Về với đất Mẹ

Xin hôn lên đất Mẹ
Những bước chân đầu ngày
Ung dung
Nhẹ nhàng
Thơm mùi tinh khôi buổi sáng.

Cám ơn Mẹ đã cho con những tháng ngày hạnh phúc
Đã cho con những tiếng cười giòn giã
Đã cho con biết thương yêu hương hoa đồng nội
Biết trân quý những điều đẹp lành đơn giản
Biết tận hưởng không gian bao la của đất trời.

Con muốn trở về bên Mẹ
Lặng im nghe hơi thở Mẹ trao
Con muốn trở về bên Mẹ
Sám hối tất cả những lỗi lầm con đã gây ra
Những đau thương, vô tình con đã gởi vào đất Mẹ.

Con muốn trở về bên Mẹ
Có mặt trọn vẹn cho Mẹ
Không hờn dỗi, oán trách
Không đòi hỏi, buồn phiền
Con nguyện trở về bằng trái tim lành lặn an vui
Cất lên những khúc hát yêu thương
Cho vết thương trong Mẹ được chữa lành
Con nguyện sẽ thường xuyên trở về
Gìn giữ không gian,
Gìn giữ tự do
Để hiến tặng cho Mẹ
Không gian bao la và
Tự do muôn đời.

 

Dòng chảy yêu thương

Sư cô Chân Tuệ Nghiêm là một vị giáo thọ, hiện đang tu học tại xóm Mới, Làng Mai. Trong vai trò một sư chị lớn, sư cô cùng với các sư anh, sư chị lớn khác đang thay Sư Ông hướng dẫn và chăm sóc các sư em của mình.

 

Xóm Mới, ngày… tháng… năm…

Thầy kính thương,

Sáng nay con đọc một đoạn kinh trong Tăng chi bộ, Bụt dạy thầy Ananda nên có trách nhiệm chăm sóc, sách tấn, và nhắc nhở các vị mới tu. Bụt dạy thầy Ananda nên khuyên các vị mới tu về năm sự thực tập: sống theo những giới luật đã tiếp nhận, hộ trì sáu căn, nói ít lại, sống trong tĩnh lặng, và nuôi lớn chánh kiến. Đọc đoạn kinh này, con thấy y như Thầy đang nhắc nhở các sư anh, sư chị nên chăm sóc, sách tấn, và nhắc nhở các sư em về những điều ấy.

Từ khi Thầy bệnh đến giờ, các sư anh, sư chị lớn chúng con phải thay Thầy nói pháp thoại cho tứ chúng, nhắc nhở, chăm sóc, và hướng dẫn cho các sư em. Con cũng vậy, cũng phải đứng ra để thực tập những điều đó. Thầy được tiếp nối qua tăng thân, trong đó có các sư em. Chăm sóc các sư em là chăm sóc Thầy, chăm sóc Thân Tiếp Nối (Continuation body) của Thầy, vì vậy mà con không ngại ngùng đứng lên để đóng vai trò người chị. Con chỉ biết làm hết khả năng, bởi đối với con, trách nhiệm này không phải dễ. Con biết khả năng chăm sóc các sư em tùy vào khả năng con tự chăm sóc tâm hồn, sự tu học, và sức khỏe của con. Thầy kính thương, đây là những điều con đang làm để tự chăm sóc con mỗi ngày.

Thực tập những pháp môn căn bản. Con nương vào những pháp môn căn bản để nuôi lớn nguồn chánh niệm, sự bình an, tĩnh lặng, và hạnh phúc trong con. Con luôn tự nhắc, pháp môn căn bản là thức ăn của con hàng ngày. Mục đích của con khi xuất gia là nuôi lớn khả năng sống tỉnh thức, thương yêu, hiểu biết, và chuyển hóa khổ đau. Vì vậy con luôn xem sự hành trì những pháp môn căn bản là quan trọng hơn cả.

Tham dự các thời khóa sinh hoạt của đại chúng đầy đủ. Đây là cơ hội để thân tâm con được trị liệu và nuôi dưỡng nhờ năng lượng bình an và chí nguyện tập thể, và như vậy con cũng đóng góp sự có mặt của con để yểm trợ cho các chị em. Con thấy rõ tham dự thời khóa đầy đủ là cách đóng góp và xây dựng tăng thân thêm vững mạnh.

Có thì giờ ngồi yên một mình để nhìn lại bản thân. Điều này con cũng làm theo lời Bụt dạy cho các thầy hồi xưa, là nên tìm đến một căn nhà vắng hoặc một khu rừng, để quán chiếu và nhìn sâu vào lòng thực tại. Con biết khi con bận rộn với công việc và với trách nhiệm của một sư chị lớn, con rất cần thì giờ ngồi một mình để nhìn lại chính mình. Sống trong một chúng lớn, con có thể có thêm thì giờ vào lúc sáng sớm, trước khi đại chúng thức dậy. Đây là thời gian linh thiêng và trị liệu cho con, để có thể chăm sóc tâm thức con và tự sách tấn trên con đường tu học.

Thể dục mỗi ngày. Thân ốm thì tâm cũng ốm. Vì vậy, con dành thời gian tập thể dục mỗi ngày. Chăm sóc thân thể con cũng là chăm sóc cho các sư em, chăm sóc cho tăng thân. Có sức khỏe, con mới đóng góp sự có mặt của con cho tăng thân hết lòng.

Nghe pháp thoại của Thầy. Mỗi ngày con dành ít nhất nửa tiếng để nghe pháp thoại của Thầy. Bao nhiêu tuệ giác của Thầy, Thầy đã truyền đạt qua những bài pháp thoại. Nghe pháp thoại của Thầy, con có cơ hội tiếp xúc với những tuệ giác lớn để có thể chạm được ánh sáng ấy trong lòng. Thầy là một người thầy có tuệ giác, có tình thương lớn, một người thầy cách mạng, đã làm mới đạo Bụt để anh chị em chúng con có cơ hội học hỏi, thấm nhuần tinh ba và cốt tủy của đạo Bụt. Là một người có cái nhìn đi trước thời đại (visionary), Thầy đã mở một con đường sáng, đẹp và rộng lớn cho anh chị em con. Con thực tập để tiếp nhận gia tài quý báu mà Thầy trao truyền mỗi ngày.

Thực tập giới luật uy nghi. Con đang hướng dẫn lớp giới luật Tỳ kheo ni cho các sư em. Truyền trao cho các em cũng là cách con tự nhắc nhở mình về sự thực tập giới luật uy nghi, để con có thể ý thức được sự hiểm nguy trong những điều nhỏ nhặt mà tránh gây ra lỗi lầm và đổ vỡ. Hành trì uy nghi giới luật, con mới có thể làm gương cho các sư em.

Nói ít lại và sống tĩnh lặng. Nói ít lại, sử dụng năng lượng và thì giờ để đầu tư vào việc tu học và trau dồi cho chính con. Sống tĩnh lặng, con có thể trở về với nội tâm, thực tập nhận diện sự biểu hiện của các tâm hành để hiểu mình hơn.

Tiếp xúc với thiên nhiên. Con tiếp xúc với những mầu nhiệm của đất Mẹ mỗi ngày cho thân tâm được nuôi dưỡng bởi những gì đẹp và tích cực. Những gì con vun trồng nơi đất tâm lành mạnh thì cuộc đời con cũng sẽ trở nên lành mạnh và ý nghĩa.

Buông bỏ. Một trong những thực tập quan trọng hàng ngày cho con là buông xuống những suy nghĩ, những ý kiến và tri giác của con. Con vẫn nhắc nhở các sư em, nhưng con tập buông, dù các em có làm theo hay không. Trong buổi họp, con đóng góp ý kiến, và sau đó buông nó đi dù ý kiến có được chấp nhận hay không. Không có gì phải quá quan trọng. Buông được những gì trong lòng để tâm có không gian, yên tĩnh và sáng suốt. Chính cái tâm yên tĩnh, sáng suốt và tự do mới là cái cần thiết cho cuộc đời xuất sĩ.

Thầy kính thương,

Con cảm thấy con đang thực tập những điều Bụt dạy thầy Ananda: phải có trách nhiệm chăm sóc, sách tấn, và nhắc nhở các sư em trong công phu tu học. Và con cũng đang làm điều đó cho con như một vị mới vào tu. Sống theo giới luật uy nghi, hộ trì sáu căn, hạn chế sự nói năng, sống tĩnh lặng và nuôi lớn cái nhìn đúng đắn, những điều này không chỉ dành cho người mới vào tu, mà cho tất cả những xuất sĩ nào muốn thanh lọc thân tâm và muốn có tự do trong lòng. Đây chính là những thực tập giúp con có tự do, hạnh phúc, và vững chãi. Nhờ các sư em mà con nỗ lực hơn trong việc tu, học, và tham gia sinh hoạt của chúng vì con biết, các sư em đang trông mong và nương tựa nơi các sư anh, sư chị lớn.

Nhìn lại, con thấy không những các sư anh, sư chị lớn mới đóng vai trò thầy Ananda để chăm sóc và sách tấn các sư em. Mỗi người trong tăng thân đều đóng vai trò ấy. Ai cũng là thầy Ananda. Ai cũng phải tiếp nối Thầy để dìu dắt, nhắc nhở và thương yêu các sư em. Nếu trong tăng thân, ai cũng đóng vai trò người anh, người chị như thầy Ananda và ai cũng hành trì những điều Bụt dạy cho các vị mới vào tu, thì tăng thân sẽ lớn mạnh, là nơi nương tựa vững chãi cho mọi người, và có thể đi rất xa trên con đường thương yêu, hiểu biết, và chuyển hóa khổ đau mà Thầy đã một đời trao truyền.

 

Đường mòn

 
Con đường mòn bao lần ghi dấu lại
Những âm thầm kỷ niệm tháng ngày trôi
Có con đường ôm hết mọi buồn vui
Vẫn im lặng thủy chung qua đông hạ
Dòng suối chảy, tiếng uốn mình trong đá
Cây rung rinh nghe gió hát bên đồi
Còn con đường cứ mãi lặng im thôi
Để nâng đỡ bước chân người qua lại
Bước hồn nhiên thương đời tim thơ dại
Bước đầu ngày mang tâm sự đầy vơi
Hay bước chân vô úy khắp muôn nơi
Mang chí nguyện cao xa hoài một dạ
Hỡi con đường có cỏ hoa với đá
Bao lần rồi đưa tiễn bước ai đi
Hay chào đón những người con trở lại
Sau chuỗi ngày rong ruổi với thời gian.
 
Có con đường quen giữa hai xóm nhỏ
Buổi thiền hành nhè nhẹ bước chân qua
Hoa với lá điểm tô thêm sức sống
Cho đường yên thêm đẹp mỗi sớm mai
Ôi! Con đường mòn bao giờ cũng vậy
Luôn âm thầm ôm ấp bước chân thơ
Hay chữa trị những tâm hồn tan vỡ
Rồi nâng đỡ những bàn chân bỡ ngỡ
Mới lần đầu tập tễnh bước yêu thương.
 
Thời gian trôi đã bao giờ em nhớ
Có con đường luôn chờ đón bước chân em
Hãy bước đi em, bước trên con đường ấy
Con đường mòn có đá với cỏ cây
Hãy bước đi em, bước trên con đường ấy
Đường chông gai trắc trở những tháng ngày
Hãy bước đi em, bước trên con đường ấy
Bước vững vàng giữa gió bão mưa vây
Hãy bước đi em, bước trên con đường ấy
In thật sâu thật đậm chí nguyện này
Một chí nguyện cao xa và lớn rộng
Của ngày nào em quỳ gối chắp tay
Trước Thầy, Tổ, Tăng thân cùng huynh đệ
Phát nguyện sâu dâng hiến trái tim này.
 

Buổi sáng

Buổi sáng, nắng nghiêng qua tán lá, tạo thành những đốm râm – sáng rơi trên những con đường quanh co, tôi biết là những bông hoa nắng đã ra đời. Dưới mặt trời, loài hoa nào cũng nở bung ra như sứ mạng, ngọn núi nào cũng chứa cả một tâm hồn. Bình minh là bản hòa ca vi diệu của thời không. Tôi thấy giây phút này trôi qua thật nhẹ, và cái mát mẻ đầu ngày cũng là sự linh thiêng!

Buổi sáng, chim từ đâu về líu lo khắp lối. Em nghe trong tiếng hót là cả một niềm vui lớn, chúng hân hoan được có thêm một ngày nữa sống trên đời. Loài chim hay con người cũng mừng vui khi sống. Mỗi khi tấm lòng này bình thường và nông nổi, em lắng cõi lòng nghe chim hót, để lại thấy yêu đời trong từng phút đổi thay!

Buổi sáng, tôi ngửi được cái mùi thơm của đất, cái hương thầm, rất quen. Chỉ có quê hương mới có được cái mùi đặc trưng như thế. Bước chân nhờ đó mà cẩn trọng, để cảm nhận, hoặc là để tương phùng. Khi để một chút hồn mình vào hoa cỏ, chúng thật là những người bạn thân quen. Tôi thích cái hòa quyện của đất và cỏ hoa hơn cả. Đi đâu về mà nghe cái hương thân thương đó là thấy ấm lòng, như là được chở che!

Buổi sáng, hương vị của chén trà mầu nhiệm quá, nhấp một ngụm rồi như kết nối với bao giọt mồ hôi. Em uống trà để biết mây là tri kỷ của đời em, để nhận ra tình thương hoàn vũ, trở thành chung với những khoảng cách trên đời. Thế giới là gì, là sản phẩm, hay là một ý nghĩ vẩn vơ. Chẳng có ai mập mờ như thế cả, đúng không? Nhưng uống trà với nguồn tâm trong lắng, dừng hẳn mọi kiếm tìm, thì thế giới sẽ chuyển mình trong cái vị ngọt đắng thiêng liêng!

Buổi sáng, tay nắm lại giữa trời lập đông, tôi thấy lâng lâng như sắp sửa lại lên đường. Sự sống vẫn chờ, hành trình hai ta đều kì lạ, mà giống nhau. Mặt đất là một đường tròn, hễ nói hành trình thì phải nói tới muôn trùng gặp lại. Qua những tháng ngày, những gì đẹp đều lắng sâu vào trí nhớ, trở thành những lối về trong những phút chênh vênh.

Buổi sáng, trang sử cuộc đời vừa được mở ra, chờ những buồn vui tôi phủ đầy trang giấy trắng. Có khi lòng đau nhói, tôi quên mất vầng sáng trên cao. Những thứ ta gặp trên đời, chút gì là hạnh phúc, chút gì như niềm đau. Ta mênh mang từng nghĩ chúng là những xúc cảm không chung một bầu trời. Niềm đau là những gợn sóng lăn tăn đến đi trên đôi mắt, hoặc đã cài then khóa cánh cửa tâm hồn. Đôi lúc chỉ cúi đầu, chẳng cần chi lời nói. Vậy mà vẫn muốn viết lên những lời thật đẹp, cho buồn vui dung hòa. Hạnh phúc và niềm đau là hai mặt của tờ giấy sử. Có lẽ tình thương là thế, qua những lần thử thách thì mới thấy đẹp hơn!

Khi em và người thương có những cách ngăn xa vời vợi, thì buổi sáng vẫn còn, niềm ủi an duy nhất. Khoảng thời gian quên đi cái lây lất ngày qua. Lúc đó chỉ cần một con đường vắng, vài chiếc lá rơi, nghe tiếng chuông vẳng từng hồi, là đủ. Thiên nhiên hùng lực hàn gắn được những mảnh vỡ tưởng chừng như không thể. Bước chân gửi cho đất những va vấp nhiều lần, mà trái tim không hề đổi. Nhờ đất trời, em tìm lại bản chất của tình người quý giá. Thật là những tấm lòng cao cả. Tôi nghĩ đến đất, nhớ đến sự trở về, một cái gì bao dung, sâu lắng.

Buổi sáng, tôi muốn làm thơ, nhưng nhớ đến câu: “Xin đừng nghe lời thi sĩ…” thì một chút ngần ngại, tuy không phải nhà thơ nhưng sợ người khác không tin mình. Có thể tôi hiểu sai ý thơ tác giả. Mà đã có người không tin mình rồi đó chứ! Thế mà cái sợ chỉ đến một chút, rồi đi, vậy thôi!

Buổi sáng, nơi em bắt đầu sứ mạng không cho một ngày oan uổng qua đi, nơi em dựng xây một góc an lành cho thế giới. Nó đẹp như những năm tháng đầu đời của bé thơ. Chẳng có miên trường nào rơi trên tâm tư cả. Tôi nhớ đến Bụt, Người của những buổi sáng thật an lành. Sinh ra đời không phải để đếm những vết thương, mà để làm bé thơ có mặt cho buổi sáng. Vầng dương lên như mở hội, tôi bắt đầu nuôi lớn những không gian. Em hãy hướng mắt về mặt trời, quy phục trước một cái gì là cội nguồn cho tất cả, lập nguyện yêu thương, để biết ơn, và để thấy mình không lỗi hẹn!

 

Hình hài mầu nhiệm

Khóa tu dành cho các nhà lập trình và thiết kế mạng tại San Francisco, Mỹ

(Bài được chuyển ngữ từ tiếng Anh)

Có một câu hỏi thường đi lên trong tôi, đó là khoa học công nghệ có giúp chúng ta hạnh phúc và thảnh thơi hơn không? Quá trình tiến hóa 541 triệu năm của loài người có giúp chúng ta sẵn sàng cho những phức tạp, bế tắc về cảm xúc mà chúng ta đang phải đối diện trong hai mươi năm trở lại đây – thời đại mà chúng ta liên lạc và truyền thông với nhau, thậm chí với chính mình, chủ yếu qua máy vi tính, màn hình, bàn phím, máy thu hình và micro cài sẵn?

Thầy có dạy rằng khi sử dụng máy tính trong hai tiếng đồng hồ, chúng ta thường quên mất là chúng ta có một hình hài. Tôi nhớ hồi tôi mới tám tuổi, mẹ tôi đã mượn một máy Apple IIe mới tinh của trường tiểu học nơi mẹ dạy trong kỳ nghỉ hè năm 1984. Ba mẹ bắt tôi ngồi trước cái máy, và trong khi tôi nhìn vào cái màn hình xanh đen một cách thờ ơ, mẹ tôi bảo: “Ba mẹ thấy con cần phải học sử dụng cái máy này để chuẩn bị cho tương lai của con”. Thực thế, trong mấy mươi năm sử dụng máy tính để lập trình, làm bài tập ở trường, chơi game, viết email (khi email đã trở nên phổ biến), và sau này là sử dụng máy để thiết kế các trang web của Làng Mai, đã có những lúc tôi thật sự quên mất là mình có một hình hài. Là một người xuất gia trẻ, tôi tự hỏi liệu mình thật sự có khả năng an trú trong giây phút hiện tại, ý thức về hơi thở và hình hài trong khi sử dụng máy vi tính hay không?

Thế giới công nghệ – nhìn sâu để thấy rõ

Lúc này đây, tôi đang ghi xuống những dòng này trên giấy bằng bút máy. Nhưng để bài viết này được in ra trong Lá Thư Làng Mai, quý thầy, quý sư cô sẽ phải ngồi trước máy tính để dịch nó từ tiếng Anh ra tiếng Việt. Bản dịch cũng sẽ được chỉnh lý trên màn hình, được dàn trang, sau đó có thể nó sẽ được lưu vào một thẻ nhớ hoặc được gửi qua email. Bốn mươi năm trước, quy trình này gần như không thể thực hiện được vì cần phải điều phối hàng chục, nếu không nói hàng trăm máy tính với đủ loại phần mềm phức tạp và tinh vi. Một điều đáng kinh ngạc không kém là khi nhận một quyển Lá Thư Làng Mai còn thơm mùi mực in gửi qua đường bưu điện, sẽ không có ai nghĩ đến quy trình kỹ thuật ấy, cứ như nó là một chuyện đương nhiên, rất bình thường.

Điều này khiến tôi nhớ đến câu chuyện về nhà bác học thiên tài Albert Enstein. Năm 1902, chàng thanh niên Albert Enstein nhận một công việc có vẻ hơi tẻ nhạt tại Cục cấp bằng sáng chế Bern với vị trí là chuyên gia kiểm tra các bằng sáng chế. Việc kiểm tra các sáng chế liên quan đến sự đồng bộ hóa cơ điện của mọi đồng hồ ở tất cả các trạm xe lửa của Thụy Sĩ đã dẫn ông tới những kết luận quan trọng về bản chất của ánh sáng và sự liên hệ mật thiết giữa không gian và thời gian. Liệu chúng ta có thể tự huấn luyện mình, như Einstein, để có thể nhìn sâu vào những gì đang xảy ra trong lĩnh vực công nghệ và dùng chánh niệm để tiếp xúc với bản chất tương tức của thân, tâm và tất cả các pháp hiện hữu xung quanh ta, nhờ đó có thể đạt tới một cái thấy sâu sắc hơn về chính mình: mình là ai và làm thế nào để mình có thể sống hạnh phúc hơn trong phút giây hiện tại?

Ý tưởng về một khóa tu cho giới lập trình và thiết kế mạng

Tháng Tám năm 2014, trong một cuộc gặp gỡ tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) ở Waldbröl, Đức, một nhóm gồm quý thầy, quý sư cô và hai bạn thiền sinh Wake Up – những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, đã phát khởi ý tưởng: Thầy muốn chúng ta thiết kế một thiết bị điện tử giúp chúng ta chế tác thảnh thơi và hạnh phúc. Vậy thì tại sao trong chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ, chúng ta không tổ chức một khóa tu dành riêng cho các chuyên gia lập trình và thiết kế mạng tại thung lũng Silicon, trái tim của thế giới công nghệ? Nếu các nhà lập trình và thiết kế mạng có thể đến với nhau để cùng tập thở, tập đi và tập ăn cơm trong chánh niệm, dù chỉ trong vài ngày của khóa tu, thì tài năng sẵn có của mỗi người kết hợp với tuệ giác tập thể chắc chắn sẽ mang lại những kết quả lớn hơn nhiều so với những gì mà chúng ta có thể mong đợi.

Nhờ sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của anh Kenley Neufeld – một người bạn, cũng là một giáo thọ cư sĩ, cùng với những đề nghị rất hay của thầy Pháp Dung trong cuộc họp chuẩn bị cho chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ, chúng tôi đã lên kế hoạch để tổ chức khóa tu vào tháng Mười năm 2015.

Khóa tu “thí nghiệm” – mỗi ngày là một sự bất ngờ

Theo dự định, đó sẽ là một khóa tu nhỏ. Chúng tôi muốn thử nghiệm trước, giống như những nhà khoa học bắt đầu cuộc thí nghiệm chỉ với một ít nguyên liệu nếu như chúng có khả năng gây nổ. Vì là lần đầu tiên “thí nghiệm” khóa tu kiểu này nên chúng tôi không có chương trình hoàn chỉnh được vạch sẵn từ trước. Nhóm tổ chức khóa tu – gồm sư cô Diệu Nghiêm, thầy Pháp Trạch, thầy Pháp Mãn, sư cô Hiến Nghiêm, sư cô An Nghiêm và tôi, cùng với Kenley, muốn xem các sinh hoạt tiến triển như thế nào trong mỗi giờ, phản hồi của thiền sinh ra sao. Vì vậy, mỗi lần lên chương trình hay thời khóa sinh hoạt, chúng tôi chỉ làm cho nửa ngày thôi. Sự thực tập mà Thầy trao truyền đã giúp chúng tôi có thể phối hợp với nhau một cách chánh niệm trong thời gian chuyển tiếp giữa các sinh hoạt, lắng nghe ý kiến và đóng góp của mọi người để đi đến một quyết định chung về sinh hoạt kế tiếp. Kinh nghiệm thực tập và tổ chức khóa tu của quý thầy, quý sư cô trong tăng đoàn đã giúp cho khóa tu có thể được tổ chức một cách thoải mái và linh động đến như vậy.

40 phút chỉ để gửi một email

Một trong những thực tập làm cho khóa tu này khác với những khóa tu thông thường là “thiền email”. Một bạn trẻ chia sẻ: “Thực tập viết email trong chánh niệm là một kinh nghiệm thực sự làm cho tôi thức tỉnh và mở lòng ra”. Thiền sinh đến khóa tu được mang theo các thiết bị điện tử như laptop, iPad hoặc điện thoại di động. Sau khi các máy vi tính được kết nối với mạng Wifi, thiền sinh được mời để máy vi tính sang một bên. Các bạn thực tập trở về với hơi thở, thiết lập thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại, ý thức toàn thân và nhận diện những cảm thọ đang có mặt.

Một lúc sau, mọi người, kể cả quý thầy, quý sư cô, đem chiếc máy của mình để lên bàn phía trước mặt. Ai cũng đặt tay lên trên máy tính và thực tập nhìn sâu vào nó – để thấy những khoáng chất mà người ta đã khai thác để làm nên chiếc máy; thấy những người thợ mỏ và những hiểm nguy mà họ phải đối diện mỗi ngày; thấy những phần mềm, hàng chục triệu dòng mã để tạo nên chiếc máy cho chúng ta sử dụng; thấy những sáng tạo của biết bao chuyên viên, cả nam lẫn nữ. Để chiếc máy vi tính càng ngày càng tinh xảo, các kỹ sư đã phải bỏ ra hàng chục triệu giờ công để thiết kế, hoặc tái thiết kế mỗi thành phần: CPU, card đồ họa, ổ cứng, màn hình, v.v.

Sau đó, mọi người trở về ý thức tới cảm xúc của mình khi bắt đầu mở laptop hoặc thiết bị điện tử của mình ra, nhưng chưa bật máy lên. Vài người thấy được bóng mình phản chiếu trên mặt máy. Có tiếng ai đó cười khúc khích. Rồi trong khi hết lòng chú tâm vào hơi thở, mọi người cùng bấm nút khởi động máy.

Có bao nhiêu là cảm thọ đi lên trong tôi từ khi bấm nút khởi động máy! Tôi nhận diện được cảm thọ hồi hộp, phấn chấn phát khởi khi máy laptop vừa khởi động. Và tôi cũng nhận thấy tâm tôi chuyển rất nhanh sang chế độ “làm việc” (doing), muốn chạy tới trước, muốn bắt đầu công việc ngay thay vì chỉ đơn thuần có mặt trong giây phút hiện tại. Tất cả những cái đó chỉ diễn ra trong một vài tích tắc mà thôi.

Sau khi ý thức đến hơi thở, nhận diện các cảm thọ và trạng thái của tâm mình trong khi dõi mắt trên màn hình, chúng tôi được hướng dẫn làm một việc: mở email ra và viết email cho một người thân, nhưng phải viết trong chánh niệm. Cứ vài phút lại có một tiếng chuông được thỉnh lên để mời mọi người trở về với hơi thở trong lúc viết email như một tăng thân. Sau đó, tất cả đều bấm nút “send” để gửi cùng một lượt. Cả quá trình thực tập thiền email mất khoảng 40 phút. Bốn mươi phút chỉ để gửi một email!

Mở lòng cho những sẻ chia

Trước khi kết thúc khóa tu, thiền sinh và quý thầy, quý sư cô được mời lên chia sẻ. “Trong khóa tu, con cảm thấy quý thầy, quý sư cô và những người tham dự cùng nhau khám phá những tác động của sự thực tập chánh niệm với một tinh thần cởi mở mà không có sự chỉ đạo, điều khiển nào cả”, một chuyên viên thiết kế phần mềm nhận xét. “Thời gian quán chiếu sau khi gửi email đi là một thí dụ. Có một thầy hỏi chúng con cảm thấy thế nào về phương pháp thực tập này – kỳ cục, ích lợi, hay quái lạ? Con thấy thầy hỏi rất thật và mở lòng lắng nghe những phản hồi khác nhau từ mọi người mà không có sự ngần ngại”.

Những thực tập tương tự như vậy trong khóa tu – đem chánh niệm soi chiếu vào sự tương tác giữa người và máy – có một ảnh hưởng tích cực đến thiền sinh, như sau này họ chia sẻ. “Giờ đây khi bước đi, khi phải chờ ở nơi nào đó, khi viết email, hay khi có một cảm xúc mạnh đi lên, tôi có thể ý thức hơn về những gì đang xảy ra. Đó là một bước tiến quan trọng đối với tôi”.

Những bài pháp thoại trong khóa tu, phần lớn là do sư cô Diệu Nghiêm đảm trách, rất phù hợp với nhu cầu của thiền sinh. “Những lời dạy của sư cô Diệu Nghiêm về các loại hạt giống chứa trong tàng thức đã giúp con hiểu rõ hơn về chính mình, đặc biệt là hiểu hơn về những tác động của quá khứ lên con người mình”, một chuyên viên thiết kế vi tính nói. “Khóa tu chính là một mô hình thu nhỏ của cuộc sống mà con hằng mơ ước: một ngày bình an với những giây phút dành để nuôi dưỡng chính mình và những giây phút tập trung vào công việc. Con thấy có rất nhiều cảm hứng để thiết kế một ngày của mình như thế”.

Sau ba ngày đầu của khóa tu, các buổi thực tập chánh niệm trong khi làm việc được đan xen nhiều hơn với các thực tập căn bản như thiền ngồi, thiền đi, thiền ăn, thiền buông thư. Lúc đó, chúng tôi hơi phân vân giữa hai hướng: một là tiếp tục hướng dẫn thiền sinh làm những công việc hàng ngày theo cách làm việc của tu viện, thí dụ như khi lau chùi nhà vệ sinh thì chỉ lau chùi nhà vệ sinh thôi mà không suy nghĩ nhiều, khi làm việc gì thì có mặt với việc ấy càng nhiều càng tốt; hai là có thêm những hoạt động theo nhóm để các thiền sinh vừa có thể làm những công việc thuộc lĩnh vực của mình vừa áp dụng sự thực tập chánh niệm mà các bạn đã học hỏi trong ba ngày qua?

Dù cũng hơi “mạo hiểm” nhưng chúng tôi đều chọn phương án tổ chức sinh hoạt theo nhóm (collaborative visioning activity). Chúng tôi đề nghị thiền sinh tự tổ chức thành ba nhóm và làm việc với nhau trong tinh thần đồng đội, theo những gợi ý do chúng tôi đưa ra, chẳng hạn như: hãy thiết kế “một cái gì đó” có công năng giúp giảm thiểu khổ đau và mang lại hạnh phúc lâu dài. Cụm từ “cái gì đó” được cố ý sử dụng như một gợi ý chung chung, bởi vì công nghệ có thể biểu hiện qua rất nhiều hình thức.

Sau hai ngày làm việc cùng nhau trong tinh thần tập thể, thực tập nhìn sâu và ái ngữ, thay vì tổ chức một buổi Be-in như thường lệ, ba nhóm đã trình dự án “cái gì đó” bằng cách sử dụng các mô hình đồ họa trên các tập giấy khổ lớn. Thậm chí có nhóm còn làm hẳn một trang bìa theo kiểu trình bày sản phẩm của Steve Jobs/Apple. Nhóm thứ nhất thiết kế một giao diện lập trình ứng dụng (API – Application Programming Interface) qua mạng, nhóm thứ hai làm một phần mềm ứng dụng, dự án của nhóm còn lại là một loại thiết bị có thể đeo vào người được (wearable device).

“Cùng làm việc một cách cẩn trọng và cộng tác với nhau trong chánh niệm, đó là ước mơ bấy lâu của con, giờ đã trở thành hiện thực”, một chuyên viên thiết kế trẻ chia sẻ. “Con nhận thấy rất nhiều tập khí không nuôi dưỡng những hạt giống tốt trong con. Phần lớn những tập khí này có liên quan tới sự liên hệ của con với khoa học công nghệ, hay nói cách khác là con cảm thấy mình bị công nghệ sử dụng. Sau khi tham dự khóa tu, con thật sự tin rằng công nghệ có thể được sử dụng theo hướng tích cực – đem mọi người lại gần nhau chứ không phải tạo ra sự chia cách và bất bình đẳng”.

Một bạn khác chia sẻ: “Con đã quyết định mở lòng ra với các bạn thiền sinh khác. Và sự mở lòng này đã được đáp lại bằng sự tôn trọng, nhẹ nhàng và đầy tình thương”.

Sự chuyển hóa đã xảy ra rất cụ thể nơi các thiền sinh. “Quý thầy, quý sư cô đã hướng dẫn một cách rất thật lòng. Con cảm thấy quý thầy, quý sư cô gắn bó rất sâu sắc với pháp môn và sự thực tập”, một chuyên viên thiết kế nói. “Trong một không gian an toàn, tĩnh lặng, đầy tình thương và sự tôn trọng, con nhận ra rằng mình không chỉ là một lập trình viên hay là một ông bố trong gia đình, mà con còn là một con người”.

Một thiền sinh từ Bỉ bay sang dự khóa tu nói rằng anh ấy rất cảm kích “không khí cởi mở và thoải mái do quý thầy, quý sư cô tạo nên, bởi nơi đó không có chỗ cho sự phán xét, hoàn toàn không có sự thương hại từ phía những vị xuất sĩ đối với những vấn đề mà mọi người phải đối diện. Thay vào đó, chỉ có một nụ cười trầm tĩnh và lạc quan trong mọi tình huống”.

Giám đốc điều hành của một công ty sản xuất phần mềm đã trình bày trải nghiệm của ông trong khóa tu với các bạn thiền sinh khác như sau: “Nói chung, tôi thậm chí không hề nhắc đến những gì có liên quan đến kỹ thuật. Khía cạnh ấn tượng nhất là rất nhiều không gian đã được tạo ra để giúp mọi người trở về với chính mình. Tôi cũng muốn nói đến pháp đàm. Quý thầy, quý sư cô đã hướng dẫn một cách tài tình để các buổi pháp đàm có sự cởi mở, an toàn và hiệu quả”.

“Con đã dự rất nhiều khóa tu, nhưng khóa tu này hơi khác một chút”, một chuyên viên thiết kế phần mềm người Mỹ gốc Việt chia sẻ. “Ở đây, con đã gặp những người rất thú vị, những người có cùng những băn khoăn như con, và con đã học hỏi rất nhiều ở họ. Uớc mong sâu sắc của họ trong việc giúp đỡ người khác và xây dựng một cộng đồng sống tỉnh thức đã tạo cảm hứng cho con. Đó là những gì mà thế giới này đang cần”.

Thay vì để cho thiền sinh hành xử theo tập khí hay phản ứng qua lời nói, sự thực tập im lặng hùng tráng (noble silence) trong hầu hết các buổi sinh hoạt đã cho thiền sinh thời gian và không gian tĩnh lặng để quá trình chuyển hóa có thể diễn ra.

“Có người nói một điều gì đó mà con cho là vô lý và nó cứ nằm hoài trong suy nghĩ của con”, một thiền sinh chia sẻ. “Một người khác phản ứng lại khi con kể một câu chuyện đùa hơi quá lố (khi con nhận ra thì đã quá muộn màng). Những điều ấy làm con bận trí. Con cảm thấy con cần phải đến nói chuyện trực tiếp với những người đó để thấy nhẹ lòng hơn. Nhưng con lại không có được cơ hội ấy nên con đã đi thiền hành trong một tâm trạng cáu kỉnh. Sau khi thực tập thiền hành, con thấy mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa. Con không có nhu cầu tới phân trần gì với những người đó nữa. Cảm giác nặng nề đã biến mất”.

Nuôi lớn ngọn lửa Thầy trao

Dù được gọi là khóa tu dành cho giới kỹ thuật công nghệ, nhưng những “kỹ thuật” rất đơn giản mà Thầy đã truyền trao không mỏi mệt đã được đón nhận rất hết lòng và chứng tỏ được hiệu quả lớn lao của mình. Một thiền sinh khác chia sẻ: “Thực tập ngồi thiền (có hướng dẫn) mỗi buổi sáng trong khóa tu mang lại cho tôi rất nhiều chuyển hóa. Nếu lần tới có khóa tu, tôi sẽ đăng ký ngay lập tức”.

“Một trong những cái thấy hữu ích nhất mà con thu thập được từ khóa tu là ý niệm về ngôi nhà đích thực nằm trong tự thân chúng ta”, một anh bạn làm thiết kế phần mềm nói. “Sự phối hợp giữa thiền ngồi, thiền đi và thiền ăn cùng với sự thực tập im lặng hùng tráng để bắt đầu cho một ngày đối với con rất quan trọng. Những thực tập này đem lại cho con một khoảng không gian mà thường ngày con không có, giúp con thấy rằng có mặt trong hiện tại có thể đem lại cho con rất nhiều niềm vui”. Và bạn tâm đắc nhất điều gì trong khóa tu? “Đó là các thầy, các sư cô! Con đã học từ cách sống của các thầy, các sư cô nhiều hơn là qua sách vở và trường lớp”.

Một người khác tâm sự: “Sự xa cách giữa con và các thầy, các sư cô biến mất khi nụ cười của con được đáp lại bằng một nụ cười. Con lo là các vị ấy sẽ cho là mình cao quý hơn người khác, nhưng thực tế là họ đã không làm như vậy”. Khi kể cho bạn bè nghe về khóa tu, anh gọi đó là “một kinh nghiệm làm thay đổi cuộc đời mình”.

“Khi nghe như vậy, thường thì người ta có vẻ rất ngạc nhiên và hỏi: Thật vậy sao? Con giải thích cho họ con đã được hướng dẫn cách ngồi thiền và đi thiền như thế nào, đã có thời gian tìm lại chính mình như thế nào, đã học cách mang sự thực tập chánh niệm về nhà và nơi làm việc ra sao. Nghe tới đây, họ thường nói: Hay quá! Mình ganh tị với bạn đấy. Một câu nói mà con ít khi chờ đợi ở những người bạn lúc nào cũng bận rộn này!”.

Vậy thì cái gì là hoa trái mà chúng ta gặt hái được khi thực tập chung với nhau qua những buổi cùng làm việc, cộng tác và phát huy sáng kiến trong chánh niệm? Đó là cùng nhau giữ gìn tình huynh đệ, tình tăng thân đã được xây dựng trong khóa tu và tiếp tục nuôi lớn ngọn lửa mà Thầy đã nhen lên trong lòng mỗi người. Hy vọng phần mềm tiện ích “Đám mây không bao giờ chết” (“A Cloud Never Dies” application) của Làng Mai có công năng tạo niềm vui và hạnh phúc lâu dài, sẽ được ra mắt đại chúng trong một ngày rất gần.

 

Người trồng tuổi thơ

Mexico, 30.10 và những ngày trước 20.11.2014

Ba thương,

Chỉ còn năm ngày nữa con sẽ trở lại Mỹ sau sáu tuần hoằng pháp tại năm nước: Chile, Ecuador, Colombia, Nicaragua và Mexico cùng với sáu vị xuất sĩ. Đất nước nào cũng có những nỗi khổ đau vì chiến tranh trong quá khứ. Niềm sợ hãi, sự nghi ngờ vẫn còn trong lòng mọi người. Nhà nào cũngcó hàng rào dây điện, nhiều người nghèo, tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên cao và nhiều người giàu thì mang bệnh trầm cảm. Những người đến tham dự khóa tu đã mở trái tim ra để tiếp nhận pháp môn, chia sẻ những khó khăn nơi tự thân và gia đình họ.

Tại Ecuador, có một thiền sinh thuộc nhóm pháp đàm của con đã kể rằng, tuổi thơ cô rất đẹp, bố cô đối xử với hai cô con gái như hai viên ngọc. Lúc cô và người chị đến tuổi lập gia đình, hai chị em đã qua Tây Ban Nha định cư. Người bố rất bơ vơ, buồn và giận, vì ông rất thương và muốn con mình ở bên cạnh. Hai người con vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe và muốn nghe giọng của bố. Hai chị em cảm thấy bố nói chuyện rất ít và giọng nói không còn dễ chịu. Sau một thời gian, hai chị em quyết định trở về quê hương. Bố tỏ ra rất lạnh lẽo, điều này khiến con gái đau lòng. Những lúcmở rộng hai cánh tay ra để ôm bố, ông đứng yên như bức tượng, không bày tỏ chút tình thương nào. Người con vẫn quyết tâm tặng bố cái ôm của mình mỗi khi gặp, dù bố không ôm lại. Hành động đó vẫn tiếp tục ngày này đến ngày khác. Một ngày nọ, người con vội vã chia tay bố để đi xa đột ngột, bất ngờ người bố hỏi con: “Cái ôm của bố đâu?”. Cô gái rất cảm động, đầy niềm vui và không cầm được nước mắt. Hai bố con thật sự có mặt cho nhau.

Trong chuyến hoằng pháp này có sư cô Sứ Nghiêm, người Pháp, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Có một lần sắp đến sinh nhật 60 của bố, sư cô ngồi xuống và viết cho bố mình một lá thư tình. Sư cô có ý là sẽ viết xuống 60 hạnh đẹp của bố, một ý tưởng khá hoang đường dành cho người mà mình không truyền thông được. Nhưng kỳ lạ thay, khi đặt bút xuống, những điểm đẹp của bố xuất hiện liên tục trong đầu sư cô. Nhìn vào tờ giấy, hơn 60 điểm đã thành hình. Lúc đầu, sư cô không có ý định gởi thư đi, nhưng cuối cùng trái tim sư cô bảo đi tìm bì thư, tem, bỏ thư vào và gởi cho bố. Đó là một hành động rất dũng cảm. Làm xong, lòng sư cô nhẹ ra, không một chút đòi hỏi gì từ bố. Sau một thời gian khá lâu, bố của sư cô hồi âm một câu rất ngắn: “Bố đã trông đợi lá thư này suốt cuộc đời bố!”.

Câu chuyện của sư cô Sứ Nghiêm đã cho con thêm nguồn cảm hứng để viết bức thư này cho Ba. Con thấy những tinh hoa Ba đã cho chúng con gần năm mươi năm qua rất nhiều, và phần nhiều Ba làm trong im lặng. Con rất hạnh phúc mỗi khi con chia sẻ rằng Ba không uống rượu, hút thuốc hoặc cờ bạc. Suốt hai mươi năm sống với Ba Mẹ, chưa một lần con thấy Ba có một hành động bạo lực đối với Mẹ. Ba có biết điều này làm cho con hạnh phúc lắm không? Nhờ vậy nên con thấy rõ trong chúng con hầu như hạt giống bạo động rất ít biểu hiện. Con đã có một thời thơ ấu đẹp. Hiện tại cuộc sống của con khá thanh bình và hạnh phúc. Ai đã cho con một tuổi thơ đẹp? Người đầu tiên là Ba và Mẹ.

Chỉ còn ba tuần nữa Ba sẽ tròn 68 tuổi. Con xin viết xuống những tinh hoa mà chúng con thấy được nơi Ba:

1. Hiếm khi Ba bỏ cuộc. Ba dạy cho con biết kiên nhẫn là gì.

2. Ba làm việc nhiều nhưng không than phiền.

3. Ba thương Mẹ nhiều lắm. Con nhớ một lần Mẹ nằm viện, vừa mổ xong. Ba đi làm về, nét mặt lo lắng, Ba cầm tay Mẹ và hỏi: “Mẹ có đau không?”. Chỉ cần nghe câu hỏi của Ba thôi, Mẹ cũng cảm thấy hạnh phúc rồi. Con ngồi nhìn, trong lòng rất cảm động.

4. Ba nấu ăn rất ngon.

5. Ba đã huấn luyện cho mình trở nên một người có trách nhiệm.

6. Là một người có trách nhiệm, hiếm khi Ba đến một buổi họp hay sở làm trễ, trừ những lúc Ba bệnh hay xe có vấn đề. Ba luôn thức dậy lúc bốn giờ sáng.

7. Hạt giống cần cù nơi Ba rất lớn. Ba đã trao truyền cho chúng con điều này. Chưa lần nào chúng con nghe những người ở nơi làm việc hoặc trong tu viện than phiền rằng chúng con làm biếng.

8. Trải qua bao khó khăn lúc ở Việt Nam và những ngày đầu đến Mỹ, Ba vẫn có mặt đó để gia đình mình được như hôm nay.

9. Đôi lúc con và Ba lớn tiếng với nhau, nhưng chính những lúc đó con mới hiểu và biết rằng Ba có những khổ đau trong lòng.

10. Ba không phải là một người khó hiểu. Trong Ba có sự rõ ràng. Ba giận cũng dễ thấy mà Ba vui cũng dễ thấy.

11. Tính thân thiện của Ba khiến nhiều người thoải mái khi nói chuyện. Ba thường chủ động liên lạc để thăm hỏi bạn bè.

12. Ba cười rất tự nhiên, không có sự cố gắng. Con thích nhìn Ba cười với con cháu.

13. Sau khi Mẹ mất, con mới thật sự cảm được nỗi đau của Ba và Mẹ khi Mệ qua đời. Tình thương của Ba dành cho Mệ thật cao quý. Sự hiếu thảo của Ba đi vào trong trái tim con. Ba từng chia sẻ niềm hạnh phúc của Ba cho con nghe khi xây một ngôi nhà cho Mệ và ngồi bên cạnh Mệ những giờ phút

cuối cùng.

14. Tấm lòng của Ba rất bao la. Ba thường đem niềm vui đến cho người khác và không ngần ngại để làm công việc này.

15. Sau khi đi cải tạo về, Ba đã học cách trở thành một người làm ruộng giỏi. Với sự sáng tạo và thích tìm tòi, Ba tìm được giống đậu hoặc lúa cho năng suất cao. Ba chia sẻ thành quả ấy cho những người dân quê không một chút tính toán.

16. Có lần Ba, Mẹ, và con đi cắt tranh về làm nhà. Không may tranh bị cháy hoặc bị lấy cắp, nhưng đó không có nghĩa là lần cuối cùng đi cắt tranh. Với lòng cương quyết, Ba không dễ bỏ cuộc.

17. Điểm gì đẹp của Ba hiện đang có mặt trong con? Con thấy được trong con tính làm gì cũng hay nghĩ đến người khác. Ba đã trao truyền cho con sự

cương quyết và chắc chắn trong mọi chuyện.

18. Lúc con còn nhỏ, Ba thường xuyên kể chuyện vui và hay về ông Ngưỡng. Con thấy Ba rất thương kính ông.

19. Ba biết cách chế tác niềm vui cho chính bản thân mình.

20. Mỗi lần con cần sự giúp đỡ, Ba luôn luôn có đó để giúp con.

21. Ba là một cuốn từ điển sống, nhờ ba có niềm đam mê đọc sách. Nếu con có câu hỏi về lịch sử Việt Nam, tình trạng đất nước, kỷ niệm với Mệ,

ngôn ngữ Việt Nam… Ba sẽ có câu trả lời.

22. Con hạnh phúc khi cảm được rõ ràng tình thương và sự chăm sóc của Ba.

23. Ba rất thương các cháu. Ba thường gợi chuyện và giúp các cháu có truyền thông với Ba nhiều hơn.

24. Hiếm ai có được một người cha không uống rượu, hút thuốc, cờ bạc như Ba. Cường đã tiếp nối hạt giống đẹp đó từ Ba.

Còn đây là những lời chia sẻ ngây thơ của các cháu:

25. Thỉnh thoảng con không được ngoan nên ông ngoại hơi rầy. Rầy cháu vì ông ngoại thương cháu.

26. Ông ngoại nhẹ nhàng với chúng con nhiều hơn, con rất xúc động.

27. Tuy bà ngoại không còn, ông ngoại vẫn dành một tình thương sâu đậm cho bà ngoại. Con nhận ra được điều đó khi thấy ông ngoại vẫn còn đeo

chiếc nhẫn.

28. Ông ngoại biểu lộ sự bình tĩnh và mạnh mẽ khi bà ngoại mất.

29. Ông ngoại dễ thương lắm. Ngoại cho con một con heo màu đỏ cách đây vài năm. Con vẫn còn giữ nó trong phòng để nhớ đến ông, tuy rằng trong con

heo đó không có đồng nào.

30. Con rất hạnh phúc khi được ông ngoại ôm con tại nhà cậu Cường vào ngày 09.11.2014 khi con đến để chúc mừng sinh nhật ông ngoại.

31. Tuy ông ngoại đôi lúc la rầy chúng con, nhưng ông ngoại chưa một lần đánh.

32. Trong đám tang của bà, ông ngoại đã biểu lộ lòng thương kính đến với bà ngoại.

33. Hôm trung thu tại chùa Phổ Đà, ông ngoại cho chúng con tờ $2.00, chúng con ôm ngoại trong hạnh phúc.

34. Cách nói chuyện của ông ngoại dễ thương lắm. Ông ngoại không nói con đi ra khỏi phòng khi thấy con ngồi trên máy vi tính. Ngoại để cho con ngồi và ngoại đi làm vườn với Nathan.

35. Ông ngoại nói sau này khi ngoại qua đời, ngoại chọn nằm bên cạnh bà ngoại. Điều này làm cho con cũng muốn được nằm bên cạnh gia đình con sau khi con mất.

Con xin được tiếp tục với những lời tâm sự của chúng con:

36. Ba luôn năng động, không cho phép mình biểu lộ sự cô đơn trong đời sống hàng ngày.

37. Sau khi đi cải tạo về, từ địa vị một ông tướng, Ba phải đi cày ruộng. Con rất thương và cảm động.

38. Ba tự thấy điểm yếu nơi Ba và thay đổi,

39. Ba có sự chịu đựng bền bỉ. Buổi tối Mẹ mất, Ba thức trắng đêm ngồi bên Mẹ cùng với tiếng niệm Bụt. Tuy suốt đêm không ngủ, ngày hôm sau Ba vẫn tiếp tục làm những công việc cần thiết một cách tự nhiên.

40. Tuy Ba có khi dễ nóng giận, dễ lớn tiếng, nhưng Ba không mang một sự hiềm hận đối với bất cứ ai.

41. Ba có tính thân thiện. Hầu như mọi người ở mọi lứa tuổi, xuất gia cũng như cư sĩ, đều cảm thấy thoải mái mỗi khi tiếp xúc với Ba.

42. Ba dễ vui với niềm vui của người khác.

43. Ba rất rộng lượng, sẵn sàng hiến tặng những gì mình có thể: thời gian, năng lượng, tiền bạc, vật chất, nụ cười, sự lân mẫn.

44. Ba sống một cách đơn giản, không đua đòi và chạy theo vật chất.

45. Ba hướng về và giúp đỡ bà con nghèo tại Việt Nam với đầy niềm vui.

46. Ba là một nhà văn sáng tạo. Những thơ văn mà Ba sáng tác là tài sản tinh thần quý giá cho chúng con.

47. Ba thương kính văn hóa Việt Nam. Ba muốn chúng con tiếp tục giữ gìn những truyền thống đẹp của quê hương.

48. Tuy Ba đang sống trên đất người, nhưng Ba luôn hướng tình thương về Việt Nam, hy vọng một ngày gần đây đồng bào quê hương mình sẽ được hạnh phúc, thảnh thơi hơn.

49. “Biết rung niềm đau, con tim người rất rộng”, câu thơ con xin chép tặng Ba khi biết tình xót thương trong Ba dành cho những người bị đối xử bất công là rất lớn.

50. Chúng con xin cảm ơn Ba đã luôn bảo vệ chúng con khi chúng con chưa đủ sức để tự bảo vệ mình.

51. Ba luôn chia sẻ tin tức của bà con ở quê nhà và nhắc chúng con tìm cách giúp đỡ.

52. Ba không một lần xin chúng con giúp Ba về phần tài chánh. Ba muốn chúng con giúp người khác.

53. Con có cơ hội nghe Ba ngâm vài câu thơ, giọng Ba rất ấm, rất hùng. Chú Bình khen Ba có giọng mạnh, con đùa: “Chắc nhờ la con nên giọng Ba mới mạnh như vậy”.

54. Con không thể quên giọng hát của Ba và lời bài Rừng lá thấp, rất hùng và biểu cảm.

55. Mỗi khi chơi với các cháu, con thấy Ba hồn nhiên như em bé ba tuổi.

56. Hình ảnh Ba đi đến cầm tay cháu Hayden và mỉm cười, dù đơn sơ nhưng khiến con rất xúc động.

57. Ba có khả năng công nhận tài năng của mọi người và sẵn sàng để góp ý khi thấy điều gì đó sai hoặc không ổn.

58. Ba là một người trung thành. Trung thành với gia đình, tổ tiên, quê hương, bạn bè và ngôi chùa Phổ Đà thân thương.

59. Ba biết thưởng thức sự sống và đem niềm vui cho tự thân bằng cách viết lách, nghe nhạc, làm vườn, chơi với các cháu và tận hưởng thời gian nghỉ hưu của mình.

60. Nếu con bị lạc tại Memphis, Ba sẽ là người đầu tiên con gọi để hỏi đường.

61. Ba không ngần ngại để biểu lộ cảm xúc trước các con. Buổi Ba chia sẻ về Mẹ, Ba cảm được nỗi khổ đau tận cùng của Mẹ trong thời khó khăn và Ba đã khóc. Lần đầu tiên con thấy Ba khóc.

62. Ba là một người anh gương mẫu, luôn thương yêu và khuyên nhủ các con của em mình như con ruột.

63. Ba thương con rể như con ruột của mình.

64. Ba là một người bạn tốt.

65. Trước khi đám cưới Khánh, con có một cuộc giải phẫu ruột thừa và Ba đã đến nhà thăm con, con rất cảm động. Khánh rất bảo vệ Ba mỗi khi chúng con chia sẻ về Ba.

66. Ba vẫn còn đây với chúng con, cho chúng con một nơi để trở về ngôi nhà tuổi thơ. Hạnh phúc thay khi cha con vẫn còn có nhau.

67. Ba có những giấc mơ đẹp lúc còn nhỏ và khi lớn lên Ba đã biến những giấc mơ đó trở thành hiện thực, như xây nhà cho Mệ. Một giấc mơ khác, tuy

Ba không nói nhưng con biết, là Ba không bao giờ muốn bỏ rơi các con của Ba. Có khi nào chúng con cần mà Ba không có mặt đâu?

68. Ba là một anh hùng, một bậc trượng phu. Ba là sự tiếp nối đẹp của ông bà, tổ tiên. Thương chúc Ba nhiều hạnh phúc và bình an trong từng bước chân và hơi thở.

Kính thư,

Các con và các cháu.

 

Thảnh thơi tu học – An vui giúp đời

Sau khóa An cư kết Hạ tại AIAB, chúng tôi gồm các thầy Pháp Khâm, Pháp Chứng, Pháp Giao, sư chú Trời Lĩnh Nam và sư cô Lương Nghiêm đi Úc để tham dự chuyến hoằng pháp hàng năm tại Nhập Lưu từ ngày 12.9 đến 27.9.2015. Tu viện Nhập Lưu chưa có quý thầy, đầu năm 2015 chỉ có hai sư cô Thuần Tiến và Trí Duyên ở đó, khoảng giữa tháng Tư mới có hai sư cô Tịnh Quang và Tựu Nghiêm qua, đến tháng 8 thì mới có các sư cô Phát Nghiêm, Trăng Sông Hồng, Trăng Thường Trú và Trăng Cơ Duyên qua. Tôi cũng hơi lo, vì không biết các sư cô đã quen với môi trường ở Úc chưa, mới đến mà phải lo về việc tổ chức khóa tu rồi. Hai năm trước cũng có sáu sư cô, nhưng vì không gia hạn visa được nên phải về để quý sư cô mới qua thay.

Té ra là mối lo của tôi không cần thiết. Sư cô Thuần Tiến cho biết là các sư em mới qua rất năng động. Việc làm khá nhiều và Nhập Lưu thì rộng đến 55 hectares, nên các sư em được tập lái xe trong khuôn viên tu viện để làm việc cho dễ. Chỉ học hai ba lần là biết lái. Cũng chẳng đi đâu xa, qua lại chỉ mấy quãng đường từ nhà bếp lên thiền đường, từ nhà ở ra nhà bếp, nên cũng yên tâm. Biết lái xe một chút như vậy, nhưng các sư em vui lắm, vì tin vào khả năng mình có thể học và làm những điều mình chưa bao giờ làm trước đây. Trước khi qua, tuy cũng có nghe tình trạng còn khó khăn tại Nhập Lưu, nhưng nghĩ là nếu mình không giúp thì ai giúp, cho nên các sư em thấy vui khi được tăng thân ở Việt Nam đề cử đi Úc. Tinh thần phụng sự theo tiếng gọi của tăng thân đã được các sư em đáp ứng nhiệt tình.

Chuyến đi chỉ có hai tuần. Sau các khóa tu, hai ngày sau là chúng tôi về lại Hồng Kông liền. Vì phải giúp các sư cô học một ít kỹ năng như kế toán, ghi danh trên mạng, làm video, mà ở Nhập Lưu lại không có internet nhanh, chúng tôi phải đem hai máy tính văn phòng lên Melbourne, ở tại nhà một cư sĩ để hướng dẫn cấp tốc. Tôi dạy về kế toán, thầy Pháp Giao dạy về ghi danh, thầy Pháp Chứng dạy về làm video. Cũng may là các sư cô tiếp thu nhanh, nên có thể làm những điều cần thiết tối thiểu cho những công việc đó. Tôi xin chia sẻ dưới đây một vài suy nghĩ và kinh nghiệm xây dựng tăng thân tại châu Á trong lĩnh vực ngôn ngữ và khả năng chuyên môn trong những năm qua.

Việc sinh hoạt, tổ chức tu học và hoằng pháp thì dù ở trung tâm nào, ở nước nào, tăng thân đều có những chương trình đào tạo và thời khóa căn bản chung, cho nên chỉ một thời gian ngắn sau khi đổi xóm là đại chúng thích ứng với môi trường mới liền. Trung tâm nào cũng ngồi thiền, ăn cơm im lặng, thiền hành, chấp tác, học nội điển, ngoại điển, có hai ngày quán niệm mỗi tuần, đi hoằng pháp… Theo thời khóa đầy đủ là đủ cho mình có một nội lực tu tập tốt rồi. Quan tâm của tôi là đào tạo về ngôn ngữ và những kỹ năng cần thiết để thực hiện những công phu và công việc hàng ngày một cách tự tin, để được thảnh thơi và an lạc hơn.

Từ chuyến về Việt Nam lần đầu tiên năm 2005 của Sư Ông, các tăng thân và trung tâm tu học ở châu Á-Thái Bình Dương đã phát triển khá nhiều, bao gồm các nước và vùng lãnh thổ: Việt Nam, Thái Lan, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc Lục Địa (Mainland China), Hàn Quốc, Tân Tây Lan, Úc và Ấn Độ. Ngoại trừ ở Việt Nam, các trung tâm khác đều dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính để hoằng pháp. Qua Trung Quốc cũng nói tiếng Anh để tăng thân địa phương dịch qua tiếng Hoa. Ngoài vấn đề ngôn ngữ, còn có các việc khác như thủ quỹ, ghi danh văn phòng, xây dựng, làm visa… tăng thân cũng cần phải làm. Cần có một chương trình tổ chức và huấn luyện như thế nào để các thành phần trong tăng thân, ai cũng có khả năng và cơ hội đóng góp. Chia sẻ đồng đều khả năng và cơ hội đóng góp cũng là “lợi hòa đồng quân” về tinh thần, cũng quan trọng không kém việc chia đều những quyền lợi vật chất.

Sau khi chuyển lên trung tâm mới vào tháng 5 năm 2013, quý thầy, quý sư cô giáo thọ Làng Mai Thái Lan đã xem lại cách tổ chức và đào tạo trong tăng thân. Việc làm đầu tiên là dành hoàn toàn buổi sáng trong thời khóa cho việc học. Ngoại trừ phải đi làm visa, đi khám bệnh, hay những công việc quan trọng không làm vào giờ khác được, tất cả đều nhắm vào việc học hết. Sáng học chiều làm việc, thời khóa cả năm cứ như vậy thôi. Quý thầy, quý sư cô lớn ủng hộ theo thời khóa này hết lòng để làm gương. Chỉ cần điều chỉnh một ít thời khóa và nhấn mạnh tinh thần học, thế là chỉ trong vòng một tuần, Làng Mai Thái Lan đã sinh hoạt theo mô thức của một tu học viện. Đi bộ đổi lớp gặp nhau là cười chào rồi vào lớp khác, như là một trường học. Các lớp học khá xa nhau, nên cũng là cơ hội đi bộ để tập thể dục.

Vấn đề kế tiếp là học những gì và ai đứng lớp? Tinh thần đào tạo của tăng thân là “nghé đi theo trâu”, người đi sau học từ người đi trước, người chưa biết học từ người đã biết, người biết ít học từ người biết nhiều hơn… Nói theo kiểu truyền thống gia đình Việt Nam là anh chị năm tuổi đã biết lo cho em bốn tuổi rồi. Quý thầy, quý sư cô giáo thọ, kể cả quý vị mới được truyền đăng, đều được yêu cầu đứng lớp. Dựa theo chương trình học bốn năm và những chương trình Sư Ông làm thêm sau này, ban giáo thọ đã làm ra chương trình bảy năm, đào tạo từ lúc mới vào tu cho đến lúc làm giáo thọ và sau giáo thọ. Tầm nhìn lớn và dài, nhưng để thực hiện nó trong một tăng thân luôn có sự thay đổi người và có nhiều trình độ khác nhau là một thách thức lớn.

Quan trọng là ngôn ngữ. Ở đất khách quê người, thì việc hội nhập vào môi trường địa phương rất cần thiết. Các sa di, sa di ni mới xuất gia đều được yêu cầu học tiếng Thái trong năm đầu tiên, vì trong thời gian đó, ít khi đi ra ngoài. Cũng may tiếng Thái là ngôn ngữ châu Á nên dễ học hơn cho người Việt so với tiếng Anh, cũng như tiếng Anh thì dễ học hơn cho người châu Âu. Các sư chú và sư cô nhỏ tuổi (baby monk và baby nun) học tiếng Thái rất nhanh. Người đứng lớp là cư sĩ Thái hay quý thầy, quý sư cô đã biết nói tiếng Thái. Ngoài các sư em nhỏ, một số đông cũng được đề nghị học tiếng Thái, để cho việc vận hành tu viện được trôi chảy. Lớp tiếng Anh thì theo nhu cầu và khả năng, nên số lượng ít hơn số lượng học tiếng Thái. Một ngày học một giờ, bốn ngày một tuần, cứ thế mà vào lớp tiếng Thái hoặc tiếng Anh.

Chỉ trong vòng vài tháng, số lượng người nói tiếng Thái tăng lên rõ rệt. Tăng thân có thể liên hệ với người Thái trực tiếp, mối liên hệ với tăng thân và dân chúng địa phương tốt hơn. Các sư em nhỏ có tự tin và vui hơn nhiều, vì có thể đóng góp cho tăng thân chỉ sau vài tháng. Có thể thường thấy các sư cô, sư chú nhỏ thông dịch từ tiếng Thái qua tiếng Việt cho quý thầy, quý sư cô giáo thọ.

Bên lớp tiếng Anh thì có khó khăn hơn. Vì là người Việt dạy cho nhau, không phải là người có chuyên môn giảng dạy, kẹt nhất là không có môi trường để luyện tập, nên nói chung là chưa có nhiều tiến bộ như mong muốn. Năm 2016, Làng Mai Thái Lan có dự định mời hai thầy cô giáo dạy Anh văn từ Philippines qua giúp, sẽ đào tạo một nhóm chuyên nói tiếng Anh và tạo một môi trường nói tiếng Anh cho nhóm này sinh hoạt. Một thành viên tăng thân người Mỹ ở Philippines sẽ giúp Làng Mai Thái Lan điều hợp chương trình này. Số lượng khách quốc tế về Làng Mai Thái Lan ngày càng nhiều. Khóa tu cho chúng chủ trì năm 2015 vừa qua có đến 16 quốc tịch, nên cần có một số quý thầy, quý sư cô giỏi tiếng Anh giúp. Làng Mai Thái Lan phải tự đào tạo nhân sự thôi, vì trung tâm nào cũng cần người nói tiếng Anh. Chương trình này cũng sẽ giúp cho việc đổi xóm, giúp quý thầy, quý sư cô đến các trung tâm nói tiếng Anh dễ dàng hội nhập hơn. Ngay cả khi qua EIAB, biết tiếng Anh thì cũng giúp dễ dàng học tiếng Đức, vì người dân Đức đa số đều nói tiếng Anh. Tôi nghĩ là quý thầy, quý sư cô Làng Mai ai cũng cần biết tiếng Anh hết, chỉ cần tập trung một năm học là biết rồi.

Tôi có dịp xem một video về sinh hoạt và tổ chức của một cộng đồng kiến. Chúng chia ra nhiều nhóm làm việc chuyên môn: nhóm đi kiếm thức ăn về báo lại thì có nhóm đi lấy thức ăn, rồi lại tiếp tục đi kiếm thức ăn, nhóm lấy thức ăn về giao lại cho nhóm cất vào kho, nhóm canh giữ an ninh… Cả đời kiến chúa chỉ được lên mặt đất có một lần, sau đó ở luôn dưới hang làm nhiệm vụ duy nhất là sinh đẻ. Cơ thể của mình cũng vậy, các tế bào gốc trở thành các tế bào chuyên biệt như tế bào da, tim, bắp thịt, thần kinh… để làm các nhiệm vụ chuyên ngành. Khác với con kiến chỉ biết làm một việc, con người có khả năng làm được nhiều thứ, nhưng biết chia ra những bộ phận để làm những việc chuyên môn. Tăng thân cũng có những ban phụ trách những chuyên ngành như vậy.

Việc đào tạo chuyên môn được thể hiện qua các ban như ban đậu hũ, ban âm thanh, ban ghi danh, ban thủ quỹ… Tùy theo ban mà nhu cầu chuyên môn cần đi sâu hay tàm tạm là đủ. Muốn nấu ăn ngon, chuyển hóa rác cho đàng hoàng thì cũng phải học. Làm mấy việc chuyên môn, nhất là về mặt kỹ thuật, thường thì mất nhiều thì giờ hơn và mất nhiều năng lượng hơn, nên đa số không thích. Cái khó là làm sao tạo niềm hứng thú cho những lĩnh vực này?

Theo kinh nghiệm của tôi, làm những việc này cũng vui lắm. Học những việc này cũng không khó, làm hoài cũng quen. Những vị trí này thường làm ít nhất là hai năm, để năm đầu học và năm sau có thể đào tạo người khác, không nên thay đổi hoài mỗi sáu tháng. Cần có hai người làm với nhau trong một vị trí, để khi người này bận thì người kia có thể làm được. Tôi không nghĩ là làm lâu trong một lĩnh vực chuyên môn sẽ làm người đó trở nên quan trọng và kiêu hãnh. Câu “Một người giỏi trong lĩnh vực này là một người khờ trong lĩnh vực khác” (An expert in one field is a fool in another field) nói lên một sự thật là không ai có thể giỏi trong tất cả mọi ngành được. Giỏi 10 trong 100 ngành thì cũng là người khờ trong 90 ngành.

Việc tổ chức các khóa tu ở Thái Lan cũng trở nên dễ dàng hơn khi lập ra các nhóm chuyên môn để tổ chức cho Wake Up, thanh thiếu niên, trẻ em, cho thầy cô giáo trong chương trình Đạo đức học Ứng dụng (applied ethics) hay cho chuyên viên về sức khỏe cộng đồng (health care professionals). Hàng tuần, hay mỗi hai tuần, các nhóm này gặp nhau để thảo luận những đề tài cần làm cho những khóa tu đó. Cho nên, khi khóa tu đến thì không cần phải kiếm người tổ chức. Đóng góp cho khóa tu không nhất thiết phải cho pháp thoại. Nhiều thiền sinh chia sẻ là họ được lợi lạc nhiều qua sự tiếp xúc với quý thầy, quý sư cô từ những buổi thiền buông thư, tập thể dục, hay từ những buổi chấp tác như sắp xếp thiền đường, chuyển hóa rác. Có việc nào quan trọng hơn việc nào không? Năm 1986, phi thuyền con thoi Challenger bị nổ khi vừa được phóng lên, lý do là một vòng cao su (O-Ring) nối liền hai ống nhiên liệu không co giãn đúng như dự định do thời tiết lúc đó rất lạnh. Vòng cao su đó có giá trị khoảng 800 dollars, trong lúc đó phi thuyền con thoi giá trị cả tỷ dollars. Cái gì cũng có tầm quan trọng riêng của nó.

Năm 2003, trong chuyến đi hoằng pháp tại Ý với Sư Ông và tăng thân, tôi gặp một người là nông dân chuyên trồng và sản xuất dầu olive. Gia đình anh làm nghề này đã mấy trăm năm. Chỉ cần nếm vài giọt dầu là anh ta biết nó được làm từ những loại olive nào, và những trái olive đó được trồng trên vùng đất nào, nhận được bao nhiêu nước và ánh sáng mặt trời… có nghĩa là anh ta biết hết những gì về dầu và trái olive. Để được như vậy, anh ta phải đích thân làm những công việc của một nông dân olive, ngày này qua ngày khác, tháng này qua năm nọ. Chúng ta được huân tập, được học và sống toàn thời gian trong môi trường chánh niệm như thời đạo Bụt nguyên thủy, cho nên cũng giống như một “nông dân chánh niệm”. Sống chánh niệm sâu sắc trong từng giây phút là điều tôi muốn huân tập.

Những giáo lý căn bản và pháp môn thực tập của Làng Mai có thể được học trong một chương trình khoảng một năm. Nhưng để hiểu và thực chứng, phải mất cả đời để thực tập. Cần ôn lại và cập nhật những điều căn bản đó trong suốt đời tu của mình. Chương trình học và thực tập đó gồm có: kinh Quán niệm hơi thở, kinh Tứ niệm xứ, Duy biểu học; các giáo lý căn bản: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Tam pháp ấn, Ba cánh cửa giải thoát, Tương tức tương nhập, Giáo lý duyên khởi; các giới luật: Năm giới, Mười bốn giới Tiếp Hiện (giới Bồ tát), Mười giới Sa di và Sa di ni, Giới bản tân tu Tỳ kheo và Tỳ kheo ni; và Bốn pháp ấn của Làng Mai. Về mặt thiền tập thì cần nắm rõ các pháp môn: hơi thở chánh niệm, nghe chuông (tập dừng lại), thiền ngồi, và thiền đi. Các pháp môn thiền ăn, thiền làm việc, thiền buông thư… được khai triển từ những giáo lý và pháp môn căn bản này.

Chánh niệm bây giờ đang là một đề tài rất được quan tâm trên thế giới. Nhiều người nói về nó và ai cũng muốn biết về nó. Với một số người, nếu không biết về chánh niệm thì có vẻ hơi quê. Ở ngoài đời trong mấy chục năm qua, nhiều trường phái chánh niệm được xiển dương với chủ trương là không tôn giáo và không môn phái (non-religious và non-sectarian). Trong đó ít nhiều tinh túy của chánh niệm nguyên chất bị lấy đi, và không còn là chánh niệm như lúc Bụt dạy nữa. Thời gian gần đây, khuynh hướng muốn được học và thực tập chánh niệm nguyên chất đang trở lại. Làng Mai Hồng Kông đã thành lập Học viện Chánh niệm Làng Mai để mở chương trình đào tạo thầy cô giáo chánh niệm theo hình thức không tôn giáo. Điều này cũng không khó gì, vì Phật giáo được dạy và thực tập tại Làng Mai là một lối sống chớ không phải là một tôn giáo.

Từ năm 2012 đến nay, tôi có dịp làm việc với các chuyên gia y khoa, các nhà tâm lý học và các nhân viên xã hội chuyên về trị bệnh tâm thần. Họ muốn đem chánh niệm vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nhờ có căn bản về chánh niệm và Duy biểu học nên tôi có thể cho ý kiến để bổ túc cho những điều mà phương pháp hiện tại chưa có. Tháng 11 năm 2015, Làng Mai Hồng Kông thành lập Trung tâm Thân Tâm Kiện An Thở và Cười (Breathe and Smile Mindbody Wellbeing Center) để đem pháp môn Làng Mai vào lĩnh vực sức khỏe thân tâm. Hai thành viên tăng thân, một người là nhà tâm lý học lâm sàng (clinical psychologist) và một là nhà chuyên gia xã hội (social worker), làm toàn thời gian cho trung tâm này. Họ đã tham dự chương trình đào tạo “Mindfulness Teachers” trong thời gian dài một năm AIAB tổ chức, và sẽ kết hợp pháp môn Làng Mai trong lĩnh vực chuyên môn cho các bệnh nhân và khách hàng của họ.

Đã sáu năm rồi, Nhập Lưu chưa có chúng xuất sĩ nam, nên năm 2017, có dự định là tám thầy và sư chú sẽ qua. Làng Mai Indonesia đang chờ giấy phép xây dựng, xong cũng xin người qua. Trong khi đó thì Làng Mai Malaysia đang rục rịch xây dựng trung tâm, lúc ổn định cũng xin người qua. Tôi thở và mỉm cười, cùng đi với tăng thân trong những chương trình hoằng pháp này. Sống trong giây phút hiện tại, thu thập những kinh nghiệm đã có và thấy được những điều cần làm trong tương lai, tôi biết tôi phải làm những gì trong lúc này, tôi không có gì phải lo hết. Có thảnh thơi tu học thì mới an vui giúp đời được.

AIAB, ngày 04 tháng 01 năm 2016

 

Cảm nhận của Gió

Sư cô Chân Trăng Thiên Hà xuất gia trong gia đình Cây Đan Mộc, hiện đang tu học tại xóm Trăng Tỏ, tu viện Vườn Ươm, Thái Lan. Đây là những chia sẻ của sư cô về cảm nhận trong ngày xuất gia.

 

Cuối năm, ngày mới bắt đầu thật bình thường tại Làng Mai Thái Lan. Hôm ấy trời trở lạnh, Gió thức dậy, mỉm cười với tình yêu ngày mới tràn đầy. Có gì đó hân hoan tràn ngập trong lòng không gian. Gió len lỏi vào khung cửa, đánh rơi hương hoa bốn phương lại nơi căn phòng nhỏ, hương trà đã thức từ bao giờ, se thoảng trên đôi tay hiền. Vũ trụ loan tin hôm nay: “Điều kỳ diệu đang đến” khiến Gió thấp thỏm chờ, cứ quấn quýt bên tà áo nâu thong thả thiền hành để hỏi: “Bao giờ mới có?”.

Không ai trả lời. Khí trời ấm dần, Gió ngước nhìn lên bên kia đỉnh núi cùng đại chúng, nghiêng nghiêng theo chóp núi, cạnh đám mây trắng bồng bềnh trôi. Ánh dương huy hoàng như quả cầu lửa khổng lồ hiện rõ trên nền trời xanh biếc. Ban mai rực rỡ qua từng kẽ lá, len lỏi vào thiền đường. Những tia nắng chậm rãi in lên nền gạch. Gió cảm thấy ở đây thật ấm, vì có tình thương, có năng lượng sống chan hòa. Gió lặng nhìn tượng Bụt trong giây lát: “Thế Tôn là tình yêu đầu.

Tiếng chuông báo giờ thời khóa, từng bước chân lành đem dấu ấn chánh niệm vào trái đất, hiền hòa như một dòng sông. Bước chân thật đẹp trên đất Mẹ bao dung. Những bước chân phẳng lặng giống như mặt nước hồ thu tươi mát. Chỉ cần nhìn những bước chân ấy thôi, Gió đã được nuôi lớn rất nhiều. Đi để đem an lạc vào cuộc sống, tưới tẩm và giữ gìn bước chân thuở ban đầu nguyên vẹn. Họ đến những nơi cần đến. Bàn chân kia là hoa của thật địa. Tiếng sỏi đá reo vui.

Gió cứ chờ tin mừng. Kim đồng hồ chỉ hai giờ bốn mươi phút. Thiền đường trở nên trang nghiêm. Gió hân hoan, Gió thở trong niềm vui sướng, bỗng thấy lòng rộng ra như đại dương bao la. Trải ra bất tận, khung trời tình thương không giới hạn của tăng thân, khung trời “Thái Bình” trong Gió hòa vào một. Tương tức.

Chuông báo chúng vang lên. Ba giờ. Giờ đến rồi! Vũ trụ ngừng thở nghe đất Mẹ rung chuyển. Gió im bặt, hồi hộp. Những mái tóc xanh cuốn theo hương thiền là lúc một chồi non tròn trịa, xanh nõn nhô khỏi mặt đất, mang lộc tươi chào muôn loài. Mầm non hé hai mắt sáng vui như hai ngôi sao giữa ngân hà rộng lớn, mỉm cười. Vũ trụ reo vang đón Đan Mộc biểu hiện, Gió rào rạt mang tin mừng lan vào không gian.

“Ấy sẽ là cây gỗ lớn, vững chãi, xanh mát trong tương lai”. Muôn loài thì thầm truyền tin. Vươn lên làm bạn với gió trời, hát ca chung sống cuộc đời an nhiên.

Em mang tình thương lớn
Tình Thầy với Tăng thân”.

(Đan Mộc ca)

Thầy kính thương!

Con cứ tưởng tượng vào giờ đó, phút đó, giây đó, ở một nơi nào đó, cây Đan Mộc cựa mình nứt mầm, Thầy cho chúng con biểu hiện trong hình tướng và tâm hồn người xuất sĩ.

Con hạnh phúc, đến nỗi, chẳng có ngôn ngữ diễn tả được con đã hạnh phúc như thế nào. Quỳ trước Bụt, trước tăng thân, con thở để không run, không bật khóc, hòa mình thật sự vào dòng tâm linh. Sư mẹ đặt tay lên đầu con chú nguyện, dòng suối từ mát dịu chảy vào con. Ôn Thủ tọa xướng bài kệ cạo tóc, khoảnh khắc tiếng kéo vang lên, bao nhiêu cảm xúc con vỡ òa. Con ý thức được đây là dấu mốc cho lý tưởng của con. Hình tướng là phương tiện cao quý nên con cần thực tập từ trái tim. Con là người xuất gia. Nhiều lắm: sung sướng, tươi mát, quyết tâm, tin tưởng, vững chắc.

Con nhớ những buổi tối ngồi trên thiền đường ở Diệu Trạm một mình, con ngắm sao cho Thầy, nghe gió reo cùng Thầy trong con, và mời Thầy thở bằng hai lá phổi của con. Mỗi lần thực tập điều gì đó chưa hết lòng, con dặn mình hãy thực tập cho Thầy, con hết lòng hơn. Giờ con có thêm thật nhiều sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị nữa. Con trân quý!

Con lắng lòng lại nghe giới thể đi vào con mạnh mẽ, rõ ràng, bao nhiêu sự thực tập, bao nhiêu hạt giống con được trao truyền, giờ phút đó con nhận diện thật kỹ. Bước chân, hơi thở và nụ cười, cúi đầu xin giữ cho con và cho cả mọi loài.

Thầy kính thương,

Con là một sư cô rồi đó, con chính thức biểu hiện. Mười lăm tuổi, con là một sư cô nhỏ, còn ham chơi, vụng về. Con tin từ từ con sẽ lớn mà! Cúi đầu nâng pháp y vàng, lòng con tràn ngập niềm biết ơn gia đình tâm linh và huyết thống. Biết ơn tất cả sự sống, và không sống, đã, đang và sẽ có mặt, cho con tâm hồn này. Kính tri ơn Bụt, Tổ, Thầy, Tăng thân đã nuôi lớn tâm hồn con. Đặc biệt là sự có mặt, những bàn tay của quý thầy, quý sư cô, cả cảnh vật, từng con đường, từng cơn mưa ở Từ Hiếu, Diệu Trạm đã nâng niu, chăm sóc, sách tấn, chấp nhận, giúp chị em chúng con có cơ hội biểu hiện. Tối lại con nâng chiếc áo nhật bình mới trên tay, hình ảnh quý sư mẹ ngồi kết từng nút áo hiện lên, tình thương đó gửi biết bao nhiêu trên mảnh áo này. Chít khăn lên, con nhìn con mỉm cười: Tự do là người tu.

Con mơ thấy con gặp Thầy cạnh một cây nhỏ, Thầy cười hỏi: “Con tưới cây gì đó?”. Con trả lời Thầy bằng một cái nhìn gửi cho cây, là Đan Mộc hay cây từ hạt Bồ đề tâm? Con cũng không biết nữa, chỉ biết mai này lòng con sẽ lớn hơn cây nữa, nhờ có Thầy và tăng thân nuôi dưỡng. Bước chân con bình yên hơn. “Lòng hôm ấy sẽ là lòng muôn thuở…

Mới qua Thái Lan, con còn chưa quen, chưa vui hết lòng, chưa an trú giỏi, vẫn còn nhớ Diệu Trạm nhiều lắm. Nhưng con sẽ thực tập coi mọi nơi là nhà.

Kính bạch Thầy, là một sư bé mới biểu hiện, con chỉ tập thở và cười thôi. Con tập đi cho vững, chơi cho giỏi và thực tập hiện pháp lạc trú cho hết lòng.

Bước tới thong dong
Tay con trong tay Thầy
Bàn tay bé, lửa thiêng nguyện tiếp nối
Lửa đó, lửa muôn đời Thầy trao con”.

(Con đã về)

Sáng nay con ngồi yên bên góc phòng nhỏ. Nhìn hình Thầy nâng ly trà, Thầy đang mỉm cười, con thấy con trong Thầy. Sư bé kính cầu chúc Thầy chóng khỏe để con được gặp Thầy. Và Thầy ơi, con ngồi viết lại tất cả những hơi thở, nụ cười của con gửi đến Thầy.

Gió ghé vào cửa sổ, thì thầm kể cho con nghe cảm nhận của Gió ngày con xuất gia. Gió và con đã hứa sẽ cùng nhau thực tập hết lòng. Thầy yên tâm và đón năm mới thật vui. “Con là sự tiếp nối của Thầy.

                                                Gia đình xuất gia cây Đan Mộc tại Làng Mai Thái Lan

Người anh cả của rừng cây

Kính tặng những người anh, người chị của đạo tràng với lòng biết ơn.

Cuối đường thiền hành, có khi đại chúng dừng ở tượng Bụt trắng. Ở đó có cái sân cỏ rộng, là pháp đường chính của pháp hội 2013, khi Sư Ông về Thái Lan lần gần đây nhất. Người hướng dẫn đi tới gần tượng Bụt, chắp tay xá rồi quay lại nhìn đại chúng đang từ từ bước tới. Đại chúng sẽ hiểu ý, cùng hướng về tượng Bụt và chờ cho đến khi mọi người tới nơi thì mới đồng loạt chắp tay xá nhau, rồi xá Bụt để kết thúc buổi thực tập thiền đi. Đó là tượng Bụt đầu tiên, và cũng là tượng Bụt lớn nhất của trung tâm. Tượng được đặt trên một khối đá lớn, vững chãi, uy nghiêm mà không mất đi sự hòa điệu với thiên nhiên hùng vĩ chung quanh.

Nhưng chỉ có cái sân cỏ rộng và một tảng đá lớn thôi thì chắc chắn vị trí ấy đã không được chọn để tôn trí tượng Bụt uy nghiêm ấy. Cái làm cho chỗ ngồi của Bụt uy nghiêm và hùng tráng, cái làm điểm tựa cho tảng đá lớn vững chãi và yên ổn, cái làm cho bãi cỏ mênh mông trở nên ấm cúng và gần gũi ấy chính là một cội cổ thụ cao rộng, to lớn và hùng vĩ, đó là người anh cả của đạo tràng.

Đó là một cây cóc rừng, là cây cổ thụ già nhất, lớn nhất, cao nhất và có tán lá rộng nhất ở đây. Thân cây tới mấy người ôm mới xuể, những cành cây như những cánh tay khổng lồ vươn ra bốn phía, tán lá xanh tươi phủ khắp một vùng rộng lớn. Ngồi dưới tán cây, bốn mùa một năm, tượng Bụt được che mát bởi một cái lọng trời màu xanh to lớn. Cội cây ấy cũng là chỗ nương tựa cho không biết bao nhiêu chim rừng. Trong pháp hội 2013, cội cây ấy cũng là pháp đường cho cả ngàn thính chúng.

Uy hùng là thế, mạnh mẽ là thế, độ lượng là thế. Nhưng người nào nhìn vào thân cây ấy cũng thấy thường trực ở đó những vết thương. Không phải là vài vết xước, thực sự là những vết thương lớn, sâu, chiếm cả một phần ba bề mặt thân cây và kéo dài lên đến nửa ngọn cây. Không những thế, vết thương ấy lây lan từ góc này sang góc kia của gốc cây và từ cành này sang cành khác của thân cây. Nhìn những vết thương lớn đang đục khoét và gặm nhấm thân cây, không ai là không dâng lên một nỗi xót thương. Nhìn qua, người ta sẽ tưởng rằng cội cây này chẳng thể nào sống lâu thêm được, sẽ đổ xuống trong một cơn bão nào đó mà thôi. Vậy mà nó đã ở đó không biết bao nhiêu năm, không khi nào là không xanh tươi và không khi nào rời vết thương của nó.

Một lần, ngồi yên bên tượng Bụt, tựa vào một mảng thân cây cạnh một vết thương lớn, dưới bóng mát của cội cóc rừng ấy, tôi bỗng hiểu ra rằng vết thương ấy, sự sống chung với vết thương ấy, sự chữa trị vết thương ấy, sự sinh ra của các vết thương khác, sự sống chung và chữa trị các vết thương mới ấy chính là sự trưởng thành và sức mạnh đích thực của cội cây. Tôi cúi đầu.

Thân cây tiết ra một thứ nhựa màu nâu đen, cố gắng bọc vết thương lại. Lớp nhựa ấy chính là thân cây lành lặn màu nâu tươi phản chiếu nắng chiều mà ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ. Khi vết thương này chưa lành hẳn thì tại một góc khác của thân cây đã xuất hiện vết thương mới. Sức sống của cội cây lại chiết xuất thứ nhựa nâu kia để bọc lại vết thương, bọc kín, thân cây lại lớn hơn. Ba năm rồi, liên tục, không khi nào thân cây không có vết thương và cũng vì thế, chưa bao giờ thân cây ngừng lớn.

Sức sống mãnh liệt nào trong thân cây đã làm cái việc trị liệu và nuôi dưỡng trường kỳ ấy? Tuệ giác nào dưới cội cây đã làm nơi nương tựa cho sự kiên định, tận tụy và một lòng ấy? Niềm vui nào trong lòng đất đã hàm dưỡng cho những cành lá luôn mơn mởn xanh tươi ấy? Sức sống ấy mới dồi dào và bền bỉ làm sao! Tuệ giác ấy mới hồn hậu và sáng ngời làm sao! Niềm vui sống ấy mới mãnh liệt và tươi nhuận làm sao!

Những tán lá rộng mát, những cành cây hùng vĩ và thân cây uy nghiêm. Nhìn vào ai cũng có thể thấy được. Nhưng nhờ đâu mà thân cây ấy đứng vững? Nhờ đâu mà những cành cây to lớn ấy cứng cáp mạnh mẽ? Nhờ đâu mà muôn triệu chiếc lá trên chiếc lọng trời mênh mông kia luôn xanh tươi? Chẳng phải là nhờ sự chở che đùm bọc của đất trời sao? Cành cây muốn vươn rộng thì phải có không gian. Cội cây này có không gian. Đó là ân che của trời. Cội cây muốn đứng vững thì rễ phải cắm rộng sâu vào lòng đất. Đất mẹ ôm hết không biết bao nhiêu chiếc rễ của nó. Đó là ân chở của đất. Cội cây sở dĩ hùng vĩ và uy nghiêm, sở dĩ vững chãi và kiên định chính là nhờ nhận được đức che hùng vĩ uy nghiêm của trời và ân chở vững chãi kiên định của đất vậy.

Cội cổ thụ kia không ngưng yêu thương và trân quý sự sống, chưa từng chạy trốn và coi thường những vết thương, cứ thế mà sống, tận tụy, hết lòng, có mặt và hiến tặng. Làm được như thế chính là nhờ ân đức chở che của đất trời vậy.

Ngày mai, đi thiền về, bạn tới ngồi bên gốc cóc rừng kia đi, bạn sẽ tiếp nhận được suối nguồn yêu thương bất tuyệt, bạn sẽ tiếp xúc được với sức sống bền bỉ kiên định bất diệt, và bạn sẽ thấy suối nguồn sức sống ấy đang tuôn chảy trong huyết quản mình. Và xin bạn nhớ, rằng không phải hễ là đại thụ thì thôi không còn cần che chở, rằng hễ là đại thụ thì thôi không còn nữa đau thương. Bởi lẽ thường, cội cây càng lớn thì càng cần phải được đức che lớn và ân chở lớn. Bởi chỉ có thể với ân đức ấy, cội cây cả kia mới có thể đón ngọn gió đầu, mới có thể hứng cơn mưa lớn, mới có thể chịu trận bão to cho ngàn cây chung quanh, cho bãi cỏ, cho tượng Bụt trắng bên dưới và cho pháp hội của đạo tràng. Xin đức che ân chở của trời đất tiếp tục và luôn luôn đùm bọc người anh cả ấy của đạo tràng.

Xin cúi đầu bên người anh cả ấy.

 

Tình thầy trò

Còn nguyên sơ, còn trọn vẹn

Có những con đường mình tự trả

Mình thấy thích, mình làm thôi

Mình đâu có tính toán gì đâu.