, tuy là một nhà chính trị, ông phải giải quyết biết bao nhiêu vấn đề trong triều, nhưng vẫn hành trì thiền tập và sám hối mỗi ngày sáu thời.

Năm 20 tuổi, vua Trần Thái Tông đã có chí khí tu tập rất lớn. Vua có niềm đau trong lòng. Vượt thoát niềm đau, vua quyết tâm tu tập và đã thành công. Vua học Phật rất giỏi, thực tập thiền quán và đã sáng tác ra những tác phẩm Phật học còn lưu truyền lại cho tới ngày nay. 43 công án thiền và tác phẩm “Lục thời sám hối khoa nghi” của vua chứng tỏ rằng trong cung tuy  làm chính trị nhưng vua vẫn dành thời gian để học Phật. Vua hành trì dâng hương, sám hối, ngồi thiền mỗi ngày sáu lần. Cứ sau hai giờ làm việc thì vua ngưng lại và thực tập hai mươi phút rồi tiếp tục làm công việc chính trị. Bây giờ tổng thống Obama có làm được như vậy không? Nếp sống tâm linh nó nuôi dưỡng mình, giúp mình vững mạnh để có thể làm một nhà chính trị giỏi. Thành ra bây giờ mình đừng nói: “Ôi, tôi bận công việc quá, làm gì có thì giờ ngồi thiền, làm gì có thì giờ đi thiền hành.” Một ông vua mà còn làm được như vậy, thế mà mình lại lấy cớ là công việc nhiều quá không có thì giờ để tu.

Đạo Bụt đi vào cuộc đời thật ra không phải là có từ năm 1930, mà nó có từ lâu lắm rồi, trong truyền thống của mình. Đó không phải là một tư trào mới và mình chỉ là sự tiếp nối thôi. Mình đã có những tác phẩm như là “Đạo Phật ngày nay”,  “Đạo Phật hiện đại hóa”, “Đạo Phật đi vào cuộc đời”… Và khi mình hiểu được ý nghĩa hai chữ : “Tiếp” và “Hiện” thì câu chuyện của thầy trò mình thành ra rất đơn giản: Từ Phật giáo nhập thế đi tới Phật giáo ứng dụng. Chỉ có chừng đó thôi.

Mình đã có chữ “Đạo Phật đi vào cuộc đời” (Engaged Buddhism) nay mình có thêm chữ “Đạo Phật ứng dụng” (Applied Buddhism). Chữ ‘ứng dụng’ được dùng ngoài đời như là Khoa học ứng dụng (Applied science), hoặc Toán học ứng dụng (Applied Mathematics). Chữ ứng dụng được sử dụng rất nhiều.

Khi nói về Tam Bảo, mình giảng cho mọi người hiểu thế nào là Bụt, thế nào là Pháp, thế nào là Tăng thì mình cũng phải chỉ cho người ta cái cách áp dụng giáo lý Tam Bảo vào đời sống hàng ngày. Trong khóa tu tiếng Đức này, mình có một bài giảng về phương pháp ứng dụng giáo lý Tam Bảo. Làm thế nào để thực tập quy y Tam Bảo? Khi mình tụng: “Con về nương tựa Bụt” hay là “Buddha saranam gachami” thì những cái đó chưa phải là quy y. Những cái đó chỉ là tuyên bố quy y thôi. Mình phải chế tác cho được năng lượng Niệm, Định và Tuệ. Khi năng lượng đó bảo hộ cho mình thì mình mới đang được che chở bởi năng lượng của Tam Bảo, (Bụt, Pháp và Tăng).

Cũng như vậy, khi thực tập bài kệ
“Quay về nương tựa
Hải đảo tự thân
Chánh niệm là Bụt
Soi sáng xa gần.
Hơi thở là Pháp
Bảo hộ thân tâm
Năm uẩn là Tăng
Phối hợp tinh cần.”

Thì mình phải thực tập thở như thế nào để khi thở ra, thở vào mình chế tác được năng lượng Niệm, Định và Tuệ. Trong khi mình thở ra, thở vào như thế thì mình chế tác được năng lượng của Bụt, của Pháp và của Tăng. Trong lúc ấy mình thật sự đang được che chở bởi Tam Bảo. Rất an toàn ! Những lúc mình chới với, hụt hẫng, bức xúc, không biết làm gì thì đó là những lúc mà mình cần phải quy y, quay về nương náu với năng lượng Tam Bảo. Làm được như vậy thì mình mới thực sự là một người Tiếp Hiện. Mình phải làm sao để có một sự thực tập cho vững chãi.

Mỗi khi mình có những khó khăn, mình bị bức xúc hay chới với thì mình biết phải làm gì để lấy lại sự thăng bằng, sự thảnh thơi, sự vững chãi và một trong những phương pháp để thực hiện điều đó là quy y Tam Bảo. Quy y Tam Bảo là một sự thực tập chứ không phải là một lời tuyên bố, một đức tin. Khi mình đang lao đao, nếu nương tựa vào năng lượng của Tam Bảo là Niệm, Định, Tuệ thì mình sẽ vững chãi, sáng suốt trở lại. Trong lúc ấy, mình sẽ biết nên làm gì, không nên làm gì và mình đặt mình trong tình trạng an toàn. Đó là đạo Bụt ứng dụng.

Nếu mình nói về Tam Bảo hay cách mấy mà không ứng dụng được thì chưa phải là Phật học ứng dụng mà chỉ mới là Phật học lý thuyết. Ở tây phương hiện nay có nhiều trường đại học cấp bằng tiến sĩ Phật học, nhưng Phật học đó không phải là Phật học ứng dụng. Mình có thể giỏi tiếng Tây Tạng, tiếng Pali, Sanskrit, lão thông lý thuyết Tam Tạng kinh điển, nhưng đó mới chỉ là Phật học mà chưa phải là Phật học ứng dụng. Nếu những người có bằng cấp tiến sĩ Phật học khi gặp khó khăn, bức xúc mà không biết làm gì để thoát khỏi tình trạng ấy thì Phật học đó nó không giúp được cho mình.

Khi mình giảng dạy Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần… Tất cả những giảng dạy đó đều phải áp dụng được vào đời sống hàng ngày, chứ không chỉ có lý thuyết. Chúng ta có thể giảng kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm rất hay, chúng ta có thể phân tích kinh Kim Cương rất giỏi nhưng những cái đó có thể chỉ là những cái nói để thỏa mãn trí năng.

Chúng ta phải đặt câu hỏi:

  • Áp dụng kinh Pháp Hoa như thế nào để giải quyết những vấn đề bức xúc, khổ đau, tuyệt vọng của mình?
  • Áp dụng kinh Kim Cương như thế nào?
  • Áp dụng giáo lý Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo như thế nào ?

Cái đó mới gọi là Phật học ứng dụng. Vì vậy cho nên quan niệm Phật Học Ứng Dụng đến để bổ túc cho Phật Học Đi Vào Cuộc Đời. Việc học Phật của chúng ta ở trong nước cũng như ở các trường đại học đều rất từ chương, rất lý thuyết. Đó không phải là cái học mà Đức Thế Tôn gửi gắm. Chúng ta phải học Phật Học Ứng Dụng mới được. Học tới đâu thì phải hành tới đó. Là một vị giáo thọ thì thầy, thì sư cô phải cung cấp được Phật học ứng dụng cho những ai tới với mình. Và trong đời sống của mình thì mình phải làm một gương mẫu cho Phật học ứng dụng đó. Mình chỉ dạy cái mà mình đang làm.

Mình là một vị cư sĩ, mình là một vị giáo thọ tập sự hay đã được truyền đang giáo thọ thì mình cũng làm như vậy. Mình không học để khoa trương kiến thức Phật học của mình trong khi pháp đàm, trong khi nói pháp thoại. Mình chỉ nói và chỉ dạy những gì mà mình đang thực sự thực tập. Nếu mình dạy thiền hành thì mình phải thực tập thiền hành thành công tới một mức nào đó rồi mới nên dạy. Còn không thì đừng nên dạy, khoan dạy đã. Đó gọi là thân giáo. Dạy bằng sự sống của mình. Có những vị không thích nói pháp thoại nhưng những vị đó có thể là những giáo thọ rất giỏi vì các vị ấy trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, tiếp xúc, sống với đại chúng rất hài hòa, rất an lạc, rất cởi mở. Đó là những bài pháp thoại linh động. Đó là những viên ngọc quý trong tăng thân. Những người đó không phải chỉ giới hạn trong những vị xuất gia. Trong giới tại gia cũng có nhiều vị tu tập rất giỏi, rất tĩnh lặng, rất bác học. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có những người như vậy.  Các vị ấy là cư sĩ, nhưng cách các vị sống khiến cho các thầy, các sư cô cũng phải kính nể và xem đó như một vị thầy của mình. Cư sĩ Thiều Chửu, tác giả cuốn Hán – Việt từ điển , cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám… Họ là những người cư sĩ nhưng hành trì rất vững chãi. Họ lên pháp tòa và dạy kinh cho các thầy, các sư cô. Nhưng họ có đầy đủ sự khiêm cung. Cư sĩ Lê Đình Thám mỗi khi lên dạy các thầy, các sư cô thì luôn mặc áo tràng và đảnh lễ các thầy, các sư cô trước rồi mới lên dạy. Các thầy, các sư cô cũng rất cung kính đối với cư sĩ Lê Đình Thám.

Ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều có những vị cư sĩ như vậy. Và sự thật là các thầy, các sư cô rất cung kính đối với những vị cư sĩ này. Các vị ấy được cung kính không phải bởi vì các vị giàu, hay các vị có quyền năng gì mà các vị được cung kính bởi vì các vị có sự hành trì rất vững chãi. Các vị nói cái mà các vị làm.

Theo nguyên tắc không có chướng ngại nào, không có rào cản nào ngăn cách giới xuất gia và giới tại gia tu tập và làm việc chung với nhau. Vì chúng ta có sứ mạng đem Đạo Bụt đi vào cuộc đời, làm cho Đạo Bụt trở thành hiện thực, có thể ứng dụng được trong mọi trường hợp, cho nên chúng ta rất cần các vị giáo thọ. Vì vậy cho nên dòng tu Tiếp Hiện là một cánh tay nối dài của tăng thân xuất gia để đi vào cuộc đời. Cố nhiên là các thầy, các sư cô – những người xuất gia cũng đi vào cuộc đời nhưng số lượng các thầy, các sư cô không đủ. Ví dụ như ở Châu Âu, nước nào cũng muốn có khóa tu, ít nhất là mỗi năm phải có một khóa tu và nếu mình thỏa mãn nhu yếu đó của tất cả các nước Châu Âu thì ở làng Mai sẽ không có người tu trì, thực tập.

Vì vậy, mình cần có những tăng thân thường trú vững mạnh để làm  cơ sở. Tại Làng Mai, Tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, tại Bích  Nham, Lộc Uyển, Thái Lan, … hay các trung tâm khác phải luôn có một tứ chúng vững chãi thực tập quanh năm để làm vốn liếng và nếu gửi đi để tổ chức khóa tu ở các nơi khác thì chỉ một số người nào đó luân phiên đi thôi. Vì vậy, số lượng những người Tiếp Hiện xuất sĩ không đủ mà phải cần thêm rất nhiều những người Tiếp  Hiện cư sĩ. Những người Tiếp Hiện cư sĩ là cánh tay nối dài của tứ chúng để dang ra cho xã hội. Mình có nhu yếu có hàng ngàn vị cư sĩ Tiếp Hiện như vậy, để làm việc, để giáo hóa. Và cố nhiên mình không làm công việc của các vị giáo sư Phật học. Mình làm công việc tổ chức tu học và mình phải là mẫu mực của sự tu học. Mình phải nắm vững các pháp môn, nắm vững Phật học ứng dụng. Mình phải có hạnh phúc khi ngồi thiền, phải có hạnh phúc khi đi từng bước chân, phải có hạnh phúc khi thực tập im lặng hùng tráng. Mình phải có khả năng tổ chức một tăng thân tại địa phương và các thành viên trong tăng thân địa phương đó phải sống với nhau cho có hạnh phúc. Tăng thân phải có tình huynh đệ, gây được niềm tin cho người trong tỉnh, trong nước. Là người Tiếp Hiện mình phải làm cho được chuyện đó. Vấn đề không phải là có quyền hay không có quyền, vấn đề không phải mình là giáo thọ hay không phải là giáo thọ. Vấn đề là làm sao để tại cái vùng mình ở có một tăng thân tu tập có hạnh phúc, có tình huynh đệ, ở đó mọi người sống với nhau như anh chị em một nhà, không ai giành quyền hành để làm lớn, người nào cũng biết sử dụng ái ngữ và biết cách lắng nghe nhau. Tại mỗi quốc gia, mỗi thành phố mình đều phải có những tăng thân như thế. Mình phải làm như vậy ở Amsterdam, ở Paris, ở Frankfurt, ở Bruxelles, ở New York, v.v…  Ai sẽ làm chuyện đó ? Người Tiếp Hiện cư sĩ ! Các thầy và các sư cô sẽ yểm trợ, có khi đi chung, nhưng chính những người Tiếp Hiện cư sĩ phải làm chuyện đó.

Chiếc áo nâu của mình tượng trưng cho sự khiêm cung, tượng trưng cho sức mạnh im lặng. Mình phải xây dựng được một tăng thân tại chỗ, trong đó không có sự tranh giành địa vị, quyền lợi, trong đó có sự nhường nhịn, thương yêu. Chuyện đó là chuyện phải làm. Chuyện này là chuyện của người xuất gia đang làm và có thể làm hay hơn. Và chuyện này cũng phải là chuyện của tăng thân Tiếp Hiện cư sĩ đang làm và phải làm cho hay hơn. Nếu mình đoàn kết với nhau, hòa thuận với nhau, nếu có tình huynh đệ, có hạnh phúc thì tiếng thơm đồn xa và Thầy cũng được thơm lây. Thầy cũng có hạnh phúc thêm. Khi tăng thân Tiếp Hiện cư sĩ đã có hạnh phúc rồi thì làm việc chung với tăng thân xuất sĩ trong sự hòa điệu rất dễ. Người nào có tài năng, có đức độ thì thế nào tăng thân cũng nhận diện ra được và sẽ thỉnh cầu làm những công việc mà tăng thân rất cần người đó làm. Chúng ta có những vị giáo thọ cư sĩ, tập sự giáo thọ cư sĩ và rất nhiều vị cư sĩ rất giỏi khác nữa. Tôi không muốn nói tên của họ, nhưng họ khá im lặng. Họ mở những khóa tu, mở những ngày chánh niệm, giảng dạy rất hay. Họ không tạo ra những xung đột, mâu thuẫn và họ làm hạnh phúc cho rất nhiều người. Hy vọng là trong tương lai chúng ta sẽ có những khóa tu dài ngày cho người Tiếp Hiện để người Tiếp Hiện có thể bồi đắp được sự thực tập của mình, bồi đắp được chí hướng, bồi đắp được hạnh phúc và làm được bổn phận và trách nhiệm mà chư Bụt và chư Tổ giao phó. Chúng ta phải tiếp nhận cho được, phải thực hiện cho được chí nguyện đó. Chúng ta phải biến nó thành sự thật.

Nếu tăng thân ở tại địa phương ta vẫn còn ngổn ngang, chưa ngồi lại được, chưa thương yêu nhau được, chưa làm việc được với nhau thì chúng ta chưa thành công. Ai là người có trách nhiệm để làm cho tăng thân đó trở thành một tăng thân đẹp có tình huynh đệ, một tăng thân xứng đáng với tăng thân? – Chính mình! Chính mình là người Tiếp Hiện để làm chuyện đó, chính mình chịu trách nhiệm. Mình không thể nói tại vì người đó như thế đó, tại vì người kia như thế kia. Phải nói là tại vì mình tu chưa giỏi, tại mình chưa đủ khiêm cung, tại mình chưa đủ sức mạnh im lặng. Bên Bỉ cũng vậy mà ở bên Anh, Ý, Hà Lan, Mỹ, Pháp,… cũng vậy. Sứ mạng của chúng ta là tiếp nhận cho được, tiếp thu cho được, tiếp nối cho được và thực hiện cho được hoài bão của Bụt và Tổ. Dòng Tiếp Hiện có nhiều chuyện cần phải làm lắm. Mười bốn giới Tiếp Hiện cần phải tu chỉnh lại. Tất cả những cái hay, cái đẹp của Mười Bốn Giới Tiếp Hiện đã được tiếp thu vào Năm Giới nhưng những cái hay cái đẹp của Năm Giới chưa được Mười Bốn Giới Tiếp Hiện tiếp thu. Năm giới hiện giờ rất hay. Đó là công phu của tăng thân trong suốt hai năm trời. Và Mười Bốn Giới Tiếp Hiện có thể hay hơn. Nó đã hay rồi nhưng có thể hay hơn nữa. Ví dụ giới thứ tư là “tiếp xúc với khổ đau”.

“Ý thức rằng tiếp xúc và quán chiếu về bản chất của khổ đau có thể giúp con phát khởi tâm từ bi và thấy được con đường thoát khổ, con nguyện không trốn tránh thực tại khổ đau, nhắm mắt trước khổ đau và đánh mất ý thức về khổ đau của cuộc sống. Con nguyện tìm tới với những kẻ khổ đau để hiểu biết được tình trạng của họ và để giúp đỡ họ. Bằng những phương tiện tiếp xúc, tường thuật, hình ảnh, âm thanh, con nguyện thường xuyên tự đánh thức mình và đánh thức những người xung quanh về sự có mặt của những khổ đau hiện thực khắp nơi trên thế giới. Con biết rằng sự thật thứ tư là đạo đế chỉ hiển lộ khi nào con quán chiếu và thấy được tự tánh của sự thật thứ nhất là khổ đế, và con sẽ luôn luôn nhớ rằng mục đích của sự tu tập là chuyển hóa khổ đau trở thành an lạc.”

Đó là “tiếp”, tiếp xúc với khổ đau. Chúng ta có nhiều việc phải làm lắm và những công việc này cũng là tu, cũng như một phần của sự tu học. Chúng ta phải có một ủy ban nghiên cứu và tu chỉnh Mười Bốn Giới Tiếp Hiện. Người ta rất khen Mười Bốn giới Tiếp Hiện. Nhưng giới tướng Mười Bốn giới Tiếp Hiện có thể đầy đủ và hay hơn. Trong giới thứ tư, giáo lý Tứ Diệu Đế đã được đưa vào: nếu mình không hiểu được bản chất của khổ đau thì mình chưa thấy được con đường đi tới sự diệt trừ khổ đau. Nhưng trong giới này vẫn còn khiếm khuyết, trong giới nói:  “tiếp xúc và quán chiếu về bản chất của khổ đau có thể giúp con phát khởi tâm từ bi và thấy được con đường thoát khổ”. Cái thiếu sót ở đây là có nói tới khổ đau nhưng không nói tới khổ đau của mình trước. Sự thật là khi mình hiểu được nỗi khổ niềm đau của mình, thì mình mới có thể thực sự hiểu được nỗi khổ niềm đau của người khác. Thiếu sót là ở chỗ đấy.

Con nguyện tìm tới với những kẻ khổ đau để hiểu biết được tình trạng của họ và để giúp đỡ họ. Bằng những phương tiện tiếp xúc, tường thuật, hình ảnh, âm thanh, con nguyện thường xuyên tự đánh thức mình và đánh thức những người xung quanh về sự có mặt của những khổ đau hiện thực khắp nơi trên thế giới.”

Ở đây chỉ nói tới việc tìm tới với những kẻ khổ đau để giúp đỡ họ, đồng thời tự đánh thức mình và đánh thức những người xung quanh về tình trạng khổ đau trên thế giới bằng những âm thanh, hình ảnh, tường thuật… Những việc này trên thế giới đã làm cả rồi. Nhưng việc nhận diện những khổ đau trong bản thân mình và quán chiếu vì sao mà những khổ đau đó có mặt thì trong giới chưa nói tới. Điểm yếu của con người hiện tại là trốn tránh khổ đau của chính mình. Mình có những nỗi khổ niềm đau nhưng mình không có can đảm để nhận diện, trở về để quán chiếu mà lại đi khỏa lấp niềm đau bằng cách tiêu thụ, bằng cách sử dụng âm nhạc, báo chí, tiểu thuyết và  internet. Mình sử dụng những thứ đó không phải vì mình thực sự cần, mà chỉ vì không muốn tiếp xúc với khổ đau trong tâm mình. Đó là vì mình đã không thực tập chữ “tiếp”. Mình muốn tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống nhưng mình cũng phải tiếp xúc với những khổ đau của bản thân. Mình phải tìm cho ra được gốc rễ của những nỗi khổ niềm đau trong chính mình. Và khi hiểu được nỗi khổ niềm đau của chính mình rồi thì mình mới thấy được phương pháp diệt trừ. Cũng như hiểu được những khổ đau của mình rồi thì mình sẽ không làm cho người khác khổ đau nữa. Đây là điểm thiếu sót của giới này mà mình phải tu chỉnh lại. Cũng như thương yêu, nếu mình không thương được mình, không chăm sóc được cho mình thì làm sao mình thương yêu, chăm sóc được cho người khác. Phải hiểu mình trước, trước khi mình có thể hiểu được người khác. Phải thương mình trước khi mình có thể thương được người khác. Nếu không, cái thương đó sẽ đưa mình tới hầm hố.

Thầy đã nhờ một số vị nghiên cứu, đề nghị lập ra một đại hội Tiếp Hiện để tu chỉnh lại 14 Giới Tiếp Hiện, trong đó có sư cô Châu Nghiêm, sư cô Tùng Nghiêm, sư cô Định Nghiêm, thầy Pháp Lưu… Có những giới mà ta có thể gộp giới làm một để nhường không gian cho một giới mới. Những giới như là giới thứ : 1,2,3,5,11,14 đều có thể tu chỉnh lại và làm cho hay hơn. Như giới thứ nhất nói về thái độ cuồng tín, cố chấp đưa tới chiến tranh, khổ đau thì mình sẽ bổ xung thêm: vì có cái nhìn lưỡng nguyên, không có cái nhìn bất nhị nên có sự kỳ thị nguyên nhân đưa tới cuồng tín, cố chấp và thiếu bao dung.

Hiện giờ không những trong những lĩnh vực xã hội, trong lĩnh vực luân lý đạo đức mà cả trong lĩnh vực khoa học, thì vấn đề về cái nhìn lưỡng nguyên cũng là một trở ngại lớn. Sự tách biệt giữa Tâm và Vật như hai cái có mặt độc lập với nhau, sự phân biệt chủ thể và đối tượng là hai cái tách rời ra khỏi nhau. Điều đó không những trong chính trị, trong xã hội, trong tâm lý người ta bị kẹt mà ngay trong khoa học cũng bị kẹt. Vì vậy cho nên giới thứ nhất, mình phải đưa vào tuệ giác bất nhị. Tuệ giác bất nhị đánh tan được sự kỳ thị, sự cố chấp, sự phân biệt. Trong Năm Giới mình đã làm được chuyện này. Vì vậy, trong khi tu chỉnh Mười Bốn Giới, mình phải học hỏi thêm từ Năm Giới. Năm Giới hiện giờ rất hay. Thành ra, tất cả những gì có trong Năm Giới mà chưa có trong Mười Bốn Giới thì mình phải đưa vào Mười Bốn Giới. Mình đã đem những tinh hoa của 14 Giới bổ xung vào Năm Giới, thì mình cũng có thể đem những tinh hoa của Năm Giới mà bổ xung vào những chỗ còn thiều của 14 Giới. Năm giới hiện nay giống như Bồ Tát giới. Chỉ cần thực tập Năm giới thôi là đã có hạnh phúc rất nhiều rồi, đã có thể là một vị Bồ Tát rồi. Giới Tiếp Hiện ban đầu được thành lập là một hình thức của giới Bồ Tát. Trong truyền thống Việt Nam, khi các thầy, các sư cô nhận giới Ba La Đề Mộc Xoa là phải nhận thêm giới Bồ Tát. Nhưng nhận giới Tiếp Hiện thì không cần nhận giới Bồ Tát nữa, giới Tiếp Hiện rất hiện đại. Giới Tiếp Hiện được coi như giới Bồ Tát của chúng ta.

Trong 45 năm hành đạo và thuyết pháp, Bụt đã thay đổi rất nhiều phương pháp giảng dạy, và hành trì. Chúng ta cũng phải vậy. Bánh xe pháp mỗi ngày một đi tới. 30 năm lịch sử và hành đạo của làng Mai chứng tỏ rằng chúng ta luôn đi tới, luôn phát kiến những pháp môn mới, những cách giảng dạy mới có ích lợi hơn, có hiệu quả nhiều hơn. Vì vậy chúng ta không nên bằng lòng với giới tướng của Mười Bốn giới bây giờ. Chúng ta phải có một đại hội Tiếp Hiện để tu chỉnh, để phê duyệt sự tu chỉnh đó. Chúng ta có một ban nghiên cứu để tu chỉnh Mười Bốn Giới Tiếp Hiện nhưng tu chỉnh xong chúng ta phải có một đại hội Tiếp Hiện để chấp nhận. Và Mười Bốn giới Tiếp Hiện ít nhất phải hay bằng Năm Giới mới, hoặc hy vọng là hay hơn. Đây là công việc của mình. Đứng về phương diện khoa học kỹ thuật, mỗi năm người ta đều chế tạo ra những máy tính mới, những solfware mới. Đứng về phương diện sách giáo khoa cũng vậy, mỗi năm có những sách giáo khoa mới. Thì trong đạo Bụt mình cũng thế,  phải có những tiến bộ, phải đẩy bánh xe tiến hóa đi về phía trước thì đạo Bụt mới có thể đóng được vai trò lãnh đạo tâm linh. Những cái này dòng tu Tiếp Hiện phải biết. Mình phải biết mình đang đứng ở phía trước, phải đẩy bánh xe đi tới và chư Bụt, chư tổ đang trông chờ mình làm chuyện đó. Sáu người đầu tiên nhận giới Tiếp Hiện vào năm 1966, tới nay đã là bao nhiêu năm rồi? Qua thời gian, Giới Tiếp Hiện được tu chỉnh lại mấy lần và bây giờ nó cần phải được tu chỉnh một lần nữa.

Chúng ta có rất nhiều Phật sự phải làm và chúng ta phải làm những Phật sự đó trong tinh thần tu tập, coi đó như là đối tượng của sự tu học của mình chứ không phải là công việc và chúng ta phải có niềm vui khi làm những chuyện đó. Chúng ta phải có năng lượng, phải có sức sống của chánh pháp. Thầy tới tuổi này mà vẫn còn năng lượng. Thầy vẫn tiếp tục dịch kinh và Thầy nghĩ rằng càng ngày Thầy càng dịch kinh dễ hiểu hơn. Thầy có rất nhiều niềm vui trong khi dịch kinh, trong khi giảng dạy, trong khi thực tập, trong khi đi thiền hành, trong khi hướng dẫn cho những người tu tập. Vấn đề ở đây là vấn đề năng lượng. Nếu mình cảm thấy mình không có năng lượng là vì mình thiếu nguyện lực. Mình phải muốn làm cái gì đó cho quê hương, cho đất nước, ông bà, xã hội… Mình phải có lý tưởng. Phải có một nguyện lực. Phải có một niềm tin. Những người trong chúng ta – xuất gia hay tại gia – mà không thấy hăng hái lắm trong sự tu học, không chịu học, không chịu tu là những người đó thiếu sức sống của chánh pháp, thiếu nguyện lực, thiếu một khối lửa trong trái tim. Mỗi người Tiếp Hiện phải có một khối lửa trong trái tim, nó cung cấp sức sống, nó đẩy mình đi tới. Và khi mình đi tới như vậy thì mình có hạnh phúc. Dù là mình đang quét nhà cho đại chúng, đang nấu ăn cho đại chúng, tưới rau, dọn cầu tiêu… mình vẫn có hạnh phúc vì mình có một nguyện lực, có một chủ đích. Cái đó không phải là danh lợi, địa vị mà là tình thương lớn, để trở thành sự tiếp nối xứng đáng của Bụt, của Tổ, của Thầy.

Dòng tu Tiếp Hiện và Con đường phụng sự

Chặng đường 50 năm của dòng tu Tiếp Hiện đã trở thành một gia tài quý báu trong những pháp môn của truyền thống Làng Mai, là lý tưởng phụng sự mà cũng là pháp môn hành trì, thực tập chuyển hóa tự thân. Những người Tiếp Hiện khắp nơi trên thế giới, đã và đang đi về một hướng, cùng nuôi dưỡng nhau trên con đường hiểu biết và yêu thương.

 

Dòng tu tiếp hiện

Dòng tu Tiếp Hiện ra đời năm 1966, và sự ra đời của nó rất có ý nghĩa. Khi đó chiến tranh đang leo thang ác liệt. Đó là một cuộc chiến tranh không chỉ giữa những ý thức hệ ngoại lai mà còn giữa vũ khí của nước ngoài. Là những Phật tử thực tập theo con đường hòa giải, hòa bình và tình huynh đệ, chúng tôi không chấp nhận một cuộc chiến như thế. Làm sao có thể chấp nhận được một cuộc chiến mà anh em một nhà dùng ý thức hệ và vũ khí của bên ngoài để tàn sát lẫn nhau.

Dòng tu Tiếp Hiện là một phong trào kháng chiến tâm linh. Các giới được lấy từ giáo lý đạo Bụt. Giới thứ nhất, Tự do nhận thức, là câu trả lời trực tiếp cho chiến tranh, vì khi đó ai cũng sẵn sàng chết hay chiến đấu để bảo vệ niềm tin của mình:

Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để đừng bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.

Đây là tiếng gầm sư tử lớn!

Những giáo nghĩa Bụt dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động.

Những lời Bụt dạy được ghi lại trong Kinh Tập (Sutta Nipata) về kiến chấp thật rõ ràng. Chúng ta không nên để bị vướng mắc vào bất kỳ quan điểm nào, chúng ta phải vượt thoát mọi quan điểm.

Chánh kiến trước tiên có nghĩa là sự vắng mặt của mọi quan điểm. Vướng vào quan điểm là nguồn gốc khổ đau. Ví như khi ta leo tới bậc thang thứ tư và nghĩ rằng đó là nấc thang cao nhất, vậy là ta sẽ chỉ dừng tại đó! Ta phải biết từ bỏ nấc thang thứ tư để có khả năng bước lên được nấc thang thứ năm. Trong lĩnh vực khoa học, để có thể tới gần với chân lý hơn, các nhà khoa học phải biết buông bỏ những kiến thức cũ. Không kẹt vào kiến chấp (phá chấp) là tinh thần của đạo Bụt. Quan điểm không phải là tuệ giác. Quan điểm không phải là trí tuệ. Chúng ta phải luôn trong tư thế sẵn sàng buông bỏ ý kiến, quan điểm của mình để đạt tới tuệ giác. Ta tự hào rằng ta đã hiểu về Tứ diệu đế, về Tương tức, về Duyên sinh, về Niệm, Định, Tuệ, nhưng những kiến thức đó chỉ là phương tiện để giúp ta đạt tới tuệ giác. Giáo lý không phải là tuệ giác.

Chiến tranh là hậu quả của thái độ cuồng tín, cố chấp. Nhìn sâu vào bản chất cuộc chiến tranh tại Iraq, ta có thể thấy đó cũng là một cuộc chiến tranh tôn giáo. Người ta lợi dụng niềm tin tôn giáo để phát động chiến tranh. Tổng thống Bush được các nhà truyền giáo cánh tả yểm trợ, trong khi đạo Hồi là điểm tựa cho lực lượng kháng chiến và khủng bố ở Iraq. Vậy nên ở mức độ nào đó, đây là cuộc chiến tranh tôn giáo. Hòa bình không thể tồn tại nếu chúng ta cứ khăng khăng giữ thái độ cuồng tín.

Hoa sen trong biển lửa

Năm 1966, tôi đã viết cuốn Hoa sen trong biển lửa, nhà xuất bản Hill and Wang xuất bản tại Hoa Kỳ. Cuộc chiến khi đó đang diễn ra rất dữ dội, chẳng khác gì một biển lửa. Con người giết hại lẫn nhau, máy bay Hoa Kỳ được phép đem bom thả trên những cánh rừng, lên đầu người dân. Vũ khí của Trung Quốc và Liên Xô cũng có mặt. Giới Phật tử đã cố gắng làm một điều gì đó để tìm lối thoát. Những ai không chấp nhận chiến tranh đã muốn làm gì đó để phản đối chiến tranh, nhưng giới Phật tử không có đài phát thanh hay truyền hình, họ không có phương tiện nào để bày tỏ hết.

Có trăng sao mười phương
Có nhân loại, có anh em đây
Cho tôi cất cao lời tố cáo cuộc chiến tranh này
Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn dã man thảm khốc
Ai xô chúng tôi vào vũng lầy giết chóc?
Xin làm chứng cho tôi
Hãy nghe tôi đây
Tôi nói rằng: Tôi không chấp nhận cuộc chiến tranh này
Chưa bao giờ và không bao giờ chấp nhận cuộc chiến tranh này
Tôi muốn nhắc lại một ngàn lần, trước khi tôi bị giết.

Tôi đã viết những dòng thơ như thế.

Kẻ thù ta không phải là người

Kẻ thù của chúng ta là hận thù, cuồng tín và bạo động. Kẻ thù của chúng ta không phải là con người. Nếu giết hết con người, ta sẽ ở với ai? Phong trào hòa bình ở Việt Nam rất cần sự yểm trợ của cộng đồng quốc tế, nhưng bạn bè quốc tế không thể nghe thấy chúng tôi. Vậy nên thỉnh thoảng chúng tôi lại phải tự thiêu để báo cho thế giới biết rằng chúng tôi không muốn cuộc chiến tranh này, xin hãy giúp chúng tôi chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này! Đạo Bụt giống như một bông hoa sen thanh lương đang cố sức vươn lên trong biển lửa nóng bức ấy của cuộc chiến.

Tôi đã dịch cuốn sách sang tiếng Việt và một người bạn Mỹ trong phong trào hòa bình mang nó về Việt Nam. Cuốn sách được in chui và rất nhiều bạn trẻ đã âm thầm phổ biến cuốn sách, hành động đó cũng giống như hành động kháng chiến vậy.

Nhiều bạn trẻ yêu cầu tôi xuất bản tập thơ về hòa bình. Các bạn gọi đó là thơ phản chiến. Tôi chiều ý. Các bạn trẻ đã thu thập được 60 bài thơ về hòa bình của tôi và trình cho chính quyền miền Nam để xin phép xuất bản. Chỉ có vài bài được chấp nhận, 55 bài bị kiểm duyệt. Nhưng các bạn không nản chí, họ đã cho in chui tập thơ và tập thơ bán hết rất mau. Ngay cả một số mật vụ cũng thích tập thơ bởi vì chính họ cũng đang là nạn nhân của cuộc chiến, họ tới hiệu sách và nói: “Đừng nên bày tập thơ ra như thế, phải giấu đi”. Các đài phát thanh Sài Gòn, Hà Nội và Bắc Kinh bắt đầu lên tiếng công kích tập thơ vì chúng kêu gọi hòa bình. Không ai muốn hòa bình, bên nào cũng chỉ muốn đánh cho đến cùng.

Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội

                                          Chùa Lá, trụ sở đầu tiên của trường TNPSXH

Năm 1964, chúng tôi thành lập trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (TNPSXH). Trường đào tạo những thanh niên trong đó có cả các thầy và các sư cô trẻ, để đi về miền quê giúp những người nông dân tái thiết thôn làng. Chúng tôi hỗ trợ dân làng trong bốn lĩnh vực: giáo dục, y tế, kinh tế và tổ chức. Các tác viên về thôn làng, chơi với trẻ em, dạy các cháu đọc, dạy các cháu viết và múa hát. Đến khi dân làng bắt đầu quý mến các tác viên, chúng tôi mới đề nghị xây dựng trường học cho các cháu. Người góp tre, nhà góp lá dừa và thế là các cháu có một ngôi trường. Các tác viên đều làm việc không lương. Sau khi dựng trường, chúng tôi dựng trạm y tế để phát các loại thuốc chữa những căn bệnh thông thường cho dân làng. Chúng tôi cũng mời sinh viên y dược hay bác sĩ về làng trong một hay hai ngày để giúp. Chúng tôi tổ chức các hợp tác xã, cố gắng hướng dẫn người dân những nghề thủ công để họ có thể cải thiện thu nhập cho gia đình. Những người dân phải tự mình bắt đầu. Trường TNPSXH được tổ chức trên tinh thần không chờ đợi, không dựa dẫm vào sự trợ giúp của chính phủ.               

Chúng tôi đã đào tạo rất nhiều bạn trẻ, các thầy, các sư cô trẻ. Cuối cùng chúng tôi có tới hơn mười ngàn tác viên hoạt động từ Quảng Trị trở vào. Trong suốt cuộc chiến tranh, chúng tôi đã bảo trợ cho hơn mười ngàn trẻ em mồ côi. Người trẻ là một phần không thể thiếu của phong trào đạo Bụt nhập thế.

Người Tiếp Hiện

Nghĩa đầu tiên của chữ Tiếptiếp nhận. Ta tiếp nhận từ tổ tiên huyết thống những cái hay, cái đẹp, những tuệ giác và đức độ. Ta tiếp nhận từ tổ tiên tâm linh giáo pháp nhiệm mầu, hạt giống tuệ giác. Đó là vốn liếng của ta. Vì vậy cho nên việc làm đầu tiên của người Tiếp Hiện là phải tiếp nhận cho được những cái hay, cái đẹp của tổ tiên trao lại.

Nghĩa thứ hai của chữ Tiếptiếp nối. Tiếp nối Bụt, tiếp nối Tổ, tiếp nối Thầy, tiếp nối tổ tiên. Một người con hiếu thảo là một người con tiếp nối được chí hướng của cha ông. Một người học trò có hiếu là một người học trò có thể tiếp nối được sự nghiệp của Thầy Tổ. Và muốn tiếp nối được thì ta phải tiếp nhận cho được chí nguyện và sự hành trì từ chư Bụt, từ chư Tổ và từ Thầy.

Nghĩa thứ ba của chữ Tiếptiếp xúc. Trước hết là tiếp xúc với hiện tại mầu nhiệm, với sự sống mầu nhiệm đang có mặt trong mình và quanh mình. Nhưng muốn tiếp xúc được với sự sống thì ta phải có mặt. Tiếp xúc như vậy để được nuôi dưỡng, để được chuyển hóa, để được lớn lên. Tiếp xúc đây cũng là tiếp xúc với những nỗi khổ niềm đau trong tự thân, trong hoàn cảnh, trong gia đình và xã hội của ta. Chỉ khi nào hiểu thấu được những nỗi khổ niềm đau của bản thân, của gia đình và của xã hội rồi thì ta mới biết cần phải làm gì và không nên làm gì để có thể chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau đó. Một mặt là tiếp xúc với những mầu nhiệm để được nuôi dưỡng, mặt khác là tiếp xúc với những khổ đau để hiểu, để thương và để chuyển hóa.

Chữ Hiện có bốn nghĩa:

Trước hết, chữ Hiện có nghĩa là hiện tại. Cái gì đang có mặt là sự sống, cái gì đang có mặt là tịnh độ. Chữ hiện có khi còn dịch là kiến, nghĩa là thấy những gì đang xảy ra xung quanh.

Nghĩa thứ hai của chữ Hiệnhiện pháp, là những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Hiện còn có thể dịch là kiến pháp, là những gì ta đang trông thấy trong giây phút hiện tại. Cái ta đang trông thấy là tăng thân, là cây thông, là những cơn mưa, là mặt trời v.v… Tất cả những cái đó ta phải tiếp xúc được. Những khổ đau hiện thực trong cuộc sống là những cái ta đang thấy và ta phải tiếp xúc. Ta không ở trong tháp ngà của tưởng tượng, của hý luận, của lý thuyết. Ta phải thực sự tiếp xúc với sự thật, với những mầu nhiệm của sự thật. Và nhờ có khả năng tiếp xúc với những gì đang thực sự xảy ra cho nên ta mới thực tập được cái gọi là Hiện Pháp Lạc Trú.

Nghĩa thứ ba của chữ Hiệnthực hiện, là làm cho mong muốn trở thành cụ thể. Sự tu chứng của ta cũng là thực hiện. Ước mơ, chí nguyện của ta là đạt tới tự do. Ta không muốn sống một cuộc đời hệ lụy, nô lệ. Ta muốn có tự do, tại vì chỉ có tự do mới đem lại hạnh phúc thực sự. Cho nên ta muốn xé toang những tấm lưới của đam mê, thù hận và ganh tị đang giam hãm ta. Những chiếc lưới ấy đang cuốn lấy ta nhưng ta không muốn kẹt vào những chiếc lưới ấy, ta muốn thoát ra.

Công phu thực tập hàng ngày là giá trị của vị hành giả. Nó giải phóng ta khỏi những chiếc lưới của địa vị, của danh lợi, của tham ái. Cái ta cần thực hiện là giải thoát, là tự do.

Nghĩa thứ tư của chữ Hiệnhiện đại hóa. Nghĩa là những pháp môn khế cơ, khế lý và thích hợp với thời đại.

Chữ Tiếp Hiện có nghĩa như vậy thì làm sao dịch ra tiếng Anh cho được. Thành ra phải tạm dịch sang tiếng Anh là Order of Inter-being. Hai chữ này cũng có gốc Hán-Việt, hiểu được ý nghĩa hai chữ đó thì sẽ hiểu được bản chất, hiểu được sự hành trì cũng như hướng đi của dòng tu Tiếp Hiện.

Với những ý niệm đó, ta có thể bắt đầu hiểu được thế nào là đạo Bụt đi vào cuộc đời, đạo Bụt nhập thế. Tu viện không nên là một thực tại bị cắt đứt khỏi cuộc đời. Tu viện phải được coi như là một vườn ươm để trồng những cây con. Và khi những cây con đã sống tốt, đã lớn đủ thì ta phải đem chúng trồng vào xã hội. Đạo Bụt có mặt là vì cuộc đời chứ không phải đạo Bụt có mặt chỉ vì đạo Bụt. Nếu không có cuộc đời thì không cần đạo Bụt. Sở dĩ có đạo Bụt là vì cuộc đời cần tới đạo Bụt. Cho nên các tu viện, các trung tâm tu học phải được coi như những vườn ươm. Trong tu viện, ta được che chở, ta có những điều kiện để lớn lên. Và khi ta đã lớn thì ta phải đi vào xã hội để phục vụ cho xã hội. Đó gọi là đạo Bụt đi vào cuộc đời.

                                                                       Sáu vị Tiếp Hiện đầu tiên

Đoàn Thanh niên cho một xã hội lành mạnh và từ bi

Năm 2008, chúng tôi đã thành lập một tổ chức cho thanh niên Phật tử và không Phật tử ở châu Âu, gọi là “Đoàn thanh niên cho một xã hội lành mạnh và từ bi”, hay còn gọi là “Phong trào Wake Up”. Rất nhiều bạn trẻ đã tới với chúng tôi, và chúng tôi muốn tập hợp các bạn trẻ ấy lại, thành đoàn thể. Đoàn thanh niên này sẽ hành trì năm phép thực tập chánh niệm (Năm giới) và sẽ đi vào cuộc đời để giúp tạo dựng một xã hội lành mạnh hơn, từ bi hơn. Nếu các bạn có cảm hứng với ý tưởng này thì xin mời các bạn, sau khi trở về nhà, hãy mời những người bạn của mình lập thành một nhóm “Thanh niên cho một xã hội lành mạnh và từ bi.

                                                                             Các học viên trường TNPSXH

Viện Phật học Ứng dụng

Chúng tôi cũng đã thành lập Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) tại Đức và Viện Phật học Ứng dụng châu Á (AIAB) tại Hồng Kông. Các viện Phật học Ứng dụng tổ chức rất nhiều khóa học lý thú. Các bạn cũng có thể tự tổ chức những khóa tu tại địa phương mình và chúng tôi sẽ gửi các vị giáo thọ Làng Mai tới hướng dẫn. Đó có thể là khóa tu 21 ngày dành cho các bạn đang chuẩn bị kết hôn. Các bạn sẽ được học cách để thành công trong cuộc sống lứa đôi. Cũng sẽ có khóa tu dành cho những người nhiễm AIDS hay mắc bệnh ung thư, để họ có thể sống chung an lạc với căn bệnh của mình. Cũng sẽ có những khóa học dành cho các doanh nhân, giáo viên, v.v… Cuối khóa học, các bạn sẽ được cấp một chứng chỉ. Một ngày nào đó bạn sẽ trở thành một vị giáo thọ để vào đời giúp người, để tiếp nối sự nghiệp của đức Thế Tôn.

Đạo Bụt ứng dụng cũng chỉ là một cách nói khác của đạo Bụt nhập thế.

Đạo Bụt ngày mai

Khoảng mười tuổi, tôi đã bắt đầu thích thú với đạo Bụt đi vào cuộc đời. Qua sách báo, ta biết rằng trong quá khứ đạo Bụt đã từng đóng một vai trò quan trọng trong việc đem lại hòa bình bền vững cho đất nước. Học lịch sử, ta thấy đời Lý, đời Trần đạo Bụt rất hưng thịnh. Từ trên xuống dưới, từ vua quan cho đến thứ dân đều hành trì đạo Bụt. Đó là sức sống tinh thần, là pháp thân của dân tộc, sự thực tập của cả một dân tộc.

Năm hai mươi tuổi, vua Trần Thái Tông đã có chí khí tu tập rất lớn. Vua có niềm đau trong lòng. Vượt thoát niềm đau, vua quyết tâm tu tập và đã thành công. Vua học Phật rất giỏi, thực tập thiền quán và đã sáng tác ra những tác phẩm Phật học giá trị còn lưu truyền cho tới ngày nay. Bốn mươi ba công án thiền và tác phẩm Lục thời sám hối khoa nghi của vua chứng tỏ rằng tuy làm chính trị nhưng vua vẫn dành thời gian để học Phật. Vua hành trì dâng hương, sám hối, ngồi thiền mỗi ngày sáu lần. Cứ sau hai giờ làm việc thì vua ngưng lại và thực tập hai mươi phút rồi tiếp tục làm công việc chính trị. Nếp sống tâm linh nuôi dưỡng ta, giúp ta vững mạnh để có thể làm một nhà chính trị giỏi. Đạo Bụt đi vào cuộc đời đã có từ lâu lắm rồi, trong truyền thống của đất nước ta. Đó không phải là một tư trào mới và chúng ta chỉ là sự tiếp nối truyền thống lâu đời ấy của tổ tiên mà thôi. Chúng ta đã có những tác phẩm như là Đạo Phật ngày nay, Đạo Phật hiện đại hóa, Đạo Phật đi vào cuộc đời… Và khi đã hiểu được ý nghĩa hai chữ Tiếp và Hiện thì câu chuyện của chúng ta thành ra rất đơn giản: Từ Phật giáo nhập thế ta phải đi tới Phật giáo ứng dụng. Chỉ có chừng đó thôi.

Chúng ta có thể giảng kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm rất hay, chúng ta có thể phân tích kinh Kim Cương rất giỏi nhưng những cái đó có thể chỉ để thỏa mãn trí năng. Chúng ta phải đặt câu hỏi: Áp dụng kinh Pháp Hoa như thế nào để giải quyết những vấn đề bức xúc, khổ đau, tuyệt vọng của ta? Áp dụng kinh Kim Cương như thế nào? Áp dụng giáo lý Tứ diệu đế, Bát chánh đạo như thế nào? Cái đó mới gọi là Phật học ứng dụng. Vì vậy đạo Bụt Ứng dụng đến để bổ túc cho đạo Bụt đi vào cuộc đời. Việc học Phật của chúng ta ở trong nước cũng như ở các trường đại học đều vẫn còn rất từ chương, rất lý thuyết. Đó không phải là cái học mà đức Thế Tôn gởi gắm. Là một vị giáo thọ thì thầy, sư cô phải cung cấp được Phật học ứng dụng cho những ai tới với mình và chỉ dạy cái mà mình đang làm. Là một vị cư sĩ, là một vị giáo thọ tập sự hay đã được truyền đăng thì ta cũng làm như vậy. Ta không học để khoa trương kiến thức Phật học của ta trong khi pháp đàm, trong khi pháp thoại. Ta chỉ nói và chỉ dạy những gì ta đang hành trì. Nếu dạy thiền hành thì ta phải thực tập thiền hành thành công tới một mức nào đó rồi mới nên dạy. Còn không thì đừng nên dạy, khoan dạy đã. Đó gọi là thân giáo. Dạy bằng sự sống của ta. Có những vị không thích nói pháp thoại nhưng họ có thể là những giáo thọ rất giỏi vì các vị ấy đi, đứng, nằm, ngồi, tiếp xúc, sống với đại chúng rất hài hòa, rất an lạc, rất cởi mở. Đó là những bài pháp thoại sinh động, là những viên ngọc quý của tăng thân. Những người đó không phải chỉ giới hạn trong những vị xuất gia. Trong giới tại gia cũng có nhiều vị tu tập rất giỏi, rất tĩnh lặng, rất bác học. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có những người như vậy. Các vị ấy là cư sĩ, nhưng cách các vị sống và hành trì khiến cho các thầy, các sư cô cũng phải kính nể và xem như bậc thầy của họ. Cư sĩ Thiều Chửu, tác giả cuốn Hán-Việt từ điển; cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám… là những người cư sĩ như thế. Họ lên pháp tòa và dạy kinh cho các thầy, các sư cô, nhưng họ có đầy đủ sự khiêm cung. Cư sĩ Lê Đình Thám mỗi khi lên bục giảng đều mặc áo tràng và đảnh lễ các thầy, các sư cô trước rồi mới dạy. Các thầy, các sư cô cũng rất kính trọng cư sĩ Lê Đình Thám. Ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều có các vị cư sĩ như thế. Các vị ấy được cung kính không phải bởi vì các vị giàu hay có quyền lực mà vì các vị có sự hành trì rất vững chãi. Các vị nói cái mà các vị làm.                       

Năm uẩn là tăng

Theo nguyên tắc, không có chướng ngại nào, không có rào cản nào ngăn cách giới xuất gia và giới tại gia tu tập và làm việc chung với nhau. Vì chúng ta có sứ mạng đem đạo Bụt đi vào cuộc đời, làm cho đạo Bụt trở thành hiện thực, có thể ứng dụng được trong mọi trường hợp, cho nên chúng ta rất cần các vị giáo thọ. Dòng tu Tiếp Hiện là một cánh tay nối dài của tăng thân xuất gia để đi vào cuộc đời. Cố nhiên các thầy, các sư cô, là những người xuất gia, cũng đi vào cuộc đời nhưng số lượng các thầy, các sư cô không đủ.

Chúng ta cần thêm rất nhiều những người Tiếp Hiện cư sĩ. Những người Tiếp Hiện cư sĩ là cánh tay nối dài của tứ chúng để vươn ra xã hội. Cần có hàng ngàn vị cư sĩ Tiếp Hiện như vậy, để làm việc, để giáo hóa. Cố nhiên ta không làm công việc của các vị giáo sư Phật học, ta làm công việc tổ chức tu học và ta phải là mẫu mực của sự tu học. Ta phải nắm vững các pháp môn, nắm vững Phật học ứng dụng. Ta phải có hạnh phúc khi ngồi, phải có hạnh phúc khi đi, phải có hạnh phúc khi thở. Ta phải có khả năng tổ chức một tăng thân tại địa phương và các thành viên trong tăng thân địa phương đó phải sống với nhau cho có hạnh phúc. Tăng thân phải có tình huynh đệ, gây được niềm tin cho người trong tỉnh, trong nước. Là người Tiếp Hiện, ta phải làm cho được chuyện đó. Tại mỗi quốc gia, mỗi thành phố đều phải có những tăng thân như thế.

Phối hợp tinh cần

Mười bốn giới Tiếp Hiện cần phải tu chỉnh lại. Chúng ta phải có một ủy ban nghiên cứu và tu chỉnh Mười bốn giới Tiếp Hiện. Người ta khen Mười bốn giới Tiếp Hiện, nhưng giới tướng Mười bốn giới Tiếp Hiện có thể đầy đủ và hay hơn. Trong giới thứ tư, giáo lý Tứ diệu đế đã được đưa vào nhưng vẫn còn khiếm khuyết. Trong giới ấy nói: “Tiếp xúc và quán chiếu về bản chất của khổ đau có thể giúp con phát khởi tâm từ bi và thấy được con đường thoát khổ.” Cái thiếu sót ở đây là tuy có nói tới khổ đau nhưng không nói tới khổ đau của mình trước. Sự thật là khi ta hiểu được nỗi khổ niềm đau của mình rồi thì ta mới có thể thực sự hiểu được nỗi khổ niềm đau của người khác. Thiếu sót là ở chỗ đó.

Con nguyện tìm tới với những kẻ khổ đau để hiểu biết được tình trạng của họ và để giúp đỡ họ. Bằng những phương tiện tiếp xúc, tường thuật, hình ảnh, âm thanh, con nguyện thường xuyên tự đánh thức mình và đánh thức những người xung quanh về sự có mặt của những khổ đau hiện thực khắp nơi trên thế giới.

Ở đây chỉ nói tới việc tìm tới với những kẻ khổ đau. Những việc này trên thế giới đã làm cả rồi. Nhưng việc nhận diện những khổ đau trong bản thân ta và quán chiếu vì sao chúng có mặt thì chưa nói tới. Điểm yếu của con người hiện tại là trốn tránh khổ đau của chính mình. Ta có những nỗi khổ niềm đau nhưng ta không có can đảm để nhận diện, để trở về, để quán chiếu, mà ta lại khỏa lấp niềm đau bằng cách tiêu thụ, bằng cách sử dụng âm nhạc, báo chí, tiểu thuyết và internet. Ta sử dụng những thứ đó không phải vì ta thực sự cần, mà chỉ vì ta không muốn tiếp xúc với khổ đau trong tâm ta. Ta đã không thực tập chữ Tiếp. Ta muốn tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống nhưng ta cũng phải tiếp xúc với những khổ đau của bản thân. Ta phải tìm cho ra được gốc rễ của những nỗi khổ niềm đau trong chính ta. Và khi hiểu được nỗi khổ niềm đau của chính mình rồi thì ta mới thấy được phương pháp diệt trừ. Cũng như hiểu được những khổ đau của ta rồi thì ta sẽ không làm cho người khác khổ đau nữa. Đây là điểm thiếu sót của giới này mà ta phải tu chỉnh lại.

Hiện giờ vấn đề về cái nhìn lưỡng nguyên là một trở ngại lớn. Điều đó không những trong chính trị, trong xã hội, trong tâm lý mà ngay trong khoa học cũng bị kẹt. Cho nên trong giới thứ nhất, ta phải đưa vào tuệ giác bất nhị. Tuệ giác bất nhị đánh tan được sự kỳ thị, sự cố chấp, sự phân biệt. Trong Năm giới ta đã làm được chuyện này. Năm giới hiện nay giống như Bồ tát giới. Chỉ cần thực tập Năm giới thôi là đã có hạnh phúc rất nhiều rồi, đã có thể là một vị Bồ tát rồi. Giới Tiếp Hiện ban đầu được thành lập là một hình thức của giới Bồ tát. Trong truyền thống Việt Nam, khi các thầy, các sư cô nhận giới Ba la đề mộc xoa là phải nhận thêm giới Bồ tát. Nhưng nhận giới Tiếp Hiện thì không cần nhận giới Bồ Tát nữa bởi vì giới Tiếp hiện chính là giới Bồ tát hiện đại của chúng ta.

Trong bốn mươi lăm năm hành đạo và thuyết pháp, Bụt đã thay đổi rất nhiều phương pháp giảng dạy và hành trì. Chúng ta cũng phải vậy. Bánh xe pháp mỗi ngày một đi tới. Hơn ba mươi năm qua, cách hành đạo của Làng Mai chứng tỏ rằng chúng ta luôn đi tới, luôn phát kiến những pháp môn mới, những cách giảng dạy mới có ích lợi hơn, có hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, mỗi năm người ta đều chế tạo ra những máy tính mới, những software mới. Về phương diện giáo dục cũng vậy, mỗi năm có những sách giáo khoa mới. Đạo Bụt cũng thế, phải có những tiến bộ, phải đẩy bánh xe tiến hóa đi về phía trước thì đạo Bụt mới có thể đóng được vai trò lãnh đạo tâm linh. Những cái này dòng tu Tiếp Hiện phải biết, phải biết ta đang đi phía trước, ta phải đẩy bánh xe đi tới và chư Bụt, chư Tổ đang trông chờ ta làm chuyện đó.

Đi như một dòng sông

Chúng ta có rất nhiều Phật sự phải làm và chúng ta phải làm những Phật sự đó trong tinh thần tu tập, coi đó như là đối tượng của sự tu học của ta chứ không phải là công việc. Chúng ta phải có niềm vui khi làm những chuyện đó. Chúng ta phải có năng lượng, phải có sức sống của chánh pháp. Tới tuổi này mà tôi vẫn còn đầy năng lượng, vẫn tiếp tục dịch kinh và tôi nghĩ rằng càng ngày kinh tôi dịch càng dễ hiểu hơn. Tôi có rất nhiều niềm vui trong khi dịch kinh, trong khi giảng dạy, trong khi thực tập, trong khi đi thiền, trong khi hướng dẫn tu tập. Vấn đề ở đây là vấn đề năng lượng. Nếu ta cảm thấy không có năng lượng là vì ta thiếu nguyện lực. Muốn làm cái gì đó cho quê hương, cho đất nước, ta phải có lý tưởng, phải có một nguyện lực, phải có một niềm tin. Người nào trong chúng ta, xuất gia hay tại gia, mà không thấy hăng hái lắm trong sự tu học, không chịu học, không chịu tu là do người ấy thiếu sức sống của chánh pháp, thiếu nguyện lực, thiếu một khối lửa trong trái tim. Mỗi người Tiếp Hiện phải có một khối lửa trong trái tim, nó cung cấp sức sống, nó đẩy ta đi tới. Cái đó không phải là danh lợi, không phải là địa vị mà là tình thương lớn, là nguyện lực lớn để trở thành sự tiếp nối xứng đáng của Bụt, của Tổ, của Thầy. Và chúng ta không làm chuyện đó như một cá nhân, chúng ta đang thực hiện nguyện lực lớn ấy như một tăng thân, như một dòng sông.

Đạo Bụt mà chúng ta thực tập ở Làng Mai là sự tiếp nối của đạo Bụt đó, đạo Bụt dấn thân, đạo Bụt đi vào cuộc đời, đạo Bụt với tâm nguyện chữa trị những vết thương hiện có của con người thời đại, đạo Bụt với tâm nguyện tìm ra một lối thoát cho những khổ đau có thật của chúng ta chứ không phải là thứ đạo Bụt tìm sự trốn tránh những khó khăn và đau khổ của cuộc đời.

                      Các vị Tiếp Hiện sau lễ truyền giới tại Làng Mai Thái Lan

(Biên tập từ các bài pháp thoại ngày 06-07 tháng 05 năm 2008 tại Hà Nội, Việt Nam và pháp thoại ngày 11 tháng 06 năm 2010 tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, Đức của Sư Ông Làng Mai.)

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh và câu chuyện về thống nhất lòng người

Đã 39 năm kể từ ngày đất nước ta sông liền lại với sông, núi liền lại với núi. Vào đêm trước của ngày kỷ niệm 39 năm thống nhất đất nước, lúc này đây, chúng tôi xin được cùng quý vị nghĩ về một sự thống nhất khác, không thể tách rời với sự thống nhất về địa lý. Đó là sự thống nhất về nhân tâm, về lòng người. Câu chuyện về hòa giải, hòa hợp dân tộc đang được chú trọng với những sự trở về ngày một nhiều của kiều bào, những công cuộc mà người trong nước và kiều bào cùng chung tay, và gần đây nhất là chuyến thăm Trường Sa của kiều bào chủ yếu từ Mỹ và châu Âu.

Cuộc hành trình về lại với nhau của đồng bào Việt Nam vẫn luôn có những dấu mốc đáng nhớ. Cách đây 7 năm, một nhân sỹ, một thiền sư sống ở nước ngoài cũng đã trở về để thực hiện một hành động thúc đẩy hòa hợp dân tộc chưa từng có. Người đó là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hay còn được gọi thân mật là Thầy.

Chánh niệm: Hạnh phúc ngay bây giờ!

Larry Kasanoff cùng Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại cốc Tùng Bút, tu viện Lộc Uyển, California

 

Làm thế nào mà ông biết đến sự thực tập chánh niệm?

Tôi được đọc một trong những cuốn sách của Thầy và rất thích cuốn sách ấy. Tôi liền liên lạc để xin gặp Thầy vì tôi nghĩ Thầy sẽ là nguồn cảm hứng lớn giúp tôi xây dựng một nhân vật mới cho seri phim hành động rất thành công mà tôi sản xuất là “Mortal Kombat” (được biết đến tại Việt Nam với tên “Rồng đen”). Rồi sau hai giờ đồng hồ nói chuyện với Thầy và một vị xuất sĩ khác, tôi cảm thấy dường như tôi vừa có ba ngày nghỉ dưỡng vậy. Tôi hỏi bí quyết của Thầy là gì. Thầy trả lời: “Không có bí quyết nào cả, chỉ là sự thực tập mà thôi”. Và tôi nghĩ: tôi có thể học được cách của Thầy hay không ?! Thế là tôi đã bị chinh phục.

Từ đó, chúng tôi đã trở thành bạn bè và tôi đã tới thăm Thầy rất nhiều lần để được học hỏi từ Thầy.

Thực tập chánh niệm đã làm cho cuộc sống của ông phong phú như thế nào?

Cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều! Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn, bình tĩnh hơn, nhưng lại có nhiều năng lượng hơn và giải quyết được nhiều thứ hơn. Tôi không còn nóng tính và khó chịu như trước đây. Thật tuyệt vời và đó là một sự học hỏi và thực tập không ngừng, luôn có gì đó để mình học hỏi thêm.

Có một ví dụ như thế này. Hàng năm tôi đều đi dự Liên hoan phim Cannes tại một nơi tuyệt đẹp ở miền nam nước Pháp. Mọi người tới đó để tìm cách ký kết những thỏa thuận, hợp đồng làm film… và họ hay căng thẳng, bực dọc và trách móc. Từ khi gặp được Thầy, mỗi khi thấy chuyện như vậy, tôi luôn dừng lại và nói: “Nhưng này, hãy xem chúng ta đang ở đâu, chúng ta đang ở trên một chiếc du thuyền tại miền nam nước Pháp! Ở đây thật là đẹp! Thật là một giây phút tuyệt vời!”. Không chắc là mọi người thực sự lắng nghe, nhưng tôi cứ nói lên như vậy!

Những thiền ngữ nào của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mà ông thích nhất?

Có ba câu tôi thích nhất (những câu này tôi đều có bằng thư pháp của Thầy):

1. Tĩnh lặng và Biết rõ (Be Still and Know)

2. Tâm bình, thế giới bình (Peace in Yourself, Peace in the World)

3. Không có con đường đi đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường (There is no way to happiness, Happiness is the Way)

Điều gì đã khiến ông làm bộ phim tài liệu “Chánh niệm: hạnh phúc ngay bây giờ!” ?

Thầy đề nghị tôi làm bộ phim này. Tôi là nhà làm phim hành động và chưa từng làm một bộ phim tài liệu nào, nhưng Thầy muốn tôi làm một bộ phim chỉ chuyên về chánh niệm mà thôi. Thầy nói rất rõ rằng đó không phải là một bộ phim về Thầy hay về những vị xuất sĩ khác, mà phải là phim để dạy về chánh niệm. Chúng tôi đã trao đổi với nhau làm thế nào để bộ phim này có thể đến được với công chúng một cách rộng rãi hơn so với những bộ phim tài liệu thông thường.

Bởi tôi rất thương kính Thầy và tôi nghĩ thông điệp “Tâm bình, thế giới bình” của Thầy thật là tuyệt vời và rất quan trọng, nên tôi đã làm bộ phim này.

Thêm vào đó, tôi cảm thấy mình thật may mắn được học hỏi rất nhiều từ Thầy cũng như từ sư cô Chân Không và sư cô Đẳng Nghiêm, vậy nên tôi muốn làm sao để có thể chia sẻ những điều này với thế giới.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có cho ông những chỉ dẫn cụ thể nào để dựng bộ phim này không?

Có, Thầy muốn bộ phim này KHÔNG phải là về Thầy, không khoa trương, không khai thác khía cạnh đời tư. Chỉ tập trung duy nhất một chủ đề thôi, đó là chánh niệm, chánh niệm và chánh niệm. Bởi vậy mà ngoài Thầy, sư cô Chân Không và sư cô Đẳng Nghiêm, chúng tôi còn mời thêm nhiều người thú vị và nổi tiếng chia sẻ trong bộ phim này.

Chúng tôi còn thảo luận về chuyện làm bộ phim như thế nào để hướng đến cả những người chưa từng biết đến sự thực tập tâm linh. “Những người mà chúng ta có thể gieo vào tâm họ một hạt giống chánh niệm”, như sư cô Đẳng Nghiêm nói.

Điều này rất quan trọng. Tôi thấy thông thường người ta có xu hướng làm những bộ phim hướng về những người đã biết đến sự thực tập tâm linh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tôi có thể giúp giới thiệu pháp môn chánh niệm cho những ai đang tìm kiếm một cái gì đó nhưng chưa có cơ hội biết đến sự thực tập chánh niệm.

Ông đã học được gì từ Thầy, sư cô Chân Không và sư cô Đẳng Nghiêm?

Những gì tôi học được thì tôi đã thể hiện trong bộ phim. Đó là một trong những lý do khiến tôi làm bộ phim này. Bởi vậy khi tôi muốn giải thích về chánh niệm, tôi chỉ cần giới thiệu bộ phim. Bộ phim là những gì tôi hiểu về pháp môn chánh niệm. Và khi thực tập chánh niệm, tôi thường nghĩ đến lời Thầy dạy: “Tĩnh lặng và biết rõ”. Giờ đây mọi lúc tôi đều chú tâm vào sự thực tập này!

Ông đã chọn các chủ đề để thảo luận trong quá trình làm phim như thế nào?

Khi làm một bộ phim tài liệu, bạn phải thực hiện rất nhiều cảnh quay và sau đó biên tập lại. Tôi đã muốn làm hai điều: giới thiệu và dạy về chánh niệm cho những người chưa biết thực tập và giúp cho người xem trải nghiệm sự thư giãn và chánh niệm chỉ qua việc xem phim.

Tôi đã đặt những câu hỏi dựa trên những gì tôi đã học được, và những gì tôi nghĩ là sẽ làm mọi người cảm thấy thú vị, dựa trên những kinh nghiệm chuyên sâu từ những vị khách mời đặc biệt trong bộ phim.

Có một điều thú vị là trong suốt vài tuần chúng tôi đã biên tập rất nhiều cảnh quay, từ những cảnh quay kéo dài hàng giờ xuống còn có 90 phút. Và tôi cảm thấy vô cùng thư giãn bởi vì suốt trong thời gian biên tập, tôi được lắng nghe bao nhiêu là tuệ giác từ tất cả những vị khách mời tuyệt vời của chúng tôi. Thông thường thì việc biên tập là một công việc rất căng thẳng. Còn lần này thì chỉ là thực tập chánh niệm thôi!

Ông có thể cho biết Thầy và những vị xuất sĩ đã tham gia vào quá trình làm phim như thế nào?

Những cảnh quay về Thầy và các vị xuất sĩ Làng Mai được làm trong rất nhiều lần và các vị rất dễ thương và nhẫn nại với chúng tôi. Có một lúc tôi muốn đưa vào phim một siêu mẫu, một ngôi sao thể thao, một võ sĩ chuyên nghiệp, và vài đoạn từ những bộ phim nổi tiếng, với mục đích làm cho bộ phim hấp dẫn đông đảo khán giả hơn, nhưng sư cô Chân Không và những vị xuất sĩ khác đã hoàn toàn phản đối ý tưởng này.

Trong khi đó, Thầy lại có vẻ hiểu mục đích của tôi là muốn đưa bộ phim đến được với đông đảo công chúng bằng cách đưa vào phim những nhân vật nổi tiếng trong giới thể thao và người mẫu. Tôi vẫn nghĩ rằng điều này sẽ có ích, nhưng vì sự kính trọng với sư cô Chân Không, tôi đã quyết định không làm điều đó.

Làm thế nào ông thuyết phục được những nhân vật nổi tiếng như Deepak Chopra, Oliver Stone – nhà làm phim đoạt giải Oscar, Tiến sĩ Blaise Aguirre, Cesar Millan và Sharon Stone tham gia vào bộ phim này?

Một vài vị trong số khách mời của bộ phim thì tôi đã quen biết từ trước (như Oliver và Blaise). Tôi cũng quen người quản lý của Sharon. Những người khác thì chúng tôi chỉ điện thoại và đề nghị. Mọi người đều biết ai trong ngành giải trí có thể giúp được vì tôi đã làm rất nhiều phim. Những vị này đều rất tuyệt vời và rộng rãi thời gian cũng như kiến thức.

Ông có thể chia sẻ những giây phút hạnh phúc mà ông có với Thầy, với sư cô Chân Không hay với sư cô Đẳng Nghiêm?

Tôi nghĩ rằng mọi giây phút tôi ở bên Thầy, sư cô Chân Không hay sư cô Đẳng Nghiêm đều là những giây phút hạnh phúc!

Có một lần, tôi mời các vị xuất sĩ tới nói chuyện với nhóm người trong ngành giải trí tại nhà tôi. Mọi người nói rằng buổi tối hôm đó đã thay đổi cuộc đời của họ. Thầy đã tới thăm phòng thiền mà tôi làm, vì Thầy đã khuyên phải có một căn phòng như vậy tại nhà! Thật tuyệt vời là tôi đã được tiếp Thầy và các vị xuất sĩ tại phòng thiền đó.

Tôi nghĩ có một điều mà mọi người có thể chưa biết, đó là ngoài chuyện chánh niệm và hiểu biết, các vị xuất sĩ còn rất hài hước! Thầy cũng rất có khiếu hài hước và rất ấm áp.

Một lần, khi đang quay phim trong một ngày rất nóng bức thì mấy cái camera bị trục trặc. Tôi nghĩ chuyện này thật là quá sức chịu đựng cho mọi người có mặt lúc đó, nhưng Thầy liền nói: “Đây là giây phút tuyệt vời. Chúng ta hãy tận hưởng sự bình an đang có mặt!”. Và tôi thấy chẳng phải là rất hay nếu mỗi bộ phim đều được làm theo cách này sao!

Thầy, sư cô Chân Không và sư cô Đẳng Nghiêm đã xem bộ phim chưa? Và có phản ứng như thế nào về bộ phim?

Tôi nghĩ câu hỏi này bạn nên hỏi trực tiếp các vị ấy!

Ông có lời khuyên nào cho những người trẻ đang quan tâm tới thực tập chánh niệm theo phương pháp của Thầy không?

Hãy xem bộ phim!

Tôi nói giỡn chút thôi. Tôi nghĩ  rằng đối với ai đã quan tâm tới sự thực tập chánh niệm thì nếu họ được đọc những cuốn sách của Thầy sẽ rất hay. Tôi thường mang tặng cuốn “An lạc trong từng hơi thở” (Peace is every breath). Trong đó giới thiệu, như Thầy nói, với một hơi thở sâu sắc hơn mà bạn có, ngày hôm nay sẽ tốt hơn ngày hôm qua. Thầy làm cho việc thực tập trở nên dễ dàng và không bị áp lực, và Thầy chia sẻ về sự thực tập với một năng lượng thật bình an, lắng dịu.

Mà tôi nghĩ một khi có người đã quan tâm thì một nửa vấn đề đã được giải quyết rồi. Có rất nhiều người đang cần một cái gì đó nhưng không biết về chánh niệm và họ sẽ quan tâm nếu họ được biết về thực tập này.

Tôi hy vọng là bộ phim này sẽ chỉ ra cho họ cánh cửa để họ có thể đi vào, sau đó họ có thể đọc những cuốn sách của Thầy và có thể từ đó đi tiếp.

Đó là điều mà chúng tôi muốn đạt được qua bộ phim, và là điều mà tôi hy vọng các bạn sẽ giúp thực hiện. Đối với những người đang thực tập theo pháp môn Làng Mai thì có hàng ngàn người đang muốn tìm hiểu những gì mà các bạn đang thực tập!

Ông có thông điệp nào gửi đến những độc giả của trang nhà Làng Mai (langmai.org / plumvillge.org)?

Bộ phim là thông điệp của tôi! Đó là những gì tôi đã học được về chánh niệm. Thực tập này càng được chia sẻ rộng rãi bao nhiêu thì sẽ càng giúp được nhiều người bấy nhiêu.

Mindfulness: Be Happy Now – Trailer from Threshold Entertainment on Vimeo.

 

Nguồn: https://plumvillage.org/news/mindfulness-be-happy-now-documentary/

Hòa bình bắt đầu từ chính bạn

Tôi vừa được gặp Thầy Nhất Hạnh tại tu viện Kim Sơn ở miền Bắc California. Tôi rất hạnh phúc được ngồi trên gối thiền và uống trà với Thầy, nhưng tôi cũng vui không kém khi Thầy đưa tay chỉ xấp giấy câu hỏi mà tôi đang để bên cạnh. Nếu không thì e rằng một tiếng đồng hồ sau, cuộc phỏng vấn vẫn chưa thể bắt đầu dù đã có chuông báo giờ ăn trưa.

Thầy Nhất Hạnh, một thầy tu Phật giáo người Việt Nam đã được Mục sư Martin Luther Jr. đề cử cho giải Nobel Hòa Bình năm 1967, vì Thầy đã đóng một vai trò trọng yếu trong phong trào kêu gọi hòa bình cho Việt Nam. Thầy là tác giả của hơn một trăm cuốn sách như: Thương yêu thành hành động (Love in action), An lạc từng bước chân (Peace is very step), Phép lạ của sự tỉnh thức (The Miracle of Mindfulness), Không sinh không diệt, đừng sợ hãi (No Death, No Fear). Hiện nay Thầy đang sống tại tu viện Làng Mai, Pháp quốc.

(John Malkin)

John Malkin: Thưa Thầy, xin Thầy cho biết nguồn gốc của Đạo Bụt Nhập thế (hay đạo Bụt dấn thân – Engaged Buddhism) và Thầy làm thế nào để kêu gọi sự thay đổi xã hội dựa trên lòng từ bi?

Thầy:

Đạo Bụt Nhập thế cũng chỉ là đạo Bụt mà thôi. Khi mà bom đạn rơi trên đầu của đồng bào thì chúng tôi không thể ngồi tọa thiền suốt ngày trong thiền đường được. Thiền không chỉ là ý thức được những gì đang xảy ra trong thân hay trong cảm thọ của mình mà còn ý thức cả những gì đang xảy ra chung quanh mình.

Khi tôi còn là một sa di, chúng tôi – những người tu trẻ – đã chứng kiến bao khổ đau, mất mát do chiến tranh gây ra. Vì vậy chúng tôi thao thức thực tập đạo Bụt như thế nào để có thể đem áp dụng được vào đời sống xã hội. Điều đó không dễ, tại vì sự thực tập đạo Bụt lúc bấy giờ vẫn chưa thể hiện một cách trực tiếp tính chất nhập thế. Vì vậy chúng tôi phải tự mình khởi xướng, đó là hoàn cảnh ra đời của đạo Bụt Nhập thế.

Đạo Bụt phải dính líu tới đời sống hàng ngày của chúng ta, dính líu tới niềm đau nỗi khổ của chúng ta và của những người chung quanh. Chúng ta phải thực tập như thế nào để trong khi giúp đỡ cho một đứa trẻ bị thương, ta vẫn có thể duy trì được hơi thở chánh niệm. Chúng ta không nên đánh mất mình trong công việc. Làm việc cũng chính là thiền tập.

John Malkin: Những nhân duyên nào đã đưa Thầy đến nước Mỹ lần đầu tiên vào năm 1966, và chuyện gì đã xảy ra trong khi Thầy đang ở đó?

Thầy:

Tôi được trường đại học Cornell mời sang để thuyết giảng. Nhân cơ hội này, tôi trình bày về những khổ đau  đang diễn ra tại Việt Nam do chiến tranh gây ra. Sau đó tôi được biết là nhà nước Việt Nam không muốn tôi trở về quê hương. Vì vậy tôi phải ở lại và tiếp tục làm việc ở đây. Tôi không có ý định sang Tây phương để giảng dạy về đạo Bụt. Nhưng vì bị lưu đày khỏi quê hương nên tôi mới làm công việc này. Cơ hội để chia sẻ về đạo Bụt tại Tây phương đến với tôi một cách tự nhiên như vậy thôi.

John Malkin: Trong thời gian ở Mỹ, Thầy đã học được điều gì?

Thầy:

Điều đầu tiên tôi học được là: ngay cả khi có thật nhiều tiền bạc và quyền hành, người ta vẫn đau khổ như thường. Nếu trong ta không có đủ bình an và từ bi thì chúng ta không thể nào có hạnh phúc. Rất nhiều người ở châu Á muốn tiêu thụ như người châu Âu hay châu Mỹ. Vì vậy khi giảng dạy ở Trung Quốc, Thái Lan hay những nước châu Á khác thì tôi đều cho họ biết là ở Tây phương người ta đau khổ rất nhiều vì nghĩ rằng tiêu thụ sẽ mang lại cho họ hạnh phúc, vì vậy quí vị phải trở về với những giá trị truyền thống của mình và thực tập cho sâu sắc.

John Malkin: Thầy đã học được gì từ Mục sư Martin Luther King Jr. và phong trào dân quyền ở Mỹ?

Thầy:

Lần cuối tôi gặp Mục sư Martin Luther King là ở Genève, trong hội nghị hòa bình có tên là “Paix sur Terre” (Hòa bình trên Trái đất). Tôi nói với Mục sư King là nhân dân Việt Nam rất biết ơn Mục sư vì đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Người dân Việt Nam xem Mục sư như một vị đại Bồ tát, một người suốt đời tranh đấu cho nhân quyền của người dân đất nước mình, đồng thời luôn yểm trợ cho nhân dân Việt Nam. Tôi rất vui vì đã nói được điều đó với Mục sư King, vì chỉ ba tháng sau đó thì Mục sư bị ám sát.

John Malkin: Thầy nghĩ như thế nào về phong trào hòa bình lúc bấy giờ ở Mỹ?

Thầy:

Vào thập niên 60, người dân Mỹ rất từ bi và sẵn sàng yểm trợ chúng tôi trong việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng những người tham gia phong trào hòa bình ở Mỹ không có đủ kiên nhẫn. Họ rất dễ nổi giận khi những gì họ làm không đem lại kết quả như mong muốn. Có rất nhiều giận dữ và bạo động trong các phong trào hòa bình lúc bấy giờ.

Bất bạo động và từ bi là nền tảng của phong trào đấu tranh cho hòa bình. Nếu không có đủ bình an, sự hiểu biết và thương yêu trong chính tự thân thì những công việc mà chúng ta làm không phải thật sự là vì hòa bình. Chúng ta đều biết là hòa bình phải bắt đầu từ chính tự thân, nhưng không phải nhiều người trong chúng ta biết cần phải làm như thế nào để có được điều đó.

John Malkin: Người ta thường nghĩ rằng mình phải lựa chọn: một là dấn thân để mang lại sự thay đổi trong xã hội, hai là tập trung phát triển đời sống tâm linh cá nhân. Thầy nghĩ như thế nào về quan niệm này?

Thầy:

Theo tôi thì đây là cái nhìn nhị nguyên. Mục đích của sự tu học là để chuyển hóa khổ đau, khổ đau trong ta và khổ đau chung quanh ta – hai cái này có liên hệ mật thiết với nhau. Nếu đi lên núi để tu tập một mình thì ta sẽ không có cơ hội để nhận diện được sự giận dữ, ganh tỵ hay tuyệt vọng trong ta. Vì vậy, va chạm với những người khác cũng cần thiết, để ta có thể thấy rõ những tâm hành trong tự thân. Có như vậy, ta mới có thể nhận diện và nhìn sâu vào bản chất của những tâm hành đó. Nếu không hiểu được nguồn gốc của phiền não thì chúng ta sẽ không thể nào thấy được con đường đưa đến sự chấm dứt phiền não. Do vậy, khổ đau cũng rất cần thiết cho sự thực tập của chúng ta.

John Malkin: Lúc tòa tháp đôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới (World Trade Center) bị phá hủy, có người hỏi Thầy sẽ nói gì với những kẻ đã gây ra thảm họa này. Thầy trả lời là Thầy sẽ lắng nghe họ với tâm từ bi để hiểu được khổ đau của họ. Xin thầy chia sẻ về sự thực tập lắng nghe sâu. Sự thực tập này giúp ích như thế nào trong hoàn cảnh cá nhân cũng như trong biến cố của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới?

Thầy:

Trước tiên chúng ta phải thực tập lắng nghe chính mình. Nếu không biết lắng nghe chính mình thì khó mà lắng nghe được người khác hay một nhóm người khác.

Tôi khuyên người Mỹ nên lắng nghe chính họ trước, tại vì có rất nhiều khổ đau ngay trong biên giới của nước Mỹ. Có rất nhiều người đang sống trên đất Mỹ nghĩ rằng họ là nạn nhân của sự bất công và kỳ thị, họ chưa bao giờ được lắng nghe và được hiểu.

Tôi đã đưa ra một đề nghị rất cụ thể: chúng ta nên thành lập một nhóm người – một dạng như cơ quan dân biểu – để thực tập lắng nghe khổ đau của người dân đang sống trên đất Mỹ. Tôi tin chắc rằng có những người Mỹ có khả năng lắng nghe với tâm từ bi. Chúng ta phải tìm và mời họ tới giúp. Chúng ta phải kêu gọi những người có khổ đau tới nói cho ta biết những gì chất chứa trong lòng họ. Họ nên nói ra hết. Lắng nghe những chia sẻ như vậy không phải là chuyện dễ dàng.

Nếu nước Mỹ biết thực tập lắng nghe những khổ đau của người dân trong đất nước mình thì họ sẽ học hỏi được rất nhiều. Tuệ giác lớn sẽ phát sinh. Và căn cứ trên tuệ giác đó, người Mỹ sẽ bắt đầu đưa ra những biện pháp để sửa chữa lại những lỗi lầm đã làm trong quá khứ.

Nếu thành công thì nước Mỹ có thể đưa sự thực tập này áp dụng trên bình diện quốc tế. Sự thật là ai cũng đều biết nước Mỹ có khả năng đánh trả, đánh thật mạnh và làm cho nhiều người khổ đau. Nhưng theo tôi, nếu không trả đũa theo cách đó thì nước Mỹ sẽ được kính nễ hơn và có nhiều sức mạnh hơn nữa.

John Malkin: Sau biến cố ở Trung Tâm Thương Mại Thế Giới thì những người đã từng tin vào đường lối bất bạo động nói rằng: cần phải hành động, cần phải sử dụng bạo lực. Thầy nghĩ như thế nào?

Thầy:

Bạo động chỉ làm phát sinh thêm bạo động mà thôi. Chỉ có lòng từ bi mới có thể làm giảm bớt bạo động. Từ bi không phải là một sự mềm yếu như ta tưởng. Lòng từ bi đòi hỏi chúng ta phải có rất nhiều can đảm.

John Malkin: Theo tâm lý học Tây phương thì khi giận dữ, nếu muốn hết giận thì ta phải hét to lên hoặc đánh đấm thật mạnh vào gối. Trong cuốn sách Giận, Thầy đã chỉ trích phương pháp đó. Tại sao Thầy nghĩ phương pháp đó không giúp được cho người ta hết giận?

Thầy: Trong tâm lý học Phật giáo, chúng tôi dùng danh từ "hạt giống" để nói về tâm thức. Trong tâm chúng ta có hạt giống giận, nhưng đồng thời cũng có hạt giống từ bi. Sự thực tập của chúng ta là làm lớn lên hạt giống từ bi và làm nhỏ lại hạt giống giận. Chúng ta nghĩ là nếu trút cơn giận ra thì mình sẽ hết giận, nhưng điều này không đúng. Khi để cơn giận biểu lộ ra ngoài, hoặc bằng lời nói hoặc bằng bạo lực thì chúng ta chỉ tưới tẩm thêm hạt giống giận mà thôi. Hạt giống đó sẽ lớn mạnh lên trong ta. Phương pháp đó rất nguy hiểm.

Vì vậy nhận diện hạt giống giận và tìm cách trung hòa năng lượng giận bằng năng lượng của hiểu và thương là cách duy nhất để làm giảm bớt cơn giận trong ta. Chúng ta không thể chuyển hóa được cơn giận nếu ta không hiểu được nguồn gốc của nó.

John Malkin: Nhiều người cho rằng hạnh phúc và giác ngộ chỉ có thể có được trong tương lai và chỉ một số ít người trải nghiệm được mà thôi. Như vậy giác ngộ hình như là một điều không thể đạt được.

Thầy:

Hạnh phúc và giác ngộ là những thực thể sống (living things) và có thể lớn lên. Chúng ta có thể nuôi dưỡng hạnh phúc và giác ngộ mỗi ngày. Nếu ta không nuôi dưỡng giác ngộ thì nó có thể chết đi. Nếu ta không nuôi dưỡng hạnh phúc thì hạnh phúc sẽ mất. Nếu ta không nuôi dưỡng tình thương thì tình thương cũng sẽ úa tàn. Cũng tương tự như vậy, nếu ta tiếp tục nuôi dưỡng cơn giận, sự hận thù, sợ hãi thì chúng sẽ lớn lên. Bụt nói rằng không có gì có thể sống mà không có thức ăn. Điều này cũng đúng với giác ngộ, hạnh phúc, lo buồn và khổ đau.

Trước tiên, giác ngộ phải là giác ngộ về cái gì? Ví dụ như khi uống trà, mình ý thức là mình đang uống trà. Ý thức về hành động uống trà là một hình thức của sự giác ngộ. Chúng ta đã uống trà biết bao nhiêu lần nhưng ta không biết là mình đang uống trà tại vì chúng ta bị đắm chìm trong những lo lắng, suy tư. Vì vậy có chánh niệm trong khi uống trà đã là một loại giác ngộ rồi.

Nếu chúng ta có khả năng chú tâm vào việc uống trà thì trong khi uống trà, ta đã có hạnh phúc. Ta có khả năng thưởng thức trà ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Nếu không biết cách uống trà trong chánh niệm thì mình không thật sự uống trà, mà mình uống những lo buồn, sợ hãi hay giận dữ, khi đó mình không thể nào có hạnh phúc.

Tuệ giác cũng là giác ngộ. Ý thức được là mình đang còn sống, mình đang đi trên hành tinh xinh đẹp này, đó là một hình thức giác ngộ. Cái thấy đó không tự nhiên mà có được. Mình phải có chánh niệm để thưởng thức được từng bước chân. Và một lần nữa, mình phải giữ gìn tuệ giác đó để hạnh phúc được kéo dài. Nếu mình đi như bị ma đuổi thì hạnh phúc sẽ chấm dứt.

Những giác ngộ nhỏ này kéo theo những giác ngộ nhỏ khác. Và chúng ta phải luôn luôn nuôi dưỡng những giác ngộ nhỏ đó để giác ngộ lớn có thể xảy ra. Vì vậy một giây phút sống trong chánh niệm đã là một giây phút giác ngộ. Nếu chúng ta thực tập sống như vậy thì hạnh phúc và giác ngộ sẽ tiếp tục lớn lên. Nếu chúng ta duy trì hạnh phúc và giác ngộ thì buồn phiền và lo sợ sẽ không có nhiều cơ hội để biểu hiện ra. Không biểu hiện ra một thời gian thì chúng sẽ từ từ yếu đi. Nếu có người nào đụng chạm tới hạt giống buồn phiền, lo sợ, giận dữ trong ta thì ta biết trở về với hơi thở và nụ cười chánh niệm. Và ta có thể ôm ấp được khổ đau của mình.

John Malkin: Trong khi thiền, chúng tôi thường nhận thấy tâm trí của mình rất bận rộn và mình không thực tập đúng. Thầy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Thầy:

Thiền tập là niềm vui, là sự thưởng thức mà không phải là công phu lao tác. Khi được mời một tách trà, đó là cơ hội để chúng ta có hạnh phúc. Mình uống trà như thế nào để thật sự có mặt trong giây phút đó. Nếu không có mặt thì làm sao mình thưởng thức được trà? Hoặc như khi được mời ăn cam, mình ăn như thế nào để có tự do và hạnh phúc trong khi ăn. Mình phải tập luyện như thế nào để ăn cam cho đàng hoàng, để có được hạnh phúc và tự do trong khi ăn. Khi đến tham dự một khóa tu chánh niệm, quí vị sẽ được hướng dẫn cách thực tập để có được tự do và hạnh phúc trong khi ăn cam, trong khi uống trà hay trong khi đi.

Quí vị có thể thưởng thức từng bước chân trong khi đi. Những bước chân như vậy có tính chất nuôi dưỡng, trị liệu và đem lại cho quí vị nhiều tự do hơn. Nếu có được một người bạn đã từng thực tập giỏi pháp môn thiền hành thì người đó có thể yểm trợ cho quí vị. Quí vị có thể thực tập bất cứ lúc nào, không phải cho tương lai mà là cho giây phút hiện tại. Nếu hiện tại tốt đẹp thì tương lai sẽ tốt đẹp, tại vì tương lai được làm bằng yếu tố hiện tại. Nếu có khả năng đi từng bước chân tự do, an lạc thì dù quí vị đi bất cứ đi nơi đâu, nơi đó sẽ trở thành Tịnh độ của Bụt. Tịnh độ của Bụt không phải là vấn đề của tương lai.

John Malkin: Thầy đã băn khoăn không biết đức Bụt kế tiếp sẽ xuất hiện dưới hình thức của một cá nhân hay của một đoàn thể…

Thầy:

Tôi nghĩ là Bụt đã có mặt ở đây rồi. Nếu có đủ chánh niệm mình sẽ thấy được Bụt ở khắp nơi, nhất là trong tăng thân. Thế kỷ 20 là thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân, nhưng chúng ta không muốn như vậy nữa. Chúng ta muốn sống với nhau như một đoàn thể. Chúng ta muốn đi với nhau như một dòng sông chứ không phải như một giọt nước riêng rẽ. Dòng sông có thể ra tới biển nhưng một giọt nước thì sẽ bị bốc hơi trên đường đi. Vì vậy cho nên chúng ta có thể nhận ra được sự có mặt của Bụt ngay bây giờ và ở đây. Tôi nghĩ rằng mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi lời nói có chánh niệm là sự biểu hiện của Bụt. Đừng tìm Bụt ở nơi nào khác. Bụt có mặt trong nếp sống tỉnh thức của chúng ta.

 

Nguồn: http://www.lionsroar.com/in-engaged-buddhism-peace-begins-with-you/

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được trao giải Hòa bình trên Trái đất

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người nổi tiếng trong việc xây dựng nhịp cầu tâm linh giữa Âu và Á, vừa được chọn trao giải “Hòa Bình trên Trái Ðất” (Pacem in Terris) năm 2015, một giải thưởng hàng năm của Thiên Chúa Giáo toàn cầu.

Giải thưởng “Pacem in Terris” do Ðức Giáo Hoàng John XXIII đề xướng từ năm 1963 với mục đích “vinh danh các nhân vật tạo được những thành tựu về Hòa Bình và Công Lý, không chỉ riêng cho đất nước của họ mà cho toàn thế giới”. Đã có sáu trong 42 người đạt giải thưởng Pacem in Terris nhận được giải Nobel Hòa Bình như Mục sư Martin Luther King, Mẹ Teresa, Tổng Giám mục Desmond Tutu, Mairead Corrigan Maguire, Adolfo Pérez Esquivel, và Lech Wałęsa.)

Theo đúng truyền thống, người được vinh danh sẽ đến Davenport, Iowa để nhận giải thưởng. Tuy nhiên, vì Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (thường được các thiền sinh tu tập với Người gọi một cách thân thương là “Thầy”) năm nay đã 89 tuổi, và đang dưỡng bệnh, Giám Mục Martin Amos đã đến tận tu viện Lộc Uyển (Deer Park Monastery) ở Nam California vào ngày 31/10/2015, để trao giải. Sư Cô Chân Không và thầy Pháp Đăng đã thay mặt Thiền sư nhận giải thưởng này, với sự hiện diện của 120 quý thầy, quý sư cô và 500 thiền sinh đang tham dự khóa tu tại tu viện Lộc Uyển, California.

Chứng thư mà Giám mục Martin Amos trao cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nội dung như sau:

“Giải thưởng Hòa Bình trên Trái Đất (Pacem in Terris) 2015 được trao cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp hòa bình và công lý.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhịp cầu nối liền các truyền thống tâm linh Á – Âu. Giáo lý chính yếu mà Thiền sư giảng dạy là: với sự thực tập chánh niệm, chúng ta có thể chế tác ra được nguồn năng lượng giúp chúng ta sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Trong phong trào Đạo Bụt Dấn thân (Engaged Buddhism) mà Thầy khởi xướng, năng lượng chánh niệm được sử dụng để nuôi dưỡng hiểu biết và bao dung đối với chính mình, đồng thời nuôi dưỡng hành động từ bi vì lợi ích của mọi người và của Trái Đất. Những nỗ lực của Thầy trong việc giúp xây dựng lại những ngôi làng bị chiến tranh tàn phá và cứu giúp các thuyền nhân Việt Nam đã minh chứng cho con đường của Đạo Bụt Dấn thân mà Thầy đã chọn.

Thầy đã sống đúng với những lời trong Thông điệp Hòa bình trên Trái đất (Pacem in Terris) của Ðức Giáo Hoàng John XXIII, là “một tia sáng rực rỡ, một suối nguồn của thương yêu và một chất men” cho tất cả huynh đệ của mình trên khắp thế giới.”

Giải thưởng “Hòa Bình trên Trái Ðất” được trao đúng dịp kỷ niệm 50 năm Mục Sư Martin Luther King nhận được giải này. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo – Mục sư Martin Luther King và Thiền sư Thích Nhất Hạnh –  đã cùng chia sẻ lý tưởng tranh đấu cho hòa bình bằng phương tiện bất bạo động, gây ảnh hưởng lớn đến không khí chính trị vào những năm cuối thập niên 1960.

Đau buồn bởi cuộc chiến tranh đang xảy ra trên quê hương mình, và tìm thấy nơi Mục sư King một người bạn cùng lý tưởng tranh đấu cho hòa bình, Thầy đã viết thư cho Mục sư King vào năm 1965 để đề nghị Mục sư King công khai lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhà lãnh đạo phong trào Dân quyền Mỹ đã đáp lại lời kêu gọi của Thầy bằng bài diễn văn nổi tiếng năm 1967 tại Nhà thờ Riverside, thành phố New York, công khai phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Cũng đầu năm 1967, Mục sư King đề cử Thầy cho giải Nobel Hòa bình, và gọi Thầy là “một tông đồ của hòa bình và bất bạo động.”

Thầy được thế giới công nhận như là người sáng lập phong trào Đạo Bụt Dấn thân (Engaged Buddhism), đồng thời là người khởi xướng phong trào thực tập chánh niệm trong văn hóa Tây phương.

Sư Cô Chân Không và thầy Pháp Đăng thay mặt Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhận giải thưởng Pacem in Terris

(Nguồn: The Catholic Messenger; Hình ảnh: Ron Forster)

Trái tim tôi bất ngờ được mở ra

(Bài viết của Tony Bates, Giám Đốc sáng lập Headstrong – Trung tâm lo cho sức khỏe tinh thần của người trẻ trong toàn quốc, trong chuyến hoằng pháp của Sư Ông Làng Mai tại Anh năm 2012)

Tôi đã tới, ít nhất là trái tim tôi đã cảm nhận tôi đã thực sự tới

Quảng trường Trafalgar, London, 31.03.2012

Với tình thương, chúng ta có thể đối diện với bất cứ tình huống nào
nhưng
nhiều người trong chúng ta chưa biết tình thương chân thật là gì, nên câu mà chúng ta phải tự hỏi là làm sao để tình thương được phát sinh ?

Những câu này là những lời mở đầu của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh hay Thầy (là cách mà các đệ tử vẫn thường dùng để gọi Người một cách thân thương. Chữ Thầy trong tiếng Việt là thầy dạy học, thầy dạy tu) khi thầy mở đầu bài giảng tại Thượng Viện Quốc Hội Anh tuần rồi. Không khí khá hăm hở sinh động trong phòng giảng bỗng nhiên im bặt  khi chúng tôi đứng dậy chào thiền sư.

Sau khi những lời giới thiệu khá cảm động của  Lord Richard Laird, Thầy vẫn ngồi thật yên mấy phút và nét mặt không biểu hiện cảm xúc nào. Tôi chợt lo lắng, e thầy không thích tới đây. Nhưng sau  đó tôi đã  nhận ra là Thầy cần  thời gian để trở về với chính mình và để bắt mạch cái thính chúng khá đặc biệt nầy.

Với tình thương, chúng ta có thể  đối diện với bất cứ tình huống nào nhưng nhiều người trong chúng ta chưa biết tình thương chân thật là gì thì câu mà chúng ta phải tự hỏi là làm sao để tình thương được phát sinh? Thầy tiếp tục: Nuôi dưỡng tình thương cho chính ta bắt đầu bằng hơi thở: “Khi ta chú tâm và hít vào hơi thở  vào, có một phép lạ đang xảy ra. Ta chợt nhớ là ta đang có thân thể đây và ta quán sát thấy cái thân thể này khá căng thẳng. Ta chú ý điều đó khi thở vào và ta buông thư các căng thẳng trên thân khi thở ra.”

Những lời của Thầy như đi thẳng vào tâm can ruột rà của tôi, những cơ bắp thật sâu trong tôi bỗng mở ra . Thường thì lộ trình đi từ cái đầu tôi đến trái tim tôi nó khá dài và khá quanh co. Tôi dùng quá nhiều trí năng nên sự phán xét chỉ nằm bên trên sự việc. Nhưng hôm nay những lời Thầy đã đi thẳng vào trái tim tôi. Trái tim tôi chợt bất ngờ bật mở ra. Tôi đã về, hay ít nhất trái tim chợt thấy mình đã thật sự về.

Hy vọng chuyến đi của Thầy đến Ái Nhĩ Lan tuần này sẽ có dịp giới thiệu lại cho chúng ta những nhiệm mầu của sự sống

Khi ta thở vào trong chánh niệm, nhiều cơ hội mới có thể xảy ra. Chúng ta chợt khám phá rằng ta phải rất tri ân những mầu nhiệm của sự sống đang nằm trong tầm tay ta. Đồng thời ta cũng tiếp xúc được với niềm đau trong ta và ta ngưng được sự trốn chạy niềm đau đó. Với chánh niệm, ta có thể giữ được khoảng cách cần thiết để có thể ôm ấp niềm đau kia, lắng nghe thật sâu những gốc rễ của nó, chăm sóc nó. Và từ từ hiểu được niềm đau này. Lòng từ bi chợt ứa ra khi ta bắt đầu hiểu sâu hơn và với tâm từ bi kia ta có thể chuyển hóa được niềm đau ấy.

Thầy lại nói tiếp nhiều điều mà tôi đã nghe trước đó rồi nhưng sao lần này nó lại thật mới đối với tôi, giống như tôi chỉ mới nghe lần đầu. Tôi đã thành người mới rồi.  Những lời Thầy đã rơi vào một con người mới, con người mà những vết thương cũ đã lành và những cơ hội mới đang mở ra.

Nói về chánh niệm, viết về chánh niệm thật dễ nhưng bạn chỉ thấy được sức mạnh của nó khi bạn đứng trước một người như Thầy. Một người đã thực sự sống nếp sống chánh niệm trong những thăng trầm lớn lao như vũ bão nhưng vẫn giữ được sự bình an.

Tinh thần của ông thầy tu 86 tuổi mảnh khảnh mong manh này thật dũng mãnh. Sự hiện diện của cả con người Thầy mới khiến cho thông điệp của Thầy trở nên một sức mạnh lớn lao.

Tôi quyết định là bây giờ cho đến ngày tôi chết, tôi nhất định phải sống cho bằng được dù cho chỉ một giờ thôi nếp sống can đảm và liêm khiết như Người.

Quảng trường Trafalgar, London, 31.03.2012

Một người trong thính chúng đã hỏi Thầy là anh ta có thể làm được gì cho một người rất khổ đau đã nhất định đóng hết tất cả các phương cách trị liệu mà bạn bè muốn giúp anh ta. Ta nghe được niềm tuyệt vọng trong câu hỏi ấy và biết chắc là đây chính là một câu hỏi rất thật, không bác học.

Thầy đã trả lời rằng ta phải hết sức thận trọng, đừng mong đổi thay người kia gì hết. Cái mà người ấy rất cần, có thể chỉ là sự hiện diện  và sự kiên nhẫn của ta. Một người đã đóng tất cả những cánh cửa trái tim với thế giới bên ngoài như thế có nghĩa là người ấy đang rất đau và mất hết niềm tin nơi tất cả loài người. Nếu ta thương người ấy bằng cách có mặt thật sự, có mặt thật vững chãi cho người ấy mà hoàn toàn không đòi hỏi người ấy phải đổi thay, thì may ra người ấy kịp thời thấy được tình thương chân thật của ta và mới chịu mở cửa.

Năm 2004, tôi được thăm tu viện Làng Mai của thầy lần đầu và tôi được giao trách nhiệm lo về chuyển hóa rác trong chánh niệm, trộn lại phân hữu cơ và xếp lại giấy đã xài qua  rồi, ép dẹp lại các thùng cạc tông để đem đi chuyển hóa. Tôi học được bài học là thật ra trên đời này không có gì là “tiêu cực, xấu xa, dơ dáy” thật sự. Cho dù đó là những kinh nghiệm mà mình xem là xấu hổ và muốn quăng nó đi nhưng chính nó đã giúp ta tỉnh dậy và trở nên một con người thật hơn xưa.

Hồi đó danh từ chánh niệm dường như là một từ ngữ lạ lùng, một khái niệm trừu tượng, nhưng ngày nay nó đã trở thành một danh từ sử dụng hằng ngày trong gia đình. Chỉ cách thực tập đơn giản đó đủ cho ta thấy cách hành xử của ta đã khác hơn, trước những niềm vui cũng như nỗi khổ mà ta gặp hằng ngày và đối với những người ta đang sống chung. Hy vọng rằng chuyến đi này của Thầy ở Ái Nhĩ Lan sẽ giới thiệu lại cho ta “những nhiệm mầu của sự sống” đang nằm trong tầm tay của ta  ngay bây giờ và ở đây khi mà chúng ta chịu dừng lại, không chạy nữa và cho phép tim ta có thêm không gian để thở.

Giấy vào cửa nghe Thiền Sư Thích Nhất Hạnh giảng chiều mai ở Convention Centre Dublin đã bán hết, tuy nhiên bạn có thể nghe trực tuyến miễn phí tại mindfulnessireland.le

(Chuyển ngữ từ
The Irish Times: My heart suddenly unbuttoned

Tony Bates – Tuesday, April 10, 2012)

Tình yêu dành cho đất mẹ không còn là ý niệm về môi trường

Thiền sư Nhất Hạnh lý giải vì sao chánh niệm và cách mạng tâm linh chứ không phải kinh tế là những nhân tố cần thiết cho quá trình bảo vệ thiên nhiên và làm giảm thiểu những biến đổi khí hậu bất thường.

(Dưới đây là bài phỏng vấn của Jo Confino cho Guardian Professional Network.
Theo guardian.co.uk thứ Hai, ngày 20 tháng 2 năm 2012.)

Thiền sư Nhất Hạnh nói rằng để đối phó với những thách thức của môi trường, chúng ta cần có một cuộc cách mạng tâm linh.

Thiền sư Nhất Hạnh có 70 năm kinh nghiệm thực tập thiền và chánh niệm. Từ Thầy tỏa ra một sự bình an và tĩnh lặng lạ thường. Đây là con người đang sống những gì mình nói, con người được giới Phật tử coi như một vị Bồ Tát, không ngừng tìm kiếm những cách thức tốt nhất để giúp người.

Ngay từ những ngày tháng trực tiếp sống và đối mặt với cuộc chiến thảm khốc tại Việt Nam, vị Thầy hiện đã 86 tuổi này đã phát nguyện cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp hòa bình và hóa giải xung đột. Năm 1967, mục sư Martin Luther King đã đề cử Thầy cho giải Nobel Hòa Bình vì theo Mục sư “Những phát kiến cho hòa bình của Thích Nhất Hạnh, nếu được áp dụng, sẽ dựng nên một tượng đài của tinh thần đại đồng, tình huynh đệ và nhân bản.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi những năm gần đây, Thầy không chỉ chú trọng tới việc hòa giải xung đột trong mối quan hệ giữa người với người, mà còn hướng sự quan tâm tới hành tinh xanh của chúng ta – nơi nương náu của mọi loài.

Thầy, như hàng ngàn thiền sinh và đệ tử vẫn gọi, thấy rằng vì đời sống thiếu ý nghĩa, thiếu sự liên hệ mật thiết với nhau mà chúng ta trở thành con nghiện của chủ nghĩa tiêu thụ. Chúng ta cần phải nhận ra và ứng phó với những áp lực mà chúng ta đang gây cho Trái đất nếu nhân loại muốn sống sót.

Điều mà đạo Bụt có thể đóng góp cho nhân loại là nhận diện những khổ đau ta đang gánh chịu và một con đường thoát khổ là trực tiếp đối diện, mà không phải tìm cách trốn tránh hay khỏa lấp bằng những  công việc, mua sắm, giải trí hay chăm chút làm đẹp. Những ham muốn về danh vọng, giàu sang, quyền lực và tình dục chỉ có tác dụng tạo nên ảo giác về hạnh phúc mà không phải là hạnh phúc đích thực, kết cục chỉ làm trầm trọng thêm những cảm giác trống trải, xa cách.

Thầy lấy ví dụ câu chuyện của một tỷ phú, điều hành một trong những tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ. Ông này tới tham dự một khóa tu với Thầy, kể về những khổ đau, lo lắng và nghi ngờ của ông. Ông nghĩ rằng mọi người đến với ông chỉ vì muốn lợi dụng, nên ông chẳng có ai để làm bạn.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Làng Mai –  một trung tâm thiền tập của Thầy gần Bordeaux, Thầy đã chỉ rõ tại sao chúng ta lại cần một cuộc cách mạng tâm linh khi phải đối mặt với vô số thách thức về tình trạng môi trường hiện nay.

Trong khi các chuyên gia khác chỉ tập trung nói về sự phức tạp và khó khăn của vấn đề, như sự hủy diệt của hệ sinh thái, nạn tuyệt chủng của hàng triệu loài sinh vật, thì Thầy nhìn xuyên suốt được vấn đề hóc búa này, và chỉ cần một “lát dao bén” của Thầy là có thể tháo gỡ được.

Vượt thoát ý niệm “môi trường”

Thầy nói rằng chúng ta phải vượt thoát ý niệm về môi trường, vì điều này khiến mọi người có cảm tưởng bản thân mình và Trái Đất là hai thực thể riêng biệt và trái đất phải phục vụ cho con người.

Chỉ khi ta công nhận con người và hành tinh này hoàn toàn là một và đồng nhất thì mới thay đổi được tình trạng.

Thầy nói: “Bạn đang mang Mẹ Đất trong bạn. Mẹ Đất không ở bên ngoài. Mẹ Đất không chỉ là môi trường. Mẹ Đất là bạn. Nhìn bằng tuệ giác tương tức đó, chúng ta mới có thể thực sự truyền thông với Mẹ Đất, đó là hình thức cầu nguyện tối ưu nhất. Trong mối tương quan này, bạn có đủ tình thương, sức mạnh và sự thức tỉnh để thay đổi cuộc sống của bạn. Thay đổi, không chỉ là thay đổi những yếu tố bên ngoài ta.

Trước hết, chúng ta cần có chánh kiến – cái thấy đúng – để vượt thoát mọi ý niệm, kể cả ý niệm về có và không, về tạo hóa và tạo vật, về tâm và vật. Tuệ giác này rất cần cho sự chuyển hóa và chữa lành. Chúng ta sợ hãi, xa cách, hận thù, sân giận là do cái thấy sai lầm cho rằng chúng ta và Trái Đất là hai thực thể riêng biệt, Trái Đất chỉ là môi trường. Chúng ta coi mình là tâm điểm và muốn làm điều gì đó cho Trái Đất để chúng ta có thể sống sót. Đó là cái thấy nhị nguyên.

Vì vậy để cứu lấy Đất Mẹ, bạn hãy thở vào, ý thức về cơ thể bạn và nhìn sâu vào cơ thể để thấy rằng bạn là Trái Đất, và tâm thức bạn cũng là tâm thức của Trái Đất. Không chặt phá rừng, không làm ô nhiễm nguồn nước – chừng ấy chưa đủ.”

Đặt cho thiên nhiên một giá trị kinh tế là chưa đủ

Mùa xuân này Thầy sẽ tới nước Anh để hướng dẫn một khóa tu 5 ngày và một ngày hội thảo về chánh niệm trong lĩnh vực giáo dục. Thầy nói hiện nay trong giới kinh tế và kinh doanh xuất hiện trào lưu cho rằng cách tốt nhất để bảo vệ hành tinh là đặt cho môi trường thiên nhiên một giá trị kinh tế, như vậy thì chẳng khác nào băng bột lên một vết thương.

“Tôi không nghĩ là biện pháp đó đem lại hiệu quả. Chúng ta cần một sự thức tỉnh và giác ngộ thực sự để thay đổi cách suy nghĩ và nhìn nhận sự việc của chúng ta.

Muốn thay đổi tận gốc thì thay vì đặt lên cho những khu rừng và thảm san hô những trị giá nào đó, ta phải thương yêu Đất Mẹ trở lại. “Trái Đất không thể được miêu tả bằng vật chất hay tinh thần. Vật chất và tinh thần chỉ là khái niệm. Thực chất chúng là hai mặt của cùng một thực tại. Cây tùng kia không chỉ là vật chất, bởi vì trong nó có chứa cái thấy biết của nó. Một hạt bụi không chỉ là vật chất bởi từng nguyên tử trong hạt bụi đều là một thực thể sống và có trí thông minh. Khi ta nhận ra những đức hạnh, tài năng và vẻ đẹp của Mẹ Đất, thì trong ta sẽ nảy sinh một cái gì đó. Cái đó là sự tương quan mật thiết giữa ta với Đất Mẹ, là tình thương của ta dành cho Đất Mẹ. Chúng ta muốn được kết nối, muốn tương quan, muốn được là một, đó là ý nghĩa của tình thương. Khi thương một người nào đó, ta muốn nói ta cần người đó, ta muốn nương tựa vào người đó. Ta làm tất cả vì lợi ích của Đất Mẹ và Đất Mẹ sẽ làm tất cả cho sự an vui của chúng ta”

Trong giới kinh doanh, Thầy lấy ví dụ  của Yvon Chouinard, người sáng lập và sở hữu của công ty may mặc Patagonia. Ông đã kết hợp giữa việc phát triển kinh doanh thành công với sự thực tập chánh niệm và từ bi. Thầy khẳng định: “Làm giàu theo cách không tàn phá, đề cao công bằng xã hội, làm tăng sự hiểu biết, giảm thiểu khổ đau đang tồn tại quanh ta là điều ta có thể thực hiện được. Nhìn cho sâu, ta thấy ngay trong thế giới kinh doanh ta có thể mang lại nhiều hạnh phúc cho ta và cho người khác. Và như vậy thì công việc của ta có ý nghĩa.”

Thầy, người đã viết hơn 100 cuốn sách, chỉ ra rằng sở dĩ ta đánh mất sự tương quan mật thiết với nhịp điệu tự nhiên của Đất Mẹ là do rất nhiều căn bệnh thời đại gây ra và thậm chí là do ta đổ lỗi cho Đất Mẹ một cách vô thức mà ta không hề hay biết, cũng giống như ta hay đổ lỗi cho những khổ đau bất hạnh của ta là do cha mẹ gây ra.

Trong bài viết Lời Khấn Nguyện Đất Mẹ mới đây, Thầy viết “Trong chúng con, có những người oán hận Mẹ vì mẹ đã sinh ra họ và làm họ khổ, đó là bởi vì họ chưa có khả năng hiểu được Mẹ và chưa biết trân quí Mẹ.”

Chánh niệm giúp ta thiết lập lại mối tương quan mật thiết giữa ta và Đất Mẹ

Thầy đưa ra rất nhiều bằng chứng để chứng tỏ chánh niệm có thể giúp loài người tiếp lập lại mối tương quan mật thiết giữa mình với Đất Mẹ bằng cách sống chậm lại và trân quí tất cả những món quà mà Đất Mẹ hiến tặng cho ta.

“Rất nhiều người đau khổ cùng cực mà không biết là mình đang đau khổ. Họ cố gắng che đậy nỗi khổ đau bằng cách bận rộn. Nhiều người ốm đau bệnh tật chỉ vì họ xa lánh Đất Mẹ. Thực tập chánh niệm giúp chúng ta tiếp xúc được với Đất Mẹ trong ta và sự thực tập này có thể giúp chữa lành bệnh tật. Quá trình trị liệu, chữa lành cho con người phải được tiến hành đồng thời với việc chữa lành cho Đất Mẹ. Đây là tuệ giác và ai cũng có thể thực tập được. Sự giác ngộ này đưa tới sự thức tỉnh cộng đồng. Trong Đạo Phật, thiền là một sự thức tỉnh, thức tỉnh một sự kiện là trái đất đang lâm nguy, mọi loài sinh vật đang trong tình trạng nguy kịch.”

Thầy lấy một ví dụ rất đơn giản và bình dị, là việc uống một ly trà cũng có thể giúp chuyển hóa cuộc đời một con người nếu người đó thực sự để hết tâm ý vào việc uống trà.

“Khi có chánh niệm, tôi thưởng thức ly trà sâu sắc hơn.” Thầy nói và rót cho mình một ly trà rồi chậm rãi nhấp ngụm đầu tiên. “Tôi có mặt hoàn toàn trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, không bị cuốn đi bởi sợ hãi, buồn đau, dự án, quá khứ và tương lai. Tôi có mặt cho sự sống. Khi ta uống trà, giây phút uống trà là giây phút mầu nhiệm. Ta không cần nhiều quyền lực, danh vọng hay tiền bạc để có thể hạnh phúc. Chánh niệm có thể giúp ta hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Mỗi giây phút đều là giây phút hạnh phúc. Chúng ta hãy thực tập để những người khác theo đó cùng thực tập theo. Chúng ta hãy dành ra vài phút để thực chứng sự thực này.”

Cần phải xử lý cơn giận trong tự thân trước khi muốn trở thành một nhà hoạt động xã hội hiệu quả

Trong hàng thập kỷ qua, Thầy đã dày công phát triển dòng Đạo Bụt Dấn Thân mà nền tảng là sự thực tập 5 nguyên tắc đạo đức – 5 phép thực tập chánh niệm hay còn gọi là 5 Giới – rất rõ ràng và quan trọng đối với việc giải quyết công bằng xã hội.

Tuy nhiên, Thầy nhấn mạnh, nếu các nhà hoạt động xã hội và môi trường muốn làm việc có hiệu quả, trước tiên họ phải xử lý cơn giận trong họ. Chỉ khi nào phát khởi được tình thương và lòng từ bi đối với chính bản thân mình, ta mới có khả năng đối phó với những lực lượng mà ta qui trách nhiệm đang làm ô nhiễm biển và chặt phá rừng.

“Trong Đạo Bụt có nói về hành động cộng đồng. Khi có một điều gì đó sai lầm đang diễn ra trên thế giới, chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng đó là chuyện của người khác, người khác làm mà không phải là ta. Nhưng qua cách sống hàng ngày của ta, ta cũng đang góp một phần vào sai lầm ấy. Nếu ta có khả năng hiểu ra sự thật này, rằng không chỉ ta đang khổ mà người khác cũng đang khổ thì đó đã là một tuệ giác.

Khi thấy ai đó đang khổ, ta không muốn trừng phạt hay lên án người đó, mà ta muốn giúp người đó bớt khổ. Nhưng nếu chính ta đang đầy sợ hãi, giận hờn, vô minh và đau khổ thì ta làm sao giúp được người khác? Khi có hạnh phúc, ta nhẹ nhàng hơn, tươi cười hơn, ai cũng dễ chịu khi ở gần ta và ta có khả năng giúp đỡ người khác. Những nhà hoạt động và tranh đấu cần phải thực tập tâm linh để có khả năng nuôi dưỡng hạnh phúc, xử lý khổ đau và giúp người bớt khổ, như vậy công việc phụng sự thế giới của họ mới có hiệu quả. Nếu trong ta còn đầy giận dữ và bất mãn thì ta không thể làm được gì cả.”

Tiếp xúc Bản môn

Điểm chính trong bài giảng của Thầy là, trong khi sống và sinh hoạt trong thế giới tích môn (thế giới phân biệt, lưỡng nguyên), ta cần hiểu rằng hạnh phúc, an lạc của ta tùy thuộc vào việc nhận diện và tiếp xúc với “bản môn”. Điều này rất quan trọng. “Nếu ta có khả năng tiếp xúc sâu sắc với tích môn – một chiếc lá, một bông hoa, một viên sỏi, một tia nắng, một con chim, ngọn núi, dòng sông và chính thân thể ta – thì khi đó ta cũng đang tiếp xúc được với bản môn. Bản môn không thể được diễn tả là con người hay phi con người, là vật chất hay tinh thần, chủ thể nhận thức hay đối tượng nhận thức. Ta chỉ có thể nói rằng nó luôn luôn tỏa sáng và tự tỏa sáng. Tiếp xúc với bản môn, ta cảm thấy hạnh phúc, thoải mái như con chim tự do trên bầu trời, như con nai được tự do trên đồng cỏ. Ta biết rằng ta không cần phải tìm kiếm bản môn ở ngoài ta, bản môn luôn có trong ta và trong mỗi phút giây.

Trong khi tin rằng có một phương cách tạo ra mối tương quan mật thiết hơn giữa loài người và trái đất, Thầy cũng thấy được một hiểm họa thực sự đang xảy ra là con người vẫn tiếp tục lối sống tàn hoại và nền văn minh này sẽ tới ngày sụp đổ.

Thầy nói tất cả những gì chúng ta cần làm là thấy được rằng chúng ta không làm chủ được trước những phản ứng của thiên nhiên đối với những loài sinh vật khác. “Khi nhu yếu sinh tồn bị thay thế bởi lòng tham lam và ngạo mạn thì bạo động sẽ phát sinh và luôn đưa tới những hủy diệt không đáng có. Chúng ta đã học bài học rằng gây bạo lực cho con người và cho những loài sinh vật khác chính là ta đang gây bạo lực với chính ta, còn khi ta biết bảo hộ mọi loài thì ta cũng đang bảo hộ chính ta.”

Lạc quan trước nguy cơ thảm họa

Trong thần thoại Hy Lạp, khi Pandora mở hộp quà, tất cả tai họa được thoát ra ngoài và tràn xuống trái đất. Chỉ có một thứ còn sót lại, đó là “hy vọng”.

Thầy rất rõ ràng khi khẳng định duy trì niềm lạc quan là điều rất cần thiết nếu chúng ta muốn tìm một con đường thoát khỏi nguy cơ hủy diệt do khí hậu thay đổi thất thường, mà điều này sẽ dẫn đến những biến động tiêu cực lớn lao của xã hội.

Tuy nhiên, Thầy không ngây thơ để không nhận ra rằng những lực lượng hùng mạnh vẫn đang tiếp tục không ngừng trừng phạt chúng ta và đẩy loài người tới bờ vực thẳm.

Trong cuốn sách nổi tiếng viết về môi trường, cuốn Hướng Đi Của Đạo Bụt Cho Hòa Bình và Môi Sinh (The World We Have), Thầy viết: “Chúng ta đã tạo nên một hệ thống xã hội mà ta không làm chủ được. Ta để cho tiện nghi vật chất làm chủ đời mình. Để áp lực đè nặng và biến mình thành nạn nhân, nô lệ”.

Chúng ta tạo nên một xã hội mà người giàu càng giàu thêm và người nghèo càng thêm túng quẫn. Ta chỉ biết chăm chút lo cho riêng mình, và chỉ thấy những cái lợi trước mắt mà quên đi những hậu quả về sau, chúng ta ít khi để tâm đến số phận của người khác, đến tương lai của hành tinh mẹ của chúng ta. Chúng ta có khác gì những con gà đang bị nhốt trong chuồng và đang giành xé nhau một vài hạt bắp mà không biết rằng lát nữa mình sẽ bị giết làm thịt.

Xem Video Jo Confino phỏng vấn Thầy

______________________________________________

dịch từ: Beyond environment: falling back in love with Mother Earth

Trò chuyện với Thầy Nhất Hạnh về cuốn sách SAVOR

World-renowned Buddhist master Thich Nhat Hanh has teamed up with nutritionist Dr. Lilian Cheung to change the way we eat with their book Savor: Mindful Eating, Mindful Living. Get his take on the root of our weight problems, what he eats every day and how to change your own eating habits forever.

ead more:

Nếu đã có cuốn sách này trong tay thì bạn có thể ngồi xuống trong tĩnh lặng, lần dở chậm rãi từng trang một và khám phá thực đơn Thầy dùng mỗi ngày. Bạn cũng có thể cùng Thầy nhìn sâu vào tình trạng béo phì – một vấn nạn về sức khỏe của thế giới Tây Phương và được Thầy hướng dẫn những phương thức để đổi thay những thói tật ăn uống không lành mạnh.

Thay Nhat Hanh.jpgThưa Thầy, vì sao trong thời điểm này Thầy lại chọn viết về đề tài tiêu thụ thực phẩm trong mối liên hệ với nếp sống chánh niệm ?

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Nhìn vào thực trạng ở mức độ toàn cầu, chúng ta có thể nhận thấy rằng số lượng người mắc chứng béo phì (thừa cân) lại đông đảo hơn so với số người đói và thiếu ăn (không tiêu thụ đủ lượng dinh dưỡng cần thiết). Những nhà khoa học đã cảnh báo rằng nếu chúng ta không đồng lòng chung sức chuyển ngược lại tình trạng béo phì đang ngày một leo thang thì những người trẻ trong tương lai sẽ có vòng đời ngắn hơn so với thế hệ đi trước.

Hơn nữa, chứng béo phì sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc phải những căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng. Thực trạng này không những gây ra khổ đau cho thân tâm của mỗi cá nhân hay gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự lành mạnh của thân tâm xã hội và thế giới. Gốc rễ của vấn đề nằm ngay trong những gì chúng ta tiêu thụ mỗi ngày. Đó không chỉ là thức ăn mà còn là những gì ta thấy, nghe, xúc chạm… và cả môi trường ta đang sống. Giáo lý của Đạo Bụt có thể cống hiến rất nhiều phương pháp để có thể chuyển hóa triệu chứng béo phì. Việc thực tập sống trong chánh niệm sẽ có thể thiết lập lại mối liên hệ giữa thân và tâm và môi trường xung quanh. Phương pháp này chính là chiếc chìa khóa mở rộng cánh cửa, đem đến cho chúng ta có một góc nhìn chân thật về tình trạng thừa cân và giúp mọi người có thể kiểm soát được trọng lượng cơ thể mình. Và chúng ta sẽ không cần phải mất nhiều thời gian đợi chờ. Cơ hội đạt được sự cân bằng, niềm vui và sự bình an trong thân và tâm luôn có ngay đây, ngay bây giờ, ngay trong giây phút hiện tại.

Việc “Ăn uống trong tỉnh thức” đóng vai trò như thế nào trong đời sống của Thầy?

Khi có thể sống chậm lại, tận hưởng mỗi bữa ăn, vui trong niềm vui khi nhận ra mình vẫn còn sống, vẫn còn mạnh khỏe, chúng tôi thấy mình tiếp xúc với đời sống ở một mức độ rất sâu sắc. Tôi rất ưa thích được ngồi ăn trong thinh lặng và tận hưởng từng miếng nhai, ý thức về sự hiện hữu của những người thương chung quanh (tăng thân), ý thức về tất cả những công phu lao tác và tình thương đã có mặt trong chén cơm của mình. Khi ăn theo một cách thức như vậy, không những thể chất vật lý của tôi mà còn phần tinh thần, phần tâm linh cũng đều được nuôi dưỡng. Cách tôi dùng bữa ảnh hưởng đến mọi công tác của tôi trong ngày. Nếu tôi có thể thực tập nhìn sâu vào thức ăn và xem thời khắc đó quan trọng như một buổi công phu thiền định – thiền hành hay thiền tọa – thì tôi nhận ra mình có thể tiếp nhận muôn vàn những tặng phẩm của đất trời. Tất cả hoa trái này tôi sẽ không bao giờ thu hái được nếu thân và tâm tôi không đồng thời có mặt trong khi ăn. Bởi vì trong lúc ăn nếu tâm tôi ngập tràn trong lo lắng, phiền muộn và những bản dự án hay kế hoạch thì khi đó tôi chỉ đang ăn những căng thẳng và sợ hãi. Và điều này sẽ gây ra những thương tổn cho thân và tâm. Vì vậy cho nên, khi ăn chúng tôi thường sử dụng bài kệ sau đây để thực tập:

Ăn cơm nơi tích môn
Nuôi sống cả tổ tiên
Mở đường cho con cháu
Cùng tìm hướng đi lên.

Ăn cơm nơi tích môn
Nhai đều như nhịp thở
Nhiệm mầu ta nuôi nhau
Từ bi nguyền cứu độ.

Bài kệ trên giúp chúng tôi ghi nhớ về việc thực tập chế tác năng lượng chánh niệm trong khi ăn. Nếu năng lượng chánh niệm, năng lượng tỉnh thức đó có mặt một cách sâu dày thì chúng tôi có thể tiếp xúc với tổ tiên ông bà cũng như các thế hệ tương lai. Đồng thời thời gian ăn cũng trở thành những khoảnh khắc lắng đọng giúp chúng tôi ý thức hơn về những hạt giống lành thiện trong chiều sâu tâm thức mà tổ tiên đã trao truyền và tìm ra cách thức để dưỡng nuôi, phát triển và tiếp tục truyền trao những hạt giống đó cho những thế hệ con cháu về sau.

 

Xin Thầy cho biết về thực đơn hằng ngày ở Đạo Tràng Mai Thôn?

Chúng tôi áp dụng một chế độ ăn chay bổ dưỡng (không dùng bất kỳ sản phẩm nào từ động vật bao gồm cả trứng, sữa). Phần lớn những gì chúng tôi tiêu thụ là ngũ cốc hữu cơ. Bữa sáng sẽ là cháo yến mạch, bánh mì tự làm, đậu hạt tự trồng tại làng, trái cây và đôi khi là các món bún, phở hay xôi. Bữa trưa chúng tôi dùng cơm, rau xào, đậu phụ, các loại đậu xào, canh, rau củ hay salad và một ít đồ ngọt tráng miệng. Món tráng miệng theo kiểu Việt Nam sẽ là chè với các loại đậu và theo kiểu Tây Phương sẽ là bánh ngọt chay. Buổi tối chúng tôi ăn nhẹ với cơm, canh và một ít rau quả.

 

savorbookcover.jpgThưa Thầy, những trạng thái tâm lý sẽ ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của chúng ta như thế nào?

Trong tác phẩm “Savor”, chúng tôi trình bày rất sâu và rất kỹ về bản chất của những cảm thọ và ảnh hưởng của chúng đối với hành vi tiêu thụ thực phẩm. Về cơ bản, khi có một nhân tố kích thích từ bên ngoài, chúng ta sẽ có một phản ứng từ bên trong. Đó cũng là lúc một cảm giác, cảm xúc (cảm thọ) đã biểu hiện trên bình diện ý thức. Cảm thọ đó có thể mang tính chất tích cực như yêu thương, mừng vui, hy vọng,… hoặc mang tính tiêu cực như sợ hãi, giận hờn, lo lắng, phiền muộn, khổ đau… Đối với nhiều người, cảm xúc thường có mối liên hệ chặt chẽ với việc tiêu thụ thức ăn, mặc dù mức độ hay là bản chất của sự vướng mắc đó có thể khác nhau ở mỗi người. Có người có xu hướng ăn nhiều hơn khi vui trong khi một số thì lại ăn ít hơn. Tuy vậy, vấn đề ở đây là nếu chúng ta không dành thì giờ để nhìn sâu vào những cảm giác ưa thích hay thèm khát trong khi ta ăn uống thì những hành vi đó sẽ phát triển và trở thành những thói quen tiêu thụ gây ra tật bệnh cho chính chúng ta. Vì vậy cho nên để duy trì một thân thể khang kiện, chúng ta cần sử dụng năng lượng chánh niệm để nhìn sâu và ý thức một cách rõ ràng về ảnh hưởng của những cảm thọ đối với cách chúng ta ăn uống hằng ngày. Đồng thời, năng lượng tỉnh thức này cũng sẽ giúp chúng ta dần thiết lập được những thói quen lành mạnh và tích cực trong vấn đề tiêu thụ thực phẩm.

 

Thưa Thầy, vì sao Thầy lại cho rằng người Mỹ nói riêng đang phải vật lộn với vấn đề kiểm soát trọng lượng cơ thể của họ?

So với phần còn lại của thế giới, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là một lãnh thổ trù phú và thịnh vượng. Những nguồn thức ăn và đồ uống không tốt cho sức khỏe được đáp ứng một cách dễ dàng với số lượng lớn. Những quảng cáo thương mại cho những sản phẩm này tấn công tới tấp mọi giác quan người tiêu dùng. Họ luôn bị khơi gợi, kích thích tiêu thụ những loại thực phẩm không lành mạnh như là nước giải khát chứa nhiều đường tinh chế, các món tráng miệng chứa nhiều đường và chất béo bão hòa. Bên cạnh đó, tình trạng cơ khí hóa những ngành công nghệ hiện đại, nền văn hóa đề cao quá đáng vai trò của xe hơi cá nhân (trong khi mà nhiều quốc gia ở Âu Châu đã từ lâu luôn ủng hộ, khuyến khích sử dụng những phương tiện giao thông công cộng) đã khiến cho người dân Mỹ Quốc ít vận động hơn. Quá trình đốt cháy calories bị dang dở dẫn đến tình trạng dư thừa một lượng lớn các chất béo trong cơ thể. Tất cả những nhân tố trên đã dẫn đến hệ quả: béo phí đã là một vấn nạn mang tầm quốc gia. Hơn thế nữa, chúng ta đang sống trong bối cảnh mà khoảng cách về địa lý ngày càng trở nên thu hẹp tỉ lệ nghịch với sự phát triển của truyền hình, máy tính cá nhân, điện thoại di động. Và người trẻ ngày nay đã cố gắng tận dùng tất cả những thành quả khoa học công nghệ để quản lý cùng một lúc nhiều công việc khác nhau. Với một đường hướng tổ chức như vậy, làm sao người ta có thể sống sâu sắc trong từng giây từng phút đời sống mình. Cách sống này đi ngược lại với lối sống chánh niệm. Ta không thể có thời giờ và điều kiện để nhìn sâu vào những vật phẩm ta ăn, những công tác ta làm mỗi ngày để có thể biết đâu là những cách thức đúng đắn để duy trì một thể trọng khỏe mạnh.

 

Xin Thầy cho biết năng lượng chánh niệm giữ vai trò như thế nào trong nếp sống thường nhật của Thầy?

Chánh niệm có nghĩa là ta biết được, ý thức được những gì đang diễn ra ngay bây giờ và ở đây, ngay trong giây phút hiện tại. Và khi ta sống với “cái biết”, với “cái ý thức” đó một cách thường trực thì cuộc đời ta trở nên đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Khi tôi ý thức từng hơi thở vào ra và buông thư toàn thân, tôi có thể tiếp xúc được với niềm vui được sống, được hiện hữu. Tôi cũng có thể tiếp xúc được với tình trạng thân thể mình. Và khi thấy rằng mình vẫn đang mạnh khỏe, lòng tôi đầy tràn niềm biết ơn. Cũng chính nhờ năng lượng của sự Hay Biết này, tôi có thể nhận ra vẻ đẹp của trời xanh trong mát, thấy được nụ cười của hoa, nghe ra tiếng chim đang ca hót. Và tôi còn có thể tiếp xúc với gốc rễ khổ đau của cá nhân mình. Tôi ôm ấp chúng bằng tình thương và sự dịu dàng chứ không phải bằng sự bạo động, đè nén hay là trốn chạy. Bởi vì tôi có thể có mặt thật sự cho chính tôi nên tôi cũng có mặt thật sự cho những người thương xung quanh. Lắng nghe họ với tất cả ý thức một cách sâu sắc và hồi đáp bằng những lời nói yêu thương, truyền trao niềm tin yêu và hy vọng. Bằng cách thức như vậy, tôi có thể buổi sáng cho người niềm vui, buổi chiều giúp người bớt khổ.

 

Nếu trong ngày Thầy chỉ được lựa chọn một phương pháp để thực tập nếp sống chánh niệm thì đó sẽ là…?

Hơi thở có ý thức. Hơi thở luôn có đó cho tôi. Và khi tôi ý thức về hơi thở thì cũng là lúc tôi đang sống, đang hiện hữu. Tôi có thể thực tập hơi thở có ý thức bất kể nơi đâu, bất cứ thời gian nào, trong mọi trạng huống. Thậm chí ngay cả khi mang mầm bệnh, tôi cũng có thể nằm trên giường, nương theo hơi thở và khởi lên ý thức về thân và tâm. Lúc bấy giờ, tôi sẽ dùng năng lượng của sự Hay Biết để xoa dịu, chữa lành những đau nhức đang có mặt trong tôi. Khi thực tập phương pháp Hơi Thở Có Ý Thức, tôi thấy mình được nuôi dưỡng rất nhiều.

 

Theo ý kiến của Thầy, làm sao để những tuệ giác của khoa học và đời sống chánh niệm (Đạo Bụt) có thể đi đôi với nhau và tạo nên những tác động đối với việc tiêu thụ thực phẩm hiện nay?

Những kiến thức của Khoa học và một đời sống chánh niệm có thể bổ sung cho nhau trong việc giúp đỡ mọi người có được một đường lối tiêu thụ đúng đắn và duy trì một thể trạng mạnh khỏe và an lành. Trước tiên, chúng ta cần phải xác định đâu là nguồn thực phẩm mà chúng ta thật sự cần. Lúc bấy giờ, chúng ta cần phải nương tựa vào những lời khuyên từ những công trình nghiên cứu khoa học để có một quyết định độc lập. Ta không nên để mình bị ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống của một ngôi sao nổi tiếng nào đó hay một công thức ăn uống tân thời đang được đám đông cổ xúy, tung hô. Một khi ta đã biết cần phải ăn gì thì câu hỏi tiếp theo sẽ là: Ăn như thế nào? Ta phải ăn như thế nào để có thể không những nếm được hương vị của thực phẩm mà còn nếm được tuệ giác Tương Tức (sự liên hệ giữa ta với tất cả sự sống xung quanh mình)? Việc thực tập Thiền Ăn (ăn trong chánh niệm) sẽ chính là lời giải. Nếu có sự thực tập kiên trì, miên mật chúng ta sẽ khám phá được rằng sự bình an và niềm phúc lạc là một điều có thật và vẫn luôn có đó trong ta. Nếu ta thực tập thành công, thì ta có thể tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc đó. Hơn thế nữa, khi đó ta còn có khả năng nhìn thấy được khuôn mặt thật, hình tướng thật sự của mình.

 

Mong Thầy có thể giải thích thêm về những ích lợi mà năng lượng chánh niệm có thể mang lại cho mỗi cá nhân nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung?

Sự hiện hữu của mỗi người chúng ta đều có mối liên hệ qua lại với nhau. Khi bạn xúc chạm vào “cái một”, bạn cũng đồng thời xúc chạm vào “cái tất cả”. Tất cả gì những chúng ta tạo tác (bằng lời nói, hành động hay tư duy) cũng đều có ảnh hưởng đến người khác. Vì vậy cho nên, chúng ta phải học cách sống trong tỉnh thức, trong chánh niệm để có thể tiếp xúc với năng lượng bình an nơi tự thân mình. Sự bình an trong thân tâm thế giới khởi nguồn từ đâu nếu không phải là từ sự bình an trong thân tâm mỗi một cá thể. Nếu mọi người đều sống trong chánh niệm, trong tỉnh thức thì tất cả chúng ta sẽ đều hưởng được lợi ích. Năng lượng bình an khi đó không còn thuộc về một cá nhân đơn lẻ mà đã trở thành nguồn năng lượng tập thể (tâm thức cộng đồng). Và chính nguồn năng lượng lớn lao đó sẽ quay trở lại trị liệu và chuyển hóa một cách tích cực những tật bệnh đang có mặt trong những gia đình, tổ chức, đoàn thể, quốc gia và các thế hệ tương lai.

 

Theo: http://www.oprah.com/spirit/A-Conversation-with-Thich-Nhat-Hanh-About-Savor/1
Chuyển ngữ từ tiếng Anh: Dạ Lai Hương