Phiên chợ ngày mưa

Chân Bảo Nguyện

Theo thông lệ mỗi năm, cứ vào đầu mùa xuân, thiền đường Hơi Thở Nhẹ lại nao nức tổ chức Chợ phiên với nhộn nhịp hàng quán để giới thiệu các món ăn đặc sản của vùng miền cho bạn bè thân quen từ khắp nơi về thưởng thức.

Và đây là lần thứ năm các sư cô trẻ cùng tăng thân đã tạo nên một nét đặc thù độc đáo không thể thiếu trong sinh hoạt của Hơi Thở Nhẹ: một nét văn hóa ẩm thực được lồng vào với biết bao tình thương, bao hăng say nhiệt tình đóng góp công sức và sự đoàn kết một lòng của cả một tăng thân. Thật cảm động và ấm áp vô cùng! Nó làm cho con tim mọi người xao xuyến, bồi hồi!

Bốn lần chợ phiên trước trời nắng ráo và đẹp nên quang cảnh phiên chợ thật vui tươi, thơ mộng, có gió hiu hiu, nhè nhẹ, có quán ” trà thiền” cạnh vườn lá xanh um, có ông đồ ngồi cho con chữ, có gánh hát rong hát nghêu ngao đây đó ….Nhưng năm nay, trời đã mưa nặng hạt ngay từ sáng sớm! Lòng chúng tôi hơi “gợn buồn” cho một ngày Chợ phiên không may, song lại tự an ủi: không sao, trời mưa để thử thách lòng người. Những ai đến với phiên chợ Xuân trong mưa gió hôm nay thì đúng là với tất cả tấm lòng. Cả người mua lẫn người bán đều thật trân quý, thật đáng ngưỡng mộ!

Vừa bước chân đến cổng đã thấy lều được dựng lên để che mưa cho khắp một sân gạch lớn phía trước. Chúng tôi chợt hiểu đây là công sức của các sư cô, các cháu trẻ và một số bạn ở gần thiền đường Hơi Thở Nhẹ đã vào làm suốt ngày thứ bảy, lòng biết ơn dâng lên trong lòng!

Vào đến sân gạch thì đã thấy bày biện hàng quán dài theo hai bên. Các món ăn đã được đặt sẵn trên bàn. Ban tổ chức thật chu đáo, ghi sẵn bảng giới thiệu “thương hiệu” đặc sản của từng vùng miền như bánh cuốn Chợ Lớn, phở xào Thái, xôi Hương Việt, đũa thần kẹp sườn núi, cà ri Lào, bánh bao, bánh giò, bánh đúc, bánh canh, bánh khúc, xôi nếp than, bì cuốn, bánh crêpe, bánh khoai chiên lăn bột, mắm thái, tương hột … Chỉ nhìn cách trình bày đã thấy hấp dẫn, lôi cuốn thực khách rồi.

Mở nhẹ cửa để vào trong thiền đường, đại chúng sẽ cảm nhận ngay được một không gian trà thiền với trà chủ là sư cô Phùng Nghiêm đang ngồi thảnh thơi pha trà tiếp khách. Đã có khá đông trà giả ngồi yên để thưởng thức hương vị đặc biệt của chén trà nóng và nhất là để năng lượng bình an, nhẹ nhàng đi vào tận đáy lòng. Sư cô còn trang hoàng những bức thư pháp của Sư Ông thật trang nhã bên cạnh những chậu cây cảnh làm tăng vẻ thiền vị, thanh thoát. Văng vẳng có tiếng nhạc nhẹ nhàng, trầm bổng như đưa ta vào cảnh giới an lạc, giải thoát. Thật tuyệt vời!

Trong số các vị trà giả, chúng tôi chợt khám phá ra sự có mặt của một giáo sư đã dạy chúng tôi từ hơn 50 năm ở trường nữ trung học Gia Long ngày xưa: cô Trần thị Kỳ mà nhân cách và lòng tận tụy của cô đã khiến tất cả học trò đều rất thương kính. Cô giáo tôi đã 84 tuổi và cũng là đệ tử hết lòng kính trọng Sư Ông. Hôm nay trời mưa như vậy mà cô và cả gia đình (bốn người) đều lặn lội đến, lại còn rủ thêm hai vợ chồng một người học trò cũ đến tham dự ngày Chợ phiên làm chúng tôi vô cùng xúc động và bất ngờ.

Anh trưởng đoàn hát rong Ứng Long của chúng tôi rất nhiệt tình cho ngày chợ phiên. Cả hai anh chị đều hăng say đóng góp. Chúng tôi gọi đùa đây là một “cặp đôi hoàn chỉnh”. Anh đàn, chị hát, kẻ tung, người hứng thật nhịp nhàng và thường xuyên có mặt tu tập cũng như đóng góp công sức cho Hơi Thở Nhẹ.

Các anh chị không có mặt ở phiên chợ thì đóng góp tài chánh hoặc đặt mua thức ăn nhờ đem đến bán. Các anh chị em ở gần đây, và nhất là các cháu trẻ như Giang, Quốc, Kính, Mỹ Xuân, Khánh Tần và Liên cũng hết lòng, vào từ sáng thứ bảy để dựng lều. Công việc dựng lều thật khó khăn và phức tạp. Các cháu còn làm mọi việc khi các sư cô cần đến. Các anh chị em còn lại thì mỗi người phụ trách một món ăn để trổ tài nấu nướng. Ai nấy đều hoan hỉ, vui vẻ đảm nhận phần việc của mình.

Khi mới đến, nhìn hàng quán la liệt với bao nhiêu thức ăn, mọi người đều lo và thì thầm bảo nhau: sao có vẻ người bán nhiều hơn người mua, mưa như thế này chắc hàng quán ế ẩm, không người đến mua thì tăng thân mình phải ăn hết quá! Sư cô Tráng Nghiêm đã an ủi đại chúng: các cô chú đừng lo, mưa có nhiều nước tức là mình sẽ có nhiều tiền, vì “tiền vô như nước” mà. Bằng ngược lại không có nhiều khách thì tăng thân mình tự đãi nhau một bữa cho thịnh soạn, cũng chẳng sao, miễn vui là chính (hay chín), còn có thêm nhiều tiền mới là mười thôi! Sư cô luôn là một cây hài hước làm cho mọi người cười vui.

Đứng trong nhà bếp trên lầu nhìn xuống, chúng tôi thật vui khi thấy rằng mặc dù trời mưa nhưng dòng người đến tham dự chợ phiên ngày càng đông, đa số là người Pháp. Có một số các bạn từ Nantes cũng đã không quản ngại xa xôi lên tận Paris để chung vui với tăng thân Hơi Thở Nhẹ.


Năm nay sư cô trụ trì Giác Nghiêm và sư cô Đào Nghiêm phải đi tổ chức khóa tu ở xa nên vắng mặt. Do vậy sư cô Gia Nghiêm đã thay mặt sư cô trụ trì khai mạc Chợ Xuân.

Gần 12 giờ trưa, sư cô Gia Nghiêm thỉnh ba tiếng chuông để tập họp đại chúng . Tăng thân cùng nhau hợp ca bài Đón Xuân. Tiếp theo, sư cô Gia Nghiêm hát một bài tiếng Anh và Phiên chợ bắt đầu.

Gian hàng đầu tiên do em Minh Thúy phụ trách bán bánh pâté chaud và chả giò. Em Mỹ Vân nhanh nhẹn với những cuốn bò pía thật hấp dẫn. Ngọc Trinh với bánh bao, bánh giò. Mộc Duyên thật khéo với món xôi vò vừa tơi, vừa mềm dẻo và ngon, ngoài ra còn phụ trách thêm món bánh khúc, xôi nếp than do Ngọc Trinh làm.

Gia đình chúng tôi đóng góp món bún sườn núi (hay sườn non) ướp sả nướng và món bánh mì mà các sư cô đặt cho cái tên thật oách là ” đũa thần kẹp sườn núi “. Thật ra đây chỉ là “bánh mì kẹp chả, kẹp cả dưa leo” mà thôi!

Bên trái chúng tôi là chị Linh Thoại với món phở xào Thái. Kế đến là em Hoa xinh xắn trong chiếc áo tứ thân màu đỏ rực đang sốt sắng phục vụ khách hàng món bì cuốn và bánh đúc do chính tay em làm.

Cuối cùng của dãy bàn chúng tôi là Huỳnh Anh cùng cô em gái phụ trách món bánh cuốn Chợ Lớn thật khéo tay, nhìn rất hấp dẫn!

Bên phía đối diện có Mỹ Xuân phục vụ món cà ri Lào, bánh mì và món bánh canh do chị Ngọc Anh phụ trách. Kế đến là gian hàng bánh khoai và chuối tẩm bột chiên do các cháu: Thúy Nga, Ánh Ngọc, Quỳnh Hoa, Hạnh Trâm, Thảo và Liên v.v.. đảm nhận, vừa chiên tại chỗ vừa bán nên thật đắt hàng, không kịp phục vụ khách hàng. Mãi đến chiều vẫn còn khách đặt hàng. Sau hết là gian hàng bánh crêpe cũng làm tại chỗ, bánh nóng hổi vừa thổi vừa ăn do Alexandra làm chủ bếp.


Riêng món cà phê Việt Nam do anh Vũ phụ trách. Giờ phút chót, vì phải chở gia đình của một sư cô ra phi trường nên đành hủy bỏ. Anh trưởng lão Chân Linh Nhĩ của tăng thân vớt vát lại bằng cách quảng cáo chỉ bán cà phê mà không bán nước. Mỗi người, sau khi mua một gói cafê thì tìm đến sư cô Phùng Nghiêm thỉnh nước cam lồ rồi tự pha để uống. Đại chúng đều hoan hỷ thực hành. Không ai kêu ca, phiền trách.

Nét đặc trưng của phiên chợ xuân là du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tà áo dài thướt tha đầy màu sắc cũng như những tấm áo tứ thân đỏ thắm rực rỡ của các cô, các chị, các cháu gái bán hàng, làm tăng vẻ duyên dáng, đằm thắm cho phiên chợ.

Và đúng như lời tiên tri đoán quẻ buổi sáng của sư cô Tráng Nghiêm, chỉ trong vài giờ ngắn ngủi, bao nhiêu bánh trái, đồ ăn đều được khách du xuân trong ngày mưa tiêu thụ tại chỗ hoặc mua về nhà hết sạch.


Ai nấy mặt mày hớn hở, nụ cười “la vache qui rit” đang rộng mở trên mắt, trên môi mọi người. Có lẽ thấy tăng thân Hơi Thở Nhẹ thật dũng cảm và bình an trước mưa gió nên trời cũng cảm phục và không còn dầm dề như sáng nữa. Buổi chiều bỗng dưng trời đẹp lạ lùng, ánh nắng lung linh qua từng cành cây, ngọn cỏ.

Nhờ vậy các trò chơi nhân gian được khởi đầu thật vui nhộn và hào hứng với những phần quà của ban tổ chức. Các trò chơi bịt mắt đập bong bóng, nhảy sạp, tìm đoán người thân qua những nắm tay đã thu hút đại chúng nhiệt tình cổ vũ.

Những người thắng giải được quà cười sung sướng, nhất là các bạn người Pháp, thật vui và hạnh phúc với thành quả mình đạt được!

Đúng 15 giờ, đoàn hát rong cùng nhau trình diễn trong không khí thật ấm cúng, thân tình. Mọi người đều cảm nhận một niềm hân hoan, ấm áp lạ thường. Có lẽ cơn mưa ban sáng đã làm mọi người gắn kết và cảm thông nhiều hơn khi cùng tập trung vào căn lều tâm linh thắm đượm tình huynh đệ.

Cả hai tăng thân Pháp – Việt đều cùng chau chia sẻ những bài hợp ca, đơn ca hoặc ngâm thơ để nói lên niềm hạnh phúc đơn giản bây giờ và ở đây. Mọi người đang thật sự tận hưởng những niềm vui nhẹ nhàng, trong sáng và quý hiếm, vì mỗi năm chỉ có một ngày chợ phiên.

Giờ vui rồi cũng qua mau. Mọi người chuẩn bị chia tay sau màn văn nghệ, riêng các cháu trẻ vẫn còn ở lại để phụ các sư cô dọn dẹp, quét tước. Sự ngăn nắp, chỉn chu và thanh tịnh lại trở về nơi chốn thiền môn.

Qua năm lần chợ phiên, chúng tôi đã tìm ra được một điều tưởng như bình thường nhưng lại quá tuyệt vời của tăng thân. Các sư cô tuy còn rất trẻ nhưng lý tưởng phụng sự luôn đong đầy, nhiệt tình luôn cháy bỏng. Dù bất cứ khó khăn, trở ngại nào nhưng vẫn thấy nụ cười nở trên môi, vẫn thong dong, vững chãi, vẫn giản đơn với nếp sống thiểu dục tri túc chốn già lam. Điều này đã tạo niềm tin yêu và hạnh phúc cho thiền sinh tu tập biết bao nhiêu!

Một tăng thân với những bước đi tuy chậm nhưng vững chắc lại thêm được trẻ hóa bởi người trẻ càng ngày càng đến tu tập đông hơn, năng động hơn. Điểm son nổi bật là sự dấn thân, đóng góp âm thầm không mệt mỏi của các cô chú lớn tuổi cho những việc không tên của đại chúng ở đây và của Làng từ bao năm qua và bây giờ đã có sự tiếp nối xứng đáng.

Mọi người đã biết quên đi cái ta nhỏ bé để hòa vào việc chung của tăng thân, của thiền đường Hơi Thở Nhẹ. Dường như trong mỗi giọt nắng, giọt mưa hôm nay đều chứa chan tình người, tình bạn, tình anh em, tình thầy trò với sâu nặng nghĩa tình, ấm áp thân thương!

Và cứ thế mỗi năm, qua từng phiên chợ xuân, tình huynh đệ của tăng thân Hơi Thở Nhẹ chúng tôi lại thêm đậm đà, bền bỉ, gắn kết keo sơn.


Chợ phiên Xuân đã qua rồi

Mà bao kỷ niệm bồi hồi còn vương!

Ngày 5-5-2015

Viết để thương tặng tăng thân Hơi Thở Nhẹ yêu quý!

Xem thêm hình về Phiên chợ tại Thiền đường Hơi thở nhẹ: https://plus.google.com/photos/118108279222779384136/albums/6144945225712107425?banner=pwa&authkey=CNTFkqmrvoHj4QE