Bình an là giác ngộ

Để tiếp nối những hạnh nguyện của Thầy, con biết con phải thực tập thật hết lòng. Điều đó có nghĩa là con phải thực tập để được là chính con. Có như thế con mới có thể bắt đầu công trình chuyển hóa tự thân để trở thành một pháp khí của Tam Bảo. Con thích được sống trong một môi trường giản dị và không quá bận rộn. Con ý thức về những gì gần gũi chung quanh, như quý thầy ở cùng phòng, y chỉ sư, những huynh đệ chung lớp hoặc chung công việc. Con thích trở về với tự thân, trở về như vậy con mới thực sự có thời gian và có mặt cho các huynh đệ. Vì con sống qua tỉ mỉ nên dễ đánh mất mình trong những việc không quan trọng. Giờ đây nhờ cắm rễ sâu hơn trong lòng đại chúng, con bớt nguyên tắc và có thể đi cùng tăng thân như một dòng sông.

Khi thả mình một cách tự nhiên trong tăng thân, con thường có mặt đúng lúc để hỗ trợ người khác, lắng nghe hay giúp đỡ ai đó trong khả năng của mình, lượm một mẩu rác, dọn dẹp sạch sẽ những gì mình vừa sử dụng, chăm sóc cho những vật dụng trong tu viện… Khi con bệnh hoặc không thể ra khỏi phòng vì một lý do nào đó, con thường lau chùi, dọn dẹp phòng. Sau đó con nghỉ ngơi và thưởng thức sự sạch sẽ của căn phòng. Con tiếp tục học nghệ thuật chăm sóc tự thân và làm thế nào để trong một ngày, việc thực tập, chơi, học và làm việc có sự cân bằng. Con biết nếu con hạnh phúc thì tăng thân cũng hạnh phúc.

Sống với huynh đệ cùng phòng là một cơ hội quý báu. Một khi đã tin tưởng và truyền thông tốt với nhau, chúng con có rất nhiều cái để hiến tặng và yểm trợ lẫn nhau. Con thực tập để có thể chấp nhận những yếu kém của huynh đệ, đồng thời con cũng học cách chế tác niềm vui và hạnh phúc cho chính mình. Con nghĩ điều khó nhất là làm sao để nhìn một người bằng đôi mắt mới tinh khôi mà không qua lăng kính của tâm phán xét.

Người Thuỵ Sĩ thường cho nhau không gian hoặc thể hiện sự tôn trọng bằng cách sống thứ tự và ngăn nắp. Xe lửa, xe buýt hầu như bao giờ cũng đúng giờ, mọi thứ đều chính xác như một cái đồng hồ. Đời sống cá nhân rất quan trọng. Nhà ở kín đáo nép mình sau những hàng rào cây xanh. Thường thì người ta không biết nhiều về hàng xóm của mình. Người Thuỵ Sĩ có điều kiện sống đầy đủ, nhưng ít ai ý thức về điều ấy. Các giá trị truyền thống, những vấn đề tôn giáo, phẩm chất của đời sống và tình lân mẫn giữa người với người dần dần mai một. Công nghệ kỹ thuật đã làm người ta trở nên xa lạ với nhau và ngay cả với chính mình. Trên xe lửa hay xe buýt, hầu như không ai nói chuyện với ai. Người ta dán mắt vào điện thoại di dộng, itouch hay laptop. Ở sở làm, mọi người phải chạy đua với công việc, ít khi để thời gian trò chuyện hay cười đùa với nhau. Họ nghĩ thời gian là tiền bạc.

Đọc đến đây, có lẽ người nào đã biết đến Làng Mai không thể không mỉm một nụ cười. Con đã “can đảm” khi sống ở Làng bởi vì con đã từng có một cuộc sống như vừa kể. Vì vậy thử thách của con là phải tu tập thế nào để thay đổi những thói quen đã được huân tập bởi lối sống ấy. Lúc mới vào tăng thân, con hòa nhập không dễ chút nào. May mắn cho con là ở Làng Mai, thiên nhiên rất gần gũi. Thiên nhiên mở ra một cánh cửa để cho con gieo trồng tình yêu cuộc sống và thực tập hạnh buông bỏ. Mối quan hệ đặc biệt của con với đất Mẹ và trời Cha đã giúp con vượt qua nhiều trở ngại.

Mỗi bước con đi trong lòng tăng thân, mỗi đóa hoa của sự tu tập đem lại cho con rất nhiều niềm vui và hạnh phúc, tạo cho con cảm hứng để chuyển hóa nội tâm. Con thật sự được sinh ra một lần nữa tại Làng. Một điều rất rõ ràng đối với con là nếu không có Thầy, không có tăng thân, kể cả các bạn thiền sinh, con sẽ không có cơ hội được học hỏi cách trị liệu và chuyển hóa để tìm lại chính mình.

Con được về thăm gia đình ba lần sau ngày xuất gia. Con không thể diễn tả hết lòng biết ơn của con đối với tăng thân khi đã cho con cơ hội viếng thăm và yểm trợ ba mẹ. Con đã có mặt cho ba mẹ trong sự nâng đỡ của Thầy và tứ chúng Làng Mai. Trong một chuyến về thăm, con có làm một buổi thiền hướng dẫn cho ba mẹ. Khi thời thiền tọa chấm dứt, mọi người cùng mở mắt ra và ý thức sự có mặt của nhau. Chưa bao giờ ba mẹ và con cảm thấy gần gũi nhau đến thế. Cảm giác ấy chỉ kéo dài trong vài giây nhưng lòng con dâng lên một nỗi xúc động sâu xa. Bấy nhiêu thôi cũng đã đủ để con nguyện ở lại cùng với tăng thân và tiếp tục con đường tu tập. Nếu có một ngày nào con muốn bỏ đại chúng ra đi, xin mọi người hãy nhắc nhở con điều ấy.

Mẹ con rất thích đi bộ. Dù mẹ thích trò chuyện, hai mẹ con cũng thực tập đi một lúc trong im lặng. Sau đó mẹ con cho biết, khi hai mẹ con cùng đi như thế, phẩm chất sự có mặt cùng nhau đã thực sự tăng lên. Con còn đòi hỏi gì hơn thế nữa? Cha cũng đã đến Làng dự lễ xuất gia của con (vì lý do sức khỏe nên mẹ con chưa về thăm Làng được). Sau này cha có trở lại Làng và đã thực tập rất tinh tấn, hết lòng trong một tuần lễ ở đây. Con thấy mình được thừa hưởng hạt giống quyết tâm đó nơi cha.

Trong nhóm sa di của chúng con, các sư chú đến từ nhiều nước khác nhau. Sự giàu có và đa dạng về văn hóa giúp con học hỏi rất nhiều, không chỉ ở sự cởi mở mà còn ở đức tính kiên nhẫn nữa. Để hiểu về một văn hóa khác, con cần phải có thời gian. Ngay cả khi nói được ngôn ngữ của nước đó, có thể sự hiểu biết của con vẫn còn hạn chế. Con thích nếm thử các món ăn truyền thống, các món đặc sản cũng như thưởng thức âm nhạc và những câu chuyện dân gian. Con cảm thấy mình có thể tiếp xúc với văn hóa và đất nước Việt Nam qua những bài dân ca. Đôi khi con nghĩ mình nên dành nhiều thời gian hơn chỉ để thưởng thức những cái đó. Con rất tri ân văn hóa xuất sĩ bởi vì nó bao gồm được cả gốc rễ tổ tiên huyết thống của mỗi người.

Được cùng huynh đệ học tập, pháp đàm, dự các cuộc họp trong tăng thân, cùng ngồi uống trà là cơ hội có mặt cho nhau và ăn mừng sự sống. Gần như bao giờ con cũng góp nhặt được những chất bổ dưỡng để nuôi mình và học hỏi một điều gì đó trong những lần như vậy. Quan sát và cảm nhận năng lượng của người khác và của tự thân, con có thể hiểu các huynh đệ và hiểu mình sâu hơn. Mới đầu vì chưa quen nên con hơi thụ động, sau một thời gian con nhận ra rằng sự đóng góp còn có thể được thể hiện qua thái độ tích cực và sự khéo léo của mình. Thí như như khi thấy năng lượng trong lớp học hơi thấp, thay vì phàn nàn hay phê phán, con tự hỏi mình có thể làm được gì. Con thấy mình phải chăm sóc chính mình trước để nếu có sự căng thẳng xảy ra, con sẽ có đủ bình an để đối trị với hoàn cảnh. Khi biết mình không giúp được gì, con thực tập để chấp nhận những cảm thọ không dễ chịu.

Con vẫn còn phải thực tập rất nhiều để giữ cho mình được tươi mát, vững chãi, tĩnh lặng và có không gian trong lòng bởi vì con dễ bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh. Như khi huynh đệ không hòa hợp thì con cũng không có bình an. Trong trường hợp đó, con thường tìm đến nói chuyện, tìm hiểu, hoặc có khi con phải tự ôm ấp nỗi khổ đó như là một cách để giúp đem tới sự hòa hợp.

Trước đây khi chưa biết gì về đạo Bụt, con hình dung đạo Bụt qua hình ảnh Bụt đang ngồi một cách an nhiên. Hình ảnh này tạo cho con nhiều cảm hứng. Bây giờ con nghĩ đạo Bụt chính là sống hòa hợp với đất Mẹ, trời Cha và bước trên con đường hướng về giải thoát. Con nghĩ cách con sống hiện giờ chính là một sự giáo dục cao cấp giúp phát triển những cái thấy sâu sắc.

Nhu cầu cấp thiết của thời đại là chăm sóc và bảo vệ loài người, các loài cỏ cây, cầm thú và đất đá trên hành tinh của chúng ta. Nhiều người tuyên bố rằng giai đoạn thử thách của nạn khủng hoảng môi trường chính là cơ hội để tỉnh thức và chuyển hóa. Tại sao con phải chờ cho đến khi bị tuyệt vọng nhấn chìm? Ngay bây giờ, con không ao ước đạt đến sự giác ngộ cao tột, con chỉ muốn tận dụng thời gian để chế tác nhiều bình an, để mỗi bình an trở thành mỗi năng lượng giác ngộ. Và, tại Làng Mai, con có thể làm điều đó bằng những phương pháp cụ thể.

Cây trong chùa

Tôi thật không ngờ trong chùa lại có nhiều cây đến như vậy. Tôi nghĩ rằng đi tu là chỉ biết có tụng kinh, chỉ biết đến chuông mõ. Ấy vậy mà tôi lại thích chăm cây mới lạ chứ. Tôi không hiểu tại sao lại có sở thích này. Tôi chỉ biết rằng tôi chăm cây vì không muốn cây chết hay bị bệnh.

Sau hơn bảy năm đi tu, tôi phải công nhận một điều rằng ở nơi nào cũng có nhiều cây, dù là Việt Nam hay các nước khác xa hơn. Mà cây cũng giống giống nhau, nhất là lan. Lúc ở Diệu Trạm, có những chậu lan tôi chăm hơn ba năm mà cũng chưa ra bông nên tôi không biết cây lan đó nở bông như thế nào. Rồi đến khi tôi được đổi trung tâm tu học – tôi sang Làng, nhập chúng xóm Mới, cũng loài lan ấy, sau hơn hai năm chăm sóc cây đã cho bông, chỉ một cái thôi. Thế cũng được, vậy là tôi đã được nhìn thấy hoa của loài lan đó rồi. Loài lan đó được sư mẹ Thoại Nghiêm mang về xóm Mới từ một nơi rất xa trong dịp sư mẹ đi về nhà sư em Sinh Nghiêm, để yểm trợ cho sư em cũng như gia đình sư em.

Sau một thời gian chơi với cây, tôi bỗng nhiên trở thành một người chăm cây “thường trực”. Trong xóm, các chị em có cây lan nào hết bông thì bỏ ra,tôi chăm hết. Tôi rất hạnh phúc với công việc này.

Bên Làng khó hơn ở Việt Nam một chút, đó là mùa đông thì phải mang hết cây vào trong nhà, vì ngoài trời có khi nhiệt độ xuống đến âm độ, cây sẽ chết. Vậy là tôi phải sắp xếp sao cho gọn vì không gian cũng có hạn. Mùa đông năm ngoái, khi sư em Hoàn Nghiêm còn ở đây, sư em đã giúp tôi thiết kế chỗ để rồi, bây giờ tôi cứ theo đó mà làm. Năm nay lan nhiều hơn năm ngoái mà chỗ để thì đã hết, thế là tôi mang những chậu lan nhỏ nhỏ ra để ngoài thiền đường lớn, bên cửa sổ. Lan hay bất kỳ loại cây nào cũng đều cần ánh sáng, không thể đặt cây ở nơi thiếu ánh sáng được. Ngoài đó dù lạnh một chút, cây chậm lớn nhưng chỉ cần qua được mùa đông thôi. Dù chậm còn hơn là cây bị chết.

Lan rất dễ bị rệp bông trắng tấn công. Chỉ cần sau mười ngày không để ý tới là lan đã bị rệp tấn công rồi. Trong chùa thì hoàn toàn không dùng thuốc nên tôi phải bắt từng con rệp ra, sau đó dùng bông gòn tẩm cồn để lau chỗ mà rệp bông đã ở, sau đó lau hoặc rửa lại chỗ đó bằng nước lạnh. Phải làm như vậy vì dù nhìn không thấy gì nhưng từ chỗ đó sẽ lại phát sinh rệp rất mau. Đôi khi bận công việc, tôi chưa kịp để ý là một nhành hoa lan phải cắt bỏ, vì rệp quá nhiều, tôi không làm gì được. Nếu có cố gắng làm thì chùm hoa đó cũng bị bầm dập mất rồi. Thôi thì chấp nhận cắt bỏ để rệp không lây lan qua những cây khác.

Ngày hôm qua đi quán niệm ở xóm Thượng, thấy trên bàn Bụt trong thiền đường Tăng xá có một chậu lan, y chang lan ở Huế, tôi tính xin quý thầy sau khi hết bông nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy ngại quá nên thôi. Tôi cũng không hiểu vì sao, dù biết rằng quý thầy sẵn sàng cho nếu tôi hỏi.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến bài hát Một đời người một rừng cây. Bài hát có câu: Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây, sống gần nhau thân mới thẳng, có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương…” Tăng thân mà tôi đang được sống giống rừng cây trong bài hát này quá. Nhìn vào từng huynh đệ của mình, tôi như thấy cả một rừng lan. Mỗi một người đều hiến tặng cho tăng thân một vẻ đẹp khác nhau, làm nên một rừng lan muôn màu muôn sắc. Khi sắp xếp các chậu lan tôi cũng để xen kẽ các chậu lớn nhỏ cạnh nhau. Tôi thấy làm như vậy sẽ rất lợi vì nếu hai chậu cây lớn quá mà để cạnh nhau thì thấy không có không gian cho cả hai. Rất có thể cây lan nhỏ khi được đặt cạnh cây lan tươi tốt thì nó sẽ nương vào đó mà lớn nhanh. Nghĩ sao thì tôi làm vậy.

Khi làm việc gì tôi cũng nghĩ tới tăng thân và thấy rất đúng. Chuyển trung tâm tu học là một điều rất bình thường trong chúng. Tôi rất hạnh phúc vớiđiều này. Khi chăm sóc lan cũng vậy, tôi cũng thường “đổi trung tâm” cho các chậu lan. Chậu lan nào vừa hết bông thì tôi đổi chậu và đổi chỗ, làm như vậy để chậu lan nào cũng được ở gần cửa sổ để hưởng ánh sáng. Khi lan ra nụ, nụ hoa chỉ hướng về phía có ánh sáng thôi. Mầu nhiệm thay, cây nào cũng biết hướng về phía có bầu trời tươi sáng.

Bây giờ tôi đã có rất nhiều sư em, các sư em của tôi cũng như những cây lan vậy, cần được chăm sóc cẩn thận. Các sư em cũng được ở cùng phòng với các sư chị lớn để các sư em được học hỏi từ các sư chị. Tuy vậy, các sư chị cũng rất hạnh phúc khi được tận hưởng sự trong sáng, trẻ trung của các sư em. Các sư em của tôi, nhiều người còn rất trẻ, tâm bồ đề rất mạnh, tôi cũng được hưởng nguồn năng lượng dồi dào này. Những cây lan tôi chăm sóc, có cây mới chỉ có ba lá mà cũng cho một nhành hoa rất mập mạp, đầy sức sống. Nhìn cây lan, nhìn các anh chị em huynh đệ tôi thấy rất rõ sự tương tức. Tất cả chúng ta đều là một, chúng ta cần nương vào nhau để cùng chung tay xây dựng một cuộc sống lành mạnh.

Vài dòng gửi đến bạn đọc cho vui, tôi tin rằng tất cả chúng ta, ai cũng là một cây trong rừng cây nhân loại. Chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng. Chúc bạn hiền luôn yêu thương cuộc sống này vì còn rất nhiều điều mầu nhiệm đang chờ đón chúng ta.
Thương quý!

Đường xưa mây trắng vẫn còn bay

Thầy ơi !
Con đã đi tìm thầy từ muôn vạn kiếp trước
Con đã tìm như thể đó là lời hẹn ước
Từ thuở nước non đang còn tuổi sơ sinh

Thầy ơi!
Con đã đi tìm thầy khi mặt trời vừa rạng ánh bình minh
Hay trong đêm tối con bàng hoàng thức giấc
Con đã tìm thầy từ khi con còn là đất, là núi,là mây, là cây cỏ chốn rừng thiêng
Con đã tìm thầy như đi tìm chốn bình yên
Trong những nỗi khổ đau cùng cực nhất
Và rồi khi hạt mưa xuân thấm nhẹ trên mặt đất
Con đã thấy thầy trong hơi thở bước chân con

Thầy ơi!
Thầy vẫn lặng lẽ ngồi thật yên cạnh bên con
Trong những lần con chênh vênh cùng tột
Thầy đã bao giờ bỏ mặt con đâu
Vậy mà con đã nhìn thầy như nhìn kẻ xa lạ chốn núi thẳm rừng sâu
Để rồi con chơi vơi trong tháng ngày lạc lối
Mà chẳng biết rằng cứ mỉm cười thầy sẽ có mặt bên con

Sáng nay, đóa bạch cúc nhìn con cười lặng lẽ
Em thầm thì nhắn nhủ đôi câu
Rằng: “người thương ơi cuộc đời có bao lâu, sao
người thương cứ vấn vương trong nỗi sầu đau trước mặt?’’
Mở mắt ra đi thoát nẻo về cơn huyễn mộng

Thương ghét làm chi tình người tầm thường của thế gian
Rồi mai kia dẫu thân tâm có hoang tàn
Hãy cứ ngước mặt nhìn lên vầng trăng sáng
Hay là áng dương kia đang mỉm cười tỏ rạng
Vầng nhật kia đã bao giờ phụ ta đâu?

Ôi! Đúng là vầng nhật nguyệt kia đã bao giờ phụ con đâu
Vậy mà con đã bao lần đem bực tức
Đem những bứt rứt, phiền muộn, những bon chen
Đem những hờn ghen, oán thù trách móc
Hay những ngậm ngùi con trút cả vào hư không
Để rồi nhìn lại đời có khác gì cơn mộng
Như sóng bao phen lên xuống dập dồi
Hình hài này đã bao lần biến đổi
Chỉ có đường xưa mây trắng vẫn còn bay

Thầy ơi!
Thầy đã đến bên con và nắm nhẹ lấy đôi tay
Dạy con cười, dạy con đi, con thở
Con đường phía trước trong con đang rộng mở
Vì trên từng nẻo đường con có thầy đỡ nâng
Đường con đi nào phải ngày một, ngày hai
con sẽ gắng đi những bước chân thật dài
và vươn rộng từng bàn chân vững chãi
vượt qua những thăng trầm, chông gai con vướng phải
để được tiếp nối thầy trong từng buổi sớm mai.

Tăng thân yêu quý

Thực tập giới thứ mười hai trong mười bốn giới Tiếp Hiện nghĩa là “Sống đời sống hàng ngày theo tinh thần bất hại, hiểu biết và thương yêu, góp phần vào công việc giáo dục hòa bình và thực tập hòa giải trong phạm vi gia đình, cộng đồng, quốc gia và quốc tế”. Trước khi xuất gia, con đã thực tập giới thứ mười hai rất cụ thể bằng cách tích cực tham gia vào các nhóm đấu tranh cho công bằng xã hội. Sống trong xã hội Hoa Kỳ, nơi có rất nhiều kỳ thị chủng tộc và bạo động, con thường tự hỏi mình: “Làm thế nào để chế tác từ bi trong tinh thần bất bạo động và tương tức ngay bây giờ và ở đây?”. Câu hỏi ấy đã thúc đẩy con quán chiếu về Cộng đồng yêu quý.

Thầy thường nhắc đến buổi gặp gỡ với mục sư Martin Luther King và khao khát thực hiện công trình xây dựng Cộng đồng yêu quý (Beloved community) của Mục sư. Chúng con cũng thường gọi tăng thân chúng con là Tăng thân yêu quý (Beloved Sangha). Nhưng mãi đến năm nay (2015), khi được chuyển sang tu viện Bích Nham, con mới thực sự để thời gian tìm hiểu ý nghĩa đích thực của cụm từ này.

Cụm từ Cộng đồng yêu quý được sử dụng lần đầu tiên bởi Josiah Royce, người đã thành lập Hội Thân hữu Hòa giải (Fellowship of Reconciliation). Năm nay hội này đã được 100 tuổi. “Tuy nhiên, chính mục sư King, một hội viên của Hội Thân hữu Hòa giải, đã làm cho cụm từ này trở nên nổi tiếng và mang một ý nghĩa sâu sắc hơn bởi vì ông đã nói lên được ước mơ của tất cả những người có thiện chí trên thế giới… Theo cái thấy của mục sư King, Cộng đồng yêu quý của mục sư King là một cộng đồng mang tính quốc tế, nơi đó mọi người cùng được thừa hưởng sự giàu có của đất Mẹ. Trong Cộng đồng yêu quý, cảnh nghèo đói, vô gia cư sẽ không được ai chấp nhận bởi vì tiêu chuẩn quốc tế về những yêu cầu cơ bản của con người sẽ không cho phép những điều đó xảy ra. Sự kỳ thị chủng tộc và tất cả các hình thức khác của sự kỳ thị, cuồng tín và thành kiến sẽ được thay thế bởi tinh thần bao dung của tình huynh đệ. (www.thekingcenter.org/ king-philosophy).

Con không ngạc nhiên chút nào khi nhận ra rằng cụm từ Cộng đồng yêu quý mang một ý nghĩa rất rộng. Cụm từ này không chỉ nói về một nhóm người cùng chung một chí nguyện, mà còn là một đề nghị thực tập, tương đồng với mười bốn giới Tiếp Hiện, nhằm chế tác tình thương đích thực đối với tất cả mọi người, mọi loài. Tình thương bắt nguồn từ trái tim sẽ được chuyển thành hành động cụ thể. Giờ đây con có thể hiểu tại sao mục sư King đã trở thành một trong những tổ tiên tâm linh của chúng con. Vì thế, được tham gia vào Ban tổ chức chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ năm nay là một vinh dự cho con. Con đã có cơ hội được xây dựng Tăng thân yêu quý ngay trong chuyến đi, và nhất là có thời gian để nhìn sâu vào những khổ đau đang diễn ra do sự kỳ thị chủng tộc trên đất nước này.

Điều này được thực hiện qua cuộc hội thảo với đề tài: Nơi gặp gỡ giữa Tâm linh và Hành động: Tiếp nối di sản của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và mục sư Martin Luther King được tổ chức tại Phòng thở của tòa nhà ABC Home, New York, nơi thư pháp của Thầy được triển lãm thường xuyên. Có khoảng 200 người đã đến tham dự cuộc hội thảo này.

Người dẫn chương trình là cô Arthel Neville của đài Fox News. Nhóm thuyết trình (gồm có sư cô An Nghiêm, tiến sĩ Marisela Gomez, Alycee J. Lane và mục sư Zenju Earthlyn Manuel) đã bắt đầu bằng việc ôn lại những cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Thầy và mục sư King. Tiếp đó, các vị chia sẻ kinh nghiệm của mình khi áp dụng những lời dạy đó trong đời sống xã hội ngày nay. Các đề tài đã được chia sẻ như: sức mạnh của phép lắng nghe sâu, trị liệu mặc cảm chán ghét bản thân, sự tương tức giữa bạo động và bất bạo động, những phương thức để trở thành một nhà hoạt động xã hội theo chiều hướng tâm linh.

Buổi tối hôm đó rất nhiều người, trong đó có con, đã rơi nước mắt, những giọt nước mắt của niềm vui lẫn nỗi buồn và của lòng biết ơn. Tuy mỗi vị đều chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân của mình nhưng tất cả đều hướng đến những chủ đề chung. Sự bất công về chủng tộc đã làm tổn thương tất cả mọi người thuộc các sắc tộc khác nhau. Năng lượng chánh niệm và thương yêu của mỗi người trong nhóm chia sẻ đã góp phần tạo nên năng lượng trị liệu chung mầu nhiệm. Ai cũng cảm được một nguồn năng lượng hùng mạnh tỏa ra trong căn phòng lúc ấy.

Cô Alycee J. Lane nói: “Ngoài những tuệ giác rất hay đã được chia sẻ, điều làm con cảm động nhất trong buổi tối hôm ấy chính là sự khao khát rất lớn của những người có mặt với mong muốn kế thừa được nguồn sống và nguồn sức mạnh của Thầy và Mục sư cho cuộc sống của họ và cho thế giới này. Việc nhiều người đã đội mưa đến tham dự buổi sinh hoạt tối hôm đó là bằng chứng cho thấy họ rất quan tâm tới vấn đề này. Chúng ta có thể gọi đó là một sự tỉnh thức, rằng chúng ta sẽ không đi theo con đường bạo động và hận thù. Chúng ta sẽ theo gót Thầy và mục sư King”. Buổi chia sẻ đã thành công tốt đẹp và được truyền trực tuyến để đến với hàng ngàn người. Một số tăng thân đã cùng nhau theo dõi qua mạng. Sự kiện này đã mở ra một cơ hội để những cuộc đối thoại và quán chiếu về chủ đề này được tiếp diễn trong tương lai.

Cộng đồng yêu quý vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng ở tu viện Mộc Lan, Mississippi, nơi tượng đài của Thầy và mục sư King được khánh thành trong một buổi lễ rất cảm động. Con đã khóc khi nhìn thấy những cánh đồng bông gòn chỉ cách tu viện vài dặm, nơi mà trước đó không lâu những người nô lệ da đen đã phải làm việc rất vất vả. Tượng đài ở tu viện Mộc Lan biểu hiện như một giọt nước cam lộ trị liệu những khổ đau mà mảnh đất này đã đi qua trong quá khứ. Quý thầy, quý sư cô đã cùng nhau đến thăm Bảo tàng Dân quyền Quốc gia (National Civil Rights Museum) ở Memphis, nơi mục sư King bị ám sát năm 1968. Khi nhìn thấy những hình ảnh, nghe thấy những âm thanh về những sự bkiện đã xảy ra trong quá khứ, những điều mà trước đây con chỉ có thể đọc qua sách báo, con đã thực sự xúc động. Buổi tham quan này đã giúp con hiểu sâu hơn về phong trào Dân quyền và củng cố thêm niềm tin của con vào tăng thân khi thấy tăng thân thực sự muốn học hỏi và tìm hiểu thêm về những cộng đồng khác tại địa phương.

Tại tu viện Lộc Uyển, chúng con đã tổ chức một buổi chia sẻ về đề tài Bình đẳng chủng tộc với gần một trăm người tham dự, phần lớn đến từ các tăng thân tu tập theo pháp môn Làng Mai. Đây là cơ hội để chúng tôi cùng trao đổi kinh nghiệm và sự thực tập của mình trong việc chuyển hóa sự phân biệt chủng tộc trong chính tự thân và trong những cộng đồng nơi mình đang sinh sống. Trong dịp này, một nhóm gồm bốn vị đã chia sẻ về các chủ đề: những khó khăn của người da màu trong việc hòa đồng vào các tăng thân mà phần lớn là người da trắng; người da màu phải đối diện với bạo lực, nghèo đói, và bệnh tật nhiều hơn những người có nguồn gốc châu Âu, dù có cùng trình độ học vấn và cùng một địa bàn cư trú; tầm quan trọng của những tăng thân dành cho người da màu – “những ngôi nhà tâm linh, văn hóa” (cultural sanctuaries) – nơi mà giáo pháp của Bụt trở nên gần gũi và dễ dàng áp dụng; làm thế nào để những người da trắng cùng ngồi lại và nhìn sâu vào tập khí phân biệt chủng tộc mà họ đang mang theo và làm thế nào để chuyển hóa tập khí này.

Rất nhiều người đã đặt câu hỏi: “Vậy tôi có thể giúp được gì?”. Câu trả lời vang lên trong buổi chia sẻ hôm ấy là: “Xin hãy tập nhìn rõ chính mình, tìm hiểu về lịch sử và trải nghiệm của những người khác biệt với mình. Chúng ta cần thấy được những khổ đau của họ và có niềm tin nơi họ. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta sẵn lòng thay đổi thái độ của chính mình. Chúng ta đã có tất cả những pháp môn cần thiết để làm việc này”. Sau sự kiện này, một nhóm nhỏ đã đến với nhau để tìm những phương cách giúp các tăng thân chủ động hơn trong việc chữa lành những vết thương gây ra bởi sự kỳ thị chủng tộc trong mỗi cá nhân nói riêng và của xã hội nói chung. Những hạt giống của Cộng đồng yêu quý, trong tương quan với mười bốn giới Tiếp Hiện, rõ ràng đang lớn mạnh. Chúng con cảm thấy Thầy và mục sư King đang cùng bước đi với chúng con và các vị đang rất hài lòng.

Con cũng đang cố gắng hết sức để đánh thức Cộng đồng yêu quý nơi tự thân con. Sự thực tập chánh niệm cho con thấy rõ rằng trong con có tất cả các loại hạt giống: hạt giống của sự phân biệt và kỳ thị, cũng như hạt giống của lòng can đảm và sự trị liệu. Con cần đầu tư thực tập để chuyển hóa những tập khí tiêu cực mà con đã huân tập từ gia đình và xã hội. Làm sao con có thể cho rằng mình không có hạt giống của sự phân biệt chủng tộc? Sự thực tập đòi hỏi chúng ta phải thực sự tiếp xúc với khổ đau, nhưng chúng ta không thể dừng lại ở đó. Chúng ta phải chuyển hóa khổ đau thì mới có được niềm vui và tự do đích thực.

Càng nhìn sâu vào lòng mình, con càng ghét bỏ sự phân biệt chủng tộc, và ghét bỏ cả những tập khí vụng về khác của con. Con đã cố gắng che giấu chúng bởi vì con không thể chấp nhận mình. Nhưng mục sư King đã nói rằng: “Chỉ có khước từ sự ghét bỏ và giết chóc mới cắt đứt được xiềng xích của bạo lực trên thế giới và giúp chúng ta tạo lập một cộng đồng, ở đó con người chung sống với nhau mà không còn sợ hãi. Mục tiêu của chúng ta là tạo dựng một Cộng đồng yêu quý, điều này đòi hỏi một sự thay đổi về chất trong tâm hồn cũng như sự thay đổi về lượng trong đời sống của chúng ta”*. Vì vậy con đang thực tập buông bỏ hiềm hận đối với những gì mà chính con chưa chấp nhận được, để vượt lên trên sự ghét bỏ và vô minh để có được một Cộng đồng yêu quý nơi tự thân. Cuối khóa tu dành cho người da màu, con tự cam kết rằng mình sẽ mở lòng hơn với những sai lầm của mình, cho phép mình vụng về, và ôm ấp hạt giống phân biệt chủng tộc trong tâm, như lời mục sư King đã chia sẻ. Các phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của người da màu cũng quan trọng) và các trang web như buddhistsforracialjustice.org (Người Phật tử vì bình đẳng chủng tộc) cho chúng ta nhiều cơ hội để tự giáo dục bản thân và cùng nhau hành động trên tinh thần từ bi. Tuy nhiên, kinh nghiệm của những năm hoạt động trong quá khứ của con cho thấy nếu không có “cái tâm thay đổi” thì những nỗ lực chấm dứt phân biệt chủng tộc và áp bức chỉ có thể được duy trì vì nghĩa vụ và đi đến sự tuyệt vọng mà thôi.

Khi chia sẻ về công việc của mình với những cựu thành viên của một băng đảng tại L.A, linh mục Fr. Greg Boyle nói: “Chúng ta tìm phương cách tạo nên những cộng đồng nơi mọi người thương yêu nhau như ruột thịt để đối trị với sự vô cảm, phân biệt chủng tộc và kỳ thị văn hóa, những thứ đang chia rẽ chúng ta”**. Ông gọi tình anh em ruột thịt (kinship) là “tiếng gọi chung để đem niềm vui cho nhau”. Để đem niềm vui đến cho nhau, con phải có niềm vui thực sự trong tự thân. Khi trong con không còn chỗ cho lo sợ, bất an thì tất cả mọi người, mọi loài đều trở thành một với con. Con nghĩ rằng đó cũng là điều mà tăng thân của chúng ta đã và đang thực hiện qua việc tổ chức những khóa tu và xây dựng các trung tâm tu học mang không khí thâm tình, trong bối cảnh thế giới quá khắc nghiệt và bạo lực.

Với những quán chiếu về Cộng đồng yêu quý nơi tự thân, con đang dần cảm thấy mạnh mẽ hơn trong sự thực tập của mình. Như con đã chia sẻ ở cuối buổi pháp đàm về chủ đề Bình đẳng chủng tộc tại tu viện Lộc Uyển: “Mặc dù công việc này rất khó khăn, nhưng con biết là tất cả chúng ta đã không có mặt ở đây nếu như chúng ta không đi qua những trở ngại trong sự thực tập. Và nếu kiên trì dấn bước, chúng ta sẽ đi đến một nơi có nhiều tự do và niềm vui hơn. Đây là công trình trị liệu chung của tất cả chúng ta. Công trình trị liệu này là sự thực tập cộng đồng, không chỉ của một cá nhân. Đó là cách con nhìn nhận về vấn đề này và con thực sự biết ơn vì đã được tu tập cùng đại chúng”. Học cách chấp nhận, ôm ấp và chia sẻ về sự phân biệt chủng tộc là một phương cách, tuy nhỏ nhưng rất thiết thực, để thực tập mười bốn giới Tiếp Hiện và cũng để thực hiện giấc mơ của mục sư Martin Luther King và Thầy trong việc tạo ra một Cộng đồng yêu quý có tình thương chân thật. Con hy vọng sự thực tập này sẽ mang lại nhiều chuyển hóa và trị liệu cho đại chúng.

* Nonviolence: The Only Road to Freedom (tạm dịch Bất bạo động: Con đường duy nhất đi đến tự do), Martin Luther King, Jr., 04.05.1966.

** Tattoos on the Heart, the Power of Boundless Compassion (tạm dịch Những hình xăm lên trái tim, Sức mạnh vô hạn của từ bi). Greg Boyle. Chapter Six.

Ngồi yên bên Hơi Thở Nhẹ

Mời bạn đến thăm thiền đường Hơi Thở Nhẹ (Maison de l’Inspir), một trung tâm tu học của Làng Mai tại Paris, nước Pháp. Thiền đường hiện là nơi cư ngụ của mười sư cô, cũng là ngôi nhà tâm linh của hàng trăm cư sĩ Việt, Pháp, Anh. Sư cô trụ trì Giác Nghiêm là người Pháp hiền lành, đức độ. Trong chúng còn có các sư cô người Lào, người Hà Lan và Việt Nam. Thiền đường nằm bên bờ sông Marne, trong khu vực ngoại ô yên tĩnh Noisy le Grand. Với ba mươi phút đi xe bus, hoặc tàu điện ngầm từ trung tâm Paris, bạn đã có thể đến ngồi thiền, đi thiền ở đây.

Giáng sinh và Tết Dương lịch năm nay rơi vào giữa mùa An cư kết Đông, có hơn bảy mươi thiền sinh về đón giao thừa. Năm nay, khí hậu biến đổi bất thường, mùa đông nhưng thời tiết không đủ lạnh, trong khu vườn nhỏ nơi đây bỗng dưng xuất hiện những cánh thủy tiên vàng rực rỡ. Theo truyền thống hằng năm, quý sư cô cuốn chả giò chay làm quà Noel tặng hàng xóm và những nơi ơn nghĩa như bưu điện, ngân hàng, trạm công an, hàng rau chợ trời, viện dưỡng lão lân cận… Số lượng gần tám trăm cuốn, gấp đôi năm ngoái vì những cánh cửa hàng xóm đang mở rộng tự nhiên ra xa hơn. Người dân ở khu vực ngoại ô này, phầnnhiều thuộc truyền thống Thiên Chúa giáo, nhìn thấy bóng áo nâu hiền lành của quý sư cô mỗi ngày thiền hành dọc theo sông Marne gần tám năm nay, dần dần đã có thêm nhiều thiện cảm. Khoảng giữa năm trước, gia đình vị trưởng lão trong khu vực đã tổ chức tiệc mở cửa (Open house), quý sư cô được mời đến gặp gỡ, chia sẻ cuộc sống thiền tập của mình. Hàng xóm rất thích nghe thiền ca và thưởng thức chả giò chay của quý sư cô, tình làng nghĩa xóm khắng khít tươi vui.

Từ thứ Hai đến thứ Tư, thiền đường trở thành nội viện dành riêng cho chúng xuất sĩ sinh hoạt. Ngày xuất sĩ vào thứ Ba hằng tuần, quý sư cô được nghe những bài giảng dành riêng cho người xuất gia từ nhiều năm trước của Sư Ông, người Việt học thêm tiếng Pháp và văn hóa phương Tây, người Tây phương học thêm tiếng Việt và văn hóa phương Đông. Thứ Tư là ngày tụng giới, học giới, pháp đàm uy nghi. Thứ Hai mỗi tuần là ngày làm biếng, thời gian dành riêng cho quý sư cô chăm sóc gia đình huyết thống qua điện thoại hoặc thư từ.

Thiền đường mở cửa chào đón cư sĩ từ sáng thứ Năm đến chiều Chủ nhật. Chương trình thiền tập cho thiền sinh nhỏ tuổi nhất mang tên Ngày gia đình yêu thương (Famillies du Coeurs). Vào chiều thứ Bảy tuần thứ hai của mỗi tháng, trẻ em được ba mẹ đưa về đây học thiền và vui chơi. Các em được thực tập nhiều pháp môn phù hợp với tuổi thơ như thiền sôcôla, thiền gieo hạt trồng hoa, thiền cherry, thiền chạy, thiền khám phá khu vườn, thiền suối, thiền buông thư, thiền sỏi, thiền múa, thiền ca, thiền quýt, thiền thở… cốt yếu là trao truyền khả năng sống trong giây phút hiện tại cho các em, dạy các em biết trân quý hạnh phúc, ôm ấp cảm xúc mạnh… Nhiều em đã lớn lên từ chương trình, trở thành hạt giống tốt. Có em đã trở thành bạn thực tập đắc lực của cha mẹ tại nhà. Mỗi bữa cơm gia đình các em được phân chia nhiệm vụ đọc Năm quán cho cha mẹ cùng thực tập, thỉnh chuông chánh niệm.

Ngày giáo chức là ngày tu học đều đặn mỗi hai tháng dành cho thầy cô giáo và những người làm việc trong lĩnh vực đào tạo và giáo dục, một biểu hiện cụ thể của sự thực tập đưa chánh niệm vào trường học. Chương trình đã được thực hiện trong vài năm qua và có sự đóng góp đáng kể cho thầy cô giáo. Hơi Thở Nhẹ như là nơi cho các thầy cô giáo quay về nạp năng lượng, chuyển hóa khó khăn và nuôi dưỡng tứ vô lượng tâm cho chính mình và học trò. Ngoài ra còn có Ngày thiền tập riêng dành cho phái nam và Ngày thiền tập riêng dành cho phái nữ, là cơ hội dùng chánh niệm để nhìn sâu vào sự khác biệt của giới tính trong đời sống.

Thiền sinh đến thiền đường đều phát tâm chuẩn bị thức ăn mang tới, mọi thứ được để lên bàn khất thực để chia sẻ cùng nhau. Quý sư cô ở đây sống hoàn toàn nhờ vào sự cúng dường giống như thời Bụt. Có người đem tới vài quả táo, xà lách, bịch đậu, chai nước tương, vài củ gừng, miếng đậu hũ… Trước khi ra về, họ đến thùng phước sương cúng dường chút ít để giúp quý sư cô trả tiền điện, tiền nước, bảo trì nhà cửa…

Tăng thân trẻ Vườn Bông được sinh ra tại thiền đường. Đa phần các bạn từ Việt Nam sang du học và ở lại làm việc, sinh sống, lập gia đình trên đất Pháp. Họ dành ít nhất là hai ngày Chủ nhật trong tháng về đây thiền tập. Mỗi tuần, các bạn luân phiên đến nhà từng thành viên để tổ chức ngày quán niệm, ngồi thiền, thiền ăn, đọc sách Sư Ông, pháp đàm và chơi với nhau.

Ngoài những ngày về thiền đường ngồi thiền cùng quý sư cô, mỗi buổi sáng, khởi đầu ngày mới, các bạn còn có thiền đường online để cùng ngồi thiền với nhau qua Skype ba mươi phút trước khi đi học, đi làm. Tăng thân được quý sư cô nuôi dưỡng và hướng dẫn hết lòng từ phương pháp thiền tập, vấn đáp, lắng nghe những trăn trở khó khăn thử thách của tuổi trẻ, chia sẻ kinh nghiệm đưa chánh niệm vào trường học, vào đời sống để thưởng thức tuổi trẻ trong giây phút hiện tại, từ đó nhiều chuyển hóa đã xảy ra. Một bạn trong tăng thân Vườn Bông chia sẻ: “Bây giờ em biết ngồi thiền rồi nên thấy thích quá, mỗi ngày ngồi bốn mươi lăm phút và thấy không thể thiếu. Trước đây chưa biết thực tập chánh niệm, em xài thì giờ rất phung phí, đi chơi với bạn bè cũng thấy nhạt nhẽo, chẳng biết làm gì, nói gì, có khi chỉ tụ lại ăn uống. Bây giờ đến với tăng thân, chỉ cần ngồi yên là đủ hạnh phúc rồi.” Vườn Bông càng ngày càng lớn mạnh, mỗi thành viên là một bông hoa, khu vườn đang được nới rộng sang nhiều thành phố khác trong nước Pháp và cả nước Phần Lan.

Ngày hội âm nhạc của nước Pháp, rất nhiều trường phái, ban nhạc đem tiếng hát của mình ra biểu diễn khắp đường phố Paris. Tăng thân Vườn Bông cũng đem pháp môn thiền ca, thiền tọa và thiền hành ra đóng góp, truyền cảm hứng cho mọi người. Giữa ồn ào náo nhiệt, có khoảng tám mươi người trẻ ngồi thật yên, thật vững chãi, trên môi điểm nhẹ nụ cười. Họ hát, họ bước những bước chân vững chãi tiến vào bảo tàng Louvre cùng ăn tối trong chánh niệm. Quý sư cô động lòng trước sự nhiệt tình tu học của các bạn trẻ nên đã hiến tặng sự có mặt của mình như một món quà quý dành cho tri kỷ. Năm qua, hai thành viên trong Vườn Bông được thọ giới Tiếp Hiện tại Làng Mai.

Tăng thân trẻ Wake Up Paris không đóng đô tại thiền đường, tuy nhiên, thỉnh thoảng các bạn về thiền đường thực tập. Hàng năm, các bạn đều về tham dự khóa tu người trẻ quốc tế. Đầu tháng 12 năm 2015, các bạn đã về tổ chức một ngày quán niệm với đề tài Sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Lần đầu tiên thiền đường có pháp thoại trực tuyến từ xóm Thượng, Làng Mai. Thầy Pháp Dung và thầy Pháp Hộ đã chia sẻ và truyền biết bao cảm hứng cho các bạn trẻ Tây phương. Nguồn năng lượng thiền tập tại Hơi Thở Nhẹ khoác lên tấm áo mới nhiều sinh khí.

Có hai tăng thân Tiếp Hiện cùng sinh hoạt tại thiền đường, tăng thân Việt và tăng thân Pháp. Hơn hai mươi vị Tiếp Hiện Việt và hơn mười vị Tiếp Hiện Pháp là tăng thân có bốn thế hệ cùng thực tập chánh niệm. Họ thật sự là những người bạn đồng tu, những vị Bồ tát của quý sư cô.

Mỗi Chủ nhật tuần thứ hai trong tháng là ngày quán niệm tụng giới của tăng thân Tiếp Hiện Việt. Ngày đó luôn vui như hội. Năng lượng tụng giới, pháp đàm giới của tăng thân rất hùng mạnh. Sự chia sẻ và thực hành giới trong tăng thân thực tiễn, áp dụng được trong đời sống hằng ngày, nhờ đó mà các bạn trẻ được học hỏi nhiều kinh nghiệm quý giá từ các vị Tiếp Hiện. Đó cũng là ngày đại chúng được thưởng thức nhiều món ngon Việt Nam trên bàn khất thực nhất. Những Chủ nhật còn lại, tăng thân về thực tập nghe pháp thoại Công phu nở đóa sen ngàn cánh và Duy biểu học của Sư Ông. Ngoài ra, 5 giờ chiều thứ Sáu hàng tuần, tăng thân có mặt cho ngày tụng kinh tiếng Việt. Quý vị Tiếp Hiện tại thiền đường phần đông là những Tiếp Hiện lâu năm, có nhiều vị đến với pháp môn từ những năm đầu Làng Mai mới thành lập, trung thành đi theo Sư Ông, giúp đỡ và hộ pháp hết lòng.

Một trong những hoạt động thu hút nhiều thiền sinh đến thiền đường là Ngày Thiền tập và Tai chi, do một chị Tiếp Hiện Việt hướng dẫn. Tai chi và thiền tập song song để cùng nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất, lồng vào là thiền hành và thiền buông thư giúp cho thiền sinh nếm được pháp lạc, buông bỏ được những căng thẳng trong đời sống nhiều áp lực. Nhiều người đến lần đầu đã rất xúc động với ngày thiền tập như vậy. Cùng với việc ăn chay, việc sử dụng thức ăn gần với thiên nhiên, tươi mát trong tinh thần yểm trợ đất Mẹ càng làm cho họ có năng lượng sống tích cực hơn. Đó là cánh cửa phương tiện vi diệu mà nhiều vị Tiếp Hiện đã mở ra, tạo cơ hội cho người Pháp, Việt đến với con đường tâm linh. Trong năm tới, lớp học tiếng Việt cũng sẽ được tăng thân Tiếp Hiện mở ra tại thiền đường như một chương trình văn hóa và thiền tập.

Mỗi vị Tiếp Hiện ở đây đều là sự tiếp nối đẹp của Sư Ông. Họ hết sức khéo léo đưa chánh niệm và thiền tập vào tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp từ chữa bệnh, giảng dạy, báo chí, quản lý nhà hàng khách sạn, công sở… và cả gia đình trong đời sống hằng ngày.

Với phương pháp lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ, trong lúc dạy học tại trường, họ ứng dụng pháp môn để tìm hiểu tâm tư tình cảm của học trò, càng ngày càng được học trò yêu quý, lớp học của họ bây giờ có nhiều năng lượng bình an hơn.

Một công trình lớn của tăng thân Tiếp Hiện yểm trợ cho tăng thân xuất sĩ ở đây nữa là lớp học tiếng Pháp và văn hóa người Pháp. Một số Tiếp Hiện là giáo sư dạy Pháp ngữ, có vị đã để thì giờ biên soạn giáo trình tiếng Pháp dành riêng cho quý sư cô, ứng dụng dễ dàng trong thiền viện, vị khác thì đến tập cho các sư cô người Việt nói tiếng Pháp, chia sẻ với quý sư cô hiểu rõ văn hóa Pháp. Sự truyền thông giữa quý sư cô người Việt và người Pháp càng thêm thân mật, thiền sinh Pháp đến thiền đường càng nhiều lợi lạc. Một nguồn năng lượng mới đang luân chuyển trong tăng thân nhờ vào sự đóng góp lớn lao của quý vị Bồ tát tại gia ấy.

Quý vị Tiếp Hiện nam và các bạn trẻ nam trong các tăng thân cũng là một nguồn yểm trợ lớn cho quý sư cô. Hai công trình ý nghĩa mà họ hoàn thành trong năm vừa qua là căn nhà gỗ cuối vườn và cái kho bên hông tường nhà chính. Có căn nhà gỗ nhỏ là ước mơ gần tám năm nay của thiền đường cho thiền sinh nam có thêm cơ hội tá túc ban đêm. Nhà ăn được biến thành phòng nghỉ ngơi ban đêm cho thiền sinh nữ. Bao nhiêu dụng cụ chấp tác, bàn ghế, cuốc xẻng, xe rùa… cũng có giấc ngủ đêm an bình sau nhiều năm dầm mưa dãi nắng ngoài vườn.

Ngoài ra, quý sư cô còn nhận được sự chăm sóc nhiệt tình từ tăng thân cư sĩ. Mùa đông họ đem cúng dường áo ấm, khăn, tất. Mùa hè có thêm rau củ, trái cây xanh mát. Có cư sĩ là nữ bác sĩ, nha sĩ… đến chăm sóc kiểm tra sức khỏe chu đáo cho quý sư cô.

Vào mùa thu năm nay, tại thiền đường có buổi lễ Hằng thuận, cô dâu là Tiếp Hiện trẻ Việt và chú rể người Pháp. Nghi thức buổi lễ thật cảm động, đầy tình thương. Tuệ giác của nền đạo đức tâm linh có khả năng đi vào cuộc đời, dẫn dắt được thế hệ trẻ hiện đại, mở ra con đường rõ ràng, vững vàng khởi sự cho cuộc sống lứa đôi.

Bắt đầu bằng nghi thức thiền hành, dưới sự hướng dẫn của quý thầy, quý sư cô Làng Mai, mỗi thành viên tham dự có cơ hội hiến tặng sự hiện diện trọn vẹn của chính mình trong mỗi bước chân đã về đã tới, làm món quà quý tặng cho hai bạn trẻ. Đại gia đình bên chú rể, từ ông bà nội, ông bà ngoại, cha mẹ, anh chị em và bạn bè đều là người Pháp với gốc rễ tâm linh Thiên Chúa giáo. Bên nhà gái, dù đã ở Pháp lâu năm, nhưng cha mẹ vẫn giữ được nếp nhà đậm nét truyền thống gia giáo Việt Nam. Trong nghi lễ ấy, chúng ta thấy hai nền văn hóa Đông Tây, hai nền đạo đức tâm linh lớn đã gặp nhau, dâng tặng cho nhau những giá trị đẹp nhất của mình, làm thành tình yêu thương đích thực. Khoảnh khắc đôi bạn trẻ tiếp nhận Năm điều phát nguyện cho cuộc sống hôn nhân trao truyền từ chư Bụt, chư Tổ, từ Thầy và tăng thân đã làm nhiều người vô cùng xúc động.

Ngoài việc tu học và phụng sự trong nội viện, quý sư cô ở thiền đường còn đại diện Làng Mai tại Paris đi tổ chức và tham dự các khóa tu trong các thành phố lân cận và các nước láng giềng. Khóa tu giao lưu học hỏi giữa các tôn giáo là một trong những lời mời truyền thống hằng năm mà quý sư cô luôn có mặt. Năm nay, khóa tu có chủ đề là Cầu nguyện. Sư cô Giác Nghiêm đã đem đến khóa tu bài Tâm kinh Bát nhã mới dịch lại của Sư Ông, khiến các nhà lãnh đạo tôn giáo rất ấn tượng về tuệ giác của sự cầu nguyện, người cầu nguyện và điều cần cầu nguyện trong đạo Bụt. Nhờ phước đức lớn của Sư Ông, thiền đường Hơi Thở Nhẹ và quý sư cô ở đây đã gặp nhiều thuận duyên trong việc giao lưu, học hỏi và nhận được nhiều sự yểm trợ từ nhiều tôn giáo khác nhau ngoài đạo Bụt, như Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Ấn Độ giáo… Nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo khác ở Paris đã đến thăm thiền đường hoặc mời quý sư cô đến trung tâm của họ để cùng nhau học hỏi, trao đổi làm mới phương pháp thực tập cho nhau.

Năm nay, Tết Nguyên Đán được tổ chức tại thiền đường, tạo điều kiện cho quý vị thiền sinh nhiều năm chưa có cơ hội tận hưởng truyền thống đón xuân, vui tết Việt Nam. Một tuần trước tết sẽ có ngày gói bánh chưng bánh tét, hội chợ hoa xuân và cả hội chợ ẩm thực. Các món ăn trong hội chợ sẽ đến từ rất nhiều quốc gia, do các bạn thiền sinh đóng góp, từ Đông sang Tây, từ châu Á, châu Âu sang đến tận châu Phi.

Thiền đường đang khởi sắc, công phu thiền quán và khả năng thương yêu xây dựng tình tăng thân trong chúng xuất sĩ và cư sĩ có nhiều tin vui. Thiền duyệt luôn có mặt trong mỗi thành viên. Pháp môn luôn sống động. Năm mới, chúng con nguyện một lòng hướng về Sư Ông, hướng về đại chúng để cùng tu học, chuyển hóa khổ đau và chế tác hạnh phúc. Kính chúc Sư Ông và tứ chúng khắp nơi trong mười phương nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

Lắng nghe tiếng khóc em thơ

Sư chú Chân Trời Hy Mã, người Tây Ban Nha, xuất gia năm 2013 trong gia đình Cây Đoàn. Sư chú hiện đang tu học với rất nhiều hạnh phúc tại xóm Thượng, Làng Mai. Bài viết được chuyển ngữ từ tiếng Anh

Bạn thân mến,

Tháng Bảy hàng năm, Làng Mai khai mạc khóa tu mùa Hè đón các gia đình từ khắp mọi nơi trên thế giới về tu tập, trong đó có cả trẻ em.

Đó là thời gian mà chúng tôi, những đứa con của đất Mẹ, đến với nhau như một đại gia đình. Chúng tôi tập sống sâu sắc trong hiện tại, cùng tu, cùng học, cùng làm việc và cùng nhau rèn luyện thể chất. Làm gì chúng tôi cũng thấy vui vì biết cách đem thân và tâm về một mối.

Làng Mai vào mùa hè có rất nhiều cái đẹp. Khắp nơi, cỏ cây khoác áo màu xanh, sen hồng nở rộ trong hồ, bầu trời xanh mênh mông. Bạn có thể thấy Làng Mai chính là một sự biểu hiện tuyệt vời tạo nên bởi tâm thức của Thầy và của quý thầy, quý sư cô. Để ý một chút thôi, bạn sẽ thấy sự bình an, hạnh nguyện và tình thương trong cách mọi người tiếp xử với nhau. Nơi đây, những thiện duyên đã được tạo ra rất đầy đủ để giúp chúng ta tiếp xúc với tâm trong sáng của mình trong mọi lúc. Khi bạn đến đây, bạn sẽ thấy có một cái gì đó rất đặc biệt ở nơi này và cả ở những người đang sống trong Làng.

Hôm ấy, chúng tôi đang thưởng thức từng bước thiền hành ngoài trời, ý thức đến sự nâng đỡ của đất Mẹ nơi mỗi bước chân. Đột nhiên tôi để ý đến một bé gái chừng sáu tuổi đang được mẹ nắm tay. Bé vừa đi vừa lặng lẽ khóc. Có thể thấy toàn thân bé đang gồng lên, căng thẳng bởi vì bé đang cố gắng nén cơn nức nở. Nỗi đau của bé có lẽ không chỉ là nỗi đau của hiện tại. Tôi nhìn sâu để thấy chiều sâu nỗi đau của một em bé sáu tuổi. Nỗi đau có lẽ đã được truyền trao cho bé từ bao thế hệ tổ tiên.

Chúng tôi ngồi xuống. Thầy thỉnh ba tiếng chuông cho mọi người cùng thở. Tôi đang có mặt, nhưng tôi không thể buông được hình ảnh của bé gái đang khóc đó. Nhiều câu hỏi đi lên. Tâm tôi bắt đầu suy nghĩ mông lung. Tôi không thể làm ngơ, hay đúng hơn là tôi không muốn làm ngơ trước sự đau khổ của bé. Mẹ bé gắng vỗ về nhưng tình trạng càng trở nên tệ hơn. Bé gái cố nén khóc. Tôi ý thức rằng nỗi đau của bé càng lúc càng lớn lên trong tôi, đã trở thành nỗi đau của chính tôi. Ngực tôi nghẹn lại.

Vài người bắt đầu chú ý đến tiếng khóc nghẹn ngào của bé. Tôi đọc thấy sự lo ngại trên mặt họ. Tôi thầm xin họ đừng quay đầu lại nhìn bé, thay vào đó xin mọi người hãy lắng nghe, cảm nhận và ôm tiếng khóc của bé vào lòng. Tôi cảm thấy như tôi hiểu bé, dù là tôi không thể trực tiếp làm gì cho bé.

Tôi nhắm mắt lại, thực tập ôm lấy và làm dịu nỗi đau của bé bằng từng hơi thở, nhưng có gì đó rất nặng nề trong tôi. Rồi tôi mở mắt ra và nhìn về phía Thầy ngồi. Thầy đang lắng nghe nỗi đau của bé. Thầy nhìn vào mắt tôi, và tôi nhìn vào mắt Thầy. Cái nhìn ấy kéo dài khoảng vài giây. Và tôi đã tìm thấy câu trả lời.

Tôi thấy mắt mình ướt và tim tôi nhẹ hẳn đi. Tôi nhắm mắt lại cảm nhận sự vững chãi của đất Mẹ. Tôi mỉm cười, cho phép mình được khóc.

Vượt núi

Cỡi lừa ba cẳng tuệ
Vượt bốn núi trời không
Núi nào bức ép được
Lừa không có không không.

Kính dâng Thầy
Tu viện Mộc Lan,

MI, 10.2015

Phương trời cao rộng

Xóm Hạ, ngày 04 tháng 01 năm 2016
Con kính bạch Thầy!

Con là một đệ tử nhỏ xíu của Thầy đây. Chắc con nhỏ đến mức Thầy không nhớ con xuất gia hồi nào đâu. Con vừa mới tới Làng được hơn ba tháng thôi. Quý sư cô xóm Hạ thiệt là tốt bụng và dễ thương. Quý sư cô quan tâm đến chúng con nhiều. Con vừa mới tới đã được tặng rất nhiều bánh kẹo, áo ấm…hay được hỏi han xem có thiếu gì không, rồi cho con đầy đủ mọi thứ. Con biết ơn quý sư cô nhiều lắm.

Thầy ơi! Ngày hôm qua nghe tin Thầy về lại Làng, trong lòng con hồi hộp quá. Con ngồi yên để ngẫm nghĩ, tìm lại những hình ảnh của Thầy trong con. Thường con được nghe giọng nói và thấy hình ảnh của Thầy qua các video pháp thoại. Góc học của con cũng treo ba tấm hình Thầy cười rất tươi. Con tiếp tục ngồi yên, những hình ảnh ngày xuất gia của Cây Hoa Gạo chúng con đi lên. Thầy trực tiếp xuống tóc cho từng người. Vừa đặt tay lên đầu Thầy vừa nói: “Nói theo Thầy đi con:
Cạo sạch mái tóc
Nguyện cho mọi người
Dứt hết phiền não
Độ thoát cho đời”.

Ngày đó, hầu hết các sư anh, sư chị, sư em trong gia đình xuất gia của con đều cảm động, có người khóc nữa. Lúc đó con chẳng khóc một chút nào, chỉ thấy vui vui thôi. Nhưng lạ thật, trong lễ xuất gia của Cây Đan Mộc vừa rồi, con lại cảm động nhiều lắm. Con cảm nhận được sự trang nghiêm thanh tịnh của các giới tử và đại chúng. Một chút trong đó nữa là nhớ Thầy. Trong con dâng tràn lòng biết ơn, biết ơn Thầy và tăng thân.

Con tiếp tục nhớ tới hình ảnh Thầy nắm tay con đi thiền hành, tới một bãi đất trống giữa rừng thì đại chúng dừng lại để ngồi thiền. Thầy đặt chuông vào lòng bàn tay con, nâng tay con lên để Thầy thỉnh chuông. Lúc đó tay con run đến nỗi không giữ yên cái chuông được, Thầy chỉnh lại tay con mấy lần mà tay con vẫn run. Con thưa: “Thầy ơi! Tay con run không phải do con sợ Thầy đâu ạ.” Thầy nhìn con thật lâu, ánh mắt Thầy như một luồng ánh sáng soi vào tâm con. Con hoàn toàn bất động trước nguồn sức mạnh đó. Rồi Thầy không nói gì, chỉ từ từ đỡ tay con để trên tay Thầy, rồi Thầy thỉnh chuông. Con còn nhớ gì nữa? À, cả gia đình xuất gia của con được thiền ôm và chụp hình với Thầy!

Con ngồi một mình nhớ về những kỷ niệm đó mà thấy vui, tự nhiên con lại háo hức, mong đợi đến ngày được gặp Thầy. Con may mắn hơn nhiều sư em chưa từng được gặp Thầy trực tiếp. Ngày con đi qua Làng, mấy sư em con nhắn: “Sư chị gặp Thầy thì chơi với Thầy cho tụi em luôn nha. Kể chuyện về tụi em cho Thầy nghe nữa!” rồi cười tít mắt lại. Con rất biết ơn quý sư cô đã tạo điều kiện cho con qua đây, con được gần Thầy, được học rất nhiều điều mới lạ.

Sáng nay khi vừa mở mắt tỉnh dậy, một niềm hạnh phúc lan tỏa trong con. Con thấy mình đang là người xuất sĩ, đang được sống trong tăng thân, đang được tu học với những người cùng chí hướng. Bất giác con nhìn quanh quý sư cô, sư chị trong phòng và mỉm cười. Con hạnh phúc vì mỗi ngày được làm đệ tử của Thầy, thực tập theo những điều Thầy mong muốn, được sống cùng với quý sư chị sư em, những người có lí tưởng cao đẹp. Một ngày chỉ cần nhớ như vậy thôi cũng đủ rồi ạ.

Thỉnh thoảng con cảm thấy mệt mỏi, có đủ thứ lý do khiến con mệt…đi tu không dễ chút nào. Con nghĩ con chỉ là một sư em nhỏ mà như vậy thì quý sư cô lớn còn mệt như thế nào nữa. Quý sư cô lớn phải gánh vác biết bao nhiêu chuyện. Sư cô Y chỉ sư của con chỉ bày cho chúng con cách thu nhiếp thân tâm, phòng hộ các căn, cách tiết kiệm năng lượng trong những ngày bận rộn, nhờ vậy mà con vẫn vui, vẫn khỏe.

Con ít được gần Thầy nhưng con nhìn thấy Thầy trong từng quý sư cô, sư chị, sư em của con, con thấy Thầy trong quý thầy, trong Ôn Thủ tọa ở Làng Mai Thái Lan. Hàng ngày con được chỉ dạy cách thực tập, cách nói năng, đi đứng, làm việc… Quý thầy, quý sư cô đã theo sát chúng con truyền đạt mọi điều thay Thầy.

Con rất tâm đắc một điều mà con muốn kể cho Thầy nghe. Ôn Thủ tọa đã dạy chúng con: “Một doanh nhân thông minh, thấy thị trường đang thiếu món hàng gì mà cung cấp bù đắp vào thì sẽ lời to. Người tu thông minh cũng vậy. Sống trong tăng thân, khi nhìn thấy những cái chưa đẹp, chưa hay thì ta đừng buồn, đừng phán xét. Nếu ta thực tập giùm cho sư anh, sư chị, sư em đó tức là ta đang bù vào cái thiếu của tăng thân, như vậy ta sẽ tiến tu rất nhanh. Đây là cách đối trị tâm phán xét. Càng nhìn thấy điều tiêu cực thì mình càng thực tập được nhiều. Dùng bùn để chế tác sen, No mud, no lotus.” Con hạnh phúc lắm thưa Thầy. Nhờ có Ôn Thủ tọa, nhờ có quý thầy, quý sư cô mà con hiểu những lời Thầy nhiều hơn. Con có niềm tin vào tăng thân, vào sự thực tập.

Thầy ơi, khi con nhìn thấy những hình ảnh Thầy ngồi xe lăn cố gắng đi thiền hành với đại chúng thì con lại hổ thẹn. Con không có hiếu với Thầy. Đôi khi con giải đãi, không chịu đi thời khóa đầy đủ, đủ thứ lí do. Con xin sám hối với Thầy. Từ giờ con sẽ tinh tấn hơn nữa. Con kính chúc Thầy mau khỏe và có nhiều niềm vui từ các đệ tử ạ.                                                                                                            

Sư con của Thầy.

 

Tình yêu đất Mẹ

Năm 1970, lúc con 14 tuổi, con đọc thông tin về một tổ chức mới thành lập có tên Friends of the Earth (Những người bạn của Trái đất) – một tổ chức bảo hộ môi trường và thấy rất có cảm hứng. Từ đó, con đã dùng thì giờ của mình để hoạt động cho các chiến dịch chống mua bán lông thú, chống săn bắn cá voi, đi biểu tình ở các trung tâm thương mại để chống lại việc đóng gói bao bì thực phẩm một cách không cần thiết. Lúc ấy con đang ở tuổi mới lớn (tuổi teen), dễ nổi giận và không mấy thân thiện.

Khi chuyển đến Luân Đôn, con trọ học trong một căn hộ chung cư cùng với ba cô bạn gái, cả ba người đều tiếp nhận sự giáo dục từ các trường học ở Steiner. Những trường học này đều đặt giá trị tâm linh ngang hàng với giá trị tri thức. Vì vậy ngoài những kiến thức tiếp nhận được từ sự giáo dục chính quy ở trường, con còn học được rất nhiều từ cách sống và quan niệm của ba cô bạn này. Kết quả là con đã trở thành người ăn chay trường. Tất cả thức ăn khô đều được mua từ một tiệm bán sỉ tên là Community Stores: những bao gạo lứt, bột mì lứt, các thùng mơ khô sản xuất từ Afghanistan bán thẳng cho cửa hàng mà không qua trung gian… Chúng con mua trái cây và rau cải từ các chợ bày bán trên đường phố và chở về nhà bằng xe đạp, tự làm lấy bánh mì, mứt trái cây, bánh và tự may quần áo cho mình. Những hành động này giúp con cảm nhận được mối liên hệ sâu sắc giữa mình với những tặng phẩm mà đất Mẹ đã hiến tặng với tấm lòng rộng lượng và đầy tình thương.

Mãi sau này khi sống ở Pháp, con mới biết đến Thầy. Chính pháp môn tu học mà con tiếp nhận từ Thầy đã làm mối liên hệ giữa con với đất Mẹ và với tất cả mọi loài, trong đó có bản thân con, trở nên sâu sắc hơn.

Lớn lên, con may mắn được sống ở một miền quê thuộc núi Alps. Đây là một vùng tuy nghèo nhưng lại có số lượng nông trại canh tác theo lối hữu cơ nhiều nhất nước Pháp. Nhiều người trẻ có lý tưởng đã từ các thành phố về đây, họ muốn sống một cuộc sống lành mạnh và có đạo đức hơn. Họ xây dựng nên các cơ sở làm ăn, như các lò bánh mì hoặc các nông trại nhỏ canh tác theo lối hữu cơ.

Chúng con đã thành lập một tăng thân nhỏ. Nhờ đó con đã gặp được những người, dù chỉ sống bằng một nguồn thu nhập rất thấp nhưng vẫn rất hết lòng thực tập những lời dạy của Thầy về bảo hộ và duy trì đất Mẹ. Để có thể mua được các thức ăn hữu cơ thường tương đối đắt tiền (trái cây, rau củ, dầu, gạo, các sản phẩm tẩy rửa…), họ đã chọn cách sống vô cùng đơn giản. Đối với họ, tiêu thụ có chánh niệm và xây dựng nếp sống bền vững là những điều quan trọng nhất. Họ sống đúng như những gì họ nói.

Sống ở trên núi, ta không thể nào không thương đất Mẹ. Ánh sáng phản chiếu trên mặt đá thay đổi liên tục, sự tĩnh mịch bao phủ núi đồi, những cơn giông bão và sấm chớp, những lần nửa đêm đi bộ một mình rất lâu dưới ánh trăng với tiếng cú kêu văng vẳng. Vẻ đẹp của đất Mẹ đã nuôi dưỡng, chữa trị và tạo cảm hứng cho con. Chính cái đẹp ấy đã đưa con đến với con đường xuất gia, đã làm khả năng thương yêu và ước muốn giúp đời trong con trở nên lớn mạnh.

Ở Làng Mai, con đã tập nhìn sâu vào nỗi đau của đất Mẹ và thấy vui vì được thực tập điều đó với tăng thân, nhờ vậy con không bị nỗi tuyệt vọng xâm chiếm. Con rất hạnh phúc khi thấy tăng thân đã làm được nhiều điều để yểm trợ đất Mẹ. Tu viện Lộc Uyển đã sản xuất đủ năng lượng từ ánh sáng mặt trời để dùng cho các sinh hoạt mà không cần phải mua điện. Ni xá mới được xây bằng những khối rơm nén để giảm thiểu tối đa việc tiêu thụ năng lượng. Các khối rơm này chống lại cái lạnh về đêm của sa mạc và giữ mát vào ban ngày. Các vườn cây được trồng để lợi dụng sương giá đến mức tối đa vì mưa ở vùng này rất hiếm.

Xóm Hạ, Làng Mai đã lắp đặt hệ thống lò hơi (boiler) chạy bằng củi – củi được lấy từ các khu rừng được bảo tồn theo mô hình bền vững trong vùng, để sưởi ấm thiền đường, nhà ăn và các phòng dành cho thiền sinh. Xóm Thượng đã xây dựng nên một Nông trại Hạnh phúc, trồng các loại rau sạch để cung cấp cho các xóm của Làng Mai. Nhiều trung tâm thuộc Làng Mai đã cố gắng mua các loại thức ăn được sản xuất theo lối hữu cơ.

Con có một ước mơ, rằng trong tương lai, các trung tâm tu học thuộc Làng Mai sẽ không chỉ là chỗ nương tựa tâm linh, nơi mọi người học cách dừng lại và trở về với tự thân, học cách chế tác hạnh phúc và chuyển hóa khổ đau, mà còn là một “Green Refuge”. Đó là nơi mọi người có thể trải nghiệm thật cụ thể cách thương yêu, bảo hộ và chữa lành đất Mẹ, thể hiện qua cách tiêu thụ và qua cách sống hàng ngày của chúng ta.

Quán chiếu về một quả cà chua hoàn hảo
Quả cà chua yêu quý của tôi ơi, tôi đang giữ em trong hai bàn tay. Tôi biết rằng em đã làm hết sức mình để biểu hiện thành một trái cà chua thật đẹp. Nhưng để em được trở nên như thế thật không dễ chút nào.

Tôi nhìn thấy người làm vườn phải thường xuyên xịt thuốc trừ sâu lên cây cà chua mẹ. Tôi cũng nhìn thấy người làm vườn đang tự hỏi không biết đôi mắt đang bị ngứa ngáy và hai lá phổi đang khò khè của ông có liên quan gì đến các chất hóa học mà ông phải sử dụng mỗi ngày.

Tôi thấy cha của người làm vườn. Ông ấy đã làm lụng suốt cuộc đời trên những cánh đồng cà chua và giờ đây mắc bệnh Parkinson như rất nhiều người bạn đồng nghiệp của ông đang mắc bệnh.

Tôi thấy màu đỏ bóng của em và thấy thịt em rất rắn chắc. Và tôi biết rằng như thế em sẽ không bị dập trên đường vận chuyển đến các siêu thị. Chắc là em đã thấy rằng, bị ép cho chín đỏ bằng cách dùng khí ethylene là rất không tự nhiên so với chín một cách tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời.

Quả cà chua thân mến ơi, xin em đừng chán nản khi biết rằng tổ tiên của em 50 năm về trước rất ngon lành và bổ dưỡng. Họ vượt trội hơn em những 30% về chất lượng bởi vì giờ đây em đã bị lai tạo để có bề ngoài hoàn hảo, ngoài ra em lại có rất nhiều anh chị em cà chua trên cùng cây mẹ. Tất cả đều giống hệt như nhau.

Nhìn thật sâu vào trong em, tôi thấy hơi sờ sợ bởi vì tôi biết rằng một số hạt giống bị biến đổi gien có thể tự tạo ra chất diệt trùng. Em làm cái đó được không? Khi em đi vào cơ thể tôi, em có tiếp tục tạo ra chất diệt trùng trong cơ thể của tôi không?

Tiếp tục nhìn sâu hơn nữa, tôi thấy chất phân hóa học trong em. Chất nitrat từng được dùng để chế tạo bom, giờ đây được dùng để tăng năng suất cây lương thực lên gấp ba lần. Tôi cũng thấy việc lạm dụng phân bón có chất nitrat đang làm ô nhiễm nguồn nước trên khắp thế giới.

Xin em cố gắng để đừng tuyệt vọng, hỡi quả cả chua to và bụ bẫm. Em đã được sản xuất ra thật đẹp, thật nhiều và thật rẻ. Thế nhưng tôi lại cảm thấy buồn vì cái đẹp đó có giá quá đắt. Cái giá đó chính là sự tổn thất về sự đa dạng của các gien di truyền – một điều kiện thiết yếu cho sự sinh tồn của chúng ta trên trái đất.

Em đã được nuôi lớn như thế nào? Để em có thể có mặt trên một bàn ăn ở nước Pháp trong mùa đông năm nay, tôi biết người ta phải mang em từ Tây Ban Nha đến. Thậm chí từ mặt trăng tôi cũng có thể nhìn thấy nơi chôn nhau cắt rốn của em. Một khu trồng cà chua diện tích 135 dặm vuông (khoảng 217km2), có mái nhựa phản chiếu ánh nắng mặt trời. Những cây cà chua không phải trồng trên mặt đất mà là trong những cái túi đựng đá và nước, được nuôi bằng cách nhỏ giọt chất lỏng phân hóa học.

Cũng có thể em được sinh ra ở Hoa Kỳ, trên những cánh đồng cà chua đầy nắng ở Florida. Những cánh đồng này đã giữ trong lòng nỗi đau 300 năm của chế độ nô lệ. Bây giờ lại một lần nữa được mệnh danh là “vùng tự do cho nô lệ thời hiện đại”. Tôi nhìn thấy hàng ngàn người nhập cư đang làm việc ở đây. Một số người không có giấy tờ hợp lệ, sống trong nghèo khổ và buộc phải làm việc kiếm sống trong những điều kiện làm việc tồi tệ. Tôi nhìn thấy giám đốc của các siêu thị, vì sợ mất việc nếu không làm tăng lợi nhuận, đã mặc cả ráo riết với các chủ vườn để giá bán càng xuống thấp hơn.

Nhìn thật sâu vào các loại rau củ, gạo và trái cây khác trong bát, con thấy chúng rất khác nhau nhưng chúng đều có chung một câu chuyện như trái cà chua. Phía sau những trái zukini có cùng kích cỡ, những loại gạo giá thấp, những loại nấm nhập khẩu, những trái táo hoàn hảo và những trái chuối vàng óng là những khổ đau cực kỳ to lớn. Nước sản xuất càng nghèo, sự bóc lột càng lớn do sự kiểm soát rất lỏng lẻo.

Con nhớ lại một câu trong bài hát của Joni Mitchell vào những năm 1970: “Hãy đưa cho tôi những quả táo có đốm, nhưng xin hãy giữ lại chim chóc và những chú ong”. Tương tự như thế, tăng thân xuất gia chúng ta hãy nói “không” với những rau quả hoàn hảo đã được sản xuất với một cái giá quá đắt cho môi trường và nhân loại như thế.

Chúng ta hãy yểm trợ những người trẻ có lý tưởng, những người đã rất can đảm làm ngược lại số đông, những người đã thành lập các nông trại, các gian hàng nho nhỏ ở địa phương sản xuất theo lối hữu cơ. Xin hãy gây cảm hứng cho hàng ngàn thiền sinh, những người đến tu học tại các trung tâm của chúng ta để họ cùng thực tập.

Chúng ta hãy cùng thưởng thức những quả táo sạch, mỗi quả đều có hình dạng riêng của chúng, mỗi mùa một loại, và mỗi quả là một phép lạ. Hãy vinh danh các củ cà rốt sạch dẫu trên mình chúng vẫn còn dấu vết của đất cát đã nuôi chúng lớn lên.

Xin hãy tiếp tục thưởng thức với lòng biết ơn xà lách tươi từ Nông trại Hạnh Phúc dù chúng phải được rửa đi rửa lại ba lần nước vì đã được trồng trực tiếp trên mặt đất. Một mặt đất sinh động và chưa bị tẩy trùng bằng thuốc trừ sâu.

Khi các nông phẩm được trồng mùa nào thức ấy, chúng sẽ có chất lượng rất cao. Vào mùa đông, sương giá làm củ cải vàng (parsnip) và củ cải Thụy Điển (rutabaga) ngọt hơn. Mùa hè, cà chua chín đỏ chứa đầy ánh nắng mặt trời.

Nông trại hạnh phúc (Happy Farm), Làng Mai, nước Pháp

Từ những năm 1970, Thầy đã bắt đầu nói về ích lợi của việc tiêu thụ các sản phẩm sạch. Mười một năm trước, tức là năm 2004, tại khóa tu xuất sĩ ở Lộc Uyển, Thầy đã kêu gọi chúng ta một lần nữa phải cấp thiết xem xét đề án tiêu thụ sản phẩm sạch trong tăng thân, và nhất là xem lại lý do tại sao chúng ta lại có sự phản kháng trong việc thay đổi thói quen tiêu thụ.

Một khi chúng ta nhìn thấy những khổ đau có liên quan đến các nông phẩm nói riêng và các sản phẩm nói chung mà chúng ta đang tiêu thụ, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ được.

Giá cả của các sản phẩm sạch có đắt hơn, đúng thế, bởi vì giá cả ấy phản ánh giá trị đích thực của sản phẩm sạch, đó là một cái giá công bằng.

Chúng ta hãy thực tập Làm mới với đất Mẹ và cam kết yểm trợ lẫn nhau trong việc dành ưu tiên cho sự tiêu thụ sản phẩm sạch tại các trung tâm tu học của chúng ta. Chỉ có thế, chúng ta mới có thể ngăn ngừa sự tổn hại cho trái đất, khuyến khích hòa bình, bảo đảm tương lai và thật sự là một Người bạn của Trái đất (Friend of the Earth).

Pháp Vân

Tôi đến xóm Thượng xin tập sự xuất gia vào một ngày đầu đông, một hôm trước lễ khai mạc khóa An cư kết Đông 2013-2014. Khác với vài tháng trước đó, lần đầu tiên tôi đến Làng với nhiều bỡ ngỡ, lần này tôi cảm thấy thân thương như được trở về nhà mình. Nhanh quá, chỉ có mấy tháng trước thôi, tôi còn là một chàng sinh viên về Làng dự khóa tu mùa hè. Đọc sách của Sư Ông từ lâu rồi, giờ tôi mới thu xếp được để về Làng, để trải nghiệm những điều Sư Ông dạy trong sách. Chưa bao giờ có ý nghĩ về việc xuất gia, vậy mà chỉ sau hai tuần sinh hoạt ở xóm Trung cùng quý thầy, quý sư cô và thiền sinh người Việt, tôi đã quyết định gạt bỏ sự nghiệp ngoài đời, về đây nguyện đi theo con đường của Bụt.

Hạnh phúc quá, như một người mang một gánh nặng trên vai hàng chục năm, nay được trút bỏ, nhẹ tênh bước trên con đường thênh thang. Môi trường mới, cuộc sống mới thật là tuyệt vời! Tôi tha hồ khám phá với niềm hứng khởi và thích thú. Con đường thiền hành uốn lượn bao quanh xóm, nơi nâng niu hàng triệu triệu bước chân an lạc và thảnh thơi, của Thầy và của hàng trăm ngàn người đến từ khắp nơi trên thế giới. Từng gốc cây, từng ngọn cỏ, từng khúc quanh ngày càng trở nên thân thiết với tôi. Điều khiến tôi hạnh phúc là tôi chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán con đường này, dù đã hàng trăm lần tôi bước đi trên đó. Tôi luôn có được niềm vui, thậm chí cả những cảm giác thú vị của lần đầu tiên được đi ngang qua rừng thông hay dưới tán lá rừng sồi dọc theo con đường.

Tôi vẫn còn nhớ lời Thầy dạy, thiền sinh tới Làng Mai, một trong những việc đầu tiên cần phải thực tập, và phải thực tập cho thành công là thiền hành. Một lần có vài thiền sinh đến xóm Thượng, tôi biết họ mới tới lần đầu nên hỏi: “Các cô có muốn đi dạo trên đường thiền hành không?” Họ hỏi thiền hành là gì. Sau khi giải thích ngắn gọn, tôi mời họ thực tập với tôi. Ba người cùng bước đi thong thả trong yên lặng từ đầu phía gần cổng tới vườn Bụt. Tôi mời họ ngồi chơi một lát và bảo họ nếu muốn thì có thể chụp hình vườn Bụt. Thấy được phép nói chuyện, họ chia sẻ về niềm an lạc và sự xúc động chưa từng được nếm trải trong khi đi như vừa rồi họ được bước đi. Niềm vui và sự chia sẻ của thiền sinh tới Làng thực tập luôn là những thức ăn tinh thần rất bổ dưỡng đối với tôi, giúp tôi không đánh mất sự hoan hỷ trong những thực tập hằng ngày, đặc biệt là sự lười biếng vì cảm giác quá quen và không còn gì mới mẻ.

Xóm Thượng đẹp và thân thương lắm, nơi nào cũng đẹp, cũng đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui và hạnh phúc. Trừ những khóa tu lớn hay những ngày khách đông, thiền đường Nước Tĩnh rộng rãi và thoải mái vô cùng. Tôi rất thích ngồi thiền trong thiền đường, bên cạnh những buổi ngồi thiền cùng đại chúng với rất nhiều hạnh phúc, tôi thường vào thực tập thêm những lúc rảnh rỗi. An và lạc lạ thường. Lúc này đây, tôi cũng đang ngồi trong thiền đường, ngắm Bụt và viết xuống những dòng tâm sự này.

Vườn Bụt cũng là một nơi tôi yêu thích. Những ngày đẹp trời tôi vẫn hay ra ngồi thiền và ngắm cảnh. Thoai thoải xuống phía dưới là đồi thông, ở ngoài xa là những cánh đồng trên những triền đồi nhấp nhô chập chùng, xen vào đó là những cánh rừng và một ngôi làng nhỏ trên một quả đồi, ngay giữa đỉnh đồi là một nhà thờ Thiên Chúa giáo. Chao ôi, đẹp lạ kỳ! Cảnh đẹp mà trước đó tôi chỉ được nhìn thấy trong tranh vẽ, hay trong trí tưởng tượng mà thôi, bao nhiêu lần ngồi ngắm là bấy nhiêu lần vẫn thấy đẹp như lần đầu. Chuông nhà thờ trên đỉnh đồi xa xa mỗi ngày đổ ba lần vào 12 giờ trưa, 7 giờ sáng và 7 giờ tối. Pháp môn nghe chuông của Làng Mai đã được kết hợp một cách kỳ diệu với tiếng chuông của ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo. Thường thường đại chúng thực tập thiền hành buổi trưa, khi đi tới vườn Bụt và ngồi chơi tại đó, một lúc sau chuông nhà thờ đổ và đại chúng được thực tập nghe chuông trong chánh niệm. Tôi chắc hẳn các bạn thiền sinh gốc Thiên Chúa giáo hay đến từ những nước Thiên Chúa giáo đều thấy được niềm vui và hạnh phúc trong những lúc thực tập như vậy. Còn với tôi, hình ảnh Bụt và Chúa Jesus nắm tay nhau cũng không đẹp hơn hình ảnh đại chúng ngồi yên bên cạnh tượng các vị Bụt, nghe chuông nhà thờ và thở trong chánh niệm.

Sườn đồi phía tây và phía bắc của xóm Thượng cũng đẹp hùng vĩ không kém, đặc biệt những buổi chiều khi mặt trời sắp lặn. Tôi được biết Sư Ông khi đi tìm đất để xây dựng trung tâm tu học, đã xem xét nhiều nơi, khi đến khu đồi bây giờ là xóm Thượng, Sư Ông ưng liền, và Sư Ông nhất định phải mua bằng được mảnh đất đó. Tôi nghĩ, dù Sư Ông có nhìn thấy những vẻ đẹp tiềm ẩn nào khác của xóm Thượng, tôi không biết, nhưng chỉ riêng vẻ đẹp của rừng cây, của phong cảnh hùng vĩ và tráng lệ bốn phía khu đồi, mỗi phía với những nét đặc trưng, cũng đủ cuốn hút lắm rồi.

Thời gian tôi tập sự xuất gia cũng là thời gian xóm Thượng đang xây dựng khu nhà vệ sinh mới. Trong khi làm đường ống thoát nước, những người thợ đã đào từ dưới đất lên những tảng đá rất lớn. Thoạt nhìn, những tảng đá này bị đất bùn bao phủ, trông xù xì xấu xí. Tôi đoán nếu cậy bỏ lớp đất bùn đi, rất có thể đây sẽ là những tảng đá tuyệt đẹp. Tôi xin phép quý thầy cho tôi “chơi” với chúng. Thế là hằng ngày những lúc rảnh rỗi, tôi lại ra đó cậy đất ở những tảng đá. Đúng như tôi dự đoán, xóm Thượng bây giờ ở trên đồi cao, nhưng hàng triệu năm trước đây hẳn là ngập trong nước, và nước đã xói mòn những tảng đá tạo thành những hang những hốc vô cùng đẹp. Tôi say sưa với trò chơi này. Một người anh nữa trong gia đình tập sự cũng tham gia góp vui với tôi. Chúng tôi như những đứa trẻ chơi trò tìm kho báu. Có ai hỏi chúng tôi làm gì, tôi trả lời: “Con đẽo đá tìm ngọc.” Mà quả vậy, nước là thợ điêu khắc kỳ tài, nước đã khắc vào đá những hình thù vô cùng đẹp mắt và thú vị, vượt xa bất kỳ một thợ điêu khắc nào tài giỏi nhất. Công việc của chúng tôi chỉ đơn giản là lột bỏ đi lớp đất bên ngoài, vẻ đẹp lộng lẫy của hòn ngọc từ từ hiển lộ. Tôi nói đùa: “Chúng ta cũng là những viên ngọc đẹp như vậy đấy, chỉ có điều là lớp “đất thô” bên ngoài còn hơi dầy và cứng thôi, cứ từ từ mà “bóc” nhé!”.

Tôi dọn vào tăng xá sau buổi lễ xuất gia của chúng tôi. Tôi vốn nhút nhát, lười làm quen với người khác, lại được xếp ở chung phòng với ba sư anh không phải người Việt, nên mấy tháng đầu, ngày nào tôi cũng rời khỏi phòng lúc 5 giờ sáng rồi trở lại phòng lúc 10 giờ tối và leo lên giường ngủ. Thời gian đó, trong tăng xá, thư viện là nơi yêu thích nhất của tôi. Ôi, một nhà toàn sách là sách! Sách với nhiều thể loại, từ sách Phật giáo đến sách Thiên Chúa giáo, từ sách văn học đến sách triết học, khoa học, với đủ các ngôn ngữ từ tiếng Việt đến tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Đúng là niềm mơ ước của tôi, kể cả có mơ tôi cũng chưa từng mơ tới một nhà sách giàu có và phong phú đến vậy. Tôi ngắm sách, đọc tên từng tựa đề, rồi chọn lấy cuốn nào hấp dẫn để đọc và cuối cùng là… xếp sách. Thực tế thì thư viện cũng hơi lộn xộn. Thế là tôi hứng thú với việc sắp xếp lại thư viện, vừa để có thêm thời gian ngắm sách và chơi với sách, vừa để có thêm chỗ cho anh em còn “bày bừa” tiếp, vì xem ra cũng đã gần hết khoảng trống rồi.

Dần dần tôi cũng quen hơn với quý thầy, với các anh em khác, tôi đã hòa mình hơn vào cuộc sống chung của tăng thân. Tôi dành thêm nhiều thời gian ở trong phòng hay trong tăng xá, ngồi uống trà với các sư anh, sư em. Có những buổi làm biếng, anh em ăn chung trong tăng xá. Một hình ảnh vô cùng đẹp đối với tôi, các anh em đến từ hàng chục quốc gia khác nhau, nay về đây ngồi quây quần vòng quanh tăng xá, ăn uống và trò chuyện vui vẻ trong tình huynh đệ bao la. Ngôn ngữ thì tiếng Anh gốc, tiếng Pháp gốc cũng có, đến tiếng Anh bồi, tiếng Pháp bồi của anh em người Việt, thậm chí cả tiếng Việt bồi của các anh em Tây phương đang lõm bõm học. Nhiều khi vận dụng cả hai tay hai chân để biểu thị cho một câu nào đó mà vốn từ ít ỏi không diễn tả nổi. Tôi hiểu các anh em hơn rất nhiều qua những lúc ngồi chơi trò chuyện thân mật bên nhau như vậy, chúng tôi trao đổi chuyện gia đình hay chuyện tu học của bản thân, từ chuyện trên trời như không khí ô nhiễm, đến chuyện dưới đất như đất Mẹ đang nóng lên, chia sẻ từ những niềm vui, hạnh phúc của các thiền sinh đến nỗi niềm của chính anh em xuất sĩ.

Chúng tôi đã có những cái nhìn khác về các anh em, hiểu nhau và cảm thông nhau hơn, qua đó có thể dễ dàng nâng đỡ và yểm trợ nhau trong sự tu học cũng như trong đời sống. Tôi còn phát hiện ra rất nhiều viên ngọc đang ẩn tàng trong những huynh đệ. Có những người trồng rau và chăm cây cảnh rất giỏi. Có những bàn tay thô nhám như dùi đục vậy mà đẽo gọt hay làm các đồ dùng vô cùng tinh xảo. Có những thầy trầm lặng ít nói mà sự hiểu biết về Phật pháp cũng như vận dụng vào sự thực tập rất sâu sắc.

Được sống trong tăng thân thật là một điều mầu nhiệm. Mỗi ngày tôi đều có những niềm vui và hạnh phúc mới trong cuộc sống cũng như trong sự thực tập. Những cái hay cái đẹp của các anh em đồng tu là những nguồn cảm hứng vô tận cho sự học hỏi của tôi. Kể cả những va chạm, những xích mích trong cuộc sống cũng là những cơ hội để tôi nhìn lại bản thân và tự chỉnh sửa. Điều này cũng đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui khi tự chuyển hóa được những điểm yếu nơi thân tâm. Những hạt giống của sự nóng giận, cái nhìn hẹp hòi, phán xét trong tôi vẫn còn rất lớn, nhưng so với ngày xưa chúng đã được chuyển hóa rất nhiều. Tôi thấy giải thoát đâu phải là một điều gì xa vời, gỡ bỏ những “lớp đất thô” để cho “viên ngọc” dần hiển lộ chính là giải thoát rồi. Cũng một tình huống tương tự mà bữa trước mình còn nổi giận, bữa nay đã có thể nhẹ nhàng mỉm cười và xử lý êm đẹp, đó đích thực là giải thoát chứ đâu!

Một nơi ưa thích nữa của tôi ở xóm Thượng là Phật đường. Tôi vẫn thường vào đó thực tập một mình như tụng kinh, thiền lạy. Mỗi khi tôi đem mình lạy xuống trước Bụt, tôi buông bỏ hết những ý niệm về cái tôi riêng biệt, buông bỏ hết những giận hờn, trách móc đối với người khác và đối với chính tôi. Trong tôi chỉ còn một lòng thương kính đối với Thầy, với các sư anh, sư em, các bạn đồng tu và với bản thân mình. Tôi chỉ có một niềm biết ơn với tất cả mọi người và mọi loài, gần gũi nhất và cụ thể nhất là những người, những vật ở quanh tôi trong xóm Thượng. Tôi biết ơn vì tất cả đã nâng đỡ tôi, che chở cho tôi, yểm trợ cho tôi giúp tôi được chuyển hóa, được hạnh phúc mỗi ngày. Tôi biết pháp Bụt đâu phải là những gì huyền bí xa xôi, đó chính là từng hòn sỏi, ngọn cỏ, bông hoa, chính là từng người sư anh, sư em, từng người bạn thiền sinh quanh tôi, tất cả đều là những Pháp hướng về từ muôn phương như những đám bạch Vân hội tụ nơi này để làm đẹp cho nhau và làm đẹp cho cuộc đời.