Thầy và em bé

(Tâm An)

Thầy kính thương,

Những khoảnh khắc xúc động vẫn còn đó trong con, dù những ngày chúng con được cùng nhau có mặt trong các sinh hoạt xuất sĩ trong lễ Đại tường Thầy đã qua. Con muốn kể cho Thầy nghe một chút niềm vui của con trong buổi talkshow (chương trình trò chuyện) của các sư em. Con bước lên thiền đường và nhìn thấy bức hình Thầy ngồi thiệt tự tại với cái micro trên tay, mắt nheo nheo và cười rất thoải mái, lòng con đã rộn vui rồi. Mặc dù đêm qua con gởi cho sư chị con bức hình đó, nhưng sáng lên tới thiền đường nhìn bức hình thật to còn vui sướng hơn nữa Thầy ạ. Mà bức hình đó Thầy đang giới thiệu điều gì về quý tôn đức mà Thầy cười thích thú lắm kìa.

 

 

Lúc sư chị con mời đại chúng cùng nghe chuông và tự viết xuống chữ gì đi lên khi nghĩ về Thầy. Thầy có biết con đã đi lên chữ gì không ạ? Chữ “tâm lý” và “chịu chơi”. Con thấy Thầy là người thầy chịu chơi nhất quả đất, và cũng là người thầy vô cùng tâm lý với các đệ tử. Từng đứa học trò đến với Thầy, Thầy đã dùng “chiêu thức” khác nhau để thu phục, để thương yêu, để sách tấn, để có mặt và nâng niu, có lúc Thầy rất nghiêm, rất cứng rắn, thật dứt khoát, dù chỉ qua một ánh mắt thôi cũng đủ rồi. Nhưng Thầy luôn biểu hiện như một người Ông thương yêu, dịu dàng, chiều chuộng, lân mẫn, có lẽ lúc con về Làng là lúc Thầy đã giao phó trọng trách chăm em cho các sư anh, sư chị lớn để Thầy được làm Ông thưởng thức nét ngơ ngơ của các sư bé thôi.

Con nhớ hoài cái ánh mắt cười vui của Thầy, diễn tả sao cho đủ trong ánh mắt ấy lộ rõ nét tinh nghịch, hồn nhiên, thích thú và con vui lắm mỗi khi bắt gặp nét vui cười trong ánh mắt ấy của Thầy, Thầy ạ.

Thầy có còn nhớ có một mùa Đông, ngày xuất sĩ ở Sơn Cốc, hôm đó Thầy nằm võng sau vườn và chúng con thì xúm xít chơi quanh Thầy. Lần đó ban cắt cỏ sau ngày chấp tác thì dồn đất thành một cái ụ cao cao. Qua một mùa Đông thì rau ngứa mọc quanh ụ đất ấy. Ai nghe tới rau ngứa cũng e ngại vì sợ nó ngứa. Mà nó ngứa thật. Thầy bảo hái rau ngứa phải chánh niệm và chú tâm vào động tác hái mới không bị ngứa. Con đã thử nghiệm sau đó nhiều lần và nó hiệu nghiệm thật. Rau ngứa nấu canh thì ăn rất ngon. Ngày xuất sĩ hôm ấy Thầy đã gọi sư chị T.N ra và bảo “con làm thiền lăn đi con” rồi chỉ khoảnh cỏ chỗ có cái ụ đất ấy. Các anh chị em con được phen cười ngon và thưởng thức pháp môn thiền lăn mới của Thầy. Hồi tưởng lại chuyện ấy con mới thấy Thầy con rất ư là chịu chơi.

Trong buổi talkshow, có sư em nghĩ tới Thầy và nghĩ tới từ “em bé”, vì sư em có rất nhiều em bé bên trong, mỗi đứa một tánh, sư em đã mời từng đứa đi thời khoá và nhẹ nhàng giới thiệu pháp môn thiền ngồi, thiền ăn cho tụi nó. Sư em đã đối diện, đã chăm sóc em bé bị “ghẻ lạnh” bên trong mình, và đồng thời sư em cũng chăm sóc em bé bị “ghẻ lạnh” bên trong mẹ của sư em nơi sư em. Lần đầu tiên ngồi nghe sư em của mình thẳng thắn chia sẻ em bé bên trong, đối diện và chăm sóc em bé ấy, Thầy ơi, lòng con tràn ngập vui sướng. Con vui vì thế hệ của các em rất can đảm đối diện, gọi tên, và chơi được với từng em bé rất nhỏ, rất thơ trong mình.

Sư em nói “không có sự chuyển hoá nào mà không đi qua nước mắt”. Con cũng đồng thời nhận ra “không có niềm hờn tủi, cô đơn, khổ đau nào mà không có phương pháp chữa trị, chăm sóc. Không có em bé nào bị bỏ lại phía sau”. Chỉ cần một chút thời gian, không gian, một chút thương yêu, lân mẫn, từng em bé đều sẽ được chăm sóc đến.

 

 

 

Thầy kính thương!

Con nhận ra rằng trong con có một em bé rất mong manh, rất sợ bị hiểu lầm, bị nghĩ khác. Con ngồi yên và nhớ lại tuổi thơ con từng bị hiểu lầm. Tuy con đã từng trình bày là con không làm như thế nhưng con vẫn bị ba đánh trước mặt người lạ. Từ đó, hễ ai hiểu lầm con, một nỗi sợ hãi âm thầm vẫn đến với con, dù sau này con biết sẽ không ai đánh con nữa. Ngay cả khi lớn lên, vào chùa, mỗi khi bị hiểu lầm, con vẫn rất sợ hãi, có lúc con rất cần giải thích, cần phân minh. Rồi dần dần lớn lên, con không còn muốn làm việc ấy nữa. Thế nhưng, nỗi ám ảnh khi bị người khác hiểu lầm vẫn đeo bám con. Con biết, đó là sự tự tôn của bản thân. Nhưng đó cũng là một cái gì rất “tự ái” âm thầm chi phối bên trong mình. Con nhớ con từng đọc được một câu thế này: “Kẻ sĩ Việt Nam nếu đạt đến tầm quốc sĩ đều nên lấy quốc sỉ làm trọng”. Con chợt nghĩ đến tu sĩ nếu thiếu đi tu sỉ thì sẽ không phân biệt được điều gì nên làm và không nên làm, nhưng nếu để tu sỉ làm điều quan trọng thì dần dà sẽ mất đi phẩm chất quan trọng của một tu sĩ đích thực, có phải không thưa Thầy?!

Con nhớ những ngày tháng của năm 2009-2010, khi nhiều biến cố xảy ra với tăng thân, có huynh đệ đã từng hỏi Thầy rằng: “Vì sao Thầy biết về Việt Nam sẽ xảy ra như vậy mà Thầy vẫn về, vẫn xây dựng tăng thân?” Con nhớ lúc đó Thầy chỉ im lặng, rồi Thầy dạy ban biên tập trang nhà đăng câu chuyện Chàng trai khờ dại, Thầy cũng cho chúng con đọc tập truyện ấy. Thầy bảo: “Chàng trai trong câu chuyện thương cô gái nên hy sinh đôi mắt cho cô gái, dù biết khi mắt sáng, cô gái sẽ phụ chàng. Khi mình thương một cái gì, một điều gì, hay thương một ai thật lòng thì tình thương ấy vô điều kiện, không tính toán, thương chỉ là thương thôi”. Và Thầy nói “Thầy thương quê hương như vậy đó”. Thầy ơi, con biết vì con chưa thương con, con cũng chưa thương người kia đủ nên con mới sợ bị hiểu lầm, sợ bị nghĩ sai, mới cần phải giải thích này kia,… 

Con cũng nhận ra rằng trong con có một em bé mà hễ nhắc đến Thầy là nó tự động phát khởi thương yêu, tự động mềm nhũn ra, tự động long lanh và ấm áp. Và cũng hễ nhắc đến Thầy là em bé ấy cũng giống như Phù Đổng Thiên Vương – vươn vai, oai hùng, là chiến sĩ đầy nhiệt huyết. Và cũng hễ nhắc đến Thầy thì em bé ấy cũng như Tý, như Thạch Lang, quấn quýt và huyên thuyên kể chuyện bên chân Thầy vậy đó.

Buổi talkshow để lại trong con nhiều ấn tượng, nhưng hôm nay con chỉ kể Thầy nghe chuyện đó thôi, con để dành thư sau Thầy ạ.

Thương kính Thầy,

Con của Thầy.