Có một dòng sông đang chảy

Lê Hòa Phúc Nhẫn

 

Hôm nay, bất chợt tôi nhớ lại câu nói của Heraclitus: “Không ai có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông”. Câu nói này được cô giáo tôi trích dẫn khi giảng bài Nhớ con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh.

Hồi đấy, tôi còn quá nhỏ, ngây ngô và hời hợt, nên chẳng mấy quan tâm đến câu danh ngôn, chỉ chú tâm vào nhớ con sông quê hương tôi: sông Cửu Long.

Quê hương tôi, miền đất thật trù phú! Có thể nói là nhất nước. Đặc biệt là vùng An Giang quê tôi, nơi cả sông Tiền và sông Hậu cùng đi qua, để lại biết bao nhiêu phù sa cho ruộng lúa tốt tươi; cho hoa thơm trái ngọt đơm cành; cho bao nhiêu là cá tôm cho thợ chài, thợ lặn… Và cho cả những tâm hồn bé dại biết bao lần nô đùa trên sông nước.

Hầu như bất kì đứa trẻ nào sinh ra và lớn lên ở vùng quê tôi đều không thể không biết bơi. Vì bơi lội không chỉ là môn thể thao đơn thuần yêu thích, nó còn là cuộc mưu sinh mùa nước lũ. Và đặc biệt, đắm mình trong phù sa sông nước là thú vui duy nhất của lũ trẻ chúng tôi mỗi độ chiều về.

Tôi nhớ như in, những buổi chiều quê, chúng tôi đợi các anh chị lớn trong cả xóm về để còn xin ba mẹ cho đi tắm sông. Đại hội thể thao của mấy anh chị em bắt đầu khi khói lam chiều của các mẹ, các nội nhóm lên cuối bếp. Chúng tôi réo nhau, nhảy cầu, bơi đua từ cây cầu nhà này sang cây cầu nhà kia. Các anh lớn đua qua sông, lặn qua ghe cặp mép cầu, rồi lên một chiếc cầu cao cao nào đó mà đua nhau gieo mình xuống sông bằng đủ kiểu, đủ dáng và lặn càng sâu càng tốt. Các nhóc nhỏ như tôi tuy không biết bơi nhưng cũng được tham gia tắm bùn (ở trong bờ!) và hò reo thỏa thích. Bởi thế bạn đừng lấy làm ngạc nhiên khi thấy người miền Tây nói với âm lượng khá lớn nhé.

Sau cuộc tranh tài các anh chị quay vào bờ tập bơi cho các em nhỏ. Việc tập bơi cũng khá đơn giản. Chỉ cần vắt cái khăn choàng tắm (loại khăn rằn chỉ có ở miền Tây) ngang người đứa nhóc rồi lên một cây cầu cao, thả xuống, đu đưa qua lại vài lần là tự động hắn không còn biết sợ độ cao và sợ bị uống nước đầy bụng một cách bất ngờ nữa. Một tốp khác sẽ được hạ xuống nước. Các anh chị lớn sẽ bồng những em nhỏ, đưa qua đưa lại dưới nước rồi từ từ nới tay ra. Em nào nổi lên được là bơi được, em nào chìm thì mai làm tiếp. Cứ như thế, lứa này nối tiếp lứa sau, mà tập tắm sông đầy vui thích.

Vì vậy, tôi cũng chẳng rõ thầy dạy bơi cho tôi là ai cả. Mà ai cũng có thể là thầy dạy bơi! Chỉ cần anh bơi được, bất kể anh bơi giỏi hay chưa giỏi, xa hay gần, chỉ cần anh xuống nước mà nổi lên được và tình thương em út của anh đủ lớn là sẽ có ngay những cô cậu nhóc réo gọi anh dạy bơi ngay.

Có một thú vui miền sông nước mà có lẽ không một người thành thị nào có thể có được: tắm sông. Tắm sông mọi lúc, mọi nơi. Sáng, đi ruộng về: tắm. Trưa, phơi lúa xong: tắm. Chiều, làm rẫy xong: tắm. Đi đường, bụi dơ: tắm. Vui cũng tắm, buồn cũng tắm, trời nóng nực cũng tắm, trời mưa tầm tã, lạnh lẽo cũng chỉ tắm sông (lúc ấy nước sông cực kỳ ấm.) Ra đồng mùa nước nổi, bốn bên không còn là ruộng lúa mà là cả một dòng sông mênh mông nước với nước: tắm lúc này là thích nhất.

Có những đêm trăng vắt ngọn tre, xung quanh như bức màn nhung huyền bí, điểm xuyết bằng những chiếc lá tre già đu đưa. Ngắm mặt sông lóng lánh ánh trăng đổ dài một vệt sáng cả khúc sông và rung rinh mỗi độ ghe tàu, tát rán (hay còn gọi là vỏ trấu, một loại tương tự như ghe thường nhưng nhỏ và dài, được gắn động cơ mạnh, chạy rất nhanh, tạo sóng rất lớn) chạy qua thật là thú vị. Những đêm ấy, các mẹ, các chị thường ngắm trăng, thả mình trên sông nước và hát ca cổ cải lương hay kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Đó luôn là những đêm trăng tuyệt diệu còn mãi trong tâm trí của những đứa con xa quê.

Nói tới đây, tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc đã có được đêm trăng như thế với bà nội, các cô, các chị. Chỉ một lần duy nhất trong đời nhưng, nhờ đó, câu nói của Heraclitus đã có thể ở lại trong tôi đến tận bây giờ.

Nội đã xa con rồi. Khi xưa, con chỉ biết rằng con không còn cơ hội tắm trăng lần nữa với nội trên con sông quê mình. Nhưng nay, con hạnh phúc thấy rằng nội vẫn cùng con đắm mình trong dòng sông tâm thức. Con đang đi những bước đi cho nội. Con mang cả phù sa quê mình đi về phía tương lai. Nội vẫn trong con và con luôn trong nội. Những hạt giống tốt tươi đang đâm chồi ny lộc và những hạt giống chưa tốt đang dần được chuyển hóa để mảnh đất tâm trong con sẽ cùng nội mở đường cho thế hệ mai sau. Dòng sông ấy vẫn không ngừng tuôn chảy, niềm tin ấy vẫn luôn được giáo pháp đắp bồi và tình yêu quê hương vẫn luôn cháy bỏng và mới hoài. Vì dòng sông không bao giờ trở lại và “Tình thương không bao giờ nói rằng đây là lần cuối’’.