Đám mây, một lần được hiểu

 

(Trích nhật ký thị giả của thầy Chân Trời Lĩnh Nam)

Sáng hôm nay trời lạnh. Đồng hồ reo lúc 4 giờ 30 phút. Tôi thức dậy và thắp lên ngọn nến cúng dường vị Bụt trên bàn học. Thời gian này không khí buổi sáng ở chùa Tổ khá lạnh nhưng khi nến được thắp lên đã làm sáng một vùng nhỏ trong phòng và Bụt hiện ra mờ mờ ảo ảo, ngồi nghiêm trang trên đài sen trắng với bình nước cam lồ trên tay như xua tan đi cái lạnh trấn ngự trong phòng. Hôm nay, phiên trực của tôi là từ 5 giờ – 8 giờ sáng.

Từ phòng quý thầy thị giả đến Thất Lắng Nghe có hai con đường và tôi thường đi bộ băng qua phòng quý thầy giáo thọ. Tôi chọn đi con đường đó chỉ đơn giản là thích chứ không có gì ghê gớm cả. Vào thất của Thầy phải đi qua cánh cửa được làm bằng nhôm, mỗi lần mở cửa này, tôi thường chánh niệm lắm. Có lần, vì đi vào hơi vội nên tôi đã vô tình tạo ra tiếng động khá lớn. Từ đó, mỗi lần đi trực tôi thường tự nhắc nhở mình phải thật chánh niệm trước khi vào phòng Thầy.

Vào phòng Thầy giữa lúc đất trời đang chuyển mình giữa đêm và ngày, vạn vật cũng đang thức dậy từ từ. Tôi nhẹ nhàng bước vào, đứng nghiêm trang, chắp tay xá chào Thầy. Tôi tiến đến gần thấy Thầy vẫn còn đang ngủ. Nhật ký thị giả cho tôi biết đêm qua Thầy không ngủ được và qua xe nhiều lần, vậy là sáng nay Thầy ngủ bù.

 

 

Ngồi xuống trên chiếc ghế cạnh giường Thầy, như một thói quen, tôi nắm lấy tay Thầy và bắt đầu thực tập theo dõi hơi thở và gởi sự bình an cho Thầy. Dù không biết được bao nhiêu nhưng đó là những gì tôi có thể làm được. Tôi ngồi yên trong khi Thầy nằm ngủ. Tôi nhìn lại lần nữa xem thầy còn ngủ không? Thầy vẫn còn ngủ. Tôi bắt đầu nhắm mắt lại như để bắt đầu một buổi ngồi thiền, cảm nhận sự yên lặng trong phòng cũng như hơi ấm từ tay Thầy. Lúc này không phải là “tay thầy trong tay con” hay “tay con trong tay Thầy”, mà đúng hơn là “tay con đang nắm tay Thầy”.

Ngồi yên như vậy được 20 phút, tôi mở mắt ra thì thấy Thầy đã thức từ lúc nào, Thầy đang nhìn tôi, tôi vội chắp tay lại và thưa: Dạ, con chào Thầy buổi sáng. Lúc ấy thầy nhìn tôi và gật đầu như một lời chào lại. Mắt Thầy sáng lắm, cái gật đầu của Thầy như một minh chứng là Thầy vẫn còn tỉnh táo. Đó là sự khích lệ tinh thần rất lớn cho tôi và cho cả ban thị giả.

Xung quanh thất của Thầy được bài trí nhiều hoa lắm. Thầy nằm yên, ngắm những bông hoa ngoài cửa sổ, một điều mà Thầy rất thích khi Thầy còn khỏe. Tôi di chuyển chỗ ngồi để dành lại không gian riêng cho Thầy ngắm hoa – như là một cách Thầy đang tự trị liệu cho mình. Cách hay nhất chúng tôi có thể làm cho Thầy những lúc như thế này là không làm phiền Thầy trong khoảng thời gian đó.

Ngồi nhìn Thầy từ xa, tôi cảm được năng lượng bình an toát ra từ Thầy và tôi nghĩ: Thầy để hết cả đời cho việc tu học, nghiên cứu và giúp người, đặc biệt là xây dựng chúng xuất sĩ, một công việc không hề đơn giản chút nào. Thầy muốn mọi người tu học với nhau như huynh đệ một nhà, nâng đỡ nhau trong sự tu học, thương yêu và chấp nhận nhau khi ai đó còn mắc phải những lỗi lầm. Nhưng sao con thấy khó quá Thầy ơi, thương Thầy thì dễ, nhưng thương được người mình không thương thì làm sao mà mình thương được? Đặc biệt là những người đó đã sử dụng những câu nói hoặc hành động chạm đến lòng tự trọng của mình thì quả thật rất khó thương Thầy ạ. Nếu Thầy đang nghe con chia sẻ những điều này thì chắc Thầy sẽ bật cười phải không ạ?

Và Thầy sẽ nói: Mình có thể giận một người nhưng mình đâu có thể giận một đám mây phải không con, dù là một đám mây đen, bởi vì mây đen báo hiệu sắp có một cơn mưa. Mưa đến cho cây cối xanh hơn, làm không khí mát mẻ hơn. Vạn vật cần đến mưa con ạ. Đúng như vậy thưa Thầy, cây cối không bao giờ giận mưa hay kể cả bão, mà nó chỉ làm công việc của nó là nhận thán khí và cho ra dưỡng khí để hiến tặng cho đời mà không đòi hỏi hay kể công kể trạng gì hết. Chúng cần cù như vậy cho đến khi về với đất mẹ. Đó là một sự biểu hiện rất đẹp.

 

 

 

Nghĩ đến đây, con thấy mình tu còn dở quá! Con xin thực tập như một thân cây với hai câu thơ của Thầy: “Sáng cho người niềm vui, Chiều giúp người bớt khổ”. Đang suy nghĩ miên man thì bỗng nhiên Thầy đưa tay lên như muốn điều gì, tôi đi đến bên Thầy, chắp tay lại và hỏi:

Thưa Thầy, Thầy khó chịu trong người ạ? Thầy nhìn tôi và không gật đầu.

Tôi hỏi tiếp: Thưa Thầy, Thầy muốn qua xe ạ?

Thầy cứ nhìn tôi thật lâu khiến tôi hơi lúng túng nhưng bất chợt một suy nghĩ ở đâu đi lên trong tôi, và tôi hỏi:
Thưa Thầy, Thầy muốn con mở khẩu trang ra phải không Thầy? Và Thầy liền gật đầu.
Tôi kéo khẩu trang xuống, chắp tay xá Thầy và nói tên mình cho Thầy nghe, sau đó lại mang vào để bảo vệ sức khỏe cho Thầy.
Khoảnh khắc ấy tôi thấy Thầy đã hoá thân thành một người Ông, một người Cha già muốn nhìn mặt từng đứa con tâm linh của mình để xem thử hôm nay nó có khỏe không, mắt nó có sáng không, miệng nó có mỉm cười được không?,… Có phải Thầy sợ những đứa còn nhỏ tuổi thì dễ bệnh phải không? Và khi bệnh thì không biết anh chị nó có quan tâm chăm sóc tốt cho nó không nữa?
Cha là vậy đó, cho nên mới có câu cha già 90 vẫn còn lo cho con 70 là vậy.
Thêm một sự gắn kết mới cho tình Thầy và trò lại sâu đậm hơn. Đâu cần nói gì đâu, tất cả mọi công việc của thị giả đều diễn ra trong im lặng. Ngôn ngữ truyền thông chính là khi tôi nhìn vào đôi mắt của Thầy, mặc dù tôi rất ngại điều này. Cái này thì quý sư cô làm giỏi hơn nhiều.

Có tiếng mở cửa, quý sư cô đi vào, đến giờ của quý sư cô điều trị cho Thầy, tôi nhường lại không gian và âm thầm cảm ơn Thầy.