Thầy được tạc tượng tại Mỹ

Lá thư Làng Mai 01 – 1983

Tải về bản PDF

Ngày em mới ra đời
LÁ THƯ ĐẦU
Ngày 23.02.1983

Đây là lá thư đầu của Làng Hồng. Lá thư này tôi tạm viết. Những lá thư sau, bốn tháng hay sáu tháng một kỳ sẽ do anh Cả của Làng là anh Lê Nguyên Thiều viết.

Làng hiện có Xóm Thượng và Xóm Hạ. Hai xóm cách nhau vào khoảng hai cây số. Xóm Thượng có bốn cái nhà bằng đá và bảy mẫu đất, tọa lạc trên một vùng cao nguyên. Ở đây có rất nhiều cây sồi (chênes); có một vùng cây và đá rất ngoạn mục được đặt tên là Pháp Thân Tạng. Có nhiều con đường thiền hành rất thanh thoát. Chúng tôi đã an vị được sáu cây tùng lọng (pin parasol) khá lớn và hai cây tùng thiên thọ (cedrus deodara). Hôm an vị tùng lọng, trời mưa khá lớn. Trên đồi cao, gió thật buốt, mọi người đều dầm mình dưới mưa. Chiều lại, Thầy nằm luôn mấy tuần khiến cho dân làng lớn bé đều rất lo. May thay, Phật còn thương nên Thầy đã ăn cháo được và chiều nay vừa ăn cơm. Anh Cả và Dũng đang tiếp tục trồng thêm nhiều cây tùng tại đây (cedrus atlantica), tùng bút trường sinh (cupressus sempervirens), tùng đen Áo Quốc (pin noir d’Autriche) mà dân Phương Vân hay gọi là Tùng Thanh Từ và một số các loại tùng khác. Dũng hứa với Thầy là thế nào Xóm Thượng cũng sẽ có một tàng kinh lâu để cho Thầy an trí Đại Tạng Kinh. Công việc ở Làng bề bộn quá, không biết Dũng có giữ được lời hứa không. Đại Tạng Kinh đã có từ ba năm nay; chuông gia trì cũng đã có; Thầy bảo tôi viết thư thỉnh một chuông báo chúng cho Xóm Thượng. Còn khánh đá thì anh Cả sẽ nhờ một người thợ đá ở địa phương đẽo khắc.

Xóm Hạ có năm nhà đá và hai mươi mốt mẫu đất trong đó có hơn một mẫu đã trồng nho. Anh Cả có thuê thêm tám mẫu đất nữa để canh tác. Xóm Hạ có một khu rừng, bên cạnh khu rừng có một hồ  nước lớn; nước luôn luôn dư dã để đủ tưới mấy chục mẫu đất, cả vào mùa hạ. Đất đã được cày, và các luống cày đang đón nhận băng giá mùa đông. Băng giá làm cho đất xốp và tốt. Cày trước mùa đông thì ruộng sẽ phì nhiêu hơn cày vào đầu mùa xuân. Năm  nay anh Cả dự định trồng bảy mẫu hướng dương và bảy mẫu bắp. Sẽ có một khu đất nhỏ trồng các loại rau, cải, bí, bầu, húng, quế, ngò, tía tô, kinh giới, ớt, cà… như vườn rau tại quê nhà. Tháng ba đã phải bắt đầu chuẩn bị gieo hạt. Nông cơ còn thiếu lắm. Làng chỉ mới có một máy cày sáu mươi ngựa. Lưỡi cày còn là lưỡi cày mượn; dụng cụ rải phân, remorque chở củi cũng phải đi mượn. Máy xịt thuốc cũng chưa có, máy bơm nước cũng chưa mua.

Anh Cả và gia đình hiện ở tại Xóm Hạ. Sát nhà anh là nhà bác Mounet làm nghề đồ đồng. Bác này ngày xưa đã tốt nghiệp trường canh nông cho nên biết rất nhiều về kỹ thuật canh tác. Bác rất dễ thương; anh Cả và Dũng đã học được rất nhiều king nghiệm của bác. Chính bác dạy cho mọi người tỉa nho và lái máy cày. Hồi tháng trước, lưỡi cày bị gãy, chính bác đã tự tay hàn lại. Bây giờ thì ai cũng coi bác như là dân làng. Bác thật là một dân làng kiểu mẫu. Hai bác đều ưa ăn cơm Việt Nam. Món nào chị Muồi nấu bác cũng khen ngon và ăn sạch đĩa.

Xóm Hạ hiện có một cái nhà kiếng gọi là nhà mặt trời dài khoảng hai mươi thước, rộng bốn thước, trong  đó có trồng cải cây, hẹ, ngò và xá lách xon. Nhà làm bằng giấy ni long, gọi là film thermique, phủ lên trên một cái sườn nhà vòng cung bằng sắt. Những ngày có nắng, dù bên ngoài rất lạnh, chúng tôi cuốc, xới rau trong ấy nghe thật ấm và vui. Càng nhiều nắng rau càng mọc nhanh. Thầy nói mùa hè này sẽ có nhiều người về tu cho nên Dũng dự trù trồng thật nhiều khoai tây, cà chua, cà rốt, đậu que, cà tím v.v…  Chúng tôi đang lo trồng mận để lo tự túc cho Làng sau này. Loại mận này được gọi là pruneaux d’Agen, ngọt lắm. Trái sấy khô để bán từng ký, xuất khẩu ra các nước Tây Âu. Anh  Cả dự định trồng một mẫu đặc biệt cho các trẻ em đói ở Việt Nam. Một mẫu như vậy là 250 cây, phí tổn mỗi cây là 35 quan. Bảy năm mới có trái. Những cây mận sẽ có trái suốt trong một trăm năm. Các bạn muốn góp phần vào mẫu mận này thì cứ viết thư về cho anh Cả, xin anh trồng cho mình ba cây hay năm cây, v.v…., vào mẫu ấy. Tuy nói là bảy năm nhưng mùa Đông năm nay được kể là năm thứ nhất rồi. Bảy năm sẽ qua rất mau, các bạn đừng lo. Anh Cả cũng dự tính mỗi năm trồng cho thiếu nhi nghèo ở Việt Nam một mẫu bắp. Các bạn nghe vậy đừng có gửi một bắp về nhé, bởi vì hạt bắp giống phải do hợp tác xã cung cấp. Mình sẽ không gửi hột bắp về cho các em đâu. Mình sẽ bán bắp cho hợp tác xã, lấy tiền mua thuốc, mua vải, mua quà cho các em.

Tại Làng, chị Mười và em Dũng cũng đang phụ trách một Comité Pour Les Enfants Qui Ont Faim. Có anh Cả cố vấn nên Ủy Ban này làm việc khá giỏi. Đó là Ủy Ban 18. Hy vọng mùa hè này các Ủy Ban sẽ có cơ hội gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau tại Làng Hồng. Thầy nói tất cả những bạn nào hiện đang phụ trách các công tác giáo dục, văn hóa và xã hội đều nên tìm cách về Làng mỗi năm một lần để tĩnh tu. Họ luôn luôn có chỗ cư trú trong làng. Vào những giai đoạn mệt mỏi, cần nghỉ ngơi, cần phục hồi tinh lực, các bạn ấy có thể về Làng năm bữa, một tuần nếu muốn. Chỉ cần báo trước cho anh Cả biết là anh hé đôi cánh cửa tùng để chào đón.

Thầy thương và quý anh Cả lắm. Anh là một trong những người học trò đầu của Thầy từ những năm đầu của thập niên 1950, cùng một thế hệ với thầy Thanh Văn (tức Nguyên Hưng), Từ Mẫn (Giám Đốc Lá Bối, Sài Gòn), anh Trí Không (Nguyễn Văn Tài), anh Như Thông, chị Như Ngọc, chị  Thu Hà (cả ba đã xuất gia hiện ở tu viện Chơn Không và Viên Chiếu), anh Như Khoa, chị Thanh Giới, anh Lý Đại Nguyên, chú Tâm Thể (nhân vật chính của truyện Lan), và chị Phùng Khánh (hiện ở Viện Vạn Hạnh). Tôi tuy mãi đến cuối thập niên 1950 mới đến học với Thầy nhưng tôi vẫn là học trò sớm hơn những người như thầy Tuệ Sĩ, anh Huệ Dương và chị Nhất Chi Mai. Hồi tháng tám năm 1981 nghe nói anh Cả và gia đình vượt biên, Thầy rất lo ngại. Khi nghe anh đến bờ Thầy thở nhẹ nhõm. Tôi tìm hết cách để xin cho anh được định cư tại Pháp. Nhờ anh qua tới đất này chúng ta mới có được Làng Hồng hôm nay. Chúng tôi gọi anh là anh Cả một phần cũng vì anh xứng đáng là người hướng dẫn chúng tôi, một phần là tại anh đứng chủ trương Làng Hồng.  Người lớn nhất trong làng chẳng thường được gọi là ông Hương Cả là gì? Nhưng tôi thấy chữ “ông” già quá, cho nên thay vào đấy chữ Anh.

Ngày xưa anh Cả đã học xong Cao Đẳng Phật giáo. Anh viết chữ đẹp lắm, nói chuyện văn chương rất hay. Anh đã chấp chưởng trách vụ quan trọng lớn nhất của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội tức là trách vụ Tổng Thư ký từ năm 1965 đến 1975, làm việc với ba vị giám đốc: thầy Thanh Văn, thầy Châu Toàn và thầy Từ Mẫn. Các bạn đã nhiều lần muốn bầu anh lên chức Giám Đốc nhưng anh không chịu. Anh đã từng đi công tác khắp nước, thiết lập hàng chục làng định cư cho đồng bào chiến nạn, phối hợp điều động công tác phát triển và tái thiết với  hàng ngàn tăng, ni và công tác viên trong Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trong thời gian anh làm việc cho trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội và Ủy Ban Tái Thiết Phát Triển của Giáo Hội, tôi được Thầy đề cử làm đại diện tại Hải Ngoại cho hai khối công tác đó, anh từ trong nước đã gửi ra rất đều đặn những báo cáo công tác rất sáng sủa rành mạch đã đành, anh lại thỉnh thoảng gửi đến chúng tôi những bức thư viết tay dày đặc những nét chữ thật đẹp của anh, văn điệu thật “bông hoa” và thật giàu chất liệu tâm linh, không dính dáng gì đến “công việc” cả. Tôi và các bạn tại hải ngoại lại có dịp trở về thăm lại các nẻo đường của Phương Bối am xưa trong tâm tưởng. Ngày xưa tại chùa Lá TNPSXH đã có lần anh ngồi giảng cho anh Phúc, chị Uyên và tôi nghe cả một buổi sáng về thiên nhiên, văn chương và nghệ thuật mà bắt đầu là nhờ một câu “liễu dương hơ tóc vàng trong nắng…”. Vậy các bạn về Làng phải nhớ nhờ anh giảng cho nghe thế nào là đi thiền hành dưới mưa tuyết hay trong sương mù nhé. Vậy là ta sẽ không còn lo gì nữa khi anh hiện diện và chủ trì Làng Hồng. Có điều anh mảnh khảnh quá, mảnh khảnh có khi hơn cả Thầy nữa. Da lòng bàn tay anh cũng mỏng và dễ bị đứt như tay Thầy mặc dù cả hai người làm việc lao động không thua ai. Tết Nguyên Đán năm nay tôi đã lạy Phật cầu nguyện cho anh được khỏe mạnh để dựng xong làng Hồng làm nơi nương tựa cho tất cả chúng ta, trong nước và ngoài nước. Tại quốc nội, anh Trí và chị Trà Mi đã nghe nói tới Làng Hồng và hai người đã viết cho chúng tôi những bức thư thật cảm động; anh Trí đã làm luôn ba bài thơ dài thật hay bày tỏ niềm phấn khởi của họ. Chị Đỗ Quyên và anh Đỗ Quý Toàn ở Gia Nã Đại cũng đã định mùa hè sang năm xách gói về tập thở ở Làng Hồng. Anh Cả rất ưa trồng tùng đại tây (cedrus atlantica). Tùng này lớn chậm lắm. Ngân sách làng thì nhỏ nên chúng tôi chỉ mua đến những cây tùng con khoảng một thước hai. Ở Xóm Thượng, anh định cho trồng bốn cây tùng đại tây tại một khu đất mà anh nghĩ rằng rất tốt cho Thầy dạy thiền sinh tập thở. Hình như nghe nói tới tùng đại tây là anh nghĩ đến những cây tùng vĩ đại cao đến hàng sáu bảy mười thước, to hai người ôm, xòe những cánh hùng vĩ.

Anh tưởng tượng thầy ngồi giữa bốn cây tùng đó, trên một phiến đá để nói chuyện đạo với chúng ta.Trong khi đó thì bốn cây tùng đại tây mà anh định trồng là bốn cây tùng hài nhi, cây nào cũng chỉ cao có một thước hai. Tôi biết hễ trồng bốn cây ấy vào khu đất kia thì cái bao la của đất trời Xóm Thượng sẽ làm cho bốn cây tùng đó nhỏ lại như bốn bụi cỏ. Phải đợi ít ra cũng một trăm năm nữa thì cái cảnh bốn cây tùng trong óc anh Cả mới được thực hiện. Năm chục năm sau, Lê Nhật Tâm (Trái Tim Mặt Trời), con trai thứ ba của anh, vừa được bốn tháng, mới có thể  bắt đầu ngồi thuyết pháp tại đó chứ không phải Thầy. Chỉ có một cách là cả diễn giả cả thính giả đều có khả năng nhìn suốt quá khứ và tương lai thì mới có thể thấy mình đang ngồi giữa bốn cây tùng hùng vĩ đang ngự trị hôm nay trong trí tưởng tượng của anh Cả. Nghĩ như thế tôi mới chạy đi tìm mua bốn cây tùng lọng khá cao về và năn nỉ anh trồng vào đó. Anh cười và chấp nhận. Các cây tùng này nặng lắm, bốn người lực lưỡng mới khiêng nỗi một cây. Nếu không có Dũng, chiếc máy cày và bác Nazarettie (ở xóm Ngoài) phụ lực thì anh Cả, Thầy và tất cả chúng tôi cũng chịu thua. Dũng giỏi lắm, không ưa nói nhiều, chỉ cười nhiều và làm việc im lặng, cần mẫn. Dũng rất khéo tay về máy móc. Máy cưa củi, máy cày, máy khoan, máy xe mô bi lết và ngay cả máy sắp chữ in sách, Dũng đều sử dụng thành thạo và có thể sữa chữa chút đỉnh khi cần. Dũng cũng đang trồng một số Hồng quả (kaki) và hồng hoa (roses) ở Xóm Thượng và Xóm Hạ. Em Dũng năm nay đã hai mươi ba tuổi, có tú tài rồi và hiện lo kinh tế tự túc cho Làng. Dũng sẽ phải đi học thêm về Canh Nông để bổ túc cho kiến thức chuyên nghiệp.

Trận bão hồi đầu mùa đông năm nay đã làm ngã mất hai cây sồi (chenes) cổ thụ ở Xóm Hạ. Các cây sồi này vĩ đại lắm. Bác Mounet nói cây nào cũng ngoài 300 tuổi. Bé Hải Triều Âm năm nay mười tuổi, biết rằng Sư Ông rất cưng hai cây sồi này. Buổi sáng sau cơn bão, khi thấy hai cây sồi ngả nghiêng, bé nói: “Thế nào Sư Ông cũng khóc khi thấy hai cây sồi này ngã”. Sư Ông không khóc nhưng đã đứng trầm ngâm thật lâu trước hai cây sồi trốc gốc. Anh Cả an ủi: “Xóm Hạ vẫn còn tới bốn cây sồi cổ thụ phía trước, xin mọi người đừng buồn”.

Các bạn xóm Ngoài như chị Margaret, anh Charles Lepape (ngày xưa đã từng bảo trợ việc xây cất một trung tâm lo cho thiếu nhi thất học ở Đà Nẵng bằng 2/3 lương tháng của anh trong suốt một năm dài), chị Anne Marie, chị Danièle… chị Marie Paul Mari Thé, đã lo cho làng từ cái chén, cái ly, cái lò sưởi đến giường nệm, gối, chăn, tủ lạnh, xe đạp, v.v… Chị Margaret đem tặng thêm một con de mẹ, nói là để cho có sữa dê cho bé Nhật Tâm uống.Cả Làng cố từ chối nhưng cuối cùng phải nhận, sợ chị ấy buồn. Kết quả là từ ấy đến nay bé Nhật Tâm (vì mẹ thiếu sữa) chỉ uống sữa bột hộp của bác Blanqui biếu. Con dê nào đã cho được giọt sữa nào đâu. Trái lại ngày nào cũng phải tìm chỗ có cỏ non đóng cọc để cho nó ăn. Có hôm nó làm bật cả cọc, chạy tới ăn mất gần tất cả cac nụ của cây mẫu đơn cây (pivoine arbre) mà chú Dũng mới trồng. Các bạn Xóm Ngoài cũng có đem cho tất cả là 15 con gà mái, 5 con vịt mái, nói để nuôi lấy trứng mà ăn cho có chất bổ. Hai bé Hải Triều Âm và Thiều Quang đi mót bắp ngoài đồng suốt cả hai tuần lễ, về trỉa hạt, chứt chật được hơn bốn bao tạ hạt bắp cho gà vịt ăn. Chúng đã ăn hết hơn hai bao tạ rồi mà mới đẻ được sáu trứng. Hy vọng mùa Xuân tới chúng sẽ hăng hái hơn. Nhưng bây giờ làng đã có tiếng gà gáy sáng trưa rất hay, nghe giống hệt như tiếng quê nhà.

Làng có nhiều cây noyers và noisetiers. Mùa hè về, các em bé về học thiền sẽ tha hồ mà hái và lượm. Phải dành ăn với sóc và thỏ rừng đấy. Sóc và thỏ ở đây nhiều lắm, bé Hải Triều Âm phỏng chừng ở Xóm Thượng có ít lắm là 50 con thỏ rừng. Nếu mưa thuận gió hòa và có nhiều nắng vào mùa xuân thì khoảng cuối tháng 6 sẽ có ba triệu đóa hoa mặt trời “ngoảnh nhìn về phương đông chói sáng” để chào dân làng. Và đầu thu sẽ có ít tiền mua gạo thóc cho mùa đông và sửa sang cho làng thêm thịnh mậu. Anh Cả nói phải chờ ít nhất là hai năm Làng mới thật ra vẻ là một  làng Hồng.

Dũng là người đầu tiên về Làng, trước cả anh Cả nữa. Không có gì trong làng mà Dũng không biết. Rất mong sau này có nhiều dân làng trẻ tuổi và hoạt động như Dũng. Dũng thương anh Cả, chị Muồi và các cháu lắm. Chị Muồi hiền hậu, im lặng và làm việc cần mẫn suốt ngày. Bếp núc may vá cho cả làng đã đành, chị còn cuốc đất rất giỏi. Trông Muồi cầm cái cuốc là ta biết  ngay người đã từng biết giá trị của đất là gì. Không tệ như tôi, cuốc đất đã tám năm ở Phương Vân Am mà tay cuốc không chắc như tay Muồi cầm cuốc.

Thôi thư đã dài, tôi xin dừng bút. Những điều tôi bộc bạch hy vọng đã đem lại cho các bạn một vài ý niệm khái quát về làng. Hẹn gặp nhau vào đầu tháng bảy. Hồi đó Thầy đi dạy chư tăng ở Hoa Kỳ đã về, chúng ta sẽ cùng đi, cùng đi thiền hành với nhau trên những con đường làng. Điều đó, tôi xin mạn phép anh Cả mà nói rằng sẽ là một sự thật.

Chơn Không Cao Ngọc Phượng

T.B. Thư này là thư riêng, xin đừng phổ biến trên báo chí.

Lá thư Làng Mai 02 – 1983

Tải về bản PDF

Ngày 20-09-1983.
Chơn Lễ Lê Nguyên Thiều viết.

Kỳ này vì đã có sẵn bài Một Tháng ở Làng Hồng của cô Giao Trinh viết nên tôi xin phép viết tóm lược thôi. Mùa hè năm nay có một trăm mười bảy người về làng tu học, trong số đó có cả thảy là hai mươi chín thiếu nhi. Tất cả đều được ghi tên trong “Sổ Đinh” của làng. Suốt thời gian từ 15-07-1983 đến 15-08-1983 dân làng tự lo liệu lấy hết mọi phương tiện sinh hoạt của làng. Người lớn cũng như thiếu nhi đều cảm thấy có hạnh phúc, và đến giây phút khi rời làng ai cũng tỏ vẻ quyến luyến. Trong khoảng hạ tuần tháng tám và thượng tuần tháng chín nhiều người đã viết thơ về làng cho biết ảnh hưởng tốt do thời gian tu học cùng nhau ở làng Hồng tạo ra trên nếp sống hằng ngày tại địa phương mình. Có người cho biết là thời gian tại làng Hồng đã phục hồi niềm tin của họ nơi dân tộc và nơi tương lai. Có người cho biết là đã có một sự thay đổi lớn xảy ra trong cách nhìn và đời sống hằng ngày của họ. Những lá thơ như vậy làm cho tôi cảm động và vui mừng hết sức. Tôi tự nguyện sẽ đem hết tâm lực mình mà chăm sóc cho làng Hồng. Tôi biết không khí và nếp sống làng Hồng không phải do một người tạo ra mà là do tất cả chúng ta tạo ra. Tôi còn nhớ có lần một anh hỏi Thầy: Có thể làm gì để đóng góp xây dựng làng Hồng. Thầy trả lời:” đi thiền hành, uống thiền trà,  ngồi thiền tọa và tạo ra sự an lạc cho mình”. Đúng như vậy, bằng cách đó, chúng ta làm cho làng Hồng thực sự là làng Hồng, không khí làng Hồng do đó trở nên đầm ấm, thanh tịnh, an lạc, giải thoát. Người về làng nhờ thở không khí ấy mà có an lạc chứ không phải là nhờ những bài thuyết pháp. Có lần anh Joseph Liggett, cao đệ của thiền sư Robert  Aiken từ Hạ Uy Di tới, hỏi tôi tại sao trẻ em làng Hồng dễ thương đến thế – đó cũng là ý kiến của anh Nico Tydeman đến từ Hòa Lan- tôi trả lời: tại vì người lớn an lạc. Anh ta im lặng rất lâu rồi cho biết rằng tại các thiền viện bên Hoa Kỳ, trẻ em không bao giờ được an lạc và hòa thuận với nhau như thế. Đóng góp cho làng Hồng bằng sự thanh tịnh an lạc của mình là đóng góp chính yếu; đóng góp bằng lao tác và tài chính tuy quan trọng thật nhưng lại là thứ yếu.

Để tôi xin nói một vài khuyết điểm của làng trước khi nói đến những ưu điểm đã làm cho tôi cảm động và phấn khởi. Khuyết điểm trầm trọng nhất, như mọi người đều biết là hai xóm chỉ có ba cầu tiêu. Không biết tại sao mà tôi lơ đểnh đến thế trong khi thiết kế. Vào tuần thứ ba, ngặt quá, một  số anh em ở xóm Hạ đã phải đi thực hiện một cái cầu tiêu lộ thiên có che mành nứa để đỡ ngặt. Trong thời gian đó, trong chúng ta có người vì muốn nhường phòng tắm cho người khác đã phải đi vào rừng núi thiên nhiên. Tôi xin hứa là mùa hè năm sau tình trạng sẽ không còn như thế nữa. Chúng tôi đang thiết kế xây dựng thêm bốn phòng tắm(gương sen), bốn cầu tiêu và bốn bồn rửa mặt tại xóm Hạ . Tại xóm Thượng cũng có thêm bốn phòng tắm, bốn cầu tiêu và bốn bồn rửa mặt.

Khuyết điểm thứ hai là sân chơi trẻ em tại xóm Hạ. Vì sân chơi phía sau chưa thiết bị kịp nên các em hay chơi đùa trước  thiền đường và tham vấn đường, gây  trở ngại không ít cho việc đi thiền hành của các bác và các anh chị em. Thế nào sang năm tình trạng này cũng sẽ được cải tiến.

Khuyết điểm thứ ba là những con đường thiền hành ở xóm Hạ. Con đường xuống hồ nước tuy đẹp nhưng khấp khểnh quá, đầy dấu chân bò. Dũng đã dùng máy girobroyeur để dọn phá con đường này nhưng rốt cuộc số người đi thiền hành xuống tới hồ nước rất ít. Tôi có ý định mùa đông năm nay sẽ dọn lại thiền lộ đó và ủi một con đường thiền hành từ quán cây sồi ra tới vườn đào để cho sự thiền hành và thiền tập trở nên dễ dàng. Năm ngoái tại Phương Vân am tôi nhận thấy thiên hạ đi thiền hành rất chuyên cần. Có lẽ vì con đường từ Am lên tới cây thông Thanh Từ rất đẹp. Tôi mong sang năm dân cả hai xóm Thượng Hạ sẽ dành nhiều thì giờ cho việc thiền hành hơn.

Khuyết điểm thứ tư thuộc về chấp tác. Đây là năm đầu tiên cho nên công việc nông trại bị đình đốn khá nhiều trong thời gian làng mở cửa. Theo dự tính thì mỗi ngày sẽ có một giờ chấp tác, nhưng chúng tôi vì phải phụ trách nhiều việc quá nên đã không tổ chức được cho dân làng chấp tác ngoài nông trại, dù rằng rất nhiều người đã tỏ ý tình nguyện chấp tác. Hy vọng sang năm chúng ta sẽ tổ chức được chu đáo hơn.

Bây giờ tôi xin nói đến một vài điều đã làm tôi cảm động và phấn khởi. Điều quan trọng nhất là không khí tin yêu và niềm an lạc mà tôi cảm thấy được trong thời gian làng mở cửa. Các em thiếu nhi tuy rất hoạt động nhưng rất ngoan ngoãn, ngọt ngào và đầy hiểu biết. Người lớn sau khi về làng chừng bốn năm ngày ai cũng trầm tĩnh lại, ít nói hơn và an lạc ra. Các buổi pháp thoại  vừa trang nghiêm vừa gần gũi đã đem lại những lợi lạc rất cụ thể cho người nghe. Những điều Thầy nêu ra vừa đơn giản vừa sâu sắc: Làm thế nào để thưởng thức được những giây phút im lặng. Làm sao để tập ngồi như một đức Phật ngồi, tập đi đứng như một đức Phật đi đứng, nghĩa là luôn luôn an trú trong tịnh lạc. Làm sao rửa bát, giặt giũ, nâng một chén trà lên uống trong sự tỉnh thức và thanh tịnh. Làm sao thấy rõ được những gì đang xảy trong bản thân và nơi những người thương yêu đang chung sống với mình;  làm sao đem sự an lạc cho mình và cho họ.

Hàng tuần, trong khung cảnh trang nghiêm trước đức Phật, phụ huynh và bạn bè, các thiếu nhi được lặp lại ba điểm nương tựa (tam quy) và những lời hứa(giới luật) một cách trang trọng kính cẩn. Làng Hồng không cấp phái quy y để các em cất vào tủ kính mà chỉ tạo cho các em những ấn tượng quy y sâu đậm nhưng sinh động và gần gũi các em hơn.

Các em đã làm cỏ xung quanh những gốc mận mà các em dành dụm tiền quà bánh để trồng trong chương trình giúp trẻ em đói. Điều đó khiến cho cây mận mọc rễ xanh tốt ở đây trong khi các em lại có gốc rễ tình thương và tâm linh mọc ở quê nhà.

Các buổi thiền trà rất thành công. Điều làm tôi cảm động nhất là trong giờ tham vấn luôn luôn có một đạo hữu mặc áo tràng đi thiền hành quanh khuôn viên tham vấn đường để bảo vệ cho giờ tham vấn. Giờ tham vấn quý giá biết bao. Một cuộc đối diện trực tiếp để tham vấn về vấn đề chính yếu của đời mình. Cơ hội đó quả cần được chuẩn bị thật chu đáo.

Các cô giáo và thầy giáo làng đã hết lòng thương yêu dạy dỗ các em thiếu nhi và đã được các em đặt lòng tin tưởng và thương yêu hết mực. Bốn buổi hội thảo về Tương Lai Văn Hóa Việt Nam dành cho người trẻ tuổi đã chiếu rọi được nhiều ánh sáng trong đường đi nước bước của tuổi trẻ. Người lớn tuy có được tham dự nhưng chỉ được phát biểu mỗi khi được hỏi đến. Buổi hội thảo đầu đã do một cô gái hai mươi tuổi đến từ Gia Nã Đại làm chủ tọa, đó là cô Ngọc Hương. Cô Ngọc Hương rời Việt Nam năm mười hai tuổi và như vậy chỉ mới có mười hai tuổi văn hóa Việt Nam. Ấy vậy mà cô ấy đã hướng dẫn cuộc hội  thảo một cách xuất sắc. Cô sử dụng tiếng mẹ đẻ khá giỏi; suốt buổi cô chỉ dùng có hai danh từ tiếng Pháp. Có khi nhìn cô nổ lực tìm từ ngữ Việt Nam để diễn tả ý mình, tôi rất cảm động. Hai lần phải dùng danh từ tiếng Pháp tôi thấy cô cười ngượng nghịu như là để xin lỗi mọi người. Tôi tin rằng cuộc hội thảo hiện giờ đang được tiếp tục tại nhiều nơi trên đất Pháp cũng như ở Thụy Sĩ, Gia Nã Đại,Anh.v..v..Tôi hy vọng các bạn cũng đã tổ chức thiền hành, thiền tọa và thiền trà nơi khu vực mình cư trú.

Tôi cũng muốn nhắc thêm là sau buổi hội thảo đầu về Tương Lai Văn Hóa Việt Nam, các cô gái đều đã đem áo dài ra mặc vào những dịp có pháp thoại, pháp đàm, tụng giới, hội thảo hay thiền trà. Ngày thường, hầu hết mọi người trong làng đều mặc áo bà ba. Chị Yến đã may rất nhiều áo bà ba cho dân làng trong suốt những tuần lễ đầu.

Từ ngày 8.09.1983 đến rạng ngày 11.09.1983, tại làng có hội nghị dành cho tác viên của tổ chức Refugee Action, Bristish Refugee Council và Save the Children từ bên Anh quốc qua. Đây là những tổ chức lo liệu cho người tị nạn. Người chủ trương là bà Julia Meiklejohn, chủ tịch hội Refugee Action. Tổ chức này chăm sóc khoảng sáu nghìn trong số mười lăm nghìn người tị nạn tại Anh. Tổ chức này từng mời Thầy, chị Chơn Không và tôi qua Anh để góp ý nhiều lần nhưng chưa bao giờ chúng tôi qua được. Kỳ này họ qua tới hai mươi chín người, cả Anh lẫn Việt. Người tham dự về phía làng chỉ có Thầy, chị Chơn Không, anh Ngôn, chị Nga, anh Thơ, Dũng, Muồi và tôi. Chị Marie Paule và anh Laurent  đại diện Amnesty International địa phương cũng đến với một người đại diện Secours Catholique ở Miramont.

Chị Tâm Trân định về nhưng vào giờ chót không về được. Trong thời gian hội nghị, quán cây sồi chỉ mở cửa được có một lần, bán chè thưng và sương sa hột lựu. Có cả một phóng viên báo Sud Ouest tới nữa. Trong hội nghị, Thầy có hướng dẫn phép thiền hành cho các tác viên; chị Chơn Không trình bày công tác giúp trẻ em đói và tôi trình bày về kinh nghiệm làm trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Toàn thể hội nghị có đi thăm làng Việt Nam ở Sainte Livrade. Phần lớn tác viên là người Việt tị nạn trốn thoát từ miền Bắc Việt Nam. Vào giờ văn nghệ, họ đã  hát những bài không giống với những bài hát mà ta thường nghe hát tại miền Nam. Không khí hội nghị rất thân ái.

Năm nay, ngoài việc xây dựng thêm phòng tắm, chúng tôi còn dự tính xây cất Tàng Kinh Lâu và làm thêm một dãy cư xá gồm khoảng hai mươi phòng cho mùa hè sang năm. Cách xây dựng sẽ rất đơn giản. Chúng tôi mong có sự góp sức về tài chánh của dân làng. Từ 5 đến 7 quan cho tới 5 hay 7 trăm quan. Xin viết chi phiếu đề tên Lê Nguyên Thiều và ghi rõ : đóng  góp vào việc xây phòng tắm(hay Tàng Kinh lâu hay cư xá).

Trong khi tôi viết lá thư này thì hướng dương đang được gặt. Bắp và nho cũng sắp được gặt hái rồi. Rau tía tô, đậu que, rau muống, khổ qua lên rất tốt. Nhờ có thì giờ chăm bón tưới tẩm, rau muống lên rất xanh non và đã được gởi bán ở Bordeaux và Lyon. Giàn khổ qua giống cho những trái thật lớn, trái lớn nhất cân nặng đến 980 grammes. Thửa bắp ngọt mà Dũng trồng cho dân làng dùng đã ra đầy trái, ngọt hơn bắp ở bìa rừng nhiều. Các cây mận trên xóm Thượng (loại mận mà chúng ta trồng 1000 cây hôm đầu xuân) cho được vài mươi ký. Trái rất ngọt. Noisettes chín nhiều quá mà các em đã về hết nên đành nhường cho sóc rừng. Thỏ rừng làng Hồng năm nay được thoát khỏi bàn tay giết chóc của các anh thợ săn nhờ các tấm bảng Refuge Chasse Interdite mà tôi và Dũng viết và đính vào các thân cây ven rừng. Muồi đã vào keo được rất nhiều lê, cà chua, đậu que, bắp…để dùng vào mùa đông. Làng cũng vừa mua được lưỡi cày, một chiếc rờ mọt và một chiếc bừa covercrop.

Kính chúc quý vị thanh tịnh và an lạc.

MỘT THÁNG Ở LÀNG HỒNG.
Diệu Tâm Võ Phan Thanh Giao Trinh viết.

“Làng Hồng là một quê hương tâm linh cho người tác viên, cũng như Phương Bối là quê hương tâm linh cho chúng ta ngày xưa vậy. Chúng ta phải có Làng Hồng để trở về sau những đợt công tác. Ở đây chúng ta trồng cây, trồng rau thơm, đi bách bộ, chơi với trẻ trong làng, thực tập quán niệm và thiền tọa(…). Làng sẽ có công viên, rừng cây và rất nhiều con đường để đi bộ(…) Thiều và các bạn nên xúc tiến việc thành lập Làng Hồng. Làng Hồng là hình ảnh tươi mát trong lòng mỗi chúng ta. Làng Hồng cũng là hình ảnh ấm áp(…). Mình sẽ săn sóc cho làng, tổ chức sinh hoạt tâm linh cho mọi người. Mỗi tác viên khi về đến làng Hồng là thấy thoải mái. Trong một tháng cư trú tại làng Hồng, người tác viên chơi đùa với trẻ con, (bọn Lê Hải Triều Âm lúc này có lẽ đông lắm), đọc sách, nằm võng, trồng rau, ngồi thiền, rũ bỏ những bụi bặm phiền não, luyện thêm ý chí, thêm yêu thương.” (Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, trang 34 và 35)

Những dòng chữ trên đã được viết ra từ bao nhiêu năm rồi nhỉ…? mỗi lần đọc tới đây, tôi thường đặt cuốn sách xuống, mơ màng…”Quê hương tâm linh” kia quyến rũ quá, có thể nào thành sự thật không, hay sẽ mãi hoài là giấc mộng của tác giả?

Vậy mà hôm nay làng Hồng đã thật sự có mặt, đã là một thực thể. Giấc mộng đã trở nên sự thật.

Tôi thiết nghĩ không cần phải tả làng Hồng nữa. Cứ đọc kỹ lại Bức Thư Làng Hồng số 1 và cuốn Sổ Tay Của Người Về Làng là ta có thể hình dung ra làng. Có thể thêm rằng làng còn đẹp hơn thế nữa. Nhất là hai Thiền Đường và cái Tham Vấn Đường ở xóm Hạ. Chỉ có sàn nhà và trần nhà là được làm lại tử tế, còn bốn bức tường vách bằng đá được giữ nguyên. Sàn lót gỗ rất dày, một bàn thờ rất dày, một tấm liễn hay bức tranh rất nghệ thuật, một bình hoa hướng dương và hai hàng tọa cụ màu trời đêm, không những không phản bội tinh thần thiền mà còn làm cho người bước vào bỗng ý thức và bước những bước chân cẩn trọng.

Năm nay người về làng đông lắm. Nhưng phải ở một tuần trở lên không khí của làng mới thấm vào từng tế bào, và từng nhịp thở của mình mới đi theo nhịp thở của làng được.

Sáu giờ rưỡi sáng, tiếng bảng vang lên đánh thức mọi người dậy. Một ngày mới ở làng Hồng. Nếu nhanh chân dành được phòng tắm thì khỏi phải xếp hàng chờ đợi. Anh Cả hứa năm sau sẽ xây thêm phòng tắm. Làng chỉ có ba nhà vệ sinh mà trung bình mỗi nhà vệ sinh có khoảng từ 25 đến 35 người sử dụng thì kể cũng hơi thiếu. Nếu người đi trước tự giác thì không sao, chứ nếu người ấy cao hứng mà “thiền tắm” hay “thiền rửa mặt” thì cũng hơi phiền!

Đúng bảy giờ sáng, ba hồi bảng báo hiệu giờ ngồi thiền. Thường thường buổi sáng ít có người ngồi thiền hơn buổi chiều, vì một số thích “ngọa” hơn “tọa”thiền. Từ khi tiếng bảng thứ nhất vang lên, tất cả mọi hoạt động đều dừng lại. Mọi người khoát áo tràng, chầm chậm hướng về phía thiền đường và bắt đầu theo dõi hơi thở của mình ngay từ lúc ấy.

Thiền xong là ăn sáng, thường thường là ăn cháo trắng với muối dưa nhưng cũng có khi được ăn cháo đậu đen hay cháo đậu xanh, xôi bắp hay xôi đâu phọng. Sau đó là tản mác ra mỗi người một việc; người nào có ghi tên tham vấn thì xuống gặp Thầy ở Tham Vấn Đường. Trong thời gian ấy thì những người khác thì hoặc chấp tác(nếu có việc) hoặc đi thiền hành.v.v.. tùy ý. Mỗi tuần có bốn buổi thiền trà, cũng tổ chức tại Tham Vấn Đường. Người nào được giấy mời của anh Cả là mừng tíu tít, lo sửa soạn chỉnh tề. Đối với tất cả, được dự thiền trà là cả một niềm vui lớn nếu không nói là một niềm vinh dự. Ai đến làng cũng đều tuần tự được mời, và nếu ở lâu không chừng còn được mời pha trà hay làm chủ tọa nữa là đằng khác! Tuy nhiên số người được dự thiền trà không lên quá mười sáu nên đôi khi phải chờ vài ngày mới tới phiên mình.

Trong buổi thiền trà nào cũng có một hay hai em bé. Phần đông các em ngồi thật ngoan và thật đẹp khiến mấy người bạn ngoại quốc phục lăn! Duy có bé Thanh Thảo sau khi dự buổi thiền trà đầu tiên đã phàn nàn không hiểu vì sao người lớn cứ phải bắt mình ngồi thật ngoan mới được mời. Mà dự thiền trà thì nào có gì đặc biệt, mỗi người chỉ được một cái bánh bé xíu cùng một ly trà, lại không được nói chuyện, không được nhúc nhích nữa. Chỉ thêm mệt!

Chắc lớn hơn chút nữa bé mới hiểu hết ý nghĩa của những giây phút im lặng ấy. Im lặng không phải vì không quen biết hay vì giận hờn, hay vì lúng túng không có chuyện gì nói, mà im lặng vì muốn thưởng thức sự có mặt của nhau. Trong đời sống hằng ngày ta ít có cơ hội để được im lặng như thế. Dường như ta luôn luôn bị bắt buộc phải nói, phải nghe, phải xả giao vì sự im lặng nào cũng có vẻ đè nén và khó chịu. Đối với chén trà cũng thế. Ta thường “nốc” vội một chén trà trước khi đi làm hoặc vào quán cà phê ta cũng bị sự ồn ào náo nhiệt xung quanh làm cho ta không còn biết đến hương vị của trà nữa. Ở trà xá làng Hồng, ta ngồi trong tư thế bán già hay kiết già, và bình thản theo dõi hơi thở. Khay trà sẽ được chuyền đi nhẹ nhàng. Người nhận chén trà sẽ chắp tay lại xá cảm ơn trước khi đón lấy khay trà chuyền cho người sau. Mọi cử động đều được làm trong ý thức, khoan thai, thong thả, có lễ nghi. Nhiều khi tôi thích dự buổi thiền trà chỉ để ngắm những gương mặt bình thản, không nhíu lại vì lo âu hay vì bị thời gian thúc bách. Sau đó có một câu chuyện đậm đà giữa những người dùng trà với nhau. Có khi lại có cả nhạc và thơ nữa. Tôi thường ra khỏi trà xá với một tâm trạng khoan khoái, lâng lâng. Nhiều người nhất quyết phải về tổ chức thiền trà hay “thiền cà phê” tại nơi mình ở để tiếp tục được sống những giờ phút an lạc như thế.

Các em bé được học một giờ tiếng Việt vào buổi sáng và hai ngày một lần, một giờ sử Việt Nam do anh Lễ đảm nhận. Có ba người chuyên lo việc dạy học cho các em và trong thời gian ấy khỏi làm việc gì khác, vì Thầy bảo công việc đó là quan trọng lắm rồi. Các em cũng lấy việc học làm trọng, học bài trả bài cẩn thận và thuộc bài mau đáo để. Hôm nào các em được Sư Ông dạy cho mươi chữ Hán là các em rất sung sướng. Ngoài mê học nhữ Hán, các em còn mê nghe chuyện cổ tích. Bắt được ai kể là các em không từ. Khổ nỗi, thư viện có hai cuốn “kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam”, các em đã giànhnhau mà đọc sạch bách. Chỉ có Sư Ông mới có đủ sức thỏa mãn niềm khao khát nghe chuyện ấy; mà Sư Ông kể chuyện thì phải biết, người lớn nghe còn mê tơi huống chi là các em bé. Sư Ông nói dạy Phật Pháp cho các em bằng chuyện cổ tích sẽ có hiệu nghiệm hơn một lớp giáo lý cổ điển.

Đến mười hai giờ trưa là ngọ thực. Ngày thứ hai, tư và sáu phải ăn trong im lặng. Thường thường trước khi  ăn một em bé đã đứng lên quán niệm”Hôm nay trên bàn ăn có những món ăn ngon. Con được ngồi đây với Sư Ông, với ba má, các dì, các chú, các bạn, con không biết ở Việt Nam các bạn có được ăn như con không. Con cầu xin Phật cho họ có đủ ăn, con xin cảm ơn Phật”.Khi em bé ấy quán niệm thì mọi người đứng hoặc ngồi yên, chắp tay và cúi đầu. Lúc ban đầu khi ăn cơm trong im lặng ai cũng thấy là lạ và ngường ngượng thế nào ấy, nhưng khi quen rồi thì ăn cơm rất ngon và nhiều hơn bữa khác! Ở làng Hồng có mọc rau dền, người nông dân Pháp xem đó như là một thứ cỏ dại phải nhổ vứt đi. Nhưng ở làng Hồng chúng được khuyến khích mọc, vì ai về làng Hồng cũng ghiền rau dền, Bé Miu còn đề nghị đổi tên làng Hồng là làng Dền. Tri Thủy hôm mới đến đã e dè không dám gắp thẳng tay vì thấy món rau dền luộc chấm tương ngon quá, cô nàng nghĩ mình nên lễ độ nhường cho người khác. Chờ mọi người ăn xong cô nàng mới xin phép được vét đĩa. Khi thấy những thửa đất dành riêng để trồng dền, có tưới tẩm hẳn hoi, Tri Thủy mới an lòng. Ngoài rau dền ra, “vườn làng” còn cung cấp thực phẩm rất đầy đủ cho dân làng: khoai tây, cà chua, rau muống, đậu que, bí đao và cả khổ qua nữa. Vườn rau là niềm vui và niềm kiêu hãnh của chị Muồi và chú Dũng. Cây nhà lá vườn ngon gấp bội lần những thứ mua ở chợ, có lẽ vì chúng được nuôi bởi những người tỉnh thức và giàu lòng từ bi. Rau dền cũng được dùng thay lá dứa để làm nước cốt xanh khi dân làng cần gói bánh, bởi vì cứ cách một ngày lại có một ngày bán quán. Ở dưới xóm Hạ có quán Cây Sồi do Ngọc Hương và Diễm Thanh dựng lên dưới sự chỉ dẫn của anh Cả. Trên xóm Thượng có quán Cây Đề, nhưng ngoài bản hiệu thì không có mái có vách gì cả. Các bác, các cô, các dì, các cô thi nhau trổ tài làm những món quà đặc biệt Việt Nam để bán với một giá rất phải chăng(một quan hay hai quan), cho nên các em tha hồ ăn hàng. Gia đình nào đông con các em còn được giảm tới 50 phần trăm nữa. Trong một tháng chúng tôi được ăn đủ loại chè: chè thưng, chè bông cau, chè tơn, chè chỏm, chè trôi nước, các loại chè đậu .v..v. hoặc các thứ hàng hấp dẫn khác như bánh bò, bánh tiêu, giò cháo quẩy, chuối chiên, hột  é, sương sa hột lựu, bánh bột bán, bánh ít trần, hủ tiếu, bún riêu..v.v..Thầy nói đã bao nhiêu năm rời Việt Nam rồi mà kỷ niệm thuở bé ăn hàng vẫn là kỷ niệm làm cho Thầy nhớ nhất. Do đó Thầy muốn trẻ em làng Hồng cũng được tận hưởng những thú vui rất Việt Nam ấy. Số tiền thu lượm được sẽ gởi về cho các trẻ em đói ở quê nhà-nghe nói khi làng đóng cửa số tiền đã lên đến 3.460 đồng. Lần nào mở quán cốc, cũng có một hay hai em xin đứng bán hàng và rửa chén. Như thế, em sẽ được ăn quà miễn phí. Nhưng phần lớn các em làm vì thích làm chứ không phải vì quà.

Đến bảy giờ tối là mộ thực. Sau đó thường có văn nghệ thiếu nhi. Nói đến văn nghệ thiếu nhi thì có thể nói hoài không hết. Dưới xóm Hạ có “nhà văn nghệ” với sân khấu hẳn hoi. Còn trên xóm Thượng có khi được đốt lửa trại. Thí dụ như hôm Rằm tháng sáu, các chị đề nghị tổ chức Trung Thu sớm để các em được ăn Trung Thu tại làng Hồng. Thế là bác Tâm Trân, Diễm Thanh, Ngọc Hương, chú Minh Hải và cả Christophe,  lo làm cho các em một cái sườn đèn bánh ú bằng tre và các em tự vẽ hình để dán lên sườn đèn ấy. Đêm Rằm trăng rất to và rất sáng khiến các em rất sung sướng đi rước đèn khắp các nẻo đường làng, vừa đi vừa ca”Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp làng Hồng”.Đối với nhiều em, đây là cái Tết Trung Thu đầu tiên từ khi em rời Việt Nam. Người lớn cũng sung sướng lây và đêm hôm đó, cả hai xóm ngồi bên lửa trại ca hát, văn nghệ với nhau tới quá nửa khuya, khiến Thầy phải đề nghị miễn ngồi thiền sáng hôm sau.

Các em bé làng Hồng có tình thần văn nghệ rất cao và đòi hỏi mọi người cũng phải có tinh thần cao như mình. Do đó nên múa hát chán, các em đề nghị người lớn cũng phải ra trình diễn với sự đồng ý của Sư Ông. Thế là khám phá được bao nhiêu là tài năng bị mai một đi vì cuộc sống hằng ngày. Thí dụ như chị Ngọc Thanh có giọng hát truyền cảm là thế, mà làm sao để Thanh Trang phải mét Sư Ông là:”Cả năm con chẳng nghe mẹ hát lần nào”. Sư Ông bảo Thanh Trang về phải bắt mẹ hát, ít nhất mỗi tuần một lần nếu không Sư Ông sẽ rầy lắm. Có một hôm anh Cả và bác Tâm Trâm đóng vở kịch “Môn thuốc gia truyền”rất là xuất sắc khiến cho dân làng cả hai xóm hết sức ngạc nhiên. Thường thường cuộc văn nghệ kéo dài  đến mười giờ tối là phải về ngồi thiền. Phần đông, từ bảy tuổi trở lên, các em đã ngồi thiền rất chuyên cần. Ngồi trọn buổi không thua gì người lớn, mặc dù Sư Ông có cho phép trước là khi nào mệt hay buồn ngủ các em cứ nhẹ nhàng đứng dậy, xá bàn Phật và lui ra khỏi thiền đường. Bé Thơ bảy tuổi, đã được phần thưởng ngồi thiền đẹp nhất và chuyên cần nhất. Duy có bé Miu cũng đi ngồi thiền chỉ vì không thích ở ngoài một mình trong khi bên ngoài trời sấm chớp ầm ầm, bé Sâm bảo là vì trời cũng làm văn nghệ. Bé Phòng bốn tuổi thì vào ngồi vài phút đã thở ra những tiếng não nuột vì buồn ngủ khiến ai cũng phải phì cười. Thấy những tiếng thở dài đứt ruột ấy có tác dụng tai hại trên thiền giả, Sư Ông cho bé nằm xuống “ngọa thiền” ngay. Tôi thích những buổi thiền đêm ấy; trong ánh nến lung linh, bầu không khí có gì ấm cúng khiến tôi cảm thấy  mình và những người đang ngồi thiền thật là gần gũi, thân thiết. Thầy dạy ngồi và thở kỹ lắm nên thực hành không có chi là khó. Nhưng có một đêm, một con nhện  từ trên trần nhà đã nhắm ngay đỉnh đầu tôi mà nhảy xuống và chọn mặt tôi làm nơi du ngoạn. Tôi xuất định tức thì, vì quả như anh Lễ nói, tôi sợ nhện còn hơn sợ Ma Vương nữa. Thầy nghe chuyện bảo con nhện ấy là một vị bồ tát xuống để thử tôi. Nếu quả đúng như thế thì hôm ấy vị bồ tát bị  thất vọng não nề. Nhưng tôi trộm nghĩ rằng sáng hôm ấy, chị Như Liên và anh Thư cắt cớ đi quét dọn thiền đường từ trên xuống dưới quá sạch sẽ đi khiến mấy chú nhện trên trần nhà trở thành vô gia cư, tối không thấy đường nên trược chân ngã xuống. Báo hại từ hôm ấy trở đi tôi cứ phải vào thiền đường sớm, lật tọa cụ lên xem có vị “bồ tát” nào núp ở dưới ấy không?

Sáng thứ bảy, thay vì ngồi thiền, Thầy giảng Bát Nhã tâm kinh. Thầy còn dạy tụng kinh này sao cho hùng, vì đây là món quà to tát mà bồ tát Quán Tự Tại trao cho ta, với hy vọng là  ta sẽ sử dụng nó chứ không phải để cho ta đặt lên bàn thờ và mỗi ngày đem ra tụng bằng một giọng ủy  mị. Sau Bát Nhã Tâm Kinh là tụng giới luật Tiếp Hiện. Các em bé phải lặp lại với Phật, với Sư Ông và mọi người về ba điểm quay về (tam quy) và  hai lời hứa. Xong các em được ra khỏi thiền đường trong khi người lớn ở lại tụng giới. Nhiều người  tự nguyện sẽ sống theo tinh thần của giới này dù không chính thức thọ giới. Muốn chính thức thọ giới phải tuân theo một số điều kiện trong đó có điều kiện 40 ngày tĩnh tu trong năm là ít nhất. Trong cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, Thầy có nói về cách tổ chức “một ngày quán niệm” trong tuần. Không ai có thể chối cải sự cần thiết của một “ngày quán niệm” như thế trong xã hội xô bồ hiện tại. Nhất là những ai muốn sống theo lý tưởng từ bi cứu khổ của đức Phật (nói như Thầy là dấn thân để làm một cặp mắt, một đôi tay để trợ lực cho Quán Thế Âm Bồ Tát). Hơn ai hết, tôi biết vốn liếng từ bi, an lạc của mình rất giới hạn và chỉ có cái “ngày quán niệm ” ấy là giúp tôi đong đầy nguồn sinh lực sau một tuần đua chen chung đụng với người khác. Thế nhưng đi làm đã năm ngày trong tuần rồi, hai ngày còn lại thường bị gia đình, bè bạn xâm chiếm mãi. Muốn giật  lại một ngày cho mình không phải dễ. Phải dứt bỏ một số tập tục, một số thói quen và có thể phải xa lìa một số bạn bè nữa. Tôi có đề nghị với các bạn hãy làm sao về tổ chức sống an lạc, tỉnh thức và ghi lại kinh nghiệm của mình cho người khác có thể học hỏi. Bởi vì nếu chính ta không an lạc trước thì làm sao ta có thể  đem lại sự an lạc cho người khác được?

Chủ Nhật có một buổi pháp thoại buổi sáng và pháp đàm hay hội thảo buổi chiều. Nội dung của những buổi pháp thoại, pháp đàm hay hội thảo này vô cùng súc tích, không thể nói trong vòng một vài hàng.

Bốn tuần ở làng Hồng cũng không thể tóm tắt trong  một bức thư. Tôi chắc chắn đã bỏ sót nhiều điều hay ho và thú vị. Mỗi ngày ở làng Hồng là một ngày hạnh phúc; tôi nhớ hôm mới đến, chị Phượng đưa Thu Hương và tôi xuống Pháp thân tạng gặp Thầy và chỉ mảnh rừng tuyệt đẹp ấy, chị nói: “làng Hồng đây em, hãy ý thức đi”. Tôi đã ý thức từng phút từng giây diễm phúc của mình lúc ở làng Hồng. Ý thức từng niềm vui, từng cái xá chào đầy cung kính trao cho những người dân làng khác trong khi lòng rộn rã niềm vui, ý thức những lời nói hay cả những lúc im lặng của Thầy, vì Joe đã nói đúng:”Thầy dạy ta bằng cách sống của Thầy nhiều hơn bằng lời nói”.

Vậy  mà khi rời làng để trở về đời sống cũ của mình, tôi vẫn có cảm giác yếu đuối và sợ hãi của anh chàng võ sĩ đạo còn non nớt kém cõi mà sư phụ đã bảo xuống núi rồi. Phải một thời gian sau thì những gì mình đã học được và hấp thụ được ở làng Hồng mới bộc lộ ra và tôi thấy thật ra tôi đã mạnh lên nhiều lắm, cứng ra nhiều lắm so với trước kia.

Bây giờ trong mười một tháng chia cách tôi với làng Hồng, sang năm, tôi hy vọng có thể áp dụng những gì đã học, thiền hành, thiền tọa, quán niệm, v.v.. để có thể sống thật an lạc. Có thế tôi mới xứng đáng là dân làng Hồng.

25.8.1983

THƯ CỦA CÔ VÕ THỊ TRI THỦY
(trích lại sau khi được người viết cho phép)

Aix en Provence ngày 2.8.1983.

Kính thưa Thầy, chú Cả, các chú, cô, dì, các bạn và các em,

Vậy là con đã rời làng Hồng. Trời còn mờ hơi sương, dì Bảy đã đưa con đi; Ni sư Như Tuấn còn nhìn theo vẫy tay. Sau đó cô Phượng đưa con ra ga. Lúc đoàn tàu chuyển mình, con nhìn xuống cô Phượng dưới kia, khuôn mặt buồn dù bình thản và con chợt thấy nóng nơi mắt.

Sau những ngày sống tại làng Hồng, con thấy có một chuyển biến lớn lao nơi con; có một cái gì trống làm con bỗng cảm thấy sợ hãi và lạc lõng khi biết mình đang trở về “cõi thế”, sợ hãi khi trở về cuộc sống bon chen vội vã này. Bảy ngày qua cạnh Thầy đã giúp con học được rất nhiều điều mà con chưa định rõ lúc bấy giờ.Những điều ấy nằm trong lòng con một cách an bình mà con chưa có thì giờ để phân tích. Con như thấy được con đường mình đi và điều quan trọng nhất là con tìm lại được niềm hy vọng nơi con người. Hai năm rưỡi qua sống tại đất Pháp, con luôn luôn cố gắng tranh đấu vì nghĩ đến ba con, nghĩ đến lòng thương của ba con đối với con(con không muốn dùng chữ hy sinh vì con tránh dùng những chữ to tát, nghe sao mắc cỡ quá), nghĩ đến nỗi vui mừng của ba khi nghe tin con thành công…chỉ điều đó mới làm con đủ can đảm mà cố gắng. Thế nhưng cố gắng vẫn chưa đủ, bởi nhiều lúc con hoang mang bởi nỗi chán chường và hoài nghi. Chán chường vì thấy mình không làm được gì cho đất nước, hoài nghi khi thấy những người Việt Nam xung quanh sao ích kỷ quá. Vì vậy lắm lúc con cô đơn và chán nản, hết thiết sống nữa. May thay, tại làng Hồng con đã gặp những chú, cô, dì, những người bạn và các em hiền lành, đôn hậu, cởi mở. Con như tìm lại được nguồn yêu thương và tin cậy mà con có khi ở quê nhà: một dì bảy Tâm hiền lành và đảm đang, sư cô Duyên mà cứ mỗi tối thiền xong là hai cô cháu cùng thiền hành đếm sao và nhìn trăng, chị Muồi tận tụy và nhu mì, chị Lễ thật duyên dáng, cô Phượng từ bi, cô Mười với nụ cười độc đáo vào những buổi tọa thiền, chú Sơn chuyên “dành” phần rửa chén, chị Trinh tài sắc vẹn toàn, anh Dũng tuy không nói nhiều nhưng chính cái “vô ngôn” đó mới cảm hóa được kẻ đối diện, em Tí tuy nhỏ nhưng đã hiểu biết rất sâu xa, bé Hạnh Thuần “tự biên tự diễn” các điệu múa, một bé Liên “cưng của cô Thủy” và nào bé Thơ, bé Hiếu, bé Vi… kể sao cho hết các khuôn mặt thân yêu tại làng Hồng.

Và sau những khuôn mặt đó phản phất bóng Thầy. Y như ta nhìn bàn tay thấy hiện lên hình ảnh cha mẹ, thì lung linh sau những khuôn mặt làng Hồng là bóng Thầy, linh hồn của làng Mây Rắc. Buổi sáng nào đây trời hơi mờ lạnh, Thầy dẫn vài anh em thiền hành xuống Pháp thân tạng, Thầy đọc thơ Bướm Bay vườn Cải Hoa Vàng ; bài thơ đọc lên trong một không khí lạnh và tĩnh, ánh sáng lọc qua những cành lá non khiến khung cảnh có một vẻ gì không có thật: thân xác ngồi đó nhưng hồn đã bay về một cõi nào đó của trí nhớ, một vườn rau có dây bầu dây mướp quấn quýt buông thỏng những trái trĩu quả, có những líp cải đã ra hoa và ong bướm chập chờn cạnh những đọt hoa vàng…

Những ngày qua tại làng Hồng khiến con có cảm giác như mình trở lại quê nhà, bát canh rau dền đầu tiên đã trở nên một giai thoại, cử chỉ gắp thức ăn của Thầy làm con bồi hồi nhớ ngày xưa cũng được ba gắp cho con ăn như vậy. Khu vườn nhỏ cạnh Tham Vấn Đường với dây khổ qua ra hoa vàng khiến con ngậm ngùi và thờ thẫn, và trí óc lại bay đi, bay đi, trở về khung trời cũ.

Con ra đi mà một nửa hồn để lại làng Hồng, một chút luyến tiếc, bâng khuâng và chùn chân khi gặp lại cuộc sống bon chen cũ.

Thầy ơi, Thầy có biết lúc về căn phòng con tại đại học xá ở Aix, con nằm khóc nức nở, khóc mà không biết tại sao mình khóc? con không chịu được tiếng nhạc của tụi bạn chung quanh, tiếng cười nói pha trò. Con đóng cửa nằm một mình và không thể sống như tụi bạn, cười đùa như tụi nó. Con như lạc vào một thế giới xa lạ và cảm thấy lạc lõng một cách khủng khiếp. Lạc lõng còn hơn lúc mới đặt chân đến Pháp nữa. Nhưng hôm nay thì con đã quen trở lại nếp sống “trần thế” và đã biết áp dụng những điều đã học vào cuộc sống. Đầu tiên là thiền hành và tập thở những lúc bực mình.

Con cám ơn Thầy nhiều và cám ơn cô Phượng đã giúp con về được làng Hồng và sống những ngày đầm ấm và êm đềm.

THƯ CỦA ANH NGUYỄN BÁ THƯ.
(trích lại sau khi được người viết cho phép)

Từ ngày Thư rời làng Hồng đến nay thấm thoát đã ba tuần. Muốn viết cho chị cả tuần nay nhưng hôm nay mới cầm bút, bụng bảo dạ rằng nếu không viết thì biết đến bao giờ mới có được một lá thư gởi đi.

Trước hết em thăm sức khỏe chị, anh Cả, chị Thiều, ba cháu Tí, Miêu, Tâm, thăm Dũng. Chị cho em gởi lời kính thăm Thầy, không biết Thầy đã rời làng về Sơn Cốc chưa? Thường ngày em viết chữ tháu và xấu, lúc viết thư em tập tập viết chậm cho rõ nét và cũng để tập giữ chánh niệm. Em tập như thế cũng chỉ mới đầu năm nay mà thôi. Hồi trước những lá thơ em viết về cho gia đình càng ngày càng trở nên khô khan, không còn giống như những lá thơ đầu tiên thuở mới sang Pháp, cách nay đã mười năm. Những lời thăm hỏi trở nên thật máy móc, câu chuyện viết trong thơ ngắn dần. Đó là chưa kể tính lười viết thơ càng ngày càng trầm trọng. Nhưng có một lần Thư quyết cách mạng bản thân, tự bảo là phải viết lá thơ nào cho có hồn, không thể khô cứng như trước được, vì trong các thức gởi về nhà: tiền, quà, thuốc…thì có lẽ lá thơ là quan trọng nhất vì nó đem được chút hình ảnh sống của một người con ở xa về cho bố mẹ. Em nghĩ rằng nhờ nó mà sẽ là liều thuốc rất tốt để nuôi dưỡng tinh thần của những người thân đang ở Việt Nam trong cảnh khổ hiện tại. Viết một lá thơ cho có hồn, nói thì dễ nhưng làm thì khó. Mình có ở trong cảnh khổ của gia đình đâu mà cảm nhận được nó! Xa mặt cách lòng mà! Thơ gia đình viết lại hay giấu bớt tình trạng cơ cực ở nhà. Lúc đầu, Thư nghĩ là trước khi viết thơ mình nên đọc thật kỹ các thơ nhà, quán niệm để thấy được hình ảnh sinh sống ở nhà mới gợi lên sự cảm xúc trong lòng mà đem nó ra ngòi bút. Có một chút kết quả, nhưng ý tứ lung tung vì tưởng tượng có vẻ hơi nhiều! Sau này Thư tập viết chậm lại như Thư đã nói lúc nãy, còn về nội dung thì Thư viết tất cả những gì mà Thư đã thấy, đã sống qua trong ngày, trong tuần, trong tháng và viết ra những cái đẹp của các chuyện ấy. Đi dạo trong công viên lúc về chiều, trong công viên không còn ai cả trừ một bà mẹ và một đứa bé độ hai ba tuổi đùa giỡn líu lo với nhau, hình ảnh ấy đẹp quá, Thư sẽ viết thơ về gia đình. Với phương pháp này, một thời gian gần đây , Thư cảm thấy hạnh phúc khi viết thơ, mới thấy là những hình ảnh vụn vặt nhất cũng là những nguồn ý phong phú vô cùng. Nguồn hạnh phúc  ấy chắc chắn sẽ chảy về tới Việt Nam tưới mát cho những người thân thuộc. Điều này Thư cảm được vì những lá thơ ở nhà gởi sang cũng đã nồng nàn hơn xưa.

Lẩm cẩm viết cho chị câu chuyện trên cũng là để nói lên sự lợi ích của hai quyển Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức và Trái Tim Mặt Trời đối với Thư. Chúng đã giúp Thư nhiều lắm để đối phó với nhiều cảnh hỗn loạn của tinh thần: cô đơn, bực dọc vì không hòa hợp được với đời sống Tây phương, phẫn nộ với các bậc đàn anh đã làm cho nước nhà điêu linh, chán nản vì thấy người Việt Nam ra nước ngoài quá ích kỷ và mau mất gốc…

Thư đã đọc quyển Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức lần đầu cách đây năm năm. Thư rất thích, thỉnh thoảng hay đọc lại nhưng hồi đó không có tập ngồi thiền. Mãi đến mấy năm sau mới tập ngồi thường xuyên vì thấy tinh thần mình càng ngày càng “tuột dốc”. Hơn một năm nay Thư chịu khó ngồi nhưng không được nghiêm chỉnh lắm, hơi ” tàng tàng ” thỉnh thoảng lại bỏ, rồi lại tiếp tục. Sự thực tập cứ như mức hàn thử biểu vậy. Nhưng rất may là Thư không bỏ luôn vì trong những lần ngồi thiền, có “một vài lần” Thư tìm thấy được sự an lạc và tự tin rằng: “nếu chịu khó tập thì chắc chắn sẽ đi xa hơn được”.

Năm nay may quá, Thư được đến làng Hồng tập thiền, có nhiều người tu chung, có Thầy chỉ dẫn làm cho em hăng hái. Trong suốt thời gian ở làng em không bỏ một buổi ngồi thiền nào ra cả. Làng Hồng đã cho em một ít trợ duyên, hay là cái chất “xúc tác” trong việc thiền tập. Dư âm vẫn còn mãi đến giờ, khi Thư đã trở về nhà. Bàn Phật được sửa soạn lại. Thư đặt thêm một bình bông và đi hái hoa dại về cắm. Việc ngồi thiền của Thư được “bồi bổ” bằng một vài trợ lực ở làng Hồng. Thứ nhất, Thư mặc áo tràng và cắm nhang chậm rãi. Thư quý cái áo mà Ni sư Như Tuấn tặng lắm, mặc vào là nhớ đến nụ cười hiền lành của Ni sư. Thứ hai sau khi ngồi thiền, Thư đi kinh hành; nhà nhỏ, bước khoảng mươi bước là hết một vòng nhưng điều đó không quan trọng: bước đi và hơi thở mới là điều làm mình chú ý nhất. Thứ ba là Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba la Mật Đa mà Thư đọc mỗi buổi sáng- báo tin cho chị là Thư đã thuộc rồi bảng tiếng Việt. Buổi sáng thức dậy ngồi thiền xong Thư đọc Tâm Kinh. Lạ lắm, khi đọc xong tinh thần Thư có vẻ phấn chấn lên hăng hái khoát áo đi làm. Có gì uy dũng bằng một câu nói đầu tiên mình nói trong ngày là một bài kinh thật mạnh mẽ đập phá tất cả các chấp nhặt thường tình. Bước ra khỏi nhà, lòng bớt đi sự lo lắng cho các công việc phải làm trong ngày. Bản tiếng Việt làm cho Thư cảm nhận dễ dàng hơn bản kinh bằng tiếng Hán. Những câu như “nghe đây Xá Lợi Tử” đọc lên giống như một lệnh truyền.

Hy vọng là lần tới về làng Hồng, Thư có thêm chút tiến bộ trong việc giữ gìn chánh niệm kẻo hoài công Thầy dạy bảo.

Một niềm hạnh phúc lớn lao khác mà Thư tìm được ở làng Hồng là sự gần gũi các em bé Việt Nam. Có đôi lúc Thư trở nên hồn nhiên và đùa với các em như một đứa con nít. Một phần có lẽ vì ngày xưa mình không được hồn nhiên như các em ở làng, một phần có lẽ vì mình đã cảm thấy hơi mệt mỏi từ bao lâu  nay toàn phải nói chuyện với người lớn. Người lớn trước mặt thì có vẻ thân thiện mà sau lưng lại tìm cách đâm chém nhau. Các em khi được dạy phải  thương yêu loài vật thì đến con sâu các em cũng không giết. Người lớn khi đã xích mích với nhau thì giữ lòng thù hận không biết đến bao giờ mới hòa giải, còn các em thì làm hòa với nhau thật dễ dàng; như bé Nhung và bé Hạnh Thuần chẳng hạn, mới gây nhau đó rồi lại hòa nhau đó. Đùa giỡn với các em mình chẳng phải e ngại điều gì cả và chắc chắn là khi yêu mến chúng thì chúng sẽ yêu mến lại. Về nhà Thư lâu lâu lại nhớ đến chúng, mở máy thu thanh ra nghe lại giọng các em hát, rao, cười đùa …mà vui vui.

Tuần rồi Thư lên nhà anh Lễ chơi, gặp cả bác Huệ Đạo, Diệu Nhạn và bé Kim Trang. Buổi tối làm văn nghệ với Hạnh Đoan, Hạnh Thuần, Hạnh Liên và Kim Trang. Hạnh Đoan và Trang sắp một chương trình thật dài, thay phiên nhau giới thiệu, bắt cả chị Hà ra múa. Vui lắm!.

Thư tạm dừng các chuyện “dư âm”của làng Hồng ở đây. Phải nói thêm là chúng cũng là chướng ngại khi tập thiền vì ngồi mà đầu óc cứ nghĩ đến làng…

Việc dạy học cho các em thì Thư thấy việc dạy học đánh vần, đọc chữ là cần nhiều kỹ thuật nhất. Hiện ở bên Mỹ hội giáo dục trẻ em Việt Nam có nghiên cứu cách dạy đánh vần cho phù hợp với trình độ và trí thông minh của các em một cách khoa học. Hiện giờ Thư hơi bận nhưng sang năm sẽ nghiên cứu về vấn đề này. Khi về làng có thể keó các thanh niên thiếu nữ ra để “đạo tạo giáo chức cấp tốc”  mới có thể lo cho các em đến nơi đến chốn, và mới hy vọng có kết quả trong một thời gian ngắn được vì nói chung thời gian ở làng cũng chẳng là bao …”

GỐC RỄ
Chơn Không Cao Ngọc Phượng viết.

Trong ba ngày mồng tám, mồng chín và mồng mười tháng chín năm 1983, xóm Hạ làng Hồng lại rộn ràng với bốn mươi người ra vào tấp nập. Hai mươi chín bạn trẻ khởi hành lúc mười hai giờ khuya ngày 7 tháng 9 năm 1983 từ Anh quốc mà mãi đến tối mịt ngày mùng 8 tháng 9 mới tới được làng Hồng. Mười hai người là người Anh và mười bảy người là người Việt tị nạn. Tất cả đều thuộc ban điều hành của các hội Refugee Action, British Refugee Council và Save the Children Funds. Hai hội đầu vốn là hai trong ba hội lớn nhất Anh quốc lo cho người tị nạn. Tôi cũng không ngờ tất cả đều trẻ như vậy. Hình như không có  người nào quá ba mươi tuổi. Điều khiến tôi cảm động nhất là mặt người nào cũng sáng và đầy thao thức muốn lo cho Việt Nam. Chúng tôi chuyện trò thân mật đêm mồng tám. Sáng mồng chín có cuộc họp giữa Ban Lãnh Đạo người Anh, dân làng Hồng và đại diện các tổ chức Amnesty International địa phương, Secours Catholique địa phương. Sau đó tất cả lên thiền đường nghe Thầy giảng về thiền tọa, thiền hành và giữ gìn chánh niệm trong những lúc dấn thân vào công việc. Tôi có dịp nhìn kỹ từng khuôn mặt, từng nụ cười, từng nét âu lo của mỗi người. Sau buổi giảng của Thầy , tôi lại được chứng kiến các em xúm xít ngồi quanh Thầy để hỏi han về phương thức tu dưỡng bản thân và giúp đỡ người đồng bào tị nạn. Tôi khám phá ra là hai phần ba các em đã trốn thoát từ miền Bắc Việt Nam và chín phần mười là người Việt gốc Hoa. Trưa hôm ấy có cà ri chay do chị Nga nấu rất ngon. Lúc 2 giờ 30 chiều, anh Cả nói chuyện với anh em về kinh nghệm của anh trong mười năm dấn thân vào phong trào và trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội tại quê nhà. Sau đó anh em đặt nhiều câu hỏi rất thực tiễn về kinh nghiệm làm việc cho người tị nạn tại Anh quốc và những khó khăn anh em vấp phải. Lúc năm giờ chúng tôi ra quán cốc ăn sương sa hột lựu và chè đậu xanh bột khoai trái táo nước dừa. Đến 6 giờ chiều, đến phiên tôi chia sẻ về mấy mươi năm sống và dấn thân cho lý tưởng công bằng xã hội tại Việt Nam. Tôi cũng lại bắt gặp những ánh mắt sáng ngời, không khác gì ánh mắt của các em ở trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội  xưa. Trọn ngày thứ bảy mồng mười chúng tôi đi làng Sainte Livrade thăm nhiều vườn rau quê hương.  Tôi lặng lẽ ngắm nhìn từng ánh mắt, từng nụ cười, từng cử chỉ của các em khi các em mua mướp đắng, cà  pháo, bí đao, bầu, mồng tơi, ớt .v.v.. Có thể bảo từ ước vọng cao xa như là lý tưởng phụng sự cho đến ước vọng gần gũi nhất như bát canh mướp đắng, tôi không thấy có sự cách biệt nhỏ nào giữa tôi và các em, những người tới từ miền Bắc, vừa là người Việt gốc Hoa. Trong buổi thiền trà thứ hai tối hôm mồng mười, tôi mới có dịp chia sẻ sự cảm  động ấy với tám em trong số mười bảy người bạn trẻ miền Bắc Việt Nam ấy.

Tôi vẫn còn nhớ rõ  một bữa tối cách đây mười bốn năm, nhìn trên đài truyền hình Pháp, tôi thấy hình ảnh một lớp mẫu giáo ở miền bắc Việt Nam. Vài mươi em bé khoảng năm tuổi đã xòe bàn tay rất xinh của các em ra mà đọc:

Bàn tay em sạch
móng cũng không đen
em được cô khen
bàn tay sạch nhất.

Lúc ấy bom Hoa Kỳ đang dội xuống nhiều nơi trên miền Bắc, và đạn rốc kết Nga, Tàu cũng đang tàn phá, giết chóc rất nhiều làng xã miền Nam. Không khí căm thù hừng hực bốc nóng cả đôi miền. Tôi đã lạy Phật cho đa số dân Việt Nam cả hai miền Bắc và Nam đừng bao giờ quá đơn giản mà nghĩ rằng tất cả người miền Bắc là những ông Đồng, ông Duẩn, cũng như tất cả những người miền Nam đều là những ông Thiệu. Tôi đã nguyện sẽ cố gắng thương yêu tất cả các trẻ em khổ cực miền Nam và miền Bắc như nhau. Ôi nụ cười và giọng nói của các em trong lớp mẫu giáo miền Bắc năm 1969 ấy sao mà ngọt ngào quá và tôi muốn ôm tất cả các em vào lòng để thương yêu và che chở như là tôi đã ôm các em bé ở Thảo Điền, Bình Khánh, Quảng Nam, Quảng Ngãi…Thế rồi bao nhiêu tan thương đã xảy ra và tôi đã nghĩ là chắc phải còn lâu lắm (có thể là không bao giờ), tôi mới có dịp gần gũi chuyện trò với đồng bào của tôi ở miền Bắc. Ấy vậy mà mấy hôm nay, tại làng Hồng, trên đất Pháp, tôi đã có dịp ăn chén cơm với mướp đắng xào chung với các em miền Bắc, có dịp chuyện trò, ca hát, chia sẻ những thao thức và những kinh nghiệm sống chung, có dịp ngồi hớp tụng ngụm trà bên nhau  trong không khí tỉnh thức và an lạc của những buổi  thiền trà. Sự việc kỳ diệu quá cho đến nỗi tôi đã rơm rớm nước mắt. Cũng trong các buổi thiền trà, tôi có dịp chia sẻ với các em nhận thức của tôi về vài điều đã làm cho tâm trí một số em rối ren. Các em thấy rất rõ là các em sinh ra tại Việt Nam, thương yêu Việt Nam không thua bất cứ bạn bè nào của em. Thế mà chỉ vì bố hoặc mẹ các em có gốc Trung Hoa mà chính quyền Hà Nội đã hành hạ, bắt bớ,đày ải, xua đuổi các em ra biển cả hay đày gia đình các em đi tới các miền rừng thiêng nước độc. Sang đến trại tị nạn, các em được một vài người lớn bảo cho biết  mình là người Trung Hoa và bảo nên khai tên họ Trung Hoa. Nhưng các em có thật là người Trung Hoa không? Tại sao là người Trung Hoa mà các em lại yêu những con đường êm vắng của Hà Nội, tại sao các em lại nhớ quay quắt những thức ăn, những phố xá, những tiếng rao, những lời ca tiếng hát của những miền Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh? Các em lại càng không hiểu tại sao mình yêu Việt Nam như vậy, vì sao mình đã đau khổ vì nhà nước Hà Nội như vậy mà một số các người tị nạn gốc miền Nam lại đi hất hủi các em, tránh né các em, cho các em là kẻ thù của họ? Các em cô đơn. Một mặt các em thương nhớ quê hương, một mặt các em bị quê hương(chính quyền Cọng Sản và những người tị nạn miền Nam nạn nhân của chính quyền Cọng Sản) hất hủi. Các em có nên và có thể chối bỏ quê hương Việt Nam không? Các em có thể nhận Trung Quốc là quê hương của mình không? Làm sao mình yêu mến một giải đất đai nào đó khi mà mình chưa hề sinh trưởng, khổ đau, và cười nói trên giải đất ấy? Tôi nhớ đến một người học trò mà tôi rất thương ở Sài Gòn: em Trung. Trung là người gốc Hoa nhưng em được sinh ra tại miền Nam Việt Nam, lớn lên ở Việt Nam nhưng cũng bị đày ải bởi nhà nước Cọng Sản nên cuối cùng phải bỏ nước ra đi. Hiện Trung định cư ở Úc. Trung đã viết cho tôi:”Cô ơi, làm sao cô in lại được quyển Hương Rừng Cà Mau để mình đọc lại  nhiều lần và để mình thương nhớ quê hương nhiều hơn”. Trung không có chút mặc cảm nào cả. Em là người Việt vì em sinh đẻ và trưởng thành nơi vùng đất đó. Bao nhiêu kỷ niệm, phong tục, tập quán, thức ăn, thức uống; bao nhiêu nếp sống văn hóa ấy đã nuôi em nên người. Nếu một mai có thể làm được gì cho Việt Nam tôi chắc Trung sẽ không bao giờ từ chối. Tôi đã sống hai mươi chín năm ở Việt Nam và mười lăm năm trên đất Pháp. Tôi có gần ba mươi năm kỷ niệm trên vùng đất Việt Nam đau thương ấy và vì vậy, tôi nguyện làm vơi bớt một phần, dù chỉ là một phần rất nhỏ, những đau thương trên vùng đất ấy, vì tôi hiểu người dân trên vùng đất ấy hơn những người dân các miền đất khác. Mười lăm năm trên vùng đất Pháp tôi cũng đã tạo nhiều ân nghĩa trên mảnh đất này. Tôi đang và sẽ bồi dưỡng cho nền tự do của phần đất này và làm những gì hữu ích cho phần đất này trong khả năng của tôi. Tôi nghĩ, đó cũng là chủ trương của làng Hồng. Làm sao cho trẻ em Việt Nam trên đất lạ được hấp thụ tất cả những gì cao đẹp của cả hai nền văn hóa: cái đẹp của văn hóa Việt Nam và cái đẹp của văn hóa nơi em cư trú.

Cảnh tượng làm cho tôi xúc động nhất xảy ra vào tối ngày mồng 10 tháng 9 năm 1983, lúc đó đã 11 giờ 30 khuya. Giờ khởi hành trở về Anh được dự định là 12 giờ khuya. Một em trai tới đưa cho Thầy một cuốn “Tương Lai Văn Hóa Việt Nam” và xin Thầy viết vài câu gì vào đó để có thể nhắc nhở em “bảo vệ văn hóa dân tộc”. Thầy từ chối không viết. Thầy nắm lấy vai em, thân ái vỗ nhẹ vào chiếc vai ấy và nói:” Cách thức bảo vệ văn hóa dân tộc hay nhất là bảo trọng lấy thân thể mình. Chiến tranh đã gây trên thân thể và tâm hồn ta quá nhiều thương tích rồi. Chúng ta đã khổ đau, nghi kị, đã sợ hãi, đã căm thù, đã tuyệt vọng. Trong chúng ta ai cũng đã mang thương tích. Qua tới bên này, đừng để cuộc sống cướp giật và tàn phá chúng ta thêm nữa. Vì vậy ta phải bảo trọng thân mạng ta. Nếu cái hạt đào còn nguyên vẹn, nó sẽ mọc thành ra cây đào tốt tươi như cũ. Bảo trọng lấy thân mạng tức là bảo trọng lấy hạt đào của dân tộc. Do đó chúng ta phải tập trở lại cách đi, cách đứng, cách uống trà, cách chào hỏi.v.v.. để chúng ta khôi phục lại con người tốt đẹp của chúng ta. Chúng ta khôi phục niềm tin cậy lẫn nhau và niềm tin tưởng ở tương lai. Về bên Anh quốc, các em hãy tổ chức thiền trà, thiền tọa, thiền hành… chúng ta phải tạo một tương lai cho con em, cho nòi giống, cho đất nước”. Trong khi Thầy nói, một em, rồi hai em, rồi tất cả các em khác lần lượt tới quây quần bên Thầy, lắng nghe với tất cả tâm hồn. Cảnh tượng thật là mầu nhiệm. Tôi không còn thấy có sự phân biệt và kỳ thị nào nữa; không còn sự chia cắt gốc Hoa, gốc Việt, miền Bắc, miền Nam. Chỉ còn một đàn con cùng mẹ đang quây quần với nhau, thao thức lo lắng cho ngày mai đất nước.

Lá thư Làng Mai 04 – 1984

Tải về bản PDF

Lá thư thứ tư
Ngày 15/9/1984
Chơn Lễ Lê Nguyên Thiều viết.

Suốt tuần qua, Làng Hồng được hưởng không biết là bao nhiêu đám mưa dầm. Cỏ cây hả hê. Bây giờ mới vào giữa thu. Rừng vẫn còn nhiều màu xanh. Trời chưa lạnh lắm. Rất mong quý vị và các cháu vẫn được mạnh khỏe. Từ khi rời Làng, các cháu chắc đã đi học đều đặn và quý vị chắc cũng đã trở lại với những công việc thường nhật trong niềm an lạc, phấn khởi. Mọi người ở Làng Hồng đều cầu mong như vậy.

Sau khi Làng đóng cửa khóa mùa Hạ, chúng tôi cũng được nghỉ ngơi đôi ngày. Mọi người trong Làng đều mạnh khỏe. Vào cuối tháng tám, bé Tâm bị bệnh trái rạ, sau đó là Tý và Miêu. Nay các cháu đã đi học lại sau thời gian nghỉ bệnh tám ngày. Tại xóm Thượng, một số các thiền sinh đã xin lưu lại để tu học thêm. Do đó cho nên đến nay, Thầy mới trở về Sơn Cốc. Tại xóm Thượng, thược dược của anh Lễ trồng vẫn tiếp tục đơm hoa. Măng trúc ở Phật đường Trúc Lâm và thiền đườngYên Tử đã mọc nhiều thêm và cây hồ đào đã bắt đầu cho trái trên thảm cỏ xanh. Bên cạnh cây hoa trinh nữ mà anh Tydeman và cô Melkonian đã trồng sau ngày thọ giới Tiếp Hiện, chúng tôi đã dựng một căn nhà mặt trời để trồng rau trong mùa đông. Việc trồng trọt tại xóm Hạ trở lại bình thường. Đậu nành và bắp sắp được gặt, chỉ còn chờ trời nắng ráo. Với sự góp sức của chú Nhàn và chú Đôn (mới nhập tịch Làng mùa hè năm nay). Chúng tôi đã dựng lại dãy nhà mặt trời trên nền mới và vừa trồng vào đó nào cải bẹ xanh, nào cải bẹ dúng, nào cải tần xại. Chúng tôi đã thu hoạch khổ qua, cà pháo, ớt, rau muống và vài thứ rau khác. Những dàn khổ qua thẳng đứng trong nhà mặt trời đã phát triển tươi tốt như những bức tường xanh và cho rất nhiều trái.

Bây giờ tôi xin viết báo cáo sơ lược về sinh hoạt của Làng trong mùa Hạ vừa qua để các bạn nào năm nay không về được có vài ý niệm và hình ảnh.

Sinh hoạt của Làng năm nay có thay đổi và phong phú hơn năm ngoái. Những buổi chấp tác thường lệ từ 10 giờ đến 12 giờ trưa đã được tổ chức. Dân làng đã thực tập làm cỏ ở trước thiền đường Nến Hồng, trước Tham Vấn Đường, dọn đá chung quanh thiền đường Yên tử hay làm việc trong vườn rau xóm Hạ. Những trái khổ qua nặng chĩu trong nhà mặt trời hay những lối đi quang đãng hơn ở chung quanh các thiền đường hai xóm là kết quả những giờ chấp tác trong mùa Hạ. Dạo quanh các thiền đường thấy lối đi sạch cỏ, hoa nở đủ màu sởn sơ, tôi nhớ các anh Toàn, anh Lễ, anh Khoảng, anh Phong. Nhìn các trái khổ qua mạnh khỏe đu đưa trên giàn tôi lại nhớ anh Truy, anh Tiền, anh Thế, cô Annie, anh Robert từ Hòa Lan sang và nhất là nhớ anh Gắt từ Anh Quốc. Tuy nhiên, tôi còn nghĩ rằng “nước sông trong hơn, cây cỏ xanh thêm” tại Làng Hồng hay tại địa phương của quý vị đó hôm nay không phải chỉ nhờ vào lao tác mà chính nhờ vào niềm an lạc, thoải mái và sự tỉnh thức mà quý vị đã thể hiện tại Làng Hồng hay trong đời sống ngay trong lúc tôi viết thư này.

Trước giờ chấp tác, những cuộc thiền hành tập thể từ 9 giờ sáng được diễn ra ở cả hai xóm. Trẻ em cũng được khuyến khích đi chung với người lớn một đoạn đường. Thường thường thì các em thích đi suốt cả thiền lộ. Chúng tôi đã dọn hai thiền lộ dài cho hai nơi và một thiền lộ ngắn băng qua vườn đào, ngang qua quán cây sồi ở xóm Hạ để cho người mới tới thực tập thiền hành. Cảnh những đoàn người thong thả đặt từng bước chân an tịnh theo nhịp thở điều hòa trên đường làng còn đọng sương trong ánh nắng mai hay trong làng sương mỏng bất chợt đã góp phần tạo nên vẻ đẹp và sinh khí của Làng. Chúng tôi tin rằng những bước chân trong tỉnh thức như “chiếc ấn quốc vương” ấy sẽ phả hơi thanh lương mà “tán tác ân ba” trên các nẻo công viên, bờ sông, dưới tàu hầm hay trên các trạm xe buýt ở khắp các thành phố  nơi các bạn cư trú. Nơi nào cũng là Làng Hồng của quý vị.

Năm nay, ngoài phật đường Trúc Lâm (thiền đường cũ xóm Thượng), xóm này còn có thêm thiền đường Yên Tử, bốn phòng tắm gương sen và bốn phòng vệ sinh. Xóm Hạ đã sửa xong dãy nhà sấy thuốc cũ thành cư xá Đồi Mận với mười bốn phòng ở, một phòng ăn, sáu phòng tắm, chín phòng vệ sinh và tráng nền xi măng nhà Phượng Vĩ ở cư xá Tùng Bút. Đó là thành quả đóng góp tài chánh và công sức của dân Làng Hồng từ khắp nơi, xin báo cáo để các bạn mừng. Ngoài ra tôi xin kể thêm một mẫu mận mà phần lớn do thiếu nhi Việt Nam ở khắp nơi để dành tiền quà bánh hàng ngày góp lại và gửi về nhờ chúng tôi trồng trong mùa đông 1983  để giúp các em kém may mắn hơn ở quê nhà. Như vậy là chương trình giúp các em bé đói đã có được thêm hai mẫu mận. Nhờ có thêm phòng ốc, hai xóm đã có thể có tạm đủ chỗ ở, có thể tổ chức thiền tọa, thiền trà tại chỗ và “đỡ ngặt” hơn nhiều trong giờ tẩy tịnh buổi sáng.

Mùa Hạ vừa rồi, có 232 người về tu học, từ các tỉnh trên đất Pháp, Thụy Sĩ, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Hạ Uy Di và đông nhất là từ Hòa Lan đến cùng tu học với chúng ta. Họ hòa mình rất hay vào nếp sống Việt Nam và đã chứng tỏ tu học rất chuyên cần, nghiêm mật. Có những buổi pháp đàm, tụng giới và thiền trà tổ chức bằng ngoại ngữ dành riêng cho họ để tránh trở ngại chung cho đa số. Các mục sinh hoạt hướng về tâm linh và dân tộc của Làng năm nay cũng tương tợ như năm ngoái duy có thêm giờ chấp tác và giờ thiền hành chung. Trẻ em có mặt ở cả hai xóm, vẫn rất hoạt động, ngoan ngoãn và đầy hiểu biết như năm nào. Có một số các em lúc mới về Làng không nói được tiếng Việt nhưng sau một thời gian chơi chung với bạn, đã hết cảm thấy lạc lõng và bắt đầu nói tiếng Việt Nam. Phụ huynh các em đã biên thư cho chúng tôi biết rằng sau khi rời Làng, các em đã cố gắng học thêm tiếng Việt và ta. Các em cũng tỏ ra ngoan ngoãn, thuần hậu hơn và bắt đầu cố gắng thực hiện ngay những gì mà các em đã làm, đã thấy hay đã hứa ngay khi còn ở tại Làng. Có một khuyết điểm là năm nay có khi phần sinh họat của người lớn đã lấn sang giờ văn nghệ thiếu nhi hay sinh hoạt thiếu nhi, mặc dù các thầy giáo và các cô giáo đã gia tăng sự săn sóc và dạy riêng tiếng Việt cùng văn hóa Việt cho các em.

Trong mùa hè qua, làng Hồng chúng ta có tổ chức thêm ba buổi sinh hoạt đặc biệt. Đó là lễ cúng Gia Tiên, lễ Bông Hồng Cài Áo và Hòa Tấu Nhạc Cổ Truyền. Lễ cúng Gia Tiên được cử hành tại nhà Phượng Vĩ một cách trang nghiêm, kính cẩn để nhắc nhở mọi người nhớ đến tổ tiên, cội nguồn và bổn phận thừa tiếp sự nghiệp của cha ông. Ngay sau khi cúng giỗ, dân làng hai xóm đã quây quần dùng cơm chung trong gian nhà có bàn thờ tổ tiên để chứng tỏ rằng “con cháu ở đâu thì ông bà ở đó”. Lễ Bông Hồng Cài Áo được cử hành tại thiền đường Nến Hồng xóm Hạ. Nghi lễ rất đơn giản mà rung động tận tâm can. Người lớn cũng như trẻ em đều không cầm nổi nước mắt. Biết bao là hình ảnh tha hương, cố quốc, mồ mả ông bà cha mẹ, biết bao niềm thương diệu vợi, ngọt ngào mà bao la tự thuở nào…

“Sân lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm…”

Buổi Hòa Tấu Nhạc Cổ Truyền được tổ chức ngay trong thiền đường xóm Hạ. Dân chúng địa phương được mời tham dự khá đông. Khai mạc buổi hòa tấu này không phải là những lời lẽ long trọng hay náo nhiệt mà là năm phút tĩnh tâm và quán niệm trên tọa cụ trong tư thế ngồi thiền. Thế rồi những nét nhạc khoan thai mà thánh thót dìu dặt và hài hòa ngân lên giữa thiền đường trang nghiêm, lặng lẽ. Dân làng và người ngoại quốc địa phương đã được nếm cái khí vị trầm hùng, tĩnh mặc của truyền thống Việt Nam và cả của phương Đông. Người nghe và người tấu nhạc thấy lòng mình giao cảm trong niềm tôn trọng chung, cùng lắng đọng và an lạc để cùng vươn tới cái hạo nhiên của đất trời, bao dung mà bất động, tự tại và vô cùng.

Phần thuyết trình và hội thảo năm nay được tăng thành nhiều buổi hơn, khá hào hùng và bổ ích cho giới trẻ. Có đề tài đã gây chấn động đến cả một tuần lễ.

Người lớn đã “lấn” sang giờ văn nghệ thiếu nhi với bộ phim công tác xã hội của Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (ở Việt Nam trước 1975). Thành công nhất là một bộ hình chiếu trên 200 bức về phong cảnh, di tích và sinh hoạt Việt Nam trước và sau 1975, do cô Diễm Thanh và các bạn cô phụ trách.

Các buổi pháp thoại, pháp đàm đã luôn luôn đi sát với sự tu tập và với những vấn đề của tập thể người Việt hôm nay. Những bài thi kệ ngắn soạn theo tinh thần Tỳ Ni Nhật Dụng của thiền môn đã giúp cho chúng ta thường xuyên giữ sự tỉnh thức và tìm thấy an lạc ngay trong đời sống hàng ngày. Theo tôi, đó là điểm đặc biệt của phần pháp thoại trong mùa hè này. Tôi mong những bài kệ ấy sẽ được sớm chú giải và ấn hành.

Nhìn chung, điều đáng nói nhất là mọi người trong chúng ta đã cùng cảm nhận được cái không khí tin yêu giữa dân làng quy tụ từ nhiều xứ trong cái bối cảnh những tập thể người Việt hôm nay, cùng cảm thấy thoải mái và an lạc trong thời gian chung sống.

Cuối cùng, có những vấn đề mà tôi tưởng không nên bỏ qua. Điều thứ nhất là trong tuần lễ cuối tháng bảy đến đầu tháng tám, số người về Làng dồn dập (có ghi tên cũng như không ghi tên) đã khiến cho nhịp sinh hoạt dồn dập theo! Từ đầu tháng tư cho đến cuối tháng năm hàng năm, nếu quý vị (cũ cũng như mới) sớm gửi thư ghi tên (xin đừng dùng điện thoại) số người trong gia đình và thời gian về Làng, chúng tôi sẽ chính thức “ấn định” lịch trình ngay bằng thư riêng, thì lưu lượng đến và đi sẽ có thể được điều hòa. Chúng tôi, vì hiệu quả của sự tu tập chung, xin được phép từ chối những trường hợp dùng điện thoại hay tự ý đến mà không có thư ghi tên trước. Sổ Tay Của Người Về Làng có thể được tu chỉnh. Qúy vị kỳ cựu cũng cần tìm xem lại. Qúy vị mới, ghi tên về Làng lần đầu tiên, xin vui lòng cho biết tên người giới thiệu và xin tìm đọc trước các quyển chỉ nam cần thiết về thiền như Thiền Hành Yếu Chỉ, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, Trái Tim Mặt Trời (đều do nhà Lá Bối xuất bản) và cuốn Sổ Tay Của Người Về Làng trước khi về.

Điều thứ nhì là “nắm lấy hơi thở để thực hiện chánh niệm” nhiều hơn trong khi cắt gọt thức ăn, nấu bếp và rửa bát rất là cần thiết và quan trọng không kém gì khi thiền tọa, thiền hành. Nhà bếp hay bất kỳ nơi nào cũng phải là thiền đường của chúng ta. Điều thứ ba là mùa hè năm nay, tuy có nhiều phòng ốc hơn năm ngoái, nhưng những căn phòng ở cư xá đồi mận vách gạch chưa được tô, trần nhà chưa có, vì vậy những ngày mưa lạnh có quá nhiều gió luồn khiến nhiều vị bị sổ mũi và nhức đầu khá đông. Chúng tôi rất mong có đủ phương tiện để mùa đông năm nay làm lại trần nhà, xây thêm gạch lên sát trần để chặn gió, và sửa chữa lại một vài mái ngói đã hư hỏng. Thật ra các dãy nhà đồ sộ mà chúng ta đang sử dụng, xưa kia vốn là nhà chứa rơm, nhà của bò hay của cừu nên mái ngói nào cũng có khá nhiều chỗ dột. Công việc cần có sự tiếp tay của quý vị và dân làng để có đủ phương tiện mua thêm gỗ và thêm ngói.

Chúng tôi luôn luôn hoan hỷ đón nhận những đóng góp ý kiến của quý vị để liên tục sửa đổi và xây dựng thêm cho Làng. Qúy báu hơn hết là những lá thư của quý vị cho biết – trong thân tình –  về những chăm bón thường nhật của quý vị cho tuổi thơ, cho không khí gia đình và cho niềm an lạc. Tương lai dân tộc và giống nòi nằm trong tay của quý vị và tùy thuộc vào đời sống hàng ngày của quý vị.

Thân chúc quý vị thân tình và an lạc.

LỄ CÚNG GIA TIÊN TẠI LÀNG HỒNG
Trương Thị Diễm Thanh viết.

Vào mùa xuân năm nay, trong mấy ngày họp về nuôi dưỡng và phát triển văn hóa Việt cho các em thiếu nhi ở hải ngoại, các anh chị có đề nghị nên tổ chức một buổi lễ cúng gia tiên trong mùa hè khi Làng mở cửa. Cúng gia tiên để tỏ lòng nhớ ơn ông bà cha mẹ, để nhớ về cội nguồn và nhất là để cho các anh chị và các em thiếu nhi có dịp học hỏi thêm về ý nghĩa và cách thức cúng giỗ sao cho phù hợp với truyền thống và với thời đại. Anh Thư, thầy giáo làng than rằng xa quê hương đã lâu, mỗi khi đến ngày giỗ của một người thân trong gia đình,  anh chỉ biết thắp một nén hương để tưởng nhớ đến người đã khuất. Làm thế nhưng anh vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì, vẫn thấy như vậy là chưa đủ ấm cúng. Không những anh Thư mà các anh chị trẻ khác cũng cảm thấy như vậy.

Thế rồi, vào giữa tháng bảy khi Làng mở cửa, các anh chị họp nhau lại ấn định một buổi nói chuyện về ý nghĩa của lễ Gia Tiên. Cả bọn bèn “bầu” anh Minh làm chủ tọa buổi hội thảo và chị Tri Thủy làm thuyết trình viên. Cuộc đàm luận hôm ấy hào hứng lắm, nhờ vào sự đóng góp kinh nghiệm rất thực tế và sống động của các anh chị từ Hòa Lan sang, bổ túc vào phần tra cứu rất đầy đủ của chị Tri Thủy. Lễ cúng gia tiên được định vào ngày 4 tháng 8 năm 1984.

Tuần sau đó, ngoài các sinh hoạt thường nhật của Làng, các anh chị phân chia nhau mỗi người một việc để lo sửa soạn cho buổi lễ. Nói là mọi người một việc chứ thật ra chỉ có anh Chí Tâm, anh Truy, anh Tuyền và anh Thế cặm cụi làm. Các anh này nào gỗ, nào bào, nào sơn đỏ dưới gốc cây đề râm mát trên xóm Thượng, rồi cưa gỗ đóng long khám, bài vị, chân quả tử, vân vân… Em Đức vẽ rồng và loay hoay cưa theo nét mực vẽ thật chăm chú. Các em quây quần chung quanh hỏi han, có nhiều chú tuy mê thả diều nhưng lâu lâu cũng chạy lại thăm nom xem bàn thờ đã được đóng đến đâu. Những tên “bảy nghề” như chúng tôi thì nhìn các anh làm việc, thấy lòng ấm áp nhẹ nhàng… Nhưng chúng tôi cũng chỉ được bảy nghề có lúc ấy thôi. Hai hôm trước ngày cúng, mọi người phải giúp các anh bài trí bàn thờ cho sẵn sàng. Sư Ông thì cho chữ câu đối và hoành phi. Chú Cả và chú Lễ bàn nhau, sắp đặt nghi thức và diễn tiến của buổi lễ. Hai chú tương đắc lắm!

Về phần cỗ bàn thì mới thật là nhộn nhịp. Vì là hiệp kỵ nên người con cháu nào cũng muốn góp phần mình vào buổi lễ để tỏ lòng thương nhớ đến ông bà. Tuy vậy, không ai nghĩ đến việc phải tốn kém quá đáng, vì mọi người đều nhớ đến đồng bào ở quê nhà đang đói khổ thiếu thốn. Do đó, các thức để dọn cỗ vừa giản dị mà vừa gói gém được những nét đặc thù của văn hóa Việt và làm cho mọi người từ già tới trẻ đều nhớ đến quê hương. Hôm đó thím Muồi đã cung cấp cho nhà bếp cư xá Đồi Mận rất nhiều trái khổ qua và cải bắp. Tối đến, tôi thấy bác Diệu Nhạn cặm cụi dồn đậu phụ vào từng trái khổ qua rồi cột lại. Bác làm chậm rãi và nâng niu từng trái khi bỏ vào nồi hấp. Tôi thấy mà thương! Chị Đài đổ rau câu sơn thủy. Các dì ở xóm Thượng cũng thức khuya và dậy sớm để gói chả giò, làm bánh lá, gói bánh ít nhân dừa và nhân đậu. Không khí xôn xao của cả hai xóm thật giống không khí đình đám hội hè tại quê nhà. Ấm cúng nhất phải kể là nhà bếp của cư xá Hồng Dòn (nhà chú Cả và chú Dũng). Không phải vì ở đó có bếp lửa nấu bánh chưng và bánh tét đâu các bạn ạ! Vì bếp lửa chỉ được nhóm lên vào giữa khuya. Trước đó chú Cả và chú Dũng dạy mọi người gói bánh chưng. Phải gói sao cho vuông vức, thẳng góc và thật đẹp. Thím Muồi và Tý lo tẻ dây cột bánh. Chú Đăng Vĩnh Thanh và Bích Thủy phụ trách gói bánh tét. Chú Thanh và Bích Thủy gói khéo lắm, bánh thật chắc và đều. Ngoài các thợ chánh, còn có các thợ phụ cắt dây, dọn dẹp và góp chuyện một cách rộn ràng. Thím Muồi, quê ở miền Nam trù phú, mãi than nhớ đến các bữa giỗ ở dưới quê.

Đêm ấy, chú Cả và anh Vinh thay phiên nhau thêm củi và canh bánh. Sáng hôm sau, trời lành lạnh. Sau giờ thiền tọa, chúng tôi tự nhủ nên gắng giữ cho tâm nhẹ nhàng để có thể ý thức hơn về ý nghĩa và sự có mặt của tất cả mọi người trong buổi lễ cúng ông bà hôm nay.

Các em nhỏ thay áo dài trước nhất. Ngay các bé trai như Tý, Miêu, bé Tâm, Sâm cũng mặt áo dài nữa đó các bạn. Các em đi chơi quanh quẩn ở đâu thì lâu lâu cũng chạy vào tình nguyện mang các đĩa thức ăn từ hai cư xá Hồng Dòn và Đồi Mận qua nhà Phượng Vĩ, nơi làm lễ, hay giúp một tay khiêng ghế hoặc đi theo các anh chị hỏi chuyện lăng xăng. Chú Trọng chở thím Muồi đi chợ sớm để mua ngũ quả.

Không khí càng lúc càng rộn ràng, thật là giống như không khí đình đám ở quê nhà. Các cô mặc áo dài đủ màu sắc đã đành, nhiều anh cũng có áo dài xanh rất đẹp. Con trai mặc áo dài trông vẫn trẻ trung và nhanh nhẹn như thường. Ai cũng nói các anh, anh nào mặc áo dài cũng đẹp hơn mặc âu phục. Chú Cả có áo dài đẹp nhất. Thật là tươm tất và trang nghiêm, xứng đáng là một vị Hương Cả.

Vào lúc 11 giờ, cỗ bàn đã được bày xong. Sư Ông gọi các em lại và giảng cho các em nghe về ý nghĩa buổi lễ và cách thức lễ lạy để cúng gia tiên. Sư Ông nói ông bà cha mẹ có mặt ngay trong hình hài ta. Vì thế khi chúng ta tưởng nhớ đến ông bà là chúng ta vừa nhớ đến nguồn cội vừa nhớ đến bổn phận của chúng ta trong hiện tại và tương lai. Sư Ông nói con cháu ở đâu thì ông bà ở đó, và nhất định hôm nay quý vị đang có mặt tại Làng Hồng. Các em cũng như các bác các cô chú nghe xong thấy tâm hồn xao xuyến và cảm động. Nhìn lại bàn tay và khuôn mặt của mình, ai cũng thấy một cách sâu sắc sự có mặt của các thế hệ đi trước.

Sau một hồi chuông, mọi người đến tề tựu trước bàn thờ. Hương trầm thơm trộn lẫn với mùi cây cỏ theo làn gió từ ngoài vườn đưa vào làm không khí vừa im lặng trang nghiêm vừa thanh thoát dễ chịu.

Với sự phụ tá của chú Lễ, chú Cả bắt đầu dâng hương. Sau khi hương đã được cắm vào lư, chú Cả lạy xuống một lạy rồi nhẹ nhàng quỳ xuống chiếu, trang trọng khấn vái. Chú khấn như sau:

“chúng con và các cháu, giòng giống Lạc Việt cư trú tại Âu Châu và Mỹ Châu, quy tụ tại Làng Hồng, tỉnh Lot et Garronne, Pháp Quốc, chọn hôm nay, ngày tư tháng tám năm dương lịch 1984, kính cẩn thỉnh cầu các bậc tiên tổ, các bậc ông bà cha mẹ quá cố về ngự trên bàn thờ tổ tiên, chứng giám cho lòng thành của chúng con, những người con cháu xa quê, lòng luôn tưởng nhớ vọng về quê cha đất tổ.

Chim có tổ người có tông, chúng con không bao giờ quên ơn khai sáng. Uống nước nhớ nguồn, chúng con biết tổ tiên nòi giống đang đặt bao nhiêu kỳ vọng nơi chúng con. Chúng con xin nguyện tiếp nối sự nghiệp của cha ông, gắng sức chăm lo, cùng nhau xây đắp lại quê hương, xây đắp lại tình đồng bào ruột thịt.

Hôm nay tổ tiên ông bà của mỗi chúng con đều có mặt trên bàn thờ, chúng con kính cẩn dâng hương, dâng hoa, dâng trà, dâng quả. Chúng con biết con cháu ở đâu thì ông bà ở đó. Lòng thành lễ mọn, xin tổ tiên ông bà chứng giám cho chúng con, tấc lòng hiếu thảo, một dạ sắt son, vì đất nước, vì nòi giống, vì các thế hệ tương lai.”

Khấn xong, chú cung kính đứng dậy lạy xuống bốn lạy theo nghi thức cổ truyền. Chú tiến thoái rất trang nghiêm và hưng bái rất trọng thể. Thật xứng đáng là chú Cả của làng. Sau khi chú Cả đã lui ra, mọi người, theo thứ tự tuổi tác, bước đến trước bàn thờ và lạy bốn lạy, mỗi lần hai người. Anh Thư và chú Lễ trang trọng đứng hầu hai bên. Chú Lễ nhịp chuông cho mọi người lạy. Nhìn xuống chiếu, tôi thấy dáng các em thiếu nhi nhỏ nhẹ quỳ gối chắp tay cúi đầu lễ, thật là dịu dàng dễ thương. Hai bên bàn thờ có treo hai câu đối. Câu bên phải: “Sơn cao mạc trạng sinh thành đức” (núi tuy cao mà không hình dung nổi công đức sinh thành); câu bên trái “hải khoát nan thù cúc dục ân” (biển tuy sâu nhưng không đền đáp được ơn nghĩa nuôi dạy). Phía trên cao hết là một bức hoành có bốn chữ đại tự: ẩm Hà Tư Nguyên, có nghĩa là Uống Nước Nhớ Nguồn. Bài vị có đề chữ Tiên Tổ, và hai bên có hai câu đối nhỏ. Hai câu như sau: tổ công tông đức thiên niên thịnh (công đức tổ tông thịnh ngàn năm), tử hiếu tôn hiền vạn đại xương (con cháu hiếu hiền đẹp muôn đời).

Chung quanh tôi là những khuôn mặt thật thân yêu của các cô chú, các anh chị và các em từ bốn phương trời xa đã tề tựu về Làng để sống gần gũi và chia xẻ với nhau niềm tin yêu và hy vọng trong một vài tuần lễ. Tất cả đang hướng về bàn thờ. Tôi thấy lòng thật êm ả và sung sướng. Tương lai của quê hương Việt Nam đối với tôi lúc ấy mang thật nhiều hy vọng và có phần tươi sáng hơn lên…

 

LỄ BÔNG HỒNG CÀI ÁO
Võ Phan Thanh Giao Trinh viết.

Năm nay, Làng Hồng tổ chức lễ Bông Hồng Cài Áo vào buổi tối ngày rằm tháng bảy. Hẳn không ai là không biết ý nghĩa của lễ Bông Hồng Cài Áo: từ khi cuốn sách nhỏ bé mang tên ấy ra đời cách đây hơn hai mươi năm, lễ Bông Hồng Cài Áo đã hầu như một tập tục, một truyền thống Việt Nam, được tổ chức song song với lễ vu lan.

Một bông hồng trên áo nhắc nhở cho ta nhớ rằng ta còn mẹ, và mẹ là món quà quý báu nhất mà cuộc đời đã ban cho ta. Nếu ta không còn diễm phúc ấy thì ta sẽ được cài một cánh hoa màu trắng. Người khác nhìn vào sẽ thương cho ta và mừng cho họ.

Năm nay Thầy đề nghị mọi người sẽ nhận được hai cánh hoa, một cánh cho cha, một cánh cho mẹ. Cũng lạ là trong văn chương nghệ thuật, người ta ca tụng tình mẹ rất nhiều mà ít ai nhắc nhở đến tình cha. Thật là một thiếu sót lớn. Vì một đứa con thiếu cha cũng bất hạnh, cũng thiệt thòi không kém gì một đứa con thiếu mẹ.

Từ cả tuần trước, các chị các cô đã biến quán Từ Thức thành một xưởng làm hoa, dưới sự điều khiển của Bích Thủy. Bích Thủy ra hái một nụ hồng, và bảo mọi người cứ theo mẫu ấy mà làm cho giống. Thế là từng cánh hoa màu đỏ, màu trắng, lần lượt hé nụ trên những bàn tay khéo léo của các nàng. Tất cả dân làng phái nữ, không bị bó chân trong việc nấu ăn hay dạy học đều bị “động viên” nên chẳng mấy chốc đã có đủ số hoa cho buổi lễ Bông Hồng Cài Áo.

Tối thứ sáu, ngày thứ sáu cuối cùng trước khi làng đóng cửa, trời gây gây lạnh, nhưng dân làng ăn mặt như ngày tết. Các cô các chị mặt áo dài đã đành, mà các anh, các chú, các bác cũng diện áo dài dân tộc vào, khiến Làng Hồng mang một sắc thái đình đám, hội hè của thuở quê hương còn an lạc thái bình.

Mọi người ngồi yên trên tọa cụ, cử tọa im phăng phắc. Thầy yêu cầu nên tổ chức lễ Bông Hồng Cài Áo trong lễ nghi, trong trang nghiêm để tạo một ý thức mạnh mẽ cho người nhận hoa. Nếu không bông hoa bỏ xuống thì ý thức cũng đi vào quên lãng. Thầy trình bày vắn tắt qua chương trình bông hồng cài áo tối hôm ấy. Sẽ có đàn tranh, sẽ có hai giọng nam và nữ đọc lại tập sách nhỏ Bông Hồng Cài Áo, sẽ có bài ca ấy, có người sẽ nói về Tình Cha và các em sẽ kết thúc buổi văn nghệ cúng dường bằng bài Ơn Nghĩa Sinh Thành trước khi đi vào nghi lễ cài hoa.

Trong sự im lặng kính cẩn, Trinh đàn một bản cổ nhạc bằng đàn tranh để cúng dường. Sau đó Diễm Thanh và Vũ đọc lại cuốn Bông Hồng Cài Áo. Những trang sách đã làm cho bao nhiêu người khóc bây giờ vẫn còn đủ sức làm cho cử tọa nghẹn ngào. Ai lại không nghẹn ngào khi nghĩ đến mẹ của mình, đến sự hy sinh của mẹ, đến tình thương của mẹ. Ai lại không thấy mình ít nhiều tội lỗi vì đã không biết ý thức rõ rệt sự nhiệm mầu của tình thương ấy, trái lại còn có khuynh hướng xem như sự đương nhiên. Cả mấy bác mấy dì lớn tuổi cũng nghĩ đến người mẹ đã khuất và khóc thầm.

Đến khi Tri Thủy nói về Tình Cha thì không ai cầm được nước mắt. Bé Kim Trang đã òa lên khóc và bỏ chạy ra ngoài. Sau này bé giải thích là vì thương chị Thủy quá. Mà ai lại không thương một bé Tri Thủy mới ba tuổi đầu đã đi theo quan tài của mẹ, ngơ ngác nhìn xung quanh không hiểu rằng nỗi bất hạnh lớn nhất đã sập xuống đầu mình. Và người cha đã ở vậy nuôi ba đứa con cho đến khôn lớn.

Thương Tri Thủy là một chuyện nhưng hôm sau bắt được cô nàng là mọi người không tiếc lời “trách móc”: “lần sau có làm mưa làm gió ở thiền đường thì nhớ cho biết trước nhé, để người ta khóc mà không có mùi xoa chùi nước mắt khổ người ta lắm!”

Giọng ca thật trong, thật ngọt của chị Ngọc Thanh trong bài Bông Hồng Cài Áo như một làn gió mát, làm lắng dịu những tình cảm cao độ vừa mới bị khơi dậy trước đó. Bài ca này ai cũng đã thường được nghe. Thế mà hôm nay lắng tai với tất cả tâm ý mới thấy nó hay một cách lạ lùng. Thế mới hiểu thấu đáo công dụng của chánh niệm, của sự tỉnh thức.

Các em bé tiếp nối bằng bài Ơn Nghĩa Sinh Thành, mới được anh Phương dợt cho nên tiết tấu có hơi lủng củng. Nhờ sự lủng củng dễ thương này mà không khí bình thường trở lại.

Sau đó là lễ Cài Bông Hồng. Anh Hương, Thanh Bình và Thanh Trang đảm nhiệm việc cài hoa. Ba người rời tọa cụ của mình tiến ra giữa thiền đường và quỳ xuống ba cái gối dành sẵn cho việc ấy, để nhận mỗi người hai cánh hoa. Được cài hoa xong, ba người có bổn phận cài hoa cho mọi người khác. Mỗi lần, ba người tiến ra trước thiền đường, quỳ xuống trang trọng; người cài hoa cũng quỳ xuống trước mặt người được cài hoa. Hai bông hồng được cài thành một bó, bông tượng trưng cho cha hơi cao hơn một chút xíu để dễ phân biệt. Mỗi khi cài cho ai hai bông trắng, Thanh Trang lại khóc ròng.

Sau khi nhận hoa, mỗi người ra trước bàn thờ phật lạy xuống ba lạy, theo nhịp chuông của Thầy, để cầu nguyện cho cha mẹ hoặc bình an, hoặc được siêu sinh tịnh độ.

Hai cánh hoa bằng giấy nhưng sao lại cho người mang một cảm giác nằng nặng? một ý thức mới chớm nở, nhưng ý thức như một lưỡi dao cứa vào da thịt, không thể quên, không thể làm như không biết. “tôi còn cha, tôi còn mẹ, tôi thật là may mắn. Tôi phải làm gì để xứng đáng với sự may mắn này?”

Đối với những người phải mang một bông trắng thì bông hoa màu đỏ còn lại bỗng trở nên quý giá vô ngần!

 

HỘI THẢO TẠI LÀNG HỒNG
Nguyễn Bá Thư viết.

Sinh hoạt hội thảo tại Làng Hồng là cơ hội cho dân làng và khách của làng ngồi quây quần bên nhau cùng nói chuyện về một vấn đề. Phần lớn là các vấn đề văn hóa, xã hội thể hiện những nỗi ưu tư của người Việt tha hương.

Tất cả mọi lứa tuổi đều được mời tham dự các cuộc hội thảo, trừ các em thiếu nhi rất bé. Sự hiện diện của nhiều thế hệ rất cần thiết. Ý kiến của các vị lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống giúp mở tầm nhìn và khai hướng đi cho các thanh thiếu niên; ngược lại những băn khoăn của các người trẻ sẽ bắt buộc các bậc phụ huynh phải đặt thành vấn đề để suy nghiệm, tìm những phương cách nâng đỡ các thế hệ con em của mình. Chỉ nội một việc mọi người đến ngồi gần bên nhau, thân mật chia sẻ những ưu tư của nhau cũng đã là một điều thật đáng quý rồi.

Nhiệm vụ của chủ tọa và thuyết trình cho mỗi kỳ hội thảo được giao phó cho các thanh niên nam nữ trẻ tuổi. Các bác, các chú nói rằng: “người lớn đã nói nhiều rồi, bây giờ không nên dành nói với tuổi trẻ mà phải để cho tuổi trẻ lên tiếng…”

Vì vậy mà các bác, các cô chú, trong các buổi thảo luận thường lắng nghe các bạn trẻ nói chuyện trước khi cho ý kiến. Có những lúc câu chuyện hơi bế tắc hoặc khi có quá nhiều ý kiến rải rác mà người chủ tọa, vì còn ít kinh nghiệm không kết nối được, thì các vị lại lên tiếng giúp khơi thông câu chuyện hoặc xếp đặt các ý lại quanh chủ đề đang bàn cãi.

Một điều rất đáng chú ý trong các buổi hội thảo là thỉnh thoảng có các em thiếu niên thật trẻ phát biểu những ý kiến thật bất ngờ, rất đơn sơ và thành thực, đáng để cho những người lớn tuổi hơn suy gẫm.

Năm nay, không kể những người Việt đến từ một số tỉnh trên nước Pháp, còn có rất nhiều người Việt từ các nước trên thế giới về Làng: từ Gia Nã Đại, Mỹ, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Anh… các cuộc hội thảo nhờ thế mà được phong phú hơn. Mọi người thấu hiểu những hoàn cảnh đặc biệt của nhau hơn do ở những điều kiện địa dư, sinh sống khác nhau: có người may mắn sống gần các cộng đồng sinh hoạt Việt Nam, có người sống lẻ loi ở một vùng toàn người ngoại quốc, vân vân…hiểu nhau như thế qua các cuộc hội thảo mọi người dễ đến gần với nhau hơn.

Vài ngày sau khi Làng mở cửa, mọi người cùng thảo luận về đề tài “Những Ưu Tư Của Người Thanh Niên Việt Nam Tại Hải Ngoại”.

Người trẻ Việt Nam ở ngoại quốc có nhiều nỗi ưu tư lắm. Từ những khó khăn trong việc hội nhập vào đời sống mới như vấn đề ngôn ngữ, tìm việc, tiến thân v..v…cho đến những băn khoăn về cảnh cực nhọc của người thân thuộc, nỗi khốn khổ của đồng bào trong nước, nạn phân hóa của người Việt ở hải ngoại…Trong hoàn cảnh hiện nay, người thanh niên Việt Nam cảm thấy lúng túng, lạc lõng vô cùng. Nếu không vững tinh thần thì người thanh niên, nhất là các bạn trẻ bơ vơ không gia đình, trở nên yếm thế, chán đời, đánh mất sinh thú của cuộc sống.

Một trong những nguyên nhân của sự hội nhập khó khăn vào đời sống mới là vấn đề dị biệt văn hóa và chủng tộc. Vì khác màu da, khác dân tộc nên người Việt đều cảm thấy không ít thì nhiều sự kỳ thị của người dân bản xứ. Lắm lúc người Việt cảm thấy rất tủi thân và nhớ quê hương vô cùng. Có những thanh niên Việt Nam trẻ tuổi lớn lên tại xứ người, chợt cảm thấy cần phải tìm lại nguồn cội của khuôn mặt, hình hài mình, tìm lại bản thể của tâm hồn mình như một cái gì thật cần thiết cho cuộc sống. Tôi còn nhớ mãi một câu nói của bạn Quang, 21 tuổi, sang Pháp hồi mới 12 tuổi, phát biểu trong buổi thảo luận: “…khi học hỏi lại văn hóa Việt Nam rồi, xem phim Tây Mỹ không thấy hay nữa! Làm sao để thấy hay trở lại?” có ai có câu trả lời cho Quang không?

Trước cảnh lạc lõng của các thanh niên Việt ngày hôm nay, mọi người thấy rằng các bạn trẻ phải tìm cách kết hợp lại với nhau để nâng đỡ nhau, dìu dắt nhau mà đi tới. Đề tài “Tiếng Chim Gọi Đàn” được đặt ra để câu chuyện đi đến các đề nghị cụ thể mà mọi người có thể thực hiện khi trở về địa phương mình cư ngụ. Đề tài này đã được thảo luận tới hai kỳ liên tiếp. Có rất nhiều đề nghị rất thiết thực như sau: viết thư cho nhau, tặng bạn bè những quyển sách có ích lợi cho tâm linh, tổ chức thiền trà, tổ chức những buổi họp mặt nói chuyện về văn hóa, trình tấu nhạc cổ truyền, chiếu ảnh phong cảnh di tích quê hương, đọc cho nhau nghe những tài liệu mà mọi người thâu nhập được về đời sống hiện nay tại quê nhà, về thảm trạng đồng bào vượt biển v..v.. để nuôi nấng tình đồng bào, nghĩa quê hương trong lòng mỗi người.

Các anh ở Hoà Lan hứa một điều là sẽ tu tập thường xuyên. Theo ý các anh thì điều ấy là một điều căn bản để phụng sự cuộc đời.

Hồi tháng tư năm nay, trong buổi hội thảo về giáo dục tại Làng Hồng, mọi người đã đề nghị tổ chức  một buổi lễ cúng Gia Tiên vào dịp hè để giúp cho các người trẻ học hỏi và tiếp nối truyền thống cao đẹp này của dân tộc Việt Nam. Trước khi tổ chức cúng gia tiên, mọi người đã họp nhau lại giảng giải ý nghĩa của việc cúng gia tiên cho các em nhỏ tuổi và nghiên cứu cách trưng bày bàn thờ, cách thức làm lễ sao cho phù hợp với hoàn cảnh sống hiện tại. Xin ghi ra đây một vài ý nghĩa của việc cúng gia tiên đã được mọi người nhắc đến:

– Nhớ ơn ông bà tổ tiên.

– Ông bà như luôn luôn có mặt bên cạnh con cháu, cùng chia xẻ mọi vui buồn với con cháu.

– Con cháu ở đâu thì ông bà ở đấy.

– Ta chính là hiện thân của giống nòi, tổ tiên, ông bà; thờ cúng tổ tiên để ôn lại công đức của tổ tiên và tìm cách tiếp nối dòng công đức ấy.

Các anh ở Hòa Lan đã phác họa ra một mẫu bàn thờ đơn giản để cho các bạn trẻ có thể thực hiện được một cách dễ dàng: bài vị, bình hoa, mâm hoa quả, bát hương. Căn phòng của người bạn trẻ, dù là ở chung cư, ở cư xá đại học hay ở đâu đi nữa cũng sẽ ấm cúng thêm lên. Không biết các bạn trẻ khi rời Làng Hồng về chỗ mình ở đã thực hiện cho mình một bàn thờ tổ tiên chưa?

Em Kim Trang, 12 tuổi đã đặt khá nhiều câu hỏi trong buổi hội thảo này. Có một câu như sau: “tại sao trên bàn thờ lại hay có viết chữ Tàu, mình người Việt tại sao không viết chữ Việt, chứ con không biết đọc chữ Tàu nên không hiểu gì hết?”

Một đề tài khác gây ra rất nhiều sôi nổi là “hôn nhân dị chủng”. Lấy chồng lấy vợ ngoại quốc có những vấn đề gì mà người trẻ mới lớn lên chưa nhận thức được? những khía cạnh thực tế của vấn đề được nhiều người trình bày và dẫn chứng qua các trường hợp điển hình. Câu chuyện đi rất xa. Mọi người nói đến những khó khăn khi dạy dỗ con cái vì sự dị biệt văn hóa giữa hai vợ chồng, thí dụ như dạy tiếng Việt cho con rất khó khi mà hai vợ chồng luôn đối thoại với nhau bằng tiếng ngoại quốc. Còn việc trở về Việt Nam sinh sống phụng sự quốc gia cũng là một vấn đề rất khó thực hiện cho những người đã có chồng hoặc vợ ngoại quốc. Các bạn trẻ thấy rõ hơn là tình yêu nam nữ không thể sống một cách độc lập. Trái lại nó sống lẫn lộn với các thứ tình khác như tình gia tộc, làng xóm, tình quê hương, đất nước, vân vân… buổi hội thảo giúp cho các bạn trẻ nhìn vấn đề này sáng suốt hơn để liệu mà hướng dẫn đời sống tình cảm của mình trong tương lai.

Em Nhã Hương, 16 tuổi, sang Pháp lúc 7 tuổi, nói rằng em thích nói chuyện với người con trai Việt Nam hơn là nói chuyện với người con trai Pháp. Khi bị hỏi “tại sao” thì em không biết trả lời thế nào. Một lúc sau em mới ngập ngừng bảo là “vì vui hơn” mà thôi. Thật khó giảng nghĩa lắm chứ!

Hai bạn trẻ, Đức, 18 tuổi, Hân, 20 tuổi từ Hoa Kỳ qua, đã cùng nhau thuyết trình về đề tài “cái hay của tiếng Việt”. Đức và Hân xử dụng rất nhiều tài liệu của các nhà văn, học giả. Các bài viết ca ngợi tiếng Việt quả thật là không thiếu. Người lớn và trẻ em đều tham dự vào buổi nói chuyện này. Có thấy ngôn ngữ của mình hay, các thiếu nhi mới thích học tiếng việt hơn, các thanh niên mới chịu khó học hỏi văn chương Việt Nam và người lớn có thêm hứng thú dạy con và khuyến khích con học tiếng Việt.

Đây là một câu ca dao Việt Nam lặp đi lặp lại bốn lần chữ năng, do Đức đọc lên, gây cho người nghe nhiều thú vị:

Năng mưa thì giếng năng đầy

Anh năng lui tới mẹ thầy năng thương.

Còn có những buổi hội thảo sau đó mà tôi không được tham dự vì đã rời Làng. Các đề tài đều rất hay, rất có lợi ích như “thất thoát nhân tài”, “bài học nhân bản”, “tìm hiểu bộ luật Hồng Đức”, “phương pháp bảo vệ sức khỏe theo tinh thần điều 14 của giới Tiếp Hiện” và “phương pháp bảo vệ sức khỏe theo nguyên lý Âm Dương và Ngũ Hành”.

Hầu hết các buổi hội thảo đều được tổ chức ở nhà Phượng Vĩ ở xóm Hạ. Gần đến giờ hội thảo luôn luôn có người thỉnh chuông báo hiệu. Khung cảnh nhà Phượng Vĩ những lúc ấy thường có vẻ tươi mát hơn, nhờ những bình hoa, chậu cây do anh Cả bày biện lặng lẽ từ lúc nào không ai hay biết.

Có lúc mọi người kéo nhau ra thảo luận ở cạnh quán cây sồi, dưới những tàn cây râm mát, sau khi cùng hát với nhau vài bài dân ca, du ca. Thỉnh thoảng trúng vào dịp quán cóc mở cửa, mọi người được giải khát bằng các món chè, nước đầy hương vị quê hương.

Tôi nhớ đến những buổi hội thảo tại các thành phố lớn như Paris, người đi hội họp có thể bực bội vì kẹt xe, tìm chỗ đậu xe, vì không khí ngột ngạt của thành phố dễ sinh ra cáu kỉnh trong khi bàn cãi. Vì thế mà kết quả thường rất kém. Không khí nhẹ nhàng tại Làng Hồng, đã đành là nhờ khung cảnh núi rừng tươi mát nhưng còn nhờ sự tu tập tạo ra, đã là một yếu tố quan trọng giúp cho các buổi hội thảo dễ đi đến thành công.

CHÁNH NIỆM NÂNG TRÒN ĐẦY
Chơn Không Cao Ngọc Phượng viết.

Các thiền sinh người ngoại quốc về tu học ở Làng Hồng rất thích các buổi thiền trà tổ chức mỗi tuần ba lần tại đây. Không khí ấm cúng và thân mật. Mọi người dễ có ý thức về sự hiện diện của nhau vì số người tham dự mỗi buổi thiền trà rất giới hạn. Có một bữa các bạn ấy hỏi tôi: “Ở Việt Nam quý vị có từng tổ chức thiền trà như vậy không?” tôi nói: “Từ thuở xa xưa những người Việt Nam thanh lịch đã vẫn thường hay cho sự pha trà và uống trà như một nghi lễ rất đạo vị. Nước pha trà phải là nước ngon. Trà ngon đã đành, mà bình trà, chén trà đều phải được chuẩn bị rất công phu trang trọng. Tại các chùa, buổi sáng nào cũng có pha trà để đại chúng uống mỗi người một chén trước giờ công phu hoặc thiền tọa. Khi các vị hòa thượng gặp nhau, nghi thức pha trà trở nên trang trọng hơn nhiều. Ngày xưa, những người đầu tiên tìm ra được lá trà là các vị thiền sư Trung Hoa. Họ nhận thấy uống trà thì ngồi thiền rất tỉnh táo. Từ đó thiền và trà không rời nhau.”

“Tôi còn nhớ khi ông bà nội tôi còn sống, sáng nào hai cụ cũng dậy sớm. Ông khoan thai đi đun nước pha trà rồi ông bà uống với nhau chén trà đầu ngày rất ung dung đạo vị. Ông bà không nói năng chi, ngồi với nhau mươi mười lăm phút rồi mới trao đổi nhau vài câu chuyện. Thỉnh thoảng mấy bác tôi cũng được tham dự và đôi khi tôi cũng được ban một chén. Không riêng gì gia đình tôi, nhiều nhà Việt Nam đều có phong tục ấy. Dần dần đời sống xã hội văn minh phương tây buộc con người đi tới sở đúng giờ, thêm vào những thú vui như xem truyền hình cho tới khuya nên thức dậy trễ, con người có khuynh hướng uống vội vàng tách cà phê rồi hộc tốc chạy đến sở làm. Chén trà uống trong tỉnh thức buổi sáng tinh sương không còn nữa.”

Thiền trà theo lối Làng Hồng là do thầy Nhất Hạnh sáng chế cách đây năm năm. Thầy đã căn cứ trên truyền thống sẵn có giữa trà và thiền của các thiền viện và cách thức uống trà đạo vị của tổ tiên chúng ta ngày trước để thể hiện cái thấy của người có thực tập chánh niệm. (Cũng trên nguyên tắc đó, Thầy đã thiết chế ra phép thiền hành ngoài trời mà những chỉ dẫn được tìm thấy trong sách Thiền Hành Yếu Chỉ). Điểm chính yếu của thiền trà Làng Hồng là “sự tỉnh thức”. Tôi nói với họ: “tất cả mọi động tác từ khi dâng trà lên thiền tổ hay pha trà cho bạn. Mỗi cử động của người pha trà, của vị chủ tọa và của các bạn tham dự đều được diễn biến trong tỉnh thức. Nếu không có tỉnh thức trong mỗi động tác thì không còn gọi là thiền trà nữa mà chỉ là uống trà thường thôi”. Tôi nhắc cho các bạn ấy nhớ: “trước khi vào trà xá, bạn đã được mời ngồi trên những phiến đá xếp thành vòng tròn dưới bóng tre để nghe giảng về ý nghĩa và nghi lễ thiền trà. Sau đó tất cả được mời vào trà xá trong chánh niệm, xếp thành hai hàng sau lưng vị chủ tọa để đảnh lễ tổ. Tổ đây là thiền tổ mà cũng có thể là tổ tiên của những người tham dự uống trà. Sự sống chúng ta là sự tiếp nối của bao thế hệ đi trước và ta sẽ sống tỉnh thức thế nào để truyền cho thế hệ sau ta những tinh ba của dòng sinh mệnh tổ tiên. Sau khi dâng hương, người chủ tọa trà lễ quay lại chào mừng các bạn bằng một lạy. Sở dĩ người ấy lạy các bạn một cách cung kính là vì trong tỉnh thức người ấy thấy được nơi mỗi bạn một đức Phật tương lại. Và để đáp lễ, bạn cũng lạy người chủ tọa một cách cung kính như bạn lạy một đức phật. Mọi người ngồi xuống trên những tọa cụ xếp hình vòng tròn để có thể nhìn rõ mặt nhau và bạn cứ ngồi thoải mái theo kiểu ngồi nào thích hợp với bạn nhất. Khi nào mỏi chân, bạn có thể thay đổi thế ngồi cho an lạc. Bạn sẽ theo dõi hơi thở của bạn và ý thức được sự có mặt của bạn và những người xung quanh. Người pha trà cứ thong thả pha trà , bạn đừng chờ đợi, đừng suy nghĩ là người ấy pha chậm quá. Nếu ta có thể thấy thoát ra từ cử động của người pha trà một sự thanh thoát và an lạc thì ta theo dõi cử chỉ của người ấy để thưởng thức từng cử động tự tại đó. Bạn cũng có thể ý thức đến sự mầu nhiệm của sự có mặt của bạn trên mảnh đất này, ý thức về nụ cười, nét mặt an vui của những người xung quanh, ý thức đôi mắt sáng và về các giác quan lành mạnh khác của bạn…tất cả những gì mà bạn nghĩ là tầm thường nhưng có thể là quý báu nhất một khi bạn đánh mất nó.”

“Một buổi thiền trà theo đúng nghĩa của Làng Hồng thì phải có một vài em bé tham dự. Sau khi chén trà và chiếc bánh dâng tổ chuẩn bị xong, một em sẽ đứng dậy khoan thai đến trước người pha trà, nâng chiếc khay có trà và bánh, đem đến bàn tổ. Người chủ tọa sẽ giúp em dâng trà bánh cho tổ. Sau đó mới đến tuần trà bánh cho mọi người tham dự. Trẻ em là biểu hiện của sự mát mẻ, của tương lai. Sự sống mà không có trẻ em thì khô cằn mất, và vì vậy các em nên được tham dự tất cả những sinh hoạt như thiền trà, thiền tọa, thiền hành…”

“Khi chiếc khay bánh hay khay trà của người ngồi cạnh chuyền đến bạn, bạn tỏ sự cám ơn bằng cách chắp tay hình búp sen để đáp lễ trước khi lấy trà hay bánh. Để diễn tả sự ý thức của bạn, không có gì đẹp hơn là tặng bạn mình hai bàn tay chắp trang trọng, đẹp như một đóa sen búp. Khi mọi người đã có trà và bánh, người chủ tọa mời mọi người uống trà trong ý thức. Không nên vì vui câu chuyện hay mông lung trong suy tư mà quên mất sự hiện diện của chén trà. Câu chuyện có thể bắt đầu sau vài ngụm trà. Bạn có thể nói bất cứ đề tài gì. Quan trọng là không đánh mất sự tỉnh thức. Nếu trong trà lễ mà có những người có trình độ tỉnh thức cao thì bất cứ đề tài khó khăn nào cũng có thể được đem ra bàn và biết đâu những khó khăn nhờ thế có thể được giải quyết. Mọi người trong trà lễ đều được mời tham dự, chia một ý nghĩ hay một vần thơ đẹp, một tư tưởng sâu sắc hay một bản nhạc thâm trầm. Nhờ ánh sáng chánh niệm chiếu rọi mà mùa hạ năm nay có những buổi thiền trà thật kỳ diệu, nhất là những buổi có đàn tranh, đàn bầu và ngâm thơ, hay những trà lễ có sự bình văn truyền cảm và thâm trầm của anh Cả Làng Hồng. Cũng có những buổi thiền trà mà sự tỉnh thức về nỗi khổ đau của đồng bào trong nước đã khiến cho nhiều người rưng rưng nước mắt. Những trà lễ như vậy có thể kéo dài đến hai ba tiếng đồng hồ mà khi chia tay ai cũng thấy khoan khoái vui thích. Thiền trà, thiền hành hay “thiền nấu ăn” đều là những hình thức tuy động hơn thiền tọa nhưng vẫn giúp ta giữ được chánh niệm. Mục đích của thiền trà là để khi trở lại môi trường hoạt động của mình, bạn có thể tiếp tục giữ được sự tỉnh thức. Tỉnh thức về chén trà này, hạt gạo này, mảnh đất này…tỉnh thức về sự hiện diện của những người thân yêu như cha, mẹ, vợ, con, anh em, con cháu…những người thân thương vẫn thường xuyên hiện diện bên ta nhưng ta ít ý thức. Một mai khi họ mất đi rồi ta mới hối tiếc.”

Tôi lại nói tiếp với các bạn ngoại quốc: “như chúng tôi đây, nếu chúng ta đã biết tỉnh thức từng bước chân trên mảnh đất quê hương, từng tiếng cười, tiếng nói, tiếng khóc của đồng bào mình thì một hôm chợt đánh mất tất cả, chúng tôi cũng sẽ không hối tiếc là mình đã sống thiếu ý thức.”

Tại các buổi thiền trà, chúng tôi thường có lệ nâng chén trà lên bằng cả hai tay. Chén trà trong lòng hai bàn tay tôi giống như một cái gương sen được bao bọc chung quanh và phía trên bằng những ngón tay hơi úp vào như những cánh sen. Tôi thường nâng trà lên như thế trong mấy mươi giây trước khi uống. Trong một trà lễ, tôi nghĩ, nâng trà bằng cả hai bàn tay mới được chỉnh đốn. Tôi ưa nhìn hơi trà bốc lên giữa mười ngón tay, cảm thấy hơi ấm của trà trong hai lòng bàn tay. Trong mấy mươi giây ấy tôi có đủ thì giờ để thầm đọc bài kệ uống trà:

Chén trà trong hai tay
Chánh niệm nâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây

Đọc bài kệ lại càng thấy rõ rằng nâng chén trà bằng hai tay trong một trà lễ là rất đúng phép.

Các bạn thiền sinh ngoại quốc đều rất hoan hỷ và thích thú về phong tục này của Làng Hồng. Anh chị nào cũng bảo là họ đã từng dự rất nhiều các trà lễ Nhật Bản nhưng thiền trà Làng Hồng của người Việt Nam quả thật là thích thú nhất. Người nào cũng nhất định sẽ tổ chức thiền trà theo lối Việt Nam khi trở về nước họ để bạn họ có thể nếm được sự mầu nhiệm của tỉnh thức. Theo họ, thiền trà của người Nhật tuy công phu nhưng chỉ còn giữ lại được phần kỹ thuật pha trà, còn phần quán niệm gần như mất hẳn. Thiền trà Việt Nam tại Làng Hồng không bao giờ đi tới mức cầu kỳ, phiền toái, nhưng sự có mặt của tính chất tỉnh thức và an lạc được tất cả mọi người công nhận. Một thiền sinh họa sĩ người Hòa Lan, anh Robert Naah, trong một buổi thiền trà tại Tham Vấn Đường đã sáng tác một bức họa trong đó có một chén trà và một dòng chữ thật ý nghĩa: “uống một chén trà xanh, tôi sáng tạo nên hòa bình” (by drinking a cup of green tea, I invented peace).

Theo Thầy thì những buổi thiền trà tươi mát và đẹp đẽ nhất mà Thầy được dự là những buổi thiền trà tổ chức cho riêng thiếu nhi mỗi chiều thứ năm khi Thầy tiếp tất cả thiếu nhi Làng Hồng tại Phật đường Trúc Lâm tại xóm Thượng. Thiếu nhi có khi đông tới ba mươi em trong một buổi thiền trà. Thay vì đãi các em trà, Thầy thường đãi các em nước chanh đá và bánh. Nước chanh múc bằng vá vào ly chứ không phải trà rót từ bình vào chén. Vì vậy các anh các chị ở Làng Hồng cứ hay gọi các buổi thiền trà thuần thiếu nhi là thiền nước chanh. Người lớn không ai được chứng kiến các buổi thiền nước chanh, trừ khi được mời vào để đàn cho các em nghe những bản nhạc dân tộc. Theo những người này thuật lại thì các em ngồi thiền trà đẹp và ngoan lắm, thảnh thơi hơn cả người lớn và tham dự tận tình vào nghi lễ cũng như đàm luận. Các đề tài đàm luận thường được Thầy đưa ra sau những mẩu chuyện lịch sử và tiền thân.

Các bạn về tu học ở Làng Hồng đã chia tay nhau từ hôm 16/8/1984 nhưng hương vị của những chén trà vẫn còn phảng phất. Mẹ của bé Thục Hiền tại Anh Quốc cho biết là đã có những buổi thiền trà đạo vị được tổ chức bên đó. Tại Paris, những buổi thiền trà không thiếu; anh Minh và chị Trinh còn mua nhiều loại trà thơm để gửi về tặng những người thường trú trong Làng. Những khóa tu học cuối tuần đã được tổ chức tại Am Phương Vân cho các bạn vùng Paris và phụ cận. Chị Chơn Quán và các bạn đang tổ chức một khóa tu học bảy ngày vào dịp lễ giáng sinh năm mới tại Am Phương Vân và mời Thầy về hướng dẫn. Chị hiện “trụ trì” am Phương Vân. Tại Lyon, anh Chơn Thuyên đã tổ chức thiền trà không những cho các bạn người Việt mà còn tổ chức thiền trà cho các bạn người Pháp. Chưa nghe nói các anh chị ở Lyon đã tổ chức những khóa tu học cuối tuần như thế nào. Các cháu ở Thụy Sĩ cho biết có tổ chức Ngày Làng Hồng mỗi tuần. Ở Gia Nã Đại, anh Toàn đã tổ chức cho cả gia đình ngồi thiền mỗi tối. Các anh chị bên ấy đang lo tìm chỗ lập thiền đường chung và mời Thầy qua hướng dẫn một khóa tu học vào mùa xuân năm tới. Cháu Bằng Lăng rất hăng hái giúp chị Ngọc Hương trong công việc giúp trẻ em đói và tổ chức học tập về văn hóa Việt cho người trẻ. Tuy nhiên không biết các bạn tại Thụy Sĩ và Gia Nã Đại có tổ chức thiền trà đều đặn không?

Tại California, chắc thầy Tánh Thiện đã tổ chức thiền trà nhiều lần tại chùa Việt Nam ở Los Angeles rồi; riêng nhóm Bích Thủy, Hân, Judith, Thérèse và Arnold không biết đã tổ chức thiền trà và tụng giới hằng tuần ở San Francisco chưa. Anh Hương và Đình Đức tại bờ biển phía Đông Hoa Kỳ, tuy chưa báo cáo nhưng chắc đã làm được nhiều điều đáng kể. Các bạn Hòa Lan cũng chưa thấy viết thư nhưng tôi tin là hương vị những chén trà Làng Hồng còn phảng phất. Có thể vì vậy mà một anh họa sĩ Việt Nam hai mươi ba tuổi định cư bên ấy nghe các anh nói đến Làng Hồng nên đã lặn lội ôm túi ngủ vượt gần hai ngàn cây số đến tận Làng vào đầu tháng chín. Đáng lý đến Làng giờ ấy thì cửa tùng đã khép chặt rồi. Nhưng tuổi trẻ và thiết tha của Nguyễn Thanh Hùng đã được các người trẻ của Làng cảm động. Hùng đã được tham dự dựng một nhà mặt trời với Đôn, Nhàn, Dũng và anh Cả ở xóm Hạ và một nhà mặt trời cho xóm Thượng. Hùng cũng đã thực tập cưa củi và bửa củi trong chánh niệm. Lúc ấy Thầy còn ở dạy các thiền sinh Hoa Kỳ trên xóm Thượng nên Hùng vẫn còn dịp dự thiền trà với Thầy và tập bước từng bước nở hoa sen.

Tôi mong rằng chén trà buổi sáng ở nơi các bạn cư trú tiếp tục được tỏa hương tỉnh thức. Tỉnh thức về sự hiện diện của mình, của những người thân yêu mà còn tỉnh thức về sự hiện diện của sự khổ đau mà năm chục triệu đồng bào đang gánh chịu trên đất nước Việt Nam.

Lá thư Làng Mai 05 – 1985

Tải về bản PDF

LÁ THƯ THỨ NĂM
ngày 07/5/1985
Chơn Lễ Nguyên Thiều viết.

Năm nay chúng ta đã ăn tới hai cái tết Nguyên Đán! Chắc quý vị đã đón giao thừa trong niềm hân hoan và cẩn trọng giữa không khí ấm cúng của gia đình có cả ông bà tổ tiên cùng vui vầy với con cháu trong ngày đầu năm trên đất khách. Riêng xứ Pháp, mùa đông rồi là mùa đông lạnh nhất trong vòng gần ba mươi năm qua. Mọi người ở Làng Hồng đều mong quý vị đủ ấm và vẫn mạnh khỏe, nhất là quý vị có tuổi và các cháu bé.

Chúng tôi đã nấu bánh chưng và làm kẹo mè xửng để đón giao thừa ở Xóm Hạ. Có gia đình anh Chơn Thuyên từ Lyon về chơi và đã cùng tham dự vào việc vô hộp và gửi bánh chưng cho dân Làng. Ngày mồng một, mọi người dự thiền trà ở xóm Thượng và chúc Tết lẫn nhau. Tý, Miêu và bé Nhật Tâm năm nay được Sư Ông cùng quý cô, bác dân làng lì xì khá nhiều. Riêng Tý lại được anh Đức từ bên Mỹ gửi cho một túi bi quý nhất của anh ấy. Trong trận lạnh vừa qua, tại Làng Hồng có khi cái lạnh xuống tới 18 độ âm. Hồ nước ở cuối đường thiền hành của xóm Hạ đóng băng dày đến nỗi chúng tôi có thể vững dạ mà dạo chơi trên đó. Chúng tôi đã tổ chức một bữa cơm trưa ở đấy và thổi nấu bên bờ hồ. bằng củi rừng. Tuy nhiên, mọi người ở Làng Hồng, trong mùa đông qua, vẫn bình an mạnh khỏe. Riêng chú Nhàn cảm thấy quá lạnh vì đây là mùa đông đầu tiên của chú trên đất Pháp. Chó con – bé Nhật Tâm – tỏ ra rất thích thú khi dậm đôi ủng màu đỏ bé tí teo lên tuyết trắng. Năm nay cháu lên ba – cùng tuổi với Làng Hồng. Nhờ ông bà thương, cháu vẫn chơi. Mụ bà dạy cháu bi bô cả ngày. Cháu nói rất nhiều. Đại khái như: “Ba đang tỉa nho”, “lát nữa ba vô”, “ba mở cửa”, “ba ngồi xuống, ba hun Châm”. “Hun Châm” tức là “hôn Tâm” đấy.

Cây cối tại Làng Hồng đã xanh. Chúng tôi đã tỉa nho, tỉa mận xong. Bắp đã được gặt. Bắp năm nay gặt trễ lắm vì sau trận lạnh, trời cứ mưa mãi và đất không chịu khô nên máy gặt không xuống ruộng được, do đó một phần nhỏ bắp bị hư thối. Đậu nành thì đã được gặt sớm hơn bắp tới gần bốn tháng nên không có vấn đề. Chúng tôi đã trồng đậu nành giữa những hàng mận để cho đất các đồi mận có thêm chất azote. Phần lớn đậu nành thu hoạch đã được bán cho hợp tác xã; chúng tôi chỉ giữ lại 800 ký để làm tương và làm đậu hũ. Chú Nhàn là người phụ trách làm đậu hũ (đậu phụ, đậu khuôn). Đậu ăn béo lắm. Thầy rất hài lòng thấy mình đã có thể làm đậu hũ với đậu nành do mình trồng ra. Muồi sẽ phụ trách việc làm tương nhưng phải đợi trời thật ấm mới khởi sự. Tương năm ngoái ăn vẫn chưa hết. Thời tiết đã ảnh hưởng nhiều tới mùa màng. Rau cải trồng trong nhà mặt trời bị cái lạnh làm hư hại quá nửa. Tất cả các cây cải tần xại đều bị hư đọt. Sả, tần ô, bạc hà và rau má đều bị chết lạnh cả. Riêng cải bẹ xanh còn gắng gượng nổi và sau đó xanh tốt bình thường. Chúng tôi đang chuẩn bị việc gieo trồng cho mùa hè tới, một phần để bán và một phần để dân Làng xử dụng trong mùa tu học.

Làng đã bước vào năm thứ ba và đang ở trên đà phát triển, nhờ ở quyết tâm và sự cố gắng của tất cả chúng ta. Sự phát triển này không phải ở chỗ Làng Hồng trúng mùa hay gia tăng diện tích đất đai hoặc sửa sang thêm các cư xá; sự phát triển này là ở nếp sống tu học tinh tấn của dân Làng tại khắp nơi…Từ sau khi Làng Hồng bế mạc khóa tu học mùa hè 1984 đến nay, chúng tôi đã đón nhận nhiều tin phấn khởi. Từ Gia Nã Đại gia đình anh chị Đỗ Qúy Toàn và các bạn bè đã chuẩn bị cơ sở để cùng tu học hàng tuần. Ở Hòa Lan các anh Tiền, anh Thế, anh Truy, anh Phong và anh Khảng…đã tổ chức những buổi thiền trà và đang tiến tới việc thiết lập cơ sở tu học. Ở Paris, chị Chơn Quán và nhóm bạn của Phương Vân Am vẫn tổ chức những khóa tu học đều đặn tại Fontvannes mỗi ba tuần. Khóa tu mười ngày vào dịp giáng sinh và tết dương lịch 1985 đã có tới ba mươi sáu người tham dự. Ngoài ra anh em dân làng vùng Paris đã tổ chức những buổi gặp gỡ giữa độc giả, thân hữu nhà xuất bản lá bối để mạn đàm, thiền trà trong không khí thanh tịnh và an lạc. Ở Lyon, anh Chơn Thuyên đã tổ chức hội nghị thiếu nhi và thiếu niên Việt Nam vào cuối năm qua. Hội nghị đã quy tụ dân làng vùng Lyon và một số thân hữu khác. Các bạn ở Lyon cũng đã bắt đầu vận động việc thành lập thiền đường.

Trên đây, chúng tôi chỉ nêu lên vài trường hợp điển hình. Còn lại biết bao nhiêu những cố gắng khác trong từng gia đình hay nơi mỗi em bé. Tất cả Làng Hồng được tạo thành, được lớn mạnh nhờ ở chất liệu tâm linh đó, nhờ ở sinh khí đó.

Để chuẩn bị cho khóa tu học mùa hạ 1985, chúng tôi đang sửa sang lại những ống nước bị bể trong trận lạnh vừa qua ở cư xá Tùng Bút và làm trần nhà cho cư xá Đồi Mận ở xóm Hạ. Xóm Thượng cũng cần sửa chữa ống nước, những bầu chứa nước và một bình nấu nước nóng cho các phòng tắm do mùa đông làm hư hỏng. Xóm Thượng cũng đã có thêm các phòng Tre Tím, Tre Vàng, Hoa Vàng, Mây Thơm và Rạng Đông. Phòng Hoa Vông Vang trong cư xá Hồ Đào đã trở thành phòng khách nhờ có thêm một cửa sổ rất sáng sủa. Đó đây, dân Làng đã gửi phần đóng góp tài chánh về. Công tác cần đến bàn tay của tất cả liệt vị, dù là người lớn hay thiếu nhi.

Bây giờ là đầu tháng năm dương lịch, mùa xuân đã tới. Chúng tôi thân chúc quý vị một năm mới trong thanh tịnh và an lạc.

 

KHÓA TU HỌC TẠI PHƯƠNG VÂN AM
Trần Đức Minh viết.

Trong dịp lễ giáng sinh cuối năm dương lịch 1984, một khóa tu học mười ngày đã được tổ chức tại Phương Vân Am dưới sự hướng dẫn của Thầy.

Những tháng trước, các anh chị tại Paris và vùng phụ cận vẫn thường về Phương Vân Am để tĩnh tu cuối tuần, trung bình cứ ba tuần một lần. Vào những lần chót, giờ chấp tác được dành cho việc sửa sang lại am để có thể đón tiếp số đông người về tham dự khóa tu mùa đông. Dự trù sẽ có bốn mươi người; đây là con số khá lớn đối với Am Phương Vân. Dì Chơn Quán và các anh chị đã sơn lại những cánh cửa, quét dọn các căn phòng lâu nay bỏ không, may thêm tọa cụ, vân vân…Với sự cố vấn và tiếp sức của chị Chơn Không từ Làng Hồng, dì Chơn Quán và các anh chị đã tu bổ căn phòng lớn nhất để làm thiền đường mới, đủ chỗ ngồi cho ba mươi người. Hệ thống lò sưởi bằng hơi đốt cũng được sửa lại để sưởi ấm cho cả am.

Ngày thứ sáu 21 và thứ bảy 22 tháng 12, một số người về trước để cùng nhau sắp đặt lại am, chuẩn bị cho khóa tu học. Thầy bắt thêm bóng đèn, dì Chơn Quán đóng giá treo áo, chị Chơn Không may màn quanh thiền đường. Chú Chơn Thuyên và Minh trải thảm thiền đường, chị Thanh xếp dọn nhà bếp và trang trí bàn thờ, còn Tý lau những cửa kính còn dính sơn. Chiều thứ bảy, thiền đường được trang trí xong, tuy đơn sơ nhưng trang nhã và ấm cúng. Mọi người đều hài lòng về thiền đường mới. Bàn thờ do anh Chí Tâm đóng; anh đã chịu khó cưa gỗ thành hoa sen trông thật khéo. Thầy có mang về một tấm hình phật Thích Ca của nhà văn Dương Nghiễm Mậu vẽ và chạm sơn mài rất mỹ thuật. Lúc chiều, khi đi dạo trên đồi, Thầy đã cắt vài cành thông về cắm trong bình hoa trước bàn phật. Mùi trầm hương thoảng bay trong bầu không khí ấm áp.

Những người tham dự khóa tu học bắt đầu về đến. Đặc biệt khóa tu học này có nhiều anh chị trẻ. Chị Mai, chị Nga, chị Trinh, anh Thư, anh Thái Quan đến từ Paris. Danh, chị Liên, anh Bốn đến từ Thụy Sĩ. Tối đến lại thêm một xe về, có anh Quốc Anh, chị Tri Thủy và anh Thái. Sau khi uống trà hàn huyên, mọi người bàn qua về chương trình khóa tu học. Giờ giấc các sinh hoạt thường lệ như thiền tọa, thiền hành, tụng giới, chấp tác tương tự như ở Làng Hồng. Mỗi ngày Thầy giảng giáo lý cho thiếu nhi và duy thức cho người lớn. Thầy đề nghị các chú các dì đã thọ giới Tiếp Hiện bắt đầu hướng dẫn những buổi pháp thoại và pháp đàm. Ngoài ra sẽ có những buổi hội thảo, văn nghệ và thiền trà.

Buổi sáng, đúng bảy giờ, mọi người thức dậy sửa soạn ngồi thiền. Vài người đã dậy trước và đang ngồi uống trà. Ở am Phương Vân lúc nào cũng có uống trà, nhưng ngon nhất có lẽ vào buổi sáng sớm. Trời lạnh, chén trà tỏa hơi nóng trong hai tay, mỗi ngụm trà làm cả người ấm áp, và tinh thần thêm tỉnh táo. Chị Nga thường dậy sớm để pha trà. Bên phòng thầy, các thiếu nhi cũng được Thầy mời uống trà mỗi buổi sáng. Đến giờ thiền tọa, mọi người nghiêm trang đi vào thiền đường. Dì Chơn Quán đã thắp hương và thắp nến. Thiền đường mới ngồi rất thoải mái và đi rất êm. Chỉ có hôm đầu chưa cắm lò sưởi điện nên thiền đường hơi lạnh và mùi hương lạ làm vài người bị nhảy mũi và ho. Có lần Thầy dặn mọi người quán chiếu về sàn thiền đường trong lúc đi kinh hành. Đặt từng bước chân trên sàn gỗ cứng chắc, mọi người ý thức rằng sàn gỗ dưới chân mình là do sự góp sức của nhiều người làm nên. Mỗi viên gạch, mỗi đà cây, mỗi tấm ván đều có bàn tay của những người anh em mình trong đó.

Sau khi ăn sáng, mọi người đi thiền hành chung lên đồi. Dì Ba và chị Annie cũng vừa từ Troyes đến để kịp cùng đi thiền hành. Phương Vân Am xây ở lưng chừng đồi, sau lưng am là một con đường đất dẫn lên đến đỉnh. Buổi sáng, trời lạnh, mặt đất còn cứng nên dễ đi. Có hôm sương khuya đóng thành đá trên những lá cỏ và trên hàng rào. Những hôm trời ấm hay trời mưa mọi người vừa đi vừa phải tránh bùn. Phong cảnh nhìn từ đỉnh đồi thật đẹp. Những đám ruộng đủ màu trải dài đến tận chân trời, xen lẫn với những ngọn đồi và những khu rừng. Vài xóm nhà rải rác đó đây. Cảnh vật nằm yên trong làn sương mờ đục hay rực rỡ dưới ánh nắng mai. Cây thông Thanh Từ vươn lên sau đám ruộng, vững chãi và xanh tươi, dáng bầu bầu như một búp sen. Đoàn người thiền hành đến cây thông Thanh Từ thì dừng lại nghỉ chân, trò chuyện trước khi quay về. Có hôm Thầy đọc thơ cho mọi người nghe. Tôi nhớ có hai câu thơ của vua Trần Thái Tông:

Bộ bộ đạp trước thực địa
Đầu đầu đỉnh đới hư không

“Chân bước trên đất đai thực tại, đầu đội dưới khung trời thái hư” (Nguyễn Lang dịch). Hôm khác, trên đường về, Thầy dẫn mọi người đi xem khu đất mà lúc trước Thầy định cất một cái cốc. Khu đất nằm khá cao trên lưng đồi, cách xa mặt đường hơn am nên đỡ bị tiếng ồn xe chạy và phong cảnh nhìn cũng đẹp và thoáng hơn. Thầy đề nghị các anh chị, mùa xuân tới, dọn một con đường lên khu đất đó và trồng một vườn hoa để chiều chiều có thể ra ngồi uống trà vào những ngày nắng ấm.

Mỗi ngày, sau giờ thiền hành, đều có lớp học phật pháp. Thầy dành khoảng 15 phút đầu cho thiếu nhi. Hôm đầu Thầy ôn lại ba sự quay về nương tựa và hai lời hứa mà các em thường đọc trong những buổi tụng giới. Vì rời Làng đã mấy tháng và không được thực tập ở nhà nên nhiều em quên. Thầy nói quý vị phụ huynh nên mỗi hai tuần tổ chức những buổi tụng giới và mỗi lần nên dạy và kể thêm những thí dụ về lòng thương và sự cởi mở cho các em. Trong những buổi học sau đó, Thầy giảng về bốn sự thật cao quý (tứ diệu đế), bốn tấm lòng đẹp vô biên (tứ vô lượng tâm), ba sự tu học (tam học), sự thực tương đối và sự thực tuyệt đối (nhị đế) và sanh diệt và bất sanh bất diệt (bát nhã). Trước khi giảng bài mới, Thầy hỏi lại bài cũ nên trong ngày em nào cũng chăm lo học hành. Những buổi học rất vui; Thầy thường kể những thí dụ thực tiễn và dễ hiểu cho các em. Như khi học về Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả thầy giải thích và chỉ cho các em thấy bốn đức tính này nơi cây thông Thanh Từ và nơi chú Sáu Cao Thái. Một hôm thầy gọi bé Thơ lên để giảng về sinh diệt và bất sinh bất diệt. Thầy hỏi bé Thơ có biết ngày sinh của mình không và trước ngày hôm ấy bé Thơ đã có hay chưa. Thầy nói, bé Thơ không phải chỉ có từ lúc ra đời mà đã có mấy tháng trước trong bụng mẹ, và trước đó nữa, trong cha mẹ, ông bà, tổ tiên, giòng giống. Bé Thơ chưa bao giờ từng sinh ra, vì sinh là phải từ không trở nên có. Và đã không sinh, bé Thơ cũng sẽ không bao giờ mất đi. Sự sống của bé Thơ là sự sống của giống nòi, dân tộc của bao thế hệ đi trước và những thế hệ sẽ đến sau. Rồi thầy kể chuyện một gia đình có ba người, người ông, người cha và người cháu. Một hôm người cháu lầm lỗi và bị ông nội đánh phạt. Người cha thương xót khi thấy con bị đánh nhưng không dám chống lại cha mình, nên nói với người ông, tức cha mình: “Ông đánh con tôi thì tôi đánh con ông”, rồi người cha tự đánh mình. Người ông thấy vậy nói: “Mày đánh con tao thì tao đánh cha mày”, rồi tự đánh mình. Thầy nói sở dĩ có sự tranh chấp là vì hai cha con không thấy cả ba là một, như lá không thấy mình là cây hay sông không thấy mình là nước. Bài kệ “đi tắm” cũng nói về sự sống bất sinh bất diệt. Bài học hôm ấy còn được gọi là bài học “bé Thơ”. Người lớn cũng học được nhiều từ bài học này.

Thiếu nhi được ra ngoài chạy chơi trong khi Thầy giảng Duy Thức Học cho người lớn. Đầu tiên Thầy nói phương pháp học Phật không phải là sự cất chứa kiến thức mà trái lại là sự rũ bỏ những thành kiến và khuôn khổ do xã hội, phong tục, tập quán và giáo dục tạo nên. Người học Phật phải khéo léo đừng để kẹt vào những khái niệm và những ngôn từ vốn được xử dụng như những phương tiện dẫn dắt đến thực tại. Sau khi định nghĩa một số danh từ căn bản như căn, trần, cảnh, lượng, tánh…Thầy giải thích đặc tính và công dụng của các thức, nhất là A Lại Gia. Tuy thức được chia làm tám loại, các thức liên hệ chặt chẽ với nhau, không thức nào có thể tồn tại biệt lập với các thức khác, như sáu mặt, thể tích và chất ngà của một hột súc sắc. Phương pháp tu tập theo Duy Thức Học là sự huân tập những nghiệp nhân tốt vào A Lại Gia dưới hình thức những chủng tử. Những chủng từ này luôn luôn biến đổi, phối hợp, hóa giải hay tiêu diệt những chủng tử khác, để đến khi có dữ kiện, sẽ hiện hành thành một nghiệp quả tốt. Đối với cảm thọ, phương pháp của duy thức học là sự quán sát. Khi ta giận, cái giận ấy là ta; ta chỉ có thể quán sát mà không nên xua đuổi, đàn áp hay níu kéo. Chỉ một việc quán sát cũng đã làm cho cảm thọ biến thể. Ngoài ra, ta nên biến những xả thọ thành lạc thọ. Khi nhìn một bông hoa hay ngồi trong một căn phòng ấm áp, ta tìm thấy được một niềm vui hay một cảm giác dễ chịu của cơ thể. Hiện nay, trong khi số người bị khủng hoảng thần kinh ngày càng gia tăng tại các nước Âu Mỹ. Duy thức học có thể đóng góp cho khoa tâm lý trị liệu trong việc khám phá và giải tỏa những bế tắc trong phần sâu thẳm của tâm thức người bệnh.

Mọi người đã hội thảo đề nghị một chương trình học văn hóa Việt Nam cho thiếu nhi độ 10 tới12 tuổi sống ở hải ngoại. Những điều các em cần biết về lịch sử, địa lý, thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, quốc văn, thi ca, âm nhạc, trò chơi, câu đố. Chú Chơn Thuyên phụ trách đúc kết chương trình này. Chú cũng sắp sửa mở một lớp dạy văn hóa Việt Nam cho thiếu nhi tại Lyon. Trong những buổi pháp đàm mọi người thảo luận thêm về Duy thức hay chia xẻ kinh nghiệm về những vấn đề thường gặp trong đời sống hàng ngày, nơi sở làm, trường học, nhất là đối với các bạn trẻ. Có bạn cảm thấy những đụng chạm trong đời sống nghề nghiệp đã làm tâm hồn mất đi rất nhiều sự trong trắng. Một bạn khác nói, khi về đến Phương Vân Am, bao nhiêu vấn đề ở thành phố tự nhiên biến đâu hết.

Trong phần sinh hoạt văn nghệ, những bài hát cộng đồng và những bài hòa tấu cổ nhạc rất được ưa chuộng. Một hôm, Thầy đọc thơ, chị Chơn Không hát những bài thơ phổ nhạc của Thầy. Anh Chí Tâm và chị Trinh ghi nốt nhạc và chia nhịp một số bài. Thầy cũng dạy cho mọi người cách đọc tụng kinh và kệ. Lễ giáng sinh đã được đón tiếp trong bầu không khí vui vẻ và đầm ấm. Buổi cơm chiều có bánh xèo và bánh ít. Buổi tối, mọi người quây quần bên lò sưởi, uống trà, ăn bánh và ca hát. Chị Tri Thủy định nói chuyện về những tương đồng và khác biệt giữa Thiên Chúa giáo và Phật giáo nhưng thấy mọi người vui hát nên thôi. Sau đó chị Trinh đàn tranh, Tý và Danh song ca bài “em bé quê”. Thiếu nhi tham dự khóa tu gồm có Trang, Hạnh, Tý, Danh, Sâm, bé Thơ và bé Thảo.. Thỉnh thoảng, các anh chị rủ các em ra tập hát, tập kịch. Anh Chí Tâm dạy cho các em, và cho cả người lớn, một bài hát phật giáo cổ truyền theo điệu Đăng Đàn Cung. Tý lên Paris chơi trước đó, học được cách làm tiếng kêu của chim bồ câu và tập cho các bạn làm. Buổi sáng khi thức dậy, bên phòng Thầy có mấy con chim bồ câu kêu rất vui, mỗi con một giọng khác nhau. Ba má Tý có gửi rau cải từ Làng Hồng lên tặng khóa tu học.

Bắt đầu từ ngày 25 tháng 12, thêm nhiều người về Phương Vân Am như bà ngoại Trang Sâm Thơ, chú Cao Thái, gia đình chú Mười từ Thụy Sĩ, các bạn Hảo, Hậu, Phương, Nguyệt, Pierre, Deepthi, Philippe, Martine, Sarala, Claire…ngoài ra có một số khác đã đến sinh hoạt trong vài ngày như gia đình bác Hướng, gia đình chú Đỗ Tuấn Khanh, Nguyễn Văn Đông, gia đình bác Diệu Lễ… mặc dù số người đến tu học khá đông so với chỗ ở, khóa tu học đã diễn tiến tốt đẹp. Mọi người đã học hỏi được rất nhiều trong các buổi giáo lý, hội thảo, pháp đàm hay trong những lúc trò chuyện văn nghệ. Nhiều anh chị đã nhận thấy sự bổ ích và cần thiết của khóa tu học và ước mong khóa tu học sẽ được tiếp tục trong tương lai, như một lúc nghỉ ngơi, bồi dưỡng trong khoảng thời gian một năm dài giữa hai kỳ mở cửa của Làng Hồng.

THƯ GỬI SƯ ÔNG
Bé Thanh Trang viết.

Kính thưa Sư Ông,

Đã hai tháng, con chưa viết thư cho Sư Ông. Sinh hoạt gia đình con vẫn bình thường. Thứ hai là ngày chay. Chủ nhật thì tụi con thiền trà hoặc tụng giới. Có khi làm cả hai thứ. Văn nghệ của tụi con bây giờ vui lắm Sư Ông à. Tụi con không cần phải đợi đến chủ nhật. Hễ rảnh là tụi con mở máy cassette ra và hát chung với tất cả mọi người ở Làng. Băng cassette mà Chín gởi cho tụi con đó Sư Ông, có anh Minh thiền sư đàn đó Sư Ông. Sư Ông có thấy vui không? Hôm thứ bảy, chủ nhật tuần rồi có dì Yến và mấy bé Nhã, Trâm, Hiếu, Nhung và Vi qua nhà tụi con chơi. Tụi con có vặn băng cho họ nghe và tất cả cùng hát với nhau. Lâu lâu có người Việt Nam tới chơi vui quá Sư Ông ơi.

Khi nào rảnh thì con phụ mẹ làm colis quà cho các bạn thiếu nhi thiếu ăn ở Việt Nam. Thơ của họ gởi qua đọc buồn quá Sư Ông ơi. Có mấy nhỏ viết thơ qua cho con kể rằng nhà nó nuôi một bầy gà mà không được ăn thịt cũng không được ăn trứng vì chỉ là nuôi dùm lấy công. Tụi nó phải ăn độn đủ thứ. Mẹ con giao cho con phần dịch thơ ra Pháp văn cho các bạn Thụy Sĩ đọc.

Bên con vừa tan tuyết, trời đẹp được vài ngày thì tuyết lại rơi nữa. Con đang viết thơ cho Sư Ông trong nhà thì ngoài trời tuyết cũng đang rơi từng bông một, thật chậm. Con có cảm giác như tuyết cũng đang thiền nữa đó Sư Ông à. Có một hôm đang giữa tiết Pháp văn, mộng trở nên văn sĩ của con bỗng xông lên nồng nực Sư Ông ơi. Tự nhiên con muốn cầm bút lên viết, viết một cái gì đó cũng được nhưng phải viết. Con đọc quyển Thử Tìm Dấu Chân Trên Cát, con không hiểu gì hết Sư Ông ơi. Thơ của Sư Ông, con đọc không hiểu mà lại thấy hay. Thơ Sư Ông không giống thơ các thi sĩ khác mà con đọc. Con phải đọc mấy dòng của Chín viết chú thích mới hiểu được chút ít. Tết năm nay Sư Ông ăn tết ở đâu vậy thưa Sư Ông? Tụi con được mặc áo dài trong ngày tết, được mừng tuổi ba mẹ, xong rồi phụ ba mẹ làm cỗ cúng ông bà tổ tiên, vui lắm. Tụi con cũng nhận được bánh chưng và thiệp chúc tết của Làng do bác Cả gởi. Bánh chưng ngon lắm Sư Ông, nhưng sao năm nay bác Cả chỉ gởi cho gia đình con có một cái thôi, năm ngoái có tới hai cái lận!

Con xin kể thêm cho Sư Ông nghe về ngày Làng Hồng của tụi con. Ngày Làng Hồng nào cũng vui, cũng ấm cúng, cũng thân mật và nhất là cũng dễ thở và an lạc lắm Sư Ông à. Buổi sáng ngày Làng Hồng, việc trước tiên của con là chạy sang phòng Sâm và Thơ để đánh thức các em dậy. Ba chị em con sửa soạn quần áo và tóc tai, rồi cùng xuống nhà dưới ăn sáng với ba mẹ con. Mẹ con đã sắp đủ chỗ ngồi trong phòng khách để chuẩn bị tụng giới. Chúng con không có những chiếc gối tròn xinh xinh như ở Làng Hồng. Chúng con chỉ có những chiếc gối vuông vắn đủ màu mượn từ bộ ghế xa lông. Gối sắp thành vòng cung, phía trước là bàn Phật. Bàn Phật được con và Sâm dọn sạch sẽ từ chiều hôm trước đó Sư Ông à. Trên bàn Phật có tới hai bình hoa tươi thay thế cho những bông hoa giấy của mấy tháng lạnh mùa đông.

Mỗi lần tụng giới Tiếp Hiện, ba con, mẹ con và có khi con cũng được thay phiên nhau làm chủ tọa. Đến phiên con, con cũng phải đứng ngay ngắn trước bàn Phật để đọc bài kệ dâng hương. Sau đó, mọi người ngồi xuống, rồi Sâm và Thơ đến trước bàn Phật. Sâm đọc hai lời hứa và Thơ đọc ba sự trở về nương tựa. Xong hai đứa quay về chỗ ngồi và tiếp tục nghe giới Tiếp Hiện. Ngồi ngay ngắn chừng vài giây, tất cả mọi người chắp tay niệm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” và tụng bài kệ khai kinh. Sau đó người tụng giới bắt đầu đọc: “hôm nay tôi được đại chúng chỉ định chủ tọa…” rồi đọc từng giới một, từ giới thứ nhất đến giới thứ mười bốn. Hôm năm ngoái, lúc mới bắt đầu tụng giới, khi nghe đến câu: “hôm nay tôi được đại chúng…” con thấy bé Thơ nó tủm tỉm cười. Sau buổi tụng giới, con hỏi nó tại sao lại cười, nó trả lời: “đại chúng gì mà có mấy người hà, tức cười quá!” con nghe con cũng không nín được cười đó Sư Ông ơi. Phải rồi, đại chúng gì mà có mấy ngoe, có năm người chớ bao nhiêu, vậy mà cũng được gọi là đại chúng đó Sư Ông.

Nghe xong giới thứ mười bốn, tất cả chắp tay tụng bài hồi hướng. Tụng giới xong, mọi người đứng dậy xá Phật rồi đi ra. Mẹ con và chúng con sửa soạn cơm trưa. Ăn chay ở nhà mẹ con nấu ngon lắm Sư Ông ơi. Vì vậy tụi con đứa nào cũng thích ăn chay hơn cả ăn mặn nữa. Ba con lo đặt bàn. Bé Thơ đi bẻ hoa và xếp hoa quanh bàn thật đẹp. Con và Sâm thì phụ với mẹ. cơm nước xong con rửa chén, Sâm lau chén, Thơ dẹp chén bát vào tủ và ba thì xem tin tức trên đài truyền hình. Dọn dẹp đàng hoàng rồi thì mẹ mới đi nghỉ. Sâm chơi xe hơi, Thơ thì lấy sách Tý ra đọc, đọc chán thì nó thổi sáo. Con lấy giấy ra viết thơ cho ông bà nội, cho những người bà con ở Việt Nam và vài bạn. Con viết thơ và con mong ước được nhận thơ hồi âm. Thơ bên Việt Nam đọc sao hay quá Sư Ông ơi. Nhiều khi vui mà cũng nhiều khi buồn đứt ruột, nhưng con đọc hoài vẫn không thấy chán.

Khoảng ba giờ chiều, mẹ con đun nước nấu trà. Chúng con cùng xuống phụ mẹ sửa soạn thiền trà. Chỗ ngồi thiền trà y như lúc sáng nhưng ở giữa có thêm bình hoa mà hồi nãy ba đứa hái cho ba mẹ. Mẹ con hay làm chủ tọa nên ngồi đầu vòng cung. Con hay giữ việc pha trà nên ngồi đối diện với mẹ. Mâm trà bánh đặt bên phải của con. Bé Thơ làm phụ tá của con, ngồi bên trái, kế là ba, Sâm và mẹ con. Mẹ con dâng hương, tất cả cùng lạy Phật ba lạy và mẹ quay lại phía đại chúng lạy một lạy. “Đại chúng” cũng đáp lễ một lạy. Tất cả ngồi xuống, im lặng, thở và mỉm cười. Rồi con bắt đầu pha trà dâng tổ. Bé Thơ là người được chỉ định bưng mâm trà. Thơ nghiêm trang bước từng bước một đến chấp tay lại, nâng lấy khay, trên đó chỉ vọn vẹn có một tách trà nóng. Thơ bưng khay trà đến dâng lên chủ tọa. Mẹ con đón lấy và dâng lên Phật. Mọi người cùng chấp tay búp sen giống in như ở Làng Hồng Sư Ông à.

Khi Thơ trở về chỗ ngồi, con đưa khay bánh cho Thơ. Thơ chắp tay thành búp sen rồi lấy bánh rồi chuyền khay bánh cho ba. Con thở nhẹ, mỉm cười rồi lặng lẽ pha trà cho “đại chúng”…Cả nhà ăn bánh và uống trà rất là thanh tịnh và an lạc, Sư Ông ơi. Y như ở Làng Hồng vậy. Người nào muốn dùng thêm trà thì chắp tay lại, cái khay sẽ được chuyền đến. Ở nhà con, mọi người lại còn có quyền chắp tay xin thêm bánh, cho nên Sâm, Thơ cứ chắp tay lia lịa, lúc thì thêm trà, lúc thì thêm bánh. Buồn cười lắm Sư Ông ơi, thiền trà có năm người mà nhiều khi còn làm không kịp! có khi ba khen bình hoa đẹp quá. Ba đứa hãnh diện hơi vênh cái mặt lên. Mẹ con nói: “ba khen hoa đẹp chớ có khen tụi con đẹp đâu mà đứa nào cũng vênh váo cái mặt lên vậy?” cả nhà cùng cười. Rồi ba mẹ con thay nhau kể chuyện ba mẹ lúc nhỏ và thích nhất là chuyện của ba chị em con lúc còn bé tí teo. Hết chuyện thì đem tập nhạc ra hát chung. Con thấy ba, mẹ và các em con ai cũng thoải mái, vui vẻ, khác hẳn với mọi ngày phải chạy đua với thời giờ Sư Ông à.

Thôi con xin ngừng bút đây, sợ viết dài Sư Ông đọc mệt. Con hứa sẽ viết tiếp cho Sư Ông mỗi tháng một lần. Chỉ còn có mấy tháng thôi là con sẽ được gặp lại Sư Ông tại Làng Hồng. Con mừng quá Sư Ông ơi. Sư Ông cho con được làm thiếu nhi thêm ít nhất là năm năm nữa. Thưa Sư Ông, được không?

Thụy Sĩ ngày 18 tháng 4 năm 1985

Trang

Nhận xét của Sư Ông: Ngày Làng Hồng của các con còn thiếu việc thực tập thiền hành, uổng lắm.

 

NƯỚC CHẢY ĐÁ MÒN
Nguyễn Thanh Hùng (không) viết.

Anh Nguyễn Thanh Hùng được chị Chơn Không mời viết những cảm tưởng về chuyến lưu trú của anh ở Làng Hồng cho Lá Thư Làng Hồng kỳ này. Sau ba tuần lễ, anh Hùng viết thư xin lỗi không viết được. Sau đây là nguyên văn lá thư xin lỗi của anh ấy.

Houten ngày 29.3.1985

Chị kính mến,

Em xin lỗi chị vì đã không trả lời thư ngay cho chị. Thú thật đề nghị của chị đã làm cho cậu bé vò đầu và hao tổn năng lực rất nhiều. Em đã muốn nghe lời chị viết ít trang cảm tưởng về những ngày lưu lại Làng Hồng. em đã viết đi viết lại nhiều lần nhưng rốt cuộc cũng như là không viết: em đã xé bỏ, ngồi thừ ra, và cảm thấy cấn cái mãi. Cho tới hôm nay thì em đã thấy khoan khoái lâng lâng bởi vì em đã biết bây giờ em chưa thể nào viết được!

Có nhiều lý do để minh chứng cho em.

Em vẫn tin rằng ai tới Làng Hồng đều có trải qua một (hay nhiều) sự thay đổi trong đời sống tâm linh của chính mình. Nhưng chỉ có những người nào đã sống trong hoàn cảnh của em, mới có thể cảm thông được cho em. Hơn thế nữa, trường hợp của em lại là một trường hợp hy hữu vì được sống gần Thầy, gần gia đình anh Cả, chị Carole, Dũng, Đôn, Nhàn và gần chị hơn một tháng rưỡi. Thời gian dài quá, trong giai đoạn ấy, bao nhiêu điều đã xảy ra. Cho dù em có ghi vào nhật ký, em vẫn đã không thể ghi hết lại được. Em sợ rằng những điều mình viết cho lá thư sẽ trở nên rườm rà và không cô đọng. Em lại không có cái can đảm chọn lựa ra những nét chính hay chỉ chú trọng tới những mẩu đối thoại giữa Thầy và em. Biết bao nhiêu vấn đề đã được nói: triết lý, phật pháp, cái nhìn về nghệ thuật qua lăng kính thiền, sứ mạng của người làm văn nghệ, những câu nói khôi hài, những phút tĩnh tọa buổi sáng, những lần đi xuống Pháp Thân Tạng, những buổi trưa nghe chị kể chuyện về thời gian đi trợ giúp trẻ em đói ở cái xóm lao động có nhà cất trên những ngôi mả; rồi cái cảnh chị khóc vì thương mấy đứa bé, hoặc những buổi chiều hát nhạc mẹ việt nam, những buổi nghe Thầy giảng đạo dưới trăng cùng với Andy, Carole và Richard. Những buổi trưa nói chuyện với anh Cả dưới dàn khổ qua đầy trĩu trái, những buổi mai đốn củi, làm rẫy, bứt cà ở nương, thấy có cái thứ lá gì màu tim tím đẹp “chịu không nổi” ấy… ôi sao nhiều quá kể làm sao hết được?

Một thí dụ khá ngộ nghĩnh mà em có thể dùng để ví cho tác động của Làng Hồng trên bình diện nhận thức của người đã ở là một bức tranh chan chứa những tảng màu lớn và vĩ đại. Mỗi ngày người ta chỉ có thể nhìn được một phần của bức tranh; ngẩn người dưới áp lực của cái đẹp mà nó tỏa rạng ra một cách kỳ diệu, tuy bình dị nhưng ngấm ngầm và bền bĩ tựa nước chảy đá mòn. Điều buồn cười nhất là em không tự mình nhận thấy những thay đổi ấy nơi em mà phải đợi nghe và thấy những phản ứng của bạn bè qua những gì mình nói và làm mới biết được những dấu tích của ảnh hưởng thời gian lưu trú bên đó.

Thôi nhé, mong chị sẽ không bắt em làm cái công việc mà bây giờ em không thể làm nổi. Một lá thư hời hợt tả cảnh, ca tụng tướng đi của Thầy, cái văn hoa của anh Cả, dáng thanh lịch đạo hạnh của chị Carole hay bàn tay của chị cho những kẻ cực khổ chỉ là một lá thư loại réclame nhằm quảng cáo Làng Hồng. Em không nỡ làm như thế! Chị cứ thử nghĩ coi, thời gian em ở là thời gian Làng Hồng vắng khách vãng lai, không có nhiều biến cố, thành ra không có gì để viết trong tương quan người này người nọ, (hiểu là bạn cùng sống thiền). Cả thời gian ấy chỉ là một cô đọng học hỏi, nặng tính cá nhân.

Em chưa viết được bây giờ nhưng em sẽ cố gắng viết (không phải cho Lá Thư Làng Hồng mà cho chính em) một tập văn nhỏ về ngày tháng ấy. Em sẽ không quên tất cả mà sẽ ráng nhớ lại từng chi tiết một. Còn cả mùa thu nữa chứ, mùa hái nho và những chuyến đi tìm hái những cái nấm gì mà quý và đắt tiền đó. À nấm Cèpes.

Em xin lỗi chị luôn về chuyện không vẽ vignettes cho Lá Thư kỳ này. Chị lấy mấy hình em đã vẽ cho Thầy trong “Từng Bước Nở Hoa Sen” mà dùng nhé.

Quyển Từng Bước Nở Hoa Sen em sẽ cố dịch ra tiếng Hòa Lan, đương nhiên là một mình, vì chị Judith ở xa quá. Nhưng khi nào dịch xong sẽ đưa chị ấy nhuận chính. Riêng phần những bài kệ, sẽ cố gắng dịch thật sát và giữ ý. Phần thơ sẽ do chị Judith chịu trách nhiệm.

Hình bìa Trái Tim Mặt Trời thì chị cho phép em tạm khất nhé. Em sẽ cố gắng càng sớm và sẽ vẽ luôn cho quyển Bưởi nếu chị thích. À em mới tìm được tập thơ của Thầy in bằng tiếng Hòa Lan với hình vẽ của anh Võ Đình Schreuw van Vietnam đẹp lắm.

Em mong Thầy, gia đình anh Cả, Nhàn, Đôn, Dũng, chị Carole và chị vẫn mạnh khỏe. Hẹn mùa hè sẽ gặp lại.

Hùng.

TÁI SINH
Chơn Không viết.

Fred Eppsteiner, thiền sinh Hoa Kỳ, thọ giới Tiếp Hiện năm 1982, vừa phỏng vấn tôi để viết bài cho Phật Tử Hoa Kỳ đọc. Anh ta là nhà nhân chủng học. Anh cho biết khá đông người phật tử Hoa Kỳ hay thắc mắc về vấn đề kiếp sau của họ. Fred hỏi: “xin chị vui lòng cho biết kiếp sau chị định (hay mong ước) tái sinh ra sao?”

Về vấn đề sinh tử, tôi đã từng được học với Thầy lâu ngày, ngay từ lớp Phật học đầu tiên năm 1959 của đoàn sinh viên phật tử tại Ấn Quang, qua đến những lớp Pháp Tướng Duy Thức Học, Pháp Tánh Không Tuệ Học ở Đại Học Vạn Hạnh năm 1964…kể sao cho hết. Học thì học về lý thuyết vậy thôi, nhưng cái tư tưởng bình dân “khi chết, sẽ tái sinh vào thân thể một em bé sơ sinh gần căn cơ với mình nhất” vẫn còn in sâu trong tôi.

Từ năm 1976, Thầy hay dạy chúng tôi tập sống sao cho đáng sống và phải ý thức một cách rõ rệt là có thể mình sẽ chết một cách bất ngờ, có thể là trong một năm, có thể tối đa là trong mười năm. Nghĩ như thế để xử dụng thì giờ còn lại mà sống cho xứng đáng. Trên tiêu chuẩn ấy, tôi đã “cách mạng” rất nhiều nếp sống hàng ngày của mình. Sống nhiệt thành mà tập nếp sống tỉnh thức tối đa. Tập nắm giữ chánh niệm nhiều được phút nào hay phút ấy, nhiều được ngày nào hay ngày ấy. Tập ý thức là nếu ta chỉ còn có mấy trăm ngày nữa thôi để sống thì ta hãy sống sao cho xứng đáng để khi nhắm mắt, mọi việc sẽ sẵn sàng và ta sẽ không có chút gì hối tiếc. Tập đối diện mọi sự việc một cách an nhiên, tự tại, giữ tâm bình yên như đất, như núi. Nhờ thế tôi đã từ từ bỏ được những cau có và những phiền não mà trước đó tôi cho là cần. Tôi đã tập bỏ bớt những ưa thích và những giao tiếp xã giao không lợi lạc cho sự tu học của mình, những công tác có tính cách phô trương, có thể đem lại thêm lời khen mà không thực sự lợi lạc cho sự tiến tu của tâm linh mình. Tôi tập thấy mình là mẹ của bảy tám em bé đói ở kinh tế mới, thấy mình là người tù đói mèm và bị đánh đập bởi anh quản trại tàn ác, là cô bé gái bị hãm hiếp trên biển; tôi còn tập thấy mình là người cán bộ tàn bạo, người cai tù dã man, người hải tặc đầy thú tính. Đặt mình vào mọi trường hợp để hiểu tại sao và tại sao…nhờ thế, mỗi khi bị “hãm hiếp” bằng dư luận vô minh và tàn ác, tôi đã tìm cách đi vào cảm nghĩ của người gây nên tội ác kia để tìm hiểu và phát tâm từ bi mà bao bọc, mà buông thả, mà tập nở lại nụ cười an lạc. Nhờ thế, mỗi khi viết bài nói về nỗi thống khổ của đồng bào gởi đi các cơ quan nhân quyền như Ân Xá Quốc Tế I, F.O.R., B.P.F., Human Rights league…các báo chí ngoại quốc đứng đắn hay những nhân vật có ảnh hưởng ít nhiều đến chính quyền Hà Nội, bài tôi viết mang được một cái nhìn bao dung hơn và nhờ vậy đã lọt vào lỗ tai những người khách quan một cách dễ dàng.

Khi Thầy dạy chúng tôi nên tập quán niệm rằng mình có thể chết rất sớm, chết bất ngờ, quán niệm rằng tối đa là mình chỉ còn 10 năm để sống (năm đó là 1976), quả thật là tôi đã có ý thức hơn trước và cố gấp rút tìm người lo việc thay cho mình để tiếp tục sau khi mình nhắm mắt. Nhờ thế tôi đã có dịp trao truyền những thao thức của mình cho khá nhiều những bạn trẻ có lòng và có căn cơ gần gần như tôi. Trong số những người này, có mấy người sinh viên phật tử Thái Lan. Tôi hy vọng họ sẽ để thì giờ lo cho trẻ em thất học và thiếu ăn ở Thái nhiều hơn, hy vọng họ có thể gây được một phong trào cơ bản như Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, Gia Đình Phật Tử hay Hướng Đạo Phật Tử…mà những người phật tử trẻ ở Việt Nam đã cố gắng làm. Biết đâu công việc của họ có thể ngăn chận sự hình thành của một số lớn hải tặc và một số cảnh sát tham ô của đất nước họ trong tương lai. Tôi đã chia xẻ những thao thức về sự chuyển biến cọng nghiệp bất công trên quả đất với những thanh niên và thiếu nữ Pháp, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Anh, Hoa Kỳ…và họ cũng đã và đang đứng ra lo cho trẻ em đói trên thế giới. Mỗi khi nhìn Pierre, Anne Marie làm việc hay đọc những tài liệu đóng góp đáng kể của Partage, Terre de Vie hay Action Lotus…tôi thấp thoáng hình ảnh tôi trong những năm 1960-1970, đầy sức khỏe, nhiều sáng kiến, nhiều khéo léo tổ chức, không có tính cách quá quan liêu kẹt vào thủ tục hành chánh như các tổ chức xã hội truyền thống của các nước Âu Châu. Tôi đã chia xẻ những thao thức về sự chuyển đổi cọng nghiệp của dân tộc với một số các bạn trẻ Việt Nam (phần đông nhỏ hơn tôi từ 20 đến 25 tuổi) và từ từ tôi chợt thấy nơi họ thấp thoáng hình ảnh tôi 20 hoặc 25 năm về trước, trẻ, mạnh, nhiều sáng kiến và điểm hay nhất là họ biết luyện tập giữ chánh niệm ngay khi họ còn rất trẻ. Nhờ thế, bây giờ, họ có nhiều an lạc hơn tôi hồi đó, ít phiền não hơn tôi hồi đó. Cho đến khi Fred đặt câu hỏi: “xin chị cho biết là kiếp sau là chị sẽ tái sinh như thế nào” thì mắt tôi chợt sáng lên và tôi thấy rất chân thật rất tự nhiên là tôi đã tái sinh từ lâu rồi, tái sinh nơi biết bao nhiêu bạn trẻ đã chia xẻ với tôi biết bao thao thức và biết bao hành động. Quả tình là tôi đã tái sinh chút ít nơi các thanh niên phật tử Thái Lan tiến bộ đang lo cho trẻ em đói vùng Bắc Thái, nhưng chút ít thôi. Tôi với họ không gần gũi như các em phật tử dân Làng Hồng. Quả tình là tôi có thấy tôi nơi Pierre, nơi các bạn thuộc nhóm Partage, Terre de Vie…vì họ làm việc rất giống tôi trong những năm 1960 và đầu 1970. Tuy nhiên, tôi không mong các bạn trẻ “hậu thân” sẽ như họ. Tổ chức lớn quá sẽ có nhiều uy tín không cần thiết, tiền bạc tập trung vào một nơi nhiều quá sẽ không có lợi cho công việc và cho đời sống tâm linh của mình. Khi công tác có kết quả tốt và gây nhiều ảnh hưởng lớn thì dù muốn dù không, sự ủng hộ cũng sẽ ào ạt tới và có thể làm tràn ngập mình. Lúc ấy phải biết chia ngay công tác cho những nhóm mới, trẻ hơn mình và chia sẻ kinh nghiệm với họ để họ có thể làm với mình, làm thay mình và làm xuất sắc hơn mình. Để mình có thì giờ sống thâm sâu hơn, những hoa trái công tác lại trở nên hữu hiệu và có ý nghĩa hơn. Một vài em đã thay tôi làm việc một thời gian và chính họ đã nảy sinh nhiều sáng kiến bất ngờ và tôi chợt thấy “kiếp sau” của tôi có phần khá sáng sủa. Tôi nói với Fred: “tôi đã tái sinh từ lâu rồi Fred ạ, xinh đẹp hơn cả kiếp này nhiều. Nhưng mà tôi chẳng dại gì chỉ cho Fred thấy “kiếp sau” của tôi đâu. Fred phải tự tìm lấy. Đó là những người trẻ hơn tôi nhiều mà lại có những thao thức của tôi, biết thấy biệt nghiệp của mình và cọng nghiệp của những người đau khổ trên quả đất này là một, biết lượng sức mình và gánh từ từ những trách nhiệm để chuyển đổi biệt nghiệp và cọng nghiệp ấy. Điều quan trọng nhất là phải biết tập nắm giữ chánh niệm để trước mọi hoàn cảnh bất như ý đều có thể tập an nhiên như đất, như đá, như mây trắng thong dong. Tôi chỉ nói tập thôi, vì như Fred biết, tôi chưa giỏi bằng đất, bằng đá và bằng mây trắng thong dong. Kiếp sau và kiếp sau nữa thì họa may sẽ bằng. Lo gì! Từ từ, thế nào rồi cũng đi tới.”

Tôi đã nói chuyện với Fred xong rồi, bây giờ tôi muốn thưa với các bạn. Tôi xin các bạn trả lời dùm là thầy Thiện Minh chết trong tù năm 1977 đã tái sinh chưa? Nếu bây giờ các bạn đi tìm thầy trong hình hài một bé tám tuổi thì…buồn quá. Tôi thấy thầy đã tái sinh trong chí khí của những người trẻ rồi trong số đó có các thầy Tuệ Sĩ, Trí Siêu, Nguyên Giác, Như Minh, Tắc Minh…có cả các cô Trí Hải, cô Nghĩa và bao nhiêu người hữu danh và vô danh khác đang âm thầm làm việc cho tự do và nhân đạo khắp nơi, trong nước cũng như ngoài nước. Tôi xin các bạn trả lời là các thầy Huyền Quang và Quảng Độ đang bị lưu đày cùng hàng vạn người đang sống trong lao tù và trong các trại học tập, trong đó kể cả giới trí thức và văn nghệ sĩ mà ta yêu mến…họ có đang thật sự bị cô lập và bất lực không? Ta phải thấy họ đang tái sinh nơi ta, và nơi bao nhiêu người trẻ khác, trong nước cũng như ngoài nước. Có thể là họ đang vô hành trong ta và đang hữu hành trong ta. Thấy như vậy thì ta thấy được sức sống của dân tộc trong tương lai, mặc dù hiện tại đầy đau thương và thống khổ. Dân tộc là một dòng sinh mạng và sự tái sinh phải được thực hiện trong từng giây từng phút. Chỉ cần nếp sống tỉnh thức, chỉ cần thoát ra khỏi trạng thái vô tâm quên lãng là ta thể nhập được vào dòng sống linh động đó và tương lai sẽ khai mở trước mắt ta.