Đường dài bước chân đỡ mỏi
Thầy Nguyên Tịnh
Huế bắt đầu vào mùa đông. Cuối thu đã có nhiều cơn mưa kéo về, và ảnh hưởng một vài cơn bão khiến Huế trở nên thâm trầm tư lự hơn. Tôi có thói quen đốt lên viên trầm, có khi là một cây nhang, hay lá sage, thắp nến, pha bình trà và thưởng thức mỗi sáng sớm.
Buổi sáng ở đồi Trị Liệu thật trong lành. Ngồi yên là thứ mỗi buổi sáng tôi thích làm. Có một vị Thầy đã từng dạy tôi rằng: “Bình yên là một thứ tặng phẩm đẹp mà người tu có thể hiến tặng cuộc đời. Cuộc đời đã dư thừa sự ồn ào chộn rộn, họ cần bình yên. Và một người tu thì không cần mang ra đời thêm sự ồn ào chộn rộn nào nữa, cần mang sự bình yên đi vào hiến tặng cho cuộc đời”. Đó là lời dạy rất tha thiết được nói ra từ kinh nghiệm của một người tu, giản đơn mà khó đạt. Đó không là lời nói của “tri kỷ” thì là của ai. Hiểu mình nên nói cho mình hiểu, đó là tri kỷ tri âm, đó là bạn. “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”, mấy hôm nay tôi có nhiều ấn tượng với câu thành ngữ quá sức quen thuộc này.
Suốt bốn mùa, nhất là những ngày hè oi ả, làm việc mệt, tới giờ ăn mà thấy ngán quá không muốn ngồi vô bàn, may thay có tô canh chua thật tuyệt, vậy là ngon miệng ăn hai hay ba chén. Canh làm mình dễ nuốt. Mùa đông lạnh, có chén cơm nóng, có bát canh khổ qua thơm lựng bốc khói, vậy là bữa cơm ngon đến lạ lùng. Đó là nghĩa cơ bản nhất của câu “Ăn cơm có canh”. Canh làm mình dễ ngon miệng thật. Nhưng ăn canh cũng phải cẩn thận.
Cẩn thận là vì canh thì làm mình dễ ngon miệng thật, và vì ngon miệng thành ra mình ăn hơi nhiều, ăn hơi dư dư ra cái phần cần. Bên cạnh đó, rất quan trọng, là nếu ăn không đúng cách thì trở lại hại cơ thể. Mùa đông lạnh tới cóng người, vậy là lại nấu món canh chua có cà chua, măng chua, khế chua, me chua thì không hợp tí nào. Đang bệnh mà ăn canh rau muống, hay canh măng thì cơ thể không chịu nổi. Người Việt mình còn một cách ăn canh không hợp lý nữa, là chan canh vào trong cơm, ăn và nuốt cho nhanh, cho khỏe, khỏi nhai nhiều, để sau đó bao tử phải cực nhọc làm việc gấp nhiều lần. Nên ăn canh với cơm cũng phải đúng cách, mới ngon, mới lành, mới khỏe.
“Ăn cơm có canh” cũng như “Tu hành có bạn”, đó là câu thành ngữ chúng ta thường nghe, “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Diễn rõ ra tức là có bạn để tu hành thì cũng như trong bữa cơm mà có canh, dễ thành công hơn, dễ để đi qua những khó khăn hơn, dễ tu hơn. Ăn canh đúng cách trong bữa cơm đã quan trọng lắm rồi, vì nó có ảnh hưởng trực tiếp lên cơ thể mình, mà có bạn đúng nghĩa trong sự nghiệp tu lại càng quan trọng hơn, vì nó tác động trực tiếp lên cả thân lẫn tâm chúng ta.
Một người bạn mà tâm bồ đề vững chãi, chí nguyện độ đời mãi mãi lớn mạnh, luôn lấy sự nghiệp tu học của mình đặt lên hàng đầu, nói, hành động hay suy nghĩ gì cũng dựa trên căn bản của sự thực tập, giới hạnh nghiêm chỉnh mà khiêm cung, không chạy theo đám đông, không rong ruổi theo những nhu yếu tiện nghi vật chất, có được một người bạn như vậy thì chúng ta rất dễ để nuôi dưỡng sự tu học của bản thân, gặp khó khăn gì cũng dễ dàng đi qua hơn khi biết rằng mình đang có một người bạn yểm trợ hết lòng. Chẳng khác nào một ngày nắng nóng mà bữa cơm có được một bát canh chua hay một bát canh rau thập cẩm thơm ngon.
Trái lại, chúng ta chỉ cần có bạn để chơi, để khỏa lấp niềm cô đơn trống trải trong lòng, chẳng cần biết người bạn ấy thế nào. Chúng ta gặp một người không chịu tu học, tìm cầu cuộc đời mình theo hướng danh vọng, tham dục, không nuôi lớn tâm bồ đề, gặp nhau chỉ nói chuyện thị phi, chuyện chiếc xe, cái điện thoại, bổn đạo, cúng vái, thế tục hóa cuộc đời tu học của mình… và mình cứ ngồi đó nghe, tư duy theo, sống theo, đi theo về hướng thế tục, thế tục hóa cuộc đời tu học của mình theo, vậy là mình lãnh đủ. Sự nghiệp tu học của mình bị hao mòn, nắng hạn, khô héo, càng chơi với bạn càng cảm thấy cô đơn, càng cảm thấy hạn hẹp, tuyệt vọng và thất bại. Y hệt lùa vài chén cơm chan nước canh mà nuốt cho nhanh, cho dễ, để cái bao tử mệt nhọc hơn, cơ thể dễ sinh bệnh hơn. Đây là chuyện chúng ta phải chiêm nghiệm để trực tiếp tạo dựng đời sống cho bản thân.
Bạn tu là vấn đề rất quan trọng. Trong Quy Sơn Cảnh Sách, Thiền sư Linh Hựu từng nhắc nhở: “Cần đi đâu xa thì phải nương tựa vào bạn hiền để có thể luôn luôn thanh lọc những điều ta nghe, ta thấy. Khi cư trú cũng phải nương tựa vào bạn tốt để ngày nào cũng được học hỏi thêm những điều chưa được am tường. Người ta nói rằng, cha mẹ tuy sinh ra ta nhưng chính bạn hữu lại là kẻ tác thành cho ta. Sống gần gũi với các bậc thiện tri thức thì cũng như đi trong sương, tuy áo không ướt nhưng vẫn thường được thấm đẫm. Còn nếu chơi với kẻ xấu thì cái thấy càng ngày càng sai lạc, sớm chiều vì vậy cứ tiếp tục tạo ra nghiệp xấu…”. Có nhiều người sẽ lí luận, nếu không chơi với người xấu thì ai giúp họ thay đổi? Nếu ta không vào địa ngục thì ai sẽ bước vào? Vấn đề ở đây không phải là chuyện thách thức chơi hay không, mà ta nên coi lại mình có đủ nội lực để tiếp xúc hay không. Như canh thì ăn mùa nào chẳng được, nhưng có những thứ canh ăn mùa đông thế nào cũng làm ta đau quằn quại, có những thức canh ăn mùa hè lại làm ta nóng bức thêm.
Có người ví, bạn lành giống như một chén nước trong. Tôi rất ấn tượng với cách so sánh bình dị ấy. Đi học về, đi chợ về, đi đâu xa về, khát nước lắm, đến bên một giếng nước, hay một vại nước thơm trong uống một chén, thật sảng khoái và giải khát vô cùng. Những giếng nước ngày xưa rất trong và có thể uống trực tiếp được, hoặc người dân tích trữ nước mưa trong vại, trẻ con đi học về, chỉ cần lấy gáo dừa vốc uống ngon lành mà không sợ đau bụng. Và thứ nước trong mộc mạc đó, ta có thể uống một đời mà không thấy chán thấy ngán. Không ai có thể uống suốt tháng những thứ nước ngọt đóng chai như cocacola, 7up… nhưng với nước trong, chúng ta uống mãi cả đời.
Những loại nước ngọt thì hấp dẫn thật, cuốn hút lắm, nhưng mau chán ngán. Những người giao lưu bình thường, những người bạn không chân chính cũng vậy, có thể lời nói và việc làm của họ rất bay bổng, thu hút, hứa hẹn, ngọt ngào, nhưng chơi lâu rất có thể nguy hại đến bản thân ta. Những người bạn chân thành, có phẩm chất, lịch sự, có nhân cách, có chí hướng, đôi khi ta thấy cách sống bề ngoài của họ rất nhạt nhẽo, y như nước lọc, vậy mà chơi hoài, nói chuyện hoài, đi qua với nhau bao nhiêu cảnh sống cũng không thấy chán, kỳ lạ và mầu nhiệm như vậy đó. Những người bạn hiền, vì thế mà mãi mãi hát ca điệp khúc: “Chúng mình còn đây hôm nay và ngày mai nữa. Đến đây, khi khát ta cùng uống ở một giếng nước thơm trong” (thơ TS. Nhất Hạnh)
Mà không phải người tu mới cần bạn. Mọi người sống giữa đời đều rất cần có bạn. Bạn thì không có giới hạn đời hay đạo. Bạn đạo hay bạn đời đều là những người bạn phải có khả năng đi tới chỗ hay đẹp, sánh vai bước qua những chông gai của cuộc sống. Không có bạn thì ắt hẳn là buồn, nhưng có bạn như thế nào, lại là chuyện quan trọng hơn. Trịnh Công Sơn từng cảm nhận rất sấu sắc: “Có những sự có mặt của bạn bè tương đương với một dấu lặng trong âm nhạc, nên sự có mặt đó thường có khả năng mang đến cho ta một sự thoải mái thảnh thơi tựa hồ như niềm hoan lạc. Đó là những trường hợp ta không cần phải đối phó, không cần phải lấp đầy khoảng trống bằng những câu chuyện gắng gượng, nhạt nhẽo” (Huyên náo và tĩnh lặng). “May thay trong cuộc đời vừa có tình yêu vừa có tình bạn. Tình bạn thường có khuôn mặt thật hơn tình yêu. Sự bội bạc trong tình bạn cũng có, nhưng không nhiều. Tôi thấy tình bạn quý hơn tình yêu vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa” (Vết thương tỉnh thức)
Nói dong dài cũng chỉ để nói, bạn phải là người có thể giúp nhau tiến bộ trong sự tu học, để trên con đường dài ấy bước chân sẽ đỡ mỏi. Bạn là người có thể giúp ta phân tích rõ những mặt tích cực lẫn tiêu cực trong ta, thẳng thắn, chân thành, rất thật. Bạn phải là người có phẩm chất tu.
Và người bạn ấy, có thể đã mất cách ta một trăm năm, hai ngàn năm mà ta chỉ gặp qua sách vở. Người bạn ấy có thể lớn hơn ta vài mươi tuổi, cùng trang lứa, hay nhỏ hơn ta mười, hai mươi, ba mươi tuổi. Người bạn ấy được gọi là Thiện hữu, Bạn hiền…
Đồi Trị Liệu, 07.11. 2013