Các đặc tính của tri giác

Bạn trẻ thân mến!

Tri giác là cái thấy, cái nhận thức của mình. Duy biểu học gọi là tưởng. Chữ tưởng (想) viết theo Hán văn gồm có chữ tướng (相) ở phía trên và bộ tâm (心) ở phía dưới, nghĩa là tâm xúc tiếp với hình tướng bên ngoài như hình ảnh, âm thanh đều tạo ra một tri giác, một cái thấy.

Định nghĩa như thế thì tưởng chịu ảnh sâu đậm màu sắc của tâm, nói một cách khác tâm tạo ra tri giác như cái thấy, cái nghe, cảm nhận… Bạn thấy cảnh ấy đẹp hay xấu đều tùy sự vẽ vời của tâm bạn. Bạn thấy người kia đẹp hay xấu tùy theo sự vẽ vời của tâm ý… Đây là ý nghĩa của câu kinh: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Vậy, bạn hãy cẩn thận với tri giác của mình. Dưới đây là những đặc tính của tri giác.

*Tri giác thường dễ bị lờn, nghĩa là cái thấy của bạn mau chán! Tới nơi nào đó, bạn thấy cảnh ấy đẹp một cách huy hoàng, nhưng ở một thời gian thì bạn thấy nó thật bình thường, đôi khi nó trở nên vô vị, đến nỗi chán chường là khác. Đây là tình trạng chung của tri giác con người, nghĩa là ở núi này trông núi nọ, do tri giác dễ bị lờn.

Ở với một người nào đó, bạn cảm thấy hạnh phúc được yêu thương và thương yêu, và nếu vắng bóng người ấy trong vài giờ là bạn cảm thấy trống trải vô cùng. Nhưng sống chung với nhau một thời gian, cái thấy của bạn từ từ bị lờn đi, nên bạn không còn trân qúy sự sống, sự hiện hữu của người ấy nữa. Có lúc bạn có cảm giác không muốn gặp, không muốn nhìn thấy người ấy nữa. Vì thế bạn hãy cẩn thận với tri giác mong manh, mau lờn của bạn và nên giữ tâm hồn cho trong sáng. Thi ca Việt Nam có câu diễn tả khi tình yêu đã hết:

"Anh đi đường anh, tôi đường tôi

Tình nghĩa đôi ta có thế thôi"

(Thế Lữ, Giây phút chạnh lòng)

*Tri giác thường dễ sai lầm. Thấy sợi dây mà tưởng là con rắn. Bỏ quên máy iphone ở đâu, thấy người kia đi ngang qua phòng, tri giác bạn thấy nghi nghi. Hình như người ấy lấy cái máy của bạn, nhưng một hai ngày sau bạn thấy máy iphone nằm trong túi áo. Cho nên tri giác thường đi chung với nghi ngờ, tưởng tượng, phán xét… Thông thường nó hay sai lầm.

*Tri giác dễ trở nên thành kiến. Thành là bức thành và kiến là tên khác của tri giác, là cái thấy, cái nhận thức. Sống với nhau, bạn có nhiều tri giác về chính bạn, người thương và cuộc đời. Sự thật, tri giác không phải là một cái mà một dòng chảy của nhận thức. Mỗi khi thấy gì, bạn có một tri giác; nghe âm thanh gì, bạn có một tri giác, và cứ như thế cái thấy này trôi chảy để nhường cho cái thấy khác, và chúng nó trở thành một dòng sông tri giác. Nếu không chiếu ánh sáng chánh niệm vào dòng tri giác, thì âm thầm qua nămtháng, tri giác của bạn sẽ ứ đọng, dồn nén, tạo thành một bức tường ngăn cách bạn với cảnh thật, với người thật đang hiện hữu trước mặt. Anh ấy là vậy, chị ấy là vậy, nơi ấy là vậy đó… Bạn chắc mẽm là như vậy, cho nên hễ có thành kiến rồi thì tri giác, cái thấy của bạn không còn mới nữa. Ồ! Tôi biết rồi. Ồ! Tôi thấy rồi… Bạn đóng hết tất cả cánh cửa giác quan bằng bức tường của tri kiến hạn hẹp, cố thủ của mình.

Mắt em mang chiếc kiếng màu

Nhìn đời em thấy một màu âm u" (*)

*Tri giác dễ rơi vào cố chấp, nghĩa là bạn bị kẹt vào tri giác, vướng vào cái thấy của bạn nên bạn không thể nhìn khác hơn, rộng hơn, bao la hơn. Cố chấp là ghì lấy, ôm lấy, vì thế cố chấp là một ngục tù nhốt bạn trong cái nhìn nhỏ hẹp, chủ quan của bản ngã.

“Ôi khung cửa vắng
Ngục tù nhận thức
Nhốt linh hồn em
Suốt mấy ngàn thu
Hiu quạnh, cô đơn
Âm u, mịt mù
.” (**)

 


(*), (**) Thơ Pháp Đăng.

 

Cánh đồng bao la

Bạn trẻ thân mến;

Muốn mến được vị ngọt của vô ngã, bạn phải nhận rõ vị đắng của ngã chấp. Bạn phải nhận diện sự hoạt động, đường đi nẻo về của ngã chấp, cũng như muốn có sen thơm thì phải có bùn hôi, có hoa tươi thì phải có rác bẩn.

Ngã là một thực thể riêng biệt, một cái tôi độc lập, mà sự thật làm gì có một cái tôi, một thực thể riêng biệt. Cho nên bạn không cần phá ngã mà buông bỏ sự chấp trước vào bản ngã. Vậy, ngã chấp là một ý niệm sai lầm, một suy tư âm thầm, vi tế về một cái tôi riêng biệt. Bộ mặt xuất hiện của ngã chấp chính là cố chấp, nắm bắt, đo lường, đánh giá, phán xét, lên án…

Cái chấp về một bản ngã đã có từ lâu nhiều đời, nhiều kiếp. Nó trở thành thói quen, cho nên bạn có thể gọi ngã chấp là một hạt giống. Bạn cần nhận mặt, quán chiếu về hạt giống ngã chấp ấy để chọc thủng cái vỏ u mê về bản ngã. Lúc ấy bông hoa vô ngã mới có thể đâm chồi nảy lộc. Giống như muốn gieo hạt sen vào hồ bên Pháp, bạn phải cưa một phần nào cái vỏ hạt sen để nước có thể thấm vào trước khi ngâm nó vào bùn, thì hạt sen mới có cơ hội nẩy mầm, bởi vì nắng bên Pháp không đủ nóng để cái vỏ cứng của hạt sen nứt ra.

Chấp ngã thường biểu hiện qua sự so sánh giữa bạn với người, cái này và cái kia… Bạn thấy bạn hay hơn, dở hơn hay bằng người này. Bạn thấy bạn có tài năng hơn người kia. Suy nghĩ của bạn sâu sắc hơn. Pháp môn bạn hay nhất, hay hơn tất cả pháp môn khác. Pháp môn bạn mới chánh thống, còn các pháp môn khác không có hiệu quả, không phải do Bụt trao truyền… Bạn nên nhận diện thói quen so đo, tính toán này và tập suy nghĩ, nhận thức, nói năng với tâm không so sánh. Bạn có thể chia sẻ về kinh nghiệm sống cá nhân, nhưng không cần so sánh với bất cứ người nào. Mỗi người mỗi kinh nghiệm, không ai phải giống ai, không ai phải hơn thua ai.

Khi nghe cũng vậy, bạn dừng lại sự phán đoán, đánh giá, so đo, chỉ nghe thôi. Bạn nghe người kia như nghe tiếng gió vi vu, tiếng suối reo, lời ru em của mẹ. Vui buồn, thương ghét có thể biểu hiện qua lời chia sẻ, nhưng bạn không nên đánh giá lời nói ấy. Ai có thể hiểu chiều sâu của dòng nước mắt? Ai có thể biết được đường đi của tâm thức? Nghe không phán xét, tâm bạn sẽ trở nên thênh thang, và người kia có không gian để tâm sự. Người ấy vẫn còn là người ấy, mà không trở thành một hình ảnh trong ngục tù thành kiến của bạn.

Bạn chia sẻ hết lòng, chia sẻ thật, từ kinh nghiệm sống dù có những khó khăn, lên xuống, trần lụy. Bạn không cần phải có mặt cảm xấu hổ, tủi nhục. Bạn cũng không có khuynh hướng muốn thuyết phục mọi người tin lời bạn. Kinh nghiệm dù sâu sắc đến mấy cũng chỉ là kinh nghiêm cá nhân, chứ không phải là sự thật tuyệt đối. Sau khi chia sẻ, bạn sẽ nhận được những lời khen chê. Bạn tập mỉm cười thanh thản với lời phản ánh. Bạn không nên vui, tự đắc khi được khen, mà không cần buồn, mặc cảm khi bị chê. Khen chê là sự đánh giá từ nhận thức của người nghe, do đó nó là thước đo thôi. Nó là tấm kính để phản chiếu lòng bạn. Có gì thật của bạn đâu mà phải vui hay buồn!

Không so sánh thì bạn không bị mặc cảm tự ti, tự tôn. Thấy bạn không ra gì nên bạn có khuynh hướng rút vào vỏ ốc mặc cảm là một biểu hiện của ngã chấp. Thấy bạn rất giỏi, tài năng nên bạn dương dương tự đắc cũng là biểu hiện khác của ngã chấp. Không so sánh phát xuất từ tâm vô phân biệt. Tâm bạn có hai mặt: phân biệt và vô phân biệt chỉ cách nhau một cánh cửa nhỏ có thể xoay trở qua lại. Chỉ cần thở để xoay cánh cửa phân biệt, cố chấp, so sánh, sang cánh cửa không phân biệt. Tâm bạn sẽ mở ra để bạn bước vào thế giới thênh thang của tâm không phân biệt. So sánh chỉ làm cho tâm hồn bạn thêm chật hẹp mà thôi.

Bạn có muốn mở cánh cửa tâm hồn để nhảy vào cánh đồng bao la của tâm không so đo, không đánh giá, không phán xét, không phân biệt không? Nơi ấy có không gian, nắng ấm, hoa lá, tình bạn, cảm thông và sự trân quý.

Ở với một người nào đó, bạn cảm thấy hạnh phúc được yêu thương và thương yêu.

Không làm gì cả

Bạn trẻ thân mến;

Sáng nào sư chú Thạch Lang (*) cũng dậy đúng giờ để ngồi thiền, mặc dù suốt hai tuần qua sư chú bị thức giấc giữa đêm do cơn ho. Mùa đông này, nhiều người bị bệnh cảm cúm. Con vi khuẩn này thật là mạnh, nó đã làm nhiều người ho nhiều ngày, có người ho suốt mùa đông. Sư chú cũng bị cúm một trận và cơn ho vẫn còn.

Sư chú không lo lắng, thế nào cơ thể cũng sẽ đẩy ra hết những con vi khuẩn cúm và trị lành phổi. Sư chú không muốn dựa vào thuốc Tây, mà muốn tập cho cơ thể tự trị liệu. Chỉ cần thở cho sâu giúp hai lá phổi làm việc, đưa máu vào phổi, thì tự động bạch huyết cầu sẽ tạo ra chất đề kháng để trị liệu.

Sáng nay, sư chú Thạch Lang ngồi thật yên. Bao nhiêu ý tưởng, bao nhiêu tư duy đều lặng xuống, dù ý tưởng, tư duy về thiền hay giáo lý. Ngồi thiền là để thở, mở tâm hồn để cảm nhận sự sống. Ngồi thiền không phải để tư duy.

Quán chiếu không phải là tư duy mà là quán sát, nhìn thấy sự hoạt động của tâm ý kể cả tư duy. Có một học giả hỏi Sư Ông: “Trong khi ngồi, Thầy làm gì?” Sư Ông trả lời: “Tôi không làm gì cả. Tôi chỉ thở.”

Sư chú Thạch Lang chú ý tới hơi thở. Sư chú không cố gắng thở mà thở tự nhiên, chỉ cảm nhận hơi thở. Sư chú không gọi tên vào, vào, vào, ra, ra, ra như theo kiểu thiền Minh sát mà chỉ nhận biết, cảm nhận hơi thở. Thực tập này gọi là tùy tức, tức là đi theo chiều dài của hơi thở, nhận diện hơi thở. Cảm nhận là to feel, nhận biết là to recognize.

Cảm nhận rõ ràng là chánh niệm rồi cần gì phải lặp tới, lặp lui mỗi chữ như thế. Nói lui tới như vào, vào, ra, ra, phóng tâm, phóng tâm, suy nghĩ, suy nghĩ để nhận diện tâm ý, trở về với hơi thở và sự phồng lên xẹp xuống có thể sử dụng cho người mới thực tập cho việc dừng tâm ý, chứ người thực tập lâu ngày nên bỏ hết từ ngữ, ý tưởng đi. Sư chú đâu phải là con robot bị người ta cài chương trình (programming) để tập nói. Sư chú là con người thật có khả năng nhận biết hơi thở, cảm nhận sự sống, nghe tiếng chim hót ngoài hiên. Sư chú cảm thấy tâm hồn yên lạ!

Sư chú không dám đánh giá phép thiền Minh sát, nhưng chẻ mỗi hành động ra nhiều giai đoạn, thì sư chú cảm thấy nó cứng cứng làm sao! Ví dụ:

“Khi đi chậm, tới lui trên đường kinh hành (cankama), mỗi bước phải được ghi nhận vào ba giai đoạn: dở chân lên, đưa chân tới, và hạ chân xuống. Hành giả bắt đầu với hai điểm ghi nhận, dở chân lên và hạ chân xuống. Phải hay biết rõ ràng cái chân dở lên. Cùng thế ấy, khi hạ chân xuống phải hay biết rõ ràng cái chân nặng nề đặt xuống.”

(Thực tập thiền minh sát, Mahàsi Sayàdaw)

Sư chú thích đi thiền tự nhiên, cảm nhận sự xúc chạm giữa bàn chân và lòng đất. Sự tiếp xúc ấy cũng đủ đưa tâm của sư chú trở về với đất mẹ, với hiện tại.

Sáng nay đáng lý mọi người phải lên xóm Thượng ngồi thiền cho trường đại học Hồng Kông quay phim. Sư chú cũng muốn yểm trở tăng thân, nhưng tới 6 giờ kém 15, sư chú mới ra tới nơi đậu xe nên không còn chiếc xe nào. Có lẽ, các sư em đã đi hết rồi! Sư chú định đi bộ lên xóm Thượng, nhưng 6 giờ đại chúng đã bắt đầu ngồi thiền. Sư chú có thể đi nhanh cho kịp giờ ngồi thiền, nhưng sư chú đổi ý. Tại sao phải đi gấp gáp để lên đó ngồi thiền? Lên đó ngồi thiền để được người ta quay phim sao, hay để mọi người thấy mình có tu tập? Sáng nào, sư chú cũng đều có ngồi thiền dù vào những ngày làm biếng. Sư chú đâu cần người khác chấm điểm. Sư chú cũng không ưa người ta quay phim. Bao nhiêu nhóm quay phim về Làng Mai muốn phỏng vấn sư chú, sư chú đều tìm cách từ chối.

Sư chú quyết định về phòng ngồi thiền. Sư chú pha một bình trà, rót một ly mời đức Thế Tôn và một ly cho mình. Vừa uống trà, vừa thở, sư chú thấy rõ tu tập chỉ cần đạt nội dung, tức là thắp được ánh sáng chánh niệm, nghĩa là tâm ý sáng lên, nhạy cảm, nhận biết mà không cần phải bị kẹt vào hình thức. Chú ý tới hành động rót trà, nâng ly lên, uống trà, mến hương vị trà đều là thiền. Có cái cảm nhận, có cái biết là có thiền rồi. Sư chú tiếp tục ngồi để nhìn vào dòng sông tâm ý. Sư chú vào được vùng yên tĩnh hoàn toàn mà không cần cố gắng mệt nhọc. Bao nhiêu tư duy đều được nhận rõ, bao nhiêu ý niệm đều buông bỏ. Ngồi như thế thật khỏe!

Ngoài hiên chim bắt đầu hót líu lo chào đón tia nắng đầu ngày. Sảng khoái quá, sư chú đứng dậy để đi dạo chơi trong thiên nhiên. Sáng nào cũng thế, sau buổi ngồi thiền, sư chú đều đi dạo chơi một vòng quanh chùa để cảm nhận sự yên tĩnh,  mát lành của thiên nhiên. Sư chú thấy một điều quan trọng là sự sống luôn có mặt cho sư chú. Sự sống là người tình luôn đợi chờ, luôn dang hai cánh tay rộng lớn cho người yêu. Người yêu ấy là chính sư chú. Sư chú chỉ cần mở lòng ra để ốm lấy người tình thiên nhiên. Có sự sống, sư chú có tất cả. Tiếp xúc với sự sống như tia nắng, ngọn lá, bông hoa, tiếng chim ca, ly trà nóng, sư chú thực sự có cảm giác thỏa mãn lắm rồi.

Bạn có muốn mở cánh cửa tâm hồn để nhảy vào cánh đồng bao la của tâm không so đo, đánh giá, phán xét, phân biệt không? Nơi ấy có không gian, nắng ấm, hoa lá, tình bạn, cảm thông, sự trân quý.


          (*) Thạch Lang là tên của tác giả.

Bến bờ tâm linh

Bạn trẻ thân mến;

Chánh niệm có hai đặc tính: Một là chỉ (samatha), tức là dừng lại những tạp loạn, suy tư, tính toán, dừng lại tâm chạy rong, tâm khỉ, tâm vượn, tâm phóng đãng… Hai là quán (vipassanà), nghĩa là nhìn sâu vào những gì đang xảy ra, vào lòng sự vật.

Chỉ có nghĩa là dừng lại sự tạo tác của tâm ý như sự phán xét, sự đánh giá, sự đòi hỏi, sự suy tính và không bị cuốn theo trong dòng sông tâm ý ấy. Chỉ không phải chận đứng lại dòng sông tâm thức. Tâm thức là một dòng chảy, nó âm thầm tuôn chảy mãi ngày đêm, các giọt nước vui buồn, thương ghét, hờn tủi… cứ xô đẩy, đắp đổi, tuôn chảy mãi như một dòng sông. Dừng tâm nghĩa là nhìn thấy dòng sông tâm thức mà không thêm bớt, không khích lệ và không bị cuốn theo.

Sư Ông dạy: “Trong chỉ có quán và trong quán có chỉ. Chỉ càng lâu, quán càng sâu, quán càng sâu, chỉ càng mạnh”. Nghĩa là dừng tâm ý càng lâu thì quán chiếu càng sâu. Quán chiếu càng sâu thì dừng tâm ý càng mạnh. Bạn thử dừng tâm trên một bông hoa thì bạn thấy bông hoa sâu hơn. Nhìn bông hoa càng sâu thì tâm bất an, phóng dật của bạn dừng lại càng mạnh. Bạn thử dừng tâm vào nỗi buồn thì bạn thấy nỗi buồn rõ hơn, và nhìn nỗi buồn càng lâu thì bạn hiểu nó sâu hơn.

Quán (Vipassanà) là quán chiếu, nghĩa là tới gần, thẩm sát, xem xét, nhìn rõ, nhìn sâu vào lòng thực tại. Trái cam đang nằm trong lòng bàn tay bạn nâng nó lên, đưa tới gần, nhìn kỹ, nhìn sâu vào nó. Từ đó bạn có cái thấy về bản chất của trái cam, cái thấy này gọi là tuệ giác.

Quán chiếu không phải suy nghĩ, suy luận, diễn tả, tính toán… Cho nên chữ quán sát (observe) rất là quan trọng, nghĩa là chỉ nhìn thôi, ý thức không được xen vào để vẽ vời, ảnh hưởng hoặc tạo tác gì cả. Quán sát có nghĩa là nhận diện đơn thuần; nó là nó (những gì đang trôi ngang qua trong dòng sông tâm thức) mà không xua đuổi, không đè nén, cũng không đồng lõa hay chìm đắm theo nó.

Nói rằng thiền minh sát (vipassanà) không thực tập chỉ (Samatha) là không đúng chút nào. Sự thật, thiền minh sát chú trọng phần dừng tâm (chỉ) nhiều hơn phần quán chiếu. Ta hãy đọc vài đoạn trong bài giảng của ngài Mahàsi Sayàdaw:

“Khi thở thì bụng phồng lên và xẹp xuống. Ðó là cử động hiển nhiên. Ðó là tính chất vật lý gọi là vàyodhàtu, nguyên tố di động trong vật chất, thường được gọi là nguyên tố gió. Nên bắt đầu ghi nhận di động ấy, tâm chăm chú theo dõi quan sát bụng. Ta sẽ thấy bụng phồng lên khi thở vô và xẹp xuống khi thở ra. Trạng thái phồng lên phải được ghi nhận thầm, "phồng, phồng", và di động đến trạng thái xẹp xuống, với ghi nhận "xẹp, xẹp".

Trong pháp hành thiền Minh sát (Vipassanà), bất luận danh từ nào mà ta nói lên, hay tên nào mà ta gọi đến, cũng không thành vấn đề. Vấn đề thật sự là hay biết hoặc cảm nhận. Ta phải ghi nhận cái bụng phồng lên khi nó mới bắt đầu, và liên tục theo dõi di động của bụng cho đến khi nó không còn phồng lên nữa, cũng rõ ràng giống như ta nhìn thấy và theo dõi cử động phồng lên bằng mắt. Khi bụng xẹp xuống cũng vậy, ghi nhận di động của bụng từ đầu đến cuối.

Trong khi ghi nhận cử động của bụng như thế thì tâm hành giả có thể phóng đi nơi khác. Sự kiện này cũng phải được ghi nhận liền bằng cách nói thầm, "phóng tâm, phóng tâm". Khi ghi nhận như vậy một hoặc hai lần thì tâm ngừng phóng đi và hành giả trở lại bài tập ghi nhận bụng phồng xẹp.”

(Thực tập thiền minh sát, Mahàsi Sayàdaw)

Bài thực tập trên rõ ràng là phương pháp hơi thở ý thức chú ý nơi huyệt đan điền để cảm nhận sự phồng xẹp của bụng, giúp bạn dừng lại tâm ý. Đó chính là thiền chỉ (samatha).

Bạn thực tập quán chiếu như thế nào?

Không dừng tâm suy nghĩ, tạo tác, phóng đãng, lăng xăng (chỉ) thì không thể nhìn thấy (quán), do đó chỉ cũng là quán, mà đối tượng quán sát chính là hơi hơi. Kỹ thuật là bạn để ý tới sự phồng lên của bụng khi thở vào và xẹp xuống của bụng khi thở ra. Nếu thân tâm có gì đang xảy ra, thì bạn quán sát nó bằng cách gọi tên, ví dụ như suy nghĩ, suy nghĩ, phóng tâm, phóng tâm, ngứa, ngứa, gãi, gãi, tháo chân, tháo chân, muốn đứng dậy, muốn đứng dậy…

Bất luận ý nghĩ hay suy tư nào phát sanh cũng phải được bạn ghi nhận rõ ràng. Nếu tưởng tượng, bạn ghi nhận "tưởng tượng". Nếu suy nghĩ,  bạn ghi nhận "suy nghĩ". Nếu toan tính, bạn ghi nhận "toan tính". Nếu nhận thấy, bạn ghi nhận "nhận thấy". Nếu cảm nghe hạnh phúc, bạn  ghi nhận "hạnh phúc". Nếu nhàm chán, bạn ghi nhận "nhàm chán". Nếu nghe bằng lòng, bạn ghi nhận "bằng lòng". Nếu buồn phiền, bạn ghi nhận "buồn phiền"… Sự ghi nhận, nhận diện các sinh hoạt của tâm ý được gọi là niệm tâm (cittànupassanà) trong kinh Tứ niệm xứ.

Đó là quán sát chứ gì nữa. Trong kinh Quán niệm hơi thở, Bụt dạy:

-Thở vào, tôi thấy tâm tham, thở ra tôi mỉm cười với tâm tham.

-Thở vào, tôi thấy tâm phóng dật, thở ra tôi nhận diện tâm phóng dật…

Thiền quán không dừng lại sự quán chiếu gọi tên mà bạn còn thấy những gì đang xảy ra không phải là ngã.

“Vì thiếu sót, không ghi nhận những sinh hoạt của tâm như vậy nên ta có khuynh hướng đồng hóa sinh hoạt tâm linh ấy với một người, một cá nhân. Thấy tâm là người, người là tâm, tâm với người là một. Ta có khuynh hướng nghĩ rằng chính "Ta" đang tưởng tượng, suy tư, toan tính, hiểu biết v.v. Ta nghĩ rằng có một người sống và suy tư từ bé đến lớn.

Ðúng ra thì không có một người như vậy hiện hữu. Thay vì một người, xem như một thực thể đơn thuần, nguyên vẹn, chỉ có hành vi của tâm liên tục nối tiếp. Vì lẽ ấy ta phải ghi nhận những sinh hoạt tâm linh và thấu đạt thực tướng của nó, hiểu biết đúng như thật sự nó là vậy. Vì lẽ ấy phải ghi nhận tất cả và mỗi hành vi của tâm, ngay lúc nó khởi phát. Khi được ghi nhận như vậy thì nó có khuynh hướng tan biến. Chừng đó hành giả quay trở về phương pháp ghi nhận sự phồng xẹp.”

(Thực tập thiền minh sát, Mahàsi Sayàdaw)

Đa số bạn không thấy đường đi của tâm ý, bởi nó quá khôn ngoan, nó hoạt động cực nhanh. Nó luôn điều khiển bạn suy nghĩ thế này, suy nghĩ thế kia, đánh giá người này, đánh giá người kia, phân tích, tính toán. Nó tạo ra biết bao phiền muộn cho bạn và gây ra sự mâu thuẫn với người chung quanh. Bạn chấp suy nghĩ này là tôi, ý kiến này là tôi, cảm thọ này là tôi. Bạn phán đoán cái này là đúng, cái kia là sai, suy nghĩ này là chánh, suy nghĩ kia là tà như một ông quan tòa (a judge). Đây là gốc của mọi khổ đau, phiền muộn của con người.

Quán chiếu là khảo sát sự hoạt động của tâm ý, nhận biết đơn thuần mặt mũi của nó, mà không được đồng lõa với cái tôi, của tôi, cũng không nên xua đuổi nó. Chấp ghì cũng là ngã chấp, mà xua đuổi cũng là ngã chấp. Đây là phép quán chiếu vô ngã cụ thể nhất.

Quán chiếu là loại ánh sáng nhằm thấy rõ dòng tâm ý, giống như bạn đang ngồi trên bờ sông ngắm nhìn dòng sông. Hơi thở ý thức là bến bờ ấy. Cái gì trôi qua trên dòng sông như con thiên nga, bịch rác, cành cây, thì bạn thấy như vậy, không thêm không bớt, không ghì lấy, không xua đuổi… Muốn nhìn như vậy, bạn phải trở về với hơi thở và sự phồng xẹp của bụng. Hơi thở và sự phồng xẹp như là dây neo giữ con thuyền chánh niệm không cuốn phăng trong dòng sông tâm ý.

Tiếp tục quán chiếu, bạn thấy các dòng sông tâm ý, cảm thọ, nhận thức, tâm tư, thân thể đều luôn

chuyển động, biến đổi lạ thường, không bao giờ đứng yên dù trong một giây lát. Thấy rõ sự chuyển biến ấy, tuệ giác vô thường phát sinh ngay. Sự thật không có một hiện tượng gì trong thân tâm bền vững làm nơi nương tựa đâu, vậy nên bạn trở về với chánh niệm. Đó gọi là trí tuệ quán sát bằng sự phồng xẹp của bụng.

Hơi thở là đối tượng của thiền tập. Hơi thở là nhiên liệu nuôi dưỡng ánh sáng của tuệ giác, mà thiền Miến Điện gọi là minh sát. Bây giờ, bạn nắm rõ cách quán sát của thiền quán rồi phải không? Chúc bạn thành công!

Sư chú thích đi thiền tự nhiên, cảm nhận sự xúc chạm giữa bàn chân và lòng đất, cũng đủ đưa tâm của sư chú trở về với đất mẹ, với hiện tại.

 

 

Không theo phe

 

Bạn trẻ thân mến;

Chánh niệm là tâm sáng suốt. Nó chiếu vào tất cả mọi ngõ ngách của tâm ý, như mặt trời chiếu lên mọi loài cỏ cây, hoa lá… Chánh niệm không phân biệt tâm này thiện, tâm kia ác, không theo phe, không đánh phá, không xua đuổi mà chỉ soi sáng, nhận diện.

Chánh niệm kéo dài thành dòng ánh sáng (spectrum of mindfulness) chính là thiền định. Cho nên thiền định cũng là ánh sáng. Nó trong suốt, tĩnh lặng! Chánh niệm cũng có khả năng nhận biết rõ ràng những gì đang xảy ra trong thân tâm và nơi hoàn cảnh, cho nên nó cũng là con mắt trí tuệ.

Chánh niệm, chánh định, trí tuệ là ánh sáng nội tâm (inner light), là sức mạnh tâm linh, có khả năng phá vỡ các đợt sóng của tâm thức. Tâm thức là kho chứa của nhiều hạt giống, nhà máy của nhiều loại năng lượng. Khi các năng lượng này biến động, thì chúng biến thành các đợt sóng, ba động, biểu hiện lên trên mặt ý thức. Duy biểu gọi hiện tượng này là tâm hành hay tâm sở như buồn, giận, sợ hãi, trách móc, nghi ngờ, phán xét, thương, ghét…

Cơn giận vừa phát hiện thành những đợt sóng và năng lượng giận hờn, nếu chánh niệm nhận diện cơn giận liền, thì các đợt sóng ấy sẽ bị bẽ gãy ngay lập tức. Cơn giận không thể trở thành khối lửa hung mãnh, có công năng đốt cháy thân tâm, ảnh hưởng người khác và tàn hại tới hoàn cảnh chung quanh.

Tuy nhiên, bạn không được đánh dẹp, ức chế các tâm ý bất thiện mà nhận diện đơn thuần chúng như bạn tiếp đón những người bạn xa đến thăm.

Bên cạnh đó, bạn không khích lệ, bám riết các tâm ý tích cực như tha thứ, bao dung, rộng lượng mà chỉ ghi nhận thôi. Giận hờn là giận hờn, tha thứ là tha thứ, dục vọng là dục vọng, thanh thoát là thanh thoát… Bạn không khởi lên ý niệm ‘thích, không thích, bạn hay thù…’ Bạn chưa làm gì cả với các tâm ý ấy, chỉ thắp lên tâm không phân biệt cũng đủ cho bạn cảm thấy khoẻ khoắn, nhẹ nhõm rồi. Chánh niệm, chánh định, trí tuệ không theo phe thiện để tiêu diệt phe ác đâu. Tu tập là cuộc cách mạng bất bạo động.

Tâm thức là kho chứa có đầy đủ mọi hạt giống, vì thế bạn đừng bao giờ có ý tưởng muốn loại trừ cái này hoặc ức chế cái kia. Không! Bạn không thể tiêu diệt bất cứ cái gì kể hạt bụi. Thay vì ức chế, chiến đấu với đám mây phiền não, bạn chỉ cần thực tập thở từng hơi thở, bước từng bước chân. Đừng sợ phiền não, chỉ sợ bạn đánh mất chánh niệm mà thôi. Hãy đầu mỗi giây mỗi phút trong đời sống để thắp lên mặt trời chánh niệm như mặt trời trên cao luôn tỏa sáng sau lớp mây mù mịt dầy đặc kia.

Mọi loài, mọi người, ai cũng có ánh sáng chánh niệm, mà Bụt gọi là Phật tánh, khả năng giác ngộ. Tuy nhiên trải qua bao nhiêu kiếp, bạn trôi lăn trong thất niệm, vọng động, sống theo bản năng, nghiệp chướng. Chính phiền não, nghiệp chướng, bản năng này che lấp mất mặt trời trí tuệ và bầu trời trong xanh của chánh niệm, thiền định.

Quán (Vipassanà) là quán chiếu, nghĩa là tới gần, thẩm sát, xem xét, nhìn rõ, nhìn sâu vào lòng thực tại.

Dòng sông tâm thức

Bạn trẻ thân mến;

Chánh niệm là cái thấy, cái biết, ý thức sáng tỏ. Nói như thế cũng đủ cho bạn hiểu, nhưng làm sao bạn có thể chế tác được ý thức sáng tỏ ấy. Đó là nghệ thuật, kỹ năng, mà bạn phải nắm cho vững để áp dụng vào đời sống hàng ngày.

Là người mới thực tập, bạn có thể hiểu chánh niệm là gì, nhưng thói quen thất niệm, lo lắng, suy nghĩ quá mạnh, nên bạn cần nương tựa nơi tu viện có tăng thân đang thực tập mỗi ngày. Bạn không thể nào ngồi yên một mình ở nhà. Nhưng nếu chung quanh ai cũng ngồi yên, thì nó tạo ra nguồn năng lượng tập thể giúp bạn ngồi yên.

Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là kỹ năng thiền tập. Thiền tập chú trọng tới hai tư thế là ngồi thiền và đi thiền. Hẳn nhiên ở tư thế nào, hơi thở vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Khi thở, bạn chú ý ở huyệt đan điền, khoảng 3 cm phía dưới rốn. Huyệt đan điền là nơi xa lìa trung khu thần kinh, vốn kích thích nhiều suy nghĩ, cảm xúc, lo âu. Chú ý tới huyệt đan điền, thế nào tâm bạn cũng yên lại. Bạn thở tự nhiên, thở thoải mái, không cố gắng, không gồng gượng, không kéo dài, không ép ngắn. Bạn chú ý nhè nhẹ vào hơi thở và sự phồng xẹp của bụng. Nếu tâm đi lang thang, vọng động, thì bạn trở lại với hơi thở và sự phồng xẹp. Bạn đừng vật lộn với sự suy nghĩ, mà mỉm cười với nó, buông nó ra, rồi trở về với hơi thở.

Bạn hãy xem suy nghĩ mông lung là con chó con. Chó con ưa chạy đi, chạy lại, chồm nhảy lung tung. Bạn chỉ cần nhìn sự vọng động của nó, mà đừng để tâm xao lãng. Không nên bực mình với nó, bản chất chó con là phải chạy tới, chạy lui.  Con chó chạy một hồi, rồi nó cũng mệt. Lúc ấy, bạn có thể thở một cách nhẹ nhàng, thanh thản.

Tâm thức là dòng sông đang trôi chảy. Bạn không nên chận đứng dòng sông ấy, mà tập ngồi trên bờ dòng sông. Bờ ấy chính là hơi thở ý thức. Hơi thở ý thức là bến đỗ cho tâm hồn. Nếu không chú ý tới hơi thở, thì bạn không có bờ, do đó bạn phải bơi lội mãi trong dòng sông. Nó đưa bạn đi theo. Nó chảy tới đâu, thì bạn phải trôi theo nó. Có lúc dòng sông tâm ý chảy siết quá, nó làm cho bạn chìm ngập trong dòng lo lắng, suy tư, buồn phiền. Vậy nên bạn phải giữ vững bến bờ, đừng để bờ tan vỡ.

Nếu bạn muốn khám phá ngõ ngách của dòng sông tâm ý, thì bạn cần có một chiếc thuyền. Chiếc thuyền ấy cũng là hơi thở ý thức. Nắm lấy hơi thở ý thức, bạn giữ vững tay chèo mà lèo lái chiếc thuyền. Nếu không có thuyền chánh niệm, thì bạn bơi mãi trong dòng sông tâm ý. Có lúc dòng sông chảy siết quá, khiến cho bạn có nguy cơ chết chìm trong ấy.

Đó là hai ví dụ dễ hiểu để bạn thấy tầm quan trọng của hơi thở ý thức. Cố nhiên, có nhiều phương pháp thực tập khác như niệm Bụt, trì chú, công án… nhưng hơi thở là dễ nhất, thông dụng nhất. Bạn không nên có thái độ đứng núi này trông núi nọ, hay so sánh cao thấp giữa các pháp môn. Pháp môn nào cũng đều do Bụt trao truyền, bạn chọn lấy một pháp môn thích hợp và thực tập cho hết lòng.

Tôi may mắn học pháp môn An ban thủ ý, nghĩa là hơi thở giữ gìn tâm ý và đi thiền của đức Thế Tôn qua Bổn sư tôi. Bổn sư tôi không phải dạy lý thuyết về hơi thở ý thức và bước chân thiền hành, mà Người thực hành mỗi ngày. Tôi thấy tôi là con voi con đi theo dấu chân của voi mẹ. Voi mẹ chính là bổn sư tôi. Thiền hành có thể ví như những bước chân của loài voi.

Ở Phi châu, loài voi phải di cư cả mấy ngàn dặm mỗi năm để tìm nước uống và thức ăn. Con voi đi rất thoải mái, từng bước vững chãi, không hấp tấp, nhìn rất oai hùng. Thế mà năm nào, loài voi cũng di cư tới mấy ngàn dặm. Căn bản của thực tập là thanh thản. Bạn không cần gấp gáp để mong đạt tới đích. Bạn chỉ cần thực tập mỗi hơi thở, từng bước chân. Một bước chân có sự chú ý, có sự sống là có niệm, có định. Cho dù tập khí lo lắng còn mạnh, suy nghĩ còn mông lung, bạn cũng không nên nản lòng!

Kỹ năng thiền đi là bạn chú ý nơi điểm xúc chạm giữa lòng bàn chân với mặt đất. Bàn chân cảm giác được sự mát mẻ của đất mẹ. Bàn chân hôn lên lòng đất. Bạn đi sao cho tâm hồn bất an, phóng đãng có dịp được nghỉ ngơi, giúp bàn chân chạm vào lòng đất. Mới tập đi thiền, bạn nên đi bằng chân không, vì bàn chân có nhiều dây thần kinh ngoại biên, có thể cảm được sự mát mẻ của lòng đất. Có cảm giác là có xúc chạm. Có xúc chạm là có chú tâm. Có chú tâm là có định, có niệm.

Cánh cửa mầu nhiệm

Bạn trẻ thân mến;

Thu Hương hỏi:

Thầy ơi! Thầy nói về ‘hành thiền’ nhưng sao thầy chỉ nói về pháp môn Làng Mai không ạ? Con muốn học pháp môn Miến Điện. Khóa tu Làng Mai không còn hấp dẫn người hành giả, lý do là vì khóa tu nào cũng nói nhiều, chia sẻ nhiều, ca hát nhiều, còn phần thực tập thì quá ít. Con hỏi như vậy, mong thầy đừng buồn nhé, hihihi.

Bạn Hương,

Cám ơn bạn đã đặt vấn đề về pháp môn và cách tổ chức khóa tu.

Thầy có buồn không? Không đâu!

Thầy không buồn về nhận xét của bạn. Ai cũng có quyền nhận xét về pháp môn tu học và cách tổ chức của một khóa tu, từ đó bạn mới chọn đúng pháp môn và thấy thích hợp với lối tu tập. Sau các khóa tu ở Tây phương, tăng thân Làng Mai thường mời thiền sinh cho feedback, nghĩa góp ý về các sinh hoạt trong khóa tu. Chi phần Trạch pháp trong Bảy giác chi có nghĩa là bạn phải quyết trạch, chọn lựa pháp môn để có thể nếm cho được vị giải thoát, tự do.

Thầy hơi bỡ ngỡ không biết phải trả lời như thế nào cho bạn. Nói thật với bạn, thầy chỉ biết pháp môn chánh niệm của Bụt do bổn sư, tức là Sư Ông Làng Mai trao truyền thôi. Chánh niệm là tỉnh thức, tiếng Anh gọi là moment to moment awareness, biết rõ từng phút giây. Biết rõ bạn đang làm gì, đang suy nghĩ gì, có cảm giác gì? Ăn biết bạn đang ăn, đi biết bạn đang đi, cúi xuống biết bạn đang cúi xuống là chánh niệm.

Sư Ông dạy: “Chánh niệm là trái tim của thiền tập đạo Bụt.” Theo thầy, chánh niệm là trái tim của cả kho tàng giáo pháp. Trong 37 phẩm trợ đạo, chánh niệm được Bụt nói tới cùng khắp. Thời bây giờ, chánh niệm là pháp môn được giới trí thức Tây phương học hỏi, nghiên cứu và thực tập nhiều nhất. Các nhà khoa học dùng chánh niệm trong các lĩnh vực y khoa cho việc giảm stress, trị liệu…

Sự thật, tất cả pháp môn đều do Bụt thuyết giảng, chứ không có pháp môn Làng Mai, không có pháp môn Miến Điện, không có pháp môn Nhật Bổn, không có thiền tông, tịnh độ tông, mật tông… Các danh từ này, các tên gọi này do người sau đặt ra. Có thể mỗi vị đạo sư hiểu, tiếp nhận, thực hành và trình bày giáo pháp của Bụt khác nhau, nhưng tất cả pháp môn đều phát xuất từ Thế Tôn. Pháp môn nghĩa là cánh cửa giáo pháp. Bụt thuyết vô lượng giáo pháp, do thế pháp môn cũng nhiều vô lượng, mà trong kinh thường nói tới con số tượng trưng là tám vạn bốn ngàn pháp môn.

Các pháp môn khác, thầy không biết rõ lắm. Thầy có nghiên cứu với ngài Mahàsi, nhưng thầy chưa có cơ hội thực tập nơi trung tâm của Ngài. Hay hơn hết, con nên hỏi người nào đã từng thực tập với truyền thống Miến Điện.

Truyền thống của ngài Mahàsi được truyền qua Tây phương với tên là Vipassanà meditation, hay còn gọi Transcendental meditation, nghĩa là thiền vượt lên thế giới bình thường. Loại thiền này rất nổi tiếng. Một số nhà khoa học lâm sàng, não bộ như John Kabat Zinn, Richard Davidson có nói về thiền Transcendental meditation như pháp thiền trị liệu cao nhất, bởi vì họ chú trọng tới trạng thái tâm thức không còn suy nghĩ (level of cognition is zero) như hai tầng thiền cuối của Tứ thiền và Tứ vô sắc định. Lúc ấy, hypothalamas và amygdala là hai trung tâm trong bộ não tạo ra cảm xúc, sự căng thẳng ngưng hoạt động.

Không suy nghĩ có mặt trong các truyền phái của thiền. Bản chất của chánh niệm là ánh sáng, vì thế nó không phải là sự suy nghĩ, dù suy nghĩ về giáo lý. Chánh niệm chiếu soi ngay trên mọi hoạt động của tâm ý kể cả suy nghĩ. Khi suy nghĩ trong ánh sáng chánh niệm, thì nó được gọi là chánh tư duy. Do vậy tư duy có giá trị của nó, chứ thiền tập không phải lúc nào cũng cần loại bỏ nó. Khi cần tư duy, thì bạn tư duy, biết chọn tư duy nào đưa tới hiểu biết, tha thứ, yêu thương. Khi không cần tư duy, thì bạn ngưng nó lại để thưởng thức sự sống.

Trong bài đầu ‘Thiền tập’, thầy có nói ngài Mahàsi Sayàdaw thực tập chánh niệm theo kinh Tứ niệm xứ, nhưng Ngài chuyên về Vipassanà, tức là quán chiếu vào một đối tượng. Từ đó hành giả dừng lại mọi suy nghĩ, vì thế chúng đệ tử của Ngài ngồi thiền thật nhiều giờ trong ngày. Ngài Mahàsi Sayàdaw từng chia sẻ trong một buổi pháp thoại như sau:

“Thực hành thiền Minh sát là cố gắng thấu hiểu rõ ràng và chính xác bản chất của những hiện tượng tâm-vật lý đang diễn tiến bên trong chính bản thân mình. Hiện tượng vật lý là những sự vật hay những gì quanh mình mà ta cảm nhận rõ ràng. Toàn thể châu thân của mình mà ta cảm nhận rõ ràng hợp thành một nhóm những tính chất vật lý (rùpa, sắc, hay phần vật chất). Hiện tượng tâm linh là những sinh hoạt của tâm, hay sự hay biết (nàma, danh, hay phần tinh thần). Ta cảm nhận rõ ràng những danh-sắc này mỗi khi thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ đụng, hoặc nghĩ đến. Phải giác tỉnh hay biết nó bằng cách quan sát và ghi nhận, "thấy, thấy", "nghe, nghe", "ngửi mùi, ngửi mùi", "nếm vị, nếm vị", "sờ đụng, sờ đụng" hoặc "suy tư, suy tư". Mỗi khi thấy, nghe, hửi, nếm, sờ đụng, hoặc suy nghĩ phải ghi nhận những sự việc này…

Khi thở thì bụng phồng lên và xẹp xuống. Ðó là cử động hiển nhiên. Ðó là tính chất vật lý, gọi là vàyodhàtu, nguyên tố di động trong vật chất [1], thường được gọi là nguyên tố gió. Nên bắt đầu ghi nhận di động ấy, tâm chăm chú theo dõi, quan sát bụng. Ta sẽ thấy bụng phồng lên khi thở vô và xẹp xuống khi thở ra. Trạng thái phồng lên phải được ghi nhận thầm, "phồng, phồng", và di động đến trạng thái xẹp xuống với ghi nhận, "xẹp, xẹp".

Trong trường hợp không thấy rõ ràng trong tâm cái bụng phồng lên và xẹp xuống bằng cách ghi nhận thầm thì hành giả có thể dùng hai bàn tay đặt lên bụng. Không nên sửa đổi lối thở, cứ thở tự nhiên như thường. Không nên thở chậm lại hay mau lên. Cũng không nên thở mạnh hay yếu hơn. Bởi vì khi thay đổi lối thở như vậy thì hành giả sẽ chóng mệt. Cứ thở đều đặn như thường và ghi nhận trạng thái phồng lên và xẹp xuống của cái bụng, ghi nhận thầm chứ không nói ra lời…”

(Thực tập thiền minh sát, Mahàsi Sayàdaw)

Cách thiền này là nhận rõ (noticing) và gọi tên thầm (naming) mọi thứ như vào vào, ra ra, phồng phồng, xẹp xẹp… Nếu tâm suy nghĩ, thì bạn nói thầm suy nghĩ, suy nghĩ. Nếu tâm phóng đi, thì bạn nói thầm phóng tâm, phóng tâm… Phương pháp này hơi giống pháp môn nhận diện đơn thuần mà Sư Ông Làng Mai thường dạy. Một số tu viện Miến Điện mở cửa cho mọi giới và có nhiều khóa tu im lặng dài ngày, dài tháng để thực tập minh sát (Vipassanà) với mục đích đạt tới cái thấy rõ ràng và chính xác về bản chất thực tại.

Sư Ông Làng Mai được giới Tây phương gọi là The father of mindfulness, cha đẻ của chánh niệm. Có lẽ, Sư Ông có công khai phá chánh niệm của Bụt đến mức thực tế, dễ hiểu, rộng rãi. Các đầu sách của Sư Ông chỉ nói về sự thực tập chánh niệm, và chúng đi vào dòng chính (main stream) của tư tưởng, trường học, đại học và thiền tập Tây phương.

Sư Ông chú trọng về sự thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày (mindfulness in daily life) bằng nhiều phương pháp nhưng hơi thở, bước chân là ưu tiên. Điều này có nghĩa là chánh niệm phải thực tập liên tục trong đời sống, chứ không phải chỉ có lúc ngồi, vì vậy Làng Mai mới có thiền đi, thiền ăn, thiền trà, thiền rửa chén…

Bạn nhận xét:

  • Khóa tu Làng Mai không còn hấp dẫn người hành giả nữa.

Có chắc không bạn? Bạn đã đi bao nhiêu khóa tu Làng Mai rồi? Khóa tu Làng Mai tổ chức theo quy mô của Làng Mai mà Sư Ông trui luyện ra. Mấy mươi năm nay, khóa tu càng ngày càng đông. Ở Việt Nam, các khóa tu cũng rất đông như thời ở Bát Nhã. Gần đây, nhà nước không cho Làng Mai sinh hoạt ở Việt Nam nữa, nên tăng thân dời qua Thái Lan và khóa tu vẫn đông như thường.

Cố nhiên, phần tổ chức có thể thay đổi cho thích hợp với căn cơ mỗi nơi. Ví dụ như khóa tu ở Huế, thầy luôn bỏ phần thực hành về phương pháp ‘làm mới’, vì người Huế rất ngại nói về những khó khăn trước mọi người, nhưng thầy khích lệ họ thực tập làm mới khi về nhà. Khóa tu cho gia đình có thể có những sinh hoạt ngoài sân, ca hát, chia sẻ, văn nghệ để các bạn trẻ khỏi chán. Khóa tu cho người tu lâu có thể có thêm giờ tọa thiền, thiền hành, tụng kinh. Khóa tu sức khỏe có những giờ thể dục, tập yoga, đi bộ. Khóa tu Wake Up cho người trẻ nên có những sinh hoạt trẻ trung, chia sẻ, hội thảo, thể thao, văn nghệ…

Trong mỗi khóa tu, Làng Mai luôn có giờ im lặng hùng tráng ở cuối ngày, nhưng ai cấm bạn giữ im lặng trong suốt khóa tu. Người Tây phương thực tập im lặng rất hết lòng, vì thế họ nếm được sự an lạc, thanh tịnh. Người Việt xưa nay không quen với nề nếp, kỷ luật cho nên một số bà con vẫn cứ nói chuyện trong giờ im lặng, do thế họ không nếm được sự an lạc, thanh tịnh của giờ chỉ tịnh.

Tóm lại, cách tổ chức có thể uyển chuyển, nhưng quan trọng vẫn là sự thực tập. Bạn có thực tập đúng kỹ thuật và hết lòng pháp môn chưa? Bạn thực sự bước được bước chân thiền hành chưa? Bước chân bạn chạm vào lòng đất chưa hay tâm ý bạn vẫn còn bay bổng trong hư không? Bạn thử thở những hơi thở có ý thức từ đầu đến cuối hơi thở đi. Thở và chú ý tới sự phồng lên xẹp xuống của bụng, thì tâm ý bạn mới dừng lại. Bạn thực sự uống trà trong chánh niệm chưa? Bạn ngồi yên để thưởng thức hương vị ngọt thơm của trà chưa?

Đó là lời mời gọi để bạn thực tập, chứ thầy không có ý ép bạn đâu! Thầy không có ý muốn thuyết phục bạn. Thầy không ưa ca ngợi một pháp môn, bởi pháp môn nào cũng đều do Bụt thuyết. Nếu chỉ ca ngợi một pháp môn thì vô tình thầy làm giới hạn các cánh cửa tuyệt vời khác của Bụt. Bạn có quyền chọn lựa pháp môn nào thích hợp với mình.

Thầy có niềm tin nơi pháp môn do Sư Ông trao truyền, nhưng thầy vẫn luôn lòng dặn lòng đừng cố chấp, hãy cởi mở để học hỏi thêm cái hay, cái đẹp nơi người khác, dù đó là một bạn trẻ. Chân lý không thuộc về riêng ai. Tâm ban đầu là tâm cởi mở để học mãi không nguôi, học từ mọi người, mọi hiện tượng trong sự sống. Bông hoa, hạt sỏi, ngọn lá đều ca lời ca về vô thường, tương tức, không kỳ thị, bất sinh, bất diệt. Bạn thử lắng tai nghe bằng chánh niệm, nghĩa là bằng sự nhạy cảm, sáng suốt, thẩm thấu đi.

Bạn phải nếm cho được hương vị của sự thực tập mà đừng chỉ nghe pháp thôi. Nghe pháp nhiều không có lợi ích lắm đâu! Nguyên tắc là khi nghe về Quán niệm hơi thở, thì bạn thực tập thở ngay. Hơi thở sẽ làm tâm ý bạn dừng lại, an ổn lại. Bảo đảm thế nào bạn cũng nếm được phần nào pháp lạc, pháp hỷ, có phải không bạn? Chúc bạn thành công.

Tâm thức là một dòng sông đang trôi chảy. Bạn không chận đứng dòng sông ấy mà chỉ ngồi trên bờ dòng sông. Bờ ấy chính là hơi thở ý thức.

Thiền tập

Bạn trẻ thân mến;

Hành thiền có thể gọi cho dễ hiểu là thiền tập, tức là hành trì thiền định, thực tập chánh niệm, bởi thế sự thực hành mới là quan trọng hơn lý thuyết suông. Các bạn trẻ Việt Nam thích qua tu tập ở Miến Điện, bởi người ta chú trọng về sự thực hành hơn. Trong các trung tâm Miến Điện, các bạn thấy có nhiều người khắp nơi trên thế giới cùng tu tập chung.

Phật giáo Miến Điện có gì hấp dẫn người khắp nơi như thế? Phật giáo Miến Điện thuộc về truyền thống Nam tông, Theravada tradition, như các nước lận cận là Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Srilanka… Pháp môn thiền tập ở Miến Điện cũng là thực tập chánh niệm, nhưng sao nó có năng lực thu hút nhiều người khắp nơi trên thế giới như thế? Bởi người ta chú trọng tới sự thực tập, đặc biệt là sự thực hành của giới cư sĩ. Tu sĩ thực tập chánh niệm, thiền định là việc bình thường. Tu sĩ không thiền tập, tụng kinh, bái sám mỗi ngày, mới là chuyện không bình thường. Cư sĩ với bao nhiêu công việc, lo toan, bận rộn, mà họ thực hành thiền tập, mới thật là đáng kính phục. Điều này chứng minh rằng giáo pháp của Bụt rất thiết thực, có thể áp dụng cho mọi tầng lớp.

Một trong những vị đạo sư nổi tiếng thời cận đại của Miến Điện là Ngài Mahàsi. Ngài hướng dẫn thiền Minh sát rất cụ thể, rõ ràng. Minh sát dịch từ chữ ‘Vipassanà’ gọi là thiền quán. Minh sát có nghĩa là ánh sáng để quán sát. Cái tâm sáng suốt của chánh niệm có khả năng quán sát, chiếu soi mọi hiện tượng. Quán sát dịch ra tiếng Anh là observe, nghĩa là chỉ nhìn mà không xen vào, không đánh giá, không uốn nắn.

Người Miến Điện có các khóa tu im lặng bảy ngày, nửa tháng… Và người cư sĩ cũng thực tập ngồi thiền, thiền hành, im lặng không khác gì cácthầy Tỳ Kheo. Có người cư sĩ để hết thời giờ còn lại của cuộc đời cho việc thiền tập, cho nên nó tạo thành một nguồn năng lượng thiền tập cộng đồng, thu hút mọi người khắp bốn phương. Cũng như người Tây Tạng và người Phù Tang, họ thực tập giáo pháp của Bụt thật hết lòng, do thế nếp sống của họ thật là quân bình. Họ chú trọng tới hạnh phúc, an lạc nơi đời sống tâm linh hơn là đồng lương, tiền bạc, vật chất.

Thiền định, chánh niệm và trí tuệ là pháp môn căn bản, nền tảng, nòng cốt của đạo Bụt, gọi là Tam vô lậu học, tức là ba phương pháp thực tập để chuyển hóa phiền não, làm cho phiền não không còn rỉ ra. ‘Vô lậu’ không nên hiểu là hết phiền não, mà phải hiểu là phiền não không còn rỉ ra. Phiền não là những ma lực, năng lượng làm cho bạn phiền muộn, bất an, đau khổ, sợ hãi, cho nên nghe lý thuyết về Tam vô lậu học không đủ sức để chuyển hóa phiền não, mà phải có năng lượng, sức mạnh của thực hành. Nói lý thuyết về bản nhạc không thể tạo ra một bài ca hùng hồn; người ca sĩ phải tập luyện nhiều năm mới có thể hát với tất cả tâm hồn của mình. Nói suông về món ăn không thể nào thưởng thức được hương vị thơm ngon của nó, mà bạn phải dùng hai bàn tay vào công việc nấu nướng… Thiền tập là thực tập, tập luyện, sống chánh niệm.

Bụt nói tới những phương pháp thực tập cụ thể như niệm thân, tức là chú ý tới thân thể với từng bộ phận, tình trạng, hoạt động, cử động của nó. Niệm thọ là để ý tới cảm thọ dễ chịu, không dễ chịu, trung tính. Niệm tâm là thấy những hiện tượng tâm ý như tham, sân, si, bất an, phóng dật, vui mừng, từ bi… Niệm pháp là quán chiếu về mọi hiện tượng như năm uẩn, sáu căn, sáu trần… Bụt còn chỉ cách thực hành về bốn phương pháp ngăn ngừa bất thiện pháp và phát triển tưới tẩm thiện pháp gọi là Tứ chánh cần. Bụt nói tới năm nhà máy, cơ chế (ngũ căn) tạo ra năm nguồn năng lượng (ngũ lự) trong thân tâm gọi là tín, tấn, niệm, định, tuệ. Bụt nói tới chánh kiến, chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh niệm, chánh định.

Vậy, thiền trong đạo Bụt là những phương pháp cụ thể, rõ ràng, thực dụng chứ không phải những cái gì trừu tượng, triết lý siêu hình.

Thiền là thở, biết rõ bạn đang thở. Thiền là đi, ý thức rõ mỗi bước chân đi. Thiền là nhìn, biết rõ bạn đang nhìn. Thiền là nói, biết rõ lúc nào cần nói, lúc nào không cần nói. Thiền là suy nghĩ, biết rõ bạn đang suy nghĩ gì…

 

 

Dấu ấn Làng Mai

Bạn trẻ thân mến!

Theo tinh thần cởi mở, bao dung của đạo Bụt, Sư Ông Làng Mai đã trình bày và thuyết giảng giáo lý của Bụt theo một tinh thần mới mẻ, thực tế, gần gũi, dễ hiểu với ngôn ngữ sáng tỏ và trẻ trung.

Đọc những cuốn sách Phật học của Sư Ông, ai cũng thích. Cách trình bày thật là nhẹ nhàng, trong sáng, thực dụng, dung chứa nhiều chất liệu nhân văn, thi ca và khoa học. Những giáo lý uyên thâm, hóc búa như Duy biểu, Tánh không, Vô tướng, Không sinh không diệt… được Sư Ông diễn bày bằng loại ngôn từ đơn giản và những ví dụ thực tế, dễ hiểu.

Làng Mai cũng như các bộ phái, đều có chủ trương riêng, và ai cũng muốn chủ trương của mình gần gũi với giáo lý nguyên thủy của Bụt, ai cũng muốn mình trở thành tri kỷ của Bụt. Đây là chủ trương của Làng Mai, mà Sư Ông gọi là dấu ấn Làng Mai. Hai trăm năm nữa, ai giữ được các dấu ấn này, thì người ấy là con cháu đích thực của Làng Mai.

  1. Hiện pháp lạc trú
  2. Đã về đã tới
  3. Đi như một dòng sông
  4. Thời đế tương tức
  5. Sát Na dị thục.

 

1. Hiện pháp lạc trú là dấu ấn đầu tiên, nghĩa là sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Đây là phương pháp thực tập, nghệ thuật sống chứ không phải định nghĩa về thực chất của hiện tại. Có người vừa mới nghe sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại thì phản ứng liền, bởi người ấy đang trải nghiệm nhiều khổ đau trong hiện tại. Điều này cũng dễ thông cảm thôi. 

Sự thật hiện tại này là sự sống linh động đang diễn biến từng giây từng phút, như bông hoa đang nở, gió đang vi vu, trăng đang sáng, chim đang ca… Chữ quan trọng là lạc trú, nghĩa là sống hạnh phúc. Do thế, hạnh phúc là khả năng sống (a skill of living) chứ không phải là hiện tại như một đối tượng tìm cầu. Khi tâm an trú thật sự với thân trong sự sống, không còn có những vọng động, những thôi thúc, những bức bách nữa thì làm gì còn có khổ đau. Khổ đau còn hiện hữu, bởi vì tâm bạn đang giao động, bất an, lên xuống, tìm cầu, mong đợi… Đưa tâm về với thân trong giây phút hiện tại là định nghĩa nòng cốt của chánh niệm. Nói như thế thì dễ, nhưng đời sống thực tế, tâm bạn thường hay rong ruổi, trôi lăn, vọng động. Chính tâm này làm cho đời bạn bảy chìm, tám nổi, chín long đong.

Sự sống đang ẩn hiện, thay đổi, đổi thay từng phút giây. Kinh Kim cương diễn tả sắc như mộng, huyễn, bào, ảnh… Sự sống có những mầu nhiệm không ngừng hát ca, có nguồn bí ẩn thì thầm mời gọi. Vì có sự đổi thay trong từng phút giây nên sự sống có lên xuống, chìm nổi, bệnh tật, vui buồn, sinh diệt… Nếu biết an trú trong hiện pháp, bạn sẽ nhận diện được sự mong manh, đổi thay trong từng giây từng phút. Bạn không bị chúng làm thất điên bát đảo nữa, trái lại bạn biết trân quý sự sống của chính mình và của người thương. Càng an trú, bạn sẽ có cơ hội đi sâu vào lòng thực tại để hiểu được bản chất thật sự của sự sống, do đó bạn chuyển hóa tất cả u mê, ngu dốt, nguồn gốc của mọi khổ đau, lo âu, sợ hãi.

Chính bạn là một biểu hiện mầu nhiệm ấy, và sự sống của bạn là nguồn bí mật ngàn đời chưa một lần khám phá. An trú trong hiện tại, bạn trở về với bạn, tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm, và từ từ bạn khám phá ra được kho tàng bí ẩn đã chôn vùi trong chiều sâu tâm thức của bạn.

2. Đã về đã tới là dấu ấn thứ hai của Làng Mai. Đã về đã tới không phải là giáo lý mới mà chính là giáo lý vô đắc, vô cầu, vô nguyện trong đạo Bụt Đại thừa. Vô đắc là không có chứng đắc, bởi đâu có gì để chứng đắc. Bông hoa đã nằm sẵn trong hạt hoa rồi, bông hoa không cần phải đi tìm hoa. Cây bắp đã có sẵn trong hạt bắp rồi, cây bắp không cần phải trở thành cái gì hết. Bạn đã có Phật tính rồi, bạn không cần phải trở thành Phật. Cha có mặt trong con, thầy có mặt trong trò, ngày có sẵn trong đêm, ánh sáng có mặt trong bóng tối, sen có mặt trong bùn, hoa có mặt trong rác… Đã về đã tới còn gọi là vô sở đắc. Đã về đã tới nghĩa là không chạy nữa, không tìm cầu nữa, không mong đợi nữa. Đã về đã tới là tâm an trú trên mỗi phút giây, mỗi hơi thở, mỗi bước chân.

Tự do đã có sẵn rồi, hạnh phúc đã có sẵn rồi, Phật tính đã có sẵn rồi, mà cái gì có sẵn thì cần gì phải chứng đắc, cần gì phải mong cầu. An lạc, tự do ở trên mỗi bước chân chứ đâu có ở nơi nào đó hay ở cuối con đường mà mong cầu. An lạc, tự do là khả năng sống (a skill of living), chứ không nằm ở đâu cả, không phải cái gì cả.

Đã về đã tới là sống dậy, thức dậy, dừng lại, tiếp xúc, sống thật. Uống nước là uống nước thôi, không mong cầu gì, không suy nghĩ gì. Ngay đây, bạn không những mến được vị ngọt của nước mà nếm được tự do, hạnh phúc liền. Dấu ấn này tiếp nối dấu ấn hiện pháp lạc trú mà thôi.

3. Đi như một dòng sông là dấu ấn thứ ba, tức là sống với nhau, có cùng nếp sống, lý tưởng, con đường, giấc mơ. Đi như một dòng sông là thực tập sống trong tăng thân theo tinh thần vô ngã. Tăng thân là dòng sông, và mỗi thành viên là một giọt nước. Vô ngã là không có một thực thể có thể tồn tại riêng biệt. Giọt nước này cần giọt nước kia, giọt nước này thúc đẩy giọt nước kia, giọt nước này kề cận giọt nước kia để tạo thành dòng sông linh động. Cũng giống như một cơ thể có vô số tế bào, và các tế bào hoạt động, truyền thông, chung sống với nhau để tạo thành sự sống của một con người.

Bạn là giọt nước, do thế giọt nước cần dòng sông. Không có dòng sông, giọt nước không thể tồn tại, nó dễ bị bốc hơi và nó không thể nào trôi về biển cả. Bạn là một con người, nên bạn cần gia đình, cha mẹ, anh chị em, bạn bè, cỏ cây, hoa lá, dòng sông, trái đất, mặt trời, và muôn loài… Bạn không thể tồn tại riêng biệt.

4. Thời đế tương tức là dấu ấn thứ tư. Thời là ý niệm về thời gian. Đạo Bụt nói về ý niệm tam thời, tức là quá khứ, hiện tại và tương lai. Đế nghĩa là sự thật. Đạo Bụt nói tới hai sự thật, tức là sự thật tương đối và sự thật tuyệt đối.

Theo dấu ấn này, Làng Mai chủ trương cả ba thời gian và hai sự thật đều tương tức, nghĩa là thời gian và sự thật cùng có mặt trong nhau. Tương là cùng. Tức là có mặt. Hiện tại có mặt nơi quá khứ và trong tương lai. Nhìn vào hiện tại, bạn thấy dấu tích của quá khứ và mầm mống của tương lai. Nhìn vào hạt bắp, bạn thấy trái bắp mùa xuân trước và cây bắp con trong tương lai. Đó là cái thấy tương tức, trong nhau, là nhau, một cái thấy vượt thoát ý niệm cục bộ của thời gian.

Thời gian như thế, sự thật như thế và tất cả mọi hiện tượng trong sự sống cũng đều như thế. Nhìn vào sự thật tương đối, bạn thấy sự thật tuyệt đối. Nhìn vào con, bạn thấy cha. Nhìn vào trò, bạn thấy thầy. Nhìn vào rác, bạn thấy hoa. Nhìn vào ly nước, bạn thấy đám mây, dòng sông.

5. Sát na dị thục là dấu ấn thứ năm của Làng Mai. Dị thục là chín mùi của mọi hiện tượng trong sự sống. Sát na là đơn vị thời gian ngắn nhất. Sát na dị thục là sự chín mùi xảy ra trong sát na, nghĩa là sự chín mùi liên tục, từng giây từng phút.

Trái cam không phải chín trong mùa hè, mà nó đã chín trong từng sát na. Trái cam đã chín từ khi nó còn là hoa cam, nó trở thành trái cam xanh non bé nhỏ, nó lớn lên từ từ. Bởi con mắt không thấy sự chín mùi ấy nên đợi khi nó vàng bạn gọi trái cam chín, nhưng sự thật trái cam chín từng sát na, từng giây từng phút. Đứa bé gái tuy mới sinh ra nhưng nó đã có phẩm chất của một bà mẹ. Nó là đứa bé mà nó cũng là mẹ. Tu tập cũng vậy. Mỗi hơi thở là có niềm vui, có tự do ngay. Mỗi bước chân là dừng tâm ý, nếm thảnh thơi liền. Sự chín mùi của tu tập xảy ra từng sát na.

Dị thục không phải là vấn đề thơi gian. Nó chín ngay, chín trong trứng nước, chín trong từng sát na. Dấu ấn này đi đôi với dấu ấn Đã về đã tới.

 

 

Cái đẹp riêng

Bạn trẻ thân mến!

Bạn hỏi:

Đạo Bụt có nhiều bộ phái, có nhiều chủ trương, như vậy làm sao biết bộ phái nào, chủ trương nào là chính thống, gần với giáo lý nguyên thủy của Bụt?

Câu trả lời:

Mỗi bộ phái được ví cho một cành cây, và nhiều bộ phái xem như nhiều cành cây của cùng một cây. Cố nhiên mỗi cành cây hướng về một phía, do thế nó hấp thụ ánh sáng, khí trời, năng lượng khác nhau. Mỗi bộ phái có chủ trương riêng, đó là một chuyện bình thường.

Cũng giống như Sư Ông Làng Mai có biết bao nhiêu đệ tử tại gia và xuất gia, nhưng mỗi đệ tử hiểu và thực hành theo pháp môn của Sư Ông khác nhau, không ai giống ai cả, bởi vì sự hiểu biết, cách hành trì chịu ảnh hưởng sâu đậm nơi cách tư duy, khả năng, kiến thức, tính khí của từng người. Cũng cách đi thiền hành đó mà mỗi người hiểu khác nên thực hành cũng rất khác. Điều này không có gì gọi là mâu thuẫn cả, mà nó càng làm cho pháp môn của Sư Ông Làng Mai càng thêm linh động, giàu có.

Trên đời này có biết bao nhiêu bác sĩ y khoa, nhưng đâu phải bác sĩ nào cũng giống bác sĩ nào. Tất cả bác sĩ đều được đào tạo ra từ một chương trình y khoa, nhưng cách suy tư, học hỏi, tiếp nhận, trải nghiệm, khám nghiệm khác nhau, nên khi ra hành nghề, mỗi bác sĩ chữa trị bệnh nhân rất khác nhau.

Trong đạo Bụt, không có một giáo lý, một phương pháp, một chủ trương gọi là đúng hoàn toàn mà cũng không sai hoàn toàn với lời Bụt dạy. Mỗi phương pháp, mỗi tư tưởng, mỗi chủ trương đều là một con đường hướng về cõi giải thoát, một toa thuốc trị bệnh. Giáo pháp của Bụt còn được gọi pháp môn, nghĩa là cánh cửa của giáo pháp, mà đạo Bụt có vô lượng pháp môn. Giáo pháp của Bụt không phải là sự thật tuyệt đối. Sự thật tuyệt đối không thể diễn tả được bằng lời nói, khái niệm và tư tưởng. Giáo pháp là các liều thuốc trị bệnh cho chúng sanh. Chúng sanh có lắm bệnh thì Phật pháp cần có nhiều toa thuốc. Thế thôi! Vì thế chủ trương của các bộ phái đều là các con đường đi, các cánh cửa và không có đường nào sai hay đường nào đúng. Thích đường nào thì bạn chọn con đường ấy mà đi.

Mục đích tối hậu là đỉnh cao nhất của tự do, hiểu biết và thương yêu mà đạo Bụt gọi là Niết bàn. Cố nhiên khi thực tập, bạn không cần nôn nóng hay cầu mong đến đỉnh cao ấy. Bạn thưởng thức từng bước chân trên con đường đang đi. Tu tập là đi chơi thong thả, thư thái như đi xem hội chợ triển lãm hoa hay dạo nơi cảnh núi rừng tú lệ. Quan trọng là thưởng thức trăm hoa đua nở, cảnh đẹp của núi rừng, bởi khi lên tới đỉnh cao thì cũng để bạn thưởng thức không gian bao la, cảnh núi rừng hùng vĩ mà thôi.

Nhìn vào hạt bắp, bạn thấy trái bắp mùa xuân trước và cây bắp con trong tương lai.