Niềm tự hào của một bà Mẹ
Trong khóa tu tổ chức tại trung tâm Kinasih gần thủ đô Jakarta, có nhiều thành viên người Hồi giáo. Con số không biết đích xác là bao nhiêu, nhưng có thể lên tới một phần mười của tổng số những thiền sinh tham dự khóa tu. Tổng số thiền sinh tham dự khóa tu là 900 người. Có hàng chục nhóm pháp đàm, và có một nhóm dành cho những thiền sinh gốc Hồi giáo. Nhòm này chỉ có 24 người, nhưng ban tổ chức biết rằng số người gốc Hồi giáo tham dự đông hơn thế, bởi vì nhiều vị tránh không muốn cho người khác biết mình là người Hồi giáo.
Ở Nam Dương, người Hồi giáo không bị cấm tham dự vào những sinh hoạt tông giáo khác như ở Malaysia, nhưng các bạn Hồi giáo vẫn dè dặt ít ai muốn chính thức cho biết mình là gốc Hồi giáo bởi vì họ ngại bị giới đồng đạo nhìn họ bằng con mắt nghi ngờ. Trong số những người trẻ tham dự chính thức trong nhóm pháp đàm dành cho người Hồi giáo cũng có vài vị cho đại chúng biết rằng các vị ấy đến tham dự khóa tu mà không dám cho bố mẹ biết, bởi vì bố mẹ nào cũng sợ con mình bỏ đạo mình mà theo đạo khác. Trước buổi pháp thoại cuối của khóa tu, các bạn Hồi giáo đã được mời lên phát biểu về cảm tưởng cũng như về thành quả tu học của mình cho đại chúng biết. Sư cô Diệu Nghiêm và thầy Pháp Duệ là hai vị được đại chúng chỉ định hướng dẫn nhóm pháp đàm này.
Có một cô gái người Hồi giáo sau khi nghe bài pháp thoại sáng ngày 2.10.2010 đã viết thơ cho thầy kể về những nỗi khổ niềm đau của cô. Chắc hẳn là cô đã có nhiều khó khăn với bố mẹ trong quá khứ và đã cảm thấy quá xa cách với bố mẹ, nhưng cuối khóa tu cô đã tiếp xúc được với bố mẹ trong cơ thể của chính mình và đã khôi phục lại được tình thương giữa mình và bố mẹ. Cô nói rằng: nhờ thầy dạy mà cô hiểu ra rằng nếu trong mấy mươi năm qua cô mang nặng khổ đau vì cô đã không hiểu và không thấy được những khổ đau mà bố mẹ cô đã gánh chịu trong suốt đời của họ. Cô rất muốn về nói với bố mẹ những lời mà lâu nay không nói được, đó là Bố mẹ ơi, con khổ và con muốn bố mẹ biết như thế, và xin bố mẹ giúp cho con. Cô nói nếu cô đã khổ đau trong ba mươi năm thì bố cô cũng khổ đau trong tám mươi năm. Cô biết bố cô bị kẹt trong những nỗi khổ niềm đau của ông ấy mà không có khả năng thoát ra được. Nhưng nhờ cô tiếp xúc được với chánh pháp nên cô có thể làm khác hơn bố. Nhờ Thầy mà cô mở lòng ra được. Và cô có thể thương bố, thương mẹ và giúp cho bố mẹ bớt khổ.
Sáng hôm ấy, sau buổi thiền hành, cô đã tham dự thực tập những động tác chánh niệm ngoài trời với đại chúng. Người hướng dẫn thực tập là một vị giáo thọ từ Hoa Kỳ tới. Vào cuối giờ thực tập, cô gặp một người phụ nữ. Bà ta chỉ vào vị thầy đang hướng dẫn đại chúng thực tập và nói với cô: Cô biết không, thầy ấy là con trai của tôi đó. Câu nói biểu lộ sự tự hào của một bà mẹ. Cô thấy đây là một bà mẹ rất hạnh phúc, một bà mẹ có niềm tự hào đối với con trai của mình. Và bỗng nhiên cô ao ước cũng có một bà mẹ như thế. Và cô tự hứa mình sẽ làm một cái gì đó để cho mẹ cô cũng sẽ tự hào về cô như bà mẹ kia đã tự hào về con trai của mình.
Tôi không biết cô đã quyết định sẽ làm gì để mẹ cô có thể sẽ tự hào về cô, nhưng tôi nghĩ có thể ý tưởng xuất gia đã chớm nở trong lòng cô. Tới cuối khóa tu, cô tiếp xúc được với tăng thân Làng Mai, một tăng thân rất đẹp. Các vị trong tăng thân cư xử với nhau như anh em trong một nhà, và cách thức họ làm việc và hành xử với nhau chứng tỏ là họ có nhiều hạnh phúc. Tình huynh đệ là cái hạnh phúc của họ và lần đầu tiên cô thấy được chân tướng và bóng dáng của hạnh phúc chân thật. Và cô đã mở vòng tay ra để ôm lấy bố mẹ và thấy rõ ràng là hạnh phúc đang đứng trước mặt cô.
Tăng thân hạnh phúc vì mọi người trong tăng thân đứng bên nhau như một rừng cây, không ngọn gió nào có thể làm lay chuyển và bật gốc được. Cô biết cô đã tìm ra con đường. Cô kể với thầy là cô đi dự khóa tu này mà không dám cho mẹ cô biết. “Mẹ con đã đi qua bao nhiêu khó khăn cực nhọc để nuôi con lớn lên trong truyền thống Hồi giáo,” và chắc chắn mẹ cô sẽ lo buồn nếu biết cô đi tham dự một khóa tu thiền. Nhưng cô có niềm tin là nếu cô đạt tới hạnh phúc thì cô sẽ biết cách giúp cho mẹ cô có hạnh phúc, dù phía trước còn có bao nhiêu chướng ngại. Cô kết thúc lá thư viết cho thầy bằng câu: “Từ nay trở đi, con sẽ biết chọn lựa để hành động cho đúng, và con chắc chắn sẽ làm hay hơn. Làm như thế cho bố, cho mẹ, cho các em và cho tương lai. Con xin cảm ơn thầy”. Cô đã tìm ra được sự thật. Khi hạnh phúc đã là chân thật thì hạnh phúc của mình cũng là hạnh phúc của bố mẹ.
Nếu mẹ của cô biết được đường hướng của tăng thân Làng Mai thì chắc chắn bà sẽ không còn lo ngại cho cô. Bởi vì chủ ý của Làng Mai không phải là khuyên người ta bỏ đạo gốc của mình để theo đạo Bụt. Làng Mai luôn luôn khuyên mọi người nên giữ đạo gốc, thực tập theo Pháp môn Làng Mai chỉ là để giúp cho mình vượt thắng và chuyển hóa khổ đau, và cũng là để giúp cho mình cắm rễ sâu hơn vào đạo gốc của chính mình.
(chuyển ngữ từ lá thư của Parakan)