Thầy kính thương,
Con nhớ hồi ở Làng, con hay viết thư gởi Thầy. Mỗi lần gặp con, Thầy thường chỉ tay vào túi áo làm dấu hiệu cho con như muốn nói: “Túi áo Thầy đây”, để con đặt lá thư be bé của mình vào chiếc áo Tiếp hiện thật to và dày của Thầy. Nhận được thư rồi, Thầy sẽ im lặng, cười hiền và vỗ nhẹ tay vào túi áo. Con cũng nhớ mãi ngày con sắp rời Làng, phải xa Thầy để về nhập chúng ở Thái Lan, Thầy dặn dò: “Này con, về đó nhớ viết thư cho Thầy. Con đừng hỏi Thầy có khỏe không hay dặn Thầy nhớ giữ gìn sức khỏe, mà con hãy nói cho Thầy nghe con đang làm gì, ở đâu, và cảm thấy như thế nào.” Chắp tay con y giáo phụng hành. Hôm nay đọc bài thơ Tầm ẩn giả bất ngộcủa thi sĩ Giả Đảo làm con nhớ về Thầy và đặt bút viết thư gởi Thầy.
Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ.
Thầy đã dịch bài thơ và viết thư pháp thật đẹp:
Dưới cội tùng chú bảo
Thầy vừa đi hái thuốc
Chỉ tại núi này thôi
Mây mù không thấy được.
Bài thơ gợi ý cho con liên tưởng đến hình ảnh Thầy đang hái thuốc trên núi. Mây mù che phủ và dù có tìm mãi cũng không thấy Thầy đâu!
“Tùng hạ vấn đồng tử”, khi đọc câu đầu tiên, con nhớ tới câu “Tùng lăng đông tuyết ngọc thiên chi”(cây tùng vượt lên giá rét của mùa đông, vươn ra ngàn cánh ngọc). Cây tùng, loài cây có sức sống thật dẻo dai, chịu đựng giá rét, khô hạn. Cây tùng cũng được dùng để ca ngợi những ai có khí chất của người quân tử với sức sống mãnh liệt, ý chí phi thường, cao thượng kiên trung.
Bài thơ tả cảnh thật thi vị. Sư phụ ở trên núi, nơi có những cây tùng cao. Một ngày, có vị khách phương xa tới tham thiền, chú tiểu thưa rằng thầy mình đã đi hái thuốc (Ngôn sư thái dược khứ).
Làng mình cũng đẹp như bức tranh phác họa trong bài thơ này, có khi còn đẹp hơn thế, phải không thưa Thầy? Con nhớ ở Làng, xóm nào cũng có những cây tùng, to lớn và vững chãi. Mỗi ngày chúng con được nhìn thấy Thầy đi thiền hành, lúc thì đi với thị giả, lúc thì đi một mình. Đôi khi Thầy thiền hành lặng lẽ ẩn giữa rừng tùng, chúng con không thấy Thầy đâu cả. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở, Thầy chế tác định và tuệ, an trú nơi hiện pháp nhiệm mầu.
Đi hái thuốc là trở về
Cũng với chừng đó dược liệu, chừng đó công thức, tức là những phương pháp thực tập Bụt, Tổ trao truyền, Thầy đã không ngừng điều chế ra bao nhiêu dược phẩm để giúp chúng con trị bệnh; đưa ra một hướng đi hữu hiệu nhất để tự thân mỗi người trẻ chúng con tự lực hái thuốc; tự mình điều chế dược phẩm cho riêng mình và cho mọi người. Mỗi lần nhớ đến lời Thầy dặn: “Không có bùn thì làm sao có sen, không có bệnh thì làm sao có thuốc trị bệnh”, tự nhiên con thấy mình thật may mắn. Câu nói đó giúp con biết ơn khổ đau, thấy được giá trị của khổ đau để thắp sáng lòng kiên nhẫn và vị tha. Con tập dừng lại và khám phá sự tĩnh lặng của tâm thức, rồi khi một làn gió thoảng qua, con cảm nhận sâu sắc sự mát mẻ dễ chịu; từ đó mở nhẹ cánh cửa trái tim mình để chấp nhận, ôm ấp và bao dung.
Đi hái thuốc có nghĩa là trở về. Trở về để lắng nghe mình đang bệnh gì, trong lòng có rối ren chăng, có đang mệt mỏi, bực dọc và trách móc chăng? Hỏi, nhưng con vẫn sẽ để chúng ở đó, và tiếp tục hái thuốc. Hái thuốc bằng cách trở về ý thức và buông thư, làm lắng dịu toàn thân trong mỗi nụ cười.
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ
Mây mù dày quá, không biết thầy mình đang ở nơi nào. Thầy thường nói mây mù cũng là hình ảnh để nói đến phiền não và vô minh. Chúng con vì từng bị mây mù của phiền não và vô minh che khuất nên chưa thấy được Bụt, chưa thấy được Thầy, quanh quẩn trong khổ đau quá khứ, than trách con người và cuộc đời. Nhưng nếu không có mây mù, thì làm sao chúng con thấy được sự nhiệm mầu và những tuyệt tác của vũ trụ; của ánh mặt trời đang dần hé và tỏa chiếu lấp lánh, hay vầng trăng đêm qua vén mây ngời ngời chiếu sáng đêm thâu.
Bây giờ hoặc không bao giờ
Chỉ tại thử sơn trung – chỉ ở giữa núi này thôi. Câu này khi thực tập như lý tác ý, có thể thấy mọi thứ đều ở tại tâm mình. Chính nơi này có mây mù, cũng chính nơi này có cả thuốc, chứ không phải ở chỗ khác, một địa điểm nào đó trong không gian. Chính ở đây, trong tự tâm. Khổ đau, hạnh phúc, giác ngộ, vô minh, tha thứ, bao dung, dược phẩm, linh đơn,… tất cả đều có trong tâm hết.
Kính bạch Thầy! Thầy đã cho chúng con một gia tài rất lớn. Là đệ tử của Thầy, chúng con thường nghe Thầy giảng về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Tam Pháp ấn, Duyên khởi,… cũng như cách áp dụng những giáo lý này vào đời sống hằng ngày để trị liệu những bế tắc, hiểu lầm. Nhờ đó, chúng con tháo gỡ được rất nhiều khúc mắc và hiểu thêm ý nghĩa của các pháp môn, cũng như giáo pháp Bụt trao truyền.
Nếu không phải là người xuất gia, là một học trò của Thầy, chắc con sẽ khó vượt qua những biến cố tai ương giữa cuộc sống này, khó có thể nhìn mọi chuyện mình trải qua bằng con mắt biết ơn, hạnh phúc và cảm thông. Con thấy mình quá may mắn vì được làm con của Bụt, của Thầy. Mỗi ngày con được thực tập chánh niệm, được có thời gian và không gian nhìn lại tự thân, trau dồi kiến thức, được có trái tim ướp đầy nhiệt huyết giúp người, con mắt biết cười khi nhìn thấy bông hoa ven đường. Thấy mình có trong tất cả và tất cả có trong mình…
Thời gian đi nhanh hơn hay con đi nhanh hơn?
Hôm ấy là một ngày mùa đông năm 2010. Con được làm thị giả, được mang túi xách và bước từng bước chân vui với nụ cười tươi đi sau Thầy. Bất chợt, Thầy quay lại hỏi con: “Này Tạng Nghiêm, thời gian đi nhanh hơn hay con đi nhanh hơn?” Con vui quá, không suy nghĩ gì hết, liền theo phản xạ trả lời: “Dạ bạch Thầy, thời gian đi nhanh hơn”. Thầy lặng lẽ nhìn con vài giây rồi nói: “Are you sure? (Con có chắc không?)” Thế là con biết mình đã đáp sai rồi! Câu hỏi đó tự khi nào đã trở thành một công án trong con.
Giờ đây, mỗi lần nhớ Thầy, nhớ lại công án ngày xưa Thầy trao, bỗng nhiên con nhận ra rằng: nếu biết nhìn bằng con mắt tương tức và vô tướng, đúng là con có thể đi nhanh hơn tàu siêu tốc, máy bay, trực thăng… đi nhanh hơn thời gian. Con vẫn đang gần Thầy dù khoảng cách địa lý giữa hai thầy trò mình xa hàng vạn cây số. Con thấy mình cũng đang ngồi thiền bên Thầy, đi thiền hành sau lưng Thầy, làm bất cứ điều gì con cũng thấy Thầy đang làm với con. Từ từ con mới hiểu, công án Thầy trao là thần dược không phải chữa bệnh liền tức thì, mà cần sự có mặt của thời gian và trải nghiệm. Sau khi hiểu được, thì chính công án đó đã giúp con tự tin, vững chãi đi tới trong sự thực tập, với trái tim chấp nhận vẹn tròn quy luật tự nhiên.
Thuốc Vườn ƯơmTên gọi của Trung tâm thiền tập quốc tế Làng Mai Thái Lan thơm ngát trời đông
Ở Thái Lan, mùa này là mùa đẹp nhất trong năm, thưa Thầy! Mùa vàng rực của lá tre, lá bàng. Đã cuối đông, thời tiết chuyển, trời dần ấm hơn như để đón mùa xuân về. Chúng con mở các khóa tu trực tuyến cho thiền sinh có nơi trở về; cùng nhau học kinh Quán niệm hơi thở, Công phu nở đóa sen ngàn cánh, Duy biểu học,… Chúng con trồng thêm rau sạch để cung cấp cho đại chúng trong mùa đại dịch covid. Quan trọng nhất là chúng con nhắc nhau thực tập giữ hòa khí để con thuyền tăng thân vận hành trôi chảy. Đó là những phương thuốc mà nơi đây chúng con đang chế tác. Mỗi chúng con đều ý thức được rằng muốn hiến tặng hạnh phúc cho mọi người trên thế giới thì bản thân chúng con phải có hạnh phúc trước.
Thơ cũng là một phương thuốc đưa con trở về nếm trải hương vị nhiệm mầu của phút giây hiện tại. Thơ giúp con biết quẳng gánh lo đi mà nở nụ cười cùng hoa, lá, mây trời. Mỗi khi chạm mặt với cái đẹp thực tại, con xúc động lắm. Con cảm thấy ẩn tàng phía sau mỗi sự việc hay mỗi con người là những đáp án và những sự thật rất đỗi bất ngờ, nếu con biết hiểu và thương. Lòng từ bi là liều thuốc mở cửa trái tim để con người bình thường trở nên vĩ đại… Dài dòng thêm đôi chữ, con kính dâng Thầy cũng như quý y chỉ sư và tăng thân một bài thơ, được con góp nhặt từ những chiếc lá tre vàng ở Vườn Ươm:
Duyên
Chim hót
Ve gọi hè
Giọt nắng rơi
Hiên An Ban mùa hợp tấu
Về!
Sư em cười
tâm thênh thang
núi mây một màu
lãng vãng
múa ca vui đùa
Chặng đường
người chiến sĩ
đầu tròn áo vuông
Buông kiếm
phiền não tan
tức gặp
nguyên hình…
Chân không
chạm mặt đất
Tâm không
cười sự đời
Ồ! Muôn màu
Đi qua.