Những điểm thỉnh cầu và đề nghị đến Chủ tịch nước CHXHCNVN – 2007

 

1. Xin chính phủ ra lệnh lập một đài tưởng niệm thuyền nhân thiệt mạng trên biển cả tại Vũng Tàu.

2. Xin cho các thân nhân của những người được chôn trong các nghĩa trang quân đội VNCH cũ được dễ dàng viếng thăm, cúng lễ và bốc mộ.

3. Xin chính phủ yểm trợ việc xây dựng tháp kỷ niệm Bồ tát Thích Quảng Đức tại TP HCM.

4. Xin cho những người gốc Việt cư trú ở nước ngoài được về nước thăm viếng, làm việc, đầu tư, giảng dạy, hoằng pháp mà không cần Visa.

5. Xin bắt đầu cho phép một số những người gốc Việt cư trú ở nước ngoài được có song tịch (quốc tịch đôi) để họ có dịp bày tỏ niềm trung thành của họ với tổ quốc và quê hương.

6. Xin đừng xem các thầy và các sư cô gốc Việt về nước để yểm trợ Phật giáo là những giáo sĩ ngoại quốc và xin cấp phát dễ dàng cho các vị ấy loại Visa làm việc tôn giáo nhiều lần trong 5 năm một cách dễ dàng mau chóng. Xin chính phủ cho phép các vị ấy chia sẻ sự tu học của mình đến mọi tầng lớp nhân dân trong cũng như ngoài các cơ sở của giáo hội cũng như tại các cơ sở công cộng khác của đất nước mà không có sự phân biệt kỳ thị.

7. Xin có một chính sách đặc biệt đối với Phật giáo, bởi vì đạo Phật đã là nền móng dựng nước và giữ nước trong gần hai ngàn năm, và là yếu tố chính của nền văn hóa Việt Nam.

8. Để Phật giáo theo kịp đà hội nhập vào đời sống mới, chấm dứt tình trạng ủng trệ hiện nay và đóng góp tích cực phần mình vào công trình văn minh hóa nếp sống gia đình, cộng đồng và xã hội, xin cho phép Phật tử Việt Nam tự do thành lập nhiều hội đoàn Phật giáo với những nét đặc thù của mình. Những hội đoàn này chỉ cần đăng ký hợp pháp là có thể hoạt động được ngay như ở bất cứ một nước văn minh nào trên thế giới. Phật tử Việt Nam có quyền chọn lựa một hoặc nhiều hội đoàn thích hợp để có cơ hội đóng góp công phu và tài năng của mình. Những hội đoàn này có quyền truyền bá tư tưởng và pháp tu tập của mình ra các nước ngoài (tương tự như phương thức W.T.O trong lãnh vực kinh tế). Các hội đoàn đó có thể bao gồm: Giáo Hội Phật Giáo Nguyên Thỉ, Giáo Hội Phật Giáo Thiền Tông, Giáo Hội Phật Giáo Tịnh độ Tông, Giáo Hội Phật Giáo Khất Sĩ, Giáo Hội Phật Giáo Thiên Thai Giáo Quán Tông, Giáo Hội Phật Giáo Thiền Tịnh Đạo Tràng, Giáo Hội Phật Giáo Sư Sãi Tây Nam Bộ, Giáo Hội Phật Giáo Nam Tông K’mer, Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất, Giáo Hội Đạo Bụt Nhất Quán, Giáo Hội Phật Giáo Hiện Đại Hóa, Gia Đình Phật Tử, Hội Sinh Viên Phật Tử, Hội Học Sinh Phật Tử, Hội các nhà Khoa Học Phật Tử, Hội các nhà Giáo Phật Tử, Hội Y Sĩ Phật Tử, Hội các nhà Văn Phật Tử, Hội Phật Học Nam Việt, Giáo Hội Tăng Già Chỉnh Lý, v.v…

9. Xin cho Tăng Ni được phép hành đạo khắp nơi trên lãnh thổ quê hương (như Hòa thượng đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận tuyên bố) không bị hạn chế bởi vấn đề hộ khẩu, có quyền dựng chùa viện bất cứ ở đâu không kể nơi đó có nền chùa cũ hay không – các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lào Cai, Thái Nguyên, v.v…

10. Xin chính phủ thực hiện việc tách rời tôn giáo khỏi chính trị và chính trị khỏi tôn giáo… ngưng lại mọi quản chế của chính quyền trên giáo quyền, giải thể Ban Tôn giáo Chính phủ và trước hết là ngành Công an Tôn giáo. Tất cả các đoàn thể tôn giáo đều được sinh hoạt tự do trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, như bất cứ một hội đoàn văn hóa, thương mại, công nghiệp và xã hội nào.

____________________________

Bản thỉnh cầu đã được thiền sư Thích Nhất Hạnh đích thân trao cho ngài Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết trong dịp phái đoàn Làng Mai được thừa tiếp tại Phủ Chủ Tịch ngày 05.05.2007

Thông bạch về Trai đàn chẩn tế bình đẳng giải oan

Hội Đồng Giáo Thọ của Đạo Tràng Mai Thôn kính xin thông báo để quốc dân và đồng bào Phật tử trong nước và ngoài nước được biết là ba Đại Trai Đàn Chẩn Tế Bình Đẳng Giải Oan sẽ được tổ chức trong mùa xuân Đinh Hợi (2007) để cầu siêu độ cho tất cả những đồng bào tử nạn trong chiến tranh, trong đó có chiến sĩ trận vong, nạn nhân chiến tranh, những người bị mất tích mà hài cốt chưa tìm ra được, cho những người đã chết trong tù ngục, và cho những đồng bào thuyền nhân không may đã bỏ mình trên biển cả vì sóng gió và hải tặc.

Những Đại Trai Đàn Chẩn Tế này sẽ được cử hành trong thời gian một phái đoàn Phật Giáo Quốc Tế của Đạo Tràng Mai Thôn đang thăm viếng và hành đạo ở Việt Nam. Trong các Đại Trai Đàn này chư vị Tôn Túc cũng như toàn thể phật tử sẽ cầu nguyện siêu độ cho tất cả những đồng bào nào từng là nạn nhân của chiến cuộc, không phân biệt Bắc Nam, chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, già trẻ hay trai gái.

Đại Trai Đàn Chẩn Tế thứ nhất sẽ được cử hành tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM, theo nghi lễ cổ truyền miền Nam từ ngày
16.03.2007 đến ngày 18.03.2007 dương lịch (nhằm vào ngày 28 đến ngày 30 tháng giêng âm lịch năm Đinh Hợi).

Đại Trai Đàn Chẩn Tế thứ hai sẽ được cử hành tại quốc tự Diệu Đế, Huế, theo nghi lễ truyền thống Huế từ ngày
02.04.2007 đến ngày 04.04.2007 dương lịch (nhằm vào ngày 15 đến ngày 17 tháng 02 âm lịch năm Đinh Hợi).

Đại Trai Đàn Chẩn Tế thứ ba sẽ được tổ chức tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Sóc Sơn, Hà Nội, từ ngày
20.04.2007 đến ngày 22.04.2007 dương lịch (nhằm vào ngày mồng 4 đến ngày mồng 06 tháng 03 âm lịch năm Đinh Hợi).

Thiền sư Nhất Hạnh đã có gửi thư mời Ngài Chủ Tịch Nước tới tham dự lễ dâng hương bạch Phật cho Đại Trai Đàn thứ nhất, Ngài Thủ Tướng Chính Phủ tới tham dự lễ dâng hương bạch Phật cho Đại Trai Đàn thứ hai, và Ngài Chủ Tịch Quốc Hội tới tham dự lễ dâng hương bạch Phật cho Đại Trai Đàn thứ ba.

Lễ dâng hương bạch Phật là để mở đầu cho quá trình thực tập cầu nguyện. Trong lá thư mời Ngài Chủ Tịch Nước thiền sư đã viết: “Sự có mặt của Ngài Chủ Tịch Nước sẽ có ảnh hưởng rất lớn lao đến công trình trị liệu và nuôi dưỡng, và quốc dân sẽ thấy được rằng đất nước chúng ta luôn luôn đi theo những giá trị tinh thần truyền thống trong công cuộc bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ và của lòng người. Các vị Quốc Vương của chúng ta trong các đời Lý và Trần đều đã luôn luôn đi theo con đường ấy”.

Các Đại Trai Đàn Chẩn Tế nói trên sẽ được đặt dưới sự chứng minh của các vị Tôn Đức giới đức nghiêm minh ở quốc nội cũng như ở hải ngoại. Đạo Tràng Mai Thôn xin đề nghị là trong ba ngày Đại Trai Đàn, tất cả mọi gia đình trong nước và ngoài nước có thân nhân thiệt mạng trong chiến tranh hay không có thân nhân thiệt mạng trong chiến tranh, xin cũng đều thiết lập bàn thờ trước hiên nhà, thắp hương suốt ngày, trên bàn thờ có hoa hương, có nước trong và cháo trắng được thay mới mỗi ngày, nhất là có văn bản Tam Quy và Ngũ Giới để đọc tụng mỗi ngày một lần. Trong suốt ba ngày Đại Trai Đàn xin trì trai, giữ giới nghiêm mật và thực tập phóng sinh (thả chim, thả cá) và bố thí (trợ giúp các công tác từ thiện và cứu trợ). Đồng bào cũng có thể tải xuống Nghi Thức Thỉnh Linh và Cầu Siêu được xướng tụng trên trang nhà Làng Mai để sử dụng trong giờ cúng cháo mỗi ngày.

Xin kính mời đồng bào Công Giáo và Tin Lành cũng thiết lập bàn thờ, và thay vì văn bản Tam Quy và Ngũ Giới, quí vị có thể sử dụng văn bản Mười Điều Răn (the Ten Commandments) và bài Thuyết Giảng Trên Núi (the Sermon on the Mountain). Đồng bào Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo nếu không sử dụng văn bản Tam Quy Ngũ Giới thì xin sử dụng những văn bản tương đương trong truyền thống mình. Đồng bào tin theo chủ nghĩa Mác Xít cũng xin thiết lập một bàn thờ như thế và sử dụng một văn bản tương đương trong truyền thống Mác-Lê-nin. Tất cả chúng ta hãy hướng về cầu nguyện cho tất cả những người đồng bào của chúng ta cho hết lòng. Hiệu quả của sự cầu nguyện sẽ bất khả tư nghì, không thề nào lường trước được. Sự thực tập trai giới và sự quyết tâm sống với những giá trị tinh thần và tâm linh trong truyền thống của chúng ta sẽ làm cho đất nước và dân tộc an vui và đẹp thêm ra rất nhiều sau ba ngày thực tập. Phổ cáo này là để kính cẩn mời đồng bào và chư vị phật tử về phó hội Đại Trai Đàn trong tinh thần huynh đệ. Đây là một lễ hội lớn của đất nước sẽ đem lại được rất nhiều niềm vui và phấn khởi. Thiền sư Nhất Hạnh sẽ cống hiến mỗi ngày một bài pháp thoại với các đề tài sau đây:

1. Người thương tôi mất, biết tìm ở đâu? (Làm sao tiếp xúc được với người thân đã mất?)

2. Chúng ta sẽ được tiếp nối như thế nào sau khi xác thân tàn hoại? (Chết đi về đâu?)

3. Làm sao cho người thân đã qua đời được nhẹ nhàng an lạc? (Cầu nguyện thế nào cho người đã khuất?)
Các bài thuyết pháp này cũng sẽ được đưa lên mạng vài giờ đồng hồ sau khi được nói.
Xin đồng bào và phật tử gửi tên tuổi của chư vị thân nhân về để ban nghi lễ đưa vào sớ điệp.

Nay kính phổ cáo,


Tỳ kheo Thích Chân Pháp Ấn
Thay mặt Hội Đồng Giáo Thọ Đạo Tràng Mai Thôn

_______________________________________________________

Lời khấn nguyện
trong đại trai đàn chẩn tế bình đẳng giải oan

Kính thưa  liệt vị hương linh, Quý vị là cha chúng tôi, là chồng chúng tôi, là anh trai chúng tôi, là em trai chung tôi, là con trai chúng tôi. Quý vị cũng là mẹ chúng tôi, là vợ chúng tôi, là chị gái chúng tôi, là em gái chúng tôi, là con gái chúng tôi. Trong cơn binh lửa, trong cảnh tao loạn, quý vị đã bỏ lại hình hài của quý vị mà đi. Chúng tôi đã đánh mất quý vị. Quý vị hoặc đã chiến đấu dũng cảm cho đất nước và đã chết một cách hào hùng không hề thương tiếc thân mạng. Chúng tôi rất hãnh diện vì quý vị. Nhưng quý vị có thể cũng đã bỏ mình trong những hoàn cảnh cực kỳ bi thương, nổi oan khổ không thể nào nói lên được. Trong rừng sâu, trên biển cả, nơi chốn tù đầy, chết vì bom đạn hay vì kiệt sức, hoặc vì bị bức bách, bị hãm hiếp rồi bị sát hại mà không có phương tiện chống cự lại. Có biết bao quý vị đã ngã quỵ mà nắm xương tàn khôing biết chôn vùi ở đâu. Những tai ương mà đất nước và dân tộc ta phải chịu đựng trong bao nhiêu năm đấu tranh cho độc lập và cho tự do, chính quý vị là những người phải gánh chịu nhiều nhất. Chúng tôi, những người thân thuộc và đồng bào của quý vị hôm nay tới đây thắp hương tưởng niệm quý vị,, hoặc thiết lập bàn thờ cho quý vị trước hiên nhà, trong chúng tôi cũng có những người vẫn còn tiếp tục gánh chịu oan khổ. Nhưng may thay, cơn ác mộng đã qua, đất nước đã được hòa bình, dân tộc đang có cơ hội xây dựng kiến thiết trở lại, nhờ phước đức tổ tiên, chúng tôi hôm nay mới có cơ hội đến với nhau một cách chính thức, chắp tay nguyện cầu Tam Bảo, nhờ pháp lực gia trì thỉnh cầu tất cả liệt vị trở về đoàn tụ, cùng nhau cầu nguyện để giải trừ nghiệp cũ, mở ra một vận hội mớ, nhìn nhận nhau, ôm lấy nhau thương lấy nhau nhhư đồng bào ruột thịt, không còn phân biệt Nam Bắc, gái trai, già trẻ, chủng tộc, tôn giáo, đảng phái và ý thức hệ. Tất cả chúng ta đều là đồng bào của nhau, gặp vận nước rủi ro, trên đường đấu tranh cho độc lập, cho tự do, bị dồn vào thế đối lập nhau, vì tự vệ mà phải chống đối nhau. Nhưng phước đức tổ tiên để lại vẫn còn, cho nên hôm nay tất cả chúng ta mới được về lại với nhau để nhìn nhận nhau như con một nhà, để cùng hứa với nhau là sẽ học cho thật thuộc bài học của đau thương trong quá khứ:

Nguyện từ nay về sau không để cho đất nước bị chia cắt một lần nào nữa,
từ đây về sau, khi có khó khăn nội bộ sẽ không nhờ đến bất cứ  một thế lực ngoại bang nào can thiệp nữa,
từ nay về sau, sẽ không khởi xướng một cuộc chiến tranh ý thức hệ nào nữa,
từ nay về sau sẽ không xử dụng vũ khí bên ngoài để tranh đấu với nhau nữa,
từ nay về sau nổ lực xây dựng một xã hội thật sự dân chủ để có thể giải quyết tất cả mọi bất đồng bằng những phương thức hoà bình dân chủ mà không sử dụng đến những phương tiện tranh đấu bạo động giữa người đồng bào.

Lạy chư vị tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh chứng minh. Trước mặt quý ngài chúng con xin  kính cẩn phát nguyện như thế và chúng con biết rằng một phen đã phát nguyện được như thế thì mọi oan ức sẽ được hoàn toàn giải toả và những vết thương hằn  sâu trong lòng tất cả mọi chúng con sẽ bắt đầu được chữa lành.

Hôm nay Đại Trai Đàn Chẩn Tế Bình Đẳng Giải Oan được thành lập, mọi nhà đều có thiết bàn thờ cầu nguyện, chúng con ngưỡng nguyện ơn trên Tam Bảo độ thoát cho tất cả mọi hương linh, để tất cả được nương vào pháp lực vô song mà được chuyển hóa siêu thăng.

Chúng tôi và các con cháu nguyện sẽ lên đường tiếp tục chí hướng của liệt vị hương linh, chúng tôi nguyện mang quý vị trong trái tim để đi về hướng tình huynh đệ và nghĩa đồng bào và luôn luôn nhớ rằng bầu và bí đều có thể leo chung một giàn, gà cùng một mẹ không bao giờ đá nhau, và tuệ giác ấy của tổ tiên sẽ soi đường chỉ lối cho con cháu chúng ta bây giờ và mãi mãi”.


Ăn mừng 1000 năm Thăng Long

Ăn Mừng Một Ngàn Năm Thăng Long

Sử gia Hoàng Xuân Hãn trong sách Lý Thường Kiệt nói: “Đời Lý là đời thuần từ nhất trong lịch sử Việt Nam. Đó là nhờ ảnh hưởng của đạo Phật.” Ăn Mừng Một Ngàn Năm Thăng Long, là phải nhớ tới điều ấy.

Vua đầu của triều Lý, Lý Thái Tổ, hồi còn bé thơ đã được tu học tại chùa Lục Tổ dưới sự chỉ dạy của Thiền sư Vạn Hạnh. Khi lên ngôi, vua đã tổ chức đời sống chính trị và văn hóa theo tinh thần vô trụ, vô úy và bất nhị của Thiền sư Vạn Hạnh. Nền hòa bình và hạnh phúc của đất nước kéo dài trong mấy trăm năm, đó là nhờ sự thực tập theo đạo Phật. Lý Nhân Tông, vị vua thứ tư của triều Lý đã nhắc tới Thiền sư Vạn Hạnh với những lời trân trọng. Vua nói: “Hành động của Thiền sư Vạn Hạnh có thông suốt cả tới quá khứ, hiện tại và tương lai. Lời nói của Thiền sư hiệu nghiệm như những lời sấm truyền. Tại quê hương làng Cổ Pháp, Thiền sư chỉ cần dựng cây tích trượng và ngồi yên, mà kinh đô Thăng Long được bền vững mãi mãi.”

Vạn Hạnh dung tam tế
Chấn phù cổ sấm ky
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.

Ta hãy ôn lại những gì mà các vua Lý đã làm trong những năm đầu của thành Thăng Long để thấy được rằng Ăn Mừng Một Ngàn Năm Thăng Long ta phải hành xử và thực tập như thế nào mới nối tiếp được công nghiệp của người xưa:

Năm 1010: Vua Lý Thái Tổ xuống chiếu đại xá các thuế khóa cho thiên hạ luôn trong ba năm. Những người nghèo, yếu, mồ côi, góa bụa, v.v… đã từng thiếu thuế từ nhiều năm trước mà không nộp được đều được tha thuế. Năm 1010, tháng 7, xây chùa Hưng Thiên ở nội thành để hoàng gia đến tụng giới và tu tập, chùa Thăng Nghiêm ở ngoại thành để mời dân chúng đến tụng giới và tu tập. Năm 1012, lập Cung Long Đức cho thái tử Phật Mã ở ngoài thành để thân cận với dân và hiểu biết sự tình của dân. Năm 1016, lại xuống chiếu đại xá tô thuế ba năm nữa, và cũng tha tô thuế trong ba năm.Vua cũng đã xuống chiếu cho phép những người nào vì sợ hãi trừng phạt đã phải trốn tránh được phép về quê cũ mà không bị trừng phạt, ân xá cho tất cả.

Năm 1014: Hữu nhai Tăng Thống Thâm Văn Uyển xin tổ chức đại giới đàn tại chùa Vạn Tuế, vua chuẩn tâu. Có hơn 1000 người được xuất gia. Năm 1016, lại có đại giới đàn ở thủ đô, hơn 1000 người được xuất gia. Năm 1019, có đại giới đàn, vua lại xuống chiếu cho độ dân xuất gia. Năm 1018: Vua gửi một phái đoàn do Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc cầm đầu sang Tống thỉnh Đại Tạng Kinh. Năm 1020, ủy đức Tăng Thống Phí Trí đi Quảng Châu đón Đại Tạng Kinh.

Vua Lý Thái Tông – Năm 1028, Hoàng thái tử Phật Mã lên ngôi. Đại xá thiên hạ. Xuống chiếu cho lấy tiền lụa ở kho lớn ban cho thiên hạ.
Khai Quốc Vương tức hoàng tử Bồ Trấn ở phủ Trường Yên làm phản. Vua đích thân đến Trường Yên đánh dẹp. Khai Quốc Vương đầu hàng. Vua tha tội cho Khai Quốc Vương và vẫn cho tước như cũ.

Năm 1034, tháng 8,
vua cho dựng tàng kinh Trùng Hưng tại chùa Trùng Quang. Năm 1036, đại xá thiên hạ. Tháng 2, vua xuống chiếu sao chép kinh Đại Tạng an trí ở tàng kinh Trùng Hưng. Năm 1040, vua mở hội La Hán ở Long Trì, đại xá thiên hạ, tha tội lưu đồ và tha thuế cho thiên hạ. Năm 1049, dựng chùa Diên Hựu, tức chùa Một Cột. Năm 1052, đúc chuông lớn ở Long Trì cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì giộng chuông để trực tiếp tâu lên vua hoặc đệ đơn kêu oan mà không phải đi qua trung gian nào.

Năm 1054, Vua Lý Thánh Tông lên ngôi. Năm 1064, mùa Hạ tháng Tư, vua ngự ở điện Thiên Khánh trong một vụ xử kiện. Vua chỉ vào công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh mà bảo ngục lai rằng: “Ta yêu con ta, cũng như lòng cha mẹ dân yêu dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương xót. Từ này về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm.” Năm 1070, đại hạn, phát thóc lúa và tiền lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo.

Năm 1072, Vua Lý Nhân Tông lên ngôi. Năm 1076, đại xá thiên hạ. Năm 1088, phong Thiền sư Khô Đầu làm quốc sư để tham hỏi việc nước. Mùa hạ, tháng 6, năm 1095, đại hạn, thả tù và giảm hoặc miễn các khoản tang thuế. Năm 1103, phát tiền ở kho Nội phủ để chuộc những con gái nhà nghèo đã phải bán đi ở đem gả cho những người góa vợ.

Năm 1127, Vua Lý Thần Tông lên ngôi.  Năm 1134, tháng 2, vua trai giới để cầu mưa. Xuống chiếu tha cho những người phạm tội trong nước. Năm 1134, vua tổ chức giới đàn độ dân xuất gia. Năm 1136, phong Thiền sư Không Lộ làm Quốc Sư. Tha thuế dịch cho dân.

Trong thời đại nhà Lý, các vị Thiền sư như Vạn Hạnh, Khô Đầu, Không Lộ, Thông Biện, Viên Chiếu đều được các vua ban hiệu Quốc Sư. Các vị Thiền sư này đều là những vị học rộng, có trí tuệ siêu việt và tình thương vô hạn, là những bậc thầy dạy đạo của cả nước.

 

Đề Nghị của Thiền sư Nhất Hạnh về cách thức Ăn Mừng Một Ngàn Năm Thăng Long

Cách thức ăn mừng 1000 năm Thăng Long hay nhất là nỗ lực của chính quyền và của toàn dân làm được và tiếp tục được những việc mà tiền nhân đã làm trong những năm đầu của kinh thành Thăng Long.

1.    Lập trường Đại Học lấy tên Vạn Hạnh gồm đủ các phân khoa có khuynh hướng xiển dương tinh thần vô trụ, vô úy, phá chấp, đại đồng và bất nhị của Thiền sư Vạn Hạnh. Các phân viện được mở đồng thời ở các thành phố lớn khác trong nước.

2.    Thiết lập giờ đạo đức học (công dân giáo dục) ở mọi cấp bậc giáo dục. Đào tạo giáo sư đạo đức học các cấp trong các phân khoa sư phạm và đạo đức học. Học và dạy đạo đức học truyền thống, đạo đức học toàn cầu và đạo đức học ứng dụng để ngăn ngừa và đối phó với các tệ nạn xã hội: bạo hành gia đình, ly dị, tự tử, ma túy, đĩ điếm, tham nhũng, lạm quyền. Thành lập các khu ấp và khu phố đạo đức gương mẫu.

3.    Triệu tập đại hội các truyền thống tôn giáo và nhân bản để thảo luận về một nền đạo đức toàn cầu, đưa ra một văn bản không có tính cách tôn giáo để làm căn bản thực tập của cả nước về một nền đạo đức toàn cầu có công năng lành mạnh hóa và từ bi hóa xã hội và cứu hộ được hành tinh. Mỗi truyền thống đưa ra văn bản thực tập của mình (như đạo Phật đưa ra văn bản Năm Giới Tân Tu) để chia sẻ và đóng góp. Tổ chức các buổi trao đổi học hỏi và đàm luận về phương pháp ứng dụng văn bản trong đời sống gia đình, học đường và sở làm. Tổ chức ôn tụng văn bản hàng tháng tại chùa, giáo đường, nhà văn hóa, thánh thất, thư viện, v.v… và đàm luận về phương pháp ứng dụng văn bản. Các viên chức chính quyền cũng đi ôn tụng văn bản đạo đức học như dân chúng.

4.    Thành lập hội đồng nhân sĩ đạo hạnh tại thôn ấp và khu phố, trong đó có mặt các công dân có tiếng là hiền lành, đạo hạnh, có thể làm mẫu mực đạo đức cho dân xóm, có thể có vị mục sư, linh mục và trú trì, để chăm sóc đời sống đạo đức trong cọng đồng bằng đường lối đức trị, nâng đỡ, khuyến khích, yểm trợ.

5.    Ân xá cho những người bị lưu đày và tù tội, trong đó có tội góp ý cho chính quyền, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, đa giáo hội, kêu gọi tự do tôn giáo, tự do ngôn luận. Cho phép một số phạm nhân được chuộc tội bằng công tác xã hội dưới sự che chở, giám sát và bảo lãnh của các vị xuất gia thuộc các tôn giáo.

6.    Miễn thuế và tha thuế cho những người không nhà cửa, nghề nghiệp, không có nguồn lợi tức. Ân xá cho tất cả những người lưu vong được trở về quê quán.

7.    Mỗi ngày chủ nhật chỉ sử dụng xe đạp, xe thồ, xe ngựa, đi bộ, chỉ trừ trường hợp cứu cấp, tại thủ đô Hà Nội cũng như tại các thành phố lớn. Ngày chủ nhật không hút thuốc, không uống rượu, không bán thuốc hút và bán rượu.

8.    Lập thêm các quán cơm chay ở thủ đô và các thành phố lớn. Các quán ăn khác mỗi quán cũng phải có ít nhất vài món ăn chay. Mọi người được khuyến khích ăn chay ít nhất là mười lăm ngày mỗi tháng (theo khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc là giảm bớt ít nhất 50% công nghệ chế tác thịt nhằm mục tiêu cứu độ hành tinh). Những người ăn chay trường được hưởng chế độ bớt 50% tiền bảo hiểm xã hội.

9.    Yểm trợ công nghệ sử dụng ánh sáng mặt trời để nấu cơm, nấu nước tắm, thắp đèn, nấu trà, giặt áo, v.v…

10.    Chấm dứt sản xuất và sử dụng bao ni lông và chén bát ni lông, nhựa.

11.    Triệu tập đại hội Phật Giáo, mời tất cả các vị tôn đức trong và ngoài nước để thành lập lại giáo hội Phật Giáo dân lập hoàn toàn đứng ngoài chính trị.

12.    Tổ chức các khóa tu tại Việt Nam cho dân chúng và thiền sinh ngoại quốc về phương pháp chuyển hóa bạo động, xây dựng tình huynh đệ theo tinh thần bất nhị và vô trụ của Thiền sư Vạn Hạnh.

Những chương trình hành động, nếu các ngành lập pháp và hành pháp trong nước không muốn hoặc không thể thực hiện, thì dân chúng có thể tự tổ chức thực hiện, bắt đầu bằng giới Phật tử, cộng tác với các giới khác, trong các giới tôn giáo và nhân bản.

Thiền sư Nhất Hạnh

 

 

Năm Giới Tân Tu

Lời mở đầu:
Kính thưa các anh chị em bạn đồng tu, bây giờ là lúc chúng ta có cơ hội tụng chung Năm Giới với nhau. Năm Giới tức là năm phép thực tập chánh niệm, biểu hiện được một cách cụ thể giáo lý Tứ Đế và Bát Chánh Đạo, con đường của Bụt, con đường của hiểu biết và thương yêu đích thực có khả năng đưa tới trí tuệ, chuyển hóa và hạnh phúc cho bản thân và cho thế giới. Năm Giới mang theo tuệ giác Tương Tức, tức là Chánh Kiến, có khả năng tháo bỏ mọi cuồng tín, cố chấp, kỳ thị, sợ hãi, hận thù và tuyệt vọng. Sống và thực tập theo Năm Giới là chúng ta đã đi vào con đường mà các vị Bồ Tát đang đi. Năm Giới này đại diện cho cái thấy của đạo Bụt về một nền Tâm Linh và Đạo Đức Toàn Cầu. Biết rằng đang được đi trên con đường của Bụt, chúng ta không còn lý do gì để lo lắng cho hiện tại và sợ hãi cho tương lai.

 

Giới thứ nhất: Bảo vệ sự sống

Ý thức được những khổ đau do sự giết chóc gây ra, con xin nguyện thực tập nuôi dưỡng tuệ giác Tương Tức và lòng Từ Bi để có thể bảo vệ sinh mạng của con người, của các loài động vật, thực vật và môi trường của sự sống. Con nguyện không sát hại, không để kẻ khác sát hại và không yểm trợ cho bất cứ một hành động sát hại nào trên thế giới, trong tư duy cũng như trong đời sống hằng ngày của con. Thấy được rằng tất cả những bạo động do sự sợ hãi, hận thù, tham vọng và cuồng tín gây ra đều bắt nguồn từ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị, con nguyện học hỏi thái độ cởi mở, không kỳ thị và không cố chấp vào bất cứ một quan điểm, một chủ thuyết hay một ý thức hệ nào để có thể chuyển hóa hạt giống cuồng tín, giáo điều và thiếu bao dung trong con và trong thế giới.

Giới thứ hai: Hạnh phúc chân thực

Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cắp, áp bức và bất công xã hội gây ra, con nguyện thực tập san sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ thiếu thốn, trong cả ba lĩnh vực tư duy, nói năng, và hành động của đời sống hằng ngày. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do tự mình tạo ra. Con nguyện thực tập nhìn sâu để thấy rằng hạnh phúc và khổ đau của người kia có liên hệ mật thiết đến hạnh phúc và khổ đau của chính con, rằng hạnh phúc chân thực không thể nào có được nếu không có hiểu biết và thương yêu, và đi tìm hạnh phúc bằng cách chạy theo quyền lực, danh vọng, giàu sang và sắc dục có thể đem lại nhiều hệ lụy và tuyệt vọng. Con đã ý thức được rằng hạnh phúc chân thực phát sinh từ chính tự tâm và cách nhìn của con chứ không đến từ bên ngoài, rằng thực tập phép tri túc con có thể sống hạnh phúc được ngay trong giây phút hiện tại nếu con có khả năng trở về giây phút ấy để nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà con đã có sẵn. Con nguyện thực tập theo Chánh Mạng để có thể làm giảm thiểu khổ đau của mọi loài trên trái đất và để chuyển ngược lại quá trình hâm nóng địa cầu.

Giới thứ ba: Tình thương đích thực

Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học hỏi theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo hộ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người, mọi gia đình và trong xã hội. Con biết tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau, rằng những liên hệ tình dục do thèm khát gây nên luôn luôn mang tới hệ lụy, đổ vỡ cho con và cho kẻ khác. Con nguyện không có liên hệ tình dục với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực và những cam kết chính thức và lâu dài. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa. Con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục trong con, để thấy được sự thật thân tâm nhất như và để nuôi lớn các đức Từ, Bi, Hỉ và Xả, tức là những yếu tố căn bản của một tình yêu thương đích thực để làm tăng trưởng hạnh phúc của con và của người khác. Con biết thực tập Tứ Vô Lượng Tâm ấy, con sẽ được tiếp tục đẹp đẽ và hạnh phúc trong những kiếp sau.

Giới thứ tư: Lắng nghe và ái ngữ

Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm và do thiếu khả năng lắng nghe gây ra, con xin nguyện học các hạnh Ái Ngữ và Lắng Nghe để có thể hiến tặng niềm vui cho người, làm vơi bớt nỗi khổ đau của người, giúp đem lại an bình và hòa giải giữa mọi người, giữa các quốc gia, chủng tộc và tôn giáo. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hay khổ đau cho người, con nguyện học nói những lời có khả năng gây thêm niềm tự tin, an vui và hi vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói năng gì khi biết cơn bực tức đang có mặt trong con, nguyện tập thở và đi trong chánh niệm để nhìn sâu vào gốc rễ của những bực tức ấy, nhận diện những tri giác sai lầm trong con và tìm cách hiểu được những khổ đau trong con và trong người mà con đang bực tức. Con nguyện học nói sự thật và lắng nghe như thế nào để có thể giúp người kia thay đổi và thấy được nẻo thoát ra ngoài những khó khăn đang gặp phải. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không nói những điều có thể tạo nên những sự bất hòa trong gia đình và trong đoàn thể. Con nguyện thực tập Chánh Tinh Tấn để có thể nuôi dưỡng khả năng hiểu, thương, hạnh phúc và không kỳ thị nơi con và cũng để làm yếu dần những hạt giống bạo động, hận thù và sợ hãi mà con đang có trong chiều sâu tâm thức.

Giới thứ năm: Nuôi dưỡng và trị liệu

Ý thức được những khổ đau do thói tiêu thụ không chánh niệm gây nên, con nguyện học hỏi cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe cơ thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực để tránh tiêu thụ những thực phẩm độc hại. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ bất cứ một sản phầm nào có độc tố, trong đó có mạng lưới internet, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, sách báo, bài bạc và cả chuyện trò. Con nguyện thực tập thường xuyên trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc với những gì tươi mát, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong con và xung quanh con, không để cho tiếc nuối và ưu sầu kéo con trở về quá khứ và không để cho lo lắng và sợ hãi kéo con đi về tương lai. Con nguyện không tiêu thụ chỉ để khỏa lấp sự khổ đau, cô đơn và lo lắng trong con. Con nguyện nhìn sâu vào tự tính tương quan tương duyên của vạn vật để học tiêu thụ như thế nào mà duy trì được an vui trong thân tâm con, trong thân tâm của xã hội, và trong môi trường sự sống.

Đề nghị về khóa Đạo đức học Ứng dụng

Dành Cho Các Nhà Giáo Dục và Học Sinh

Khóa học này được xây dựng dành cho đối tượng là các nhà giáo dục, những người có niềm ao ước tạo dựng một đời sống, một nghề nghiệp an vui và hạnh phúc cho chính bản thân và góp phần xây dựng một môi trường học đường và lớp học lành mạnh, có thương yêu và có tình huynh đệ.

Làng Mai

Thiền Sư Nhất Hạnh cùng Tăng thân xuất sĩ và cư sĩ thuộc Đạo Tràng Mai Thôn đã có trên 30 năm kinh nghiệm tu tập, giảng dạy nếp sống chánh niệm, và đang phát triển hướng đi đạo đức tâm linh cho xã hội hiện đại. Chúng tôi đã chia sẻ những phương pháp tu học này với hàng ngàn người trong đó có các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh, học sinh, trẻ em, các tác viên xã hội, các nhà tâm lý trị liệu, cảnh sát viên, y tá, bác sĩ, các nhà chính trị, doanh nhân và nghệ sĩ. Nhiều người trong số họ đã có thể giảng dạy nếp sống chánh niệm và tạo dựng tăng thân theo khả năng của họ. Chúng tôi cũng đã đặc biệt hướng dẫn hàng trăm khóa tu dành cho gia đình trong đó có chương trình sinh hoạt tu học cho trẻ em và thiếu niên, cũng như những khóa tu dành cho các nhà giáo dục  và học sinh, sinh viên, trong đó chúng tôi đã phát triển và sáng chế ra nhiều phương pháp tu học phong phú và hữu hiệu để trao truyền nếp sống chánh niệm cho người trẻ.

Tầm Nhìn

Hiện tại chúng tôi đang hướng đến việc cung cấp các chương trình đào tạo cho đối tượng là những người đang làm việc trong các lĩnh vực giáo dục và phát triển; các chương trình này có thể thực hiện ở cả hai cấp địa phương và quốc gia. Chúng tôi muốn cộng tác để cống hiến các khóa học đều đặn cho các nhà giáo dục, những người quan tâm đến sự học hỏi, tu tập về chánh niệm và về nền đạo đức ứng dụng. Chúng tôi nhận thấy hiện có các đối tác, những tổ chức gia đình và cá nhân sẵn sàng áp dụng những khóa học này vào sự thực tập liền lập tức. Những sáng kiến mới, những thí nghiệm ban đầu đang được thực hiện đối với các nhà giáo dục và các nhà lập pháp trên một số quốc gia ở Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ.

Mục Tiêu

Khóa học này nhắm đến những gốc rễ khổ đau và sự chia rẽ, kỳ thị đang trấn ngự trong lòng của mỗi chúng ta và trong xã hội. Là những người tu (xuất sĩ và cư sĩ) hướng dẫn tâm linh, chúng tôi thấy rằng đây là những thách thức thời đại đối với thế hệ trẻ, những người đang bị bế tắc, mất hướng đi hoặc không có đủ niềm tin và phương pháp để đối trị, chăm sóc những áp lực và căng thẳng mà họ đang đối diện mỗi ngày trong cuộc sống. Các bậc phụ huynh và những người có trách nhiệm chăm sóc khác không có được sự nâng đỡ và hướng dẫn thiết yếu cho người trẻ để họ lớn lên một cách lành mạnh, hạnh phúc, có tình huynh đệ, và đóng góp tích cực cho một xã hội lành mạnh và từ bi. Thêm vào đó, học đường, học viện ngày nay không còn cung cấp cho chúng ta những tấm gương mẫu mực về sự liêm chính, sự cộng tác, hay tinh thần trách nhiệm để chăm lo cho các giá trị chân, thiện, mỹ của nhân loại.

Bản chất thiết yếu của khóa đạo đức học ứng dụng là chánh niệm. Chánh niệm là nguồn năng lượng có công năng giúp chúng ta ý thức và biết được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta trong giây phút hiện tại. Nhờ đó, chúng ta biết điều gì nên làm và không nên làm trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày để giảm thiểu những khổ đau và tăng trưởng hạnh phúc. Những phương pháp được cống hiến trong khóa đạo đức học ứng dụng giúp ta hiểu sâu về thân thể, cảm thọ, tâm (tâm hành) và pháp – tức là những đối tượng của nhận thức (tri giác), để rồi ta có thể giúp những người khác làm được như ta. Chúng ta sẽ học nghệ thuật chăm sóc, làm lắng dịu, nhìn sâu và chuyển hóa khổ đau trong ta, đồng thời học cách chế tác, nuôi dưỡng niềm vui và hạnh phúc. Từ đó tình thương và sự hiểu biết về mối quan hệ mật thiết của ta đối với gia đình và xã hội tự nhiên phát khởi.

Tính Chất Phi Tôn Giáo

Khóa Đạo Đức Học Ứng Dụng đã được thiết lập trên nền tảng giáo lý đạo Bụt, nhưng mang màu sắc phi tôn giáo. Nền tảng của khóa học được căn cứ trên các nguồn tuệ giác và sự thực tập thực tiễn của đạo Bụt như tuệ giác tương tức, bất nhị và sự quan hệ mật thiết giữa khổ đau và hạnh phúc.  Bằng chứng khoa học đã cho chúng ta thấy rằng những pháp môn tu tập của truyền thống đạo Bụt rất thực tiễn và hiệu nghiệm, và chúng có thể được áp dụng một cách thành công trong phạm vi giáo dục, mà không cần phải sử dụng ngôn ngữ hay màu sắc mang tính chất đạo Bụt.

Khái Quát Về Nội Dung của Khóa Học

Giai đoạn I:
Hướng Dẫn Các Nhà Giáo Dục, các Thầy Cô Giáo Về Phương Pháp Chăm Sóc Bản Thân
(trước khi có thể giảng dạy cho học sinh của mình)

    • Vun trồng và trưởng dưỡng hơi thở chánh niệm để giúp đưa thân và tâm trở về một mối, đồng thời phát triển năng lượng của sự chuyên chú, gọi là định.
    • Chăm sóc, làm lắng dịu, và buông thư những đau nhức và căng thẳng trong thân thể.
    • Học cách chế tác những cảm thọ hỷ lạc và trân quý những gì mình đang đã có.
    • Học cách sống giản dị để có thêm thì giờ để thư giản và thưởng thức sự sống mầu nhiệm.
    • Học cách lắng nghe và ôm ấp những cảm xúc mạnh như tâm hành sợ hãi, giận hờn, buồn đau và tuyệt vọng.
    • Học cách sử dụng ngôn ngữ từ ái và lắng nghe với tâm từ bi để chăm sóc những mối quan hệ của ta và tái lập truyền thông.
    • Tìm hiểu và khám phá tính chất phi tôn giáo, những nguyên tắc hướng dẫn đạo đức cho sự lành mạnh của thể chất và tinh thần, cũng như chăm sóc hạnh phúc của bản thân, gia đình, học đường, cộng đồng, xã hội, và thế giới.
    • Nhìn sâu vào cách tiêu thụ và sản xuất của chúng ta với tư cách một cá nhân và như một xã hội.

 

Giai Đoạn II:
Giảng dạy Đạo Đức Học Ứng Dụng cho Học Sinh

    • Học cách hướng dẫn những buổi thiền tập buông thư cho các học sinh
    • Học cách giúp đỡ các học sinh nhận diện, chăm sóc và xử lý những cảm xúc mạnh.
    • Học nghệ thuật xây dựng tăng thân, cộng đồng để cho lớp học và học đường của chúng ta trở thành một không khí gia đình có tình yêu thương đích thực.
    • Học phương pháp giải quyết những khó khăn, xung đột trong lớp học một cách sáng tạo.
    • Giúp các học sinh phát triển lòng thương yêu bằng cách hiểu được khổ đau của chính mình, và của những người bạn học cùng trang lứa.
    • Đưa ra chương trình giảng dạy chánh niệm thích hợp cho lứa tuổi, cùng với những phương tiện, kỹ thuật và dụng cụ giảng dạy đa dạng, để có thể áp dụng hữu hiệu trong lớp học.

Mô Thức của Khóa Học

Khóa học này được thực hiện trong hai giai đoạn, thời hạn của mỗi giai đoạn có thể kéo dài khoảng một tuần tại một trong những trung tâm thường trú của Làng Mai hoặc ở tại trường cao đẳng học viện – nơi có nhu cầu tổ chức khóa học. Hình thức của khóa học một tuần có thể được tổ chức như một khóa tu, những người tham dự phải ở nội trú trong suốt thời gian khóa tu (khóa học) và tu tập chánh niệm miên mật suốt cả ngày. Mỗi giai đoạn cũng có thế được phân ra theo đơn vị thời gian ngắn hơn tùy theo nhu yếu, ( ví dụ có thể sử dụng hai ngày cuối tuần trong ba tuần liên tiếp hoặc trong giai đoạn bảy ngày giãn ra qua thời gian). Giai đoạn I là điều kiện tiên quyết cho giai đoạn II.

Kết Quả Dự Kiến

Có một số trường học, tổ chức đã bắt đầu thực thi những khía cạnh của khóa đạo đức học ứng dụng này rồi và kết quả cho thấy rất hiệu nghiệm cho cả hai phía thầy giáo và học sinh. Những người tham dự khóa học này biết làm thế nào để chăm sóc bản thân, xây dựng cộng đồng, và trở thành những người đi tiên phong trong việc xây dựng và tạo ra những thay đổi tốt đẹp, tích cực hơn.

Những kết quả ban đầu mà chúng tôi đã nhận được cũng như những điều chúng tôi mong muốn đạt được thông qua các khóa đạo đức học ứng dụng như sau:

    • Các nhà quản lý, các thầy, cô giáo có thêm sự năng động, nhiệt huyết, dấn thân và khả năng sống hạnh phúc.
    • Xây dựng được một môi trường học hỏi vui tươi, tự nguyện, mềm dẻo, linh động, trách nhiệm và kỷ luật trong đó mọi người cảm thấy thoải mái và đồng thời đóng góp vào cái đẹp, lành cho cả lớp, cả học đường và cho cộng đồng lớn hơn.
    • Những học sinh có khả năng sáng tạo và học tập với tinh thần thư thái nhưng tỉnh thức, có khả năng sống vui tươi, đầy nhiệt tình, giàu lòng nhân ái và luôn có cái nhìn tích cực.
    • Những học sinh tốt nghiệp có thể bước vào thời kỳ kế tiếp của cuộc đời họ với một nền tảng đạo đức căn bản, thực tiễn làm cơ sở cho mọi hành động và quyết định trong cuộc đời, đồng thời có khả năng vượt qua những cảm xúc mạnh và giữ được tinh thần thư thái.

Môi Trường Cộng Đồng

Khóa học có thể được tổ chức trong phạm vi tăng thân bao gồm những người nam xuất sĩ, nữ xuất sĩ, nam cư sĩ và nữ cư sĩ, thực tập chánh niệm miên mật trong 24 giờ một ngày. Sức mạnh và sự hòa hợp của tăng thân được tạo nên khi mọi người trong tăng thân đều có chung cái thấy về một nếp sống đạo đức. Cái thấy này phát khởi một cách tự nhiên do sự thực tập chánh niệm mang lại. Tăng thân cống hiến cho mình sự nâng đỡ và tạo ra một môi trường tu học an toàn trong đó ta có thể nhìn lại mình. Sống và làm việc chung với nhau như một hợp thể, chúng ta sẽ tạo ra nguồn năng lượng tập thể hùng hậu có khả năng trị liệu, chuyển hóa thân và tâm ta.

Trong khóa học, phép tu tập chánh niệm phải được trao truyền theo những cách có thể giúp chúng ta ứng dụng được liền vào đời sống hàng ngày. Các vị thường trú cống hiến cho những người đến tham dự khóa học cái biết và kinh nghiệm của họ không phải chỉ với những điều họ dạy (lý thuyết), mà với sự thực tập thân giáo của họ qua cách đi, đứng, nói năng, ăn uống, làm việc và hành xử trong chánh niệm. Môi trường yểm trợ lớn nhất cho sự chuyển hóa và trị liệu của chúng ta là một cộng đồng hòa điệu, vui tươi, có hành trì uy nghi, giới luật và phát triển niệm, định, tuệ. Trên 30 năm kinh nghiệm tu học và giảng dạy đã cho chúng tôi thấy rằng tăng thân là yếu tố thiết yếu giúp mang lại sự chuyển hóa sâu sắc và lâu bền. Sống và thực tập như một tăng thân, một cộng đồng, chúng tôi tìm lại được niềm tin nơi gia đình nhân loại và chúng tôi trở về với cuộc sống trong sự tươi mát và đầy nhiệt huyết hơn. Môi trường tu học trong đó có những người ở thường trú giúp chúng ta cởi mở và khám phá lại chất liệu thánh thiện sẵn có trong tự thân cũng như tìm lại được ý nghĩa và hướng đi cho cuộc sống.

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ: appliedethics@eiab.eu

Chương Trình Chi Tiết của Khóa Đạo Đức Học Ứng Dụng
(Giai đoạn I và II)

I. Có Mặt
-Có mặt đích thực trong giây phút hiện tại (ý thức về không gian và thời gian mà mình đang có mặt)
-Ý thức những cảm giác về thân và các giác quan

II. Chăm Sóc Thân Thể
-Buông bỏ sự căng thẳng trong thân
-Làm thuyên giảm sự đau nhức trong thân
-Nhận diện cảm thọ đau nhức thuộc về thân
-Chăm sóc, ôm ấp cảm thọ đau nhức thuộc về thân để cảm nghiệm sự thuyên giảm.

III. Nuôi Dưỡng Yếu Tố Hỷ Lạc
-Học cách chế tác những cảm giác vui tươi và hạnh phúc.
-Học cách trân quý những gì mình đã và đang có.
-Học cách đơn giản hóa đời sống để chúng ta có thêm thì giờ để thư giản và thưởng thức sự sống.
-Học cách để vượt thoát những nỗi sợ hãi tùy miên, để sống và chết một cách bình an và hạnh phúc
(sử dụng những phương pháp đã được thiết lập từ Kinh Quán Niệm Hơi Thở và Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm)

IV. Chăm Sóc Những Cảm Thọ
-Nhận diện cảm xúc mạnh (sợ hãi, giận hờn, tuyệt vọng, v.v..) mỗi khi nó biểu hiện.
-Học cách xử lý và làm lắng dịu những cảm xúc mạnh.
-Học cách nhìn sâu để hiểu gốc rễ của những cảm xúc mạnh.
-Học cách lắng nghe và ôm ấp khổ đau của chính mình.

V. Chăm Sóc Mối Liên Hệ của Ta
-Học cách lắng nghe và hiểu những khổ đau của người kia (bố, mẹ, vợ, chồng, con cái, học trò, v.v..)
-Học cách làm vơi bớt khổ đau nơi người kia.
-Học cách sử dụng ngôn ngữ hòa ái và lắng nghe với tâm từ bi để tái lập truyền thông với người kia
(cụ thể giữa thầy giáo với thầy giáo, học sinh với học sinh và giữa học sinh với thầy giáo)
-Học cách giúp người khác hòa giải những xung đột, khó khăn của họ, giữa hai người hoặc giữa hai nhóm người với nhau.
-Học cách áp dụng những yếu tố làm nên tình thương chân thật: từ, bi, hỷ, xả vào các mối liên hệ của chúng ta.
-Thực tập ý thức trách nhiệm trong quan hệ tình dục và tôn trọng những cam kết của mình và của người khác để tôn vinh và nâng đỡ ước nguyện thương yêu sâu sắc của nhau.
-Vun bồi nguồn tuệ giác vô ngã để vượt thoát những mặc cảm hơn người, thua người và bằng người.

VI. Tôn Trọng Sự Sống
-Học cách sống như thế nào để bảo vệ và trị liệu môi trường sinh thái và hành tinh của chúng ta.
-Học nghệ thuật tiêu thụ và sản xuất có chánh niệm và từ bi với tư cách một cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
-Làm phát khởi và duy trì tuệ giác tương tức trong đời sống hàng ngày (thực tập thiền Năm Lạy, Ba Lạy).

VII. Hành Nghề Chân Chính (Chánh Mạng)
-Khám phá ước nguyện cao cả và những tài năng của mình
-Sống và hành động như thế nào để cho đời sống của chúng ta có ý nghĩa và có phẩm chất trong bốn lĩnh vực: có mặt, chơi, làm việc và phụng sự.
-Học phương pháp giữ cân bằng giữa công việc phụng sự và nhu yếu chuyển hóa tự thân; làm thế nào để nghỉ ngơi, buông thư, nuỗi dưỡng tâm mình với những niềm vui, hạnh phúc
(điều này đặc biệt dành cho các y tá, bác sĩ, các nhà tâm lý trị liệu, các viên chức cảnh sát, v.v..)
-Học cách hiến tặng và nghệ thuật cộng tác.

VIII. Áp Dụng Nếp Sống Chánh Niệm vào Lớp Học
-Dạy cho học sinh nghệ thuật dừng lại và thở theo tiếng chuông chánh niệm hoặc một âm thanh tương tự.
-Học cách để hướng dẫn học sinh thực tập theo dõi hơi thở có ý thức và buông thư.
-Giúp học sinh biết nhận diện, ôm ấp và chăm sóc những cảm xúc mạnh mỗi khi chúng phát khởi.

IX. Xây Dựng Nếp Sống Cộng Đồng Trong Học Đường
-Xây dựng một nhóm học sinh hành động cho hòa bình trong lớp học để chăm sóc, xử lý những khó khăn, xung đột trong lớp và cải thiện sự truyền thông.
-Thực tập nghệ thuật Làm Mới để hòa giải những nội kết trong lớp.
-Thiết lập những sinh hoạt tu tập chánh niệm đều đặn cho các các thầy, cô giáo.
-Tạo dựng các nhóm hỗ trợ gồm các thầy giáo, cô giáo, phụ huynh và học sinh; kêu gọi các phụ huynh cùng tham gia và chịu trách nhiệm trong công tác giáo dục và đào tạo con em của họ.
-Áp dụng sáu cách sống và làm việc theo tinh thần lục hòa của đạo Bụt vào môi trường học đường để xây dựng tình huynh đệ, phát triển các kỹ năng hợp tác và làm chung với nhau
(tạo cho những người bạn học khác có tự tin nơi chính bản thân, biết làm việc hài hòa với nhau, chia sẻ những nguồn thông tin, ý kiến, tầm nhìn, biết tạo không gian cho nhau, xây dựng niềm tin, và biết tôn trọng sự khác biệt của nhau).

Lời tâm sự trong ngày sinh nhật

Lời tâm sự trong ngày sinh nhật*
Thầy Làng Mai


Có người nói rằng: tuổi trẻ là đóa hoa đẹp nhất trong các đóa hoa và tuổi già là trái cây ngon ngọt nhất trong tất cả các loại trái cây. Tôi nghĩ rằng nó có sự thật ở trong câu nói đó. Khi lớn tuổi thì mình không còn gấp gáp, hối hả nữa, mình có nhiều thì giờ hơn để ngồi với những người khác, và lắng nghe họ. Tuổi già đem đến cho mình rất nhiều tuệ giác. Tôi nhận thấy rằng những gì chướng ngại, khó khăn nhất của cuộc đời xảy ra cho mình, lại chính là những cái kích thích cho tuệ giác của mình lớn lên mau lắm. Chúng ta không cần phải sợ hãi những chướng ngại, những khổ đau, những bất như ý của cuộc đời, tại vì chính những cái đó đem lại cho chúng ta rất nhiều tuệ giác.

Có một ông già chín mươi bốn tuổi, lớn hơn tôi tới mười một tuổi, ông là một ca sĩ nổi tiếng, ông không học Phật pháp, không tu tập nhưng ông cũng đạt tới tuệ giác là mình nên có chánh niệm về những hạnh phúc nho nhỏ trong đời sống hàng ngày. Ông tên là Henri Salvador, là tác giả của bài hát “Une chanson douce”. Ông nói rằng: khi mình lớn tuổi rồi thì có những cái bất ngờ, ví dụ như khi mình đi ngủ thì thấy không có sao, nhưng lúc thức dậy tự nhiên thấy đau nhức quá chừng, nhưng mình chấp nhận, vì sự đau nhức đó là một phần của cuộc đời. Sự thực tập của ông là để ý tới những niềm vui nho nhỏ trong đời sống hàng ngày. Nếu mình để ý thì sẽ thấy có rất nhiều niềm vui: Thức dậy vươn vai là hạnh phúc rất lớn; đi vào xả nước tắm là hạnh phúc rất lớn; ngồi vào bàn ăn sáng có một tách cà phê thơm nóng, rất là sướng; nghe tiếng mưa rơi làm cho mình thấy hạnh phúc vô cùng… Tuy rằng Henri Salvador không thực tập chánh niệm theo kiểu của chúng ta, nhưng sống lâu thì cũng đạt được tuệ giác đó. Hiện bây giờ ông đang sống như vậy trong những năm còn lại của đời mình.

Có một người lớn tuổi khác (cũng vào tuổi đó) là một nhà văn, ông nói: khi tôi còn trẻ, tôi ham mê công việc hàng ngày, tôi không có thì giờ để suy tư, để quán chiếu, để thấy được những mầu nhiệm của sự sống. Đến khi già, tôi có cơ hội để nhìn cho kỹ thì tôi thấy được tất cả những mầu nhiệm của sự sống ở trong tôi và xung quanh tôi. Bây giờ nhìn người trẻ, tôi thấy người trẻ đang sống như tôi ngày xưa, sống hối hả, sống vội vàng, sống muốn làm cho được cái này, làm cho được cái kia, nhưng không có khả năng thấy được sự sống mầu nhiệm. Tôi rất thương cho họ! Những người trẻ có sự tươi mát, có năng lượng của tuổi trẻ thật là đẹp, mà chính họ, họ không hưởng được. Nhưng khi sống chung với họ thì tôi lại hưởng được cái đó, tôi hưởng được sự tươi mát và năng lượng của tuổi trẻ, tại vì sự thực tập của tôi bây giờ là tôi thấy tôi trong họ.

Một nhà thơ nói: đã là hoa xin hãy khoan là trái. Tôi nghĩ rằng tuy có một phần chân lý ở trong, nhưng theo sự thực tập của Làng Mai thì mình có thể vừa là hoa, vừa là trái. Mình là bông hoa đẹp nhất trong các loài hoa, nhưng cũng có thể là trái cây ngon nhất trong các loại trái cây. Không cần đợi đến già mới trở thành trái ngọt. Tôi thấy rằng tôi đã từng là người trẻ, tôi đã từng là bông hoa. Tôi biết bây giờ tôi đã lớn tuổi, tôi đã thành trái, nhưng tôi cũng còn thực tập làm hoa tươi mát. Thành ra câu nói ban đầu tuy có chân lý trong đó, nhưng mình có thể sửa lại một chút, mình có thể vừa là hoa, vừa là trái. Đó là điều tôi muốn chia sẻ cho các vị: mình có thể vừa là bông hoa đẹp nhất trong các bông hoa mà mình cũng có thể vừa là trái cây ngon nhất trong các loại trái cây. Mình có thể đẹp, mình có thể tươi mát, nhưng mình cũng có thể ngọt ngào và ngon lành. Như vậy chứng tỏ rằng câu nói kia tuy là có chân lý, nhưng chân lý đó không rốt ráo, không có cứu cánh.

Xin cảm ơn các thầy, các sư cô, các vị Phật tử.

________________
*Năm Thầy 80 tuổi

Thông Bạch Ngày Tiếp Nối 2012

Hôm 11 -10- 2012 vừa qua, Đại chúng bốn chùa Làng Mai đã tập họp tại thiền đường Hội Ngàn Sao ở Xóm Hạ Làng Mai để mừng ngày sinh của Thầy, mừng Ngày Tiếp Nối của Thầy. Đường dây trực tuyến đã được nối kết với Tu Viện Bích Nham ở Hoa Kỳ, Thiền Đường Hơi Thở Nhẹ ở Paris; Nhóm Tăng thân Wakeup đang tổ chức khóa tu ở Anh Quốc và Tổ Đình Từ Hiếu ở tận quê hương. Buổi sinh hoạt rất vui, nhất là khi các Xóm Hạ và Xóm Mới chiếu lên màn ảnh những cuộn phim do các thầy và các sư cô thực hiện để mừng Ngày Tiếp Nối của Thầy.

Thông điệp bốn phương gửi về rất nhiều. Trên Facebook cũng có gần cả ngàn người từ bốn phương gửi thông điệp về. Cảm động nhất  là những thông điệp trong đó thân hữu và thiền sinh nói lên những câu phát nguyện thực tập để mừng sinh nhật Thầy một cách có ý nghĩa, hơn là gửi quà về. Chúng ta có thể đọc được trên www.facebook.com/thichnhathanhfoundation hàng trăm câu tạ ơn như: “Những lời dạy của Thầy đã cứu mạng sống của con nhiều lần…” hay là “Nhờ Thầy mà con đã biết mỉm cười với tập khí tiêu cực của con và chấp nhận với lòng từ bi những người không dễ thương và từ từ giúp họ gỡ ra những khúc mắc trong lòng họ…”

Tăng thân Dòng Tu Tiếp Hiện tại Anh quốc (The UK Order of Interbeing) đã gửi về Làng một hộp quà lớn trong đó có một bản vẽ một cây đại thụ với rất nhiều hoa trái làm bằng những kết quả thực tập và những lời hứa tiếp tục thực tập của các thiền sinh tự xem là những người con tâm linh của Thầy. Ví dụ: “Con nguyện thực tập thở, mỉm cười và đi trong chánh niệm để có mặt cho con và cho những người con thương” – Sharon, True Flower of Faith. Hoặc “Con nguyện đi đủ ba mươi hai bước và có hạnh phúc mỗi khi con đi ra vườn rau” – Lesly True Lotus of Joy. Hoặc “Con nguyện thực tập lắng nghe nhà con, nhất là khi ông ấy có những ý kiến khác với ý kiến của con” –  Allison True Essential Virtue v.v…

Đại chúng bốn chùa Làng Mai ngồi chơi với Thầy

Chúng con là sự tiếp nối của Thầy

Và sau đây là những lời dạy của Thầy
khi tăng thân Tổ Đình Từ Hiếu tỏ ý muốn được nghe những lời Thầy sách tấn.

Các con đã tiếp nối Thầy được bao nhiêu?

Ở Làng Mai, chúng ta không nói “Mừng ngày sinh nhật” mà nói “Mừng ngày tiếp nối” (Continuation Day). Tiếp nối cái gì? Và ai tiếp nối ai? Hôm nay chúng ta quán chiếu về sự tiếp nối của Thầy trong Thầy và trong các con của Thầy, xuất sĩ cũng như cư sĩ. Các con tiếp nối Thầy nghĩa là sao? Sự tiếp nối có hai phần, nơi thân tâm mình và nơi thân tâm những người được tiếp nhận những gì mình truyền trao. Bụt có dạy về trao truyền như sau: người trao truyền, người nhận trao truyềnvật được trao truyền là một. Tam luân không tịch. Không có chủ thể trao truyền, không có người nhận trao truyền, chỉ có sự trao truyền, thế thôi.

Trao cái gì? Trước nhất là trao bước chân. Các con đã đặt được trên mặt đất từng bước chân chánh niệm hay chưa? Thầy muốn nói đến chùa Tổ Từ Hiếu là nơi Thầy được Sư Cố là Hòa Thượng Chân Thật giao cho trách nhiệm Trụ Trì. Thầy mong rằng quý thầy và quý sư cô bên chùa Tổ thực hiện ngay được sự tiếp nối của Thầy trong từng bước chân và hơi thở của mình. Các con hãy đặt từng bước chân chánh niệm từ phòng ngủ đến nhà vệ sinh, từ nhà vệ sinh đến nhà trà, từ nhà trà lên thiền đường. Các con phải thực sự tiếp nối Thầy trong từng hơi thở và từng bước chân. Suốt sáu mươi năm qua Thầy đã liên tục trao truyền những kinh nghiệm, những thao thức và những hoài vọng của Thầy cho bao nhiêu người qua cách Thầy nói năng, đi đứng, ăn uống và chấp tác trong chánh niệm, qua những cuốn sách Thầy đã viết, qua những lời Thầy thuyết giảng, hoặc trước quần chúng đông đảo, hoặc cho từng nhóm nhỏ hoặc cho từng người. Các con đã tiếp nối Thầy được đến bao nhiêu rồi?

Thiền đi trong Tịnh độ

Thầy đã trao truyền Tịnh Độ Hiện Tiền. Thiền đi trong Tịnh Độ. Xin chùa Tổ đừng xao nhãng sự thực tập Thiền Đi trong Tịnh Độ mỗi ngày. Mọi người cùng đi trong chánh niệm ngoài trời, mỗi ngày một lần, đó là buổi thực tập thiền hành chung. Ngoài ra còn đi riêng từ phòng mình đến nhà ăn, từ nơi này đến nơi kia, từ tăng xá đến nơi chấp tác… Trong giờ Thiền Đi Trong Tịnh Độ xin không nên vắng mặt bất cứ ai. Trong giờ thiền tọa cũng thế. Xin ghi lý do vắng mặt khi phải vắng mặt. Thầy đã trao truyền chánh niệm, năm phép thực tập chánh niệm và hơi thở ý thức mỗi khi có cảm xúc mạnh hay có cảm thọ buồn tủi hay đau đớn phát hiện để mà ôm ấp, nhìn sâu, làm phát khởi lòng từ bi và chuyển hoá.

Vào ngày chánh niệm khi các vị cư sĩ  đến tham dự thì mình cùng đi Tịnh Độ với các vị ấy. Để mọi người có thể thấy được là cõi Tịnh Độ nói trong kinh không phải là một mơ ước xa vời mà là cái có thể đạt được ngay trong giây phút hiện tại. Sau pháp thoại ngày Chủ nhật, xin đề nghị mọi người nghỉ ngơi chừng mười lăm phút rồi tập họp trước chánh điện để cùng Đi Tịnh Độ. Chúng ta có thể đi ngang hồ Sao Hôm, hồ Sao Mai rồi lên đồi Dương Xuân để cùng ngồi xuống trên Tịnh Độ, thở và thấy được sự có mặt của cõi Tịnh Độ bây giờ và nơi đây. Mình cũng ý thức và cảm nhận được sự có mặt của nhau, đó là mình đang thật sự ngồi chơi với nhau trong Tịnh Độ. Chúng ta đã làm được điều này trong các chuyến về của Thầy vào những năm 2005, 2007 và 2008. Mỗi người trong chúng ta đều đã có kinh nghiệm về điều đó. Chúng ta phải tiếp tục, phải hướng dẫn cho kỹ lưỡng mỗi khi có người Phật tử cư sĩ tới chùa. Phải có một tập sách hướng dẫn để mọi người đọc, hiểu và đi được trong Tịnh Độ. Người xuất sĩ hay người cư sĩ nào tới chùa Tổ cũng có thể làm được việc đó, đi trong Tịnh Độ bây giờ và ở đây.

Không cần xây tháp cho Thầy

Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền. Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao? Thầy nhiều hơn cái nắm tro đó. Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy. Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì.” Thầy không nằm trong tháp ấy đâu. “There is nothing inside”. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa “Ngoài kia cũng không có gì.” Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.” Đó là điều Thầy căn dặn các Thầy các sư cô ở chùa Đình Quán Hà Nội và ở Tổ Đình. Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy.

Tổ Đình cần tu học theo pháp môn Làng Mai một trăm phần trăm

Đứng về phương diện tu học, Thầy muốn Tổ Đình phải theo pháp môn Làng Mai một trăm phần trăm. Pháp môn ấy là công trình của Thầy đã xây dựng nên. Có nhiều tôn túc đã xây nên những ngôi phạm vũ thật huy hoàng. Đó là công trình lớn lao của quý ngài. Nhưng công trình của Thầy không phải là một tòa phạm vũ nguy nga mà là những pháp môn tu học có công năng chuyển hoá và trị liệu được cho người đương thời.

Ngôi tháp của Thầy: các pháp môn tu tập

Các pháp môn tu tập ấy chính là cái tháp của Thầy. Ở Pháp Vân hay ở Tổ Đình đều phải có cái Tháp ấy. Không phải một cái tháp bằng gạch, bằng xi măng mà là một cái tháp của sự thực tập. Tất cả các thầy, các sư cô, các sư chú và các vị Phật tử cư sĩ tới, ai cũng được mời đi vào cái tháp đó. Nghĩa là phải học đi trong chánh niệm, uống trà trong chánh niệm, biết nói năng cho từ ái và biết lắng nghe nhau.

Phương cách quản trị

Thầy không muốn Tổ Đình được quản trị theo phương cách cổ điển. Thầy muốn Tổ Đình được chăm sóc, quản trị theo tinh thần mới, trẻ và dân chủ. Và sau này chức vụ Trụ Trì sẽ được hội đồng tỳ kheo công cử mỗi ba hoặc năm năm. Công cử người nào có khả năng sống chung hạnh phúc với cả chúng, có khả năng tiếp xúc và đến được với mọi người. Công cử một vị nào mà cả chúng tin cậy và thương yêu, dù vị đó còn trẻ tuổi như Thầy Pháp Hữu ở Xóm Thượng. Thầy muốn Tổ Đình sẽ tổ chức theo mô thức của Làng Mai. Phải có một Hội Đồng Tỳ Kheo để quyết định tất cả những gì cần quyết định ở Tổ Đình. Đó là cơ quan lập pháp tối cao của Tổ Đình. Mọi quyết định đều phải do Hội Đồng Tỳ Kheo đưa ra. Bất cứ một vị tỳ kheo nào cũng phải nói lên tiếng nói về cái thấy của mình trong Hội Đồng Tỳ Kheo. Đồng ý và quyết định xong thì là vị tỳ kheo  đã làm xong nhiệm vụ. Cái quyết định tối hậu là do Tác Pháp Yết Ma của Hội Đồng Tỳ Kheo làm ra. Thầy muốn Tổ Đình bắt đầu tổ chức như vậy ngay từ bây giờ. Tổ Đình cử ngay một Ban Chăm Sóc (Care Taking Council – CTC) hoặc gọi cách khác là Ban Điều Hành.

Nhân dịp này, Thầy muốn công cử Thầy Từ Hải đứng ra thành lập ban ấy, tức là Ban Chăm Sóc của Tổ Đình. Thầy Từ Hải tuy còn trẻ nhưng được các Thầy trong chúng tin tưởng và yêu mến. Xin Thầy Từ Hải đứng ra lập ngay một Ban Điều Hành trong đó có nhiều chức vụ. Và ban ấy sẽ làm việc dưới sự chỉ đạo của Hội Đồng Tỳ Kheo. Hội Đồng Tỳ Kheo quyết định cái gì thì Ban ấy chấp hành và làm theo quyết định đó. Các Thầy lớn, các sư anh lớn, các sư chị lớn đều sẽ đứng sau lưng để yểm trợ. Đó là cơ quan hành pháp của Tổ Đình, chung cho cả Từ Hiếu và Diệu Trạm. Nếu cần phải tiếp một vị Tôn Túc hoặc chủ tọa một buổi lễ lớn thì Ban Chăm Sóc có thể thỉnh mời các vị lớn tuổi như Hòa Thượng Chí Mãn hay Thượng Tọa Từ Đạo v.v… Thầy muốn Tổ Đình đi theo mô thức đó. Lâu lâu nếu cần thì phải ngồi lại để bổ túc và thay đổi nhân sự của Ban Điều Hành. Sau ba, bốn năm hoặc năm năm thì Hội Đồng Tỳ Kheo có thể đề nghị một vị khác thay thế. Nếu vị trưởng ban làm việc giỏi quá thì có thể lưu lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Tuy Thầy chưa viết xuống những điều này thành văn bản, tuy đây không phải là lời di chúc nhưng đó là tuệ giác của Thầy, là những ước muốn đích thực của Thầy khi Thầy còn sống. Nếu quý vị có thương Thầy, có tin Thầy thì phải lập tức làm theo. Còn nếu không làm theo thì sau này việc xây tháp, cúng giỗ, kỷ niệm, đọc điếu văn v.v… đều là những điều vô nghĩa. Thầy nghĩ rằng cách thức này là cách thức hay nhất để mình tổ chức một tu viện.

Ở Tây phương, các tu viện lớn của Cơ Đốc Giáo cũng đã bắt đầu tổ chức như vậy. Chính họ bầu lên vị lãnh đạo của họ và cứ  ba năm hay năm năm thì bầu lại một lần. Những thầy nào, những sư cô nào, những sư chú nào không thực hành theo quy chế và mệnh lệnh của Đại tăng, không chịu đi theo quy luật của tu viện thì sẽ không được ở lại Tổ Đình. Bởi vì nếu để họ ở lại thêm ở Tổ Đình thì sẽ làm hư những người khác. Đó là những điều Thầy muốn chia sẻ chiều nay. Nếu muốn tiếp nối Thầy thì đó là cách tiếp nối hay nhất. Còn nếu không làm được những cái đó thì đừng có chúc thọ, đừng hát Happy Continuation Day, vì như thế thì không có nghĩa gì hết. Thầy muốn Tổ Đình đi theo pháp môn của Làng Mai. Đó là công trình xây dựng của Thầy sau sáu mươi năm tìm tòi và phát triển, đó là một cái tháp mà Thầy đã dựng lên.

Hôm nay chúng ta hãy sống với nhau cho có hạnh phúc, hãy đi đứng, nói cười và tiếp xử với nhau cho có hạnh phúc thì đó mới chính là good continuation. Điều đó phải xảy ra từng ngày. Đám mây sẽ không có đau buồn gì khi nó không còn mang hình tướng của đám mây tại vì nó biết rằng nó đã thành mưa, mà thành mưa thì nó vẫn tiếp tục đời sống phụng sự của nó. Và khi đám mưa không còn nữa thì mình lại thấy có dòng suối và dòng suối lại tiếp tục sứ mạng của cơn mưa. Và vì vậy cho nên không có cái gì chết, không có cái gì mất đi cả.

Tiếp nối vô tướng

Chúng ta thường kẹt vào hình tướng quen thuộc. Vì vậy cho nên ta hay khóc thương khi thấy cái hình thức quen thuộc ấy không còn nữa. Khoa học bây giờ có thể dùng phép cloning để có thể tạo ra một ngàn đứa bé giống hệt như  hồi Thầy còn bé. Chỉ cần lấy ra vài ngàn tế bào của Thầy là làm được chuyện này. Một ngàn đứa bé ấy sẽ giống nhau như đúc và giống như Thầy hồi còn bé. Cũng giống như hai chị em sinh đôi của sư cô Thi Nghiêm là Thuận với Thảo. Các vị có thể thích thú nhìn các cậu bé ấy chơi đùa, nói cười rất giống Thầy hồi còn bé. Nhưng những cậu bé ấy không phải đích thực là Thầy, dù trong mỗi đứa cũng có những hạt giống tốt và những hạt giống không tốt của Thầy. Nếu chúng không gặp minh sư, không có môi trường tu học, không đi qua những thử thách như Thầy thì chúng cũng không phải là sự tiếp nối đích thực của Thầy. Nhưng nếu quý vị, trong mỗi bước chân, trong mỗi hơi thở mà có pháp lạc của Thầy thì quý vị trên hình thức tuy mặt mũi không giống Thầy mà trong nội dung lại là sự tiếp nối đích thực của Thầy. Cho nên pháp môn vô tướng trong tam giải thoát môn là rất quan trọng để ta chúng ta nhận diện được thế nào là sự tiếp nối đích thực.

Hình bìa hộp quà và cây chúc mừng sinh nhật với những lời phát nguyện thực tập
của Tăng thân Dòng Tu Tiếp Hiện tại Anh quốc (The UK Order of Interbeing)

Những đóng góp của đạo Bụt cho một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh

Thiền sư Nhất Hạnh

Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc lần thứ năm là dịp để tất cả chúng ta tới với nhau như một đại gia đình, như một cộng đồng cùng thừa hưởng nguồn tuệ giác của Đức Bổn Sư. Chúng ta hãy cùng đón mừng niềm vui sum họp và ý thức rằng nếu chúng ta biết cách nuôi dưỡng mình bằng nguồn tuệ giác vĩ đại đó, chúng ta sẽ có khả năng thay đổi xã hội hiện nay và cải thiện chất lượng cuộc sống trên hành tinh này. Với sức mạnh cộng đồng, chúng ta có thể làm được điều đó.

Chủ đề cho sự quán chiếu của chúng ta năm nay là Những cống hiến của đạo Bụt cho một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Chúng ta không nên để Đại Lễ này đơn giản chỉ là một diễn đàn của những ý tưởng tốt đẹp như bao diễn đàn khác, mà chúng ta nên làm sao để thực thi chúng ngay trong cuộc sống hằng ngày và áp dụng vào xã hội những quyết định đã được cùng nhau thông qua cũng như những tuệ giác tập thể đạt được trong Đại lễ này. Với sự yểm trợ của tăng thân, và sự thực tập Niệm – Định – Tuệ miên mật, chúng ta có thể chia sẻ tuệ giác của chúng ta, chỉ rõ con đường hành động và cam kết sống trong ánh sáng của nguồn tuệ giác này, từ mức độ cá nhân tới cộng đồng, từ thôn xóm, thành phố tới toàn quốc. Điều này cũng giống như một thầy, một sư cô không thể chỉ học và nghiên cứu về giới bản Ba-la-đề-mộc-xoa mà còn phải thực hành giới bản đó, hay một người cư sĩ không chỉ nhận năm giới mà còn phải áp dụng giới trong đời sống hằng ngày. Bản Tuyên Cáo 2000 về một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động do UNESCO đưa ra đã được hơn 75 triệu người (trong đó bao gồm rất nhiều các vị lãnh đạo quốc gia) ký tên hưởng ứng, nhưng chúng ta đã không tổ chức để những người đã đặt bút ký vào bản Tuyên Cáo được yểm trợ và có điều kiện áp dụng sáu điểm của Tuyên Cáo vào thực tế cuộc sống. Chỉ cùng đồng ý với nhau rằng có con đường rất đẹp thì chưa đủ, chúng ta cần phải thực sự lên đường.

Chúng ta biết rằng để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, ta không thể chỉ hành động mà phải nỗ lực tự chuyển hóa bản thân. Chúng ta phải thay đổi bản thân trước khi muốn thay đổi xã hội. An lạc là nền tảng tạo nên hòa bình. Nếu không có sự chuyển hóa và trị liệu trong từng cá nhân, chúng ta không thể giúp thay đổi xã hội. Vì vậy, sự thực tập của từng cá nhân và sự thực tập của tăng thân rất cần thiết cho việc thay đổi thế giới theo hướng chúng ta mong muốn.

Chiến tranh, xung đột và hàn gắn

Gốc rễ của chiến tranh và xung đột nằm ngay trong chúng ta. Chúng ta cần phải nhận ra, ôm ấp và chuyển hóa những phiền não trong tự thân như giận hờn, thù hận, tuyệt vọng, kỳ thị, ngã mạn. Sự thực tập là phải nhìn sâu vào gốc rễ của những phiền não đó, hiểu thấu và học cách chuyển hóa chúng. Chúng ta cần lắng nghe những niềm đau nỗi khổ của bản thân, của gia đình, của cộng đồng và của đất nước. Chúng ta cần có khả năng giúp những người khác nhận ra rằng phiền não có mặt trong mỗi con người và cách sống của chúng ta đã tạo điều kiện cho những phiền não đó lớn mạnh. Và mỗi người chúng ta phải cam kết không tưới tẩm những hạt giống của bạo lực, hận thù, kỳ thị và tuyệt vọng có sẵn trong mình. Trong các mối quan hệ, với người bạn đời, với cha mẹ hay con cái, với anh chị em, chúng ta phải có khả năng giúp đỡ lẫn nhau trong sự thực tập, phải luôn học cách lắng nghe nhau với tâm từ bi, luôn sử dụng lời ái ngữ để giúp người đó nhận diện những phiền não trong bản thân họ. Chúng ta cũng nên dùng lời ái ngữ để tưới tẩm những hạt giống của hiểu biết, từ bi, hỷ lạc, của tình huynh đệ đang tiềm ẩn trong mỗi người. Chúng ta cần giúp nhau hàn gắn cho được các mối quan hệ cá nhân trước khi giúp hàn gắn nhân loại và trái đất. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân, mỗi ý tưởng, mỗi lời nói và mỗi nụ cười đều có khả năng trị liệu. Trái đất đang rên xiết, xã hội đang than van, quá nhiều bạo động và tuyệt vọng. Sự thực tập tư duy chân chính (là tư duy đúng, tư duy theo hướng không kỳ thị, từ bi, hiểu biết), lời nói chân chính, hành động chân chính và nghề nghiệp chân chính của đạo Bụt là những điều rất thiết yếu cho sự chữa trị mà tất cả chúng ta đang cần đến. Các bạn trẻ nên học và thực tập con đường của tám sự hành trì chân chính (Bát chánh đạo) trong phạm vi gia đình, trường học. Những cuộc đàm phán hòa bình chỉ thành công khi cả hai phía xung đột hiểu được tình trạng của nhau và biết cách thực tập lắng nghe và ái ngữ. Phương pháp thực tập này nên được giảng dạy ngay từ những bậc học sơ đẳng nhất. Ta có thể gọi đó là giáo dục hòa bình và chính là con đường giúp thoát khỏi chiến tranh và bạo lực.

Đóng góp của đạo Bụt cho một xã hội công bằng

Tuyên Cáo 2000 đã đưa ra sáu điểm tương đương với nội dung của năm phép thực tập chánh niệm (Năm Giới). Cả sáu điểm và năm giới đều cùng chung mục đích là tạo nền tảng cơ bản nhất cho hòa bình và công bằng xã hội. Trong truyền thống Phật giáo, sau khi tiếp nhận Năm giới, người thọ giới phải ôn tụng lại giới mỗi hai tuần một lần và tham dự các buổi thảo luận (pháp đàm) về giới để càng ngày cái thấy về giới luật càng sâu cũng như tìm ra những phương pháp áp dụng giới luật hay hơn vào thực tiễn cuộc sống gia đình và xã hội. Năm phép thực tập chánh niệm chỉ cho chúng ta cách sống đơn giản hơn, biết tận dụng thời gian và năng lượng, bảo hộ sự sống và giúp đỡ những ai đang thật sự cần giúp đỡ. Sống đơn giản mà vẫn có hạnh phúc, có thời giờ chăm sóc bản thân và chăm sóc gia đình, giúp đỡ người khốn khó và giúp làm cho xã hội công bằng hơn, đó là điều chúng ta có thể làm được. Rất nhiều người trong chúng ta cả đời chỉ biết chạy theo danh vọng, quyền hành, sắc dục và tiền bạc, nhưng ngay cả những người đã dư thừa bốn thứ trên vẫn không tránh khỏi bất hạnh, khổ đau nếu họ không có vốn liếng của hiểu biết và thương yêu.

Khi thực tập giới thứ hai, nguyện chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật với những kẻ đang thật sự thiếu thốn, cuộc sống của chúng ta trở nên đầy ý nghĩa và ta thấy mãn nguyện. Có rất nhiều phương cách mà đạo Bụt và sự thực tập Năm giới có thể đem tới thêm nhiều từ bi và công bằng cho xã  hội. Khi trong ta có chánh niệm, từ bi và hiểu biết, những hành xử của ta sẽ tự nhiên trở thành nguồn trị liệu cho các mối quan hệ cá nhân, cho cộng đồng và cho xã hội. Chúng ta có ý thức trước những tình trạng bất công như kỳ thị giới tính, coi thường người phụ nữ, đàn áp thiểu số, lạm dụng trẻ em và người nghèo. Chúng ta có rất nhiều cách nói lên trình trạng bất công và lên tiếng cho những ai đang khổ đau mà bị bưng bít không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình, nhân phẩm và quyền được làm người. Chúng ta có thể tổ chức những buổi thiền hành cho hòa bình, từng bước chân bước trong bình an. Đó sẽ không phải là những cuộc biểu tình hay để phản đối một ai, đó là cách thức chân chính nhất để thực tập thể hiện hòa bình, thể hiện tình huynh đệ. Chúng ta cũng có thể viết những lá thư cho các vị dân biểu. Tăng thân Làng Mai đã từng tổ chức những khóa tu chánh niệm cho giới công an cảnh sát, cho các đại biểu quốc hội, cho giới nghệ sĩ trong ngành công nghiệp phim ảnh, cho các nhà bảo vệ môi trường, cho các bác sĩ tâm lý trị liệu, giới doanh thương, và cả cho những người Do Thái và Palestin. Năm giới của đạo Bụt và sáu điểm của bản cam kết 2000 là sự thực tập hiểu biết và thương yêu đích thực. Đó là con đường đưa tới một xã hội công bằng.

Đạo Bụt nhập thế với vấn đề phát triển

Đạo Bụt nhập thế trước tiên là một đạo Bụt được thực tập không gián đoạn suốt cả ngày. Ta sống trong chánh niệm và tập trung tâm ý khi đi, khi nấu ăn, khi lái xe, khi vào nhà vệ sinh, v.v… Đạo Bụt nhập thế cũng là sự thực tập Năm giới trong cuộc sống xã hội. Chúng ta thực tập tình thương và sự hiểu biết trong gia đình, trường học, công sở, bệnh viện, nhà tù, nhà máy, trong quân đội, trong hội đồng nhân dân và cả trong guồng máy chính phủ. Sự hiện diện của chánh niệm, chánh định và tuệ giác, tinh thần tương tức, không kỳ thị, hiểu biết và từ bi chính là sự có mặt của Phật giáo. Chúng ta đâu cần phải buộc tất cả mọi người trở thành Phật tử. Chúng ta có thể truyền cho họ nguồn cảm hứng để họ cũng sống và làm việc trên tinh thần Bát Chánh Đạo. Chúng ta có thể tìm được hạnh phúc trong khi thực tập phát triển hiểu biết và từ bi. Hạnh phúc, thành công và sự tiến bộ của một quốc gia không phải là chỉ số tổng sản lượng quốc nội hay khả năng tiêu thụ mà phải được đo bằng mức độ hiểu biết và từ bi.

Bốn Tâm Vô Lượng (Từ – Bi – Hỷ – Xả) là những nguồn năng lượng vô biên mà chúng ta có thể thực tập và phát triển để nuôi lớn hạnh phúc của chúng ta và của thế giới. Những nguồn năng lượng ấy không bao giờ là dư thừa cả. Thực tập chánh niệm trong sản xuất và tiêu thụ (giới thứ năm) sẽ đảm bảo cho chúng ta không đi lệch hướng phát triển bền vững. Hạnh phúc chân thực phải là nền tảng, là nguyên lý cho mọi chính sách sản xuất, tiêu thụ và phát triển. Tuệ giác của đạo Bụt là tuệ giác tương tức, là Chánh Kiến – cái thấy đúng về thế giới, rằng vạn vật nương nhau mà biểu hiện. Nếu những loài khác không còn tồn tại thì loài người cũng không thể tồn tại được. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ loài người. Chúng ta không chỉ là thân, là tâm mà còn chính là môi trường. Môi trường của chúng ta là y báo của cộng nghiệp. Sống đơn giản hơn, tập thương yêu và hiểu biết, chăm sóc môi trường, cùng nhau cam kết hành động cho một sự phát triển bền vững, đó là chúng ta đang đi theo con đường của Bụt vậy.

Đạo Bụt với vấn đề khí hậu thay đổi

Khai thác và đốt những nguồn nhiên liệu như dầu hỏa, than đá, chặt phá rừng để cung cấp cho các phương tiện giao thông, cũng như tiêu thụ thịt và những sản phẩm từ động vật là những nguyên nhân chính của tình trạng trái đất nóng lên. Theo một công bố của Liên Hiệp Quốc năm 2007, giải pháp cho tình trạng này là giảm mức tiêu thụ thịt xuống 50%, sử dụng những nguồn nhiêu liệu sạch cho xe hơi và chỉ sử dụng xe hơi khi nào thật sự cần thiết. Rất nhiều Phật tử không ăn thịt. Giảm bớt hay ngưng lại hoàn toàn sự ăn thịt và sử dụng các thức uống có cồn không phải là điều khó thực hiện. Những ai đã thức tỉnh trước mức độ nghiêm trọng của tình trạng hiện nay sẽ thấy cần phải hành động tức thì. Chúng ta có thể thực tập “ngày không xe hơi” hay “ngày không xe gắn máy” mỗi tuần. Chúng ta có thể sử dụng xe hơi dùng cả xăng và điện. Chúng ta có thể chuyển đổi xe hơi của mình sang loại chạy bằng dầu thực vật. Chúng ta có thể đi bộ hay đi xe đạp đến trường hay tới công sở. Chúng ta có thể thưởng thức những món ăn chay rất ngon. Có rất nhiều cách chúng ta có thể tiến hành ngay nhằm cứu lấy hành tinh này. Nền văn minh của chúng ta sẽ tự hủy diệt nếu chúng ta không kịp thời thức tỉnh.

Đạo Bụt với các vấn đề trong gia đình

Hạnh phúc của cha mẹ là món quà quý giá nhất mà các bậc làm cha mẹ có thể dành tặng cho con cái mình. Cha mẹ rất cần có thời gian để chăm sóc cho nhau và chăm sóc con cái. Đừng để công việc hay những dự án cuốn mình đi. Câu trả lời là một cuộc sống đơn giản, bởi vì sống đơn giản chúng ta sẽ không chạy theo danh lợi và sẽ đầu tư vào những gì quan trọng nhất, đó là hạnh phúc và bình an của bản thân, của gia đình và của cộng đồng. Sự thực tập lắng nghe và ái ngữ giúp chúng ta duy trì và tái lập truyền thông. Con cái sẽ tự nhiên học được từ cha mẹ cách thương yêu và chăm sóc nhau. Nếu cha mẹ nghiện ngập, hút xách, con cái cũng sẽ làm y như vậy. Năm phép thực tập chánh niệm đúng là nền tảng đạo đức cho một đời sống gia đình. Tại rất nhiều quốc gia Phật giáo hiện nay, vẫn còn rất nhiều gia đình duy trì được truyền thống đi chùa mỗi nửa tháng để tụng đọc Năm Giới và thực tập Làm Mới (1).Nếu không thực tập Làm Mới, sự thực tập tưới tẩm những hạt giống lành trong mỗi người, nghệ thuật lắng nghe và ái ngữ thì cha mẹ, vợ chồng không thể nuôi dưỡng tình yêu thương và khó mà truyền thông với nhau. Sự chuyển hóa và trị liệu là điều có thể thực hiện được khi ta thực tập chánh niệm, và những cặp vợ chồng có thể tránh được nạn ly hôn và trở thành xa lạ đối với chính con cái mình.

Giáo dục Phật giáo: tiếp nối và phát triển

Ngày nay, nghiên cứu Phật giáo đã trở thành lý thuyết suông. Chúng ta lấy được bằng tiến sĩ Phật học nhưng vẫn không biết cách chuyển hóa khổ đau và phiền não của bản thân. Chúng ta không biết nghệ thuật xây dựng tăng thân, không biết cách giúp hòa giải xung đột trong gia đình và trong cộng đồng, không biết thực tập giới, định, tuệ. Kiến thức về đạo Bụt chỉ cho phép chúng ta viết ra những cuốn sách về đạo Bụt và giảng dạy về đạo Bụt. Chúng ta phải tổ chức lại việc nghiên cứu Phật học để Viện nghiên cứu Phật học cũng phải đồng thời là một Trung tâm thực tập. Thầy giáo và học viên phải cùng nhau thực tập và người thầy phải tự thân thực tập và kinh nghiệm sự chuyển hóa và trị liệu trước khi được phép đứng trên bục giảng. Chúng ta nên cùng thành lập những Viện Phật Học Ứng Dụng, mở những khóa học và những khóa thực tập với mục đích chuyển hóa và trị liệu. Trong các trường học, con em chúng ta cần có cơ hội học cách làm chủ cơn giận hay năng lượng bạo lực trong các em, học cách lắng nghe với tâm từ bi và nói năng bằng lời ái ngữ.
Môn học Giáo dục công dân và đạo đức Phật giáo cần được giảng dạy như thế nào để ngay cả những em còn rất nhỏ cũng có thể thực tập được.

Đạo Bụt trong kỷ nguyên kỹ thuật số

Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, giáo pháp có khả năng tới được với đông đảo quần chúng. Chúng ta có thể ngồi nhà cách xa Thầy và tăng thân hàng trăm cây số mà vẫn được nghe pháp thoại trực tiếp, dự pháp đàm hay thậm chí ngồi thiền cùng Thầy và tăng thân. Chúng ta vẫn có thể được hưởng lợi lạc từ tăng thân dù tăng thân rất xa. Chúng ta có thể tải xuống những tài liệu về giáo lý để nghiên cứu. Nhưng không gì có thể thay thế được mối liên hệ gắn bó thân thiết giữa thầy và trò, giữa một thành viên của tăng thân với tăng thân. Vì vậy, sự thực tập xây dựng tăng thân, giữa cá nhân với cá nhân là một bước rất quan trọng. Để xây dựng tăng thân, chúng ta cần phải biết phép lắng nghe, ái ngữ, hiểu biết, thương yêu và yểm trợ. Một tăng thân qua liên lạc thư từ thì chưa đủ. Một tăng thân thực tập giỏi luôn luôn chuyên chở được Pháp sống và Phật sống. Vậy, nên học cách xây dựng một tăng thân vững mạnh là một thực tập rất thiết yếu. Một tăng thân vững mạnh sẽ là chỗ nương tựa cho rất nhiều người. Trong các Viện Phật học, môn học dựng tăng phải là một môn quan trọng cần được học và thực hành.
Một việc khác quan trọng không kém là làm mới lại truyền thống để có thể phù hợp với con người thời đại ngày nay. Internet, kỹ thuật hiện đại có thể trở thành những phương tiện thiện xảo giúp phổ biến giáo lý đạo Bụt và giúp làm vơi khổ đau của con người. Chúng ta có thể tải về máy tính âm thanh của tiếng chuông và cài đặt chương trình để mỗi nửa giờ hay một giờ lại được nghe tiếng chuông, giúp chúng ta dừng lại, thở và quay về với chánh niệm. Mạng internet hiện nay đang hỗ trợ rất nhiều người tiếp cận được với giáo Pháp, điều này rất quan trọng, đặc biệt đối với các bạn trẻ. Chúng ta cũng cần ứng dụng tuệ giác đạo Bụt để tự bảo hộ trước những nguy hiểm do công nghệ hiện đại gây ra. Trong giới bản Ba-la-đề-mộc-xoa tân tu có những giới luật về sử dụng internet, các thầy, các sư cô phải lên mạng lưới internet cùng với một thầy hay sư cô khác để không bị vướng vào những trang web không lành mạnh.

Đức Bổn Sư đã hiến tặng cho chúng ta một công cụ chẩn đoán rất tốt, đó là Tứ Diệu Đế – bốn sự thật mầu nhiệm: Khổ, gốc rễ của Khổ, sự vắng mặt của Khổ và sự thực tập nhổ rễ cái Khổ. Đạo Bụt phải được thực tập dưới ánh sáng của Tứ Diệu Đế, và sự chuyển hóa và trị liệu mà chúng ta đang cần phải được diễn ra ngay ở đây và bây giờ, không thể đợi tới sau này hay ở một thế giới khác. Chúng ta trình bày những lý thuyết đạo Bụt rất giỏi nhưng chúng ta chưa giỏi mấy khi đưa những giáo lý mầu nhiệm ấy vào thực hành ngay ở đây và bây giờ. Sự thực tập, còn gọi là Pháp sống, phải tốt đẹp ngay ở đây và bây giờ. Cùng được xum họp với nhau trong Đại Lễ Phật Đản, chúng ta hãy nhân cơ hội này, cùng nhau chia sẻ tuệ giác và sự tỉnh thức, cùng nhau cam kết sống cuộc sống hằng ngày trong ánh sáng của sự thức tỉnh và tuệ giác ấy, và cùng yểm trợ nhau cùng thực hiện. Những đóng góp của đạo Bụt cho việc tạo dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh phải được thấy trong sự thực tập của chính chúng ta, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Sống có ý thức, tỉnh thức và thực hiện những cam kết, chúng ta có thể chứng kiến sự chuyển biến của xã hội từ chính sự thay đổi bản thân chúng ta.

sư cô Chân Khiết Nghiêm chuyển ngữ

_______________
(1) Một thực tập nhằm thiết lập lại truyền thông bằng cách chia sẻ những điểm mà ta trân quý ở người kia, xin lỗi những vụng về mà ta đã gây ra, và khéo léo bày tỏ cho người kia biết cảm giác bị tổn thương hay bị hiểu nhầm để có thể giải quyết mâu thuẫn.

________
Buddhist Contributions to building a Just, Democratic and Civil Society
Thich Nhat Hanh

The Fifth United Nations Day of Vesak is an opportunity for all of us to come together as a family, as a community that is nourished by the wisdom of the Buddha. Let us feel the joy of togetherness and be aware that if we know how to be nourished by this source of great wisdom, we will be able to change our society and improve the quality of life on our planet. And we can do this as a community.
The main theme of our reflection this year is: Buddhist Contributions to building a Just, Democratic and Civil Society. This gathering should not become just another conference where we only offer beautiful ideas. The collective insights we arrive at and the decisions we make together at this gathering should be implemented in our daily life and applied in our society. With the sangha’s continuous support, with the practice of mindfulness, concentration and insight, we can share our wisdom, articulate our path of action as clearly as we can, and make a commitment to live our daily life in the light of this wisdom, as individuals, a community, a village, a city and a country. It is just like monks and nuns who should not only learn the Pratimoksha, but also put it into practice; and lay practitioners who should not only receive the five precepts, but practice them in their daily life. UNESCO’s Manifesto 2000 for a Culture of Peace and Nonviolence was signed by more than seventy-five million people, among them many heads of state, but we did not organize it so that those who have signed it are supported to put the six points of the Manifesto into practice. To agree that the path is beautiful is not enough. We need to walk on the path.
We all know that building a just, democratic and civil society cannot rely only on our effort to do but first of all on our effort to be. We have to be the change ourselves before we can make the change happen in our society. Being peace is the foundation of making peace. Without personal transformation and healing we are not calm and compassionate enough to use loving speech and deep listening, and our efforts will not help change our society. Therefore, our personal practice and the practice of our sangha are essential for the change we want to see in the world.

1. War, Conflict and Healing
The roots of war and conflict are in us. There are afflictions in us to be recognized, embraced, and transformed: anger, hate, discrimination, pride, despair… The practice is to look deeply into their roots, to understand them and learn how to transform them. We need to listen to our own suffering and the suffering of our family, community, and nation. We should be able to help each other in our relationships to recognize that these afflictions are there in each of us and we have lived in such a way that has allowed these afflictions to grow, and each of us have to make the commitment not to water the seeds of violence, hate, discrimination and despair that are in us. In our relationship like partner/partner, father/son, mother/daughter, brother/sister, for instance, we should be able to help each other to practice, always learn to listen to each other with compassion, always use loving speech to help the other to recognize the afflictions him/her. We should also use loving speech to water the seeds of understanding, compassion, joy, sisterhood and brotherhood that are inherent in the other person. We should help each other to heal in the context of our personal relationships before we can expect to help heal humanity and the Earth. Healing is possible with each breath, with each step, with each thought, with each word and the simplest act of smiling to someone.
The Earth is ailing, our society is ailing and there is so much despair and violence. The Buddhist practice of Right Thinking (thinking in the line of non-discrimination, compassion, and understanding), Right Speech, Right Action, Right Livelihood is so crucial for the healing that we all need. The young people should learn to practice the Noble Eight-Fold  Path in the context of their family and their school, and the use of non-sectarian language to teach, this is always possible. Peace negotiations will be successful if both parties in the conflict have mutual understanding and know how to use deep listening and loving speech. And this kind of training should start at the earliest levels of education. This is peace education and it is the way out of war and violence.

2. Buddhist contribution to social justice
UNESCO’s Manifesto 2000 with its six points is equivalent to the practice of the Five Mindfulness Trainings (Five Precepts). Both the six points and the Five Trainings address the issues of Peace and Social Justice at the fundamental level. In the Buddhist tradition, after having received the Five Mindfulness Trainings one has to recite them every two weeks and participate in sessions of learning and Dharma discussion to go more deeply into their meaning and to find better ways to apply them into daily life, both in the context of family life and society. The Five Trainings guide us to live more simply, so that we have time and energy and to protect life and to help those who are in real need. It is possible to be happy with simple living, to have time to take care of ourselves, our family and those who suffer, and to promote greater social justice. Many of us run after Fame, Power, Sex, and Wealth our whole life, but people who have plenty of these four things continue to suffer a lot if they do not have understanding and love.
When we practice he second training of generosity, to offer our time, energy and material resources to those in real need, our life is full of meaning and fulfillment. There are many ways that Buddhism and the practice of the Five Mindfulness Trainings can bring more justice and compassion to society. With mindfulness, compassion and understanding in us, we naturally act in a healing way, in our relationships, community and in our society. We should be awake to situations of injustice, like gender inequality and the exclusion of women, the oppression of minorities, the exploitation of children and of the poor. There are many ways we can speak out about injustice and call attention to the voiceless who suffer. We can organize peace walks, where every step is peaceful. This is not a demonstration or a protest, but a true manifestation of peace, of brotherhood and sisterhood. We can write love letters to our political representatives. Our Plum Village sangha has offered mindfulness retreats for police officers, for members of  Congress, for artists in the film industry, environmentalists, psychotherapists, business leaders, as well as for Israelis and Palestinians. The Buddhist Five Mindfulness Trainings and the six points of the Manifesto 2000 are the true practice of understanding and love. They are the path to a just society.

3. Engaged Buddhism and development
Engaged Buddhism is first of all the kind of Buddhism that is practiced all day long without interruption, living in Mindfulness and Concentration, even when we walk, drive, cook, go to the toilet…  Engaged Buddhism is also our practice of the Five Mindfulness Trainings within our social environment. We practice understanding and love in our family, in school, in the workplace, in the hospital, with our work team, in the city council, in the marketplace, the National Assembly, in correctional centers, in the factories, and business meetings. We do not necessarily need to use Buddhist terms to bring the practice into every walk of life in education, economics, culture, medicine, police forces, army, political parties, war, peace, etc… The presence of Mindfulness, Concentration, and the Insight of inter-being, non-discrimination, understanding and compassion is the very presence of Buddhism. We do not have to convert people to Buddhism, but we can inspire them to live and work according to this noble path. We can find happiness in the development of understanding and compassion. Our index for measuring happiness, success and the progress of our nation cannot be the Gross National Product or our power to consume but rather must be our level of Understanding and Compassion.
The Four Brahmavihara (loving kindness, compassion, joy and equanimity) are unlimited energies that can be developed for our happiness and that of the world. We can never have too much of these energies. The practice of mindful production and consumption (the 5th Mindfulness Training) will guarantee that we will always follow the path of sustainable development. True happiness should be the foundation of our policy of production, consumption and development. Our wisdom is inter-being; the Buddhist Right View of the world that everything relies on everything else to manifest. If other species cannot survive, humans are not going to survive either. Protecting the environment is to protect ourselves… We are not only our body and spirit, we are also our environment. Our environment is the retribution of our collective action (karma). To live more simply, to develop understanding and love, taking care of our environment, committing with each other to a path of sustainable development that is to follow the Buddha’s path.

4. Buddhist response to climate change
Burning fossil fuels and clearing forests in the quest to supply our means of transportation, as well as our consumption of meat and dairy products, are the main causes of global warming. According to a United Nation study published in 2007, the solution is reducing the production of meat by 50% and driving cars that run on cleaner fuel and only using them when truly necessary. Many Buddhists do not eat meat. Reducing the eating of meat and the drinking of alcohol by 50 % is not something too difficult to do. People who are really awake to the gravity of this situation should take action immediately. We can practice one car-free-day or one motorcycle-free-day every week. We can use a hybrid car. We can convert our car to run on vegetable oil. We can bike to workplace or to school. We can enjoy delicious vegetarian and vegan food. There are many things we can do right away to save the planet. Our civilization will destroy itself if we do not wake up in time.

5. Family problems and the Buddhist response
The most precious gift that parents can make to their children is the happiness of the parents themselves. It is crucial that parents should have time to take care of each other, not to allow themselves to be carried away by too much work and too many projects. Again simple living is the answer because we stop running after fame, profit and success and we invest in what is most important, our own peace and happiness and that of our family and community. The practice of deep listening and loving kindness help preserve and restore communication. Children naturally learn from their parents how to love and to take care of themselves. If parents smoke and get drunk, children will smoke and get drunk. The Five Mindfulness Trainings should be the code of ethics for family life. Going to the temple to recite the Five Mindfulness Trainings every two weeks and to practice Beginning Anew (a formal practice of restoring communication through sharing our appreciation of the others, our apologies for our un-skillfulness, and lovingly, constructively speaking out about our hurt or misunderstanding to resolve any conflicts) are still alive as a tradition in many Buddhist countries. Family is the soil from which the tree of children grow. Without the practice of Beginning Anew, the practice of watering good seeds in each other, the skill of deep listening and loving speech, a couple cannot nourish their love and keep their communication alive. With the practice of mindfulness, transformation and healing are possible, and parents can avoid divorce and estrangement from their children.

6. Buddhist education: continuity and progress
Buddhist Studies have become too theoretical in our times. We get PhD degrees in Buddhist studies but we do not know how to transform our own suffering and afflictions. We do not have the skill to build a Sangha, to help reconcile conflict in our family or community, to practice the Mindfulness trainings, Concentration and Insight. Nowadays, our knowledge of Buddhism only allows us to write books on Buddhism and to teach Buddhism in schools. We have to reorganize our Buddhist studies and make our learning institutions into practice centers at the same time. Teachers and students should practice together and teachers should have the lived experience of transformation and healing before they are allowed to teach. Let us set up institutes of Applied Buddhism, and offer courses and practices aimed at transformation and healing. In schools, our children should have the chance to learn how to deal with the anger and violence within themselves, how to listen with compassion, and to use loving speech, to say “I am sorry” every time they commit an unskillful act. Civic instructions and Buddhist ethics should be taught in such a way that all young children can practice them.

7. Buddhism in the digital age
The Dharma becomes available to so many people in the Digital Age. People can participate in a live Dharma talk, Dharma discussion or even a sitting session with a Master and a Sangha even if they are in their own home miles away from the Teacher and the Sangha. It is possible to profit from the Sangha’s energy at great distance. It is possible to download materials for learning the Dharma. Yet nothing can replace the intimacy between the teacher and a disciple, a Sangha member and the Sangha. The practice of Sangha-building, person-to-person, is therefore an important step. Sangha building needs deep listening, loving speech, understanding, love and support. A Sangha by correspondence is not enough. A Sangha with good practice always carries with it the living Buddha and living Dharma. Therefore, learning ways to build strong Sangha is an essential practice. A good Sangha can be a refuge for so many people. In our Buddhist institutions, Sangha-building should be an important subject of learning and training.

And it is also very important to modernize and update our traditions so that they remain relevant to the people of our time. The internet, modern technology can be a real skillful means to transmit the Buddha’s teaching and help relieve people’s suffering. We can download the sound of the bell and program our computer to play it every half hour or every hour, helping us to stop and to breathe and return to mindfulness. The internet is helping huge numbers of people access the Dharma and this is so crucial, especially for young people. We also need to apply the wisdom of Buddhism to protect ourselves from the dangers of technology. In our revised version of the Pratimoska, monastics now have precepts about using the internet with another person, so they will not get caught in unwholesome websites.

The Buddha has offered us a very good diagnostic tool in the form of the Four Noble Truths: ill-being, the roots of ill-being, the cessation of ill-being and the practice of uprooting ill-being. Buddhism should be practiced in the light of the Four Noble Truths, and the transformation and healing we need should happen in the here and the now, not later in another world. We are quite good in presenting Buddhist theories, but we are not good enough at putting the beautiful teachings into practice in the here and the now. The practice, namely the living Dharma, should be lovely in the here and the now. Let us take this opportunity to share our insight and awakening, let us commit ourselves to living our daily life in the light of that insight and awakening, and let us support each other in living this way. The Buddhist contributions to building a just, democratic and civil society should be seen in our practice, namely in our daily way of life. With our awareness, with our awakening, with our commitment, we can be the change that we want to see in our society and our green planet Earth.

Phát triển trong chánh niệm

Comatchonhauedit.jpg

 

Những pháp môn tu tập của đạo Bụt vì sự phát triển kinh tế – xã hội

Thông điệp cho  Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế, 2011 tổ chức tại Thái Lan

 

Thân kính gửi chư tôn Hoà Thượng và các bậc chức sắc trong các Phái Đoàn đại diện tham dự Ngày Phật Đản QuốcTế,

Chúng tôi xin chúc mừng Hội Đồng Tăng Già tối cao Thái Lan cũng như tất cả những thành viên tham dự và tổ chức Đại Hội Phật Đản Quốc Tế lần thứ tám, 2011. Quý vị đã tập họp ngày hôm nay thành một cộng đồng để cảm nhận tình thân hữu, sự có mặt cho nhau, và để cùng nhau xây đắp tình huynh đệ. Chúng tôi thật sự tin tưởng rằng sự thực tập chân thực những lời dạy của đức Thế Tôn có thể đóng góp lớn cho một nền tâm linh và đạo đức toàn cầu, có thể dẫn dắt nhân loại trong thời điểm khó khăn, cấp bách hiện nay.

Chứng kiến các cuộc khủng hoảng khác nhau đang diễn ra trên khắp toàn cầu, trong chúng ta ai cũng thấy rõ kỷ nguyên của những quốc gia sống hoàn toàn độc lập, với đường biên giới ngăn cách và với những mối quan tâm riêng rẽ đã đi đến hồi kết thúc. Chúng ta cũng ý thức được rằng nỗi khổ niềm đau của một dân tộc có liên hệ mật thiết và được chia sẻ bởi người dân của nhiều dân tộc khác trên thế giới; rằng sự bất ổn và khủng hoảng trầm trọng của một quốc gia ảnh hưởng đến sự phồn thịnh và an ninh của rất nhiều quốc gia khác trên toàn cầu. Lúc này và ở đây, trong phút giây hiện tại, chúng ta đều thấy rõ rằng sự  phát triển kinh tế-xã hội cũng như những thách thức đi kèm không còn là vấn đề của một cá nhân hay của riêng một quốc gia nào.

Tuy nhiên, chúng ta không tuyệt vọng. Những vấn đề mà địa cầu và toàn thể nhân loại đang phải đối diện – khủng hoảng sinh thái toàn cầu, thiếu hòa hợp trong gia đình và xã hội, bất ổn về kinh tế và chính trị – cũng đồng thời cho chúng ta cơ hội để dừng lại, nhận diện và xem xét lại nguồn gốc của những khổ đau mà chúng ta đang phải gánh chịu và tìm ra con đường có thể đưa đến một tương lai tươi sáng hơn và ngay cả một hiện tại tươi sáng hơn. Đây là công thức căn bản mà Bụt đã sử dụng trong suốt cuộc đời Ngài để hướng dẫn hàng đệ tử và vô số người vượt thoát khổ đau của họ. Và giờ đây, công thức căn bản này có thể dẫn lối cho chúng ta đến sự giải thoát khỏi những khổ đau hiện tại. Ba phẩm chất đặc thù, ba cách thực tập từng giai đoạn rõ ràng mà Bụt đã dạy là Niệm, Định và Tuệ sẽ đưa chúng ta đến chỗ giải thoát khỏi những bế tắc đó. Với ba cách thực tập này, nếu áp dụng đúng mức và khéo léo, chúng ta có thể khám phá ra một nền đạo đức toàn cầu và một lối sống chánh niệm giúp định hướng cho sự phát triển của xã hội chúng ta ngày nay theo một đường hướng  thanh bạch và lành mạnh hơn.

Chúng ta phải tìm ra cách thức phù hợp để áp dụng những điều Bụt dạy – như phương pháp thực tập chánh niệm, giáo lý về khổ đau và hạnh phúc, tuệ giác tương tức và vô phân biệt (về sự tương tức, liên hệ mật thiết trong nhau và không kỳ thị, không loại trừ những người có cái thấy, cách hành xử khác mình), Năm Phép Tu Tập Chánh Niệm (tức là Năm giới) và những lời Bụt dạy về Bốn Loại Thực Phẩm. Những điều này sẽ giúp cho xã hội chúng ta trở nên chánh niệm hơn trong cách sản xuất và tiêu thụ; những công ty và những cá nhân sẽ bớt sản xuất những sản phẩm có thể làm tổn hại tâm thức của đại đa số cộng đồng và làm ô nhiễm môi trường sinh thái. Chúng ta có thể tiêu thụ ít lại, tiêu thụ làm sao để nuôi dưỡng được thân và tâm ta. Chúng ta, với tư cách cá nhân và với tư cách một dân tộc, cần áp dụng những điều Bụt dạy về thiểu dục tri túc, nghĩa là biết đủ.

Trong mối liên hệ thân thiết thuộc phạm vi gia đình, cha và con nên áp dụng những điều Bụt dạy để có nhiều thời gian cho nhau, có mặt cho nhau nhiều hơn (thay vì chỉ dành thời gian ngồi trước màn hình máy tính) và có thể phục hồi được sự truyền thông bằng cách cùng nhau thực  tập lắng nghe sâu và nói với nhau những lời hòa ái.

Trong lớp học khô khan và trong những giảng đường lạnh lẽo, thầy cô giáo và học viên nên giúp đỡ nhau để tạo nên không khí  ấm áp của một gia đình, giúp giảm bớt căng thẳng, thư thả hơn, biết xử lý những cảm thọ và cảm xúc mạnh của mình và áp dụng những cách xử lý đó để đưa mọi người đi về hướng lành mạnh hơn, đó là đào tạo ra một thế hệ trẻ hiền thiện, có tự do, mong muốn hợp tác hơn là cạnh tranh, thay vì chỉ tạo ra một lực lượng lao động để cung cấp cho guồng máy tư bản.

Trong các văn phòng của công ty hay các công sở của nhà nước – nơi bị thúc đẩy nhiều bởi quyền lực, những người đồng nghiệp nên làm việc và cư xử chánh niệm với nhau hơn, cùng nhau xây dựng tình anh chị em, nuôi dưỡng lòng từ bi và bao dung hơn, để từ đó có thể đưa xã hội ta đi về hướng hạnh phúc và hòa hợp chân thật.

Trong thế giới hiện đại ngày nay, trước bối cảnh các nước đang cố gắng tìm kiếm những mô hình phát triển thì những mô hình phát triển tự do được đánh giá cao và được mọi người chạy theo. Tuy nhiên, cái giá mà thế hệ trẻ và nền sinh thái mong manh của chúng ta phải trả cũng như những chi phí mà thân tâm ta và toàn nhân loại đang gánh chịu là bao nhiêu? .

Không bao giờ quá muộn để dừng lại và suy ngẩm, để tìm ra những phương pháp thực tập có thể khôi phục lại tinh thần trách nhiệm, phục hồi lại các giá trị đạo đức cho xã hội ta, cho các chính quyền, cho gia đình  và cho chính bản thân chúng ta .

 

Với tất cả tình thương và tin cậy,

TS. Thích Nhất Hạnh


(chuyển từ Anh ngữ: sư cô Tại Nghiêm)

 

 

Bethereforeach.jpg


Mindful Development

A message for VESAK 2011 Thailand–“Buddhist Virtues For Socio-Economic Development”

 

(In which way should our society develop, economically and socially, so that we can touch interbeing, the interconnectedness of all on this planet – cultures and governments, continents and nations, earth and sky, plants and animals, students and teachers, and fathers and sons?

How can we guide the next generation of young people to a world that is more sane and healthy – bodily, emotionally, and spiritually?

What teachings and practices of Buddhism can help us find true happiness and freedom, and handle and deal with our current social and economical state?)

 

With the various crises we are witnessing in different parts of the world, it is clear that the era of independent nations with borders and separate interests is gradually coming to a close; that the suffering and pain of one nation is fundamentally linked to and is shared by the hearts of people of all nations; that the instability and depression of another nation affects the prosperity and security of peoples all over the planet.  In our present time and place, it is clear that social and economic development and all the challenges that come with it are no longer individual matters.

But we are not without hope. The problems that confront our planet and our humanity – environmental tension, social and family dysfunction, economic instability, and political unrest – give us an opportunity to pause, recognize, re-examine the sources of our suffering, and find a path that can lead us towards a brighter future and to an even brighter present.  This is the basic formula that the Buddha used during his own lifetime to guide his fellow beings to tend to their suffering.  This basic formula can help guide us now, to our own salvation.  The three distinctively Buddhist virtues of mindfulness, concentration, and insight can lead us to this salvation.  Applied appropriately and skillfully, they can help us discover a global ethic and a mindful way of living that can guide the development of our society towards a more sane and healthy direction.

We must find ways to apply the Buddhist teachings – namely, the practice of mindfulness, the teachings on suffering and well-being, the wisdom of inter-being and non-discrimination, the Five Mindfulness Trainings (5 Precepts-see attached), and the teachings on the Four Nutriments – so that our society can become more mindful in its production and consumption; so that companies and individuals can produce less toxic waste that harms our collective minds and the environment, and can consume less and in a way that nourishes our body and heart.  We as individuals and as nations should apply the Buddhist teachings of moderation, of knowing that we already have enough.

In the intimacy of our homes, fathers and sons apply the teachings so they can have more time and be more present for one another (rather than for their computer screens), and can restore communication by learning to listen deeply and speak more lovingly.

In the sterile classrooms and cold halls of our institutions, teachers and students can learn ways to support one another as in the warm atmosphere of the family, to be less stressful, to relax and handle their feelings and emotions, and to apply themselves in a direction that is meaningful and wholesome – graduating young people not just for the work-force of a capitalistic machine, but for a kinder and freer generation who cooperate more than compete.

In power oriented offices of companies and governmental workplaces, colleagues and fellow workers can serve more mindfully, building brotherhood and sisterhood, nourishing their compassion and generosity, and guiding our society in the direction of true happiness and reconciliation.

In our modern times, as we look for models of development in the ten directions, freedom to develop is highly prized and sought after, but at what price to our young ones and our fragile environment and at what cost to our individual and collective body and consciousness.

It is never too late to pause and reflect and to find practices that can bring responsibility and ethical behaviors back into our society, our governments, into our families, and our lives.

 

With love and trust,

Thich Nhat Hanh

Tiếng Chuông và bước Chân

Kính gửi các vị Tôn Túc, các vị Sư Trưởng và đại chúng xuất gia trong các tổ đình và tự viện thuộc môn phái Từ Hiếu.

Kính thưa liệt vị, Hàng ngàn Phật tử xuất gia cũng như tại gia, trong cũng như ngoài nước, đã tỏ lộ sự hân hoan và vui mừng khi nhận thấy tứ chúng trong môn phái Từ Hiếu đã tiếp nhận, tán trợ và hành trì thật nghiêm túc thông bạch ngày 1.1.1996 về việc tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm ngày thành lập tổ đình Từ Hiếu và sự áp dụng Năm Giới Quý Báu trong công phu tu tập cũng như trong phương thức tiếp xử với các đạo tràng khác trong sơn môn. Phẩm chất tu học và niềm an lạc trong môn phái đã tăng tiến một cách lớn lao chỉ trong vòng một năm trời, và sự chấn chỉnh của tông phong đã được mọi người bên trong và bên ngoài môn phái thừa nhận một cách đích xác.

Xin quý vị tôn túc, sư trưởng và toàn thể đại chúng cùng chúng tôi nhất tâm hồi hướng công đức ấy cho các thế hệ tương lai. Trong thông bạch này, tôi xin kính lưu tâm các vị tôn đức và sư trưởng về sự hành trì tiếng chuông và bước chân chánh niệm của người xuất gia. Tôi tin tưởng nếu giới xuất gia trong môn phái thực tập được vững chãi hai pháp môn này, chúng ta sẽ đem lại được rất nhiều năng lượng tu chứng cho sơn môn và gây niềm tin lớn cho các giới Phật tử. Tiếng Chuông chánh niệm là phương pháp thực tập đã có từ thời Bụt còn tại thế. Mỗi khi nghe tiếng chuông, tất cả mọi người đều ngưng hết suy tư, ngưng hết nói năng, và lắng nghe tiếng chuông với hơi thở chánh niệm. Tiếng chuông được tiếp nhận như tiếng của đức Thế Tôn gọi chúng ta về với chánh niệm. Trong thiền môn chúng ta vẫn có truyền thống thực tập này, vì vậy trong sách Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu chúng ta thấy có những bài kệ thỉnh chuông và nghe chuông như bài ”Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới” và bài ”Văn chung thanh phiền não khinh”. Những bài này đã được các tổ sáng chế để thực tập tiếng chuông chứ không phải để xướng tán. Vậy thì thực tập trở về hơi thở chánh niệm mỗi khi nghe chuông chỉ là sự tiếp nối tự nhiên của truyền thống thiền tập. Người tu thiền khi nghe chuông thì trở về nhiếp niệm an ban hay quán chiếu, người tu tịnh độ khi nghe chuông thì trở về nắm lấy vững chãi phép niệm bụt trì danh hay quán tưởng. Trong khi thực tập, người hành giả có định, có tuệ và có an lạc. Theo phép thực tập này, vị tri chung trước khi thỉnh chuông phải chắp tay xá chuông và quán niệm theo bài kệ thỉnh chuông, mỗi câu kệ đi theo một hơi thở vào hoặc thở ra; và khi tiếng chuông vọng lên, tất cả mọi người, kể cả vị tri chung, phải dừng lại mọi suy tư và nói năng để trở về chánh niệm, cùng thực tập với nhau ít nhất là trong ba hơi thở. Trong giờ phút thực tập ấy, năng lượng của niệm, định và tuệ của đại chúng có mặt rất rõ ràng, và người đến chùa sẽ cảm thấy năng lượng ấy đi vào trong con người của họ và sẽ tiếp nhận được rất nhiều lợi lạc. Buổi khuya, đại chúng có thể thực tập im lặng trong tư thế ngồi, suốt trong thời gian thỉnh đại hồng chung, hoặc thiền quán, hoặc niệm Bụt, ngồi chung trong thiền đường, Phật đường hoặc trên đơn của mình. Những vị có trách vụ như hương đăng, trà giả, trị nhật, v.v… có thể tiếp tục chấp tác trong im lặng, cùng theo dõi hơi thở và thực tập thiền quán hay niệm Bụt trong khi làm việc. Sau khi chuông nhập, tất cả đại chúng mới vân tập trên Phật đường để tụng niệm. Tụng niệm, như vậy, chỉ là một phần của công phu buổi sáng và buổi tối. Buổi tối, trong thời gian thỉnh đại hồng chung , chúng ta cũng thực tập giống như buổi khuya, và khung cảnh thiền môn sẽ có sự im lặng tuyệt đối trong những giờ giấc ấy. Bước chân thiền hành cũng là một pháp môn thực tập có từ hồi Bụt còn tại thế. Người xuất gia khi đi, đứng, nằm và ngồi đều có uy nghi và chánh niệm. Bước chân nào cũng có chánh niệm, vì thế nên từ người xuất gia tỏa chiếu ra năng lượng của sự vững chãi và sự thảnh thơi. Người xuất gia không thể đi đứng vụt chạc và hấp tấp. Bước chân vững chãi và thảnh thơi giúp cho người xuất gia an trú được trong chánh niệm, trong giây phút hiện tại, và gây niềm tin lớn cho mọi người. Ði kinh hành trong thiền đường hay Phật đường chưa đủ. Trong đời sống hàng ngày, mỗi khi cần di chuyển, ta phải sử dụng phép thiền hành, nghĩa là đi từng bước có chánh niệm, dù khoảng cách di chuyển chỉ là dăm bảy bước. Ði trong khuôn viên chùa cũng thế, mà đi vào thành phố cũng thế. Mỗi ngày ta thực tập thiền hành với đại chúng một lần và có thể thực tập thiền hành riêng nhiều lần. Ði thiền hành là một pháp môn nhiệm mầu có thể tập cho chúng ta biết an trú trong giây phút hiện tại, biết sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày và giúp giải tỏa và chuyển hóa những buồn giận và lo lắng của ta. Ðể thực tập thành công, ta nên học cách phối hợp hơi thở với bước chân và sử dụng những bài thi kệ chánh niệm.

Kính thưa các vị tôn đức, các vị sư trưởng, trong ba mươi năm qua, tại đạo tràng Phương Vân và tại đạo tràng Mai Thôn, các pháp thực tập tiếng chuông và bước chân đã đem lại rất nhiều vững chãi và niềm tin trong giới Phật tử Tây phương. Hiện giờ đã có trên năm trăm đoàn thể tu học rải rác trên thế giới đang thực tập theo các pháp môn này và tất cả đều đã tiếp nhận nguồn cảm hứng từ tu viện Phương Vân và đạo tràng Mai Thôn. Thỉnh thoảng tại các chùa viện thuộc môn phái trong nước, vẫn có những vị Phật tử gốc Tây phương về hành hương và chiêm bái. Nhìn họ đi, đứng, và quán sát họ khi họ nghe chuông, chúng ta có thể nhận diện ra họ là con cháu của môn phái. Nếu có người không thực tập tiếng chuông và bước chân, ta biết ngay rằng họ chỉ là du khách. Rất mong liệt vị tôn túc và sư trưởng từ bi ra công giảng dạy và hướng dẫn pháp đàm để tất cả giới xuất gia của chúng ta có thể thực tập nghiêm chỉnh hai pháp môn này, bắt đầu từ Tết Nguyên Ðán Ðinh Sửu (1997). Ðạo tràng của chúng ta sẽ trang nghiêm lên gấp trăm lần với công phu tu tập này. Các giới tại gia tới chùa cũng sẽ được khuyến thỉnh thực tập để chúng ta có thể làm sống dậy năng lượng tu tập ngày xưa ở tu viện Cấp Cô Ðộc cũng như trên núi Linh Thứu.

Hôm nay là ngày đánh dấu 150 năm công cuộc khai sơn Tổ đình Từ Hiếu và cũng là ngày tất cả tứ chúng của môn phái tập hợp lại để tưởng nhớ công ơn của sư tổ Nhất Ðịnh và của các thế hệ tổ sư kế tiếp. Vượng khí của tổ đình đã khiến cho các cao tăng xuất phát từ môn phái Từ Hiếu có mặt tại nhiều đạo tràng khắp nơi, và con cháu của môn phái đã trở nên rất đông đúc, không những trên đất nước thân yêu mà còn trên ba mươi quốc gia trên thế giới. Tất cả hôm nay đều vọng về chùa Tổ. Nếu chúng ta khởi sự thực tập bước chân và tiếng chuông một cách vững chãi thì năm Ðinh Sửu sẽ đem lại cho sơn môn và đất nước rất nhiều hạnh phúc và thảnh thơi. Kèm theo thông bạch này xin gửi đến liệt vị một bản phụ lục có những bài thi kệ có thể được sử dụng vào việc thực tập tiếng chuông và bước chân chánh niệm.

Nam mô đức bổn sư Bụt Thích Ca Mâu Ni,
Nam mô đức bồ tát Nhất Ðịnh, tổ khai sơn am An Dưỡng và chùa Từ Hiếu.

 

Đạo tràng Mai Thôn ngày 16.11.1996
Nay kính thông bạch,

khuondauTNH.png

Trừng Quang Nhất Hạnh


Thông bạch kỉ niệm 150 năm khai sơn tổ đình Từ Hiếu

Mai Thôn Đạo Tràng 1-1-1996
Kính gởi các vị Tôn đức và Sư trưởng các chùa thuộc môn phái Từ Hiếu


Kính thưa liệt vị,

Từ ngày sư tổ Tánh Thiên Nhất Định khai sơn chùa Từ Hiếu đến nay, một trăm năm mươi năm đã đi qua và con cháu của môn phái từ hiếu bây giờ đã trở nên thật đông đảo, xuất gia cũng như tại gia. Trong một trăm năm mươi năm ấy, môn phái đã cống hiến cho đất nước nhiều vị cao tăng, đóng góp không nhỏ cho công trình phục hưng nền phật giáo dân tộc. Nhân dịp năm mới Bính tí, cũng là năm kỉ niệm một trăm năm mươi năm khai sơn chùa Từ Hiếu, với tất cả lòng thành kính và thương yêu, tôi trân trọng kính gởi đến chư tôn đức, sư trưởng và tất cả liệt vị lời cầu chúc một năm mới an lành, thanh tịnh, vững chãi và thảnh thơi, Tôi kính cẩn cầu nguyện Tam Bảo gia hộ liệt vị pháp thể khinh an, thành tựu được hiểu biết lớn và tình thương lớn để có thể chia sẻ thật nhiều hạnh phúc cho những người chung quanh.

Tôi xin trân trọng đề nghị trong năm Bính Tí, tất cả các chùa thuộc môn phái Từ Hiếu đều tổ chức ba ngày kị tổ liên tiếp (ngày mồng 4, mồng 5 và mồng 6 tháng 10 âm lịch, tức ngày 14, 15 và 16 tháng 11 năm 1996) để trong ba ngày ấy, chúng ta từ nhỏ đến lớn, có dịp học hỏi và nhắc nhở đến công nghiệp của sư tổ Nhất Định và của các vị cao tăng khác trong môn phái.

Trong gần ba mươi năm hành đạo tại tây phương, tôi đã truyền Năm Giới cho hàng trăm ngàn người Âu, Mĩ, Nga, Úc, Trung Hoa, Nhật… người nào cũng có pháp danh bắt đầu bằng chữ Tâm, thế hệ thứ 43 của phái Lâm Tế và cũng là thế hệ thứ 9 của dòng Liễu Quán. Năm giới của Bụt đã được trình bày một cách tỏ tường và cụ thể để có thể đáp ứng với những nhu cầu đích thực của con người trong xã hội mới. Hành trì năm giới này, ta thấy Năm Giới có bản chất của giới bồ tát, và rất nhiều những người tho giới ở tây phương đã cho biết sự hành trì Năm Giới đa thay đổi cuộc đời của họ và của gia đình họ, đã chuyển hóa được khổ đau và đem lại nhiều hạnh phúc trong đời sống hàng ngày. Năm Giới này cùng nghi thức tụng giới đã được in trong Nghi Thức Tụng Niệm của nhà xuất bản Lá Bối năm 1994 tại hải ngoại và cả trong nước. Nghi thức này cũng đã được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng khác như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Hà Lan, tiếng Na Uy, tiếng Đan Mạch, tiếng Đức, tiếng Y Pha Nho, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ba Lan, tiếng Tiệp, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Đại Hàn, và tiếng Trung Hoa.

Hiện trên thế giới có hơn năm trăm tăng thân tu tập theo pháp môn của Làng Mai tại Pháp và năm giới là căn bản cho sự hành trì. Người nào thọ giới cũng phải tham dự các buổi tụng giới mỗi tháng hai lần. Nếu không tụng giới trong ba tháng liền thì tự động lễ truyền giới không còn hiệu lực. Tất cả những vị xin thọ giới khác như Sa Di, Tỳ Kheo, Tiếp Hiện và Bồ Tát đều phải tiếp nhận và thọ trì Năm Giới này trước.

Tại tu viện chùa Làng Mai Pháp Quốc, đại chúng thường trú tu học có khoảng 100 vị, phần chủ lực là giới xuất gia. Mỗi năm chùa Làng Mai tổ chức những khóa tu cho hàng ngàn người, tới từ khoảng 24 nước trên thế giới. Tại chùa Làng Mai và các trung tâm tu học địa phương, Năm Giới được chấp hành nghiêm chỉnh. Lễ tụng giới và các buổi pháp đàm để học hỏi thêm về Năm Giới được tổ chức ít ra là hàng tháng. Về giới thứ năm, không ai uống một giọt rượu , dù là rượu bia, rượu vang, không ai hút thuốc và sử dụng các chất ma túy. Về giới thứ tư, học hạnh lắng nghe và ai ngữ, chùa Làng Mai cũng như các trung tâm con cháu môn phái Từ Hiếu như Làng Cây Phong (Gia Nã Đại), Làng Manzanita (Hoa Kì), Làng Sen Búp (Úc) đều chấp hành nghiêm chỉnh, không bao giờ nói một lời có tính cách lên án, buộc tội hay bêu xấu một đạo tràng khác, hay một tông phái khác trong khi mình có thể bị xuyên tạc, chỉ trích, hay nói xấu bởi những người ganh tỵ. Có thể nói đây là một trong những nét đẹp rạng rỡ nhất của sự hành trì chúng ta.

Để xứng đáng với sư tổ Nhất Định và các vị tổ sư khác của môn phái, tôi thiết tha khẩn cầu liệt vị tôn túc nhắc nhở tứ chúng trong môn phái Từ Hiếu, trước hết là giới xuất gia thực tập nghiêm chỉnh Năm Giới. Các vị xuất gia tuyệt đối không hút thuốc, không uống rượu, dù là rượu bia, và nhất thiết không lên án chỉ trích hay nói xấu một đạo tràng nào hay một cá nhân nào, mặc cho ai nói xấu hay chỉ trích xuyên tạc mình. Có thực tập như thế chúng ta mới hàn gắn được những nứt rạn sẵn có vì sự vụng về của nội bộ và vì chủ tâm chia rẽ của những kẻ đứng ngoài sơn môn, và mới xây dựng lại được nền tảng cho một nền phật giáo dân tộc để phụng sự đất nước và mọi loài.

Riêng tôi, tôi cũng có những khuyết điểm và yếu kém cần được chuyển hóa, và viết lời này, tôi cũng ý thức rằng tôi đang tự nhắc nhở mình để khỏi phụ lòng của liệt vị tổ sư đã dày công xây dựng đạo tràng, tiếp độ đồ chúng. Mong liệt vị hiểu cho rằng đây chỉ là những lời nhắc nhở chung. Tôi cảm thấy hân hạnh được làm một phần tử của môn phái Từ Hiếu và luôn thiết tha cầu Tam Bảo gia hộ cho tông phong vĩnh chứng để cho hạnh phúc của sự tu tập trong môn phái được lan truyền ra tới ngoài dân gian. Đó là mong ước sâu sắc nhất của tôi kính gởi tới liệt vị trong ngày đầu năm.

Tôi nhớ ngày nào còn là chú điệu ngồi nhổ cỏ bên bờ hồ bán nguyệt trước chùa, vậy mà bây giờ đã phải đứng lên thay mặt cho các vị tôn túc nói tiếng nói của môn phái. Thời giờ qua rất mau, vô thường tấn tốc, kính mong đại chúng tu học tinh chuyên để sớm thành tựu đạo nghiệp và báo ân sư tổ cùng tất cả các bậc tôn trưởng trong môn phái.

 

Nay thông bạch
Mai Thôn Đạo Tràng, ngày 1 tháng 1 năm 1996

khuondauTNH.png

Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh