Khóa tu cho người “Ít trẻ”
Khóa tu 22-23.06.2013 tại Thiền đường Hơi Thở Nhẹ
Thiền đuờng Hơi Thở Nhẹ đã ba lần mở khóa tu cho người trẻ, song lần đầu tiên, khóa tu cho người «Ít trẻ» mới được tổ chức trong hai ngày 22 và 23 tháng Sáu vừa qua.
Đã có hơn 60 người ghi danh cho hai ngày tu Chánh Niệm tuy ngắn ngủi nhưng đã đem lại nhiều lợi lạc trong việc thực tập các pháp môn của Làng Mai .
Tất cả những kinh nghiệm thực tập trong quá trình tu học của các Thầy và Sư Cô đã được chia sẻ qua hai buổi pháp thoại và pháp đàm đầy thú vị, bổ ích và thiết thực. Đây không phải là những bài học về giáo lý Phật giáo, chỉ có lý thuyết suông mà là những trải nghiệm về cách chuyển hóa những điều tiêu cực, những tâm hành không lành đẹp như sự giận dữ, đố kỵ, ganh ghét , tham lam, sân hận và si mê .
Thông qua những pháp môn về Chánh Niệm đã được Sư Ông truyền trao, hai thầy Giới Đạt và Pháp Tịnh đã kể cho mọi người nghe những kinh nghiệm của hành trình thực tập đầy gian nan thử thách, để cuối cùng các thầy đã nếm được một phần của hương vị giải thoát, an lạc.
Đại chúng đến tu học, tùy theo căn cơ và hoàn cảnh của riêng mình sẽ tích lũy và học hỏi những kinh nghiệm quí báu trên làm hành trang tâm linh trong cuộc sống, giúp mỗi người ngày càng hoàn thiện hơn, sống nhẹ nhàng thảnh thơi và có khả năng nhận diện những điều kiện của hạnh phúc đang có mặt trong giây phút hiện tại hơn.
Thông điệp của Khóa Tu được trình bày bằng một bức Thư pháp của Sư Ông được trang trọng đặt ở trung tâm của bàn thờ:
Và trong suốt hai ngày tu tập, mọi người đã cùng nhau xây dựng một cảnh giới thật an lạc, nhẹ nhàng ,thảnh thơi. Tất cả đều ung dung, thong dong, tự tại trong lúc chấp tác, ngồi thiền, ăn cơm, ngủ nghỉ.
Bao nhiêu những lo toan, tính toán, những âu lo, phiền muộn như đã được trút bỏ ngay từ ngoài cổng Thiền đường. Đại chúng đến đây chỉ với nụ cười và niềm hân hoan, tươi mát. Ai cũng cảm nhận đây là môi trường rất nuôi dưỡng và trị liệu . Cái không khí đầm ấm, chan hòa tình thương và cảm thông như lan tỏa, ôm ấp mọi người khiến ai cũng tươi vui, hạnh phúc!
Ngày tu được bắt đầu từ 6 giờ sáng với buổi ngồi thiền thật sảng khoái. Tiếng hô canh của thầy Giới Đạt đã đưa Đại chúng như lạc vào cõi tịnh, hòa với tiếng chuông thong thả ngân nga khiến tâm hồn mọi người được lắng trong, thanh thoát.
Một điều thật vô cùng thú vị là được ngồi thiền ngoài trời, có che chắn bởi một tấm bạt lớn kín gió, nên ngoài tiếng hô canh thật tuyệt vời, sâu lắng đi thấu vào lòng người, tiếng chuông đại hồng êm ả của buổi bình minh,đại chúng còn được nhìn mây trắng lửng lờ bay thấp thoáng sau những tàng cây xanh. Rồi tiếng hót ca líu lo, ríu rít của chim chóc trên cành nghe rất vui tai như tiếng chào hỏi nhau buổi sáng, lao xao, rộn ràng nhưng vẫn tràn đầy thanh tịnh, tươi mát.
Đại chúng cứ thả lòng cho bao nhiêu niềm vui và an lạc thấm vào từng tế bào …..
Một ngày tăng thân tu tập được nuôi dưỡng bởi hai buổi thiền tọa lúc hừng đông và buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống.
Sau buổi ngồi thiền sáng, đại chúng lại được hướng dẫn thực tập 5 cái lạy. Một số anh chị em lần đầu được tiếp xúc với pháp môn thiền lạy đã cảm động rưng rưng nước mắt. Thật tuyệt vời và mầu nhiệm khôn cùng, mọi người như đang được trị liệu những khổ đau, phiền muộn trong lòng.
Trải qua một ngày sinh hoạt có hướng dẫn, tất cả đều làm việc chậm lại và có ý thức, đại chúng lại được nuôi dưỡng nhiều hơn qua buổi tọa thiền và nghe chuông đại hồng vào buổi chiều. Giọng hô canh và xướng kệ của thầy Giới Đạt phải nói là một món quà vô giá ,quí báu đã dâng hiến cho tăng thân.
Bầu không khí thật trang nghiêm, lắng đọng… . Mọi người ngồi yên thả lòng theo tiếng kệ ngâm trầm bổng, khoan thai hòa với tiếng chuông ngân nga,thanh thoát.
Giọt nước cam lồ như đã được thẩm thấu vào từng ngõ ngách sâu thẳm của tâm hồn nên sau mỗi lần thực tập một pháp môn, đại chúng cảm nhận mình trở nên lành đẹp hơn, trong sáng hơn, dễ thương hơn. Gương mặt mọi người tươi trẻ hơn, hạnh phúc và hân hoan hơn như chưa từng được như thế bao giờ!
Và chung quanh nhìn đâu cũng thấy tình huynh đệ, ấm áp thương yêu một cách lạ thường!
Mặc dù đây là khóa tu đầu tiên cho người lớn tuổi, và cũng có khá đông các anh chị em mới tiếp xúc lần đầu với pháp môn Chánh niệm, song mọi người như đã nhuần nhuyễn với sự dừng lại, yên lặng để tiếp xúc với hơi thở mầu nhiệm.
Trong bất cứ mọi sinh hoạt từ khâu xắt gọt, nấu ăn, rửa bát, sắp dọn Thiền đường… cho đến thiền hành, thiền tọa, ăn cơm, nghe pháp thoại, pháp đàm … đều được đại chúng làm trong chánh niệm, rất nhẹ nhàng.
Những người “ít trẻ” đang thiền chấp tác
Thỉnh thoảng có ai quên, nói hơi lớn tiếng thì bên cạnh đã có bạn dịu dàng nhắc nhở nên mọi người như được tắm gội trong không gian thân thương đầm ấm.
Và thật là thiếu sót nếu không nhắc đến không khí và nội dung của hai buổi pháp thoại. Buổi đầu ngày thứ bảy do thầy Giới Đạt chia sẻ. Thầy đã tốt nghiệp các phân khoa Phật học ở Việt Nam nên về lý thuyết thì Thầy đã nhuần nhuyễn nằm lòng. Thầy chia sẻ là được qua Làng học về cách ứng dụng các kinh điển Bụt dạy vào cuộc sống hằng ngày, Thầy mới thấy từ lý thuyết đến thực hành cách xa một trời một vực.
Thầy bảo công trình học hỏi suốt hơn 10 năm về lý thuyết nhưng vì không bao giờ thực tập nên chẳng giúp ích gì cho học giả ngoài cái ngã mạn vì mình được mọi người vị nể bởi có được nhiều bằng cấp. Còn cách làm thế nào để chuyển hóa khổ đau, làm chủ được cái tâm xao động thì vẫn gian nan, khó khăn, trở ngại!
Thầy cho đại chúng đặt 10 câu hỏi và dựa vào đó, Thầy trả lời tất cả mọi thắc mắcvà nghi vấn. Không khi học hỏi thật sôi nổi hào hứng; Thầy Giới Đạt với kiến thức Phật học rất uyên bác và hùng biện nên đã giải đáp thật thỏa mãn mọi chất vấn. Thầy đã giải thích thế nào là tục đế, chân đế, vô thường, vô ngã. Thế nào là Bát chánh đạo, Tứ diệu đế, tương tức và đi đến cuối cùng là Không.
Và Thầy kết luận: vì tất cả mọi sự vật trên đời đều không có tự ngã riêng biệt, không có chủ thể nên vô thường, mong manh, nay còn, mai mất. Tất cả đều là Không, không vững bền, không trường tồn, vĩnh cửu, do đó chúng ta phải biết sống nhẹ nhàng, thanh thản mà không nên bám víu, nắm bắt quá nhiều để phải hệ lụy, não phiền suốt cuộc đời.
Chúng tôi chợt nghĩ đến một vị Thiền sư đã nói, chúng ta nên thực tập Chơi trong cõi đời này: ăn chơi, làm chơi, sống chơi, khổ chơi, bệnh chơi, già chơi, và cuối cùng «chết chơi ». Có lẽ đây là cách chúng ta rong chơi miền Tịnh độ, nhẹ nhàng, thong dong, tự tại đó chăng?
Buổi pháp thoại thứ hai do thầy Pháp Tịnh chia sẻ cũng thật súc tích và sâu sắc. Mỗi thầy đều có cái duyên, cái sức hút, lôi cuốn mọi người chăm chú lắng nghe vì đây là những bài học sống, nói lên những dụng công của các thầy trong việc thực tập để chuyển hóa những tâm hành tiêu cực, vượt qua những khổ đau, phiền muộn.
Thầy Pháp Tịnh lưu ý mọi người nên quyết tâm thực tập Chánh niệm trong đời sống hằng ngày để luôn được nuôi dưỡng và trị liệu.
Phải có ý chí trong tâm thức, biết chọn cho mình một pháp môn thực tập thích hợp để tự cứu mình, và phải biết nương tựa vào Tăng thân tu tập giải thoát để luôn được tự do, không bị năm món dục lạc là tài, sắc, danh, thực (ăn), thùy (ngủ) sai sử, khống chế.
Mỗi người đều có hoàn cảnh riêng, hoàn toàn khác biệt, nhưng có một điểm chung là sự thực tập chánh niệm nên sẽ cùng giúp nhau làm rơi rụng dần dần những căng thẳng, khổ đau, khó khăn, những điều bất như ý trong cuộc sống.
Thầy trình bày thật sâu và rõ hơn cho đại chúng biết về bốn loại thưc ăn là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Trong bốn loại thức ăn kể trên, tư niệm thực là lọai thức ăn thật quan trọng và có ảnh hưởng đến suốt cuộc đời của chúng ta. Đây là cái ước muốn sâu sắc nhất của mỗi con người để từ đó chúng ta sẽ vạch cho mình một hướng đi trong tương lai.
Thầy cho thí dụ: nếu trong ta luôn có một ước muốn cháy bỏng là giúp đời, giúp đạo thì ta sẽ luôn trăn trở tự hỏi: Ta sẽ làm gì để giúp cho xã hội được sống lành, đẹp, biết bảo vệ thiên nhiên, biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau?
Nếu trong tâm thức luôn ấp ủ những hoài bão cao đẹp thì trước hết chúng ta sẽ tìm cách thực tập chuyển hóa những khổ đau của chinh mình và sau đó sẽ độ đời.
Nhờ nương tựa vào tăng thân, chúng ta luôn được nuôi dưỡng và tưới tẩm những hạt giống lành đẹp, giải thoát để có một cuộc sống hạnh phúc, an lành. Và chính Tăng thân là nguồn cung cấp cho chúng ta loại thức ăn thứ tư là Thức thực.
Được sống và ngâm mình trong tăng thân, chúng ta sẽ luôn được an lạc, nhẹ nhàng, trong sáng. Chỉ với những bước chân thiền hành thôi cũng đã làm rơi rụng những căng thẳng, phiền muộn và khổ đau rồi.
Thầy còn kể cho đại chúng nghe về những khó khăn cũa thầy với một sư anh và thầy phải mất ba năm cố gắng thực tập các pháp môn của Sư Ông dạy với sự trợ giúp của Tăng thân. Sau nhiều lần thất bại, nhưng với quyết tâm xây dựng tình huynh đệ, cuối cùng hai anh em đã thật sự làm hòa với nhau.
Đây là một bài học thiết thực giúp đại chúng vững tin nơi sự thực tập và nếu quyết tâm kết quả sẽ thành tựu, chỉ có sớm hay muộn mà thôi !
Ngoài các thức ăn nuôi dưỡng về tâm, đại chúng còn được các sư cô thương yêu hết lòng lo cho những buổi ăn thật tuyệt vời nuôi dưỡng về thân. Nhờ ăn cơm trong chánh niệm, đại chúng có cơ hội thưởng thức các thức ăn thật trọn vẹn và với lòng biết ơn sâu sắc đối với thiên nhiên và muôn loài.
Chúng ta hãy hình dung ra trước mặt cảnh mọi người ngồi quây quần bên nhau ăn cơm. Được nhìn rõ mặt nhau, khoan thai nhai từng cọng rau, từng miếng đậu hũ, tô canh ngọt. Hạnh phúc biết là dường nào!
Chúng tôi chợt nhớ đến bài hát đã học được trong chuyến hành hương Ấn Độ vừa qua, mỗi lần hát lên là nước mắt lại rưng rưng vì tình người quá đẹp: “Bên trái tôi, đây là bạn tôi, anh em tôi. Bên phải tôi, đây là bạn tôi, anh em tôi. Trước mặt tôi, đây là bạn tôi, anh em tôi. Chung quanh tôi, đây là bạn tôi, anh em tôi. Bên trái tôi, đây là người tôi thương, tôi yêu. Bên phải tôi, đây là người tôi thương, tôi yêu. Trước mặt tôi, đây là người yêu tôi, thương tôi. Chung quanh tôi, đây là người yêu tôi, thương tôi.”
Kết thúc hai ngày tu là buổi ngồi chơi, uống trà và thưởng thức văn nghệ. Trong không khí đầm ấm, chan hòa tình huynh đệ, mọi người như được mở lòng. Chị Minh Thúy xin hát bài Quê hương để tặng đại chúng và đã nghẹn ngào cảm động khi hát đến đoạn cuối. Ca sĩ nghiệp dư của Hơi Thở Nhẹ thật phong phú nên chương trình văn nghệ kéo dài đến chiều tối…
Các bạn có bao giờ nghĩ rằng: rất khó để tìm được những người bạn luôn biết hy sinh vì người khác, biết dâng tặng cho người nhiều hơn đòi hỏi cho riêng mình. Những người mà hoài bão cháy bỏng là luôn được phụng sự và đem niềm vui đến cho tha nhân. Mục đich việc làm của họ không phải để được danh tiếng hoặc lời khen hay để nâng cao cái bản ngã của mình mà chỉ vì lý tưởng phụng sự và tình thương yêu đến mọi người .
Chúng ta lại được may mắn sống chung với những người bạn đáng yêu và dễ thương như thế! Các thầ , các sư cô, các bạn bè, các cháu trẻ trong Tăng thân, tất cả đều là những thành viên thật trân quí. Chúng ta còn hạnh phúc nào hơn nữa, phải không các bạn?
Một Khóa Tu chỉ hai ngày ngắn ngủi nhưng đã là công sức đóng góp âm thầm của bao nhiêu bàn tay và bao tấm lòng thương yêu.
Hãy biết rong chơi và hạnh phúc trong giây phút hiện tại vì chúng ta đang được bao bọc và nuôi dưỡng bởi một tăng thân quá đẹp!
Và đó cũng chinh là thông điệp thương yêu của những người tổ chức Khóa tu muốn trao lại cho tất cả chúng ta .
Mùa hè, tháng Sáu 2013
Chân Bảo Nguyện
Xem thêm: Hình ảnh của khóa tu