Cuộc hành trình trở về
“Bước chân an lạc” (Walk With Me) là một bộ phim tài liệu và không đem lại cảm giác bùng nổ kiểu bom tấn nào cả. Nó chỉ đọng lại ở bạn khi bạn thật sự cảm được những tầng lớp chiều sâu của nó.
Tôi là cô học trò bỡ ngỡ, ngơ ngác trên con đường rất mới mẻ này. Tự nhận rằng mọi sự diễn ra là những cơ duyên may mắn của cuộc đời. May mắn để cơ bản có thể hiểu được một cách sơ khai nhất thông điệp mà bộ phim mang lại.
May mắn hiểu rằng toàn bộ quá trình phát triển cá nhân là một chuỗi những vật vã đấu tranh nội tại, lột xác và trưởng thành. Ý thức, tư tưởng, giá trị, niềm tin… nó không đơn thuần tự dưng mà có. Mãi cho đến bây giờ, ở một số phương diện nhất định, tôi vẫn còn là một mầm xanh cần thêm rất nhiều nội lực để thực sự vững vàng trước bão. Và ở đây, qua những thước phim, tôi tìm thấy sự uy nghi, trầm mặc và vững chãi vô cùng của thân cây in đậm dáng hình, trơ cành khẳng khiu trong bão tuyết.
Cái triết lý tĩnh lặng là nốt trầm trong một bản nhạc trở nên đậm nét trong suốt chiều dài bộ phim. Đó là lý do hầu hết âm thanh trong phim đều sử dụng âm thanh thực. Âm thanh cuộc sống. Giữa tiếng chim hót ríu rít qua khung cửa sổ, tiếng ầm ào của động cơ xe cộ, trong tiếng huyên náo của phố phường, thậm chí tiếng chửi rủa, lăng mạ của những người không tôn trọng sự khác biệt tôn giáo, họ vẫn ngồi đó, thâm trầm, vững chãi. Tôi bị cuốn hút bởi khuôn mặt của một sư thầy người phương Tây, có khóe mắt và nụ cười vui nhộn, hài hước theo kiểu các anh cao bồi trong phim Mỹ, lại có chút nếp nhăn từng trải nhẹ nhàng sâu sắc. Thầy dẫn đầu đoàn người băng qua ngã tư nhộn nhịp bằng những bước đi chậm, thật chậm, khoan thai với ánh nhìn… vào bên trong. Thần thái đó, con người đó, bối cảnh đó, âm thanh đó thuyết phục tôi hoàn toàn. Bởi nó rất đời và rất thực!
Hình ảnh của nhóm xuất sĩ Làng Mai tiếp cận với các anh em trong tù gợi tôi nhớ đến những câu chuyện tôi từng được nghe chia sẻ, dẫn dắt tôi quay về chiêm nghiệm câu chuyện các anh em sinh viên từng tham gia phong trào “Mùa hè xanh” ở các trại cai nghiện hay giao lưu với tù nhân Bố Lá năm nào. Khi các bạn chưa được trang bị những chân giá trị và định hướng sống sâu sắc như thế này, thì việc tương tác trong môi trường nhạy cảm ấy đem lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Và sự mong cầu cái ngây thơ, trong trẻo của sinh viên có thể cảm hóa được sự dày dạn, lõi đời trong môi trường đó phần nào là một nước cờ chủ quan duy ý chí.
Bối cảnh của bộ phim không lộng lẫy, kiêu sa, cũng không tận dụng những góc quay rất đẹp về thiên nhiên mà Làng Mai vốn có, những hình ảnh mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy qua Google. Đạo diễn chọn xoáy sâu vào những hình ảnh nhiều gai góc, lạnh lẽo, ướt át. Bởi đó là đại diện cho quá trình chuyển hóa, là quá trình đấu tranh nội tại từ cái rối ren, bát nháo, mơ hồ sang sáng tỏ, nhẹ nhàng. Không có tất cả những điều ấy, người ta sẽ không thấy được ánh bình minh tỏa sáng cuối chân trời. Sự thừa nhận và chấp nhận, tiến tới buông bỏ dường như luôn là điều khó khăn nhất.
Ở cái mức độ cô đơn cùng cực khi sự chuyển hóa đang diễn ra như một quá trình đấu tranh khủng khiếp của nội tại, chỉ có mỗi cá nhân mới có thể hiểu nổi mình. Cả người thân yêu nhất của mình cũng khó có thể nắm bắt được. Người thân chỉ nhận ra được điều đó sau khi bạn trở về, mang tận sâu trong mình nguồn năng lượng mạnh mẽ, đủ sức lan tỏa ra để thu về những tiếng cười hạnh phúc cho những người xung quanh. Dư âm về hình ảnh người bố già tập “thở và cười”, luôn miệng cám ơn Chúa bên cạnh người con gái – sư cô, mang lại cảm xúc thực sự ngọt ngào. Thiên đường là ở đây!
“Mẹ xin lỗi con vì mẹ quá stress trong công việc và cuộc sống sau khi ba con rời đi, nên rất nhiều lần mẹ đối xử không tốt với con”, người ta nói với tôi rằng đó là phương pháp “Làm mới”. Còn tôi, khi tai tôi nghe những lời đó và mắt nhìn thấy hai mẹ con họ, là trong đầu tôi tràn về hình ảnh căn phòng ngập ánh nến của chương trình Học Giỏi và Sống Tốt năm nào. Nước mắt và đôi tay run rẩy giữa cha mẹ và các con. Ngay khoảnh khắc ấy của bộ phim, tôi nhận ra rằng cuộc hành trình của hai mẹ con họ sẽ giống hệt như cuộc hành trình của những cặp bố mẹ và con mà tôi từng gặp. Nếu người trong cuộc không đủ kiên định trên con đường thay đổi thật sự, không đủ kiên nhẫn để lột xác thật sự, mọi chuyện sẽ quay trở lại trạng thái cũ. Và người chịu nhiều ảnh hưởng nhất, là những đứa con vô cùng tinh tế và nhạy cảm.
Đó cũng là cuộc hành trình của chính tôi.
Cái điểm trũng trong sự hiểu biết còn nhiều manh mún của quá trình làm mẹ, cái mong cầu hạnh phúc, mong đủ đầy trọn vẹn ở quá nhiều khía cạnh và quan trọng hơn tất cả, cái thói quen trong quá trình phát triển tính cách cá nhân rất nhiều khi kéo mình lỗi nhịp với con cái và người thân. Ân hận không chưa đủ. Tôi cần làm nhiều hơn thế nữa. Hành trình lột xác này cần nhiều thử thách, đau đớn và kiên tâm hơn thế nữa. Để đi vào tận sâu trong chính bản thân mình, không chỉ cần đọc hiểu lý thuyết của người khác về quá khứ – hiện tại – tương lai mà còn là sự rèn luyện không ngừng để tồn tại trọn vẹn cho nhau ở thời khắc này.
Cái duyên lành may mắn là khi cuộc đời cho tôi được gặp và chia sẻ với những người đi trước và đã thành công như vợ chồng chị Mỹ Hằng. May mắn khi tôi được làm việc trong một môi trường mà các đồng sự có cùng chí hướng giá trị và niềm tin, sẵn sàng giúp tôi cân bằng và định hướng lại bản thân. May mắn khi trong một năm qua được tiếp cận (dù rất ít dịp nói chuyện sâu) với các đoàn đưa thực tập Chánh niệm (Mindfulness) tới trường trao đổi và làm việc. May mắn khi có hậu phương chia sẻ để ngày đầu năm mới được đến tham dự ra mắt bộ phim và được ôm Sư Cô Chân Không, 80 tuổi vẫn tràn đầy năng lượng.
Từ sự tò mò về một xu thế tư tưởng đang tác động mạnh mẽ đến nhiều đất nước, con người, tầng lớp, kể cả các tôn giáo khác nhau trên toàn thế giới, năm rồi tôi đã tìm hiểu về hầu hết các trường lớn bé, kể cả Monash University mà tôi học ngày xưa, cũng đã đưa Chánh niệm vào thành nội dung giảng dạy, thậm chí có nơi thành lập luôn trung tâm thực tập Chánh niệm. Điều đó chứng minh hiệu quả thực tế trong cuộc sống mà tư tưởng của Thầy Thích Nhất Hạnh mang lại cho sự phát triển của xã hội loài người. Những tư tưởng này đã vượt qua giới hạn tôn giáo đơn thuần khi họ biết cách hiện thực hóa những lý thuyết khô cằn, cao siêu thành thực tiễn mà mỗi chúng ta có thể chạm vào.
Người ta đã có thể HIỂU, có thể THƯƠNG, nhưng để THỰC HÀNH được cái hiểu và thương ấy đúng cách, biến nó thành sự tiếp nhận đúng mực và chia sẻ hằng ngày, hằng giờ là quá trình lắm cam go. Chánh niệm hay thiền tập tuyệt đối không nên và không phải là vật trang sức thời thượng của các chính khách, doanh nhân hay nghệ sĩ. Nó phải là giá trị sâu sắc của sự thấu hiểu và chuyển hóa từng bước một, vì hạnh phúc thật sự đến từ nội tại chứ không phải chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Những bước đi đầu tiên có thể gai góc và nhức nhối, nhưng nếu đủ niềm tin, đủ thực hành thì tôi tin rằng hạnh phúc sẽ có mặt.
Nga Nguyễn.