Khóa tu tại Hồng Kông của tăng thân Làng Mai

hk6

 

Đóa hoa dâng Bụt

Trong chuyến hoằng pháp ở Á Châu năm nay sư Ông nói rằng: “ thầy đi thăm 5 nước, thầy đã để hết trái tim vào việc giảng dạy như là một đóa hoa dâng lên cúng Bụt. Năm nước là năm cánh hoa dâng lên cúng Bụt và tổ tiên Châu Á.

Cánh hoa thiền tập thứ năm mà Sư Ông dành cúng dường cho chư tổ đã bắt đầu hé cánh tại phi trường Hương Cảng. Khi Sư Ông và tăng thân xuất sĩ bước xuống sân bay đã có Thượng Tọa Tịnh Nhân Giám Đốc Trung Tâm Phật Giáo tại Đại Học Hong Kong, Thượng Tọa Hin Hun, Linh Mục Kwang, Hòa Thượng Minh Cảnh, và hàng trăm vị xuất sĩ đứng đón sẵn và cất tiếng hát bài “Đã về đã tới” bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hoa Quang Thoại  và tiếng Hoa Quảng Đông. Sư Ông được thỉnh về trung tâm Chánh Niệm Tự Tại – một trung tâm chánh niệm của Làng Mai tại Hồng Kông.

 

hk5

 

Triển lãm thư pháp của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh tại Bảo Tàng Viện Đại Học Hồng Kông

Trưa hôm sau, ngày 2 tháng11 2010, Sư Ông và tăng thân ra Viện Bảo Tàng Đại Học Hồng Kông để khai mạc cuộc triển lãm thư pháp của Sư Ông. Cuộc triển lãm này được tổ chức bởi nhiều người, góp công nhiều nhất lá Tiến Sĩ Eva Yuen, chị Therese Khan, Ông Giám Đốc Bảo Tàng Viện Đại Học và Trưởng Phòng Triển Lãm Nghệ thuật của Bảo Tàng Viện Mr Yeung Chun-Tong. Xưa nay, muốn triển lãm tại Viện Bảo Tàng Viện Đại Học HongKong thì phải xin trước mấy năm, nhưng đối với thư pháp của Sư Ông Ban Giám Đốc dành mọi đặc biệt vượt luật để kịp triển lãm trong thời gian Sư Ông có mặt ở HongKong và sẽ kéo dài hai tháng sau đó. Trước lúc khai mạc, tăng thân xuất sĩ niệm Danh Hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, có đệm đàn vĩ cầm của Sư Cô Trai Nghiêm và phong hồ cầm của thầy Pháp Linh, khiến những người có mặt đều rất cảm động. Sư Ông chia sẻ vài lời về sự tu tập của mình khi viết thư pháp: “Trong nghiên mực của tôi, mỗi khi thầy viết thư pháp tôi đều nhỏ vào đó vài giọt trà mà tôi đang uống. Viết nét nào tôi cũng giữ Niệm, Định và Tuệ cho người thưởng thức thư pháp. Viết chữ đầu tôi quán chiếu là tôi vẫn còn sống, chữ tiếp theo tôi quán chiếu là mình đang viết những lời nhắc nhở mọi người về sự tu tập, và những chữ kế tiếp tôi luôn gửi năng lượng cho những người xem thư pháp này.”

 

hk10

 

Tiến sĩ Eva Yuen và chị Therese Khan là những người rất thương kính Sư Ông. Hai vị đã qua Pháp rồi theo bước thầy sang Đức để tham dự khóa tu và thỉnh cầu Sư Ông cho phép tổ chức cuộc triển lãm thư pháp kéo dài hai tháng này. Các vị đã cúng dường giấy, bút cho Sư Ông và xin phép quay phim Sư Ông đang viết thư pháp. Vì vậy, những người tới thăm triển lãm đã có cơ hội được trông thấy những thước phim quay cảnh Sư Ông đang viết thư pháp trong phòng làm việc. Những phóng viên, nhà báo đã tới phỏng vấn rất nhiều quý thầy, quý sư cô để biết thêm về Sư Ông. Đặc biệt, những thị giả của Sư Ông được phỏng vấn kỹ hơn cả là cách Sư Ông thực tập như thế nào mỗi khi Người viết thư pháp. Những bức thư pháp được lồng trong khung kính của viện bảo tàng đã làm tăng giá trị của tác phẩm lên nhiều lần. Viếng thăm Viện Bảo Tàng, đại chúng rất hứng khởi. Thầy Pháp Tử người Indonesia thưa rằng: nhất định tại Indonesia cũng sẽ phải tổ chức một cuộc triển lãm như thế và sẽ hay hơn như thế vì cuộc triển lãm tại Indonesia sẽ có cả tiểu sử về cuộc đời của Sư Ông.

 

Có những bức chỉ là một vòng tròn và có một chữ duy nhất như “Niệm”, “Định”, “Tuệ”, “Thở”, “Cười” viết bằng chữ Hán, tiếng Việt, tiếng Anh… Ngoài ra còn có rất nhiều những chữ quen thuộc về những lời giảng của thầy như: “I have arrived, I am home”, “Be Still and Know”, “Breathe” , “Smile”, “Present Moment Wonderful Moment”, “Happiness is here and Now”. “I know that you are there and I am happy”, Rồi những câu dài như “The tears I shed yesterday have become rain”, “Nước mắt ngày xưa nay đã thành mưa”. Hay là những bài thơ ngắn :

 

Đại trượng phu

Cửa Tùng đôi cánh khép
Một  mũi tên sáng loáng lìa dây cung
Lao vút tới mặt trời nổ tung…
Đầy sân hoa cam rụng
Phảng phất bóng vô cùng.

 

Ngõ Vắng

Qua ngõ vắng
Lá rụng đầy
Tôi theo con đường nhỏ
Đất hồng như môi son bé thơ
Bỗng nhiên tôi cẩn trọng
Từng bước chân đi

hay là bài

 

Beckoning

This morning dawn and I am here,
a cup of steaming tea,
a green lawn,
your sudden image
from long ago
Your hand or the wind ?
Beckoning,
the shining of the trees
new bud, flower, leaf and pebble
all are preaching
the Lotus Sutra

 

Tại triển lãm, Ni Sư Chân Không đã hứng khởi hát cúng dường đại chúng ba bài hát đó đều là những bài thơ của Sư Ông được phổ nhạc.

 

Ngày tu chánh niệm cho những người làm việc quá tải

3.11 có một ngày tu chánh niệm cho những người làm việc quá tải (helping Professionals) như bác sĩ y tá các bệnh viện,.. Vì kẹt xe nên thiền sinh tới trễ, do đó bài pháp thoại được giảng lui lại một tiếng đồng hồ. Đã từng giảng dạy, hướng dẫn khóa tu cho những người thường bị stress về công việc như: giới công an, cảnh sát, giới tâm lý trị liệu, giới doanh nghiệp, … ở đâu Sư Ông cũng dạy rằng mình phải biết chăm sóc cho tâm mình bình an, vững chãi trước rồi mới đối diện được với những bức xúc trong lòng cũng như bên ngoài. Sư Ông dạy phương pháp thiền thở để giúp mọi người tự trở về chăm sóc hải đảo tự thân. Sau đó Người dạy thiền đi, thiền làm việc, thiền ăn, thiền buông thư. Người nhấn mạnh, thiền buông thư rất quan trọng trong đời sống hàng ngày. Ngay sau bài pháp thoại,  mỗi vị thiền sinh được phát một mẩu bánh mì nhỏ ăn trong chánh niệm khoảng 30 phút. Kế đó, Ni Sư Chân Không liền hướng dẫn thiền buông thư khoảng 35 phút để các bạn thiền sinh nếm được lợi lạc của pháp môn này. Buổi chiều thiền sinh được chia làm 4 nhóm đặc biệt: nhóm Doanh Nhân, nhóm Giáo Dục, Nhóm giúp người mắc bệnh nan y hay sắp chết và nhóm học về phương pháp Làm Mới.

 

hk16

 

Khóa tu 1400 người Hồng Kông

Chiều ngày 4/11 có một buổi pháp thoại dành cho 1400 vị thiền sinh, chưa kể 70 vị xuất sĩ trong tăng thân Làng Mai và 10 vị tôn đức từ Việt Nam qua thăm Sư Ông. Những bài giảng của Sư Ông không có gì mới, vẫn là những phương pháp quán niệm hơi thở, phương pháp ái ngữ, lắng nghe, chuyển hóa khổ đau, cuối cùng, Sư Ông giảng về bốn câu thần chú, nhưng quý tôn đức từ Việt Nam qua và thiền sinh đã hết lòng đón nhận, đã ghi chép lại rất kỹ những điều Sư Ông giảng. Ngày cuối, Sư Ông giảng về Niết Bàn và về ba cánh cửa giải thoát : Không, Vô Tướng, Vô Tác. Hàng ngày mình phải thực tập duy trì định Không, định Vô Tướng và định Vô Tác thì mới mong thoát khỏi những tình huống khó xử của mình trong đời sống.

 

Ngày đầu tiên của khóa tu trời đổ mưa, mưa không ngớt suốt đêm ngày, thầy trò đành phải bỏ lỡ một buổi thiền hành. Nhưng xem chừng, mưa có thể kéo dài suốt khóa tu nên ngày thứ hai, Sư Ông quyết định che dù đi thiền hành dưới mưa. Dù lười cách mấy, khi thấy Sư Ông cầm dù đi thiền hành dưới mưa đại chúng cũng trở nên tinh tấn và có cảm hứng đi thiền hành. Hứng thú quá, Thượng Tọa Nguyên Hiền bèn hát một bài do Thượng Tọa mới viết và phổ nhạc. Chưa bao giờ trong tăng thân Làng Mai có cảnh tượng hơn một ngàn người cầm dù đi thiền hành dưới trời mưa như vậy. Hình ảnh vừa hùng, vừa thơ mộng.

 

hk21

 

Buổi chiều cùng ngày, có lễ truyền 14 giới Tiếp Hiện cho 24 vị cư sĩ Hồng Kông. Tên của các vị đều bắt đầu bằng chữ Chân và kết thúc bằng chữ Hương (Hương nghĩa là Hương Cảng, tức Hồng Kông) như: Chân Giới Hương, Chân Tâm Hương,… Nhận xong điệp Hộ Giới, những vị tân Tiếp Hiện được tặng ngay mỗi người một chiếc áo Tiếp Hiện và một cuốn sách của Ni Sư Chân Không.

 

Trong khóa tu này, tăng thân đã tổ chức một buổi ra mắt cuốn sách “Năm mươi năm theo học đạo với Thiền Sư Nhất Hạnh” của Ni Sư Chân Không. Ba dịch giả đã đứng ra đọc những đoạn mà họ tâm đắc nhất, sau đó đại chúng có cơ hội được đặt những câu hỏi với tác giả – Ni Sư Chân Không. Cuốn sách đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận.

Buổi pháp thoại công cộng

hk18

 

Ngày 14.11 diễn ra buổi pháp thoại công cộng tại hội trường HongKong Convention Center, có hơn chín ngàn người tham dự (9000 người). Trước khi bước lên bục giảng, Sư Ông đi rất chậm, rất sát về phía thính chúng cố ý để thính chúng được tiếp xúc với Người thật gần. Số lượng thiền sinh rất đông nhưng rất yên lặng khiến cho năng lượng trở nên cực kỳ hùng tráng.  Quý tôn đức từ Việt Nam qua, chứng kiến cảnh đó cũng phải thốt lên: “Chao ôi, người Hông Kông tu giỏi quá, họ ngồi yên lặng hết lòng lắng nghe không có một tiếng động nào”.

 

Trong khóa tu tại Hồng Kông có cả các vị linh mục và ma sơ  tới tham dự. Sư Ông có dặn dò ngài linh mục Kwang: “Xin cha sử dụng ngôn ngữ Cơ Đốc giáo để dịch giới bản Năm Giới này”. Ngài linh mục Kwang đã tiếp nhận lời nhắn nhủ ấy và quả quyết rằng ngài làm được việc này. Thượng Tọa Năng Tu trụ trì chùa Đại Minh, tại Dương Châu, khi tìm hiểu về Năm Giới mới của Làng Mai thấy Năm Giới hay quá nên quyết định cũng xin thọ Năm Giới. Quý sư cô khi tiếp nhận đơn xin thọ giới của Thượng Tọa thì ngần ngại thưa rằng: Năm Giới chỉ dành cho người tại gia thôi, còn người xuất gia đã có giới của người xuất gia rồi. Nhưng Thượng Tọa trả lời: Năm Giới này hay quá, nó đáp ứng lại được những khó khăn của thời đại vì vậy cứ để cho tôi thọ đi. Linh mục Kwang và một vị Ni Sư cùng với một số Ma Sơ cũng cùng xin thọ nhận Năm Giới chung với các vị cư sĩ.

 

Buổi pháp thoại công cộng đã khép lại chuyến hoằng pháp kéo dài hai tháng rưỡi của Sư Ông và tăng thân Làng Mai. Sự thành công của những khóa tu là một nguồn năng lượng quý giá nuôi dưỡng tăng thân xuất sĩ cũng như cư sĩ. Thầy trò ai nấy đều vui. Đóa hoa đã nở, trái đang kết thành, những hạt giống của hiểu và thương lại tiếp tục được gieo rắc trên mảnh đất Á Châu. Những thành tựu này tăng thân Làng Mai đều xin hướng về cúng dường lên chư Bụt, chư Tổ và hồi hướng tới muôn loài chúng sinh.

 

hk17

 

hk12

hk7

 

hk4

hk3

 

hk2

 

 

hk19

 

hk13