Từ Hoa Xương Rồng đến Hơi Thở Nhẹ
Từ Hoa Xương Rồng đến Hơi Thở Nhẹ
(Ghi lại của Chân Linh Nhĩ cùng vợ Chân Bảo Nguyện và các con Chân Tịnh Bi, Chân Hỷ Tuệ, Tâm Bi Lực)
Mới – cũ có trong nhau
Cha tôi, thuở sinh thời, thường nói «Ôn cố tri tân» để nhắc nhở con cái đừng quên cái cũ khi có cái mới vì cái mới liên quan mật thiết đến cái cũ, trong cũ có mới, trong mới có cũ, cũ mới tương tức với nhau.
Nhìn sâu vào thiền đường Hơi Thở Nhẹ được xây cất cách đây không bao lâu, chúng ta cũng thấy cái mới trong cái cũ, nhận diện ra được thiền đường Hoa Quỳnh. Thiền đường này đã trải qua bao nỗi thăng trầm, ba lần thay tên, thoạt tiên là Hoa Xương Rồng, rồi đổi thành Hoa Quỳnh, nay là Hơi Thở Nhẹ.
Thiền đường Hoa Xương Rồng, trước đây do nhóm thiền sinh Chân Thể, Chân Quán cùng các bạn có công tìm ra. Sư Ông thấy đây là một địa điểm tốt, ở ngoại ô Paris, thuận tiện cho việc giao dịch với các nơi khác ở châu Âu, bên cạnh lại có dòng sông Marne rất đẹp, đem lại nhiều an lạc khi đi thiền hành nên Sư Ông đã quyết định mua vào năm 1985. Năm sau 1986, Sư Ông tổ chức Đại Hội Hành Tinh Xanh, ở rạp Maubert Paris để gây quỹ tu bổ lại thiền đường. Nhưng đơn xin phép bị từ chối vì thiền đường ở gần một di tích lịch sử (Nymphée 10 Allée de la Grotte) trong phạm vi 500m, cần phải thông qua ý kiến của kiến trúc sư đoàn Pháp (Architectes des bâtiments de France). Bây giờ, do tình trạng thiền đường bị xuống cấp, không còn khả năng sửa chữa lại được, nên mới có giấy phép xây cất lại. Đúng là Hoa Xương Rồng phải chờ Hơi Thở Nhẹ mới có tiếp nối.
Sinh hoạt khoảng hơn một năm, nhóm thiền sinh đầu tiên đã có tri giác sai lầm với Làng làm cho sinh khí của thiền đường bị tổn thương. Sau đó họ bỏ đi, Hoa Xương Rồng không có người tới lui nên đã có những người lạ vào ở. Khi bắt gặp những người này, chúng tôi đã mời họ đi và thay phiên nhau cuối tuần tới giữ thiền đường. Ít lâu sau, Làng cử thầy Giác Thanh lên làm trụ trì. Thầy có tổ chức ngày chánh niệm hằng tháng nhưng số người tham dự không đông lắm, có lần chỉ có ba cha con tôi hiện diện là Quỳnh Hương, Quỳnh Lan và tôi. Tôi ca cẩm tình trạng này thì Thầy nói: «Hữu xạ tự nhiên hương. Vàng thiệt không sợ lửa, mình đâu cần quảng cáo». Rất tiếc hương thơm không được gió thoảng đưa đi, vàng tốt lại dấu kín trong hóc xó, chẳng khác gì sen nếu luôn luôn ẩn tàng dưới bùn, không biểu hiện trên mặt nước thì làm sao mọi người biết được.
Nhân một chuyến phái đoàn Làng Mai lên Paris, có người đề nghị nên đổi tên thiền đường. Sư Ông nhìn về phía Quỳnh Hương rồi nói, nay đã có hương của hoa quỳnh, cần gì tìm ở đâu xa! Sư cô Chân Không, nguyên trước là giảng viên trường Đại Học Khoa Học ở Việt Nam, phụ trách môn thực vật, tiếp lời Sư Ông: «Hoa quỳnh cũng cùng một họ với hoa xương rồng mà!». Thiền đường mang tên Hoa Quỳnh từ đó. Tuy nhiên, để cho nhiều người biết đến tu tập, chúng tôi đã cố gắng tiếp xúc với nhiều Phật tử, đặc biệt là những vị đã về Làng, xin số điện thoại và mời họ đến tham dự ngày chánh niệm.
Ba thế hệ cùng chung một nhà
Thỉnh thoảng khi có việc đột xuất, Sư Ông lên Paris, Sư cô Chân Không hay gọi điện thoại cho chúng tôi, nhắn dẫn các cháu đến thiền đường chơi với Sư Ông. Có lần Quỳnh Hương đi trại hè chưa về, chúng tôi chỉ dẫn theo Quỳnh Lan khi ấy mới vừa ba tuổi. Cháu được Sư Ông gọi vào túp lều cắm ở ngoài vườn rồi hai ông cháu đọc thơ cho nhau nghe, rất tương đắc, rất thân mật; căn lều tuy nhỏ bé nhưng tràn ngập tình thương. Trưa hôm đó tôi ngồi cạnh Sư Ông và được Sư Ông gắp cho đồ ăn. Tôi cảm thấy đôi đũa của Sư Ông giống như đôi đũa thần trong truyện cổ tích Pháp. Món ăn giản dị qua đôi đũa của Sư Ông lại trở thành món ăn trân quý, chỉ cần thưởng thức một lần là mấy chục năm sau vẫn chưa quên.
Số người tới tu tập từ từ lên được hơn hai chục, chúng tôi xin Làng giúp đỡ vì thầy Giác Thanh, do sức khỏe suy yếu, không còn ở Hoa Quỳnh nữa. Làng phái hai vị xuất sĩ mỗi tháng lên hướng dẫn cho tăng thân Việt – Pháp thực tập. Ngày chánh niệm cho người Việt được tổ chức vào Chủ nhật cuối tháng, còn cho người Pháp vào Chủ nhật và thứ Hai. Thời khóa biểu ngày chánh niệm Việt – Pháp lúc đó vẫn không thay đổi so với bây giờ, cũng bắt đầu từ 9 giờ và chấm dứt lúc 17 giờ. Ngày tu tập, đối với tăng thân Việt, bắt đầu bằng lễ dâng hương, ngồi thiền, tụng kinh, tụng giới, nghe pháp thoại, thiền hành và ăn cơm trong chánh niệm. Buổi chiều dành cho thiền buông thư, thiền trà và pháp đàm.
Đưa về văn hóa quê hương
Chủ nhật đầu và Chủ Nhật tuần thứ ba của tháng có lớp học tiếng Việt do anh Chân Phong tổ chức với sự cộng tác của một số phụ huynh học sinh trong đó có chúng tôi nhưng chỉ tham gia lúc đầu, sau đó chúng tôi tạm ngưng để dành thì giờ cho ngày chánh niệm người Việt. Thời khóa biểu của lớp học cũng giống như thời khóa biểu ngày chánh niệm, nghĩa là bắt đầu từ 9 giờ và chấm dứt lúc 17 giờ. Buổi sáng có tụng kinh, tụng giới, đặc biệt là có tụng giới thiếu nhi; còn buổi chiều mới dạy tiếng Việt. Lớp tiếng Việt có hai trình độ, vỡ lòng và biết đọc, biết viết. Lịch sử Việt Nam cũng được dạy xen kẽ với bài học tiếng Việt. Hằng năm đều có những tổ chức như ở Làng, Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán để cho các cháu hưởng được không khí của những lễ hội này như ở quê nhà, đồng thời giúp các cháu hiểu thêm cội nguồn văn hóa của dân tộc. Ngoài ra nhờ có tụng giới thường xuyên hai lần mỗi tháng, người lớn và các cháu nhỏ đều được nuôi dưỡng về tâm linh, vì thế các cháu nhỏ tỏ ra rất ngoan và lễ phép.
Các sinh hoạt này kéo dài đến lúc thiền đường xuống cấp, không phải một lần mà hai lần. Lần đầu thì nhẹ, chị Minh Tri đã khéo léo điều đình với hãng bảo hiểm nhà đất, yêu cầu họ đài thọ công tác sửa chữa những chỗ hư hỏng, chi phí lên đến hơn trăm ngàn Euros nhưng mình không phải trả một xu nào cả. Lần thứ hai thì trầm trọng hơn, tường nhà bị rạn nứt nhiều, có thể sập bất cứ lúc nào; cửa ra vào không đóng được. Đã có người lạ mặt vào thiền đường đốt phá. Hồ cá lớn ở giữa vườn cũng bị hư hại nặng, không còn chứa nước được. Tội nghiệp cho bầy cá trong hồ mắc phải tai nạn này, trong đó có con cá rất lớn giống cá tây tượng, đã sống nhiều năm. Chúng tôi gọi cá này là cá trụ trì vì hồ cá đã có lâu năm, trước khi Làng mua. Mỗi khi lên thiền đường, Sư Ông thường ra vườn ngắm cá và cho cá ăn. Tôi cảm thấy chúng ăn rất yên lặng, có chánh niệm hơn mình nhiều, chúng bơi lội tung tăng rất ngoạn mục, tôi tự hỏi không biết Sư Ông có ban vài lời pháp cho chúng không, sao mà chúng sung sướng hạnh phúc thế.
Thiền đường bị xuống cấp là do xây cất trên một miếng đất chuyển (terrain glissant). Có lẽ trước đây, nhà thầu không dự trù làm nền móng vững chắc theo đúng yêu cầu, nên khi hạn hán kéo dài, đưa đến tình trạng trầm trọng như thế, không thể sửa chữa lại được, cũng không thể bảo đảm an ninh cho mọi sinh hoạt. Có người đề nghị bán thiền đường rồi đi mua ở chỗ khác nhưng Sư Ông rất thích địa điểm này nên không đồng ý bán. Trong khi chờ đợi một giải pháp thích nghi, rất may có ông Cấp Cô Độc người Mỹ đã cúng dường cho Làng sáu trăm ngàn đô (600.000 USD), cộng thêm tiền bán Phương Vân Am mới đủ tiền xây cất lại thiền đường.
Thiền thất Thanh Lương
Trong thời gian chờ đợi địa điểm sinh hoạt mới, ngày chánh niệm cho người Việt tạm thời dời về thiền thất Thanh Lương, tên này do thầy Pháp Ấn đặt cho phòng thiền ở nhà chúng tôi tại Aulnay-sous-Bois, thuộc ngoại ô phía Bắc Paris. Công việc xây dựng tăng thân, mời các thiền sinh đến cùng nhau tu tập cũng lắm nhiêu khê. Mặc dầu đã thông báo chương trình ngày chánh niệm từ nhiều tháng trước, lại phải gọi điện thoại nhắc nhở hằng tháng và chuẩn bị chu đáo về phần ẩm thực, vậy mà người tham dự không mấy khi đầy đủ. Những lần đông thì hơn hai mươi người, một đôi khi chỉ có độ mười người mà hết năm thành viên là của gia đình tôi nên Huy được có cơ hội thỉnh mõ, Quỳnh Lan thỉnh chuông, mẹ xướng kệ. Tôi thấy chuông mõ rất ăn nhịp với nhau vì hai cháu đã học nhạc nhiều năm, thường chơi đàn chung nên chuyển qua chuông mõ không gặp trở ngại chi lắm! Buổi lễ tuy ít người nhưng không kém phần ấm cúng, trang nghiêm. Phải chăng thiếu sự có mặt của các vị xuất sĩ nên không được nhiều người hưởng ứng?
Điều đáng khích lệ là vài cư sĩ lão niên, ngoài 80 tuổi như ba thầy Pháp Liệu, thầy Toàn, bà Hiển, bác Diệu Chơn, mẹ anh Phạm Phi Long (Chân Linh Đan) thỉnh thoảng đến tham dự ngày chánh niệm ở thiền thất Thanh Lương nhưng tỏ ra rất thích nơi này vì sau buổi tụng kinh, nghe pháp thoại, ăn cơm, nếu cảm thấy không khỏe, các vị có thể qua phòng kế bên nghỉ ngơi, hoặc mùa Hè thì ra vườn nằm võng. Một bầu không khí gia đình, thoải mái, ấm cúng mà các vị đó không thấy ở nơi tu tập khác.
Ngày nay những thiền sinh thường xuyên đến sinh hoạt ở thiền thất Thanh Lương, đều là những thành phần nồng cốt, đa số đã thọ giới Tiếp Hiện.
Đối với thiền sinh người Pháp, chị Minh Tri đã phải mướn một cơ sở của các bà phước ở Evry để tổ chức ngày chánh niệm mỗi tháng như khi còn ở thiền đường Hoa Quỳnh. Làng vẫn tiếp tục cử hai vị xuất sĩ lên hổ trợ ngày tu tập này. Số thiền sinh Pháp tham dự đông đảo hơn thiền sinh Việt ở thiền thất Thanh Lương, mặc dầu khi đến tu tập, mỗi thiền sinh phải đóng mười Euros và đem theo phần ăn cá nhân. Rất tiếc, chúng ta chỉ thấy một số ít thiền sinh Pháp này trở lại Hơi Thở Nhẹ, còn những người khác, dường như đã thành lập từng nhóm nhỏ tu tập ở nhà. Tuy nhiên nếu cả hai nhóm thiền sinh Pháp – Việt cũ và mới hiện diện đầy đủ, thiền đường bây giờ cũng không có khả năng chứa hết.
Lớp học tiếng Việt phải giải tán vì không tìm được địa điểm thích hợp. Bây giờ phần lớn các cháu đã trưởng thành, học hành thành đạt, có công ăn việc làm vững chắc, cũng có cháu đã lập gia đình và có con. Chỉ còn hai học sinh cũ vẫn trở lại sinh hoạt ở Hơi Thở Nhẹ, đó là hai cô gái họ Dương, Quỳnh Hương là chị, em là Quỳnh Lan. Trong tương lai, nếu có điều kiện, chúng ta nên mở lại lớp tiếng Việt ở Hơi Thở Nhẹ để chăm sóc và nhắc nhở các cháu cần biết tiếng mẹ đẻ mới không quên gốc rễ cội nguồn.
Bên nhau đoàn tụ
Ở thời điểm Sư Ông vừa mua được thiền đường Hoa Xương Rồng vào tháng 9 năm 1985, cháu Quỳnh Hương và mẹ mới được tôi bảo lãnh từ Việt Nam qua Pháp. Mẹ cháu, cô Bảo Nguyện, vốn quen sư cô Chân Không cách đây hơn bốn chục năm, đã từng dấu trong nhà mình cả hai ngàn cuốn sách «Hoa sen trong biển lửa» của Sư Ông, một ấn phẩm bị cấm thời đó và đã từng cùng Sư cô đi chôn xác chết, cứu trợ những nạn nhân giữa lằn đạn của hai phía vào năm Tết Mậu Thân 1968.
Sư Cô đã mau chóng nối lại liên lạc với người cộng tác cũ, mời họp mặt tại thiền đường mới, tạo cơ duyên cho tôi gặp vị thiền sư khả kính này lần đầu tiên. Hôm Chủ nhật đó, tôi ngồi cạnh kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng nên tôi được biết trước đây bác đã có công trùng tu lại Chùa Một Cột ở Hà Nội bị chiến tranh tàn phá. Sau đó, bác nhận được tờ giấy khen và dùng giấy này làm thông hành đi Hải Phòng rồi xuống tàu vào Nam đoàn tụ với gia đình.
Bác Lăng cũng là người vẽ lại họa đồ Chùa Một Cột mà Sư Ông muốn xây dựng ở Làng. Họa đồ này vẫn còn lưu trữ tại Xóm Thượng. Nhưng khi nghe tin miền Trung bị bão lụt, Sư Ông đề nghị đem hết khoản tiền đã dự trù để xây Chùa Một Cột gửi về nước giúp đỡ đồng bào bị thiên tai. Thế là không có Chùa Một Cột ở Làng nhưng vẫn có Chùa Một Cột trong lòng những nạn nhân bão lụt, trong lòng một số xuất sĩ và cư sĩ am tường về chuyện này.
Duyên Thầy trò
Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Sư Ông đã đánh động tâm can tôi qua bài giảng trong sáng, thực tế, dễ hiểu, giúp tôi thấu triệt được một phần nào tinh ba của đạo Phật. Tôi nhận ra đây chính là vị minh sư mà mình hằng mong ước. Sư Ông là một bậc cao tăng uyên bác, giỏi thơ văn, triết học, ngoại ngữ Anh và Pháp, đồng thời cũng là một nhà sư phạm tài ba. Tôi có một anh bạn, nguyên là giáo sư triết học, đã nói với tôi là anh mơ ước kiếp sau sẽ có được tài năng như Sư Ông. Tôi cười và thầm nghĩ «đúng là nghèo mà ham». Nếu mai sau Sư Ông trăm tuổi, cả một hội đồng giáo thọ, mỗi người một khả năng, chưa chắc đã hoàn toàn thay thế Người được!
Tôi vốn xuất thân từ một gia đình trước đây chỉ biết thờ cúng ông bà. Nhưng chị lớn tôi, sau khi đi tu theo dòng Nữ tu sĩ bác ái, đã kéo theo đạo Chúa hai cô em gái tôi và cha mẹ tôi lúc cuối đời. Có lẽ cha mẹ tôi đã cảm động vì sự giúp đỡ của nhà dòng sau biến cố 1975 và sự chăm sóc nhiệt tình của Cha bề trên dòng Chúa Cứu Thế, bạn học với em rể tôi. Anh cả tôi bị bịnh dai dẳng cũng ngả theo Ki tô giáo, như chú em tôi đã lấy vợ đạo này. Nhà tôi có mười hai thành viên, nay quá phân nửa đeo thánh giá, tôi nghĩ mình cần khuyến khích anh em đọc cuốn «Bụt và Chúa là anh em», mới mong hiểu nhau hơn. Cha tôi, trước đây rất kính trọng ngài Thiều Chửu, đã từng gửi tôi tới học trường của ngài ở ngoại ô Hà Nội. Hồi còn trẻ, ngài đã viết báo đả kích chế độ thực dân Pháp nhưng sau đó, ngài chuyển hướng qua nghiên cứu đạo Phật, dịch kinh, viết sách, lập trường học nhằm đào tạo những công dân tốt để sau này phục vụ đất nước. Học sinh gồm các cậu bé, tuổi từ 6 đến 12 phải tự làm mọi việc như người lớn: nấu nướng, dọn dẹp, xách nước, chùi cầu tiêu, đổ thùng vệ sinh và canh tác để tự túc. Mỗi ngày chỉ ăn hai buổi sáng và trưa, mỗi buổi được ba bát cơm rau, nhưng nếu vô ý làm bể chén thì sẽ bị phạt giảm phân nửa khẩu phần. Có lẽ vì thế, các cậu bé ăn rất chánh niệm, biết trân quý từng hạt cơm, từng cọng rau. Trước khi ăn, các cậu bé phải đồng thanh quán nguyện: «Ăn để mà sống, sống cho đàng hoàng. Tự tay làm lấy, ăn không bẽ bàng.» Trước khi đi ngủ, tất cả phải đứng trước bàn thờ tổ quốc đồng nguyện: «Trước bàn thờ tổ quốc, chúng con xin tâm nguyền. Tổ quốc có giàu mạnh, chúng con mới ngủ yên». Ăn xong, chén ai nấy rửa, giống như ở Làng! Ngài Thiều Chửu đã đi trước Sư Ông nhưng không gặp thời. Ngài mới đặt những bước chân đầu tiên, còn Sư Ông thì đã tiến rất xa.
Trường chúng tôi hoạt động chưa quá sáu tháng thì được tin quân Pháp chuẩn bị tấn công Hà Nội. Mẹ tôi tới trường đón tôi chạy về quê, làng Hòa Loan gần làng Thổ Tang, quê hương của Nguyễn Thái Học, bây giờ thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Trước đây cha tôi có đôi chút dính líu với nhà cách mạng này nên phải lánh nạn vào Nam rồi kết duyên với mẹ tôi. Ngài Thiều Chửu dẫn số học sinh còn ở lại trường cùng một số đệ tử tại gia đi sơ tán qua nhiều nơi, như Sơn Tây, Việt Trì, Vĩnh Yên, Thái Nguyên… Tới đâu thì trồng tỉa, lập trường học tới đấy; cuộc sống thật vất vả, cực khổ nhưng ngài luôn được mọi người nể phục. Sau đó, có phong trào cải cách ruộng đất, ngài bị chính quyền buộc tội thuộc thành phần tư sản trí thức, dùng đạo Phật mê hoặc đệ tử và dân chúng. Một buổi sáng sớm kia, ngài Thiều Chửu ra bờ sông, ngồi thiền, tụng kinh rất lâu rồi gieo mình xuống nước, đem tấm thân trong sạch, thanh tịnh cúng dường Tam Bảo.
Nếu tôi không gặp Sư Ông, tôi có thể nghe lời chị tôi, hướng về nước Chúa thay vì tìm đến bờ giác. Trước đây, tôi hiểu đạo Phật rất nông cạn, cho đó là đạo yếm thế, dạy người diệt lục dục, thất tình, làm lành, lánh dữ. Tôi rúng động khi nghe Sư Ông nói chỉ cần nhìn sâu vào bản thân thì đã thấy mình có biết bao điều kiện hạnh phúc. Vì mình vô minh nên không nhận ra được, như có tứ chi khỏe mạnh, gan, tim, phổi không có vấn đề… Trái tim của mình làm việc, ngày đêm không nghỉ, thế mà mình không biết cám ơn, lại còn làm hại bằng rượu chè, ăn chơi trác táng.
Khi đã thấu triệt một vấn đề, mình cũng có thể suy diễn để thông suốt nhiều vấn đề khác! Chính nhờ Sư Ông mà tôi ngộ ra được là hạnh phúc không phải tìm ở đâu xa, ngay như việc giản dị là cả gia đình đoàn tụ, cùng ngồi ăn cơm chung ba bữa mỗi ngày, không phải ai cũng có thể làm được, mặc dầu giàu có, tiền bạc dư dả. Vợ chồng chúng tôi may mắn có khả năng này vì cả hai đều làm việc ở nhà, chồng bán báo, vợ may cà vạt (khi ở quê nhà cả hai chúng tôi đều là nhà giáo). Nhiều lần, sau khi ăn tối xong, cha mẹ, con cái cùng lên giường nằm, kể chuyện vui, cười giỡn, thật hạnh phúc. Cháu Huy, lúc đó mới ba tuổi, cũng cảm nhận được điều này nên đã ngây ngô nói: «Mai mốt lớn lên đi làm, Huy sẽ mua cho bố mẹ một cái giường thật lớn để cả nhà nằm cho sướng.»
Tôi cũng thực tập theo lời dạy của Sư Ông khi về Việt Nam thăm mẹ. Mỗi lần tôi về được một tháng ba tuần đầu tôi ở nhà với mẹ, tuần chót, tôi mới đi tiếp xúc các bạn thân. Khi mẹ tôi còn khỏe, tôi đã mời họ về nhà đãi ăn để mẹ tôi sung sướng trổ tài làm bếp. Trong số khách mời có nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đồng nghiệp của tôi ở Cao Đẳng Sư Phạm. Mẹ tôi rất thích đọc truyện ngắn của ông. Mẹ mất đã gần ba năm, ở tuổi 97 nhưng tôi không nuối tiếc nhiều vì đã làm tròn một phần nào bổn phận làm con.
Tôi cũng không quên lời Sư cô Chân Không khuyến cáo khi gặp gỡ chúng tôi và cháu Quỳnh Hương lần đầu ở Hoa Xương Rồng: «Coi chừng con của các em đó. Nó đang ở với mình mà mình đánh mất nó lúc nào không hay.» Cho nên bằng mọi giá, chúng tôi cố gắng gửi con cái về Làng mỗi dịp Hè để các cháu có dịp gần Sư Ông và tăng đoàn ngay từ nhỏ.
Các cháu được tham dự những lễ hội như giỗ Tổ Tiên, tết Trung Thu, lễ Bông Hồng cài áo… Qua các lễ hội này, các cháu hiểu rõ hơn các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà mình cần phải bảo tồn và phát huy. Nhờ vậy mà ba cháu đã cố gắng trau dồi tiếng Việt với sự giúp đỡ của các thầy, các sư cô và bố mẹ. Quỳnh Hương làm nhiều người cảm động khi đọc lá thư của mình viết cho bố trong buổi lễ Bông Hồng cài áo năm 2006. Quỳnh Lan cũng từng gây ngạc nhiên không kém khi cống hiến cho tăng thân những bài dân ca hay những bài thơ của Sư Ông. Huy tuy mới ba tuổi cũng rán trệu trạo đọc bài thơ Mỗi năm hoa đào nở… của Vũ Đình Liên.
Đưa đón cũng là tu
Riêng tôi, từ khi anh Cao Thái về Việt Nam cưới vợ và ở lại quê hương, tôi thừa hưởng thêm phần công tác của anh trong việc đưa đón các thầy, các sư cô từ phi trường đến ga xe lửa TGV để về Làng hoặc ngược lại. Qua quá trình làm công việc này, tôi mới nhận thấy đây cũng là một phép thực tập như Sư Ông thường nhắc nhở «rửa chén, quét nhà trong tỉnh thức cũng là một cách tu». Đưa đón tuy dễ dàng nhưng cũng có lắm nỗi nhiêu khê! Máy bay từ Việt Nam thường đến trước sáu giờ sáng nên tôi phải dậy thật sớm để đến phi trường. Có khi tôi phải chờ đợi hai, ba giờ mà không gặp ai vì lý do Làng cho sai ngày hoặc trục trặc xe cộ, tôi đến trễ mà người được đón lại không kiên nhẫn chờ. Có khi các thầy các cô về nước đem hành lý quá tải, tôi phải xách về nhà hai, ba chục ki lô, chuyển từ RER qua buýt, nhiều lần, tay chân muốn rụng rời! Có lúc thì đã quá 10 giờ đêm rồi mà còn nhận điện thoại đi phi trường lãnh hành lý dư ký lô, mà tôi không thể từ chối được vì các thầy các cô đã cầu cứu nhiều nơi không được đáp ứng! Tôi không khỏi cười thầm mỗi khi nhấc điện thoại nghe thầy Pháp Lữ «ca cẩm» điệp khúc :«Mỗi lần gọi anh là tôi mắc cỡ vì chỉ nhờ cậy mà thôi». Tôi muốn chọc quê thầy: «Như vậy thì thầy đừng gọi thì tốt hơn!» nhưng tôi tự cảm thấy mình không dễ thương nên sửa lại: «Thầy đừng ngại, cứ cho biết đi, trâu già chẳng nệ dao phay».
Khi đi viếng thăm trung tâm Làng Mai ở Thái Lan, cô Bảo Nguyện đã gặp cô Xuân và cô Ngân. Hai cô này than là muốn gửi sách của Sư Ông qua Làng nhưng lại không có người nhận ở Pháp (in ở Việt Nam rất rẻ tiền so với sách in ở nước ngoài). Thế là đệ nhị thân của tôi nhanh nhẩu thầu thêm công tác này cho tôi. Việc chuyển sách qua Pháp đã được một số cô tiếp viên Vietnam Airlines, đệ tử Thầy Lệ Trang phát tâm cúng dường. Tuy nhiên đi lãnh sách chẳng phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Nhiều khi đi không lại trở về không nhưng vừa bước vào nhà, tưởng là «đã về, đã tới», còn bị gọi giật ngược trở lại phi trường lãnh hàng. Đúng là cũng do cái nghiệp xưa dạy «cao đẳng», nên bây giờ phải đi tới đi lui, mới bị «cẳng đau».
Thôi thì chỉ biết cười mà nhớ đến bức thư pháp của Sư Ông do cháu Quỳnh Hương thỉnh, treo trong nhà, «Thở đi con», rồi tôi cũng tự nhủ, mình lại có cơ hội thực tập! Mua vé xe lửa cho Làng không phải lúc nào cũng hoàn toàn như ý muốn. Mua xong lại đổi hoặc trả lại, rất thường xuyên như có một lần tôi đã mang mười vé vừa về đến nhà, sau đó lại nhận cú điện thoại nhắn phải trả hết. Các cô bán vé ở ga Aulnay-sous-Bois đều nhẵn mặt tôi. Nhiều khi mua xong vé đi ra, các cô này lại nhắn vói theo «Chút nữa gặp lại nhé!» (A tout à l’heure) vì họ nghĩ là tôi có thể trở lại đổi vé sau đó.
Chính những lúc gặp những việc bất như ý là lúc tôi cần thực tập hơi thở chánh niệm, để điều phục những cơn bực tức dấy lên trong tâm. Tôi mừng là mình đã thành công đôi chút nên mới có thể kéo dài việc này đến ngày nay, gần mười năm rồi. Một điều làm tôi vững niềm tin nơi chánh pháp là tôi thường xuyên quán chiếu lời nói và việc làm của Sư Ông. Thân giáo của Người dạy tôi rất nhiều. Có lúc tôi muốn từ chối những việc Làng nhờ nhưng khi nghĩ đến vị Thầy, tuổi đã quá tám mươi mà lúc nào cũng đi đó đây để hành đạo, không biết mỏi mệt, nhiều khi tận dụng lúc đổi máy bay ở phi trường Charles de Gaulle, Người nằm dài trên một băng gỗ để nghỉ ngơi. Tự nhiên tôi cảm thấy thẹn lòng vì công việc mình làm chẳng đáng là bao, vậy mà đã có lúc suýt nản chí.
Cầu nguyện – tiếp xúc – trở về – bồi đắp
Tôi vô cùng thán phục khi Sư Ông trả lời những câu hỏi hóc búa của các cử tọa gồm những thành phần cán bộ cao cấp của chánh quyền hiện tại ở Việt Nam, cụ thể là câu : «Thiền sư có chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện ra ở Irak để ngăn chận chiến tranh không?» Sư Ông cho biết lời nguyện cầu không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn bằng hành động như Người đã kêu gọi chính quyền Mỹ cần phải bình tĩnh, suy nghĩ, không nên sử dụng vũ lực có thể tạo ra thế chiến thứ ba giữa lúc mọi người trong nước đang sôi sục hận thù sau khi khủng bố đã chiếm đoạt máy bay để phá sập hai tòa nhà, trụ sở thương mại và kinh tế ở New York ngày 11-09-2001, mà không sợ có thể bị ám sát như trường hợp Mục sư Martin Luther King, như Thánh Gandhi hoặc như Tổng thống Abraham Lincoln. Người còn khẳng định là cuộc chiến này, ngoài nguyên nhân chính trị, kinh tế còn mang màu sắc tôn giáo nữa. Tôi thấy đó cũng là động cơ thúc đẩy sự can thiệp của Pháp và đồng minh vào nội bộ Libye năm 2011, dưới chiêu bài vì tự do dân chủ, nhưng trên thực tế cũng vì lý do chính trị, kinh tế. Ngay sau khi Kadhafi bị lật đổ, hội đồng quốc gia chuyển tiếp CNT (Conseil National de Transmission) vội hứa sẽ tăng việc bán dầu hỏa cho Pháp, từ dưới 5% lên gần 30%, tuy nhiên tổng thống Sarkozy, uy tín trong nước đã giảm xuống quá nhiều nên không kéo lên được, để tái đắc cử năm 2012. Đức Đạt-lai Lạt-ma, một giải Nobel Hòa Bình, tuy luôn luôn được thế giới tiếp đón long trọng như một vị nguyên thủ quốc gia, nhưng trên thực tế họ coi Ngài như một lá bài tẩy về chính trị, ngõ hầu làm áp lực với Trung quốc nếu cần, cũng vì lý do Tây Tạng không có dầu hỏa mà thôi. Bài học quá khứ và bài học hiện tại cho chúng ta thấy rõ là mọi can thiệp hay giúp đỡ của nước ngoài đều có mưu đồ trục lợi về chính trị, kinh tế hay tôn giáo vì thế chúng ta phải hết sức thận trọng khi phải nhờ vả họ.
Một câu hỏi khác : «Thiền sư nghĩ gì về hành động thắp nhang, đốt vàng mã?». Sư Ông đã cho biết là «Thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên là cơ hộ để mình tiếp xúc với tổ tiên bên ngoài và bên trong mình, mình tiếp xúc được với các vị tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước qua các triều đại như các vua Hùng, Đinh, Lê, Lý, Trần…, các vị anh hùng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ… Đó là những tấm gương sáng để hậu thế noi theo. Đốt vàng mã, bề ngoài có tánh cách mê tín dị đoan, nhưng cũng là dịp để con cháu tưởng nhớ ông bà cha mẹ đã khuất như chim có tổ, nước có nguồn, để không quên gốc rễ cội nguồn, mình chỉ nên thay thế hành động này khi tìm được cái gì có giá trị như lễ Bông Hồng cài áo mà thôi. Đó là những nét đặc thù văn hóa của dân tộc mà mình cần gìn giữ và phát huy.»
Rồi đến câu hỏi khá giản dị: «Là đảng viên đã quy y thì còn có quyền yêu nước, yêu đảng không?» Sư Ông cười và vui vẻ cho biết là: «Quy y mà không yêu nước thì quy y để làm gì. Quy y rồi thì sẽ yêu nước, yêu đảng hơn!» Chúng ta phải ngầm hiểu lời nói này là khi người đảng viên này quy y rồi, sẽ thực hành Năm giới thì cá nhân chuyển hóa, đưa đến tập thể chuyển hóa, xã hội chuyển hóa, đất nước chuyển hóa… dĩ nhiên là yêu nước, yêu đảng hơn. Sư Ông còn mạnh dạn tuyên bố: «Chúng tôi, một tập thể hơn trăm người ở Làng Mai, không hề có điện thoại di động riêng, không có trương mục riêng… Chính chúng tôi mới thật sự là người vô sản một trăm phần trăm.» Sư Ông đúng là giám vào hang cọp để vuốt râu hùm, tôi nghĩ thầm.
Sư Ông đã sử dụng trí tuệ, tim óc để chia sẻ với các chuyên gia Mác Xít luôn tìm cách tấn công nhưng cuối cùng Sư Ông đã nhiếp phục được họ, nên có người lên tiếng là chủ nghĩa Mác Xít cũng cần phải xét lại. Ba lần Sư Ông về Việt Nam là ba lần «thử thách» gay go, dẫn theo «đoàn quân» áo nâu, nón lá, gồm nhiều sắc tộc, chỉ trang bị bằng «giới, định, tuệ», để cuối cùng là đã chuyển hóa được nhiều tầng lớp xã hội. Điển hình là nay đã có giải thưởng «Trần Nhân Tông», có những quan chức cao cấp của chính quyền Việt Nam quy y, đi chùa thắp nhang…
Chính vì tri giác sai lầm, sợ Bát Nhã là sức mạnh tương lai có thể gây tai hại cho họ, chính quyền đã tìm cách phá hoại nhưng họ không ngờ là những đệ tử của Sư Ông, tuổi đời cũng như tuổi đạo tuy còn non nớt, mà đã thành công trong việc dùng sức mạnh của lòng từ bi, hạnh hỷ xả, khoan dung tha thứ, không thù hận, để đáp lại sự bạo động của côn đồ, công an. Bát Nhã tuy không còn nhưng Bát Nhã vẫn tồn tại trong lòng các Phật tử bốn phương. Bát Nhã lớn mạnh khắp nơi, nay đã có trụ sở tại Thái Lan, Hồng Kông…
Tôi cũng giống những thiền sinh Tây phương xuất thân từ gia đình Ki tô giáo, không hiểu biết nhiều về đạo Phật nên gặp được một vị minh sư, chỉ cho mình đi đúng đường, dạy những điều thực dụng mà khi thực tập đạt được an lạc, hạnh phúc, là đi theo ngay? Có người thắc mắc không hiểu tại sao những thiền sinh Tây phương bình dân cũng như trí thức, sau khi tham dự khóa tu, vẫn luôn luôn trở lại. Câu trả lời rất đơn giản là họ thấy có kết quả khi thực tập.
Đi chùa – đi tu
Tôi xin mở ngoặc nơi đây để phân trần với một số vị Phật tử đã ngộ nhận giữa đi chùa với đi về Làng Mai. Đi chùa thì bạn có thể đem theo nải chuối, nén hương, lạy Phật, rồi tùy hỷ cúng dường hoặc không, thường thường là sáng đi chiều về. Trái lại đi về Làng là đến một trung tâm tu tập. Thời gian tu tập không phải là sáng đi chiều về mà phải ở nhiều ngày, có khi ở cả tháng. Vì thế Làng phải lo nơi ăn, chốn ở, chi tiêu nhiều khoản như điện nước, ẩm thực, di chuyển, lẽ dĩ nhiên là mình phải có bổn phận đóng góp. Thiền sinh Tây phương hiểu rất rõ vấn đề này. Tuy nhiên Làng cũng có chế độ nâng đỡ người Việt chúng ta bằng cách giảm giá hoặc miễn phí cho các cháu sinh viên. Mình về Làng để tu tập, thực tập chánh niệm trong mọi động tác hằng ngày trong khi ăn, rửa chén, quét nhà, chùi cầu tiêu… Khi bạn thực tập miên mật, bạn sẽ đạt được kết quả cụ thể, bạn có chuyển đổi, có an lạc, có hạnh phúc, có thể nói là bạn đi xây chùa, bạn xây một ngôi chùa trong bạn, bạn tu giỏi thì bạn xây được chùa lớn như các vị cao tăng, bạn tu dở thì bạn xây chùa nhỏ… Nếu bạn đi về Làng mà chỉ ở vài giờ hoặc từ sáng đến chiều, để đi tham quan cảnh vật, như người cưỡi ngựa xem hoa, bạn sẽ không có cơ hội được trải nghiệm những nét đặc sắc của Làng như sự thực tập im lặng hùng tráng, năng lượng bình an, thảnh thơi toát ra từ công phu tu tập của giới xuất sĩ và cư sĩ. Điều mà mình chỉ cảm nhận được với trái tim, như nhà văn Saint-Exupéry đã viết trong cuốn Hoàng Tử Bé (Le Petit Prince): «Người ta chỉ thấy rõ với trái tim. Điều cốt lõi, mắt thường không thể thấy được» (On ne voit bien qu’avec le cœur. L’essentiel est invisible pour les yeux).
Mận Làng đã chín
Thời gian đi mau như ngựa trắng lướt qua khe cửa (bạch câu quá khích), hai mươi bảy năm (1985-2012) trôi qua như cơn gió thoảng. Vợ chồng, con cái chúng tôi đã theo Sư Ông một quãng đường dài, từ Hoa Xương Rồng đến Hơi Thở Nhẹ, đã chứng kiến biết bao thay đổi, đã nghe rất nhiều thị phi. Nhưng chúng tôi vẫn giữ lập trường cố định, vẫn có niềm tin vững chắc, không hề bị lung lạc bởi những lời thêu dệt, nói xấu: «Dù ai nói ngả, nói nghiêng. Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân».
Khi những ước mong của mình đã trở thành hiện thực, khi cả gia đình đều có hạnh phúc nhờ sự chỉ dạy của vị minh sư, chúng tôi không thể nào có tri giác sai lầm về Người như những thầy bói mù chỉ sờ được chân voi, vòi voi hay đuôi voi mà tự cho mình thấy sự thật toàn diện. Họ làm sao thấy những việc to tát mà Sư Ông đã âm thầm làm bấy lâu nay, để giúp dân, giúp nước như lập ra Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, thuê mấy con tàu để đi cứu các thuyền nhân trên biển Đông, phát học bổng cho học sinh nghèo đã nhiều chục năm trong chương trình Hiểu và Thương.
Bây giờ, mận của Làng đã chín. Quỳnh Hương đậu bằng kỹ sư Điện tử lại thêm bằng Tiến sĩ khoa học, đang phụ trách điều hành phòng thí nghiệm của một công ty ở Thụy Sĩ nhưng vẫn còn đeo đuổi học thêm bằng MBA. Quỳnh Lan đã tốt nghiệp Normale Supérieure, một trường kinh điển nổi tiếng ở Pháp, đã có bằng Thạc sỹ, hiện dạy ở Đại Học Sorbonne, đồng thời chuẩn bị làm luận án Tiến sỹ. Huy đã lấy xong Cử Nhân Toán vẫn tiếp tục học Cao học Toán Kinh Tế, mong tiến xa như hai chị. Điều đáng mừng hơn hết là Quỳnh Hương và Quỳnh Lan đã thọ giới Tiếp Hiện và cả ba cháu vẫn về Làng cũng như tới thiền đường Hơi Thở Nhẹ để tu tập, tiếp tục tích lũy hành trang tâm linh.
Người xưa thường cho là «tiền hung hậu kiết». Thiền đường cũ Hoa Xương Rồng khởi đầu không khá, nhưng thiền đường mới Hơi Thở Nhẹ tiếp nối với sư cô Giác Nghiêm làm trụ trì và các sư cô nhỏ phụ tá, rất khởi sắc. Đặc biệt lần này, Sư Ông đích thân lên làm lễ khánh thành, rẩy nước tẩy tịnh, đem lại sinh khí mới cho thiền đường. Mọi hoạt động ở Hơi Thở Nhẹ nay đã phát triển theo chiều hướng đi lên. Mỗi tháng tăng thân Việt sinh hoạt hai lần: tụng kinh và thuyết giới vào Chủ nhật và thứ Hai của tháng; ngày chánh niệm được ấn định vào Chủ nhật cuối tháng, mỗi tối thư Tư có tụng kinh sám hối.
Chọn một niềm vui
Ngoài ra, các sư cô nhỏ đã tổ chức khóa tu ba ngày 13-14-15/8/2011 cho khoảng ba mươi bạn trẻ, trong đó có sự tham dự của ba em đến từ Đức. Giới cư sĩ đã hết lòng yểm trợ các sư cô. Xuất sĩ và cư sĩ bắt tay nhau làm việc rất hài hòa. Họ cùng các bạn trẻ đi như một dòng sông. Mọi người hạnh phúc vô cùng vì nhận thấy «con đã có đường đi».
Khóa tu dành cho các bạn trẻ kết thúc bằng buổi lễ long trọng tổ chức trên sàn gỗ trước thiền đường. «Vạn sự khởi đầu nan», sự thành công tốt đẹp của khóa tu đầu tiên này đã cho phép ban tổ chức nghĩ đến các khóa tu kế tiếp. Ngoài những buổi thiền hành dọc bờ sông Marne hoặc ở Paris cho hòa bình thế giới, cho bảo vệ môi sinh đã được nhiều người hưởng ứng. Quỳnh Lan, theo đề nghị của sư cô Đào Nghiêm, cũng kêu gọi các bạn trẻ Pháp-Việt tham gia chương trình Wake Up, có lần đã tổ chức ở công viên Cité Universitaire Paris. Số bạn trẻ tham dự trên bảy chục, đa số sau đó đã hoan hỷ về Làng ăn Tết với Sư Ông.
Trước ngày đón Xuân Nhâm Thìn (2012), các sư cô nhỏ đã mời các thiền sinh Pháp-Việt tới thiền đường học gói bánh chưng, đồng thời cũng giải thích cho biết ý nghĩa của loại bánh hình vuông này. Tối đến, sau bữa ăn, các sư cô cùng các thiền sinh trẻ và vài cư sĩ lớn tuổi quây quần vui vẻ xung quanh nồi nấu bánh, cho chúng tôi cảm nhận là «con cháu ở đâu thì quê hương, ông bà ở đó». Bầu không khí ấm cúng bên bếp lửa hồng làm biến mất cái giá lạnh của mùa đông xứ Pháp. Một cây nêu cũng được dựng lên trước thiền đường để nhắc nhở chúng ta đây cũng là một nét đặc thù của văn hóa Việt không thể thiếu trong ngày Tết.
Chợ phiên, đầu năm Nhâm Thìn, cũng khả quan hơn năm ngoái, thâu được một ngàn Euros để phụ giúp cho các dự án tương lai của thiền đường. Hơi Thở Nhẹ có lớp dạy tiếng Pháp để giúp các sư cô trẻ người Việt có thể truyền thông với thiền sinh người Pháp. Việc này đã đưa tôi trở về với nghề «Pháp sư» ngày xưa của mình. Hoạt động văn nghệ Xuân Nhâm Thìn cũng rất hấp dẫn. Ban tam ca «Tam Long» (Ứng Long, Phi Long, Tấn Long) đã thổi một luồng không khí mới vào Hơi Thở Nhẹ, mang lại cho các thiền sinh Việt-Pháp nhiều giây phút thoải mái…
Xưa kia, Hoa Xương Rồng tổ chức ngày chánh niệm, có rất ít thiền sinh tham dự, nay Hơi Thở Nhẹ thì ngược lại, nhiều lần không đủ chỗ chứa. Sư cô trụ trì đã xin phép chính quyền sở tại xây thêm một chalet (ngôi nhà nhỏ) để có chỗ cho nam thiền sinh ở lại ngủ khi có khóa tu cuối tuần. Điều đáng phấn khởi là số thiền sinh trẻ càng ngày càng đông. Bây giờ có tới ba thế hệ tới tu : già, trẻ và thiếu nhi, cho chúng ta thấy đang có sự tiếp nối nơi Hơi Thở Nhẹ.
Sau khi tham dự Đại Giới Đàn ở Làng và đi Đức, chư vị Tôn Đức đã dừng chân năm ngày ở Paris, từ 8/3/2012 đến 12/3/2012. Các vị xuất sĩ và cư sĩ Hơi Thở Nhẹ hân hạnh được tiếp đón phái đoàn, đã hết sức nỗ lực, không hề quản ngại thì giờ, công lao, thực hiện chu đáo mọi khâu: chuẩn bị chỗ ở, lo ẩm thực và tận tình chiêu đãi.
Một trại hè quốc tế Hơi Thở Nhẹ dành cho các bạn trẻ đã được tổ chức ba ngày 26-27-28/08/2012 với chủ đề «Mỗi ngày trọn niềm vui». Số thiền sinh tham dự lần này đông gấp đôi lần trước, mặc dầu ban tổ chức cho biết chỗ ở giới hạn, chỉ nhận 60 bạn nhưng cuối cùng số tham dự lên đến khoảng gần 100 bạn Việt – Pháp.
Một số thầy ở Làng lên trợ giúp các sư cô Hơi Thở Nhẹ trong việc hướng dẫn các thiền sinh nên họ tu tập rất giỏi, đạt được nhiều hạnh phúc sau khóa tu. Mọi người đều mong muốn thiền đường sẽ thường xuyên tổ chức trại hè như thế nữa.
Mùa hội ngộ
Khóa tu mùa Hè năm nay 2012, tăng thân Paris rủ nhau về tham dự rất đông để chào mừng Làng tròn ba mươi tuổi, trong đó có gia đình chúng tôi. Đệ nhị thân của tôi tình nguyện đưa vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng, khách quý của Làng về trước, tuần thứ ba. Cháu Quỳnh Hương, mặc dầu rất bận công việc cũng tranh thủ về tuần này với mẹ, riêng tôi và cháu Huy về tuần cuối. Khi Sư Ông xuống Xóm Trung cho pháp thoại tiếng Việt, toàn thể tăng thân Paris đã ra trình diện. Trước đây, tăng thân rất ốm yếu, èo ọt, nhỏ bé, so với các tăng thân khác ở châu Âu nhưng vẫn tồn tại, đứng vững, qua bao biến đổi, thăng trầm như hình ảnh «cây sậy» trong thơ ngụ ngôn La Fontaine (le Chêne et le Roseau), đã quằn quại dưới cơn bão táp nhưng không bị đổ gãy và vươn lên được, sau hai mươi bảy năm dài, nhờ tình thương sâu dày của Sư Ông bồi đắp, thường xuyên gởi các thầy các sư cô lên yểm trợ. Bây giờ tăng thân Paris khá vững mạnh, có sự tiếp nối qua nhiều thế hệ, đủ mọi lứa tuổi, từ trên 70 đến dưới 10 tuổi, có thể tự tạo cho mình một «dáng đứng» xây dựng trên tình huynh đệ và ý thức hiểu và thương, cô Bảo Nguyện gọi là «dáng đứng Làng Mai». Tăng thân Paris cùng hợp ca, để cúng dường Sư Ông và tăng đoàn, bài hát có tựa là «Về đây Hơi Thở Nhẹ», thơ của sư cô Uyển Nghiêm, do các sư cô Hơi Thở Nhẹ phổ nhạc.
Tôi về Làng trễ nên chỉ được nghe ba bài pháp thoại của Sư Ông, một bài tiếng Pháp, một bài tiếng Anh và một bài tiếng Việt. Tôi vô cùng ngưỡng mộ khi nghe Sư Ông giảng cho trẻ em vì tôi thấy khó hơn giảng cho người lớn nhiều. Các câu trả lời của Sư Ông rất vui và có nhiều ý nghĩa. Khi các cháu hỏi Sư Ông tại sao các vị xuất sĩ không có tóc, Sư Ông trả lời là để phân biệt các vị xuất sĩ với các vị cư sĩ, chớ không phải vì sợ tốn dầu gội đầu, thế mà người ta vẫn tìm cách lôi kéo các vị này ra đời. Tôi thấy thương Sư Ông quá vì cảm thấy trong câu trả lời này tiềm ẩn một thoáng buồn của người cha chứng kiến một số các con mình đã rời bỏ con đường sáng để lao vào chốn đoạn trường như bị «ma đưa lối, quỷ dẫn đường».
Tôi lại được nghe khi đề cập đến vấn đề sinh tử, Sư Ông nhắc lại câu nói của ông Lavoisier «Rien ne se perd, rien ne se crée, tout se transforme» mà Sư Ông đã chuyển ra ngôn ngữ Phật giáo rất tài tình là «không có gì sinh không có gì hay diệt mà chỉ có biểu hiện hoặc ẩn tàng». Tôi rất hứng thú được nghe lại nhiều lần những điểm quan trọng này, nhất là vấn đề sinh tử, để nhớ và quán chiếu cho thấm vào xương tủy, mới mong sau này có thể «ẩn tàng» một cách nhẹ nhàng, thanh thản như gia đình ông Bàng Long Uẩn.
Hạt lành gieo xuống lòng Paris
Lặp đi lặp lại một vấn đề mà người nghe không chán, là cả một nghệ thuật tinh vi như một món ăn, ăn nhiều lần mà vẫn thấy ngon, là do biệt tài pha chế, nêm nếm của nhà đầu bếp. Nếu tôi không lầm, Sư Ông biết nấu nhiều món ăn chay rất ngon. Để chuẩn bị cho chuyến lên Paris của Sư Ông (15-16/09-2012), ngày 30/04/2012, Quỳnh Hương, đã thay thế Quỳnh Lan phải về Việt Nam, kêu gọi các bạn trẻ và tăng thân Hơi Thở Nhẹ tham dự flash mob tại Trocadéro với sự hiện diện của các sư cô Hơi Thở Nhẹ và một số thầy từ Làng lên yểm trợ. Đúng 15 giờ ngày hôm đó một nhóm khoảng gần 80 người, xuất sĩ lẫn cư sĩ ngồi thiền, và sau đó thiền hành, gây chú ý cho du khách và mọi người. Liên tiếp các flash mob khác lại được tổ chức nhiều lần vào các chiều thứ bảy ở cạnh tháp Eiffel và lần cuối, 18/08/2012 ở Buttes-Chaumont, một địa điểm xanh lớn tại Paris, rộng khoảng 25 mẫu. Tăng thân Paris tới đó ngồi thiền, thiền ca và đặc biệt có tập «tài chi» dưới sự hướng dẫn của Trúc Thanh, một tăng thân trẻ Hơi Thở Nhẹ.
Trước khi ra về, Quỳnh Hương đã khao các sư cô và bố mẹ một chầu kem. Trời nóng, kem lạnh, ăn vào rất hạnh phúc, sảng khoái cả thân lẫn tâm, tôi muốn gọi cô con gái lớn lại để nói nhỏ: «Nếu còn flashmob nữa, chắc chắn là bố mẹ sẽ không quên đi ủng hộ đâu». Quỳnh Hương còn là một trợ tá đắc lực của cô Hạnh (Chân Viên Cảnh). Cả hai cô cháu đã đầu tư rất nhiều thì giờ, công sức cho chuyến Sư Ông lên Paris lần này. Quỳnh Lan cũng tiếp tay chị sau khi từ Việt Nam trở về Pháp. Ban tổ chức đã chuẩn bị hết sức chu đáo mọi khâu như quảng cáo, thông báo trên internet, qua các flash mob, facebook, youtube… Địa điểm Sư Ông thuyết giảng được chọn ở trung tâm đầu não kinh doanh và tài chánh của Pháp, La Défense, với phòng ốc rộng rãi, ánh sáng, âm thanh, màn ảnh hiện đại. Đề tài trình bày rất hấp dẫn, đáp ứng đúng nhu cầu bức xúc của xã hội bây giờ «Đi vào chánh niệm cho một nền đạo đức toàn cầu» (Cheminer dans la pleine conscience pour une éthique globale).
Sau buổi thuyết giảng sáng Chủ nhật 16/09/2012, lúc 15 giờ, Sư Ông dẫn đầu khoảng 3000 người đi thiền hành im lặng trong chánh niệm ở quảng trường La Défense. Ai nấy đều hạnh phúc, cảm nhận một năng lượng tập thể tỏa ra rất an lạc. Lần lên Paris này, Sư Ông đã thành công rực rỡ, gieo được những hạt giống lành trong đất tâm của giới trẻ và giới trí thức nơi thủ đô Ánh Sáng.
Năm nay Làng Mai tròn ba mươi tuổi cũng là thời gian hai mươi bảy năm (1985-2012) gia đình chúng tôi đã gắn bó với Làng, theo dấu chân Sư Ông từ Hoa Xương Rồng đến Hơi Thở Nhẹ.
Chúng tôi may mắn gặp duyên lành, đã gieo được nhân tốt là cả nhà tu tập theo pháp môn Làng Mai và có cơ hội đóng góp công sức giúp Làng, giúp tăng thân, mà ngày nay mới hưởng được quả tốt là gia đình đầm ấm, hạnh phúc, con cái thành đạt, hiếu thảo nên chúng tôi xin ghi lại, qua bài này, những gì chúng tôi đã trải qua, đã sống, mắt thấy, tai nghe để tỏ lòng biết ơn vị Thầy khả kính, đồng thời chia sẻ niềm vui của gia đình chúng tôi với toàn thể thành viên đại gia đình Làng Mai, trong đó có quý vị xuất sĩ, quý vị cư sĩ và đặc biệt là các bạn trẻ trong tăng thân Hơi Thở Nhẹ.
Pháp quốc, mùa Hè năm 2012