Áo nâu phai màu nắng

(Thầy Chân Pháp Ứng)

Ngày 11.12.2023, gia đình xuất gia Con Cá tròn 30 tuổi. Sau 30 năm, số “cá” trưởng thành còn lại hai phần ba, nghĩa là từ sáu vị còn lại bốn vị, hiện giờ đều là những trụ cột của Làng Mai. Thầy Pháp Ứng là một trong bốn “con cá” còn lại, bên cạnh sư cô Thoại Nghiêm, sư cô Định Nghiêm và sư cô Tuệ Nghiêm. Dưới đây là những chia sẻ của thầy Pháp Ứng trong buổi ngồi chơi với BBT nhân dịp này.

Hạt đậu năm xưa hé miệng cười

Trong 30 năm được Sư Ông dạy dỗ và đại chúng dưỡng nuôi, Pháp Ứng có cảm tưởng như mình đi qua gần trọn một chu kỳ. Như một năm có bốn mùa, mùa đông lá rụng, mùa xuân biểu hiện. Pháp Ứng thấy mình trải nghiệm đủ mọi đổi thay.

Trong 30 năm ấy, Pháp Ứng đã trải qua đủ loại lỗi lầm, té xuống rồi đứng dậy, trầy da tróc vảy. Có lẽ nhờ vậy mà Pháp Ứng có cảm giác hoa trái dần dần hình thành, bây giờ hoa mới chớm nở. Pháp Ứng bắt đầu nhận ra, cảm được và có niềm tin nơi vị thầy trong mình. Điều đó quý vô cùng. Nhưng thật ra, đó cũng không phải là một điều gì mới. Cái cảm giác trở về được với chính mình, giống như quay về cội nguồn để rồi tiếp tục đi tới. Có thể đó là tố chất tổ tiên đã trao truyền, bây giờ nó tiếp tục chớm nở. Giống như một chu kỳ được tiếp nối.

Khi Pháp Ứng có ý muốn xuất gia, gia đình vẫn chưa sẵn sàng. Hôm đó Pháp Ứng tủi thân, lên gác nằm khóc. Đang khóc thì bỗng thấy có một vị nét mặt hồng hào, đôn hậu hiện ra, nói: “Con yên tâm đi!”. Nghe vậy, Pháp Ứng thấy lòng lắng xuống… Sau đó không lâu, Pháp Ứng được gặp Sư Ông trong một khóa tu ở Hà Lan. Sư Ông nhìn mặt Pháp Ứng, chắc là “ngáo ngáo” kiểu sinh viên, kiểu gia đình Phật tử, hỏi: “Con muốn làm kỹ sư Phật học không?”. Pháp Ứng nghĩ thầm: “Ủa, kỹ sư Phật học là cái gì? Sư Ông hỏi gì mình không hiểu”. Pháp Ứng ngơ ngơ nhìn Sư Ông, nhưng hạt giống đã được trao truyền, được gửi gắm. Hạt đậu năm xưa hé miệng cười.

 

Gia đình Con Cá sau lễ xuất gia

Chăm sóc sinh diệt là hạnh phúc lớn nhất

Hạnh phúc lớn nhất của Pháp Ứng là chí nguyện đi tu của mình được Sư Ông đáp ứng. Ước nguyện đi tu của Pháp Ứng là tìm ra con đường để có thể vượt thoát sinh diệt. Hồi xưa Pháp Ứng nghĩ tu là để về một thế giới khác, “bye bye” sinh diệt.

Nhưng Sư Ông dạy, mình không cần “bye bye” sinh diệt, mà mình chỉ cần chăm sóc cái sinh diệt. Mình cũng không cần chạy trốn khổ đau, không cần phải đi về thế giới nào khác. Trong đời sống hằng ngày, mình có hạnh phúc, có niềm vui, có chút ít gì cống hiến, mình chế tác thêm hiểu và thương… Nhờ vậy mình chăm sóc khổ đau của mình và của thế giới này. Mình thấy đời sống của mình có ý nghĩa rất rõ ràng.

Pháp Ứng được về với chính mình, tiếp xúc được với con người của mình, hiểu được sự sống theo cái nhìn của tích môn, có sinh có diệt, có những khổ đau. Nhưng đồng thời mình cũng có thể tiếp xúc được với bản môn, không sinh không diệt.

Pháp Ứng thấy mình quá may mắn. Đây là phước đức của tổ tiên tâm linh và huyết thống không biết bao nhiêu đời.

“Gậy của thiền sư”

Trong những năm kề cận Sư Ông để học hỏi và tu tập, Pháp Ứng cũng nhiều lần hứng “gậy của thiền sư”. Thường thường Sư Ông “ra gậy” nhanh lắm, nó đi vô trong lòng mình ngọt xớt, bởi vì bất ngờ quá.

Tính của Pháp Ứng là ít muốn va chạm. Thôi, mọi chuyện hòa cho nó khỏe. Nếu cần xông pha thì mình cũng xông pha, nhưng Pháp Ứng ẩn nhiều hơn là xông pha.

Lần đó Sư Ông dùng cây gậy trong bối cảnh xây dựng tăng thân ở Việt Nam. Pháp Ứng ở Việt Nam, bên này địa cầu, Sư Ông ở bên kia. Sư Ông nói qua điện thoại (thường rất ít khi Sư Ông nói chuyện điện thoại). Sư Ông “quất” một câu! Lúc đó, Pháp Ứng tủi thân vô cùng. Nhưng sau này Pháp Ứng rất biết ơn. Sư Ông muốn cho Pháp Ứng lớn lên, nắm lấy vận mệnh, làm những gì cần làm. Sư Ông cho một gậy giúp Pháp Ứng xông pha, mạnh mẽ, tiến lên nắm chủ quyền trong tay, có tự do, chứ không phải lúc nào mình cũng hòa, kiểu đi theo người khác.

Kiên nhẫn là dấu ấn của tình thương

Hồi đó chưa có trụ trì. Mãi tới năm 1996, xóm Thượng và xóm Mới mới có trụ trì cùng một lần. Trước đó chỉ có chúng trưởng, có tri sự, … thôi. Chắc là Sư Ông muốn đào tạo hay sao mà lúc đó Pháp Ứng còn nhỏ lắm, mới là sadi, rồi tân tỳ kheo mà Sư Ông đã đưa Pháp Ứng vào Hội đồng trưởng lão gồm toàn quý ôn lớn như thầy Giác Thanh, thầy Doji, thầy Xá Lợi Phất, thầy Nguyện Hải. Rồi từ từ không biết sao mà Pháp Ứng “bị” làm chúng trưởng.

Có một lần, ở phần thông báo sau buổi ăn cơm quá đường, Sư Ông nói: “Chiều nay có vấn đáp nha!”. Pháp Ứng “tài lanh” làm chúng trưởng: “Bạch Sư Ông, để chúng con coi lại, để chúng con bàn đã”. Lúc đó cả chúng giật mình, không biết sư chú nào mà gan thế! Chị Tịnh Thủy (sau này là sư cô Quy Nghiêm) ngồi kế bên nói nhỏ với Pháp Ứng: “Sao thầy kỳ quá vậy?!”.

Sau đó Pháp Ứng mới thấm từ từ, chứ lúc thưa với Sư Ông như vậy Pháp Ứng cũng không biết mình đã làm gì sai. Bởi vì lúc đó Pháp Ứng được dạy là hội đồng tỳ kheo bàn bạc theo tinh thần dân chủ, nên Pháp Ứng áp dụng liền. Nghe Pháp Ứng nói vậy, Sư Ông lặng thinh, Sư Ông thở thôi. Bây giờ nghĩ lại thấy thương Sư Ông thiệt.

Sư Ông để im như vậy không biết bao nhiêu năm. Sư Ông rất kiên nhẫn. Phải nhiều năm sau, Sư Ông mới dạy. Anh chàng này rù rù, ngáo ngáo nên phải đợi cho nó chín rồi mới nói.

Nhân dịp hai thầy trò ngồi tại cốc Ngồi Yên, bất ngờ Sư Ông kề sát lỗ tai Pháp Ứng, hình như lỗ tai bên trái, nói một câu: “Làng mình đó con, kết hợp hai yếu tố thâm niên và dân chủ”. Câu nói đó đi thẳng vô lòng. Pháp Ứng quên tuốt chuyện hồi xưa mình lỡ lầm ra sao. Mãi sau này nghiệm lại, ủa sao Sư Ông nói như vậy với mình? Té ra nó có nhân duyên.

Phao cứu sinh

Trong 30 năm, Pháp Ứng đã đi qua nhiều thăng trầm. Những lúc trầm, cái phao cứu sinh của Pháp Ứng là niềm tin, là liên hệ thầy trò, và liên hệ tăng thân. Sở dĩ Pháp Ứng được xuất gia là có sự yểm trợ của tổ tiên chứ không phải vì mình tài giỏi. Như Sư Ông thường nói là nhờ phước đức ông bà, mà cũng là phước đức của tổ tiên tâm linh, trong đó có tăng thân.

Nhìn sâu, Pháp Ứng thấy những thăng trầm của mình xuất phát từ vết thương của gia đình huyết thống, chứ không phải ngoại cảnh làm cho mình như vậy. Khi vết thương biểu hiện, mình có những suy nghĩ này, hoang mang kia, nghi ngờ nọ. Mình không có sự vững vàng. Pháp Ứng tập chấp nhận và kiên trì tìm hiểu cách vận hành của tâm mình. Pháp Ứng biết con đường mình đang đi rất xứng đáng, đúng với ước nguyện của mình. Chính niềm tin đó giúp Pháp Ứng tiếp tục bước. Té xuống lại đứng dậy đi tiếp. Bên cạnh đó, Pháp Ứng chăm sóc vết thương của tổ tiên. Vết thương này sâu quá nên nó cứ biểu hiện từng giai đoạn, nó không dừng lại.

Pháp Ứng may mắn được học rằng không cần phải đợi cho vết thương hoàn toàn được chữa lành thì mình mới có hạnh phúc, mà mình có thể hạnh phúc trong lúc chăm sóc vết thương. Mình không cần phải đi ra ngoài để tìm lối thoát, tìm sự an ủi hay chữa lành.

Có niềm tin làm nền tảng để đi tới, Pháp Ứng thực tập chăm sóc, hiểu và chấp nhận vết thương. Niềm tin này giúp cho mình cảm thấy không đơn độc. Liên hệ thầy trò, liên hệ tăng thân, gốc rễ tâm linh, huyết thống giúp cho Pháp Ứng đứng vững trong những cơn bão. Tức là mình áp dụng được những gì mình học để đi tiếp được. Một mặt mình nuôi dưỡng, một mặt mình chữa lành.

Khi đi tu, Pháp Ứng cũng muốn giúp làm vơi bớt phần nào những khổ đau trong cuộc đời. Nhưng làm gì thì làm, ngay cả chuyện giúp gia đình huyết thống, mình phải có cộng đồng, có tăng thân chứ làm anh hùng “một mình một ngựa” thì… không làm được gì nhiều. Một vị Bụt thôi thì không đủ (One Buddha is not enough).

Trình kệ kiến giải

Mùa thu năm 1994, Sư Ông dạy về kinh Tuổi trẻ và Hạnh phúc (kinh Tam Di Đề). Cuối khóa, Sư Ông đề nghị mỗi người làm một bài thơ, bài hát để trình kiến giải của mình. Tự nhiên Pháp Ứng được “biếu” một bài, không biết từ đâu nữa! Pháp Ứng trình cho Sư Ông và đại chúng. Sư Ông chấm điểm nữa chứ! Sau khi hát xong, thầy Pháp Đăng và Pháp Ứng phải đi khóa tu bên Đức. Khi về, Pháp Ứng nghe kể lại là mình cũng được 7 điểm (cười).

Áo nâu phai màu nắng
Người về đây với Bụt
Cành lá đi in dấu
Quê hương thoáng nhẹ bay
Em có mặt đây
Nuôi dưỡng tôi
Và tôi đang sống yểm trợ em
Từng bước chân bé nhỏ
Cùng chuyển cả đất trời
Ngược dòng và xuôi dòng
Đều nuôi hết cả Làng.

“Thầy ở sau lưng con”

Một bữa thầy trò đi trong rừng, rừng rất đẹp: “Đây là thiên đàng đó con!”. Tới một đoạn đường mòn khá hẹp, Sư Ông nói: “Con đi trước đi”. Pháp Ứng đâu dám. Sư Ông lại nói: “Con đi đi”. Mình đành vâng lời thôi. Pháp Ứng cảm được Sư Ông đang gửi gắm, là Sư Ông luôn có mặt yểm trợ sau lưng mình. Sư Ông có viết câu thư pháp “Thay is behind you” (Thầy ở sau lưng con). Có nhiều sư em chưa được tiếp xúc với Sư Ông, nhưng nếu may mắn thì bằng cách nào đó mình có thể cảm được Sư Ông luôn có mặt yểm trợ cho mình. Dù Sư Ông đã viên tịch thì nguyện của Sư Ông vẫn là “Cùng tăng thân xin nguyện ở lại, nơi cõi đời làm việc độ sinh”.

Sự thực tập của Sư Ông là an trú trong giây phút hiện tại. Hiện tại này là thiên thu, vượt thoát thời gian và không gian. Là đệ tử của Sư Ông, nếu mình chạm được giây phút đó thì mình khỏe lắm. Đã về, đã tới. Khỏe vô cùng. Giống như mình trở về được với gốc rễ. Đó là vốn liếng, là tuệ giác mà Sư Ông muốn mình chạm được.

Một trong những điều mà Pháp Ứng rất biết ơn Sư Ông, đó là khi mới xuất gia, Pháp Ứng chạm tới một nỗi khổ đau lớn, nói không ra lời, một mình mình biết, một mình mình ôm thôi. Các huynh đệ cảm nhận được, nhưng không biết là chuyện gì… May mà có Sư Ông lắng nghe, Sư Ông hiểu và thương mình. Nhờ vậy mình được chữa lành. Mình tiếp nhận tình thương làm hành trang.

Tinh thần vô úy

Phẩm chất nơi Sư Ông mà Pháp Ứng muốn tiếp nối nhất là tinh thần vô úy — không sợ hãi. Chất liệu đó rất cần thiết trong giai đoạn này của đời sống, của con người, của Trái Đất, của tất cả. Có bình an, không sợ hãi, có tinh thần dũng mãnh thì mình lại càng có niềm tin. Niềm tin mình cảm được trong máu trong xương, nó truyền lửa, truyền sức sống, giúp cho mình chăm sóc được khổ đau chứ không phải hy vọng trong tương lai. Đức vô úy, không sợ hãi này mang chất liệu của từ bi, có thể giúp mình đối diện với khổ đau của bạo lực, của sự tàn phá, cuồng loạn.

Bây giờ Sư Ông không còn trong hình tướng quen thuộc để trực tiếp hướng dẫn chúng ta nữa, cho nên bản thân mỗi người cần quay về nuôi dưỡng, chăm sóc mình để làm nền tảng. Chúng ta có chung nền tảng đó, giúp tạo nên sức mạnh. Giống như mình thở cùng một hơi thở, mình đi cùng một nhịp. Như vậy là mình có Bụt, có Tổ, có Sư Ông với mình.

 

Tại Viện Omega, New York, 1996. Nguồn: Simon Chaput

 

Điều quan trọng nữa là làm thế nào để mỗi người cảm thấy thoải mái, được là chính mình trong tăng thân. Nhu yếu đó rất thiết thực. Được là mình trong tinh thần mỗi người cần thời gian để phát triển, để hiểu, để lớn lên, cũng như cần thể hiện, cần được yểm trợ, cần được chấp nhận. Đó là những cái cần. Nhưng tự thân chúng ta cũng cần mở rộng lòng ra cho nhau, tạo chất keo kết nối trong tăng thân đa văn hóa, đa truyền thống này.

Giống như Sư Cố Thanh Quý dạy trong bài kệ truyền đăng cho Sư Ông là hành đương vô niệm diệc vô tranh, cái “vô niệm” quan trọng lắm. Ai cũng có ý niệm về đúng sai. Nhưng theo phương diện siêu đạo đức, chúng ta cần cái vô niệm đó, chấp nhận cả tay trái lẫn tay phải, cả bùn lẫn sen. Phát triển vun bồi những điều tốt đẹp, đồng thời cũng chấp nhận cái chưa tốt đẹp. Mình chăm sóc, mình thương cái chưa tốt đẹp. Yếu tố đó rất cần trong tăng thân. Mình cũng cần thực tập “vô tranh”, chăm sóc ba mặc cảm (hơn, kém, bằng) mà ai cũng có. Đây là hướng mà Pháp Ứng nghĩ chúng ta cần nuôi lớn để thực hiện sự nghiệp giác ngộ tập thể, giấc mơ của Sư Ông.