Tăng thân là Thầy
Thầy thương kính,
Mười một rưỡi đêm rồi, con đã trở lại Hà Nội thật là khuya, sau mấy ngày “công phu” sáng tối; lòng con thao thức mãi, không biết con đã có “tay Thầy trong tay con” chưa. Về với Huế, với núi đồi Dương Xuân, con “đi gặp mùa xuân” để “tiếp nhận gia tài”. Mấy ngày này nước mắt cứ lặng lẽ đua nhau rơi, những cơn xúc động cứ dâng lên, chừng như mưa bay buổi sớm, nhẹ như thinh không, mà thấm đủ nhớ thương vơi đầy. Con thấy đi lên trong con một tình thương sâu nặng, một lòng hàm ơn với Thầy, người đưa đường chỉ lối cho con đi trong cuộc đời này. Khi xá Thầy ở thất Lắng Nghe, con lạy xuống, năm vóc sát đất, giây phút ấy, con không biết làm sao tỏ bày cho đủ công ơn của Thầy. Thầy đã nuôi lớn con, nuôi lớn lòng từ và trái tim con, con đã lớn lên bằng sách, bằng pháp thoại và bằng tình thương của Thầy.
Về đến Diệu Trạm, con lên thiền đường Hương Cau để đảnh lễ Thầy. Thiền đường hôm nay trang nghiêm và đẹp quá. Con thầm biết ơn quý thầy, quý sư cô đã hết lòng phụng sự Thầy để các học trò từ phương xa về được thưởng thức thiền vị, được sống trong giây phút hiện tại đẹp đẽ và nhiệm mầu. Thiền đường không chỉ đẹp bằng con mắt nghệ thuật hay bàn tay khéo léo của quý thầy, quý sư cô. Khi con được chiêm ngưỡng cành đào phớt hồng vươn nhẹ đến bức chân dung rất tĩnh lặng và bình an của Thầy, trong khi con được ngắm nhìn “cành lê trắng điểm một vài bông hoa”, thấy bông cúc đồng yêu thích của Thầy, con cảm nhận được tình thương nghìn trùng của quý thầy, quý sư cô gửi gắm trong khi sửa soạn thiền đường. Con thấy được Thầy ở rất gần con, con như nghe được tiếng Huế rất nhẹ của Thầy trong những bài pháp thoại, con thấy được hình ảnh Thầy nâng chén trà lên thưởng thức và ngắm nhìn đại chúng trong những khóa tu mùa hè ở xóm Thượng hay xóm Hạ. Đúng là “đám mây không bao giờ chết”, và con thấy được Thầy trong thiền đường Hương Cau. Cũng ở thiền đường này, lần đầu tiên con được đến Diệu Trạm, tiếp nhận năm giới để chính thức trở thành học trò của Thầy, con đã khóc nấc lên khi tụng bài “Tâm kinh Tuệ giác Qua bờ”. Trong bài pháp thoại, thầy Pháp Khâm có dạy rằng cuộc đời Thầy được thể hiện qua Năm Giới Tân Tu. Trong nhiều hạnh ngộ ở đời, con biết mình đã là người may mắn, bởi “con đã có đường đi”, con đã có Thầy trong từng bước chân và hơi thở.
Thầy kính thương,
Núi đồi Dương Xuân những ngày giáp Tết đẹp quá. Những cây hoa trà trổ bông rực rỡ, một vạt cải được quý thầy cô gieo hạt đã trổ bông làm con nhớ bài thơ “Bướm bay vườn cải hoa vàng”. Đồi thông xanh ngắt in bóng trên nền trời và con đường đất đỏ dập dìu bóng áo nâu của các vị cư sĩ và xuất sĩ, Thầy có thấy các con của Thầy đã trở về với Thầy như giấc mơ năm nào không ạ? Trời lạnh, quý thầy, quý sư cô còn chuẩn bị rất nhiều bếp lửa để những người con của Thầy được sưởi ấm ngày đông. Nhìn thấy bếp lửa hồng, con lại nhớ một bài pháp thoại của Thầy. Thầy dặn bếp lửa hồng là hình ảnh của sự đoàn viên, tình thân ấm áp, là hạnh phúc tròn đầy. “Bếp lửa đó nằm ở đâu? Nó nằm ở đây (Pháp) hay ở bên nhà (Việt Nam)? Có những người trong chúng ta thực sự không có một bếp lửa. Nghĩ tới nhà thì chúng ta không có hạnh phúc. Tại vì chúng ta không có một bếp lửa hồng. Chúng ta chưa thực sự có một bếp lửa.” Những lời của Thầy thực sự là những viên ngọc quý, là gia tài cho con. Mỗi khi thất vọng, mỗi khi buồn, mỗi khi những hạt giống khổ đau nảy mầm, như là “sáng hôm nay hộp diêm của tôi hết rồi/ bếp lạnh như trời cuối thu ướt lạnh/ tác phẩm dở dang còn đó…”. Con lại nương vào tình thương của Thầy, nương vào hơi thở chánh niệm để mà “chỉ cần một hơi thở nhẹ của hồn tôi thôi/ cũng đủ gọi về lửa đỏ” cho lòng mình bình an trở lại.
Thưa Thầy,
Trong ngày quán niệm thứ hai, thầy Pháp Khâm có hỏi đại chúng “làm thế nào để đưa Thầy đi về tương lai”, để tiếp nối Thầy thật đẹp đẽ. Thầy Pháp Khâm còn dặn phải tu học miên mật làm sao cho Sư Ông không “lỗ vốn”, phải trở thành một vị Bụt toàn giác mới xứng đáng với gia tài Sư Ông trao truyền. Câu hỏi lớn quá, mà con còn nhiều vụng dại, con cũng không biết mình làm có nổi không, để Thầy thực sự có mặt trong con và con thực sự “nuôi lớn” được Thầy. Con lại thầm đọc “Tin vui”, để biết “Tin vui nhất vừa mới đến/Là bạn có tính Bụt trong lòng/ Hạnh phúc/ Vững chãi/ Và thảnh thơi/Là những gì bạn và tôi/Đều có thể làm ra được.” Con nguyện ăn cơm trong chánh niệm, bước chân thảnh thơi, nương tựa vào hơi thở và biết nói lời từ ái để trở nên tươi mát và hạnh phúc, như vậy là con có khả năng “đưa thầy về tương lai” một chút chút phải không thưa Thầy?
Thầy muôn vàn yêu quý,
Trong ngày lễ Đại Tường, con được sống trong năng lượng hùng hậu của bốn chúng, con được chứng kiến sự im lặng hùng tráng của mấy nghìn người, con được chắp tay đảnh lễ rất nhiều quý thầy, quý sư cô lớn là đại đệ tử của Thầy. Con cũng thấy mình là con của Thầy. Con cũng thấy mình là học trò của Thầy như hàng nghìn người có mặt ở đây hôm nay và còn rất nhiều nghìn người, triệu người mang ơn Thầy, gọi Thầy bằng tiếng “Thầy” thân thương. Theo văn hóa truyền thống, sau lễ Đại Tường, Thầy sẽ đi về một cõi khác, và ở cõi này, các con có thiếu vắng Thầy không? Con nghĩ là không, dù khi lễ thỉnh Giác linh nhập Tổ đường diễn ra, con nghe thấy nhiều tiếng nức nở hơn và nhiều giọt nước mắt rơi mau hơn. Lòng con biết buồn, nhưng con sẽ học thêm cho cái thấy “có Thầy trong con” ngày một sâu sắc hơn nữa.
Thầy biết không, trong chuyến bay sớm từ Hà Nội vào Huế, con đi một mình. Trời lạnh lắm và con co ro tìm một góc để đợi. Nhưng con nghe thấy mấy tiếng lao xao, con thấy mọi người hỏi và làm quen nhau. Và rồi chúng con tuy là những người xa lạ đã biết “bên trái tôi đây là người tôi thương tôi yêu”, “bên phải tôi đây là người tôi thương tôi yêu”, “trước mặt tôi đây là người thương tôi, yêu tôi”. Lần đầu tiên trong đời con đã biết dang tay ra để ôm một người xa lạ, để biết khe khẽ nắm lấy tay nhau mà hát những bài thiền ca ngay trên máy bay. Tiếng hát nhỏ, như là một hơi thở nhẹ, như là một vạt nắng sớm mà đủ sưởi ấm trái tim và khuôn mặt những hành khách trong chuyến bay hôm nay, “Nay tôi đã về/Nay tôi đã tới/An trú bây giờ/An trú ở đây/Vững chãi như núi xanh/Thảnh thơi dường mây trắng…”. Những người lặng lẽ và kín đáo nhất, cũng đã nở nụ cười để nhận ra nhau. Vậy là tất cả những hành khách trong chuyến bay hôm nay đều đang về đất Tổ, về với Thầy, về nhà với bếp lửa hồng đang đợi. Kỳ diệu quá phải không Thầy. “Tình yêu thương/ đã trở nên bất diệt”. Chúng con biết mình là anh chị em trong một gia đình tâm linh, “đã về, đã tới” và cùng nhau “đi như một dòng sông”. Vậy là “không sinh, không diệt, đừng sợ hãi”. Thầy luôn ở bên chúng con, đúng không Thầy?
Con của Thầy,
Huyền Dương