Giếng thơm về Kinh Bắc

Hình ảnh mái chùa, cây đa, giếng nước, sân đình, từ lâu đã đi vào nếp sống của người dân làng quê Việt Nam. Mỗi khi nhắc tới, trong lòng mình lại trào dâng một niềm thương nhớ. Mình thương, mình nhớ vì đó là một phần máu thịt, một phần của tuổi thơ. Làm sao quên được hình ảnh tết Trung thu được chơi đèn kéo quân, được chạy quanh sân đình gọi nhau í ới, được chơi trò ô ăn quan hay bịt mắt bắt dê. Vào những dịp nghỉ hè, mấy đứa con trai chúng tôi hay trèo lên cây đa tìm bắt tổ chim hay hái những quả đa rồi chia nhau ăn, sau đó lại ùa ra giếng làng tắm gội. Người dân quê những hôm đi làm đồng về được ngồi ở gốc đa đầu làng, uống bát nước chè xanh, nói dăm ba câu chuyện, hỏi nhau về chuyện làng, chuyện xóm.

Chẳng thế mà ca dao tục ngữ có câu:

“Hôm qua tát nước đầu đình
Để quên chiếc áo trên cành hoa sen”.

Hay vào những đêm trăng sáng, các nam thanh nữ tú rủ nhau đi cấy, rồi cùng nhau hát các bài dân ca, hát giao duyên, hát đối đáp:

“Lên chùa bẻ một cành sen,
Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng
Ba bốn cô có hẹn cùng trăng, có bạn cùng trăng…”

Ngày xưa người ta có thời gian đi cấy chung, hát chung với nhau một câu dân ca hay rủ nhau đi chùa vào những ngày Rằm, mồng Một. Hồi bé mỗi lần thấy bà nấu nước bồ kết, tôi biết ngày mai bà sẽ đi lễ chùa. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao bà không gội dầu gội đầu cho tiện mà bà lại nấu nước bồ kết. Bây giờ tôi mới thấy, người xưa trước khi đi lễ chùa họ thường sửa soạn thân tâm cho thật chay tịnh từ những ngày trước đó. Có thể đó là một phong tục tập quán đẹp mà bà tôi còn giữ lại, chứng tỏ những con người ấy đã có một đời sống tâm linh sâu sắc. Sống mà không có gốc rễ tâm linh và huyết thống, không biết tới cội nguồn thì khổ lắm. Tôi được trao truyền một đời sống tâm linh như hôm nay là nhờ sự tưới tẩm từ bà và mẹ. Cứ đến ngày lễ Tết hay ngày Rằm, mồng Một, bà chuẩn bị hương hoa ra chùa cúng Bụt. Khi nhà có hoa quả hay gạo mới đầu mùa thơm ngon, bà chọn một ít mang ra chùa, trước là cúng Bụt, sau đó thừa lộc cúng Sư Cụ. Bàn thờ tổ tiên lúc nào bà cũng chăm sóc thật chu đáo, mỗi khi con cái đi đâu về hay đi làm ăn xa, bà đều thắp hương khấn nguyện với tổ tiên, mong cho con cháu được chân cứng đá mềm.

Mẹ tôi cũng thế, một lòng một dạ với Bụt Tổ. Những khi ở chùa có công việc nhiều, mẹ đều sắp xếp việc nhà để ra giúp chùa. Khi chị em tôi còn nhỏ, mẹ không có thời gian ra chùa nhiều, nhưng vài ngày mẹ lại đáo qua xem Sư Cụ có khỏe không, mẹ tranh thủ quét dọn sân chùa hoặc gánh nước đổ vào lu giúp Sư Cụ. Bố tôi cứ cười đùa gọi mẹ là bà vãi:

“Con vua rồi lại làm vua
Bà vãi ở chùa lại quét lá đa”.

Quét lá đa mà có niềm vui, có chánh niệm thì mình đang thực tập thiền quán. Có thể hồi đó mẹ tôi biết về hơi thở chánh niệm, sau mỗi lần ở chùa về mẹ rất hạnh phúc, mẹ cười tươi hơn và mỗi lần như vậy, chị em tôi lại được Sư Cụ cho khi thì quả chuối, quả mít hay quả chay được lấy từ vườn chùa.

Hình ảnh mái chùa từ lâu là một phần của tuổi thơ chị em tôi. Hồi bé, mỗi lần được theo bà ra chùa tôi vui lắm, vui chẳng khác gì người ta cho mình gói bỏng ngô hay vài cái kẹo. Trước khi đi bà dặn tôi: “Cháu ăn mặc cho gọn gàng sạch sẽ, không được mặc quần đùi, ra tới chùa cháu phải ngoan, không được nói bậy đấy, ra gặp Sư Thầy thì chắp tay chào nghe chưa”. Tôi vâng vâng dạ dạ làm theo lời bà một cách cẩn thận.

Lần đầu tiên ra chùa tôi thấy cái gì cũng mới cả, mọi thứ thu hút tôi một cách kỳ lạ. Hàng ngày thứ làm tôi thích nhất là quà vặt và đồ chơi, nhưng khi ra chùa, tôi cứ chăm chú quan sát từ cái cổng tam quan cổ kính, cây đa cổ thụ và nhất là tôi cứ chăm chú ngắm nhìn từng ông Bụt Ốc. Tôi cứ thắc mắc sao gọi là Ông Bụt Ốc, bà biết ý liền giải thích rằng, vì trên đầu mỗi ông Bụt đều có những lọn tóc được tạc như hình con ốc. À thì ra là thế, mỗi ông Bụt lại có một vẻ đẹp thật kỳ lạ, khuôn mặt phúc hậu tròn đầy, trên môi luôn nở nụ cười hàm tiếu. Các nghệ nhân điêu khắc xưa như đang thổi hồn vào từng pho tượng, họ tạc không chỉ bằng đôi bàn tay tài hoa mà còn mang cả tâm tư tình cảm, cái hồn của người xưa vào trong đó.

Trong chùa có hai tượng Hộ Pháp to lắm, to bằng mấy người thường, một ông mặt dữ tợn gọi là ông Ác, còn một ông hiền lành gọi là ông Thiện. Ban đầu tôi nhìn thấy ông Ác thì sợ lắm, khuôn mặt đỏ lòm, mặt đầy râu ria cưỡi trên mình con Sấu (gần giống con sư tử), trên tay cầm một thanh kiếm. Tôi quay sang hỏi bà, bà bảo: “Hai ông Hộ Pháp đại diện cho tính cách của một con người, trong mình luôn có thiện và ác, ông Ác thì trừng trị cái ác, còn ông Thiện thì bảo vệ những gì thiện lành”. Hồi đó tôi thích tới vái và ngắm ông Thiện hơn, còn ông Ác thì thỉnh thoảng tôi mới tới len lén liếc một cái rồi chạy theo bà xuống vườn chùa. Có thể đó là tuệ giác trong cách bố trí thờ tượng của người xưa, không thiện không ác, thiện ác nương nhau mà biểu hiện, mình không thể loại bỏ cái ác đi mà chỉ tôn thờ cái thiện. Con người mình cũng thế, không bùn thì không sen, vấn đề là lấy bùn nuôi sen, lấy từ bi để chuyển hóa cái ác.

Bà đang thắp hương ở những ngôi tháp, mắt bà nhắm, miệng lâm râm khấn vái có vẻ thành tâm lắm. Nghe bà kể đây là tháp Sư Cụ trụ trì. Vào những năm 70 – 80, chiến tranh loạn lạc, rồi trải qua thời kỳ bao cấp, chùa chiền bị bỏ ngỏ hoặc bị phá hủy làm trường học hay trở thành nhà hợp tác xã, người dân cũng ít lai vãng tới chùa. Nhưng Sư Cụ vẫn với chiếc áo nâu sòng sờn bạc, sáng tối hai bữa dưa cà, ngày đêm lời kinh tiếng kệ nguyện cầu cho dân làng khỏe mạnh, quốc thái dân an. Sư Cụ thương trẻ con lắm, nhà nào con cái khó nuôi cũng bế ra chùa làm con của Bụt, dân làng tôi gọi là “lễ bán khoán”. Sau ngày lễ bán khoán, các cháu có vẻ ngoan hơn, ít quấy khóc hơn, tôi cũng được bà cho đi bán khoán, làm con của Bụt từ hồi còn ẵm ngửa. Sư Cụ mất hồi tôi còn bé tí nên tôi chỉ thấy ảnh Sư Cụ trên nhà thờ tổ. Một bà cụ với khuôn mặt hiền từ, đôi mắt sáng, răng nhuộm đen, mặc áo tràng nâu, đầu chít khăn nâu, một tay cầm chiếc gậy trúc, tay kia lần tràng hạt. Hình ảnh chiếc áo nâu và chiếc khăn nâu đã quen với tôi từ tấm bé, rất gần gũi và thiêng liêng, chẳng thế mà khi chị gái tôi xuất gia, tôi cứ luôn nhắc chị: “Chị nhớ chít khăn vào cho đẹp”. Vì tôi thấy Sư Cụ ngày nào đang biểu hiện trong chị gái tôi một cách thật mầu nhiệm. Tôi cũng mong một ngày hai chị em tôi cùng được ngồi chung một chuyến tàu về thăm quê, chị em tôi sẽ ra ngoài tháp thắp một nén hương cúng dường Sư Cụ và cùng nhau lên chính điện lạy Bụt rồi nói: “Bạch Bụt, chúng con đã về”.

Đi xuất gia tôi thấy yêu văn hóa, yêu quê hương dân tộc mình hơn bao giờ hết. Mỗi lần được tiếp xúc với văn hóa quê hương, tôi thấy mình đang được Về Nguồn, đang được tắm gội lại giếng nước thơm trong ngày nào. Tôi sẽ vốc làn nước mát nâng lên trong hai tay, mỉm cười và nói rằng: con đã tới! Tôi đâu chỉ được quay về với tuổi thơ, được bơi lội trong hồ nước mát, mà tôi còn đang được đắm mình trong dòng nước tâm linh, đang lưu nhuận từ ngàn xưa.

Nếu cho tôi được đặt tên một Tăng thân ở quê tôi, tôi sẽ đặt tên là: “Tăng thân Giếng Thơm  hoặc Tăng thân Kinh Bắc”. Giếng Thơm và Kinh Bắc, nó xuất phát từ cuốn sách của Thầy là “Giếng nước thơm trong” và một cuốn của Sư cô Chân Không là “Cần Thơ về Kinh Bắc”. Tôi không chỉ thấy thương từ Giếng Thơm mà tôi còn thương cả từ Kinh Bắc. Kinh Bắc là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, là nơi mà Sư tổ Khương Tăng Hội từng hành đạo và sinh sống, là nơi mà chú tiểu Kính Tâm tu tập rồi trở thành Phật Bà Quan Âm. Nếu có duyên lành tôi sẽ về thăm, tôi sẽ đi thiền hành quanh tháp Tổ, tôi sẽ hái một cành hoa bưởi về cho mẹ gội đầu. Tháp tổ vẫn sừng sững chờ đón những người con xa xứ, những người con lưu lạc trong thất niệm, một ngày nào đó trở về:

“Dù ai buôn đâu bán đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về”.

Tôi sẽ thở cho bà cụ trước khi hấp hối đã gọi con lại dặn mang bát gạo bà còn để ở đầu giường ra cúng Bụt. Tôi sẽ đi cho Sư Cụ chùa tôi vì tuổi già sức yếu không đi lại được, nhưng sáng tối vẫn lần từng bậc thềm trong ánh đèn dầu leo lét, từng bước một chậm rãi từ liêu của mình lên chính điện để tụng kinh lạy Bụt. Tôi sẽ tu cho những bà lão răng đen, mặc áo tràng nâu, đầu chít khăn mỏ quạ, cổ đeo tràng hạt rủ nhau đi lễ chùa, mỗi độ ngày Bụt sinh, Bụt nhập diệt hay mỗi độ Vu Lan về. Và tôi sẽ cười cho các em thơ chạy lon ton theo bà ra chùa, vui mừng được Sư Cụ chia cho nửa quả chuối hay một phần tư chiếc oản xôi dù Sư Cụ biết rằng trưa nay mình sẽ ăn ngô thay oản.

Sư Cụ, ông Bụt Ốc, bà lão răng đen, những lời kinh tiếng kệ vang vọng mỗi khi chiều về… là những dòng nước mát đang lưu nhuận trong từng tế bào của tôi. Dòng nước tâm linh, lâu nay vì chiến tranh bom đạn, vì thời thế mà bị rong rêu, bị thân bèo bao phủ. Tôi, các sư anh, sư chị và sư em của tôi cần phải vớt bèo, cần những cánh tay để kéo những đám rong kia ra khỏi mặt nước  giếng, trả lại dòng nước mát ngày nào. Để tôi và anh cùng về thăm mẹ, tôi sẽ gánh một gánh nước quê hương gội đầu cho mẹ. Tôi cần cánh tay của các anh, tôi cần bàn tay của các chị. Muốn làm được như thế, tôi mời anh chị hãy cùng tôi “Thở cho đều”.

Con đường vui

Say thời gian

Những ngày cuối năm 2014 đang qua, tôi luôn thấy thời gian trôi nhanh vào những ngày này. Tôi có cảm tưởng chóng mặt, say xe khi tôi cùng mọi người chuẩn bị tiễn đưa năm cũ và đón chào một năm mới. Tôi tự hỏi: “Có cái gì mất đi và có cái gì sinh ra? Phải chăng đó là thời gian? Ồ không? Thời gian là một dòng chảy mà! Tôi biết chắc như vậy”.

Thế cái cảm giác say từ đâu đến?” Qua bao năm thực tập nhìn rõ mặt thời gian, tôi phát hiện ra “tôi say thời gian”. Người ta thường nói say rượu, say tình… hay nặng hơn ‘say’ là ‘nghiện’: nghiện rượu, nghiện cà phê, thuốc lá, hay si tình, thất tình v.v…, một cảm giác không mấy dễ chịu. Còn tôi là người tu. Tôi quyết tâm thanh lọc rượu, bia, thuốc lá và cả tình cảm. Vậy mà tôi vẫn say. Tôi thấy mình dễ nổi cáu và mất tự chủ. Tôi quyết tâm rình bắt cho được anh chàng thời gian để xem mặt mũi, hình dáng anh như thế nào mà dám vào quấy phá sự tu học của tôi.

May nhờ có Thầy trao cho tôi chiếc nhẫn thần, nhờ thực tập dừng lại mà tôi khám phá ra căn bệnh say thời gian của mình. Thường thì tôi có khuynh hướng tìm ra nguyên nhân và gán tội cho thủ phạm. Bây giờ tìm ra thủ phạm là anh bạn thời gian rồi nhưng tôi không biết làm sao mà giận anh đây. Tôi bực mình nên giận những người xung quanh. Thật là dại dột.

Tôi ngồi yên và tự ngẫm rằng: “Không thể giận thời gian được”. Thế thì giận ai bây giờ? Loay hoay hoài mà không biết làm sao tiêu hóa cái giận, dù tôi đã học “Năm phương pháp diệt trừ phiền giận” hẳn hoi. Nhưng ứng với đối tượng thời gian thì khá mới mẻ. Nhất là ở trong một môi trường cởi mở nhận thức thì thời gian hình như đi nhanh quá? Cho đến một ngày giáp Tết, tôi nhận ra sự yên bình trở về trong bước chân tuổi thơ. Tôi đứng yên thưởng thức tiếng chuông cùng tiếng chim ríu rít trong bụi tre. Tôi như thấy thời gian dừng lại và cùng thở với tôi. Tôi cười. Nụ cười hạnh phúc đón chào năm mới vọng về trong những vần thơ:

Lòng quê dù có khát khao
Hoa mai vẫn cứ đồi cao gọi mời
Tháng Tư lá lục hoa cười
Cho trăng thêm tuổi, cho đời thêm xuân
Vườn xanh cây mướp trổ bông
Trẻ thơ đùa giởn trước sân nắng đào
Chợ văn bán sách lầu cao
Muối dưa đắp đổi hôm nào cũng vui”.

(Thơ Thầy)

Trong hai câu thơ cuối tôi gặp lại Thầy, gặp lại ánh mắt và nụ cười của Thầy trong ngày đầu tiên tôi bước vào Nội viện Phương Khê, Thầy đã đọc cho tôi nghe hai câu thơ: “Chợ văn bán sách lầu cao. Muối dưa đắp đổi hôm nào cũng vui”. Hôm nay tôi thấy tiếng cười nguyên sơ của tôi, trong nụ cười đó thấp thoáng niềm vui tu học của Thầy. Tôi vùng dậy lần theo tiếng cười…

Vì sao tôi đi tu?

Câu hỏi này nhiều người hỏi tôi, nhất là ba mẹ và bạn bè thân thuộc của tôi. Ai cũng thấy nửa thương tôi và nửa giận tôi. Tôi có rất nhiều lý do nhưng tôi vẫn không thấy thỏa đáng mỗi khi tôi trả lời câu hỏi này. Cho đến khi tôi được học Duy Biểu, tôi mới khám phá ra hạt giống đi tu đã có trong tôi từ khi tôi còn rất nhỏ. Bây giờ tôi thấy câu trả lời thỏa đáng nhất là “tôi thích đời sống xuất gia.”

Tôi thích khám phá sự sống trong mình. Tôi thích tiếp xúc thực tại bằng cả con người của mình. Thích chạm được vào những buồn vui sâu kín trong tôi. Thích rong chơi cùng sự sống với những thay đổi của bốn mùa, của chồi non và hoa lá. Tôi thích nhìn đàn cá bơi tung tăng trong nước, những cánh chim bay lượn tầng không và con người sống hòa ái bên nhau.

Từ nhỏ tôi thường quanh quẩn trong nhà, ở trường và chùa. Tôi cảm thấy có một cái gì thân quen khi đến chùa, khi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử. Nhưng tình bạn và học đường có sức lôi cuốn tôi hơn. Được đi học là một niềm vui lớn. Tôi thật sự mất định hướng khi rời giảng đường, mọi cái dường như quá xa lạ với tôi. Thế giới người lớn đòi hỏi tôi phải thay đổi, tôi thấy mình ngơ ngác và tội nghiệp. Mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm trôi qua, tôi cảm thấy có một cái gì thiếu thốn mà tôi không thể tìm thấy trong sách vở, trong công danh sự nghiệp. Tôi say sưa trong công việc, cũng có nhiều niềm vui nho nhỏ, nhưng tôi thấy mình đang đi theo mọi người để sống mà không hiểu vì sao mình cứ phải sống như vậy?

Ngày bạn tôi mất, tôi nhận ra ánh mắt sợ hãi của bạn khi đối diện với tử thần, và tôi thấy đôi mắt đó thi thoảng xuất hiện trong tôi, trong những người xung quanh. Thì ra đã có những lúc mình đánh mất sự sống mà mình không biết? Tôi nhận ra sách vở, kiến thức học đường và công nghệ máy móc không đáp ứng cho tôi tìm lại sự sống. Có lần tôi thấy mình lạc vào nghĩa địa. Những nấm mồ là hàng chục chiếc máy vi tính tối tân câm lặng. Một không gian chết.

Lúc đó tôi thật sự cầu nguyện cho tôi gặp Thầy, gặp bạn. Tôi sẽ làm lại từ đầu. Thầy đã từ bài giảng bước ra như một phép lạ. Thầy dạy: “Người ta thường mất nhiều thời gian để chuẩn bị sống nhưng chưa thật sự được sống…” Câu nói ấy đi vào tâm thức tôi, xuyên qua bao tường thành kiên cố và cuối cùng ở lại trong tôi. Tôi tìm đọc sách của Thầy, nghe pháp thoại của Thầy, tôi như sống lại và trở thành một con người mới. Tôi thường tự gọi đùa với mình rằng: “Công chúa ngủ trong rừng ơi, tỉnh dậy đi nào!”.

Tôi được thức tỉnh nhờ những bước chân bình an của Thầy đi qua đồi thông chùa Từ Hiếu. Hình ảnh ấy rất quen thuộc. Tôi không hiểu vì sao tôi kết duyên cùng bước chân Thầy. Và tôi quyết lần theo những bước chân huyền thoại…

Trong niềm vui đó có những vần thơ ra đời:

Khai tâm bừng tỉnh ngộ
Giữa rộn ràng quanh ta
Lời Thầy vang vọng mãi
Hoa lá vẫy tay chào.

Tâm ai như bay bổng
Không một chút bủa vây
Cuộc đời như cánh hạc
Vút giữa bầu trời trong.

Những lo âu thế cuộc
Phút chốc bỗng nhẹ nhàng
Những khổ đau buồn bực
Nhẹ rủ chẳng buộc ta.

Thênh thang chân ta bước
Giữa đất trời bao la
Không lo sợ ta bà
Sẽ làm tâm mệt nữa.

Dừng, chân tâm bên Bụt
Thấy an lòng vui thay
Hé mở cửa giải thoát
Ngại gì, chẳng bước ngay.

Thế là tôi đi tu. Mới đó mà gần mười năm rồi, nhanh thiệt là nhanh. Năm nay tôi về lại xóm Mới An cư để được sống gần Thầy như lời Thầy nhắn nhủ:

Con trân quý những tháng năm còn lại
Hạnh phúc cười trên nẻo đường con đi”.
Vậy mà Thầy bệnh nặng. Những ngày bắt đầu An cư với tôi thật khó! Tôi thương tôi bao nhiêu thì tôi lại nhớ Thầy nhiều bấy nhiêu. Lạ thật! Tôi nghe tiếng Thầy vọng về qua hơi thở yếu ớt của tôi như một lời dặn dò, gửi gắm tâm sự. Tôi thở cho Thầy là tôi thở cho tôi. Và lời Thầy trong câu chuyện hai cha con làm xiếc: “con giữ gìn thân mạng cho con và ta giữ gìn thân mạng cho ta, tức là ta đang giữ gìn thân mạng cho nhau”. Đó là câu nói đánh động tôi, giúp tôi cùng tăng thân đi qua bao buồn vui, khó khăn, nhất là trong sự kiện Bát Nhã. Trong thời gian đó tôi được làm thị giả cho Thầy và tôi thường quên thở. Thầy đã khéo léo nhắc: “Thở đi con”. Nhờ lời nhắc nhở đầy tình thương và gần gũi trong khi nghe pháp thoại hay những dịp ở cạnh Thầy giúp tôi nhận ra tôi có thói quen quên thở, nhất là những lúc khó khăn, căng thẳng, buồn lo…

 

Thở cho vui, Đi cho vui

Tôi thật buồn vì nhận ra tập khí quên thở của mình trong khi gia tài của pháp môn Làng Mai là “THỞ”, là “ĐI”. Tôi tập đi chậm rãi, nhưng tôi thấy tôi chưa thật sự hạnh phúc khi đi. Đôi lúc nhìn dáng vẻ bên ngoài có vẻ thiền hành nhưng tôi vẫn quên thở. Nhất là những lúc nấu ăn. Tôi loay hoay với chính mình rất lâu, và tôi nhận ra đi thiền kết hợp được với hơi thở và bước chân không dễ như Thầy dạy mà tôi đã được học. Cho đến một ngày Thầy bật mí cho tôi một sự thật là đi không cần tới, mình cứ đi như người mù, mình biết hết tất cả mọi nơi trong nhà rồi, nên đến ngang đâu là mình cảm được ngay, dù mình nhắm mắt đi nữa…

Làm thị giả cho Thầy, tôi thật sự ấn tượng bởi sự di chuyển của Thầy, nhất là những chỗ Thầy đã ở, đã làm việc. Nhất là những hôm Thầy bệnh, Thầy chóng mặt, bước chân Thầy không vững, nhưng Thầy có khả năng định vị rất tốt. Đôi lúc Thầy lim dim nghỉ mà vẫn biết xung quanh đang xảy ra chuyện gì. Thầy đi thiền như một cuộc dạo chơi thú vị, mỗi cảnh mỗi vật đều trở nên thân quen gần gũi. Chính niềm vui này đã giúp tôi gặp lại tôi ngày bé.

Mẹ tôi đi dạy xa, tôi và chị tôi còn quá nhỏ nên phải có hai người chăm hai chị em tôi. Chị Nở, người chăm sóc tôi bị tật ở chân, một chân của chị không gập lại được, chị đi đứng rất khó khăn. Tôi thường nhoài người ra để tụt xuống đất trước khi chị có thể đặt chân tôi chạm đất. Nhưng tôi thường thấy chị nhìn cây cối và bầu trời rất trìu mến.

Rồi chị xin mẹ tôi về lại với ruộng đồng. Mỗi lúc nhớ chị, tôi lại thấy hình ảnh chị ngồi duỗi chân bên cây đa, một tay chị cầm nón lá quạt thong thả, mắt ngước nhìn trời xanh. Đôi mắt Thầy đã nhiều lần nhìn mọi vật như thế. Cái nhìn đó chạm vào ký ức tôi và tôi đã gặp lại đôi mắt của người chị nuôi tôi ngày bé. Tôi nhớ những ngày tôi chạy theo bên chị, tôi thấy mình gần với trời xanh và đất mẹ. Chị sống hiền lành, đơn giản, không đua đòi theo đám đông nên được ở gần chị, tôi luôn cảm thấy bình an lạ. Chị đã ở lại với ruộng đồng, còn tôi học hành và mưu cầu cuộc sống tiến bộ. Tôi quên bẵng chị. Vậy mà Thầy đã đem chị về cho tôi. Ký ức tôi theo bước chân thiền hành đã tiếp xúc được với ân tình của chị. Tôi thật sự giật mình. Bởi tôi đâu có ngờ chị đã gieo duyên cho tôi được gặp Thầy. Người chị bị khuyết tật, không học hành nhưng chị giữ được một tâm hồn thật đẹp. Chị cho tôi lấy lại niềm tin một cách dễ dàng. Tôi biết rõ chị, tôi đã được sống và cảm được sự nhẹ nhàng của một người chị nghèo. Và tôi thật vui khi ngày bé tôi đã có được giấc ngủ ngon lành cùng chị trên đống rơm khô. Tôi nhận ra Thầy giúp tôi tiếp xúc với chính tôi, với hiện tại và quá khứ, với những người thương.

Gặp lại chị tại Làng trong mỗi bước chân sự thật tôi quá bất ngờ. Cái tâm bình an trong cái nghèo những năm sau 1975 tại quê tôi luôn làm tôi mặc cảm. Nhưng từ khi gặp lại chị, tôi thấy chị nghèo thật nhưng chị không mặc cảm. Chị không đi bình thường, nhưng tôi thấy chị chấp nhận cái không bình thường của mình, và đặc biệt là chị có niềm vui không ai lấy đi được. Niềm vui ấy không cần giàu sang, bằng cấp, địa vị mới có được. Niềm vui của sự bình an chị đã tặng tôi mà tôi không hay biết. Gặp được Thầy, tôi đã gặp lại chị, gặp lại tuổi thơ của mình. Lạ thật, mỗi lúc Thầy đưa mắt nhìn trời, nhìn cây cỏ là tôi lại thấy hổ thẹn vì tôi đã bỏ rơi tôi mấy chục năm trời. Thời gian Thầy bệnh, thức dậy, tôi mở cửa bước ra ngoài, trời lạnh nhưng có nắng, ngước mắt nhìn bầu trời ban mai, lòng tôi vui khôn tả. Tôi thấy niềm vui của Thầy trong bài trường ca Avril và niềm vui của tôi ngoi lên thành hai câu thơ:

Sáng nay trời vẽ mây hồng
Thênh thang cõi Bụt trong lòng chúng sinh.

 

Học để mà học

Tôi bắt đầu học Đi để mà đi trong nhà mỗi sáng thức dậy, rồi khi thấy vui vui với cách đi này tôi áp dụng Đi để mà đi cho thời khóa. Có những sinh hoạt không di chuyển như ngồi thiền, ăn cơm, nghe pháp thoại, họp, pháp đàm v.v. tôi thấy rõ là mình đi, đi nhiều hướng là đằng khác.

Thầy vẫn ân cần chỉ dạy chúng tôi nhớ thở khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi ăn, khi hát, khi tụng kinh hay cả khi đọc sách, viết văn, làm vi tính và cả khi đóng sách nữa… Với tôi đây là một công án.

Tôi nghĩ, tôi phải chọn một cái để thực tập cho ra hồn. Thử qua một loạt tôi vẫn thấy khó quá! Tôi lại thích thực tập hòa đồng với mọi người để không ai phát hiện ra là mình đang thực tập. Tôi chọn một thực tập chưa được phổ biến rộng rãi, đó là thực tập viết. Lúc đầu tôi viết tất cả những vui buồn trong ngày. Và tôi nhận ra những vui buồn ấy làm ảnh hưởng sự thực tập Đi để mà đi của tôi. Tôi ngừng viết, ngừng đọc và chuyển sang “tập chép” theo nhu cầu học ngôn ngữ.

Từ ngày xuất gia, tôi tạm ngưng đọc sách các tác giả khác. Tôi chuyên chú vào sách Thầy. Tôi đọc một cuốn như thưởng thức một món ăn rỉ rả, đọc một ngày một vài trang thôi để trị cái tập khí đọc sách ngấu nghiến của tôi xưa nay. Lúc đầu thật khó chịu, nhưng nhờ biết thiểu dục tri túc nên tôi nghĩ ra cách tập chép để trị cái bệnh lười học ngoại ngữ của tôi luôn thể.

Thầy đã chỉ tôi cách học Anh văn sau bao ngày tôi không có hứng thú. Thầy đã dạy Sư cô Chân Không học Anh văn bằng cách chép lại và tự đối chiếu lỗi của mình chép lại theo sách mẫu. Rồi tự mình so sánh và tự sửa lấy. Tôi bắt chước, thấy hay hay khi nhận ra chỉ đọc qua mà viết lại còn không đúng nữa là. Thật là tam sao thất bổn! Nhờ đó tôi học luôn đức khiêm cung với lỗi của mình và của người khác. Bởi chỉ cần lơ đểnh là tôi thêm cái biết của tôi vào liền.

Tôi phát hiện ra. Đi để mà đi dễ hơn học để mà học. Bởi vì khi đi mình có thể không cần suy nghĩ, nhưng khi học thì phải suy tư chứ! May mà hình ảnh Thầy bình an ngồi viết thư pháp đã khích lệ tôi khám phá cái nghịch ngợm học để mà học của tôi. Tôi có thói quen quậy phá để tạo cảm hứng cho mình học cũng thư tu. Tôi không bằng lòng với hạnh phúc của người khác. Tôi đi tu là muốn nếm cho được cái vị hạnh phúc của mình. Và đó cũng là cách duy nhất tôi tạo niềm tin cho mình.

Đang loay hoay với việc tạo cảm hứng thực tập cho mình. Tôi lại thấy có nhiều niềm vui khi thấy Thầy ngồi bình an bên bàn viết, vẽ vô số vòng tròn. Tôi nhớ hồi nhỏ tôi muốn sau này sẽ trở thành giáo viên dạy Toán. Mẹ tôi đã ra cho tôi một bài tập: chừng nào con vẽ được vòng tròn thật là tròn mà không cần compa, con có thể nghĩ tới việc làm giáo viên môn toán. Vậy là mẹ tôi cho tôi một cây bút và một cuốn tập, tôi cũng vẽ vòng tròn như Thầy với rất nhiều niềm vui. Chắc lúc đó tôi quậy dữ quá nên mẹ tôi phải tìm cách cho tôi chơi, khỏi quấy rầy mẹ.

Tôi nhìn Thầy vẽ với rất nhiều hạnh phúc, Thầy ngước mắt lên hỏi. “Con thấy Thầy vẽ vòng này có tròn không?”

Thay vì trả lời: “Thưa Thầy có” hay “Thưa Thầy không”, tôi lại thưa: “Thưa Thầy, có phải Thầy vẽ theo cái vòng tròn của tấm Thầy kê phía dưới?”. Thầy cười thật hiền rồi nói: “Không, thầy chỉ kê cho giấy khỏi chạy thôi. Còn mỗi vòng nó đi theo hơi thở khác nhau”. Lúc này thì tôi giật mình vì câu hỏi trẻ con của mình.

Thế là về nhà tôi bắt chước Thầy tìm cho ra cái hơi thở trong vòng tròn. Và tôi lại phát hiện ra lâu nay tôi vẽ cái vòng tròn thật khổ sở. Tôi dùng hết sức bình sinh của tuổi thơ để vẽ cho thật là tròn. Tôi đã quên thở, lại còn nghiêng người bên phải, bên trái như đang làm một việc gì nặng nhọc lắm. Tôi nhăn mày, nhíu trán, méo miệng theo cái vòng tròn. Thật là khổ sở. Sau đó tôi khám phá ra không những đó là thói quen tôi vô tình hình thành trong tôi mà tôi còn đem theo cái thói quen ấy khi viết, khi đọc và làm vi tính…

Đề tài thở vẫn còn canh cánh trong lòng tôi. Tôi mới gặp lại em bé trong tôi thật vui nên tôi chọn cuốn “Sen búp từng cánh hé” để tập chép ba ngôn ngữ Anh, Pháp, Việt. Nhất là sau khi thực tập Đi để mà đi giúp tôi có thêm bình an, tôi có tham vọng Học để mà học cũng vui như vậy. Và tôi phát hiện ra tập khí tham lam kiến thức của mình khi học, mình bị dính chặt vào cái mình gọi là không biết, mà chất keo đó là sự sống còn, sự hơn thua, mặc cảm… Tôi đã từng khóc vì tội nghiệp cho tôi. Tôi đã không biết cách học. Tôi đã tạo ra khổ đau mà tôi lỡ cất giữ sau bao nhiêu năm vùi đầu vào sách vở.

Bây giờ, mỗi khi cầm cuốn sách của Thầy là tôi thấy cả cuộc đời Thầy. Mười năm nay tôi chỉ đọc sách và nghe pháp thoại của Thầy như một nguồn thực phẩm lành mạnh, trong đó gói bao ân tình của Thầy để cuốn sách ra đời. Thầy dạy: “Viết văn làm thơ như một bà mẹ mang thai vậy đó!”. Phải chuẩn bị từ từ, phải có bình an và niềm vui thì khi mình đọc lên hay người khác đọc cũng cảm nhận được niềm vui đó. Thầy rất có niềm vui khi làm lại các bài Sám trong Nhật Tụng Thiền Môn. Khi mình tụng, đọc mà không thấy vui là mình phải xem lại sự thực tập của mình.

Tình huynh đệ

Mùa Đông này dù Thầy bệnh nặng, nhưng vẫn có Lễ xuất gia cho các sư em cây Sồi Đỏ. Các sư em đã cho tôi thêm niềm tin về con đường tâm linh. Tôi nhớ những đợt xuất gia trước, Thầy vui vẻ đặt tên cho các em và nói: các con có biết bây giờ Thầy đang mang thai các sư em tương lai, sắp tới ngày sinh rồi nên Thầy vui lắm!

Chúng tôi vui cùng niềm vui của Thầy khi nhìn các sư em hòa vào đời sống tăng thân. Mỗi tối, các sư em cùng theo đại chúng Xóm Mới đắp y cầu an cho Thầy được phục hồi sức khỏe. Khi tụng những bài Sám và Tâm Kinh ai cũng mang theo niềm vui và lòng biết ơn Thầy. Thầy đã dành cả cuộc đời để hiến tặng kinh nghiệm thực tập và tuệ giác của Thầy đến cho tất cả mọi người. Trong giờ phút ấy, tôi thấy hình ảnh Thầy trong mỗi câu kinh. Dù không hoàn toàn 100% nhưng các sư cha, sư mẹ, sư chị, sư em chúng tôi đều đang gìn giữ và tiếp nối Thầy. Những lúc thấy nhớ Thầy, các sư chị, sư em chúng tôi ngồi lại kể cho nhau nghe những kỷ niệm đẹp cùng Thầy và nhắc nhau mỗi ngày nhớ nghe thêm pháp thoại của Thầy.

Khi mô Thầy về!

Thầy kính thương, trong dịp mừng Giáng Sinh, chúng con đã tổ chức một buổi ngồi chơi tại Sơn Cốc, như Thầy vẫn còn ở nhà. Chúng con làm quà tặng nhau và kèm theo tình thương, sự tha thứ cho nhau. Sư em con đi quanh xóm ghi âm những tâm sự, những kỷ niệm đẹp, những bài hát để gửi lên bệnh viện, mong rằng Thầy sẽ phục hồi nhanh khi nghe giọng các sư con của Thầy. Con nằm nghỉ trưa nghe các sư chị sư em hát:

Con không thèm ăn kem
Con không thèm ăn bánh
Con chỉ cần Thầy khỏe bên con Thầy ơi!
Con đang thèm chơi tuyết
Nhưng tuyết giờ chưa rơi
Tuyết nói rằng sẽ có khi mô Thầy về?”
Mấy ngày cuối đông khí trời khá lạnh, đại chúng bệnh nhiều quá. Hôm nay sư em mang cho con tô cháo cảm, con như thấy sư mẹ Định Nghiêm chở nồi cháo bằng xe rùa đang đi quanh xóm Mới. Mỗi lần con vui với công việc hằng ngày, con lại thấy sư chị Thao Nghiêm cười khúc khích chia sẻ: “Con thích vui những cái bình thường trong ngày…” Khi Ôn Phước Huệ dặn dò: “Các con nên tiếp nối cái thư viện”, tức phòng triển lãm cần được giữ gìn trong sự thực tập của mỗi sư con thì ngay phút giây ấy, con bắt gặp nụ cười của sư mẹ Thoại Nghiêm trong công trình sưu tập v.v. Và con nghe rõ lời Thầy: “Các con là tay của Thầy, là mắt của Thầy, là chân của Thây đó…” Con an lòng nhận ra Thầy đã và đang có mặt trong lòng tăng thân. Và con
thầm đọc cho Thầy nghe mấy vần thơ nhỏ:
Gió thì thầm hoa như khẽ gọi
Suối róc rách cung đón mấy tầng xuân
Con gối đầu bên chân của Bụt
Thanh thản cõi lòng, vững chãi mỗi bước chân.


Vun bồi sự sống

Lâu lâu chúng ta có một chuyến đi xa, khi trở về thế nào cũng có nhiều người hỏi: “Sao, chuyến đi có vui không?”. Dĩ nhiên là phải vui chứ! Nếu buồn ai mà dám đi, phải vậy không? Được có dịp đi đây, đi đó mà không cần phải bận tâm về công ăn việc làm, được thay đổi không khí và không cần lo lắng gì hết thì thật không có niềm vui nào bằng. Tất cả chúng ta nếu có dịp cũng nên đi, dù là vài ngày, một tuần, hay dài hơn càng quý. Nhất là trong lúc này vì ai cũng muốn biết tình hình ở Làng thế nào? Sức khỏe của Sư Ông ra sao?

Gia đình chúng con rất may mắn có đầy đủ thuận duyên được qua Làng thăm quý thầy, quý sư cô, luôn tiện thăm thầy Pháp Triển thân thương của chúng con, được đón Christmas và New Year. Lần nào đến Làng con cũng được đón nhận nhiều sự ân cần thăm hỏi. Khi gặp quý thầy, quý sư cô, ai cũng tươi cười hỏi thăm: “Ba má có khỏe không? Cám ơn ba má đã hiến tặng thầy Pháp Triển cho tăng thân, chúng con rất được nuôi dưỡng với sự có mặt của ba má và gia đình v.v…” Cứ thế, ngày nào con cũng được nuôi dưỡng bởi những nụ cười tươi như hoa hướng dương, những ánh mắt hồn nhiên, vui tươi. Rứa mà không vui là chuyện lạ.

Qua Làng có hai tuần mà con lên cân thấy rõ, vì sáng nào cũng được ăn bánh mì bagguette của Pháp. Mommy ăn mà cứ tấm tắc khen “mì dòn” (bánh mì bagguette Pháp nổi tiếng, sao mà không ngon được). Thế là Mommy có ý định sẽ đóng một thùng về làm quà cho quý thầy, quý sư cô ở Mộc Lan ăn cho biết nó khác với mì ở WallMart ra sao, nhưng vì thiếu trợ duyên nên rốt cuộc không mang được ổ nào cả. Về tới Mỹ rồi mà Mommy vẫn còn tiếc hụt: “biết rứa khi đó mình liều đóng đại một thùng là được rồi. Lần sau không những chỉ đóng một thùng mà có lẽ phải đóng bù nhiều hơn!”.

Tuy nhiên, ai cũng muốn biết về tình trạng sức khỏe của Sư Ông. Thật ra trong chuyến đi, chúng con nghĩ rằng có nhiều Tôn Túc tăng, ni và nhiều đệ tử lớn của Sư Ông từ khắp nơi về, ai cũng muốn viếng thăm và đảnh lễ Sư Ông, làm gì tới phiên mình được đến thăm? Vả lại Sư Ông cũng cần có không gian yên tĩnh để trị liệu. Được qua Làng thăm quý thầy, quý sư cô thì coi như cũng đã được thăm Sư Ông rồi.

Nhưng may mắn quá! Vì con đi cùng nhóm trẻ lên chơi với quý thầy, quý sư cô thị giả nên con cũng được hưởng ké. Vừa đến nơi, quý thầy, quý sư cô thị giả cho biết liền: “quý vị rất may mắn, hôm nay Sư Ông khỏe và đang mở mắt to và sáng lắm!”. Vậy là chúng con hân hạnh được diện kiến Sư Ông. Nhìn hình hài Sư Ông, chúng con không khỏi bồi hồi xúc động, chúng con đứng lặng yên trong giây lát để nhận diện và ôm ấp cảm xúc dâng trào. Trong lúc ngắm nhìn, thăm hỏi, Sư Ông gật đầu như nói với chúng con là Sư Ông vẫn khỏe, không sao đâu. Sư Ông đưa tay trái lên “phẩy phẩy” để chúng con lại gần, khi đó chúng con chỉ biết gục đầu kính lễ và nâng nhẹ bàn tay “ốm gầy” của Sư Ông, lòng ngậm ngùi thương kính mà không biết nói gì thêm.

Biết nói gì đây? Sư Ông đang từ từ phục hồi từng ngày, bấy nhiêu đó cũng đủ cho chúng ta vui rồi. Sư cô Chân Không nói: “Sao cũng được, miễn là Sư Ông còn sống là một diễm phúc lớn rồi!”. Chúng con chỉ biết tâm niệm mong sao Sư Ông sớm bình phục và kéo dài tuổi thọ để làm nơi nương tựa cho chúng con và nhiều người trên thế giới.

Có những cái ta không tính toán gì hết, nhưng đủ duyên thì nó tự đến. Chẳng hạn như mục đích con qua Làng là để thăm và chơi. Ấy vậy mà con được mời lên chia sẻ về Năm Giới, trong lúc tâm hồn của con đang rong chơi ngoài những cánh đồng hoang đầy sương mù bủa vây hay đang đứng trên đồi ngắm nhìn thung lũng cỏ vàng úa của mùa đông bao quanh hồ nước lắng trong, soi bóng những áng sương mù uốn lượn. Lúc đầu con cũng hơi bỡ ngỡ, có ý từ chốii nhưng làm như vậy coi sao được với tiếng tăm xuất thân sinh hoạt từ chúng Mộc Lan? Thế là con xin chia sẻ giới thứ Năm “Nuôi dưỡng và trị liệu”.

Thật ra, sự chia sẻ của con cũng chẳng có gì sâu sắc, ngoài những chuyện đi chơi với mấy cháu trẻ trong ngày làm biếng, cùng chụp hình “selfie” với cái cần “selfie stick”; cùng ra thăm vườn Bụt, và cứ tưởng như là những vị Bụt thật đang ngồi yên đó cho mình mà sung sướng ôm choàng, rồi hôn lên đầu, lên trán… với lòng cung kính, thú vị làm sao ấy. Ờ mà đúng vậy, được đi chơi, được ngắm nhìn thiên nhiên là một sự nuôi dưỡng cho tâm hồn và thể chất, chính đó là “xúc thực” và “thức thực”, đúng không? Vậy nếu mình có những khó khăn hay có con trẻ thì cũng nên tìm đến những chốn này, để được thiên nhiên nuôi dưỡng và trị liệu. Còn nếu để chúng ở nhà thì chúng chỉ biết vào internet, chơi games, hay xem TV với đầy dẫy những hình ảnh lôi cuốn, bạo động… không lành mạnh.

Chúng ta nên biết những games điện tử rất quyến rũ và đam mê, vì họ chế ra để người chơi có thể đạt được nhiều điểm, hay đạt đến những tầng cấp cao hơn và sau đó được thưởng theo điểm (reward points) hay tầng cấp (level), cứ như vậy nên mình mãi say sưa với chúng mà quên ăn bỏ ngủ. Đam mê như vậy thì gọi là “tiêu thụ không có chánh niệm”. Cho nên thực tập chánh niệm giúp chúng ta chọn lựa đúng đắn cho việc tiêu thụ, có bổ ích lành mạnh cho thân và tâm. Bấy nhiêu đó, cũng tạm đủ liên quan đến giới thứ Năm. Ôi! May quá, con muốn nói thêm nữa nhưng hết giờ.

Hai tuần tưởng chừng như dài lắm, nhưng không đủ để tham quan qua con đường “Huyền Thoại” nối dài từ xóm Thượng đến Sơn Hạ, hay lên đồi mận xóm Mới, hoặc men theo rừng sồi của xóm Hạ…, và càng không đủ để thưởng thức thêm bánh mì baguette “dòn khấm”. Thời gian trôi, trôi theo dòng đời, trôi theo những cảm xúc dấu yêu, niềm vui và hạnh phúc cũng xin gởi theo thời gian hòa tan vào hư không, để hẹn một ngày đẹp trời sẽ trùng phùng tao ngộ. Sự sống luôn hiện hữu có đó, chúng ta chỉ cần biết dang rộng vòng tay để đón nhận, hay mở rộng tầm nhìn để thưởng thức vẻ đẹp của đất trời. Tất cả cũng cần chăm sóc, vun bồi thì mới có ngày đơm hoa kết trái. Vun bồi sự sống là vậy.

Bình yên chốn này

Bình minh lên. Sài Gòn – nơi trước đây tôi sống, ồn ào và hối hả. Từ các ngả đường, dòng xe bắt đầu ào ạt đổ về. Tiếng còi xe inh ỏi, tiếng rao hàng, tiếng chuyện trò rôm rả ở các quán cóc vỉa hè. Nắng sớm xuyên qua những khóm cây thưa thớt trong các công viên, đánh thức những chú chim non chào ngày mới. Những âm thanh kia át hẳn tiếng chim và ít ai nhận ra được điều mầu nhiệm của đất trời đang hiện hữu xung quanh

Chốn này! Nơi chúng tôi đang sống sương lam giăng phủ mái nhà. Trời se lạnh. Thi thoảng có tiếng xe máy, xe công nông chuẩn bị ra đồng, nhưng không đủ lớn để át đi tiếng gà rừng, tiếng muôn chim vũ khúc nhạc đón chào bình minh.

Ông mặt trời ở đây to lắm! Ông nhè nhẹ chuyển mình đánh thức mọi người. Xa xa ở chái bếp sau nhà đã lên khói, bát cơm nóng và thức ăn thơm đã sẵn sàng dọn ra, nhưng không phải để ăn mà để cúng dường, những con người đang thực tập vun bồi thêm ruộng phước.

Sài Gòn! Anh kỹ sư xây dựng, cô thư ký văn phòng, anh hướng dẫn viên du lịch, đến em sinh viên v.v.. đang bận rộn chuẩn bị cho công việc đầu ngày: nào là dự án, hồ sơ, giáo trình, tiền lương cho đến chuyện kẹt xe… tất cả đã đẩy họ theo nhịp sống của Sài thành mà không có khả năng dừng lại dù chỉ một hơi thở vào ra.

Chốn này! Những vị khất sĩ an nhiên với mỗi bước chân tĩnh mặc, thiền hành quanh các thôn xóm, thực tập hạnh an bần nhưng thanh cao, đó là hạnh xin ăn (khất thực) theo truyền thống vào thời Bụt.

Dân làng ở đây mộc mạc với đôi chân đất, quỳ xuống cúng dường với sự thành tâm, các vị khất sĩ cúi đầu khiêm cung thọ nhận, sau đó hồi hướng niềm biết ơn đến mọi người. Những việc làm đó đã giúp nuôi dưỡng sự tu tập và vun bồi thêm đạo tâm trước những cử chỉ cao đẹp của người cúng dường và người thọ nhận.

Mặt trời lên cao, rặng núi Khaoyai đã dần hiện rõ tô đẹp thêm cho khung cảnh sống động đầu ngày. Tiếng tụng kinh trầm hùng:

“Cúng dường pháp thâm diệu
Tạo công đức vô biên
Đệ tử xin hồi hướng
Cho chúng sanh mọi miền.
Pháp môn xin nguyện học
Ân nghĩa xin nguyện đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Quả Bụt xin chứng nên”.

Các vị khất sĩ trẻ đã chấn động cõi lòng và nhận ra rằng hạnh phúc thật sự là đây với vô vàn niềm biết ơn về một vùng quê nghèo nhưng lại đậm đà một nếp sống tâm linh.

Thương lắm chốn này –  Pakchong.

Thầy gọi con về

Thầy gọi con về trong từng hơi thở
Thầy gọi con về trong mỗi bước chân.
Hòn sỏi nào
Hạt cát nào
Con đường nào
Không từng lưu dấu chân xưa…
Dẫu thầy trò ta
Chưa một lần gặp mặt
Nhưng tình Thầy có bao giờ ngăn cách
Mãi dạt dào sưởi ấm trái tim con.
Để sáng nay con bước đi giữa lòng đất Tổ
Ấm áp tình người, nghĩa đệ tình huynh.
Giờ phút này trời đất lặng thinh
Để hồn người rơi vào tĩnh mặc

Rảo bước rong chơi, lối cũ con về…

Con đã thấy hoa thông vàng rụng đầy trước ngõ,
Những cây mưng đang mùa thay lá,
Một nụ đào hồng còn sót lại giữa ngày xuân.
Con đã nghe tiếng chim ríu rít gọi bầy,

Và ngửi thấy hoa mộc hương thơm ngát.

Sáng nay đất trời dịu mát
Thầy gọi con về vững một niềm tin.
Nhà mình đây rồi, con còn đi đâu nữa!
Bụt Tổ trong con
Ba mẹ trong con
Thầy trong con
Huynh đệ trong con.
Vũ trụ cũng cùng góp mặt
Con là biểu hiện của sự sống nhiệm mầu,
Của mạch nguồn tiếp nối.
Trở về thôi!
Con trở về thôi.

Việt Wake Up 2015 – Đón Mừng Sự Sống

Sư Ông Làng Mai đã khởi xướng phong trào Thức Dậy – “Wake Up” hơn 5 năm nay. Khắp nơi trên thế giới, người trẻ Âu châu, Mỹ châu và Á châu hưởng ứng nồng hậu. Chúng con, các anh chị em xuất sĩ thấy rằng thanh niên người Việt ở hải ngoại phần đông chưa biết về phong trào này! Vì thế nên nhóm Việt Wake Up đầu tiên đã khởi hành vào tháng 3, năm 2014.

Nhóm chúng con gồm có bảy thầy và sư cô từ các tu viện Làng Mai tại Pháp và Mỹ. Chủ đề của chuyến hoằng pháp này là “Trở Về Gốc Rễ”. Chúng con mong được đem Phật pháp đến với các em thanh niên từ 17-38 tuổi, sinh ra hoặc lớn lên tại Bắc Mỹ, ít có cơ hội tiếp xúc với Phật pháp, hoặc thuộc về truyền thống Cơ đốc giáo. Chúng con cũng muốn gieo duyên cho các sư em tương lai, như Thầy đã từng tìm chúng con, để chúng con có được đời sống tu học tươi sáng như ngày hôm nay. Chúng con đã đi đến Toronto (Canada), Houston, Seattle, San Francisco, tại mỗi nơi, chúng con đã tổ chức một buổi thuyết trình công cộng cho mọi người và một khóa tu ba ngày dành riêng cho người trẻ có gốc Việt. Chúng con đã đến nói chuyện tại trung tâm của Facebook và một ngày quán niệm tại Orange County.

Chuyến đi 5 tuần đã thành công hơn sự tưởng tượng của chúng con. Chúng con đã tiếp xúc với hơn 400 em thanh niên, cả các vị lão niên, thiếu niên (biệt danh là “chả giò lớn” trong nhóm pháp đàm), thiếu nhi (“chả giò nhỏ”). Cây đàn guitar là pháp khí và bài hát “Living in the Moment” (sống trong hiện tại) của Jason Mraz, bài hát chính mà chúng con đã cùng các em thực tập sống trong những ngày bên nhau. Các em khám phá một đạo Bụt thuần túy và giản dị, ngồi cũng là đạo Bụt, đi cũng là đạo Bụt, nằm cũng là đạo Bụt v.v..

Mỗi ngày các em được ăn ba bữa trong im lặng, tận hưởng mỗi muỗng thức ăn do quý cô bác nấu với rất nhiều tình thương và niềm vui. Các em có cơ hội chia sẻ những ưu tư, khó khăn của mình trong các nhóm pháp đàm. Thay vì chúng con thuyết trình Năm giới cho các em nghe, chúng con chia các em ra thành năm nhóm tự pháp đàm từ một đến hai giới. Sau đó các nhóm nhập chung với nhau, mỗi nhóm lên chia sẻ về những gì các em học hỏi được lẫn nhau. Các em thường làm một kịch bản, phản ánh được nội dung của giới đó. Cách chia sẻ này rất sáng tạo, vui nhộn, cho các em có cơ hội nói lên cái hiểu của các em và cách áp dụng của các em về thực tập Giới.

Chúng con thường tổ chức một buổi thiền trà trong các Khóa tu, các em rất thích được giúp dâng hương và làm trà giả. Sư cô Bách Nghiêm rất khéo tay, có thể lấy những gì sư cô tìm được trong rừng đem về và thiết kế thành một vòng tròn ấm áp bằng cách đặt những khúc gỗ, những cành dây leo bên cạnh những hòn cuội và những ngọn nến lung linh. Sau khi được uống trà, ăn bánh trong không khí trang nghiêm và lắng đọng, các em lên chia sẻ những bài hát và những kịch bản các em sáng tạo chỉ trong vòng một buổi chiều, làm chúng con cũng có thêm cảm hứng để chia sẻ kịch bản về “Mindful Nails.” Thầy luôn muốn đem hình ảnh của Bụt vào đời như một con người, và trong chuyến đi này các em đã cảm nhận được điều đó.

Chúng con chia sẻ những gì rất thật, rất con người về cuộc đời và về sự tu học hàng ngày của mình. Chúng con cùng chơi đá banh, bóng rỗ, bóng chuyền và những trò chơi vòng tròn (non-electronic games) với các em. Nhờ vậy, các em không thấy quý thầy, quý sư cô là những hình ảnh xa lạ như trước nữa mà thấy chúng con là bạn của các em. Tuy chỉ trong mấy ngày của khóa tu, các em tiếp xúc được với tình bạn, tình đồng hương, với bình an và hạnh phúc chân thực, trái tim của các em đã mở ra. Lúc chia tay, chúng con và các em thiền ôm với nhau như một khối. Có vài em phát nguyện sẽ cố gắng học tiếng Việt nhiều hơn để truyền thông với cha mẹ, tìm hiểu thêm về tổ tiên và văn hóa của mình. Chúng con không kêu gọi các em làm những điều đó, nhưng khi các em có sự tu học và có hạnh phúc trong lòng, tự nhiên các em muốn trở về với gốc rễ tâm linh và huyết thống của chính mình.

Không chỉ có các em mà chính chúng con cũng đã chuyển hóa và lợi lạc rất nhiều trong chuyến đi. Năng lượng của khóa tu đã cho chúng con thêm niềm vui để đi tới trên con đường tu học và phụng sự. Chúng con trân quý tình huynh đệ, luôn lắng nghe, chấp nhận nhau và lấy sự hòa hợp làm đầu. Trong chuyến đi, chúng con thường nghĩ tới tăng thân, tới anh chị em xuất sĩ của mình. Nếu được đi trong môi trường như thế này, chắc chắn cũng sẽ được nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm. Chuyến đi lợi lạc và không bị tốn sức. Khi về lại trú xứ chúng con còn có thêm cảm hứng để thấy cần phải làm gì để trau dồi thêm trong công phu của mình để có thể hiến tặng thêm trong những chuyến đi kế tiếp.

Chúng con cùng tu, học, làm việc và chơi như một nhóm lành mạnh “Dream team”, trong đó mọi người có một sự thông cảm, hiểu biết và chịu chuyền banh cho nhau nhẹ nhàng. Cuối mỗi trận chơi, mọi người đều hạnh phúc và tươi cười. Không ai cảm thấy cần phải chứng tỏ này nọ, chỉ cần trao cho nhau những trái banh, những đường chuyền và đá vô gôn… Trong những buổi hướng dẫn tổng quát và pháp thoại, chúng con đều lên ngồi chung với nhau. Mỗi buổi chia sẻ có ba vị. Vị lớn nhất sẽ mở đề, bằng những chia sẻ căn bản như: Ba loại quyền lực, Bốn loại thực phẩm, hoặc Bảy yếu tố giác ngộ… Sau đó, hai sư em sẽ triển khai thêm bằng kinh nghiệm sống và tu học của bản thân. Cách chia sẻ này tạo thêm niềm tự tin trong các sư em vì cảm thấy được nâng đỡ và yểm trợ bởi tất cả các anh chị em của mình.

Sau mỗi khóa tu chúng con đều ngồi lại với nhau để uống trà và “Ôn cố tri tân,” nhìn lại những kinh nghiệm vừa đi qua để học hỏi và áp dụng tốt hơn. Nhờ vậy chúng con đã hiểu thêm về cuộc đời của nhau, chúng con cũng học từ cách chia sẻ của mỗi người, để ngay trong khóa tu kế tiếp, chúng con có thể tiến bộ hơn trong cách chia sẻ của chính mình.

Điều đặc biệt là mỗi nơi chúng con tới, chúng con có cơ hội ở nhà của các cô chú thuộc tăng thân địa phương. Không khí gia đình giúp chúng con mở lòng ra để được nuôi dưỡng và cũng giúp nuôi dưỡng các thành viên trong gia đình bởi sự có mặt của chúng con. Dù đã từng tháp tùng theo nhiều khóa tu trước kia, chúng con tất cả đều công nhận rằng chưa có khóa tu nào chúng con tạm trú tại nhà của cư sĩ nhiều như vậy, vui và thoải mái như vậy, và được ăn toàn thức ăn Việt Nam ngon tuyệt vời như trong chuyến Việt Wake Up 2014 này!

Được tiếp xúc nhiều với ba mẹ, cô chú, thế hệ lớn của các em, chúng con cảm được tấm lòng của các cô chú có tình thương và sự đầu tư vào giới trẻ cho con em của mình. Quý cô chú có niềm tin tuyệt đối vào quý thầy, quý sư cô nên đã đóng góp, nâng đỡ hết lòng để có thể làm cho những khóa tu trở thành hiện thực. Chúng con mong được làm nhịp cầu nối giữa hai thế hệ, thế hệ của cha mẹ từ Việt Nam qua rất khác với thế hệ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, vì vậy trong sinh hoạt gia đình thường tạo nên một khoảng cách giữa cha mẹ và con em. Ai cũng có tình thương nhưng đôi khi thiếu sự truyền thông. Các khóa tu Việt Wake Up là cơ hội giúp cho các em và mọi người hàn gắn và hiểu nhau thêm.


Từ sau chuyến Việt Wake Up 2014, rất nhiều em đã đến tu học thêm tại các tu viện của Làng tại Pháp và Mỹ. Các em đã tạo nên những nhóm Việt Wake Up tại địa phương để tiếp tục tu học mỗi tháng. Có hai em gái đã xin về tu học và làm việc với quý thầy, quý sư cô tại tu viện Bích Nham trong suốt một năm. Những hạt giống vừa gieo trồng trong những khóa tu đã đâm chồi nẩy lộc và vẫn đang tiếp tục lan rộng và cho hoa trái.

Để tiếp tục nuôi dưỡng các em, năm nay một nhóm xuất sĩ chúng con cũng sẽ lên đường hướng dẫn các khóa tu tại Bắc Cali, Florida, Houston và Toronto. Đề tài của chuyến hoằng pháp năm nay là “Đón Mừng Sự Sống – Celebrating life.” Các em Việt Wake Up từ năm ngoái đang giúp chúng con chuẩn bị những buổi thuyết trình công cộng sắp đến trong các khóa tu. Chúng con rất mong quý cô chú, anh chị giúp chúng con đem thông tin về chuyến Việt Wake Up 2015 đến các em thanh niên hiện đang ở Mỹ và Canada để các em có cơ hội tham dự các sinh hoạt trong suốt tháng 3, năm 2015 sắp tới.

Những thông tin về khóa tu đã được đăng trên trang nhà Làng Mai và Website: www.vietwakeup.org

Cùng tu – Cùng học – Cùng chơi

Về Làng An cư

Sáng nay thức dậy tự nhiên con thấy yêu cuộc đời lắm, giống như lâu rồi chưa được yêu vậy. Nghĩ lại mấy ngày trước, con như những người bận rộn, bận buồn, bận khổ, bận nghĩ ngợi, bận… tít mắt, không có chút không gian và thời gian để nghỉ ngơi. Lạ quá, chẳng lớn bằng ai mà cứ học đòi bận rộn.

Nhưng buổi công phu sáng nay đem lại cho con thật nhiều niềm vui và sự nhẹ nhàng. Đi tới thiền đường thôi là con bỗng thấy vui rồi, con ngồi xuống, nhắm mắt lại và hít một hơi thật sâu, làm buồng phổi căng đầy khí ban mai, vừa trong trẻo vừa tinh khôi, mà trong đó chứa đựng một sức mạnh tâm linh rất vững vàng, sâu đậm ở đây, xóm Mới – Làng Mai.

Con biết ơn quý sư cô ở Học viện đã cho con có cơ hội về Làng an cư năm nay. Mặc dù chúng Học viện rất ít người và các khóa học liên tục. Nhưng vì thương con, muốn cho con có cơ hội để về Làng tu tập, tiếp xúc với gốc rễ của Làng Mai, gần Thầy, gần chúng lớn nên cũng ráng “bấm bụng” cho con về Làng. Con biết ơn quý sư cô, quý sư chị, sư em đã làm giúp luôn phần việc của con. Về đây, ngày nào con cũng tự nhắc nhở mình rằng phải sống sao cho thật hết lòng, làm cái gì cũng hết lòng: tu, học, làm việc và chơi gì cũng hết lòng cả, như vậy mới xứng đáng với tình thương của đại chúng ở Học viện chứ.

Càng sống lâu với tăng thân con mới thấy rõ tình huynh đệ, tình chị em thật là quan trọng và vô cùng quý giá đối với con. Dù công việc có khó khăn cách mấy mà các chị em cùng chung tay đồng lòng thì việc gì cũng xong, vừa làm vừa chơi, vừa xây dựng tình chị em, học hiểu nhau hơn.

Về đây con như “chuột sa hủ nếp” vậy, có quá chừng bạn bè xung quanh, tha hồ mà chơi. Các chị em mỗi người một vẻ đẹp riêng, rất hiền lành trong sáng và tươi vui, mỗi vị đóng góp cho chúng mỗi một khía cạnh, một cách rất riêng, ai cũng muốn làm tốt phần của mình và luôn sẵn sàng giúp đỡ, yểm trợ các chị em xung quanh. Hay quá, con rất được nuôi dưỡng, con thật may mắn khi được sống chung và thực tập cùng với các chị em của con. Nhờ đi tu con mới có cơ hội quý báu này. Con được sống bình an, luôn được an toàn, được bảo hộ che chở, được nuôi dưỡng trong vòng tay tăng thân. Ngày ngày con có cơ hội được trở về với nội tâm, học cách chăm sóc và làm lắng dịu thân và tâm trong từng giây phút. Theo thời gian, con thấy sự hiểu biết của con về chính bản thân và gia đình mình có sự tăng trưởng rõ rệt.

Con biết trong con có những nỗi khổ niềm đau mà trước kia con luôn tìm cách để trốn chạy hoặc khỏa lấp bằng cách này hay cách khác mà con thực sự không hề biết là con đang chạy trốn. Nhờ tu tập, con mới thấy được và có đủ can đảm hơn để nhìn thẳng vào những hạt giống trong con và tìm cách thực tập để chuyển hóa những khổ đau bất an đó. Con biết ơn Thầy và tăng thân đã dạy con biết thở, biết trở về chăm sóc đền thờ tâm linh này.

Ở trong chúng có rất nhiều điều nuôi dưỡng con. Những khóa học cho mọi người đủ màu da, tôn giáo cùng tới tu tập chung với nhau rất vui, nhiều người được chuyển hóa và trị liệu. Mỗi khi thấy ai được chuyển hóa nhờ pháp môn thực tập, bồ đề tâm của con được nuôi dưỡng thêm, niềm tin của con vào pháp môn Thầy trao và sự chuyển hóa của con càng vững chắc và bền bỉ.

Cùng học cùng chơi

Khóa tu do Sư Ông hướng dẫn năm nay tại Học Viện được tổ chức vào tháng tám. Con cùng hai huynh đệ nữa nhận chăm sóc nhóm thanh thiếu niên (teens). Đây là lần đầu tiên con nhận chăm sóc nhóm teens trong khóa tu lớn như vậy. Khóa tu cho người Đức có cả ngàn vị thiền sinh về đây tu học một tuần và trong đó nhóm teens của con có khoảng 30 bạn rất dễ thương, trẻ trung và năng động, có đủ mọi thành phần, đủ màu da.

Ban đầu nhận sinh hoạt với nhóm này, con thực sự hồi hộp và hơi căng thẳng vì con cũng chẳng có kinh nghiệm gì nhiều, về ngôn ngữ thì chỉ tàm tạm thôi. Phải làm sao đây, liều một phen, như vậy mới học được cái mới và tích lũy thêm kinh nghiệm từ từ chứ, con luôn nhắc nhở mình như vậy. Nhưng thật may mắn cho con, trong nhóm ba người của chúng con thì hai huynh đệ, hai cộng sự của con là thầy Pháp Triển và sư cô Trăng Hải Ấn quá sức giỏi, có cả ‘tỉ’ kinh nghiệm trong chuyện chơi với các bạn teens, và cùng với hai vị staff (người hướng dẫn) nữa. Được sự yểm trợ của hai huynh đệ xuất sĩ giỏi, con thấy bớt lo hơn và bắt đầu thưởng thức (enjoy) hơn.

Trước khóa tu, nhóm ba người chúng con ngồi lại để làm ra thời khóa, có sự giúp sức của sư chị Hài Nghiêm, sư chị cũng là người có đầy kinh nghiệm với teens. Thời khóa cho nhóm teens khi nào cũng thật vui tươi, buông thư nhưng rất phong phú và thú vị. Từ lúc bắt đầu có buổi họp thời khóa cho tới khi vào khóa tu, con mới biết là nhóm ba người chúng con chơi và làm việc với nhau quá sức ăn ý, hợp nhau quá chừng, làm gì, tổ chức gì cũng suôn sẻ và có truyền thông tốt. Như vậy là hết sẩy rồi, không có gì vui và quý bằng.

Về các bạn teens thì có rất nhiều bạn đến với pháp môn lần đầu, nhưng cũng có rất nhiều bạn biết đến pháp môn và đã có chút kinh nghiệm trong sự thực tập. Vậy là quá hay, các bạn cũ không cần phải làm gì nhưng đã yểm trợ được cho các bạn mới và cho chúng con. Ban đầu thì khi nào mà chẳng bỡ ngỡ, rụt rè, chính con cũng vậy mặc dù con đang đứng vai trò chăm sóc các bạn teens, con cũng có chút mắc cỡ và thiếu tự tin. Nhưng không sao, cứ từ từ, con đang có hai cộng sự giỏi nên không có gì phải lo. Lúc mới gặp nhau, chưa quen nhau nên ai cũng còn bỡ ngỡ, chưa mở lòng, đó là tâm trạng của tất cả mọi người trong nhóm. Nhưng chỉ cần một vài sinh hoạt chung như tập Taichi buổi sáng, ngồi thiền chung và chơi một vài trò chơi là bao phép lạ hiển bày, tất cả thành viên trong nhóm đều hòa chung bằng năng lượng vui tươi.

Các bạn bắt đầu có cảm hứng để tới với các sinh hoạt của nhóm và kết bạn với nhau một cách rất nhanh, con mừng lắm. Mỗi ngày đều có những sinh hoạt thật vui và nuôi dưỡng sự trong sáng của nội tâm. Chúng con muốn tạo ra một khung cảnh thật hài hòa, cởi mở và lành mạnh cho các bạn, vừa chơi vừa thực tập. Mỗi buổi sáng sớm đều có tập Taichi và ngồi thiền có hướng dẫn, có rất nhiều bạn có cảm hứng với Taichi và ngồi thiền, dù phải dậy sớm hơn một chút so với ngày thường ở nhà, nhưng vì có niềm vui nên các bạn tình nguyện hy sinh giờ ngủ và thức dậy sớm hơn để tới thực tập chung với chúng con.

Vào mỗi buổi sáng, chúng con, những người chăm sóc teens ăn sáng chung và thảo luận một chút về những thời khóa sinh hoạt trong ngày. Còn buổi ăn trưa thì cả nhóm cùng ăn chung với nhau trong im lặng và đọc Năm quán để sự thực tập ăn cơm được sâu sắc hơn. Nhưng có một điều hơi lạ là sáng nào các bạn teens cũng vào ăn sáng với chúng con rất đông, ăn trong im lặng và thảnh thơi. Con hơi ngạc nhiên và thắc mắc tại sao các bạn có cơ hội ăn sáng chung cùng ba mẹ và các anh chị em trong nhà, sao các bạn  không lấy cơ hội  ăn sáng để có mặt cho gia đình, vì trong khóa tu các sinh hoạt liên tục, gia đình ít có cơ hội gặp nhau. Con thử tới hỏi một vài bạn thì các bạn trả lời rất dễ thương, các bạn rất thích ăn cơm chung với chúng con ở đây, trong phòng này vừa ấm áp, vừa thoải mái và cũng thích có thì giờ ăn chung và chơi chung với nhau. Nghe các bạn nói vậy con được nuôi dưỡng và thấy các anh chị em trong nhóm chăm sóc teens làm ăn tới bây giờ đang rất khấm khá. Nhóm đã tạo ra được khung cảnh, không gian thật cởi mở thoải mái, ấm áp cho các bạn để các bạn cảm thấy có niềm vui, có sự kết nối với chúng con, với quý thầy, quý sư cô trẻ và các thành viên trong nhóm.

Tuy nói chúng con chăm sóc các bạn nhưng các bạn đã chăm sóc nuôi dưỡng chúng con rất nhiều. Có những bạn lúc mới tới, khuôn mặt cứ rầu rầu, chưa mở lòng được, chưa thấy đây là nơi an toàn cho mình sống và bộc lộ thật con người của mình. Nhưng sinh hoạt một vài lần với nhóm, tự nhiên các bạn ấy cười được, tươi tỉnh, cởi mở hơn và có đủ tự tin để thể hiện được con người thật của mình một cách tích cực mà không sợ bị chê bai, không sợ bị trêu chọc vì ở đây ai cũng biết học cách lắng nghe bằng tình thương. Chính những hình ảnh đó đã nuôi dưỡng chúng con, cho chúng con thêm sức mạnh và sự dẽo dai để tiếp tục chăm sóc các bạn đến hết khóa tu.

Con thấy bạn nào cũng có đủ những tiện nghi vật chất, không thiếu thốn gì cả: có áo đẹp, giày đẹp, có điện thoại riêng v.v.. nhưng có nhiều bạn vẫn đau khổ như thường, vẫn thấy thiếu thốn và muốn tìm cầu một cái gì đó. Về vật chất thì các bạn không thiếu gì cả nhưng về mặt tinh thần, nhiều bạn có những lỗ hổng rất lớn vì thiếu tình thương trong gia đình, ba mẹ sống không hòa hợp với nhau rồi ly dị, mỗi người đi xây dựng một tổ ấm khác, các bạn ấy phải đi ở nhà cô chú và thấy bơ vơ trong lòng. Còn nhiều trường hợp khác nữa và con thấy rất đáng thương. Con biết cái mà các bạn ấy đang thiếu đó là môi trường lành mạnh, trong sáng, có thương yêu. Môi trường mà nơi ấy mọi người biết lắng nghe và nói những lời tích cực, biết giúp đỡ nhau, sống vì nhau hơn là lợi ích riêng tư của mình. Một điều vô cùng quan trọng, quý giá nữa mà tất cả những người trẻ đều cần và ngay chính con cũng vậy, đó là những người bạn trong sáng, những người bạn cho mình sự bình an và sự tin tưởng. Về đây các bạn tìm thấy được món quà quý báu đó, các bạn học được cách không những trở thành người bạn tốt cho mọi người xung quanh mà trước nhất phải học cách làm bạn với chính bản thân mình, tập hiểu mình hơn, thương mình hơn chút nữa, tập sống chung hài hòa với các bạn teens khác.

Anh chị em xuất sĩ chúng con tuy đứng vai trò chăm sóc các bạn nhưng tuổi của chúng con thì không lớn hơn các bạn bao nhiêu nên chúng con rất dễ dàng làm bạn với nhau. Là một người tu còn trẻ, trong con có đầy đủ mọi thứ của một người trẻ bình thường, có những bức xúc, những lên xuống, vui buồn vu vơ, sự bồng bột, thỉnh thoảng cũng thích làm theo ý mình. Nhưng nhờ biết thực tập và sống trong tăng thân nên con có thể chăm sóc được những hạt giống đó trong lòng, biết sử dụng năng lượng của mình đúng cách và cân bằng chúng trong cuộc sống. Khi con được nghe những nỗi khổ niềm đau của những bạn trẻ này, trong con có một niềm thương, chấp nhận và đồng cảm sâu sắc với những khó khăn mà các bạn đang phải đi qua. Con muốn giúp các bạn thật nhiều, con tự nói với chính con là làm được gì cho các bạn thì phải làm cho thật hết lòng.

Cũng là người trẻ như các bạn ấy nên chúng con thực tập, áp dụng được cái gì thành công, có lợi lạc, có chuyển hóa cho chính bản thân chúng con thì chúng con sẵn sàng, hết lòng lấy những kinh nghiệm thật đó để chia sẻ cho các bạn, để các bạn thấy gần gũi và dễ thực tập hơn. Cũng nhờ hiểu nhau, hiểu những khó khăn, vui buồn của nhau nên các anh chị em xuất sĩ chúng con có truyền thông rất tốt với các bạn teens. Và gia đình teenager chúng con đã có một khóa tu vô cùng ấm áp, cởi mở, vui tươi, có những giây phút thật hạnh phúc bên nhau, nó sẽ là những kỷ niệm thật đẹp để mình nhớ hoài, và ai cũng có nhiều lợi lạc đem về nhà và sống tốt hơn.

Hạt lành đã đơm hoa

Con rất hạnh phúc khi có cơ hội được chia sẻ một chút về cuộc “phiêu lưu” tuyệt vời mà con đã tham dự vào mùa thu vừa qua khi chúng con gồm bốn thầy (Pháp Liệu, Pháp Lưu, Pháp Khải, Pháp Thệ), ba sư cô (Bội Nghiêm, Sứ Nghiêm và con là Hài Nghiêm) cùng ba cư sĩ có một chuyến hoằng pháp tại năm nước Mỹ La-tinh (Chile, Ecuador, Colombia, Nicaragua và Mexico). Chúng con đã có các hoạt động như: pháp thoại công cộng, hướng dẫn các ngày quán niệm và tổ chức các khóa tu. Chuyến đi này cũng giống như một hạt giống đã được gieo trồng từ mười năm qua, và giờ đây khi các nhân duyên hội tụ đầy đủ thì nảy mầm, đơm hoa.

Chúng con, bảy vị xuất sĩ và ba cư sĩ cùng tạo thành một tăng đoàn tứ chúng thu nhỏ. Dù chưa có dịp biết nhau nhiều nhưng chúng con tin rằng tổ tiên đất đai Mỹ La-tinh đã chọn chúng con và mong muốn chúng con đi với nhau như một dòng sông trong chuyến đi sáu tuần ấy để cùng nhau thực tập và hiến tặng các pháp môn tu tập của Làng Mai đến hàng ngàn người dân trên mảnh đất này.

Đồng hành cùng các vị Bồ tát

Con muốn giới thiệu về ba người bạn cư sĩ, những vị bồ tát cùng đi trong nhóm. Người đầu tiên là anh Wouter Verhoeven, một nhà làm phim đến từ Hà Lan, thực tập chánh niệm rất giỏi trong khi làm công việc quay phim.  Anh làm việc rất chăm chỉ, từ sáng sớm cho đến tối mịt. Anh quay hết các buổi pháp thoại của quý thầy và quý sư cô bằng tiếng Tây Ban Nha, rồi quay cả những hình ảnh thực tập của các thiền sinh ở năm nước mà chúng con đã đi qua. Anh ấy có thể thu vào máy sự tĩnh lặng của các thời thiền tọa mà không làm phiền đến một ai. Anh làm việc yên đến nỗi chúng con thường không biết là anh đang đứng đâu đó trong thiền đường với máy quay phim… Giờ đây Wouter đang sử dụng những tư liệu mà anh đã quay được trong suốt chuyến đi để làm thành một phim tài liệu, chia sẻ pháp môn thực tập Làng Mai đến mấy chục hay thậm chí mấy trăm ngàn người nói tiếng Tây Ban Nha trên thế giới.

Bên cạnh đó, chúng con cảm thấy rất may mắn với sự có mặt của Aurora Conde và Joaquin Carral, một đôi bạn trẻ người Mexico. Họ đã tham gia tăng thân Wake Up ở New York từ rất nhiều năm. Họ cũng là những người tiên phong xây dựng tăng thân Latino tại New York. Cả hai người đều rất tốt, vui nhộn, rất thuần thành với pháp môn và nhất là rất thương quý các thầy, các sư cô. Cả hai là những bác sĩ có tâm muốn quảng bá lợi ích về sức khỏe của việc ăn chay (mà không dùng các sản phẩm từ sữa – Veganism) đến cho cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha. Cũng giống các thầy và các sư cô, hai bạn trẻ này rất thích các món ăn ngon lành làm từ rau củ quả ở Nam Mỹ nên trong chuyến đi, các bạn luôn được mời chia sẻ về pháp môn thiền ăn và giới thứ năm về sự thực tập tiêu thụ có chánh niệm. Ngoài ra hai bạn còn thông dịch không mệt mỏi từ tiếng Anh ra tiếng Tây Ban Nha (hay ngược lại) và hướng dẫn thiền buông thư.

Giờ thì con sẽ kể một vài chuyện đã xảy ra trong suốt chuyến đi từ Chile, Ecuador sang Colombia, Nicaragua đến Mexico. Nhưng trước tiên nếu ai có một tấm bản đồ gần đó thì xin hãy nhìn qua để biết các nước đó nằm ở đâu trên quả địa cầu.

Thiền quýt tại Santiago, Chile

Tại Santiago – thủ đô của Chile, chúng con đã chia sẻ về thiền quýt ít nhất là ba lần, mỗi lần đều do một thầy hoặc một sư cô khác nhau đảm trách. Chia sẻ vui nhất là của thầy Pháp Khải. Mới đầu thầy mời mọi người nhận diện hình dáng, màu sắc và kết cấu của trái quýt, quán chiếu thật sâu để thấy được các nhân duyên đã tạo nên trái quýt như là cây quýt, mưa, mặt trời, người nông dân…, cũng như thấy được những tiềm năng có trong trái quýt. Thầy nói: “Bạn biết không, trái quýt này có thể trở thành… một bài hát, bởi vì khi ăn trái quýt này ta thấy hạnh phúc, và khi hạnh phúc thì có thể ta muốn sáng tác một bài ca! Bây giờ thì ta hãy từ từ lột vỏ quýt. Cố gắng đừng phạm vào múi quýt nhé! Ngửi, mỉm cười, thấy nước bọt đang ứa ra, lấy một múi quýt đặt trên lưỡi… Đừng vội cắn! Từ từ nhai, để ý tới từng cử động của lưỡi và hàm trước khi nuốt nhé!”.

Thiền điện thoại tại Ecuador

Sau chín ngày ở Chile, chúng con đến Ecuador vào ngày 01/10. Buổi tối đầu tiên tại Ecuador, chúng con có một buổi sinh hoạt tại trường Đại học Simon Bolivar. Con sẽ nhớ hoài bài thực tập do sư cô Bội Nghiêm hướng dẫn: bạn hãy đưa điện thoại di động đã tắt ra trước mặt và dùng nó như một tấm gương. Hãy mỉm cười với bóng mình trong điện thoại, sau đó tạo vẻ mặt giận dữ, rồi lại mỉm cười. Bạn cảm thấy như thế nào? Bạn có thể nói với chính mình “Tôi thương bạn lắm” trước khi gọi điện cho một người nào đó. Làm thế nào ta có thể thay đổi thế giới nếu như ta không thương được chính bản thân mình? Nếu muốn tâm được tự do, muốn thương và được thương thì chúng ta cần có một chiều hướng tâm linh cho tất cả những hoạt động trong đời sống hàng ngày, bắt đầu từ những việc bình thường nhất như nói chuyện trên điện thoại.

Khi chia sẻ về thiền ăn, chúng con phát hiện ra là ở Ecuador, phần đông mọi người rất may mắn, vì ở đây bữa cơm gia đình hàng ngày vẫn còn được duy trì. Đây là một bài học rất lớn mà con đã học được từ người dân Ecuador. Khi chúng con cho vấn đáp, có một vị đại diện cho Bộ chăm lo Hạnh phúc của toàn dân (đúng vậy, ở Ecuador có một bộ như thế đó, tên tiếng Tây Ban Nha là “Ministerio del Buen-Vivir”) đã lưu ý chúng con về tình trạng bạo động ngày càng phổ biến trong các em trai tuổi thanh thiếu niên. Dựa vào những tuệ giác mà Thầy đã trao truyền về vấn đề này trước đây, chúng con đã gợi ý rằng: điều mà ta có thể làm để cải thiện tình trạng này là cố gắng tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn nào đã dẫn các em đến những hành vi bạo động đó, và chúng ta làm tất cả những gì có thể để biểu lộ sự quan tâm và thương yêu đối với các em, hơn là sự trừng phạt. Ngoài ra chúng con còn khuyến khích người lớn dạy chánh niệm và từ bi cho con em của mình từ khi các em còn rất nhỏ; xây dựng môi trường sống an toàn, có thương yêu để cho các hạt giống bạo động không có cơ hội được tưới tẩm.

Một hướng đi tâm linh cho người trẻ Colombia

Sau bảy ngày ở Ecuador, chúng con đến với đất nước Colombia. Có thể nói đây là một đất nước nổi tiếng nhất Nam Mỹ về tình trạng bạo động. Tin tức về bạo động xảy ra ở đất nước này luôn chiếm phần lớn trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, chuyến viếng thăm của chúng con ở đây rất tuyệt vời. Chúng con rất xúc động và có nhiều hứng khởi khi được chứng kiến hàng trăm người đang hướng về một đời sống tâm linh, đặc biệt là các bạn trẻ và các gia đình có con nhỏ. Chúng con đã có một khóa tu ba ngày trên một ngọn núi cao 3000 mét so với mặt nước biển. Từ trong nhà nhìn ra ngoài cửa sổ, ta dễ dàng bắt gặp những chú chim hummingbird đang chao liệng trong không gian. Trong khóa tu, có một buổi vấn đáp thật sống động và sâu sắc, kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ với rất nhiều câu hỏi dành cho quý thầy, quý sư cô. Có một số câu hỏi đã được trả lời rất chính xác và ngắn gọn: “Làm sao để buông bỏ được quá khứ? – Hãy thở”. “Làm thế nào khi tiếp xúc với những người có cách nhìn tiêu cực? – Hãy giữ thái độ tích cực”.

Nhưng điều đáng nhớ nhất chính là tinh thần gắn kết, cởi mở và đầy nhân bản tràn ngập thiền đường trong buổi sáng hôm ấy, ngày kết thúc khóa tu. Sau buổi thiền hành cuối cùng, Camilo – một thiền sinh trong tăng thân, cũng là một diễn viên và là người đang tham gia một dự án thúc đẩy hòa giải của Liên hiệp quốc – đã cống hiến một vở kịch câm có tên “Mindfoolness” (một cách chơi chữ với từ “mindfulness” – chánh niệm, còn fool trong mindfoolnesss có nghĩa là khờ, là ngốc nghếch). Đó là một vở kịch châm biếm về sự điên rồ của lối sống hiện nay và về sự thực tập của một người đang tu thiền.

Nét đẹp nơi mảnh đất và con người Nicaragua

Nước thứ tư trong hành trình tại Nam Mỹ là Nicaragua. Đây là đất nước để lại dấu ấn trong con nhất, có lẽ vì sự nghèo đói và một lịch sử chông gai qua nhiều thế kỷ mà hậu quả của nó vẫn còn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân. Mặc dù như thế, con vẫn thấy có rất nhiều cái đẹp nơi mảnh đất và con người nơi đây. Thầy Pháp Liệu nói là trong năm nước mà chúng con đi qua, đây là đất nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam nhất, có lẽ một phần là vì ở đây có rất nhiều loại cây trái giống ở Việt Nam như ổi, xoài…

Con rất vui vì phần lớn những người tham dự khóa tu cuối tuần ở Managua – thủ đô của Nicaragua là các tác viên xã hội, các nhà hoạt động xã hội, và cả những người trẻ đang làm công tác bảo vệ phụ nữ khỏi nạn bạo hành trong gia đình hoặc giúp cho trẻ em có hoàn cảnh sống nghèo khổ, đầy hiểm nguy, những trẻ em đường phố, nạn nhân của lạm dụng tình dục, nghiện ngập… Ngoài ra, tham dự khóa tu còn có một số thanh thiếu niên đã thoát ra từ các hoàn cảnh khó khăn như thế và những phụ nữ đã thành lập các hợp tác xã nông nghiệp… Giờ đây, rất nhiều vị Bồ tát như thế đã biết cách thở và đi trong chánh niệm để tiếp tục giúp cho chính mình và cho quê hương.

Vào ngày cuối của khóa tu, chúng con cùng nhau trồng một cây ổi để làm kỷ niệm. Cây ổi này sẽ cùng lớn lên với 500 cây ăn trái khác do tăng thân Làng Mai cúng dường cho hợp tác xã của phụ nữ ở Rio Blanco như là một biểu tượng của tình thương đối với các thế hệ tương lai. Đây cũng là một hành động có ý nghĩa góp phần giảm thiểu khí carbon do những chuyến bay xuyên lục địa thải ra.

Chuyển hóa bạo động và sợ hãi ở Mexico

Sau Nicaragua là Mexico, chặng cuối cùng của chuyến “phiêu lưu” Nam Mỹ. Một sự kiện bất ngờ và nặng nề chào đón chúng con ngay khi máy bay vừa đáp xuống: cả đất nước Mexico đang vô cùng bức xúc trước sự mất tích của bốn mươi ba người trẻ. Sự kiện này giống như giọt nước cuối cùng làm tràn ly, bởi vì đã có hơn chục ngàn người đã bị mất tích hoặc bị giết hại trong mấy năm qua, nghe đâu do những người buôn lậu ma túy gây ra. Vì thế, trong một cuộc họp báo, chúng con đã giới thiệu phương pháp chăm sóc các cảm xúc mạnh như giận dữ, sợ hãi, tuyệt vọng dựa trên hơi thở ý thức và phương pháp lắng nghe với tâm từ bi. Thầy Pháp Lưu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các cộng đồng có thương yêu để ngăn ngừa và làm chấm dứt tình trạng bạo động đang lan tràn. Thầy đã dùng bộ phim “Mateo” của đạo diễn Maria Gamboa để làm một thí dụ gây rất nhiều cảm hứng. Phim được sản xuất ở Colombia năm 2014 và đã được đề cử cho giải Oscars.

Trong suốt thời gian diễn ra khóa tu tại Mexico, lúc nào con cũng có cảm giác như mình đang sống cùng gia đình huyết thống. Đêm 31/10, chúng con tổ chức một buổi lễ tưởng niệm những người đã khuất, nhân dịp đất nước này đang nhộn nhịp với lễ hội “Dia de los Muertos” – một lễ hội của những người chết, khá nổi tiếng ở Mexico. Trên bàn thờ được trang trí theo kiểu truyền thống có để di ảnh của những người thân đã mất do các thiền sinh mang tới. Buổi lễ bắt đầu bằng những phút mặc niệm, sau đó mọi người niệm tên của người thân trong gia đình, của các vị thầy tâm linh và tổ tiên đất đai, những người đã hiến tặng rất nhiều tình thương và công sức để cho chúng ta được bình an và hạnh phúc như ngày hôm nay.

Thầy Pháp Liệu đã hướng dẫn mọi người cách tiếp xúc với tổ tiên để có thêm sức mạnh giúp ta đi qua những giai đoạn khó khăn. Thời nay, các bạn trẻ hiếm có cơ hội được tiếp xúc với chính mình, với những cảm xúc trong con người mình, nói chi đến việc tiếp xúc với tổ tiên. Đó là lý do tại sao thắp một nén hương lên bàn thờ tổ tiên và theo dõi hơi thở vào ra là một cách để đưa thân tâm trở về một mối, để tiếp xúc với tình thương, với sức mạnh của dòng chảy tâm linh cũng như huyết thống trong ta, từ quá khứ cho đến hiện tại và tương lai.

Chúng con cùng tất cả các thiền sinh đã đứng rất lâu xung quanh một đống lửa. Mỗi người bỏ vào lửa một mảnh giấy, trong đó có ghi lại lời phát nguyện chuyển hóa những tập khí tiêu cực của mình và hiến tặng bình an cho thế giới. Hành động này là biểu tượng cho niềm tin vào tăng thân, niềm tin vào mọi người, mọi loài đang giúp chúng ta thực hiện ước mơ có ý nghĩa nhất của mình.

Có một cái gì đó thật sự đã đánh động tâm tư con trong những ngày cuối cùng ở Mexico, đến lúc này đây, khi nhìn vào những tấm hình chụp con mới nhận ra, đó là sự kết hợp hài hòa và tuyệt đẹp giữa các thầy, các sư cô Tây phương với các thầy, các sư cô người Việt. Dĩ nhiên một tăng đoàn quốc tế thu nhỏ, gồm những người tu cùng một màu áo nhưng có gốc gác khác nhau như Việt Nam, Pháp, Mỹ, Lebanon, Đức, Đông Âu và Madagascar… tự nó đã là một cái gì quá đặc biệt rồi. Ngoài ra địa điểm tổ chức khóa tu lại là một tu viện Công giáo dòng Benedictine ở Nuestra Senora de los Angeles. Đây là một nơi đầy năng lượng an lành nhờ sự thực tập và cầu nguyện tinh chuyên, sự phụng sự hết lòng và thái độ vô cùng cởi mở của mười bốn tu sĩ dòng Benedictine sống ở đây. Quý cha đã cho phép tổ chức một khóa tu đạo Bụt ở tại tu viện cho khoảng 150 người.

Thực tế thì trong những chuyến đi hoằng pháp trước đây, mỗi khi thấy tăng đoàn được đón tiếp niềm nở bởi các tu sĩ Công giáo, con luôn cảm thấy vô cùng may mắn và biết ơn vì con có khả năng kết hợp cả hai truyền thống trong sự thực tập của chính mình. Có lần ở một cửa hàng lưu niệm ở Columbia, có người hỏi quý thầy, quý sư cô có phải là những tu sĩ dòng Francis hay không. Nhìn lại, con thấy cũng hơi giống thật! Dù sao đi nữa thì con cũng thấy rất được khích lệ trước viễn cảnh Thiền Phật giáo có thể đi vào châu Mỹ La-tinh một cách rất tự nhiên (bởi vì đây chính là lục địa mà phần lớn người dân đều theo đạo Công giáo trong một vài thế kỷ gần đây). Điều này cũng sẽ góp phần vào nền hòa bình trên thế giới.

Ngoài hai dòng tâm linh đạo Bụt và đạo Thiên Chúa, dòng tâm linh thứ ba đã nuôi dưỡng từng hơi thở và bước chân của con trong cuộc hành trình này là tuệ giác của những người dân bản địa Mỹ La-tinh. Con luôn luôn cảm thấy rúng động trước sức mạnh của các giá trị tâm linh trên mảnh đất này, thí dụ như sự tôn trọng và kính ngưỡng đối với đất Mẹ, với mọi người và mọi loài; thái độ cởi mở để tiếp nhận những hiểu biết mới mẻ; sự phóng khoáng và lòng tri ân… Qua sự tiếp xúc với người dân nơi đây, mặc dù không nói ra bằng lời nhưng con cảm nhận được ý nghĩa thật sự của tình huynh đệ mà Thầy luôn muốn chúng con chế tác.

Đối với con, chuyến đi này quả là một món quà, vì qua chuyến đi con có cơ hội làm lớn lên tình thương trong con. Con thực sự biết ơn Thầy, biết ơn Tăng thân cũng như tất cả mọi người mà con có cơ duyên gặp gỡ trong cuộc hành trình, những người đã chỉ cho con biết làm thế nào để có thể trở thành một pháp khí tốt hơn. Trước khi lên máy bay về lại Pháp, Wouter đặt cho chúng con câu hỏi: “trong trái tim bạn, chánh niệm có nghĩa là gì?” (what mindfulness means in our heart?) và đề nghị mỗi người chúng con trả lời bằng một từ thôi, tiếng Tây Ban Nha. Và câu trả lời của con là: Esperanza – Hy vọng!

 

Đánh thức những ước mơ

Vào tháng Tư năm 2014, thầy Pháp Khôi và con (Trời Bảo Tích) có cơ hội đi tổ chức khóa tu tại hai nước Botswana và Nam Phi. Đây là lần thứ ba các thầy, các sư cô Làng Mai đi Botswana. Những chuyến đi này do bác sĩ Ava Avalos và tăng thân địa phương ở Botswana tổ chức. Bác sĩ Avalos chuyên trị HIV/AIDS, đồng thời cũng là thành viên của dòng tu Tiếp Hiện. Đất nước Botswana thuộc miền nam châu Phi, cùng biên giới với Nam Phi. Botswana có khoảng 2 triệu dân, đã từng bị Anh quốc đô hộ và đã giành được độc lập năm 1966. Nền kinh tế của đất nước này phần lớn phụ thuộc vào khai thác mỏ, đặc biệt là kim cương. Tôn giáo chính của họ là Thiên chúa giáo, tiếng nói địa phương là Setswana và tiếng Anh. Dumela rra (hay Dumela mma) theo tiếng địa phương có nghĩa là xin chào.
Sự gặp gỡ giữa văn hóa địa phương và văn hóa Làng Mai
Sau vài tháng họp viễn liên, chúng con đã đến Gaborone, thủ đô của Botswana. Con rất ấn tượng trước vẻ đẹp và màu xanh của thủ đô. Ở đây đang là mùa thu với thời tiết nắng ấm, riêng buổi sáng và chiều thì mát rượi. Trong một buổi tiệc chào mừng, chúng con được gặp các thành viên của tăng thân, bạn bè của họ và được xem các tiết mục trình diễn thơ và nhạc. Tiếng Setswana nghe rất hay và đậm chất thi ca. Âm nhạc, thi ca và vũ điệu là những nét nghệ thuật có tầm vóc quan trọng trong văn hóa xứ này. Người ở đây rất cởi mở và thân thiện, thường bắt chuyện với chúng con mỗi khi gặp chúng con trên đường. Họ rất hiếu kỳ, muốn tìm hiểu về những chiếc áo nâu xuất sĩ của chúng con.

 

Chúng con phát hiện ra một số điểm tương đồng giữa văn hóa địa phương và văn hóa Làng Mai. Người dân Botswana yêu chuộng thiên nhiên, họ thường về nông trại của mình ở miền quê mỗi cuối tuần. Họ cũng có truyền thống thờ ông bà tổ tiên. Xã hội của họ theo truyền thống bộ lạc, có các tù trưởng, bô lão và mọi việc được quyết định theo tinh thần đồng thuận (consensus).

Có rất nhiều điểm đáng chú ý về đất nước Botswana: đây là một quốc gia hòa bình, ổn định và trung lập, được điều hành bởi một chính phủ dân chủ; nền kinh tế tương đối ổn định; chương trình chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí; hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối tốt. Người dân có sự thảnh thơi, có niềm vui sống và tinh thần cộng đồng vững mạnh. Tuy nhiên, một số thử thách mà đất nước này đang gặp phải là: gần mười chín phần trăm dân số bị nhiễm HIV; sự giàu có đang đưa xã hội đi về hướng tiêu thụ và chủ nghĩa vật chất. Vì là xã hội đa hôn theo truyền thống nên có rất nhiều đau khổ xảy ra trong hôn nhân, vấn đề chung thủy và lòng tin. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, đang hướng ngoại theo Tây phương, vì vậy họ đánh mất không ít kinh nghiệm, tuệ giác và tinh hoa của nền văn hóa dân tộc.

Niềm vui và tiếng cười tại Gaborone

Tăng thân ở đây khá vững chãi và đa dạng, thường sinh hoạt chung với nhau mỗi tuần một lần trong suốt những năm qua. Trong thời gian ở Gaborone, hầu hết mỗi buổi chiều, chúng con thường tổ chức ngồi thiền và đi thiền cho tăng thân địa phương cũng như cho những thiền sinh mới tại khuôn viên trường trung học Maru-a-pula, một nơi khá khang trang. Ngoài ra còn có một buổi chia sẻ tại trường đại học Botswana (University of Botswana) và một buổi sinh hoạt Wake Up cho người trẻ. Một bạn trẻ đã chia sẻ: “Không phải là giới trẻ ở đây không đói khát về tâm linh, vấn đề là họ không biết làm thế nào để có được nó”. Có rất nhiều niềm vui và nhiều tiếng cười khi chúng con thực tập và sinh hoạt chung với nhau. Người dân ở đây dễ biểu lộ tình cảm, rất vui tươi và hài hước. Chúng con cũng chia sẻ với nhau ước mơ xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách cho các bạn trẻ xem những hình ảnh và phim về những điều gây cảm hứng mà các bạn trẻ Wake Up trên thế giới đang làm.

Một bạn trẻ khác chia sẻ: “Tăng thân Wake Up! Kỳ diệu quá, con không thể nào nói hết được những tác động tích cực mà tăng thân đã đem lại cho cuộc đời của con. Mặc dù là tín đồ Thiên chúa giáo nhưng nghệ thuật chánh niệm, thiền tập và sự thực tập chắp tay búp sen xá chào đã làm giàu thêm cho cách sống của con. Con đang hướng về một nếp sống cao thượng và cảm thấy mình đang ngày càng có thêm bình an, kiên nhẫn và định tĩnh hơn bao giờ hết”. Một bạn khác nói rằng: “Đối với con, thiền là một sự thực tập và tăng thân là gia đình của con. Con rất yêu thích sự chia sẻ, nâng đỡ nhau qua những giai đoạn thăng trầm và sự yểm trợ vô giá của tăng thân. Cuộc đời con chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ và con biết chắc rằng đây chỉ mới là sự khởi đầu. Con tin là phong trào Wake Up ở Botswana sẽ cất cánh. Cất cánh để tác động tích cực vào cuộc đời bằng cách gieo những hạt giống thương yêu trên khắp đất nước, đó chính là những điều mà tất cả chúng con đều mong muốn. Với tăng thân Wake Up, không còn ai phải đơn độc trong hải đảo của mình nữa”.

Chúng con còn tổ chức một buổi nói chuyện công cộng và một ngày quán niệm tại một ngôi chùa Phật giáo. Ngôi chùa này rất đẹp, được chăm sóc bởi Hội Phật tử Botswana với rất nhiều Phật tử Tích Lan thường xuyên đến chùa tu tập. Mỗi tháng một lần, tăng thân cư sĩ tổ chức ngày quán niệm tại đây. Trong ngày quán niệm, chúng con thực tập ngồi thiền và đi thiền, rồi chia sẻ pháp môn Làm Mới. Sau đó mọi người dùng bữa trưa, thực tập thiền buông thư và pháp đàm. Chúng con được nuôi dưỡng nhiều khi nghe các thành viên trong tăng thân thực tập phương pháp tưới hoa cho nhau. Một vị bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với người chị đã nuôi nấng mình như một người mẹ. Một vị khác đã hòa giải được với người chồng cũ. Các thành viên trong tăng thân cũng chia sẻ với nhau niềm biết ơn đối với mọi người trong tăng thân vì đã có mặt và nâng đỡ nhau trong giai đoạn hạnh phúc cũng như khó khăn. Nhiều giọt nước mắt đã rơi trong buổi làm mới hôm ấy, cùng với tiếng cười, tình thương và niềm cảm thông trong tăng thân. Sự thực tập tuy đơn giản, nhưng thật đẹp và vô cùng hiệu quả! Con thấy xúc động và biết ơn sự thực tập của mọi người.

Khóa tu tại Nam Phi

Tại trung tâm Tara Rokpa – một trung tâm tu học Phật giáo ở Nam Phi, chúng con tổ chức khóa tu bốn ngày cho thiền sinh. Có nhiều người đến từ rất xa, như từ Mozambique. Sư cô Châu Nghiêm cũng đến để yểm trợ cho khóa tu. Trung tâm này rất đẹp, gần với thác nước và một dòng sông. Vì vậy chúng con cũng như các bạn thiền sinh có cơ hội thưởng thức hết lòng vẻ đẹp nơi đây, nhất là những đêm trời trong và đầy sao. Khóa tu có khoảng bốn mươi người tham dự, mọi người thực tập chung với nhau như một gia đình. Thật tuyệt vời khi thấy một nhóm người với thành phần đa dạng lại có thể tu tập chung với nhau tại một nơi đã từng có quá khứ xung đột sắc tộc, và đến bây giờ vấn đề sắc tộc vẫn còn là vấn đề nhạy cảm ở nơi đây. Một điều đặc biệt của khóa tu là sự có mặt của các em thiếu nhi. Các em đã hiến tặng cho mọi người rất nhiều niềm vui và sự tươi mát.

Chính các em cũng có nhiều khổ đau. Ngoài xã hội, những em lai hai chủng tộc đôi lúc bị trêu chọc hoặc bị loại trừ. Một số em đã chia sẻ lòng biết ơn của mình khi cảm nhận được năng lượng của tình thương và sự chấp nhận không điều kiện trong khóa tu. Tất cả mọi người trong khóa tu đều thực tập cho chính mình và đồng thời để chuyển hóa chất bùn của sự kỳ thị thành đóa sen của tình thương và sự hiểu biết. Trong khóa tu cũng có một vài vị bác sĩ y khoa đang phục vụ tận tình trong những công tác đầy thử thách. Con rất vui khi thấy mình có thể cống hiến cho họ những phương pháp thực tập để nuôi dưỡng và chăm sóc cho chính họ. Nhảy múa đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa xứ này. Bác sĩ Avalos cũng đã học qua phương pháp trị liệu bằng hình thức nhảy múa. Cô đã hướng dẫn mọi người một pháp môn mới, đó là thiền nhảy. Khóa tu khép lại bằng buổi lễ truyền Hai lời hứa cho trẻ em và truyền Năm giới rất vui và cảm động. Chỉ trong bốn ngày thôi nhưng khóa tu đã mang lại rất nhiều chuyển hóa và trị liệu.

Trước khi rời Botswana, chúng con có cơ hội được tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên và tận mắt ngắm nhìn cuộc sống của vô số loài động vật hoang dã đang được bảo vệ ở đây như: đà điểu, linh dương, lợn rừng… Hạnh phúc nhất là được ngắm những chú hươu cao cổ giữa môi trường thiên nhiên, chúng thật điềm tĩnh và bình an. Con có cảm giác như mình đã bước vào một không gian và thời gian khác của hơn một ngàn năm trước. Chúng con cũng được tham quan và học hỏi thêm về những ngôi làng truyền thống với những chiếc chòi được làm bằng đất lợp lá. Đối với con, đây là lần đầu tiên con được đi hướng dẫn khóa tu mà chỉ có hai người trong đoàn, con thấy mình trưởng thành rất nhiều. Con được học hỏi và nương tựa vào sư anh của con. Chuyến đi giúp cho tình huynh đệ giữa hai anh em chúng con thêm sâu sắc.

Nhìn chung, chuyến đi này là một kinh nghiệm rất giàu có đối với chúng con. Chúng con học hỏi được rất nhiều từ văn hóa địa phương, ngay cả khi chúng con chia sẻ sự thực tập của mình. Chuyến đi chấm dứt với một buổi họp mặt rất dễ thương của tăng thân. Chúng con cảm nhận như chúng con và những người bạn ở đây đã từng là bạn đạo với nhau từ lâu và chúng con chúc nhau nhiều hạnh phúc và an vui. Một bạn chia sẻ: “Chúng con không biết cuộc hành trình sẽ đưa chúng con đến đâu, nhưng với những tấm lòng cởi mở và những nụ cười, chúng con sẽ đi từng bước chánh niệm”.

Chúng con vừa biết tin là kể từ chuyến đi ấy, tăng thân Botswana tiếp tục sinh hoạt thường xuyên và đã có một tăng thân mới tại thành phố Johannesburg, Nam Phi. Gần đây họ đã tự tổ chức một khóa tu chung cho hai tăng thân và hy vọng rằng quý thầy, quý sư cô sẽ về thăm họ trong năm 2015.

Bài được chuyển ngữ từ tiếng Anh

Tôi là chú chuột nhắt ở Phương Khê

Đã hai tháng rồi chuột Nhắt tôi không đùa giỡn, không rượt chuột Chũi chạy lòng vòng nữa. Hai tháng nay lúc nào tôi cũng yên lặng nghĩ đến Sư Ông. Ngày nào tôi cũng bò tới chỗ Sư Ông thường rải bánh mì nhưng không thấy có mẫu bánh mì nào cả. Tôi nghe quý sư cô nói bác sĩ đang trị liệu cho Sư Ông nơi bệnh viện. Mỗi lần quý sư cô qua đây để chăm sóc nhà cửa, tôi đều chạy ra nghe ngóng tình hình sức khỏe của Sư Ông, không biết giờ này Sư Ông có được ra ngoài để ngắm nhìn mùa đông tĩnh mịch không? Hôm nay ông trời ban cho chút nắng hiếm hoi nên không gian trở nên sáng nhẹ. Tôi bò ra vườn đi thiền quanh Sơn Cốc.

Từ khi còn bé xíu tôi đã được nghe Sư Ông dạy về thiền đi, nhưng hôm nay tôi mới thật sự thiền đi đàng hoàng. Tôi thở sâu theo từng nhịp bước, nơi đâu cũng có dấu chân của Sư Ông. Tôi ra đến rặng tre, đến bên dòng suối nhỏ, dừng lại thật lâu dưới hai gốc cây, nơi Sư Ông thường mắc võng để nằm. Tôi đã bao nhiêu lần núp trong bụi cỏ kia để nghe Sư Ông nói chuyện với quý thầy, quý sư cô thị giả. Tôi học cách thiền đi, cách thở, cách buông thư và học yêu thương cuộc sống qua những câu chuyện ấy. Những bài học nhỏ, những câu chuyện dí dỏm mang tình thầy trò đã nuôi dưỡng tôi từ khi tôi bắt đầu biết nhận thức.

Không biết họ hàng tôi chuyển tới đây từ bao giờ. Chỉ biết rằng khi tôi có mặt trên cõi đời này thì mẹ tôi đã quen thuộc với từng ngỏ ngách trong khu vườn và căn nhà kho chúng tôi ở. Lớn lên, tôi lẽo đẽo theo mẹ chạy chơi ngoài vườn, chúng tôi ăn những trái hồ đào, trái táo, trái lê từ trên cây rụng xuống. Buổi sáng Sư Ông thường đi thiền. Lần đầu tiên thấy hình ảnh Sư Ông dẫn hai sư cô thị giả đi từng bước chậm rãi, gương mặt Sư Ông sáng ngời, tôi nhìn theo không chớp mắt, lòng tôi trào lên một cảm xúc thật khó tả, vừa thương mến vừa kính phục và sung sướng bò theo. Sư Ông nằm xuống võng, mắt lim dim, hai sư cô thị giả ngồi xuống bên cạnh và đưa võng. Ba thầy trò im lặng thật lâu, rồi Sư Ông cất tiếng:

– Này con, mai mốt khi con làm Sư Bà rồi con phải nói với đệ tử của con như vậy nè: “Tụi bây mới có mấy tuổi đầu mà cứ như bà cụ non, thấy tau khôn? Tau từng ni tuổi rồi mà tau còn “tuổi thơ” nữa đó”.
Thì ra có một sư cô tên là Trăng Tuổi Thơ. Tôi bị ấn tượng cách nói chuyện của Sư Ông từ đó. Cách nói của Sư Ông vừa gần gũi, thân thiện lại vừa lịch sự và có tính dí dỏm nữa nên tôi bị hấp dẫn theo từng câu chuyện. Sư Ông tiếp:
Thầy hỏi Hiểu Nghiêm, mai mốt lớn lên thành sư bà rồi con có đánh đệ tử của con không?
Sư cô Hiểu Nghiêm thưa: “Bạch Thầy, con sẽ không đánh đâu”.
Thầy nói tiếp: “Nếu con mà đánh đệ tử của con tức là con đánh cháu của thầy đó. Thôi con đánh thầy luôn cho rồi!”.
Thầy nghĩ là sư cô Hiểu Nghiêm sẽ nhớ rất lâu. Sau đó Thầy dạy thêm cho sư cô Hiểu Nghiêm: “Con phải tập nuôi dưỡng hạt giống của thầy ở trong con ngay từ bây giờ, tập coi các sư em như là đệ tử của mình vậy đó, thì mai mốt lớn lên con mới dạy đệ tử con dễ thương được”.
Tôi nhớ có lần tôi núp trong hóc nhà nghe Sư Ông nói pháp thoại. Sư Ông nói rằng: “Thầy mong các con hiểu Thầy và giúp Thầy thực hiện con đường mà chư Tổ giao phó cho mình. Đó là cách dạy của Thầy, dùng tình cảm và lý tưởng để thức tỉnh các con”. Tôi nghĩ Sư Ông mong mỏi quý thầy quý sư cô khi lớn lên cũng sẽ dùng cách đó để dạy các thế hệ tương lai. Dạy như thế thì làm sao mà quên cho được!” Tôi nghĩ. Đối với tôi những lời ấy thật quý và nuôi dưỡng vô cùng. Tôi cảm được tình thương của Sư Ông qua từng câu nói, từng lời dạy đối với quý thầy, quý sư cô.
Mùa xuân, vườn tre ngoài bờ suối mọc lên nhiều măng, quý sư cô ba bốn ngày qua cắt măng một lần. Sư Ông thích ăn măng. Sư Ông kho măng với đậu hủ ngon lắm! Nhưng Sư Ông lớn tuổi rồi, bác sĩ  nói ăn măng làm cho mình bị đau nhức nên Sư Ông chỉ kho cho các sư con ăn thôi. Ngày làm biếng sau khóa tu tiếng Pháp, có một số Thầy, và các sư cô qua Sơn Cốc làm việc với Sư Ông nên bữa ăn trưa đông vui lắm! Sau bữa trưa, quý sư cô kể chuyện về khóa tu. Sư Ông nhắc thầy P.A khi giúp các sư cô làm âm thanh đừng có la các sư cô. Quý sư cô kể thiền sinh người Pháp tới đông và họ thấy quý sư cô chào hỏi nhiệt tình nên họ tưởng quý sư cô biết tiếng Pháp. Họ nói luôn một tràng làm quý sư cô ngớ người ra không hiểu gì. Nghe vậy, Sư Ông cười nói:
– Thầy bày cho các con một cách, khi nào họ nói mà mình không hiểu thì các con cứ trả lời với họ:
“Tiếng Tây tui có ba mo, tới khi Tây hỏi tui mò không ra”.
Họ nghe xong cũng sẽ không hiểu như mình nghe tiếng Pháp vậy đó. Mọi người cười vui vẻ.
Những câu chuyện trong khi uống trà sau bữa ăn như thế giúp tôi được biết về Xóm Mới và Xóm Hạ là hai xóm có quý sư cô ở, xóm Thượng và Sơn Hạ dành cho quý thầy. Có khi Sư Ông dạy riêng cho một sư cô hay một thầy nào đó, có khi quý thầy, quý sư cô hỏi Sư Ông những thắc mắc trong lòng. Những lúc như vậy tôi thấy tình thương của Sư Ông dành cho đệ tử thật sâu sắc, tình thương ấy thể hiện qua từng lời dạy rút ruột rút gan, qua lòng kiên nhẫn đợi chờ các sư con khôn lớn.
Thỉnh thoảng Sư Ông kể về chùa Tổ. Chùa Tổ là nơi Sư Ông xuất gia làm điệu. Nghe giọng kể, tôi biết Sư Ông thương chùa Tổ, thương quê hương Việt Nam lắm – nơi đó có cây me, cây khế, cây bùi, có bến nước, có con đường làng đất đỏ, lầy lội mỗi mùa mưa về. Nơi đó có bánh nậm, bánh gói, có canh khoai lang nấu với me đất, có trái bùi kho chao…. Sư Ông kể về tiếng rao hàng của cô bán xôi bắp, xôi đậu, về tiếng chuông Đại hồng ngân lên giữa buổi khuya yên ắng, về chén chè bắp thơm lừng nơi Cồn Hến, Sông Hương. Sư Ông nói chè bắp mà ăn ở Cồn Hến mới ngon. Quê hương trong Sư Ông bao giờ cũng đẹp. Nghe Sư Ông kể, tôi biết quê hương Việt Nam nghèo nhưng đẹp và dễ thương vô cùng.
Quê hương của Sư Ông cũng là Sơn Cốc, xóm Mới, xóm Thượng, xóm Hạ, là những cánh đồng quê nước Pháp. Tôi cảm được quê hương là nơi mà mỗi khi nghĩ đến mình thấy thân thương, gần gũi. Quê hương là nơi mình thấy hạnh phúc khi nghĩ về. Tôi chỉ được nhìn thấy Sơn Cốc thôi nhưng xóm Mới, xóm Thượng, xóm Hạ, chùa Tổ cũng là quê hương trong lòng tôi. Tôi cũng cảm thấy thân quen, gần gũi với cây mít, cây chè dù tôi chưa một lần đến Huế.
Là chú Chuột Nhắt ở Phương Khê, tôi thích chơi đùa cùng nắng sớm. Núp dưới rặng tre nhìn lên thấy nắng lấp lánh xuyên qua những giọt sương trong vắt, tôi thấy lòng mình như múa reo cùng với những chiếc lá tre. Tôi chạy đua với những hạt nước trong dòng suối nhỏ. Tôi trèo lên tảng đá thiệt cao rồi nhảy xuống, lăn cù ra đám cỏ, nghe toàn thân mát rượi, tôi cứ nằm yên như vậy nhìn trời, nhìn mây, nhìn những đàn chim tíu tít bay về.
Nắng xuân tươi và nhẹ, nắng chảy khắp khu vườn, xuyên qua cửa kính vào Nội viện Phương Khê, nơi Sư Ông thường viết thư pháp. Sư Ông viết thư pháp mỗi ngày sau giờ thiền hành. Những ngày làm biếng, các sư cô hay qua giúp Sư Ông tưới hoa và đóng dấu vào thư pháp. Từ ngoài vườn nhìn vào, tôi thấy Sư Ông viết thư pháp, hai sư cô thị giả đóng dấu và đem phơi. Đó là bức tranh tình thầy trò rất đẹp. Phút giây đó tôi thấy sự sống có mặt rất sinh động. Tôi cũng thấy tình thương và năng lượng tu tập của Sư Ông đi xa khi những bức thư pháp đến với mọi người. Tôi bò vào Nội Viện Phương Khê ngồi xem Sư Ông viết. Khoảnh khắc ấy mầu nhiệm và linh thiêng vô cùng.
Hôm nay Sư Ông dạy sư cô thị giả đóng dấu cho những bức thư pháp Sư Ông mới vẽ vòng tròn xong. Sư Ông dạy rằng:
– Con ấn lần lượt bốn góc trái, phải, trước, sau, và làm việc phải thở cho đàng hoàng nghe!
Sư cô đóng lộn một cái và giật nảy mình. Hồi nhỏ mỗi lần làm sai điều gì sư cô thường bị người lớn đánh, sư cô không dám thưa với Sư Ông liền bởi vì tập khí sợ hãi trong sư cô vẫn còn, sư cô chờ Sư Ông làm xong việc rồi mới sám hối. Sư cô đến bên Sư Ông, chắp tay lại và thưa:
– Bạch Sư Ông, con đóng bị sai một tấm rồi. Hồi nãy con nhớ chuyện Sư Ông kể: “Sư chị Văn Nghiêm con ngày xưa đóng dấu thư viện cụp cụp nên lần đầu tiên giúp Thầy, sư chị con cũng đóng cụp cụp như vậy”. Con tủm tỉm cười một mình và quên để ý phía nào dưới phía nào trên. Con xin sám hối với Sư Ông.
Sư Ông xoa đầu sư cô rồi nói:
– Làm sai có một tấm thôi hả con? Thỉnh thoảng thầy cũng làm sai một tấm. Con đưa tấm đó lên thầy coi. Ừ, ngược như vậy thì không dùng được nữa rồi!
Tôi thấy nước mắt sư cô rưng rưng vì cảm động, tôi cũng rưng rưng khi chứng kiến cảnh này. Tay Sư Ông đau vì lớn tuổi nhưng Sư Ông cứ rọc giấy và viết rất nhiều. Vậy mà Sư Ông vẫn từ bi không la sư cô gì cả. Tôi thấy mình may mắn được sinh ra ở Sơn Cốc để sống gần và hưởng năng lượng từ bi của Sư Ông. Thật sự thì trong lòng tôi vẫn còn nhiều khổ đau lắm, những khổ đau ấy thường trồi lên khi tôi va chạm với những chuột anh, chuột chị, chuột chú ở cạnh nhà. Đôi khi ngồi một mình bỗng dưng tôi cảm thấy cô đơn và buồn tủi. Tôi hay tự hỏi tại sao những điều xúi quẩy đâu đâu cứ xảy đến với mình hoài? Nhưng dù có bao nhiêu chuyện đến với tôi thì tôi cũng có cái hạnh phúc được gần Sư Ông. Sư Ông đã bù đắp hết cho tôi qua hình ảnh và cách sống của Sư Ông rồi. Nhìn Sư Ông, tôi chỉ muốn trở về để chăm sóc em bé trong tôi, để tôi có thể bình thản và thương được tất cả mọi thứ đến với mình.
Mới tuần trước thôi, tôi giận chuột Chũi ghê lắm! Chuột Chũi là bạn thân của tôi. Vì chúng tôi bằng tuổi và ở cạnh nhà nên tôi rất thương chuột Chũi. Tôi luôn bênh vực và an ủi khi chuột Chũi buồn. Chuột Chũi cũng thương tôi lắm! Cậu luôn chia sẻ thức ăn với tôi, giúp tôi tha những cọng rơm về chất trong hang cho ấm. Chúng tôi chơi với nhau, chui lủi từng ngỏ ngách của ngôi nhà, chúng tôi rượt nhau chạy lòng vòng quanh những gốc tre bên dòng suối. Chúng tôi tâm sự với nhau đủ thứ chuyện trên đời. Tôi hay chọc phá chuột Chũi. Những lần như vậy chuột Chũi thường hỏi tôi:
– Thấy mặt mình trẻ không?
– Ừhm, trẻ. Tôi trả lời.
Chuột Chũi vui vẻ:
– Tại vì không biết giận đó!
Chúng tôi cười thật vui.
Đôi khi tôi bực bội la lối, Chuột Chũi không bao giờ giận tôi hay la lại. Tôi ham chơi nên trở thành đãng trí. Mẹ tôi nhờ tôi chuyện gì tôi cũng làm không xong cả. Có khi mẹ sai tôi đi tha những cọng rơm về tổ, tôi lơ đãng vừa tha vừa tưởng tượng đủ thứ chuyện trên đời, thế là tôi bị sẩy chân rớt xuống một cái hốc sâu, phải lần mò lâu lắm mới lên được, báo hại mẹ tôi đi tìm cả buổi. Có khi mẹ sai tôi đi tìm hạt dẻ tha về cho Bà Ngoại tôi ăn vì Ngoại tôi đang bị bệnh, tôi vừa đi vừa chơi quên cả giờ về, để Ngoại tôi ở nhà đói meo. Mẹ tôi nói tôi tệ lắm, dở ghê lắm. Tôi kể cho Chuột Chũi nghe và kết luận:
– Chuột Chũi à, mình thấy mình tệ và dở quá, tệ nhất thế giới này.
Chuột Chũi nói với tôi:
– Những chuyện đó nhỏ thôi mà. Chuột Nhắt không được nghĩ là mình dở, mình tệ và không được nói như vậy nữa. Phải nói là mình giỏi, mình làm được, nhớ không?
Tình bạn của tôi và Chuột Chũi đẹp như thế đó. Vậy mà hôm đó chuột Chũi đã đánh tôi chỉ vì tôi chui vào chiếc vớ để ở trong hang của chuột Chũi khi Chũi không có nhà. Không biết Chuột Chũi tha từ đâu về một chiếc vớ để ở một góc trong hang. Tôi sang chơi, thấy không có ai ở nhà liền chui vào đó nằm ngủ đợi bạn về. Chuột Chũi về thấy vậy thì cầm tay giật tôi dậy và tát tôi một cái. Tôi mở mắt ra còn ngơ ngác không biết chuyện gì thì chuột Chũi đã hét lên:
-“Ai cho phép bạn sử dụng cái này hả? Đi ra ngay, nếu không tôi còn đánh bạn nữa đó”.
Tôi nghẹn ngào đứng dậy chạy như bay về nhà. Về đến hang tôi òa lên khóc vì không kìm nén thêm được nữa. Chuột Chũi có thể đánh tôi chỉ vì tôi sử dụng đồ của bạn ấy ư? Tôi cảm thấy nhức nhối trong lòng khi nghĩ đến câu nói của Chũi. Nó như cái kim đâm vào trái tim tôi đau nhói, vậy mà tôi cứ tưởng Chuột Chũi lúc nào cũng sẽ cư xử tốt với tôi. Đang khóc tôi chợt nhớ đến lời dạy của Sư Ông với một sư cô nào đó “Tha thứ cho người khác là mình nhẹ nhàng trước con à!” Tôi ngồi thẳng dậy và bắt đầu theo dõi hơi thở. Tôi tập ôm ấp em bé bị thương trong mình trước. Một lát sau, tôi thấy cơn đau trong lòng tôi nhẹ hẳn đi, tôi không giận, không trách nữa. Tôi bước ra khỏi hang và đi tìm chuột Chũi. Chuột Chũi cũng đang ngồi một góc trong hang, mắt cậu nhìn chăm chăm vào tường, hẳn cậu đang suy nghĩ mông lung lắm. Tôi ngồi xuống bên cạnh và nói:
– Mình xin lỗi Chuột Chũi, mình cứ tưởng là bạn thân thì có thể chia sẻ với nhau mọi thứ nên mới làm như vậy. Nếu bạn không muốn mình đụng vô đồ của bạn thì mình sẽ không làm vậy nữa.
Chuột Chũi nhìn tôi với đôi mắt ân hận:
– Chuột Nhắt à, thực sự mình không muốn làm cho chuột Nhắt khổ đâu. Nhưng vì hồi nhỏ mẹ con mình yếu đuối nên thường bị ăn hiếp và coi thường. Họ giật thức ăn trên tay của mình và đôi khi giành luôn cả cái hang mẹ con mình đang sống nữa. Hồi nãy mình bị cảm giác hồi nhỏ trồi lên nên tức quá, mình đã đánh bạn. Mình xin lỗi!
– Chuột Chũi phải hứa với mình là sau này sẽ không làm như vậy nữa. Lúc nãy bạn làm mình khóc đến… lụt nhà luôn. Bởi vì chuột Chũi là bạn thân của mình nên mình mới đau nhiều như vậy. Nếu như ai đó đánh thì mình sẽ không buồn lắm đâu.
– Mình hứa Chuột Nhắt à! Mình sẽ cố gắng hành xử tốt với bạn hơn. Chuột Nhắt đừng buồn nữa nhé!
– Mình không buồn nữa, mình chỉ nói vậy thôi. Cũng nhờ chuyện đó mà mình hiểu Chuột Chũi hơn. Mình sẽ luôn bênh vực bạn.
– Vậy mình vẫn là bạn của nhau nha!
Tôi toét miệng cười trong khi mắt vẫn còn ươn ướt. Chúng tôi không còn giận nhau nữa.
Ở Sơn Cốc có cây táo, cây lê, cây hồ đào và khi trái rụng xuống, chúng tôi có thể tha hồ ăn mà không sợ đói. Hơn nữa ngày nào Sư Ông cũng đem bánh mì qua rải bên nhà kho cho chúng tôi ăn. Nhưng tôi vẫn háu ăn, thấy cái gì cũng cắn. Đôi khi cắn rồi, ăn không được tôi lại nhả ra, tôi cắn còn để cho răng mòn bớt nữa. Thỉnh thoảng gặp món khoái khẩu tôi chén đến no căng. Có một sư cô thấy chúng tôi tung hoành quá thì muốn đem con mèo qua để chúng tôi sợ mà trốn bớt. Quả thật chúng tôi mới nghe nói đã rợn cả lông gáy rồi. Nhưng Sư Ông nói: “Đừng có đem bọn khủng bố đó qua đây”. Thế là chúng tôi mừng rơi nước mắt, chúng tôi được tiếp tục chơi đùa.
Có lần ai đó gởi từ Việt Nam qua một túi xoài khô, Sư Ông để trên bàn làm việc. Tôi phát hiện ra và lập tức bò lên cắn rách cái túi, tôi ngồi ăn ngon lành. Hôm đó Sư Ông đi dự ngày quán niệm ở xóm Thượng về, thấy túi xoài đã bị cắn rách nhưng Sư Ông vẫn để yên. Hôm sau tôi mon men bò lên ăn ngay khi Sư Ông đang làm việc. Thỉnh thoảng tôi nhìn lên để dò xét, thấy Sư Ông nhìn tôi rồi lại tiếp tục công việc, tôi yên tâm chén tiếp. Hôm sau nữa tôi lại bò lên nhưng thấy túi xoài không còn, tôi đưa mắt dáo dác tìm quanh rồi bò xuống. Sư Ông đã để túi xoài vô lồng bàn đậy lại. Sư Ông nói với sư cô thị giả:
– Đây là bàn làm việc của mình mà, đâu có để cho anh chàng lên ăn được, nhưng cất đi như vậy là mình đã lấy đi thiên đàng của con chuột rồi. Đối với con chuột túi xoài khô là thiên đàng của nó đó con.
Sư cô thị giả đem chổ xoài còn lại qua để ở bên kho, chỗ Sư Ông thường cho chúng tôi ăn. Sư cô đã trả lại thiên đàng cho tôi. Chiều, Sư Ông kể lại chuyện này cho sư cô Định Nghiêm và sư cô TN nghe. Sư cô Định Nghiêm nói:
– Vậy thì mình phải làm một tờ giấy vẽ mũi tên chỉ đường cho nó nữa.
Thật ra thì sư cô Định Nghiêm đâu cần phải làm một cái bảng chỉ đường như thế. Bởi vì bất cứ cái gì ăn được xuất hiện nơi nhà kho này, chúng tôi đều phát hiện ngay lập tức mà. Sư cô TN nói:
– Con ước gì mình được làm con chuột ở trong nhà Sư Ông một lần.
Còn tôi, tôi cũng ước gì mình được làm sư cô hay sư chú một lần, được ngồi uống trà với Sư Ông và hỏi Sư Ông những gì Chuột Nhắt tôi từng thắc mắc. Tôi cũng muốn được cùng quý thầy quý sư cô quây quần bên Sư Ông nghe pháp thoại hay nghe Sư Ông kể chuyện, dạy làm thơ trong ngày xuất sĩ. Tôi muốn kể chuyện và hát cho Sư Ông nghe nhiều bài mà không phải lúc nào cũng chỉ bò lên bàn ăn kêu chít chít. Nhưng cả tôi và sư cô TN đều hiểu rằng hạnh phúc nhất của chúng tôi là sống trọn vẹn trong thiên đàng của chính mình. Và dù có khổ đau nhưng nếu biết cách khổ đau thì khổ đau sẽ ít lại. Lòng tôi ngập tràn hạnh phúc mỗi khi ý thức rằng tôi là chú Chuột Nhắt ở Phương Khê.