Lễ giỗ Tổ sư Khương Tăng Hội

“Sự nghiệp của thiền sư Tăng Hội rất lớn lao. Nhờ vào những trước tác của thầy, ta biết được hành tướng của sự thực tập thiền tại trung tâm Luy Lâu (Việt Nam) và tại trung tâm Kiến Nghiệp (Trung Quốc) ngày xưa. Tư tưởng Thiền của thầy Tăng Hội là tư tưởng thiền Đại Thừa, đi tiên phong cho cả tư tưởng Hoa Nghiêm và Duy Thức. Tuy nhiên, thiền pháp của thiền sư Tăng Hội rất thực tiễn, không hề để thiền giả bay bỗng trong vòm trời lý thuyết. Căn bản của thiền pháp này vẫn là sự thực tập hơi thở ý thức và pháp quán chiếu về bốn lĩnh vực hiện hữu gọi là tứ niệm xứ và các pháp quán tưởng căn bản đã được nêu ra trong các thiền kinh nguyên thỉ. Nhân cách của thiền sư Tăng Hội là một nhân cách vĩ đại…”

Bàn thờ Tổ Khương Tăng Hội ở giữa, bên trái là bàn thờ Thân mẫu của Sư Ông Làng Mai

Hằng năm, cứ mỗi độ thu về, nhằm ngày rằm tháng chín âm lịch (15/9 AL), anh chị em chúng con thuộc tứ chúng Làng Mai trở về chùa Pháp Vân – Xóm Thượng để cùng có mặt và ôn lại những công hạnh của Sơ Tổ Thiền tông Việt Nam Khương Tăng Hội. Riêng năm nay, Lễ giỗ được tổ chức tại xóm Mới, vào ngày chủ nhật ngày 20/10 vừa qua. Tứ chúng Làng Mai đã có mặt bên nhau trong bầu không khí ấm áp và trang nghiêm để cùng tưởng nhớ đến Sư Tổ. Ngày này cũng là ngày giỗ Thân mẫu của Thầy chúng con (Sư Ông Làng Mai).

Một vài nét về Tiểu sử và công hạnh của Tổ Tăng Hội

Thiền sư Tăng Hội là Tổ sư của Thiền tông Việt Nam. Thân phụ của thầy là người Khương Cư (Sogdiane, Bắc Ấn), mẹ thầy là người Việt. Khi thầy mới hơn mười tuổi thì cả cha và mẹ đều qua đời. Sau tang lễ, thầy xuất gia và tu học rất tinh tiến.

Thầy Tăng Hội là một mẫu người lý tưởng cho giới xuất gia thời đó, bởi vì ngoài Phật học, thầy còn tinh thông Nho học, Lão học và những khoa học khác như đồ vỹ, thiên văn, địa lý, v.v.

Thầy đã thiết lập đạo tràng, huấn luyện đồ chúng và phiên dịch kinh điển tại Giao Chỉ. Tại đây, thầy Tăng Hội đã viết bài tựa cho Kinh An Ban Thủ Ý, cũng như biên tập Lục Độ Tập Kinh. Trung tâm hành đạo của thầy có thể đã được thiết lập ở chùa Diên Ứng, còn gọi là chùa Dâu hay chùa Pháp Vân, ở thủ phủ Luy Lâu, tức phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Thầy Tăng Hội đã sử dụng những kinh căn bản về thiền tập như kinh Quán Niệm Hơi Thở và đã dạy cho mọi người thực tập những kinh điển nguyên thỉ về thiền theo phương thức thực tập của đại thừa. Nội dung thực tập mà thầy Tăng Hội dạy là phép an ban thủ ý. An ban thủ ý là phép quán niệm hơi thở, và hơi thở được thực tập chung với bốn lĩnh vực quán niệm là tứ niệm xứ.

Không những là Sơ Tổ của Thiền tông Việt Nam, thiền sư Tăng Hội còn là người đầu tiên đem thiền học phát huy ở Trung Hoa, vì vậy thầy cũng là Thiền tổ của Trung Hoa. Khoảng giữa thế kỉ thứ 3, thầy đã sang nước Ngô để dạy thiền. Trong Cao Tăng Truyện có ghi rõ là khi thầy Tăng Hội sang nước Ngô thì bên đó chưa có tăng sĩ Phật giáo. Chính thầy Tăng Hội đã tổ chức đàn truyền giới đầu tiên cho những người Ngô trở thành những vị xuất gia đầu tiên. Ngôi chùa mà thầy Tăng Hội thành lập có tên chùa Kiến Sơ – ngôi chùa đầu tiên, tại Kiến Nghiệp, kinh đô nước Ngô.

Sự nghiệp của thiền sư Tăng Hội rất lớn lao. Nhờ vào những trước tác của thầy, ta biết được hành tướng của sự thực tập thiền tại trung tâm Luy Lâu (Việt Nam) và tại trung tâm Kiến Nghiệp (Trung Quốc) ngày xưa. Tư tưởng Thiền của thầy Tăng Hội là tư tưởng thiền Đại Thừa, đi tiên phong cho cả tư tưởng Hoa Nghiêm và Duy Thức. Tuy nhiên, thiền pháp của thiền sư Tăng Hội rất thực tiễn, không hề để thiền giả bay bỗng trong vòm trời lý thuyết. Căn bản của thiền pháp này vẫn là sự thực tập hơi thở ý thức và pháp quán chiếu về bốn lĩnh vực hiện hữu gọi là tứ niệm xứ và các pháp quán tưởng căn bản đã được nêu ra trong các thiền kinh nguyên thỉ.

Nhân cách của thiền sư Tăng Hội là một nhân cách vĩ đại. Ta chỉ cần đọc bài kệ mà Tôn Xưng, một người trí thức trong hoàng gia Đông Ngô đề lên tranh tượng của thầy sau đây thì đủ thấy được nhân cách ấy:

Lặng lẽ, một mình,
đó là khí chất
tâm không bận bịu
tình không vướng mắc
đêm đen soi đường
lay người thức giấc
vượt cao, đi xa
thoát ngoài cõi tục.

Nguyện nắm giữ và bồi đắp không ngừng gia tài tâm linh của chư Tổ

Chúng con thành kính tri ân

“Chúng con ý thức được cây có cội, nước có nguồn. Chúng con biết Bụt và các thế hệ tổ sư là cội nguồn của chúng con và chúng con là sự tiếp nối của liệt vị. Chúng con nguyện tiếp nhận tuệ giác, từ bi và an lạc mà Bụt và chư tổ đã trao truyền; nguyện nắm giữ và bồi đắp không ngừng gia tài tâm linh quý giá ấy.

Chúng con nguyện tiếp tục thực hiện chí nguyện độ sinh của liệt vị, nguyện chuyển hóa những khổ đau trong chúng con, giúp được người đương thời chuyển hóa những khổ đau của họ và mở ra cho các thế hệ tương lai những pháp môn thích hợp có khả năng giúp họ đem đạo Bụt áp dụng được vào trong mọi lĩnh vực của sự sống…”

Đó là lời khấn bạch mà tứ chúng Làng Mai đã dâng lên chư Tổ trong ngày giỗ Tổ sư Khương Tăng Hội và giỗ thân mẫu của Thầy chúng con.

Trong bài pháp thoại buổi sáng, sư cô Từ Nghiêm (người Mỹ) đã chia sẻ với đại chúng, trong đó có các bạn thiền sinh đến Làng tu học, về phương pháp thực tập mà Tổ Tăng Hội đã dạy cho mọi người từ thế kỷ thứ III, đó là phương pháp quán niệm hơi thở và tứ niệm xứ – đây cũng là phương pháp thực tập căn bản mà tứ chúng Làng Mai đã và đang thực tập trong bao nhiêu năm qua. “Ngày xưa khi tôi nắm được kinh Quán Niệm Hơi Thở thì giờ phút đó giống như tôi bắt được bảo bối. Tôi cảm thấy rất vui mừng, rất hạnh phúc. Tại sao? Tại vì hồi chúng tôi còn nhỏ, các thầy không trao truyền lại, các thầy không dạy. Trong khi đó thì đây là một kinh hết sức căn bản và quan trọng của thiền tập.– đó là lời chia sẻ của Thầy Làng Mai.

Sau lễ giỗ, đại chúng được ngồi ăn cơm vòng tròn trong thiền đường như một gia đình. Ai cũng ý thức rằng Tổ Tăng Hội và thân mẫu của Thầy chúng con cũng đang có mặt và ăn cơm im lặng cùng với con cháu trong giờ phút này. Chắc chắn là Tổ và mẹ của Thầy chúng con rất lấy làm hạnh phúc khi thấy con cháu ngồi với nhau, ăn cơm với nhau và xây dựng tình huynh đệ.

 

Chia sẻ về công hạnh của Tổ Tăng  Hội và Thân mẫu của Thầy chúng con

 

Tứ chúng Làng Mai trong ngày giỗ

 

Lễ dâng trà cúng dường

 

Các bài liên quan khác:

– Cảm niệm Sơ tổ Thiền tông Việt Nam>>

– Thông bạch của Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh về thiền sư Khương Tăng Hội >>

– Sách Thiền sư Tăng Hội >>

– Sách Việt Nam Phật giáo sử luận >>

– Kinh Quán Niệm Hơi Thở >>

– Nhạc Thiền sư Khương Tăng Hội >>