Lễ đối thú khai mạc an cư kiết đông 2024 – 2025 tại Làng Mai Pháp
Những cơn gió nhẹ thoảng qua đưa sắc thu trở về. Trong những ngày này ở Làng, tất cả các người con đệ tử xuất gia cũng như tại gia đều hướng về vị Thầy cao quý – Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong ngày tiếp nối của Người. Trong thông điệp Ngày Tiếp nối, Thầy đã chia sẻ: “Các con phải thực sự tiếp nối Thầy trong từng hơi thở và từng bước chân.”
Với ý thức sáng tỏ đó, sáng ngày 10 tháng 10 tứ chúng Làng Mai đã vân tập về thiền đường Nước Tĩnh, chùa Pháp Vân, Xóm Thượng để làm lễ đối thú, khai mạc khoá tu An cư kiết đông 2024-2025. Ba hồi chuông trống Bát nhã vang lên hoà với không khí trang nghiêm của thiền đường tạo nên một nguồn năng lượng hùng tráng, thu nhiếp thân tâm cho mùa an cư – 90 ngày hạ thủ công phu. Một lòng nguyện trở về thực tập đầu tư vào mỗi bước chân, mỗi hơi thở trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi để thực sự là sự tiếp nối đẹp của Thầy.
Mùa an cư năm nay, tại chùa Pháp Vân – Xóm Thượng có 38 vị Tỳ kheo, 12 vị Sadi, 67 vị cận sự nam, tổng cộng là 117 vị; tại chùa Cam Lộ – Xóm Hạ có 41 vị Tỳ kheo ni, 4 vị Thức xoa ma na, 4 vị sadi ni và 22 vị cận sự nữ, tổng cộng là 71 vị; tại chùa Từ Nghiêm – Xóm Mới có 40 vị Tỳ kheo ni, 2 vị Thức xoa ma na, 1 vị Sadi ni và 17 vị cận sự nam và nữ, tổng cộng là 60 vị. Như vậy, số người an cư tại đạo tràng Mai Thôn trong mùa an cư kiết đông năm nay là 248 vị (142 xuất sĩ và 106 cư sĩ), tất cả đều sẽ an trú, tu tập miên mật trong 90 ngày.
Tri kỷ của Bụt
Trong mùa an cư này, đại chúng sẽ cùng nghe lại những bài giảng của Thầy từ mùa an cư kiết đông 2012-2013 với chủ đề “Tri kỷ của Bụt”. Đại chúng sẽ tận dụng ba tháng an cư quý giá để học hỏi và áp dụng những điều Thầy dạy để thực sự là Tri kỷ của Bụt – Tri kỷ của Thầy. “Bụt dạy chúng ta ai cũng có Phật tính. Như vậy chúng ta ai cũng có khả năng trở thành một người Tri kỷ của Bụt.”
Trong buổi lể đối thú, thầy Pháp Hữu – trụ trì chùa Pháp Vân, Xóm Thượng đã chia sẻ niềm biết ơn sâu sắc vì có cơ hội để được dừng lại và được cùng tăng thân tu tập để nuôi lớn chí nguyện tiếp bước trên con đường thực tập:
“Con cũng ý thức sâu sắc về khổ đau do chiến tranh, thiên tai, bạo động và sự phân biệt đối xử xảy ra ở khắp nơi. Ý thức này nhắc nhở con rằng sự tu tập của chúng ta quan trọng biết chừng nào. Cùng nhau, chúng ta có cơ hội ôm ấp những nỗi khổ niềm đau ấy nơi chính mình và nơi những người khác bằng thương yêu và hiểu biết. Nó làm mới lại cam kết của chúng ta trong sự thực tập chuyển hóa những hạt giống bạo động trong chính mình bằng cách sống như thế nào để “tự thân ta chính là hòa bình” vì tổ tiên, xã hội và các thế hệ tương lai. Bằng cách này, chúng ta có thể góp phần xây dựng một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động.
Mùa an cư là thời gian để chúng ta an trú trong sự có mặt đơn thuần và chánh niệm, vô cùng thiết yếu cho sự tu tập của chúng ta. Đây là cơ hội để chúng ta sống chậm lại, nuôi dưỡng tình huynh đệ, và yểm trợ cho nhau trên con đường chuyển hóa. Trong tinh thần ấy, con nguyện vun bồi sự cởi mở và tâm ban đầu của mình để được nuôi dưỡng và làm mới trở lại.”
Thầy Pháp Ứng, một vị giáo thọ lớn của Làng cũng có những lời chia sẻ động viên, khích lệ tinh thần thực tập của đại chúng trong thời gian ở yên quý giá:
“Đây là giây phút hạnh phúc. Với lý tưởng, chúng ta cùng nhau thực tập nuôi lớn sự bình an trong ta, chúng ta nguyện bước chân nào cũng đặt trong chánh niệm.
Đất Mẹ vẫn luôn có mặt cho chúng ta, nương tựa vào đất Mẹ để đất Mẹ ôm ấp những nỗi khổ của tất cả chúng ta cũng là khổ đau trên thế giới. Chúng ta có khả năng chuyển hoá bằng cách tưới tẩm và gieo trồng hạt giống hoà bình, tình thương trong mỗi người.”
Sư cô Chân Đức, một vị giáo thọ lớn đại diện cho Thầy đã chia sẻ khi nhận lời tác bạch từ sư cô Hội Nghiêm, chùa Cam Lộ, Xóm Hạ: “Mong đại chúng có nhiều tiến bộ trong sự thực tập của mình, để được điều đó chúng ta cần tinh tấn và thực tập hết lòng. Mỗi khi bước lên cầu thang, nếu không có chánh niệm, chúng ta sẽ đi xuống và bắt đầu lại. Chúng ta chọn và cam kết một sự thực tập mà mình có cảm hứng. Cảm ơn đại chúng đã có mặt ở đây và để cùng tu và thực tập trong ba tháng an cư.”
Trong 90 ngày hạ thủ công phu, là thời gian ở yên, thời gian trở về thúc liễm thân tâm, đầu tư vào sự thực tập căn bản hằng ngày qua cách đi, đứng, nằm, ngồi để chuyển hoá những tập khí và vun bồi thêm chất liệu tâm linh trong mỗi người xuất sĩ. Hạnh phúc và may mắn thay khi những người con Bụt vẫn luôn gìn giữ và tiếp nối truyền thống này từ Bụt, từ Tăng đoàn Nguyên thuỷ và từ Thầy. Chúng con đang mang Bụt, Tổ và Thầy đi về tương lai.