Ngày đoàn tụ

13h 10 ngày 11.10, Sư Ông và tăng thân tới phi trường Bangkok. Tới nơi, Sư Ông được mời vào phòng VIP để gặp ngài Viện Trưởng Viện Đại Học Phật Giáo. Ở Thái Lan, đạo Bụt là quốc giáo nên ngài Viện Trưởng cũng có nhiều lính canh để giữ trật tự và không ai được vào nếu không có giấy mời.

Sau khi đàm đạo với ngài Viện Trưởng, Sư Ông có buổi họp báo với khoảng mười ký giả của các đại truyền hình. Những ký giả này được thông báo trước là chỉ được quay phim, chụp hình, nghe Sư Ông chia sẻ vài câu mà không được hỏi gì vì mới đi xa tới nên Sư Ông hơi mệt. Có nhiều thiếu nhi mặc quốc phục đến dâng hoa cho Sư Ông và tăng thân xuất sĩ của Làng Mai.

 

hop bao tai phi truong 5-small 8

 

Rời phi trường, đoàn lên xe về thẳng trung tâm tu học tại Thái Lan tại tỉnh Pak Chong. Đoạn đường từ sân bay tới trung tâm chừng 3 giờ ô tô chạy. Dọc đường, đoàn có dừng lại uống nước dừa và nghỉ ngơi đôi chút. Xe gần tới, Sư Ông nói : “Thầy đang hồi hộp vì sắp được gặp lại các con của thầy.” Câu nói ấy khiến cho vài người cảm thấy khá ngạc  nhiên, vì thương ngày dù khó khăn, gian nguy tới mấy Sư Ông vẫn giữ tâm luôn bình an. Vậy mà hôm nay Sư Ông nói Sư Ông cũng hồi hộp. Điều đó cho thấy Sư Ông đã dành rất nhiều tình thương cho các học trò thân yêu của mình, mà có lúc thầy trò đã tưởng chừng khó lòng gặp lại.

Xe vào cổng đã thấy xa xa đầy nghẹt những dáng áo nâu, ôi những chiếc áo màu nâu thân thương. Các con của thầy. Những người học trò đã kiên cường đứng vững trước những thử thách khốc liệt trong đời tu,  đã trung kiên với lý tưởng làm đẹp cuộc đời với nếp sống đạm bạc và  tình thương không thối chuyển trước bạo lực. Thầy trò cùng nhau vào “thiền đường” ngồi thật yên không nói năng chi để tận hưởng trọn vẹn sự có mặt của nhau. “Thiền đường” có tên là Trời Phương Ngoại, có sức chứa 500 người. “Thiền đường” được quý thầy, quý sư cô làm bằng những cây cột gỗ và lợp lá. Đây là những chất liệu tự nhiên lấy ở quanh nhà chứ không phải mua. Tuy rằng thiền đường không đẹp nhưng rất ấm áp tình anh chị em.

Sau gần 30 phút ngồi yên lặng, Sư Ông mời dân “xứ Cam” nói trước (các sư cô tá túc ở Campuchia). Các sư cô khoe rằng ở đó rất hạnh phúc vì không có các ông áo xanh (công an) chạy quanh chụp hình và hỏi giấy tờ. Kế đến là quý vị tôn đức như Ôn Minh Nghĩa, quý Sư Bà Bồ Đề, Sư Bà Phổ Đà mừng vui chia sẻ niềm hạnh phúc. Sư bà chùa Kiều Đàm nói sau cùng mà rưng rưng nước mắt tủi thân vì thấy đất nước của mình, chùa tổ mình, đồng bào của mình mà mình lại không được trở về. Sư Ông cười và nói rằng : Trong đầu Sư Ông vừa hiện lên câu thơ của cụ Nguyễn Du : “Trời còn để có hôm nay”. Sư Ông rất vui và vô cùng tri ơn chư tổ đã che chở để chúng ta vẫn còn có nhau trong không khí tự do, thân thương hôm nay. Và Người dạy : “nơi nào cũng là nhà, nơi nào cũng là quê hương của mình”.

 

tl1

Cách đây mấy tháng trước khi Sư Ông sang Thái Lan, quý thầy nơi đây đã làm cho Sư Ông một chiếc cốc rất xinh xắn.  Cốc được làm bằng gỗ và lợp lá, có cửa sổ bằng kính. Khi vẫn còn ở Làng Mai, hay tin các thầy làm cốc cho mình, Sư Ông vui lắm. Mỗi lần có các học trò tới Sư Ông thường kể một cách hào hứng : “Ở bên Thái Lan các thầy đang dựng cốc cho thầy đấy con”.

Tại xóm của quý sư cô, Sư Ông cũng có thêm một cái cốc nữa. Chiếc cốc này vốn là một căn nhà ngói cũ của ông Buong Lư cho mượn. Trong này có hai phòng, một phòng dành cho Sư Ông, một phòng dùng để tiếp khách. Dĩ nhiên là chiếc cốc này “sang” hơn chiếc cốc mà mấy thầy làm. Ở đây lại có thêm một chiếc võng được ni sư Đàm Nguyện mua từ Việt Nam qua cúng dường.

Xóm của quý thầy và xóm của quý sư cô cách nhau khoảng 2km. Xóm quý sư cô nằm giữa vườn me và xoài, có một con suối nhỏ rất dễ thương. Bắc qua suối là chiếc cầu sắt sơn màu gỗ. Đại chúng xuất sĩ không đủ chỗ ở trong phòng nên một số đông phải ngủ trong mấy chục chiếc lều vải ngoài trời. Ban đầu “dân cư ” hai xóm là 180 vị, càng ngày, chúng xuất sĩ từ Việt Nam qua càng đông, 200 rồi 250 quý thầy, quý sư cô. Điều kiện vật chất ở đây tuy hơi khiêm tốn nhưng niềm vui và hạnh phúc thì luôn tràn đầy.

(Thanh Bình ghi lại)