Gom lá mùa thu
CÁI NHÌN ĐẦU TIÊN
Trước khi đến Làng, những danh từ như Xóm Thượng, Xóm Hạ, Xóm Mới, hay Sơn Hạ, Sơn Cốc…, tôi nghe có một cảm xúc rất lạ. Cái gì đó tương phùng, vừa gần, vừa xa. Hôm nay tôi đến Làng, thấy mình như cậu bé. Một cậu bé lạc giữa khu rừng cổ tích; khu rừng Xóm Hạ, khu rừng Xóm Thượng, khu rừng Xóm Mới… Bị lạc nhưng không sợ hãi, chỉ thấy thoả lòng.
Ngày nào tôi cũng tranh thủ lắng nghe và ngắm nhìn mọi thứ chung quanh. Tôi nhớ rất rõ cái ngày chiếc xe chở tôi từ nhà ga rẽ vào cổng chùa Sơn Hạ, hai hàng phong đã niềm nở thế nào. Cái lần đầu tiên thấy tượng Bụt được đặt trong bức tường đá ở thiền đường, nó linh thiêng làm sao; hay khi thấy mùa thu về trên ngọn đồi Xóm Mới, tôi đều nhớ hết. Có lần thiền hành ở Xóm Hạ ngắm lá bạch dương nhẩn nha rơi, tôi biết pháp thân đã được hiện ra bằng sắc màu và âm hưởng. Tôi chăm chú nhìn vào tất cả những gì mình thấy đầu tiên. Nghe ai đó bảo tâm đầu tiên là tâm trong sáng.
Có người bạn bảo là ở Làng thì mùa xuân rất tuyệt, hay là rừng phong ở EIAB còn nhỉnh hơn. Tôi chỉ gật gù vì chưa thấy mùa xuân ở đây, cũng chưa đến EIAB bao giờ. Nhưng cảm nhận của tôi với Làng thật đẹp. Nó đẹp vì là “cái nhìn đầu tiên”. Rừng tùng, vườn Bụt, hoa cẩm tú cầu, hay tháp chuông đều thiền vị, hữu tình. Đặt chân trên con đường Huyền Thoại, tôi nhận ra mình đã thật sự ở Làng. Sư Ông và quý thầy quý sư cô đi trước đã để lại trên mảnh đất này biết bao tinh hoa, làm cho Làng khác thường và sống động. Làng đơn giản nhưng có dư vị thánh hiền, công phu tu tập phảng phất ngay cả nơi những giọt sương vương trên đầu ngọn cỏ. Chỉ ngắm nhìn thôi cũng đủ cho lòng đầy vơi sung sướng!
NHÀ THỜ, CÁNH ĐỒNG, VÀ TRĂNG
Từ Sơn Hạ muốn lên Xóm Thượng sẽ đi qua rừng tùng, muốn lên thăm nhà thờ sẽ qua cánh đồng nho. Ai đó nói khuôn mặt khi ngủ của đứa trẻ đẹp như một cánh đồng. Sư Ông nói nếu con yêu cánh đồng thì hãy làm cho nó một bài thơ. Còn tôi thì thấy những gì Sư Ông để lại cho đời bao la như cánh đồng vậy. Tôi nghĩ đến Làng Mai Thái, nơi cũng có những thung lũng rộng mênh mông. Thay vì nho, ở đó là cánh đồng dệt bằng ngô và sắn. Ở đó có chùa làng, với một tượng Bụt rất lớn nằm trên đỉnh đồi. Con đường qua đồng nho ở đây thì không có tượng Bụt, nhưng có nhà thờ, với thánh giá gắn ở nóc cao, cũng nằm trên một ngọn đồi thanh tao như thế!
Không biết nhà thờ này có tự bao giờ, nhưng chắc là sớm hơn Làng Mai rồi, vì tường đá cũ thế cơ mà. Tôi thích cứ mỗi chiều đi bộ lên thăm nhà thờ. Khi thì đi với một hai người bạn, khi thì một mình. Đi để thấy mình lên cao hơn ngọn đồi Xóm Thượng, để nắng chiều soi rõ vào màu chiếc áo tôi mặc, hay để phóng mắt ngắm thung lũng lồng lộng dài đến tận chân trời. Ngắm nhìn thung lũng lúc về chiều, thoạt đầu thì thấy mình nhỏ bé, sau đó lại thấy mình vô cùng. Có lẽ khi nhìn kỹ một khung cảnh nào, tâm tư trọn vẹn, chúng sẽ đi vào trong ta, ta bỗng trở lên rộng rãi lạ thường!
Đứng trên sân nhà thờ, ngoài việc ngắm thung lũng, còn được nghe tiếng chuông treo trên cửa chính ra vào. Mỗi lần chuông điểm, tôi nhắm mắt; thở; thấy đâu có khác gì với tiếng chuông của Làng đâu. Ở đây, ai cũng xem tiếng chuông nhà thờ làm tiếng chuông của Làng. Nhờ đó mà tôi thấy gần gũi với nhà thờ ngay từ cái ngày đầu tiên ấy.
Có người bạn nói với tôi, vào mùa này, tức là mùa thu, muốn thấy hết vẻ đẹp của Sơn Hạ, thì phải đứng ngắm từ nhà thờ. Ra là vậy, đứng đó tôi mới thấy rừng phong ngả màu đang ôm lấy Sơn Hạ, mới thấy khu rừng cổ tích mà cậu bé đang sống, nó “cổ tích” thế nào! Con đường dẫn lên nhà thờ được ai đó đặt những chậu hoa, nở vô tư bên bức tường rêu cũ, đẹp đến lạ lùng!
Cái đêm trung thu, trăng tròn vành vạnh, tôi và một thầy khác lại lên nhà thờ ngắm trăng, nó treo lơ lửng trên cánh đồng. Thầy ấy còn kể những năm trước, vào những ngày làm biếng, thầy cùng nhiều vị khác còn đem cả trà, cả chiếu lên nhà thờ uống trà ngắm trăng đến khuya sương xuống, lạnh lắm mới về. Thầy nói rằng những đêm đó, cũng như đêm nay, thầy là người tự do và giàu có nhất. Thật vậy, đi chơi nhà thờ, bạn sẽ thấy thênh thang, vì góc nào cũng đẹp. Đứng ở đó một hồi lâu, tôi bỗng thấy nơi đây cũng cần tình thương và tấm lòng rộng rãi của con người, để mỗi khi chiều về nó không cảm thấy mình riêng lẻ. Tôi nhớ đến đoạn thơ của Sư Ông, đoạn thơ mà tôi thường lẩm nhẩm một mình mỗi khi thấy lòng trống vắng:
“…Bóng dáng tiên trần còn thôi xuất hiện
… Gương nga lặng lẽ
… Nhìn vào đâu cũng thấy nụ tinh khôi.”
MÙA THU
Mùa thu ở đây rõ ràng quá! Tôi muốn viết về mùa thu. Diện mạo của mùa thu là những chiếc lá phong đỏ thắm rơi theo gió. Nó cứ đến từng ngày trên khu rừng, khi những chiếc lá cứ đua nhau đỏ dần, làn gió se lạnh cho hơi thở được dài hơn. Thở thật chậm và sâu để mùa thu đi vào trong cơ thể. Những người nông dân tất bật tối ngày với ruộng nho; tôi xem họ là những người hoạ sĩ điểm tô màu sắc cho cánh đồng. Sau mỗi ngày làm việc họ sẽ tranh thủ ngước mắt trông mùa thu, bớt đi một chút nhọc nhằn. Đại chúng Sơn Hạ mỗi lúc thiền hành đều còn một góc thật đẹp để yên lặng ngắm nhìn. Nhìn mùa thu mà khởi niệm yêu thương, buông xuống những muộn phiền nhân thế. Mùa thu là một món quà ý nghĩa về hình thức và nội dung, hễ ngước mắt lên thì con người sẽ lắng đi những âu lo toan tính. Tôi gửi tôi trong chiếc lá phong màu đỏ, ngoạn mục lìa cành về an trú ở cội nguồn. Mùa xuân năm sau lại biểu hiện qua những chồi, những búp, thêm một chu kỳ, và niềm tin vào con đường vui vẫn còn y nguyên, không hề thay đổi.
NGÔI NHÀ NỘI TÂM
Tối hôm đó, sau giờ công phu, có thầy nhen trước phòng một đống lửa. Thầy bảo chút xíu nữa trăng lên. Vì có chút se lạnh nên việc đốt lửa trở thành có lý. Tôi khoác thêm áo bước ra, các thầy khác thấy bếp lửa cũng tự mình mang ghế lại. Trăng đã lên rồi, chúng tôi nhắc nhau như thế. Bếp lửa cũng dần kêu tí tách, những chiếc áo nâu co cụm lại hàn huyên, nhưng không quên lâu lâu ngẩng mặt lên nhìn trăng sáng. Chúng tôi thích những phút giây ngồi lại vòng quanh với nhau, những mẩu chuyện cứ đến rồi đi nhưng cái gần gũi thân quen thì ai cũng cảm nhận được. Nó cũng giá trị như khi ngồi yên, đi thiền. Như những viên gạch được xây thêm trong tâm tư mỗi người; dần tạo nên dáng hình của một ngôi nhà nội tâm ấm áp, nơi có bóng dáng của những người anh em sẽ đi chung với nhau thật lâu trên cùng một con đường. Tôi lại nhớ đến một đoạn thơ của Thầy, khung cảnh trong bài thơ hiện ra cũng na ná với những gì anh em tôi đang có:
“…Về Xóm Mới chúng tôi đi! tất cả vẫn mong chờ
Em tôi vẫn còn trông nom chút lửa hồng bếp cũ
Mái chèo xuôi nước sông
Thuyền về không do dự
Sao đêm an lành thuyền anh đi mãi
Nhìn bóng chiều sa không ngại
Vì biết tình thương hôm nay còn đủ sưởi ấm ngày mai…”
HOÀI BÃO
Tôi vừa đến Làng thì có một sư anh lại sắp đi đến một Làng Mai khác. Tôi tự hứa là sẽ lên chơi với sư anh mỗi ngày, thế mà không làm được điều này đều đặn. Khi ai đó sắp đi, sắp rời xa một nơi nào đó gắn bó đã lâu, họ cần mình đến chơi không chỉ là để cho đi những vật dùng không mang theo được. Họ muốn cùng ngồi uống trà để kể về những kỷ niệm đáng nhớ họ có nơi đây. Họ muốn trân quý những tháng ngày còn lại được ở trên vùng đất đó; hay là để chia sẻ cho mình những hoài bão họ mong muốn làm trong những tháng năm sắp tới. Và đặc biệt là, họ muốn thấy họ có ở trong mình để được tiếp tục ở lại; không cảm thấy phải chia tay với cái nơi họ rất mến, rất thương. Có gì chưa làm được ở đây, sư anh nhờ tôi làm dùm. Sư anh nói hoài bão là hoài bão chung.
Những lúc như vậy với sư anh không nhiều, nhưng đủ cho chúng tôi hiểu nhau, xem nhau là tri kỷ. Sư anh tặng tôi cái gối, bảo là tôi sẽ ngủ ngon. Rồi cho thêm cái đèn, bảo là đèn này ngồi học thì không lo đau mắt. Tôi thì chỉ biết đến ngồi, thế thôi; vậy mà tôi cũng nghĩ là mình đã tặng sư anh một cái gì to lớn lắm. Tôi vui khi được nhận, sư anh vui khi cho đi. Mơ ước của tôi là đá bóng sau mỗi ngày quán niệm, mơ ước của sư anh là làm vơi bớt khổ đau của cuộc đời. Sư anh nói mùa thu ở đây êm đềm lắm, cứ ở yên mà tận hưởng. Sáng hôm đó sư anh rời Làng, tôi tiếc vì mải chơi quên không ra tiễn. Tôi còn chưa kịp nói rằng những hoài bão nơi đây tôi mong là sẽ thay sư anh làm nốt phần còn lại. Thôi thì sẽ trả lời khi nào thấy lòng yên lắng nhất. Không biết khi nào sư anh mới thực hiện hết những hoài bão của mình. Nhưng hoài bão ban đầu; xây dựng ngôi nhà nội tâm có lẽ đang được trợ duyên hết mực. Hoài bão về một kiếp thảnh thơi, hoài bão về một cái gì nhỏ thôi mà tóm thâu tất cả!
Những cảm nhận ban đầu ở Làng làm cho tôi thấy mình mới mẻ và biết ơn, bạn ạ. Có cái đó thúc đẩy tôi đến gần hơn với nắng, mưa, với bước chân, rừng tùng và cả những dáng hình áo nâu nơi đây nữa. Những ngày đầu sao mà dễ thương quá đỗi; tôi sẽ gom chúng như gom lá mùa thu, cất vào trong túi áo, để lâu lâu yên ắng lại mang ra ngắm nhìn. Tôi xem chúng là vốn liếng, là gia tài, và cũng là phương thuốc để xử lý khổ đau. Nhìn Làng hôm nay mà thấy Làng ngày xưa, nhìn nhau hôm nay mà thấy nhau ngày xưa, mới toanh và đề huề, bạn nhỉ?
Chân Pháp Khả